:: NĂM HỢI ỦN ỈN CON HEO ::
Viet duong nhan 12.02.2007 07:44:05 (permalink)


NĂM HỢI ỦN ỈN CON HEO

Trần Ðỗ Cẩm
Austin, Texas 2007

Nhân dịp đầu năm Ðinh Hợi, tác giả mạn phép có bài phiếm luận để mua vui lúc xuân về. Luôn tiện, cũng cầu chúc quí độc giả thân mến một năm mới An Lành Thịnh Vượng, Phúc Lộc Song Toàn.

Như thường lệ, bài phiếm luận "tân niên khai bút" này chỉ nhằm mục đích mua vui nhân dịp đầu năm trà dư tửu hậu. Nếu đôi lúc văn chương thiếu bóng bẩy cũng chỉ nhắm vào bọn kém văn hóa "đâm heo thuốc chó" Việt Cộng răng hô mã tấu, dép râu nón cối ngu như ... lợn, đang đưa đất nước lâm cảnh khốn cùng. Còn đối với cộng đồng người Việt khả kính, tác giả lúc nào cũng một lòng "kính nhi viễn chi", nếu chẳng may có sơ sót chỉ là tai nạn ngoài ý muốn, không nhất thiết phản ảnh chủ trương và đường lối cao đẹp của tờ báo.

Nhằm mục đích tìm hiểu cuộc đời ái tình sự nghiệp của loài "ỉn", trước hết, chúng ta sẽ ột ệt đi vào nơi rừng sâu núi thẳm để thăm thủy tổ cùng với họ hàng hang hốc giống Trư Bát Giới, sau đó sẽ nghỉ có "lunch break" bằng cách bàn tới vai trò quan trọng của heo trong nghệ thuật "dĩ thực vi tiên" và cuối cùng nhấn mạnh về mối liên hệ chung sống hòa bình giữa lợn và người. Trong cuộc hành trình tới những cột mốc trên, sẽ có nhiều tản mạn dọc đường dính dáng tới sư phụ heo nọc hầu thay đổi không khí. Vì heo cũng là lợn nên chúng tôi xử dụng hai danh từ này lẫn lộn để làm vừa lòng qúi độc giả cả hai miền Nam, Bắc.

LỊCH SỬ LOÀI HEO

Sau đôi lời phi lộ cho phải phép, mời qúi vị lên đường đi tìm hiểu lịch sử loài heo.
Cũng như những loại gia súc khác như chó, trâu, bò, dê ... thoạt kỳ thủy, heo là loài vật sống hoang dã trong thâm sơn cùng cốc như hiện nay còn thấy rất nhiều heo rừng, nhất là tại vùng nhiệt đới. Thuở xưa, khi nhân loại còn sống trong hang động chưa biết trồng cấy, săn bắt là hoạt động căn bản để kiếm thức ăn. Những con heo rừng bị thương hay bị bắt sống được đưa về hang nuôi nấng để làm thực phẩm dự trữ phòng khi thời tiết mưa gió lạnh lẽo kém thuận lợi, không săn được dã thú. Lâu dần, những con heo này chung sống với người này trở thành thuần thục, sinh sôi nẩy nở trở thành heo nhà. Vì không phải ủi cây cổi để kiểm ăn hay chống lại các muông thú khác, nên da heo cũng mỏng dần, lông thưa thớt đi, răng cũng ngắn lại giống như heo chuồng ngày nay. Tiến trình "gia hóa" này trái ngược với hiện tượng "rừng hóa" của loài dép râu, nón cối, tên nào cũng có bộ răng vẩu hay bàn cuốc cải mả vì phải cạp vỏ cây hay ăn bẩn khi chui rúc trong hang Pằc Pó.

Dựa vào các bộ xương hóa thạch cũng như tranh cổ còn sót trên vách đá của các hang động có người trú ẩn xưa kia, heo rừng đã xuất hiện cách đây khoảng 6 triệu năm tại Âu châu và có lẽ tại nhiều nơi khác trên thế giới. Thủy tổ loài heo là các con lợn rừng rất hung dữ da dầy, răng nanh nhọn dài cả tấc, lông rậm và cứng để chống chọi với các dã thú khác cũng như thời tiết khắc nghiệt. Dần dần, heo được gia súc hóa để làm thực phẩm vào khoảng thời Ðồ Ðá cách đây chừng 8,000 năm, nhiều nhất tại vùng Cận Ðông và Á Châu. Tới thế kỷ thứ 15, heo được đưa qua châu Mỹ trên các tầu buồm của người Tây Ban Nha và Anh khi đi chinh phục thuộc địa. Các thủy thủ đi biển thời đó thường nuôi súc vật sống như heo, dê, trừu để làm thực phẩm dự trữ trong những hải trình dài. Khi gặp đất liền, họ đưa các súc vật mang theo lên bở để trao đổi hàng hóa hay định cư, do đó, nhiều súc vật cũng được "nhập cảng" vào vùng đất mới.

Tên khoa học của loài heo nói chung được gọi là "Sus scrofa" nhưng được chia thành nhiều chủng loại như heo Âu châu, heo Á châu, heo Ấn độ, heo Indonesia v.v… Nói chung, heo thuộc giống ăn tạp, hầu như loại củ, rễ cây, vỏ cây nào cũng có thể là thực phẩm, ngay cả thịt cá hư thối cũng là thức ăn ngon miệng.

Về hình dáng, heo rừng trông nặng nề cục mịch với lông dài đen hoặc nâu mọc dầy trên lưng và hai vai; lông dưới bụng thường ngắn và thưa. Ðặc biệt heo rừng có cặp răng nanh hàm trên rất dài và nhọn dùng để làm vũ khí, có khi lòi ra ngoài miệng cả mấy gang tay trông như cặp sừng voi, do đó có người còn gọi heo rừng là lợn lòi. Nanh hàm dưới ngắn hơn, khoảng bằng nửa nanh hàm trên. Heo rừng rất dữ tợn khi phải chiến đấu tự vệ, ngay cả ác thú như cọp, beo, báo cũng phải kiêng nể. Mõm heo dài và cong lên, tận cùng với hai lỗ mũi lúc nào cũng ướt, là phần nhạy cảm nhất của thân thể, dùng để đánh hơi, hay ủi đất. Tai heo khá lớn hoặc vểnh lên hay cụp xuống. Ngoài đặc điểm nanh dài, heo còn có biệt tài đánh hơi rất bén nhậy, do đó ta thấy mũi heo thường nheo qua nhăn lại, mục đích để tìm thực phẩm. Với tài đánh hơi, heo rừng không bao giờ thiếu thực phẩm vì có thể tìm được cả những rễ, củ nằm sâu dưới đất. Ngoài ra, heo còn rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết.

Nhiều nông dân cho biết họ có thể đoán trời sắp giông bão khi thấy bầy heo xôn xao bất thường và ủi đất hay bụi cây cỏ để làm chỗ ẩn nấp. Do đó, người Âu châu thời cổ cho rằng heo là hiện thân của thần thời tiết giáng trần để giúp nông dân canh tác. Trái với thành ngữ "ngu như heo", loài lợn được coi là khá thông minh và dễ dạy, có thể huấn luyện thành con vật nuôi trong nhà gần gũi với người giống như chó, mèo ...

Heo rừng sống từng đàn, chừng 5 cặp, không kể heo con. Heo đực chỉ hiếu chiến khi phải chống lại các dã thú khác, trong khi heo nái rất hung dữ khi bảo vệ heo con. Heo mẹ mang thai khoảng ba tháng, sanh mỗi lứa chừng mươi con. Heo con lớn rất nhanh, khoảng nửa năm đã trưởng thành, sẵn sàng sinh sôi nẩy nở thành lứa khác. Heo nếu không bị giết thịt sẽ sống chừng mười năm.
Theo sách vở khảo cứu, heo đã là bạn thân của loài người ngay từ thời ăn lông lỗ vì heo dễ nuôi và sanh sản mau. Tuy nhiên, vào thời tiền sử, các sắc dân du mục Tây Phương phải di chuyển luôn nên họ ưa nuôi trừu và dê hơn vì có thể di chuy ển từng bầy dễ hơn lùa một bầy heo đi theo. Nhưng mỗi khi định cư nơi hang hốc nào, các đấng "bohémiens" hay "gipsies" này cũng không quên nuôi một vài con heo để dành ăn thịt khi trái gió trở trời. Riêng đối với các dân tộc Á châu chuyên sổng về nghề nông, định cư cha truyền con nối tại một chỗ hàng ngàn năm, heo là một loài gia súc rất quan trọng. Tại thôn quê Trung Hoa cũng như Việt Nam, thường nhà nào cũng nuôi một vài con heo. Lý do vì nuôi heo tương đổi giản dị, cho ăn rau cỏ, bèo, cám gì cũng được, không cần phải có đồ ăn heo đóng bao trộn vitamin như bây giờ. Heo không những dễ nuôi, lại sinh sản nhiều nên nhà nào cũng nuôi một vài con để làm vốn. Có lẽ vì nuôi heo dễ sinh lợi nên các cụ ta làm những con heo đất để khuyến khích trẻ em để dành tiền gọi là bỏ ống. Sau này, các nước Tây Phương cũng bắt chước có heo bỏ ống để tiết kiệm, gôi là Piggy Bank. Sở dĩ heo được ưa chuộng vì dễ nuôi, sinh sôi nẩy nở rất nhanh, ngoài ra các sản phẩm bắt nguồn từ heo đều hữu dụng như thịt chế biến thành nhiều món ăn ngon miệng, lông làm bàn chải, da làm giầy hay banh bầu dục "pigskin", ngay cả phân cũng dùng để bón ruộng lúa hay vườn rất tốt.

Theo thống kê vào năm 2005 các quốc gia nuôi nhiều heo nhất gồm,Trung Hoa có gần 500 triệu con heo, Hoa Kỳ 61 triệu, Brazil 33 triệu, Việt Nam 27 triệu, Ðức 17 triệu.
Dạo thập niên 1970, để phát triển kinh tế, Miền Nam Việt Nam phát động chương trình khuyến khích nuôi heo. Mục tiêu của chương trình này là mỗi nông dân có một mẫu ruộng, sản xuất 5 tấn lúa và nuôi 2 con heo! Sở dĩ heo được dưa vào chương trình sản xuất nông nghiệp này vì không những thịt heo sẽ mang lại phần bổ dưỡng, mà phân heo được dùng đề bón ruộng lúa hay nuôi cá tra, vì vậy các chuồng nuôi heo thường cất theo lối nhà sàn trên mặt ao để dễ lấy nước tắm heo và rửa chuồng Theo thống kê, mỗi con heo nặng 50 ký sẽ sản xuất chừng một tẩn phân mỗi năm! Dùng phân heo (phân chuồng) có nhiều điều lợi: không cần phải xây nhà máy biến chế như loại phân hóa học, khỏi chuyên chở xa từ nhà máy đến nới tiêu thụ, chẳng cần bình xịt hay dụng cụ bón phân và nhất là khi nào cần, có thể thịt luôn cả "nhà máy" sản xuất phân để làm thực phẩm.

Tại Âu châu, các di tích thời cổ cho thấy heo đã được nuôi ngay từ thời Ðá Mới (neolithic). Loại heo này bắt nguồn từ loài heo rừng có răng nanh dài dữ tợn. Vào thời đó, người ta thường săn heo rừng bằng giáo. Tại Mỹ châu, heo được Kha Luân Bố nhập cảng trong chuyến hành trình lần thứ nhì tìm đất mới. Chỉ sau 13 năm, 8 con heo "nhập cảng" đã sinh sản thành một đàn hàng ngàn con heo rừng. Chúng sát hại nhiều gia súc khác nên dân bản xứ phải dùng chó để săn. Hernando de Soto cũng thả 13 con heo vào vùng Tampa, Florida ngày nay; số heo này sinh sản rất nhanh và lan tràn tới tận vùng Arkansas trở thành loại heo rừng Razorback. Tại Hoa Kỳ, thành phổ Cincinnatti vào năm 1850 trở thành một trung tâm lớn sản xuất thịt heo nên được gọi là vùng "porkopolis" (đô thị heo). Năm 1833, Cincinnatti giết 33,000 con heo, đến năm 1863, con số này gia tăng gấp gần 20 lần!

Kể về tên gọi, tiếng Việt ta chỉ gọi heo là ... heo (người miền Nam). Người Bắc gọi heo là ... lợn. Riêng tiếng Hoa Kỳ thì rất lỉnh kỉnh. Chữ "pig" chỉ được dùng đề gọi loại heo nhỏ dưới 120 lbs, heo lớn hơn được gọi là "hog". Còn người Anh thì bắt chước Việt Nam, gọi chung heo lớn nhỏ là "pig". Tiếng Mỹ còn gọi con heo nái là "sow", heo đực là "boar". Heo nái còn tơ chưa chịu đực gọi là "gilt", heo thiến còn tơ gọi là "barrow". Heo thiến già gọi là "stag". Danh tù "stag movie" để chỉ "phim ảnh con heo" hay XXX bắt nguồn từ chữ này. Theo giới lái heo, trước khi những đấng "heo nọc" được dưa vào lò sát sinh, họ thường "biến" những "lão tướng" lừng danh chiến trận này thành "stag" để thịt đỡ hôi! Kể về các loại heo, bên Việt Nam chúng ta chỉ có một loại thuần nhất, đó là "heo bụng ỏng" tiếng Hoa Kỳ gọi văn hoa là "pot-bellied pig".

