Tiểu thuyết " Như lục bình trôi " chương 91 -95
nguyen hoang 20.03.2007 13:29:09 (permalink)
CHƯƠNG 91
 
Những ngày cuối tháng mười một âm lịch đối với Huệ quả là quá bận rộn. Năm nay, không hiểu sao người ta lại chết nhiều quá sá! Cứ như là tranh nhau chết không bằng, Huệ nghĩ vui, có lẽ, do đất đai lên giá vùn vụt nên chết sớm chừng nào đỡ tốn chừng ấy! Thời gian gần đây người dân thành phố thường chọn cách thực dụng nhứt, là đem đi hỏa táng. Bằng cách này  vừa đỡ tốn kém  vừa khỏi mất công cúng bái,  vẫy mả hàng năm, coi như nhứt cử tam tiện!  Người quá cố được đưa vô lò thiêu xác cả ngàn độ xê, sau đó tro cốt được đem gởi vô chùa, nghe tiếng kệ lời kinh đặng mau siêu thoát. Huệ cứ băn khoăn, liệu những linh hồn bất hạnh đó có lên thiên đàng hay vất vơ vất vưởng nơi dương thế vì lũ cháu con tôn thờ chủ nghĩa thực dụng hơn chữ nghĩa nhơn.
Nội ngày hôm nay, một mình Huệ phải chạy sáu “ sô “ khóc mướn. Cô khóc nhiều đến nỗi mắt sưng húp, mặt mày phờ phạc như   vừa từ địa ngục ngoi lên, đến sô cuối cùng thì Huệ hoàn toàn kiệt sức. Nước mắt đã cạn kiệt như cái giếng khô rang giữa cái  hạn bà chằn , không sao nặn ra một giọt cho có. Đến nỗi chủ nhà đã phải la bài hãi :
-  Cô khóc hay là cô rống vậy? Làm ăn cái kiểu này mà dám xòe tay nhận tiền bộ không biết mắc cỡ sao? Cô biến đi để tôi đỡ ngứa con mắt!
Huệ mừng húm,  phóng xe như bay, mong sớm về nhà nghĩ ngơi cho lại sức. Ngày mai sẽ là một ngày bận rộn nữa đây! Huệ nhẩm tính, sáu sô cộng thêm tiền boa cả thảy gần năm trăm! Cha, phen này mình giàu tới nơi rồi! Ý nghĩ đó như liều thuốc tăng lực khiến cô quên đi cả mệt nhọc, phiền muộn trong công việc. Cô hân hoan tưởng tượng về ngôi nhà xinh xắn, người chồng và những đứa con… Khi đổ dốc cầu, Huệ thấy hai bên lề đường có bán trái cây, bèn tấp vô mua mỗi thứ một ít, tọng đầy một bịch ny lon.
Về tới  đã thấy mọi người tề tựu đông đủ ở dưới nhà. Họ đang trao đổi điều gì đó có vẻ bí mật, căng thẳng, thấy Huệ liền lập tức im re, cử chỉ lúng túng. Huệ dựng xe ngay đầu hẻm. Nói rổn rẻng:
- Chào cả nhà! – Huệ thảy túi trái cây ra giữa nhà:- Ăn đi!
Không ai động đậy. Huệ ngơ ngác dòm Hiếu. Hiếu ngoảnh sang chỗ khác, nén tiếng thở dài, cả Nhành và Ngân cũng vậy, sanh nghi, Huệ liền hỏi Trang:
- Ở nhà có chuyện gì xảy ra phải hôn? Mày nói đi!
Trang không trả lời, chỉ lẳng lặng đưa cho Huệ bức  điện tín. Linh cảm chuyện không lành xảy ra bất giác Huệ thấy lạnh toát xương sống, bàn tay cầm bức điện mà người cứ run lên bần bật, đôi mắt bỗng tối sầm lại không sao nhìn thấy chữ.
- Khỏi cần đọc! Nội  chết rồi! – Nhành buồn rầu nói:- Mới sáng nay. Cả nhà đã nhiều lần liên lạc với mày  nhưng không được bộ “ di động “ bị hết pin hả?
- Hả! – Huệ thảng thốt - Nội chết thiệt rồi sao? Sao lại chết? Nội còn mạnh giỏi lắm mà. Mấy người đừng gạt tui!
Huệ bơ ngơ báo ngáo như ăn nhằm cháo lú mất hồn:
- Nói thiệt đi, mấy người giỡn phải hôn? Ai giả mạo bức điện này để chơi trác tui vậy, hả? – Huệ nói trều trào mắt mở trao tráo mà không nhìn thấy gì.
Ngân rướm nước mắt, đưa tay choàng qua vai Huệ lựa lời dỗ dành, an ủi:
- Huệ! Đây là sự thật. Tất cả mọi người đều rất đau lòng về chuyện này. Huệ hãy can đảm đối mặt với thực tại  đừng chạy trốn nữa. Lúc này Huệ cần phải thật bình tĩnh để lo chuyện hậu sự cho bà.
- Nội ơi!  – Huệ thốt lên quằn quại  rồi ngồi bất động. Nỗi đau hóa đá. Trên gương mặt tột cùng đau đớn không mảy may một giọt nước mắt.
Hiếu  ấn chiếc phong bì vô tay Huệ:
- Mất mát này là của chung, các chị vì công việc không thể đi với em được, hãy nhận đây là chút tấm lòng chia sẻ. Ba giờ sáng mới có chuyến xe đầu tiên. Em hãy thiệt bình tĩnh, nghỉ ngơi dưỡng sức đặng khuya đi sớm.
Huệ hóa câm. Gương mặt thất thần như người bị mộng du rồi cô lặng lẽ bước lên gác. Trang định bước theo, Nhành nắm tay kéo lại, nói:
- Lúc này Huệ cần được yên tỉnh, đừng quấy rầy nó, nỗi đau này không ai có thể gánh hộ. Cầu mong mọi việc đừng quá bi đát!
Chị Hai cạo heo từ đầu rình bên cửa, lắng nghe câu chuyện, bị muỗi cắn mà không dám đập, vừa thấy Huệ leo lên gác, liền sà vô nhiều chuyện:
- Con nhỏ đó thiệt là vô tâm, bà nội chết mà không nhỏ cho một giọt nước mắt! Đúng là cái thứ nợ báo oan gia!
Mọi khi chị Hai thường hay bị Huệ làm cho bẽ mặt vì cái tật thích thọc gậy bánh xe. Chuyện nhỏ xíu bằng cọng lông, qua miệng vợ Hai cạo heo sẽ khuếch đại lên  thành con gà! Đây là dịp chị ta “ trả thù “ cái con “ nước mắt cá sấu “. Chẳng thèm để ý đến những ánh mắt khó chịu đang dòm mình, chị ta tiếp tục kể tội Huệ:
- Tao biết tại sao con Huệ không rớt nỗi  một giọt nước mắt rồi, bởi vì nó dành nước mắt khóc cho thiên hạ, cho chuyện kiếm tiền thì còn đâu  để khóc cho người thân kẻ thích  nữa. Với lại  thứ nước mắt cá sấu đó nào có nghĩa lý gì, cứ  chảy tồ tồ như nước phông ten. Lạt nhách!
Đoạn chị ta gãi sồn sột khắp người. Câu chuyện được tiếp tục bằng giọng the thé, chị Hai  cố tình nói lớn cho Huệ nghe:
- Nước mắt là tặng vật của ông Trời dành cho người trần thế để bày tỏ tình cảm của người với người, mà đã gọi là báu vật thì phải biết hà tiện, chắt chiu chớ không phải bạ đâu khóc đó, biến nó thành phương tiện kiếm tiền! Tao chẳng thà nghèo chết bỏ chớ không làm cái cái việc trời ơi đất hỡi  đó đâu!
Có lẽ, chị Hai sẽ ngồi  mọc rễ, nếu như không thấy bóng anh Hai khệnh khạng từ đầu hẻm bước vô, bên nách kè kè chai rượu tắc kè đầy nhóc, chị ta lập tức “ tắt đài “ lật đật chạy về nhà, cầm chổi quét lia lịa.
Trang nhìn mọi người hỏi:
- Anh Hoạt đã biết tin chưa?
- Chưa! – Hiếu trả lời :- Hoạt đưa đoàn khách du lịch đi Nha Trang rồi, tuần sau mới về. Tội nghiệp con nhỏ dự tính tết này dẫn người yêu về ra mắt bà nội coi  như đã không thành. Khuya nay Nhành đưa nó ra bến xe.
- Ờ, chuyện đó để tui lo. – Nhành nói nức nở:- Hôm nọ  thấy nó đem về mấy xấp vải với hộp sâm Cao Ly, tui hơi ngạc nhiên vì tánh nó vốn tiện tặn. Hỏi, nó nói, cả đời Nội toàn ăn bận rách rưới, bây giờ có tiền, phải lo cho Nội tiêm tất một chút. Sâm, để bồi dưỡng cho Nội sống lâu đặng mà dự đám cưới của nó.
Trang nói thêm bằng giọng ồ ồ:
- Chỉ hà tiện tối đa, dành tiền để mua nhà, rước bà nội về ở chung. Đúng là người tính không bằng trời tính! Tối nằm bên cạnh, chỉ toàn nói chuyện về anh Hoạt, về Nội. – Trang chép miệng:- Trên đời, chị Huệ chỉ có hai người thân yêu, một đã ra đi, một thì vừa thương vừa nơm nướp lo sợ thử hỏi làm sao mà không đau lòng  cho được.
Hiếu rầu rĩ:
- Chuyện của nó với Hoạt, tao thấy cũng lo lo. Cầu Trời, khẩn Phật cho mọi việc diễn ra bình an, suôn sẻ.
- Còn chuyện tình của chị tới đâu rồi? – Ngân day mặt về phía Nhành, hỏi.
- Chẳng đâu ra đâu! Mỗi tuần gặp nhau một lần tại quán nhậu nào đó và kết thúc nơi nhà trọ , xong xuôi, đường ai nấy đi. Nghĩ cũng tức cười, người ta yêu nhau  hẹn hò những nơi trữ tình, lãng mạn, công viên, rạp hát, những nơi yên tĩnh, còn mình thì cứ nhè  mấy cái quán nhậu dơ dáy, thô tục  mà đâm đầu vô. Lời yêu thương say khướt  hòa quyện với  mùi nước tiểu khai mù từ nhà vệ sinh hắt ra! Đúng là thứ tình yêu thời thổ tả!
Hiếu trách:
- Chuyện này cứ tiếp tục kéo dài là không thể chấp nhận được. Hôm nào hai người giữ cho đầu óc tỉnh táo, đem chuyện này ra bàn bạc một cách nghiêm túc, coi sao. Nếu anh chàng Lưu Linh gì đó thiệt lòng yêu thương nhứt định sẽ tính  chuyện xa hơn còn không thì liệu đường mà rút lui sớm, chớ cứ sống theo kiểu vợ tạm chồng hờ như vầy hoài , tao thấy không xong.
Trang cứ thắc mắc, chị Nhành vốn là người chín chắn, đàng hoàng, mọi cử
động, lời ăn tiếng nói đều rất cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng  sao bây giờ̀ bỗng nhiên trở nên dễ dãi, bung thùa  quá vậy! Đúng là, một khi đã ăn nhằm bả tình rồi thì người khôn cũng hóa dại, người tỉnh cũng cũng hóa ra điên tuốt luốt!
- Nè, bữa nào rảnh rang, tao với mày đến chỗ làm, chỗ ở của anh chàng “ Độc Cô Cầu Bại “   coi  sao. Hổng chừng coi vậy mà hổng phải vậy. Chị em mình toàn là một lũ điếc không sợ súng, chẳng hiểu mô tê gì đối tượng của mình mà vẫn cứ điềm nhiên lên giường! Đích thị  là căn bệnh khát tình của mấy cô gái già! – Hiếu nói.
Nhành im lặng, tuy ngoài mặt cố ra vẻ bình thản nhưng trong lòng lo đến thót tim. Mỗi khi đầu óc tỉnh táo cô luôn dặn lòng không bao giờ để chuyện này xảy ra lần nữa, nhưng khi có chất men trong người cô lại thèm yêu, thèm dữ dội! Đầu biểu   đừng  mà chưn thì cứ bước! 
Huệ ngồi bất động trên ban công, mắt đăm đăm nhìn về phía xa xăm. Trước nỗi đau quá lớn, cô thèm được khóc,  nhưng nước mắt đã ban phát hết cho người xa kẻ lạ chẳng còn nổi một giọt để khóc cho người thân, đành khóc  khan không nước mắt. Cô nhớ đến Nội, nhớ đến một bà già  nhăn nheo, lưng cong oằn, mặt gần chấm đất. Nội nghèo nhưng là nghèo cơm nghèo áo, nghèo tiền nghèo bạc chớ không nghèo nhơn nghèo nghĩa.  Nếu biết cô làm nghề khóc mướn, chắc chắn Nội sẽ buồn và giận lắm. Nội không thể nào ngờ đứa cháu duy nhứt, mà Nội luôn đặt trọn niềm tin lại dám làm cái chuyện tày đình như vậy. Cô hoàn toàn giấu nhẹm chuyện xấu này, nói dối đang làm thợ chánh ở tiệm uốn tóc kiếm cũng bộn tiền. Nội mừng ra mặt, nhờ con bé Na viết thơ khuyên cô hãy cố gắng, đừng lo gì cho Nội. Chừng nào về quê uốn cho cái đầu là Nội mừng lắm rồi. Huệ cười vang, ấy là Nội nói vui thôi, đầu Nội còn tóc đâu để mà uốn. Huệ khoe đã có người yêu đẹp trai, giỏi giang lại có học, Nội lập tức đòi lên thành phố để nhìn tận mặt đứa cháu rể tương lai. Cô cản, Nội  tuổi già sức yếu, xe cộ cực lắm,  lần này về quê ăn tết con sẽ đưa anh Hoạt ra mắt Nội luôn thể. Vậy mà chưa chi Nội đã vĩnh viễn ra đi mất rồi! Có phải Nội giận con, không muốn nhìn mặt con nhỏ hư hỏng này nên mới ra đi vội vàng như vậy? Nội ơi, Nội bỏ đi rồi, con biết sống với ai đây? Huệ nhớ lại hồi còn ở nhà, thấy Nội cơ cực, hàng ngày phải lê tấm thân già nua khắp đầu đường xó chợ để kiếm miếng ăn cho đứa cháu cưng. Huệ đau lòng lắm, vừa và cơm vô miệng, vừa khóc:
- Con thề với Nội sẽ kiếm  thiệt nhiều tiền sắm nhà cao cửa rộng rồi rước Nội về sống chung để đời Nội bớt cơ cực, con sẽ đền đáp trọn vẹn công lao của Nội.
Lúc đó Nội cười móm mém:
- Nội già rồi sống nay chết mai chẳng cần ăn ngon bận đẹp, nhà cao của rộng làm gì  miễn sao con hạnh phúc, sung sướng tấm thân là Nội mừng lắm rồi. Nếu thương Nội con hãy sống cho ra dáng một con người, chừng nào  nhắm mắt xuôi tay chỉ cần con nhỏ cho Nội vài giọt nước mắt là Nội mãn nguyện  ngậm cười nơi chín suối!
Nghĩ đến đây, Huệ bỗng thấy nhói ngay tim. Trong  cô trào dâng cơn gào thét lặng câm:
- Trời ơi! Con đã không thực hiện được ý nguyện cuối cùng của Nội! Nội chết mà con không rớt  nổi một giọt nước mắt! Ông Trời ơi! – Huệ dang thẳng cánh tay tán mạnh vào mặt mình. Sưng húp:- Xin ông làm ơn  vật chết đứa cháu bất hiếu bất nghì này đi! Tui không đáng làm con người góp mặt trên dương gian này!
Huệ gục đầu vào thành lan can, toàn thân run rẩy như chiếc lá cuôi mùa đông giá rét sắp sửa xa cành. Lúc này đây hơn bao giờ hết, cô cần biết bao một giọt nước mắt. Một giọt nước mắt mà cô nguyện sẽ đánh đổi tất cả những gì quý giá nhứt để có được, giọt nước mắt bi ai chân thành  dành cho Nội, cho chính mình nhưng, trời ơi,  cô đành ngậm ngùi bất lực  bởi vì cả suối nguồn nước mắt cô đã dành trọn vẹn  cho người dưng.
Cứ thế, Huệ ngồi kể lể suốt đêm. Mười hai kiểu khóc thầy Trình dạy ngày nào cứ ào ạt tuôn ra một cách vô thức. Những âm thanh ngậm ngùi ai oán mọi ngày cô dành cho người xa kẻ lạ bây giờ cô dành cho Nội, cho chính mình. Giữa đêm khuya tĩnh mịch tiếng cô não nùng như tiếng mèo con lạc mẹ nghe rờn rợn, thê lương. Trong đời mỗi kiếp nhân sinh có mấy ai đau lòng vĩnh biệt người thân lìa trần bằng những lời nỉ non  đóng khung như định lý Pytagor , bằng những tiếng thét gào ai oán đã được lập trình sẵn vào bộ nhớ, tuyệt nhiên không tìm ra một giọt nước mắt  để gọi là người, lúc ấy ta  mới thấu hiểu được nỗi đau truyền kiếp mà hóa công bắt sinh linh phải gánh chịu. Thượng Đế vốn hồn nhiên,  lểnh lảng như đứa trẻ  hay quên. Vô tâm. Thiên vị!  Tạo hóa vốn đã bất công thì làm sao cõi nhân gian có lẽ công bằng.
Gần ba giờ sáng Nhành đưa cô ra bến xe Miền Tây, đi chuyến đầu tiên.
 
