Tiểu thuyết " Như lục bình trôi " chương 96 - 100
nguyen hoang 20.03.2007 13:35:43 (permalink)
CHƯƠNG 96

Gần mười hai giờ trưa việc nấu nướng mới kết thúc. Thật ra chỉ có vài món không quá đỗi cầu kỳ,  con gà nấu cháo, lấy thịt làm món xé phay, thịt bò xào củ hành và món cá chép chưng tương. Nguyên nhân trễ nải là do không có nước. Hiếu muốn mượn cái bàn bên nhà Hai cạo heo ngồi cho thoải mái. Nhưng Huệ gạt đi:
- Em  còn thù bả nói em là nước mắt cá sấu. Nếu muốn, thì mình chị qua mượn rồi mình chị đi trả. Còn em, tới chết cũng không đặt chưn qua nhà cái con người lẻo lự đó!
- Thôi, ngồi chiếu vậy. Con Ngân đâu, lấy chiếu trải ra đi!
Hiếu cầm ly bia đầy, nâng ngang mặt, nói mà nước mắt cứ ứa ra:
- Hồi đó mấy chị em mình chưn ướt, chưn ráo dưới quê lên thành phố tìm kế sinh nhai. Đúng là có duyên, có nợ với nhau nên mỗi đứa một quê lại về ở chung một nhà. Ban đầu là Nhành, rồi sau đó lần lượt là Huệ, Trang, Ngân. Tính ra giữa tao với Nhành là gắn bó với nhau lâu nhứt. Thời gian đầu hai đứa còn ở chung ở “ xóm nhập cư “ . Cái nhà nhỏ như cái mắt muỗi mà chứa đến hơn chục người. Đã vậy, mụ chủ vẫn chưa hài lòng còn lăm le nhét thêm. Lòng tham con người không có đáy. Bực, nhưng không ai dám lên tiếng vì không muốn rước phiền phức vô mình. Được đà lấn tới, mụ ta nhét liền một lúc năm mạng! Chịu không nổi cảnh o ép đó, hai chị em bỏ đi mướn nhà khác. Chỗ ở mới tuy có thoải mái hơn một chút nhưng ngặt nỗi lão chủ lại là người có máu “ ba lăm “ . Hễ thấy chị em mang quần áo  đi tắm là lão lại chun tót vào nhà vệ sinh bên cạnh, dùng ngón tay khượi miếng xi măng nhỏ bằng đồng xu và bắt đầu “ coi phim “. Sau khi biết được việc làm đồi bại của lão, hai đứa lại bỏ đi ngay vào lúc  chập tối. Đêm đó, hai đứa ôm nhau ngủ ngoài trời lạnh cóng. Nhành ao ước,  sau này làm ăn có tiền sẽ xây hẳn một khách sạn năm sao ở cho sướng cái thân! Lúc ấy, tao cười muốn chảy nước mắt. Thân đang ở đầu đường xó chợ không lo, lại suy nghĩ toàn những chuyện viễn vông! Nhành biểu đó là cách trả thù đời trong tưởng tượng. Nhành  tưởng tượng lão khọm dê xồm ấy là con chó giữ nhà. Không cho gặm xương mà chỉ cho ăn phân thôi! Tao nói, dù sao, người ta cũng đáng tuổi cha tuổi chú, sao mà ác quá vậy. Bây giờ đến lượt Nhành cười lại tao, chỉ mới trả thù tưởng tượng mà  đã cho là ác. Vậy lúc lão dòm lén chị em tồng ngồng thì có ác hôn?
Hiếu ngừng nói, lấy khăn chấm nước mắt. Bầu không khí cảm động bao trùm cả nhà. Hiếu nói tiếp:
- Còn con Huệ, bất kỳ ai  gặp lần đầu đều có ác cảm. Con gái nhà nghèo mà đỏng đảnh như tiểu thơ đài các, lúc nào cũng nhí nha nhí nhảnh, coi xốn con mắt. Hôm đầu tiên đi làm Xí nghiệp may, tao nói với con Nhành, tướng tá con này không chịu nổi mấy ngày đâu, nó chỉ có nước làm cave ở nhà hàng thôi. – Đoạn Hiếu dòm Huệ bật cười :- Coi vậy mà không phải vậy!
