TRUYỆN KIỀU BẢN 1866
Thay đổi trang: << < 78 | Trang 8 của 8 trang, bài viết từ 106 đến 110 trên tổng số 110 bài trong đề mục
sóng trăng 13.02.2007 15:02:38 (permalink)





3145    Nàng rằng: "Phận thiếp đã đành,

Có làm chi nữa, cái mình bỏ đi!

Nghĩ chàng nghĩa cũ tình ghi,

Chiều lòng gọi có xướng tuỳ mảy may.

Riêng lòng đã thẹn lắm thay,

3150    Cũng đà mặt dạn mày dày khó coi!

Những là âu yếm vành ngoài,

Còn toan mở mặt với người cho qua.

Lại như những thói người ta,

Vớt hương dưới đất, bẻ hoa cuối mùa.

3155    Cũng nhơ giở nhuốc bày trò,

Còn tình đâu nữa mà thù đấy thôi!

Người yêu ta xấu với người,

Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau!

Cửa nhà dù tính về lâu,

3160    Thì còn em đó lọ cầu chị đây!

Chữ trinh còn một chút này,

Chẳng cầm mộc vững thúc giày cho tan!

Còn nhiều ân ái chan chan,

Hay gì vầy cái hoa tàn mà chơi?"

3165    Chàng rằng: "Gắn bó một lời,

Bỗng không cá nước chim trời lỡ nhau.

Xót người lưu lạc bấy lâu,

Tưởng thề thốt nặng cũng nhiều!







Chú Thích:





Câu 3148:
Xướng tuỳ:  do chữ "phu xướng phụ tuỳ", chồng nói vợ theo. Đây dùng để chỉ tình vợ chồng.

Câu 3148:
Mảy may:  một chút ít.

Câu 3150:
Mặt dạn mày dày:  ý nói mặt mày đã dạn dày rồi không còn biết xấu hổ nữa.

Câu 3151:
Âu yếm vành ngoài:  tỏ tình yêu thương mà không đi đến sự giao hoan.
  "Nguyên truyện": Sau khi cùng vào trướng uyên ương. Kim Trọng tỏ tình âu yếm bề ngoài tưởng rằng nàng sẽ nảy lòng ham muốn. Nào ngờ Thuý Kiều, đối với các sự âu yếm bề ngoài thì khắn khít như keo sơn, nhưng hễ nghe nói đến chuyện giao hoan thì lập tức cự tuyệt.

Câu 3156:
Mà thù đấy thôi:  chữ "mà" ở đây chỉ một sự phản ứng. Bản LVĐ, QVĐ và bản TĐ đã chép chữ "mà" thích hợp hơn.
  "Nguyên truyện": Nếu chàng không nghĩ đến sự mây mưa, để cho thiếp quên tình, thì thiếp còn có thể mở mặt một chút để đối với chàng. Ví phỏng cứ nhất quyết lấy việc trước đây mà thiếp đã chịu nhục để làm nhục thiếp, thế thì chàng không phải yêu thiếp mà là thù thiếp vậy.

Câu 3161:
Chữ trinh còn một chút này:  chữ trinh đây theo nguyên truyện là "thụ nhục chi trinh" chứ không chữ trinh của người con gái.
  "Thả thiếp thụ nhục chi trinh, duy tồn thứ nhất tuyến. Thảng lang tất tính thứ nhất tuyến nhi ô diệt chi, thiếp duy hữu cốt hoả hình tiêu, tái bất cảm phục thị cân trất hĩ". = (Vả chăng chữ trinh đã bị nhục của thiếp chỉ còn một sợi nhỏ này, nếu chàng lại làm nhơ đứt mất đi thì thiếp chỉ còn cách xương nát thân tan, chứ không dám cầm cái khăn cái lược để hầu chàng nữa).
 
 
sóng trăng 13.02.2007 15:04:47 (permalink)
 





Thương nhau sinh tử đã nhiều,

3170    Đưa nhau còn thiếu bấy nhiêu là tình.

Chừng xuân tơ liễu còn xanh,

Nghĩ chưa chưa thoát khỏi vành ái ân.

Gương trong chẳng chút bụi trần,

Một lời quyết hẳn muôn phần kính thêm!

3175    Bấy lâu đáy bể mò kim,

Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa.

Ai ngờ lại họp một nhà,

Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!"

Nghe lời sửa áo cài trâm,

3180    khấu đầu lạy trước cao thâm nghìn trùng.

