TRUYỆN CỦA EDUARDO GALEANO
meocon_thongminh93 15.02.2007 00:19:07 (permalink)
KHUNG CỬA SỔ MỞ VÀO CHỮ
 
I
 
Những người kể chuyện, những người hát chuyện, chỉ kể những câu chuyện của họ trong khi tuyết rơi. Làm như vậy là đúng cách. Thổ dân da đỏ Bắc Mỹ rất cẩn thận về việc kể chuyện. Họ nói rằng trong khi những câu chuyện được kể, cây cối quên mọc và chim quên mớm mồi cho con.
 
II
 
Ở Haiti, người ta không kể chuyện vào ban ngày. Bất cứ ai kể chuyện trước khi trời tối thì phải chịu sỉ nhục: ngọn núi sẽ ném một hòn đá vào đầu hắn, mẹ hắn sẽ bò bốn chân như con vật.
Đêm tối mở ra những gì linh thiêng, và những người biết kể chuyện đều biết rằng cái tên chính là sự vật mà nó gọi.
 
III
 
Trong ngôn ngữ Guaraní, ñe'ẽ vừa có nghĩa là "chữ" vừa có nghĩa là "hồn".
Thổ dân da đỏ Guaraní tin rằng những người nói láo hay xài chữ bừa bãi là những người phản bội linh hồn.
 
IV
 
Magda Lemonnier cắt chữ ra từ các nhật báo, những chữ lớn nhỏ đủ cỡ, và chị giữ chúng trong những cái hộp. Trong những hộp màu đỏ, những chữ giận dữ. Những chữ yêu thương trong một hộp màu lục. Những chữ dửng dưng trong một hộp màu xanh. Những chữ buồn bã trong một hộp màu vàng. Và chị dùng một hộp trong suốt để đựng những chữ huyền diệu.
Thỉnh thoảng chị mở các hộp ra và dốc chúng lên mặt bàn, để các chữ được tự do giao thiệp. Rồi các chữ kể cho chị nghe chuyện gì đang xảy ra và tiên đoán chuyện gì sẽ xảy ra.
 
V
 
Javier Villafañe hoài công tìm kiếm cái chữ đã vuột đi mất ngay khi anh sắp nói nó ra. Nó đã nằm ngay trên đầu lưỡi của anh. Nó biến đi đâu mất rồi?
Liệu có một nơi dành cho những chữ không muốn ở lại? Một vương quốc của những chữ bị lạc mất? Những chữ vuột mất, chúng nằm đợi ở nơi nào vậy?
 
VI
 
A có hai cái chân dang ra.
M là cái cầu đu bập bênh nhún lên nhún xuống giữa thiên đàng và địa ngục.
O, một vòng khép kín, làm ta ngộp thở.
R mang bụng chửa to kềnh.
"Tất cả những mẫu tự của chữ AMOR [TÌNH YÊU] đều nguy hiểm," Romy Díaz-Perera nói thế.
Khi các chữ chạy ra từ miệng nàng, nàng thấy chúng hiện rõ nét trong không khí.
 
VII
 
Ở trong tù đã hơn hai mươi năm, chàng mới trông thấy nàng.
Chàng vẫy tay chào nàng từ khung cửa sổ buồng giam, và nàng vẫy đáp lại từ khung cửa sổ của nhà nàng.
Sau đó, chàng nói chuyện với nàng bằng những tấm giẻ rách nhiều màu và những mẫu tự to tướng. Những mẫu tự ghép lại thành những chữ mà nàng đọc được bằng một cái ống nhòm. Nàng trả lời bằng những mẫu tự còn to hơn nữa, vì chàng không có ống nhòm.
Và cứ thế tình yêu của họ nẩy nở.
Giờ đây Nela và chàng da đen Viña ngồi tựa lưng vào nhau. Nếu một người đứng dậy, thì người kia ngã nhào.
Họ bán rượu vang từ ngôi nhà đối diện với trại tù hoang phế Punta Carretas, ở Montevideo.
 
VIII
 
Những người rừng đến thăm, và ngài pháp sư không có gì để tặng cho họ. Vì thế, ngài pháp sư đi ra vườn cây và nói với nó. Ngài nói với cây cối bằng những chữ đến từ đất ẩm, cũng như chúng vậy. Và cây cối nhận lấy các chữ rồi đột nhiên mọc cao lên và sinh ra hoa trái. Nhờ đó, ngài pháp sư mới có quà để tặng cho khách của ngài.
Kinh Cabala kể lại chuyện này. Và kinh Cabala nói rằng con trai của ngài pháp sư cũng muốn làm điều đó, nhưng vườn cây không nghe những chữ của hắn và không một cái cây nào tin lời hắn, không một cái cây nào mọc cao lên.
Con trai của ngài pháp sư chẳng làm được điều đó. Nhưng ngài pháp sư? Liệu ngài pháp sư có lặp lại được kỳ tích của chính ngài? Kinh Cabala không nói về chuyện này. Điều gì sẽ xảy ra cho ngài pháp sư nếu không cây cam nào, cũng chẳng cây cà nào, cũng chẳng cây bông lài nào đáp lại lời ngài một lần nữa?
Liệu chữ có biết giữ im lặng khi cái khoảng khắc cần đến nó đã trôi qua rồi, hay cái nơi cần đến nó đã rời xa rồi? Và cái lưỡi, liệu nó có biết chết đi không?
 
 
 
KHUNG CỬA SỔ MỞ VÀO ÂM NHẠC
 
I
 
"Những kẻ thật sự biết chơi đàn acordión có thể làm cho nó nói," Don Alejo Durán thích phát ngôn như thế. "Đối với họ, người và chiếc đàn là một."
Don Alejo là một chàng chăn bò và một người du ca, bậc thầy ném dây thòng lọng và rải hợp âm, chuyên hát những câu chuyện truyền kỳ của vùng duyên hải Colombia. Và chỉ hát để tiêu khiển, chứ không bao giờ hát để kiếm tiền. Khi anh không có tình yêu, chiếc đàn acordión của anh im tiếng.
Những giai điệu than van không phải là sở trường của anh. Bộc trực và hân hoan mới là âm nhạc của anh, và thứ âm nhạc bộc trực hân hoan này mời gọi đàn bà đến với anh, từ xa, không cần điện thoại.
 