Mấy chị em ngồi ôn lại chuyện cũ, vừa uống bia, vừa khóc!
Huệ định nói gì đó thì chuông điện thoại bỗng réo lên. Hoạt khất hẹn vì bận không thể đưa Huệ đi  chợ tết được. Huệ làm bộ càm ràm vài câu  mà mừng như muốn mở cờ trong bụng. Chiều và tối nay, Huệ kẹt hai sô khóc mướn.
- Mấy giờ chị  ra bến xe?
- Bốn giờ phải có mặt ở bến xe. Ba giờ ở nhà rục rịch là vừa.
Huệ nói:
- Chiều nay em cũng có việc đi về hướng đó, để em chở chị đi. Em nói trước là chỉ có thể đưa chị đi được nửa đường thôi, nghen.
- Làm ơn thì làm ơn cho trót. Đã vậy để tao đi một mình, khỏi mắc công tới mày.
Nhành hướng mắt về phía Ngân:
- Con  Ngân chừng nào xuất hành?
- Sáng sớm ngày mai, anh Tuấn sẽ đi cùng với em.
- Chà, biết tranh thủ ghê hén! Vậy là lời quá rồi đi một mà về hai. Con Huệ phen này xách dép chạy còn không kịp! Người ta đi sau về trước, còn mày cứ lẹt đẹt theo sau hửi khói!
Ngân nói:
- Chuyện chưa có gì mà các chị cứ rùm beng lên. Em..
Ngân bỏ lửng câu nói, mặt đỏ bừng lên.
 
&
&&
 
Đúng ba giờ chiều mọi người bắt đầu khởi hành. Nhành xách phụ cái túi bự nhứt. Bên trong không biết đựng thứ gì mà nặng dữ! Hiếu nói chẳng có gì  ngoài mấy thứ linh tinh của người ta quẳng  đi, thấy tiếc  đem về xài đỡ. Ở dưới quê thứ gì cũng quý.
- Thế nào tui cũng nhín ít thời gian về quê chị một chuyến. – Nhành nói.
- Thiệt nghen, đừng có hứa lèo đó – Hiếu nói vui vẻ :- Về dưới, tao sẽ khao cả đám một bữa lẩu mắm kho với ba chục thứ rau, ăn chết bỏ thì thôi!
Không khí chia tay ấm áp và cảm động, mọi từ ngữ không sao diễn tả hết thành lời. Huệ buồn xo, cười mà mặt cứ méo xệch đi:
- Chị Hiếu đi rồi, không được nghe chửi, buồn quá!
Hiếu cười khanh khách, dặn mấy chị em còn lại hãy đùm bọc, bảo ban  nhau mà sống. Lớn nói nhỏ phải nghe, nhỏ nói đúng, lớn cũng nên nghe. Cuộc sống nơi đô hội vốn dĩ luôn phức tạp  phải giữ tinh thần luôn được tỉnh táo đặng suy xét đến nơi đến chốn.
Nhành nói:
- Thấy bà về mà tui phát ham. Sớm muộn rồi tui cũng cút khỏi cái nơi chó chết này.
Huệ cà rỡn:
- Chị Nhành “ nhậu “  gần đủ ngôi nhà rồi, chỉ còn thiếu mấy cánh cửa thôi. – Đoạn Huệ hấp háy đôi mắt một cách tinh nghịch:- Chị về để thằng cha Lưu Linh  uống  rượu một mình à?
Nhành trừng mắt nạt lớn:
- Con này lúc nào cũng có thể giỡn hớt được, chẳng bao giờ chịu ngay ngắn lấy một phút. Mày mà cứ như vầy hoài, thế nào Hoạt cũng bỏ mày cho mà coi.
- Giỡn hoài! Ảnh mà dám bỏ,  em cùi sứt móng! Thử đi rảo khắp thế gian coi có người nào tài sắc vẹn toàn hơn em hôn?
