Tiểu thuyết " Như lục bình trôi " chương 6 - 10
nguyen hoang 20.03.2007 07:54:05 (permalink)
CHƯƠNG 6


Xuống xe buýt đi thêm một đoạn chừng năm trăm mét Ngân mới tìm được địa chỉ Trung tâm giới thiệu việc làm sinh viên. Cô hơi thất vọng vì cái không gian chật chội nồng nặc  mùi thuốc lá, kẹo cao su, vỏ hột dưa đỏ lòm...coi giống như quán nước tồi tàn hơn là địa điểm giao dịch . Cô thư ký có mái tóc nhuộm vàng, môi tô gam màu lạnh kiểu Hàn Quốc vừa tiếp khách,  vừa nện gót đôi guốc cao gót lên nền gạch trơn bóng:
- Muốn làm chuyện gì? – Cô ta hất hàm hỏi một cách trịch thượng.
- Tôi là cử nhân kinh tế muốn tìm công việc phù hợp với chuyên môn.
- Chuyên môn! – Cô thư ký kéo dài giọng châm chọc :- Cử nhân kinh tế, cử nhân luật hơi bị lạm phát! Cứ mười cô cậu cử ra trường thì đã có đến bốn người là luật gia, nhà kinh tế học! Dân thành phố thứ thiệt còn thất nghiệp dài dài nữa là. Có chịu làm “ Thiên Lôi “ không?
Ngân chưng hửng hỏi lại:
- Gì ạ?
- “ Thiên lôi “ có nghĩa là sai đâu đánh đó, hiểu chưa?
Thấy ngân cứ trù trừ, cô thư ký xua tay lia lịa:
- Lâu lắc quá, chị xê ra để tôi tiếp người khác!
Ngân thụt lùi một bước nhường chỗ cho một cô gái mặc chiếc áo cổ cánh sen màu tím than. Cô này toét miệng cười cầu tài, trưng ra cả xấp bằng cấp photocopy đóng dấu đỏ chót, nào là: Anh văn, vi tính, tốc ký...
Vẫn giọng điệu cũ, cô thư ký hỏi :
- Có một tiệm cà phê cần một chưn phụ việc chị có đồng ý làm không?
Cô mặc áo tím lập tức gật đầu, không cần suy nghĩ:
- Được ạ!
- Thời gian làm việc từ  năm giờ chiều tới mười một giờ đêm. Hai chục ngàn đồng. Đồng ý thì điền vô đây.
Cô thư ký chìa ra mẫu đơn đã soạn sẵn. Cô áo tím viết xong. Cô thư ký lại nói:
- Đóng năm chục lệ phí.
Cô áo tím lật đật móc túi lấy ra tờ năm chục đặt lên bàn rồi cầm tờ giấy ghi địa chỉ, đạp xe dông mất. Ngân  tần ngần một lúc rồi rụt rè bước tới.
- Chị có thể giới thiệu tôi một chưn làm gia sư không?
- Gia sư hả? – Cô thư ký nhắc lại máy móc rồi giở quyển sổ li nhi lít nhít những con số, địa chỉ  :- Hết chỗ rồi. Chị có rành về quần áo, may mặc không?
Ngân trả lời không được tự tin:
- Biết chút chút.
- Chút chút cũng được, nghề dạy nghề. Nhìn bộ dạng của chị không đến nỗi đần độn. Ghi vô đây. Làm việc từ tám giờ sáng đến năm giờ chiều, chủ bao cơm trưa, tiền công hai chục một ngày, nếu làm thêm giờ sẽ trả theo thỏa thuận. Năm chục – Cô ta xòe bàn tay nhịp nhịp mấy cái.
Ngân băn khoăn:
- Nếu ở đẳng người ta không nhận thì sao?
Cô thư ký liếc một cái bén như lưỡi lam , nói sa sả bằng giọng vừa không hài lòng, vừa khinh bỉ:
- Trung tâm chúng tôi là tổ chức nhân đạo chủ yếu giúp người chứ không màng đến lợi lộc. Chị không tin tưởng  thì kiếm chỗ khác chúng tôi không ép. Lờ khờ  để tụi xấu nó gạt  cho trắng mắt ra!
Ngân đóng tiền và đưa ra một yêu cầu:
- Chị phải đảm bảo cho tôi có việc làm có đúng không?
- Cô thư ký quơ cánh tay gạt tờ giấy bạc cho vào ngăn kéo một cách thuần thục, giọng nói trở nên dễ dãi hơn:
- Tức nhiên, ở đó không nhận thì chị quay lại đây, chúng tôi sẽ giới thiệu một công việc khác.
Ngân bước ra ngoài lấy xe đạp. Chiếc xe đạp của  Hiếu bị hư tùm lum, vụt lăn lóc  trên gác, Ngân đem ra thợ sửa hết bốn chục ngàn mới có thể cọc cạch. Ngân cầm tờ địa chỉ, hỏi anh  nhân viên giữ xe:
- Từ đây đến đó có xa không, anh?
- Xa và vòng vo! – Anh ta trả lời :- Trước tiên, cô đi thẳng đến ngã tư thì quẹo tay mặt, sau đó tiếp tục vừa đi vừa hỏi. Nói một lần thế nào cô cũng bị lộn xộn.
Trời nắng chang chang, Ngân đạp xe theo hướng dẫn đến ngã tư đèn đỏ, cô hỏi thăm anh cảnh sát giao thông đang đứng bên cạnh chốt đèn. Anh ta sốt sắng xé gói thuốc lá, vẽ sơ đồ ngòng ngoèo  rồi đưa cho cô :
- Cô bé cứ đi theo sơ đồ này nếu không kiếm  được thì tới  đây nằm vạ!
Đoạn anh chàng nhìn Ngân  cười lém lỉnh:
- Cô bé mới từ dưới quê lên phải không?
Ngân lấy làm lạ. Anh ta cười hề hề:
- Bởi vì anh hửi thấy mùi hương đồng gió nội!
Ngân đạp xe đi thẳng. Trong bụng cười thầm. Anh chàng mặt còn búng ra sữa mà dám kêu người ta là cô bé này cô bé nọ. Tại sao anh ta tinh ý đến vậy cà? Chỉ dòm sơ sơ  đã nhận ra”  chưn tướng thím Hai Lúa “ của mình?
Gần một giờ đồng hồ sau,  cô mới đến được địa chỉ cần kiếm. Đó là một cửa hàng thời trang khá đồ sộ nằm ngay trung tâm thị tứ. Phía trước có treo vô số quần áo may sẵn đủ kích cỡ, màu sắc lòe loẹt coi  rất ấn tượng. Ngân dựng xe trên vỉa hè. Lóng ngóng.  Lúc này, bên trong cửa hàng đang diễn ra cảnh mua bán ồn ào, mấy cô nhân viên chạy lăng xăng phục vụ khách hàng, một cô ngồi ở góc trong cùng liên tục gõ phím vi tính. Ngân hít một hơi thật sâu lấy hết can đảm bước vô. Ngay lập tức, một cô có mái tóc xù bước ra chào mời dẻo nhẹo:
- Chị muốn mua loại nào, hàng hiệu hay đồ gia công? Tướng tá “  mi nhon “ như chị phải dùng thứ xịn mới thích hợp, để tôi lựa cho chị một bộ.
Rồi chẳng đợi Ngân đồng ý hay không cô tóc xù dùng cái sào có cù néo lôi ngay chiếc áo thun hở cổ , dài tay, màu huyết dụ treo trên đầu rồi ướm thử  lên người cô:
- Chị thấy sao? Màu sẫm làm nổi bật làn da trắng như bông bưởi, tôi dám cá người yêu của chị mà nhìn thấy sẽ nhồi máu cơ tim!
Ngân hoàn toàn bối rối, cô chưa biết phải xử trí như thế nào thì cô gái tóc xù tiếp tục níu kéo. Lần này là chiếc quần jean thun màu xanh da trời.
- Áo thun phải mặc với chiếc quần này mới đúng gu, nếu có thêm đôi guốc cao gót nữa chị sẽ biến thành người mẫu! Chị lấy nghen?
Đến nước này Ngân đành phải nói toạc móng heo :
- Không. Tôi...tôi đến đây để xin chuyện làm. Đây là thơ giới thiệu của Trung tâm...
Cô tóc xù bỗng sụ mặt, đánh xì một hơi dài, ném cái nhìn tức tối về phía Ngân:
- Có miệng sao không chịu lên tiếng? – Cô tóc xù nói chót chét :- Để người ta nói khô cổ họng! Người gì đâu mà kỳ cục quá!
Cô ta nhìn lướt qua tờ giấy rồi hất hàm về phía cô gái đang gõ vi tính:
- Vô trỏng mà hỏi – Giọng cô ngắn xủn – Bữa nay là ngày gì mà gặp toàn quỷ ám!
Ngân đặt tờ giới thiệu lên bàn, và khép nép ngồi xuống trên chiếc ghế bên cạnh. Cô Vi tính ngửng  mặt lên, tiếp khách bằng cử chỉ thờ ơ, lãnh đạm cố hữu từ hồi cha sanh mẹ đẻ:
- Chúng tôi đã tuyển đủ người từ tuần trước rồi!
Ngân thấp thỏm trên ghế:
- Nhưng sáng nay người ta...
Cô Vi tính nóng nảy, nói hớt:
- Tôi biết chị định nói gì rồi. Từ sáng đến giờ chị là người thứ tư tới đây xin việc làm theo thơ giới thiệu! Tôi rất bực mình vì liên tục bị quấy rầy khiến việc kinh doanh bị ngừng trệ. Đúng là tuần trước chúng tôi có nhu cầu tuyển người và mọi việc đã được giải quyết ngay trong ngày hôm đó, vậy mà người ta cứ làm phiền chúng tôi hoài! Tôi cho chị một lời khuyên, đừng bao giờ tin vào mấy cái Trung tâm lừa đảo đó. Phương châm của họ là sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi!
Ngân quày quả bước ra bỏ lại sau lưng những tràng cười nhạo báng. Co chưn gạt cái chống ngang, Ngân đạp xe như bị ma rượt. Đi được một đoạn chừng vài trăm mét thì chiếc xe bỗng dở chứng tuột sên. Cô nhảy xuống vật lộn với nó. Gắn được, thì mình mẩy dính đầy dầu mỡ. Chưa kịp thở phào thì nó lại tiếp tục nằm vạ! Ngân bất lực. Xe mới sửa sao lại hư? Đẩy cái của nợ vô chỗ sửa xe ở góc ngã tư. Bác thợ tháo sên ra chặt bớt mấy mắt rồi lắp trở vô, xoa tay cười hề hề:
- Xài đỡ ! Sợi dây sên này đáng ra phải liệng vô đống rác rồi. Cô cho tui ba ngàn.
Ngân trả tiền, đạp xe ngược về đường cũ. Nắng chóa. Gió thổi ngược,  đất cát bay rào rào vô mắt. Cô đưa tay dụi dụi mấy cái. Cơn khát như bàn tay xương xẩu  bóp nghẹn cuống họng. Gần mười giờ, Ngân có mặt ở Trung tâm. Thấy cô bước vô, cô thư ký đang ngồi run đùi bèn ngửng  mặt lên, giả bộ ngạc nhiên hỏi:
- Sao quay trở lại? Bộ không thích công việc đó à?
