CHUYỆN ĐÔNG - CHUYỆN TÂY (An Chi)

Thay đổi trang: < 123 | Trang 3 của 3 trang, bài viết từ 61 đến 66 trên tổng số 66 bài trong đề mục
Tác giả Bài
Natphung
  • Số bài : 75
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 12.03.2007
RE: CHUYỆN ĐÔNG - CHUYỆN TÂY (An Chi) - 23.08.2007 17:45:55
76. (KTTN 113, 7-1993)
Tại sao biểu tượng SEA Games XVII 1993 tổ chức tại Singapore lại là con sư tử?

AN CHI: Vì SEA Games lần này được tổ chức tại Singapore mà Singapore có nghĩa là Thành phố Sư tử. Singapore (tiếng Anh) và Singapour (tiếng Pháp) là phiên âm từ tiếng Mã Lai Singapura, vẫn được xem là bắt nguồn từ tiếng Sanskrit Simhapura, trong đó Simha là sư tử, pura là thành phố (trong tiếng Mã Lai hiện nay singa là sư tử còn thành phố thì lại là puri).

Tuy nhiên, có người đã đưa một nguyên từ khác cho nguồn gốc của Singapura. Marc Reinhorn, trong Dictionnaire laotien-français (t.I, Paris, 1970, p.607, art. Siŋk’ápo) đã cho rằng đó là tiếng Sanskrit Śrngapura nghĩa là Thành phố Mũi đất. Tiếng Sanskrit śrnga có nghĩa là sừng, mũi nhọn, đỉnh, mũi đất, v.v… Kiến giải này không phải là không có lý vì Śrngapura có cấu tạo và ý nghĩa giống như tên Thành phố Mũi đất của Nam Phi mà tiếng Afrikaans (tiếng Hà Lan nói ở quốc gia Nam Phi và là một trong những ngôn ngữ chính thức của nước này) là Kaapstad còn tiếng Anh là Cape Town (Kaap = cape = mũi đất; stad = town = thành phố).
 

77. (KTTN 114, ngày 15-7-1993)
Trong bài “Đôi điều thu lượm quanh Hán tự” (Văn nghệ, số 43, 1992), Nguyễn Dậu có nói rằng Nguyễn Du đã dùng nhầm mấy tiếng lầu xanhthanh lâu “khiến cho mấy chục triệu người Việt đều nghĩ rằng lầu xanh là nơi ổ chứa ca kỹ (gái điếm)”. Ông nói rằng ở Trung Quốc, người ta không hề coi thanh lâu là ổ điếm mà lại hiểu đó là “nhà cao lầu của những người phú quí”. Vậy có đúng là Nguyễn Du đã nhầm hay không? Tác giả còn nói rằng do đọc sai mà “tất cả các nhà nho Việt Nam từ cổ đến giờ đều gọi hai cái hột của giống đực là dịch hoàn” nhưng “cả tỷ người Trung Hoa đều gọi là cao hoàn”. Có thật đúng như thế không?

AN CHI: Về hai tiếng thanh lâu, Từ hải đã giảng như sau:

1. Lầu Hưng Quang của Vũ đế, bên trên sơn xanh, người đời gọi là thanh lâu (Vũ Đế Hưng Quang lâu, thượng thi thanh tất, thế nhân vị chi thanh lâu).
2. Chỉ lầu gác của nhà hào phú (Vị hào gia chi lâu).
3. Chỉ lầu của người đẹp ở (Vị mỹ nhân sở cư chi lâu)
4. Chỉ nơi hành nghề của gái điếm (Vị kỹ viện dã)

Vậy Nguyễn Du đã không nhầm vì cái nghĩa do Nguyễn Dậu nêu lên chỉ là một trong bốn nghĩa của hai tiếng thanh lâu mà thôi.

Còn chuyện "hai cái hột của giống đực” thì lại hoàn toàn đúng như Nguyễn Dậu đã nêu. Đó là trướng hợp “tác đánh tộ, ngộ đánh quá” vì tự dạng của chữ dịch và chữ cao rất giống nhau: chúng chỉ khác nhau ở nét phẩy ' phía trên bên trái của chữ mà thôi. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng đều phiên âm đúng chữ đang xét là cao và đều giảng cao hoàn là “ngoại thận = hòn dái” (Đào Duy Anh), “hòn dái” (Nguyễn Quốc Hùng), “hạt dái” (Thiểu Chửu).

Trớ trêu là ngày nay hầu như không ai nói cao hoàn mà chỉ nói dịch hoàn. Hai tiếng này đã được Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên giảng là “hai hòn dái của đàn ông và của một số động vật giống đực”. Còn Từ điển tiếng Việt 1992 thì ghi: “dịch hoàn, d.x. tinh hoàn” mà tinh hoàn thì được giảng là “cơ quan sinh ra tế bào sinh dục đực”. Rõ ràng là dùng từ sai đấy, nhưng chẳng biết có ai muốn sửa lại cho đúng hay không.

Natphung
  • Số bài : 75
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 12.03.2007
RE: CHUYỆN ĐÔNG - CHUYỆN TÂY (An Chi) - 01.09.2007 17:17:54
78. (KTTN 114, ngày 15-7-1993)
Trong câu :

Dù xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người


Thì “chín bậc” có phải là “cửu phẩm” không và “phù đồ” là gì?


AN CHI: Phù Đồ (cũng như Phật Đà, Phật Đồ) vốn là hình thức phiên âm bằng tiếng Hán (đọc theo âm Hán Việt) của tiếng Sanskrit buddha, có nghĩa là Phật. Dần dần nó bị dùng sai đi vì được xem là đồng nghĩa với từ tháp, dạng tắt của tháp bà, phiên âm từ tiếng Sanskrit stupa.