 
CHƯƠNG 92
 
Hôm nay là ngày hai mươi ba, tháng Chạp,  ngày đưa ông Táo về trời. Hiếu sắm sửa lễ lạt cúng bái. Đồ lễ đơn giản,  “ cò bay, ngựa chạy “, xiêm hài áo mũ, ” thèo lèo cứt chuột“ , nhang đèn..Đúng sáu giờ tối, Hiếu ăn mặc tiêm tất, gọn gàng. Bày hương án trước cửa nhà. Nhìn lên bàn thấy thiếu bình bông, Hiếu hối  Huệ đem ra. Rồi  bắt đầu cúng kiếng. Hiếu thắp nhang khấn Nam mô A Di Đà Phật ba lần:
Kính lạy ngày Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân.
Chúng con là: Nguyễn Thị Hiếu, Nguyễn Ngọc Nhành, Phan Thị Kim Ngân, Lê Thị Thu Huệ, Nguyễn  Thị Thu Trang. Ngụ tại 96/2C Bến Đình. Nhân ngày 23 tháng Chạp chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến tôn thần, đốt nén tâm hương dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời:
Ngài Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Phỏng theo lệ cũ, ngài là vị chủ, ngũ tự gia thần, soi xét lòng trần, Táo quân chứng giám.
Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin tôn thần, gia ân châm chước. Ban lộc ban  phước, phù hộ toàn gia, an ninh khang bái.
Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Hiếu nói “ cẩn cáo “, xá xá mấy cái, rồi cắm nhanh vô hũ.
Huệ từ đầu đứng yên bên cạnh, tấm tắc khen Hiếu đọc văn khấn cứ như người ta đọc thơ!
Huệ hỏi:
- Chị Hiếu nè, mồ côi cha mẹ như em thì phải khấn làm sao?
- Mẹ chết phải khấn là Hiển tỷ, cha chết là Hiển khảo, ông chết là Tổ khảo, bà chết là Tổ tỷ....
Trời đất, rắc rối dữ vậy sao. Em cứ  ba, má, ông, bà cho nó gọn! Cái gì mà “ khảo “ với “ tỷ “, đọc líu cả lưỡi!
Hai chị em ngồi thu lu trước cửa nhà chờ nhang tàn. Hiếu nghĩ ngợi mông lung, còn hai bữa  nữa là tới ngày đưa Ông Bà. Tuần sau là Tết. Cô đã viết thơ cho nhà, báo sẽ về ở hẳn. Trong thơ, tuyệt nhiên cô không hề đã động đến mối quan hệ giữa cô và Tưởng, không phải cô muốn dành cho mọi người sự bất ngờ  mà bởi vì cô sợ.
- Chuyến này chị ở luôn dưới quê thiệt hả?
- Ừa, ở luôn, bon chen như vậy là đủ lắm rồi, bây giờ tao chỉ khát khao một túp lều tranh, hai trái tim vàng thôi. Mày có về hôn?
Huệ thoáng buồn, dưới quê không còn một người thân, kẻ thích, về để làm gì.
- Mày nói cũng phải, nhà thơ Tế Hanh đã từng thốt lên “ Cúi đầu từ biệt mẹ/ Từ biệt cả làng quê/ Quê mẹ không còn mẹ/ Bao giờ con lại về .”
- Cha, đúng là những kẻ đang yêu có khác! Văn nghệ văn gừng tùm lum tà la!
Thật ra mấy câu thơ này Hiếu học thuộc từ miệng của Nhành chớ có tài giỏi gì đâu!
Còn vài ngày nữa hai người sẽ lãnh tiền cuối năm. Một chuyến xe tốc hành sẽ đưa Hiếu cùng người yêu dấu về nơi cô đã từng chôn nhau cắt rún. Cô sẽ dựng trên mảnh đất bên cạnh bờ ao một ngôi nhà nhỏ xinh xinh . Và những đứa con mũm mĩm như những chú heo con..Nghĩ đến đây gương mặt cô bỗng rạng ngời hạnh phúc.
- Mụ Trần mấy rày có quấy rầy chị nữa hôn?
- Không, vậy mới kỳ! Dường như  mủ  đã sám hối về những tội lỗi của mình rồi cũng nên.
Huệ xì một hơi dài, bả mà ăn năn hối cải thì cả nhân loại này đều hóa thành thầy tu! Chị còn lạ gì con người độc ác đó nữa, cười đó, rồi giết người đó như không!
Hiếu im lặng nhìn ngọn đèn leo lét trước gió, không hiểu sao cô lại liên tưởng thân phận mình như ngọn đèn dầu. Rồi cô tự trấn an mình, chỉ còn vài bữa nữa thôi cơn ác mộng sẽ kết thúc.
Nhang tàn, Hiếu lấy hộp quẹt ga đốt “ cò bay, ngựa chạy ”.  Tàn tro bị gió thổi bay ngược vô nhà, khói bay mù mịt. Nhành dẫn xe ra. Hiếu đẩy bàn cúng qua một bên. Nhành nhăn mặt:
- Cúng bái làm chi vừa tốn tiền, vừa phiền phức . Mấy ổng chỉ biết ngồi hưởng lộc chớ chẳng hề ngó ngàng tới thập loại chúng sinh đang rên xiết. Tiền mua mấy thứ này  chẳng thà cho ăn mày có đức hơn.
Hiếu nhịn, cố tình lãng sang chuyện khác:
- Đi gặp Lưu Linh phải hôn?
- Ừ, bữa nay tui phải rõ ràng trắng đen với chả.
Hiếu gật đầu cho là phải, rồi hỏi:
- Chừng nào ghé thăm con Trang?
- Sáng mai  – Đoạn Nhành nổ máy xe và vọt đi.
Hiếu day mặt về phía Huệ nói:
- Lát nữa mày chở tao thăm con Trang nghen.
 
