CHUYỆN ĐÔNG - CHUYỆN TÂY (An Chi)
Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 2 của 5 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 66 bài trong đề mục
vvn 15.03.2007 21:10:08 (permalink)
15- (KTNN 98, ngày 15-12-1992)
Rắn có phủ được mèo hay không? Nếu không, tại sao một số nơi ở miền Bắc lại có lưu hành câu"Rắn phủ 1. mèo"?

AN CHI: Về chuyện "rắn phủ mèo", trong Chân trời khoa học (của báo Khoa học phổ thông) tháng11.1990, kỹ sư Nguyễn Quốc Thắng đã giải thích rõ ràng như sau: "Rắn thuộc lớp bò sát còn mèo thuộc lớp động vật có vú, hai lớp này rất xa nhau về mặt tiến hóa. Theo nguyên tắc của sinh vật học, 2 loài khác nhau của cùng một giống đã rất khó giao phối với nhau huống hồ ở đây rắn và mèo có cấu tạo cơ quan sinh dục hoàn toàn khác nhau, số lượng nhiễm sắc thể trong tế bào cũng khác nhau, do đó khẳng định chúng không thể giao phốivới nhau được" (tr.56).

Tất nhiên là có nhiều người quả quyết rằng chính mắt họ đã nhìn thấy rắn phủ mèo. Nhưng sự thật thì hoặc là họ đã nhìn gà hóa cuốc hoặc là điều này có nhiều phần chắc chắn hơn - họ đã "tung tin vịt một cách vô tội vạ mà thôi. Còn "rắn phủ l. mèo" chỉ là một biến dạng của thành ngữ dán bùa l. mèo, một phần hẳn là cũng có do người ta vẫn bị ám ảnh bởi cái chuyện "rắn phủ mèo". L. mèo là cái đầu hồi nhà, tức là cái phần hình tam giác bên hông nhà mà đỉnh là nơi hai mái nhà giáp nhau. Ngày xưa khi thợ mộc cất nhà xong, họ thường dán một lá bùa vào cái l. mèo nhà theo tín ngưỡng, mà có khi cũng chỉ đơn giản là theo thói quen nghề nghiệp. Câu dán bùa l. mèo bắt nguồn từ thực tế này; về sau nó đã bị từ nguyên dân gian bóp méo nên mới thành rắn phủ l. mèo.
#16
    vvn 17.03.2007 08:11:38 (permalink)
    16. (KTNN 99, ngày 01-01-1993)
    Tờ "Bát tự niên canh" có phải là tờ đăng ký kết hôn ngày xưa hay không? Có phải "bát tự" có nghĩa là tám tờ còn "niên canh" là có giá trị trong một năm hay không?

    AN CHI: Nói cho đúng cú pháp tiếng Hán thì đó là niên canh bát tự, có nghĩa là tám chữ thuộc về tuổi tác. Đó là tám chữ CAN CHI (thí dụ: Mậu Tý, Kỷ Sửu, Canh Dần, Ất Mùi, v.v…) gồm có hai chữ chỉ giờ, hai chữ chỉ ngày, hai chữ chỉ tháng và hai chữ chỉ năm mà một con người đã ra đời. Tờ niên canh bát tự là tờ ghi giờ, ngày, tháng và năm sinh theo âm lịch của chàng trai hoặc cô gái để trao cho nhà gái hoặc nhà trai đi coi thầy xem tuổi hai bên có hạp nhau hay không. Hễ hạp tuổi với nhau thì mới bàn tính đến chuyện hôn nhân chính thức. Vậy đó không phải là tờ đăng ký kết hôn. Vả lại, chẳng cứ khi tính chuyện hôn nhân mới có khai niên canh bát tự. Chỉ cần đi xem tử vi để biết chuyện bổn mạng thì cũng đã phải khai tám chữ cho thầy rồi (không có tám chữ thì thầy làm sao lên bảng được).
    #17
      vvn 17.03.2007 22:37:51 (permalink)
      17. (KTNN 99, ngày 01-01-1993)
      Hai tiếng cù là trong "dầu cù là" xuất xứ từ đâu? Có phải tên một loại cây nào không?