Mọi người cười ồ. Ra đến đường lớn. Mấy chị em còn nấn ná thêm một lúc nữa. Hiếu cảm thấy lo lắng cho Nhành nhiều nhứt:
- Chuyện tình duyên của mày nếu thấy được thì làm đại đi. Dẫu sao cũng nên xem xét cho cẩn thận. Đàn ông thất tình có thể giải khuây trong muôn vàn thú vui khác. Còn đàn bà như chị em tụi mình chỉ biết khóc, khóc cho đến chết!  - Giọng Hiếu bỗng lắng xuống:- Kiếm được lưng vốn thì bỏ nghề đi. Đàn bà mà ghiền rượu thì tan nát cả gia cang!
Nhành chạnh buồn, nói:
- Thôi,  chị đi đi kẻo trễ!
- Ừ, tao đi đây! Trong mấy chị em, đứa nào lấy chồng phải báo một tiếng, nếu lỡ chun vô hòm tao cũng nhứt định kêu người khiêng quan tài tới đặng chúc mừng!
Huệ cười văng nước miếng:
- Thôi, cho em xin! Ngày kết tóc trăm năm  của người ta mà chị vác cái thây ma chết sình tới thì làm sao ngửng đầu lên với thiên hạ!
 
Đúng bốn giờ kém mười lăm Hiếu đã có mặt ở bến xe Miền Tây. Giờ này đúng ra Tưởng đã có mặt rồi. Cô chọn chỗ khuất, ngồi lên trên túi đựng quần áo cũ và căng mắt nhìn ra phía cổng chính. Hôm nay trời oi bức. Gió thổi rát mặt. Chỉ ngồi một chỗ chẳng hề cử động mà mồ hôi xuất hãn dầm dề. Dưới quê không khí mát mẻ, ngủ không cần dùng đến quạt máy mà nửa đêm đã lạnh cóng, phải đắp mền. Có lẽ giờ này cả nhà đang lúi húi chuẩn bị bữa cơm chiều. Chắc lại là món cá linh, dưa chuột, hoặc là canh rau muống với tép rang...Có mấy món cứ xào đi xào lại hoài ngán tới lòi bản họng. Mình về nhà lúc này chắc mọi người sẽ ngạc nhiên lắm đây! Một giọng trong trẻo phát ra từ mấy cái loa sắt  lôi kéo cô trở về thực tại “ Quý khách lưu ý!  Chuyến xe  thành phố Hồ Chí Minh -   Cai Lậy  sẽ khởi hành trong vài phút nữa. Đề nghị tất cả lên xe, ổn định chỗ ngồi...Quý Khách lưu ý...” .
Đã bốn giờ rồi mà vẫn chưa thấy bóng dáng Tưởng đâu. Hiếu xách túi tiến về chiếc xe màu xanh chuẩn bị lăn bánh. Toàn là những gương mặt lạ hoắc chật ních trên chiếc xe ọp ẹp. Hàng hóa ngất nghểu trên mui.  Cô cảm thấy lo lắng không yên, hay là đã có chuyện gì đã xảy ra với ảnh? – Hiếu thắt thẻo:- Không đâu! Chắc ảnh kẹt chuyện gì tới trễ chút thôi. Nghĩ vậy, cô phần nào thấy yên tâm,  ngồi thu mình trong góc tối quan sát dòng người hối hả, chen chúc ở bãi xe  chật chội nồng nặc mùi khói xăng dầu, mùi mồ hôi trộn lẫn những âm thanh hỗn tạp  và nhẫn nại chờ đợi..
 
 
CHƯƠNG 97

Đám tang người đàn ông ngoài năm chục tuổi, cái tuổi còn yêu đời phơi phới
chẵng ai muốn chết vào lúc này. Vậy mà lại chết, chết bất đắc kỳ tử một cách lảng nhách! Người đàn ông bạc phước này đang đi bộ trên vỉa hè, bỗng dưng một chậu bông từ lầu ba rớt xuống...Người đến dự đám tang chép miệng thở dài:
- Ở cái thành phố này chẳng nơi đâu là an toàn cả. Có khi đang nằm ngủ trong nhà bỗng dưng bị Thần Chết lôi đi!