II
 
Papá Montero là một tay sành nhảy múa và ca hát, người đã ban niềm hoan lạc cho Havana mỗi khi đêm xuống. Cả thành phố nhảy múa điệu rumba với anh, trong anh, và trong dòng nhạc rumba mà anh ban phát.
Khi một con dao cắm ngập vào thân thể Papá Montero, đêm Havana đột nhiên câm nín. Nhưng giữa cơn sửng sốt tột độ ấy có một khúc nhạc rumba trỗi lên. Từ xa xa. Hiếm ai nghe thấy.
Sáng sớm, khi những người bạn của anh đến để khiêng quan tài, họ thấy nó trống rỗng.
 
 
 
 
CÂU CHUYỆN CON CHIM BỊ MẤT MỘT CHÂN
 

 
Bầy chim con của nàng đã nở ra khỏi trứng và đang kêu gào trong tổ. Tenquita bay đi để kiếm thức ăn cho chúng. Lúc ấy trời đang mùa đông ở Colchagua và tuyết làm một chân của nàng đóng băng. Con chim phản đối: "Tại sao chị làm tôi què?"
Và tuyết trả lời: "Vì mặt trời làm tan tôi."
Và Tenquita phàn nàn cùng mặt trời, và mặt trời nói: "Vì sương mù che tôi."
Và sương mù: "Vì ngọn gió thổi tôi."
Và ngọn gió: "Vì bức tường chặn tôi."
Và bức tường: "Vì con chuột khoét tôi."
Và con chuột: "Vì con mèo ăn tôi."
Và con mèo: "Vì con chó rượt tôi."
Và con chó: "Vì cái que đánh tôi."
Và cái que: "Vì ngọn lửa đốt tôi."
Và ngọn lửa: "Vì nước dập tắt tôi."
Và nước: "Vì con bò uống tôi."
Và con bò: "Vì lưỡi dao giết tôi."
Và lưỡi dao: "Vì con người mài tôi."
Và con người: "Vì Thượng Đế tạo ra tôi."
 

 
Tenquita vừa đi cà nhắc vừa hát lên trời để gọi Thượng Đế. Và Thượng Đế nghe nàng hát, rồi nàng hỏi ngài tại sao ngài lại tạo ra con người để con người mài lưỡi dao để lưỡi dao giết con bò để con bò uống nước để nước dập tắt lửa để lửa đốt cái que để cái que đánh con chó để con chó rượt con mèo để con mèo ăn con chuột để con chuột khoét bức tường để bức tường chặn ngọn gió để ngọn gió thổi sương mù để sương mù che mặt trời để mặt trời làm tan tuyết để tuyết làm què chân tôi.
"Ôi, Tenquita," Thượng Đế nói. "Ta đã phải tạo ra con người để con người có thể tạo ra ta."
 
 
CÂU CHUYỆN JESUS GIÁNG THẾ LẦN THỨ HAI
 
Và Ngài giáng thế. Ngài đến bằng cách đu vào một chiếc ô mở bung ra. Một ngọn gió bất ngờ thổi khiến ngài bay lơ lửng một hồi lâu trên đầu đám người chen chúc. Hai tay níu lấy cán ô, con trai của Chúa Trời không thể ngăn ngọn gió thổi tốc tấm áo chùng làm lộ ra cái khoảng nhục thể phàm trần của ngài.
Vì ngọn gió ấy, ngài đáp xuống bể phun nước. Các tín đồ thuần thành đang sững sờ trước phép lạ thì thấy ngài nhô lên từ mặt nước giữa những thiên thần bằng cẩm thạch.
Jesus rung mình giũ nước như một con chó ướt.
Batepapo, trong bộ y phục của một tiên tri, vỗ tay. Rồi ông giật đuôi con sư tử một phát và nó gầm lên. Nhưng đám đông đang chứng kiến phép lạ thì vẫn đứng bất động. Bất động và im lặng.
 
Nơi quảng trường, thánh địa của những hồn ma, người nghèo muốn trở thành giàu,
         và người giàu muốn rất ít người được giàu như mình,
         người da đen muốn trở thành người da trắng
         và người da trắng muốn sống mãi mãi,
         trẻ con muốn thành người lớn
         và người lớn muốn thành trẻ con,
         người độc thân muốn lập gia đình
         và người đã có gia đình lại muốn thành goá bụa.
"Hỡi những cư dân được ta ngự đến!" Jesus hét lên. "Ngày trước ta đã muốn nói điều ta đang nói bây giờ! Các ngươi—chúng ta—điên cả rồi!"
Mọi người, lé mắt vì kinh ngạc, nhìn cái mớ giẻ lau đĩa ướt sũng đang quơ hai tay dài như những cánh quạt của cối xay gió làm văng nước vào họ và hỏi họ những câu lạ lùng: "Hãy nhìn lên trời. Có phải nó sẽ ban cho các ngươi cõi Thiên Đàng hay nó sẽ ban cho các ngươi một cái cổ bị trẹo? Vương quốc ở đâu, nếu nó không ở trong chính cái chốn lưu đày đang vọng tưởng về nó?”
Batepapo tán dương bằng tiếng vỗ tay rời rạc thờ ơ, và giật đuôi cho con sư tử gầm lên. Con trai của Chúa Trời quay sang con dã thú lúc miệng nó còn há, và vừa chỉ vào nó vừa nói với mọi người như thể họ chỉ là một: "Nếu con dã thú tấn công ngươi, ngươi sẽ làm gi? Sẽ cầu nguyện ư? Sẽ tự nạp mình và tuân theo ý Chúa? Hay sẽ trèo lên cây? Cha của ta không vui lòng khi ngươi dùng ông ấy như một cái cớ cho sự hèn nhát hay ngu xuẩn."
Con sư tử nhìn ngài, ngẫm nghĩ. Trong đám đông, những lời đồn nhảm bắt đầu bay lên.
"Đây không phải là Jesus," một phụ nữ vừa nói thì thầm vừa phóng một cái nhìn ghê tởm vào đấng Cứu Thế rách rưới có cái bụng bia. "Tôi đã thấy Jesus trên TV và ngài trông giống y như Burt Lancaster."[1]
"Cuộc lưu đày đang ở trong ngươi, và Vương quốc cũng ở trong ngươi!" vị sứ giả của Chúa Trời quả quyết, nhưng những tiếng xì xào nổi lên, rồi những tiếng la đầu tiên nghe rõ mồn một: "Hãy làm cho hắn đổ máu! Hãy để hắn chứng minh hắn là Chúa! Hãy làm cho hắn đổ máu bên hông!"
 