&
&&
 
Bác sĩ chắc chắn, hai mươi lăm âm lịch tháng này Trang sẽ sanh em bé, nghĩa là còn đúng hai ngày nữa. Bà Vân buộc Trang ở luôn trong bịnh viện để tiện việc theo dõi, chăm sóc. Trang chẳng lý do gì từ chối cho đặng,  mặc dù cô không khoái hửi cái mùi nhà thương cho lắm.  Cô  muốn thăm Thật lần cuối trước khi vượt cạn. Bà Vân đồng ý nhưng  yêu cầu Trang phải giữ bình tĩnh, không được xúc động thái quá làm ảnh hưởng đến đứa trẻ sắp chào đời. Hễ mở miệng ra là bà Vân lại nhắc tới chuyện đứa con trong bụng khiến cho người dễ tánh như Trang cũng phải bực mình.
Nhờ có thể chất khỏe mạnh, Thật hồi sức rất nhanh, tuy nhiên phải mất thêm một thời gian khá dài  mới có thể bình phục hoàn toàn.   Dài là bao lâu?,  Trang lo lắng hỏi. Bác sĩ nhún vai trả lời lấp lửng, cái đó thì tùy!
Khi Trang và bà Vân tới nơi, Thật đang nằm mở mắt nhìn ra cửa sổ. Toàn thân anh là một khối bất động,  chỉ trừ đôi mắt là biểu hiện sự sống.  Thấy hai người bước vô, chị Lài bèn lỉnh ra ngoài, tranh thủ hít thở khí trời buổi sớm.
- Anh Thật! – Trang kêu se sẽ:- Em đến thăm anh đây!
Nghe âm thanh quen thuộc gọi tên mình, Thật cố cựa mình. Đôi mắt u tối lướt nhanh ra phía cửa, dừng lại trước ánh mắt mở to, lo lắng. Rồi anh  xoay nghiêng mặt, và nhắm nghiền đôi mắt lại.
- Em đến thăm anh đây! – Trang nhắc lại lần nữa xác định sự hiện diện của mình :- Anh thấy trong người như thế nào, có mạnh lên chưa?
Thật im lặng, anh cảm thấy đau đớn , tủi hổ khi phải đối mặt với  Trang trong cảnh tệ hại như vầy:
 - Em còn tìm đến tôi để làm chi nữa? – Hồi lâu, Thật động đậy cặp môi nứt nẻ, tróc từng lớp vảy:- Có phải tới để cười tôi trong tư thế tàn tệ như vầy không? Bây giờ cô  hài lòng lắm rồi.
Thật dùng đại từ nhân xưng “ cô “, “ tôi “, đối đáp bằng giọng mỉa mai cay độc. Trang ngồi xuống bên cạnh Thật, lấy khăn chấm mồ hôi trên trán. Thật lẩn tránh sự chăm sóc đó bằng cách xoay người đi:
- Em về đi! – Thật nói khẽ vừa đủ nghe nhưng cương quyết, tỏ thái độ không muốn tiếp chuyện :- Ai cần em ra tay độ lượng,  chẳng thà để tôi chết phứt cho xong!
- Đừng đuổi xua em! – Trang van nài :- Ngay cả anh cũng từ chối em, em còn biết bám víu vô đâu nữa.
- Tôi căm thù đàn bà, căm thù tất cả, cô có biết không. Xin hãy để tôi yên!
Miệng Thật nói cứng mà đôi mắt lại yếu đuối quá chừng!
Trang khóc. Nước mắt rớt lộp độp xuống tấm mền mỏng, kèm theo là những tiếng  nấc nghẹn. Bà Vân từ ngoài xộc vô, mặt hằm hằm tức tối:
- Về thôi, cô Trang. Tốn lời với người chẳng biết lý lẽ chỉ mất thời gian! – Đoạn bà Vân bước gần về phía Thật, nói rít qua kẽ răng:- Đồ bội bạc! Anh còn nợ cổ một mạng sống đã không biết ơn thì thôi lại tuôn ra những lời độc địa! Thứ  vô ơn bội nghĩa như anh bị ông Trời trừng phạt là đáng lắm!
Thật gầm lên như cọp rống:
-  Ngậm miệng lại! Tôi cóc cần cái lòng tốt chó chết của mấy người! Sống dở người dở ngợm thì sống làm quái gì.
Xong xuôi, Thật nhắm chặt mắt lại tỏ ý muốn đuổi khách. Trang đứng bần thần một lúc rồi nói:
- Em vìa, chúc anh mau mạnh giỏi!
Thật khẽ cựa mình, mắt nheo nheo. Bà Vân nắm tay Trang kéo nhanh ra cửa. Đợi hai người khuất dạng, Thật mở choàng mắt, gương mặt hiển hiện nổi thống khổ tột cùng:
- Trang ơi! Hãy tha thứ cho anh. Anh là đồ vụt đi, nào có đáng gì mà khiến em phải bận tâm lo lắng.
Trang đi khỏi chừng một tiếng,  thì Thuần xuất hiện với cái bụng lùm lùm. Trên tay là chiếc giỏ xách trĩu nặng;  đường sữa, trái cây, kem đánh rằng, quần áo...
Rất tự nhiên, Thuần sà xuống ghế, lôi các thứ trong giỏ xếp lên mặt tủ. Cái đầu liên tục lắc lư, mái tóc thô cứng như rễ tre lòa xòa trên cái trán ngắn ngủn:
- Chà, thì ra anh lại chui rúc vào cái xó này. Thảo nào, em gọi điện hoài chẳng thấy  trả lời trả vốn gì ráo! Ban đầu em cứ tưởng anh theo con đĩ nào rồi chớ. Đó, thấy chưa, em nói có sai đâu, đi đêm cho cố  thế nào cũng có ngày gặp ma. Bây giờ nằm chèm mẹp như con gián đã sáng mắt chưa?
- Cô ngậm miệng không ai biểu cô câm! Thứ đồ đàn bà nhiều chuyện! Làm sao cô biết tôi ở đây mà kiếm? Tôi chạy trốn cô thiếu điều muốn độn thổ. Bộ tôi  thiếu nợ hay sao mà cô cứ bám theo hoài vậy? - Đúng vậy! – Thuần  cười ghẹo. Người đã mập thù lù  mà mặc áo sọc ngang to bản dòm như cái lu:- Anh còn nợ em món nợ ân tình!
- Ân tình! – Thật nói nhắp nhứ như bị nghẹn đờm trong cổ họng:- Giữa tôi và cô chỉ là quan hệ “ ăn bánh trả tiền “ chẳng có tình nghĩa gì ráo!
- Nghĩ sao là tùy! Anh thì ôm ấp cả vạn đàn bà nên trái tim chai mất rồi đâu còn biết rung động là gì! Không sao, cho dù anh không đếm xỉa gì tới em, nhưng anh không có quyền cấm cản em yêu anh, có đúng hôn? Đó, bây giờ thì anh sáng mắt ra chưa? Lúc anh còn khỏe mạnh, bao nhiêu người đàn bà tranh nhau giành giựt, bây giờ nằm chết gí trên giường có ma nào ngó ngàng tới đâu, chỉ có em là chung thủy với anh thôi. Từ rày trở đi em sẽ chăm sóc anh với tư cách một người vợ, cho dù anh không đồng ý thì em vẫn cứ...
- Mặc xác tôi, tôi không cần chút tình bố thí của ai cả. Cô đừng làm những viêc vô bổ như vậy, khỏe lại, tôi cũng bỏ cô mà đi.
- Thì anh cứ việc, em đâu có cản! Nhưng lần này anh nhớ cẩn thận kẻo người ta thiến cái của nợ cho chó nó ăn thì thành thái giám! Bây giờ chẳng có cung điện , vua chúa, hoàng hậu, thứ phi  để anh ra sức tung hoành đâu!
Thật tức muốn á khẩu! Đoạn Thuần đưa tay xoa xoa cái bụng nhô lên sau làn áo mỏng, nói bằng giọng hả hê của kẻ chiến thắng:
- Em báo cho anh một tin vui, em sẽ có con. Con em sẽ đứa trẻ thông minh, đẹp trai ngất trời. Anh có mừng không? Chúc mừng em đi!
- Mừng! – Thật thở phào như vừa trút xong gánh nặng :- Cuối cùng thì cô cũng đã tìm được một gã đàn ông lớ ngớ để xỏ mũi! Vậy là cô đã toại nguyện rồi.
- Tất nhiên. Anh không biết là em hạnh phúc đến thế nào đâu. Em cám ơn anh nhiều lắm.
Thật nhìn Thuần tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Tôi thì dính dáng gì tới chuyện này mà cô nói lời ơn nghĩa. Tốt nhứt cô hãy cám ơn cái lão khọm nhà cô ấy.
Thuần cười ré lên, tiếng cười như đồ sành sứ rớt loảng xoảng. Thuần đã xấu tệ, khi cười lại càng xấu hơn, phô cả hàm răng thô kệch, nớu răng thâm sì như miếng da trâu:
- Thì cái lão khọm ấy đang nằm bẹp trên giường này! – Thuần đưa tay ấn nhẹ lên trán Thật day day  mấy cái:- Đừng làm bộ đóng kịch nữa, hổng lẽ anh không biết tác giả cái bào thai  là ai thiệt sao. Mặt mày sáng láng vậy mà tối dạ quá chừng!
Gương mặt Thật nghệch ra, dài thuổng trông rất buồn cười:
- Ý cô là...
Thật không dám nói tiếp những lời đáng sợ, mắt nhìn chằm chằm lên nút ruồi cơm có sợi lông mọc dưới càm. Thật ghét cái nút ruồi vô duyên đó. Nhưng Thuần mê tín nói nếu nhổ sợi lông thế nào cũng gặp chuyện chẳng lành.
- Anh chớ ai! Coi kìa, chưa chi đã sợ té đái! – Đoạn Thuần thở dài, nét mặt lộ vẻ cam chịu:- Nhưng anh đừng lo, em sẽ không bắt anh phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào,  chấp nhận hay từ chối bổn phận làm cha là quyền của anh, nhưng anh không được phép cấm em có cái quyền làm mẹ.
- Chó chết! – Thật nói văng nước miếng, thì ra mình đã bị ả xỏ mũi ngay từ đầu mà không hay biết. Hèn chi mỗi lần lên giường ả nhứt định không chịu dùng bao cao su. Hỏi, ả nói  dùng thuốc, nhưng té ra đấy chỉ là thuốc bổ chớ không phải là thuốc ngừa thai:- Cô đi giải quyết cái của nợ ấy đi. Bộ định dùng đứa trẻ để  xích chưn tôi lại đó hả? Nếu vậy thì cô lầm to rồi! Tôi lo thân mình còn chưa ra hồn nữa là. Không ngờ cô lại dám giở thủ đoạn ấy với tôi. Đàn bà như cô quả thật đáng sợ.
Thật bĩu môi khinh bỉ. Cánh tay băng bột cử động bất lực, Thật thở dài, nghĩ thầm, mình trở thành thứ  “ phế thải “ mất rồi.
- Không đời nào! Cực khổ  lắm em mới có được đứa con vàng con bạc này, anh biểu vứt đi là em vứt hay sao. Anh biết hôn? Em đã vái Trời vái Phật, nguyện ăn chay một tháng cầu xin một đứa con và giờ đây em đã toại nguyện! Bây giờ có đưa ra pháp trường xử bắn, em cũng quyết giữ gìn nuốm ruột của mình. Em đã nói rồi, anh không phải băn khoăn gì về chuyện này, tất cả  em sẽ tự lo liệu, nếu cảm thấy lương tâm thúi tha của anh  có cắn rứt một chút thì thỉnh thoảng đến thăm, không đến cũng chẳng sao. Anh chửi em là đàn bà thủ đoạn, đáng sợ. Còn anh thì sao?
