Nam Phương Hoàng Hậu
marcel 24.02.2007 17:51:32 (permalink)
Vua Bảo Ðại đã viết về đám cưới của Ngài như sau : " Ngày cưới là ngày 20 tháng 3 năm 1934. Ðám cưới được cử hành trước triều đình và các đại diện của Pháp. Ðó là một vấn đề mới mẻ, vì xưa tới nay chưa bao giờ như vậy. Tôi cũng có quyết định tấn phong ngay cho vợ tôi, tước hiệu là Hoàng Hậu, sau khi cưới, điều mà từ xưa, mẫu thân tôi chỉ được phong sau khi phụ hoàng đã chết. Tôi tấn phong cho vợ tôi là Nam Phương Hoàng Hậu, có nghĩa là "hương thơm của miền Nam", đồng thời cũng theo một sắc dụ, tôi cho phép Hoàng Hậu được mặc áo màu vàng da cam, vốn chỉ dành riêng cho hoàng đế ".

Theo báo chí thời đó cũng như lời thuật lại của những vị cao niên thì triều đình phải cử đại diện vào Long An, quê của Nam Phương Hoàng Hậu để rước dâu. Dọc đường từ trong Nam ra tới Huế, các địa phương đặt bàn thờ, hương án và quan dân tức trực để đón cho đám rước Hoàng Hậu đi qua. Tiếng pháo chào mừng nổ liên tục từ trong Nam ra tới kinh đô Huế. Trước đây tôi có được xem ảnh của Nam Phương Hoàng Hậu chụp trong ngày bà được tấn phong Hoàng Hậu, ảnh màu rất đẹp. Những hình ảnh đó, có lẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức của Hoàng Ðế Bảo Ðại.

Nhà vua đã kể lại như sau : "Lễ tấn phong được cử hành ngay ở điện Cần Chánh, là nơi vẫn dùng để thiết đại triều. Trước sân chầu có trải thảm đỏ và vàng, vẫn dùng để Hoàng Ðế bước lên. Các quan triều thần đều tập họp đủ mặt. Hoàng Hậu vận trào phục màu vàng, đầu đội mũ kết trân châu bảo ngọc, đi hia mũi nhọn, tay cầm hốt ngà, từ từ tiến và vào, qua hai hàng quan triều thần chào đón, để tiến tới trước ngai vàng tôi đang ngồi đợi. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử nước tôi, một thiếu nữ đã một mình tiến cung như vậỵ Khi đến trước mặt tôi, Hoàng Hậu khấn đầu làm lễ vái ba vái, rồi ngồi sang bên phải tôi, trên chiếc ngai vàng thấp hơn. Lễ tấn phong hoàn tất rất nhanh chóng. Tôi đưa Hoàng Hậu về điện Kiến Trung và ở đấy với tôi. Ðến chiều, Hoàng Hậu tới triều kiến Ðức Hoàng Thái Hậu. Ðức bà rất hoan hỷ và tiếp đón niềm nở. Một kim sách được lập cho Hoàng Hậu, và sắc chỉ tấn phong được đem ra niêm yết ở tòa sắc chỉ "Sự kiện Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong Hoàng Hậu ngay sau cưới là một biệt lệ đối với các bà vợ vua thuộc triều Nguyễn. Vì mười hai đời vua Nguyễn trước kia, các bà vợ Vua chỉ được phong tước Vương phi, đến khi chết mới được truy phong Hoàng Hậu.

Nhắc đến cuộc nhân duyên với Hoàng Hậu Nam Phương, cựu hoàng Bảo Ðại đã ghi lại trong cuốn CON RỒNG VIỆT NAM (đã được tác giả Tôn Thất An Cựu viết như sau) : " Sau lần hội đầu tiên ấy, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp nhau để trao đổi tâm tình. Marie Thérèse thường nhắc đến những kỷ niệm ở trường Couvent des Oiseaux một cách thích thú. Cũng như tôi, Marie Thérèse rất thích thể thao và âm nhạc. Cô ta có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương, để đặt danh hiệu cho nàng. Các vị Tiên Ðế của tôi cũng thường hướng về người đàn bà miền Nam. Nếu tôi nhớ không sai thì trước Hoàng Hậu Nam Phương, có đến bảy phụ nữ miền Nam đã từng là chủ nhân của hoàng thành Huế. Khi chọn phụ nữ miền Nam làm vợ, hình như các Tiên Ðế và tôi đều nghĩ rằng trước kia đức Thế Tổ Cao Hoàng (tức vua Gia Long) đã được nhân dân miền Nam yểm trợ trong việc khôi phục giang sơn. Chính đó là sự ràng buộc tình cảm giữa Hoàng triều Huế với người dân miền Nam".

