78. (KTTN 114, ngày 15-7-1993)
Trong câu :
Dù xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người
Thì “chín bậc” có phải là “cửu phẩm” không và “phù đồ” là gì? AN CHI:
Phù Đồ (cũng như
Phật Đà, Phật Đồ) vốn là hình thức phiên âm bằng tiếng Hán (đọc theo âm Hán Việt) của tiếng Sanskrit
buddha, có nghĩa là Phật. Dần dần nó bị dùng sai đi vì được xem là đồng nghĩa với từ
tháp, dạng tắt của
tháp bà, phiên âm từ tiếng Sanskrit
stupa.
Sau khi
phù đồ được dùng theo nghĩa của
tháp thì nó lại có thêm nghĩa phái sinh là cái chóp lộng (tán đỉnh) vì chóp lộng có hình dạng của một cái tháp tí hon. Thiên “Nghi vệ” trong
Kim sử đã dùng danh từ
phù đồ theo nghĩa này để ghi chép việc qui định cách thức và cấp bậc cho việc sử dụng các loại chóp lộng:
kim phù đồ (chóp lộng bằng vàng),
kim độ ngân phù đồ (chóp lộng bằng bạc mạ vàng),
ngân phù đồ (chóp lộng bằng bạc),
chu phù đồ (chóp lộng màu son) và
thanh phù đồ (chóp lộng màu xanh).
Trong liên lục bát đã nêu,
phù đồ chính là cái tháp, nghĩa là một công trình kiến trúc được xây lên để chôn xá lợi (tro xương) của đức Phật, của các bậc cao tăng, đại đức. Chín bậc không phải là cửu phẩm (chín phẩm trật của các quan) mà là cửu trùng (= chín tầng).
79. (KTTN 114, ngày 15-7-1993) Với bà Hồ Xuân Hương thì nương long có nghĩa là “ngực thiếu nữ”:
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.
Nhưng với một nhà thơ miền Nam cận đại có hai câu lục bát tả bốn cái khoái của con người thì nương long lại là “cái hậu môn”:
Cơm Phiến Mẫu, chiếu Trần Đoàn
Ngửa nghiêng loan phụng, nhẹ nhàng nương long.
Xin cho biết nghĩa nào đúng, nghĩa nào sai. AN CHI: Ta thấy về cái khoái thứ nhất, tác giả không nhắc đến miệng mà nói “cơm Phiến Mẫu”; về cái khoái thứ hai, ông không nhắc đến hai con mắt mà nói “chiếu Trần Đoàn”; về cái khoái thứ ba, ông không nhắc đến cái … gì của nữ và của nam mà nói “ngửa nghiêng loan phụng”. Vậy về cái khoái thứ tư, lẽ nào ông lại phải nhắc đến “cửa sau”?
Nương long có nghĩa là ngực – không chỉ là ngực thiếu nữ - từ đó nó có một nghĩa rộng là khoang bụng, là dạ rồi từ nghĩa rộng này nó mới có nghĩa bóng là lòng dạ như đã giảng trong
Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của hoặc
Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ.
Trong liên thơ lục bát trên đây,
nương long đã được dùng theo nghĩa rộng (khoang bụng, dạ). Khi người ta đi chảy là người ta bị
tháo dạ. Khi người ta ăn không tiêu là người ta bị
cứng dạ (A. de Rhodes ghi trong
Từ Điển Việt-Bồ-La: “
Cứng dạ. Không tiêu, đầy cứng bụng”).
Còn khi người ta đi một cách bình thường, không quá chặt quá khó vì bị táo bón, cũng không … té re vì bị Tào Tháo rượt, thì người ta cảm thấy nhẹ bụng, êm dạ, nghĩa là
nhẹ nhàng nương long. Vậy
nương long không có nghĩa là hậu môn.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 17.09.2007 23:41:10 bởi vvn >