Thân tàn trăn (?) đục khơi trong,

Là nhờ quân tử khác lòng người ta.

Mấy lời tâm phúc ruột rà.

Tương tri nghĩa ấy mới là tương tri!

3185    Chở che đùm bọc thiếu gì,

Trăm năm danh tiết cũng về đêm nay!

Thoắt thôi tay lại cầm tay,

Càng yêu vì nết, càng thương vì tình.

Thêm nến giá, nỗi hương bình,

3190    Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan.

Tình xưa lai láng khôn hàn.

Thong dong lại hỏi ngón đàn ngày xưa.







Chú Thích:





Câu 3172:
Vành ái ân:  vòng yêu thương, đây ý nói đến chuyện vợ chồng chung chăn gối. Cả hai câu 3171-3172 ý Kim Trọng muốn nói rằng Thuý Kiều còn trẻ, nghĩ chưa thoát khỏi được chuyện ân ái vợ chồng.

Câu 3174:
Một lời quyết hẳn:  đây là lời của Thuý Kiều nhất quyết không chịu ân ái vợ chồng, không chịu để mất một chút trinh bạch còn lại.
  "Nguyên truyện": Kim Trọng nghe đoạn lấy làm kinh ngạc mà rằng: "Thế ra hiền thê không phải là hạng con gái tầm thường mà chính là một con người hào kiệt! Nay hiền thê đã lấy tư cách liệt phụ ngàn xưa để giữ mình thì ta không dám vọng cầu nữa". Thuý Kiều nghe đoạn, liền trở dậy nghiêm chỉnh áo quần rồi hường về chàng Kim sụp lạy mà rằng: Kính tạ tri kỷ.

Câu 3176:
Trăng hoa:  chỉ việc trai gái ân ái với nhau. Cả hai câu 3175-3176, ý nói bấy lâu nay vì nặng lời vàng đá nên phải đi tìm khắp nơi chứ đâu phải vì thú trăng hoa.

Câu 3178:
Chăn gốị.. sắt cầm:  cả câu ý nói đâu phải là có chung chăn gối mới là vợ chồng. Trong trường hợp Thuý Kiều, vấn đề tế nhị hơn. Kim Trọng và Thuý Kiều vẫn chung chăn gối, vẫn "âu yếm vành ngoài", vẫn là vợ chung nhưng chỉ không có chuyện ân ái mây mưa thôi.

Câu 3180:
Lạy tạ cao thâm nghìn trùng:  lạy tạ tấm lòng cao cả của Kim Trọng đã xử sự đúng bậc quân tử, khác hẳn "lòng người ta".

Câu 3181:
Gạn đục khơi trong:  ý nói rửa sạch cấn nhơ, cũng như Thuý Kiều tấm thân đã "thừa xấu xa" nay được trong sạch hẳn đi.

Câu 3183:
Tâm phúc:  lòng dạ, ý nói thân tín nhau.

Câu 3183:
Ruột rà:  nói cái tình thân cùng máu mủ.

Câu 3184:
Tương tri:  biết rõ lòng dạ của nhau, bạn thân.

Câu 3186:
Danh tiết:  danh tiếng và tiết tháo.

Câu 3190:
Chén quỳnh:  chén rượu quỳnh tương, chén rượu quí.

Câu 3190:
Giao hoan:  vui vẻ với nhau.

Câu 3191:
Lai láng khôn hàn:  chứa chan trong lòng không cầm giữ lại được, không ngăn lại được (chữ "hàn" la bởi chữ "hạn" chuyển âm sang).

Câu 3192:
Ngón đàn:  cái sở trường về đàn.
 
http://sager-pc.cs.nyu.edu/vnpf/nfkieu.php?page=133&IDcat=153
sóng trăng 13.02.2007 15:07:32 (permalink)
 





Nàng rằng: "Vì mấy đường tơ,

Lắm người cho đến bây giờ lại thôi!

3195    Ăn năn thì sự đã rồi,

Nể lòng người cũ, vâng lời một phen."

Phím đàn dè dặt tay tiên,

Khói trầm cao nét, tiếng đàn gần xa.

Khúc đâu đầm ấm dương hoà.

3200    Ấy là hồ điệp, hay là Trang sinh?

Khúc đâu êm ái xuân tình,

Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên?

Trong sao châu nhỏ duềnh quyên!

Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!

