Do bác vvn bận công việc khác, nên Natphung sẽ tiếp tục đưa lên Chuyện Đông Chuyện Tây để các bạn cùng thưởng lãm. 31. (KTNN 101, ngày 01-02-1993) "Tiền cheo" là tiền gì? AN CHI: Trong
Việt Nam văn hóa sử cương, Đào Duy Anh đã liên hệ lệ nộp cheo Ở Việt Nam với tục
lan nhai (chặn đường) của Trung Hoa. Còn Phan Kế Bính thì đã nói rõ như sau: "Lệ cưới xin phải nộp
tiền lan nhai cho làng, thể gọi là
nộp cheo. Người trong làng lấy nhau thì nộp độ một vài đồng bạc, gọi là
cheo nội, người ngoài lấy gái làng thì bao giờ cũng phải nộp nặng hơn, hoặc năm sáu đồng hoặc mươi đồng hoặc một vài chục, tùy tục riêng từng làng, gọi là
cheo ngoại. Có nơi không lấy tiền, bắt nộp bằng gạch bát tràng, hoặc nơi thì bắt nộp bằng mâm đồng, bát sứ, tùy làng cần dùng thức gì thì nộp thức ấy chớ không nộp tiền, nhưng chiếu giá tiền thì cũng tương đương nhau. Ngoài lệ cheo làng, lại có lệ
cheo hàng xóm, cheo bản tộc, cheo bản thôn, hoặc năm ba tiền kẽm hoặc một vài quan hay một hai đồng bạc, v.v.. Hễ có cheo rồi mới thành gia thất. Cheo tức là ý phân bua với làng nước. Lấy nhau đã có cưới cheo là sự hôn thú phân minh, về sau vợ chồng có điều gì không dễ mà ly dị được nhau và người ngoài cũng không có phép mà tranh cạnh được nữa (
Việt Nam phong tục, Nxb Đồng Tháp, 1990, tr.180-181).
Thế là Phan Kế Bính đã nói rất rõ về khái niệm
cheo. Nhưng việc cả ông lẫn Đào Đây Anh liên hệ lệ nộp cheo với tục lan nhai thì lại là một việc không đúng.
Lan nhai (chặn đường) là một tục lệ khác mà chính Phan Kế Bính cũng có nói đến khi ông mô tả lệ giăng dây: "Trong lúc đi đường thì những kẻ hèn hạ hoặc lấy sợi chỉ đỏ, hoặc mảnh vải, lụa đỏ giăng ngang giữa đường, đám cưới đi đến phải nói tử tế mà cho chúng nó vài hào thì chúng nó mới cởi dây cho đi. Chỗ thì chúng nó bày hương án, chờ đi đến, đốt một bánh pháo ăn mừng, chỗ ấy phải đãi họ một vài đồng mới xuôi. Nếu bủn xỉn mà không cho chúng nó tiền, thì chúng cắt chỉ, cắt dây nói bậy nói bạ, chẳng xứng đáng cho việc vui mừng, vì vậy đám nào cũng phải chọ” (Sđd, tr.59). Đây mới đích thị là tục
lan nhai.
32. (KTNN 102, ngày 15-02-1993)
“Chữ D.C. sau chữ Washington (Washington D.C.) là chữ gì ? AN CHI : D.C. là 2 chữ đầu của District (of) Columbia. District of Columbia là một hạt liên bang, khác với Columbia là thủ phủ của bang South Carolina. Vì Washington, thủ đô Hoa Kỳ, nằm trong hạt liên bang Columbia nên người ta thường viết Washington D.C. để phân biệt nó với Washington là tên một bang ờ miền tây bắc Hoa Kỳ mà thủ phủ là Olympia.
33. (KTNN 102, ngày 15-02-1993) “Tại sao lại nói “con gái con đứa” để chỉ con gái và “đàn ông đàn ang” để chỉ đàn ông ? A
N CHI :
Từ điển tiếng Việt 1992 giảng rằng
con gái con đứa, là một lối nói của khẩu ngữ hàm ý chê bai để chỉ gọi con gái nói chung. Đây chỉ là cách giảng theo nghĩa hiện đại. Còn xét về lịch đại thì
con gái con đứa lại có nghĩa là con gái con trai. “Trai” là nghĩa xưa của
đứa. Nghĩa này biến mất khỏi tiếng Việt hiện đại nhưng trong tiếng Mường – một ngôn ngữ cùng gốc với tiếng Việt – thì
đứa vẫn còn có nghĩa là “trai” (Xem, chẳng hạn, N.K. Skolovskaja, Nguyễn Văn Tài, Jazưk mương, Moskva, 1987, tr. 189, từ 1830). Vì không còn biết được nghĩa của
đứa nữa nên người ta mới dùng cụm từ
con gái con đứa để chỉ con gái một cách khái quát.