Đoạn Thuần đưa tay vỗ vỗ bụng, nói đớt đát:
- Con yêu của mẹ. Con phải ghi nhớ ngày hôm nay nhé. Chưa chi cha con đã xúi mẹ giết con đi, không cho mẹ cái quyền được làm mẹ, không cho con cái quyền được sống, cha như vậy có đáng mặt làm cha không hén? Lớn lên con đừng thèm dòm mặt người cha vô lương tâm này, nghen.
Thật cựa mình xương cốt kêu răng rắc. Nét mặt biểu lộ nỗi tuyệt vọng:
- Cô im đi! Giá như tôi bị điếc để khỏi phải nghe những lời này. Tôi mệt lắm rồi, hãy để tôi yên! Trời ơi, sao ông  lại trừng phạt tôi khủng khiếp đến vậy.
Thật cố xoay người sang hướng khác, mắt vằn đỏ. Thuần lấy dao gọt mấy trái bom xếp lên dĩa, rồi gom vỏ cho vô túi ny lon:
- Sống chung một ngày cũng là tình là nghĩa. Cho dù anh có ác mồm ác miệng kêu bằng cái tên “ mỹ miều “ là “ ăn bánh trả tiền “ thì em thấy mình cũng phải có trách nhiệm đối với anh. Anh đừng lo, sau khi  bình phục em sẽ lập tức biến khỏi mắt anh. – Thuần đưa cho Thật miếng táo:- Ăn đi, ăn để lấy sức mà chửi trời, chửi đất, chửi bản thân mình, chửi vợ, chửi con!
Thật nỗi quạu, cầm miếng bom liệng qua cửa sổ. Thuần bật cười, đưa cho miếng khác. Lại liệng đi. Cứ thế hết luôn dĩa bom. Mỗi lần như vậy Thuần lại cười ré lên.
Cô y tá bất ngờ ló ra sau cánh cửa, trên tay là cuốn sổ chi chít chữ. Đoạn cô ta hiếng đôi mắt một mí nhìn Thuần:
- Chị là thân nhân của người bịnh?
- Đúng rồi! Tui là vợ của ảnh – Thuần liếc  nhanh về phía Thật, nhoẻn nụ cười ranh mãnh, rồi nói tiếp:- Có chi hôn cô?
- Có! – Cô y tá nói, mặt lộ vẻ ngơ ngác:- Tiền viện còn thiếu mấy triệu, đề nghị chị thanh toán ngay trong hôm nay.
Nói đoạn, cô ta xây người nhỏng nhảnh bước đi, chùm tóc đuôi gà lắc lư theo nhịp lộp cộp đôi guốc cao gót. Thuần nhìn Thật, tằng hắng mấy cái, đưa tay vỗ vỗ lên túi áo, rồi đi theo hướng cô y tá.
CHƯƠNG 93
Bà Vân luôn túc trực bên Trang suốt mấy ngày ở bịnh viện không một lúc nào rời. Bước sang ngày hai mươi lăm tháng chạp, tâm trạng của bà Vân và Trang vô cùng căng thẳng. Cứ mỗi giờ đồng hồ bác sĩ lại khám một lần.  Khoản năm giờ chiều, bác sĩ thông báo mọi việc tiến triển rất thuận lợi.
Bà Vân hỏi ông Papin:
- Theo ông, chừng nào cổ đẻ?
- Có thể là lúc nửa đêm, không, chắc chắn là như vậy.
Khi làm thủ tục nhập viện cho sản phụ, bà Vân đã khai tên mình để tránh rắc rối  về sau. Bà còn cẩn thận đi coi thầy bói. Thầy bói phán, nếu đứa trẻ sanh vào giờ hợi [1] sẽ rất hợp với tuổi của hai vợ chồng bà, gia đình bà sẽ ăn nên làm ra, trăm năm  hạnh phúc, và đứa trẻ sẽ là thiên thần hộ mệnh cho bà, giúp bà tai qua nạn khỏi. Nếu chẳng may sanh nhằm giờ tý [2] thì mọi chuyện sẽ hết sức tệ lậu, hậu quả xấu không lường hết được. Bà Vân sợ xanh mặt, hỏi có cách nào hóa giải được không, thầy bói nói chỉ còn cách “ bắt con “. Bắt con là thế nào, bà Vân hỏi, thầy bói trả lời, là chích thuốc giục cho đứa trẻ ra đời sớm theo ý mình. Bà Vân thở phào, cám ơn rối rich và không quên thưởng công ông ta rất nhiều tiền.  
Vào những lúc “ dầu sôi  lửa bỏng “ như vầy, ông Khả phải nhận lệnh  đi công tác ở Lâm Đồng mấy ngày mới về. Khi nhận được “ hung tin “ ông liền tức tốc gặp ông Đường, Bí thư đảng ủy xin cử cán bộ khác đi thay. Ông Đường lắc đầu nói:
- Không thể được, bởi vì luận chứng kinh tế về “ tài nguyên & môi trường “ do chính tay cậu lập đề án, không ai có thể làm thay cậu trong việc này!
Ông Khả biến sắc, nói lắp bắp:
-Nhưng, hiện giờ việc gia đình tôi đang có việc thúc bách cần phải giải quyết nhanh chóng, mong anh hiểu cho!
Ông bí thư  nheo mắt dòm người đồng sự và không giấu sự ngạc nhiên:
- Cậu đặt chuyện tư trên chuyện công từ lúc nào vậy? – Đoạn ông Đường mím môi nói bằng giọng cương quyết:- Cậu phải lãnh nhiệm vụ, đó là lệnh! Việc này mà không xong thì Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ đem tôi ra xử bắn! Cậu hiểu chớ!
Ông Khả cầm tờ lệnh mà lòng dạ ngổn ngang tơi bời. Trước khi lên đường ông ghé tạt Bệnh viện phụ sản thăm Trang nhưng chỉ gặp mỗi bà Vân, bởi vì  lúc ấy Trang đang được các bác sĩ chuẩn đoán trong phòng cách ly. Gương mặt trắng bệch của ông lộ vẻ căng thẳng và thất vọng:
- Theo kế hoạch thì hai mươi sáu âm lịch anh mới về đến thành phố, anh sẽ cố gắng kết thúc càng nhanh càng tốt làm sao về kịp lúc Trang vượt cạn. Em hãy chăm sóc cổ thật cẩn thận, nếu có tin tức gì  thì phải báo ngay cho anh biết. Anh sẽ thường xuyên liên lạc với em qua “ di động “ .
Bà Vân gật đầu. Tiếng kèn xe “ tin tin “ thúc giục, ông Khả lật đật bước nhanh ra phía cổng. Đang đi, bỗng ông Khả xây người chạy ngược về phía vợ:
- Em phải nhớ kỹ lời anh dặn, nếu phải quyết định vấn đề gì liên quan đến việc sanh đẻ của Trang và đứa con chúng ta nhứt định em phải bàn bạc với anh, nghe chưa?
Trưa ngày hai mươi bốn âm, ông Khả đã có mặt tại Lâm Đồng. Chẳng màng đến chuyện nghỉ ngơi cho lại sức, ông lập tức đến ngay Ủy ban tỉnh và bắt tay vào công việc. Thỉnh thoảng ông xin phép ra ngoài gọi vào số di động của vợ. Biết mọi việc vẫn diễn ra suôn sẻ, ông phần nào cảm thấy yên tâm. 
Bà Vân thổ lộ ý muốn “ bắt con “ với ông Papin. Ông ta nói:
- Có thể làm được. Nhưng theo tôi là không nên. Tôi đã làm bác sĩ sản khoa mấy chục năm bên Pháp, trừ những trường hợp bắt buộc, tôi chưa bao giờ phải dùng đến biện pháp này. Tôi không hiểu hậu vận của đứa bé có tốt đẹp hơn hay không, nhưng cái hại trước mắt là rất thật.
Ông bác sĩ , giám đốc bệnh viện thở dài. Đây không phải là lần đầu tiên ông nghe lời đề nghị tương tự như  vậy. Vào thời điểm giao thừa giữa hai thiên niên kỷ, bệnh viện của ông đã phải mổ “ bắt con “ vô số ca. Và đã xảy ra một vài trường hợp trẻ phải sống đời sống thực vật suốt đời. Phúc đâu không thấy, mà họa đã kề bên.
- Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc này. Xin ông hiểu cho, thời khắc chào đời của đứa trẻ đối với tôi mang tính sống còn.
- Bà đã nói vậy, tôi chẳng còn ý kiến gì nữa. Tuy nhiên việc này phải do sản phụ hoàn toàn quyết định. Tôi cần bản cam kết do chính cô ấy ký tên.
Bà Vân nói với Trang:
- Em có muốn con của chúng ta có một hậu vận xán lạn không? – Bà ta nhận mạnh hai từ “ chúng ta “ hàm ý nhấn mạnh vai trò của Trang:- Em có muốn nó trở thành nguyên thủ quốc gia, hay một nhà văn nổi tiếng không?
Tất nhiên chẳng người mẹ nào mà không muốn con cái học hành tấn tới, trở thành ông này bà nọ, đẻ sớm một giờ chứ một tuần cô cũng sẵn lòng!
Ông Khả lại gọi điện hỏi han tình hình, bà Vân hoàn toàn giấu nhẹm chuyện chích thuốc giục để Trang đẻ sớm:
- Anh đừng lo lắng thái quá! Mấy mươi triệu phụ nữ Việt Nam đều mang thai và sanh đẻ như thường đấy thôi. Trang đã được đưa lên bàn sanh rồi!
- Anh hồi hộp quá! Công việc coi như tạm ổn nếu không có gì trục trặc thì nửa đêm về sáng ngày hai mươi sáu anh sẽ có mặt ở thành phố! Mấy ngày vừa qua anh tranh thủ  thời gian đến nỗi không kịp tắm! 
Trang đau bụng râm ran từ lúc sáng càng về sau càng đau dữ dội. Cơn đau bụng quợn lên từng cơn, rồi bắt đầu dồn dập, mồ hôi xuất hãn đầm đìa khắp các lỗ chưn lông. Cố chịu đau không kêu rên nhưng nước mắt cứ ứa ra tạo thành bức màng lung linh, huyền ảo. Cô thở phì phò một cách khó nhọc, mái tóc dài bết mồ hôi, cặp môi chín mọng bỗng khô cong nứt nẻ. Cô cúi xuống nhìn cái bụng to cứng nỗi đầy gân xanh ngang dọc như rễ cây. Bên trong, con của cô đang gào thét, vẫy đạp liên hồi, có lẽ,  cu cậu quá sốt ruột muốn nhìn thấy gương mặt thế gian đẹp xấu thế nào!
Lúc này Hiếu, Ngân, Huệ đã kịp thời có mặt. Chỉ vắng mỗi Nhành do còn say rượu. Hay tin, Trang phải chích “ thuốc giục “ để sanh sớm theo ý muốn bà Vân, Huệ giận dữ bước tới, túm lấy cổ áo bà ta giựt mạnh:
- Bà đúng là đồ..ác nhơn! – Huệ nghĩ hoài mới ra hai từ “ ác nhơn“ :- Vợ chồng bà coi con Trang như súc vật đến bao giờ nữa đây, hử! Nó mà có mệnh hệ nào, tui sẽ không bao giờ tha thứ cho bà, đồ trơ trẽn!
