Tiểu thuyết " Như lục bình trôi " chương 11 - 15
nguyen hoang 20.03.2007 10:02:49 (permalink)
CHƯƠNG 11

Cuối cùng Huệ cũng tìm được nhà của Phương nằm sâu khuất trong con hẻm nhỏ lầy lội và chằng chịt như trận đồ thiên la địa võng nhờ vào sự  chỉ dẫn tận tình  của bà bán chè hột me tốt bụng ngay đầu hẻm.  Ngó thấy cái ổ khóa chần vần  bằng nắm tay nằm treo mình  trên cánh cửa bằng cây mục ẩm, Huệ thất vọng. Cô đứng chần ngần một lát rồi quay đầu xe. Chưa kịp đạp đi thì có tiếng kêu giựt giọng từ phía sau:
- Có phải con Huệ không?
Huệ ngoảnh lại, reo lên mừng quýnh. Bộ tịch lăng xăng:
- Chị Phương!
Phương ngồi sừng sững  trên chiếc cánh én màu lông chuột, một chưn đạp thắng, chưn kia chạm đất. Huệ bước tới nắm lấy tay Phương bóp mấy cái:
- Trông chị khác trước nhiều quá! Đẹp và từng trải hơn.
Phương nhún vai một cái không rõ là vui hay buồn, bước xuống xe, mở khóa, rồi vô nhà:
- Lâu quá không gặp, tưởng mày chết trôi chết nổi đâu rồi chớ! Tánh mày tao còn lạ gì nữa, nếu không có chuyện cần kíp  hay nhờ vả thì chẳng bao giờ mày chịu lặn lội mò tới chỗ này.
Chị Phương đổi khác nhiều quá, Huệ nghĩ thầm, từ cách ăn mặc, đi đứng thậm chí mỗi lời nói, cử chỉ cũng khác, khác lắm. Trước đây, chị lúc nào cũng diêm dúa, chưng diện như  người mẫu. Trong đầu luôn bị ám ảnh bởi chữ “ Tiền “.
Chủ nghĩa vật chất đã ngấm vào xương tan vào tủy khó mà thay đổi.  Vậy mà..
- Mày nghĩ gì vậy? – Giọng Phương trầm buồn:- Tao lạ lắm phải hôn?
Huệ gật đầu:
- Lạ thiệt! Chị lột xác như rắn!
Phương thở dài:
- Thiệt ra, đây mới đúng là con người thật của tao. Trước kia tao chỉ là một người xa lạ!  Dù sao được sống bằng chính con người thật của mình cảm thấy hạnh phúc và an toàn hơn cho dù có nhục nhằn thể xác nhưng tâm hồn được yên ổn.
Huệ quan sát ngôi nhà khắp lượt. Đồ đạc cũ kỹ, bày trí đơn giản, chỉ có chiếc tivi mười bốn inch là còn tương đối mới.
Huệ hỏi:
- Chị ở một mình à?
- Một mình chớ mấy mình! Mày chỉ giỏi tài hỏi đố!
Huệ lại hỏi nhà mua hay mướn. Phương nói:
 -  Nhà này tao mua được gần một năm, bây giờ  đã muốn sụm bà chè rồi, đang tính vá bớt cái miệng dành  tiền sửa lại vào năm tới.
Phương lấy nước chín từ cái bình thủy mời khách. Huệ chẳng cần ý tứ uống một hơi hết sạch. Nực nội lại uống nước nóng nên mồ hôi chảy ra dầm dề. Chiếc đồng hồ treo tường hình con bướm chỉ đúng mười một giờ.
- Chà, khấm khá dữ! Chị tính xây mấy từng lầu?
Phương trút bịch bún thịt nướng vô dĩa. Cười rung rinh cặp xương đòn gánh:
- Mày tưởng móc túi thiên hạ dễ lắm sao? Lợp lại cái nóc, gia cố cái nền là hạnh phúc lắm rồi. Nè, mày ngồi xuống ăn với tao luôn thể. Sáng nay tự dưng mí mắt bị giựt liên tục, tao đoán, thế nào cũng có khách nên mua sẵn hai phần.
Huệ sà xuống đất, lấy đũa gắp bún cho vô chén. Sáng nay ăn có nửa ổ bánh mỳ, lại đạp xe cả chục cây số trên “ con đường đau khổ “ nên tiêu hết trọi. Phương chan nước mắm ớt, bỏ thêm mấy cọng rau thơm vô chén:
- Ở một mình nên tao làm biếng chun vô bếp, cứ cơm bụi, mỳ gói mà làm riết! Nhiều khi thèm cái không khí gia đình đến nôn nao. Có bữa lăng xăng  nấu được món ngon nhưng đến khi dọn ra thì tự nhiên no hơi, không muốn ăn nữa. Nhơi thức ăn trong  miệng cứ như bò nhơi cỏ, chẳng biết ngon dở thế nào.
Đoạn Phương hếch mắt về phía chiếc giường đôi được đóng bằng cây thao lao còn mới rồi  nói ngắc ngứ trong cổ họng như bị nghẹn đờm:
- Giường đôi mà ngủ có một mình cứ thấy bập bênh thế nào!
Huệ vừa nói vừa cười:
- Sao chị không quơ đại ông nào đó cho cân bằng?
Phương im lặng. Mặt tối sầm lại. Lúc sau Phương thở dài buồn rượi:
- Đừng nhắc tới chuyện gia đình, chồng con, chán lắm. Đàn ông có cả tỉ  nhưng chẳng có nổi một người để mắt tới mình. Lúc này mày làm gì? Tao nghe đồn mày làm thợ may công nghiệp có phải không? – Đoạn Phương ngắm nghía Huệ rất lâu:- Chà, thời giờ ngựa chạy tên bay, mới đó mà đã gần năm năm. Hồi mới vô làm ở “ Chân Quê “, mày còn là cô bé lêu khêu, thiếu thịt. Vậy mà bây giờ đã trở thành cô gái xinh xắn, nõn nà  chẳng khác gì người mẫu!
Được khen, Huệ khoái lắm. Mặt ửng đỏ. Cô  và nốt mấy cọng bún còn sót lại rồi đặt chén xuống. Phương sớt bớt  phần bún trong chén mình cho Huệ:
- Ăn phụ tao. Dạo này không hiểu sao, tao bị chứng sợ cơm, bụng thấy đói mà nuốt không trôi, bác sĩ nói nguyên do bị ức chế tinh thần.
Huệ nói:
- Chẳng bù cho em, em ăn hoài mà không biết no! –  Nhớ đến công việc, Huệ im lặng một lúc rồi nói nhỏ bằng giọng buồn buồn:- Sau khi rời khỏi “ Chân Quê “, em đi làm thợ may công nghiệp. Bây giờ em bị thất nghiệp rồi, chị Phương ơi!
Phương thu dọn các thứ đặt vô xó tường, rồi bày ra hai cái ly đóng bợn . Nắng nực. Căn nhà kín gió trở nên ngột ngạt quá chừng.
Ngồi yên hồi lâu Huệ hỏi dò:
- Nga với Hạnh bây giờ ra sao rồi hả chị?
Phương để cái bình thủy xuống, đôi mắt  mờ tối ngó  lên trần nhà. Lát sau
cất giọng buồn hiu:
- Mày bỏ đi được vài tháng thì con Hạnh bị sida bây giờ sống chết ra sao không ai được biết. Nó ham đô la, bán dâm cho thằng Việt kiều. Không ngờ cái gã coi bề ngoài lịch lãm, khỏe mạnh là vậy, lại mang trong người con vi rút cầu gai! Cho tới gần một năm sau  mới tình cờ phát hiện trong một tai nạn giao thông. Khi nghe tin dữ, không hiểu sao nó bình thản đến lạ lùng cứ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Bạn bè đứa nào đứa nấy cũng  phục lăn, khen nó là đứa có bản lãnh. Nhưng rồi một đêm, vô tình  tao phát hiện nó ngồi khóc nấc sau nhà bếp bên cạnh con dao sáng choang với lá thư  tuyệt mệnh. Biết nó có ý tự tử, tao liều mạng xông đại  giằng lấy con dao đến nỗi tét một đường chè hẻ thẹo hãy còn đây nè – Phương vạch tay áo để lộ vết sẹo dài bằng ngón trỏ rồi kể tiếp :- Cả hai chị em ôm nhau khóc cho đến sáng mặc cho máu chảy lênh láng trên nền gạch. Sáng hôm sau trong lúc tao đi trạm xá may lại  vết thương thì nó bỏ đi mất không để lại một chữ.
Hai người cùng nhìn nhau làm thinh và thở dài. Mấy lần Huệ định lên tiếng nhưng lại thôi. Phương uống nước như sợ không có nước để mà uống:
- Mày đi là khôn, ở lại chỗ đó  thế nào cũng thân tàn ma dại. Mấy đứa đẻ bọc điều là mấy đứa khôn.
Huệ không nhớ, cô đã kể chuyện mình đẻ bọc điều từ hồi nào mà chị Phương nhớ dai dữ vậy. Cô đưa tay đập muỗi  trên đùi chan chát. Bên ngoài có gã đàn ông đẩy chiếc xe đạp bán keo diệt chuột. Chiếc loa phóng thanh ra rả quảng cáo loại keo diệt chuột. Inh tai. Chờ cho chiếc xe khuất dạng, Huệ nói:
- Còn chị Nga?
Nhắc đến Nga, Phương mặt mày bí sị:
- Con Nga sau khi thấy bài học nhãn tiền sợ quá bỏ nghề luôn. Tưởng nó chí thú làm ăn ai dè vẫn chứng nào tật nấy. Mày có biết hiện giờ nó làm gì không?
- Nghề gì, hả chị? – Huệ tỏ vẻ bồn chồn.