3205    Lọt tai nghe suốt năm cung,

Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao.

Chàng rằng: "Phổ ấy tay nào,

Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?

Thương vui bởi tại lòng này,

3210    Hay là khổ tận đến ngày cam lai?

Nàng rằng: "Vì chút hay chơi,

Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu!

Một phen tri kỷ cùng nhau,

Cuốn dây từ đấy về sau cũng chừa."

3215    Chuyện trò chưa cạn tóc tơ,

Gà đà gáy sáng, trời vừa dựng đông.







Chú Thích:





Câu 3194:
Lầm người:  làm cho người ta khổ sở, thân bị dơ bẩn, không còn giữ được sự trong trắng nữa. Như: "Cát lầm ngọc trắng, thiệt đời xuân xanh". Chữ "lầm" cũng có thể hiểu là gây ra lầm lỗi cho người ta. Bản LVĐ 66 và 71 đã chép là "Lắm người".

Câu 3197:
Tiếng huyền:  ("huyền": dây đàn) tiếng đàn.

Câu 3199:
Dương hoà:  khí dương êm hoà đầm ấm.

Câu 3200:
Hồ điệp:  con bươm bướm.

Câu 3200:
Trang sinh:  tức là Trang Chu. Xưa Trang Chu năm chiêm bao thấy mình hoá làm con bướm. Khi thức dậy, mơ màng không biết mình là bươm bướm hay là Trang Chu.
  Đoạn tả tiếng đàn này từ câu 3199 đến câu 3204 là mượn ý ở bài "Cẩm sắt" của Lý Thương Ẩn (đời Đường).
  Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp,
  Thục đế xuân tâm thác đỗ quyên.
  Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ,
  Lam Điền nhật noãn ngọc sinh yên.
  (Trang sinh sớm mộng hồn bươm bướm,
  Thục đế lòng xuân oán đỗ quyên.
  Trăng tỏ bể xanh châu nhỏ lệ,
  Lam Điền ngọc ấm bốc hơi lên).

Câu 3202:
Thục đế:  vua nước Thục.

Câu 3202:
Đỗ quyên:  ta cho la con cuốc. Xưa vua nước Thục là Đỗ Vũ, hiệu là Vọng đế bị mất nước đã hoá làm con cuốc, thường kêu "quốc quốc" nghê rất ai oán như gợi lòng tiếc nước không nguôi. (Xem thêm chú thích câu 1307).

Câu 3203:
Duềnh quyên:  vũng nước trong sáng đẹp hoặc cso ánh trăng soi. ("quyên": sáng đẹp).

Câu 3203:
Châu nhỏ duềnh quyên:  mượn ý câu thơ "Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ" để tả tiếng đàn nghe thật trong.

Câu 3204:
Hạt ngọc Lam điền mới đông:  mượn ý câu thơ "Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên" để tả tiếng đàn thật ấm.

Câu 3205:
Năm cung:  năm âm, năm bậc trong âm nhạc Trung Quốc.

Câu 3206:
Não nùng:  buồn rầu đau đớn.

Câu 3210:
Khổ tận cam lai:  ("cam": ngọt, "lai": đến) ý nói thời kỳ khổ sở đã qua, thời kỳ sung sướng đã đến. Kiều gảy đàn lần này là lần thứ sáu. Năm lần trước gảy đàn cho Kim Trọng nghe khi gặp gỡ thề nguyền, cho Mã Giám sinh nghe khi bán mình chuộc cha, cho Hoạn thư và Thúc sinh nghe khi phải hầu rượu hai người và cho Hồ Tôn Hiến nghe sau khi Từ Hải chết. Trong suốt năm lần trước tiếng đàn của Thuý Kiều đều sầu thảm chỉ có lần sau cùng tái hồi Kim Trọng thì tiếng đàn mới được vui vầy.

Câu 3213:
Tri kỷ:  đây nói hai người tâm sự với nhau sau khi đã hiểu được tấm lòng của nhau.
 
http://sager-pc.cs.nyu.edu/vnpf/nfkieu.php?page=134&IDcat=153
sóng trăng 13.02.2007 15:10:48 (permalink)
 





Tình riêng chàng lại nói cùng,

Một nhà ai cũng lạ lùng khen lao.

Cho hay thục nữ chí cao,

3220    Phải người sớm mận tối đào như ai?

Hai tình vẹn vẽ hoà hai,

Chẳng trong chăn gối, cũng ngoài cầm thơ.