Ngân cố kiềm chế, kể lại toàn bộ sự việc. Câu chuyện thỉnh thoảng bị gián đoạn  bởi những hồi chuông điện thoại từ nơi khác gọi tới. Nghe xong, cô thư ký toét miệng cười tỉnh bơ:
- À, thì ra là vậy! Nhận được người nhưng họ không thông báo cho chúng tôi nên mới xảy ra cớ sự như  vầy. Không sao, tôi sẽ giới thiệu chị một công việc khác.
Cô thư ký giở cuốn sổ cong tớn,  mắt sục sạo một lúc rồi thốt lên:
- Có một tiệm bán giày dép cần người phụ việc bán thời gian, chị thấy thế nào?
Ngân bán tín bán nghi:
- Nếu ở đó như chỗ trước thì sao?
- Làm gì có chuyện đó nữa!  Chị cứ tới, tôi sẽ gọi điện thoại thông báo cho họ.
Để Ngân thêm vững tin, cô thư ký nhấc ống nghe và bấm số lách tách. Ngân ngước nhìn đồng hồ, bây giờ đã là mười giờ bốn mươi lăm phút. Đạp lẹ. Tới nơi chắc cũng gần giữa trưa.
Địa điểm mới nằm theo chiều ngược lại. Tìm được địa chỉ cần kiếm thì cặp giò của Ngân tưởng chừng sắp rụng. Tiệm giày dép bé tẹo, vắng như chùa bà Đanh. Cô nhân viên bán hàng nằm ngủ gục trên tủ kiếng, nước miếng ke chảy thành bệt bên cạnh chiếc quạt máy chạy vù vù. Ngân thoáng thất vọng, e dè bước vô. Nghe tiếng chưn người, cô nhân viên hé cặp mắt ngáy ngủ lừ đừ dòm khách rồi đưa tay gãi đầu sột sột. Rút kinh nghiệm lần trước, Ngân đi thẳng vô vấn đề. Nghe xong, cô bán hàng nhếch mép cười chọc quê:
- Trời đất, bán ế muốn chết đến nỗi bà chủ phải tống khứ  cho rảnh nợ. Nhận chị vô để làm tượng  cho tui đốt nhang thờ à?
Ngân sững người chết điếng. Cô bán hàng tỏ vẻ áy ngại và an ủi Ngân bằng ly nước lọc đầy tràn:
- Chị uống nước đi. Thấy tình cảnh chị cũng tội nghiệp, nhưng không thể làm gì hơn, bản thân tui cũng là dân ở đợ.
Ngân trở lại Trung tâm giới thiệu việc làm. Lúc này đã gần một giờ trưa. cánh cửa kiếng Trung tâm  đóng kín. Ngân ngó dáo dác, thấy quán cơm bình dân nằm cách đó không xa bèn sán tới, ngồi xuống chỗ trống, kêu một dĩa cơm tàu hủ kho với mấy miếng da heo. Lát sau xuất hiện một cô gái trạc bằng tuổi Ngân ngồi xuống chiếc ghế trống kế bên. Trong lúc chờ cơm cô ta uống liền mấy ly trà đá miễn phí. Xẹt một cái,  dĩa cơm đã hết sạch. Ngân thủng thẳng uống nước, mắt nhìn chăm chăm về phía bên kia đường. Cô gái rời mắt khỏi dĩa cơm, nhìn Ngân hỏi không chủ ngữ:
- Bộ  xin việc làm ở  bển hả?
Cô ta hất hàm về phía cánh cửa kiếng bị khóa. Ngân gật đầu. Cô ta lại nói:
- Đến lượt nhân vật thứ một triệu chín trăm chín mươi chín bị tụi nó xỏ mũi rồi! Bực mình ở chỗ,  họ khoác chiếc áo “ Trung tâm giới thiệu việc làm sinh viên” để gạt những người khốn khổ chúng ta. Đúng là chó cắn áo rách!
Ngân lắc lư trên ghế, mắt trân trân dòm người đối diện. Từ phía ngược chiều một chiếc xe tải chở đầy đất cát lao đến với tốc độ chóng mặt cuốn theo vô số bụi bặm. Ngân lấy tay che ly nước, ho ran mấy tiếng:
- Sao lại gạt? – Ngân nói :- Họ nói, nếu không giới thiệu được việc làm sẽ hoàn trả lại lệ phí  mà.
Cô gái cười dã dượi. Đôi vai run lên sau lớp áo sơ mi kẽ sọc:
- Còn khuya! Họ chỉ trả lại phần nào thôi, phần còn lại bị khấu trừ vô cái gọi là “ chi phí dịch vụ”. Nói trắng ra, đó cũng là một hình thức ăn cướp mà không bị công an rờ đầu, bởi vì chẳng có ai bỏ công sức mà thưa kiện lôi thôi chỉ vì mấy chục ngàn đồng bạc. Những loại dịch vụ thổ tả như vầy mọc đầy rẫy khắp thành phố. Thử  tính coi, mỗi ngày chỉ cần dụ khị được mươi người là rủng rẻng hầu bao! Không tin hả? Lát nữa sẽ sáng mắt ra thôi mà.
Qua câu chuyện, Ngân biết tên cô gái là Hà. Hà quê ở Kiên Giang, bằng tuổi Ngân, nhưng từng trải, già đời hơn. Hà  tốt nghiệp khoa hóa, đã từng làm đủ nghề để mưu sinh; nhân viên tiếp thị, gia sư, chạy bàn, thi mướn..và nghề mới nhứt của Hà là bán máu chuyên nghiệp. Chấm dứt  câu chuyện dài nhòng Hà tớt miệng cười vô cảm. Do bằng  tuổi tác và học thức nên họ xưng hô là “ cậu “ với “ tớ “.
- Ủa, theo tớ được biết, mỗi lần cho máu phải cách nhau ba tháng...
Hà rót thêm cốc trà đá, ngửa cổ uống cạn rồi lấy tay chùi mép:
- Đợi đủ ba tháng có mà chết đói nhăn răng! Tớ,  hàng tuần phải bán máu một lần mới đủ xây xở. Cậu coi nè – Hà móc trong túi ra có đến cả chục thẻ hiến máu nhân đạo:- Tất cả Trung tâm hiến máu ở thành phố này đều rành mặt tớ, thậm chí tớ còn phải sang các tỉnh lân cận để rao bán cái vốn tự có của mình! Mình bán máu để có cái ăn,  ăn vô cơ thể lại sanh ra hồng huyết cầu để có cái mà bán! Đó gọi là mối quan hệ hữu cơ. Dạo này người ta chê máu tớ xấu không chịu lấy. Tương lai bắt đầu u ám rồi đây - Hà vừa nói, vừa cười, như là giỡn chơi!
          Dòm  gương mặt ráo hoảnh của Hà, trong lòng Ngân cảm thấy bất an. Hà gõ gõ đầu móng tay lên mặt bàn, rồi thở khì khì như rắn trun đang phun nọc độc:
- Không sao, đói thì đầu gối cũng phải bò, lo gì. Cuộc đời này chó má lắm. Chúng ta là những người khốn khổ, giúp được gì thì giúp. Đây là địa chỉ của tớ, bữa nào cần bán máu thì nói một tiếng, tớ không lấy tiền cò!
Hà kêu tính tiền cơm. Ngân giành trả. Hà trợn mắt nói:
- Đừng sĩ! Hôm nay có tiền để tớ lo. Tiền bán máu ăn hột cơm thấy nó mặn thế nào ấy! – Nói xong Hà cười vang.
Hà trèo lên xe đạp, ngoáy cổ lại nói:
- Bây giờ tớ phải vô nhà sách học nốt bài “ lập trình cơ sở dữ liệu”. Mấy tay nhân viên nhà sách nhìn thấy tớ là phát ngán còn hơn  cơm nếp nhão! Thậm chí có người chẳng ngại  nói thẳng vô mặt tớ, tôi thấy, cô vô đây cả năm rồi, mà chẳng mua nổi cái bao thơ!
Ngân trở về nhà lúc nhá nhem tối,  chưn tay mỏi nhừ, thở không ra hơi. Dựng
xe vô góc tường, cô ngả vật xuống nằm sải lai giữa nhà thở hổn hển. Hôm nay đúng là một ngày xui tận mạng, vừa mất tiền vừa tốn công vô ích. Quả nhiên,  như lời Hà nói Trung tâm chỉ trả lại cho cô có hai chục ngàn, còn ba chục bị trừ vô chi phí dịch vụ. Cô đã phản ứng khá gay gắt, thậm chí còn đập bàn rầm rầm. Họ mới ói thêm năm ngàn :- Như vậy là chúng tôi đã quá nhân nhượng với chị rồi, nếu  không hài lòng,  thì cứ việc đi thưa, chúng tôi sẽ đi hầu! Nằm một lúc. Ngân ngồi dậy, xuống bếp nấu cơm. Trong lúc lặt rau, cô bỗng liên tưởng đến Hà, cô gái bề ngoài có cử chỉ khinh bạc bất cần đời, nhưng  ẩn chứa sau đôi mắt là cái nhìn canh cánh nỗi tuyệt vọng khủng khiếp của một người đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Bất giác cô thở dài thườn thượt khi nghĩ đến tương lai mịt mờ phía trước. Luộc rau xong, Ngân đóng cầu dao điện bơm nước rồi lấy quần áo đi vô nhà tắm. Cô trút bỏ những mảnh vải cuối cùng trên người, mắt nhìn trân trân vô tấm kiếng hoen ố trên tường.
 

CHƯƠNG 7

Gần mười giờ đêm mọi người mới lục tục kéo về. Hiếu là người đầu tiên bước vô, cô quẳng chiếc túi xách giả da, gieo người xuống nền gạch thở phì phò như  trâu già vừa cày xong thửa ruộng. Ngân rót cốc nước chưa kịp đưa cho Hiếu thì Trang sà tới đón lấy tu một hơi hết sạch:
- Chị Hiếu xích ra cho em nằm một chút. Chị Ngân làm ơn bật giùm cái quạt. Hôm nay sao mà mệt quá chừng, em cứ tưởng bị xỉu tại chỗ làm, vậy mà cũng mò được về tới nhà, hay thiệt ! - Trang vừa nói vừa đưa tay đấm đấm lên khắp người.
Nhành và Huệ cùng xuất hiện ngay ngạch cửa. Huệ ngồi bệt ngay lối ra vô, Nhành lách người, ngồi xuống ngay chỗ cái quạt. Ngân bưng bình nước cùng mấy cái ly, mời mọi người và nói:
- Nghĩ ngơi cho khỏe rồi ăn cơm.
Hiếu chuyền cái ly rỗng cho Nhành rồi hỏi:
- Lúc chiều lên văn phòng sao rồi?
Nhành chưa kịp lên tiếng thì Huệ đã cướp lời:
- Thì nghỉ khỏe chớ sao! Thân ở đợ người ta đuổi lúc nào mà chẳng được!
Trang nghếch cổ lên dòm Nhành, chép miệng tiếc rẻ:
- Chị Nhành tay nghề giỏi, nghỉ, uổng quá. Chị bên cạnh,  em có người rủ rỉ đỡ buồn. Với lại em quen hơi rồi, không có chị em cứ như người ghiền thiếu thuốc!
- Quen hơi tao hay quen hơi thằng Thật, nói lại đi! – Đoạn cô thở khì một cái:- Uổng gì. Hơn hai chục người chớ đâu phải chỉ mình tao với con Huệ. Mà tao cũng chẳng thiết tha gì cái nghề mạt hạng này! Công việc thì nặng nề mà  tiền lương nhẹ hều  đã đành, người ta còn cư xử chẳng khác nào con chó!