- Nó làm vợ hờ cho ba thằng cùng một lúc! Mấy thằng già no cơm rửng mỡ thích chơi trống bỏi ra sức cung  phụng nó đủ điều. Có tiền dư dả nó nướng sạch vô mấy sòng đỏ đen, số đề. Thỉnh thoảng gặp tao, nó quay mặt ngó lơ không thèm dòm. Tại tao phản đối chuyện sai quấy của nó nên nó ghét. Nó biểu tao, ốc không mang nổi mình ốc mà còn bày đặt lên mặt dạy đời!
- Chị Nga làm như vậy là tự hại mình rồi –  Huệ nói.
Phương gật đầu cho là phải. Cô trải chiếu nằm xuống, Huệ cũng nằm xuống bên cạnh. Phương lấy chưn khều khều cho cái quạt máy chỉa đúng hướng
 và tiếp tục câu chuyện:
- Thấy tụi nó mà phát ngán! Rốt cuộc thiệt thòi luôn về phía người đàn bà. Sau nhiều đêm lăn qua lăn lại, suy tính thiệt hơn,  tao quyết định từ bỏ quá khứ  nhơ nhớp và làm lại từ đầu.
- Chị làm được vậy là bản lãnh lắm, em phục sát đất! Xí nghiệp em cũng có mấy đứa hoàn lương nhưng chỉ được vài tháng là “ ngựa quay đường cũ “ bởi vì kiếm được đồng tiền chính đáng sao mà cực quá! 
Huệ đột ngột hỏi:
- Bây giờ chị đang làm gì?
- Khóc mướn! – Phương trả lời cộc lộc bằng giọng vô cảm.
 Huệ bật dậy, ngồi chùm hum. Mắt trợn dộc tưởng chừng muốn nổ con ngươi:
- Khóc mướn nghĩa là sao?
- Thiên hạ bây giờ phú quý nên sính lễ nghĩa. Đám ma phải có nước mắt  ỉ ôi mới đủ bài bản , không khóc được thì mướn người khóc,  miễn sao có nước mắt để hợp thức hóa thủ tục làm người.
Rồi Phương nói  cặn kẽ: mỗi sô khóc mướn khoảng mười  đến mười lăm phút thì được nhận thù lao năm chục ngàn. Mỗi ngày Phương chạy  năm, bảy sô là chuyện thường.
Huệ bần thần,  lấy dây thun cột lại mái tóc đuôi gà cho có. Phương từ từ nhấc người lên. Ngồi chống tó, mắt dòm ra cửa, mặt mày buồn xo:
- Cái nghề hạng bét này cũng chẳng vinh dự gì cho cam. Nhưng dù sao cũng không nhục nhã bằng nghề bán thân. Trong hai cái nhục, tao chọn cái nhục ít hơn. Được cái kiếm tiền cũng bộn, đủ trang trải cho bản thân và gởi chút đỉnh về quê cho ông bà già.
Huệ ngồi đờ một lúc lâu, rồi  rụt rè lên tiếng:
- Chị thấy em có thể làm được công việc như chị không?
Phương nhíu mắt hi hí nhìn Huệ một chặp rồi gật đầu:
- Mặt mày, tướng tá coi được. Những người có vẻ đẹp lạnh lùng, đài các không thích hợp với nghề này. Nè, sao hỏi kỹ vậy, bộ muốn làm đồng nghiệp của tao hả?
Huệ toét miệng cười “ chữa cháy “, rồi nói:
- Em cũng không biết nữa. Tìm kiếm việc làm sao mà cực quá! Nhưng mà em còn đang đắn đo ..
- Chịu,  thì tao giúp cho một tay, nhưng trước tiên phải suy tính thật kỹ càng. Có đi  tận cùng mới thấu hiểu những nhục nhằn mà người bán nước mắt phải trả giá. Ban ngày khóc cho thiên hạ, đêm đến dành nước mắt khóc cho chính mình.
- Khóc phải do cảm xúc, tình cảm mà ra, bỗng dưng  rớt nước mắt khơi khơi em không làm được. Hồi đó mỗi lần đi đám ma nhìn người ta khóc sụt sùi là em lấy tay che miệng cười hoài. Chắc em không làm được đâu, há chị?
- Được! Chỉ cần qua một khóa huấn luyện là có thể ra nghề.
Huệ ngạc nhiên la lớn:
- Em có nghe lộn hôn đó! Hổng lẽ lại có nơi chuyên dạy khóc mướn?
Phương gật đầu:
- Chớ sao! Phải được dạy dỗ đàng hoàng, có thực tập và thi tốt nghiệp hẳn hoi!
- Chà, cũng rắc rối dữ! Em cứ tưởng chỉ cần có khiếu một chút, được chỉ  vẽ một chút là có thể đàng hoàng hành nghề.
- Lấy được tiền của thiên hạ phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt chớ đâu phải giỡn chơi. Khóc không đạt họ nắm cổ liệng ra khỏi nhà mà không trả một xu! Về nhà suy nghĩ thật kỹ, nếu đã nhứt định thì tới đây. Hiện đang khai giảng khóa mới, phải nhanh lên mới kịp.
Huệ im lặng, đôi lông mày chau lại, suy nghĩ rất hung.


CHƯƠNG 12

Hai người ngồi bên chiếc bàn  hình chữ nhật kê bên cạnh cửa sổ có song chắn. Phía trước có treo lòn thòn mấy nhành lan vàng úa. Mấy bộ đồ còn ướt mắc trên hàng rào. Hà đứng dậy lấy ca trà đá gần đó đặt “ cộp “ lên bàn. Môi chúm lại cười nụ:
- Uống chung đi, tất cả mọi người trong nhà này đều bị đau ban khỉ cấp ba nhưng không có ai bị bịnh truyền nhiễm. Ly cốc lách cách!
Rất tự nhiên Ngân cầm ca nước tu ừng ực, đang khát gặp nước đá lạnh uống đến đâu sướng tới đó. Thấy túi quần Ngân có vắt tờ báo, Hà hỏi:
- Đi xin việc làm phải không?
- Ừa, nhưng thất bại rồi. Người ta đòi hỏi quá khắt khe.
Hà lấy nước đổ thêm vô ca rồi nhấp một ngụm nhỏ, rồi sửa lại tư thế  ngồi gác chưn lên đùi, chưn kia nhịp nhịp lên nền gạch:
- Tất nhiên rồi. Chỉ có một đống phân mà cả trăm con chó đói tranh giành!
Hễ mở miệng là Hà lại chửi đời. Ngân nhìn bao quát. Ngôi nhà bê tông cốt thép, có một từng lầu được phủ lớp sơn màu xanh dịu, gạch granit sáng choang, mát rượi. Bên ngoài có sân nhỏ và hàng rào bao bọc rất vững chãi.
- Không ngờ cậu lại ở một chỗ tuyệt đến vậy. Tiền mướn chắc mắc lắm hả?
-  Mỗi tháng một triệu, tiền điện thoại, điện, nước chưa tính, nói chung là tương đối rẻ. Chủ ngôi nhà này trước đây làm đại lý vé số kiêm biên đề, bị công an bắt mấy lần, chạy chọt khắp nơi mới thoát khỏi cảnh ngồi nhà đá. Nhờ có ba cô con gái đẹp như người mẫu mà đổi đời lên hương. Mỗi cô lấy một ông chồng có quốc tịch khác nhau, nhưng có chung một đặc điểm là giàu như chú Hỏa! Thế mới biết cái đẹp có thể cứu vãn cả nhân loại. Ba chàng rể quý, mỗi người sắm cho nhạc gia một ngôi nhà trị giá cả trăm cây vàng. Ngôi nhà này họ đang rao bán. Đã có mấy chỗ tới coi nhưng đều lắc đầu chê là không an ninh.
- Hà ở một mình à?
Hà cười, dòm Ngân bằng cặp mắt xa lạ như người từ hành tinh khác:
- Bộ cậu tưởng tớ  giàu lắm hả? Mười bốn người, rõ chưa?
Ngân lẩm bẩm:
- Mười bốn người thì hơi đông.
- Tức nhiên! Ban ngày còn đỡ,  chớ tối đến thì chật như nêm, ra vô  đụng vào chan chát đến tóe lửa! Đêm nằm xếp lớp như cá hộp không cục cựa được. Nội chỗ để xe đã choán gần hết từng trệt, vì thế mỗi đứa phải thay nhau nằm bên cạnh nhà vệ sinh một tuần, nhưng dù sao chỗ này vẫn tốt hơn nơi tớ đã từng ở.
Đoạn Hà kéo nghế ngồi gần Ngân, hỏi:
- Tới chơi hay có chuyện gì?
Ngân trả lời lấp lửng:
- Một công đôi việc.
- À, tớ hiểu rồi, định gia nhập vào đôi quân bán máu phải không? Trong nhà này có bốn đứa bán máu chuyên nghiệp, tớ nữa là năm.
Ngân gật đầu thú nhận:
- Chắc phải như vậy quá! Tiền sắp cạn mà công việc thì chẳng đâu ra đâu.
- Tìm được việc làm không phải chuyện một sớm một chiều, lại còn phải trang bị cho mình thêm nhiều thứ khác: ngoại ngữ, vi tính, kinh nghiệm...Thật tức cười và lố bịch làm sao khi người ta đòi hỏi  nhân viên bán hàng ở siêu thị phải có bằng đại học kinh tế, bằng xê Anh văn, vi tính văn phòng lại còn ngoại hình dễ coi, duyên dáng, trong khi đó chỉ cần một đứa vừa xóa mù chữ cũng có thể đảm đương được, chất xám bị phung phí vô tội vạ. Đời nay có lắm chuyện tréo ngoe cười ra nước mắt, ông chủ tịch phường “ dốt như chuyên tu, ngu như tại chức  “ thì lãnh đạo cả mấy chục ngàn dân, còn dân đại học chính quy bằng xanh, bằng đỏ thì nằm thất nghiệp dài cổ cò!