Heo Việt Nam tuy nhỏ con nhưng da mỏng, lông mềm "sờ vào mát rượi" như da trái vú sữa! Thịt "heo ta" không nhiều mỡ, nấu thịt kho ngon tuyệt, chỉ mới ngửi không cũng đã đủ "khoái tỉ', chảy nước miếng. Còn tại Tạp Chủng Quốc cũng có tạp chủng heo như giống "Duroc" da đen, lông cứng; thật ra "Duroc" là tên một giống ngựa ở vùng New Jersey gọi là Jersey Red. Tại vùng này có một anh lái ngựa nổi tiếng tên là "Duroc" nuôi nhiều ngựa loại Jersey Red nên sau này người ta gọi giống ngựa này là Duroc. Một giống heo khác đặt tên là Chester White được nuôi nhiều tại hạt Chester thuộc tiểu bang Pennsylvania. Ðây là loại heo có tầm vóc trung bình, dễ nuôi. Berkshire là loại heo da xám, đôi khi có đốm trắng là loại lai heo Á châu, tái vểnh. Tạp chủng heo còn nhiều loại khác như: Hampshire, Landrace, Poland Chia, Yorkshire ... Ða số tên của những loại heo này là tên của những vùng đã sản xuất ra chúng. Trước đây tại Việt Nam cũng đã nhập cảng nhiều giống heo Mỹ, đa số thuộc giống Duroc, Berkshire hay Yorkshire.
Ngoài heo rừng, heo chuồng, heo ta, heo Mỹ v.v… tại Hoa Kỳ còn có "heo người" mà phụ nữ gọi là "male chauvinist pig". Ðây là danh từ bắt đầu thông dụng từ thập niên 60 khi phong trào giải phóng phụ nữ lên cao, được dùng để chỉ những ông tự coi là trên chân, giám coi phụ nữ không có ký lô nào.
Còn "Guinea pig" thật ra không phải tên của một loại heo mà là một giống chuột được dùng để thử thuốc men trong các phòng thí nghiệm. Nghĩa bóng, danh từ này được dùng để chỉ những người bị thí chốt như "dê tế thần".

THỰC PHẨM THỊT HEO
Sau khi thăm thú nhà heo, theo truyền thống cao đẹp "dĩ thực vi tiên" của giống giòng Giao Chỉ, tác giả xin dược lạm bàn về đề tài "Heo và nhậm xà".

Năm hết tết đến, tuy hiện phải sống lưu vong tại nước ngoài, nhưng chúng ta chắc không thể nào quên được tấm bánh chưng, đòn bánh tét, giò chả hay nồi thịt kho cùng với dưa hành, dưa giá. Các cụ ta có câu:"Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh". Thịt mỡ đây là thịt heo. Chúng tôi nhớ dạo còn nhỏ nơi quê hương miền Bắc, cứ mỗi khi Tết đến lòng lại rất nôn nao, không phải chỉ nghĩ tới tiền "mừng tuổi" hay chầu rìa tại các sòng bài bạc, sóc dĩa, mà còn được tham dự những buổi "đánh đụng heo" rất hào hứng. Dân ngoài Bắc vốn rất nghèo nên thông thường khi Tết đến, cả làng chỉ có một, hai đám giết "lợn" là nhiều. Một vài con lợn bị giết, chia lại cho cả làng, gọi là "đánh đụng". Vào những tháng gần Tết, nhà nào có lợn để chuẩn bị giết đã nuôi "vỗ" cho béo tròn bằng cách cho ăn thêm cám trộn với bèo vớt từ dưới ao lên. Ðôi khi thức ăn của lợn còn trộn thêm củ giong hay củ ngái xắt nhỏ phơi khô. Những loại đồ ăn này được trộn chung với cám để nấu trong một nồi lớn gọi là nồi cám heo. Khi chín, cám nổi lên trên mặt đóng thành một lớp dầy màu vàng trông như miếng bánh đa kê. Có nhiều kẻ ăn người làm không được chủ cho ăn no thường phải ăn vụng "cám heo" để đỡ lòng. Nói chung, con lợn sắp bị làm thịt thường là một con lợn thiến vừa ngon thịt, vừa mau lớn. Chắc sau khi trở thành lợn công công thái giám, anh chàng này không còn tơ tưởng tới những mợ heo nái lúc nào cũng thỗn thện bên mình, mặc sức ăn no ngủ kỹ nên bao nhiêu "công lực" đều dành cho bắp thịt nẩy nở chăng?
Vào ngày đánh đụng heo, mọi người đã dậy thật sớm để sửa soạn. Ngoài Bắc vào dịp Tết, tiết trời thường lạnh và có sương mù hay sương muối. Một nồi nước rất lớn đã được bày ra sân, kê trên mấy ông đầu rau. Những người thợ giết lợn đều quây quần quanh bếp lửa ngoài sân chờ nước sôi, vừa nói chuyện mùa màng, tết nhất, vừa hút thuốc lào sòng sọc. Tới khi con lợn bị chọc tiết kêu eng éc, lũ trẻ con chúng tôi mới từ ổ rơm mắt nhắm mắt mở chạy vội ra sân. Tiết heo được hứng vào một chiếc chậu bằng sành, trong có để chút nước muối và lá tre để khỏi bị đông. Con lợn được những tay thợ lành nghề chọc tết, cạo lông, mổ bụng, chỉ trong nháy mắt đã trở thành trắng trẻo, sạch sẽ trên bàn mổ. Bộ đồ lòng được chiếu cố trước tiên, đưa ra bờ ao rửa sạch để làm dồi. Những tiết còn đọng lại trong con heo cùng với thịt bạc nhạc và bộ lòng được cho ngay vào một cái nồi lớn, thường là nồi "ba mươi", để làm nồi cháo lòng. Lũ trẻ con thì tranh nhau xin cái bong bóng dể thổi lên làm trái banh. Khi nồi cháo lòng mầu đỏ nhạt vừa sôi sùng sục trên bếp lửa hồng cũng là lúc thịt lợn đã được chia xong. Thịt được gói bằng lá khoai ngứa (khoai môn) hay lá chuối; ai nấy đều hí hửng, người thì miếng thịt nạc để làm "thịt kho tầu", kẻ thì cái chân giò đề nấu giả cầy. Cái đầu được lóc ra để làm giò thủ. Thịt mỡ chia đều để nấu bánh chưng. Sau đó mọi người xúm vào đánh chén "tiết canh lòng heo", nhậu với rượu tăm chứa trong bong bóng trâu phơi khô.

Khi trời sáng rõ, đám tiệc cũng vừa chấm dứt, ai về nhà nẩy để chuẩn bị làm món ăn Tết cúng gia tiên. Những nhà giầu có thường mua thịt nạc để gói giò lụa, còn dân nghèo cũng cố kiếm được ít thịt bạc nhạc. Theo lời những thợ gói giò và gói bánh chưng chuyên môn, chỉ có thịt heo nóng vừa giết mới có thể làm giò lụa vừa thơm vừa chắc và làm nhân bánh chưng mới ngon. Nhân bánh chưng thường làm bằng thịt ba chỉ, vừa nạc vừa mỡ để khi nấu lên, lớp mỡ tan ra một phần thấm vào gạo nếp khiến cho bánh chưng vừa dẻo vừa mềm dù có để lâu đôi ba ngày.
Vì là quốc gia chuyên về nông nghiệp, trâu bò là những con vật rất quen thuộc với dân Việt trong công việc đồng áng. Tuy nhiên, chỉ có những gia đình giàu có mới tậu được trâu, bò. Riêng heo và gà là những gia súc rất phổ thông, thường nhà nào cũng nuôi để gây vốn hay để làm thịt đãi đằng trong những dịp lễ tết lớn. Nhất là trong những đám cưới, thịt heo là một món ăn không thể thiếu. Trong bài ca dao "Tát nước đầu đình", có những câu:

" … Ðến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho
Giúp em một thúng sôi vò,
Một con lợn béo. một vò rượu tăm ... "


Sôi vò, con lợn béo và vò rượu tăm là những vật sính lễ của nhà trai mang đến nhà gái trong đám cưới hỏi.

Vào những dịp lễ lớn trong làng, heo cũng là con vật bị hy sinh. Trong lúc các cụ Tiên Chỉ hay quan viên kỳ mục trong làng ngồi chiếu trên với cái "thủ lợn" thì dân làng ngồi chiếu dưới dành chén phần thịt còn lại!

Về mặt nấu nướng, thịt heo rất thông dụng vì vừa dễ làm, lại có thể chế biến thành nhiều món như: giò chả, thịt kho, thịt đông, giả cầy ... nhưng món ăn thông dụng và ngon nhất có lẽ là mục "tiết canh lòng heo"!

Nói tới món tiết canh, người ta thường nhắc đến khoản tiết canh heo và tiết canh vịt, đôi khi còn có tiết canh chó, tiết canh dê ... nhưng đặc biệt không ai làm tiết canh gà. Dân nhậu sành điệu quả quyết rằng tiết canh heo là số một vì ăn vừa ngon, vừa có hương vị hơn hẳn tiết canh vịt "lạt lẽo". Dạo trước, dân quê ngoài Bắc đồn đại có những chuyên viên "đánh" tiết canh heo đông đặc đến nỗi có thể "xỏ lạt" xách về nhà! Tiết canh heo có lẽ thông dụng trong giới bình dân vì một con heo có lắm tiết, làm được nhiều đĩa đủ cho cả làng ăn nhậu.
Tiết canh heo tuy ngon, nhưng có nhiều người, nhất là các bà các cô nhiều khi không giám ăn. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm, những vị chê tiết canh lại thường "hẩu xức" món lòng heo, âu cũng dễ hiểu theo luật bù trừ. Lòng heo gồm nhiều món "hầm bà làng" như tim, gan, phèo, phổi, ruột non ... nhưng hấp dẫn nhất phải kể đến mục "dồi". Dân nhậu thường kháo nhau câu truyền tụng để đời:

"Sống trên đời ăn miếng dồi chó,
Chết xuống âm phủ, biết có hay không!"

Quả thật, mỗi buổi chiều đông gió rét, "khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có nhưng đám mây bàng bạc", mùi vị của miếng dồi chó nướng ngoài đầu gió có thể khiến thánh cũng phải thèm nhỏ dãi. Nhất là có thêm cút rượu đế sủi tăm nữa thì thật là tuyệt diệu, có thể quên cả sự đời! Món dồi chó tuy ngon "hết xẩy", nhưng đa số bợm nhậu lại cho rằng khoản "dồi heo" mới là tuyệt đỉnh của nghệ thuật ăn nhậu. Chỉ mới trông thấy những khúc dồi dài, không lớn, không nhỏ mầu nâu đậm tươm mỡ đã khiến Tây cũng phải 'biết tâm linh" hay nhỏ dãi đến chết vì thèm. Món dồi Giao Chỉ được ưóp bằng bốn ngàn năm văn hiến nên hơn hẳn mấy cái "sausage" nhạt nhẽo của ông tây bà đầm. Trên nguyên tắc, "receipe" hay cách làm dồi heo và dồi chó cũng tương tự như nhau, chỉ biến chế đi chút đỉnh như dồi chó có thêm mục lá mơ, đậu xanh ... Nhưng dồi heo sở dĩ đặc biệt hơn, có lẽ nhờ khoản nước chấm. Có người ăn dồi heo chấm với nước mắm ớt, nhưng muốn tận hưởng được hương vị thơm ngon, bùi béo đi vào lịch sử, dồi heo nhất định phải chấm với mắm tôm chanh dầm ớt! Mùi "thum thủm" của mắm tôm, vị chua của chanh, chất cay của ớt khi hòa trộn với cái dòn, cái béo của miếng dồi heo, tạo thành một nhạc phẩm "cổ kim hòa điệu" tuyệt vời vô tiền khoáng hậu, tượng trưng cho văn minh ẩm thực của giống nòi Hống Lạc.

Chúng tôi nghe nói các bà mẹ thời xưa thường bảo nhỏ con gái rằng nếu chẳng may bị chồng chê hay dọa bỏ, cứ việc kiếm món "dồi heo mắm tôm" cho anh chàng hẩu xực, nếu thêm chút "rượu ngà ngà" nữa, cam đoan chồng sẽ mê mệt đến chết! Tuy lời khuyên này không được giải thích theo khoa học, nhưng nhất định phải hiệu nghiệm vì đã được rỉ tai trong giới hồng quần từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Vào thời đại tân tiến ngày nay, nếu nhờ máy "vi tính" phân tích, chúng ta sẽ tìm ra rằng mùi vị đặc biệt của miếng dồi heo chấm mắm tôm chắc chắn sẽ khiến chàng liên tưởng tới hương vị "cơm nhà quà vợ". Hơn nữa, thêm phần "rượu ngà ngà", chắc chắn tiết mục tiếp theo sẽ phải là "cơm no bò cưỡi" để con cu làm hòa. Ðố vị liền ông nào dù ngoan cố đến đâu tránh khỏi sa vào mê hồn trận cổ lỗ sĩ nhưng công hiệu này.