Còn tệ hơn chó nữa là đàng khác. Hai con chó cắn lộn, con nào yếu thế hơn liền ngửng cổ lên tỏ ý chịu thua. Con thắng thế sẽ ngoe đuôi bỏ đi chớ không bao giờ tấn công đối phương sức yếu thế cô. Con người phải hại nhau đến chết mới thôi.
Nhành là người nóng nảy, miệng bằng tay, tay bằng miệng,  tánh tình  thẳng băng như ruột ngựa hễ thấy chuyện bất bình chẳng tha. Đây là lần thứ hai cô bị chủ đuổi việc vì mỗi tội cầm đầu gây rối.
- Cái nghề bán mồ hôi, mua nhục nhằn  này kiếm đâu mà không được. Nhưng  nếu được làm chung  một chỗ cho có chị có em dù sao vẫn tốt hơn. – Hiếu nói có ý trách.
Nhành im lặng một lúc rồi nói:
- Đâu phải tui không biết. Nhưng cách đối xử với công nhân của mụ Trần ai mà chịu nổi. Cả xí nghiệp ai cũng ghét mụ như kẻ thù. – Đoạn cô xây mặt dòm Hiếu, chớp chớp mắt mấy cái trêu chọc:-  Chỉ có chị Hiếu nhà mình là mê mết thôi!
Nhành cố tình uốn éo giọng cao giọng thấp như  nghệ sĩ cải lương. Khiêu khích. Nhưng Hiếu tỉnh bơ như chẳng có gì xảy ra:
- Sống phải biết nhịn nhục mới có thể đi đến thành công. Đàn bà con gái mà tính khí như nước sôi trên bếp thì chẳng làm được gì ráo!  Mày không chịu sửa đổi tánh nết thế nào cũng còn khổ dài dài cho coi!
Nhành triết lý:
- Sanh linh  từ khi bật tiếng khóc chào đời là đã gắn liền với đớn đau, khổ ải rồi. Kẻ giàu có nỗi khổ của kẻ giàu, người  nghèo có nỗi khổ của người nghèo. Tự làm khổ mình chưa đủ, con người còn tìm đủ mưu ma chước quỷ  gây đớn đau, bất hạnh cho đồng loại. Những đứa trẻ mang sẵn tâm hồn lãng mạn, chào đời bằng ánh mắt lạc quan, bằng nụ cười hết cỡ thì mấy bà mụ đỡ phải vỗ lên mông chúng mấy phát đau điếng đến chừng nào bật lên tiếng khóc mới thôi, phải cho chúng nếm mùi khổ đau trước khi thấy được ánh sáng mặt trời! Đau khổ luôn gắn liền với nhân sinh, đố ai  chạy trời cho khỏi nắng!  – Đoạn Nhành rên rỉ mấy câu không biết  lượm lặt ở đâu:- “ Vi gian nan/Làm người khó/ Làm con chó mới dễ!
Huệ chẳng màng để ý đến những lời khó hiểu của Nhành, cô giương cặp mắt buồn rầu, hỏi:
- Em với chị thất nghiệp rồi, chị biết chuyện nào chỉ em với.
Nhành đứng dậy hướng về nhà tắm, nói mà không quay mặt lại:
- Trời sanh voi sanh cỏ  lo gì mậy, để từ từ tao tính cho, nhưng tao thề sẽ không bao giờ quay lại với cái nghề khốn nạn này nữa – Từ trong nhà tắm Nhành nói bực dọc:- Đứa nào xài cái khăn của tao? Con Huệ!
Mọi người tắm rửa xong xuôi cũng đã gần mười một giờ đêm. Huệ than đau bụng không ăn cơm, lên gác ngủ trước. Hiếu bới cơm vô chén, nhìn theo lắc đầu:
- Nó rầu rĩ không ăn được chớ đau yếu gì, nếu là tao cũng nuốt không vô.
Nhành tỏ ra dửng dưng tuồng như là chuyện của người khác, ăn liền ba chén, cười nói vui vẻ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Đặt chén xuống, Nhành vung vai nói:
- Cơm no rồi, bây giờ có bò cỡi  nữa thì sướng cuộc đời!
Trang cười sặc sụa bắn cả thức ăn. Ngân lật đật buông chén, chạy ra ngoài ôm bụng cười ngắc nghẻo suýt nữa sặc cơm lên mũi. Hiếu lườm một cái nhọn như lưỡi lê:
- Con nhỏ này trây trúa quá, tao nghe mà nổi hết da gà!
Nhành cười cười đôi chưn mày cong vòng, đôi mắt chớp chớp mấy cái nghịch
ngợm:
- Trong mấy chị em tụi mình có ai thấy được cái vật dính tòn ten của bọn đàn ông chưa ha? Tui đã từng thấy của thằng cháu trai ba tuổi, nó be bé như trái ớt hiểm!
Lần này thì Hiếu không thể nào nhịn được nữa, cười đến lộn ruột. Trang và Ngân đấm lưng nhau thùi thụi. Nhành lấy gối nằm xuống chỗ trống:
- Thôi không giỡn nữa, đến giờ đi ngủ rồi. Lạy trời đêm nay cho con gặp được giấc mơ đẹp để có cớ mà yêu, mà bám víu vô  cái cuộc sống đáng lộn mửa này.
 
Trang phụ Ngân thu xếp chén dĩa xuống bếp rồi đánh răng đi ngủ. Ngân rửa chén xong, thì Nhành đã ngủ. Chỉ còn Hiếu với cuốn sổ ghi chép thu chi trong tháng. Hiếu cộng đi cộng lại, lầm rầm trong miệng như niệm thần chú,  rồi ngớ người ra:
- Ủa, mất đâu hết hai chục ngàn rồi ta?
Rồi cộng lại, kết quả cũng y chang như  mới rồi. Ngân giựt lấy cuốn sổ. Tính toán chớp nhoáng  rồi reo lên:
- Đâu có mất đi đâu. Tại chị không “ nhớ hai” nên mới lộn như vầy!
Hiếu đưa tay vỗ vỗ trán bộp bộp mấy cái rồi  gật đầu thú nhận:
- Đầu óc của tao dạo này như con dao bị cùn mài giũa cách mấy cũng không bén lên được. Già rồi! – Đoạn Hiếu nhìn Ngân hỏi:-  Bữa nay xin việc sao rồi?
Ngân chép miệng, lắc đầu rồi từ từ kể lại câu chuyện. Nghe xong, Hiếu chửi:
- Đúng là quân chó má! Tao nói rồi ở thành phố này cứ mỗi thước vuông là có bốn thằng lừa đảo, mày phải cảnh giác tối đa mới được.
Hai người còn ngồi nói chuyện đến gần nửa đêm. Hiếu ngáp một cái tưởng chừng trẹo cả quay hàm. Ngân lên gác. Hiếu tắt đèn đi ngủ. Trang đã ngủ mê man từ lúc nào. Ngân không thấy Huệ đâu, ngó ra ban công thì thấy cô đang ngồi thẫn thờ, đầu tựa vô lan can, mái tóc rủ xuống. Ngoài trời gió thổi rao rao. Những giọt sương rớt lộp độp  trên hàng ba. Đàn muỗi đói từ trong bóng tối lao ra như  ai cầm cả thúng trấu mà hắt. Biết Huệ buồn phiền vì công việc, Ngân muốn lựa lời an ủi nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu mà bản thân cô thì có hơn gì. Rốt cuộc, cô đành im lặng, kéo mền che kín ngực,  cố dỗ dành giấc ngủ.
Huệ cứ thế ngồi cho tới ba giờ sáng. Mặc cho bầy muỗi đói xâu xé da thịt. Vài con no cành,  bay không nổi rớt xuống sàn gác gỗ, Huệ lấy chưn ấn ấn. Nát bét. Những ý nghĩ miên man cứ bám dai dẳng trong đầu không dứt. Cô nhớ về quê cô miền đất nghèo nàn, đồng ruộng  quanh năm nhiễm phèn đóng bợn móng chưn,  chỉ có con người và cỏ dại là tồn tại. Cỏ dại không cần vun phân, tưới nước vẫn có thể sống thậm chí trổ bông. Nhưng con người không phải là cây cỏ, chỉ cần không khí, ánh sáng mặt trời là có thể sống được, mà cần những thứ rất thật: cần cơm,  cần áo, cần một mái nhà và nhiều thứ khác kể cả tình thương đồng loại. Huệ lớn lên mà không biết mặt ba má mình đẹp xấu như thế nào. Bà Nội nói,  cha mẹ cô chẳng may đột ngột qua đời vì một tai nạn giao thông khi cô chưa tròn hai tuổi trong một trường hợp rất hi hữu: chiếc xe hàng chở cây vì tránh một con bò mà đâm sầm vào cha mẹ cô. Con bò đó may mắn tiếp tục cuộc sống thú vật, còn hai con người bất hạnh thì bị nghiền nát như món thịt băm viên.  Cô cứ bị ám ảnh hoài bởi ký ức đau buồn đến tận cùng  phi lý, muốn tìm gặp gã lái xe để hỏi cho ra lẽ,  tại sao gã lại quý sự sống con vật hơn hai mạng con người? Nhưng cô chẳng bao giờ có dịp tìm lại được gã, nghe đồn gã đã chết trong một tai nạn khác. Huệ lớn lên trong thiếu thốn tình thương và cơm gạo. Tuổi thơ của Huệ gắn liền với những cơn đói vàng mắt, những cái lạnh tím tái thịt da. Suốt những năm cấp một, cô đến trường bằng đôi chưn trần, áo quần rách ten ben, đến nỗi lũ bạn bè cùng lớp luôn miệng ghẹo cô là cô bé Lọ Lem! Chuyện cổ tích nàng Lọ Lem dù sao cũng kết thúc có hậu, cô trở nên lộng lẫy, xinh đẹp, lấy được hoàng tử ngôi ngô tuấn tú. Còn Huệ như một côn trùng nhỏ nhoi bị bọc trong chiếc kén nghèo đói, cô đơn  không bao giờ thoát ra được! Học chưa hết cấp hai Huệ bỏ làng ra đi, dấn thân vào cuộc mưu sinh đầy trắc trở để lại quê nhà bà Nội già lọm khọm , đôi mắt mờ đụt và tiếng nói lào phào trong cổ họng chẳng ra hơi.
- Con lên thành phố kiếm tiền, con sẽ giàu, thiệt  giàu cho Nội coi!
Bà nội lần tay trong bóng đêm dày đặc vuốt mái tóc đen bóng đứa cháu duy nhứt. Vừa nói, vừa khóc:
- Nội già cả rồi  không lo được cho con. Con  đi, Nội không cản, nhưng con phải hứa với Nội là phải luôn giữ mình trong sạch, có đói thì cạp đất mà sống, áo quần rách rưới lấy lá chuối mà che thân chớ không được làm điều trái đạo, con hãy đốt nhang thề trước vong linh người đã khuất, Nội mới yên tâm.
Huệ đốt nhang mà mắt nhòe nước. Bà nội tiễn cô ra bến xe. Một già, một trẻ ôm nhau khóc  muồi mẫn như mưa ngâu tháng Bảy.