Chuyện còn nóng hổi , đang đêm một chiếc xe tải chở heo bỗng lạc tay lái đâm thẳng vô ngôi nhà xập xệ bên ven đường. Kết quả là hai con người mãi mãi đi vào cõi vĩnh hằng mà không biết ất giáp gì! Nhưng chuyện này không ly kỳ bằng cái chết của ông hàng xóm xảy ra cách đây cũng hơi lâu lâu, nhưng mọi người vẫn không thôi bàn tán: số là ông già gân ngoài sáu chục, một hôm cảm thấy ngứa ngáy, bèn ra công viên kiếm “ bò lạc “ để giải sầu. Một lần cao hứng trong bàn nhậu bèn đem chuyện  ra kể làm quà. Chẳng dè, bị mấy anh bạn nhậu dọa thế nào cũng mắc bịnh sida. Sợ quá, ông liền đi khám. Kết quả “ âm tính “, có nghĩa là chẳng bị gì cả. Nhưng ông không tin, cứ đinh ninh mọi người xí gạt mình. Ba tháng sau, ông già ham vui  từ giả cõi đời không vì bịnh “ ếch” mà là bịnh tưởng! Một cái chết lãng òm!
Đám ma rất lớn do người chết đã thâm căn cố đế mấy chục năm ròng rã, có dây mơ rể má chằng chịt. Khách khứa đông đến chen chưn không lọt. Người tới phúng điếu cắm lia lịa mấy cây nhang, rút bao thơ đặt vội lên bàn và chuồn thẳng, coi như đã hoàn thành phận sự. Khói hương dày đặc đến nỗi sắp chết ngộ̣t. Thỉnh thoảng người nhà  phải lén ôm cả bó ra phía sau nhúng vô thau nước, vậy mà khói vẫn cay sè mắt. Gần năm giờ thì khách bắt đầu vãng. Dàn nhạc tang  được dịp nghỉ tay, hút điếu thuốc, khề khà ly rượu đế. Đám “ thợ khóc mướn “ bắt đầu hoạt động...
Tiếng khóc than kể lể bằng giọng nam trầm nghèn nghẹn giữa buổi chiều oi ả, gió hanh càng gợi không khí ảm đạm, ngột ngạt đến vô cùng. Tang chủ là một chàng thanh niên gần ba chục tuổi, anh ta là con trai trưởng người quá cố, hiện đang là nhân viên kế toán Công ty du lịch thành phố. Không hiểu cái chết ông già có làm cho anh ta đau khổ, chỉ thấy anh chàng lăng xăng khắp nơi, miệng luôn cười hớn hở như hoa! Có người còn chắc chắn như đinh đóng cột, sau đám ma thế nào tang chủ cũng thay chiếc  Suzuki 100 năm về trước  bằng chiếc Dream 100 màu nho mới cáu cạnh!
Hoạt cùng ba đồng nghiệp nữa đến viếng tang. Cả bốn người  không vội vào bên trong cúng kiếng mà ngồi xung quanh chiếc bàn hình chữ nhật kê ngoài hẻm. Họ vừa uống nước trà hút thuốc, vừa chuyện phiếm bao đồng. Tang chủ cũng ngồi cùng với họ, anh ta sắm gương mặt buồn rồi thở dài, tặc lưỡi cho hợp cảnh:
- Đúng là năm xui tháng hạn, chỉ còn vài ngày nữa là đón cái tết vui vẻ.Vậy mà, tội nghiệp ông già.
Hoạt ấn chiếc phong bì dày cộp vào tay tang chủ, nói mấy lời chia buồn kiểu cách:
- Tôi thay mặt anh chị em trong Công ty  gởi cậu ít tiền để lo ma chay, hương khói. Mất mát của gia đình là rất lớn không gì có thể bù đắp, cậu hãy nhận đây là lời chia buồn sâu sắc của cá nhân tôi, và của mọi người trong Công ty  đến toàn thể gia quyến..