Sau khi phù đồ được dùng theo nghĩa của tháp thì nó lại có thêm nghĩa phái sinh là cái chóp lộng (tán đỉnh) vì chóp lộng có hình dạng của một cái tháp tí hon. Thiên “Nghi vệ” trong Kim sử đã dùng danh từ phù đồ theo nghĩa này để ghi chép việc qui định cách thức và cấp bậc cho việc sử dụng các loại chóp lộng: kim phù đồ (chóp lộng bằng vàng), kim độ ngân phù đồ (chóp lộng bằng bạc mạ vàng), ngân phù đồ (chóp lộng bằng bạc), chu phù đồ (chóp lộng màu son) và thanh phù đồ (chóp lộng màu xanh).

Trong liên lục bát đã nêu, phù đồ chính là cái tháp, nghĩa là một công trình kiến trúc được xây lên để chôn xá lợi (tro xương) của đức Phật, của các bậc cao tăng, đại đức. Chín bậc không phải là cửu phẩm (chín phẩm trật của các quan) mà là cửu trùng (= chín tầng).

79. (KTTN 114, ngày 15-7-1993)

Với bà Hồ Xuân Hương thì nương long có nghĩa là “ngực thiếu nữ”:

Yếm đào trễ xuống dưới nương long.

Nhưng với một nhà thơ miền Nam cận đại có hai câu lục bát tả bốn cái khoái của con người thì nương long lại là “cái hậu môn”:

Cơm Phiến Mẫu, chiếu Trần Đoàn
Ngửa nghiêng loan phụng, nhẹ nhàng nương long.



Xin cho biết nghĩa nào đúng, nghĩa nào sai.


AN CHI: Ta thấy về cái khoái thứ nhất, tác giả không nhắc đến miệng mà nói “cơm Phiến Mẫu”; về cái khoái thứ hai, ông không nhắc đến hai con mắt mà nói “chiếu Trần Đoàn”; về cái khoái thứ ba, ông không nhắc đến cái … gì của nữ và của nam mà nói “ngửa nghiêng loan phụng”. Vậy về cái khoái thứ tư, lẽ nào ông lại phải nhắc đến “cửa sau”?

Nương long có nghĩa là ngực – không chỉ là ngực thiếu nữ - từ đó nó có một nghĩa rộng là khoang bụng, là dạ rồi từ nghĩa rộng này nó mới có nghĩa bóng là lòng dạ như đã giảng trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của hoặc Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ.

Trong liên thơ lục bát trên đây, nương long đã được dùng theo nghĩa rộng (khoang bụng, dạ). Khi người ta đi chảy là người ta bị tháo dạ. Khi người ta ăn không tiêu là người ta bị cứng dạ (A. de Rhodes ghi trong Từ Điển Việt-Bồ-La: “Cứng dạ. Không tiêu, đầy cứng bụng”).

Còn khi người ta đi một cách bình thường, không quá chặt quá khó vì bị táo bón, cũng không … té re vì bị Tào Tháo rượt, thì người ta cảm thấy nhẹ bụng, êm dạ, nghĩa là nhẹ nhàng nương long. Vậy nương long không có nghĩa là hậu môn.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 17.09.2007 23:41:10 bởi vvn >

Natphung
  • Số bài : 75
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 12.03.2007
RE: CHUYỆN ĐÔNG - CHUYỆN TÂY (An Chi) - 30.09.2007 03:59:34
80. (KTTN 114, ngày 15-7-1993)
Xin cho biết “mặc cảm Ê-đíp” là gì. Có phải Ê-đíp là nhân vật huyền thoại đã giết cha để lấy mẹ hay không?

AN CHI: Oedipe (Ê-đíp) là một nhân vật huyền thoại Hy Lạp, đã giết cha là Laios, vua thành Thèbes (Xin phân biệt với Thèbes ở Ai Cập) – mà không biết đó là cha mình – rồi lấy mẹ là Jocaste – mà cũng không biết đó là mẹ mình – và đã có có với mẹ hai con trai là Etéocle và Polynice, hai con gái là Antigone và Ismène. Khi biết ra sự việc, Jocaste đã treo cổ tự tử còn Oedipe thì móc mắt để tự trừng phạt về tội giết cha và tội loạn luân với mẹ. Do tích này mà tiếng Pháp có danh từ oedipisme có nghĩa là tự móc mắt.

Mượn tên và tích của Oedipe từ huyền thoại trên, ông tổ của phân tâm học là Sigmund Freud đã tạo ra thuật ngữ mặc cảm Oedipe (tiếng Pháp: complexe d’Oedipe) mà ông giải thích như sau: “Trong khi mà nó hãy còn hoàn toàn trẻ thơ, đứa con trai bắt đầu cảm thấy một sự trìu mến đặc biệt đối với người mẹ: nó xem mẹ như là vật sở hữu riêng của nó, thấy nơi người cha một đối thủ tranh giành với nó quyền làm chủ vật sở hữu đó; giống như đứa con gái thấy nơi người mẹ một kẻ quấy rối những quan hệ quyến luyến của nó với người cha và chiếm một vị trí mà nó, đứa con gái, muốn được quyền độc chiếm (…) Thái độ đó (…) chúng tôi đặt cho cái tên là mặc cảm Oedipe” (Introduction à là psychanalyse, trad. fr. Paris, 1966, pp. 190-191).