Lên thành phố khi mới vừa mười sáu tuổi, không thể tìm được việc làm ở các công ty, xí nghiệp, Huệ đành cam phận tiếp viên quán cà phê đèn mờ. Cùng làm với cô còn có ba người nữa đều xuất thân khốn khó, chênh lệch nhau vài tuổi. Bà chủ quán mập mạp, mặt lúc nào cũng trác một lớp phấn dày, dầu thơm sực nức sau làn áo mỏng dính như cánh chuồn chuồn, đôi mắt xoi mói như nhìn thấu ruột gan người khác. Hôm đầu tiên đến nhận việc, bà ta nhìn cô một bằng cái nhìn của tay lái heo chuyên nghiệp,  rồi cong cớn cặp môi dày:
- Ăn mặc như vầy chó nó cũng chẳng thèm coi! Bộ mày muốn đuổi hết khách ở quán tao hay sao vậy? Lấy bộ này thay đi, con nhà quê!
Mụ liệng cho Huệ chiếc váy bông cụt quá gối, chiếc  áo thun sát cánh ngắn ngủn, rộng cổ, hở ngực, hở rún. Huệ không dám bận. Mụ sa sầm mặt rồi sai người đè nghiến cô xuống tròng bộ cánh mới lên mình:
- Con nhà quê này vú bự, eo thon, chưn dài,  đích thị là người mẫu. – Đoạn mụ xuýt xoa:- Tao mà đẹp như mày, tao cởi truồng nhong nhong ngoài đường để bọn đàn ông thèm chảy nước miếng chơi!
Quán “ Chân Quê” từ ngày có mấy con nhà quê chộn rộn  trông thấy. Khách đến thưởng thức giọt đắng thì ít mà chủ yếu muốn khám phá những bí ẩn nấp sau làn váy mỏng tang của các cô gái trẻ trung,  xinh đẹp, có cái miệng hay cười, con mắt ướt rượt thì nhiều.  Mặc dù tuổi đời còn ít nhưng cô ý thức rất rõ mối hiểm nguy đang rình rập bên mình, cô từ chối nhận tiền boa  và phản ứng rất gay gắt trước những cử chỉ suồng sã của khách. Vì chuyện  này mà quán  mất đi vài mối sộp. Tức mình  mụ nói gân cổ,  bằng lời lẽ cao kỳ:
- Làm thân con gái có nhan sắc ví như có một mỏ vàng bốn con chín! Cho chúng táy máy một chút chẳng mất gì lại có tiền xênh xang. Sao mày ngu vậy? Thằng nào rờ tao, tao cho tiền lại ấy chớ.
Huệ nhìn thẳng vào gương mặt vô cảm của mụ, nói bằng giọng quyết liệt:
- Nếu bà còn tiếp tục thốt ra những lời như  vầy, tui sẽ rời khỏi nơi đây ngay lập tức!
Dùng lời lẽ dao to búa lớn không xong, mụ đành xuống nước:
- Tao nói giỡn chơi thôi, làm gì dữ vậy? Ai có thân người ấy lo. Mai mốt chết vì bịnh tiếc đừng đổ thừa là bà chị này thiếu quan tâm tới em út!
Ba cô cùng quán với Huệ thì không như vậy, họ không đủ bản lãnh và kinh nghiệm để chống chọi lại tiếng sột soạt của những tờ giấy bạc. Ban đầu là Phương,  cô gái xuất thân từ Vĩnh Long rồi đến Nga ở Đồng Tháp và người cuối cùng là Hạnh quê ở Đồng Nai, tất cả lần lượt bị nhấn chìm xuống vũng bùn tội lỗi. Đến nước này Huệ thật sự sợ hãi. Thế là vào một đêm mưa rơi tầm tã cô lặng lẽ cuốn hết tư trang rời khỏi nơi ô trọc đó.
Huệ đi học may công nghiệp, rồi nhờ một người bạn đủ tuổi làm giúp lý lịch và xin vô làm việc tại Khu chế xuất. Công việc nhọc nhằn, lương ít nhưng cô cảm thấy vui và thanh thản trong lòng, không phải sống trong tâm trạng nơm nớp như trước kia. Cô đang dành dụm tiền để gởi về quê, không ngờ  chuyện không hay lại xảy ra. Huệ bỗng nhớ tới Hoạt, người yêu cô, nếu biết chuyện này ảnh chẳng vui sướng gì.

Mặc dù không đi làm nhưng Nhành vẫn giữ thói quen dậy sớm. Cô tắm rửa, giặt giũ,  rồi đem tất cả lên phơi phóng ngoài ban công. Lúc này Ngân đã dậy từ lúc nào đang coi kiếng chải đầu. Nhành xách quần áo đi ngang chỗ Huệ đang nằm. Nước nhểu giọt xuống mặt làm Huệ  tỉnh giấc, cô khẽ cựa mình rồi mở mắt ra rồi cằn nhằn:
- Mới vừa chợp mắt. Để  em ngủ mà chị Nhành, sao phá em hoài vậy? .
Nhành cười:
- Dậy đi đồ quỷ. Bộ tính ngủ trừ cơm hả? Dậy kiếm thứ gì nhét vô  bao tử rồi kiếm chuyện gì đó động đậy tay chưn để hoàn thành phận sự làm người trong một ngày. Dậy đi!
Nhành móc hai bộ đồ treo lên thanh sắt bắc ngang  tòn ten dưới mái nhà rồi xoay người vô phía trong nói với Ngân:
- Lấy cho tao bộ đồ trong tủ.
Ngân mở tủ, hỏi:
- Chị lấy bộ nào?
- Bộ đồ đàn ông treo trên cái móc màu xanh đó, thấy chưa?
- Thấy rồi – Ngân đáp và lấy  làm lạ :- Ủa trong nhà toàn là phụ nữ sao lại có đồ đàn ông ở đây?
Ngân lôi ra ngắm nghía: một chiếc áo sơ mi dài tay màu mận chín, lồng bên trong là chiếc quần Âu màu đen bóng được ủi có ly, bên trên cùng mắc sẵn một cái quần lót màu xám chì. Tất cả còn rất mới. Ngân không dấu vẻ ngạc nhiên:
- Nhà mình có đàn ông sao không ai nói cho em biết?
Huệ xoay người nằm ngửa, miệng cười cắm cắt :
- Bà Ngân này sao thiệt thà quá, không biết! Có vậy mà cũng không hiểu!
Nói xong Huệ lồm cồm ngồi dậy, đôi mắt sưng húp vì thiếu ngủ. Giải thích:
- Trong nhà toàn là đàn bà con gái phải treo thứ này để xí gạt mấy con dê xồm thích ăn bông so đũa! Coi vậy, mà có hiệu quả ghê lắm. Từ ngày treo bộ đồ này lên chẳng có con ma nào dám léo hánh. Chẳng bù trước kia mỗi khi tan ca, về nhà là y như rằng có mấy cái đuôi bíu theo tò tò, bực mình chịu không nổi.
Ngân gật gù, vỗ tay bộp bộp:
- Hay thiệt đó. Có thể coi đây là một phát minh sánh ngang với thuyết tương đối hẹp của nhà vật lý học vĩ đại Anhxtanh!
Huệ thu xếp mùng mền vô một góc rồi đi đánh răng, rửa mặt. Chừng mười phút sau, cả ba ngồi chòm nhom dưới nhà, ăn bánh mỳ chấm đường. Bên cạnh là ấm trà lợt nhớt. Nhành kết thúc miếng bánh cuối cùng vô miệng rồi đưa hai tay đập đập vào nhau:
- Tao tính vầy, mỗi đứa đi một hướng tìm việc làm, nếu có được thông tin gì mới thì phải báo ngay, còn không thì ai lo phận nấy. Ai về sớm thì đi chợ nấu cơm, bơm nước. Mấy bữa rày nước chảy yếu xìu phải thường xuyên thăm chừng mới mong  có đủ nước xài. Tao sắp bị “ bật đèn đỏ “ không có nước thì chết sướng hơn,  tất cả nghe rõ chưa?
Huệ hỏi nhát gừng:
- Chị định đi đâu? Kiếm công việc gì?
- Mày hỏi tao tao biết hỏi ai? – Nhành trừng mắt nói lớn:- Có lẽ nên kiếm mấy đứa bạn cũ, may ra buồn ngủ gặp được  chiếu manh.
Huệ gật đầu cho là ý hay. Ngân băn khoăn. Hai bàn tay cứ ngọ ngoạy. Lo lắng hiển hiện trên gương mặt. Nhành nói:
- Mày mua tờ “ Lao Động “. Ở trỏng thường xuyên có mục rao vặt tuyển người. Rút bài học lần trước đừng lờ ngờ tới mấy Trung tâm mà tiền mất tật mang.
Xong xuôi, ba cô gái dắt ba chiếc xe đạp đi tà tà ra khỏi con hẻm. Từ chỗ ở của mấy chị em ra đến lộ chính phải qua bốn cua hẻm ngoằn ngoèo. Mấy gã thanh niên đang ngồi chật nứt trong quán cà phê thấp tè gần chợ, thò đầu ra nói đuổi theo:
- Mấy em ơi, đi đâu vậy? Cho tụi anh quá giang nghen!
- Em gì cao cao đó ơi! Cặp ngực của em làm anh tăng xông máu!
- Em ơi em, anh thề đã yêu em ngay lần đầu tiên gặp gỡ, thằng nào nói láo chó dại cắn nó!
Nhành cúi mặt. Bấm tay ra hiệu cho mọi người dắt xe đi thẳng. Ra tới lộ chính cô nói:
- Bọn họ rặt một  lũ vô công rỗi nghề cả ngày chỉ biết đàn đúm, nhậu nhẹt rồi chọc ghẹo đàn bà con gái. Tao thà đói tình tới chết cũng không dính vô đám đầu bừa, răng bựa đó, hai đứa  tụi bây cũng phải lưu ý tránh xa!
Huệ trề môi, nói:
- Mấy thằng cha vô tích sự đó có cho xách dép em còn không chịu nữa là. Phải cỡ như anh Hoạt của em..
Nhành cự nự:
- Mày lúc nào cũng “ anh Hoạt !“ , “ anh Hoạt! “ . Đói tới nơi rồi còn không lo!
Huệ cụt hứng. Ba cô lên xe. Ngân bên mặt. Còn Nhành và Huệ đi về bên trái. Đi đến ngã tư Nhành vẫy tay chào Huệ rồi mỗi người tách ra mỗi hướng khác nhau. Đi được một đoạn Nhành bỗng thấy Huệ hơ hải rượt theo:
- Chị Nhành đưa em vài ngàn dằn túi, lỡ đụng bánh tráng còn có tiền đền!
Nhành chép miệng thò tay vô túi áo lôi ra cọc tiền được giấu sau mấy lớp ny lon. Mới đầu Nhành tính đưa năm chục nhưng bỗng đổi ý đưa tờ mười ngàn:
- Đưa nhiều mày xài nhiều,  bây nhiêu đủ rồi!
Huệ cầm tiền đút vô túi áo. Cằn nhằn:
- Tiền  em gởi mà chị làm như của bố thí không bằng! 
Xong xuôi cả hai hối hả hòa vào dòng người rộn rịp trong buổi sớm mai.