Ngân thở dài chán nản, mắt nhìn ra của sổ. Chiếc chiếc xe gắn máy lao hối hả ra phía lộ chính, phía sau ba ga chở đầy giấy tiền vàng bạc. Hà giải thích:
- Xóm này được kêu là xóm “ Đồ Mã “, bởi vì người ta chỉ làm những thứ cho người chết:  tiền đô la âm phủ, nhà cửa, lâu đài, xe hơi... , thậm chí có cả những nàng hầu giấy dành cho những hồn ma có máu hảo ngọt!  Không biết những hồn ma bóng quế dưới âm ty có nhận được những thứ đó không nhưng nó lại cứu rỗi được những linh hồn sống! Rất nhiều người có của ăn của để, trở nên giàu có vì sự nghiệp chăm lo cho người chết. Ai dám biểu người chết là vô dụng. Hà đột ngột chuyển hướng sang chuyện khác:- Nè, có muốn theo tớ học tiếng Anh hôn?
Thấy Ngân thoáng lưỡng lự, Hà cười:
- Không tốn tiền đâu mà sợ, học “ chui ” mà.
- Sao cơ, học “ chui “ là thế nào?
Hà bật cười khanh khách, khom người  lấy tờ báo dưới gầm bàn, xòe ra trước mặt và bắt đầu giải thích:
- Như vầy nè. Có nhiều cách lắm. Ví vụ như Trung tâm này đây, họ quảng cáo học thử một tuần mới thu tiền học phí – Hà lướt nhanh trên trang rao vặt :- Đây rồi. Ta cứ đến địa chỉ trên báo, học đúng một tuần thì chuồn thẳng! Cách này an toàn, không phải lo lắng gì cả, nhưng chất lượng thì rất tồi. Còn cách thứ hai là cứ nhào đại vô một nơi nào đó tùy ý.
Ngân ngạc nhiên, hỏi:
- Làm vậy sao được hé?
- Sao lại không? – Hà nói :- Thông thường các Trung tâm đều mướn giáo viên thỉnh giảng. Họ chỉ biết đến đúng giờ và thao thao bất tuyệt như người máy đã được lập trình sẵn, rồi  nhận tiền thù lao, chẳng hơi sức đâu mà bận tâm đến chuyện gì khác. Lâu lâu cán bộ Trung tâm có tổ chức điểm danh đột xuất, lúc ấy phải nhanh chưn chuồn thẳng kẻo vị bắt quả tang thì ê mặt lắm!
- Họ kiểm tra bất ngờ thì làm sao biết đường mà tính?
Hà đưa mấy ngón tay gõ gõ lên trán:
- Bằng kinh nghiệm và trực giác. Trước hết ta phải rành mặt mấy tay cán bộ ở trung tâm. Khi học thì ngồi ở phía sau chót, hễ thấy cán bộ bước vô  thì chuẩn bị cặp giò đi là vừa! Thường thì mỗi tháng người ta chỉ kiểm tra đôi lần. Thậm chí có chỗ  khi gần kết thúc khóa học họ mới quan tâm đến chuyện  biên lai biên liếc, cậu cứ  “ hồn nhiên “.
Ngân nhìn Hà lè lưỡi thán phục:
- Chuyện  vậy mà cậu  cũng nghĩ ra, tớ phục cậu  sát đất . Có bao giờ cậu bị bắt quả tang chưa?
- Chưa! Tớ sắp lấy bằng xê Anh văn nhờ kiểu học đó ! Nếu muốn tham gia thì chiều mai tới đây.
Ngân im lặng, lát sau rụt rè nói:
- Còn chuyện đi hiến máu?
- Cứ nói đại là bán máu đi, dễ nghe và chính xác hơn! – Giọng Hà tỏ vẻ khó chịu:- Bán lấy tiền chớ có cho không ai đâu mà biểu là hiến với tặng. Tớ ghét kiểu dùng từ nghe có vẻ từ bi bác ái một cách rởm đời. Chuyện đó để tớ lo.
Ngân nói:
- Chuyện này không hay ho gì, cậu giữ miệng giùm tớ.
Hà trề môi, tỏ vẻ không hài lòng. Giọng nói ngân vang, kéo dài châm chọc:
- Lại sĩ diện! Đó chỉ  là một giao dịch hết sức bình thường giữa bên mua và bên bán, mình có làm gì sai quấy đâu mà sợ. Đám sinh viên thất nghiệp bán máu nhiều đến nỗi đếm không xuể kia kìa.
Ngân rốn lại thêm một chốc rồi cáo từ ra về với lời hẹn gặp nhau vào sáng hôm sau. Hà tiễn cô ra đầu đường, nói:
- Nhớ đừng ăn sáng nghe. Kẹt tiền bán máu chớ có bán nhân cách đâu mà sợ.
Ngân đạp xe. Trong đầu miên man những ý nghĩ rời rạc. Chỉ trạc tuổi cô,  mà Hà đã lăn lóc, già đời quá chừng.


CHƯƠNG 13

Nhành về tới nhà thì thấy mẫu giấy nhỏ nhét qua khe cửa. Lúc đầu cứ đinh ninh là hóa đơn tiền điện nên chẳng mấy bận tâm, cô mở khóa rồi cầm mẫu giấy đặt lên bàn. Hãy còn sớm chưa tới giờ nấu cơm, Nhành ngồi chài bài dưới đất tranh thủ lướt mắt qua tờ báo cũ. Cô chỉ thích đọc mấy trang văn học, giải trí, thể thao ..chớ không bao giờ bận tâm đến những chuyện chánh trị, chiến tranh bùng nổ ở Trung Đông, bịnh sida... Đang rầu thúi ruột đọc những thứ đó thêm sẩu mình!  Bây giờ mới gần năm giờ chiều nhưng trời đã nhá nhem tối.  Nhành định bật công tắc điện, ngẫm nghĩ lại thôi, tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy. Tánh hà tiện của Nhành là do di truyền của má cô. Má là người đàn bà chịu thương chịu khó, tần tảo một nắng hai sương, hy sinh tất cả cho chồng, cho con. Nhà nghèo. Có khi cả năm mới được miếng thịt gà vào dịp Tết. Trong khi chồng, hai cô con gái lựa miếng nạc để ăn  thì bà lẳng lặng gặm lại những phần xương mọi người vứt ra. Từ nhà lên chợ Quận xa cả chục cây số vậy mà má lúc nào cũng chỉ  cuốc bộ bằng đôi chưn trần. Đâu phải má không có thứ để mang. Hồi mới cưới nhau, ba có tặng má đôi guốc sơn đen có vẽ hình đôi chim bồ câu. Cho đến lúc nhắm mắt lìa trần đôi guốc vẫn gần như nguyên vẹn, bởi vì má chẳng bao giờ xỏ nó để đi đứng mà chỉ dùng để rửa chưn trước khi lên giường ngủ. Lúc đặt má vô quan tài, ba kèm theo đôi guốc. Nhành thắc mắc sao ba không giữ lại làm kỹ niệm, ba biểu để dưới âm phủ má có cái để rửa chưn! Đường xa. Nắng chang chang. Cho dù sắp chết khát bà cũng cắn răng chịu nhịn đợi về đến nhà uống nước mưa cho đỡ tốn. Cả đời, bà chỉ mặc mỗi bộ đồ bằng vải thô, nâu sẫm, bạc thếch, quần đen, ống rộng, xoắn xít như  cái lò xo. Thật ra, má  còn có vài bộ nữa cũng khá tươm tất nhưng chẳng bao giờ Nhành thấy bà bận. Lâu lâu má mở rương lấy ra ngắm nghía no con mắt rồi cất vô chỗ cũ. Trong mắt mọi người má là người hạnh phúc. Bèo bọt gì gì cũng là vợ một ông hiệu phó  cấp hai trường huyện hét ra lửa, đi dự tiệc được ăn trên ngồi chốc. Những lời  của ông được coi là khuôn vàng thước ngọc. Ông lại có chưn trong Hội đồng nhân dân xã, và Ban soạn thảo hương ước. Tánh ông điềm đạm mà nghiêm khắc, mọi thứ  đều có chừng mực nên được mọi người vị nể, kính trọng. Nhưng ông cũng có một yếu điểm chết người, đó là bệnh sĩ! Căn bệnh của những kẻ thừa chữ nhưng thiếu tiền! Ông khinh thường những kẻ giàu nứt vách mà đầu óc thì rỗng tuếch! Thậm chí còn có những cử chỉ, lời lẽ kích bác rất gay gắt. Người giàu ghét ông cho ông là trí thức gàn, đầy ắp chữ nghĩa mà để vợ con nheo nhóc, không đáng mặt đàn ông! Nhành kính trọng cha nhưng không phục. Tính tình bảo thủ,  lập vị và hơi thiếu trách nhiệm của ông đã khiến mọi người trong nhà nhiều bận gieo neo. Hàng tháng ông chỉ biết liệng đại  mấy đồng lương công chức cho vợ mà chẳng thèm bận tâm vợ phải xây xở  thế nào với xấp tiền mỏng tanh đó, miễn sao cơm ngày ba bữa, hàng tuần có chung trà, chén rượu vui vẻ với bạn bè, đồng nghiệp là được. Trong khi bà vợ tất tả khuya sớm với món nợ cơm áo xấc bấc xang bang thì ông cứ thong dong với hồ cá cảnh, với mấy con két láp dáp   cả ngày, coi bộ an nhàn thơ thới. Năm đó,  gặp phải mùa lũ, chẳng có việc gì làm để kiếm cái ăn. Đứng trước cái đói tòn ten trên đầu vậy mà ông vẫn bình chân như vại, trong khi  má cô cùng lũ con nheo nhóc phải đi mót lúa ngoài đồng, hái bông điên điển về ăn trừ cơm. Biết chuyện, ông đùng đùng nổi giận, nạt nộ om sòm, biểu mọi người  làm vậy  là bôi tro trát trấu vô mặt, hạ thấp uy tín của ông! Nhành học khoa văn năm thứ nhứt, thấy cảnh nhà quá khó khăn buộc lòng phải nghỉ giữa chừng, đi theo đội quân cắt lúa mướn. Hay tin, ba cô gầm lên như cọp:
- Ai cho mày nghỉ học? Khôn hồn thì cuốn gói lên tỉnh ngay, bằng không tao giết!
