Thơ như là thở Bài của Trần Đăng
Lao Động số 49 Ngày 02/03/2007
Nguyễn Ngọc Hưng (nằm) và Xuân Anh tại nhà riêng Chợ Chùa, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. (LĐ) - 24 năm rồi, không gian của Nguyễn Ngọc Hưng là một chiếc giường đơn. Ăn uống ngủ nghỉ sinh hoạt của anh, tất tần tật đều diễn ra trên chiếc giường vừa thân thuộc, vừa cũ mòn ấy.
Nhưng, kỳ lạ thay, chính nơi đó đã mọc lên những câu thơ ấm áp và thương mến biết nhường nào. Với Hưng, thơ như là thở. Mười tập thơ của Hưng liên tục ra đời trong suốt 15 năm qua đã trở thành chiếc phao cứu sinh giúp anh bơi qua dòng sông số phận của đời mình.
Nếu không có những tai ương giáng xuống đầu Nguyễn Ngọc Hưng từ 24 năm trước, bây giờ Hưng đã là thầy giáo dạy văn đầy kinh nghiệm, thậm chí có thể là cán bộ quản lý của một trường trung học phổ thông nào đó ở quê anh-huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.
Nhưng sự đời lại không diễn ra như kịch bản mà Hưng đã chọn. Tốt nghiệp thủ khoa Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn năm 1983, thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Hưng khăn gói về quê nhà với hy vọng kiếm một chân dạy học ở cái nơi mà anh đã từng theo học thời phổ thông. Thế rồi, chưa kịp quen mặt học trò thì Hưng đổ bệnh. Linh cảm của một người học văn mách bảo với Hưng rằng, cung chiếu mệnh đã "khuyên" một dấu đen vào đúng tên mình.
"Trích ngang" nhà thơ Hưng nói anh giống cha - một kép trong gánh hát bội chuyên đi lưu diễn ở các làng quê từ thời kháng chiến chống Pháp. Trên bước đường lang bạt của mình, cha Hưng "dừng gót phiêu linh" tại vùng trồng dâu nuôi tằm nổi tiếng bên bờ sông Vệ thuộc xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, chỉ vì một ánh mắt đàn bà, ấm và sắc như cỏ.
Mối tình vừa lãng mạn nhưng cũng đầy trớ trêu ấy đã sinh ra Nguyễn Ngọc Hưng năm 1960. Ông còn có bà vợ cả và những người con ở tận xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ nên đành gạt nước mắt mà "hồi hương", bỏ mẹ con Hưng trong côi cút. Cảnh mẹ goá con côi đã ám ảnh Hưng suốt chặng đường sau này, đã khắc vào thơ anh như một vết thương lòng không thuốc chữa.
Người mẹ tảo tần đội bom đội đạn suốt trong những năm lửa khói của cuộc chiến tranh, nhưng vẫn gắng gỏi nuôi con ăn học đàng hoàng, dù là học trong đói nghèo rơm rạ, sắn khoai. Năm 1979, Hưng thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, khoa Ngữ văn. Bốn năm sau, anh tốt nghiệp loại xuất sắc. "Tôi mơ ước trở thành thầy giáo, về dạy học ở quê nhà để được gần mẹ tôi, chứ chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thành nhà thơ như bây giờ. Nhưng lúc này thì thơ đã cứu tôi". Hưng thú nhận về con đường để trở thành nhà thơ của mình như thế.
Tai hoạ Hưng vừa nhận lớp buổi sáng, buổi tối đã thấy trong người đau nhức toàn thân. Sáng hôm sau, Hưng xuống Bệnh viện Quảng Ngãi khám bệnh. Các thầy thuốc lắc đầu, không biết bệnh gì. Các khớp tay, chân bắt đầu mọng đỏ, mở đầu cho một thời kỳ tồi tệ nhất trong đời anh.
Hai mẹ con xuôi ngược khắp trong Nam ngoài Bắc, nghe ông sư bà sãi nào giỏi giang, dù có xa xôi cách trở bao nhiêu cũng lần mò tìm đến, nhưng tất cả đều lắc đầu. Các ngón tay, ngón chân của Hưng từ từ co rút lại, rồi quật ngã luôn chàng trai mới ngoài hai mươi ấy nằm bẹp rúm xuống giường. Hưng trôi dạt tận Phan Thiết.
Cám cảnh cho mẹ con anh, một người đàn bà làm nghề nhặt ve chai ở đây đã nhận Hưng làm con nuôi. Nhưng hai bà mẹ cùng gánh ve chai không nuôi nổi thằng con tật nguyền. Xót cho mẹ đẻ, thương cho mẹ nuôi, Hưng xin cả hai cho anh về lại Nghĩa Hành. Bấy giờ, tay chân Hưng đã co rút hoàn toàn, chỉ có cái đầu là còn ngúc ngoắc và chỉ số thông minh thì vẫn không thay đổi.
Cách đây chừng mười năm, một đoàn phẫu thuật chỉnh hình của Mỹ sang Việt Nam để chữa bệnh cho số trẻ em bị dị tật do ảnh hưởng chất độc da cam, hay tin, họ đã đến và tiếp xúc với bệnh nhân đặc biệt Nguyễn Ngọc Hưng. Sau khi xem xét và hỏi lai lịch căn bệnh, vị bác sĩ trong đoàn đã lắc đầu. Ông nói rằng, khoảng 300 ngàn người mới có một người bị căn bệnh này. Khốn khổ thân Hưng, anh lại nằm trong cái phần nhỏ xíu 1/300 ngàn ấy!