 
Bất chấp điều ấy, Jesus tiếp tục nói: "Con mắt vô hình là con mắt thấy mọi sự."
"Tôi chẳng thấy gì cả," Doña Poca càu nhàu vì trong lúc đang dò dẫm tìm lối đi đến cái vọng gác của bà ở quán cà-phê thì bất ngờ bà kẹt vào giữa trận bát nháo.
Bị đám đông chèn gần dập xương, những người bán hàng rong thúc cùi chỏ qua hai bên để mở lối đi và gào lên những tiếng rao — "lạc rang đây, lạc rrraaaaaaanngg, bánh churro[2] mới ra lò đđđââââyyy, keeeeeeemm lạnh đđâââââââyyyy" — trong lúc sự bất tín chuyển thành sự giận dữ đối với đấng cứu thế mập nung núc: ngài không mang món đồ trang sức nào ngoài một cục u trên cái đầu hói, và ngài không ban cho ai một miếng dằm nào từ cây thập giá, hay một cái gai nào từ cái mão gai, hay bất cứ thứ gì cả. Những tiếng gào thét nổi lên ầm ĩ:
"Cho hắn đổ máu! Cho hắn đổ máu!"
"Cho hắn ăn một con gián!"
"Kẻ mạo danh!"
"Trả tiền lại cho chúng tôi!"
Nhưng rồi lại có một cuộc tranh cãi xảy ra ngay giữa đám đông, làm sự cuồng nộ của họ đi trật mục tiêu trong chốc lát: có vài người nào đó nói rằng đấng Jesus thực sự đã bị giết bởi những người Ý và những người khác lại khăng khăng nói là người Do-thái. Vài người thề thốt rằng ngài đã phục sinh vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh và những người khác lại đinh ninh rằng điều đó xảy ra vào đúng mười giờ sáng Chủ Nhật.
Jesus nắm lấy cái giây phút đình chiến phù du ấy và lẻn trốn khỏi cơn cuồng nộ của họ.
 

 
Ngài đứng trên những tảng đá, với dáng người thẳng tắp và cao lớn, nhìn vào biển. Biển tung những bụi nước làm ướt áo ngài. Trên vai ngài, một con hải âu đang ngủ. Tôi bước đến phía sau ngài. Ngài và con hải âu đều bất động.
Rồi ngài ngồi lên một tảng đá và cúi đầu xuống giữa hai đầu gối. Tôi nghĩ ngài đang muốn than phiền: "Họ ghét ta bởi vì họ nghĩ họ mắc nợ những ân huệ của ta."
Tôi ngồi bên cạnh ngài. Ngài nhấc đầu lên và ngửa mặt đón cơn gió.
"Chúng ta không bao giờ chịu học từ kinh nghiệm," ngài nói mà không nhìn tôi. "Cha tôi đã cấm tôi trở lại với thế gian."
Ngài gãi mớ râu cằm lởm chởm: "Cha tôi không thương họ, bởi vì họ gần như đều đã tốt lành cả rồi. Quỷ sứ cũng không thương họ, bởi vì họ gần như đều đã xấu xa cả rồi."
Jesus trông quá giống người bạn thất lạc của tôi, một người chuyên huấn luyện cho rận làm xiếc, quá giống đến nỗi tôi suýt kêu: "Dudú."
Và tôi nghĩ rằng đất nước tôi là một chiếc khăn tay, một chiếc khăn tay đã xếp lại. Nhưng ngài nhìn tôi, và đôi mắt ngài phản chiếu một cảnh tượng không thuộc về thế giới này, toả ra tia sáng lấp lánh của một không gian vô hạn mà ngay cả mặt trời cũng không hề biết đến.
 

 
"Tôi sắp được ba mươi ba tuổi," ngài nói.
Con hải âu rời giấc ngủ và bay mất trong bầu trời.
"Họ sẽ lắng nghe tôi sau khi tôi chết," ngài nói. "Ở thế gian này, họ theo cách ấy."
Ngài bốc một nắm cát, để nó rơi xuống từng chút một.
Chúng tôi trở lại quảng trường. Vài người còn ở đó, mỗi người đều chú tâm vào chuyện vãng lai của riêng mình, và không ai buồn để ý đến chúng tôi.
"Họ muốn tôi nhảy từ trời xuống mà không có cái ô," Jesus thở dài bên bể phun nước. "Dẹp lép như một cái bánh tráng[3] do Chúa Trời ném xuống."
Và ngài mỉm cười buồn bã trước máy chụp ảnh. Chúng tôi đứng bên nhau dưới một cây cau. Ông thợ chụp ảnh, trùm đầu bằng mảnh vải đen sau ống kính, giật một sợi dây nhỏ để bắt hình. Rồi ông ta làm một vài việc bí ẩn nào đó dưới mảnh vải đen, và rút tấm phim ra, hong nó trong gió, rồi lại đút đầu vào dưới mảnh vải đen.
 

 
Khi bức ảnh được lấy ra từ một xô nước và, rốt cuộc, đến tay tôi, tôi thấy tôi chỉ đứng một mình. Trong bức ảnh không có ai đứng bên cạnh tôi. Không có ai cả, ngoài cây cau.
 
