Tiểu thuyết " Như lục bình trôi " Lời tựa, chương 1 - 5
nguyen hoang 20.03.2007 07:36:24 (permalink)
Truyện đã đưa vào thư viện. Chân thành cảm ơn tác giả.
=>
http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n4nmnmn3n31n343tq83a3q3m3237nvn#phandau

_______________________________________________________________


TIỂU THUYẾT NHƯ LỤC BÌNH TRÔI

Kính gửi các bạn yêu thích văn học!
Như lục bình trôi là bộ tiểu thuyết phản ảnh hiện thực xã hội sâu sắc của tôi ( bút danh là Khúc Thụy Du ) gồm 2 tập do NXB CAND ấn hành. Nội dung tiểu thuyết: xoay quanh các nhân vật nữ, Nhành ( nhậu thuê ), Trang ( đẻ thuê ), Huệ ( khóc thuê ), Hiếu ( thợ may lỡ thời, sinh hoạt đồng tính )  Thật ( hành nghể mãi dâm nam ), Ngân ( học chui ở các trung tâm ngoại ngữ )..và còn gần 50 nhân vật khác. Hy vọng các bạn sẽ soi thấy mình, thấy thực trạng xã hội trong Như lục bình trôi. email của tôi ( khucthuydu@vnn.vn ) Vina: 0918423390.

Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi
…thương những đời như lục bình trôi…
( Điệu buồn phương Nam – Vũ Đức Sao Biển)
 
 
Đúng chín giời Xí nghiệp mới bắt đầu ra ca.
Mấy  chị em đứng ngồi  gièo giẹo bên hàng rào sắt nhọn đầu trước cổng Xí nghiệp chờ Hiếu ra đặng cùng đi chợ. Đợi hoài đợi hủy vẫn không thấy tăm hơi, Nhành nổi nóng  day mặt về phía Trang lách chách một hơi tuồng như cô là người gây ra trễ nải:
- Trời ơi,  từ trỏng ra đây có một khúc không tới trăm thước mà bả cứ cà rịch cà tang hết buổi! Đúng là người làm sao chiêm bao làm vậy. Mày lẹ làng tay chưn  chạy ù vô trỏng lôi bả ra đây cho tao!
Trang thót xuống xe, cắm đầu bước đi như ma rượt
Nhành nói với theo:
- Lẹ lên, nghen! Hay là vô trỏng ngủ chung với bả luôn đi!
Trang đi ngược dòng người đang hối hả. Hiếu đương đứng nón với bà Trần ngay lối ra vô phân xưởng. Trang không dám kêu mà đưa tay ngoắt ngoắt, vừa nhảy cà tửng như con choi choi. Vừa nói chuyện Hiếu vừa liếc mắt ra phía ngoài ngó chừng, tỏ vẻ sốt ruột. 
Thấy đã đến lúc kết thúc câu chuyện tràng giang đại hải, bà Trần đưa tay đặt lên vai Hiếu bóp nhẹ mấy cái. Ánh mắt như bàn tay mơn trớn, vuốt ve:
- Thôi trễ rồi Hiếu về đi. Ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện còn dang dở. Nói chung, đây là một vấn đề rất nhạy cản phải hết sức thận trọng trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Xong xuôi, bà Trần khoác chiếc túi lên vai, xây lưng nửa vòng lưng ra hiệu chấm dứt câu chuyện dài thòn.
Chỉ chờ có vậy, Hiếu liền te tái ra cổng. Bắt gặp ánh mắt khó chịu của mọi người liền phân bua, do bà Trần giữ lại nói chuyện nên không tiện bỏ đi.
Huệ dòm Hiếu nhăn mặt, câu mâu một hơi:
- Chị với bả nói chuyện gì  dài lê thê cứ như Ngưu Lang,  Chức Nữ cả năm mới gặp nhau  trên cầu Ô thước một lần!
Hiếu biết lỗi ngậm miệng im re, cô thót lên ngồi phía yên sau cho Huệ chở đi. Nhành cũng chở Trang . Hai xe chạy song song hướng ra phía chợ.
- Nhiều chuyện lắm! – Hiếu nói:- Hết văn học tới triết học, rồi quay sang thơ ca, âm nhạc ..Tao nghe bả nói mà cứ ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm, chẳng hiểu gì ráo!
Huệ cười rặc rặc:
- Những kẻ muốn chứng tỏ ta đây có hiểu biết thường nói những điều khó hiểu!
Ánh sáng từ Xí nghiệp hắt ra chừng trăm mét đổ lại. Ngoài phạm vi đó là khoảng tối mênh mông chị em đạp dò dẫm trong bóng đêm, vừa trò chuyện để xua cảm giác sợ hãi khi đi ngang qua ngôi nhà ma. Từ đây đi thẳng độ một trăm mét, quẹo tay mặt,  đạp thêm vài chục vòng chưn  thì tới chợ “ Âm Phủ “ .
Chợ nhóm trên bãi đất trống mà những ngọn đèn cao áp  không sao hắt tới được và hoàn toàn biệt lập với khu dân cư . Mang tiếng là chợ cho đỡ tủi phận người, phận chợ, chớ nơi đây hoàn toàn không có sạp, quầy hàng, kiốt cố định…Tất cả đều sơ sài, tạm bơ như chính cuộc sống chênh vênh của họ̣. Và tuyệt nhiên không có bóng dáng nhân viên bảo vệ  hay cán bộ Ban quản lý nào. Tuy nhiên cứ mỗi tối, vào khoảng chín giờ lại xuất hiện một người đàn ông bận y phục toàn xanh đến thu tiền hoa chi, nghe nói, là nhân viên phường.  Những người bán ở chợ “ Âm Phủ “ đều có chung đặc điểm không lẫn vào đâu; áo quần lam lũ, đen đúa, ốm ròm như đàn cò ma từ miệt ruộng dạt về, chữ “ nghèo “, chữ  “ đói “ hiển hiện trên nét mặt nhăn nhó nhấp nhô rãnh cày…
Mỗi ngày lúc trời chạng vạng, dòng người ốm đói từ các nơi lũ lượt kéo về tất tả cuộc mưu sinh trần ai khoai củ. Họ ồn ào tranh giành chỗ ngồi rồi trải đại những tấm ny lon, bạt rách.. lên nền đất bụi bặm, ẩm ướt, và đổ các thứ ra mà rao bán. Nhưng  nhiều hơn cả thảy  vẫn là những mẹt hàng bằng tre nứa, thau chậu nhựa... Những thứ này được cái  gọn nhẹ có tính “ cơ động “ dễ dàng ứng phó  mỗi khi  gặp sự cố bất ngờ có thể xảy ra;  tránh xe cộ, trốn công an, dân phòng mỗi khi có đợt “ tảo thanh “ lập lại trật tự đường phố…
Từ xa đã nhìn thấy vô số những đốm lửa lập lòe như  ma trơi khiến người ta có cảm giác như đi lạc vào khu nghĩa trang hoang vắng. Đó là những ánh lửa phát ra từ những ngọn đuốc tre, đèy, đèn hột vịt, giấy vụn…Nói tóm lại là tất cả những gì có thể phát sáng.
Lại gần hơn một chút bắt đầu nghe tiếng rao hàng ra rả. Đủ loại âm thanh hỗn tạp: nam có, nữ có, già có, trẻ có, có giọng tenor cao vút, lại có giọng trầm trầm khản đặc... tạo thành bản hợp xướng buồn thảm bất tận vang dội khắp đất trời, hòa lẫn trong đó là mùi tanh nồng  cá chết, mùi thum thủm của thịt ươn, rau giập, mùi rác và mùi nhọc nhằn lam lũ của con người toát ra.
Chợ chỉ bán toàn những thứ  đồ dạc từ các chợ đầu mối đổ về mà nói theo đúng nghĩa “ bỏ thì thương, vương thì tội “, người ta  đành bán đổ bán tháo được đồng nào hay đồng nấy, coi như tiền mua kẹo cho mấy sắp nhỏ. Và những người nghèo ít vốn  “ bao thầu “  lại rồi đem bán cho đám công nhân nhập cư. Sau mỗi phiên chợ, đống phế thải không “ thanh lý “ hết sẽ được “ tập kết “ tới  những bô rác công cộng ruồi nhặng đen kịt để tờ mờ sáng hôm sau những công nhân vệ sinh gấp rút chuyển ra những bãi rác lộ thiên ngoại ô thành phố. Vì tầng lớp phục vụ là những người nhập cư, nên  chợ có  tên gọi là “ chợ  Nhập Cư “ ; người khác thì gọi là “ chợ Mò “ , vì cảnh mua bán đều diễn ra trong bóng tối nhập nhoạng; kẻ có đầu óc khôi hài thích cảm giác rùng rợn  thì kêu là “ chợ Ma”, “ chợ Âm Phủ” . Tên nào cũng đúng, cũng dễ chấp nhận và phụ thuộc vào  sự “ lãng mạn “ của từng người. Kẻ bán lẫn người mua chẳng bao giờ rõ mặt nhau nhưng họ hiểu nhau vì cùng cõng trên lưng chữ “ Khổ “.
Mấy chị em xuống xe dắt bộ. Ánh sáng chập chờn gợi Huệ nhớ lại những mùa trung thu vui vẻ. Mắt cô ngời lên như hai ngọn đèn:
- Vui quá ta! Hồi đó cứ mỗi kỳ Trung thu là Nội em làm cho cái lồng đèn. Em đi chơi cả buổi tối mà không biết mệt. Em thức suốt đêm chờ chị Hằng xuống tặng quà rồi ngủ quên lúc nào không hay. Sáng ra thấy cái bánh nướng bên cạnh, hỏi của ai thì  Nội nói của Hằng Nga! Em tiếc hùi hụi. Của chị Hằng thì nhứt định ngon phải biết! Em không dám nhai mà chỉ bẻ từng miếng nhỏ cho vô miệng ngậm cho bánh tan dần trên đầu lưỡi, mắt lim dim tưởng tượng đang bay lên tới cung trăng! Hồi đó sao mà khờ quá, ai nói gì cũng tin, ai nói gì cũng gật! Chị Nhành hồi nhỏ có chơi lồng đèn hôn?
Cái đói làm Nhành nổi quạu:
- Bụng đói như cào đây! Ở đó mà chơi với bời. Mày giữ xe để tao lựa mấy trái  cà chua coi!
Bán hàng là ông già ốm nhom ốm nhách  như  cây sậy, nói chuyện mà cứ ôm ngực ho khù khụ rồi khạc đờm xanh đặc sệt. Mớ  cà chua giập nát đổ đống trên tấm bạt rách lấp lóe dưới  ánh sáng vàng vọt của cây đèn cầy cong vòng.
- Bao nhiêu tiền một ký vậy chú?
- Sáu trăm.
- Ụa, mới hôm qua còn năm trăm, sao bữa nay lại lên rồi?
- Giá lên tui phải bán lên thôi, cô thông cảm.
Nhành biểu Hiếu lựa phụ. Hiếu sà xuống, đưa tay nắn nót từng trái, trái nào cũng giập.
- Tiền nào của nấy, loại ngon bán ở chợ ba ngàn một ký.
Đang lựa ngon tay, ngọn đèn  bị gió thổi tắt phụt. Tối thui.  Ông già xây lưng che gió, cầm cái hộp quẹt ga lẹt xẹt mấy cái. Vật lộn hết mấy phút cây đèn cầy mới cháy trở lại.
Bới tung cả đống cà mới lựa được nửa ký. Nhành đưa tờ năm trăm, ông già  thối lại tờ hai trăm. Sau đó họ bắt đầu đi mua những thứ khác.
Huệ dắt chiếc xe đạp màu nếp than. Túi đựng cà chua nằm gọn trong chiếc giỏ kẽm sơn đen cố định ở đầu xe:
- Chỉ có cái “ chợ Mò “ này mới xài giấy hai trăm. Bữa nọ, em nhứt quyết đòi cho kỳ được mấy trăm tiền thối ở bưu điện. Cô nhân viên hỏi em, hai trăm thì làm được cái quái gì. Em nói, có thể mua được hành ớt,  gia vị, có khi là nửa ký cà chua. Em nói thiệt mà chẳng ai tin, đến đỗi có người còn cười chọc quê nghĩ rằng em bị chứng tâm thần phân liệt!
Trang ngó Nhành, nói rụt rè:
- Mua cà chua, chị định làm món gì?
Huệ lẹ miệng ăn cơm hớt  :
- Thêm một khứa cá, mấy cọng rau cần nữa là sẽ có nồi canh ngót tuyệt cú mèo. Nếu có thêm giỏ cá hấp thì đã luôn! – Huệ vừa xuýt xoa, vừa nuốt nước miếng ừng ực.
Cả tuần rồi, mấy chị em nhà Hiếu “ ẩm thực “  mỗi món rau muống luộc. Nước luộc rau nặn thêm nửa trái chanh làm canh chan chan, húp húp, còn món mặn là trứng hột vịt quậy đều  với muối. Nhành cho nhiều muối đến nỗi ăn hai bữa mới thanh toán xong thứ  nợ đời.
- Ăn như tụi bây có nước phá sản luôn! – Hiếu bật cười.
Huệ cãi cọ:
- Chị nghĩ lại mà coi. Bốn người mà mỗi bữa chỉ tốn có hai ngàn đồng tiền thức ăn, vị chi mỗi đầu người chỉ có năm trăm đồng, không bằng tiền hút  một điếu thuốc. Tại kiểu cho ăn ép xác của chị mà tháng rồi em xuống hết nửa ký lô!
Bốn chị em đi rà rà theo chiều dọc con đường lồi lõm toàn ổ gà, ổ voi. Những người bán hàng ngồi chen chúc thành một hàng dài ra đến tận lộ chính. Thậm chí vài người chẳng có nổi một ngọn đèn phải nương nhờ ánh sáng người bên cạnh. Lúc này đang là giờ công nhân tan ca nên cảnh mua bán diễn ra ồn ào náo nhiệt. Có thể nói không nơi đâu dưới gầm trời này hàng hóa được chào mời với giá rẻ như cho. Kẻ mua, người bán đều mắc chứng bịnh nghèo dễ dàng cảm thông số phận cùng  nương tựa vào nhau để lây lất qua ngày. Triết học gắn cái tên mỹ miều “ quan hệ cộng sinh “. Bán buôn bữa đực, bữa cái là chuyện thường ngày, tiền nhiều thì  cơm, ít tiền thì  cháo, dù sao cũng có thứ lua vô miệng, không phải lo “ đói thối mồm “, dân tình chỉ sợ ông Trời làm mình làm mẩy. Tháng nắng, con đường “ bị bỏ quên “ trở nên “ thơ mộng” nhờ vào lớp bụi đặc sánh như sương mù ở thành Luân Đôn (những chứng viêm phế quản, viêm phổi, viêm xoang mãn tính cũng nhờ đó mà ra )  nhưng dù sao cũng còn may mắn lắm, chớ gặp phải tháng mưa thì khốn nạn cả đám. Đồ dạc mà để qua đêm thì chỉ có nước liệng vô thùng rác, vì thế, người bán chỉ còn cách duy nhứt là đứng yên chịu trận :“ Gió mưa là chuyện của trời/  Kiếm cơm là chuyện của người thế gian! “. Có những trận mưa lớn kéo dài, rác làm nghẹt miệng cống thoát nước. Con đường bụi bặm bỗng hóa thành cái hồ bơi. Nước ngập tới tận ống quyển  . Từ trên cao nhìn xuống ta sẽ thấy cảnh tượng vô cùng lạ mắt: hai hàng người đội mâm trên đầu, nửa phần cơ thể bị chìm trong nước. Người có đầu óc văn nghệ sẽ liên tưởng đến Đội múa rối nước “ Đầm Sen “ đang diễn vở “ Sơn Tinh, Thủy Tinh “ đến cảnh các binh Tôm, tướng Cá của thủy quái  đng nạp lễ vật cho vua Hùng để cưới Mỵ Nương.
Đang đi, họ bỗng bị vây quanh bởi bốn đứa vừa con, vừa thằng tuổi xê xích từ mười đến mười ba, đứa nào đứa nấy đều ở dơ như mọi, mốc xì và rách rưới. Những ai đã đi chợ “  Âm Phủ” nhiều lần nhưng nếu không để ý vẫn bị lầm lẫn giữa đứa nọ với đứa kia.
- Mua giùm em đi mấy chị, từ chập tối tới giờ chưa bán được đồng nào – Thằng nhỏ ốm tong ốm teo, đen sạm, ra sức mời mọc.
Trời tối, không nhìn rõ mặt chỉ thấy hàm răng của nó liên tục cử động. Trên cái mẹt bằng tre  vài bó rau nguội, củ héo, một giúm cá vục mùi và mấy giỏ cá hấp, con nào con nấy chỉ bằng ngón tay.
- Nó xạo đó chị! – Con nhỏ đứng kế bên vẩu cặp môi mỏng dánh :- Hồi nảy mày bán được hai trăm chanh ớt chi!
Thằng nhỏ  cứng họng. Con  bé sán tới. Mặt mũi tèm lem  cứ như từ dưới đất ngoi lên. Cái mâm nhôm quá bự  so với vòng ôm  nên người nó cứ gập xuống như dấu chấm hỏi:
- Mua giùm em đi, mấy chị, dưa gang ngon lắm, chín rục hết trơn rồi nè.
Con nhỏ này tên Héo, người quặt  quẹo như chính tên gọi của nó, mấy chị em Hiếu không lạ gì. Anh Héo tên Tươi, mười bảy tuổi mà đèo như trái khổ qua. Héo đeo như đỉa và có giọng nói ngọt như chè táo xọn.
- Anh Hai của em đâu? – Nhành hỏi, khom người xuống  rờ rờ lên mấy trái dưa nứt nẻ. Mũi cô gần như chạm lên tóc của Héo. Mùi khét nắng trộn lẫn mùi mồ hôi chua loét tạo thành thứ mùi hăng hăng, nồng nồng. Khó chịu.
- Ảnh kiếm được chưn đẩy xe ở chợ rau Mai Xuân Thưởng, mới  làm hai bữa nay, em mừng quá chừng!
- Nhẹ mình! Mấy lần trước hễ hỏi tới là hai anh em  bây cứ than như bộng!– Nhành rụt tay lại, mắt vẫn không rời mấy quả dưa trên cái mâm nhôm bị đóng ten xanh mốc :- Bao nhiêu tiền một trái?
- Một ngàn hà, rẻ thấy mồ!
- Một trái thì nhiều quá ăn không hết, bỏ đi thì uổng, có bán nửa trái hôn?
- Bốn chị bự như bốn con voi mà ăn không hết bây nhiêu sao?
Miệng nói vậy, nhưng Héo cũng để mâm xuống đất. Bàn tay dơ hầy tách đôi trái dưa ra làm hai phần bằng nhau, sau đó con nhỏ lấy một phần cho vô cái túi ny lon đen bóng rồi đưa cho Huệ.
Nhành rút tờ năm trăm quăng xuống. Tờ tiền nhàu nhò vặn mình tóe máu tạo thành vũ điệu trầm luân trước khi chạm đất.
Héo chưa kịp đút tiền vô túi,  thì bất ngờ có ánh đèn ô tô từ xa pha tới. Đám đông dáo dác như gà con gặp quạ, né gấp vô  hai bên đường. Chiếc du lịch lướt qua để lại một vệt bụi kéo dài hàng trăm thước. Vài người trong đám đông ôm ngực ho sặc sụa. Đàm dãi văng ra.
Hiếu càm ràm, mua dưa gang làm gì để phải tốn thêm tiền mua đường.
Bán được nửa trái dưa, Héo lủi nhanh như rắn liu điu vô đám đông. Thằng nhỏ khi nảy liền xông vô thế chỗ,  tiếp tục níu kéo. Giọng nó dẻo nhẹo.
- Bao nhiêu tiền một giỏ cá? – Huệ hỏi.
- Hai ngàn.
- Sao mắc quá vậy? Con trai mà nói thách còn hơn đàn bà!
- Không mắc đâu, buổi sáng tới bảy, tám ngàn một giỏ, em nói thiệt mà!
Huệ cầm giỏ cá nục hấp đưa lên mũi hửi hửi mấy cái, rồi chuyền sang người kế bên. Trang cũng làm tương tợ và đưa cho Nhành.
- Chị thấy sao? In  như có mùi rồi. – Đoạn Trang lấy tay xoa đầu thằng nhỏ mấy cái rồi  trả giá:- Một ngàn rưởi, bán hôn?
- Mấy chị đừng trả rẻ, tội nghiệp em mà!
- Một ngàn sáu! Không bán, ế,  liệng vô thùng rác cũng vậy hà!
Rốt cuộc giỏ cá hấp được bán với giá một ngàn bảy trăm đồng.
Nhành gật đầu:
- Ừ, hơi thum thủm nhưng mà xơi tốt. Ở cái chợ rác này lấy đâu ra đồ tươi mà kén với chọn. Đem về nhà rửa sạch rồi chiên lên là chẳng thua kém gì như món “ lý ngư vọng nguyệt “ ở nhà hàng Bách Hỷ!
Xong xuôi. Mấy chị em sà vô chỗ một bà sồn sồn. Bà này không xài đèn mà đốt hẳn một đống lửa. Trong đống lửa có củ khoai nướng thơm lựng.  Nghe mùi thơm, bụng Trang sôi lên ọc ọc. Trên cái mẹt bung vành là một giúm hành ngò chanh ớt héo queo, vài cục  xương heo thúi ình[1] với mấy khứa cá hú trắng bợt, bệu bã như thằng chổng[2] chết trôi.
- Cá ươn quá! – Huệ nhăn nhó:- Bao nhiêu một khứa?
- Chín trăm. – Người đàn bà nói the thé, kéo ống quần lên  chùi bã trầu dính trên mép.
Cò kèt lúc, khứa cá được bán với giá tám trăm đồng, cộng thêm hai trăm tiền hành ngò, gia vị vừa chẵn một ngàn. Người đàn bà tỏ vẻ sành sỏi trong việc chế biến các món ươn thiu:
- Cá không được ngon. Đợi nước sôi mới bỏ vô, hớt sạch bọt rồi  cho cà chua, hành, ớt đâm nhuyễn làm báng đi mùi hôi.
Buổi chợ chỉ vẻn vẹn ba ngàn năm trăm đồng, bao gồm món mặn, món canh và món tráng miệng. Huệ nói ong óng không vui cũng không buồn:
- Bao tử  mấy chị em mình như cái thùng rác công cộng  chứa toàn  những thứ liệng đi của thành phố này. Nghe nói, tiền tiêu hủy một ký rác phải tốn hết mấy đô. Chị em mình lẽ ra phải được nhận huy chương vì sự nghiệp bảo vệ môi trường!
Sau đó bốn chị em lục thục đạp xe về nhà. Lúc này đã gần mười giờ đêm chớ còn sớm sủa gì cho cam. Từ đây về đến nhà mất thêm hai chục phút nữa. Tắm rửa, cơm nước xong, quá nửa đêm mới đặt lưng lên giường. Đúng năm giờ sáng thì thức dậy chuẩn bị đi làm. Ngày nào cũng như ngày nào, nắng cũng như mưa, dẫu cho chiến tranh thế giới lần thứ ba có thể xảy ra,  nạn động đất, sóng thần hủy diệt hàng triệu sanh linh cũng không ảnh hưởng đến thời gian biểu của họ..
 