- Chuyện của tôi, không mắc mớ gì đến các người. Cổ nhận tiền thì phải chấp nhận yêu cầu của tôi, cô hiểu chưa? Ừ, tôi là thứ đàn bà trơ trẽn  đấy. Nhưng chưa trơ
trẽn đến mức bò lê dưới đất , khóc bù lu bù loa  khắp thiên hạ!
Bốp! Bốp! – Huệ vung tay tán liền hai cái tối tăm mắt mũi. Bà Vân đập đầu vô cột bê tông đau điếng. Cơn giận khiến gương mặt bà Vân tím lại. Đây là lần đầu tiên trong đời, bà ta bị làm nhục bởi con ranh hạ tiện. Ném cái nhìn bàng hoàng pha lẫn giận dữ, bà nói bằng giọng run rẩy:
- Mày..mày dám đánh tao!
- Bà là cái thá gì mà tui không dám, nếu giết người mà không bị đi tù thì tui đã lăng trì bà từ khuya rồi!
Bên trong phòng sanh. Trang đang nằm trên bàn đẻ, hai tay bíu chặt mép bàn, các thớ thịt trên người co giật, mồ hôi tuôn ra như tắm. Trước mặt cô vầng sáng ngọn đèn neon nhuộm một màu bầm đỏ.
- Rặn đi! – Bác sĩ sản khoa ra lệnh.
Trang nín thở lấy hơi, rặn thiệt mạnh, thiệt mạnh. Cô cảm thấy nặng dần về phía bên dưới...
- Lấy hơi tiếp rặn đi, không thôi  đứa nhỏ chết ngộp!
Lại lấy hơi và rặn. Cô cảm thấy gần như kiệt lực mà đứa con bướng bỉnh vẫn chưa chịu ra. Sao bỗng dưng lại đổi ý vậy, con trai của mẹ? Trang nghĩ thầm. Bây giờ, cô không còn nhìn thấy gì nữa ngoài hàng vạn đốm sáng lập lòe trước mắt.
- Sắp ra rồi, rặn đi!
Trang lại nín hơi, gồng bụng, rặn một cái thật mạnh. Trước khi lịm đi, cô kịp nghe tiếng khóc oe oe khỏe khoắn bên tai..
Mọi người chưa kịp mừng thì xảy ra sự cố. Bỗng từ bên trong máu tuôn ra xối xả, tuôn ồng ộc như đường ống nước bị bể! Máu bắn đầy mặt mũi, đồng phục mấy cô nữ hộ sinh, chảy tràn lên mặt đất. Một người thốt lên, kinh hoàng:
- Vỡ tử cung rồi! Mau đưa vào phòng cứu cấp!
Mọi người hối hả chạy ngược chạy xuôi đi lấy máu dự trữ và các phương tiện ứng cứu. Máu liên tục chảy ra như  xối khiến việc cứu chữa, gặp vô vàn khó khăn. Lúc này huyết áp của Trang gần như bằng không, nhịp tim không thể nghe được.
Bầu không khí ngoài phòng cứu cấp căng thẳng như sắp xảy ra chiến tranh. Bà Vân ngồi nhăn nhúm như miếng giẻ rách, oằn mình hứng chịu những lời trừng phạt. Hiếu ngồi nép mình trong góc tường, đưa tay cắn chặt răng để khỏi bật ra tiếng nấc. Huệ đi liên tục không nghỉ chưn, miệng hầm hè chửi bới. Đoạn Huệ co chưn đá vèo mẫu giấy vo tròn trên nền gạch, nói rít qua kẽ răng:
- Tui nói có sai đâu! Bây giờ mấy người sáng mắt ra rồi chớ! Trang ơi, sao mà khổ quá vậy hả?  Trang ơi!
Chưa hả giận, Huệ lao đến nắm tóc bà Vân giựt mạnh. Bà Vân như cái xác không hồn hoàn toàn không phản kháng. Thấy cảnh tượng đó, Hiếu vội xông vô can thiệp:
- Đừng làm om sòm lên! Bây giờ không phải là lúc đổ lỗi, cấu xé lẫn nhau. Cái chính là tánh mạng con Trang kia kìa!
Chỉ có Ngân là duy nhất còn giữ được bình tĩnh, cô ghé mắt nhìn vào bên trong , thấy các bác sĩ, y tá đang vây quanh thân thể đầm đìa máu tươi. Trang nhắm nghiền mắt như đang ngủ say, giấc ngủ khủng khiếp nhứt trong đời người. 
Đúng ba giờ sáng ông Khả xuất hiện tại bệnh viện. Gương mặt phờ phạc và căng thẳng. Tóc tai, quần áo nhàu nát như vừa sau phen chạy giặc Bình Xuyên.
Sau khi biết rõ nguồn cơn câu chuyện, ông Khả bỗng “ ối “ lên một tiếng rồi từ từ gieo người xuống băng ghế đá, hai tay ôm lấy đầu. Lúc sau ông ngửng lên, gương mặt nhòe nước:
- Trời ơi! Tại sao em lại hành động một cách mù quáng như vậy, hả Vân?
Ông Khả định xông vào phòng cấp cứu nhưng mấy nhân viên bảo vệ đã kịp giữ lại. Đứng bên ngoài nhìn vô thấy người yêu nằm bất động  như cái xác, bất giác ông gào lên thê thảm:
- Trang ơi! Hãy tỉnh lại đi! Anh về với em đây! Em đừng nằm im như thế, anh sợ lắm!
Cảm xúc bấy lâu dồn nén bỗng tuôn trào một cách vô thức. Ông Khả vừa khóc vừa kể lể những lời thiết tha say đắm. Tiếc rằng, Trang đang mê man không thể nghe được những lời này mà người không muốn nghe bất đắc dĩ phải nghe. Bà Vân vừa ân hận, vừa bàng hoàng, giương đôi mắt thảng thốt nhìn chồng trong tột cùng đau đớn.
Thời gian nặng nê trôi qua như tên tử tù chờ đơn ân xá. Gần sáng. Cánh cửa phòng mổ hé mở, ông bác sĩ người Việt bước ra, tháo khẩu trang che gương mặt mệt mỏi, trắng bệt. Đang cúi đầu đăm chiêu, ông Khả bỗng choàng tỉnh, chạy đến nắm tay bác sĩ:
- Thưa bác sĩ, cô Trang...
Bác sĩ im lặng, sự im lặng đượm màu chết chóc. Tất cả những ánh mắt đều hiển hiện nỗi  kinh hoàng.  Ông bác sĩ người Việt bỗng bật cười sảng khoái:
- Cứu được rồi!
Đám đông reo lên. Từ “ kẻ thù “ bỗng hóa thành bạn, ôm nhau nhảy cẫng lên như những đứa trẻ. Bà Vân một tay đặt lên ngực, nói vẫn còn run:
- Cám ơn bác sĩ! Cám ơn bác sĩ!
Sức bà ta muốn nói thật nhiều những lời biết ơn chân thành nhưng ngôn từ bỗng biến đâu mất, chỉ còn lại những âm thanh ồ ồ phát ra từ cổ họng. Ông Khả lẻn vào phòng và ngồi lặng bên Trang.  Mãi sáu giờ sáng, Nhành mới đến , gương mặt vẫn còn dấu hiệu mệt mỏi do cuộc nhậu quá trớn , tình dục quá đà đêm qua trong khách sạn.
Hiếu hất hàm hỏi:
- Có nói rõ trắng đen với Lưu Linh chưa?
Nhành thấy bực mình khi nghe Hiếu kêu cái tên đó, cộng thêm sự khó chịu trong người nên chẳng muốn trả lời. Hiếu nhìn đôi mắt quầng thâm của Nhành, nói châm chọc:
-  Say rượu, say tình thì làm sao mở miệng được nữa!
Nhành thao láo nhìn Hiếu như muốn nói, còn bà thì sao? Có hay ho hơn ai đâu mà bày đặt dạy khôn người khác!
Thật ra Nhành đã nói rồi, nói rất nhiều nữa là đàng khác. Cô nói với Linh rằng không thể tiếp tục cuộc sống cảnh  “ già nhân ngãi, non vợ chồng “  như vầy hoài được nếu Linh thật sự yêu cô thì phải tính tới, còn không thì chấm dứt ngay lập tức. Linh đưa tay bóp vú cô, cười dễ dãi:
- Anh luôn sẵn lòng ký hợp đồng chung sống dài hạn với em. – Đoạn Linh đưa cho cô cái card visit và nói:- Trong đó có cả địa chỉ số phone chỗ ở và nơi làm việc của anh, em có thể đến bất cứ lúc nào em muốn, anh lúc nào cũng mở rộng cánh cửa đón tiếp em. Bây giờ đã cận tết quá rồi đợi sang năm độ tháng ba, tháng tư mình sẽ tính chuyện cưới xin. Ý em thế nào?
Nhành lấy tấm các cho vô áo ngực. Cô nói từ bây giờ cho đến lúc đó, sẽ không gặp Linh nữa để mỗi người có thời gian mà suy nghĩ kỹ càng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Linh cười lớn, phả ra toàn hơi men:
- Tùy em thôi. Nhưng anh dám chắc rằng, em không thể tìm được người nào hợp ý hơn anh, và anh cũng vậy. Vì cả hai đứa chúng ta là dân bợm! Chỉ có bợm mới hiểu  bợm mà thôi.
Kiểu nói năng bỗ bã của Linh khiến Nhành phật ý, mặc dù  anh ta nói chẳng sai chút nào. Nhành đã biến thành con sâu rượu, con sâu cỡ gộc! Hôm nào không có bia bọt vô người là cô cảm thấy bứt rứt không yên, chẳng tập trung làm được bất kỳ việc gì. Nhiều  hôm bị bịnh đường ruột ( do uống quá nhiều bia), muốn thuốc thang, nghỉ ngơi  cho lại sức. Nhưng nằm cả buổi vẫn không sao chợp mắt được , uống thuốc ngủ vẫn không tác dụng, mắt cứ thao láo không sao khép lại. Cuối cùng, cô phải ngồi dậy, ra quán “  uống đỡ “ vài chai mới dỗ được giấc ngủ! Chuyện này cả nhà đều biết, họ cảm thấy ái ngại, lo lắng cho cô.
Hiếu nói:
- Mày bỏ nghề đi Nhành ơi. Tao thấy không xong rồi. Đàn bà mà nát rượu thì tệ lắm!
Vì ghiền rượu mà Nhành bỏ ý định về quê ăn tết, đành phải gởi tiền qua bưu điện, nói thác bận quá nhiều việc không thể thực hiện được lời hứa. Đêm đó, cô uống tới sáng, vừa uống vừa khóc, nước mắt, nước mũi chảy ròng ròng . Cô nhớ nhà, nhớ ba và em, nhớ  thửa ruộng quanh năm nhiễm phèn, nhớ từng cánh cò bay lả, bay la, nhớ đến cháy ruột cháy gan đêm giao thừa thức canh nồi bánh tét, và câu vọng cổ buồn mênh mang bốn bề sông nước...
- Tình hình gay đây. – Nhành nói:- Con Trang bị như  vầy ắt phải dùng kháng sinh , nguy cơ mất sữa là khó có thể tránh khỏi.
Hiếu nhìn xuống chiếc váy còn thấm máu của Trang,  chép miệng nói:
- Cái số của nó lúc nào cũng lận đận. Mọi việc với người khác  luôn suôn sẻ, còn nó thì bao giờ cũng có chuyện, ông Trời luôn cố tình bạc đãi nó.
Mọi người không được nhìn mặt em bé do nó được chuyển sang phòng cách ly để theo dõi, đành phải tiếc nuối ra về. Riêng vợ chồng ông Khả vẫn ở lại bệnh viện.
 