      AN CHI: Có người đã liên hệ hai tiếng cù là này với hai tiếng Cù Là là tên mà người xưa ở miệt dưới đã dùng để gọi nước Miến Điện. Số là trước đây có một loại dầu cù là mang nhãn hiệu Mac Phsu, sản xuất tại Miến Điện, được ông già bà cả trong Nam ưa chuộng. Người ta cho rằng vì thứ đầu này được sản xuất tại nước Cù Là (=Miến Điện) nên nó mới được gọi là dầu cù là (=dầu sản xuất tại nước Cù Là). Sau khi hai tiếng cù là trở thành thông dụng trong phương ngữ Nam Bộ thì ngữ danh từ dầu cù là được dùng rộng rãi để chỉ tất cả các loại dầu cao, bất kể chúng được sản xuất tại nước nào, đương nhiên là kể cả tại nước Tàu. Còn chính người Tàu thì lại gọi dầu cù là là vạn kim du (tiếng Quảng Đông: màn cắm y du) bắt nguồn từ nhãn hiệu của một thứ dầu cù là là hiệu Vạn Kim. Hiện chúng tôi chưa tìm được tên của một loại cây nào gọi là cây "cù là".
      #18
        vvn 18.03.2007 23:17:12 (permalink)
        18. (KTNN 99, ngày 01-01-1993)
        Trong bài 'Hoàng hậu Hiếu Văn, làng Cổ Trai và đất Minh Linh" đăng trên Cửa Việt số 15, tháng 6-1992, Tố Am Nguyễn Toại đã dựa vào thư tịch của Trung Quốc để khẳng định rằng Mạc Đăng Dung không phải là người Việt mà là người Đãn từ Trung Quốc lưu lạc sang. Xin hỏi người phụ trách mục"Chuyện Đông chuyện Tây" nghĩ sao về điều khẳng định này?

        AN CHI: Người đầu tiên phát hiện ra rằng Mạc Đăng Dung thuộc sắc dân Đãn Man là Trần Quốc Vượng tại Hội nghị khoa học về Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức ở Hải Phòng tháng 2.1985. Cứ liệu của ông là một số điều ghi chép trong Minh sử. Bảy năm sau, Tố Am NguyễnToại lại tiếp tục khẳng định giống như Trần Quốc Vượng. Ngoài Minh sử ra, ông còn nêu tên sách Đông Hoãn huyện chí của Trần Bá Đào đời Thanh. Chúng tôi cho rằng chẳng qua Trần Bá Đào cũng chỉ viết theo Minh sử mà thôi và rằng những điều mà sách này đã chép về thành phần dân tộc của Mạc Đăng Dung là hoàn toàn không thể tin tưởng được.

        Chỉ riêng một việc người Đại Minh "biết quá rõ" về lai lịch của Mạc Đăng Dung trong khi chính người Đại Việt thì lại hoàn toàn mù tịt về điều đó, chỉ riêng mộtviệc đó thôi, cũng đã là điều hoàn toàn đáng ngờ rồi. Huống hồ chế độ tuyển cử và chế độ bảo cứ quan chức của nước ta vào thời Lê thật chặt chẽ và chu đáo, thì làm sao một tên cha căng chú kiết - nếu quả ông ta là người Đãn Man - như Mạc Đăng Dung lại có thể len lỏi vào làm đô chỉ huy sứ từ năm 1508 để lên ngôi hoàng đế 19 năm sau đó?

        Theo truyền thuyết thì Mạc Đăng Dung xuất than từ nghề đánh cá - còn chúng tôi thì cho rằng bấy giờ ông ta là một Khương Thượng chờ thời - nên Minh sử mới dựa vào đó mà ghi chép một cách hồ đồ rằng ông là người Đãn Man, vì Đãn Man là một sắc dân chuyên sống lưu động trên ghe thuyền để làm nghề đánh cá và có khi là cả nghề cướp biển nữa. Hoặc cũng có thể Minh sử đã cố ý ghi chép như thế để gián tiếp nhắn nhủ một cách trịch thượng rằng một tên Đãn Man cũng đủ khả năng để làm vua nước Đại Việt như thường. Dù thế nào mặc lòng, chúng tôi cho rằng người Việt Nam không thể đặt lòng tin tuyệt đối của mình vào sách Tàu được, nhất là sách Tàu mà lại viết về những vấn đề lịch sử tế nhịcủa Việt Nam.
        #19
          vvn 20.03.2007 00:44:48 (permalink)
          19. (KTNN 99, ngày 01-01-1993)
          Tiếng Anh đã có từ Christmas để chỉ lễ Giángsinh, lại còn có cả từ Yule nữa. Xin cho biết xuất xứ của từ này.