 CHƯƠNG 8


Ngân lần theo địa chỉ tuyển người ghi trên tờ  “ Lao Động “. Vòng vo gần một tiếng đồng hồ mới mò ra. Té ra địa điểm không xa lắm chỉ mất khoảng mười lăm phút đạp xe là tới nơi, nguyên do Ngân không thuộc đường nên mới trễ nải như vầy . Đến nơi đã thấy mấy chục người xếp hàng rồng rắn trước cổng Công ty. Ai nấy đều  tỏ vẻ bồn chồn không yên. Cô hơi thất vọng vì cứ đinh ninh mình sẽ là một trong những người đầu tiên, vậy mà...Không hiểu sao họ lại nhanh chưn quá trời! Cô lẹ làng gởi xe,  đứng xếp hàng. Dòng người mỗi lúc càng đông. Chỉ tiêu tuyển chỉ có ba mà người xếp hàng đã lên đến gần trăm! Có nghĩa là một chọi hơn ba chục! Cảm thấy thất thế, Ngân hỏi thăm chàng thanh niên  đang đứng trước mình:
- Anh ơi, người ta có đòi hỏi những tiêu chuẩn quá khắc khe không?
Anh này trả lời mà mắt không rời khỏi cuốn  “ StreamLine English” màu tím than. Bên dưới có ghi dòng chữ “ directions “:
- Găng lắm. Tôi là dân thành phố có bằng cử nhân kinh tế đối ngoại, Anh văn bằng xê, vi tính văn phòng.. vậy mà thi tuyển lần nào cũng trợt vỏ chuối! Xếp hàng cầu may thôi, ít hy vọng lắm, bởi vì người ta cứ đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Kinh nghiệm ở đâu chớ, không đi làm thì lấy đâu ra kinh nghiệm. Đúng là đánh đố!
Nói xong, anh ta lẩm nhẩm một tràng tiếng Anh như tụng kinh. Ngân khẽ thở dài ngao ngán. Người ta bằng này bằng nọ mà không ăn thua, mình chỉ là dân nhập cư , bằng cấp lại không bằng ai làm sao có cửa chen chưn?
Trời nắng gắt. Dòng người từ từ nhích lên phía trước trong ồn ào, xô đẩy và mất trật tự. Những người lúc bước vô xăng xăng xái xái bao nhiêu thì khi từ phòng giám đốc bước ra xuôi xị xuôi lơ  bấy nhiêu. Một cô đeo kiếng cận đôi mắt đỏ hoe, cắm đầu bước đi như chạy, suýt nữa đâm vô mấy người đang đứng xếp hàng. Anh sinh viên khi nãy bước ra bằng thái độ hậm hực, dòm Ngân nói:
- Tôi nói có trật đâu! Phen này chắc kêu bà già sắm cho chiếc Wave Tàu chạy xe ôm thôi! – Đoạn anh ta liệng cuốn sách vô thùng rác rồi cắm đầu đi một nước.
Thấy cảnh như vậy Ngân nản lòng muốn bỏ cuộc. Đầu nghĩ thế,  nhưng chưn thì cứ nhích lên phía trước một cách vô thức. Bên trong phòng chờ  có máy lạnh chạy vù vù. Gã nhân viên có hàm râu cá chốt hất hàm ra lệnh mọi người không được nói chuyện riêng,  rồi xướng tên từng người được vô phỏng vấn ( đáng lẽ sau anh thanh niên là đến lượt Ngân nhưng cô bị mấy người chen ngang ). Nghe kêu tên mình,  cô cảm thấy đầu gối mình run lên, mồ hôi rịn ra ướt cả lưng áo. Cô cố trấn tĩnh bản thân, đừng sợ hãi dữ vậy. Có ai ăn tươi nuốt sống mình đâu. Nào, hãy can đảm lên!
Giám đốc là người nước ngoài, dáng người thấp đậm, săn chắc. Ông ta ngả người trên chiếc ghế dựa bọc nhung. Trước mặt là ly cà phê bự  bằng ly bia. Ngân hơi thiếu tự tin, ngồi xuống chiếc ghế trống đối diện. Ông ta nhấp một ngụm lớn cà phê, vừa nhìn Ngân cất giọng sang sảng ( bằng tiếng Anh ):
- Hoan hô cô đã đến với Công ty của chúng tôi!
- Chào ông – Ngân đáp lại cũng bằng anh ngữ.
- Trước khi đến đây cô đã hiểu gì về Công ty của chúng tôi? – Những ngón tay  vô cảm gõ nhịp lên mặt bàn.
Ngân luýnh quýnh không biết trả lời như thế nào, cô chỉ biết một ít thông tin đăng trên báo, Công ty có vốn một trăm phần trăm nước ngoài, chuyên kinh doanh hàng trang trí nội thất, ngoài ra chẳng biết được gì thêm.
Thấy cô ngồi im không cục cựa, ông giám đốc thoáng lộ vẻ thất vọng, tuy nhiên ông cũng hỏi thêm:
- Cô có sách lược nào khả thi để những sản phẩm nội thất  còn mới mẻ của chúng tôi tiếp cận với thị hiếu khắc khe của người Việt Nam?
Ngân bí rì, lóng nga lóng ngóng một cách đáng thương trên ghế dựa bọc nhung như một học sinh không thuộc bài trước ánh mắt nghiêm khắc của thầy chủ nhiệm khó tánh. Cặp mắt hai mí cúi  xuống đôi guốc cao gót. Hơi nóng dồn lên tận mang tai. Đỏ rần…
Cuối cùng ông giám đốc khẽ cười nhếch mép rồi vung cánh tay lông lá  một cái thật điệu hệt  như  nhạc trưởng chỉ huy dàn hợp xướng ra hiệu chấm dứt cuộc phỏng vấn:
- Chúng tôi lấy làm tiếc!  Có lẽ cô chưa sẵn sàng đến với Công ty. Hy vọng gặp cô vào lần khác. – Đoạn ông ta nhìn anh chàng râu cá chốt, hếch cổ một cái:- Nào, xin mời người kế tiếp!
Ngân te tái bước ra, mặt cúi gầm xuống đất không dám dòm ai. Cánh cửa khép lại phía sau Ngân vẫn nghe những lời giễu cợt đuổi theo như roi quất. Cô trách mình đã quá chủ quan, vốn liếng chẳng có gì mà cũng đem ra thi với thố!
Trong khi chờ tín hiệu đèn xanh để đi tiếp Ngân bỗng thay đổi ý định, thay vì đi thẳng về nhà, cô lại rẽ trái hướng về chỗ trọ của Hà. Thật tình, Ngân cũng chẳng trông cậy vào sự giúp đỡ của Hà,  bởi vì bản thân Hà cũng đang gặp khó khăn như cô. Đầu thì nghĩ vậy, nhưng đôi chưn cứ đạp vù vù. Chiếc áo trắng của cô như tan vào trong nắng.

 
 CHƯƠNG 9

Trong vòng buổi sáng Nhành đã gặp ba người bạn cùng quê. Họ cũng chẳng khá hơn cô là mấy. Hai người là công nhân Xí nghiệp sản xuất giày đang nghỉ xã hơi chờ việc, người kia thất nghiệp nằm co cả tháng chưa kiếm được công ăn chuyện làm,  đang tính đường về quê. Bạn bè lâu ngày gặp nhau, mà mặt mày đứa nào đứa nấy cũng nhăn nhó như cái bị rách! Cả buổi chỉ nghe toàn tiếng than vắn thở dài,  kêu trời gọi đất bắt sẩu mình! Nản quá! Nhành đành phải về sớm không kịp ăn bữa cơm trưa mọi người đã chuẩn bị:
- Sao vìa sớm vậy? Ở lại ăn cơm cái đã! Bộ chê cơm nhà nghèo hả?
Nhành đành nói dối:
- Mình trực nhớ một chuyện quan trọng cần phải giải quyết, thôi để khi khác.
Nói xong, Nhành đạp xe một mạch không dám quay đầu lại. Ra khỏi con hẻm nhớp nhúa, đọng nước, cô phân vân không biết đi đâu, làm gì, trong khi đó bụng cứ réo lên đòi ăn. Cô nghĩ thầm, hay là về nhà, kiếm mấy hột cơm nguội dằn bụng, đánh một giấc cho sảng khoái rồi tính tiếp, cái bao tử “ tra tấn “ dữ quá!  Nhưng rồi cô nhanh chóng gạt ý nghĩ “ hưởng thụ “ đó ra khỏi đầu. Nước đang ngập đến chưn mà còn nghĩ đến chuyện ăn ngủ thì quả là lẩn thẩn! Thôi thì cứ đi cái đã. Thỉnh thoảng  trong lúc đi đường, tình cờ Nhành bắt gặp những tấm bảng cần tuyển người ở các hàng quán, tiệm buôn...Vừa đạp vừa ngó dáo dác. Cầu may. Nhưng đạp đến muốn rụng cặp giò mà chẳng có gì. Khi Nhành ngửng mặt lên thì mới phát hiện  đang ở một nơi hoàn toàn lạ hoắc mà cô chưa từng đặt chưn đến. Lúc này là giữa trưa nắng chang chang. Con đường bố́c khói. Lớp nhựa đường nóng chảy  dính vô vỏ xe đạp. Cái đói , cái  khát buộc cô phải dừng lại trước quán cơm bình dân tồi tàn,  nằm nép mình khiêm tốn bên cạnh tòa cao ốc mấy chục từng.
Quán đông nghẹt, không còn một chỗ trống. Thấy đông nên ngại, cô co chưn trả pê đan,  lấy đà định đạp tiếp thì bà chủ quán từ trong xăng xái bước ra, nắm đuôi xe kéo lại:
- Nắng nôi như vầy đi đâu cho cực! Vô ăn cơm, nghỉ chưn một chút rồi hẳn đi. – Đoạn chị ta dẫn Nhành tới chỗ trống bên gốc cây dầu rồi nói:- Em cứ đứng đây  để chị biểu tụi  nhỏ kê thêm cái bàn.
Một thằng bé đen nhẻm như củ tam thất, ốm cà tong cà teo tóc cháy nắng  lẹ làng lấy cái bàn xếp dựng dưới gốc cây, xách tiếp chiếc ghế mủ dơ hầy đặt bên cạnh đó rồi giương cặp mắt một mí  dòm cô:
- Ăn gì? – Thằng nhỏ nói cộc lốc cứ như của bố thí không bằng.
- Cơm cá kèo kho. Có nước đá hôn cho một ly, khát quá!
Nó đứng tại chỗ, day mặt vô  bên trong, đưa tay bắc loa kêu lớn:
- Một cơm  cá kèo kho! Mang ca nước đá!
Lanh lẹn  chẳng kém gì thằng “ củ tam thất “  một cô bé dáng vẻ nhà quê bưng ra dĩa cơm đặt cộp lên bàn. Rồi xây qua bàn kế bên lấy ca nước trà đá đóng bợn vàng khè. Nhành uống liền hai ca. Nước lạnh ê chưn răng. Đã quá! Trên dĩa cơm cá kèo còn có thêm vài lát dưa chuột cắt mỏng và trái ớt hiểm đỏ chót. Nhành lấy muỗng gạt trái ớt ra ngoài rồi bắt đầu ăn. Nóng nực gặp món khô khó nuốt, Nhành kêu thêm chén canh cải bẹ xanh nấu với tôm khô. Lúc này khách khứa trong quán đã vãn bớt, bà chủ quán tranh thủ lấy chiếc khăn choàng ngang cổ lau mồ hôi dầm dề trên gương mặt đỏ phừng. Vạt khăn thò vô thau canh.  Đang cắm cúi ăn Nhành bỗng thấy một đôi chưn mang guốc cao gót có quay hậu màu xanh da trời đứng cách mình chừng mấy thước. Lúc đầu Nhành không để ý nhưng cái chưn mặt bỗng co lên vít nhẹ,  một hòn sỏi nhỏ văng về phía cô. Ngửng  mặt lên và bắt gặp một gương mặt quen quen đang nhìn mình cười mủm mỉm. Sau một hồi ngờ ngợ Nhành nói như reo:
- Con Hường phải không? Đồ quỷ! Vậy mà nãy giờ không chịu lên tiếng!
