Cuốn Tiểu Thuyết Ở Lại
Trần Thị Cỏ Khô 05.08.2004 12:25:02 (permalink)
Cuốn tiểu thuyết ở lại

Trần Mộng Tú


Gần nửa năm nay cha chúng tôi nói cho chúng tôi nghe thường xuyên về việc bán nhà. Cha tôi cho biết là trong một thời gian rất gần, hãng của ông làm sẽ sa thải một số nhân viên, trong đó chắc có ông. Ông sẽ bán căn nhà chúng tôi đang ở, đi thuê một căn hộ nhỏ hơn và dùng số tiền đó để chi tiêu. Đã từ lâu cha tôi muốn nghỉ làm một thời gian để viết một cuốn tiểu thuyết mà bấy lâu nay ông mơ tưởng. Đây là một dịp để ông thực hiện giấc mơ của mình. Là người cha độc thân, cha tôi biết rằng với đàn con đông đúc này thì sau khi bán nhà chắc chắn là anh em chúng tôi sẽ phân tán đi các nơi. Điều này làm cho chúng tôi có đứa phấn khởi vì được đi đến một nơi ở mới, có đứa buồn buồn vì không muốn rời căn nhà cũ của mình. Cha tôi chắc là người sẽ buồn nhất, vì không còn giữ được cả đàn con dưới một mái nhà.

Sau ba tháng treo bảng bán nhà. Người khách cuối cùng đã trả xong giá và cha chúng tôi bắt đầu thu xếp dọn ra. Mỗi ngày chúng tôi nhìn thấy ông đi làm về cùng với những chiếc thùng giấy. Quần áo và đồ dùng trong bếp thì chẳng có nhiều, nhưng sách thì chỗ nào cũng có, nên sách được xếp vào thùng trước. Tốâi nào ông cũng thức đến một hai giờ sáng để thu dọn. Cuối cùng thì sách cũng xong. Đối với ông thì chỉ cần sách xong là coi như xong tất cả. Những thứ khác thì có vứt đi cũng chẳng ai nhặt, kể cả quần áo của ông.

Sáng nay Chủ Nhật ông bắt đầu thu dọn những căn buồng của chúng tôi. Chao ôi! Thật là đau lòng. Ông lúng túng không biết dọn cái gì trước, cái gì sau. Và chúng tôi thì không chịu vất đi một cái gì trong những cái buồng của mình dù là một món đồ chơi hay là một cọng rác. Ông thu dọn chỗ ăn chỗ ngủ của chúng tôi với một đôi mắt nặng trĩu. Là một người cha độc thân với một đàn con, ông cho chúng tôi ăn, uống đầy đủ cũng là giỏi lắm rồi. Ai đến nhà cũng khen chúng tôi sạch sẽ xinh đẹp. Và điều này làm ông hãnh diện.

Ông làm việc suốt cả một ngày. Buổi chiều đã phủ phục trên những hàng thông, ông vẫn còn tiếp tục thu dọïn. Ông cầm một ngọn nến mầu đỏ, soi vào từng buồng nhìn ngắm những đứa con mình. Trong ánh lửa nhỏ nhoi đó cha con chúng tôi nhìn tỏ mặt nhau. Tôi chắc là ông nhìn thấy các con của mình chúng lớn lên mỗi đứa một vẻ. Ông cầm từng cánh tay mỗi đứa lên để ngắm từng sợi lông măng, từng cặp chân để nhìn những cái móng chân, chăm chú nhìn vào từng cặp mắt thông minh và nhậy cảm của từng đứa con, vuốt ve chúng tôi bằng đôi tay có những ngón dài và khô. Chúng tôi nhìn những sợi tóc ông đã ngả sang mầu bàng bạc, những nếp nhăn hai bên đuôi mắt nhiều như những vết chân chim, khóe miệng ông hơi trễ xuống như hai cái ngoặc của một câu văn buồn bã trong những trang sách của ông. Chúng tôi dụi đầu mình trong lòng bàn tay ông. Đêm ập xuống.

Sáng hôm sau ông lại dậy thật sớm, lo cho chúng tôi ăn sáng xong, ông bắt đầu chuyện trò với từng đứa con của mình.