CHƯƠNG 94
 
Chiều hai mươi bảy tết. Không khí ở phân xưởng may áo jacket thật khẩn trương nhộn nhịp. Hôm nay là ngày lãnh tiền cuối năm. Làm nốt ngày hai mươi tám, mọi người sẽ được nghỉ tết đến ngày mồng tám  tháng giêng mới đi làm trở lại ( do Chủ Nhật rơi vào ngày mồng Bảy ) . Năm giờ sáng tất cả phải vô ca làm một mạch đến hai giờ trưa thì nghỉ, chờ lãnh tiền sắm đồ tết. Từ sáng đến giờ Hiếu không thấy mặt Tưởng.
- Độ này em sống rất vui vẻ thì phải.
- Đâu có, cũng thường thôi. Thì cũng sáng sáng tới xí nghiệp, chiều về, giặt giũ, cơm nước, rồi đi ngủ, chẳng có gì khác cả.
- Tôi chỉ nói vậy thôi, làm gì em phải rộn ràng lên như thế?
Bà Trần vung vẩy cánh tay đeo vàng, mắt nhìn Hiếu không chớp:
- Lần này em định về ở hẳn dưới quê có đúng không?
Hiếu chột dạ, vội vàng chống chế:
- Đâu mà! Về quê lấy gì mà sống hả chị. Chậm nhứt là chiều mùng sáu, em sẽ có mặt ở thành phố, nghỉ một ngày cho lại sức để mùng tám đi làm.
- Vậy sao? – Bà Trần nói :- Tôi cứ đinh ninh em sẽ chạy trốn tôi đấy.
Hiếu sợ đến nỗi  xương hàm cứng lại, không sao cử động được. Bà Trần cười cười. Trước khi bỏ đi còn kịp ném cái nhìn lạnh xương sống:
-  Tôi nói vui thôi mà. Đi hay ở là quyền của em, tôi đâu dám cản!
Bà Trần mỉm cười bí hiểm,  khuất dạng phía sau cánh cửa chần vần. Hiếu nhìn theo, lòng lo lắng không yên.
Gần một tiếng sau, Hiếu và Tưởng đã có mặt ở phiên chợ Tết. Sau khi mua sắm vô khối thứ lỉnh kỉnh, họ sà vô xe nước mía bên vệ đường. Nhìn nét mặt căng thẳng của Hiếu, Tưởng lo lắng hỏi:
- Có chuyện gì coi bộ lo âu quá vậy?
- Không! – Hiếu gục mặt xuống ly nước:- Tự nhiên em thấy bồn chồn.
- Anh cũng có tâm trạng như em, mình sắp được tự do rồi mà! – Sực nhớ ra một chuyện Tưởng nói: - Ngày mai chúng ta sẽ không đến xí nghiệp nữa. Anh còn nhiều việc phải sắp xếp nên không thể đến rước em. Anh sẽ ra  thẳng bến xe mua vé chờ em, có được không? Đúng bốn giờ chiều nhá.
Hiếu gật đầu. Chỉ còn chưa đầy hai mươi bốn tiếng đồng hồ nữa thôi cô sẽ đặt chưn lên chuyến xe tốc hành rời xa cái thành phố đầy rẫy những bất trắc đang rình rập này, vậy mà cô thấy nó dài đăng đẳng, mỗi giờ, mỗi phút trôi qua với cô là cực hình khủng khiếp:
- Hay là mình đi ngay lúc này, có được không anh?
Tưởng ngước nhìn Hiếu ngạc nhiên:
- Ô, sao lại là lúc này? Chúng ta đã thỏa thuận rồi mà. Em thay đổi quá bất ngờ khiến anh trở tay không kịp, còn rất nhiều chuyện chưa làm xong chờ thêm chút có sao đâu em. Anh còn nôn hơn em nữa là..
Đoạn Tưởng dò xét:
- Cử chỉ của em kỳ lắm! Có chuyện gì, em nói đi.
- Không, chẳng qua là em quá sốt ruột thôi. Mai vậy.
Hai người nói chuyện một lúc rồi chia tay mỗi người một ngả. Tưởng về chỗ trọ của mình. Còn Hiếu phải ghé vào tiệm may để lấy bộ đồ đặt may từ tháng trước.
 
