Tuổi Học Trò
DongSaBang 23.02.2007 01:41:09 (permalink)
 Tuổi Học Trò
 [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/26316/46F4457DEE8D42E3B8982F2CAC88C31A.jpg[/image] 
 

Tiếng chuông điện reng lên một hồi thật dài rồi ngưng hẳn. Người ta bắt đầu nghe những tiếng rù rì như của một loài ong, những tiếng rù rì lớn dần, lớn dần và lan rộng ra không gian ba chiều. Rồi đùng một cái, như một cái gì tan vỡ. Những con người nho nhỏ mà người đời thường đặt cho cái danh hiệu thứ ba (thứ nhất là quỹ, thứ nhì là ma) bây giờ như một bầy ong, xé tang bầu không khí yên lặng của sân trường.
 
Giờ ra chơi đã đến.
 
Những bước chân xô đẩy uà chạy ra khỏi lớp học thì lại có một tà áo trắng ôm sách vở chạy ngược vào lớp, nhỏ chỉ muốn ngồi ở bàn số năm (chỉ vậy thôi); Mà hôm nào cũng vậy, nhỏ chỉ muốn ngồi ở bàn số năm trong giờ Anh Văn.
 
Hôm nay, tiếng chuông ra chơi, cũng là tiếng chuông đổi lớp sinh ngữ lần cuối. Tập vở đã cất vào hộc bàn, nhỏ bước ra sân trường.
 
Long Hồ không biết nhỏ nhiều lắm, chỉ biết nhỏ có cái tên Thanh Tâm.
 
Vào những ngày Hai, Tư, Sáu, nhỏ và vài người bạn ôm sách qua học chung lớp Long Hồ trong giờ Anh Văn, thế thôi. Ngày nào đi học Tâm cũng mặt áo dài trắng, và ngày nào Tâm cũng được một người cao niên, tóc bạt phơ, chở đi và đón về trên chiếc xe Honda Dame.
 
Năm đó, cái năm mà người Sài Gòn nghe tiếng súng nổ thay cho tiếng pháo giao thừa, Long Hồ học lớp đệ Ngũ tối Võ Trường Toản. Lớp học thật là hổn tạp, những người hôm nay ngồi chung trong lớp, chàng chưa từng biết mặt trong niên khóa trước, và họ cũng vậy thôi. Có lẽ sau khóa học nầy rồi ai chia tay nấy, biết có ngày gặp lại đâu. Sài Gòn mà, muôn người muôn mặt là vậy, những người hôm nay ta gặp rồi ngày mai, ngày mai ai biết. Cũng như mưa Sài Gòn vậy, thóang đến rồi thoáng đi, chẳng buồn để lại một dấu vết nào trên mặt đường.
 
Tuy mang tên là Võ Trường Tỏan nhưng phòng học thì lại ở trường tiểu học Ðinh Tiên Hoàng, đã nói lớp học phức tạp lắm rồi mà! Nhưng phức tạp hơn nữa là cái đám thứ ba, cái đám học trò của Long Hồ. Nếu đè đầu ra hỏi lý lịch thì thôi, đủ hết, nào là dân Cao Thắng, dân Gia Long, dân Petrus Ký, vân vân. Mỗi người có một lý do “chính đáng” để về học cái trường Ðinh Tiên Hòang nầy, à mà không phải, Võ Trường Tỏan chứ.
 
Mỗi buổi chiều ra khỏi võ đường Ohdowan, Long Hồ bỏ cái đai bên trong và cuộn tròn bộ võ phục. Ðèo năm ba cuốn sách, chạy chiếc xe đạp đồng giông, không vè, không thắng, từ cầu Xa Lộ Phan Thanh Giảng vào khu Ðakao, rồi bắt vào đường Ðinh Tiên Hoàng đến lớp học.
 
Chỉ còn vài tuần nữa là niên khóa chấm dức. Sân trường bây giờ được tô thắm bởi màu hoa Phượng, báo trước giờ chia tay sắp đến. Như một định luật, cứ mỗi lần hoa phượng nỡ, và “màu hoa tươi thắm như máu con tim” là “phút gần gũi nhau lại sắp hết rồi”. Cái đám thứ ba lại xếp bút nghiêng để chín mươi ngày nhảy nhót ở đồng quê. Sung sướng! Thật là sung sướng làm sao cái tuổi học trò! Có người về miền tây, kẻ trở lại cao nguyên, và có đứa trở về với miền thùy dương cát trắng.
 