Chị Duyên đang nằm chỗ với đứa bé nhất, chung quanh chị là mấy đứa con cũng còn rất nhỏ. Chúng rất bám ông ngoại, mỗi lần thấy ông là chúng xúm lại, đứa ôm vai, đứa ôm chân. Ông lúc nào cũng lúng túng chỉ sợ dẫm phải chúng. Chị Xinh thì vừa lấy chồng mấy tháng nay, anh rể tôi chỉ là một người đàn ông ở xa đến thành phố này, không nơi nương tựa. Cha tôi gặp anh tình cờ ở nhà một người bạn, ông đón anh về cho ở chung cùng chúng tôi, rồi lại dễ dãi gả con gái cho mà chẳng có cần cưới hỏi gì cả.

Cha tôi chỉ nới cái dẫy phòng của chúng tôi ra thêm một buồng riêng cho anh chị, rồi cài một cành nguyệt quế trước cửa buồng. Mấy đứa con trai ghen tị, thì cha tôi nói "Tình yêu mà các con. Hãy cho họ hương thơm và để cho họ riêng tư." Bây giờ cha tôi phải xin lỗi hai con vì căn buồng riêng tư đó cũng không còn nữa.

Với chúng tôi, những đứa con độc thân thì cha nói:

"Cha sẽ cố gắng đem hết cả các con cùng đi. Tuy rằng các con đã khôn lớn và có thể tự lập. Cha không thể vì sách vở, văn chương mà bỏ các con mỗi đứa một nơi."

Tôi nghe cha nói mà trong lòng rúng động. Tôi muốn nói với ông rằng. Tôi sẵn sàng hy sinh để nhẹ gánh cho cha dù tôi chẳng bao giờ muốn xa ông. Ông đã hy sinh cho chúng nhiều quá rồi. Ngoài những thời giờ đi làm kiếm lợi tức cho cả nhà, ông thường để hết thời gian ban ngày cho chúng tôi. Việc văn chương sách vở, ông yêu quý đến thế mà ông cũng chỉ thức khuya để đọc, để viết. Ông không bao giờ để chúng tôi đói lạnh trong khi chính ông có khi quên cả bữa ăn chiều, quên cả mặc áo lạnh vào những hôm trở gió. Khi chúng tôi đau ốm, ông tận tụy săn sóc ngày, đêm. Nhưng khi cha chúng tôi ốm thì chúng tôi chỉ biết nhìn nhau và lo lắng. Tôi tự nhủ là tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì để giúp cha tôi trong việc rời đổi này. Tôi đã lớn, tôi có thể tự lo cho mình để bớt gánh nặng cho ông.

Thế rồi ngày dọn nhà cũng phải đến. Chúng tôi biết nơi ở mới thuộc một tiểu bang khác cách nhà cũ hai ngày đường chim bay, và gần một cánh rừng nhỏ. Cha bảo để cho chúng tôi có chỗ rong chơi.

Cái xe pick-up của cha tôi thì có hạn, sách vở thì nhiều, và con, cháu quá đông. Cha tôi cứ đứng tần ngần mãi không biết phải thu xếp thế nào để đủ chỗ cho mọi người. Nếu xếp tất cả những thùng sách lên thì không có chỗ cho chúng tôi, mà chúng tôi lên hết thì không có chỗ cho sách. Cha tôi nghĩ ra một cách. Ông bỏ tất cả sách ra khỏi thùng, rồi ông cầm từng cuốn xếp vào. Cứ năm, ba cuốn sách, ông lại cho một đứa con vào. Mỗi lần cầm sách lên ông đọc cái tựa, lật qua lật lại cuốn sách, bỏ xuống, cầm lên, đọc vài trang, tiếc rẻ. Cuối cùng ông cũng xếp hết được cả mọi thứ mà ông muốn mang theo: Con và sách.

Cha tôi đi một lượt chung quanh nhà, nhìn ngắm cái sân, cây lê, cây mận, dẫy buồng của các con. Ông tháo cặp kính xuống, lau đôi mắt vào cánh tay áo, lau cái kính vào vạt áo. Ông tra chìa khóa vào cửa. Giã từ một vũng kỷ niệm...