 
---------------------
 
 

NHỮNG NGHỊCH LÝ
 
Nếu sự mâu thuẫn là buồng phổi của lịch sử, thì nghịch lý, theo tôi nghĩ, chắc hẳn phải là tấm gương soi mà lịch sử dùng để trêu chọc chúng ta.
Ngay cả con trai của Chúa Trời cũng không thoát khỏi nghịch lý. Ngài đã chọn sinh quán là một sa mạc cận nhiệt đới nơi hầu như không bao giờ có tuyết rơi, thế nhưng khắp hoàn cầu người ta đã xem tuyết là biểu tượng của ngày Giáng Sinh kể từ khi châu Âu quyết định rằng Jesus là người Âu châu. Còn tệ hơn nữa cho đấng INRI,[1] trong thời đại hôm nay, sự ra đời của Jesus là một thương vụ làm ra những món tiền khổng lồ cho hạng thương nhân mà Jesus đã đuổi ra khỏi đền thờ.
Napoléon Bonaparte, người Pháp nhất của người Pháp, lại không phải là người Pháp.[2] Joseph Stalin, người Nga nhất của người Nga, lại không phải là người Nga;[3] và người Đức nhất của người Đức, Adolf Hitler, lại sinh ra tại nước Áo. Margherita Sarfatti, người đàn bà yêu quí nhất của Mussolini -- nhà độc tài thù ghét Do-thái -- lại là người Do-thái. José Carlos Mariátegui, người Marxist nhất của những người Marxist ở châu Mỹ La-tinh, lại nhiệt tâm tin vào Chúa Trời. Che Guevara trước kia đã bị quân đội Argentina không cho nhập ngũ vì họ khẳng định rằng ông hoàn toàn không đủ khả năng để sống như một quân nhân.
Từ đôi tay của một điêu khắc gia tên là Aleijadinho,[4] người xấu trai nhất của Brazil, những tác phẩm mỹ thuật vĩ đại nhất của Brazil đã được sinh ra. Người da đen Bắc Mỹ, dân tộc bị áp bức nhất trong mọi dân tộc, đã sáng tạo jazz, loại âm nhạc tự do nhất trong mọi loại âm nhạc. Don Quijote, người hiệp sĩ phiêu bạt nhất của mọi hiệp sĩ, đã thành hình trong tư tưởng của một tác giả đang bị cầm tù. Và thêm một nghịch lý tệ hại hơn nữa, Don Quijote chưa bao giờ thốt lên câu nói được thiên hạ truyền tụng nhiều nhất. Ông chưa bao giờ nói: "Những con chó đang sủa, Sancho ơi. Đã đến giờ ta lên ngựa." [5]
"Bạn có vẻ mất bình tĩnh," kẻ điên loạn nói. "Ghét anh ghê," cô gái đang yêu nói. "Đồng bạc không mất giá," ông Bộ Trưởng Kinh Tế nói vào đêm trước ngày đồng bạc mất giá. "Quân đội tôn trọng Hiến Pháp," ông Bộ Trưởng Quốc Phòng nói vào đêm trước ngày đảo chính.
Trong cuộc chiến chống lại lực lượng cách mạng Sandinista, chính quyền Mỹ tâm đầu ý hiệp một cách nghịch lý với Đảng Cộng Sản Nicaragua. Và, cuối cùng, những chiến luỹ của Sandinista dưới chế độ độc tài Somoza lại là một nghịch lý khác: những chiến luỹ ấy phong toả đường đi, nhưng mở ra lối thoát.
 
 
CÂU CHUYỆN NGƯỜI ĐÀN ÔNG MUỐN MANG THAI
 
Đàn bà? Một nòi thấp hèn như mọi da đen, như lũ người nghèo khổ và bọn điên khùng. Như trẻ nít, họ không thích hợp với sự tự do. Họ mang số phận phải khóc lóc và gào thét, nói xấu hàng xóm láng giềng, và thay đổi ý nghĩ và kiểu tóc xoành xoạch hàng ngày. Trong giường và trong bếp, đôi khi họ cho ta khoái lạc. Ở những nơi khác thì họ chẳng gây nên cảm giác gì ngoài sự lợm giọng.
Don Seráfico từ trước đến nay vẫn luôn luôn là một người đàn ông có những ý nghĩ bộc trực dễ hiểu. Nhưng bây giờ, vào buổi hoàng hôn của đời ông, một đám mây u ám làm rối loạn đầu óc ông. Một điều gì đó về những bà Eva không còn khiến ông cảm thấy khinh bỉ hay thương hại nữa. Thật khó mà thú nhận, ông thèm thuồng được như họ: họ có chỗ bên trong họ để một sự sống khác trú ngụ, ông thì không có; họ có thể cùng lúc là hai người, ông thì không thể. Don Seráfico chưa từng bao giờ phàn nàn về cuộc sống, vì nó đã mang đến cho ông thật nhiều niềm vui và sự may mắn; thế nhưng ông chưa bao giờ có một đứa con, và ông căm ghét cái ân huệ đó nơi những người khác. Ông nhất định sẽ không rời khỏi cái thế giới này trước khi trải qua việc sinh đẻ. "Tôi sẽ đẻ một đứa con trai," ông thề, "hoặc nếu không, thì một đứa con gái."
 

 
Cùng ngày ấy có một lời thề khác được thốt ra trong một khu rừng gần đó. Một con beo đã rơi vào cái bẫy của thợ săn. Con beo van xin một con khỉ nhỏ đang đu trên cành hãy cứu giúp nó. Hôn vào không khí, con beo thề: "Tôi sẽ làm nô lệ của ngài."
Con khỉ tháo bẫy cho con beo, rồi hai con cùng tẩu thoát. Con beo đi trước, dọn dẹp lối đi và lau chùi cái nền đất nơi con khỉ sẽ bước chân lên. Khi con khỉ ngồi xuống nghĩ ngơi, con beo cầm tàu lá chuối để quạt hầu.
 