Rất tự nhiên  tang chủ cho bao thơ vô túi quần, rồi xăng xái rót nước trà lợt
mời khách. Câu chuyện được tiếp tục, chẳng dính dáng gì đến người quá cố, chủ đề xoay quanh về nạn tham nhũng, thất thoát trong xây dựng cơ bản và đầu tư nước ngoài. Nghe họ bàn luận, người ta dễ ngộ nhận, đây là những chính trị gia tầm cỡ.
- Tham nhũng là vấn nạn đã đến hồi báo động toàn xã hội, nếu trước đây vấn
đề này chỉ xảy ra một số ít ở những nhân vật chóp bu có quyền thế, thì giờ đây nó đã tràn lan  khắp nơi, không chừa bất kỳ ai, chỗ nào. Thậm chí ông tổ trưởng dân phố mà cũng tập tọe xơ múi thì đúng là hết chỗ nói!
- Nhà dột từ trên nóc dột xuống mà! Nhưng mà ông có phóng đại quá không đấy? Tổ trưởng thì chấm mút được gì?
Một người nói:
- Cậu đúng là từ trên trời rớt xuống! Cán bộ to vét tiền tỉ, cán bộ nhỏ vét cữ cà phê thuốc lá! Sâu lớn, sâu nhỏ  cũng là sâu!
- Đúng vậy! – Một người từ đầu im lặng lắng nghe chăm chú, chêm vô:
- Năm rồi ở khu phố tôi đang ở,  Đội dịch vụ Công ích quận xuống khảo sát và lên kế hoạch làm mới hai con hẻm. Nực cười ở chỗ hai con hẻm này có diện tích, kích thước chênh lệch nhau như năm với mười mà chi phí xây dựng thì xấp xỉ nhau, thế mới là chuyện lạ. Càng lạ hơn là sau bàn giao chưa đầy một tháng thì xi măng tróc đàng xi măng, gạch tróc đàng gạch, tạo thành vô số ổ gà, ổ voi.. thậm chí còn tệ hơn hồi chưa làm. Ông chủ thầu xây dựng chỗ tôi cứ nhổ râu cười hoài. Ổng nói, chỉ cần đưa bằng hai phần ba số tiền đã bỏ ra, ổng  xin hứa sẽ đảm bảo tuổi thọ con hẻm không dưới mười năm. Mấy chả phải làm kiểu vầy để sang năm mới có việc làm, chớ chẳng lẽ lập ra đội Dịch vụ Công ích lại ngồi chơi xơi nước!
Một người thốt lên bằng giọng phẩn nộ:
- Đúng là một việc hết sức phi lý, đáng lên án. Vậy mà cậu lại có thể ngồi im được sao? Ít ra cũng nên góp một tiếng nói.
Người kia cười ha hả:
- Cậu tưởng mình là ai vậy? Ngay cả Quốc hội nói đến khô nước miếng còn không ăn thua nữa là, huống chi một gã phó thường dân như tớ. Thật ra, tớ cũng đã vài lần há mồm ra đó chớ. Và rốt cuộc tớ đã rút ra được bài học xương máu,  nói nhiều thì bị để ý nhiều, nói ít bị để ý ít, không nói thì chẳng ai để ý đến mình. Vậy thì, tốt nhứt không nên hó hé để khỏi bị liên lụy.
Một người bận áo sọc ca rô day mặt về phía người vừa nói. Ánh mắt lộ vẻ khinh bỉ:
- Đó có thể coi là hành động thủ tiêu ý chí! Xã hội đi xuống là “ nhờ vào “ những người như cậu. – Giọng anh ta uốn éo ra vẻ châm chọc.
Người kia cười ré lên:
- Chúng ta đang sống trong một thời đại suy đồi về nhân cách, đạo đức.., thiên hạ đang tranh giành xâu xé lẫn nhau như thú dữ. Cái ác trở nên phổ thông và bản thiện bỗng trở nên vật phẩm kỳ lạ, có khi là lố bịch!  - Đoạn anh chàng nhấp một ngụm trà thấm giọng rồi đảo mắt nhìn mọi người chung quanh:- Mấy vị có đọc báo đăng tin  về vụ một học sinh đã dũng cảm bắt cướp và bị thương  không?