Một niên học trôi qua, biết bao nhiêu chuyện buồn vui lẩn lộn; Có những đứa bạn thật dể thương, hiền lành, nhưng cũng có những đứa không thể nào làm bạn được, thấy mặt là muốn đục, là muốn kêu lính bắt cho rồi!
 
Lớp học được chia làm hai dãy, nữ sinh ít hơn được ngồi phía trước (lady first mà), và chỉ chiếm năm bàn đầu. Thanh Tâm ngồi ở bàn chót của dãy nữ, kế đến là bàn của đám Cao Thắng, và sau cùng là bàn của Long Hồ.
 
Với khuôn mặt trầm ngâm, lúc nào Long Hồ cũng thích ngồi ở bàn cuối, không hiểu tại sao nhưng dường như lớp nào Long Hồ cũng ngồi bàn cuối; Có lẽ ngồi xa “mặt trời” dể quậy phá hơn chăng!
 
Ở cái tuổi nầy và lớp học nầy Long Hồ khám phá ra nhiều chuyện thích thú giữa những người bạn nhỏ. Cái tuổi còn chút hồn nhiên và thích khoe khoang. Có những hôm, Long Hồ ráng chạy thật nhanh đến lớp học sớm để được tụm năm tụm ba và cổ động xem tài nghệ của thằng Hùng Láng và Cu Lỡ.
 
Biệt tài của Hùng Láng là món gồng, mỗi lần nó gồng mình lên là cả thân thể nó bóng loáng và cứng ngắt. Nó đưa lưng, bắp tay, bắp chân, và bụng ra cho đứa nào muốn ngắt véo thì ngắt, vậy mà không đứa nào làm thấm thía gì nó được, rờ chổ nào là tuột chổ đó, không thể nào nắm được chút thịt da Hùng Láng. Thật là công phu thượng thặng, Long Hồ cũng ráng véo cho nó một cái xem sao nhưng rồi bàn tay để lên lại tuột xuống, không ăn nhằm gì hết! Vì da nó láng và trơn quá nên nó mới có cái tên Hùng Láng. Nó kể nó học gồng, và nó đã từng xách hằng chục thùng nước mỗi ngày chạy lên chạy xuống sườn dốc. Bây giờ nó biểu diễn cho đám bạn xem lé mắt luôn.
 
Còn Cu Lỡ thì có bàn tay sắt. Người ốm tong ốm teo, da đen thùi, hở miệng ra là nghe chử đ.m đi trước. Nó rất ngang tàng nhưng cũng rất có nghĩa. Nó khoái chơi trò bắt tay với thiên hạ, bàn tay xương rắn chắc của nó, nó xiết lại thì không đứa nào chịu nỗi! Mà nó thích xiết tay thiên hạ, đến khi người ta than phiền thì nó chỉ nói nó lỡ bóp mạnh tay, nó lỡ bóp riết thành cái tên Cu Lỡ luôn.
 
Giờ ra chơi hôm nay, dưới gốc cây Phượng, một đám học sinh thách đố nhau.  Cu Lỡ nói:
 
- Ê Long Hồ, đ.m, bộ mầy sợ mấy thằng Cao Thắng nầy sao.
 
- Nhảy vô cho tao xem tài nghệ mầy đi Long Hồ. Một thằng khác lại nói.
 
- Nó học võ khoai lan nên không dám chơi với tụi tao đâu. Học trò Cao Thắng nói như thế.
 
Lời khiêu khích của đám Cao Thắng đã đưa Long Hồ vào trận đấu. Nó không thích nghe người ta chê nó học cái võ vô dụng, võ khoai lan. Ít ra thì cũng được võ con cua, con còng hay võ con gì gì biết quơ tay quơ chân một chút, chứ có đâu như võ khoai lan thì đánh đá được ai!
 
Mà từ lâu trong lớp học nầy nó không ưa mấy tên Cao Thắng. Lúc nào cũng bè lũ và mang đủ thứ đồ nghề từ trường Cao Thắng vào lớp học nào là kìm, dũa, búa, khoan, vân vân. Những dụng cụ mà hằng ngày học sinh Cao Thắng cần có để học nghề ở xưởng. Hể ai đụng tới đám Cao Thắng là nó đem búa, đem dũa ra xử dụng, thấy mà ghét.
 
Hôm nay Long Hồ muốn đụng độ với đám Cao Thắng cho biết. Thế là:
 
“Tụi Cao Thắng đứa nào ra đây cũng được.” 
 