 CHƯƠNG 2

Trang dắt chiếc xe đạp xục xịch vô bãi giữ xe bên hông bưu điện. Lấy thẻ xong, cô đẩy cánh cửa kiếng nặng ì, lách mình vô phía trong. Cái nóng bức ngột ngạt bị xua tan tức thì bởi mấy chiếc máy điều hòa mở hết công suất. Trang tiến lại quầy phục vụ nói với cô nhân viên mặc áo dài xanh da trời:
- Chị cho tui làm thủ tục gởi tiền.
Cô nhân viên khẽ hếch mắt dòm khách, tiện tay  rút tờ giấy trong chiếc hộp nhựa màu đỏ đưa cho Trang. Nói chuyện nhưng cặp mắt cô nhân viên luôn dán chặt vô quyển sổ lí tí  những con số:
- Chị điền đầy đủ rồi ký tên ở bên dưới, nhớ ghi cả họ tên.
Trang hí háy viết. Người đàn ông mập thù lù đứng kế bên  đang gọi điện thoại cho cô bồ nhí ở một nơi xa lắc. Những lời lẽ chỉ dùng ở phòng ngủ được ông ta hào phóng không sượng miệng khiến những người xung quanh phải đỏ mặt vì mắc cỡ.
- Chị gởi bao nhiêu?
- Năm trăm.
Trang rút ra xấp tiền được ràng bằng sợi dây thun đưa cho cô nhân viên. Cô ta nhăn mặt chê tiền quá cũ nát. Đếm xong, cô nhân viên cho tiền vô ngăn kéo rồi đưa cho Trang tờ biên nhận vuông vứt, mỏng lét:
- Xong rồi! – Cô nhân viên nói cụt ngủn gương mặt lạnh tanh như đóng mấy lớp băng dày.
Trang rụt rè:- Chừng nào mới nhận được tiền vậy chị?
Vẫn cách đối đáp  nhát gừng:- Mau mà!
Kiểu trả lời lơ lửng con cá vàng của cô nhân viên bưu điện khiến Trang không vừa ý chút nào: mau là bao lâu , ba bữa, một tuần, hay một tháng? Mọi người ở dưới quê đang nhóng tiền  như nắng hạn đợi mưa rào. Dầu vậy,  Trang chỉ nghĩ trong đầu thôi, chớ không dám nói ra.
Bây giờ gần mười giờ sáng, còn hơn một tiếng nữa mới tới cữ cơm trưa. Vìa nhà lúc này chẳng có chuyện gì làm ngoài việc nằm chèo queo trên  gác, mắt ngó trao tráo lên nhà. Cái trần nhà cũ nát ấy ngày nào Trang cũng nhắm nhía tới no con mắt. Vui ngó, buồn cũng ngó rồi bật cười khanh khách như người tâm thần. Chị Hiếu nói nhà không có đàn ông thì  không thể kêu là nhà,  mà là cái xà lim chung thân! Trong mấy chị em chỉ có Nhành là người có “ trí tuệ “ hơn hết thảy. Dù gì thì Nhành cũng đã từng là sinh viên đại học khoa ngữ văn năm thứ nhứt. Có lần Nhành nghĩ ra trò cắc cớ bắt mọi người định nghĩa thế nào là đàn bà. Trang nói, đàn bà là sinh vật thuộc giống cái, có cơ quan sinh sản, vú để nuôi con.  Huệ trả lời, đàn bà là giống yêu ma bị Trời đày mỗi tháng bị “  bật đèn đỏ “ vài ngày.  Nhành lại hỏi, vậy chị em chúng ta là đàn gì. Huệ nói, tất nhiên là đàn bà, có vậy mà cũng hỏi đố! Nhành trớt  môi nói đó chỉ là nghĩa đen, còn nghĩa bóng thì sao? Tất cả im re,  không sao trả lời được câu hỏi trật búa[/link]. Nhành ôn tồn giải thích nghĩa bóng như sau, đàn bà là gái đã có chồng, đã từng sinh hoạt tình dục với người khác phái, từng ăn phải trái cấm, mang bầu và sanh con. Nếu xét theo nghĩa thứ hai thì  trong cái xà lim này chưa có ai là đàn bà, tất cả  đều là con gái cho dù có người đã là gái già!.  Câu nói vô tình đụng tới  nỗi đau khiến Hiếu ngồi chết lặng. Năm nay Hiếu đã ngót nghét ba mươi, cả đám đặt cho cái biệt danh rất ấn tượng là  “ Lão bà bà”.
Đến ngã ba thay vì quẹo mặt vìa nhà thì Trang lại đạp thẳng hướng  nhà sách “ Tri Thức “ vừa mới khai trương nằm cách chưn cầu gần năm trăm thước. Lúc đầu, Trang chỉ có ý nhắm nhía từ phía ngoài thôi, nhưng khi  thấy phía trước bãi giữ xe có treo tấm bảng viết mấy chữ ngòng ngoèo “ giữ xe miễn phí “ thì cô lập tức thay đổi ý định.
Kinh doanh sách hiện giờ là nghề hái ra tiền, lại được tiếng thơm là chăm lo tri thức cho nhân loại, chẳng vậy  mà các hiệu sách sanh sôi nảy nở như nấm sau cơn mưa. Trang chưa bao giờ nhìn thấy ở đâu nhiều sách đến vậy. Vô số những quyển sách đủ màu sắc, kích cỡ..ken đặc trong khuôn viên hàng ngàn mét vuông, Trang lật hững hờ vài trang tiểu thuyết, truyện ngắn chọn lọc, sách  dạy làm người, làm tình..và dừng lại trước tập thơ tiền chiến được đặt một cách trang trọng coi bắt mắt. Thiệt tình,  Trang chỉ đọc cho có chớ không hiểu mấy ông nhà thơ nói gì.  Ngôn ngữ của họ cao siêu quá, bay bổng quá, chiếc lá cũng biết thở dài; giọt sương cũng biết nỉ non cùng với gió;  ánh mắt như dòng sông lấp lánh… Kỳ quá! Rốt cuộc cô chen chúc bên quầy sách thiếu nhi đọc ké mấy cuốn truyện tranh Đôrêmon. Những mẩu chuyện khôi hài về anh chàng Nôbita hậu đậu khiến Trang thỉnh thoảng cười ré lên. Khi cô ngửng lên, chiếc đồng hồ có in hình cô ca sĩ nổi tiếng ăn mặc hở hang treo trên quầy thâu ngân đã chỉ mười một giờ hai mươi phút. Dắt xe ra khỏi bãi, Trang nhủ thầm, một chỗ thư giãn thiệt  lý tưởng vừa được tha hồ đọc miễn phí, vừa được hưởng xái máy lạnh, mát ơi là mát!
Trời nắng chang chang, Trang đạp xe trở ngược lại lối cũ. Gần giữa trưa, phố xá thưa người,  hàng quán hai bên đường vắng teo. Khi đạp ngang qua quán sâm lạnh của anh Khình, Trang hơi chựng lại, đưa tay rờ  túi áo, rồi guồng chưn phóng thẳng vìa nhà. Tiện tặn  đồng nào hay đồng ấy.
Khác với thường ngày cánh cửa kiếng lúc nào cũng đóng im lìm, hôm nay nó được mở toang  một cách phóng khoáng. Chị Hiếu là người cẩn thận, ý tứ dặn mọi người ra vô phải khép cửa lại, ngoài việc đề phòng mất mát, chị không muốn thiên hạ dòm ngó cách sinh hoạt  ăn ở của mấy con nhỏ nhập cư. Từ đầu hẻm Trang đã thấy ràng ràng đôi guốc cao gót lạ hoắc nằm chỏng chơ trước hàng ba.
Bốn người đàn bà  ngồi chùm nhum. Chính giữa đặt rổ trái cây. Trang bước vô. Khách lạ ngoáy cổ lại chào cô. Một gương mặt đẹp được cố định trên một thân hình cân đối. Cặp ngực vun lên như hai trái núi phập phều sau làn áo pull trông rất nữ tính. Trang cũng gật đầu chào đáp lại, sà xuống  rứt một trái nho cho vô miệng.
Hiếu xây mặt dòm Trang rồi sốt sắng giới thiệu:
- Đây là Ngân,  cử nhân kinh tế đang thất nghiệp. Bắt đầu từ hôm nay Ngân sẽ là thành viên thứ năm trong xà lim chung thân này. Nào, bây giờ tất cả hãy làm quen với nhau.
Hiếu cố tạo ra bầu không khí vui nhộn bằng cách pha trò và uốn éo  âm điệu, lên xuống. Trang ngồi kẹp giữa Nhành và Huệ. Nhành vẫn giữ vẻ thản nhiên như mọi khi, biết kiềm hãm cảm xúc và hơi lạnh lùng. Huệ thì hoàn toàn trái ngược, khó chịu ra mặt và liên tục liệng những cái nhìn đầy ác cảm về phía người lạ, cặp môi cong lên khinh miệt.
Trang ghé miệng vô tai Huệ hỏi nhỏ:
- Ăn cơm chưa?
Huệ nói :
- Chưa, chưa kịp dọn ra thì bị phá đám!
Trang lại hỏi :
- Ai vậy?
Huệ lừng khừng:
- Không biết. Nghe đâu là người cùng quê  gì gì đó với chị Hiếu.
Trang đưa tay vỗ vỗ cái bụng xẹp lép than đói.
- Đang có khách tế nhị một chút coi! Mấy đứa tụi bây lúc nào cũng  có “ tâm hồn “  ăn uống!  – Nhành nói xẵng giọng.
 Chẳng dè Huệ lại nỗi quạu, cãi xon xỏn  đến văng cả nước miếng:
- Chị nói hay! Con người ta sống cốt để ăn cho sướng cái miệng. Thiên hạ giành giựt hơn thua cũng vì miếng ăn đó thôi.
Nhành đốp lại:
- Mày lý sự lắm! Người có tiền sống để mà ăn. Ăn được xếp đầu trong nhóm “ tứ khoái “. Ông chủ Đài Loan của tụi mình ăn óc khỉ để bổ não, uống cao hổ cốt để có sức trườn trên giường. Bữa ăn của người giàu ê hề cao lương mỹ vị , dao nĩa lanh canh, kẻ hầu người hạ, vậy mới gọi là ăn! Còn chị mình ăn để mà sống, bữa cơm nào cũng mỗi một món “ thanh long quá hải “, đồ kho là mấy con cá ương bằng ngón tay, bỏ muối cả đống cả lèn , mặn thấy mồ tổ! Mỗi khi nhớ tới  là bắt rùng mình nổi ốc ác.
Trang nhón thêm một trái nho cho vô miệng, gật đầu tán thành:
- Nhắc đến món rau muống luộc “ trường kỳ kháng chiến “  là em không còn hứng thú gì nữa. Bữa nay, chị Hiếu có thay đổi thực đơn hông?
Hiếu đáp :
- Thì cũng bổn cũ soạn lại thôi.
Cả đám ngồi xụi lơ cán cuốc. Hiếu nói giọng cao giọng thấp:
- Có ăn là tốt rồi. Nếu ăn cỏ như bò màng được thì tao cũng xơi tuốt! Đời cơ cực lắm, chẳng sướng vui gì đâu mà đòi hỏi thứ này thứ kia!  Nè con Ngân có kén ăn không đó? Kén ăn thì không gia nhập vô hội này được đâu.
Ngân tươi cười đáp:
- Em dễ nuôi lắm, chỉ trừ bù lon con tán là không ăn được thôi!
Câu pha trò của Ngân khiến tất cả mọi người phì cười. Chỉ có Huệ mặn  chầm vầm như bị mất sổ gạo thời bao cấp. Ngân sửa tư thế ngồi đàng hoàng, cặp mắt hai mí đảo ngang, liếc dọc,  quan sát thái độ từng người, rồi  nói một cách trịnh trọng có phần hơi thái quá không cần thiết:
- Tôi  từ dưới quê chưn ướt, chưn ráo lên đây tìm kế sinh nhai, trăm việc nhờ các chị thương tình chỉ dạy. Xin nhận đây là lòng biết ơn..
Nhành xua tay lia lịa:
- Chị em mình đều cùng cảnh ngộ khách khí làm chi. Chủ yếu phải biết đùm bọc, bảo ban,  cùng vượt qua khó khăn. Ở cái thành phố này coi vậy mà không dễ sống đâu cư dân hạng ba giống như những đứa con rơi con rớt. Miếng ngon. Chỗ tốt đâu đến phần.
- Cơm!
Huệ đứng dậy, bước te te ra sau bếp bưng lên mâm cơm lạnh tanh. Trên mâm cũng chỉ hai món rau luộc, cá kho. Cả đám  bèn tản  ra nhường chỗ cho Huệ đặt mâm cơm vô giữa:
- Tánh tui xấu lắm,  hễ đói là nỗi quạu. Ai thích cà kê thì xê qua một bên để người ta “ ẩm thực “.
Trang bới cơm ra chén. Hiếu ngó thấy thiếu một cái bèn thúc Huệ đi lấy. Huệ dùng dằng, khó chịu ra mặt.
Ngân nói:
- Để em.
Ngân lọ mọ  hoài  mà không tìm thấy. Nhành nói lớn:
- Để dưới gậm kế bên cái máy bơm đó. Thấy chưa?
Tiếng Ngân từ dưới bếp vọng lên:
- Thấy rồi. Sao mấy chị cất chỗ khó kiếm vậy?
- Thì để ở đâu bây giờ – Hiếu nói:- Cái nhà nhỏ như cái lỗ mũi phải biết tận dụng không gian. Hồi còn ở xóm nhập cư  mấy chị em phải nằm chồng lên nhau mà ngủ.
Trang gắp cọng rau muống xanh mướt cho vô miệng nhai rau ráu, rồi chép miệng khen hít hà:
- Món “ rồng xanh vượt biển “  này nhứt định là do chị Hiếu luộc chớ không ai khác, giòn rụm mà coi cũng sướng con mắt!
Hiếu lựa con cá bóng bự nhứt trong dĩa gắp cho vô chén  Ngân. Huệ đang ngậm cơm cham bam[/link], liếc mắt thoáng khó chịu, chưn mày nhíu  lại. Ngân tinh ý bèn gắp con cá đặt lại chỗ cũ.