 
Don Seráfico đến cửa tiệm của Doña Juana Obánla, đặt một xấp tiền dưới chân của bà, và thưa rõ rằng ông muốn đẻ con, nhưng không muốn lấy một mụ vợ, cũng không muốn có một ông chồng, một người tình thuỷ thủ, hay một Đức Thánh Linh nào cả.
Juana Obánla là một nhà huyền thuật của miền Camajuaní. Không cần những vỏ sò, những lá bài hay những quả cầu thuỷ tinh, bà vẫn có thể tiên tri những thời điểm kiết tường, hoá giải những thời điểm hung kỵ, và làm cho những điều bất khả trở thành khả hữu.
Nhà huyền thuật gãi đầu và suy nghĩ. Bà chìm đắm vào cõi trầm tư, đào xới mọi khả năng, cho đến khi bà nhớ ra rằng trẻ con được tạo nên bằng cùng một chất liệu như những giấc chiêm bao và những cơn ác mộng. Rồi bà điều chế món thần dược: bảy muỗng vun khí carbon, mười bảy muỗng khí hydro, một muỗng khí nitro, và ba muỗng khí oxy.
 
Suốt cả ngày, con beo là một tên nô bộc trung thành. Nhưng khi đêm xuống, nó đặt bộ móng của nó lên vai con khỉ. Không phải để ôm con khỉ, mà để đè nó xuống. Tự vỗ ngực mình, con beo nói rằng loài beo của bọn tao không nhai nuốt mặt trăng chỉ vì thương hại cho đêm tối. Con khỉ đáp rằng ông chẳng có lợi lộc gì khi ông ăn thứ thịt bệnh hoạn của tôi, thứ thịt bị nhiễm bệnh sốt rét, bệnh giang mai, và bệnh liệt kháng.
"Ai trong chúng ta cũng phải chết vì một điều gì đó," con beo trầm ngâm, và con khỉ thừa cơ thoát ra khỏi bộ móng, nhảy một cú mất dạng.
 

 
Chín mùa trăng đã trôi qua.
Don Seráfico không có đứa con trai hay đứa con gái nào trong bụng, nhưng thần trí ông đầy nghẹt những cơn nhiễu loạn suốt hai trăm bảy mươi đêm không ngớt. Ngay khi ông vừa ngả đầu lên gối và nhắm mắt lại, những giấc mộng lập tức xô ông vào những thao tác vô tận:
Ông chạy suốt đêm với một đoàn xe lửa điên loạn nơi hai gót chân,
hoặc ông hối hả trèo lên một chiếc cột bôi mỡ trong lúc bên dưới có một bầy cá sấu ngoác mõm chờ đợi,
hoặc suốt đêm ông làm tình với mười một ngàn cô trinh nữ đang phụng trì Đức Mẹ xứ Caridad del Cobre: hết cô này đến cô khác, họ leo lên lưng ông để múa bụng, rồi họ lật ông lại và ném thân xác trần truồng của họ vào vòng tay ông.
Ông thức giấc với một hình hài thảm hại, lê từng bước vào phòng tắm và dấp nước lạnh lên mặt mình, rồi kinh hãi khi thấy không phải nước, mà những con chữ hay một bầy thằn lằn tuôn ra từ vòi nước.
 

 
Khi con trăng thứ chín làm sáng rực đám rừng rậm rạp, cả con beo và con khỉ đều nhem nhuốc và kiệt sức; nhưng kẻ săn mồi có bộ lông vằn vện vẫn chưa chịu chấm dứt cuộc truy lùng bữa ăn tối thoắt biến thoắt hiện của nó. Dưới những bước chân mệt lả của nó, những chiếc lá khô kêu rôm rốp. Đôi tai của nó vẫn còn cử động nhanh nhẹn, dự tính cú nhảy kết liễu. Từ những tiếng gầm khàn khàn của nó, chất nước miếng chảy ra sẵn để làm con mồi mềm và ướt, cái lưỡi thè ra sẵn để kềm chắc con mồi, hàm răng nhe ra sẵn để nghiền con mồi thành từng mảnh nhỏ. Những buổi ban ngày -- thời gian nhiều sắc màu chuyển dịch -- đã trôi qua như thế; và những buổi ban đêm -- thời gian của vạn mùi hương -- đã trôi qua như thế.
 

 
Giờ đây Don Seráfico đối diện với hai vấn đề: ông vẫn chưa đẻ con và ông phải chịu đựng những giấc mộng hành hạ không ngừng.
Ông du hành lên đô thị, đặt hy vọng vào khoa học. Ông trả gấp đôi lệ phí cho người bác sĩ lừng lẫy nhất.
Bác sĩ Bonfín lắng nghe câu chuyện của ông mà không hề nhướn mày lần nào. Don Seráfico giải thích rằng ông đã quyết định đẻ con, mà không cần đến một người đàn bà. Ông sẽ đẻ ra một cậu thái tử để vĩnh truyền tôn thống của ông. Và ông hứa sẽ hiến tặng cho bác sĩ tất cả tài sản của ông nếu ông nắm được cái bí quyết làm đàn ông mà vẫn có thai. Bác sĩ Bonfín cảnh cáo ông: "Đẻ thì đau lắm đấy."
Bác sĩ nhét một cái phễu vào mồm của Don Seráfico và nhét một cái nút bấc vào lỗ đít của ông ấy. Rồi bác sĩ đặt bệnh nhân nằm xuống và trút nguyên một chai dầu nhuận tràng vào cái phễu.
Sau đó, Don Seráfico muốn biết phải làm gì để vất bỏ những cơn ác mộng vẫn hành hạ ông. Bác sĩ Bonfín chỉ hỏi phải chăng khi nằm ngủ ông đặt hai tay lên tấm chăn hay đút chúng vào dưới chăn, và phải chăng khi nằm ngủ hai bàn tay ông mở ra hay nắm lại.
Don Seráfico sẽ không bao giờ nhắm mắt lần nữa trong cả quãng đời còn lại của ông; nhưng ông rời phòng mạch bác sĩ vào chiều hôm đó với một cái bụng to kềnh của người sắp lâm bồn.
 