Người chủ mới dọn vào. Bà hài lòng với căn nhà được dọn sạch sẽ. Chỉ có dẫy chuồng chim bồ câu chung quanh cái sân sau cần phải phá đi. Bà biết người chủ cũ độc thân, ông ta nuôi cả một đàn mấy chục con bồ câu và yêu chúng như con, chúng đã được ông mang theo. Nhưng bà không ngờ khi phá dẫy chuồng chim có một con bồ câu còn sót lại. Nó vẫn nằêm yên trong một cái ổ cỏ khô cả tuần lễ mà không bay ra ngoài.

Bà chép miệng:

"Chắc đây là con chim bị bỏ quên!"

Bà mang con bồ câu vào trong nhà, mua một cái lồng sơn trắng thật đẹp, nhốt nó vào đó cho cậu bé 7 tuổi chơi. Cậâu bé có một con chó, một con mèo và bây giờ có thêm một con bồ câu. Đôi khi cậu để quên cái lồng chim ở dưới đất. Con mèo cứ đi chung quanh cái lồng chim. Mỗi lần như thế thì con bồ câu lại run lên bần bật.

Tôi phải nhắm mắt lại nghĩ đến cha tôi đang sung sướng vì không phải bỏ lại một cuốn sách nào, để thấy việc tôi trốn ở lại nhường chỗ cho một cuốn tiểu thuyết ra đi là đúng. Tôi mở mắt ra bình tĩnh nhìn con mèo, lòng êm ả như một trang sách.
#1
    Trần Thị Cỏ Khô 05.08.2004 12:27:06 (permalink)
    Thị trấn của cỗ quan...

    Đinh Linh


    Thị trấn của cỗ quan tài bí ẩn

    Châu thổ sông Hồng là một trong những khu vực có mật độ dân số cao nhất thế giới: hàng trăm nhân khẩu trên mỗi dặm vuông, làng san sát làng, thị trấn nối tiếp thị trấn, mỗi mẫu đất hiện hữu (và không hiện hữu) đều được cấy cầy. Lý do đó càng khiến Nội Yên là một chốn dị kỳ. Nằm ngay trung tâm châu thổ sông Hồng, cách Hà Nội đúng 50 dặm, phố huyện này gần như hoàn toàn bị bỏ hoang. Tôi đi qua Nội Yên một lần hình như vào tháng Chín hay tháng Mười năm 1998, và không bao giờ còn muốn trở lại.

    Rời thị trấn đông đúc và phát đạt Hùng Chấn, vượt qua một con sông hẹp hôi thối, tôi kinh ngạc khi lần đầu tiên giáp mặt với sự vắng vẻ, hoang phế của đường phố Nội Yên. Toàn bộ những ngôi nhà và cửa hiệu đều đóng cửa. Phần lớn có vẻ đã bị phá phách, hoang tàn, không người ở, một hiện tượng chưa từng nghe đến ở Việt Nam, nơi thậm chí những lô cốt xây từ thời Pháp cách đây hơn nửa thế kỷ cũng biến thành chỗ trú ngụ. Dấu hiệu duy nhất của sự sống ở Nội Yên là khoảng một tá ăn mày và người bán hàng rong, hầu như chẳng bán gì cả, tụm lại trong bóng râm trước nhà bưu điện không bao giờ mở cửa. Trong số họ, một đứa bé khoảng 10 tuổi, cố gắng đuổi theo xe chúng tôi, tay vẫy vẫy nắm vé số. Chúng tôi bỏ cô gái nhỏ lại phía sau trong đám bụi mù.

    Qua khỏi phố chính, tôi càng kinh ngạc hơn vì vẻ hoang phế của những cánh đồng. Suốt hàng dặm đường, không hề xuất hiện một bóng trâu bò, gà chó, hay chim chóc. Những cánh đồng bỏ hoang cho cỏ và hoa dại, cách vài thước lại có một hố đất đào xới cẩu thả. Có hàng trăm hố đất như vậy. "Chỗ này trước kia là bãi chiến trường à?", tôi hỏi tay tài xế, rồi nhận ra đó là câu hỏi đần độn, vì thật ra tôi chưa bao giờ thấy một bãi chiến trường trong đời. "Không," tay tài xế trả lời khô khốc, nhấn ga cho xe vọt nhanh. Thấy tôi có vẻ hơi bực, hắn nhanh chóng nói thêm: "Tôi sẽ nói anh nghe về Nội Yên khi chúng ta tới thị trấn kế tiếp."