- Mình nghèo không có tiền ăn những món ngon vật lạ thì phải biết cách nấu nướng, biến thứ rẻ tiền thành món ngon. Trước khi luộc rau phải cho trước một muỗng muối, rau vừa chín tới phải xả nước lạnh mới giữ được màu sắc, độ giòn. Còn làm nước mắm ớt lúc nào cũng phải nhớ cho giấm vô trước, nước mắm sau,  thì ớt tỏi mới lều bều lên mặt, rõ chưa các cô nàng hậu đậu?
Nhành ăn hết chén cơm thứ nhứt đưa cái chén về phía Ngân :
- Em múc cho chị nửa chén canh, nửa chén thôi nghen.
Trang nhìn Hiếu lắc đầu thán phục:
- Chị Hiếu có thể trở thành một nhà bếp đại tài đó nghen. Bữa nào rảnh rang chị chỉ em vài chiêu mai mốt lấy chồng còn biết đường nấu nướng.
Hiếu xòe tay ra, ngón trỏ nhịp nhịp mấy cái:
- Được thôi, tiền đây!
Huệ ngồi bẹp cạnh mâm cơm, mình ẹo qua một bên, cùi chõ chống xuống bắp vế, dòm ngứa con mắt. Hiếu lấy đũa khẽ vô tay Huệ mấy cái:
- Ăn cơm mà ngồi giẹo ne vậy hả? Ngữ mày chẳng làm ra trò trống gì đâu!
Huệ cười cười sửa lại tư thế. Đang nhai,  Huệ bỗng trợn trạo vì mắc nghẹn cọng rau muống già dai nhách. Hiếu bới thêm một chén rồi ngó vô cái chén của Ngân hối:
- Ăn lẹ lên chớ! Chậm chạp như em không sống tập thể được rồi. Ở Xí nghiệp của chị tất cả đều biến thành người máy; làm như máy, ăn như máy và đi vệ sinh cũng như người máy tuốt luốt!
- Vậy là sao hả chị?  – Ngân lừa miếng xương cá bống dừa bỏ xuống mâm:- Đi vệ sinh như máy là nghĩa làm sao?
Hiếu húp nốt phần canh còn lại trong chén, rồi từ tốn giải thích:
- Có nghĩa là tới giờ quy định  mỗi người  có bổn phận phải đi vệ sinh. Nếu bạn không có nhu cầu thì vẫn phải nhận thẻ và đàng hoàng bước vô  toa lét “ ngồi đồng “ ở trỏng , hết thời gian thì đi ra nhường chỗ cho người kế tiếp...Tất cả diễn ra một cách điều đặn, trơn tru như cỗ máy đang vận hành.
Ngân ngạc nhiên, hỏi:
- Ủa, rủi có ai đó lỡ bị chọt bụng thì sao? Đi vệ sinh mà cũng có tiêu chuẩn thì đúng là một việc hết sức phi lý!
Nhành cười :
- Chân lý thuộc về kẻ mạnh, lắm tiền, nhiều của chớ không thuộc  những người dân ngu khu đen như chị  em ta, biết là ngược đời, nhưng vẫn phải cắn răng mà chịu, ai dám ho he thì lập tức được chụp lên đầu cái tội “ sách động “  làm loạn và sẽ được mời ra khỏi Xí nghiệp chưa đầy hai mươi bốn tiếng đồng hồ!
Nhành tính thôi không ăn nữa, nhưng thấy có cơm cháy bèn đổ vô nồi ít  nước rau,  rồi lấy muỗng cạo đít nồi. Đợi Nhành cạo xong, Huệ liền chìa chén ra:
- Chị cho em một miếng.
Nhành trợn mắt:
- Con này chuyên môn thấy người ta dọn sẵn là sà vô đẻ!
Nói vậy chớ Nhành cũng san  nửa phần cơm cháy cho Huệ. Dòm mọi người sắp xong bữa mà Trang vẫn còn nhơi từng hột, Hiếu lấy đũa gõ lên mâm:
- Con nhỏ này số nghèo mạt rệp từ đường, có mấy hột cơm mà nhơi từ lúc chuối trồng tới chuối trổ! – Đoạn, Hiếu day mặt về phía Ngân, tiếp tục câu chuyện còn dang dở:- Còn nhiều chuyện bi hài cười ra nước mắt, bữa nào thảnh thơi   chị kể cho nghe. Nếu em có tài văn chương, viết thành sách thế nào cũng bán chạy như đồ sida đại hạ giá! 
Huệ bỏ đũa, gắn cọng tăm xỉa răng lên miệng chấm dứt bữa cơm:
- Chị Nhành đừng nói nữa,  không thôi  nó sợ té đái trong quần!
Hiếu ngó chăm bẳm về phía  Huệ, nói như nạt:
- Tụi mình nghèo là nghèo cơm nghèo áo chớ  không nghèo lễ nghĩa. Mọi thứ phải có tôn tri trật tự. Trong nhà nhà này tao là người lớn tuổi nhứt, kế đến là Nhành. Còn con Ngân năm nay bao nhiêu tuổi?
- Dạ, hai mươi bốn.
Hiếu nói:
- Con Trang hai chục, Huệ hai mươi mốt, hai đứa bây phải kêu con Ngân
bằng chị, hiểu chưa?
Trang gật đầu im lặng. Huệ gio giảnh cái miệng:
- Chinh một hai tuổi có nhằm gì. Ngôn ngữ chỉ là cái áo sặc sỡ che đậy nội hàm đầy ghẻ chóc!
Nhành quơ mấy cái chén cho vô mâm. Thấy trên dĩa rau còn sót lại một cọng, bèn đưa tay bóc cho vô miệng:
- Dân ta có cái bệnh sĩ, đói gần chết nhưng cố chừa lại cho đúng kiểu. Mấy ông khách châu Âu vô tiệm phở húp sạch không chừa thứ gì. Ẩm thực cũng  là một nét văn hóa nhưng đây là thứ văn hóa rởm đời! Này Huệ, nói như mày, tao không bằng lòng đâu, xưng hô đúng cách là thể hiện văn hóa ứng xử của một người có giáo dục.
Huệ cãi cham chảm[22]:
- Tui học có lớp ba trường làng,  trả thầy còn chưa đủ lấy đâu ra phép với tắc? – Đoạn Huệ liếc mắt về phía Ngân, nói lớn:- Tui vô giáo dục vậy đó, chịu thì cám ơn, không chịu thì thôi!
- Nói vậy mà nghe được à? – Nhành dằn mạnh  mấy chiếc đũa xuống mâm, chén bát khua lanh canh. Khi giận dữ mắt Nhành như muốn lồi ra.
Hiếu dòm Huệ có ý trách, nói:
- Con này già mồm lẻo mép lắm. Mới ăn no, cãi lộn với mày muốn phát ách![23]
Huệ trả treo[24] :
- Em nói không đúng sao. Tại chị ham gây rồi đổ thừa cho em! Chị đã học hết cấp hai vậy mà bây giờ làm bài toán chia hai con cũng không xong. Viết lá thơ cụt ngủn mà sai cả chục lỗi chánh tả! Vậy không phải trả hết cho thầy là cái gì?
Thấy có mòi xảy ra lớn chuyện, Ngân liền tìm cách hạ nhiệt mấy cái đầu nóng:
- Không sao! “  Mày tao “ cũng được, như vậy càng thân mật chớ sao –  Nói rồi, Ngân nhón người tính nhấc cái mâm lên.
Hiếu cản lại:
- Em tính làm gì vậy?
- Rửa chén.
- Không được. Bữa nay tới lượt  con Huệ. – Hiếu hất hàm về phía Huệ:- Động tay, động chưn đi. Con Trang. Nước!
Ngân cứ nằng nặc. Hiếu thì dứt khoát. Cuối cùng Huệ nói:
- Thôi như vầy nghe, tui kêu là chị, chị Ngân, đáp lại chị  phải rửa chén cho tui đúng một tuần, được hôn?
Nhành lắc đầu:
- Con nhỏ này hết thuốc trị rồi có chuyện rửa chén  cũng đem ra mặc cả!
Ngân đi rửa chén. Trang xách bình trà châm đều bốn cái ly. Thấy thiếu một cái, Nhành nói:
- Chiều nay ai có ra ngoài nhớ mua thêm một cái nữa cho đủ bộ. Chà, nhà này có đủ “ ngũ long công chúa “  rồi, thế nào cũng ăn nên làm ra cho mà coi!
- Mua làm gì cho tốn tiề nhấp một ngụm nước rồi đặt ly xuống :– Xài chung cũng chẳng sao, nhà này đều bị chứng suy dinh dưỡng nhưng không có ai mắc bịnh truyền nhiễm đâu mà sợ.
- Mày cái gì cũng chung đụng, không biết chừng  có ngày  xài chung quần lót của tụi đàn ông! – Hiếu trách.
- Nghe chị nói mà bắt ghê! Vậy có bao giờ chị thấy đàn ông cởi quần lót chưa?
Ngân rửa chén xong, bước lên, ngồi đại xuống chỗ trống. Không khí nực nội  buổi trưa khiến đôi má cô ửng hồng coi thiệt duyên dáng. Nhành khen:
- Con Trang bị soán ngôi hoa hậu rồi nhá. Bây giờ mày chỉ là á hậu thứ nhứt thôi, con Huệ là á hậu thứ hai, tao thì áp chót, còn “ Lão bà bà “ Hiếu đội sổ Nam Tào!
Huệ ngồi ngay đơ  nhìn Ngân bằng ánh mắt ghen tỵ rồi xì một hơi dài như bánh xe bị bể:
- Nhan sắc luôn gắn liền với tai họa hay ho gì mà phô phang!
- Mày ở thành phố mấy năm rồi mà cứ lơ ngơ như bò đội nón! Xấu xí, ngu dốt như tao với con Nhành..
Nhành lập tức phản đối rất hăng:
- Chỉ có chị xấu thôi. Tui đẹp chớ bộ!
- Im! Để tao nói tiếp. Ừ, xấu như tao bị thất nghiệp thì chỉ có nước cạp đất mà sống. Còn trẻ trung, xinh đẹp như tụi bây nếu chẳng may gặp cảnh thất cơ lỡ vận còn có thể đem cái nhan sắc ra mà bán, hiểu chưa mấy con yêu nhền nhện!
Huệ cười:
- Vậy chị định giá cái nhan sắc của em bán được bao nhiêu, có đủ tiền sắm cho nội em bộ đồ vía hôn?
Trang lấy cây chổi quơ quơ mấy nhát rồi lấy tấm chiếu trải lên nền nhà. No bụng dễ gây cảm giác buồn ngủ. Hiếu đưa tay đập đập lên đùi Trang mấy cái :
- Sao nằm chài bài vậy. Né qua một bên để tao nằm với. Nè, ngủ chi sớm, ngồi dậy nói bá láp một chút cho đỡ buồn.
Trang miễn cưỡng ngồi dậy, đưa tay che miệng ngáp vắn ngáp dài. Nhành và Huệ vẫn tiếp tục câu chuyện tầm phào, chẳng ra đầu cua tai nheo gì ráo.
- Cái đó làm sao tao biết.  Nè, đừng bao giờ tình cho không biếu không nhá. Tụi trai thành phố giỏi tài khua môi múa mỏ, lù khù  để chúng ” dộng “ cho một bụng là mất cả chì lẫn chài, lúc đó có vụt[27] ra đường cũng chẳng ai thèm lượm đâu.
Trưa nắng nôi. Lúc này mà nằm trên gác chẳng khác nào bị trời đày. Năm chị em nằm sát rạt mới đủ chỗ. Chợt nhớ chuyện hồi nãy, Trang khoe:
- Em vừa khám phá một nhà sách mới khai trương, giữ xe miễn phí, lại có máy lạnh chạy vù vù, đã lắm!  Bữa nào nóng quá chị em mình di tản vô trỏng” hưởng xái “ cho sướng cuộc đời.
Nhành luồn hai tay sau ót nhón đầu lên, hướng mắt về phía Trang:
- Đó là một khám phá có thể sánh với việc Kha Luân Bố tìm ra châu Mỹ. Tao thích văn chương, nhưng lại mắc bịnh thương tiền nên đành chịu nhịn. Chắc chiều nay phải lại đẳng đọc ké, đỡ ghiền. Chà, ông Nguyên Sa có mấy câu thơ thiệt đắc địa”..Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng/ Tóc em mềm  anh chẳng thiết mùa xuân/ Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân/ Vì em gọi tên em là nhan sắc.. Thơ như vậy mới gọi là thơ.
Hiếu nói bực bội:
- Đang đói mà nói tới văn nghệ văn gừng  nghe không lọt lỗ tai! Văn chương ba xạo  xa rời thực tế, đọc mà tức anh ách. Mấy ông nhà văn có mỗi một công thức: mở đầu bao giờ cái ác chiếm thế thương phong, cái thiện bị chà đạp xuống bùn. Và cuối cùng là địch thua, ta thắng hoặc là một sự sám hối, ăn năng muộn màng rất ngớ ngẩn , trong khi cuộc đời thật thì hoàn toàn ngược lại. Viết như vậy thì mấy đứa chăn trâu cũng thành nhà văn tuốt!
Ngân nói:
- Đó là căn bịnh trầm kha của mấy ông nhà văn ở xứ ta. Có người  cố tình xây dựng tính cách nhân vật cực đoan đến phi lý. Kẻ ác, ác đến nỗi quỷ Satăng cũng phải rùng mình rợn tóc gáy; người hiền, hiền đến nỗi Phật Thích Ca cũng phải ngả nón cúi đầu! Những “ con rối “ ấy chỉ mải miết trên con đường một chiều mà chẳng bao giờ ngoáy đầu nhìn lại hoặc có ý nghĩ  rẽ sang lối khác. Thật ra Ác và Thiện đều tồn tại và xung đột trong mỗi bản thể.
Nhành đế thêm:
- Văn nghệ mà đóng khung như công thức toán học thì chỉ sản xuất ra những đứa con sanh sản vô tính thôi. Đã có một thời chỉ cần đọc một tác phẩm ta có thể thấu  hiểu cả toàn bộ nền văn học đương đại!
Hiếu  bỗng lái câu chuyện sang hướng khác. Giọng cô oang oang:
-  Con Ngân là thành viên mới cần phải biết một số nội quy trong nhà này như sau: tiền mướn  nhà hàng tháng là tám chục cộng với tiền điện nước vừa vặn chín mươi,  đóng vào ngày mười mỗi tháng. Tiền ăn cuối tháng sổ một lần.  Ở đây áp dụng theo kỷ luật  quân đội. Hôm nào không ăn cơm phải báo trước, nếu không cũng phải trả tiền! Được quyền quen bạn trai nhưng phải là người đứng đắn, đàng hoàng, râu tóc nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao và chỉ được đưa bạn trai tới nhà vào ngày nghỉ Mỗi lần tiếp không quá ba mươi phút,  để đảm bảo giờ giấc sinh hoạt của mọi người. Ngân có ý kiến gì không?
Ngân gật đầu, không nói gì. Nhành tiếp lời:
- Các chị làm ca kíp nên em phải lưu ý giờ vệ sinh cá nhân đừng để bị ùn tắc, không được xài lẫn đồ dùng cá nhân của nhau,  như : kem đánh răng,  khăn mặt, giấy viết, son phấn, xà bông.... – Đoạn Nhành xây mặt sang nhìn Huệ :- Đừng như con nhỏ này  cứ  “ cầm nhầm “  bàn chải mới mua của người ta  xài không thương tiếc!
Huệ nhìn Ngân cười sượng, nói:
- Chị này nhỏ mọn ghê! Chuyện cái bàn chải từ năm ngoái tới năm nay vẫn còn nhắc. Người gì mà nói nhây quá trời!
 Hiếu nói:
- Mỗi người thay phiên nhau đi chợ, nấu cơm, trực nhựt. Người  đi chợ phải ghi đầy đủ các khoản chi, giá cả, nếu mua thâm tiền thì phải móc tiền túi bù lỗ. Người nấu nướng có nhiệm vụ lo bữa cơm ngon, canh nóng và nhứt là phải đúng giờ giấc quy định. Người trực nhựt có nhiệm vụ quét nhà, rửa chén, dọn dẹp vệ sinh, lau chùi nhà tắm, cầu tiêu...nếu làm ẩu sẽ bị phạt làm lại.
Ngân băn khoăn:
- Em sẽ nằm ở đâu hả,  các chị?
- Trên gác, kế bên con Huệ. – Nhành lẹ miệng.
Huệ bật dậy, nhảy đong đỏng [28]:
- Không được. Em quen nằm ngoài bìa rồi. Đ chị  Ngân nằm kế con Trang đi. Mà chị Ngân có bị hôi nách hôn đó? Nóng nực mà nằm kế hũ mắm cá linh thì khốn. Mấy bà già này chơi khôn lắm “ chiếm lãnh “ từng trệt mát mẻ, còn chỗ nóng bức thì tống cho đám trẻ này.
Nằm không có gối ê ẩm cái đầu.  Hiếu bước lên gác lấy mấy cái gối. Cái cầu thang ọp ẹp phát ra những tiếng kêu răng rắc tưởng chừng đổ sập xuống. Ngân hoảng hồn chạy tới coi sao. Hiếu toét miệng cười, co chưn giậm giậm mấy cái:
- Không sao đâu, coi vậy chớ còn tốt lắm. Nó mà sập,  thì chị em mình đã  già khú đế mất rồi. Nè, em đứng đó để chị liệng mấy cái gối xuống.
Hiếu liệng bốn cái gối xuống cho Ngân chụp. Đến cái thứ ba Ngân chụp hụt,  rớt “ bịch “ xuống đất. Hiếu bước xuống thấy cửa nẻo chành bành [29], tỏ vẻ khó chịu bèn biểu Trang đóng lại. Nhành nhỏm người giựt công tắt quạt treo tường. Cái quạt màu trắng sữa tróc sơn lỗ chỗ phát ra những tiếng è è một lúc rồi xoay tít, vãi gió khắp phòng. Thấy Ngân đứng xớ rớ, Hiếu đưa tay đập đập lên chỗ trống:
- Em nằm xuống đây.
Huệ nằm nghiêng người, mái tóc áp vô mũi Nhành. Nhành khẽ hếch hếch cánh mũi mấy cái rồi ngồi bật dậy như cái lò xo:
- Mày xài dầu gội đầu của tao phải không?
- Đâu mà. Chị chỉ giỏi đa nghi như  Tào Tháo! – Huệ cười xoe.
Nhành lại  áp mũi xuống đầu Huệ hít một hơi dài rồi đưa tay đấm thùi thụi lên lưng Huệ:
- Cái mũi tao thính như mũi chó săn, mày đừng hòng qua mặt.  Hèn chi tao cứ thắc maắc chai dầu gội mau lưng quá vậy. Lần này mày phải hùn tiền mua chai khác không lôi thôi gì hết.
Huệ thú nhận:
- Em chỉ xài thử có một lần mà chị bắt em phải chịu phân nửa thì tội cho em quá. Thôi “ cưa “ ba đi, chị hai, em một.
- Một lần bắt gặp, trăm lần không. Nếu mày không chấp hành thì tao trừ vô tiền  mày gởi tao.
Huệ vốn xài hoang, có tiền  là phải xài cho kỳ hết nên tháng nào cũng nhẵn  túi trước kỳ lương,  đành phải dùng biện pháp an toàn là gởi cho Nhành giữ giùm. Nhành được mệnh danh là bà chúa hà tiện, chi một xu cũng cân nhắc thiệt hơn, gởi tiền cho Nhành an toàn còn hơn gởi nhà băng nhưng muốn rút  thì rất khó, nếu không có lý do chánh đáng thì cho dù trời sập cô cũng không chịu xì ra. Nhờ vậy mà Huệ đã bắt đầu có dư.
- Em gởi chị bao nhiêu tiền rồi ha?
- Một triệu hai trăm mười tám ngàn – Nhành đáp liền mà không cần suy nghĩ .
- Em nhớ in một triệu hai  trăm hai chục mà? – Huệ thắc mắc.
- Vậy hai ngàn tiền nước mía bữa hổm[30]  mày bắt tao trả chắc?
Huệ tặc lưỡi như tắc kè:
- Bà này tính toán quá, có ly nước mía mà cũng  so đo với em út!
- Ờ, tao vậy đó. Ai biểu mày cứ khăng khăng lôi tao vô quán. Mụ chủ quán đó đúng là đồ cướp cạn, ly nước mía toàn là đá cục vậy mà lấy tới một ngàn. Mai mốt có vốn tao cũng đi bán nước mía.
Hiếu day mặt về phía Nhành, nheo nheo đôi mắt trêu chọc:
- Con Nhành  mở dịch vụ ăng mà không sớm dẹp tiệm, tao làm con chó! Nồi canh như cái hồ bơi mà bỏ có vài hột bột ngọt, kho cá thì hai phần cá, tám phần muối! Báo hại [31] cả nhà uống nước tới no!
Nhành đưa tay gãi đầu sồn sột. Ờ ha, bữa nay đến ngày phải gội đầu vậy mà suýt nữa quên béng đi mất. Cô đứng dậy, bước vô nhà tắm, vừa đi vừa nói:
- Thì trong nhà này có bốn con chó, thêm một con mới tới nữa là năm. Năm con chó cái chạy rong!
Trang nằm phía ngoài cùng cười ngắc ngoẻo, đôi vai cứ run lên bần bật. Nhành đi trở lại, co chưn đá đá vào mông Trang:
- Cười gì vậy con quỷ! Vui cũng cười, buồn cũng cười, bộ mắc thằng Bố [32] hay sao vậy. Gởi tiền xong chưa?
- Rồi!
- Bao nhiêu?
- Năm trăm.
- Chà con nhỏ này coi vậy mà có dư ghê há! Lần sau có đi  nhớ rủ tao đi với. Kệ, ráng bóp mồm bóp miệng sắm cho ông già với nhỏ em mỗi người bộ đồ, coi như tích đức đặng kiếm tấm chồng!
Nhành đi gội đầu. Hiếy Ngân còn mở mắt trao tráo liền hỏi:
- Chỗ lạ không ngủ được hả?
Ngân co người như con tôm luộc, hai đầu gối chạm vào lưng Hiếu gây cảm giác nhồn nhột:
- Em vụt ở đâu cũng ngủ được. Hồi còn sinh viên em đã từng ngủ ngồi cả đêm đó chớ, tại em không quen ngủ ngày.
Ngân vụt ngồi dậy. Đôi mắt hai mí nhìn bao quát ngôi nhà:
- Chỗ ở cũng lý tưởng ghê! Vậy mà trước khi đến đây em cứ tưởng tượng các chị sống chui rúc trong các túp lều của thổ dân da đỏ! Tiền mướn nhà chắc mắc lắm hả?
Hiếu trả lời bằng giọng vô cảm:
- Bốn trăm, giá cả như thế coi như chấp nhận được. Trước kia chỗ này cho đám sinh viên thuê. Ra trường, họ về quê thế là bọn chị nhanh chưn xí chỗ.
Diện tích ngôi nhà hơn hai chục thước vuông có gác suốt. Nền lót gạch  ba tấc tróc men lỗ chỗ. Cửa kiếng có khung bằng sắt trông rất kiêng cố.
- Coi vậy chớ không phải vậy đâu, sơn phết để đánh lừa đó thôi, thật ra nó rệu rã như người bị ung thư giai đoạn cuối.
Ngân hỏi từ nhà đến chỗ làm có xa lắm không, Hiếu nói đạp xe chừng hai chục phút. Ngân thắc mắc tại sao mọi người không kiếm chỗ trọ gần công ty cho tiện. Hiếu nói:
- Trước kia bọn chị ở  “ khu nhập cư “. Ngôi nhà chưa tới hai chục thước vuông mà nhét hơn mươi người. Tính ra mỗi đầu người chưa tới hai thước không bằng phần đất dành cho người chết! Nhưng chuyện vệ sinh mới thật là khủng khiếp, mỗi khi nhớ tới là chị muốn lộn mửa! Đã vậy giữa thanh thiên bạch nhựt mà các chàng các nàng tự nhiên quây màn rồi thì lạch cạch cả ngày chịu đời sao thấu!
Hiếu đột ngột im lặng rồi thở ra chán nản. Hồi lâu cô lên tiếng:
- Mày  định làm việc gìu thay đổi đại từ  “ em “ bằng “ mày “ đặng thân mật hơn.
Ngân trả lời bằng giọng chất chứa lo lắng:
- Em cũng không biết nữa, ở đây xin việc có dễ hôn,  chị?
- Việc cực nhọc, lương ít thì dễ, còn những chỗ thơm thảo thì dân thành phố xí hết trơn hết trọi  rồi, không đến lượt chị em mình. Mày có muốn vô làm xí nghiệp của chị không?
Ngân im lặng suy nghĩ lông bông. Hiếu ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
- Nghĩ cũng uổng, có bằng cấp đàng hoàng  thì tội gì chun vô mấy chỗ chó chết này. Mỗi ngày mười hai tiếng quay tít như cái bong vụ, lại bị chủ cả đối xử như súc vật. Nhục lắm. Tao mà trẻ trung, có nhan sắc thì có vô số chuyện để kiếm tiền.
Ngân hỏi dớn dác:
- Chị sẽ làm gì?
-  Thì làm cave, tiếp viên nhà hàng, bia ôm hay trở thành một cô vợ hờ cho một lão đầu hói, bụng phệ nào đó chẳng hạn.
Từ trong nhà tắm vọng ra tiếng cười mỉa của Nhành, thoạt đầu chỉ là những tiếng lục khục trong cổ họng rồi òa  ra thành một tràng liên thanh:
- Bà Hiếu mà làm cave có khi phải trả ngược tiền boa cho khách!
Hiếu nhứ nhứ  nắm đấm về phía nhà tắm, nói riết róng:
- Mày đừng vội chê bay, rồi sẽ có một ngày nào đó tao cho mày sáng mắt ra. Một chàng bạch mã hoàng tử, - Hiếu cố tình xuống giọng  mơ màng một cách khôi hài:- sẽ đột nhiên xuất hiện và quỳ dưới chưn tao cầu xin một chút tình thừa!
Nhành từ trong bước ra với chiếc khăn dày quấn quanh đầu như  bắp cải.  Nước từ trên người cô chảy ròng ròng xuống cổ áo màu hoa cà. Phụ nữ sau khi tắm gội đẹp như viên kim cương thô đã được gọt giũa lấp lánh hào quang. Nhành hát léo nhéo mấy câu:”..Rồi sẽ có một ngày/ Ngày nào đó ...” vừa bước tới đứng dưới cánh quạt hơ tóc. Những giọt nước li ti bắn lên mặt khiến Huệ giựt mình khi mới vừa hiu hiu, cô khẽ lằm bằm mấy tiếng rồi day mặt vô vách ngủ tiếp.
Những ý nghĩ lẩn quẩn trong cái đầu chật chội khiến Ngân liên tục trở mình.
- Nghe chị nói mà em bắt bị dị ứng, bộ người ta hay làm những công việc như vậy hả chị?
Hiếu chép miệng thở dài:
- Ờ, có thể nói mà không sợ lẹo[33] lưỡi, chín mươi chín phần trăm gái cave, bia ôm, vũ trường....đang hoạt động ì xèo ở thành phố này đều là dân nhập cư!
Ngân tròn xoe mắt thốt  lên kinh ngạc:
- Thiệt hả chị. Tại sao họ không tìm công việc lương thiện hơn. Làm như vậy còn đâu là phẩm giá, nhân cách hả chị?
Nhành ngồi bệt xuống đất,  đầu móng tay cọ vào nhau tách tách. Hiếu cảm thấy buồn ngủ nhưng câu chuyện chưa chấm dứt tại đây. Nhành nói chen vô:
- Nhằm gì. Họ bán nhân cách để có tiền và dùng tiền để mua lại nhân cách! Dễ ợt.
Ngân ngơ ngác:
- Nhưng những thứ đó làm sao có thể mua được bằng tiền?
- Được tất tật! Mọi thứ trên đời này đều có cái giá của nó, không mua được là bởi vì ta chưa trả đúng giá  mà thôi.
Nói xong Nhành gieo người nằm xuống bên cạnh Huệ nhắm mắt lại. Ngân nằm gác tay lên trán, trằn trọc mông lung...
 