Như vậy, món lòng heo không những là một món ăn "dân tộc" tuyệt hảo, mà còn là bí quyết giữ gìn hạnh phúc lứa đôi phải không qúi vị? Các bà, các cô đã có gia đình nhưng suốt ngày xào xáo lộn xà bần như "nồi cháo heo" hay vị "ghế lão chổng chừa" nếu không tin hãy cứ thử môn bí kíp "dồi heo", cam đoan không hiệu nghiệm sẽ khỏi phải trả tiền. Có điều tác giả xin nhắn nhủ trước, khi chuẩn bị món lòng heo tiết canh trong bếp, quí vị độc giả phái yếu thân mến của bổn báo cần phải giữ vững lập trường dể phân biệt đâu là cứu cánh, đâu là phương tiện, cũng như diện và điểm. Nếu thấy món này quá hấp dẫn mà quên cả ưu tiên, cứ sực trước đi rồi "hạ hồi phân giải", như vậy sẽ hỏng kiểu, bị "ép phê ngược" tới tẩu hỏa nhập ma.

Lòng lợn tuy ngon, nhưng nếu để lâu dễ bị ôi hay "thiu" gây mùi khó ngửi. Dân gian ta có câu tục ngữ ở thể tỉ (ví dụ) rất hóm hỉnh để so sánh món lòng lợn thiu này như những cuộc hôn nhân trái cựa:

"Trai tơ vớ phải nạ dòng
Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu"


Ngay cả lòng lợn mới chấm với nước mắm đã là phản văn hóa rồi vì lòng lợn phải chấm với mắm tôm chanh mới đúng điệu, huống chi lòng lợn thiu lại chấm nước mắm thối, thật là một cung đàn lạc điệu khó tha thứ. Hoặc:

"Trai tơ lấy gái góa chồng
Như mua nồi đồng đem nấu cám heo"


"Nạ dòng" là gái đã có chồng hay đàn bà góa. Tuy nhiên, khi đã yêu nhau thì "thiu thối" cũng thơm tho ra rít phải không qúi vị? Còn nồi đồng là nồi qúi, phải để dánh nấu gạo tám thơm hay nàng hương, nanh chồn thơm phức mới xứng; nấu cám heo chỉ cần dùng nồi đất cũng đã được rồi.

Những người sành ăn thường ca tụng "đầu gà má lợn" cũng như "lợn giò, bò bắp" là những thức ăn ngon. Về thịt, muốn nấu cho ngon, phải có những rau cỏ và gia vị thích hợp, vì vây các bà mẹ thường nhắc mấy cô con gái rượu:

"Thịt chó thì phải có riềng,
Thịt lợn thì phải có riêng món hành
Thịt gà cần phải lá chanh
Tía tô cà chuối mới thành ba ba"


Thức ăn làm bằng thịt heo thật muôn hình vạn trạng, mỗi miền đều có món đặc thù, mỗi người lại biến chế một vẻ. Nhân dịp đầu năm, chúng tôi chỉ xin cống hiến qúi độc giả vài món ăn ngày Tết làm thông dụng, vừa dễ nấu lại ngon miệng.

Vào dịp Tết, dân miền Bắc ngoài bánh chưng, còn có món thịt đông ăn chung với cải nén (dưa cải mặn) và hành nén. Thịt đông được nấu bằng giò heo, lựa giò trước (độ 1kg), 200 gr da heo ướp với bột ngọt, tiêu, muối, nước mắm. Giò heo cạo rửa sạch, cho vào nồi, đổ nước ngập giò, nấu cho nước nóng già, bắt xuống, đổ hết nước. Cho nước lạnh vào ngập giò, nấu chín, vớt giò ra, xắt lát như thịt luộc, bỏ xương, cho thịt trở vào soong nước luộc giò, nêm nước mắm, muối, bột ngọt, nấu cho nhừ. Da heo rửa sạch, nhổ lông, cho vào nồi nước sôi, luộc chín. Ðem da heo ra thái mỏng, cho vào nồi thịt, nấu nhừ. Khi nấu xong, đổ thịt vào khuôn hay đĩa lớn để nguội cho vào tủ lạnh, thịt sẽ đông lại như miếng bánh. Lúc dùng, trút khuôn thịt này ra đĩa, cắt thành miếng nhỏ vừa ăn. Món này ăn lạnh và ăn đầu trong buổi tiệc.

Ðối với người Bắc, ngoài thịt cầy thật, còn có món cầy giả hay giả cầy hấp dẫn không kém. Món này được chế biến bằng thịt heo để làm vừa lòng những người không ăn được mộc tồn, nhất là phái nữ, nhưng vẫn muốn thưởng thức hương vị đặc trưng của cờ tây. Giả cầy tương đương như món nhựa mận nhưng làm bằng chân giò heo thui (đốt) cho vàng đều, xắt miếng chừng vài đốt ngón tay, ướp mẻ, riềng, mắm tôm, để ngập nước mà hầm. Giả cầy ăn với bún Phú Ðô là món ăn ưa thích của người dân Bắc. Các bậc hiền thê muốn được chồng thích chồng mê như điếu đổ, hãy theo công thức gia truyền dưới đây nấu món giả cầy đúng khẩu vị quê hương "cây còn" để đãi gia đình, bè bạn trong dịp Tết. Bảo đảm sẽ thành công, chỉ xin nhớ dành phần cho tác giả một tô xe lửa!

Vật liệu giả cầy chính gồm một chân giò sau nây thịt, thêm vài ba chiếc móng giò. Hai thứ đốt lên cho vàng đều, sau đó thì cạo sạch rửa kỹ. Phần thịt thái miếng bằng bao diêm. Phần móng chẻ đôi, chặt thành khúc nhỏ. Xong xuôi ướp mẻ lọc, mắm tôm rây và riềng củ giã nhỏ. Nếu không có mẻ, dùng tạm sữa chua "yogurt" thay thế. Rưới tí nước màu cho thịt đỡ nhợt rồi ướp gia vị ít nhất một tiếng đồng hồ cho đủ ngấu. Vài giờ sau trút cả vào nồi, đổ ngập nước, đặt lên bếp. Lúc đầu lửa to, sau khi sôi rút bớt lửa. Nước giả cầy phải sền. Nấu xong, múc ra bát to ăn với bún, bên là đĩa lạc rang nóng giòn còn vỏ áo. Hương thơm chân giò nướng đã ninh kỹ trộn hoà với mùi thơm của riềng, của mẻ lúc đang bốc hơi xông lên điếc mũi. Nghệ thuật ở chỗ gốc là thịt heo mà cứ như đang thưởng thức cầy tơ!

Vào đến miền Nam, ngày Tết không thể thiếu món bánh Tét và thịt heo kho nước dừa. Tuy người Bắc có món thịt kho tầu cũng ngon, nhưng thịt heo kho nước dừa mềm, béo và miếng thịt lớn hơn, phản ảnh tính tình rộng rãi và chân thật của dân miền Nam. Tác giả sinh trưởng ở miền Bắc nên rất mê món giả cầy. Lớn lên tại miền Nam, khi còn trong quân ngũ người viết đã có dịp đi nhiều nơi, nhưng cuối cùng vẫn phải quay về vùng Hậu Giang chọn làm quê hương thứ hai cũng chính vì cảm thấy không thể thiếu được món canh chua cá lóc thơm ngon và món thịt kho dưa giá đậm đà như cô gái miền Nam này.

Nguyên liệu để nấu món thịt kho nước dừa gồm thịt bắp đùi heo chừng 3 kg, trứng vịt chừng 15 quả, hành ta 4 củ, dừa xiêm 4 quả hoặc nước dừa tư ơi trong hộp cùng 1 củ tỏi, 5 quả ớt. Thịt cạo rửa sạch, để ráo nước, thái miếng to. Ướp gia vị vào thịt (4 thìa cà phê đường, 3, 5 thìa cà phê muối, 3 thìa cà phê mì chính, 1/8 thìa cà phê ngũ vị hương, hành tỏi giã nhuyễn), để hai giờ cho thấm. Xào thịt cho săn lại. Cho 1/2 thìa cà phê nước màu, 1 bát ăn cơm nước mắm (200g). Khi nước mắm và thịt sôi lên, đổ nước dừa vào nồi. Trứng vịt luộc chín bóc vỏ, cho vào nồi. Thả ớt vào kho chung. Ðun nhỏ lửa, hớt bọt cho đến khi thật mềm là được. Sau khi thịt mềm vừa ý, nêm lại nước kho cho vừa ăn. Trong dịp tết nấu món này dùng với cải chua, dưa giá rất ngon. Ngoài ra, còn cách làm khác dùng thịt ba chỉ loại ngon, nên chọn loại rút sườn, cắt miếng to, dùng dây chuối cột lại cho miếng thịt gọn đẹp. Ướp đường, 1 ít nước mắm ngon, tỏi giã nhuyễn, không ướp củ hành vì sẽ làm cho nước kho không được trong, không ướp ngũ vị hương vì sẽ làm mất mùi đặc trưng của món thịt kho. Sau khi ướp chừng 1 - 2 tiếng đồng hồ, bắc nồi lên bếp cho miếng thịt săn lại rồi mới cho nước dừa vào kho. Chú ý vớt bọt cho nước được trong. Có thể cho trứng vào hay không tùy thích. Nếu muốn đẹp mắt, có thể thắng nước đường cho vàng sau đó lăn trứng đã luộc chín bóc vỏ qua hỗn hợp trên rồi cho vào nồi thịt kho.

Còn món thịt lợn kho dứa (thơm, khóm) mềm là món ăn mặn, dễ làm, ăn kèm cơm trắng rất ngon. Nguyên liệu gồm thịt lợn, 7- 8 lát dứa, cùng với dầu ăn, hành lá, đường, nước mắm, muối. Khi làm, dùng hành lá nhặt rửa sạch, cắt nhỏ, thịt rửa sạch, cắt miếng nhỏ, ướp gia vị, dứa gọt vỏ, bỏ mắt, rửa sạch, cắt lát nhỏ. Sau đó, bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn, đun nóng, cho thịt vào xào qua, thêm nước mắm, chút đường đến khi thịt chín. Tiếp đến, thêm chút nước, cho dứa vào kho tiếp cho thịt mềm, nêm lại cho vừa ăn, cho hành vào nhắc xuống.

Tưởng cũng nên nói thêm, tuy thịt heo là thực phẩm rất thông dụng của loài người ngay từ thời thượng cổ từ Âu sang Á, nhưng bắt đầu từ khoảng 1,000 năm trước Tây Lịch, đa số người Do Thái cổ không ăn thịt heo vì cho rằng sách Cựu Ước dạy phải kiêng cử vì lý do ăn thịt heo nấu không kỹ sẽ bị ngộ độc hoặc sinh bệnh tật như dịch tả và phong cùi. Có kẻ lại nói dân Do Thái chỉ lập dị muốn khác người hay để nhóm Do Thái gần gũi nhau hơn. Hiền triết Plutarch của Hy Lạp kể rằng người uống sữa heo sẽ bị cùi. Huyền thoại Hy Lạp cũng kể vua Teuthras bị lâm bạo bệnh vì giết chết con heo đã nuôi dưỡng thần Artemis nên bị thần trả thù. Vì cho rằng heo không được sạch sẽ nên Anh ngữ ngày nay mới có những danh từ như "dirty pig" hay "filthy as a pigsty". Thoạt tiên người theo Thiên Chúa Giáo cũng kiêng thịt heo, nhưng đến khoảng năm 50 sau Tây Lịch, tục lệ này được bãi bỏ. Giáo chủ Mohamed của đạo Hồi cũng cấm dân Ả Rập ăn thịt heo, do đó, heo không được nuôi nhiều tại vùng có nhiều người Hồi Giáo như Ðịa Trung Hải và tây Á Châu. Ðặc biệt, tại bán đảo Ấn Ðộ có người Ấn theo đạo Bà La Môn kiêng cử thịt bò, chỉ ăn thịt heo, trong khi người Pakistan theo đạo Hồi lại cử thịt heo, chỉ ăn thịt bò, do đó thường xảy ra các cuộc Thánh Chiến, đôi bên khó có thể sống chung hòa bình, tương tự như tình trạng lúc nào cũng căng thẳng giữa Do Thái và khối Ả Rập tại vùng Trung Ðông.