Uất ức đến chảy nước mắt, Nhành nói lách chách:
- Con cũng muốn học hành như tất cả mọi người nhưng lấy đâu ra tiền học  phí, tiền trọ, hả ba?
Ông ngơ ngác:
- Má mày không đưa tiền à?
Nhành nói:
- Ba cứ như người dưng trong ngôi nhà này! Không có cái ăn thì lấy đâu ra tiền học? Tiền của ba đưa cho má không đủ nuôi ba nữa là. Ba có biết  má thiếu nợ như chúa Chổm hôn? Cái thể diện của ba đáng bao nhiêu? Có giúp mọi người no lòng không?
Ba choáng váng. Trợn trừng đôi mắt trắng dã, toàn thân lên cơn co giựt như bị động kinh. Ông không ngờ và không thể nào ngờ cô con gái mà ông thương yêu nhứt lại dám nói với ông những lời hỗn xược như vậy. Chỉ tội cho má chỉ dám núp sau tấm rèm khóc như mưa. Bà khóc vì sợ cô bị đánh đòn, khóc vì những dồn nén bao năm có dịp bộc phát, khóc vì lo cho chồng  giận quá mà đổ bịnh. Ba đổ bịnh thật. Nằm bẹp gí cả tuần trên giường không nhấc người lên nổi. Đến ngày thứ tám bỗng nhiên khỏi bịnh như có phép tiên. Ông kêu mọi người đến bên giường và nói:
- Tôi có lỗi với bà, với sắp nhỏ. Từ rày tôi hứa sẽ cùng bà gánh vác công việc gia đình, chăm lo cho hai đứa con.
Hôm sau ba kêu người đến bán hồ cá cùng mấy lồng két, rồi  mở lớp dạy kèm và tranh thủ đi bỏ báo buổi sáng để kiếm thêm đồng ra đồng vô. Nhờ đó mà cuộc sống dần dần thay da đổi thịt, mọi người có cái ăn cái mặc, được học hành tử tế tuy vẫn chưa hết khó khăn. Nhưng hạnh phúc lại chóng tan như bong bóng nước. Khi ba hiểu được trách nhiệm của mình thì cũng là lúc má bị bịnh tật quật ngã, hậu quả của những năm tháng cực khổ mưu sinh. Bữa đó đang gặt lúa trên đồng má bỗng thổ huyết lênh láng. Ba cõng má vô bịnh viện tỉnh. Sau khi xét nghiệm, bác sĩ báo cho mọi người tin dữ;  má bị bịnh lao giai đoạn cuối không phương cứu chữa! Lúc ấy gương mặt ba thành sáp, ngồi bệt xuống nền đất mà không thốt được lời nào, nước mắt chảy như xối trên đôi mắt mở trừng. Má chết. Ba sống dật dờ như lá trôi giữa dòng. Tung hê tất cả. Suốt ngày chỉ nằm trong buồng thở dài than vắn.
 Nhành kêu Nhánh lại và dặn dò cẩn thận:
- Chị sẽ lên thành phố để kiếm tiền vì ở đây chẳng có việc gì để làm. Không có chị ở bên cạnh, em  ở nhà chăm sóc ba vừa trong coi mấy công ruộng, không được chểnh mảng, nhớ chưa?
Dặn dò xong Nhành gạt nước mắt, đi một nước không ngoáy lại. Ở thành phố cô ke re cắc rắc từng xu, hàng tháng gởi tiền về nhà. Cách đây gần nửa năm Nhánh  đậu trung cấp  nông nghiệp  nhưng không có ý định nhập học vì không có tiền. Nhành đã chạy xấp chạy ngửa  mượn đủ tiền đóng học phí cho em. Trong lúc nợ nần đang thúc giục cầm canh  thì cô bị sa vào cảnh thất nghiệp.
Xếp tờ báo lại, Nhành lấy nồi vo gạo nấu cơm mà trong đầu cứ bị ám ảnh hoài  về cuộc gặp gỡ lúc sáng với Hường. Nợ nần ngày càng chồng chất, nếu cứ bám lấy công việc của một công nhân khu chế xuất thì biết đời nào mới trả cho xong. Trước khi qua đời má đã trăng trối, bất cứ giá nào cũng phải lo được cho em Nhánh học hành tới nơi tới chốn, cô đã hứa sẽ làm cho kỳ được. Có lẽ đây là cơ hội để cho cô kiếm thiệt nhiều tiền. Rồi Nhành phân vân nghĩ lại, nếu ông già dưới quê mà biết chuyện này chắc có nước  nhồi máu cơ tim mà chết không kịp nhắm mắt! Công việc có quá nhiều rủi ro, bất trắc, nếu để xảy ra chuyện gì cô sẽ khó có cơ hội chuộc lại lỗi lầm. Một người phụ nữ có giáo dục không thể làm cái việc cụng ly chan chát với bọn đàn ông. Khi say rượu người ta dễ dàng buông thả lý trí...
Đang luộc rau thì Huệ về đến nhà. Từ nhà bếp nghe tiếng động,  Nhành nói vọng lên:
- Đứa nào đó? Con Huệ phải không?
Huệ đi xuống bếp nhón cọng rau luộc cho vô miệng, cười ỏn ẻn:
- Biết rồi mà còn hỏi.
- Đi có kết quả gì không? – Nhành cho muỗng muối vô tô nước rau luộc rồi rắc thêm mấy hột bột ngọt.
- Cho thêm mấy hột nữa đi, nêm có bây nhiêu sao ngọt được.
Huệ không trả lời câu hỏi của Nhành mà đi ra nhà trước bật công tắc điện. Chiếc đèn neon sáu tấc phụt phụt mấy cái rồi lóe sáng, phát ra những tiếng rè rè. Huệ nằm xuống nền nhà, thấy mảnh giấy trên bàn bèn nhoài người với lấy:
- Cái gì đây chị Nhành?
- Tao không biết, có lẽ hóa đơn tiền điện.
Huệ mở ra coi thì ra là bức điện tín, cô không tài nào đọc được những chữ telex:
- Chị Nhành ơi, không phải hóa đơn mà là điện tín gởi cho ai đó. Chị biết đọc không, em ngó cứ như đám rừng!
- Đâu nào, để tao! - Nhành chùi tay vô miếng giẻ,  bước nhanh lên trên, đón lấy bức điện từ tay Huệ, rồi đọc từng chữ:
 - À, điện này gởi  cho con Trang! Nghe nè: “ Má ở nhà đau nặng, em vìa gấp!
Anh Hai Tràm ”.
Đọc xong Nhành nhìn Huệ biến sắc:
- Chết cha, con Trang gặp nạn rồi!
Huệ ngồi ngom ngỏm, hai tay khoanh trước ngực, mặt buồn xo:
- Dường như ông Trời cố tình chơi khăm chị em mình thì phải, hết người này đến người kia thi nhau gặp xúi quảy.
Nhành lấy hơi lên, đặt bức điện lại chỗ cũ, rồi quay lại bếp. Vừa canh chừng nồi  cá kho, vừa trò chuyện:
- Tội nghiệp con nhỏ, nó hiền lành, mau nước mắt biết được tin này chắc khóc như mưa. Lát nữa nó về mày đừng nói vội để nó tắm rửa, cơm nước rồi hãy tính.
Ngân bất ngờ xuất hiện như từ dưới đất chun lên:
- Mọi người nói chuyện gì vui quá vậy? Cho tôi tham gia với!
Nhành nói:
- Toàn là chuyện buồn chớ có vui sướng mà nhào vô tranh phần – Nói đoạn, cô đổ nước rau vô cái tô sành tổ chảng, sau đó múc một ca nước rửa sơ sài rồi treo cái nồi lên cây đinh bắc dính trên tường. Xong xuôi, cô  nhìn Ngân hỏi:-  Đi cả ngày có gì mới không?
- Không, đi muốn rụng cặp giò mà chẳng thu được kết quả gì, phen này thất nghiệp hơi lâu đây – Ngân đưa mắt nhìn Huệ : – Huệ tắm chưa? Tôi tắm trước nghen.
- Cứ việc, nhưng nhớ xài nước hà tiện  – Huệ vươn vai ngáp mấy cái :- Thất nghiệp tay chưn cứ bải hoải, con mắt thèm ngủ, cái miệng lại thèm ăn!
Lúc sau Hiếu và Trang cùng về nhà trên chiếc xe đạp của Trang. Nhành nháy mắt ra hiệu cho Huệ. Huệ gật đầu lia lịa. Trang bỏ dép ra ngoài, nửa nằm nửa ngồi trên nền nhà, rên ư ử:
- Bữa nay tưởng ngồi chơi xơi nước không dè buổi chiều hàng về làm không kịp thở. Chà ngày mai là một ngày tất bật đây.
Hiếu uống xong ly nước ngồi dựa lưng vô tường thở phì phò. Ngân bèn xây cái quạt hướng về phía hai người cho ráo mồ hôi.
Nhành hỏi trổng:
- Ăn cơm trước hay tắm trước đây?
Trang đưa tay vỗ vỗ lên bụng:
- Ăn trước đi, em đói muốn xỉu rồi. Chị Hiếu nhà mình càng già càng gân! Làm hoài không thấy mệt.