....Tốt nghiệp trường Kinh tế, Ngân ôm mảnh bằng  chạy giáp vòng  thị trấn bé tẹo như bàn cờ tướng. Chạy muốn rụng cặp giò mà chẳng kiếm nỗi một công việc nên đầu nên đũa, không phải người ta chê cô thiếu kinh nghiệm hay e dè  bằng giả mà là ở một nơi chỉ lèo tèo vài tổ hợp gia công, vài cửa hàng buôn bán đồ kim khí, điện máy, không ra tuồng tích gì mà cần tới  kiến thức đại học.  Rốt cuộc, Ngân đành chấp nhận làm chân nhân viên kế toán hợp tác xã. Công việc đơn giản chỉ cần người thuộc lào bốn phép tính, mắt nhắm, mắt mở làm cũng xong! Tiền lương nhẹ hều, cộng thêm sự nhàm chán trong công việc , Ngân quyết định chia tay  sau ba tháng trân mình chịu trận.
Nghe tin Ngân quyết định lên thành phố lập thân, mấy đứa bạn học cũ lắc đầu, lè lưỡi:
- Mày gan thiệt! Ở thành phố toàn là giống quỷ sứ, ma vương, xinh đẹp, nai tơ như mày thế nào cũng bị ăn tươi, nuốt sống.
Ngân nhún vai, cười giòn để lộ hai cái răng lòi xỉ:
- Nếu họ là quỷ,  thì tao là chằn tinh, lo gì.
- Ở trển thạc sĩ, tiến sĩ thiếu gì. Ai cần đứa cử nhân quèn chưn ướt chưn ráo như mày? Coi chừng biến thành cái bình bông trang trí trên bàn mấy ông giám đốc!
Ngân lại cười, bắt chước âm điệu giọng con sói trong bộ phim hoạt hình Thỏ và Sói:
- Nào, hãy đợi đấy!
Hôm trước ngày lên đường Ngân nấu nồi chè thập cẩm đãi bạn bè. Buổi liên hoan đầy ngập tiếng cười trộn lộn với tiếng thở dài. Thảo, bạn thân nhứt của Ngân nhét vô tay cô mẫu giấy nhỏ xíu :
           - Tao không thông minh, xinh đẹp và gan góc như mày nên đành yên phận với ruộng vườn, ao cá, nếu kiếm được tấm chồng tử tế thì cám ơn ông trời còn không thì đành chịu thân phận bọt bèo.  Mày lên thành phố bước đầu chắc gặp rất nhiều khó khăn,  đây là địa chỉ của chị Hiếu, dù sao đi nữa có chị có em  vẫn tốt hơn.
Số phận của mình là do mình quyết định, tại sao lại trông mong vào lòng̣ hảo tâm của ông Trời? Ngân nghĩ ngợi rồi cho mẫu giấy vào túi.
 