Cái đám ăn có chỉ đợi bấy nhiêu thôi. Cho nên sau lời tuyên bố xanh dờn của Long Hồ là tiếng la hò ủm tỏi của đám cỗ võ. Mà thật ngộ, trong đó có cã Thanh Tâm và mấy nàng công chúa trong lớp cũng rất nhiệt tình la hò:
 
“Ngon thì nhảy dzô, nhảy dzô, nhảy dzô.”
 
Thế rồi Cao Thắng chọn gà đưa ra. Màn chơi đầu tiên là vật tay, Long Hồ đấu với thằng Khểnh Cao Thắng. Bao nhiêu nam sinh, nữ sinh xoay một vòng tròn dưới gốc cây Phượng, và bên trong vòng tròn là hai con “gà” đang đọ sức nhau. Tiếng cổ võ hai bên vang ầm cả sân trường, rồi đùng một cái, cánh tay Long Hồ đè bẹp tay của thằng Khểnh Cao Thắng. Cao Thắng bị thua, tức quá nó lại đưa thằng Tôn ra đấu, và kỳ nầy nó đòi chơi trò vật chân. Cu Lỡ nói:
 
“đ.m. vật chân hay vật cái gì cũng chơi luôn Long Hồ.”
 
“Ðược, chơi thì chơi sợ gì.” Long Hồ bảo thế.
 
Rồi luật lệ được đặt ra, nào là không được chơi xấu, không được ăn gian, không được nhờ cậy bên ngoài, không được thọt cù lét. Cuối cùng hai đối thủ nhập cuộc. Bốn cánh tay chéo nhau qua bốn cái chân, rồi rị, rồi kéo, rồi mặt mày nhăn nhó, ráng giữ thăng bằng đừng cho ngã.
 
Trong khi cả một đám bao vây chung quang la cười thỏa thích. Trong tiếng ồn ào là hét đó Long Hồ nghe tiếng nói của Thanh Tâm:
 
“Ðánh ngã thằng Tôn đi Long Hồ.”
 
Tôn nghe lời nói của Thanh Tâm nó tức cành hông, mặt mày đỏ lưởng, nó ráng trân gân trân cốt ra cố vật ngã đối thủ. Nhưng đã muộn rồi, cái đầu nó đã quẹo qua một bên và, chấm đất. Nó đã ngã xuống! Ấm ức và mang nỗi niềm tức giận trong người.
 
Nhưng người thích thú nhất trong chiến thắng vữa rồi lại không phải là Long Hồ, mà là Thanh Tâm, nhỏ la lên, vui mừng ôm bụng cười ngặt nghẽo như tự mình đánh ngã địch thủ. Long Hồ không hiểu tại sao Thanh Tâm lại vui thật nhiều khi thấy Tôn thua trận. Nhưng mặc kệ, đó là chuyện của Thanh Tâm.
 
Tiếng chuông lại reng lên, giờ vô lớp lại đến. Những con người nho nhỏ lại ngoan ngoãn hàng ngũ chỉnh tề kéo nhau vào lớp học, trả lại sự tỉnh mịch cho sân trường. Và dưới gốc cây Phượng, không còn bóng người, chỉ có chơi vơi những cành hoa đỏ thắm, nằm ngỗn ngang trên mặt đất.
 
Con đường Phan Thanh Giảng ngã cầu Xa Lộ bây giờ trống vắng, những căn nhà do thương phế binh cắm dùi nằm hai bên vệ đường hứng gió bụi, xơ xác. Trục lộ nầy là con đường chính để xe hàng từ cao nguyên và miền Trung trở về cung cấp hàng hóa cho Sài Gòn. Ðường rộng thênh thang mà xe cộ thì ít, thỉnh thoảng những chiếc xe đò, xe be chạy vù qua làm bụi đường bay mù mịt.
 
Long Hồ chạy trên con đường đất đỏ từ võ đường đi ra xa lộ, chạy một chút là đến cầu Phan Thanh Giảng. Chàng ghé lại chiếc xe bán nước bên đường và gọi ly sâm-bổ-lượng giải khác sau giờ tập dợt. Ngày nào cũng vậy, những chiếc xe bán nước bên đầu cầu nầy là điểm dừng chân của đám bạn bè Long Hồ sau giờ tập. Uống vội vàng ly sâm-bổ-lượng, Long Hồ lại lên xe chạy về Ðakao.
 