Về phần Hoàng Hậu Nam Phương, bà đã nhắc lại "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" như sau : " Hôm đó Ông Darle, Ðốc Lý thành phố Ðà Lạt gởi giấy mời cậu Lê Phát An tôi (Lê Phát An là anh ruột bà Nguyễn Hữu Hào) và tôi đến dự dạ tiệc ở Hotel Palace. Tôi không muốn đi nhưng câu An tôi năn nỉ và hứa với tôi là chỉ đến tham dự một chút và vái chào nhà Vua xong là về nên tôi phải đi một cách miễn cưỡng và tôi cũng chỉ trang điểm sơ sài thôi. Chúng tôi đến trễ nên buổi tiệc đã bắt đầu từ lâu. Cậu tôi kéo ghế định ngồi ngoài hiên thì Ông Darle trông thấy, Ông ta chạy đến chào chúng tôi rồi nắm tay cậu tôi kéo chúng tôi vô nhà. Vừa đi Ông vừa nói : "Ông và cô phải đến bái yết Hoàng Thượng mới được". Khi cánh cửa phòng khách vừa mở, tôi thấy vua Bảo Ðại ngồi trên chiếc ghế bành chính giữa nhà. Ông Darle bước tới bên cạnh Vua rồi nghiêng mình cúi chào và kính cẩn nói :

- Votre Majesté, Monsieur Lê Phát An et sa nièce, Mademoiselle Marie Thérèse. (Tâu Hoàng Thượng, đây là Ông Lê Phát An và người cháu gái, cô Marie Thérèse).

Nhờ các nữ tu ở trường Couvent des Oiseaux từng chỉ dạy nên tôi biết phải làm gì để tỏ lòng tôn kính đối với bậc Quân Vương, vì vậy tôi đã không ngần ngại đến trước mặt Hoàng Ðế, quỳ một gối và cúi đầu sát nền nhà cho đến khi thấy bàn tay cậu tôi kéo tôi dậy tôi mới đứng lên. Vua gật đầu chào tôi đúng lúc tiếng nhạc vừa trổi theo nhịp điệu Tango, Ngài ngỏ lời mời và dìu tôi ra sàn nhảy rồi chúng tôi bắt đầu nói chuyện. Về sau, khi đã trở thành vợ chồng, Ngài mới cho tôi biết hôm đó Ngài rất chú ý cách phục sức đơn sơ của tôi. Tôi nghĩ rằng tôi được nhà Vua lưu ý một phần do trong suốt buổi dạ tiệc chỉ có tôi là người đàn bà Việt Nam duy nhất nói tiếng Pháp và theo đúng cung cách lễ nghi Âu Tây đối với Ngài".

Ðược biết Hoàng Hậu Nam Phương đã sống với Vua Bảo Ðại và sanh được 5 quý tử như đã dẫn, từ khi có các con Bà thường chăm sóc và dạy dỗ cho các con nên người. Sau khi vua Bảo Ðại thoái vị, bà sang Pháp sống với các con cho đến trút hơi thở cuối cùng tại làng Chabrignac, một vùng quê thuộc miền Bắc nước Pháp theo như lời thuật lại sau đây : Ngày 14 tháng 9 năm 1963, vào ngày 5 giờ chiều, cựu Hoàng Hậu Nam Phương cảm thấy mệt bèn cho người nhà đi mời bác sĩ đến thăm mạch. Sau khi chẩn khám, bác sĩ cho biết bà bị viêm họng nhẹ, chỉ uống thuốc vài hôm là khỏi. Nhưng không dè, bác sĩ vừa rời khỏi nhà chừng vài tiếng đồng hồ thì bà cảm thấy khó thở. Người nhà bèn nhờ một người bác sĩ khác, nhưng người bác sĩ thứ hai chưa đến kịp thì cựu Hoàng Hậu Nam Phương đã êm ái lìa đời ngay trong đêm đó khi vừa tròn 49 tuổi. Ngoài hai người giúp việc trong nhà, không có một người ruột thịt nào có mặt bên cạnh bà trong giờ phút lâm chung, vì các con bà đều ở tận Paris để làm việc và đi học. Ðám tang của bà cựu Hoàng Hậu Việt Nam lưu vong được tổ chức một cách sơ sài lặng lẽ như những năm tháng cuối đời của bà. Hôm đưa đám, ngoài hai Hoàng Tử và ba Công Chúa đi bên cạnh quan tài của mẹ không có một bà con nào khác. Về phía quan chức Pháp thì chỉ có Ông quan đầu Tỉnh Brive la Gaillarde và Ông Xã Trưởng Chabrignac.