Khi chén rượu, khi cuộc cờ,

Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên.

3225    Ba sinh đã phỉ mười nguyền,

Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy.

Nhớ lời, lập một am mây,

Khiến người thân thích, rước thầy Giác Duyên.

Đến nơi đóng cửa cài then,

3230    Rêu trùm kẽ ngạch, cỏ trên mái nhà.

Sư đà hái thuốc phương xa,

Mây bay hạc lánh biết là tìm đâu?

Nặng vì chút nghĩa xưa sau,

Trên am cứ giữ hương dầu hôm mai.

3235    Một nhà phúc lộc gồm hai,

Thiên niên dằng dặc quan giai lần lần.

Thừa gia chẳng hết nàng Vân,

Một cây cù mộc, một sân quế hoè.

Phong lưu phú quý ai bì,

3240    VI xuân một cửa để bia muôn đời.







Chú Thích:





Câu 3217:
Nói sòng:  nói thẳng ra. Bản nôm LVĐ và QVĐ chép là "nói cùng".

Câu 3219:
Thục nữ:  người con gái hiền.

Câu 3220:
Phải người sớm mận tối đào như ai:  đâu phải là người trăng gió lẳng lơ, sớm đi với người này tối đi với người khác.
  "Nguyên truyện": Kim Trọng nói: "Tình của ái khanh đây là tình trinh liệt! Vậy ta đâu còn dám mơ tưởng đến tình bất chính nữa". Kiều nghe nói rất đỗi vui mừng. Hai người lại cùng vào trong trướng gấm, âu yếm bề ngoài đủ cách, chỉ trừ một sự mây mưa. Sáng hôm sau trở dậy, hai người cùng ra lậy chào cha mẹ. Kim Trọng đem chuyện tối trước nói cùng Thuý Vân. Thuý Vân lại đem chuyện ấy nói với cha mẹ. Cả nhà đều khen lao không ngớt.

Câu 3221:
Hai tình:  tình cầm cờ và tình cầm sắt tức bạn tình và tình vợ chồng.

Câu 3221:
Vẹn vẽ:  trọn vẹn.

Câu 3222:
Chăn gối:  tình vợ chồng.
  Cầm thơ: đánh đàn và làm thơ ý nói tình bạn bè.

Câu 3225:
Ba sinh đã phỉ mười nguyền:  mọi sự ước nguyện về tình duyên vợ chồng đã được thoả ý.

Câu 3228:
Thân tín:  người thân cận và tín cẩn.

Câu 3229:
Đóng cửa cài then:  Nguyễn Du đã tả cảnh cửa đóng then cài khác với nguyên truyện.
  "Nguyên truyện" viết: "Sai nhân khứ liễu lai hồi, thì đạo am môn đại khai, Giác Duyên sư phụ ảnh dã bất kiến, chỉ kiến Phật tiền hương hạ sáp trứ nhất thiếp kiến tiểu đích nã lai hồi phục lão gia. Kim Trọng tiếp liễu, đồng chúng nhân khán đạo".
  Pháp môn yếu thành thuỷ thành chung,
  Nguyện quân phu thê quí dĩ thân.
  Nhược vấn ngô thân hà xứ khứ,
  Thường bạn cô hạc bán không vân.
  Gia nhân trở về cho biết, khi tìm đến chùa thấy của mở toang, tiến vào bên trong chẳng thấy bóng sư phụ Giác Duyên đâu cả mà chỉ nhìn thấy trước bàn thờ Phật chiếc lư hương có một tấm thiếp. Chúng tôi đem về trình lão gia đây ạ. Chàng Kim cầm lấy tấm thiếp rồi cùng mọi người mở coi thấy bốn câu rằng:
  Cửa thiền vưa thuy

Câu 3232:
Mây bay hạc lánh:  chỉ sư Giác Duyên đi vân du không biết ở đâu mà tìm.

Câu 3235:
Phúc lộc:  phúc lộc là điều tốt lành, lộc là của cải. Ta thường cho nhiều con là phúc và làm quan là lộc.

Câu 3236:
Quan giai:  bậc thang trong quan trường.

Câu 3237:
Thừa gia:  ("thừa": vâng chịu) đảm đang coi sóc việc nhà.