Chuyện này tuần rồi hầu như tất cả các phương tiện thông tin đại chúng: báo chí, phát thanh, truyền hình đều nhứt  loạt đưa tin có kèm theo hình cậu học sinh bắt cướp bị đạn bắn trượt ngang tim!. Những lời ca tụng tán dương lên đến tận mây xanh, nào là: đây là hành động anh hùng đáng được thưởng huy chương, thậm chí có vị có chưn trong hội đồng nhân dân thành phố còn có ý định phát động trong giới trẻ  cả nước  noi gương, học tập “ người dũng sĩ “. Đài truyền hình còn phát đi phát lại  đoạn phóng sự miêu tả chi tiết sinh hoạt thường nhựt của cậu học sinh cấp ba một cách rùm beng! Tuy nhiên cũng không ít người cho rằng đấy chỉ là hành động ngu ngốc, là nông nổi trong lúc nhứt thời, là anh hùng rơm!
Thấy mọi người gật đầu im lặng, người thanh niên đó nói bằng giọng khôi hài:
- Một hành động cao đẹp, đáng lẽ ra là rất tự nhiên thì lại được coi là phi thường! Trở thành viên kim cương quý hiếm! Trong khi, chuyện các bác tài phải nộp mãi lộ cho cảnh sát giao thông lại là chuyện bình thường! Và cũng bình thường như  việc các nhân viên thuộc quyền phải tặng quà cho thủ trưởng vào những dịp lễ tết.. vân vân và vân vân. – Xong xuôi, anh ta day mặt dòm chòng chọc vô mặt người bận áo ca rô, nói bằng giọng mai mỉa:- Cậu muốn trở thành của quý hiếm hay tên lố bịch?
Người  mặc áo ca rô định lên tiếng thì bên trong bỗng ồ lên tiếng khóc như cơn mưa rào bất chợt, khiến mọi người phải chú ý. Sau đó là một giọng nam cao kể lể nghe rất bài bản , vừa não nùng ai oán.
- Chà, ai khóc mà nghe giống đọc thơ!
Tang chủ cười hề hề, giải thích:
- Nhà neo người, anh chị em đều đi làm ăn ở xa không kịp về. Tui phải mướn vài người khóc cho “ vui cửa, vui nhà!” Mấy ông thấy sao?
- Chà, nghe được đó! Ông cho tui cái địa chỉ, khi nào có chuyện tui tìm đến họ.
- Được thôi! – Chủ nhà đưa ngay tấm các, rồi nói thêm:- Lát nữa, đứa con gái khóc, nghe mới đã! Cổ đã khóc một sô, tui nghe ngọt  quá nên mướn thêm sô nữa.
- Mướn chắc là mắc lắm hả?
- Ba sô, trăm rưởi, vị chi mỗi sô năm chục không thiếu một cắc.Vậy mà họ còn bày đặt làm giá nữa đó!
- Cái nghề coi ghẻ ghẻ vậy mà hốt bạc!- Người nói huých nhẹ vào hông Hoạt:- Tui mà kiếm được con bồ như vầy khỏi phải lo chuyện cơm áo , gạo tiền! Có phải vậy hôn, Hoạt?
Hoạt gật đầu miễn cưỡng. Uống nước nhiều, bụng  bắt đầu căng cứng.
Vừa lúc, tiếng khóc nữ bắt đầu trỗi lên. Chủ nhà biểu mọi người im lặng, tập trung lắng nghe. Đấy các cậu thấy chưa? Nghe cứ như nữ nghệ sĩ Lệ Thủy lên sáu câu giọng cổ.
“ Ba ơi, sao ba nở bỏ chúng con đi vội vã. Đường đời đầy chông gai, thăm thẳm, con biết nương tựa vào ai? Không có cha, đời con tròng trành như thuyền không lái. Bốn phương tám hướng mịt mùng bóng tối, con biết phải về đâu? Cha ơi!..
Trong lúc mọi người đang nhịp giò, lim dim mắt như thưởng thức âm nhạc truyền cảm thì Hoạt chợt rùng mình. Âm thanh nghe quen quá, hệt như tiếng của Huệ! Chẳng lẽ lại là Huệ? Không, không đời nào! Chắc tại lỗ tai mình lùng bùng.