CHƯƠNG 14

Gần sáu giờ tối Hoạt đậu xe ở trước cổng khách sạn “ Bình Minh”. Bên cạnh Hoạt còn có vài người nữa đang ngáp ruồi chờ khách. Hoạt cảm thấy đói nhưng chưa
muốn ăn, anh cố tranh thủ đón thêm một lượt khách nữa rồi đến rũ Huệ đi ăn tối luôn thể. Hôm nay là một ngày may mắn, vừa bảnh mắt ra đã có đã gặp khách sộp đi xa và không thèm trả giá. Đến nơi Khách móc ngay tờ năm chục nhét vào tay rồi đi thẳng. Anh kêu lại để thối tiền, thì Khách nhún vai một cái rất điệu kèm theo một cái lắc đầu đúng kiểu ca bồi miền Viễn Tây. Rất hiếm khi Hoạt gặp được những vị khách hào phóng như vầy. Đa phần là dân keo kiệt, bủn xỉn, cò kè từng xu lẻ, thậm chí có kẻ đi quỵt không trả tiền. Hễ mở miệng đòi  thì họ lại sừng sộ đòi đánh. Gặp những tay bặm trợn như vậy, cách tốt nhứt là chuồn sớm nếu không muốn bị dần một trận mềm xương. Tuy nhiên, như vậy vẫn còn may lắm, dù sao người vẫn còn nguyên vẹn trở về với cái cần câu cơm. Tuần trước một đồng nghiệp lớn tuổi nhận chở một vị khách ăn bận sang trọng, lịch sự đi về khu đô thị mới với cái giá thèm chảy nước miếng. Thật ra lúc đầu khách muốn đi xe của Hoạt nhưng anh bận chở mối nên đành phải từ chối và nhường cho người khác. Không ngờ đi được giữa đường thì vị khách lịch lãm bỗng hiện nguyên hình là tên cướp chuyên nghiệp. Hắn dùng dao Thái Lan cắt đứt cuống họng bác tài khốn khổ rồi cướp xe dông mất. Bác tài may mắn thoát chết nhưng phải thế chấp giấy tờ nhà để thanh toán viện phí. Hú hồn, coi như người khác gánh họa giùm mình. Hoạt đến thăm và biếu đồng nghiệp bất hạnh  mấy trăm ngàn gọi là trả ơn thế mạng! Từ đó Hoạt luôn cảnh giác, hễ thấy khách có cử chỉ là lạ, đáng nghi thì cho dù có trả tiền cao đến mấy anh cũng tìm cớ thoái thác. Đeo theo nghề “ làm dâu thiên hạ “ mà kỹ tánh quá cũng gặp phiền toái và thu nhập bị ảnh hưởng đáng kể. Có vị khách khó chịu ra mặt:- Mày nghĩ tao là kẻ cướp hay sao mà không dám chở? Mẹ kiếp! Tao mà đã ra tay thì chỉ cướp ngân hàng hay mấy tiệm vàng đồ sộ  ở chợ An Đông, thèm gì “ con ngựa ghẻ “ của mày! Một vài bạn đồng nghiệp trêu chọc:- Giày dép còn có số huống chi là người, đâu phải muốn chết là dễ ! Anh bạn nói bữa trước, thì bữa sau gặp cướp! Lần này anh ta không may mắn như  đồng nghiệp nọ. Sáng hôm sau người ta phát hiện anh nằm chết cứng trong rừng cao su cách xa mấy chục cây số. Nghe đồn cảnh sát đã tóm được thủ phạm là một tên mặt non choẹt, trên túi áo có đính phù hiệu học sinh. Tên sát nhân bị tóm trong cơn say thuốc! Chiếc Wave Tàu đã bị bốc hơi thành khói trắng và chẳng bao giờ tìm lại được.
Hoạt là dân Rạch Giá, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh thi  vô khoa Nhật Bản học. Thật tình Hoạt  thích trở thành cán bộ nghiên cứ sinh học  hơn nhưng anh lại chọn ngành này vì hy vọng dễ tìm việc làm sau khi tốt nghiệp, bởi vì du khách Nhật vào Việt Nam ngày càng đông. Và để trang trải tiền học phí Hoạt hành nghề chạy xe ôm. Mặc dù thu nhập chẳng  nhiều nhõi gì , bữa đực bữa cái  nhưng bù lại anh có thể chủ động thời gian trong việc học hành. Thoắt cái đó, đã gần hết năm thứ tư, chỉ còn vài tháng nữa Hoạt sẽ tốt nghiệp và bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm công ăn việc làm đầy nhọc nhằn, gian khổ. Đời người là cuộc chạy maratông liên tu bất tận.
Hoạt quen Huệ trong một dịp tình cờ y chang trong tiểu thuyết diễm tình, lãng mạn của mấy tay nhà văn lá cải thời trước giải phóng.  Bữa đó vì sợ trễ giờ học, Hoạt phóng xe như điên trên con đường vắng. Trên ba ga chất đầy những  giáo trình, sách vở. Đang chạy ngon trớn thì bất ngờ một chiếc xe đạp từ con hẻm bên hông vụt phóng ra như tên bắn. Thắng lại không kịp, chiếc xe máy của Hoạt tông thẳng vào giữa chiếc xe đạp. Cô gái chỉ kịp “ ối “ lên một tiếng rồi ngã vật  ra, nhắm nghiền đôi mắt. Và kết cục câu chuyện là một mối tình nảy sinh trong những ngày thăm nuôi bệnh nhân trong phòng cứu cấp!
Công việc của Huệ giờ giấc thất thường, liên tục tăng ca, nên cả tháng hai người mới gặp nhau một, hai lần. Huệ không thích vô quán cà phê hay những khu giải trí mà chỉ thích món chè thập cẩm. Hoạt ghét những thứ có đường nhưng vì người yêu phải bấm bụng chiều theo. Huệ ăn một lúc hai chén và uống hai cốc nước. Hoạt chỉ ngồi yên và hút thuốc.
Huệ nhăn mặt:
- Em ghét đàn ông lúc nào cũng phì phà như ông cụ non! Nếu anh bỏ thuốc em sẽ hôn anh đến chết.
Hoạt cười, nói:
- Sẽ bỏ, em hôn anh trước đi!
Huệ nói :
- Em đâu phải con nít mà dễ dụ khị.
Đúng là Hoạt chỉ hứa suông, hôn thì cứ hôn, thuốc thì vẫn cứ hút, thậm chí hút nhiều nữa là đàng khác!
Thông thường Hoạt đến thẳng chỗ ở của Huệ, cũng có khi anh mò đến tận chỗ làm. Hoạt đội nón nỉ  sùm sụp, đeo kiếng đen đứng tréo chưn trước cổng Xí nghiệp giống như công an  hình sự. Tan ca.  Huệ bước ra với mấy người bạn. Vừa thấy Hoạt , họ lên tiếng chọc ghẹo:
- Huệ ơi, một nửa của mày đang đứng trước cửa kìa, chạy mau mau  kẻo người ta chờ!
Cô khác nói:
- Thùng dầu hắc của mày đang  trồng cây si  coi chừng đụng lỗ đầu! ( Hoạt có nước da đen bóng )
Rồi họ chọc Hoạt:
- Anh  ơi! Con Huệ không còn yêu anh nữa đâu. Hãy yêu em, em xin cám ơn lắm lắm
- Con Huệ nó mê lấy chồng Đài Loan, không chịu hàng “ nội địa “  đâu.
Huệ sượng trân, nhìn Hoạt trách:
- Mai mốt anh đừng tới đây, em mắc cỡ lắm.
Hoạt vung tay:
- Trai chưa vợ, gái chưa chồng, quan hệ trong sáng có gì mà sợ. Đứng yên để anh hôn một cái!
Huệ lườm lườm :
- Đồ trơ trẽn!
Hoạt cười :
- Trơ. Vậy mà có người ôm cứng ngắt!
Huệ cười ré lên:
-  Ai thèm ôm anh, đồ chai mặt!
Hoạt hối:
- Lên xe nhanh lên!
Huệ ngó dáo dác thấy không ai để ý, bèn thót đại. Hoạt rồ ga vượt qua mấy cái ổ gà khiến cô gần như bị hất tung ra khỏi yên, buộc lòng cô phải bám vào người Hoạt thật chặt. Hoạt ngoáy cổ lại cười hềnh hệch:
- Đó, ai ôm người ta cứng ngắt vậy ha?
Huệ cười rũ rượi, đưa tay đấm lưng Hoạt thùm thụp:
- Đồ ôn dịch! Chú ý phía trước kìa! Coi chừng chiếc xe hàng chạy ngược chiều!
Hoạt giựt mình quay lại, cua một vòng thật điệu, thoát hiểm trong gang tấc.
Chờ hoài không có khách. Kim đồng hồ chỉ đúng bảy giờ, Hoạt bèn cho xe nổ máy phóng thẳng đến chỗ ở của Huệ. Gần mười lăm phút sau thì đến nơi, vừa lúc cả nhà đang chuẩn bị ăn cơm. Hoạt bước vô. Bóng dềnh dàng của anh che kín hết khung cửa hẹp. Huệ ngồi xây lưng ra phía ngoài. Nhành ngó Hoạt, chớp chớp mắt mấy cái, rồi lấy cái chén của Huệ dẹp sang một bên.
- Ô hay, sao lại dẹp chén của em?
Ngân nhìn Nhành có ý dò hỏi. Nhành kề tai nói khẽ:
- Bồ của con Huệ!
Ngân gật đầu cười khúc khích. Huệ ngạc nhiên nói:
- Nhà này hôm nay làm sao á. Một người không cho ăn cơm, người kia cứ cười như bà điên!
Hoạt bước tới lấy tay bịt mắt. 
Huệ nói:
- Đứa nào đó, có buông ra không? Tao đâm một phát lòi ruột bây giờ!
Huệ vớ chiếc đũa đâm ngược về phía sau một cái. Hoạt “ ối” một tiếng rồi buông tay ra. Cả nhà cười ngắc nghẻo. Huệ xoay người lại và thốt lên:
 - Ồ, anh Hoạt!
Trang nói :
- Chị Huệ nhà mình tối nay có lộc ăn, cho tui theo với.
Huệ đáp yếu xìu:
- Sẵn sàng thôi!
Hiếu xua tay, nhăn mặt:
- Thôi đi mau cho rảnh mắt. Con Trang  mà đi có đứa chết vì tiếc tiền!
Hoạt đưa Huệ đến quán cơm ngon có tiếng, anh chọn chỗ trống bên cạnh cửa sổ rồi chọn món ăn. Huệ kêu cơm sườn, canh chua, Hoạt cơm thịt kho tiêu, canh cải bẹ xanh nấu với cá thác lác. Cả hai vừa ăn vừa nói chuyện.