HEO TRONG VĂN CHƯƠNG

"Có thực mới vực được đạo", sau khi ăn uống no nê trong mục ẩm thực, bước qua địa hạt văn học, có thể nói heo là một trong lục súc rất quen thuộc với đời sống của người dân quê Việt Nam. Sự gần gũi này đã được ghi rõ trong những câu ca dao tục ngữ hay những câu ví von phản ảnh sinh hoạt hàng ngày nơi thôn dã. Nói về những món ăn quen thuộc như thịt gà, thịt chó, thịt heo ..., tục ngữ ta có câu sau đây để chỉ rõ những gia vị cần phải có cho mỗi loại thịt:

"Con gà cục tác lá chanh,
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi.
Con chó khóc đứng khóc ngồi,
Bà ơi chợ mua tôi đồng riềng"


Về phần sính lễ nhà trai cần đem tới nhà gái để làm đám cưới , các cụ ta đã nhắc nhở:

"… Một con lợn béo, một vò rượu tăm
Giúp em đòi chiếu em nằm,
Ðôi chăn em đắp, đôi tằm em đeo.
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau "


Ðôi tằm là đôi bông tai. Theo tục lệ xưa, tiền cheo là tiền đàng trai phải nộp cho làng để được phép làm đám cưới. Còn con "lợn béo" cũng bắt buộc phải có để đàng gái đãi quan viên hai họ và các chức sắc, kỳ mục trong làng do đó ca dao còn có câu:

"Nuôi lợn thì phải vớt bèo
Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng"

Một chàng trai tán tỉnh cô gái đi chợ, nói xa nói gần bằng những câu gợi tình bóng bẩy:

"Cô kia đi chợ Hà Ðông
Ðể anh kết nghĩa vợ chồng cùng đi
Anh đi chưa biết mua gì
Hay mua con lợn phòng khi cheo làng"


Theo tục lệ ngày xưa, mỗi khi cưới hỏi, ngoài tiền sính lễ, nhà trai thường phải mang tới nhà gái heo gà để làm tiễc đãi quan viên hai họ, vì vậy con gái trong nhà đôi khi "nạnh" với mẹ về quan niệm "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" như sau:

"Mẹ ơi sinh trai mà chi
Ðầu gà má lợn đem đi cho người
Mẹ sinh con gái như tôi
Ðầu gà má lợn mẹ ngồi mẹ ăn"

Nhưng đôi khi, vì tham tiền tham tiền bạc mà nhiều bà mẹ đã làm lỡ duyên con gái khiến nhiều cô phải than:

"Mẹ em tham thúng sôi dền
Tham con lợn béo, tham tiền cảnh hưng
Em đã bảo mẹ rằng đừng
Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào
Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng?"


Quả thật cảnh đôi đũa lệch cũng oái oăm tội nghiệp khiến giới ghiền màn bạc nhớ lại cặp đào kép Sammy Davis Jr. và cô đào nẩy lửa May Britt của Thụy Ðiển vào dạo thập niên 60. Chàng Sammy người da đen gầy ốm tong teo, mặt mày choắt cheo như con cú vọ, lại nhỏ thó chỉ cao chừng 5 ft, nhưng vì có nghề hát rất hay, lại thuộc băng đảng Dean Martin & Jerry Lewis chơi với cả tổng thống Kennedy của Hoa Kỳ. Còn nàng May Britt dạo đó được coi như trái bom nguyên tử của màn bạc, có đặc điểm của gái Bắc Âu với mái tóc vàng, mắt xanh, cao trên 6 ft cùng những những đường con nẩy lửa. Khi đôi đũa lệch đen trắng này đi dạo phố, chàng Sammy nhỏ con nhẹ ký này coi giống như một tiểu đồng theo hầu nữ hoàng. Cặp này ở với nhau chừng một vài năm rồi đường ai nấy đi, có lẽ vì đũa lệch so mãi cũng không bằng.

Chuyện cheo cưới ngày xưa là một tục lệ đáng yêu, có lẽ nhân dịp hôn nhân của đôi trai gái để làng nước và hai họ đánh chén góp vui cùng cô dâu chú rể. Tuy nhiên, có nhiều cặp trai gái yêu nhau nhưng vì nghèo không đủ nộp cheo đành phải xa nhau, hoặc nếu gắng vay mượn để nộp đủ lệ bộ cho quan viên làng nước thì sẽ phải mang nợ mang nần như anh trai nhà nghèo than:

"Anh là con trai nhà nghèo
Nàng mà thách thế anh liều anh lo
Cưới em anh nghĩ cũng lo
Con lợn chẳng có, con bò thì không"


Sau khi đám cưới, cô gái mới về nhà chồng thường phải "làm dâu" hầu hạ, chiều chuộng, chăm sóc gia đình nhà chồng rất vất vả nhưng vẫn chịu nhiều bất công, vì vậy mới có câu:

"Bố chồng là lông con lợn
Mẹ chồng là tượng mới tô
Nàng dâu mới về là bồ chịu chửi"


Tượng mới tô là bức tượng bằng gỗ hay bằng đất, mới được "tô" màu cho đẹp đẽ, vì vậy phải cẩn thận khi di chuyển và nhẹ tay lau chùi cẩn thận để khỏi bị trầy, còn lông con lợn có gì mà qúi? Có lẽ vì muốn cho chóng lớn cần phải tắm rửa lợn sạch sẽ từ đầu tới lông chăng? Nhưng để bù lại, có những nàng dâu đợt sóng mới, chẳng coi bố mẹ chồng ra cái thống chế gì nên đã mạnh miệng phản pháo:

"Bố chồng là lông lợn hạch
Mẹ chồng là đách lợn lang
Nàng dâu mới về là bà hoàng thái tử"


Lợn hạch nôm na gọi là heo nọc, chuyên hành nghề nhảy nái; mấy anh heo này thịt đã dai mà lông lại hôi như cú không được tích sự gì ngoài tài nhẩy; còn đách là đồ nghề của giống cái như trong câu "chạy long đóc đách", do đó đách của lợn lang … bang coi như đồ bỏ đi. Những người ở nông thôn đều biết, lợn nái cần thật to để đẻ nhiều lợn con; và lợn đực, tức lợn nọc, càng nhỏ càng dễ mang đi mang lại để lấy giống. Như vậy, con lợn nái tuy to gấp cả chục lần lợn nọc, nhưng anh nọc mới là sư phụ vô địch, được chủ đãi đằng "cơm no, bò cưỡi" đã đời cho tới khi hết xí quách! Ngày nay, việc chăn nuôi không cần lợn nọc nữa mà cho thụ tinh nhân tạo nên các anh heo nọc treo mỏ thất nghiệp.

Nhưng nói chung, các con heo nái Việt Nam dù sao cũng biết ăn rau muống, giá, phở, hủ tiếu, bún bò, lại hiền lành hơn loại heo hambuger, hotdog da trắng Dortshire hay da đen Duroc rất nhiều. Loại heo ngoại tuy lớn con, to xác, thân hình lực lưỡng hấp dẫn nhưng chỉ được cái làm biếng ăn no lại nằm. Ðây là bằng cớ dễ thương của nái sề gốc Việt đã được tuyên dương:

"Ðang khi lửa tắt cơm sôi
Lợn đói, con khóc, chồng đòi tòm tem
Bây giờ lửa đã cháy rồi
Lợn no, con nín, tòm tem thì tòm"

Lửa bị tắt lúc nồi cơm đang sôi, nếu không kịp nhóm lại, cơm sẽ bị "trên sống dưới khê, bốn bề nhão nhẹt". Lợn đói, con khóc là vỡ cửa vỡ nhà; lại còn con heo lòng của ông chồng lên cơn đòi tòm tem nữa cũng đang lồng lộn. Toàn là những công tác thuộc loại thượng khẩn, hỏa tốc tới cùng một lúc, thế mà bà nội trợ này giải quyết được êm đẹp, đáng là bà nội của mấy tên chủ tịt nhà nước, thủ tướng chóp bu chỉ biết ăn tiền để mặc nước nghèo dân đói!

Riêng các chàng trai khi cưới vợ lại hay "kén cá chọn canh", đòi hỏi đối tượng phải đẹp, giàu, lại phải "còn duyên". Duyên đây không hẳn là duyên dáng mà là cái xuân còn "din" rất đáng giá của nàng con gái. Vì vậy, anh chàng giao hẹn rằng:

"Còn duyên anh cưới ba heo
Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi"


Thật là bất công và nam nữ bất bình quy ền phải không qúi vị ? Nếu chàng "chauvinist" là trai Việt tỵ nạn, chắc chắn cây hèo cù lẳng của anh ta sẽ mốc meo vì kiếm được nàng nào còn duyên tại hải ngoại còn khó hơn chuyện mò trăng đáy nước, tìm kim đáy biển.

Nhưng sau khi nộp đủ cheo cưới lệ bộ, cuộc đời chưa chắc đã lên hương như mộng tưởng. Nếu gia đình vợ giàu lại kênh kiệu, thế nào cũng có màn ở rể như hầu hạ, làm lụng không công cho nhà vợ mà còn bị bạc đãi ăn cơm thừa canh cặn như các cụ ta đã dạy "ở chuồng heo còn hơn theo nhà vợ."

Ngày xưa nước ta có tục đa thê, một ông thường có hai ba bà, còn tì thiếp, nàng hầu vào ra không kể. Ai cũng tưởng mầy ông nhiều vợ này sung sướng lắm, nay vọc bưởi Biên Hòa, mai mò cua Vàm Láng, mốt nặn vú sữa Bình Dương, nhưng thật sự các đấng trượng phu này thường xuyên chịu cảnh trên đe dưới búa, ra bị bà này lườm, vào gặp mệ kia nguýt, muốn trốn yên một chỗ cho đỡ khổ tấm thân già cũng không yên vì bị bà ba ngắt véo. Một thân xác hom hem mà phải đóng ba bốn thứ thuế thì chịu đời sao thấu? Cám cảnh cá châu chim lồng, mấy ông này lấy kinh nghiệm mình dạy khôn con cháu:

"Một vợ nằm giường lèo
Hai vợ nằm chèo queo
Ba vợ ra chuồng heo mà nằm"

Nói tới chuyện vợ chồng, đám cưới, còn có nhiều mục liên quan đến heo. Những người làm mai mối cho đôi trẻ nên duyên chồng vợ, thường được đôi tân hôn biếu cho chiếc đầu heo để tỏ lòng biết ơn đã giúp đôi trẻ thả giàn làm chuyện con heo hợp pháp. Vì vậy, những ông Tơ, bà Nguyệt thường được gọi là làm nghề "ăn đầu heo". Ngoài ra, sau đêm tân hôn, chàng rể còn phải đưa cô dâu mới về nhà cha mẹ vợ để vấn an nhạc phụ, nhạc mẫu và cũng để người vợ mới cưới đỡ cảm thấy bơ vơ lạc lõng bên gia đình chồng. Trong dịp này, chàng rể thường cho người đội theo một con heo quay để bên vợ đãi tiệc nhị hỉ. Ngoài đặc điểm của một con heo quay ngon như da dòn màu dỏ tươi, thịt vừa chín tới không mềm không cứng, không quá nhiều mỡ ..., đặc biệt đôi tai của con heo quay là điều vô cùng quan trọng, ai ai cũng để ý tới. Nếu con heo còn đủ đôi tai, vểnh lên như hai chiếc quạt gió, đó là dấu hiệu chàng trai cưới được cô gái còn ... Xuân như trong bài thơ của Nguyễn Bính:

"Em như cô gái hãy còn xuân
Trong trắng xuân chưa lấm bụi trần"


Bằng ngược lại, nếu đôi tai heo bị cắt cụt, đây là mật hiệu trong đặc lệnh truyền tin phát thinh không nhằm phổ biến tổng quát cho bà con cô bác, quan viên làng nước biết rằng cô dâu đã vào ... Thu hoặc đã sang Ðông không chừng với hàng tấn bụi trần. Nói khác đi, chàng rể đã lấy phải cô dâu ít ra cũng đã là "second hand"! Nếu tục lệ '"cắt lỗ tai heo" được thi hành tại xứ Mỹ ngày nay, chắc không có một con heo quay nào còn đủ đôi tai trong ngày nhị hỉ!

Heo không những được đề cập nhiều trong những câu ca dao, tục ngữ, mà còn thường được nhắc nhở trong những câu phương ngôn, ví von. Ðể xem tướng người, các cụ ta thường nói:

"Trông mặt mà bắt hình dong,
Con lợn có béo thì lòng mới ngon"


Câu tục ngữ này thật là đúng phóc, nhất là khi áp dụng vào trường hợp xem tướng, mấy trự cán ngố. Hãy nhìn kỹ tên đầu xỏ cáo Hồ. Mặt thì quắt queo như hai ngón tay chéo, mắt sâu như mắt ma xó, râu cằm loe hoe vài sợi, đúng là tướng của kẻ tiểu nhân, nịnh thần, lòng dạ hẹp hòi, nham hiểm chuyên hại dân hại nước. Ngày nay, nhìn tên phó cối con cháu bác đứa nào cũng là chủ nhân của hàm răng cải mả, mặt bủng da chì, cặp mắt láo liên như phường ăn trộm. Trách nào những con heo dơ dáy này có lòng dạ vô cùng hiểm độc, chuyên môn nghĩ kế làm hại đồng bào. Chúng là lũ người lòng lang dạ sói, bẩn hơn heo và cũng ngu hơn ... heo!
Tục ngữ ta còn có câu: "Nói toạc móng heo" để diễn tả những câu nói thẳng, không vòng vo tam quốc. Ðây là lối nhập đè "trực khởi', đi thẳng vào vấn đề không cần rào trước đón sau. Còn những kẻ trung gian, môi giới chuyên mua bán nước miếng được gọi là "mượn đầu heo nấu cháo".