          AN CHI: Yule là hình thái hiện đại bắt nguồn từ tiếng Anh trung đại yol, tiếng Anh cổ đại geol, với biến thể geohhol. Đồng nghĩa và cùng gốc với nó hiện nay là tiếng Thụy Điển, tiếng Na Uy và tiếng Đan Mạch jul mà tiếng Phần Lan láng giềng đã mượn và phát âm thành joulu. Theo Eric Partridge, hình thái cổ đại geol bắt nguồn từ một hình thái tiền thân là geol, một kiểu hoán vị ngữ âm (metathesis) cùng gốc với tiếng La Tinh gelu, có nghĩa là băng giá. Do đó mà tiếng Anh cổ đại còn có danh từ geola để chỉ tháng December (tháng Chạp dương lịch), mà nghĩa từ nguyên là tháng băng giá. Còn geol, nay là Yule, là ngày lễ của tháng geola, tức là ngày Giáng sinh.
          #20
            vvn 20.03.2007 22:32:30 (permalink)
            20. (KTNN 100, ngày 15-01-1993)
            Tại sao lại gọi là "ông Táo"? "Táo" là gì?

            AN CHI: Táo là tiếng Hán đọc theo âm Hán Việt, có nghĩa Ià bếp. Đại táo là bếp to, nấu cho chiến sĩ (quân đội) hoặc nhân viên (cơ quan) ăn tập thể rất đông người. Trung táo là bếp vừa, nấu cho cán bộ trung cấp. Còn tiểu táo là bếp nhỏ, nấu riêng cho cán bộ cao cấp. Lại còn có đặc táo là bếp nhỏ loại đặc biệt thượng hảo hạng. Theo tín ngưỡng xưa, bếp có thần bếp gọi là táo quân, táo vương hoặc táo thần, khẩu ngữ còn gọi là táo công. Người Việt Nam đã dịch táo công thành ông táo. Dân gian Việt Nam còn lấy hai tiếng ông táo để chỉ từng hòn trong ba hòn đất dùng để bắc chảo bắc nồi lên mà xào mà nấu. Những hòn đất này thoạt đầu thì cháy nám, rồi lâu ngày dài tháng, trở nên đen thủi đen thui (vì vậy mà trong khẩu ngữ ở Nam Bộ trước đây, người ta còn dùng hai tiếng ông táo để gọi đùa người Ấn Độ, rồi về sau cả lính da đen nữa).
            #21
              vvn 21.03.2007 22:22:00 (permalink)
              21- (KTNN 100, ngày 15-01-1993)
              Tại sao lại nói "ngày tư ngày tết" và “tư niên" (là quanh năm). Hai tiếng "tư” này có liên quan gì với nhau hay không?

              AN CHI: Hán ngữ có một từ ghi bằng chữ , mà âm Hán Việt là , có nghĩa là năm, là mùa. Mathews' Chinese-English Dictionary (p.1023. ch.6935) giảng là: "A year, a season”. Sách Lã thị xuân thu có câu: “Kim mỹ hòa, lai mỹ mạch” nghĩa là mùa này tốt lúa gạo, mùa tới tốt lúa mì. Vì nó cùng một trường nghĩa với tết nên người ta đã ghép nó với từ này thành tư tết, rồi lại xen ngày vào mà nói thành ngày tư ngày tết.

              Còn trong "tư niên” thì lại không liên quan gì đến trong "ngày tư ngày tết" cả. Nó là trong tư bề, tư mùa, nghĩa là một biến thể ngữ âm của tứ là bốn. Tư bề là bốn bề, nghĩa là mọi phía; tư mùa là suốt bốn mùa, nghĩa là quanh năm. Sự di chuyển tự nhiên và hợp lý từ bốn sang mọi, sang quanh trong nghĩa của tư bề, tư mùa đã dẫn đến cách hiểu sai lệch rằng có nghĩa là quanh, là khắp, là cả, v.v.. Với cách hiểu sai lệch này, người ta đã nói tư niên mà hiểu là quanh năm.
              #22
                td306 25.03.2007 03:10:08 (permalink)
                td rất thích những bài sưu tầm này của bạn. nếu mà có nửa thì xin bạn post tiếp nha , thanks
                #23
                  vvn 25.03.2007 05:21:16 (permalink)

                  Trích đoạn: td306

                  td rất thích những bài sưu tầm này của bạn. nếu mà có nửa thì xin bạn post tiếp nha , thanks


                  Còn hơn một ngàn lẻ sáu mươi ba câu nữa... Yên chí, vvn sẽ post nữa và post nguyên câu chớ không post nửa đâu.
                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 25.03.2007 05:26:07 bởi vvn >
                  #24
                    vvn 25.03.2007 05:23:29 (permalink)
                    22. (KTNN 100, ngày 15-01-1993)
                    Con lân là con gì? Có phải đó cũng là con kỳ lân hay không? Tại sao ngoài Bắc gọi là "múa sư tử" mà trong Nam lại gọi là "múa lân"?