Hoạt nói:
- Công việc của em vẫn tốt chớ?
Huệ đặt miếng sườn thơm phức xuống, nói:
- Em bị thất nghiệp mấy bữa rồi!
Hoạt giựt mình, suýt bị sặc cơm:
- Hồi nào? Sao anh không biết? Em có xin việc gì chưa?
Huệ trả lời:
- Chưa, chẳng biết việc gì mà làm, em đang rầu rĩ đây!
Hoạt nói:
- Thôi, gác chuyện đó qua một bên để ăn cho ngon miệng. Buổi tối hôm nay thật tuyệt vời!
Huệ nói :
- Dường như chuyện thất nghiệp của em khiến anh hí hửng thì phải?
Hoạt cười, gật đầu ngay lập tức:
- Đúng vậy, anh không thích em phải làm cái công việc cực nhọc choán hết thời gian  với đồng lương rẻ mạt đó. Có khi trong cái xui  lại có cái hên! Biết đâu em sẽ có công việc tốt hơn.
Huệ ngồi yên lặng, mấy lần định nói gì đó lại thôi. Huệ đã no nhưng còn nửa chén canh chua thấy tiếc nên cố thanh toán cho kỳ hết. Đoạn cô dòm chén canh cải bẹ xanh của Hoạt, hỏi:
- Anh không ăn canh à?
Hoạt lắc đầu đổ thừa tại quá no.
Huệ nhăn mặt:
- No cũng phải cố! Không húp nước thì vớt cái chớ bỏ uổng lắm!
Kết thúc bữa ăn, nhìn hóa đơn tính tiền từ tay nhân viên phục vụ Huệ giựt mình, la lớn:
- Trời đất, mắc dữ vậy. Buôn bán hay cướp cạn vậy?
Hoạt nháy nháy mắt với bồi bàn, đẩy vội Huệ ra ngoài:
- Dù gì cũng đã xong rồi, em làm um sùm chẳng  có ích gì mà còn gây trò cười cho thiên hạ.
Huệ dùng dằng:
- Nếu biết bị chém đẹp như  vầy cho dù có kề dao lên cổ em cũng nhứt quyết không bước vô. Ở nhà năm người chỉ tốn có ba ngàn tiền chợ!
Hoạt đánh trống lảng sang chuyện khác:
- Giờ hãy còn sớm mình đi đâu đây?
Huệ còn đang giận nên làm mình làm mẩy. Hoạt đề nghị:
- Ta đi coi phim đi, anh nghe mấy đứa bạn  quảng cáo có bộ phim tình cảm của Hàn Quốc rất ướt át. Coi nghen.
Rạp chiếu phim vắng hoe như  phiên chợ chiều. Chẻm bẻm chỉ có cặp Hoạt – Huệ và vài ba người trong rạp. Cũng không phải phim Hàn Quốc mà là phim của Mỹ. Đấy là bộ phim hài pha lẫn hình sự với những pha đấm đá vèo vèo và những nụ hôn dính như keo. Huệ ngồi bên cạnh Hoạt lọt thỏm trong không gian đặc sánh bóng tối và khói thuốc. Lúc này cô chợt hiểu ra:
- À, anh định đưa em vô tròng, có phải vậy hôn?
 Hoạt cười tít mắt, choàng tay qua người Huệ siết chặt:
- Phải vậy mới hôn được em chớ!
Nói xong Hoạt ôm Huệ hôn tới tấp như mưa, Huệ chống trả một cách yếu ớt rồi bị cuốn theo những nụ hôn hấp hổi... Trên màn ảnh đang diên ra một screen tương tự. Lúc sau Huệ đẩy Hoạt ra và nói:
- Buông em ra, anh siết chặt quá em nghẹt thở!
Hoạt còn cố hôn thêm một cái nữa mới chịu buông tay, Huệ vuốt lại áo xống, tóc tai rồi tằng hắng lấy giọng:
- Bây giờ chúng ta nói chuyện nghiêm chỉnh nhá. – Huệ đề nghị.
- Chuyện gì? – Hoạt nói mà miệng cười cười.
Huệ im lặng một lúc, hai bàn tay thừa thãi cử động vụng về:
- Tương lai của chúng ta chẳng hạn, em rầu lắm, nó mờ mịt và không có lối thoát.
Hoạt suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Lo làm gì cho mệt óc, em ơi! Hãy yêu thương cuộc đời này, và cuộc đời sẽ cư xử công bằng với chúng ta. Ngước lên thấy mình không bằng ai, ngó xuống thì thấy không ai bằng mình. Sắp tới ra trường mọi chuyện sẽ thuận lợi hơn. Chúng ta sẽ tiết kiệm tiền làm đám cưới. Thời gian đầu có thể ở nhà mướn, có điều kiện thì tính sau.
- Nhà cửa ở thành phố mắc  lắm, hai đứa có nhịn ăn, nhịn mặc đến rụng răng, rụng tóc cũng không đủ tiền mua nổi cái chuồng heo nữa là. Càng nghĩ em càng lo, lo thúi ruột thúi gan.
- Hãy lạc quan lên chớ em, đừng nhìn đời bằng lăng kính u tối như vậy, có niềm tin chúng ta sẽ về tới đích!
- Trong anh lúc nào cũng dậy một niềm tin quá đỗi lãng mạn và ngây thơ, cuộc đời thật thì vô cùng cay nghiệt.
Huệ đột ngột im lặng, ngả đầu vào ngực bộ ngực vạm vỡ của Hoạt thì thầm:
- Nếu em làm một công việc nào đó có thể kiếm được nhiều tiền, anh có ủng hộ em không?
Hoạt ngạc nhiên nhìn Huệ, đôi mắt lóe lên những tia sáng kỳ lạ:
- Sao em lại hỏi vậy? Tất nhiên anh đồng ý quá đi chớ. Thời buổi này ai kiếm được nhiều tiền bằng sức lao động chân chính đều đáng hoan nghênh thậm chí được tặng thưởng huy chương nữa là. Vậy thì chẳng có lý do gì anh không ủng hộ em. – Đoạn Hoạt nhìn Huệ bằng ánh mắt ngờ vực, Huệ không có bằng cấp lẫn thân thế thì làm sao có thể...Suy nghĩ một lúc Hoạt nói:- Nghe thì mừng nhưng anh không hiểu, đó là việc gì, em nói rõ hơn có được không?
Huệ thấy sao mà khó mở lời quá nên đành im lặng. Rốt cuộc chỉ biết  dán mắt vô màn ảnh. Bộ phim đang hồi gay cấn, những  cảnh đua xe rợn tóc gáy diễn ra trên những dãy phố ngoằn ngoèo. Chiếc ô tô chạy trước bị va vào bức tường bốc cháy như ngọn đuốc. Cảnh rượt đuổi trong khu thương mại với đầy đủ súng ống, dao lê..Tiếp theo là tiếng còi hụ của xe cứu thương. Và những pha làm tình nóng bỏng bên thác nước lạnh giá…Phim ảnh bây giờ người ta toàn khai thác những  cảnh bạo lực chết chóc và đượm màu nhục dục.


 CHƯƠNG 15

Cơm nước, tắm rửa xong, Trang ngáp mấy cái tính lên gác ngủ sớm đặng còn lấy sức mai đi làm, Nhành kêu lại, chìa ra bức điện tín. Hiếu đang chải đầu thấy vậy cũng ngồi xuống. Chiếc lược còn gắn trên đầu. Trang lo lắng:
- Cái gì vậy chị?
- Đọc đi thì biết. – Nhành buồn rầu đáp.
Trang đọc xong ngồi chết lặng, Ngân tò mò lướt nhanh đôi mắt qua bức điện và im lặng. Trang bắt đầu khóc, thoạt tiên là những tiếng nấc khe khẽ rồi vỡ òa ra nức nở thành từng cơn. Để Trang khóc một hồi lâu cho vơi bớt nỗi buồn, Hiếu nói:
- Thôi khóc  nhiêu đó đủ rồi, bây giờ phải bình tỉnh  liệu tính cách nào để lo cho bà già.
Trang lấy tay quệt nước mắt:
- Má em mà có mệnh hệ gì chắc em tự tử quá, chị Hiếu!
- Đừng nói bậy! Mày còn bao nhiêu tiền?
- Chỉ còn có vài chục. Mấy bữa trước em gởi về quê hết trơn rồi.
Nhành đưa tay đập muỗi, rồi  xòe tay ra. Trong lòng bàn tay có xác con muỗi chết giẹp:
- Chị em lúc khó khăn hoạn nạn có nhau, của ít lòng nhiều, ai có tiền thì xì ra đây!
Trang lấy chiếc túi xách, cho vô mấy bộ quần áo rồi nhìn mọi người lắc đầu:
- Ai cũng khó khăn như nhau , em không dám cầm đâu. Chỉ xin mượn đủ tiền lộ phí vìa quê thôi.
Ngân móc ra mấy chục, ấn vô tay Trang. Trang lại xòe ra. Ngân bóp tay Trang lại:
- Bác ở nhà bị bệnh chắc cần nhiều tiền điều trị thuốc thang, tôi chỉ có chút đỉnh, mong Trang đừng từ chối.
Hiếu, Nhành cũng đồng loạt đưa tiền cho Trang. Nhành nói:
- Còn đây là tiền “ viện trợ “  của con Huệ. Cầm lấy.
- Ấy chết không có ý kiến của Huệ, em không dám lấy. – Trang đẩy ngược trở lại.
- Cứ cầm lấy. Con Huệ tuy thương tiền nhưng cũng là đứa biết phải trái. Nó mà cà chớn là tao trừ thẳng vô tiền gởi không lôi thôi gì ráo!
Mọi người an ủi Trang chừng mười lăm phút, Hiếu coi đồng hồ rồi hối Trang đi ngủ sớm lấy sức để mai đi chuyến xe đầu tiên. Còn chuyện xin phép Hiếu sẽ lo liệu.  Nhìn Trang bước lên gác thu dọn đồ đạc, Hiếu thở dài:
- Số nó sao mà lật đật quá!.