Heo là gia súc dễ nuôi lại mắn đẻ, sinh lợi nhiều giống như gà nên thường được dân ta nuôi, đúng như câu "giàu lợn nái, lãi gà con". Heo và gà đều là biểu tượng của sung túc và giàu có nên ngày trước trẻ con có những con heo đất để dành tiền tiết kiệm cũng giống như "Piggy Bank" của người Mỹ.
Theo kinh nghiệm, nuôi heo thịt hay heo nái đều dễ sinh lợi:

"Lợn bột thì thịt ăn ngon
Lớn nái thì đẻ lợn con cũng lời"


Lợn bột là lợn đực tơ, nếu được thiến thì béo trắng như công tử bột vì không bị hao tổn chân khí cho các nàng heo nái nên bao nhiêu sinh lực đều dồn vào việc phát triển bắp thịt. Ngược lại, mấy anh heo đực rựa chuyên nghề nhảy nái, được tôn là sư phư heo nọc thì thịt vừa hôi vừa dai, chỉ còn xương bọc da. Ðúng là "Tốt mái, hại trống" như các cụ ta thường nhắc.

Tuy nhiên khi mua heo làm giống cần phải lựa chọn kỹ càng. Thời xưa không có các kỹ sư tốt nghiệp trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc để chọn gia súc giống, nhưng kinh nghiệm truyền từ đời này qua đời khác đã cho thấy:

"Con lợn mắt trắng thì nuôi
Những người mắt trắng đánh rồi đuổi đi"

Thời nay, với kỹ thuật nuôi heo tân tiến, chuyện lợn mắt trắng, mắt xanh hay mắt vàng có thể hạ hồi phân giải, nhưng nếu nhìn kỹ những tên thượng tướng, đại tướng dép râu nón cối đều có cặp "mắt trắng dã như mắt lợn luộc" đấy qúi vị ạ.
Tản mạn thêm về "giống" tốt, tục ngữ ta dạy rằng:

"Gà Tò, lợn Tó, vó Vân Ðồn
L. Cổ Am, c. Hành Thiện"

Căn cứ vào câu tục ngữ này, Tò và Tó là những địa danh miến Bắc có giống gà, heo mạnh khỏe dễ nuôi nổi tiếng. Vân Ðồn là cửa biển nơi tướng Trần Khánh Dư đánh thắng giặc Mông Cổ dưới thời nhà Trần, cũng là nơi làm vó rất bền chắc. Phái nữ làng Cổ Am nổi tiếng vượng phu ích tử, vừa khéo chiếu chồng, vừa khéo nuôi con, còn trai làng Hành Thiện ai cũng biết văn hay chữ tốt, đỗ đạt cao.

Tương tự, còn có câu "mây Hòn Hèo, heo Ðất Ðỏ". Hòn Hèo gần Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Ðất Ðỏ là một làng thuộc vùng Bà Rịa, Vũng Tàu.

Vì rất gần gũi với đời sống con người nên ngoài ca dao, tục ngữ, hay ví von, heo còn được "nhân cách hóa" hay nhắc nhở trong những ngành văn chương nghệ thuật dân gian. Cách đây không lâu, mỗi năm vào dịp Tết, tại các phiên chợ vùng quê miền Bắc đều thường có những gian hàng bán tranh Tết. Những bức tranh Tết này mang nhiều màu sặc sỡ, thường vẽ cảnh "kê cúc" (con gà đứng gần bụi cúc) để tượng trưng cho sự an nhàn, gia đình êm ấm. Tranh "lý ngư" (cá chép vượt sóng) mục đích khuyến khích học trò nên chăm chỉ để thi đỗ làm quan đạt được công danh hoặc những bức tranh "đám cưới chuột" màu sắc xanh đỏ rất vui mắt. Heo cũng là một dề tài chính của những bức tranh Tết này. Những bức tranh heo thường vẽ cảnh một bầy heo gồm heo mẹ và nhiều heo con. Tranh heo rất được ưa chuộng trong dịp Tết vì tượng trưng cho cảnh no ấm sung túc, con cái đầy nhà. Tranh dân gian, tranh Tết truyền từ đời này sang đời khác bằng kỹ thuật in bản gỗ, còn gọi là mộc bản. Tranh khắc gỗ dân gian nổi tiếng có: Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (Hà Tây), Nam Hoành (Nghệ An), Sình (Huế), tranh miền Nam, tranh của các dân tộc thiểu số, nhưng lâu đời và nổi tiếng hơn cả là tranh Ðông Hồ.
Làng Ðông Hồ nằm ven sông Ðuống, cách Hà Nội chừng 40 km về phía đông, xưa gọi là Ðông Mại (hay Mái) thuộc tổng Hồ, huyện Siêu Loại, trấn Kinh Bắc (Bắc Ninh), nay là làng Song Hồ, huyện Thuận Thành, Hà Bắc. Trong bài thơ Bên kia Sông Ðuống của thi sĩ Hoàng Cầm viết:

"Tranh Ðông Hồ, gà lợn nét tươi trong,
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
….
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Ðám cưới chuột tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu?"

Về mặt tục lệ, hàng năm vào ngày mồng 6 tết, dân làng Niệm Thượng (xã Khắc Niệm, Tiên Du - Bắc Ninh) theo cổ lệ có lễ Chém lợn tế thần. Tuy là chém lợn, nhưng con lợn tế thần này lại được cung kính gọi là "cụ Ỉn".

Ngay từ rằm tháng tám âm lịch, dân làng đã chọn ra 2 con lợn nhỡ giao cho 2 tráng niên độ tuổi 49 chăm sóc. Ðợi đúng ngay 6 tết, dân làng mở hội rước "cụ Ỉn" ra đình hành lễ. Sau khi trưởng lão của làng thắp hương khấn thần, 2 tráng niên (cũng phải vào tuổi 49), múa đao chém lợn. Nếu lưỡi đao bén ngọt, "cụ Ỉn" ra đi thanh thản, máu xối hết thì đấy là điềm báo vị thần hài lòng. Sau khi hành lễ chém lợn, dân làng chen nhau lấy tiền quệt vào máu lợn rồi mang đồng tiền ấy về nhà thờ. Dân làng Niệm Thượng tin rằng tài, lộc, vận đỏ sẽ được "cụ Ỉn" mang tới suốt năm.

Ngoài tục ngữ ca dao, trong văn chương Việt Nam cũng có nhiều tác phẩm nói đến lợn.
Truyện Lục Súc Tranh Công nội dung kể lại sáu loài gia súc tranh nhau kể công đối với loài người. Heo cho rằng mình có công nhất vì đã là thức ăn chính không thể thiếu trong các buổi lễ lớn như đám cưới, đám cúng giỗ trong giới bình dân. Ngay cả vua cũng cần đến heo khi cúng Nam Giao vì phải có Tam sanh là dê, lợn, trâu. Ngoài ra, hội hè đình đám, quan hôn tang tế cũng không thể thiếu heo.

"Vua ngự lễ Nam Giao đại đột,
Phải có heo mới gọi tam sanh,
Ðừng đừng quen lời nói lanh chanh,
Bớt bớt thói chê ai ăn ngủ,
Kìa những việc hôn nhân giá thú.
Không heo ra, tính đặng việc chi?
Dầu cho mời năm bảy chuyến đi,
Cũng không thấy một người thấp thoáng.
Việc hòa giải, heo đầu công trạng,
Thấy mặt heo nguôi dạ oán thù.
Nhẫn đến khi ngu phụ, ngu phu,
Giận nhau đánh giập đầu, chảy máu.
Làng xã tới lao đao, láu đáu,
Nào thấy ai gỡ rối cho xong,
Khiêng heo ra để lại giữa dòng,
Mọi việc rối liền xong trơn trải.
Phải chăng, chăng phải,
Nghĩ lại mà coi,
Việc quan, hôn, tang, tế, vô hồi
Thảy thảy cũng lấy heo làm trước."


Trong giai thoại về Trạng Quỳnh, cũng có câu chuyện liên quan tới lợn. Trạng Quỳnh nổi tiếng thông minh mẫn tiệp ngay từ thuở nhỏ, nhưng lại rất nghịch ngợm, rắn mắt. Một hôm có người chú tên Cát đã đậu khoa thi Tú Tài nên được mọi người kính trọng gọi là ông Tú Cát đến nhà chơi. Ông Tú Cát là người hơi kênh kiệu, lúc nào cũng muốn khoe danh vị Tú Tài của mình, nhân dịp thấy cháu còn nhỏ mà không biết lễ nghĩa chào hỏi, liền nhéo tai Trạng Quỳnh rồi ra một câu đố, nói rằng nếu đối được thì sẽ không mách tội vô lễ với cha mẹ Trạng. Ông Tú Cát ra câu đối như sau:
"Trời sinh ông Tú Cát"
Câu này tỏ ý hợm hĩnh muốn khoe tước vị Tú Tài của mình. Trạng Quỳnh liền đối lại:
"Ðất nứt con bọ hung"
Về văn tự, Ðất đối với Trời, Hung đối với Cát thật chỉnh; ngoài ra về ý tứ, Trạng tỏ vẻ coi ông Tú không ra gì, chỉ như một con bọ hung là loài vật sinh ra từ đống phân trâu.

Bị nói móc, ông Tú hiểu ý, rất tức giận, liền ra một câu đối khác hiểm hóc hơn:
"Lợn Cấn ăn cám Tốn"
Câu này ngoài ngụ ý chê bai Trạng chỉ biết ăn ngủ như heo, tốn cơm cha mẹ, còn dùng hai hai chữ Cấn và Tốn là hai quẻ trong bát quái "Càn Khảm Cấn Chấn, Tốn Ly Khôn Ðoài". Trạng ung dung đáp lại:
"Chó Khôn chớ cắn Càn"
Ngoài dụng ý mắng khéo ông Tú Cát là chó, Trạng cũng dùng hai quẻ trong bát quái là Khôn (tây nam) để đối với Cấn (đông bắc) và Càn (tây bắc) để đối lại với Tốn (đông nam) thật rất chỉnh cả về lời lẫn ý.
Bị chê bai, ông Tú Cát vừa tức giận vừa thán phục tài ứng đối của Trạng Quỳnh nên từ đó không gây chuyện nữa.

Cùng với chuyện Trạng Quỳnh, văn chương bình dân ta còn có truyện Trạng Lợn.
Tiện đây, chúng tôi ghi lại bài thơ xuân thơ tết cuối cùng của thi sĩ Vũ Hoàng Chương là bài "Vịnh Tranh Gà Lợn", làm vào ngày Tết Bính Thìn, 1976 để đốt nén hương lòng tưởng niệm nhà thi sĩ tài hoa này. Bài thơ được truyền tụng nhờ được truyền khẩu, vì vậy có nhiều dị bản khác nhau, nhiều bản sai lạc, vô nghĩa. Bà Vũ Hoàng Chương đã ghi lại cho chính văn như sau:

"Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành
Gà lợn, om sòm rối bức tranh
Rằng vách có tai, thơ có họa
Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành
Cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh"


Bà Vũ Hoàng Chương ghi chú: Thơ có họa có ba nghĩa: thơ có xướng thì phải có họa, gọi là thơ xướng họa; thơ phản nghịch là tai hoạ; và thơ họa (vẽ) ra tranh. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương nổi tiếng uyên bác, thơ ông thường sử dụng nhiều điển cố. Ðặc biệt bài này ông sử dụng tục ngữ, theo truyền thống Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Bà Vũ Hoàng Chương lưu ý đến những tục ngữ nhu "rừng có mạch, vách có tai ", "xanh vỏ đỏ lòng". Nhưng còn nhiều thành ngữ, tục ngữ khác như "tranh tối tranh sáng", "mắt xanh", "mắt quáng gà", "gà cùng một mẹ", "lợn âm dương", "con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi". "Khúc tân thanh" ngụ ý "đoạn trường". Còn nhiều ý nghĩa, ngụ ý dí dỏm nhưng thâm trầm của từng câu, từng chữ xin độc giả tùy tâm cảm nhận.

Sau khi sáng tác bài thơ này, nhà thơ Vũ Hoàng Chương bị bắt, giam ở ngục Chí Hòa cho tới khi bị mang bệnh nặng mới đưa về nhà. Chỉ mấy hôm sau thi sĩ qua đời ngày 6/9/1976, nhằm ngày 13 tháng 8 năm Bình Thìn, lúc 11 giờ đêm.