“ ..Cha ơi, con quá đỗi vô tâm, quá đỗi dại khờ, có một báu vật quý nhứt trần
đời mà không biết gìn giữ. Khi cha đi rồi, con mới giựt mình thảng thốt. Hiểu ra thì đã quá muộn màng! Từ nay con chỉ có thể nhìn thấy cha trong tâm tưởng..”.
Hoạt đặt tách trà nguội xuống bàn:
- Nhà vệ sinh ở đâu?
Chủ nhà nói:
- Đi thẳng vô trỏng, quẹo trái.
Người đàn bà bận đồ tang đang quỳ mọp dưới cỗ quan tài. Nước mắt rớt lộp độp như mưa. Miệng không ngớt kể lể. Cô ngồi xây lưng về phía cửa.  Hoạt để ý phía dưới đuôi tóc cô gái có cột cái nơ  con bướm màu vàng. Cái nơ này Huệ đã từng khoe với mình đây: 
- Huệ! Có phải Huệ đó không? Đúng là em rồi!
 

CHƯƠNG 98

Đêm. Mọi người đang mơ màng thì có tiếng gõ cửa. Cộc!.. Cộc!... Cộc!
Tiếng gõ nhẹ rời rạc, kèm theo là giọng nói yếu ớt như người bịnh nặng.
- Ai vậy?  - Giọng Nhành tỏ vẻ bực bội vì bị phá hỏng giấc ngủ.
- Hiếu đây! – Giọng Hiếu hết hơi như người hấp hối.
- Ụa, chị Hiếu! Sao giờ này chị còn ở đây? – Nhành đứng dậy ấn công tắc đèn.
Cánh cửa mở toang. Hiếu đứng gục đầu xuống đất. Bóng gầy liu xiu đổ dài lên nên gạch tróc men lỗ chỗ. Chiếc túi đựng quần áo rơi phịch xuống. Những ngọn gió từ bờ sông lồng lộng thổi vô nồng nặc mùi cống rãnh, rác rưởi, mùi bùn... Hiếu cứ thế đứng yên không cục cựa.
- Sao lại về? Bộ không mua được vé hả? – Nhành lo lắng hỏi cho có chớ trong bụng linh tính có điều chẳng lành đã xảy ra:- Tết nhứt tàu xe khó khăn không đi được chuyến này thì đi chuyến khác, buồn làm chi cực cái thân.
Nhành nắm tay Hiếu kéo vô nhà, chưn cô cứng đờ như khúc gỗ. Lúc này Nhành mới phát hiện  chỗ Hiếu đứng, nước mắt đọng thành vũng. Thì ra, Hiếu đã ngồi trước cửa từ rất lâu.
Nghe tiếng động, Ngân từ tên gác bước xuống. Cô cũng chưa chợp mắt chút nào vì sắp về quê nên nôn quá không ngủ được. Hiếu ngồi không vững, phải tựa lưng vô tường, cặp chưn duỗi thẳng ra để lộ mấy ngón  dính đầy bùn đất.
- Chị đi bộ từ bến xe về đây hả? Trời đất! Sao không đón xe?
Đoạn Nhành day mặt về phía Ngân giục cô lấy ca nước. Hiếu lắc đầu không uống dù khát khô cổ họng. Từ ngoài vọng vào tiếng chó sủa ăng ẳng, tiếp theo là tiếng xạch xạch của những miếng kim loại va vào nhau, tiếng xe đạp cọc cạch mỗi lúc xa dần. Đấy là âm thanh rao mời của người đàn bà hành nghề đấm bóp dạo. Mụ đàn bà này ngoài ba chục tuổi, xấu như ma lem, chị ta vừa đấm bóp vừa kiêm luôn “ chuyện ấy “ với giá rẻ như bèo. Thỉnh thoảng mấy ông  già dịch ở Bến Đình sau khi “ thần tửu nhập xác phàm “ nổi hứng bất tử, nắm tay mụ kéo tuốt vô mấy ngôi nhà hoang, bờ sông hay bãi rác nào đó.. có thể làm “ bãi đáp” . Đã có vài cụ bị bịnh lậu phải nốc kháng sinh đặc trị trừ cơm nhưng họ vẫn chứng nào tật ấy. Hỏi tại làm sao, mấy ông già gân nói tỉnh bơ:
-  Tửu nhập dâm thượng” làm sao mà chịu nổi!