Hường bật cười khanh khách, sà xuống ngồi bên cạnh:
- Mày còn nhận ra tao à? Vậy mà tao cứ  tưởng mày lo làm giàu mà quên hết bạn bè rồi chớ.
Nhành và Hường cùng huyện nhưng khác xã. Cả hai cùng lên thành phố lập nghiệp và đã từng ở chung chỗ trọ trong một thời gian. Thật tình Nhành không thích Hường vì Hường tính tình đành hanh làm biếng,  lại có tật táy máy tay chưn, hễ thấy thứ gì ưng ý là thó làm của riêng. Thời gian đầu hai người làm chung tổ hợp sản xuất thú nhồi bông. Nhành chăm chỉ, khéo tay, kiếm tiền cũng bộn bộn. Còn Hường vốn ham chơi hơn ham làm nên chẳng bao giờ đủ ăn. Nghĩ tình chị em cùng cảnh nên Nhành ra tay bảo bọc và hết lời khuyên Hường nên chí thú với công việc. Con nhà nghèo đừng học đòi tiểu thơ!
Nhưng Hường chẳng chịu thay đổi mà cứ lợi dụng vào lòng tốt của người khác. Giận quá, Nhành thẳng thừng:
- Ai cũng đã lớn chồng ngồng hết rồi nên tự lo liệu bản thân mình, đừng dựa dẫm vô người khác như ký sinh!
Đang nhai cơm lập tức Hường phun ra và đứng dậy:
- Mới cho được vài bữa cơm bố thí mà đã lên giọng! Hãy đợi coi mèo nào cắn đuôi mèo nào!
Nói xong, Hường cuốn đồ đạc, te tét bước đi mà không một lời từ biệt. Thời gian thấm thoắt đã gần ba năm, đôi lúc nghĩ lại Nhành cảm thấy ân hận về cách cư xử thiếu nhã nhặn  của mình. Cô cứ tưởng Hường đã về quê, bởi  một người như Hường khó mà thích hợp với cuộc sống xô bồ xô bộn ở thành phố. Vậy mà..
- Làm gì mà cứ trầm ngâm như con thầy bói?
Hường liến thoắng cắt ngang suy nghĩ của cô. Lúc này, Nhành mới ngó kỹ cố nhân. Giọng nói. Trang phục hiển hiện sự thành đạt.
- Lúc nãy chạy xe ngang qua,  tao mày mạy in như là mày. Chạy một đoạn liền quay đầu trở  lại, ngó kỹ hơn,  thì đúng là mày thiệt. Quả đất tròn có khác! – Nói xong Hường bỗng cười ré lên.
- Nè, mày không đánh cướp nhà băng hay buôn hêrôin đó chớ? – Cuối cùng Nhành cũng thốt lên một câu nói giỡn để che dấu sự lúng túng của mình.
- Eo ơi, mày nói nghe ghê quá! Cuộc sống này vô cùng tươi đẹp, tao đâu có ngu làm chuyện tày trời đó để có ngày phải “ dựa cột! “.
Nhành lấy muỗng vét những hột cơm cuối cùng, uống thêm nửa ca trà đá rồi xây mặt về phía Hường. Nói bằng giọng nửa thiệt nửa giỡn:
- Mày đừng nói với tao là mày làm cave hay gái bao nhá. Bạn bè tao thiệt lòng, tao nhổ nước miếng vào loại người đó,  cho dù có dát vàng lên người tao cũng cứ coi khinh!
Hường quẳng cái nhìn chọc ghẹo về phía Nhành , đôi môi cong lên khinh dễ:
- Mấy năm không gặp, tật nói xóc óc của mày vẫn chưa chịu chừa! Mày coi thường bạn bè quá!
Hai người ngồi nói chuyện một lúc, Hường đề nghị:
- Nhà tao cũng ở gần đây thôi mày tới  chơi cho biết. Bạn bè mấy năm không gặp thiếu gì chuyện để nói.
Nhành gật đầu cái rụp. Hường ấn nút đề chiếc Majesty. Êm ru. Rồi một tay điểu khiển xe, tay kia đẩy chiếc xe đạp chạy bon bon. Đi chừng vài trăm mét, hai chiếc xe quẹo vô con hẻm cụt và dừng lại trước sân một ngôi nhà đẹp đẽ có hàng rào bao quanh. Hường tắt máy, mở cửa rồi nhường lối cho Nhành bước vô. Hường nói cầu cao:
- Mày thấy cái “ ổ chó “ này có được không?
Cái “ ổ chó “ của Hường rộng chừng sáu chục  mét vuông, được xây cất theo lối hiện đại, nội thất trang trí toàn là những thứ sang trọng, mắc tiền. Tất cả  được sắp đặt một cách ngăn nắp có thẩm mỹ.
Nhành trầm trồ:
- Nhà đẹp quá! Tiền mướn chắc mắc lắm hả?
Hường cười:
- Thuê mướn gì, nhà này tao mua và đứng chủ quyền hẳn hòi.
- Vậy sao? – Nhành thốt lên ngạc nhiên, đôi mắt trợn tròn nhìn Hường khâm phục. Cả đời cô cho dù có nằm mơ cũng không bao giờ dám nghĩ đến chuyện sở hữu một ngôi nhà đẹp mã  như vầy. Hường vô bên trong thay bộ đồ ngủ  tơ tằm trơn bóng màu mỡ gà trông rất thanh lịch,  rồi lại tủ lạnh lấy mấy lon “ Sài Gòn ”   mời khách:
- Mày xài tạm thứ này, tao không quen dùng nước ngọt!
Nhành cầm lon bia nhấp một ngụm. Hường lại lấy ra dĩa nho Mỹ chín mọng đặt lên bàn rồi cầm lon bia tu một hơi hết sạch. Thấy Nhành tỏ vẻ sửng sốt, Hường cười, nói:
- Ăn nhằm gì, sức tao có thể nốc cả thùng hai mươi bốn lon!
Đoạn Hường cầm chiếc remote bật giàn hifi. Bản hòa tấu “ love story “  phát ra từ cặp loa Pioneer đặt trên tủ buýt phê. Hường chỉnh âm điệu du dương vừa đủ nghe, rồi ngoảnh mặt về phía Nhành, hỏi bằng giọng kẻ cả:
- Lúc này làm ăn sao rồi? Chắt chiu, hà tiện, lại “ cày hùng hục “ như trâu  dễ chừng mày đã có tiền tỉ trong nhà băng!
Nhành vừa nói vừa cười:
- Chà, có tiền nói năng mạnh miệng quá ha! – Nhành im lặng một lúc rồi nói thấp giọng:- Tao thất nghiệp rồi, đang tính xin mày một chưn lau nhà, rửa chén đây!
Hường khui thêm lon nữa, tu ừng ực rồi đặt lên bàn:
- Công chuyện thì không thiếu,  nhưng mày có gan không?
Nhành thấp tha thấp thỏm trên bộ xa lông:
- Việc gì tao cũng làm miễn là không trái với đạo đức là được.
Hường nhăn mặt, đánh xì một cái đến đỗi bia bắn ra bàn:
- Mày lúc nào cũng rào trước đón sau. Dòm kỹ đi, mặt tao đâu giống tội phạm mà mày cứ...
Nhành im lặng, cử chỉ bồn chồn. Hường bật cười bí hiểm, chờ cho Nhành gần như mất hết kiên nhẫn mới bắt đầu lên tiếng:
- Nói ra chắc mày không tin, tao được như ngày hôm nay là có công của mày!
Nhành ngồi thừ người nhìn bạn tỏ vẻ áy náy :
- Thôi mà, đừng nói móc họng nữa. Chuyện cũ qua rồi nhắc lại làm gì!
Hường đưa tay đập nhẹ lên vai Nhành, trợn mắt nói lớn:
- Tao nói thiệt mà mày cứ nghĩ tùm lum. Chuyện là như vầy..
 Hường lấy thêm mấy lon bia, khui “ bốp “ một cái rồi đưa cho Nhành:
- Lâu ngày không gặp phải uống cho thiệt say. Ngày nào tao cũng uống với bao người xa kẻ lạ chẳng hứng thú gì cả, có bạn có bè đối ẩm uống mới vui.
- Nào cụng lon!
Hường dốc ngược cái lon , liệng xuống gầm bàn rồi tiếp tục câu chuyện bằng chất giọng kim cộng hưởng với hơi men.
 ...Bữa đó giận Nhành quá Hường bỏ đi. Thiệt tình lúc đầu cô chỉ tính quanh quẩn đâu đó tới chừng nào tan hết cục giận thì về nhà. Ở cái thành phố xa lạ này ngoài Nhành ra Hường chẳng quen ai khác. Lúc đầu cô ra công viên ngồi hóng mát. Nhìn người ta sum vầy, hạnh phúc mà tủi thân mình. Cũng là con người với nhau cả sao ông trời ưu ái người này, bỏ rơi người kia? Hường giận bạn bè rồi giận luôn cả ông Trời! Nếu có ổng trước mặt nhứt định cô sẽ túm lấy cổ áo lão Trời già mà hỏi cho ra lẽ! Nhưng Trời thì ở tuốt trên cao đang còn mê mết  với Hằng Nga, tiên nữ,  đâu có thời giờ để  ngó ngàng chuyện dưới  trần gian! Cứ thế, Hường ngồi lì ở đó đến chập tối thì thấy đói và khát. Thế là cô đi lang thang định kiếm  một quán ăn bình dân nào đó để giải quyết  cái bao tử trống không.  Nhưng ngặt nỗi,  chỗ này là khu giải trí cao cấp với những nhà hàng, khách sạn, khu giải trí thượng lưu dành cho những kẻ thừa tiền lắm của. Cô  đứng tần ngần trước nhà hàng “ Đồng Quê” , mắt dòm trân trối vô phía bên trong. Bãi giữ xe nằm bên hông nhà hàng đông nghịt  các loại ô tô đời mới mà cô chỉ có dịp nhìn qua catalo, trên tivi hay các trang quảng cáo mà thôi. Hường nép người vô xó tối, lén lút như con trộm nhìn thiên hạ chén chú chén anh, cụng ly chan chát , rượu chảy như suối, thịt chất từng mâm cao như núi mà thèm chảy nước miếng! Lúc ấy trong túi còn được vài trăm, đây là số tiền dành để phòng thân khi chẳng may gặp chuyện bất trắc cho dù túng thiếu đến mấy cô cũng không dám đụng đến. Bài học con Hoa còn rành rành trước mắt, chỉ vì không tiền mổ ruột thừa mà sớm làm bạn với trùn đất. Hường đứng ở đó một lúc lâu. Cái đói cộng thêm nỗi hận đời đã lấn át cả lý trí. Sẵn tiền cô liều mạng. Cũng  đàng hoàng ngồi gác chưn chữ ngũ như ai, cô kêu  liền ba món: thịt nai nướng, heo rừng xào lăn, nhím rô ti và mấy lon “ bản lãnh đàn ông”. Gã bồi bàn vừa bày các thứ ra bàn vừa nhìn Hường bằng đôi mắt của sinh vật đến từ hành tinh khác.  Cô liệng cho gã mấy tờ bạc lẻ, gã lập tức thay đổi bộ mặt kính cẩn khúm núm trong rất tức cười. Đã chơi thì chơi cho đáng không để thiên hạ cười. Hường gắp từng miếng thịt cho vô miệng, nhấm nháp từng ngụm bia, cứ thế bữa ăn  kéo dài từ lúc chập tối đến gần mười giờ đêm! Lúc này trong nhà hàng đã bắt đầu thưa khách. Mấy thằng đàn ông đầu hói, bụng bự say be bét  kéo khóa quần,  tè bậy vô mấy  bồn hoa vừa ư ử hát mấy câu vọng cổ! Trong lúc cô cố thanh toán nốt mấy miếng thịt rừng và lon bia cuối cùng thì bất ngờ một chiếc xe hơi bốn chỗ ngồi màu cà phê sữa từ bên ngoài cua nửa vòng  rồi đậu ngay cạnh  Hường đang ngồi, thậm chí suýt nữa húc đổ cái bàn. Từ trên xe một người đàn ông có gương mặt nhăn nhó, thảm não rất khó đoán tuổi  bước xuống, ông ta gieo người nặng nề xuống chiếc bàn kế bên và kêu hẳn một thùng bia,  cùng vô số mồi nhắm đủ cho sáu người no nê! Mồi màng thì nhiều nhưng ông ta không hề động đến, mà uống hết lon này đến lon khác, thỉnh thoảng giương đôi mắt sầu thảm hướng về phía Hường, không hiểu sao lúc ấy cô không hề có cảm giác sợ hãi mà ngược lại còn lấy đó làm thích thú nữa là đàng khác, có lẽ là do chất xúc tác của bia, Hường cũng nhìn ông ta bằng ánh mắt vừa khêu khích vừa mơn trớn. Bỗng ông khách lảo đảo đứng dậy, tiến về phía cô và đưa ra một lời đề nghị:
- Cô có thể ngồi uống với tôi được không?
