Miền kỷ niệm
Sự cợt nhả của số phận đã biến anh từ một người đàn ông phong độ, hài hước dí dỏm thành một sinh vật ký sinh đúng nghĩa của nó. Vì vợ và con gái nhỏ quay lưng lại nên mọi sinh hoạt tối thiểu nhất của một sinh vật, anh đều phải cậy nhờ vào đứa cháu gọi anh là Bác ruột, mặc dù thương anh nhưng rất sợ vợ anh.
Nằm bất động trong căn gác nhỏ anh không thể và không biết làm gì ngoài việc thả trôi ý thức của mình về miền kỷ niệm để vơi đi những trăn trở bất mãn để ráng sống cho qua nốt những ngày tháng khắc nghiệt cuối cùng của một kiếp người.
Ngày mới bị tai nạn anh không ngờ rằng số phận lại hà khắc với anh đến như vậy, nên anh vẫn còn hài hước với bằng hữu khi họ đến thăm “may nhé, thế là các cậu có dịp để hàn huyên với tớ rồi đấy”, “Phen này thì khối cậu đi đầu xuống đất nhé”… Thế rồi cứ từ từ, từ từ, một năm trôi qua, rồi một năm nữa trôi qua, chân rồi đến tay của anh không còn thuộc về anh nữa. Mặc cảm, anh không muốn giao tiếp với bất kỳ ai kể cả những người thân yêu nhất đối với anh, anh không chịu nổi những ánh mắt xót xa thương hại mọi người dành cho anh.
Trong cùng cực bi quan anh cứ tiếc rằng khi chân tay còn cử động được sao không biết để dành một ít thuốc ngủ, hay biết trước cơ sự thế này thì đã ra đi từ sớm chứ đâu để phải khổ thế. Anh đã từng mím môi đến bật máu để nhịn ăn nhịn uống đến lả người, anh đã từng lén nhổ những viên thuốc bệnh, đã từng bật khóc cầu xin đứa cháu giúp anh nhanh chóng được giải thoát khỏi kiếp này. Nhưng trớ trêu thay, tất cả những điều đó chẳng có ý nghĩa gì đối với sự bỡn cợt của số phận, càng mong muốn được chết bao nhiêu thì kỷ niệm về một thời tươi đẹp càng bùng lên dữ dội trong anh bấy nhiêu.
Nhốt mình trong phòng kín, teo tóp như ông già tám mươi trong cái thân xác quắt queo như đứa trẻ mười hai mười ba, anh sợ mọi thứ của cuộc sống nên bắt đứa cháu luôn buông rèm đóng chặt cửa. Trong ánh sáng nhợt nhạt của bóng đèn compac bé tẹo như ngón tay trẻ con, anh không phân biệt được ngày hay đêm và thường xuyên ảo giác về thời thơ trẻ với tiếng gà con chiêm chiếp đến thảng thốt, tiếng U anh với mùi rơm rạ thổi cơm nôn nao, anh thấy mình đen nhẻm trong chiếc quần đùi nâu cùng lũ bạn bêu nắng suốt ngày với đủ trò nghịch ngợm phá phách, từ chui rào vặt trộm những quả mận xanh lè chát xít cả cổ, những quả ổi bé tẹo bằng ngón tay cái, cứng đến gãy răng bọn anh cũng không tha, ăn không được thì đem ném nhau đến u cả đầu. Rồi những buổi tát cá, tát thì ít mà đùa rỡn ghẹo nhau thì nhiều, thi nhau chát bùn lên đầu lên mặt nhau, chán rồi kéo nhau ra sông thì thụp dưới đó đến teo hết cả các đầu ngón chân ngón tay mà vẫn chưa chịu về.
Nhiều ngày đã trôi qua, anh giờ đã tĩnh tâm hơn, biết chấp nhận sự thật hơn và cũng hay trôi về quá khứ hơn. Mấy hôm nay trời trở lạnh, cái lạnh không còn làm chân tay anh tê buốt được nữa nhưng nó hiển hiện bằng cả ngàn con bọ bò luồn ngọ nguậy trong sống lưng làm anh khó chịu nằm không yên, anh thèm được bàn tay thô ráp của U anh xoa lên lưng cho anh như ngày nào anh còn bé, rồi anh nhớ đến cô bạn hồi còn học cấp một trường làng có đôi tay khéo léo thường làm thủ công hộ anh, rồi anh nhớ đến đôi tay của anh với những ngón dài thon thả như bàn tay con gái luôn là đề tài cho chúng bạn ghen tỵ. Anh nhớ cái cảm giác thích thú khi nó chạy trên lưng anh mỗi khi anh ngứa gãi, giá mà nó không bị liệt thì giờ đây anh sẽ gãi một cách thoả thuê, ôi bàn tay của anh! Từ ngày đôi tay mất đi anh luôn bị ảo giác về nó ám ảnh, anh dành hầu hết thời gian trong ngày để nghĩ và nhớ về những đôi bàn tay anh đã gặp. Tẩn mẩn anh chia ra thành hai phái rồi anh chia tiếp thành nhóm tay khô tay ướt, tay mềm tay cứng , tay thô tay đẹp, tay để nhớ tay để ghét, tay trân trọng tay khinh khi, tay yêu thương tay ghê sợ.