 
Giữ một khoảng cách an toàn trước kẻ thù, con khỉ nằm ngủ trưa một giấc ngắn trên đọt cây guacímo.[1]
Khi vừa thiếp đi, nó chợt nghe tiếng kêu rên của một con người, và nhìn xuống, nó thấy một ông đực bụng bầu đang ngồi chồm hổm dưới gốc cây, tựa cái bụng to kềnh lên mặt đất. Don Seráfico kêu gào toát mồ hôi từng cơn nóng lạnh. Con khỉ tụt xuống đất và lẳng lặng chiêm ngưỡng cảnh tượng dị thường ấy.
Khi cái nút bấc bắn ra, cái bong bóng phát một tiếng sấm to hơn mọi tiếng sấm làm rung chuyển thế giới; và con khỉ nhảy cẫng lên.
Don Seráfico, xẹp lép và mệt ngất, kịp trông thấy con khỉ vụt qua. Đầm đìa nước mắt, ông thều thào: "Nó hơi xấu trai một chút, nhưng chẳng sao..."
 
 
 
#1
    meocon_thongminh93 15.02.2007 00:22:11 (permalink)
    ĐỊNH NGHĨA NGHỆ THUẬT
     
    "Portinari không có ở đây," Portinari nói. Ông thò cái chóp mũi của ông ra trong một khoảnh khắc, rồi đóng sầm cửa lại và biến mất.
    Lúc ấy là vào những năm ba mươi, những năm có chiến dịch lùng bắt cộng sản ở Brazil, và Portinari phải sống lưu vong ở Motevideo, Uruguay.
    Iván Kmaid không dính dự vào những năm đó hay nơi chốn đó, nhưng sau đó ít lâu, ông xuất hiện từ những lỗ hổng của bức màn thời gian và kể cho tôi nghe những gì ông đã thấy: Candido Portinari vẽ từ sáng đến chiều, và vẽ cả vào ban đêm.
    "Portinari không có ở đây," Portinari vẫn cứ nói như thế.
    Vào thời đó, giới trí thức cộng sản ở Uruguay đang sắp sửa đem nghệ thuật vào chủ nghĩa hiện thực xã hội, và họ muốn tham khảo ý kiến của người đồng chí lừng lẫy của họ.
    "Chúng tôi biết đồng chí không có ở đây," họ nói với Portinari, và họ năn nỉ: "Nhưng lẽ nào đồng chí không cho chúng tôi chỉ một vài phút đồng hồ? Chỉ một vài phút thôi mà."
    Rồi họ hỏi ông một câu.
    "Tôi không biết," Portinari đáp.
    Và ông nói thêm:
    "Tôi chỉ biết mỗi một điều: nghệ thuật là nghệ thuật, nếu không, nó là cứt."
     
     
    NHIỆM VỤ CỦA NGƯỜI ĐỌC / 1
     
    Hồi Lucía Peláez còn rất trẻ, chị đã núp dưới chăn để đọc một cuốn tiểu thuyết. Chị giấu nó dưới gối và đọc nó từng mảnh nhỏ, hết đêm này đến đêm khác. Chị đã ăn cắp nó từ cái kệ sách bằng gỗ tuyết tùng nơi ông bác của chị cất giữ những cuốn sách hay.
    Lớn lên, Lucía du hành đến những chốn xa xôi.
    Để tìm những con ma, chị đã bước đi trên những tảng đá trong dòng sông Antioquía, và để tìm những con người, chị đã bước đi trên những đường phố trong những đô thị cuồng loạn.
    Lucía đã đi rất xa, và những cuộc du hành của chị luôn luôn mang theo những vọng âm của những vọng âm của những tiếng nói xa xôi mà chị đã nghe bằng đôi mắt mình hồi còn rất trẻ.
    Lucía chưa bao giờ đọc lại cuốn sách ấy. Chị không còn nhận ra nó nữa. Nó đã âm thầm mọc lên quá lớn trong chị, đến nỗi giờ đây nó không còn là cuốn sách, mà trở thành một điều gì khác: giờ đây nó là sức sống của chị.
     
     
    NHIỆM VỤ CỦA NGƯỜI ĐỌC / 2
     
    Đã nửa thế kỷ từ ngày César Vallejo qua đời, và người ta tổ chức nhiều buổi lễ vinh danh ông. Ở Tây-ban-nha, Julio Vélez tổ chức hàng loạt các cuộc thuyết trình, hội thảo, xuất bản những ấn phẩm tưởng niệm và mở một cuộc triển lãm các hình ảnh về nhà thơ César Vallejo, cũng như về đất nước, thời đại và nhân dân của ông.
    Nhưng rồi Julio Vélez gặp José Manuel Castañón, và tất cả những cuộc vinh danh dường như đều trở thành nhỏ bé.
    José Manuel Castañón trước kia là đại uý trong cuộc Nội Chiến Tây-ban-nha. Chiến đấu cho phe Franco, ông đã bị mất một bàn tay và đã nhận được rất nhiều huy chương.
    Một đêm, ngay sau khi cuộc chiến vừa kết thúc, ông đại uý tình cờ nhặt được một cuốn sách bị cấm. Ông nhìn lướt qua, đọc một dòng, đọc thêm một dòng, và ông không thể xếp cuốn sách ấy lại được nữa. Đại uý Castañón, anh hùng của đạo quân chiến thắng, ngồi chong mắt suốt đêm, chìm đắm vào cuốn sách, đọc đi đọc lại tác phẩm của César Vallejo, nhà thơ của phe bại trận. Sáng hôm sau, ông từ chức, rời bỏ quân ngũ, và từ chối nhận thêm bất cứ một đồng peseta nào từ chính quyền Franco.
    Sau đó, họ bắt giam ông vào ngục, rồi ông bỏ nước trốn đi, sống đời lưu vong.
     