Tuy đầu óc đã hơi xà quần nhưng Hường vẫn còn đủ tỉnh táo để phán đoán, đánh giá vấn đề một cách nghiêm túc. Trong thâm tâm cô nghĩ, có lẽ ông ta tưởng cô là gái bia ôm, cave hay tương tợ như vậy nên mới có một yêu cầu khiếm nhã như thế. Cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm, Hường ngó thẳng vô mắt Khách, nói khít qua kẽ răng:
- Nhìn ông cũng ra dáng là dân có học, sao đánh giá người khác thấp kém như  vậy? Tui cảnh cáo ông!
Khách thoáng lúng túng rồi rất nhanh ông ta lên tiếng xin lỗi và giải thích vì sự hiểu lầm trên:
- Tôi hoàn toàn không xấu như cô nghĩ, xin cô hiểu cho. Chỉ cần nhìn cách ăn mặc  tôi có thể đoán ra cô là người như thế nào. Nói thật, tôi bị cú sốc trong công việc định tìm rượu để giải sầu, nhưng uống một mình thì càng buồn thêm. Rượu phải có người đối ẩm, vì vậy..
Hường đang buồn, khách cũng gặp phiền muộn, hai nỗi buồn cộng hưởng có thể tái tạo niềm vui? Hoặc ít ra cũng san sẻ phần nào nỗi cô đơn. Thế là cô thay đổi thái độ gật đầu đồng ý.
Vừa nhâm nhi  vừa tâm sự, Hường mới biết Khách có học vị thạc sĩ,  là giám đốc một công ty có tầm cỡ trong thành phố. Kiếm tiền như nước.
           - Hãy kêu tôi bằng anh cho thân mật. Tôi hứa sẽ không xúc phạm đến em và không đụng tới người em cho dù là cọng lông chưn.
Thế là uống và uống! Câu chuyện bắt đầu từ đời cộng sản nguyên thủy cho đến khám phá sao Hoả, sao Kim!  Đi từ thơ ca lãng mạn cho đến thứ ngôn ngữ chợ trời! Cứ thế bay vèo cả thùng bia lúc nào không hay. Lúc này đã gần hai giờ sáng. Khách dòm Hường, gật đầu thán phục:
- Em có tửu lượng rất tuyệt! Hôm nay, uống như  vậy là đủ. Ngày mai tôi mời em uống tiếp có được không?
Hường gật đầu cốt để cho ông ta vui lòng chớ kỳ thực còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện đàn đúm nhậu nhẹt. Khách kêu thanh toán và hào phóng trả luôn phần của cô. Nhìn cái hóa đơn dài như sớ Táo quân mà phát nóng lạnh! Với số tiền này ông bà già ở dưới quê cày cật lực trong một năm cũng không thể nào có được. Xong xuôi, Hường xách đồ đạc bước xiểng niểng  ra cửa thì Khách kêu lại và chìa ra mấy tờ giấy bạc loại lớn:
- Đây là tiền công của em!
- Cái gì? – Hường tròn mắt ngạc nhiên pha lẫn giận dữ :- Đã nói là tui không phải là loại người như ông nghĩ!
Đợi cô trút hết cơn thịnh nộ, khách từ tốn nói:
- Anh hoàn  toàn không có ý đó. Đây là tiền trả công lao động của em. Làm giám đốc, mỗi giờ anh kiếm được  có khi lên đến tiền triệu. Em đã ngồi với anh bốn giờ, anh trả cho em bốn trăm ngàn không biết có được không?
Hường  lắc đầu từ chối. Ông khách nhăn nhó một cách khổ sở, nói:
- Em phải lấy vì đó là thành quả lao động của em! Anh là nhà doanh nghiệp luôn muốn  mọi thứ phải rạch ròi sòng phẳng! Em giúp anh khuây khỏa, anh trả công là điều hợp lý không ai nợ nần ai. Nếu em không nhận, có nghĩa là em đã khi dễ anh!
Cực chẳng đã Hường phải cầm. Ông khách hớn hở ra mặt, chìa tay cho cô bắt và nói:
- Năm giờ ngày mai em đợi anh ở đây , chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác nhé!
Khách về, Hường mới thấm say thiếu điều lết đi không nổi. Đêm đó, cô ngủ ở khách sạn bình dân cách “ Đồng Quê “ chỉ vài chục bước chưn. Cho đến  giữa trưa ngày hôm sau mới tỉnh dậy, mình mẩy ê ẩm như ai dần. Trong đời cô chưa bao giờ uống nhiều như vậy. Sau khi tắm rửa, ăn uống qua quýt,  Hường định về nhà nhưng trong bụng vẫn còn giận  nên cứ dùng dằng không quyết,  rồi nhớ đến lời hẹn với ông khách trong lòng cảm thấy ngần ngại không yên. Dù sao ông ta đã cư xử quá tốt với mình lẽ nào mình lại thất hứa. Và thế là Hường quyết định gặp ông ta thêm một lần nữa.
Nhành đột ngột chen ngang câu chuyện:
- Mày liều mạng quá! Rủi ổng rắp tâm thủ đoạn thì biết tínhsao?
Hường im lặng gật đầu tán đồng rồi nói:
- Tao cũng có ý nghĩ như mày nhưng bằng trực giác , tao thấy khách không phải là người xấu. Người ta có thể lừa dối bằng cử chỉ, lời nói nhưng ánh mắt thì không thể. Vả lại giàu có, hào hoa như ổng lấy người mẫu còn được nữa là, thèm khát gì đứa đầu đường xó chợ như tao. Nói thiệt, nếu ổng mà ngỏ lời thì lập tức tao gật đầu mừng húm!
Nhành im lặng ra chiều suy nghĩ.  Hường kể tiếp: Đúng năm giờ cô có mặt thì thấy khách đã ngồi đợi sẵn. Hôm  nay trông thần sắc ông ta tươi tỉnh hơn rất nhiều. Lại kêu bia và thịt rừng. Ông ta chỉ hỏi cô tên gì, bao nhiêu tuổi ngoài ra không hỏi thêm gì nữa. Cả buổi chỉ toàn tán chuyện  bao đồng vô thưởng vô phạt. Đến tận mười hai giờ đêm cả hai mới ba chùm ba chán  ra về. Khách đưa cho Hường bảy trăm ngàn tiền công. Cô cầm tiền mà không còn cảm thấy ngượng ngùng như hôm qua, điều này làm cho khách càng thêm vui. Cô quyết định thối lại cho ông khách hai trăm.
Khách ngạc nhiên:
- Sao vậy em?
- Em khuyến mãi! Mỗi giờ một trăm nhưng đến giờ thứ tư trở đi em chỉ tính bằng năm mươi phần trăm!
Khách ngẩn người một lúc rồi bật cười sang sảng và liên tục gục gặc cái
đầu bờm xơm:
- Sáng kiến! Sáng kiến! Công ty của anh cũng có hình thức tương tự mua hai tặng một...hà..hà..- Khách ngưng cười đột ngột  và  nói nghiêm chỉnh:
- Em đã trở nên chuyên nghiệp rồi đó nghen! Có bao giờ em nghĩ đây là đây là một công việc thật sự  và gắn bó lâu dài với nó không?
- Ô hay, đây cũng gọi là nghề nghiệp hả anh? – Hường  vừa nói vừa cười :- Ngoài anh ra , chẳng lẽ còn có người khờ khạo đến nỗi quăng tiền qua cửa sổ?
Khách nói:
- Có đó! Nhiều nữa là đàng khác! Với kinh nghiệm của một người từng trải trong thương trường và các mối quan hệ anh hiểu rằng công việc này rất cần cho nhiều người – Khách nhịp giò, nói thêm:- Trước tiên em cần sắm cho mình chiếc di động, bộ trang phục công sở, vài thứ linh tinh khác và trang bị một số kiến thức nhứt định. Anh sẽ giới thiệu em vài địa chỉ. Bảo đảm em sẽ không bao giờ lo thất nghiệp!
 Thế là từ hôm đó Hường bắt đầu kiếm sống bằng cái nghề nghe có vẻ kỳ cục,  nghề “ nhậu mướn ! “ Và cũng nhờ nó mà cô mới “ gặt hái “  như  vầy đây.
Hường kết thúc câu chuyện, đưa tay huơ huơ trước mặt, nhìn Nhành cười tít mắt:
-  Có thể nói tao là người  “ khai sáng “ nghề này. Và tao đã truyền nghề cho nhiều người khác  nhưng bấy nhiêu chẳng thấm tháp gì. Dân nghèo thì cứ nghèo, còn cán bộ nhậu thì cứ việc nhậu. Chẳng vậy mà nhà dưỡng lão, trại mồ côi cùng các tụ điểm ăn nhậu đồng loạt mọc lên quá chừng! Tao chạy “ xì khói  “ mà vẫn không thể nào thỏa mãn  nổi “ đơn đặt hàng “ cứ tới tấp nên phải liên tục từ chối khéo. Nếu mày gật đầu, tao sẽ giúp một tay!
Nhành nói:
- Nghe mày kể mà tao không tin vô  tai của mình nữa. Nghề gì nghe kỳ cục! Mà người ta mướn mình nhậu để làm gì ta?