Sực nhớ ra một chuyện Nhành, ngửa mặt nói vọng lên gác:
- Trang ơi, mày cũng nên báo cho Thật biết tin này để nó cùng lo.
Trang nói:
- Thôi chị ơi, em sợ làm phiền lắm.
- Sợ gì! Con gái người ta thì nó hôn túi bụi, chẳng lẽ mẹ người ta có chuyện gì,  nó cam tâm bỏ mặc.  Đây là lúc nó thể hiện tấm lòng của mình. Mày không nói sau này nó trách.
Hiếu đồng ý với suy nghĩ của Nhành và nói thêm:
- Về quê thăm lo người bịnh cần phải có nhiều  tiền. Mang nhiêu đó đâu thấm tháp gì. Biểu thằng Thật gánh vác một phần trách nhiệm cũng là việc nên làm.
Im lặng một lúc, Trang bước trở xuống, dắt  xe lộc cộc vào bóng tối. Ba người  nhìn nhau im lặng.

oOo

Xóm “ nhập cư “ quay thành vòng tròn tách rời với những khu dân cư khác như ốc đảo. Trước đây, nơi này là đất canh tác làm lúa nước. Mỗi hộ dân chỉ  một khoảnh đất bạc màu, nhỏ như bàn cờ tướng bị chia manh mún lại bị thiên địch, sâu rầy phá hại nên chẳng bao giờ đủ ăn. Công việc chính của những người nông dân ở đây là chạy chợ hoặc làm những nghề linh tinh khác hoàn toàn không dính dáng đến nghề nông. Bỗng đùng một cái, có tin đồn quy hoạch. Đã nhiều lần  mấy ông cán bộ địa chính ở thành phố xuống lăng xăng vẽ sơ đồ, đo đạc, ghi chép một cách cẩn thận, rồi  cắm một tấm bảng quy hoạch chi tiết lừng lững  bên cạnh đường chính gồm; những dãy nhà cao tầng, biệt thự song lập, hồ bơi, công viên cây xanh, khu giải trí.... Mọi người dân ở đây hớn hở ra mặt cứ nghĩ phen này sẽ đổi đời, trở thành dân phố thị tới nơi , nên chẳng buồn nghĩ đến chuyện đồng áng, suốt ngày sống trong tâm trạng chờ đợi phập phồng và nhậu nhẹt!  Họ đợi mỏi mòn, nhậu thiếu điều lủng bao tử,  thậm chí có người đã ngủm  củ tỏi từ khuya rồi mà dự án vẫn còn đóng mốc meo trong ngăn kéo của mấy ông cán bộ chuyên trách nào đó, nghe đồn Quỹ Tiền tệ quốc tế chưa duyệt. Không đủ kiên nhẫn hơn được nữa, vài  người đã tự tiện xé rào, đắp đất ruộng cất nhà cho công nhân mướn. Người này làm, kẻ khác bắt chước làm theo. Rào rào như mưa. Huyện biết được bèn cử một đoàn thanh tra gồm nhiều ban, bệ xuống lập biên bản xử phạt. Họ chấp nhận đóng phạt rồi tiếp tục xây cất trái phép. Lại phạt. Lại cất. Cái vòng lẩn quẩn! Chẳng mấy chốc, trên những mảnh ruộng cằn cỗi đã mọc lên vô số những  ngôi nhà tạm bợ để cho số thanh niên từ các tỉnh lẻ đến thuê mướn  làm chỗ trọ. Đến nay, những thửa ruộng nghèo  đã biến thành khu “ nhập cư “ tự phát.
Vì là khu dân cư tự phát nên nó không có trật tự nào ráo trọi. Lộn xộn. Rối rắm. Mọi thứ đều tạm bợ như một doanh trại dã chiến. Nhà cửa được dựng bằng những vật liệu rẻ tiền. Các  thứ phế thải được tận dụng tối đa. Những người nông dân một thời tay lấm, chưn bùn,  thiệt thà như đếm , không quen so đo, toan tính bỗng trở thành  những nhà kinh doanh lỗi lạc! Phương châm của họ là giản tiện, giá rẻ, mau thu hồi vốn để  sinh lợi! Những ngôi nhà ( nói chính xác hơn là những túp lều ) lợp giấy dầu Trung Quốc, tường gạch không tô, nền xi măng lòi gạch, nham nhở, dây điện giăng như tơ nhện,  nằm xiên xẹo, ngang dọc, chẳng ra thứ tự, lớp lang nào tạo thành những con đường chi chít, ngoằn ngoèo như ma trận. Những người lần đầu mới  đặt chưn đến cứ  ngơ ngác đi vòng vòng một lúc rồi trở lại nơi mình vừa tới khi nãy.
Trời tối. Trang đạp xe vòng vo, lách qua những chỗ hẹp chỉ vừa đủ cho một chiếc xe đạp. Chỗ ở của Thật nằm kẹp giữa hai ngôi nhà đâm xiên ngang hông. Phía trước bị án ngữ bởi đống ván cốt pha, cừ tràm xây dựng cao lút đầu. Cửa bị khóa. Bên trong đèn đuốc tối thui. Trang dựng xe. Mệt muốn thở ra khói. Lấy cườm tay quệt mồ hôi trán. Cách chỗ cô đứng vài bước chưn về phía bên tay mặt  có một ngôi nhà leo lét ánh đèn,  bên trong phát ra tiếng khóc của trẻ con. Đây là chỗ ở của tốp nữ công nhân Xí nghiệp giày da, trong số đó Trang có quen vài người qua những lần đến thăm Thật. Trang đặc biệt có cảm tình với chị Yến. Yến xuất thân là gái vườn dừa, có gương mặt đẹp tương phản với  đôi mắt u tối tàn tro. Trang chưa từng thấy ai có đôi mắt buồn đến vậy. Thỉnh thoảng cô ghé qua chỗ Yến. Yến rót nước mà thở khò khè như lên cơn suyễn, rồi nói:
- Tới  chơi hay có chuyện gì hôn?
Trang lắc đầu, trả lời:
- Không có gì, ghé chị nói chuyện chơi,  đỡ buồn!
Yến nói ngắc ngứ:
- Có gì vui mà nói.
Trang cười cười:
- Sao chị chán đời quá vậy? 
Miệng Yến trễ xuống:
- Em vô tư quá! Giá như chị cũng được như em thì hay biết mấy.
Trang lại nói:
- Có ai cấm chị vui đâu. Lúc nào cũng rầu rĩ mau già lắm! Chị thử cười lên coi nào!
Yến điều khiển những dây chằng ở khóe miệng giãn ra, cặp môi vẫn khép lại không hé nom giống như khóc. Sau này, Trang mới biết người yêu của chị vốn là bạn học từ hồi cấp hai cùng lên thành phố lập nghiệp đã bỏ chị đi theo người đàn bà khác lớn hơn anh ta gần mười tuổi nhưng giàu sụ và quan trọng nhứt là dân thành phố chánh hiệu con nai vàng.  Sau  đám  cưới “ chạy tang “ , đầy tai tiếng, anh ta nghiễm nhiên trở thành cư dân thành phố. Liệng cái bay thợ hồ vô thùng rác, mỗi ngày chỉ việc ăn mặc giống như tài tử Hồng Công đứng chàng ràng trước tiệm hủ tiếu Nam Vang  của bà vợ vừa già, vừa xấu để làm kiểng! Trước sự phản bội của người yêu, Yến phẫn uất đã mấy lần  tự tử nhưng không thành. Sau lần uống cả bụm thuốc ngủ,  được phát hiện kịp thời Yến thề không tìm đến cái chết nữa. Nhưng từ đó chị sống dật dờ như con sông dở ròng dở lớn. Một khi niềm tin đã đổ vỡ thì người ta khó mà trở lại con người thật của mình.
Trang dắt xe, ngừng trước cửa nhà Yến, day mặt nhìn vô. Yến đang ôm đứa bé còn đỏ hỏn, cho nó bú. Gương mặt thằng nhỏ nửa tối, nửa sáng dưới ánh đèn lờ mờ. Bên cạnh là cô gái khác đang cầm cái lục lạc lắc lắc. Những tiếng leng keng vui tai khiến đứa trẻ ngo ngoe trong tã lót ngừng bú, nghếch đôi mắt, toét miệng cười hết cỡ. Cô gái ấy là Thanh, cũng là người quen của Trang. Gần cả năm Trang không gặp chị Yến, không ngờ chị đã có chồng, sanh con. Âu đó cũng là điều đáng mừng! Cách xoa dịu nỗi đau tâm hồn  tốt nhứt là tìm hạnh phúc  thay thế cho nỗi bất hạnh. Trang chỉ hơi bất ngờ là Yến có thể quên đi quá khứ nhanh và thanh thản đến vậy. Rồi cô nghĩ lại, cũng phải thôi, chẳng lẽ con người cứ gặm nhấm nỗi đau để mà sống hay sao.
Vừa thấy Trang, Yến cúi gằm mặt xuống, ra chiều không muốn tiếp. Dầu vậy, Trang cũng bước vô, ngồi xuống. Chiếc giường cũ kỹ vặn mình kêu răng rắc. Trang nhìn vào cái vật nằm giữa đùi của đứa trẻ rồi thốt lên:
- Con trai! Chị Yến này xấu ghê, lấy chồng mà không cho em biết. Bộ khi dể em không có tiền mừng đám cưới hả? – Đoạn Trang cười ngỏn ngoẻn, đưa tay bẹo má thằng bé một cái.
Yến lủng bủng như nghẹn đàm,  đưa mắt nhìn Thanh. Thanh dòm Trang rồi xây mặt sang hướng khác:
- Chị đưa thằng cu cho em ẵm một chốc. Chà, vài bữa nữa về ở nhà cao, cửa rộng rồi, đâu thèm nhớ mẹ, nhớ dì nữa đâu! No kềnh bụng rồi, dì cháu mình đi chơi nghen.