Khi phân tích về chứng sợ (phobie) của đứa bé trai 5 tuổi mà mọi biểu hiện đã được cha nó tường thuật một cách chu đáo cho ông, Freud đã viết như sau: “Khi người ta làm dịu đi sự sợ hãi mà thằng bé cảm thấy trước người cha (…) nó đã bày tỏ cho biết nó thấy nơi người cha một đối thủ tranh giành với nó những sự ưu đãi của người mẹ mà những thôi thúc tính dục đầu tiên của nó được hướng tới một cách mơ hồ. Thế là nó đang lâm vào tình cảnh điển hình của đứa bé trai, tình cảnh mà chúng tôi gọi tên là mặc cảm Oedipe (…)” Totem et tabou, trad. fr., Paris, 1965, p. 149).

Tóm lại, mặc cảm Oedipe là hiện tượng mà Petit Larousse illustré 1992 đã định nghĩa như sau: "Toàn bộ những tình cảm yêu thương và thù nghịch mà mỗi đứa bé cảm thấy đối với cặp cha mẹ ( sự quyến luyến tính dục với người sinh thành khác giới tính và sự ganh ghét với người sinh thành cùng giới tính bị xem như là một địch thủ)".
 
 
81. (KTTN 115, ngày 01-8-1993)
Người ta thường nói bọn ăn chơi ngang tàng là “lục lăng cửu trối”. Vậy “lục lăng cửu trối” vốn có nghĩa gì và tại sao lại nói như thế?

AN CHI: Viết đúng chính tả thì đó là lục lăng củ trối. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng lục lăng là “đứa ngang tàng không biết phép” còn củ trối là “cái rễ lớn ở dưới sâu. Nguyên củ cái lâu nằm ở sâu, khó bấng khó đào”. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ giảng lục lăng củ trối là “hạng trẻ cứng đầu khó dậy, khó điều khiển”.

Lục lăng là do nói trại từ Lục Lâm mà ra. Hai tiếng Lục Lâm vốn là tên một ngọn núi ở phía Đông Bắc huyện Đương Dương, miền Kinh Châu, nằm trong dãy núi Đại Hồng, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) ngày nay. Núi này nguyên là nơi tụ tập của những người nổi dậy chống lại chính quyền Vương Mãng vào cuối đời Tây Hán. Sử Trung Quốc ngày nay gọi đó là cuộc khởi nghĩa Lục Lâm những nhà nước phong kiến Trung Hoa ngày xưa thì coi đó là giặc cho nên đã dùng hai tiếng lục lâm để chỉ những người chống chính quyền hoặc những tên bạo tặc cướp phá tài sản của dân lành. Nghĩa này đã được Mathews’ Chinese-English Dictionary ghi nhận là: “a bandit” (tên ăn cướp). Trong phương ngữ Nam Bộ, do không biết rõ xuất xứ nên nhiều người đã nói trại hai tiếng lục lâm thành lục lăng và hiểu là “đứa ngang tàng không biết phép” như đã dẫn ở bên trên.

Sau khi lục lâm bị nói trại thành lục lăng và được dùng theo nghĩa vừa nói thì nó còn được ghép với củ trối để tạo nên thành ngữ lục lăng củ trối. Ở đây, hai tiếng củ trối không còn có cái nghĩa mà Huình-Tịnh Paulus Của đã giảng nữa. Nó đã được dùng để chỉ kẻ khó bảo, khó dạy, khó làm cho thay đổi, lay chuyển, ví như củ trối là rễ cái cứng chắc và ăn sâu xuống đất nên rất khó lay chuyển để bứng để nhổ vậy.

Theo cách hiểu đã trình bày thì lục lăng là kết quả nói trại của lục lâm, được ghép với củ trối để tạo nên thành ngữ lục lăng củ trối. Nhưng cũng có thể có một cách hiểu khác. Theo cách hiểu này thì đó là kết quả của lối nói trại thành ngữ tiếng Hán lục lâm thảo khấu: lục lâm thành lục lăng còn thảo khấu (giặc cỏ) thành củ trối.  
82. (KTTN 115, ngày 01-8-1993)
Tại sao lại gọi là "đồng bóng"? Có phải “đồng” là do “tiên đồng ngọc nữ” hay không? Nhưng nếu thế thì “bóng” là do đâu?

AN CHI: Đào Duy Anh đã giảng từ đồng trong đồng bóng như sau: “Người đệ tử của thần tiên trong Đạo giáo tự xưng là đồng tử của thần tiên nên người ta thường gọi là ông đồng” (Từ điển Truyện Kiều, Hà Nội, 1974, tr.136). Đây chỉ là một lối giảng có tính chất suy diễn chủ quan vì đồng là một từ cổ có nghĩa là cái kiếng, cái gương. Thật vậy, A. de Rhodes đã ghi như sau: “Đồng, cái đồng: Gương, kiếng. Gương. Cùng một nghĩa. Soi đồng: Nhìn vào gương để làm phù chú. Làm đồng làm cốt: Bà phù thủy nhìn vào gương để làm phù chú. Thầy đồng: Thầy phù thủy sử dụng gương, chiếu kính” (Từ điển Việt-Bồ-La, Nxb Khoa học xã hội, 1991).

Cứ theo những điều trên đây, thì các ông đồng bà đồng đã được gọi bằng tên của chính cái đồ vật mà họ sử dụng để hành nghề. Đặc điểm của nghề đồng bóng còn được phản ánh trong thành ngữ ngồi đồng chiếu kính mà Huình-Tịnh Paulus Của đã ghi nhận trong Đại Nam quấc âm tự vị.