Bìa tập thơ "Huyền thoại lá" của Nguyễn Ngọc Hưng, do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẽ minh hoạ năm 2000.
Bạn mà như mẹ
Trên đời này có những người bạn tốt đến mức khó tin. Trường hợp những người bạn của Hưng mà vợ chồng anh chị Xuân Anh-Thu Hà ở thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành là một điển hình. Từ Phan Thiết trở về, một người bạn học từ thời phổ thông với Hưng là anh Xuân Anh, đang công tác tại một trạm y tế xã đã đón Hưng vào ở luôn trong trạm, bất chấp lời đồn đại của một số người về căn bệnh "ma ám" của Hưng.
Sau một thời gian lặn lội tìm thầy chữa trị cho con, mẹ Hưng kiệt sức rồi ngã bệnh. Bà ra đi trong cơ hàn cùng mối lo bời bời về thằng con tật nguyền của mình không biết ai nuôi. Hay tin người em khác mẹ bị trọng bệnh, người anh cả của Hưng trong Đức Phổ lặn lội ra Nghĩa Hành tìm em và đón về. Nhưng tình máu mủ ruột thịt vẫn không đủ để cưu mang đứa em tội nghiệp vì gia đình ông anh cũng quá khó nghèo. Một lần nữa, những người bạn của Hưng lại đón anh về Nghĩa Hành.
Lần này thì ở hẳn trong nhà Xuân Anh. Không có giấy bút nào có thể tả hết về sự hy sinh của đôi vợ chồng này đối với bạn mình. Hưng đã trở lại vai của một đứa trẻ kể từ khi anh thành thành viên của gia đình này. Từ việc tắm rửa, ăn uống, vệ sinh cá nhân cho Hưng đều do vợ chồng Xuân Anh cáng đáng. Nghe chuyện vợ chồng Xuân Anh chăm sóc "Hưng quẹo", ai cũng bảo đấy chỉ là chuyện cổ tích! Chính "cổ tích" ấy đã giúp Hưng trụ lại với cuộc đời này để ... làm thơ!
Thơ như là thở Với một số người, thơ có thể mang lại một chút danh hờ. Một số người khác, thơ như một niềm an ủi, một người bạn tâm giao để có thể gửi gắm những điều mà không biết tỏ cùng ai. Với Hưng, thơ vừa an ủi động viên anh, vừa là chỗ dựa tin cậy để anh "vịn câu thơ mà đứng dậy".
Còn hơn thế nữa, tiền nhuận bút từ thơ đã có thể nuôi được Hưng theo cái nghĩa vật chất trụi trần của từ này. Hơn 20 năm bị bệnh tật dày vò, nhưng xuyên suốt 10 tập thơ của Hưng, tuyệt nhiên không thấy một câu nào bi lụy. Có chăng cũng chỉ một chút tủi phận thoáng qua: "Tôi không còn giống đồng loại quanh tôi/ Đường trở lại ngày xưa giờ xa ngái/ Có tiếng chim nào cho lá tôi mặc khải/ Cuộc tình xanh huyền thoại. Mấy thu rồi...".
Bốn câu thơ trên được trích ra từ bài "Huyền thoại lá", là một trong số 10 bài thơ của người tàn tật Việt Nam được tuyển chọn vào cuộc triển lãm quốc tế về thơ mang tựa đề "Một trái tim, một thế giới" do Đài Truyền hình NHK (Nhật Bản) thực hiện năm 2000. Năm ấy, bạn bè Hưng thiết kế cho anh một chiếc giường đặc biệt để có thể đưa cả anh và giường cùng lên xe ra Hà Nội nhận giải thưởng! Nhưng Hưng chỉ đến khách sạn chứ không thể đến được hội trường.
Bộ trưởng Trần Thị Thanh Thanh hay tin Hưng có mặt tại Hà Nội, nhưng vì lý do đặc biệt nên không đến nhận giải, bà xuống tận nơi anh ở để thăm hỏi. Trước khi ra về, bà Bộ trưởng hỏi nhà thơ: "Anh có nguyện vọng gì trước khi rời Hà Nội?". Hưng đáp không đắn đo: "Thăm Bác Hồ!".
Một cuộc điện đàm giữa bà Bộ trưởng với người phụ trách khu di tích đã đem lại cho Hưng niềm vui mà cho đến hôm nay, mỗi khi nhắc lại, anh vẫn còn rưng rưng: "Có lẽ tôi là trường hợp duy nhất được Ban bảo vệ lăng Bác cho cả xe ôtô vào tận sát cửa. Tôi cũng là người hiếm hoi được các anh công an khiêng vào lăng để viếng Bác Hồ!".
Sự ưu ái đặc biệt này không chỉ vì Hưng là người tàn tật, tha thiết muốn được vào lăng viếng Bác Hồ, mà đây mới là lý do chính: Anh là nhà thơ tàn tật, nhưng biết vượt lên số phận để sống một cách tử tế. Cũng hết sức tình cờ, cuộc triển lãm năm đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại chọn bài thơ của Hưng để vẽ tranh minh hoạ. Thơ đã làm sợi dây vô hình kết nối những tấm lòng sát lại với nhau hơn.
"Hai mươi năm mài nhẵn một chỗ nằm/ Dẫu thân xác có mòn hao quá nửa/ Còn nguyên đó trái tim nghìn độ lửa/ Bạn ngày đêm tiếp năng lượng cho mình" (trích "Nửa thế giới trong tôi"). Có lần tôi bị ốm, đọc những câu thơ ấy của Hưng, tự nhiên thấy hết bệnh. Thơ như là thở, quả không sai!
Trần Đăng