                    AN CHI: Con lân cũng gọi là con kỳ lân. Nguyên kỳ là tên của con đực, còn lân là tên của con cái. Người ta ghép lại mà gọi chung là kỳ lân. Ngày nay lân hoặc kỳ lân chỉ cả con đực lẫn con cái. Tiếng Pháp dịch là unicorne, tiếng Anh là unicorn. Lân là con vật đứng hàng thứ hai trong tứ linh: long (rồng), lân, qui (rùa), phụng (phượng hoàng). Nó là một con vật thần thoại thân hươu, móng ngựa, đuôi bò, miệng rộng, mũi to, có một sừng, lông trên lưng thì ngũ sắc mà dưới bụng thì màu vàng. Tục truyền rằng nó là một con vật hiền lành (nhân thú), không đạp lên cỏ tươi và không làm hại các vật sống. Tục còn truyền rằng vì nó là một con thú có nhân như thế cho nên vua chúa ai là người có nhân thì mới được nhìn thấy nó. Múa lân tức là múa kỳ lân. Sở dĩ trong Nam gọi múa lân mà ngoài Bắc gọi là múa sư tử là vì nhác trông thì con lân giống con sư tử (Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-tịnh Paulus Của cũng giảng lân là một "con thú giống con sư tử"). Vì vậy, người ta đã nhầm múa lân thành "múa sư tử” rồi cứ thế mà gọi lâu ngày thành quen. Nhưng cứ nhìn vào cái đầu lân (để múa) với cái miệng rộng, cái mũi to và cái sừng nổi cộm thì biết ngay đó không phải là con sư tử rồi.
                    #25
                      vvn 30.03.2007 08:59:29 (permalink)
                      23. (KTNN 100, ngày 15-01-1993)
                      Tại sao lại gọi là "con giáp"? Mỗi con giáp có bao nhiêu năm?

                      AN CHI: Hai tiếng con giáp là một lối nói của phương ngữ Nam Bộ. Trong phương ngữ này con giáp là một chu kỳ 12 năm âm lịch gọi bằng tên của 12 địa chi từ Tí đến Hợi. Nghĩa này đã cho ra một nghĩa rộng là chu kỳ thời gian từ một năm đã cho đến năm cùng một tên chi với nó sau đó 12 năm, chẳng hạn từ năm Nhâm Thìn 1832 đến năm Giáp Thìn 1844, hoặc từ năm Đinh Hợi 1947 đến năm Kỷ Hợi 1959, v.v.. Do đó mà người sanh năm Nhâm Thìn 1832 lớn hơn người sanh năm Giáp Thìn 1844 một con giáp, còn người sánh năm Kỷ Hợi 1959 thì nhỏ hơn người sánh năm Đinh Hợi 1947 một con giáp. Ngoài ra, trong khẩu ngữ của tiếng địa phương Nam Bộ, con giáp còn có nghĩa là con vật tượng trưng của mỗi chi trong 12 địa chi nữa (chẳng hạn con chuột cho năm Tý, con trâu cho năm Sửu, v.v… Do đó mới có câu "Mười hai con giáp không giống con nào”.

                      Vậy tại sao lại gọi là con giáp? Nguyên ngày xưa người ta đã theo thứ tự trước sau của thập can và thập nhị chi mà phối hợp các can và các chi với nhau sao cho có được một chu kỳ gồm 60 đơn vị bắt đầu từ Giáp Tí cho đến Quý Hợi, trong đó mỗi đơn vị được gọi bằng một tên kép gồm có một tên can và một tên chi. Chu kỳ này được trình bày thành một bảng gồm có 60 ô. Bảng này gọi là hoa giáp. Trong phương ngữ Bắc Bộ, hoa giáp đã được nói tắt thành giáp. Giáp thoạt đầu vẫn được hiểu là một chu kỳ gồm 60 năm, về sau lại được linh động hiểu thành một chu kỳ 12 năm như cách hiểu thong thường hiện nay. Tuy cũng cùng một cách chuyển nghĩa như trên nhưng trong phương ngữ Nam Bộ thì hoa giáp lại trở thành con giáp vì hai lý do. Một là người ta vẫn bị ám ảnh bởi các con vật tượng trưng cho mỗi chi khi nói đến hoa giáp. Hai là tiếng con vừa có tác dụng nhắc nhớ đến các con vật như đã nói ở trên, lại vừa đồng âm với con là một từ chỉ chu kỳ như trong con nước, con trăng v.v. mà hoa giáp thì rõ ràng là một chu kỳ. Vì hai lý do đó mà con đã thay thế cho hoa.
                      #26
                        vvn 01.04.2007 04:13:38 (permalink)
                        24- (KTNN 101, ngày 01-02-1993)
                        ĐỘC GIẢ: Xin cho biết xuất xứ của tên gọi Ba Son (Nhà máy Ba Son).