Trang lấy làm lạ, nghiêng đầu nhìn Yến. Yến thở cà hớp như người hụt chưn sắp chìm xuống đáy nước. Thanh ẵm thằng nhỏ  ra cửa. Yến rượt theo đưa chiếc khăn lông khá dày, trùm lên người nó và dặn:
- Cẩn thận coi chừng muỗi cắn thằng nhỏ!
Thanh bật cười giòn đầu ngoẻo qua một bên:
- Chị làm như em là con nít không bằng! Con muỗi nào cắn thằng cu, em đền gấp mười lần!
Yến lại dặn:
- Đừng cho nó bú tay, sau này răng dễ bị hô,  xấu lắm.
- Biết rồi, nói hoài hà! Thôi dì cháu mình đi hóng mát nghen, ở trong nhà nực nội quá chừng. Ngày mai con có theo dì đi thăm cô Nhâm hôn?
Nói đoạn, Thanh gật đầu chào Trang. Yến kéo áo che cặp ngực căng sữa.
Trang ngó quanh quất rồi đột ngột lên tiếng:
- Bộ chị Nhâm bị bịnh hả chị Yến? Sao lại phải đi thăm?
Chị Nhâm với Yến cùng quê. Chị  lớn hơn Yến bốn tuổi đã có gia đình, vì gia cảnh túng bấn quá phải lặn lội thân cò lên thành phố bươn chải tìm kế sinh nhai, bỏ lại quê nhà anh chồng khắc khổ vật lộn với mấy công ruộng nhiễm phèn và đứa con  quặt quẹo nuôi hoài không thấy lớn. Hàng tháng chị chắt bóp gởi tiền về quê nuôi chồng nuôi con.  Tánh chị hiền, ít nói, nhưng hễ mở miệng ra là thốt toàn những lời lẽ chán chường tuyệt vọng. Cuộc sống đói nghèo, không lối thoát đã cướp đi nụ cười, niềm vui của chị mất rồi.
Nghe nhắc tới Nhâm là Yến lại thấy đau nhói trong lòng.
- Ở tù rồi!
- Sao ạ? Chị nói giỡn! Chỉ hiền như cục bột làm sao bị bắt đi tù? Chẳng lẽ nghèo lại là cái tội?
Yến trả lời buồn thảm:
- Nghèo không là cái tội nhưng cũng vì nó mà khiến người ta phạm tội. Bộ em không thấy những kẻ sa vào vòng lao lý đa phần là người nghèo hay sao? Tội nghiệp, chị Nhâm ở tù chỉ vì một tội không đáng có! Chẳng thà chỉ tham nhũng tiền tỉ như mấy ông cán bộ cỡ bự thì không nói làm gì. Đàng này...
Yến bỏ lửng câu nói, thở phì phò như đang khuân vác vật nặng. Hồi lâu kể tiếp bằng giọng nặng nề u uất:
- Thằng con của chỉ bị bịnh đau ban đỏ  mà trong túi lại không có một xu. Đói ăn vụng túng làm liều, chị lén ăn cắp tiền lương vừa mới lãnh của con Hoa cùng nhà. Em còn nhớ con Hoa không?
Trang gật đầu. Hoa là dân Cà Mau, có bộ dạng gầy đét như con khô hố. Hoa ăn rất dữ, mỗi bữa có thể xơi gọn năm chén cơm đầy vun nhưng người vẫn ốm tong ốm teo.
- Bữa đó Hoa lãnh được năm trăm sáu mươi bốn ngàn đồng. Nó xếp từng tờ ngay ngắn rồi để ở đầu nằm. Nửa đêm chị Nhâm lén dở gối cuỗm sạch. Khi công an phường xuống xác minh, chỉ run như cầy sấy, mặt mày tái mét không còn hột máu. Rồi chẳng cần tra khảo lôi thôi, chỉ cúi đầu nhận tội. Mặc dù bạn bè sẵn lòng bỏ qua, không muốn làm lớn chuyện nhưng người ta vẫn bắt chị đi. Ông tổ trưởng nói pháp luật phải nghiêm minh, phạm tội trên năm trăm ngàn là đủ để truy tố! Chỉ bị còng tay dẫn đi mà gương mặt khắc khổ vẫn chưa hết bàng hoàng. Con Hoa vừa khóc vừa kể, nếu biết chuyện lớn  như vầy thà rằng bỏ luôn không thưa kiện lôi thôi. Chị Nhâm bị giam đúng một tháng thì đem ra xét xử , mà lại xử lưu động ngay tại “ khu nhập cư! ”. Hỏi, thì mấy vị quan tòa biểu phải làm như vầy để trấn áp, răn đe những ai có cái tật nhám nhúa lấy đó làm bài học mà chừa! Bữa đó thiên hạ kéo tới coi đông lắm. Hoàn toàn không giống những phiên xử khác, người ta không nguyền rủa, chửi bới phạm nhân mà lại ra sức binh vực, sẻ chia đồng cảm. Thậm chí có người đã la ó phản đối rất dữ dội. Nhưng những nhà hành pháp chỉ căn cứ vào Bộ luật hình sự mà thực thi! Vừa nghe Tòa tuyên án chín tháng tù giam, chỉ té xỉu liền tại chỗ! Nhiều người đã bật khóc. Thiệt là bất công! Những ông cán bộ cấp trung ương, cấp thành phố  đưa ra một chính sách  sai lầm làm điêu đứng  cả chục triệu dân thì chỉ bị khiển trách, làm kiểm điểm, thậm chí chỉ dừng lại ở mức “ đóng cửa bảo nhau “ cũng như những tay cán bộ tham ô tiền tấn vẫn cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, được hưởng án treo. Nhẹ hều. Trong khi  kẻ chỉ vì vài trăm ngàn lại phải sa vào vòng lao lý! Công lý mà thiếu lòng nhân mãi mãi  chỉ là lưỡi dao đồ tể – Đoạn chị thở dài:- Thì ra pháp luật chỉ là công cụ bảo vệ cho kẻ mạnh mà thôi!  
Kể xong, Yến im lặng liên tục nuốt nước miếng đặc sệt trong cổ họng. Trang ngồi duỗi thẻ cố nén tiếng thở dài. Lúc sau cô lên tiếng phá tan bầu không khí ngột ngạt:
- Ông xã chị chắc cùng quê hả? Ảnh làm nghề gì vậy, chị Yến?
Yến đưa mắt nhìn ra cửa. Mấy người thợ hồ rinh đồ nghề trở về sau một ngày lao động, họ đi băng xiên băng nai  Giọng nói nhão nhè nhão nhoẹt. Không cần tinh ý  cũng biết  vừa từ quán nhậu bước ra. Trong số họ không có Thật.
Trang nóng lòng chờ câu trả lời của yến nhưng chỉ nhận sự im lặng và những tiếng thở dài. Trong việc này chắc có điều gì khuất tất,  Trang nghĩ thầm.
Lúc sau, Yến có vẻ đã trấn tĩnh lại. Đám mây u tối trên  mặt đã dần dần bốc hơi, trở nên nhẹ nhõm hơn tuy nhiên giọng nói vẫn chất chứa nỗi buồn bi thương, thảm thiết:
- Chị cũng chẳng cần giấu em làm gì. Ở đây tất cả mọi người đều biết, thêm một người cũng chẳng biết cũng chẳng đến nỗi nhục phải đi tự tử!
Đoạn, Yến nói rành rọt từng tiếng:
- Chị đâu có chồng!
- Gì ạ? – Trang thốt lên kinh ngạc:- Chị nói khó hiểu quá, không có chồng, sao lại có con?
Yến che giấu sự xúc động của mình bằng cách sắp xếp lại mấy bộ đồ trẻ con đặt ngay ngắn trên giường, mấy bộ đồ đã được là ủi cẩn thận vậy mà Yến cứ đưa tay vuốt hoài.  Hồi lâu, Yến giương đôi mắt tuyệt vọng nhìn Trang:
            - Đứa con đó chị đẻ cho người ta!
 Trang nói thất thanh:
 - Sao ạ? Đẻ cho người ta nghĩa là làm sao? Hổng lẽ nó không phải là con của chị, nghe kỳ quá!
Yến vừa sụt sùi vừa kể lể ngọn ngành. Cuối cùng thì Trang cũng hiểu ra đầu đuôi sự việc, Yến cần một khoản tiền lớn để giải quyết chuyện nhà nên đã bằng lòng đẻ mướn cho một tay trọc phú thừa tiền mà không có nỗi một đứa con để nối dõi tông đường, bù lại Yến sẽ có thứ mà chị đang rất cần.
           - Vài bữa nữa người ta đến bắt con chị đi rồi, em có biết không? Trời ơi, cứ nghĩ đến cảnh tượng phải xa lìa đứa con do mình dứt ruột đẻ ra là chị chỉ muốn chết cho xong!
          Yến thở hồng hộc như đang lấy hơi lên, đôi mắt trắng dã trợn trừng. Bỗng “ rầm “ một cái, Yến ngã bật ra phía sau. Ngất lịm. Trang liền hô hoán kêu cứu. Vài người xung quanh, nam có, nữ có hớt hải xộc vô, họ  lật úp người Yến lại xức dầu, cạo gió. Hồi sau, cô tỉnh dậy, đưa đôi mắt tuyệt vọng nhìn mọi người, cất giọng khẩn thiết:
- Xin hãy cứu lấy con tôi! Tôi van xin mọi người hãy cứu lấy con tôi.
Yến bỗng quỳ sụp xuống lạy mọi người như tế sao. Nhiều người phải quay mặt đi, không dám đối diện với cảnh thương tâm.
Trang cảm thấy toàn thân tê dại hẳn đi, nếu ở chỗ này thêm lúc nữa chắc cô sẽ chết mất. Cô bước lầm lũi  như cái xác vô hồn  ra phía ngoài, đi đến chỗ vắng Trang ngồi phịch xuống đống gỗ, khóc như ri.
 

<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.03.2007 15:45:36 bởi NuHiepDeThuong >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9