- Để giao dịch, làm ăn hay là toan tính những điều ám muội! Nhưng không phải ai cũng có thể nhậu được nên phải mướn! Mày ở thành phố đã năm bảy năm rồi mà cứ bơ ngơ báo ngáo ! Còn nhiều chuyện mà cho dù có nằm mơ mày cũng chẳng bao giờ tin nổi. Chẳng hạn như, tao có đứa bạn thất nghiệp lên thất nghiệp xuống, đói thiếu điều rã họng phải liên tục kiếm  tao để xin “ cứu trợ”. Vậy mà gần đây nó làm ăn tấn tới. Gặng hỏi, nó mới chịu tiết lộ  làm nghề...chậc, tao cũng không biết kêu  là nghề gì cho đúng nữa, khó nói quá! Ừ, tạm chấp nhận là nghề “ làm thân nhân “ đi.
Nhành trố mắt hỏi lại:
- Nghề “ làm thân nhân “ là sao?
- Là là..ví dụ như có một gia đình không có con cháu muốn mướn người làm con, làm cháu, thậm chí làm vợ cho vui cửa vui nhà,  xua đi cảm giác cô đơn nhứt thời  hoặc  có thể vì một lý do tế nhị nào đó như để giao dịch hoặc đối phó với  một tình huống khó xử ...trong một thời gian nhứt định và với một số tiền được thỏa thuận. Chuyện  đại loại là như vậy.
- Ồ, có chuyện đó nữa à? – Nhành thốt lên thất thanh.
Hường định nói tiếp thì chiếc điện thoại cầm tay trên bàn reo lên một hồi dài. Hường nhấc lên,  bấm tách tách mấy cái rồi áp vô lỗ tai:
- A lô, phải tui đây. Tới ngay hả? Ừ, ừ chỗ nào? Tui  biết rồi, hai mươi phút nữa tui sẽ có mặt.
Hường cúp máy, lật đật đứng dậy, vô trong lấy bộ quần áo mới. Rất tự nhiên, Hường thay đồ trước mặt Nhành:
- Mày thấy tao có đẹp hôn?
- Đẹp, đẹp lắm!- Nhành đáp mắt không rời khỏi thân hình trắng phau, nõn nà  không miếng vải che thân của cô bạn cũ.
Giọng Hường chua chát:
- Vậy mà chưa có thằng nào chạm tới! Có lẽ bọn đàn ông sợ quơ nhằm con ma men!
Nói xong Hường thở hắt một cái thiệt mạnh. Nhành cựa mình sột soạt trên ghế. Hường gập người xuống xỏ guốc.
Nhành hỏi:
- Đi đâu vậy?
- Gặp  thân chủ  để trao đổi, trước khi bắt đầu công  việc cần phải biết mình đang tiếp xúc với ai, mục đích gì, để biết đường mà tính, rõ chưa con ngốc!
Nhành đứng dậy. Hường bươn bả dắt xe ra khỏi nhà và nói:
- Mày suy nghĩ kỹ đi rồi trả lời cho tao biết để tao còn liệu. Tánh của mày cố chấp cứ khư khư cái triết lý sống cũ rích, tao còn lạ gì. Mình chẳng phải  dân đầu trộm, đuôi cướp, cũng  không đĩ điếm , cave thì sợ cái đách gì. Thôi tao đi đây. Bữa nào rảnh rang nói chuyện nhiều hơn.
Hường đề máy. Chiếc Majesty lao vút ra hẻm . Nhành đứng ngẩn  người một lúc rồi nhảy thót lên yên xe, đạp một hơi về  nhà.

 
 CHƯƠNG 10

Phân xưởng may bị cắt giảm gần một phần ba lao động nhưng chẳng vì thế mà mọi việc trở nên sáng sủa hơn. Sáng nay, tám mươi sáu công nhân có tay nghề giỏi, thuộc thành phần dễ sai dễ biểu tập trung tại phân xưởng để chờ việc. Cho đến gần tám giờ sáng bà Trần mới đờ đẫn bước vô, mặt mày chùn ụt như bà má chồng khó tánh. Mỏi mệt. Tốp công nhân đang đứng ngồi chộn rộn, vừa nhìn thấy bà ta lập tức chạy ùa đến quây thành hình vòng cung.
- Chị Trần ơi, bữa nay có việc gì làm không? Cứ ngồi ngáp vắn ngáp dài  như vầy hoài  chắc chết đói quá.
Bà Trần nhăn mặt, lấy khăn mùi soa lau cặp kiếng, rồi gieo người xuống chỗ trống bên cạnh bàn máy may:
- Xích ra! Cứ đứng chàng ràng trước mặt làm sao người ta thở được - Bà ta xua tay lia lịa:- Có, nhưng không nhiều. Thôi thì cứ làm cầm chừng đến đâu hay đến đó. Chắc đầu tháng hàng mới về kịp.
Tất cả “ ồ “ lên một tiếng thất vọng, lục thục trở về chỗ của mình. Hiếu ngồi đánh suốt, đầu óc nghĩ ngợi mông lung. Sau những lần  gặp bà Trần, cảm giác sợ hãi cứ vây lấy cô không sao rứt ra được. Hôm qua lúc tan ca, cô bạn ngồi bên cạnh đã ra sức trêu ghẹo:
- Chị Hiếu là người tốt số nhứt Xí nghiệp chẳng ai bì trong khi mọi người không có việc để làm thì chị cứ tha hồ! Chà, quen với Sếp có khác.
Hiếu bực mình muốn cãi lại nhưng không biết mở lời như thế nào, vì sự thật rành rành ra đó. Cô bạn lại tiếp tục châm chích như ong đốt:
- Sếp mà thích ai rồi thì người đó sướng như tiên! Vừa có tiền vừa sướng cái thân!
Hiếu trừng mắt nạt lớn:
- Đừng có nói sàm!
Cô bạn nhoẻn miệng cười nhạo báng. Những nếp nhăn hình rẻ quạt chạy dài từ đuôi mắt đến tận khóe miệng trông già sọm:
-  Giả nai  hoài! Bộ chị không nhớ đến chuyện con Thi hả?
- Thi nào?
- Con Thi ôm ốm, dễ thương  ngồi trong góc kẹt bên tay mặt đó!
Hiếu nghĩ ngợi một lúc rồi gật đầu, đáp:
- Nhớ rồi, con nhỏ hay cười má lúm đồng tiền chớ gì. Rồi sao nữa?
- Bà Trần đã từng ve vãn, đòi ngủ chung với nó, nhưng nó chống cự quyết liệt  nên không làm gì được. Hậu quả là suất cắt hợp đồng lao động! Bả là dân “ ô môi “ chánh hiệu,  chị không biết sao? Còn mấy đứa nữa...để tui kể cho nghe.
Chuyện này Hiếu đã từng nghe  phong phanh nhưng cô không mấy bận tâm và nửa tin nửa ngờ. Bây giờ nghe cô bạn nói, khiến cô giựt mình, cảm giác có luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng, cô chống trả một cách yếu xìu:
- Mày chỉ giỏi tài ăn ốc đoán mò! Bà Trần trông rất nữ tính vậy làm sao là dân “ ô môi “ cho được.
- Thì tui nói trước cho chị dè chừng, còn tin hay không thì tùy. “ Coi chừng  một bước sa chân/ Cuộc đời như thể cầm bằng vứt đi!”
Cô bạn ngừng léo nhéo, lấy kéo cắt chỉ rối, rồi tiếp tục huyên thuyên:
- Bà Trần chấm ai rồi thì cho dù người đó có cánh cũng không thể nào thoát được. Chị có gan bỏ Xí nghiệp không? Nếu là tui thì mọi việc rất dễ dàng.
Hiếu hỏi :
- Mày sẽ làm gì?
- Dộng vô mặt mụ rồi dông luôn!
Nỗi sợ khiến Hiếu nghẹt thở. Cả đêm cô gặp toàn là ác mộng, mỗi khi nhắm mắt lại là cô tưởng tượng đến bàn tay mềm oặt như con ác xà của bà Trần luồn lách vào những chỗ kín trên thân thể... Biết làm sao đây? Hiếu băn khoăn. Công việc trôi chảy, thu nhập khá và cô không có ý định làm lại từ đầu ở một nơi khác, mỗi lần thay đổi chỗ làm gặp  muôn vàn khó khăn.
Bà Trần ôm khệ nệ chồng áo jacket đặt ngay ngắn bên chỗ Hiếu đang ngồi. Cô sợ đến mức không dám ngửng mặt lên. Đôi tay run rẩy khiến đường may lên bờ xuống ruộng.
- Sao người em cứ run bắn lên? – Bà Trần đưa tay chạm nhẹ lên vai Hiếu:
- Bị bịnh hả?
- Dạ không! – Hiếu trả lời, giọng rè đi như cái loa bị bể :- Chỉ hơi hơi, không được khỏe thôi.
- Mệt thì nghĩ, cố làm gì? – Bà Trần tiếp tục đưa bàn tay mình thám hiểm xuống bộ ngực hấp hổi của Hiếu:- Chà, tim đạp thùm thụp!
Hiếu ró người lại:
- Chỉ hơi hơi thôi, em còn làm được. – Hiếu lại để đường may chệch ra ngoài.
- Đúng là em không được khỏe rồi. Tôi ra lịnh em phải ngưng công việc ngay lập tức!
- Đã nói em không bị làm sao!
Bà Trần nhìn xoáy vào mặt Hiếu, rồi di chuyển ánh mắt tuột dần xuống bên dưới, sau đó nhếch mép cười cười:
- Em nói vậy, tôi cũng đỡ lo! Em biết rồi đó, Xí nghiệp đang gặp cảnh khốn đốn, có lẽ phải cắt giảm thêm lao động, chớ trả lương chờ việc như vầy chịu đời không thấu. Nhưng  em đừng lo, đó là đối với người khác còn chị em mình thì lại là chuyện khác, lúc nào tôi cũng thương mến và lo lắng cho em, em có biết không?
Hiếu nói lí nhí:
- Em cám ơn chị!
Bà Trần phì cười đưa tay ấn nhẹ lên trán Hiếu:
- Lại đẩy đưa!  Sáng nay tôi coi sổ lương, em lãnh gần một triệu đó nghen!
Bà Trần bỗng cúi xuống nói nhỏ:
- Hôm nay là thứ sáu, ngày mai là thứ bảy em có nhớ đã hứa với tôi những gì  không?
Hiếu ấp úng trả lời:
- Da..̣ dạ,  em chỉ sợ...
Bà Trần nói bằng giọng chắc nịch:
- Nhứt định em phải tới. Tôi rất ghét những người không biết tôn trọng lời hứa!
Phía dưới có tiếng cãi lộn chí chóe. Hai cô công nhân đang túm tóc nhau vừa ra sức đấm đá túi bụi. Đám đông  khá vất vả mới  tách cả hai ra mỗi người một nơi.
Bà Trần la ỏm tỏi:
- Hai đứa này cứ ráp lại là y như rằng có chuyện! Không trừng phạt đích đáng là không xong, để tôi lại đẳng coi sao.
Trước khi bước đi bà Trần còn vớt vát:
 - Em hãy nhớ điều này, tôi đã thương ai thì moi  tim, móc óc ra mà thương, còn đã ghét thì nhìn bãi phân chó còn sướng hơn nhìn mặt kẻ đó. Em muốn tôi thương hay ghét?
Bà Trần đi khỏi. Hiếu dừng may, gục đầu xuống bàn máy. Đôi vai run lên cầm cập.
 
 

<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.03.2007 15:36:48 bởi NuHiepDeThuong >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9