Heo cũng được nhắc nhở nhiều trong các pho truyện cổ Trung Hoa. Cuốn Tây Du Ký thuật lại tích nhà sư Trần Huyền Trang tức Ðường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh cũng có nhiều đoạn liên quan đến heo. Nguyên Ðường Tam Tạng có 3 đệ tử là Tôn Ngộ Không, Trữ Bát Giới và Sa Tăng. Trư Bát Giới nguyên cốt là Thiên Bồng Nguyên Soái trên thiên đình, nhưng vì tội uống rượu say, lại chọc ghẹo tiên nữ nên bị trời đầy xuống trần. Bát Giới dầu thai trong bụng một con heo rừng, lấy tên là Trữ Cang Liệp, lập sào huyệt ở núi Phước Lăng, nước Ô Lư.
Sau đây là đoạn Trư Bát Giới tự khai về thân thế của mình:
"Ðầu thai không nhằm nẻo,
Lợn rừng có chửa, sinh.
Lấy tên đèo làm họ,
Trư Cang Liếp thị danh"

Trư Bát Giới vì mê nàng Túy Lan, con gái út của Cao lão nên nằng nặc đòi bắt cô này về làm vợ. Nhân lúc có thầy trò Tam Tạng đi qua, Bát Giới bị Hành Giả bắt và thâu phục làm đệ tử thứ nhì của Tam Tạng. Sau này, Bát Giới cũng lập được nhiều công, nhờ dùng cái mõm dài ủi đường khai lối giúp Tam Tạng sang tới Thiên Trúc. Khi việc thỉnh kinh thành công, Bát Giới được sắc phong thành Phật.

Truyện Tam Quốc Chí được liệt vào hàng "đệ nhất tài tử thư" của Trung Hoa cũng có đoạn đề cập đến chuyện heo và tên gian hùng Tào Tháo. Nguyên sau khi Tào Tháo hành thích hụt tên gian thần Ðổng Trác nên phải bỏ chạy. Trên đường tẩu thoát, Tháo bị quan huyện Trung Mâu tên là Trần Cung bắt được toan giải về kinh. Nhưng sau khi biết được chuyện Tháo mưu giết Ðổng Trác, Trần Cung đâm ra thán phục vì lầm tin Tháo là một trung thần hy sinh thân mình để phò nhà Hán. Sau đó, Trần Cung bỏ huyện cùng Tháo đi về quê lánh nạn.

Dọc đường, Tháo gặp được một người em kết nghĩa với cha mình tên là Lã Bá Xa. ông lão họ Lã đem Tháo và Cung về nhà hậu đãi và còn. dặn riêng người nhà giết heo làm tiệc lớn, nhưng đừng cho Tháo biết. Sau đó ông lên đường đi mua rượu. Ở nhà, Tháo nghe thấy tiếng mài dao và mọi người thì thầm to nhỏ "nhớ mài dao cho bén ..., trói chặt lại" bèn cho rằng ông Lã đã lên đường báo quan lấy thưởng, còn cho người nhà bắt giết mình. Tháo liền tuốt gươm giết chết toàn gia họ Lã. Khi chém giết xong rồi mới nhìn thấy con lợn đang bị trói gô gần đó. Tháo biết mình đã giết lầm người tốt nên cùng Trần Cung bỏ chạy. Dọc đường gặp Lã Bá Xa đi mua rượu về cố cầm giữ Tháo ở lại để ăn thịt heo và uống rượu. Tháo nhất định khăng khăng bỏ đi khiến ông Lã đành về nhà một mình. Ði được một đoạn, Tháo quay lại đuổi theo rút gươm giết luôn cụ Lã. Trần Cung kinh hoàng hỏi Tháo tại sao đã giết lầm toàn gia họ Lã, nay lại giết luôn ông này, như vậy là đại bất nghĩa. Tháo trả lời: "Thôi thà rằng mình phụ người, còn hơn để người phụ mình". Ðúng là miệng lưỡi và khẩu khí của một tên đại gian hùng!

Văn chương Trung Quốc còn nhắc tới chữ chữ "nhân trệ" có nghĩa là "lợn người, phát tích của Lữ hậu, vợ vua Hán Cao Tổ Lưu Bang đời Tây Hán. Lữ hậu tên Lữ Trĩ là vợ của Hán Cao Tổ Lưu Bang, vì ghen với hậu phi Thích Cơ trẻ đẹp hơn nên sau khi Hán Cao Tổ chết, Thích Cơ không người bảo bọc nên Lữ hậu thừa dịp trả thù. Lữ truyền bắt Thích Cơ cùng một số cung nhân trước kia theo Thích Cơ, được nhà vua sủng ái đem ra hành hình rất bi thảm rùng rợn. Lữ bắt họ phải uống thuốc câm, rồi chặt tay chân, khoét mắt, cắt tai, giam vào chuồng xí dơ bẩn. Họ đau đớn quá nhưng bị câm, không thốt ra tiếng người được nữa, chỉ tru lên những tiếng ú ớ u ơ rất thê thảm. Lữ hậu lại bắt mọi người gọi những nạn nhân ấy là lũ "nhân trệ" (lợn người). Thật là ghê gớm khi sư tử Hà Ðông trả thù!

Ngoài ra, còn có truyện ngụ ngôn "Lợn mẹ giết lợn con" như sau:
Họ Tử Xa có con lợn nái sắc đen tuyền, đẻ một lứa ba con, hai con đen tuyền, một con loang lổ. Lợn nái nuôi hai con lợn con giống mình rất chăm chỉ cẩn thận, hơi một tí cũng lo sợ. Còn con lợn loang lổ khác mình thì ghét bỏ, sau cắn chết xé cả gan ruột nát nhừ mới thôi.
Tử Hoa Tử nói: "Gớm thay tâm thuật, hay chuyển di. Mắt đã mờ về kẻ giống mình hay khác mình, thí bụng sanh ngay ra có kẻ yêu, kẻ ghét. Ðã ghét, đến con ruột đẻ ra mà cũng hại cả con mà không hối huống chi là người khác máu với mình. Người đời lúc bình cư, thì âu yếm thân thiết, thề ước cùng nhau, kiên cố tưởng keo sơn cũng không bằng. Khi làm đến thế lợi, chỉ chênh nhau bằng sợi tơ sợi tóc, thì mặt đã đổi sắc, cơn giận nổi lên và tìm cách tàn hại nhau ngay lập tức, gớm thay! Tâm thuật chuyển di, tưởng chẳng khác gì con lợn nái."
Tử Hoa Tử còn bàn thêm lời bàn rằng: Cái thói thường, đồng chủng đồng tông, hay đồng tình, đồng chí thì ưa nhau, mến nhau, còn ngoại giả, thì đem bụng ngờ vực, ghen ghét, coi người ta như cừu địch cả, thực là hẹp hòi đáng tiếc! Người quân tử không bao giờ lấy cái hình sắc khác nhau mà thành bụng yêu hay sinh bụng ghét, lại nhất là, không lấy cái tư tưởng thế lợi trái nhau mà lúc hợp, lúc ly, lúc thân, lúc sơ, lúc thề ước, lúc tàn hại nhau bao giờ. Người ta tuy không cùng nòi giống, cùng tư tưởng, cùng chí hướng với mình, nhưng người ta là hạng quang minh chính đại, mình cũng phải nên có lòng thân yêu, có lượng cao cả để đối với người ta thì mới đáng gọi là yêu đồng bào và trọng nhơn đạo. Nếu không thì tâm thuật lợn nái mất rồi!"

HUYỀN THOẠI VỀ HEO

Vì heo rất nhạy cảm trước sự thay đổi của thời tiết nên huyền thoại xưa nhất bên Tây Phương cho rằng heo là hóa thân của Grothar là Thần Thời Tiết, do đó, nông dân muốn mưa thuận gió hòa thuận lợi cho việc trồng cấy phải chăm sóc heo cẩn thận. Dân vùng Sarvon tin rằng Thần Thời Tiết đã sai giống heo xuống trần để báo trước cho họ những thiên tai làm hại mùa màng như nắng hạn, mưa dầm, hay băng giá lạnh lẽo. Các đạo binh thời cổ La Mã thường giết heo tế cờ trước khi xuất trận.

Tại Ai Cập, Nuut có hình một con heo nái đang chăm sóc đàn con được coi là nữ thần của bóng đêm và là mẹ của các vì sao. Heo được dùng để cúng nữ thần Isis, trong khi người anh và cũng là đối thủ của thần tên là Seth lại là con heo đen. Ác thần Seth có lần đã dùng cặp nanh húc lòi mắt thần Mặt Trăng Horus khiến trăng bị mất ánh sáng trong những lần nguyệt thực, vì vậy họ tin rằng khi có nguyệt thực là lúc ác qủi tràn ngập cõi trần và những kẻ xấu khi tái sinh sẽ bị biến thành heo. Người cổ Ai Cập cho rằng heo rừng là hiện thân của ác thần Seth, do đó cử không ăn thịt heo. Trong khi dân Á Châu coi heo là tượng trưng cho thịnh vượng và giàu có thì dân Ai Cập và Phi Châu lại nghĩ cho rằng heo là giống vật bẩn thỉu, tượng trưng cho kẻ ác, xấu xa.

Theo huyền thoại Hy Lạp, thần Zeus được một con heo nái nuôi, nhưng có truyền thuyết khác cho rằng do dê nuôi. Ngoài ra, heo còn được dùng để cúng tế Demeter, mẹ của thần cai quản âm giới Persephone. Mỗi năm vào mùa thu trong hội lễ Thesmophoria, dân thờ phượng lùa một bày heo vào hang động mê cung, sau đó quay lại để xem thần có nhận của lễ hay không bằng cách coi kỹ những xác heo. Tục thờ kính này được truyền sang La Mã dưới hình dạng nữ thần Ceres trông coi về lúa hạt nông phẩm, và tục dùng heo tế thần vẫn được tiếp tục. Heo cũng được dùng để cúng tế thần Hercules, Venus và Pares mỗi khi cầu cho khỏi bệnh. Trong huyền thoại mười năm phiêu lưu của Odysseus sau trận đánh thành Troy, có lần nữ phù thủy Circe bắt cả thủy thủ đoàn cầm tù và biến họ thành heo trong bảy năm liền.

Thần thoại Hy Lạp còn kể chuyện Heracles (Hercules) bắt con heo rừng hung dữ tại núi Erymanthos là chiến thắng thứ tư trong mười hai kỳ công. Vì heo rừng này rất mạnh bạo đã gieo nhiều tai họa không ai trừ nổi nên Heracles phải vấn kế Chiron là một nhà thông thái và được cồ vấn là phải dụ heo rừng vào chỗ có nhiều tuyết để heo bị sa lầy thì mới bắt được. Theo lời Chiron, Heracles lập trận bắt heo rừng vào giữa mùa đông và thành công, sau đó trói lại đem về. Thấy con heo to lớn và dữ tợn quá, mọi người sợ hãi chạy trốn và yêu cầu Heracles giết con heo. Hiện nay, trên các đồ gốm cổ Hy Lạp còn vẽ lại cảnh Heracles bắt heo rừng này.

Cũng trong thần thoại Hy Lạp còn có con heo rừng tại Calydon vùng Aetolia là một quái vật do thần Artemis tạo ra để thử thách các dũng sĩ vùng núi Olympia. Vì con heo quá hung dữ nên mọi người, ngoại trừ Heracles đã lập chiến công riêng biệt bằng cách bắt con heo tại Erymanthos, phải hợp sức nhau săn bắt mới giết được. Sự tích săn heo này được nhiều sách vở và tranh ảnh Hy Lạp ghi lại dưới đề tài "Cuộc săn heo tại Calydon".
Chúng ta nên nhớ vào thời cổ La - Hy, ngoài biểu tượng sinh sôi nẩy nở và giàu có, heo rừng còn được coi là dũng sĩ tượng trưng cho lòng can đảm và quyết chiến vì xung trận rất hăng hái nhờ cặp nanh nhọn sắc và rất khó bị giết với làn da dầy che chở thân mình. Do đó, hình ảnh của heo rừng thường được dùng để tưọng trưng cho các dũng sĩ, ngay cả trong giấc mơ. Thí dụ như giấc mơ thấy con heo rừng bị giết là điềm báo trước cái chết của Tristan, một chiến sĩ rất can đảm. Vì những liên quan mật thiết trên, ngày nay chúng ta còn tìm thấy rất nhiều hình tượng heo rừng xen lẫn với tranh ảnh của các đạo tinh binh Hy Lạp thời cổ.

Ðặc điểm của heo rừng là cặp nanh dài và nhọn và đây cũng là biểu tượng cho sức mạnh và thần lực. Dân Anh thời xưa cho rằng đạp lên nanh heo sẽ bị chết. Vua Arthur có lần phải chiến đấu với heo có nanh vàng và bạc. Ngay cả ngày nay tại vùng Ðông Nam Á, các sắc dân Thái, Miên, Lào và cả Việt Nam vẫn còn tin rằng người đeo nanh heo rừng sẽ trừ được tà ma qủi quái, hoặc dao chém, súng bắn cũng không thủng. Do đó, một số bà mẹ thường kiếm nanh heo rừng đưa tới tiệm nữ trang bịt vàng rồi đeo vào cổ con; lính tráng cũng thường hay đeo nanh heo rừng để mong ếm được súng đạn.