Qua khỏi rạp hát Khải Hoàng, Long Hồ chạy dọc theo con đường Ðinh Tiên Hoàng dưới những hàng me cổ thụ. Buổi chiều trời mát Long Hồ cũng thấy lòng mình thánh thoát, chàng cứ cho xe chạy tà tà nhìn cảnh vật bên đường mà trở lại trường. 
 
Hôm nay lớp học không còn vui nhộn như ngày nào vì chỉ còn một tuần nữa là ngày mãn khóa. Giờ Anh Văn thầy An cũng không còn buồn “Good evening class” như mọi ngày. Ðốt xong điếu thuốc, thầy ngồi tựa trên bàn, một chân đánh đùng đưa trong không gian, một chân chạm đất, thầy bắt đầu kể chuyện:
 
Các em biết không, các em nói tiếng Anh có nhiều tật lắm, mà cái tật xấu ăn là thông dụng nhất.
 
Long Hồ nghĩ hôm nay chắc thầy An bị trúng thực rồi chăng, học Anh Văn dính dáng gì với chuyện ăn uống trong nầy!
 
Các em xấu đói quá nên lúc nào cũng nuốt phần cuối, và nhất là những từ có “s” sau cùng, phải không? Còn một tật nữa là các em nói lẹ quá. Cái nầy không phải lỗi của các em mà là tại mấy thầy cô. Không hiểu từ đâu mà các thầy cô cứ nghĩ nói tiếng Anh phải nói cho thật lẹ mới đúng tiếng Anh. Sai rồi, từ đây các em cưa hai vận tốc các em cho thầy đi nhe, chạy lẹ quá không ai hiểu đâu mà có ngày đun đầu vô cột đèn đó! Nghe thầy nói thấy lạ phải không, có bao giờ các em nghe và nói chuyện trực tuyến với thằng Mẽo nào đâu mà biết. Nhưng mà sự thật là vậy đó. Nhưng những tật xấu trên kia là tật xấu cơ bản thôi, còn một tật nầy mới là tật xấu nguy hiểm, các em phải biết phân biệt cho rõ chữ N và chữ L, khổ lắm, em muốn ăn đùi gà mà cứ nói nhà bếp “give me a chicken neg” thì chỉ có gặm cổ gà thôi! Còn nữa, thầy dặn các em lúc đối thoại trước mặt mấy cô đầm thì rán phát âm chữ “This” cho đúng một chút, đừng có chơi kiểu “dis, dis, dick” thì nó đè các em xuống ráng mà chịu đó!
 
Xong chuyện tiếng Anh bây giờ thầy kể chuyện cuộc đời của thầy cho nghe hén.
 
Sao lạ thật, hôm nay nỗi chứng gì mà thầy An lại tâm sự nhiều quá vậy, ngày thường ổng nghiêm lắm kia mà!
 
Các em biết thầy lập gia đình lúc mấy tuổi không?  25 tuổi, à 25 tuổi thầy mới cưới vợ đó. Mà thầy ngon lắm, không nhờ ai làm mai làm mối gì hết, ngày đó thầy thích cô vợ của thầy bây giờ, và thầy đến tận nhà gặp Ba Má cô ấy thầy hỏi xin cưới cô ấy làm vơ. Vậy mà thầy cưới được vợ đó.
 
Long Hồ nghe câu nầy thấy có lý và khoái chí quá liền la lên:
 
“Thầy ngon quá thầy, em chịu thầy chổ nầy nhất đó.”
 
Vậy mà cả lớp quay lại nhìn Long Hồ sừng sững, và nhất là Thanh Tâm.
 
Nhưng thằng Tôn nó cay cú Long Hồ như nước với lửa. Cũng chỉ vì sau ngày vật tay hôm nọ, nó thua trận và mang trong lòng nỗi buồn tức giận. Và cũng sau ngày đó, thằng Tôn không chừa cơ hội nào để chọc phá Long Hồ. Nó nghe Long Hồ tán thành câu chuyện thầy An lấy vợ nó lại nỗi cơn:
 
“Ê Thanh Tâm, nhà ở đâu chỉ cho Long Hồ đi, để sau nầy nó đến…”
 
Rồi nó quay xuống bàn Long Hồ nó cười thích thú. Nó thấy chọc người ta vui quá nó bèn làm tiếp:
 
“Ê Thanh Tâm, thằng Long … Long … Long … Long…”
 
Nói chưa dứt những gì nó muốn nói thì Long Hồ vỗ vai nó:
 
“Ê Tôn …”
 
Nó quay đầu xuống. Chát một cái, bàn tay Long Hồ in măm ngón trên mặt thằng Tôn.
 