     
    CÂU CHUYỆN CON THẰN LẰN CÓ THÓI QUEN ĂN THỊT CÁC BÀ VỢ CỦA NÓ VÀO BỮA TỐI
     
    Trên bờ sông, khuất trong đám cỏ cao, một người đàn bà đang đọc sách.
    Ngày xưa, cuốn sách kể, có một người đàn ông rất giàu. Tất cả đều là tài sản của ông: thị trấn Lucanamarca, mọi thứ chung quanh thị trấn ấy, mọi thứ trên cạn và mọi thứ dưới nước, mọi thứ đã đã được thuần hoá và mọi thứ còn hoang dã, mọi thứ có ký ức, mọi thứ không có ký ức.
    Nhưng vị chúa tể của mọi thứ ấy lại không có con nối dõi. Hàng ngày vợ của ông cầu nguyện một ngàn lần, van xin ân huệ được một đứa con trai, và hàng đêm bà thắp một ngàn cây nến.
    Thượng Đế quá chán ngán với những lời khẩn khoản của người đàn bà kiên trì ấy — kẻ cứ đòi hỏi điều mà Ngài không hề muốn ban cho. Cuối cùng, hoặc để khỏi phải nghe giọng nói của kẻ ấy nữa, hoặc vì lòng thương hại từ cõi cao xanh, Ngài đã làm phép mầu. Và niềm hoan lạc được bố thí xuống cho gia đình đó.
    Đứa trẻ có bộ mặt của một con người nhưng thân hình của một con thằn lằn.
     

     
    Dần dần, nó biết nói, nhưng nó bò sát đất bằng cái bụng. Những giáo viên giỏi nhất đến từ Ayacucho dạy nó đọc, nhưng nó không viết được vì bị vướng bộ móng.
    Mười tám tuổi, nó đòi lấy vợ.
    Người cha giàu sang của nó tìm được cho nó một cô nàng, và đám cưới diễn ra lộng lẫy trong giáo đường.
    Ngay đêm đầu tiên, con thằn lằn nhảy chồm lên, đè vợ nó xuống và ăn thịt nàng. Khi mặt trời lên, trên chiếc giường hợp cẩn chỉ có một kẻ goá vợ nằm ngủ, chung quanh đầy những mảnh xương vụn.
    Thế rồi con thằn lằn đòi một cô vợ khác, và một đám cưới khác và một cuộc ăn thịt khác lại xảy ra, và kẻ hám ăn lại tiếp tục đòi thêm một cô vợ khác, và sự việc cứ thế tái diễn.
    Hôn thê thì chẳng bao giờ thiếu. Trong những gia đình nghèo khổ, luôn luôn có một cô con gái thừa ra cho việc này.
     

     
    Nằm bẹp cái bụng bọc vảy của hắn xuống bên bờ sông, Dulcidio đang ngủ trưa một giấc ngắn.
    Mở một mắt ra, hắn thấy nàng. Nàng đang đọc sách. Trong đời hắn từ trước đến giờ hắn chưa từng thấy một người đàn bà mang kiếng mắt.
    Dulcidio nghếch cái mõm dài về phía nàng:
    — Cô đang đọc gì đấy?
    Nàng hạ cuốn sách xuống, bình thản nhìn hắn, và đáp:
    — Những huyền thoại.
    — Những huyền thoại?
    — Những tiếng nói từ xa xưa.
    — Để làm gì?
    Nàng nhún vai:
    — Đọc chơi vui.
    Người đàn bà này dường như không đến từ những vùng núi, hay rừng sâu, hay ven biển.
    — Tôi cũng biết đọc nữa, Dulcidio nói.
    Nàng gấp sách lại và ngoảnh mặt nơi khác.
    Trước khi người đàn bà đi khuất, Dulcidio hỏi kịp một câu:
    — Cô từ đâu đến?
     

     
    Chủ Nhật sau, khi Dulcidio thức dậy từ giấc ngủ trưa, nàng có mặt ở đó. Không có sách, nhưng mang kiếng mắt.
    Ngồi trên cát, đôi bàn chân khuất dưới nhiều lớp váy sặc sỡ, nàng đúng thật là người ở đó, bắt rễ ở đó. Nàng đưa mắt nhìn kẻ xâm nhập.
    Dulcidio lật tẩy tất cả những con bài của mình. Hắn nhấc một cái móng cong vút của mình và quơ nó về phía những rặng núi xanh trên đường chân trời.
    — Tất cả những gì cô thấy và không thấy đều là của tôi.
    Nàng thậm chí không liếc về phía miền đất bao la ấy, chỉ giữ im lặng. Một sự im lặng bằn bặt.
    Kẻ thừa tự tiếp tục thuyết phục. Nhiều đàn cừu, nhiều thổ dân da đỏ, tất cả đều thuộc quyền sở hữu của hắn. Hắn là chúa tể của cả miền đất bao la kia, cả nước, cả không khí, và cả dải cát bé nhỏ mà nàng đang ngồi lên.
    — Nhưng tôi cho phép cô ngồi ở đó, hắn trấn an nàng.
    Hất mái tóc đen dài, nàng gập đầu:
    — Cảm ơn ông.
    Thế rồi con thằn lằn nói thêm rằng hắn giàu nhưng khiêm tốn, siêng năng, một người yêu lao động và, trên hết, một trang nam tử muốn lập gia đình nhưng đã phải chịu cảnh goá bụa vì sự khắc nghiệt của số phận.
    Nàng nhìn ra nơi khác. Cúi đầu xuống, nàng ngẫm nghĩ về trạng huống này.
    Dulcidio loay hoay tìm cách.
    Hắn thầm thì:
    — Có lẽ tôi được phép xin cô một ân huệ?
    Và hắn xoay mạn sườn về phía nàng, phơi tấm lưng trần.
    — Cô làm ơn gãi lên vai tôi nhé? Tôi không vói đến đó được.
    Nàng đưa bàn tay sờ vào những chiếc vảy óng ánh như kim loại, và thốt lên:
    — Láng như lụa vậy.
    Dulcidio duỗi dài ra, nhắm mắt, há miệng, vểnh đuôi lên cứng ngắc, và thưởng thức cái cảm giác sung sướng chưa từng có.
    Nhưng khi hắn xoay đầu lại, nàng không còn ở đó nữa.
    Hắn tìm kiếm nàng, hối hả sục sạo khắp cả cánh đồng lau sậy, chạy ngược chạy xuôi, mọi phía. Không một dấu vết của nàng. Người đàn bà đã tan biến, như lần trước.
     