Tại Ba Tư, heo rừng rất được qúi trọng vì gan dạ nên đôi khi chữ Boraz hay Goraz có nghĩa là heo rừng được thêm vào tên người để ám chỉ đức tính can đảm.

Heo rừng xung trận rất hăng hái nên được Hoàng Ðế Richard III nên Anh chọn làm biểu hiệu. Ðạo binh của thành phố Eberbach bên Ðức cũng dùng phù hiệu heo rừng, có lẽ vì Eber tiếng Ðức có nghĩa là heo rừng. Bên Bỉ, heo rừng được coi như con thú tượng trưng cho khu rừng Ardenne nằm về ranh giới phía Nam. Lữ Ðoàn Bộ Binh số một của Bỉ mang tên Chasseurs Ardennais (thợ săn Ardenne) mang phù hiệu đầu heo rừng trên mũ.


Tại Ðông Phương, người Nepal thờ phượng nữ thần mặt heo Varahi hay Barahi là thần che chở các đền đài chùa miếu. Nữ thần này hóa thân thành bốn vị thần linh khác bảo vệ bốn cửa vào thung lũng Kathmandu. Thần Vajravarahi màu đỏ bảo vệ phương Tây và đặc biệt coi sóc gia súc. Thần Nilavarahi màu xanh bảo vệ phương đông. Thần Swetavarahi bảo vệ phương nam, trong khi thần Dhumbarahi màu xám bảo vệ cửa bắc và ngăn chận các bệnh dịch. Các vị thần này đều mang mặt heo.

Nữ thần Ấn Ðộ Durga mặt heo, biến thân của Vajrabarahi bên Nepal, được coi là thần chiến thắng bọn ác qủi. Hàng năm, dân Ấn tổ chức lễ hội Naava Ratri (Chín Ðêm) để kỷ niệm 9 lần chiến thắng của ngài. Trong trận đấu thứ tám chống lại qủy vô thần, Durga đã hóa thân thành con heo rừng Vahara, dùng nanh đâm chết đối thủ. Durga còn được coi là vị nữ thần duyên dáng, nhiều tài phép và rất tình cảm. Theo sách Bhagavad Gita, thần Indra là vua của các vị thần có lần bị biến thành heo vì vô lễ với sư phụ Brihaspati. Thần Vishnu trong dạng hóa thân thứ ba là một con heo hay đầu heo mình người có bốn tay, cầm một bánh xe, một vỏ sò, một thanh gươm và một đóa sen. Thần mặt heo Vishnu có công nâng trái đất lên khỏi mặt nước khi bị qủi mắt vàng Hiranyaksha dìm xuống đáy đại dương. Phải mất một ngàn năm Vishnu mới giết được qủi rồi dùng cặp nanh nâng trái đất lên, sau đó nắn lại núi non, đất đai để nhân loại có thể cư trú được.

Trong Phật giáo, heo tượng trưng cho dục vọng, cùng với rắn và gà trống tạo thành chu kỳ tái sinh

THỊT HEO CHỮA BỆNH

Như chúng ta đã biết, thịt heo không những là thực phẩm rất được ưa chuộng và thông dụng trong những món ăn hàng ngày mà còn được dùng nhiều trong các dịp hội hè lễ lạc và yến tiệc. Nhưng ngoài tác dụng dinh dưỡng, thịt heo còn có công dụng chữa một số bệnh hiểm nghèo. Sau đây là một vài thí dụ.

Tim lợn nấu với ngọc trúc có công dụng tĩnh tâm, dưỡng âm sinh tân có thể dùng chữa bệnh mạch vành, loạn nhịp tim và các chứng ho khan, phiền khát do nhiệt bệnh làm tổn thương âm. Mạch vành là tên gọi của một số bệnh tim do mạch máu vành tim bị nghẽn đưa đến tình trạng cơ tim bị thiếu dưỡng khí. Các tên gọi khác của bênh này là bệnh mạch vành, bệnh động mạch vành, bệnh tim do xơ vữa động mạch, bệnh. Tùy theo độ nghẽn của mạch vành, người bệnh có thể có nhiều triệu chứng khác nhau như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim hay chết. Thành phần chế biến gồm: ngọc trúc 50 g, tim lợn 500 gram, gừng tươi, hành, hoa tiêu (mù tạc), muối, đường trắng, mì chính, dầu vừng mỗi thứ lượng vừa đủ. Cách nấu như sau:

1. Rửa sạch ngọc trúc, thái từng khúc, tẩm chút nước, sắc 2 lần lấy 1000 gr nước thuốc.
2. Bổ tim lợn, rửa sạch máu, cho vào nồi cùng với nước thuốc, gừng, hành, hoa tiêu, đun cho tới khi tim lợn chín sáu phần mười thì vớt ra, để nguội.
3. Cho tim lợn vào nồi nước thuốc có thêm gia vị, đun nhỏ lửa cho chín, vớt ra, lau hết bọt. Cho một lượng vừa đủ nước thuốc có gia vị vào nồi, thêm muối, đường, mì chính và dầu vừng, đun thành dịch đặc, bôi đều lên tim lợn, cả bên trong và bên ngoài là được.

Cách dùng: mỗi ngày dùng 2 lần, ăn với cơm như thức ăn thông thường.

Ngoài ra, theo Ðông y, phổi lợn và dê đều là những vị thuốc chữa được nhiều chứng bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp như hen, viêm phế quản, ho do phong hàn... Có thể phối hợp phổi lợn, dê với những vị thuốc và gia vị khác, làm thành món ăn bài thuốc có hiệu quả cao. Sách Tùy tức cư ẩm thực phế viết: "Phổi lợn trị được chứng suy nhược do phế âm bị tổn thương, có ho ra máu và các chứng bệnh ở thượng tiêu có liên quan đến hai tạng tâm và phế". Còn theo sách Bản thảo cương mục, phổi dê tính ấm, vị ngọt, không độc, có tác dụng bổ phế, cầm ho, bổ dưỡng, trừ phong và trị chứng đi tiểu nhiều lần.

Bệnh tay chân nẻ nứt là biểu hiện của sự khô héo, khi khí huyết không thể nuôi dưỡng da thịt. Mùa đông, tính ấm của da thịt bị tính hàn của thời tiết xâm nhập, khiến vận mạch dưới da ngưng trệ, dẫn đến khô nẻ, đau nhói. Ðể chữa chứng da tay chân bị nứt nẻ, dùng xuyên tiêu 10-15 gr, sắc, nấu lấy nước để dùng ngâm chân tay ngày 2 lần. Chờ ráo nước nơi đau, lấy tủy não lợn hoặc não dê bôi lên vết nẻ nứt một lớp mỏng. Không có tủy não lợn, dê thì có thể thay thế bằng mỡ lợn.

Dân gian ta còn dùng cây hoa *** lợn để chữa bệnh viêm mũi xoang mũi, chống dị ứng. Cây hoa *** lợn (còn có tên là hoa ngũ sắc, hoa ngũ vị, cây cỏ hôi; tên khoa học là Ageratum conyzoides, là một loại cây nhỏ, thân nhiều lông mềm, cao chừng 25-50 cm, mọc hoang ở khắp nơi, nhiều nhất là nông thôn có hoa nhỏ màu tím, xanh. Chọn lấy cây tươi về ngâm rửa sạch rồi để ráo, giã nát, vắt lấy nước tẩm vào bông. Dùng bông này nhét vào lỗ mũi bên đau khoảng 15-20 phút. Rút bông ra để mủ từ trong xoang và mũi chảy ra ngoài rồi. Tránh xì mũi mạnh vì lúc đó, mủ từ trong mũi xoang có thể đi qua đường nối thông giữa mũi và tai (gọi là vòi nhĩ) gây chứng viêm tai.

GIỮA HEO VÀ NGƯỜI

Chúng ta đã biết dân Hoa Kỳ rất ưa chuộng mèo, chó. Họ nuôi nấng và chăm sóc những con vật này nhiều khi còn kỹ càng hơn con ... người. Nhiều bác sĩ mèo, chó sống ung dung giầu có suối dời chỉ vì chuyên trị mèo, chó! Nhưng mấy năm gần đây, có lẽ mèo, chó đã trở nên quá nhàm nên dân nhà giầu hay các mệnh phụ phu nhân tại Hoa Kỳ đã phát động rầm rộ "chiến dịch" nuôi heo làm kiểng. Loại heo được các bà các cô ưa chuộng nhất là giống heo nhỏ, xuất xứ từ Việt Nam, gọi là "Pot-bellied Pig" hay Vietnamese Pig là loại heo mọi bên nhà. Những con heo rặt giống Việt Nam này thường rất nhỏ, lông đen mềm, xương sống cong vòng xuống như chiếc đòn gánh, bụng ỏng, da mềm. Những con heo "kiểng" này bán rất mắc có khi lên tới vài ngàn đô la một con! Những bà nhà giầu rửng mỡ mua heo kiểng đem về nhà nâng giấc, chăm nom, ôm ấp và hôn hít còn hơn ôm mả tổ. Họ cũng may quần may áo cho heo mặc để khi bị lạnh hắt hơi sổ mũi, làm nhà trang hoàng sặc sỡ cho heo ở. Có bà còn nổi hứng đeo giây xích cổ cho heo rồi giắt đi dạo phố như những con chó nhỏ! Các "lái heo" lợi dụng phong trào chơi heo kiểng, đua nhau nuôi loại heo này để cung ứng cho thị trường. Nếu quí độc giả nhìn vào mục rao vặt "pets", trên báo chí, thể nào cũng tìm thấy nhiều người quảng cáo muốn mua hay bán loại heo này.

Nhìn chung, heo Việt Nam tuy nhỏ con nhưng "ngon thịt" hơn heo Mỹ rất nhiều. Nhất là những mợ heo nái Việt Nam thường rất dễ thương, da mềm, xương nhỏ, lông ... mịn, so với các chị "nái sề" Hoa Kỳ thì "trên chân" thấy rõ. Có rất nhiều vị đực rựa da vàng mũi tẹt, dạo còn ở Việt Nam ăn lòng heo ta tại vùng Ngã Ba Chú Ía hay Gò Vấp hơi nhiều nên mang cảm nghĩ "bụt chùa nhà không thiêng", nỏ miệng chê "heo ta" thịt không béo! Những vị "hảo ngọt" này thường suýt xoa ao ước được đớp một miếng thịt heo Mẽo da thịt ngồn ngộn, dù có chết cũng sướng.

Nhưng thời thế thay đổi, khi sang tới Hoa Kỳ được dịp "trả thù dân tộc", các vị anh hùng thời trước lại than trời, chê heo "ngoại" tuy nhiều thịt nhưng lại lắm mỡ, nhìn đã con mắt thật, nhưng đớp vào da thịt nhão nhẹt, mùi vị nhạt thếch thua hẳn heo ta, bèn hùng hục đi kiếm "cây nhà lá vườn". Nhưng than ôi. "tìm heo như thể tìm chim", thời buổi khó khăn này làm gì còn có "heo ta" ở không để phục vụ quí vị vọng ngoại ưa "thả mồi bắt bóng?" Còn các vị nhi nữ mũi tẹt da vàng cũng vậy, lúc ở Việt Nam nhìn thấy mấy con heo nọc Duroc da đen da đỏ hay giống Berkshire cao lớn tưởng sung sức lắm nên ngày đêm mơ tưởng được có một con làm giống. Khi theo heo về Hoa Kỳ rồi mới thấy giống heo nọc Hoa Kỳ chỉ được cái tốt mã, to xác mà không ra cái nước mẹ gì. Chúng lại làm biếng, chỉ biết "hốc" đến nỗi bụng bự, ỏng còn hơn heo "pot- bellied". Khi tìm ra chân lý thì đã quá muộn, đường "trở về nguồn" đã khóa kín, đành than thầm cho phận hồng nhan tham thì thâm !
Nhân bàn tới mục "Heo ta, heo Mỹ", vào dịp đầu năm đầu tháng, tác giả có vài lời tâm huyết muốn nói nhỏ cùng các bạn đực rựa. Như các bạn đã thấy, về phần hình dáng, "heo ta" tuy nhỏ con, nhưng mềm mại nhẹ nhàng hơn những con "heo mỹ" to con kịch cợm rất nhiều. Ðó là mới tạm so sánh với những con heo Mỹ trắng như loại Yorkshire, Dorkshire. Nếu quí bạn nhìn qua những con heo Mỹ đen, Mỹ đỏ núng nính và thỗn thện như giống Duroc, heo ta rõ ràng hơn hẳn. Về phần phẩm tính, heo ta đã có tới trên bốn ngàn năm văn hiến, thấm nhuần tứ đức tam tòng nên tính nết hiền dịu, tình cảm lai láng và ướt át. Còn heo Mỹ ưa bộc lộ sôi nổi, bạ đâu xốc đó, phản ảnh tinh thần "cao bồi" hay "mọi da đỏ" tính. Heo ta chỉ có mỗi một đức tính cần phải để ý tới: lúc "thuở ban đầu', khi chưa đưa heo về nhà, chúng tỏ ra rất ít nói , lúc nào cũng e lệ kiểu "em chả, em chả". Nhưng khi ván đã đóng thuyền, quen nơi quen chuồng, heo thường có tật ủn ỉn hơi nhiều! Theo những bậc có kinh nghiệm, khi heo ủn ỉn thì ta có hai cách: một là cứ trang trọng lắng tai nghe những lời vàng ngọc và làm bộ thưởng thức như khi nghe đào Út Bạch Lan ca vọng cổ. Ðiều quan trọng là phải triệt để thi hành ngón võ công "im lặng là vàng".