Câu 3238:
Cù mộc:  chữ lấy trong Kinh Thi, bài "Nam hữu cưu mộc" (chữ cưu cũng đọc là cù): Nam hữu cưu (cù) mộc cát luỹ lôi chi = núi nam có cây cong sà xuống, dây sắn dây bìm leo lên.
  Cù mộc là cây cao có nhiều cành lá nên ví với người vợ cả. Đây chỉ Thuý Vân vì nàng là người thừa gia, đã sinh đẻ được nhiều con để nối dõi tông đường.

Câu 3238:
Quế hoè:  tên hai thứ cây. Theo Tống sử. Đậu Vũ Quân có năm người con trai hiển đạt nên người đời khen là Yên Sơn ngũ quế (năm cây quế ở Yên Sơn). Phùng Đạo cũng có câu thơ khen: "Linh xuất nhất châu lão, đan quế ngũ chi phương" (Linh xuân một gốc thọ, quế đỏ năm cành thơm).
  Đời Tống còn có chuyện Vương Hựu trồng ba cây hoè ở sân, con là Vương Đán làm đến chức tam công gọi là "Vương thị tam hoè". Do hai điển trên mà về sau trong văn chương thường dùng chữ "quế hoè" để chỉ nhà có con cháu đông đúc và hiển đạt.

Câu 3240:
Vườn xuân:  ý nói đến cảnh vui vẻ trong gia đình như khu vườn xuân có hoa nở tươi tốt đẹp đẽ.

Câu 3240:
Một cửa:  ý nói một nhà như trong câu: "Một nhà phúc lộc gồm hai. Nhưng một nhà đây là nhà họ Vương hay nhà họ Kim. Nếu theo như trong truyện tả cảnh Kim Trọng cùng với Thuý Vân, Thuý Kiều và các con cái thì lại là họ Kim chứ không phải họ Vương."
 
sóng trăng 13.02.2007 15:14:01 (permalink)
 





Ngẫm hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần phải phong trần,

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

3245    Có đâu thiên vị người nào,

Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.

Có tài mà cậy chi tài,

Chữ tài liền với chữ tai một vần.

Đã mang lấy nghiệp vào thân,

3250    Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Lời quê nhặt gói dông dài,

Mua vui cũng được một vài trống canh.







Chú Thích:





Câu 3243:
Phong trần:  ý nói khổ sở gian truân.

Câu 3244:
Thanh cao:  ý nói phong lưu sung sướng.

Câu 3245:
Thiên vị:  riêng vì, thiên lệch.

Câu 3246:
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai:  câu này và câu trên ý nói ở đời không có người nào mà trời lại thiên vị cho cả "tài" lẫn mệnh. Hai câu này đối chiếu lại với hai câu ở đầu truyện chữ "tài" chữ "mệnh" khéo là ghét nhau.

Câu 3248:
Tai:  những tai nạn, nhưng điều bất hạnh.

Câu 3249:
Nghiệp:  chữ "nghiệp" đây là thân nghiệp tức là các nghiệp do sự hành động của mình mà tạo ra. Người làm điều lành thì có cái nghiệp để báo ứng cho điều ác. Như thế thì xấu hay tốt, dữ hay lành là tự mình làm ra rồi chính mình được hưởng hay phải chịu chứ "đừng có trách trời".

Câu 3251:
Thiện căn:  ("thiện": điều lành, "căn": gốc rễ) cái gốc thiện, cái cội nhân đức.

Câu 3252:
Tâm:  lòng người ta. Đạo Phật cho rằng muôn sự ở đời đều do cái tâm của người ta tạo ra. Nếu người ta giữ tâm cho tốt, chỉ làm điều thiện thì cái nghiệp của mình do kiếp trước truyền xuống cũng nhẹ bớt đi. Nếu người ta không biết giữ tâm cho tốt, chỉ làm điều ác, thì cái nghiệp của mình do kiếp trước truyền xuống sẽ nặng thêm lên và còn dồn xuống kiếp sau nữa. Như Thuý Kiều nhờ có thiện tâm nên cái nghiệp cũng nhẹ đi và lại được hưởng hạnh phúc ở hậu vận. Nguyễn Du để kết thúc Truyện Kiều đã khuyên người ta hãy giữ lấy chữ tâm cho tốt vì:
  "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài".
 
Thay đổi trang: << < 78 | Trang 8 của 8 trang, bài viết từ 106 đến 110 trên tổng số 110 bài trong đề mục
Chuyển nhanh đến:

Thống kê hiện tại

Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
Kiểu:
2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9