Khi đồng đã là cái gương, cái kiếng thì bóng tất nhiên là hình ảnh của cảnh và vật phản chiếu ở trong kiếng, trong gương. Cũng chính A. de Rhodes đã giúp cho chúng ta khẳng định điều này. Ông đã ghi: “Soi gương: Nhìn trong gương. Soi đồng: Cùng một nghĩa; cũng là phù phép mà người lương dân ngây thơ nghĩ rằng mình có thể nhờ tấm gương để biết sự dữ nào bởi đâu sinh ra cho mình, nghĩa là bởi ma quỷ dối trá bằng những hình ảnh khác nhau trong tấm gương”. “Những hình ảnh khác nhau trong tấm gương” chính là những cái bóng.

Vậy đồng bóng là gương và hình ảnh của cảnh vật phản chiếu trong gương. Đó là nghĩa gốc. Còn nghĩa trong ông đồng bà đồng, lên đồng, đồng cô bóng cậu, v.v… là nghĩa phái sinh.   

Natphung
  • Số bài : 75
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 12.03.2007
RE: CHUYỆN ĐÔNG - CHUYỆN TÂY (An Chi) - 01.10.2007 08:30:54
83. (KTTN 115, ngày 01-8-1993)
Tại sao lại gọi nước Nhật là Phù Tang?

AN CHI: Phù Tang nguyên là tên một loại cây mà Thuyết văn giải tự của Hứa Thận giảng là “cây huyền thoại”, (là) “nơi mặt trời mọc vậy”. Sách Thập châu ký cũng giảng: “(Cây) phù tang ở trong biển Biếc (Bích Hải), cây mọc cao đến mấy ngàn trượng, tán xòe ra đến hơn ngàn trượng, hai thân chung một cội, cùng nương tựa nhau, (là) nơi mặt trời mọc vậy”. Vì tên của nuớc Nhật Bản có nghĩa là “gốc ở mặt trời” nên thời xưa người ta đã đồng nhất hóa nó với xứ sở của loại cây huyền thoại trên đây mà gọi nó là nuớc Phù Tang. Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng hai tiếng này như sau: “Tên một loại cây thiêng, tương truyền mọc ở xứ mặt trời. Nuớc Nhật Bản ở phương Đông, hướng mặt trời, nên cũng gọi là Phù-Tang”.

Trong Hán ngữ hiện đại, người ta còn dùng hai tiếng Phù tang để chỉ một loài cây có thật mà tên thông dụng là mộc cẩn hoặc chu cẩn. Đó là cây dâm bụt mà người Nam bộ gọi trại đi thành cây bông bụp, tên khoa học là Hibiscus rosa-sinensis.
 

84. (KTTN 115, ngày 01-8-1993)
Xin cho biết xuất xứ của tên gọi thành phố Đà Lạt. Có phải là do một câu bằng tiếng La Tinh mà ra? Đó là câu gì?

AN CHI: Câu đó là Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem nghĩa là “(nó) cho những người này niềm vui thích, những người khác sự khỏe khoắn”. Nhiều người cho rằng địa danh Đà Lạt bắt nguồn từ câu này: ráp những chữ cái đầu – mà chúng tôi cố ý viết hoa – của năm từ trong câu đó lại thì sẽ có dạng tiếng Pháp của địa danh đang xét: DALAT.

Sự thật thì Đà Lạt là tiếng của người thiểu số sở tại và có nghĩa là “suối Lạt”. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ ghi: “Đà Lạt: nước của bộ lạc người Lạch (tức Lạt – AC)”. Tô Đình Nghĩa cũng nói rõ như sau: “Địa danh Đà Lạt hiện nay, trong các văn bản cũ ghi là Dalat, nguyên gốc là Đạlat hoặc Đalat, trong đó Đạ có nghĩa là nước, Lat là tên gọi của một tiểu nhóm thuộc dân Kơho. Theo ý kiến của nhiều người dân tộc thì trước kia Đà Lạt là nơi cư trú của người Lát và vùng này có nhiều hồ nước, thác nước. Tên gọi Đà Lạt bắt nguồn từ đấy. Hiện nay, cách Đà Lạt khoảng 5km có xã Lát gồm nhiều đồng bào Kơho cư trú” (Nguồn gốc và ý nghĩa các yết tố Đắc, Ya, Krông …trong một số địa danh ở Tây Nguyên, Khoa học xã hội, số 3, 1990, tr.88).

Việc Đà Lạt vốn là nơi cư trú của người Lạt là một sự thật đã được Yersin ghi nhận trong nhật ký của ông. Vấn đề còn lại chỉ là xác định xem suối Lạt là con suối nào hiện nay mà thôi. Cunhac, một người Pháp đã góp phần tạo dựng Đà Lạt đã nói như sau: “Ở tại chỗ của cái hồ nước trước đó, con suối nhỏ của bộ lạc người Lat đã chảy qua. Người ta đã gọi suối này là “Đa-lat” (…) và không hiểu vì lý do gì mà người ta đã thay thế bằng danh xưng Việt Nam là Cam Ly” (Dẫn theo Hãn Nguyên, Lịch sử phát triển Đà Lạt, Tập san Sử Địa số 23-24, 1971, tr.272).

Vậy Đà Lạt, tức suối Lạt, chính là suối Cam Ly, hiện nay. Tên của nó đã được dùng để chỉ vùng mà nó chảy qua và sau rốt lại được dùng để gọi tên thành phố được xây dựng trên vùng đó: thành phố Đà Lạt ngày nay.

Câu tiếng La Tinh trên đây chỉ là kết quả của một sự chơi chữ bằng cách chiết tự những chữ cái trong tên Đà Lạt viết theo chữ Pháp. 
85. (KTTN 116, ngày 15-8-1993)
Xin giải thích về mấy tiếng “Đức mẹ đồng trinh”: đã là mẹ, sao lại còn “đồng trinh”?