&
&&
 
Đường sá vào những ngày này chật cứng như nêm. Khó khăn lắm Tưởng mới thoát ra khỏi đám đông. Trên ghi đông xe treo lỉnh kỉnh các thứ vừa mua sắm. Tưởng vừa đạp xe vừa nghĩ ngợi mông lung. Thái độ lạ lùng của Hiếu làm anh không yên tâm chút nào. Mọi khi Hiếu luôn vui vẻ, sôi nổi như chú chú chim non, bây giờ lại khác. Đàn bà có quá nhiều  điều thầm kín, bí ẩn. Tánh  khí thay đổi thất thường như thời tiết. Lúc nắng chang chang, lúc mưa dầm mưa dề, chẳng biết đâu mà lần... Đang đạp ngon trớn, bỗng một chiếc  mô tô hai trăm năm mươi phân khối từ phía sau chạy vượt lên song song, người ngồi phía sau bỗng co chưn  lấy đà đạp mạnh vào  chiếc xe đạp của Tưởng. Cú đạp quá mạng  khiến anh té chỏng cẳng lên vỉa hè.
- Mày theo tụi tao vô quán cà phê nói chuyện cho rõ ràng đen trắng! –  “ Thiên Lôi “  ra lệnh, giọng nói  đượm mùi sát khí.
- Mấy người  là ai? Tui không quen không biết  thì  hà cớ gì phải chuyện với trò – Tưởng ngỏm dậy, dùng tay phủi bụi, lắc đầu quầy quậy:- Tui không đi đâu hết!
“ Thiên Lôi “  cười nhếch mép, day mặt sang “ Hà Bá”:
- Thằng nhà quê này  nói gì vậy mậy? – Gã ngửa mặt cười hô hố, rồi đột ngột nín bặt và rít lên ghê rợn:- Những kẻ chống lại tụi tao đều có kết thúc thê thảm. Thằng nhà quê này chưa sáng mắt ra, mày cho nó biết thế nào là lễ độ đi, “ Hà Bá “.
Gã thứ hai gí sát con dao bấm vô hông Tưởng, ấn vừa đủ mạnh. Anh cảm thấy đau nhói. Vài giọt máu từ bên sườn bắt đầu rỉ ra thấm vào chiếc áo cũ sờn.
- Nếu mày còn cứng đầu cứng cổ lưỡi dao này sẽ cắm phập vô  tim, hiểu chưa thằng khốn! Khôn hồn thì đi theo bọn tao, may ra tao thương tình giữ lại cái mạng chó của mày!
Nhìn bộ mặt cô hồn hai gã đàn ông , Tưởng biết, chúng không chỉ dọa suông.
Bỏ mặc chiếc xe đạp cùng đồ đạc nằm chỏng chơ bên đường, bọn chúng đẩy Tưởng lên xe và lao đi. Chúng không đưa anh vô quán cà phê như đã hứa mà dong thẳng ra bãi tha ma nằm ở ngoại ô thành phố:
-Xuống xe! – “ Thiên Lôi “  ra lịnh.
Tưởng đưa mắt ngó dáo dác. Xung quanh đây chẳng có một bóng người, ngoài những ngôi mộ lạnh lẽo xếp thành hàng ngay ngắn. Thoang thoảng trong gió là mùi nhang trầm, mùi bông vạn thọ héo trộn lẫn mùi đất ẩm mới đào xới. Trên những nấm mồ đã đắp đất, dọn cỏ sạch sẽ là những chưn nhang còn nguyên màu đỏ lòm. Vài con chuột thập thò tha những mẫu bánh, trái trên cái dĩa nhựa. Đây là những gì còn sót lại trong đợt vẩy mả vào ngày hai mươi lăm âm lịch vừa rồi. Mục kích  cảnh tượng đượm màu chết chóc Tưởng bắt đầu thấy lạnh toát xương sống. Anh ngước cặp mắt tròn như dấu chấm hỏi hướng về hai gã lạ mặt, nói:
- Các người là ai? Đưa tui tới đây để làm gì? – Mặc dù cố trấn tĩnh nhưng giọng của anh vẫn rè đi vì lo lắng.
“ Thiên Lôi “  móc gói thuốc từ túi quần sau, bật hộp quẹt zippo một cách điệu nghệ “ tách “ một cái, ngửa mặt nhả khói trắng đục lên không trung, kèm theo là chuỗi cười man rợ:
- Mày muốn biết tao là ai à? Được lắm. Vậy thì thằng nhà quê mày hãy coi đây! Nói đoạn, Gã phạch áo để lộ hình xăm cỗ quan tài với cái đầu lâu bắt chéo trên hai khúc xương gớm ghiếc. Bên dưới có ghi dòng chữ “ Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ ”. – Đoạn gã hất hàm, hỏi:-  Mày có bao giờ đổ lệ chưa?
- Chưa! – Tưởng bạo dạn đáp, phần nào đã lấy lại bình tĩnh.
- Vậy thì cho thằng nhà quê thấy đi “ Hà Bá “!
“  Hà Bá “ cởi áo liệng xuống bãi cỏ khô, để lộ túi ruột lòng thòng trong bọc ny lon. Phát Tởm. Rồi  dấn tới từng bước, từng bước một, nụ cười lạnh tanh trên gương mặt đầy những vết thẹo ngang dọc. Tưởng thấy chờn chờn, tuy nhiên anh không có ý định tháo chạy mà khuỳnh tay thủ thế.
- A, thằng nhà quê này cũng ra dáng đàn ông lắm, tao bắt đầu thấy thích mày!
- Tui với các anh không thù không oán sao lại kiếm chuyện với tui?
“ Hà Bá “ nói:
- Chuyện đó từ từ nói, bây giờ tao thấy ngứa ngáy tay chưn lắm rồi. Thử sức trước nói sau – Đoạn gã móc con dao bấm liệng về phía “ Thiên Lôi “. “ Thiên Lôi “ chụp lấy rất điệu nghệ, rồi dùng lưỡi dao cạo cạo cái cằm râu đâm tua tủa.
“ Hà Bá “ xuống tấn:
- Tao đấu tay đôi với mày,  mày thắng tao sẽ để mày tự do.
Tưởng căng óc nghĩ hoài, vẫn không hiểu nguyên cớ do đâu bọn đầu trâu mặt ngựa lại kiếm chuyện gây sự  với mình. “ Hà Bá “ xán  lại gần, bất ngờ tung cú đá ngang mặt. Tưởng cúi người tránh được, nhưng không tránh được cú đá vòng tiếp theo, anh “  hự “  lên một tiếng, lảo đảo thì nhận liên tiếp mấy cú đấm ngay mặt.
- Đứng lên! Đừng nằm vạ như vậy,  tao không thích đâu – “ Hà Bá “ nhún nhảy mấy cái, tay co, tay duỗi hệt như  võ sĩ lên đài.
Biết  mình không phải là đối thủ, nhưng Tưởng không còn cách nào khác là xông vô đối phương nếu không muốn bị nhừ đòn. Sau khi liên tiếp bị trúng đòn, Tưởng cũng đấm được vô bụng đối thủ một đấm. Gã lùi lại, hơi nhăn mặt rồi nhếch mép cười gằn:
- Khá lắm!
Trả miếng được đối phương khiến Tưởng tự tin hơn, anh hét lên một tiếng, dốc toàn bộ sức mạnh vào nắm đấm nhằm  giữa mặt “ Hà Bá “ lao tới như mũi tên. Rất bình tĩnh, chờ cho Tưởng lao đến thật sát, gã khom người xuống tránh cú đấm, đồng thời tống mạnh cùi chõ vô ngực  Tưởng. Tưởng “ ối “ lên một tiếng và nằm vật xuống không sao ngóc đầu lên nổi. “ Hà Bá “ tỏ ra có nghề trong việc  khai thác lực của đối phương để ra đòn đo ván.
“ Thiên Lôi “ đạp lên bụng Tưởng, nói:
- Bây giờ mày hãy nghe đây, mày với bọn tao không thù không oán nhưng mày đã chọc giận người khác, vì thế buộc lòng bọn tao phải ra tay “ nghĩa hiệp”, hiểu chưa thằng nhà quê?
- Tui là người làm ăn lương thiện, nào có chọc ai đâu? – Tưởng nói lào phào hết hơi. “
“ Hà Bá “ cười ghê rợn:
- Thiệt sao? Vậy mày có biết bà Hà, mà người ta thường gọi là chị Trần không?
- À, ra là như vậy! Nghĩa hiệp gì bọn mày, rặt một lũ đâm thuê chém mướn!
“ Hà Bá “ trợn đôi mắt trắng dã, co chưn đá mấy cái vô ngực Tưởng. Tưởng lăn lộn mấy vòng như trái banh da:
- Đánh mày chỉ mỏi tay – Gã cầm lấy con dao bấm huơ huơ mấy cái:- Bây giờ tao xin cái lỗ tai của mày về ngâm giấm nhậu chơi!
“ Hà Bá “ lật ngửa Tưởng ra, kề dao sát mang tai:
- Mày hãy chọn lựa, một là cút thẳng về quê với con vợ già của mày, hai là mày sẽ vĩnh viễn  ở đây làm bạn với giun dế.
Tưởng gào lên:
- Giết tao, luật pháp sẽ không bao giờ buông tha tụi bây!
Hai gã đâm thuê chém mướn bật cười sằng sặc:
 - Đù má! Nhè bọn tao mà mày dám đem luật pháp ra mà dọa! – Gã đàn anh ra lệnh:- Cắt tai nó! Thanh toán xong mạng chó của nó, ta sẽ làm việc với con Hiếu!
- Các người định làm gì cổ? – Tưởng thực sự hốt hoảng.
- Chẳng làm gì cả – “ Thiên Lôi “ kéo dài giọng:-  Chỉ là một tai nạn giao thông do bất cẩn thôi, nhẹ thì nằm trên giường suốt đời, nặng thì ra bãi tha ma! Bọn tao bất quá chỉ bỏ ra vài triệu tiền thuốc thang, ma chay là có thể phủi tay, coi như xong chuyện! Bọn công an mà ọ ẹ thì xì ra một ít trám miệng chúng lại. Huề cả làng!
Tưởng hét lên:
- Bọn mày không được động đến cổ. Tao cấm!
- Mẹ nó! Sắp chết đến nơi rồi mà vẫn còn lớn giọng. Đem chôn sống nó!
Vành tai bên trái đã bị cắt rời phân nửa máu ra lênh láng. Hai gã bỗng đổi ý, lôi Tưởng đến hố huyệt đã đào sẵn. Lúc này Tưởng đã hoàn toàn kiệt sức không thể cử động được nữa.
Gã đại ca nói:
- Bọn tao đã chuẩn bị sẵn cái này cho mày. Ngày này năm sau sẽ là ngày đám giỗ của thằng nhà quê!
Đau quá! Nghĩ là bọn chúng chỉ dọa suông, nên Tưởng cố thi gan. “ Thiên Lôi “ nói:
- Mày đã quyết định chưa, để bọn tao còn biết đường mà tính.
Tưởng bịt lỗ tai đang ra máu, nói gằn từng tiếng:
- Bọn mày định dùng bạo lực để chia cắt tao và Hiếu à, đừng hòng!
- Vậy thì xuống dưới âm ty, địa phủ mà yêu với đương! Thế nào cũng có tay đạo diễn ba xu dựng phim về  tình yêu chó chết của hai đứa chúng mày! Ha ..ha..
Hai tên vô lại khiêng Tưởng liệng xuống huyệt. Khi những xẻng đất bắt đầu phủ lên người Tưởng bắt đầu run sợ thật sự. “ Hà Bá “ vừa xúc tảng đất tổ chảng hất xuống, vừa nói ồ ề:
-  Có chịu về quê không? Đây là cơ hội cuối cùng của mày.
Đất đã phủ kín người Tưởng. Anh thật sự kinh hoàng, đưa tay đùn lớp đất trên mặt:
- Hãy kéo tui lên! Tui sẽ nghe theo lời của các người!
Bọn chúng thòng dây thừng kéo Tưởng lên. Miệng anh toàn là đất. “
“ Thiên Lôi “  cười nhếch mép:
- Phải chi từ đầu mày đừng ngoan cố thì đâu phải ăn đòn như vầy. Đúng là rượu mời không uống, muốn uống rượu phạt! Mày quả là thân lừa ưa nặng. Tao nhắc trước, nếu mày còn cả gan bén mảng ở thành phố này thì cái huyệt kia lúc nào cũng dành sẵn cho mày. Và con nhân tình của mày sẽ có một số phận bi thảm tương tự. Bọn tao đã nói là làm chớ không chỉ hù suông, mày hiểu chớ!
“ Hà Bá “  kéo yên xe lôi ra cuốn tập học sinh cong tớn cùng cây viết Bic, ấn vô tay Tưởng và ra lệnh:
- Viết đi!
- Viết ư? Nhưng mà viết gì chớ? – Tưởng ngơ ngác hỏi lại.
- Đồ ngu! Viết lời vĩnh biệt với “ con ghệ “ của mày, mày phải viết làm sao mà bọn tao không phải chôn sống mày là được.
Tưởng bần thần một lúc rồi viết. Trong thơ, Tưởng kể đại khái những gì đã diễn ra. Tên đại ca đọc xong liền tung ngay cú đá vào giữa mặt Tưởng. Anh ngả
ngửa về phía, máu miệng ộc ra thành dòng.
- ĐM! Viết thơ vĩnh biệt mà muồi mẫn như Trọng Thủy gởi cho Mỵ Châu! –
Đoạn gã hạ giọng nói:-  Phải dùng lời lẽ Sở Khanh, cay độc, hiểu không thằng chó!
Tưởng viết đến lần thứ ba, chúng cũng chẳng  vừa ý. Và mỗi lần như vậy anh lai nhận thêm mấy cú đá. Cuối cùng “ Thiên Lôi “  buộc Tưởng phải viết theo ý hắn. Nội dung bức thơ sơ lược như sau:
...Hiếu à, hãy cho anh xin lỗi. Chẳng qua anh chỉ giỡn với em một chút cho vui  chớ kỳ thật anh chưa bao giờ yêu em cả. Em vừa già, vừa xấu, lại nghèo trớt mồng tơi, lấy nhau, hai đứa có nước vác bị đi ăn mày! Em, anh cũng đã thử qua rồi! Chẳng có gì hấp dẫn, thậm chí còn thua xa con vợ vừa già vừa hôi của anh. Vậy thì hà cớ gì anh lại phải đánh đổi cả tương lai sự nghiệp của anh vì một người đàn bà bất tài, kém sắc như em. Chúng ta hãy chia tay, và  coi những chuyện đã qua như một giấc mơ. Dù sao em cũng đã vinh hạnh biết mùi đàn ông rồi! Rủi có chết xuống âm phủ cũng không thành con ma cái chết thèm! Vĩnh biệt em. Mong không bao giờ gặp lại. Ký tên  Tưởng.
“ Hà Bá “ đọc lướt qua,  cho lá thơ vô túi áo rồi nói:
- Tao bảo đảm “ con ghệ “ của mày đọc xong mấy hàng này thế nào cũng nhồi máu cơ tim chết không kịp nhắm mắt! – Đoạn hắn hất hàm ra lịnh:-  Thằng nhà quê  lên xe!
Bọn chúng chở Tưởng ra bến xe Miền Tây, ấn anh lên chuyến xe sắp sửa lăn bánh. Tưởng ngồi ở băng ghế sau, nước mắt cứ trào ra vì bất lực. Đi đến địa phận tỉnh Long An, Tưởng quyết định xuống xe quay trở ngược về thành phố:
- Bác tài ơi làm ơn ngừng lại cho tui xuống!
Đang chạy bon bon chiếc xe thắng gấp đột ngột khiến mọi người bị ngã chúi về phía trước. Vài người khẽ cằn nhằn. Tưởng vừa đặt một chưn xuống đường thì lập tức đã có tiếng gầm gừ bên tai:
- Khôn hồn thì bước lên, thằng nhà quê!
Thì ra hai tên vô lại vẫn đeo bám theo Tưởng không rời nửa bước. Đến nước này, Tưởng hiểu rằng đã vĩnh viễn mất Hiếu thiệt rồi. Anh thốt lên nghẹn ngào:
-Hiếu ơi, anh đành lỗi hẹn với em, em đừng trách anh tội nghiệp. Trước cái ác đang nhe nanh, múa vuốt, anh trở nên gã đàn ông nhu nhược, đê hèn! Anh sợ cho bản thân mình, cho cả em. Cầu chúc em gặp được nhiều điều tốt lành. Vĩnh biệt em, Hiếu ơi!
Tưởng úp mặt vô thành ghế khóc tức tưởi  khiến những hành khách ngồi chung xe cũng tỏ vẻ ái ngại cho anh.
 

CHƯƠNG 95
 
Sáng hai mươi tám tết cả nhà điều bận rộn. Trước khi vô nhà Thương thăm Trang lần cuối, Hiếu đưa tiền cho Huệ đi chợ làm bữa tiệc chia tay. Huệ cầm tiền, xách giỏ đi ra cửa, không hiểu nghĩ sao, lại quay trở vô, đánh thức Nhành dậy.
- Dậy đi chị Nhành, dậy đi chợ với em. Tết nhứt rồi, ngủ nhiều mập thây!
- Kệ tao! – Nhành co chưn đạp đạp mấy cái, rồi day mặt vô vách ngủ tiếp. Huệ chẳng chịu thua, giũ nước vô mặt. Nhành bật dậy, cáu tiết gắt ỏm tỏi:
- Tao nào có nợ nần gì với mày mà mày cứ quấy  tao như ma ám vậy, con quỷ!
Đến tận  gần ba giờ sáng Nhành mới về nhà. Chợp mắt chưa được bao lâu thì Huệ lôi dậy, hỏi sao không tức. Huệ cười dã lã:
- Coi như chị làm ơn giùm em có được hôn? Chị thừa biết, em không rành chuyện chợ búa mà.
Nhành chì chiết:
- Muốn chồng như quỷ mà chuyện chợ búa, bếp núc thì chẳng ra cái đám ôn gì. Lấy chồng, chắc mày chỉ biết nằm ngửa trên giường chắc?
Huệ cười ỏn ẻn:
- Có chồng mình bắt nó làm chớ chị.
Nhành ra điều kiện:
- Phải giặt  mấy bộ đồ, tao mới đồng ý đi chợ với mày.
- Bà này chỉ thừa gió bẻ măng! Nhưng mà em nói trước, chị phải chịu xà bông đó nghen.
Ngân đang sửa soạn đồ trên gác, thò đầu xuống cầu thang:
- Tiện tay Huệ giặt giùm bộ đồ lót.
Huệ nhăn nhó, xua tay lia lịa:
- Tha cho tui đi!  Toàn là những kẻ theo chủ nghĩa cơ hội! Cứ thấy sẵn ổ là sà vô đẻ như tu hú!
Ngân bật cười, chỉ có bộ đồ  lót mà Huệ làm rùm beng:
- Nè, giặt giùm, tui cho một hộp E100 chịu hôn?.
Mặt Huệ dùn ra:
- Vậy thì được. Nhưng phải còn nguyên, chưa xài đó nghe, không nói trước, đưa hộp xài rồi, tức lắm!
Ngân vo tròn bộ đồ liệng xuống cho Huệ bắt lấy. Huệ chưa chịu đi, mà nói vọng lên:
- Còn cái hộp E100 đâu?        
- Nè, chụp!
Xong xuôi, Nhành và Huệ xách giỏ đi chợ.
 