Chương 3


Ánh trăng liềm ngủ vật vờ trong đám mây rách rưới, không gian phủ tấm mền  xám xịt lên mọi vật. Từ trên cao nhìn bao quát chỉ thấy những đường viền mờ ảo.  Những ngọn gió mát rượi từ bờ sông thổi vô mang hơi thở nồng nàn của phù sa. Ngoài vườn, cành cây cựa mình  xào xạc. Vài trái mù u rớt  lộp bộp trên lá khô. Bầy côn trùng giựt mình nằm im nghe ngóng. Mấy con  dế lửa thập thò trong đám cỏ đẫm sương, đưa cặp mắt thao láo nhìn quanh quất. Lát sau, không thấy động tĩnh gì chúng lại tiếp tục bản hợp xướng dang dở của đất trời.
Những đám mây mang hình bầu vú căng sữa lặng lẽ trôi về phương vô định,  trôi hoài, trôi mãi  cho đến khi một trận cuồng phong từ đâu ập tới, bầu vú bị xé nát, những dòng sữa trắng đục rơi từng giọt. Mặt đất hồn nhiên như đứa trẻ háo ăn thỏa thê cơn đói. Trên những cánh đồng lúa trổ đòng đòng đượm một màu xanh biếc thoảng ra mùi thơm ngây ngất dậy cả không gian khiến lòng người cũng rạo rực như say. Những đóa quỳnh trong vườn nhà ai  rực rỡ như chưa từng rực rỡ. Giọt sương tròn căng đánh đu trên giàn mướp bỗng giựt mình tỉnh giấc, rớt “ độp “ xuống thềm gạch làm thảng thốt cả trời đêm.
Tiếng kêu khản hơi của cánh vạc ăn đêm vô tình đánh thức Ngân trong ngôi nhà gỗ ẩm ướt sực mùi băng phiến trộn lẫn cùng mùi lá mục đang trong thời kỳ phân hủy. Ngân lấy tay dụi mắt, ngước nhìn chiếc đồng hồ treo trên vách bên cạnh tấm hình cỡ lớn chụp ngày Ngân tốt nghiệp đại học. Ngân tém mền  ngồi dậy, vươn vai vài cái rồi đi thẳng xuống nhà vệ sinh. Khi đi ngang qua qua buồng ngủ của ba, Ngân nghe tiếng cựa mình cót két trên vạc tre kèm theo là những tràng ho sù sụ. Ông Bảy Thậm, ba Ngân bị chứng viêm phế quản mãn tính, thuốc thang chạy chữa khắp nơi vẫn không khỏi, nhứt  là những khi trái gió trở trời căn bệnh càng trở nên trầm trọng, nó hành hạ ba chết lên chết xuống mà vẫn chưa chịu buông tha.
- Ho dữ quá, ba uống thuốc chưa?
Bảy Thậm ngồi dậy, cái bóng xương xẩu   lắc lư trên tấm liếp mỏng.
- Vô ích, để dành tiền dùng vô chuyện khác.
- Nói như ba thì mấy Công ty sản xuất thuốc có nước đóng cửa dẹp tiệm hết rồi. Ba phải uống đều  mới mong khỏi bịnh.
Bảy Thậm nói lẩm bẩm trong cổ họng, thò hai chưn dợm bước xuống giường. Ngân liền bước tới, ấn ba nằm xuống.
- Còn sớm mà, ba ngủ tiếp đi.
- Ba còn lòng dạ nào mà ngủ nghê. Con chuẩn bị đi đó hả.
- Dạ.
Ngân đáp khẽ, đưa mắt dòm sang giường bên cạnh. Trân, cô em gái út nằm co quắp  như con tôm luộc, hai chưn  co lên gần tới ngực. Tấm mền mỏng lòng thòng trên mép giường.
Bảy Thậm lắc đầu, than.
- Con nhỏ này số cực khổ!
Sau khi vệ sinh cá nhân, Ngân bắt tay thu xếp đồ đạc cho vô chiếc túi xách giả da cũ càng. Cái túi này là vật kỷ niệm do ba tặng má hồi mới về chung sống. Trải qua mấy chục năm,  chiếc túi vẫn còn mà người thì đã về với đất. Má Ngân bị chứng ung thư bao tử chết trong lăn lộn, đau đớn khi mới ngoài bốn mươi. Kể từ đó, ba sống thất thơ thất thưởng như cái xác không hồn.
Đồ đạc chẳng  nhiều nhõi gì,  chỉ  vài bộ đồ, mấy cuốn sách cũ, vậy mà Ngân cứ  lụi đụi hết xếp vô lại lôi ra. Bảy Thậm ngồi bên chiếc bàn ọp ẹp, uống nước trà lợt nhách , đôi mắt dán chặt vô  gương mặt che khuất ánh sáng của con. Bất chợt ngọn gió thô lỗ từ ngoài xộc vô. Ngọn đèn hột vịt  lật phật muốn tắt. Ngân bụm tay che gió.
- Con quyết định ra đi phải không?
Ngân im lặng. Chiếc túi căng phồng không còn đủ sức chứa được nữa, cô cầm mấy quyển sách chép miệng tiếc rẻ:
- Thôi,  con để mấy cuốn này lại cho con Trân. Thế nào cũng có lúc nó phải cần tới.
Nghe nhắc đến tên mình, Trân nằm trong buồng co chưn đạp mạnh lên phên vách tre. Giọng nó vút ra như mũi tên :
- Thôi, chị Ba mang theo luôn đi, tui học dốt, tiếng Việt còn phải đánh vần làm sao đọc được chữ Tây?
Ngân mở to cặp mắt nhìn Bảy Thậm:
- Đó ba thấy chưa. Lúc nào nó cũng kiếm chuyện với con trước.
- Ai dám kiếm chuyện với bà cử nhân kinh tế!
Đến nước này Bảy Thậm buôc lòng phải lên tiếng. Ông già đưa tay vỗ mạnh lên mặt bàn, nước trong ly bị sánh ra ngoài lập tức tiếng động bên trong nín khe:
- Con Trân có im hôn? Dù gì nó cũng là chị mày, hiểu chưa?
Trân là con gái út, nhỏ hơn Ngân năm tuổi  đang học lớp mười ở trường gần thị xã. Đúng ra năm nay Trân phải học lớp mười hai nhưng tại học dốt, bị ở lại hai năm nên mới lẹt đẹt đi sau chúng bạn. Trong ba người con, Ngân lấn lướt hơn cả về sắc đẹp lẫn trí thông minh. Hay tin Ngân quyết định lên thành phố, Trân buồn lắm. Anh Hai đã lập gia đình ở xa, trong nhà chỉ còn hai chị em sớm tối có nhau vậy mà Ngân cũng bỏ đi luôn.
- Con nghĩ  kỹ rồi ba à, ở quê  chẳng có việc gì phù hợp với chuyên môn của con, hổng lẽ công học hành cật lực gần hai chục năm dài đăng đẳng lại liệng vô xó bếp thì uổng phí quá. Con đi. Cảnh nhà sẽ gặp trầy trật nhưng mong ba hãy hiểu và thông cảm cho con.
Bảy Thậm chép miệng:
- Cả đời ba chưa làm được việc gì  ra hồn cho con cái! Thôi, nếu con đã cương quyết  thì ba cũng không cản. Chỉ e...
Bảy Thậm bỏ lửng câu nói,  nhìn cô con gái thở è ạch trong cổ họng, rồi đưa tay lần trên bàn thờ tìm xâu chìa khóa mở tủ, đưa cho cô con gái xấp tiền mỏng te.
- Con cầm bây nhiêu để xây xở. Chừng nào ổn định chỗ ở thì viết thơ gởi liền cho ba. Nghe ba dặn, khi nào cảm thấy ở trển sống không nổi thì về ngay, lúc nào ba cũng mở cửa đón con.
- Ba đừng trách mình như vậy. Nhà mình nghèo nhưng ba vẫn lo cho con học hành tới nơi tới chốn. Cả ấp không ai làm được việc này, bấy nhiêu cũng đủ nói lên công lao trời biển của ba. Con không cầm tiền này đâu, ba cứ giữ lấy để lo thuốc thang.
- Nếu con không lấy thì trên đời này không còn thằng cha này nữa. – Bảy Thậm làm mặt giận , liệng xấp tiền lên mặt bàn.
Ngân nhận tiền mà đôi mắt nhòe nước:
- Con sẽ làm đúng những gì ba dặn. Ba nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng thức quá khuya, nghe ba.
Bảy Thậm  không nói chỉ lẳng lặng nhìn con. Hai mươi bốn tuổi, Ngân là đóa hoa rực rỡ đang thời kỳ mãn khai. Sắc đẹp là món quà vô giá mà tạo hóa ban tặng cho người đàn bà nhưng có khi lại là tai họa, trái tim người cha bỗng run lên vì lo lắng.
Ngân xách túi bước nhanh ra cửa, cô không dám ngoáy đầu nhìn lại vì sợ phải nhìn thấy ánh mắt tuyệt vọng của ba sẽ níu chưn cô. Đi được một đỗi xa xa, Ngân xây mặt  về phía căn nhà thấp thoáng ánh đèn, ba vẫn đứng cú rũ như tàu lá héo trên bậc cửa, đôi vai cứ run lên bần bật, không kiềm được xúc cảm, Ngân tựa lưng vô gốc cây nhãn khóc sụt sùi như con nít.
Bến xe tỉnh lẻ xao xác ánh đèn. Ngân uể oải ghé vô  quầy vé. Cô thu ngân nhướn nhướn  đôi mắt thiếu ngủ. Xé vé. Thu tiền vô cảm như người máy rồi gục đầu lên bàn ngáy o..o. Ngân ngồi bên cạnh cửa sổ, mắt nhìn chung quanh vắng lặng. Khi xe sắp sửa lăn bánh thì Trân đột ngột xuất hiện. Vừa chạy theo xe, Trân  vừa kêu lên khan cổ:
- Chị Ba ơi! Nhớ biên thơ về cho em, em thương chị lắm!
- Chị cũng thương em, cố học thiệt giỏi nghen! – Ngân gào lên át cả tiếng gió:- Mai mốt làm có tiền chị mua quà cho em.
Trân chạy hụt hơi theo chiếc xe màu đỏ tróc sơn lỗ chỗ. Ngân thò đầu ra cửa sổ, cố nhoài người để bắt tay em nhưng không được, cô đành bất lực nhìn theo cho đến khi khuất dạng.