AN CHI: Về việc bà Maria mang thai chúa Jesus, Kinh Thánh đã chép như sau: “Vả, sự giáng sanh của Đức chúa Jésus-Christ đã xảy ra như vầy: Khi Ma-ri, mẹ Ngài đã hứa gả cho Giô-sép, song chưa ăn ở cùng nhau (Chúng tôi nhấn mạnh – AC), thì người đã chịu thai bởi Đức Thánh Linh. Giô-sép, chồng người, là người có nghĩa, chẳng muốn cho người mang xấu, bèn toan đem để nhẹm. Song đang ngẫm nghĩ về việc ấy, thì Thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong giấc chiêm bao mà phán rằng: Hỡi Giô-sép, con cháu Đa-vít, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Đức Thánh Linh. Ngươi sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Jésus, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội (…) Khi Giô-sép thức dậy rồi, thì làm y như lời Thiên sứ của Chúa đã dặn, mà đem vợ về với mình; song le không hề ăn ở với (nghĩa là không hề ăn nằm với nhau – AC) cho đến khi người sanh một trai, thì đặt tên là Jésus” (Ma-thi-ơ, 1:18-25 – Chúng tôi dùng bản của Thánh Kinh Hội tại Việt Nam, Sài Gòn, 1975).

Cứ theo như sự tích trên đây thì bà Maria đã có thai Chúa Jésus mà không hề có quan hệ xác thịt với ông Joseph. Việc thụ thai chỉ là do phép của Đức Thánh Thần mà thôi. Vậy, cho đến khi hạ sanh Chúa Jésus, bà vẫn còn đồng trinh. Bà được gọi là Đức Mẹ Đồng Trinh chính là vì thế. 
86. (KTTN 116, ngày 15-8-1993)
Nhiều học giả trước đây vẫn phân tích chữ hồ 胡 gồm có cổ 古 và nguyệt 月 nghe rất hay. Nay lại có người lại cho rằng nó gồm có cổ 古 và nhục 肉 nghe đã lạ mà lại không thanh nhã. Xin cho biết cách phân tích nào đúng?

AN CHI:

Chữ hồ 胡 là một hình thanh tự mà thanh phù là chữ cổ 古 còn nghĩa phù là chữ nhục 肉 đã được viết thành 月 trong 248/253 chữ thuộc bộ nhụcTừ Hải đã ghi nhận. Tỉ lệ này trong Khang Hy tự điển là 654/680 vì bộ tự điển này đã thu thập rất nhiều chữ kể cả các kỳ tự (chữ hiếm thấy). Chữ thứ hai, thuộc bộ nhục 肉 mà Khang Hy tự điển đã ghi nhận là chữ 月. Chữ này được giảng như sau: “Theo Chính tự thông, chữ nhục 肉 khi đứng làm biên bàng vốn viết là 肉, thạch kinh (sách kinh điển khắc trên đá) sửa làm 月. Hai nét trong dính liền từ trái sang phải, khác với chữ nguyệt 月. Nay thường viết 月 để phân biệt” (Chính tự thông: Nhục tự biên bàng chi văn bổn tác 肉. Thạch kinh cải tác 月. Trung nhị hoạch liên tả hữu, dữ nhật nguyệt chi nguyệt月 dị. Kim tục tác月 dĩ biệt chi). Nói thế nhưng chính Khang Hy tự điển cũng viết chữ nhục biên bàng thành 月 trong 654 chữ đã nói, y hệt như chữ nguyệt biên bàng 月, hoàn toàn không phân biệt tự hình. Từ nguyên, Từ hải, đều làm như thế. Đây là hiện tượng đồng hình dị tự (cùng hìng khác chữ).

Tên tạp chí Văn nghệ, số 10-1962, Nguyễn Đức Bính có bài “Người Cổ Nguyệt, chuyện Xuân Huơng”. Trên Kiến thức ngày nay số 54 (Xuân Tân Mùi) cũng có bài “Vườn hoa nàng Cổ Nguyệt” trong đó tác giả nói đến tòa Cổ Nguyệt Đường của Hồ Xuân Hương. Nếu đây chỉ là chuyện chơi chữ thì đó là quyền của tác giả. Nhưng nếu cả quyết rằng về mặt cấu tạo văn tự, chữ hồ 胡 gồm có chữ cổ 古 và chữ nguyệt 月 thì lại là hoàn toàn sai. Không có bất cứ một tự thư quen thuộc nào của Trung Hoa đã cho rằng ở trong 胡 thì 月 lại là chữ nguyệt. Tất cả đều phân tích và khẳng định rằng đó là chữ nhục
87. (KTTN 117, ngày 15-8 & 02-09-1993)
Nga my vốn được dịch là mày ngài, tại sao Nguyễn Du viết mày ngài để tả Từ Hải mà nhiều học giả lại giảng rằng đó là ngọa my tàm, nghĩa là “mày tằm nằm” chứ không phải là nga my?

AN CHI: Các học giả và các nhà nghiên cứu đó giảng như thế là vì họ cho rằng nga my là lông mày dài, cong và đẹp, không thích hợp với tướng mạo của con nhà võ như Từ Hải, nhưng nhất là vì họ đã hiểu sai nghĩa của ba tiếng ngọa tàm my.