Hai cái bàn chót trong giây phút trở thành chiến tranh lạnh như chiến tranh Nga Mỹ. Long Hồ thấy đã tay và cho thằng nhóc nầy một bài học cho nó nhớ đời, còn Tôn thì âm thầm ngồi đợi, đợi giờ ra chơi sắp đến. Và tiếng chuông lại vang lên, giờ ra chơi lại đến. Cái đám Cao Thắng chạy ra khỏi lớp trước hết, nó đứng dưới cây Phượng ngoài sân trường chờ Long Hồ ra.
 
“Ð.M mầy dám “huýnh” tao hả.”
 
Thế là nó nhảy vô, nó mang dũa, búa, kìm kéo, thứ gì cũng có đủ. Long Hồ chỉ có Cu Lỡ và Hùng Láng hổ trợ, vậy là một chầu “hội đồng” vang dội từ sân trường đến ngoài ngõ cổng trường. Mỗi thằng một món, Cu Lỡ trổ tài Thiếu Lâm Tự trông ngoạn mục lé mắt luôn. Hùng Láng thì đụng đâu xơi đó, tự do mà. Còn Long Hồ thì tha hồ móc giò lái.
 
Cuối cùng là ông giám thị già bắt quì gối hết dưới gốc cây Phượng. Bên nào cũng trân cổ ra cải “nó húynh tui trước”. Nhưng mà mấy ông giám thị (trừ ông giám thị Ba Già ở trường Tân Văn) là mấy ông dể ghét nhứt đời học trò! Ổng làm cho mỗi đứa một roi xong cho vào lớp học.
 
Hôm nay là buổi học cuối. Lớp học tự nhiên đầy đủ hơn mọi hôm, vì chỉ còn hôm nay thôi, rồi ngày mai mỗi người mỗi nẽo, nên ai cũng đi học dường như đầy đủ.
 
Thanh Tâm bước ra sân trường, nàng nhặt cánh hoa phượng ép vào tập rồi thả bộ một vòng quanh sân trường với người bạn cùng lớp. Những nàng thiếu nữ hôm nay có vẻ ung dung và dịu dàng hơn ngày đầu nhập học; Những bước chân rãi đều trên sân trường mà dường như tâm tư đang có gì thay đổi!
 
Giờ ra chơi đã qua, và qua mau hơn mọi ngày. Giờ học sau cùng cũng ngắn lại, hình như mọi thứ đều trôi qua thật mau.
 
Bạn bè cũng đã chia tay, những lời chúc đẹp cho một mùa hè đã nói xong rồi, Long Hồ vẫn còn quanh quẩn trong lớp chào tạm biệt thầy An. Nhìn ra ngoài sân trường thưa dần. Long Hồ ôm sách vở ra hiên, chàng buột vào cái ba-ga xe đạp và từ từ dắt xuống vĩa hè.
 
Sân trường giờ nầy chỉ còn lại Thanh Tâm và người bạn. Long Hồ nhìn lên thấy Thanh Tâm và người bạn gái đang đi thật chậm ngoài sân. Khi chàng đến gần thì Thanh Tâm nói nhỏ gì với người bạn gái, người bạn gái rời đi thật lẹ, chỉ còn để lại Thanh Tâm một mình đứng giữa sân trường.
 
Nàng ôm tập sách cuối đầu nhìn xuống đất và đang trông đợi, như đang trông đợi một người nào đó.
 
Chàng biết Thanh Tâm muốn nói gì với mình nên đã bão người bạn lánh xa.
 
Những bước chân Long Hồ giờ nầy sao như muốn cuốn quýt, chàng nghĩ thầm “Mình cứ lại đi, chào Thanh Tâm một tiếng rồi xem ra sao, nàng sẽ nói gì với mình, chỉ vậy thôi, có gì đâu mà sợ!” Rồi Long Hồ dắt xe bước đi chầm chậm về hướng Thanh Tâm. Khi Long Hồ đến gần Thanh Tâm thì nàng nhìn lên, nhưng Long Hồ lại…. ngập ngừng rồi … đi luôn!


Ra đến cổng Long Hồ quay lại nhìn thì Thanh Tâm vẫn còn đứng đó, mắt đưa nhìn về cổng trường. Có lẽ nàng vừa biết yêu, tình yêu tuổi học trò.
==========================================================
Đồng Sa Băng.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.02.2007 01:47:26 bởi DongSaBang >
Attached Image(s)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9