CHƯƠNG 4


Thật hai mươi bốn tuổi có dáng dấp như Từ Hải trong chuyện Kiều của cụ Nguyễn Du, cao một thước bảy mươi lăm, vai rộng, mặt vuông chữ điền, trông dữ tướng nhưng hiền như cục bột. Thật lên thành phố lập nghiệp đã gần năm năm. Từ một anh cu li lóng ngóng, đến nay đã trở thành thợ chánh lành nghề, tiền công mỗi ngày năm chục ngàn, đó là chưa tính khoản trà rượu, thuốc lá do chủ thầu bao đãi. Tuy nhiên anh chẳng dành dụm được bao nhiêu. Ở cái thành phố mắc mỏ[1] này cái gì cũng phải tiền, nào là: tiền ăn, tiền trọ, tiền cà phê, thuốc lá, nhậu nhẹt, tình phí và vô số  những thứ linh tinh  khác. Nếu là đàn bà chắc Thật sẽ có dư.
Tuần nào cũng vậy, cứ mỗi chiều chủ nhật là Thật lại tới thăm Trang, dẫn Trang đi chơi. Hai đứa cùng quê, cùng học trường cấp một (  Thật học cuối cấp, còn Trang học đầu cấp ). Thật lên thành phố được gần hai năm thì Trang cũng lót tót theo sau. Ban đầu là tình cảm đồng hương, anh em rồi dần chuyển sang tình yêu trai gái lúc nào không hay. Bản chất tình yêu luôn ẩn dấu những bất ngờ không báo trước.
Thật đạp xe lộc xộc chở Trang đi lòng vòng khắp thành phố. Mỏi chưn thì ghé đại vô xe nước mía, rau má nào đó bên lề đường  giải khát để lấy sức đạp tiếp. Ở thành phố toàn là nhà cao từng, bê tông cốt thép chẳng có gì để coi, Thật đưa Trang ra ngoại ô đặng hưởng chút hương đồng gió nội cho  đỡ nhớ nhà.
- Đạp như vầy hoài không thấy mệt sao, anh?
Thật gò lưng, nhón đít khỏi yên xe cố vượt qua dốc cầu chữ Y. Cái dốc dài nhằng, đạp muốn ứ hơi vậy mà Thật vẫn cố nhe răng cười để lấy lòng người đẹp:
- Có em ngồi sau anh khỏe re. Một cái dốc, chớ mười cái dốc như vầy anh vẫn phăng phăng!
- Mệt thì nghĩ, đừng lấy le[2] nữa. Hay là để em trèo xuống?
- Thiệt mà, em áp mặt vô lưng anh để anh lấy thêm sinh khí. Nào, ôm chặt vô!
Để chứng tỏ mình không nói dóc, lên đến giữa cầu Thật quành đầu xe lại, thả dốc rồi tiếp tục leo dốc...cứ thế đủ mười lần! Nhìn lưng áo người yêu đầm đìa mồ hôi, Trang thương đứt ruột:
- Đúng là hai đứa lơ ngơ láo ngáo! Anh có thấy người ta dòm mình như những sinh vật  từ hành tinh khác tới hôn? Mệt  mà còn bày đặt làm le, thế nào tối vìa cũng nằm một đống cho mà coi!
- Không phải, đó là người ta thán phục sức mạnh của tình yêu. Như vầy thấm tháp gì, Anh dư sức chở em đi đến cùng trời cuối đất đến hết cả cuộc đời.
Thật nói như hát. Trang dụi mặt vô lưng Thật như chú mèo con. Nỗi xúc động của cô lây qua Thật. Hai người ngồi trên vạt đất trống đối diện với cánh đồng lúa còi cọc, Trang mơ màng trong hồi ức xa xăm:
- Ở quê mình vui nhứt là vô mùa gặt. Nhà em không có ruộng phải đi cắt lúa mướn vậy mà cũng vui, gánh lúa trên vai, lắng nghe tiếng kẽo kẹt chiếc đòn gánh mà sướng lâng lâng, đi như bay, gánh hoài  mà không biết mệt.
Nhà Thật khá hơn, có một ít đất  cày cấy, tuy nhiên anh em đông quá nên vẫn thiếu thốn trăm bề. Mấy anh em họp lại. Anh Hai nói ruộng ít, người đông, vậy ai là người chịu hy sinh. Thật đứng dậy nói, mọi người đều vợ con đùm đề để Thật đi là thượng sách. Thật làm ruộng giỏi vô địch và cũng yêu làng quê đất đai vô địch, phải dứt áo ra đi là chuyện chẳng đã. Lên thành phố cả tháng mà Thật cứ ngơ ngơ như người mất hồn. Hễ sau mỗi cơn mưa là Thật lại lấy đèn pin đi bắt cóc. Nhiều bữa bắt về lại thả chúng đi chớ không làm thịt nấu cháo. Bạn bè hỏi tại làm sao, Thật nói làm thịt hết mai mốt còn cóc đâu mà bắt, nhớ quê quá làm bậy cho đỡ buồn  chớ thèm khát gì mấy con cóc sần sùi.
- Mai mốt những vạt ruộng này cũng sẽ không còn. – Thật nói bâng quơ:- Có nhớ quê cũng chỉ biết coi hình mà thôi.
Tự nhiên Thật nhìn Trang cười tủm tỉm, hỏi:
- Trang ơi, chừng nào chúng mình lấy nhau?
- Nghe mà bắt ngán! Công chuyện, tiền bạc, chỗ ở chưa đâu vô đâu mà đã tính chuyện xa vời! Đang vui anh nói chuyện đó làm chi phát rầu.
- Thì cũng phải tính tới chớ em. Chẳng lẽ nghèo là không có cái quyền được hưởng hạnh phúc. Hạnh phúc là món quà của tạo hóa rải đều cho khắp thiên hạ, tất cả sanh linh bất kể sang hèn đều được hưởng. Lấy nhau, anh thề sẽ bỏ thuốc, bỏ nhậu, bỏ tất cả những thói hư tật xấu. Anh sẽ..
- Thôi, bỏ hết thì còn gì là anh nữa, thà anh cứ như vầy em lại yêu hơn.
Chiều nhập nhoạng. Xung quanh không một bóng người, chỉ có tiếng gió rào rào hòa lẫn tiếng kêu thảm thiết của con chim lẻ bạn. Hơi nóng từ cánh đồng bốc lên không trung , bất chợt cơn gió mạnh  bay tản mác đi khắp nơi. Phút chốc  chỉ còn sót lại chút dư âm của trời và đất.
- Tối rồi, mình vìa thôi, anh.
- Trang! – Thật nhìn Trang bằng đôi mắt rừng rực khiến cô vừa xôn xao vừa run rẩy:- Anh yêu em! – Thật vừa nói, vừa hôn lên mặt Trang.
Trang thở hổn hển, đôi tay buông thả một cách bất lực.
Thật luồn tay lần mở  ngực áo:
- Hãy cho anh..
- Không được – Trang vùng thoát khỏi cơn mê, dùng hết sức bình sanh đẩy Thật ra:- Em yêu anh nhưng chuyện này là không thể!
Nhưng ngọn lửa đam mê đã đốt cháy Thật, anh đè nghiến Trang xuống thảm cỏ xanh mượt.. Trang kiệt lực, nước mắt trào ra. Những giọt nước nhỏ li ti đủ sức dập tắt đám cháy ngùn ngụt. Thật bàng hoàng ngồi dậy. Sám hối. Ăn năn.
- Anh làm như vậy, em buồn lắm, em giữ là để cho anh. Hãy hứa với em, không bao giờ để chuyện này tái diễn.
- Anh ..anh xin hứa! – Thật nói phều phào.
Thật ngồi bó gối, đầu gục xuống khoảng giữa hai chưn. Từ xa vọng đến bản hợp xướng lũ cóc nhái, ễnh ương. Nghe buồn não ruột.