Đào Duy Anh giảng rằng mày ngài là “lông mày rậm, tướng mạo của người trượng phu. Có lẽ theo câu “my nhược ngọa tàm” của sách tướng, có nghĩa là “lông mày giống như con tằm nằm” (Từ điển Truyện Kiều, Hà Nội, 1974, tr. 236-237). Nguyễn Thạch Giang chú thích như sau: “Mày ngài do các chữ ngọa tàm my: lông mày to đậm cong như con tằm, là tướng người anh hùng” (Nguyễn Du, Truyện Kiều, Hà Nội, 1972, tr.450, c.2167). Nguyễn Vinh Phúc viết: “Tất nhiên mày của Từ Hải không thể nào lại mảnh dẻ, cong, dài như nga my của các cô gái đẹp được. Và do đó mày ngài của Từ Hải phải hiểu là ngọa tàm my là mày như con tằm, chứ không phải nga my” (Quanh đôi lông mày, Ngôn ngữ, số 2, 1970, tr. 60). Còn Kiều Thu Hoạch thì viết: “ Trong Truyện Kiều có hai chỗ nói về Từ Hải mà cũng dùng chữ mày ngài. Nhưng chớ lầm! Đây là cái mày ngài “sâu róm” chớ không phải cái mày ngài của nàng Trang Khương (…) đó là tác giả muốn nói mày tằm, mày tằm nằm” (Góp bàn về một bản Kiều mới, Tạp chí Văn học, số 2 (146), 1974, tr. 68).

Tiếc rằng các tác giả trên đây vì chỉ hiểu từ ngữ theo lối dịch từng tiếng một (ngọa = nằm, tàm = tằm, my = mày) nên đã giảng sai hình ảnh người Trung Hoa muốn gửi gắm trong 3 tiếng ngọa tàm my. Ở đây, hai tiếng ngọa tàm không hề có nghĩa là “(con) tằm nằm”, mà lại là lối nói của tướng thuật, được Từ nguyên giảng như sau: “Nhà tướng thuật gọi nếp nhăn dưới vành mắt là ngọa tàm. Lại nữa, lông mày cong mà đường nét thanh đẹp cũng được gọi là ngọa tàm my” (Tướng thuật gia dĩ nhãn khuông hạ văn vi ngọa tàm. Hựu my loan nhi đái tú giả dịch xưng ngọa tàm my). Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ đã giảng đúng hai tiếng ngọa tàm là “lằn xếp dưới mí mắt”, kèm theo ví dụ trích từ Truyện Trinh thử:

To đầu vú, cả dái tai,
Dày nơi ngư vĩ, cao nơi ngọa tàm.

Nếu đối dịch từng tiếng một thì ngư vĩ sẽ là “đuôi cá”. Nhưng đây cũng lại là một lối nói của tướng thuật mà Từ nguyên giảng như sau: “Nhà tướng thuật gọi nếp nhăn ở khóe mắt là ngư vĩ” (Tướng thuật gia dĩ nhãn giác chi văn vi ngư vĩ). Xem thế đủ thấy lối đối dịch từng tiếng một nhiều khi tai hại biết chứng nào. Vậy ngọa tàm my không hề có nghĩa là “mày tằm nằm” mà lại là lông mày cong và có đường nét thanh đẹp. Vương Vân Ngũ đại từ điển cũng giảng như thế, rằng đó là “lông mày cong mà đẹp” (my loan nhi tú – X. ở chữ 7370).

Các tác giả trên đây muốn gạt bỏ hai tiếng nga my nhưng ngọa tàm my lại đồng nghĩa với nga my vì cả hai cấu trúc có chung một nét nghĩa là “cong và đẹp”. Vậy mày ngài vẫn là nga my và đây chính là cái nét nho nhã duy nhất trong tướng mạo của Từ Hải râu hùm hàm én, đường đường một đấng anh hào, vai năm tấc rộng thân mười thước cao
88. (KTTN 117, ngày 15-8 & 02-09-1993)
Có người nói “Dân dĩ thực vi Thiên” (Dân lấy ăn làm trời). Theo tôi câu này chưa hề thấy ở sách báo. Được biết sách xưa chỉ có ghi “Dân dĩ thực vi tiên”; vậy câu nói kia đúng hay sai?

AN CHI: “Dân dĩ thực vi Thiên” là một câu kinh điển. Chẳng hạn như Hán thư có viết: “Vương giả dĩ dân vi thiên, dân dĩ thực vi thiên” nghĩa là “Vua chúa (thì) lấy dân làm trời (còn) dân (thì) lấy cái ăn làm trời”. Do đó mà có cụm từ dân thiên (ông trời của dân) để chỉ cái ăn của người dân. Mathews’ Chinese-English Dictionary dịch dân thiên là “food” (thức ăn) còn Dân dĩ thực vi thiên là “the masses regard sufficient food as their heaven” dân chúng xem cái ăn đầy đủ như là ông trời của họ).

Ở phường Đakao, quận Một, Thành phố Hồ Chí Minh, ngay góc đường Đinh Tiên Hoàng - Trần Quang Khải, có một tiệm ăn của người Tàu lấy hiệu là Dân Thiên 民天 . Chắc ông chủ cũng lấy ý từ câu đó! Tuy nhiên, không biết ông có muốn chơi chữ mà ngầm hiểu rằng tiệm ăn của ông ta là “trời của dân” hay không.

Natphung
  • Số bài : 75
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 12.03.2007
RE: CHUYỆN ĐÔNG - CHUYỆN TÂY (An Chi) - 03.10.2007 09:58:44
89. (KTTN 117, ngày 15-8 & 02-09-1993)
Có một mối tình Xuân Hương – Chiêu Hổ trong thực tế hay không? Hay chỉ có văn thơ cợt nhả với nhau mà thôi?