&
&&
 
Đi vòng vo một hồi, mới tìm thấy Trang đang ngồi trên băng ghế đá kê sát bên  hồ nước hình bán nguyệt, bà Vân cũng ngồi cạnh đấy trên tay ẵm đứa trẻ quấn trong lớp tã lót. Vừa thấy Hiếu, Trang nhoẻn miệng cười thật tươi, thần sắc trông rất khá:
- Tết nhứt tới nơi công việc bộn bề  mà chị còn đến thăm em sao?
Hiếu không trả lời mà cúi xuống nhìn đứa trẻ rất lâu, rồi chép miệng thốt lên:
- Chèn ơi! Sao mà giống quá hổng biết!
- Giống ai hả chị? – Trang nhìn xoáy vào mặt Hiếu, hồi hộp  chờ câu trả lời.
- Thì giống mày chớ ai! Từ mắt mũi, tay chưn đều giống mẹ như tạc, cứ như từ một khuôn đúc ra! Tao nói thiệt, cho dù có bỏ lộn trong trong hàng ngàn đứa trẻ, tao cũng nhận ra tức thì!
Trang không giấu vẻ vui sướng, ánh mắt long lanh như có muôn ngàn con sóng vỗ:
- Đâu mà! Em thấy thằng cún chỉ giống em sơ sơ thôi. Nó giống cha nhiều hơn, nhứt là đôi mắt, mái tóc cũng giống.
Bà Vân tỏ vẻ không vừa ý khi nghe Trang kêu con bằng “ thằng cún “ . Người chớ đâu phải chó mà cứ  cún này, cún nọ, kêu  riết chết tên , lớn lên khó sửa. Tuy nhiên vì tế nhị bà không tiện nói ra. Hiếu hỏi thằng cún tên trong khai sanh là gì, Trang nói tên Tiến rồi hỏi lại:
- Cái tên nghe được hôn, chị Hiếu?
- Được lắm chớ! Tiến là tiến tới, tiến bộ, thẳng tiến. – Đoạn Hiếu đưa tay bẹo má cu Tiến một cái, hỏi bà Vân :- Chị có công nhận thằng cún giống mẹ như tạc hôn?
Bà Vân sa sầm nét mặt không vui, rồi lắc đầu quầy quậy:
- Nó giống cha chớ! Trẻ sơ sinh mỗi ngày mỗi khác. Đợi ra tháng thì mới có thể biết chính xác là nó giống ai. Nhưng tôi thấy nó  giống hệt anh Khả.
Hiếu muốn cãi lại. Nhưng Trang đã giẫm lên chân Hiếu ấn ấn mấy cái ra hiệu. Hiểu ý, Hiếu bèn giả bộ reo lên:
- Ờ há! Coi kỷ thì nó giống cha!
Bà Vân mừng ra mặt:
- Thấy chưa! Tôi nói đâu có sai. Nếu cô có dịp nhìn hình anh Khả hồi nhỏ rồi so với nó bây giờ thì quả là hai giọt nước! – Bà Vân nhón đít lên, dòm thằng cún, nói đớt đát :- Thôi, mấy người ngồi nói chuyện, bé Tiến đói lắm rồi, phải đi bú thép đây!. Đoạn bà Vân bế bé Tiến đi thẳng một nước vô bên trong.
 Hiếu hỏi Trang:
- Em bị mất sữa luôn à?
Trang gật đầu, mặt buồn rười rượi. Hậu quả của việc sử dụng kháng sinh khiến cô không có lấy một giọt sữa, làm mẹ mà không có sữa nuôi con thì làm mẹ để làm gì hả, chị Hiếu? Hiếu an ủi Trang không nên vì việc  đó mà tự làm khổ mình, chuyện xảy ra ngoài ý muốn. Có nhiều bà mẹ trẻ sanh con lại không cho con bú sữa mẹ vì sợ làm xấu đi bộ ngực. Tạo hóa ban cho đàn bà bộ ngực để hoàn thành thiên chức làm mẹ. Vậy mà họ lại dành những thứ đó cho bọn đàn ông! Bọn đàn ông rặt một lũ tham lam của con mà họ cũng giành cho bằng được!
Mấy hôm rồi, Trang cho bé Tiến đi bú thép. Một bà mẹ chẵng may sanh ra đứa con bị bệnh về não phải nằm trong lồng hấp. Bé Tiến sống nhờ vào nguồn sữa của người mẹ bất hạnh ấy. Mỗi lần vạch áo cho bé Tiến  bú là chị ta lại liên tưởng đến đứa con bé bỏng tội nghiệp của mình rồi khóc sướt mướt, ai thấy cũng chạnh lòng. 
Thật ra thằng cún hãy còn no chưa đòi bú, chẳng qua bà Vân muốn chạy trốn sự thật quá đỗi phũ phàng, muốn được ngồi một mình với con. Bà trách ông Trời lúc nào cũng bạc đãi bà. Sanh ra thân đàn bà mà không có được cái quyền làm mẹ đã là nỗi đau. Phải nhắm mắt làm ngơ để chồng chung chạ với người phụ nữ khác là nỗi nhục. Những tưởng như thế đã vượt quá sức chịu đựng của bà. Rồi bà sẽ được sống những ngày yên lành, hạnh phúc. Nào ngờ, thằng bé lại giống mẹ nó như đúc! Giống hệt người mà bà căm ghét nhứt thế gian này! Những bất hạnh khác rồi sẽ đi qua, vết thương sẽ liền thẹo nhưng nỗi đau này sẽ vĩnh viễn đeo bám bà cho đến hết cuộc đời! Trời ơi, tại sao ông nở đối xử với tôi bất công quá vậy! Bà gào lên trong ý nghĩ.
Hôm qua chồng bà vào thăm con trong lúc mấy cô y tá đang tắm cho thằng cún . Ông Khả ngồi xuống kế bên vừa ngắm nghía, vừa trò chuyện. Tắm xong, cô ý tá thay tã rồi quấn quanh người nó chiếc khăn lông khá dày, rồi đưa cho chồng bà và nói:
- Anh may mắn lắm đó. Con trai giống mẹ thế nào cũng giàu nứt vách cho coi!
Lúc ấy bà để ý thấy nét mặt chồng bỗng sáng bừng lên một cách rạng ngời.
- Thật hả cô?
- Thiệt mà, không tin anh cứ hỏi thử biết liền hà!
Rồi cô ta bày đặc làm tài khôn kêu mấy cô nhân viên y tế  túm tụm gần đó đề
nghị mọi người cho ý kiến. Tất cả đều xác nhận thằng bé là bản sao của mẹ nó không phết phẩy chút nào. Những lời nói vô tình như nhát dao đâm thấu tim người đàn bà đang đau khổ.
Từ lâu bà Vân luôn ngấm ngầm xem Trang là tình địch, là kẻ thù không đội
trời chung. Tuy ngoài mặt vẫn cố làm ra vẻ thản nhiên, thân thiện, nhưng trong lòng
bà cuồn cuộn nỗi ghen tuông, đố kỵ mỗi ngày một lớn dần lên . Bà mong mọi việc nhanh chóng kết thúc để có cuộc sống yên ổn. Nhưng một lần nữa bà lại phải  đối mặt với một thực tế quá ư phũ phàng:
- Con ơi, con có biết mỗi khi nhìn mặt con là lòng mẹ đau như ai xé. Mẹ vừa thương, vừa căm ghét con. Tại sao con lại giống người đàn bà mà mẹ thù hận. Tại sao vậy hả con? 
Trang nói:
-Vậy là chị quyết định từ  bỏ chúng em để đi theo tiếng gọi của con tim.
Hiếu nói:
- Đừng dùng những từ dao to, búa lớn như vậy. Chẳng lẽ chị hạnh phúc mà mày không mừng sao?
Trang nói:
- Em mừng lắm! Chúc chị trăm năm hạnh phúc!
Hiếu nói:
- Cám ơn! Chị chỉ cầu mong như thế, nhưng sao  trong bụng cứ thấy lo lo. Cầu trời đừng xảy ra trúc trắc.
Trang nói:
- Qua tết, giao con xong em cũng vìa quê như chị.
Hiếu gật đầu tán đồng:
- Em nghĩ vậy cũng phải, chen chúc ganh đua hoài, rốt cuộc cũng tay trắng vẫn hoàn trắng tay! Về quê, kiếm thằng nào khờ khờ quơ đại làm chồng, rồi sanh con đẻ cái , rồi dựng vợ gả chồng cho chúng và cuối cùng chun vô sáu miếng ván  ghép miếng coi như hoàn tất bổn phận làm người.
Trang nói như khóc:
- Em, bây giờ chẳng thiết tha gì chuyện đó nữa, lúc nào trong đầu em cũng nghĩ đến  con mà thôi.  Chị Hiếu ơi, em sợ mất con, sợ phải xa nó. Mỗi khi nghĩ tới chuyện giao con cho người xa kẻ lạ  là ruột gan em quặn thắt. Trước đây, em cứ tưởng mọi việc rất đơn giản. Nhưng bây giờ sao mà khó quá, chị ơi.
- Cũng dễ hiểu thôi. – Hiếu nghĩ thầm:- Bởi vì trước kia Trang cho có được cảm giác làm mẹ như thế nào. Đến khi cầm trên tay giọt máu của mình, tình mẫu tử thiêng liêng mới bùng cháy và không có bất kỳ thứ gì trên đời có thể dập tắt được.
Hiếu lái câu chuyện sang hướng khác:
- Chừng nào em xuất viện?
- Chắc là qua mùng[/link]. – Trang lại quay về chuyện đứa con: - Hôm qua bà Vân  nói , cô không có sữa, sức khỏe lại không được tốt, nên việc chăm sóc con cái ắt gặp không ít khó khăn, hay là để tôi mang về nhà. Chúng tôi có đủ điều kiện để chăm nom cẩn thận, chu đáo hơn. Ý cô thế nào, cô Trang?
Tất  nhiên là em không bao giờ chấp nhận. Hợp đồng đã ghi sẽ giao con sau hai tháng mà. Bà Vân tức lắm, nói một hơi:
- Cô chỉ biết có mình mà không màng đến thằng bé. Thử hỏi, đứa trẻ sẽ sống như thế nào trong ngôi nhà ổ chuột đó. Và cô sẽ nuôi nấng nó bằng thứ gì trong khi không có lấy một giọt sữa trong người? Con tôi là con vàng con ngọc, chẳng lẽ cô lại cho nó bú nước cháo cầm hơi? Cô đừng dở hợp đồng ra làm khó với tôi. Nếu không có tôi, anh chàng điếm thúi của cô có thoát được lưỡi hái Thần Chết không? .
Kể xong, Trang ngước nhìn Hiếu bằng ánh mắt quyết liệt:
- Em đã nghĩ kỹ rồi chị. Đúng là em mang ơn bà Vân nhiều lắm. Nhưng đối với
em con là tất cả. Tuy em không được ở bên cạnh con suốt đời thì ít ra cũng phải được gần con chừng nào có thể. Chị biết hôn, mỗi khi ôm con vào lòng, được nhắm nhía gương mặt thiên thần là người  em cứ nhẹ hẫng như muốn bay lên không trung!
Hai người nói chuyện gần một tiếng đồng hồ. Hiếu đứng dậy, ôm chầm lấy Trang: 
- Em ở lại mạnh giỏi, chị về đây. Cầu chúc mọi sự tốt lành luôn đến với em.
Hiếu cầm nón lá bước te te ra cổng mà không dám ngoảnh mặt lại. Chị em sống với nhau suốt mấy năm trường, đầy ắp kỷ niệm buồn vui, chia tay làm sao mà cầm được nước mắt.
 
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Khoảng từ 21 tới 23 giờ đêm
 
[2] Khoảng từ 23 tới 1 giờ khuya
<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.03.2007 20:46:05 bởi hoaidiephaphuong >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9