CHƯƠNG 5

Xí nghiệp may có vốn đầu tư một trăm phần trăm từ nước ngoài nằm lọt thỏm
trong Khu chế xuất rộng mấy chục hecta có tường rào chắn xung quanh chắc chắn như một pháo đài. Quản đốc phân xưởng là bà Trần, tên đầy đủ trong giấy khai sanh là Trần Lệ Hà, ba mươi sáu tuổi chưa có mảnh tình khoác vai. Ở độ tuổi này chưa gần  hơi đàn ông thể nào cũng dở dở ương ương! Tính khí cải lương, đồng bóng của bà Trần khiến người nhẫn nhịn nhứt cũng  không thể nào chịu nổi. Ngay cả cách gọi tên cũng khiến mọi người khó chịu, thay vì gọi là bà Hà, chị Hà hay cô Hà thì bà buộc mọi người phải kêu là bà Trần, cô Trần..cho có vẻ giống với cách gọi của ông chủ người Hoa! Nói nào ngay, bà Trần cũng gốc Đài Loan nhưng sanh trưởng ở Việt Nam, rành ăn món rau muống luộc, mắm tôm cà pháo còn hơn người Việt. Những cô công nhân tội nghiệp chưn ướt chưn ráo không biết cứ nhè ngay tên Hà mà kêu, mà réo  thì thế nào cũng bị bà chửi té tát vô mặt, thậm chí còn có thể bị phạt. Mỗi ngày, bà Trần ăn mặc rất diện và đến rất sớm. Sau khi giao ban, hội ý với Ban giám đốc bà chắp hai tay sau đít đi giáp vòng phân xưởng, cặp mắt một mí tinh tường ẩn sau lớp kính cận bốn độ bao quát khắp nơi, không bỏ sót cử động nào.
 Đây là phân xưởng may áo jacket. Hàng thành phẩm sẽ xuất sang châu Âu nên đòi hỏi những tiêu chuẩn rất khắt khe. Mấy cô gái vừa may cổ áo vừa tán gẫu chuyện bao đồng thì bất ngờ bà Trần xuất hiện. Gương mặt lạnh lùng của bà khiến các cô sợ khiếp đảm. Một cô đang ngậm kẹo me  lập tức nuốt trộng vô bụng, lấy taychùi mấy hột đường còn dính tùm lum  hai bên mép, cười toe.
Bà Trần trừng mắt nói :
- Sao không lo làm mà nói sàm nói dóc gì đó, tụi bây? Bộ muốn bị trừ tiền thưởng hả?
Một cô nhanh nhẩu:
- Dạ đâu có, tụi em đang trầm trồ cái áo của chị sao mà đẹp quá sá!
Bà Trần cau mặt:                                                                                                                                
- Đừng có nịnh nữa, nghe không lọt lỗ tai! Mày chỉ giỏi cái miệng, làm thì dở ẹc!
Cô gái chống chõi:
- Đâu mà, cả phân xưởng này tay nghề của em chỉ thua mỗi chị Hiếu.
Bà Trần co chưn đá đá đống đồ may sẵn , khoát tay ra hiệu cho nhân viên chuyển đi rồi xây người đi ngược trở ra. Hiếu đang đánh suốt thì bà Trần bước tới, đưa tay đặt nhẹ lên vai. Hiếu ngoáy người lại, chưn vẫn đạp mô tơ:
- Em chào chị Trần!
- Chào em! Từ sáng tới giờ làm được nhiều chưa?
Hiếu ngó xuống chưn. Bà Trần cúi xuống cầm một cái lên coi săm soi rồi gật đầu khen:
- May rất khéo! Nếu cả phân xưởng này ai cũng như Hiếu thì tôi chẳng có việc gì phải lo lắng.
Hiếu là người có thâm niên xếp vào hàng nhứt nhì ở Xí nghiệp. Tay nghề giỏi, chịu khó, năng suất lao động cao không ai bì kịp nên chẳng có gì ngạc nhiên khi cô luôn lãnh lương cao hơn mọi người. Hiếu lại là người không thích đụng chạm, chuyện mình mình làm không thích chúi mũi vô chuyện thiên ha. Cuộc sống nghèo khổ, nhọc nhằn cộng với bao trắc trở trong đời khiến cô trở thành một kẻ bàng quan lạnh lùng. Tháng trước Xí nghiệp xảy ra cuộc lãn công của công nhân đòi giới chủ phải thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng lao động. Người ta đề nghị Hiếu tham gia nhưng cô một mực chối từ. Chuyện làm ăn đang yên ổn, lương khá, chẳng tội tình gì mua dây buộc mình. Cuộc lãn  công thắng lợi nhưng mấy người cầm đầu bị ép phải thôi việc. Dẫu các tổ chức Công đoàn, Liên đoàn lao động có ra tay can dự nhưng không kết quả. Một khi người ta không thích thì có cả vạn lý do để tống cổ những công nhân cứng đầu cứng cổ  ra khỏi cổng Xí nghiệp mà không phải thanh toán một xu. Bản thân Hiếu cũng đã từng là nạn nhân trước tính khí lúc nóng, lúc lạnh  thất thường như thời tiết của bà Trần.
Không hiểu sao dạo này, bà Trần bỗng dưng thay đổi tánh nết trong cách xử sự với Hiếu. Chuyện này quả thiệt là đáng lo hơn mừng.  Bà ta luôn để ý, săn sóc  Hiếu quá ư  là kỹ lưỡng và thường xuyên ghé chỗ Hiếu làm và rốn lại rất lâu. Trong lúc trò chuyện bà luôn nhìn chằm chằm vào cặp ngực phập phồng nấp sau làn áo mỏng, đôi mắt ánh lên những tia sáng kỳ lạ. Rừng rực. Thèm khát. Thậm chí có lần bà còn đưa tay bóp nhẹ lên ngực Hiếu:
- Ái chà, lớn tuổi rồi mà ngực còn cứng ghê ha!
Hiếu giựt thót, ốc ác đâm tua đâm tủa khắp lỗ chưn lông, đưa tay gạt ra. Bà Trần cười :
- Cũng  là đàn bà với nhau có gì đâu mà! Em làm như  tôi là thằng cha dê xồm nào! – Đoạn bà ta cười ré lên:-  Hôm nào ghé nhà tôi, tôi có mấy bộ đồ lót vừa cỡ với em. Nè, cặp ngực đẹp vậy đừng để cho thằng nào bóp nghe chưa!
Hiếu co người lại, nhìn bà ta bằng ánh mắt chú gà con tội nghiệp đang chạy trốn móng vuốt diều hâu. Cảm giác lộn mửa tràn lên cuống họng. Hiếu muốn gào lên , đồ dịch vật! Hãy để tui yên!  Nhưng Hiếu chỉ nghĩ vậy chớ không dám thốt ra. Bản chất Hiếu là rùa, hễ đụng chuyện là rụt cổ vô chiếc mu cứng để tìm sự bình yên.
Tranh thủ những lúc rảnh việc, bà Trần thường lân la đến chỗ Hiếu. Trong lúc trò chuyện, đôi bàn tay như hai con rắn độc liên tục cựa quậy khắp chỗ kín trên người  Hiếu. Thấy Hiếu có vẻ không thích, lập tức bà rụt tay lại, cười hề hề:
- Có gì đâu mà. Cả Xí nghiệp này chúng nó khinh tôi như chó chỉ có Hiếu coi tôi là người! Tôi thích Hiếu vì lẽ đó.
Bà Trần liệng cái áo jacket xuống đất, áp sát ngực vô lưng Hiếu. Mùi dầu thơm  mắc tiền xông vô mũi gây cho cô cảm giác khó chịu. Bất chợt bà Trần đưa gí sát mũi lên mái tóc đen nhánh của Hiếu rồi làm bộ la lên thất thanh:
- Em xài dầu gội đầu loại gì mà hăng quá vậy?
Hiếu cười ngượng nghập:
- Dầu gì đâu! Em  xài toàn xà bông cục giặt đồ! 
- Bà Trần nói:
- Chiều thứ Bảy tuần này em đến nhà tôi, tôi có cả lố dầu gội  ngoại chưa xài tới.
Hiếu khước từ:
-    Thôi, em quen xài một thứ rồi, thay đổi tùm lum dễ có gàu.
- Bà Trần liệng cái nhìn vừa mơn trớn , vừa nghiêm nhặt  về phía Hiếu rồi nói:
- Em phải tới! Đó là lịnh. Nét mặt bà Trần chợt dùn ra:- Mà tôi đâu có ăn tươi  nuốt sống ai đâu mà em sợ dữ  vậy?
Hiếu đáp:
-    Không, chẳng qua là em không muốn phiền phức tới người khác.
Bà Trần bĩu môi :
-    Phiền gì mà phiền!  Đúng năm giờ chiều nghen. Tôi chờ.
Hiếu ngồi chết trân, khắp người xuất hãn mồ hôi hột. Lúc sau Hiếu rụt rè hỏi :
-    Em nghe Xí nghiệp sắp cắt bớt hợp đồng?
Bà Trần :
-    Sao em biết?
Hiếu cười nhẹ :
-    Em chỉ nghe phong thanh.
Bà Trần im lặng một lúc rồi gật đầu:
-    Đúng vậy. Hàng hóa xuất qua Âu Châu gặp trúc trắc ...Nhưng có tôi đây thì  em khỏi phải lo lắng gì ráo.
Hiếu nói lí nhí:
-    Cám ơn chị.
Bà Trần tươi cười:
-    Ơn nghĩa gì. Nhớ thứ Bảy này tới đúng hẹn là được rồi!
Hiếu gật đầu một cách máy móc. Bà Trần cười mãn nguyện:
- Thôi, em làm việc. Tôi còn phải  đi kiểm tra lũ tiểu yêu làm ăn như thế nào, lơ tơ mơ là không xong với chúng.
Nhành và Trang ngồi kế bên nhau ở chính giữa xưởng may. Nhành may cổ áo. Trang may túi. Chỗ Huệ làm  ở tuốt trong kẹt dãy bên kia. Lúc này là gần mười giờ sáng, tất cả đều vùi đầu vô công việc. Âm thanh phát ra từ những chiếc máy may công nghiệp rào rào như tằm ăn lá. Trang múa tay thoan thoát,  vừa nói chuyện với Nhành :
- Chị Ngân mới vìa nhà mình, chị đánh giá như thế nào?
Nhành, dừng chưn giậm mô tơ, tay cầm  kéo cắt chỉ, nói:
- Đẹp. Có học thức.
Trang nói :
- Ấy là em muốn nói đến tánh tình kia.
Nhành nói :
- Mới về làm sao biết được, nhưng chắc là không đến nỗi xấu.
Trang lái sang chuyện khác:
- Năm nay chị có ý định vìa nhà ăn Tết hôn?
Nhành day mặt về phía Trang, ngạc nhiên nói:
- Mới đầu năm mà đã nói tới chuyện tết nhứt rồi sao. Con nhỏ này thiệt là lẩn thẩn!
Trang cười cười:
- Không có chuyện gì để nói, buồn miệng hỏi chơi thôi!
Nhành đáp:
- Về chớ, cày hùn hục như trâu cả năm cũng phải nghĩ xả hơi lấy sức. Với lại ông già khó tánh lắm, không về là không xong với ổng đâu. Còn mày thì sao, bộ có chuyện gì hả?
Trang thở dài, nói nhắp nhứ  trong cuống họng:
- Có lẽ từ rày em  sẽ ăn tết luôn ở Sài Gòn, vìa nhà chỉ gặp toàn chuyện buồn. Tết nhứt  mà trong nhà không có lấy hột gạo. Má em bị bịnh  nằm mẹp , ho khù khụ trên giường mà không bói đâu ra một viên thuốc. Nhìn mấy đứa cháu đen sặm đang tuổi ăn, tuổi lớn ngồi cho hỏ trước thềm nhà, mà thương đứt ruột. Em đã nghĩ kỹ rồi,  thấy không vìa là tốt nhứt.
Nhành băn khoăn:
- Mày làm vậy là không đúng đâu, chim có tổ người có tông.
Trang gật đầu:
- Em biết, nhưng làm sao bây giờ? Nội tiền chi phí đi đứng cũng đủ cho cả nhà ăn cái tết tàm tạm. Rồi cô thở dài chán nản :- Ở thành phố này sao có nhiều người giàu quá trời quá đất! Họ xài tiền như rác. Còn chị em mình kiếm được một đồng đến chảy máu mắt!
Nhành cười buồn:
- Ai biểu chị em mình đầu thai lộn chỗ. Đời là vậy đó, có kẻ giàu, người nghèo thì mới tạo nên một xã hội. Ai cũng như ai thì nói làm chi. – Nhành im lặng một lúc rồi buông ra một câu:- Cũng tại kiếp trước, mấy đứa mình vụng tu!
Chợt có tiếng nạt nộ giận dữ của bà Trần phát ra từ phía sau. Nhành, Trang xây lại thì thấy bà Trần cầm chiếc áo jakect quất túi bụi vô mặt cô công nhân có gương mặt xanh mét.
- Đồ khốn! Mày làm ăn như  vầy đó hả? Mắt mũi mày để đâu?
Vừa nói bà Trần vừa vụt tới tấp lên người cô gái. Cô bé tội nghiệp không dám
phản ứng mà chỉ trân người ra hứng chịu cơn thịnh nộ. Quất mỏi tay bà Trần ra lịnh cho cô gái đứng dậy, bước ra ngoài:
- Mày đứng đây chờ tao kiểm tra một lượt rồi tính sổ luôn thể.
Nói xong bà hậm hực đi kiểm tra hàng loạt. Lúc sau đã có thêm sáu cô công nhân nữa, trong số này có cả Huệ. Huệ không tỏ vẻ sợ sệt thái quá như  mấy người khác, cô cúi xuống đất không phải vì sợ mà để nín cười. Cũng tại miệng cười mất trật tự của Huệ mà bà Trần càng thêm lộn ruột. Nó chọc quê mình đây!  Bất ngờ bà ta nắm lấy ngực áo Huệ kéo mạnh về phía mình:
- Mày là đứa vô tích sự nhứt! Tháng rồi làm hư  cả chục sản phẩm,  bây giờ lại tiếp tục tái diễn. Có phải mày cố tình chống chọi với  tao phải không?
Huệ thanh minh rành rọt tại máy cũ quá nên liên tục bị trục trặc chớ không phải cố tình làm vậy, chẳng ai dại dột muốn rước phiền phức vô mình, nếu không muốn sản phẩm tiếp tục bị hư thì nên thay cái khác. Nhìn vẻ mặt nhơn nhơn của Huệ, bà Trần điên tiết đến sùi bọt mép, giơ thẳng cánh tay giáng xuống mặt cô, nhưng Huệ đã nhanh tay giữ lại, nói khít qua kẽ răng:
- Tui làm hư thì bà trừ lương, cấm bà  không được xúc phạm đến nhân phẩm của tui!
Bà Trần cười nhạo báng:
- Cái nhân phẩm của mày đáng giá bao nhiêu? Tao phỉ nhổ vô cái giá trị  thúi tha của lũ chúng mày. Đoạn bà ta nhìn nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống đám công nhân đang run cầm cập:- Theo tao ra ngoài đây!
Bà Trần trừng phạt bằng cánh cho bảy cô công nhân đứng úp mặt vô tường ngay trước cổng chánh. Lúc này cả phân xưởng bắt đầu nhốn nháo cả lên. Nhiều người bỏ dở công  việc chạy ùa ra phía ngoài nhao nhao phản đối. Nhành là người tỏ ra gay gắt nhứt, cô “ tả xung hữu đột “ dẫn đầu đám đông tiến ra gặp bà Trần đang đứng la lối um sùm  giữa sân:
- Tui đề nghị bà chấm dứt ngay tình trạng này, nếu không chúng tôi sẽ thưa bà về tội làm nhục công dân.
Ánh mắt bà Trần lóe những tia hằn học  sau lớp kính cận:
- Cũng lại là mày, đứa chuyên trị cầm đầu nỗi loạn! Tao đâu có đụng chạm tới mày, sao mày lại thích xía vô chuyện của tao? Dòm thấy mày là tao phải tránh xa rồi!
- Bà cũng vừa või gì!
- Nhành nói:- Tui yêu cầu bà phải tôn trọng quyền con người.
- Cóc nhái tập tọe làm người cũng học đòi nói lý lẽ! Bây giờ tụi bây kéo bè, kéo đám tính làm loạn hả? Tao cho Bảo vệ gô cổ cả lũ!
Nhành nói:
- Bà muốn làm gì  thì cứ việc  nhưng phải dựa theo luật pháp. Nếu bà còn tiếp tục đối xử với công nhân như súc vật nhứt định chúng tôi sẽ không để  yên.
- Tụi bây sẽ làm gì tao? – Bà Trần đứng dạng chưn, chống nạnh thách thức.
Thấy tình thế bất lợi, bà Trần bèn khoát tay ra hiệu cho đám nhân viên bảo vệ xông ra can thiệp. Nhưng lúc này hầu như toàn bộ công nhân đã túa hết ra ngoài. Rộn rạo dưới sân. Họ gào thét phản đối. Thậm chí có người quá khích bắt đầu đập phá cửa kiếng, đồ đạc...Số bảo vệ ít ỏi không chống lại đám đông đành phải tìm đường lẩn trốn. Bà Trần bị quây vô giữa, bị xô đẩy như  trái banh tennis , áo quần xốc xếch, nhàu nát, cặp kiếng cận bị bể nát dưới gót chưn. Một nữ công nhân không kìm chế đã xông vô,  nắm  cổ áo bà Trần giựt mạnh làm mấy chiếc nút áo bắn ra để lộ cặp ngực trắng nõn, chảy xệ.
- Cởi truồng con mụ độc ác đó ra đi!
Lập tức đám đông phẫn nộ xông vô đè giẹp bà quản đốc xuống nền xi măng. Nhành cùng hai người nữa giữ chặt vai mụ. Huệ phụ họa với đám đông cởi tuột chiếc váy..
Ông phó giám đốc phụ trách nhân sự lính quýnh chạy ra, trợt chưn trên bậc tam cấp lộn mèo mấy vòng. Quên cả đau, lập tức lồm cồm ngồi dậy, xông vô giữa đám đông hỗn loạn:
- Không được manh động! Có việc gì thì bỉnh tĩnh thương lượng, giải quyết. Các anh chị làm nhục công dân  là vi phạm pháp luật. Xin hãy nghe tôi nói.
- Vậy bả làm nhục chúng tôi thì ai phán xử? – Một người trong đám đông gào lên :- Cho bả biết tay đi!
Mọi chuyện chỉ chấm dứt khi mấy anh công an phường có mặt. Bà Trần, xây xước, bầm giập như trái dưa gang chín rục, được hai tay bảo vệ hộ tống về phòng riêng thay quần áo. Khoảng mười phút sau vài cán bộ ở Liên đoàn lao động thành phố bắt đầu xuất hiện trước cổng Xí nghiệp để giải quyết chuyện xô xát vừa xảy ra.
 
 



<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.03.2007 04:43:23 bởi NuHiepDeThuong >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9