    Tối đó, trong bữa ăn và sau khoảng hơn một tá chai bia Hà Nội, hắn giải thích: "Nội Yên bị bỏ hoang cả chục năm nay. Không ai sống ở cái thị trấn đã bị yểm đó. Có nhiều giải thích, nhưng giải thích thuyết phục nhất, và vì thế có tính sự thật cao nhất, là câu chuyện về một cỗ quan tài rỗng".

    "Quan tài rỗng?!"

    "Vâng. Khoảng mười lăm năm trước, một vụ xung đột xảy ra giữa Nội Yên và Hùng Chấn, và người Hùng Chấn đã yểm đất Nội Yên, vì vậy mà ngày nay không có ai sống ở đấy."

    "Xung đột vì chuyện gì?"

    "Tôi cũng không rõ, hình như một gã trai Nội Yên hiếp dâm một cô gái Hùng Chấn, hay ai đã làm nhục ai đấy, hay người ta thiếu tiền nhau và không chịu trả, mà cũng có thể vì Nội Yên đã thắng Hùng Chấn trong một trận đá bóng bằng cách hối lộ trọng tài."

    Sự lờ mờ của nguyên nhân vụ xung đột khiến tôi khá bực mình, nhưng tự nhủ cũng chẳng quan trọng gì. Có quá nhiều lý do, tất cả đều giá trị, dĩ nhiên, khiến con người đi đến những quyết định trả thù nhau.

    Gã tài xế nói tiếp: "Khi vụ xung đột giữa hai làng bắt đầu, xảy ra hàng loạt những cái chết kỳ lạ ở Nội Yên. Người ta cứ lăn đùng ra chết trong khi đang làm việc. Như tôi đang ngồi trong quán với anh đây, không duyên cớ gì, cứ thế lăn ra đất chết không kịp ngáp."

    "Có bao nhiêu cái chết kỳ lạ như thế?"

    "Hàng trăm!"

    Tôi nheo mắt nghi ngờ. Cùng lắm là bốn năm trường hợp đau tim, động kinh, hay ngộ độc. Sao người mình thích phóng đại thế.

    Nói về chuyện ngộ độc thực phẩm, tôi nhớ lại tối hôm đó đồ ăn cũng thật đáng sợ. Chúng tôi gọi mì, tôi mì hải sản, còn gã tài xế mì gà. Cô phục vụ mỉm cười vui vẻ, vào bếp, vài phút sau trở ra với hai tô mì giống hệt nhau lõng bõng mấy miếng thịt lợn thiu thái mỏng. Đó là chuyện thường gặp khi du lịch đến những thành phố khỉ ho cò gáy: hoạc bạn sẽ ngạc nhiên với những đặc sản địa phương giá rẻ như cho, hoặc bạn phải trả một giá cắt cổ cho những món rác rưởi.

    Gã tài xế nốc cạn ly bia, bọt dính đầy hai bên mép, nói tiếp: "Vâng, hàng trăm người chết mỗi tháng, mỗi ngày có đến hàng chục đám tang, chẳng ai chứng minh được là người ta chết vì Hùng Chấn đã bị yểm. Nhưng cũng chẳng có giải thích nào hợp lý hơn. Trước vụ xung đột, chẳng ai chết cả."

    Gã tài xế tạm dừng để tìm một chai bia khác trong thùng nước đá, có lẽ là chai thứ tám hay thứ chín: "Người Nội Yên biết là có một vụ yểm ở đây, nhưng không biết rõ yểm như thế nào, nên không tìm cách giải được. Nhưng rồi có lè vì lòng thương hại, có người ở Hùng Chấn cuối cùng mách là người ta đã chôn một cỗ quan tài rỗng ở Nội Yên. Vì thế mà nhiều người chết. Cỗ quan tài cần một cái xác, và chừng nào chưa có một xác chết thật cho nó, người Nội Yên cứ tiếp tục lăn ra chết."

    "Thì ra có nhiều hố đất bên đường là vậy?"

    "Vâng, vâng. Người Nội Yên biết là có một cỗ quan tài rỗng trong vùng, nhưng không biết đích xác chỗ nào, nên họ cứ phải đào xới tung lên."