AN CHI: Quả là người đời có truyền tụng về một mối tình Xuân Hương – Chiêu Hổ. Chả thế mà Phong Châu lại chép: “Ông Chiêu Hổ đi làm quan lâu ngày, Xuân Hương nhớ chỗ nhân tình cũ, mới viết giấy hỏi thăm …” (Câu đối Việt Nam, Hà Nội, 1994, tr. 25). Nhưng đó chỉ là giai thoại mà thôi.

Trong thực tế thì mối tình không có đã đành mà chuyện văn thơ cợt nhả cũng không có nốt. Điều khẳng định nghiêm túc này là căn cứ vào lời kể của Siêu Văn, một người thuộc dòng họ Nguyễn Đình, là dòng họ mà có đời và có người đã từng kết thâm giao với cả Hồ Xuân Hương lẫn Phạm Đình Hổ: “Hồ Xuân Hương hơn Phạm Đình Hổ ngót hai chục tuổi, nên không thể có sự luyến ái, họa thơ giữa hai người đó được. Và trong đám cưới của cháu nội bà Đốc trấn là Nguyễn Đình Vũ lấy con gái Phạm Đình Hổ là cô Phạm Đình Huy, nữ sĩ Hồ Xuân Hương là người quen biết cả hai họ nên đã đứng lên làm chủ hôn, theoi tục lệ thời đó”. (Về mối quan hệ giữa Hồ Xuân Hương và Phạm Đình Hổ, Tạp chí Văn học, số 5, 1991, tr. 71). Và ở một đoạn khác: “Nữ sĩ Hồ Xuân Hương lúc đó đã ngoài bảy mươi tuổi, được mời làm chủ hôn, trải giường chiếu cho cô dâu lấy khước”.

Làm sao có thể quan niệm được rằng người tình cũ của Phạm Đình Hổ, hơn ông ngót 20 tuổi, giờ đây đã ngoài bảy mươi, lại được mời trải giường chiếu cho con gái ông được khước? Làm sao có thể quan niệm được rằng một bà lão đã có thời “chành ra ba góc da còn thiếu” mà lại được mời trải chiếu cho con gái tơ của người khác được khước trước khi về nhà chồng? Cho nên những câu thơ tục tĩu xưa nay vẫn truyền tụng là của bà chắc chắn không phải do bà là tác giả. Siêu Văn cũng nói rõ: “Theo cụ Nguyễn Gia Thái (1858-1935) người được đọc Xuân Hương thi tập do chính tay nữ sĩ chép tặng gia đình ta, thì không có những bài thơ tục tĩu mà ngày nay người ta gán ghép cho nữ sĩ”.

Đến như ông Chiêu Hổ, người mà theo truyền tụng là đã có nhiều câu đối Nôm, lắt léo, tài ba, thì chính ông lại tỏ ra xem thường chữ Nôm và tự nhận là mình kém cỏi về thứ chữ này. Sau đây là lời tự thuật của ông: “Có người đem những sách truyện Nôm và những trò thanh sắc, nghề cờ bạc, rủ rê chơi đùa, thì ta bịt tai lại không muốn nghe. Ta đã học vỡ được ít kinh sử, thế mà chữ Nôm ta lại không biết hết”. (Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút, bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, TPHCM, 1989, tr.10). Trong khi đó thì: “Ta khi mới lên chín tuổi, đã học Hán thư, (…). Các sách cổ, thơ cổ ta thường xem lắm, không lúc nào rời tay” (Sđd, tr. 10-11). Khi đã cao niên, nhắc lại chuyện thuở ấu thời, Phạm Đình Hổ vẫn còn sẵn sàng gộp “những sách truyện Nôm” vào chung với “những trò thanh sắc” và “nghề cờ bạc”. Một người cả đời vẫn coi thường văn Nôm chữ Nôm đến như thế làm sao có thể là tác giả của những “văn bản” Nôm đã được truyền tụng?
 

90. (KTTN 122, ngày 01-11-1993)

Một mai ai đứng bên kinh,
Ai phò giá triệu, ai rinh quan tài?
Bên kinh đã có con trai,
Giá triệu con gái, quan tài nàng dâu.


Bài này vẫn nghe hát ru em như vậy, có đúng nguyên văn của người xưa hay không? “Kinh” có nghĩa gì khác hơn con sông đào? Sao lại rinh quan tài? Cả bài có ý nghĩa gì?

AN CHI: Nguyên văn hai câu đầu là:

Một mai ai đứng minh tinh
Ai phò giá triệu, ai nghinh quanh tài?

Minh tinh, trong Nam còn gọi là tấm triệu, là dải lụa dài ghi tên họ, tuổi tác, chức tước, ngày từ trần, v.v… của người chết, treo trên một cái giàn nhỏ có đòn khiêng, thường gọi là cái giá triệu, để khiêng đi trước quan tài khi đưa đám tang. Vậy đứng minh tinh là có tên trên tấm minh tinh, nghĩa là đã chết. Nghinh (nghênh) là đón rước. Nghinh quan tài là bưng cái bát hương đi thụt lùi phía trước quan tài để dẫn đường. Còn phò giá triệu là chống gậy tang đi bên cái giá triệu để hộ tống. Nghinh quan tài và phò giá triệu thường là bổn phận của con trai trưởng (hoặc con trai) và của cháu đích tôn (hoặc cháu nội trai). Vậy “đứng bên kinh” và “rinh quan tài” chỉ là tam sao thất bản mà ra.
Theo chúng tôi, bài này vốn chỉ có hai câu đầu và đây là lời nói của người vợ không sanh nở nói với chồng: Thiếp đã không có con, nếu chàng không nghe lời khuyên của thiếp mà cưới vợ lẽ (để kiếm một vài mụn con) thì mai kia, khi chàng về với ông bà, ai sẽ là người nghinh quan tài, ai sẽ là người phò giá triệu cho chàng đây? Tiếng ai trong câu thứ nhất là đại từ phiếm chỉ, có nghĩa của đại từ nhân xưng ngôi thứ hai (vợ nói với chồng), còn hai tiếng ai trong câu thứ hai mới thực sự là đại từ nghi vấn. Câu thứ nhất nêu giả thiết cho sự việc xảy ra ở câu thứ hai. Sau khi hai câu đầu bị tam sao thất bản rồi thì chúng mới được nối bằng hai câu sau, có thể là do lối hò đối đáp mà ra. Vì hai câu đầu đã bị truyền miệng sai nên hai câu sau cũng không thể chặt chẽ và rành mạch về mặt ý nghĩa được, nhất là câu “bên kinh đã có con trai”. 
91. (KTTN 122, ngày 01-11-1993)
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, có một số nơi thờ cúng gọi là Chùa Ông, Chùa Bà. Nghe nói Chùa Ông thờ Quan Công còn Chùa Bà thì thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Vậy Thiên Hậu Thánh Mẫu là ai?