Trong suốt thời gian tang lễ cựu Hoàng Bảo Ðại cũng không có mặt, mà sau này kẻ viết bài này trong thời gian ở Pháp được nghe kể lại, thì khi hay tin mẹ chết, Công Chúa Phương Liên tức tốc đánh điện tín báo tin cho cựu Hoàng, nhưng gặp lúc cựu Hoàng vắng nhà vì bận đi chơi xa với Bà Mộng Ðiệp, vì vậy mà cựu Hoàng Bảo Ðại không hay biết gì, nên đã vắng mặt trong ngày đám táng của một người mà có thời đã cùng Ông đầu ấp tay gối. Sự kiện đó đã gây sự hiểu lầm khiến về sau các Hoàng Tử và Công Chúa đã ôm lòng oán hận người cha mà họ nghĩ là một người chồng không trọn nghĩa thủy chung! Trong lần trở lại Pháp vào tháng 4 năm 1999, do đề nghị của một người bạn thường giao thiệp với Hoàng Tử Bảo Long, từ Paris tôi theo người bạn đi về làng Chabrignac, cách Tỉnh Brive la Gaillarde ba mươi cây số để viếng mộ Hoàng Hậu Nam Phương. Gió chiều nghĩa trang lồng lộng thổi, trước mắt tôi là một ngôi mộ đơn sơ với tấm bia đá hai mặt ghi hai hàng chữ tiếng khác nhau, mặt trước viết chữ Hán, mặt sau viết chữ Pháp như dưới đây:

Bìa chữ Hán : Ðại Nam Nam Phương Hoàng Hậu Chi Mộ, có nghĩa là : "Mộ phần của Bà Hoàng Hậu nước Việt Nam"

Bìa chữ Pháp : Ici repose l'impératrice d'Annam Née Marie Thérèse Nguyen Huu Thi Lan, có nghĩa là : "Ðây là nơi an nghĩ của Bà Hoàng Hậu Việt Nam tên là Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan"...

Ngoài ra, tôi đã được học giả Hương Giang Thái Văn Kiểm đề tặng quyển Việt Nam Anh Hoa vào dịp lễ Quốc Khánh Pháp, ngày 14 tháng 7 năm 2001, do Làng Văn ấn hành, trong đó có bài viết Vua Hàm nghi và Nam Phương Hoàng Hậu, bài này có liên quan từ bịnh cho đến từ trần của cựu Nam Phương Hoàng Hậu, xin trích dẫn để quý bà con đồng hương tường lãm như sau : "... Kế cận lâu đài này có một nông trại khác mang tên "Domaine de la Perche" do Hoàng Hậu Nam Phương mua với tài chánh riêng Bà, vốn giàu có từ trước. Nông trại này không có lâu đài, nhưng chỉ có một ngôi nhà dài khá lớn, hơn 30 phòng, chung quanh là vườn Nho và cây ăn trái như cam lê và táo, xen kẻ với vườn hoa đủ màu thi nhau nẩy nở. Bà Nam Phương đã cho mua cơ sở xinh đẹp này từ năm 1958. Lúc Bà Bá Tước Như Lý de la Besse hay tin này, Bà lấy làm ngạc nhiên, nhưng không hỏi hoặc thăm viếng Bà Nam Phương, có lẽ vì một bà thuộc giòng Vua cách mạng, một bà thì thuộc giòng Vua thân Pháp. Tuy gần nhà mà xa cửa ngõ, suốt
5 năm trời hai Bà không hề gặp nhau. Mãi cho tới năm 1963 Bà Nam Phương lâm bệnh nặng vì một cơn nghẹt thở (diphtérie) rất ngặt nghèo, khiến Bà phải trút linh hồn tại nhà bà trong nông trại La Perche (Cá Mang Giổ), nhằm ngày 14 tháng 9 năm 1963, lúc Bà mới có 49 tuổi! Vua Bảo Ðại và các Hoàng Tử Bảo Long, Bảo Thăng, các Công Chúa Phương Mai, Phương Liên và Phương Dung, các quan chức địa phương đều có mặt. Và đặc biệt nhất là lần này bà Như Lý (con Vua Hàm Nghi) là láng giềng, cũng sang dự đám tang. Lễ được long trọng cử hành tại nhà thờ Chabrignac. Xong lễ, quan tài được đưa ra nghĩa địa gần bên mai táng, dưới tấm bia cẩm thạch khắc phương danh :

Ici repose l'Impératrice d'Annam,
née Jeanne- Mariette Nguyễn Hữu Hào


[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/13448/4881D74124504708BC7FCD62BE7B4645.jpg[/image]
<bài viết được chỉnh sửa lúc 25.02.2007 20:26:41 bởi marcel >
Attached Image(s)
#1
    Mayvang 25.02.2007 03:09:00 (permalink)
    Cám ơn anh marcel đã gởi bài viết về Nam Phương hoàng hậu, MV có đọc qua tiểu sử của Nam Phương hoàng hậu nhưng lâu lắm nên quên, cách đây mấy năm MV đi nghĩ hè ở vùng Côte d'Opale, le Touquet có đến viếng thăm Hôtel Westminster tình cờ thấy tấm hình vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương trong hôtel này nên chụp lại làm kỷ niệm, vua và hoàng hậu đã đến ở hôtel này vào tháng 8 năm 1939, có ghi chú và chữ ký của hoàng hậu NP và vua Bảo Đại, MV gởi tấm hình này lên anh Marcel và các bạn coi nhé!!!!











    #2
      marcel 25.02.2007 21:02:51 (permalink)
      Tấm ảnh vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương chụp tại hôtel Westminster của MV quả là 1 tài liệu vô giá. Cám ơn MV đã đóng góp vào chủ đề này.
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2025 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9