Heo ta tuy hay "ủn ỉn", nhưng bản tính lại nhẹ dạ, thấy lên tiếng hoài mà không có phản ứng, bèn nổi dạ thương người, tội nghiệp cho "đức anh chàng" sao mà hiền hậu như củ từ lông? Do đó, mọi chuyện thường kết thúc êm đẹp. Chiêu thức thứ hai có thể xử dụng khi heo ủn ỉn là phải tấn công mạnh, không để heo hở mồm hở miệng. Vả lại, theo kinh nghiệm của một số người, thường khi heo lên tiếng là lúc nó đói, nếu chúng ta lập tức cho heo ăn củ từ củ ngái, chúng sẽ im rơ nằm yên chịu trận! Do đó, đối với quí vị đã tậu được con heo nái và có thể đã có bầy heo sữa ta, nếu muốn mãi mãi sống trong cảnh thanh bình thịnh vượng, tác giả xin tặng thần chú "cơm nhà quà vợ" để làm câu kinh nhật tụng. Còn ngược lại, nếu có tật "đứng núi này, trông núi nọ" hay "bụt chùa nhà không thiêng", chắc chắn sẽ có dịp vớ phải vài con heo nái Mỹ, Mễ có thể kèm theo một lũ heo con Duroc, lúc đó có hối cũng không kịp! Riêng đối với các đấng "đần ông" thiếu may mắn còn cô đơn như "heo độc chiếc", vào lúc đêm đông lạnh lẽo nếu không chịu nổi cảnh phòng không chiếc bóng cần kiểm heo nái để bầu bạn hầu đi trọn kiếp đường trần, tác giả thành thật "recommend" giống heo ta "pot bellied", vừa tốt nái, vừa dễ ăn dễ bảo. Xài heo Mỹ trong giai đoạn tạm thời thì OK, chớ nên đeo đẳng suốt đời mà tan tành sự nghiệp! Cổ nhân ta có nói:"Ta về ta ấy heo ta, dù to dù nhỏ heo nhà vẫn hơn". Heo ta dù nhỏ vẫn "ngon lành" hơn heo Mỹ rất nhiều, huống hồ heo ta phần đông ăn trùm heo Mỹ như trên dã nói.

Ðầu năm Heo, sau khi no say chè chén món tiết canh lòng heo, lại điểm qua mục truyện Tàu truyện Ta, tác giả xin mạn phép được trở về nguồn, bằng cách tán qua mục tướng số trong trong năm Heo. Năm mới, nhất định phải có tí ti dị đoan cho đúng "thuần phong mỹ tục" phải không quí vị?

Theo những sách Tử Vi Ðẩu Số của sư tổ Trần Ðoàn và thuật "rờ mu rùa" của thầy Lốc Cốc Tử, dương trần luôn luôn chịu ảnh hưởng của con giáp ngự trị. Chả thế mà trong năm con Chó vừa qua, trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại, có một đám người lòng lang dạ thú, miệng hô hào "mắm tôm cà pháo" nhưng chuyên quay lưng cắn trộm đồng bào, một mực đòi hòa hợp, hòa giải với bọn chó dái Việt Cộng. Bọn cẩu trệ này không xứng dáng để chúng ta phải phí lời với chúng, chỉ việc quẳng ra một khúc xương thừa để lũ chó trong và ngoài nước dành nhau, cắn xé lẫn nhau theo thế "lưỡng cẩu tranh xương" là yên chuyện. Khi lũ chó cùng sủa bài 'hòa hợp, hòa giải" với nhau thì cũng chỉ vì quyền lợi riêng, hãy cho chúng một chút cơm thừa canh cặn để mặc lũ cẩu trệ này cắn xé lẫn nhau là hay nhất.

Vậy vận mạng con người ở dương trần dưới sự cai trị của vua Heo sẽ ra sao? Trước hết, heo nổi tiếng như cồn về mặt làm trò con heo. Tây có danh từ "film cochon"; Mẽo cũng nói "stag movie", dân đen đầu gọi nôm na là "tuồng con heo" "ba cây kéo" hay "phim nghèo". Như vậy lần đầu tiên những tư tưởng lớn của cả Ðông, Tây và Tây Bắc đã gặp nhau trong "tuồng con heo". Cụ Ryduard Kippling khi phát biểu:"Ðông là Ðông, Tây là Tây, Ðông Tây không bao giờ gặp nhau" thật là sai bét. Có lẽ cụ thuộc vào hành "liệt sĩ" nên quên mất vụ heo!

Chắc chắn năm Hợi sẽ khiến bàn dân thiên hạ cùng theo vua Heo diễn trò "cochon". Ðiều này sẽ khiến cho thiên hạ được thái bình thịnh vượng. Thái bình vì mạnh ai "đường ta ta cứ đi, ruộng ta ta cứ cầy". Nếu đi mãi, cầy hoài, hết cả thì giờ và xí quách, còn hơi sức đâu mà lo chuyện thiên hạ sự, đánh mí đấm? Các cụ cứ thử "ôn cố tri tân" nhìn mấy anh lãnh tụ hiếu chiến, hiếu sát nhất đều là những người nếu không thuộc loại công công thái giám cũng là hàng "liệt sĩ" hoặc có "problem" trong việc thi hành nhiệm vụ nông dân cầy sâu cuốc bẫm. Hãy nhìn kỹ bác Hồ vĩ đại của các đồng chí vịt cộng. Mặt bác khô queo như trái táo tầu, nguyên nhân vì "sóc lọ" và vẽ bản đồ quá nhiều trong hang Pác Pó. Còn xừ Lê Nin Tổ sư Cộng Sản đúng là hình tượng của một khứa lão cù đinh thiên pháo, hết đường tương chao. Mao xính xáng của Ðông Phương Hồng, mặt mày bóng nhẫy như thủ lợn cạo, thả nào bị Giang Thanh chê! Những anh này vì không còn khả năng dù chỉ đóng vai phụ trong các tuồng con heo nên đâm ra ganh tị, say máu chém giết người khác cho hả giận.

Riêng các bậc "liễu mạnh, đào già", năm nay cứ yên chí lớn dể chuẩn bị "thấm nhuần ơn mưa móc". Quí vị chả thấy khi vua Heo khi xuống dương trần ngự trị đã không quên đem theo "bọc đồ nghề" khổng lồ để làm nguồn tiếp liệu cho các đức phu quân khan hiếm đạn dược đó sao? Ðương nhiên khi nhận được tiếp vận tiếp liệu đầy đủ, các bậc trượng phu sẽ hăng hái "đứng lên" theo gương tư lệnh heo nọc xả thân nơi sa trường? Ngoài ra, bùa "lòng lợn chấm mắm tôm" cũng không ít thì nhiều gợi lại chút hương xưa quen thuộc. Nếu biết tận dụng thứ vũ khí tối độc này, các bà các cô sẽ bách chiến bách thắng, anh đàn ông nào cũng phải cúi đầu chịu trận cởi giáp qui hàng!

Ðối với những vị "liễu yếu chổng chừa", năm con heo sẽ đem lại nguồn hy vọng lai láng. Hãy nhớ câu cách ngôn "ta về ta tắm ao ta", đừng quá vội vàng nóng máy vồ đại phải mấy con heo Duroc hay Berkshire mà hối hận không kịp. Nếu quí vị còn mơ hồ chưa rõ, nên xem kỹ lại đoạn trên mô tả những đặc điểm của heo ta, tuy nhỏ con nhưng dài dòn, sức chịu đựng dẻo dai và hay về nước khuya. Có điều heo ta rất kỵ cái khoản "trắng như da lợn cạo". Vậy nếu có chưng diện "bikini" cho hợp thời trang một chút cũng không sao, miễn là đừng có "over-waxed" trở thành trắng hếu như con bài bạch bản! Nếu quí vị theo đúng "technique" và lời khuyên của bần đạo, chắc chắn trong năm nay sẽ kiếm được một con "pot-bellied pig" để ôm ấp trong những đêm giá lạnh canh trường. Và cứ tuần tự nhi tiến, lũ heo sữa sẽ lục tục theo sau mấy hồi!

Về tướng số phái nữ, những người đẹp có sổ "vượng phu ích tử" thường có làn "da trắng vỗ bì bạch", tóc dài và mềm như mây mùa thu, môi hồng như trái anh đào. Tuy nhiên, trắng đen cũng còn phải tùy chỗ. Nếu anh chàng nào vô phúc vớ phải con lợn cạo, trắng bệch như vừa qua một phùa "bikini wax" chắc chắn sẽ xui tận mạng, làm ăn không khá, đó là chưa kể có thể bị thân bại danh liệt nữa là khác .

Bàn thêm về khoản tướng số, người ta thường nói những kẻ "mắt trắng như mắt lợn luộc" là tướng của đám xu nịnh, tiểu nhân, theo đóm ăn tàn. Bọn này coi đồng tiền to hơn cái mâm, sẵn sàng phản bội bạn bè dể kiểm miếng ăn. Chúng ta hãy nhìn kỹ chân dung của những tên hại dân hại nước, hô hào hòa hợp hòa giải với kẻ thù Cộng sản để liếm gót lũ lưu manh kiếm chút miếng cơm thừa canh cạn. Bọn này tên nào cũng có cặp mắt lươn ti hí hay trắng dã trợn trừng như mắt lợn luộc. Những con heo "hòa hợp hòa giải" này đi đâu cũng bị đồng bào nhận diện, xỉ vả. Thật đúng là lũ heo ăn tạp. không chừa đến cả cái khố rách của đồng bào.

Luận về Tử Vi Lý Số, người tuổi con Hợi luôn luôn lạc quan, lịch lãm và sang trọng. Tuổi này dễ thứ tha và có cung cách hoàn chỉnh đến độ người khác tưởng họ là kẻ tự phụ và tài thưởng ngoạn có một không hai. Tuổi Heo có tính vị tha, đùm bọc bạn bè và gia tộc, sẵn sàng chịu khổ nhọc để cho người khác được hạnh phúc. Giúp người là hạnh phúc thực sự của tuổi Heo, tử tế và rộng lượng nên dễ bị kẻ xấu làm hại hoặc lợi dụng!

Tuổi Heo biết coi trọng người khác nhưng lại không ưa mấy kẻ làm tài lanh dạy khôn mình mà chỉ thích làm những gì mình thấy phải làm. Nếu đừng chỉ trích tuổi Heo bạn sẽ có người bạn chân tình và trung thành nhất trong thế gian và là người bạn đời tuyệt vời của bạn. Tuổi Heo dễ nổi tiếng, lại thông minh cực độ, vừa học vừa chơi, lại ham tìm tòi để bổ sung kiến thức. Tuổi nầy cũng mê ăn mê uống khiến cho người ta trêu là Tuổi mê ăn trong mười hai con giáp! Thức ăn thức uống phải là thượng hạng .
Tuổi Heo nên mở rộng cuộc sống hoạt động ra hơn nữa. Càng đem bản thân mình hội nhập vào dòng người muôn dạng thì tuổi Heo lại càng nổi hơn.

Tam Hạp: hạp với tuổi Mẹo (con Mèo) và tuổi Mùi (con Dê).
Tứ Xung: khắc/kỵ tuổi Dần (con Cọp), tuổi Thân (con Khỉ) và tuổi Tỵ (con Rắn).

Kính thưa quí độc giả già trẻ trai gái thân mến, bài phiếm luận Heo đến đây đã dài. Trên cõi đời ô trọc còn đầy rẫy bọn heo chó lông đỏ và bè lũ đón gió trở cờ theo đóm ăn tàn này, có bữa tiệc vui nào mà không tàn? Câu chuyện hay nào mà không có lúc chấm dứt? Bài phiếm luận nhạt như nước ốc nào mà không đi tới đoạn kết? Ðã tới giờ cho heo ăn, tác giả đành tạm biệt quí vị nơi đây.

Trân trọng cầu chúc quan viên trong họ ngoài làng được sức khỏe dồi dào, thăng quan tiến chức, làm ăn phát đạt "nhất bản vạn lợi" cùng mọi sự như ý trong năm mới. Hẹn gặp lại vào năm con Chuột chí.
Cung Chúc Tân Xuân.

Trần Ðỗ Cẩm
Austin Texas 12/2006
Nguồn : ViệtBáo
<bài viết được chỉnh sửa lúc 12.02.2007 07:46:33 bởi Viet duong nhan >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9