    Chủ Nhật sau, nàng không đến bờ sông. Chủ Nhật sau nữa, cũng thế. Rồi Chủ Nhật sau nữa, cũng thế.
    Từ lần đầu gặp nàng đến nay, hắn chỉ thấy nàng và không còn thấy gì khác ngoài nàng.
    Kẻ nổi tiếng mê ngủ giờ đây không còn ngủ nữa, kẻ hám ăn giờ đây không còn ăn nữa.
     

     
    Buồng ngủ của Dulcidio không còn là cái thánh địa hoan lạc nơi hắn vẫn đến để nghỉ ngơi, để được canh chừng bởi những người vợ đã chết. Những bức ảnh chân dung của họ vẫn còn xếp hàng đầy đủ ở đó, phủ khắp những bức tường từ trần nhà xuống đến sàn, trong những chiếc khung hình trái tim được trang hoàng bằng những chùm hoa cam; nhưng Dulcidio, bây giờ phải gánh chịu phận cô đơn, ngã nhoài xuống giữa đống nệm và chìm vào niềm tuyệt vọng. Hàng loạt bác sĩ và thầy lang từ khắp nơi được mời đến, nhưng họ chẳng làm được gì trước những cơn sốt và sự rã rời của mọi cơ năng khác.
    Ôm chiếc máy thu thanh gắn pin mua được từ một du khách người Thổ, Dulcidio suốt cả ngày đêm thở dài sườn sượt và lắng nghe những bài tình ca cũ rích. Cha mẹ hắn, tuyệt vọng, nhìn hắn chết mòn vì sầu muộn. Hắn không còn đòi lấy vợ vì Tôi đang đói. Bây giờ hắn kêu rên Tôi trở thành một tên ăn mày tình yêu khốn khổ, và bằng một giọng khàn vỡ, kết hợp với một khuynh hướng phát ngôn thành vần điệu rất đáng lo ngại, hắn
            dâng lời tôn vinh đau đớn lên Nàng mông lung ảo hoặc
            người đã cướp mất của chàng trọn linh hồn và niềm an lạc.
    Toàn thể dân chúng đổ xô đi tìm nàng. Họ sục sạo cả trên trời và dưới đất, nhưng thậm chí họ cũng không biết tên của người đã tan biến, và chưa có ai từng thấy một phụ nữ mang kiếng mắt trong láng giềng của họ hay ở những địa phương quanh đó.
     
    Một xế trưa Chủ Nhật, Dulcidio bỗng có linh tính. Hắn nhỏm dậy, trong cơn đau, và khốn khổ lê bước đến bờ sông.
    Nàng có mặt ở đó.
    Nước mắt trào ra lai láng, Dulcidio tuyên bố tình yêu với người trong mộng — người phụ nữ khi ẩn khi hiện và lãnh đạm ấy. Hắn thú nhận rằng hắn đã chết vì khao khát dòng mật ngọt trên môi em, bày tỏ rằng tôi không đáng phải bị em hắt hủi, hỡi con chim bồ câu diễm lệ của tôi, và tuôn ra nhiều lời tán dương cùng cử chỉ mơn trớn dịu dàng.
     
    Đến ngày kết hôn, ai nấy đều vui mừng, vì đã quá lâu dân chúng không hưởng được một lễ hội nào, và Dulcidio là người duy nhất có đám cưới linh đình như hội. Cha xứ lấy tiền thù lao rất bảnh, vì hắn là một khách hàng đặc biệt.
    Nhạc tây-ban-cầm làm ngây ngất những con tim yêu đương, tiếng hạc cầm và vĩ cầm ngời sáng tột độ. Mọi người cùng nâng ly chúc tình yêu vĩnh cửu cho đôi vợ chồng hạnh phúc, và những dòng sông rượu tuôn chảy cuồn cuộn bên dưới những lẵng hoa vĩ đại.
    Dulcidio trưng diện một bộ da mới, với màu hồng trên hai vai và màu xanh pha lục trên chiếc đuôi dài ngoại hạng của hắn.
     

     
    Thế rồi khi chỉ còn lại hai người và đến giờ hợp cẩn, hắn tuyên bố với nàng: — Anh cho em trái tim anh, để em giẫm đạp lên.
    Nàng thổi một hơi làm tắt phụt ánh nến, trút bỏ bộ đồ cưới phùng phình đầy những dải ren hoa mỹ, thong thả tháo cặp kiếng mắt, và bảo hắn, Đừng nói lảm nhảm như lỗ đít nữa, dẹp cái trò dở hơi ấy đi. Giật phăng một cái, nàng lột truồng hắn ra như tuốt kiếm khỏi vỏ, vất bộ da của hắn lên sàn, ôm chầm lấy cái thân xác trần truồng của hắn, và làm hắn bốc lên như lửa.
    Sau đó, Dulcidio ngủ rất say, cuộn mình tựa vào người đàn bà, và nằm chiêm bao lần đầu tiên trong đời hắn.
     
    Nàng ăn hắn trong khi hắn còn đang ngủ. Nàng tiếp tục nuốt hắn thành từng miếng nhỏ, từ đuôi lên đến đầu, gây ra những tiếng nhóp nhép. Nàng cố gắng nhai hết sức nhẹ nhàng, tránh làm hắn thức giấc, để hắn khỏi mang theo một ấn tượng xấu.
     
     
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9