AN CHI: Chùa Ông mà người Quảng Đông gọi là Quán Tây miễu (Quan Đế miếu) thì thờ Quan Công, còn Chùa Bà mà họ gọi là Phò miễu (Bà miếu) thì thờ bà Thiên Hậu Thánh Mẫu. Tuy nhiên, theo lời học giả Vương Hồng Sển cũng có nơi gọi là Phò miễu (= miếu Bà) nhưng không thờ bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, mà lại thờ bà Chúa Thai sanh, coi về sinh đẻ. (X. Sài Gòn năm xưa, TPHCM, 1991, tr. 199).

Tương truyền bà Thiên Hậu là người huyện Bồ Điền, tỉnh Phước Kiến bên Trung Quốc. Bà sinh vào đời Tống, là con gái thứ sáu của Lâm Nguyện. Mới lọt lòng, bà đã phát hào quang rực rỡ và tỏa huơng thơm kỳ lạ. Ngay khi bà hãy còn nhỏ, anh bà đi buôn đường biển, gặp gió to sóng cả nguy hiểm đến tính mạng, bà nhắm mắt định thần mà biết được rồi xuất thần đi cứu anh thoát nạn. Lúc lớn lên, bà có thể cỡi chiếu bay trên biển hoặc đằng vân mà đi ra các đảo xa. Sau khi thăng, bà thường khoác áo bào màu đỏ bay lượn trên biển. Tương truyền bà đã thăng vào năm tròn hai mươi tuổi. Vào các đời Tống, Nguyên, Minh bà đều có nhiều lần hiển hiện rất là linh thiêng. Người đi biển thường thờ bà và khấn bà để được độ cho thuận buồm xuôi gió. Theo Từ nguyên thì bà được phong là Thiên Phi vào đời Vĩnh Lạc nhà Minh, sau lại được phong Thiên Hậu, được lập đền thờ tại kinh đô. Còn Từ hải thì lại chép rằng bà được phong Thiên Phi, sau gia phong Thiên Hậu vào đời Khang Hy nhà Thanh.

Học giả Vương Hồng Sển lại chép rằng bà húy là Mi Châu, người Bồ Dương, sinh nhằm ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thân (1044) đời Tống Nhân Tông, là con của ông Lâm Tích Khánh. Tám tuổi biết đọc. Mười một tuổi tu Phật. Mười ba tuổi thọ lãnh thiên thơ: thần Võ Y xuống cho một bộ Nguyên vi bí quyết. Ngoài ra, bà còn tìm được dưới giếng cạn một xấp cổ thư khác. Bà coi theo đó mà luyện tập rồi đắc đạo. Được phong Thiên Hâụ Thánh Mẫu năm Canh Dần niên hiệu Đại Quan đời Tống tức năm 1110 (X.sđd, tr. 201-203).

Có thể là trong lời kể của nhiều người khác sẽ còn có những chỗ dị đồng khác nữa. Đây không phải là chuyện lạ: khi mà cuộc đời của một nhân vật đã đi vào truyền thuyết, nó có thể có những dị bản. 
92. (KTTN 122, ngày 01-11-1993)
Hai tiếng “truy tiến” chỉ xuất hiện trên báo chí hai lần trong dịp hai Đại lão Hòa thượng liễu đạo. Tại sao không dùng truy điệu mà lại dùng truy tiến?

AN CHI: Truy điệu không có màu sắc tôn giáo, còn truy tiến là một lối nói riêng bên Phật giáo. Nó đồng nghĩa với truy phước và được Từ hải giảng như sau: “Vì người chết mà làm công đức để cho người đó được phước gọi là truy phước, cũng gọi là truy tiến” (Vị tử giả tác công đức sử kỳ hoạch phúc viết truy phúc, dịch vân truy tiến). Vì truy tiến có hàm ý cầu phước còn truy điệu thì không nên bên Phật giáo mới dùng truy tiến mà không dùng truy điệu.

tienthienhung
  • Số bài : 12
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 13.09.2009
RE: CHUYỆN ĐÔNG - CHUYỆN TÂY (An Chi) - 14.09.2009 11:57:20
Xin cho biết dòng chữ " Càn Nguyên Hanh Lợi Trinh" bằng chữ Nho hay dùng để viết trên kèo nhà của người dân miền Bắc có ý nghĩa g

Thay đổi trang: < 123 | Trang 3 của 3 trang, bài viết từ 61 đến 66 trên tổng số 66 bài trong đề mục