Trường hợp của
đàn ông đàng ang cũng tương tự.
Ang là biến thể ngữ âm của
áng trong
áng ná mà Từ điển Việt - Bồ - La của A. de Rhodes và
Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của đều giảng là “cha mẹ”. Vậy
ang là cha và
đàn ông đàn ang là bậc ông bậc cha (so sánh với
đàn anh đàn chị, chẳng hạn). Vì không còn biết nghĩa của
ang là gì nữa, nên người ta mới dùng cụm từ trên đây mà chỉ đàn ông nói chung, có hàm ý đùa cợt, tưởng rằng ở đây
đàn ông đối nghĩa với
đàn bà và cụm từ đang xét là kiểu từ lấp láy (mà không ngờ rằng ở đây
đàn ông là “bậc ông”, cũng như
đàn anh là “bậc anh” và
đàn chị là “bậc chị”.
34. (KTNN 102, ngày 15-02-1993) “Trước đây tôi cứ tưởng bánh vẽ là bánh do người ta tưởng tượng mà vẽ ra nên hai tiếng “bánh vẽ” mới dùng để chỉ cái gì không có thật. Nhưng trên Tuổi Trẻ chủ nhật số 28-92 (19.7.1992), trang 20, tác giả bài “Bánh vẽ” là Đức Văn Hoa lại viết rằng đó là “một món bánh đặc sản cổ truyền của làng Vẽ, thôn Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội ngày nay” và câu ví :
Khát nước đứng cạnh bờ ao
Đói ăn bánh vẽ chiêm bao được vàng
chính là đã nói đến thứ bánh đó của làng Vẽ. A
N CHI : Trong bài “Chữ và Nghĩa” (
Ngôn ngữ, số 1, 1969 tr. 85-89) nhà văn Nguyễn Công Hoan cũng đã từng nói như Đức Văn Hoa. Khác nhau là ở chỗ Nguyễn Công Hoan nói rằng
bánh vẽ là loại bánh “thu đa nhập thiểu” vì nó “to bằng quả ping pong, nhưng khi ăn, bỏ vào miệng, bánh có nước dãi làm tan ra thì nó chỉ tóp lại có một tí” còn Đức Văn Hoa thì nói rằng đó là loại bánh “nạp thiểu thu đa” vì “bánh vẽ khi chưa rán chín chỉ là một miếng bột mỏng, bé tí tẹo, nhưng khi rán chín sẽ nở phồng to như cái chén uống nước.” Nguyễn Công Hoan còn đề nghị viết hoa chữ “v” thành V“ẽ” nữa! Nhưng cả Nguyễn Công Hoan lẫn Đức Văn Hoa đều không có lý: bánh làng Vẽ, dù là “thu đa nhập thiểu” hay “nạp thiểu thu đa” thì cũng là thứ bánh có thật còn bánh vẽ lại là một thứ bánh “hư” tuyệt đối, nghĩa là hoàn toàn không thật!
Bánh vẽ là một đơn vị từ vựng tiếng Việt ra đời bằng hình thức vay mượn theo lối dịch nghĩa (tiếng Pháp:
calque, tiếng Anh:
calque,
heteronym, loan translation) từ tiếng Hán là
họa bỉnh. Sách
Tam Quốc Chí, phần
Ngụy chí, truyện Lư Dục, có đoạn sau đây : “Tiếng tăm như bánh vẽ trên đất, không thể ăn được” (
Danh như họa địa tác bỉnh, bất khả đạm dã). Sách
Truyền đăng lục cũng có ghi lại lời nói của Trí Nhàn: “Bánh vẽ không thể làm cho hết đói” (
Họa bỉnh bất khả sung cơ). Thơ của Lý Thương Ẩn cũng có câu: “Cấp bậc (của quan) như bánh vẽ” (
Quan hàm đồng họa bỉnh). Thành ngữ
họa bỉnh sung cơ (vẽ bánh làm nguôi cơn đói) vẫn còn tồn tại trong tiếng Hán hiện đại.
Huình-Tịnh Paulus Của cũng đã giảng trong
Đại Nam quấc âm tự vị như sau: “
Bánh vẽ. Cuộc dối giả, chữ gọi là
họa bỉnh.”
Vậy điều mà bạn “tưởng” chính lại là điều hoàn toàn đúng sự thật và
bánh vẽ chẳng có liên quan gì đến bánh của làng Vẽ cả.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.04.2007 07:39:49 bởi vvn >