    Câu chuyện của hắn cũng có lý, tôi nghĩ. Ai cũng biết để bán được hàng những khi ế ẩm, chủ nhà hòm thường chui vào ngủ bên trong cỗ quan tài như để đề nghị một cái chết đến quỷ thần. Hiển nhiên một cỗ quan tài khi ở trên mặt đất chỉ là cỗ quan tài, nhưng khi chôn xuống nó cần xác chết bên trong.

    "Thế họ chẳng bao giờ tìm được cỗ quan tài à?"

    "Tất nhiên là không. Thế nên họ mới phải bỏ thị trấn ra đi. Bí quá, người ta thậm chí mời một ông sư tận Hà Nội về tìm cỗ quan tài, nhưng cũng không ăn thua. Ông sư tuyên bố cỗ quan tài lẫn tránh ông ta."

    "Anh nói 'lẫn tránh' là sao?"

    "Cỗ quan tài di chuyển dưới đất đễ tránh bị phát hiện!"

    "Thế mà tôi cứ tưởng cỗ quan tài mong được phát hiện, để người ta cho nó một cái xác."

    Gã tài xế im lặng vài giây. Có lẽ sau cùng tôi đã bắt bí được hắn, tôi nghĩ. Nhưng rồi gã tài xế nói tiếp: "Anh biết nhé, một cỗ quan tài cũng không khác một ả đàn bà lắm đâu. Nó muốn thân thể đàn ông, nhưng làm ra vẻ không muốn. Nó không muốn có thai!"

    "Ông sư nói thế à?"

    "Không, tất nhiên sư thì biết gì về đàn bà. Là tôi chỉ suy ra thế."

    Vâng, một cỗ quan tài giống cái, đóng bằng gỗ rẻ tiền tại nhà, một cách bí mật và vội vã, đã được chôn xuống đất, khao khát cơ thể lạnh lẽo của bất cứ đàn ông, đàn bà hay con trẻ, nhưng lại từ chối lời tụng kinh được trả tiền của một thầy tu giả hiệu.

    "Nhưng có thể cũng chẳng có cỗ quan tài rỗng nào dưới đất cả?"

    "Tất nhiên phải có. Đấy là nguyên nhân khiến người ta chết."

    "Nhưng không phải ai cũng bỏ đi. Tôi đã thấy cả chục người gần chỗ nhà bưu điện sáng nay. Sao những người này vẫn không chết?"

    Gã tài xế nhìn tôi với đôi mắt ngầu đỏ những tia máu. Lúc này hắn đã hoàn toàn say khướt và sẽ đâm xe vào bất cứ chiếc ô tô tải hay gốc cây đầu tiên nào ngay khi chúng tôi lên đường. Tôi đã biết hắn là một tay nát rượu trước khi thuê, nhưng chiếc xe của hắn, một đống sắt vụn Sô Viết, không thể kiếm đâu rẻ hơn được. Có vẻ như chúng tôi sẽ phải chen nhau một chỗ nằm trong cỗ quan tài rỗng tối nay.

    "Nghe này, tôi không hề thấy một bóng người nào ở Nội Yên sáng nay. Thậm chí chó cũng sợ phải sống trên mảnh đất bị yểm đó. Những người đã bỏ đi thậm chí không dám quay lại quá nữa ngày để chăm sóc mồ mả thân nhân. Nếu anh thấy cả chục người hôm nay thì đích thị họ là ma. Mà anh thấy họ đang làm gì?"

    "Xin ăn và bán hàng rong."

    "Thế là rõ. Họ phải là ma, bởi vì chẳng ai điên đến nỗi lại đi ăn mày hay bán hàng rong trong một thị trấn không người."

    _________________________


    Phan Nhiên Hạo dịch từ nguyên bản tiếng Anh "The Town of the Hidden Coffin."
    #2
      seahawk1 08.08.2004 04:19:26 (permalink)
      Hmm, nếu nhớ chẳng lầm bà Đinh Linh này là dân trung hoa thượng quốc đây mà, thảo nào lôi dân "Nam man" ra bêu riếu ko tiếc lời, đúng là giọng phân biệt chủng tộc của mấy ông tàu khựa. Hmm, chắc hẳn là đám đồng bào ăn cả thịt ngwời của bà ta thì cao quý hơn người khác lắm. Đọc mà lợm giọng trước văn phong khinh người hợm hĩnh của bà tàu này.
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9