                        AN CHI: Về tên Ba Son, trong Sài Gòn năm xưa, Vương Hồng Sển đã ghi nhận bốn cách giải thích sau đây
                        1. Trước kia có một anh thợ nguội tên Son, thứ ba, đã vào làm ở sở này. Người ta bèn lấy thứ và tên của anh mà gọi tên sở là Ba Son.
                        2. Trước khi Ba Son được thành lập thì nơi đó có một con xẻo chảy qua. Xẻo này có nhiều cá. Người Pháp thường đến câu ở đó và gọi nó là "mare aux poissons” (ao cá). Khi xây dựng xưởng Ba Son, con xẻo tuy bị lấp nhưng tên vẫn còn. Người ta bèn phiên âm poissons thành Ba Son để gọi xưởng mới thành lập.
                        3. Ba Son là do tiếng Pháp reparation có nghĩa là “công việc sửa chữa” mà ra (Ba Son vốn là nơi sửa chữa tàu thủy).
                        4. Ba Son là do "bassin de radoub"nghĩa là "ụ sửa chữa vỏ tàu mà ra (bassin > Ba Son). Ông Vương Hồng Sển viết rõ như sau: "Theo quyển Promenades dans Saigon, tác giả, bà Hilda Arnold, ghi rằng buổi đầu người Pháp đã xuất ra trên bảy triệu quan thời áy để lấp đất và xây cái ụ tàu "bassin de radoub" này, để có thể sửa chữa các thứ tàu chiến, tàu buôn tại đây khỏi đem về tận Pháp quốc. Thời ấy, cuộc chuyển vận đều do đường thủy, nên cái "bassin de radoub" giúp họ nắm vận mạng xứ này trong tay". Trong bốn cách trên, chỉ có cách giải thích thứ tư là đáng tin nhất mà thôi.

                        Về phần mình, chúng tôi cho rằng Ba Son là do tiếng Pháp bastion (= pháo đài) mà ra và tin rằng sẽ có ngày chúng tôi chứng minh được mối quan hệ này.
                        #27
                          vvn 01.04.2007 14:20:46 (permalink)
                          25. (KTNN 101, ngày 01-02-1993)
                          Lục dục, thất tình là những tình cảm nào?

                          AN CHI:
                          1. Lục dục là tiếng nhà Phật chỉ sáu điều ham muốn do lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) mà ra: mắt muốn nhìn đẹp, tai muốn nghe hay, mũi muốn ngửi thơm, lưỡi muốn nếm ngon, thân muốn hưởng sướng và ý muốn biết hết.

                          2. Thất tình là bảy thứ tình cảm thường khuấy động lòng người: hỉ (mừng), nộ (giận), ai (lo), cụ (sợ), ái (yêu), (ghét) và dục (muốn).
                          #28
                            vvn 02.04.2007 13:28:51 (permalink)
                            26. (KTNN 101, ngày 01-02-1993)
                            Điện ảnh là nghệ thuật thứ bảy. Xin cho biết sáu nghệ thuật kia.

                            AN CHI: Sáu nghệ thuật kia là:
                            1. âm nhạc,
                            2. múa,
                            3. hội họa,
                            4. điêu khắc,
                            5. kiến trúc,
                            6. kịch.
                            #29
                              Con Gấu 02.04.2007 21:21:28 (permalink)
                              Hay quá, hay quá !!
                               
                              Mấy (câu hỏi/trả) lời nầy giúp cho CG hiểu rất nhiều về những chữ/Câu mà xưa nay mình có dùng mà không hiểu rõ.
                               
                              Cám ơn bạn vvn. Cho NGUYÊN nha, đừng "nửa " 
                               
                              CG
                              #30
                                Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 2 của 5 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 66 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 6 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9