Nhành hỏi,  Tưởng đâu sao không thấy, Hiếu im lặng, mặt tái nhợt như người
chết đuối. Nhìn  ánh mắt le lói như ngọn đèn sắp tắt,  Nhành thật sự hoảng sợ:
- Nếu có gì ấm ức, đau khổ chị hãy khóc đi, khóc thiệt lớn, đừng có như vầy, tui sợ lắm!
Hiếu chẳng nói chẳng rằng bước thẳng lên gác. Nhành nhìn theo rồi day mặt sang nói với Ngân:
- Chắc có chuyện gì kinh khủng lắm chỉ mới ra nông nỗi như vầy. Mày chạy lên gác, nhứt cử, nhứt động tuyệt đối không bỏ sót. Nếu có chuyện gì thì hô hoán lên cho mọi người kịp thời can thiệp, rõ chưa?
Đoạn Nhành đưa tay ôm bụng, mặt nhăn nhó:
- Uống mấy lon bia, ruột lại trở chứng, Tào Tháo rượt ba bốn lần rồi mà chửa chịu buông tha!
Miệng nói, chưn bước nhanh vô nhà vệ sinh. Ngân lật đật chạy lên gác. Từ nhà vệ sinh Nhành nói vọng ra:
- Nhớ là không được ngủ quên, nghe không – Đoạn Nhành thở dài:- Còn con Huệ nữa. Từ chiều tới giờ chẳng thấy mặt mũi nó đâu, không biết có chuyện gì nữa không! Ối đau bụng quá!
Đi vệ sinh xong, Nhành lên gác nằm chung với Hiếu và Ngân. Hiếu nhắm mắt làm bộ ngủ. Ngân ngủ ngay sau đó chừng vài  phút. Còn Nhành thì ngồi canh chừng đến gần hai giờ sáng, thấy êm bèn nằm xuống bên cạnh và ngủ quên lúc nào không hay. Chỉ chờ có thế, Hiếu khẽ choàng dậy, bước nhẹ xuống cầu thang, lấy giấy viết bắt đầu biên thơ tuyệt mệnh. Vừa viết, Hiếu vừa khóc xối xả. Nước mắt ướt nhòe cả trang giấy trắng. Hiếu muốn viết thật dài nhưng thời gian không kịp, đành nguệch ngoạc dài dòng. Một bức gởi cho mấy chị em cùng nhà, bức kia gởi về cho người thân dưới quê. Chánh tả sai be bét. Nội dung lá thơ nêu rõ nguyên do cô tự tìm đến cái chết , và mong tất cả mọi người hãy tha thứ cho cô. Xong xuôi, Hiếu đặt hai bức thơ ở chỗ dễ tìm thấy nhứt rồi bắt đầu nghĩ đến cách quyên sinh sao cho êm thấm không làm kinh động đến mọi người. Hiếu muốn uống thuốc ngủ nhưng thấy không ổn vì thời gian chờ chết rất lâu, e mọi người sẽ cứu kịp. Muốn treo cổ nhưng không có dây thừng. Cuối cùng cô chọn cách nhanh chóng, và không kém phần đau đớn là dùng lưỡi lam cắt mạch máu ở cổ tay. Hiếu vốn sợ máu. Hồi nhỏ, mỗi lần nhìn thấy má cắt cổ gà, cổ vịt là cô muốn ngất xỉu. Lần nào cũng vậy, trước khi ấn lưỡi dao vô cái cần cổ con vật tội nghiệp má cô đều nói lầm rầm trong miệng:
- Kiếp sau hãy đầu thai làm con người hoặc  con chó gì gì cũng được. Đừng làm thân gà vịt nữa bị người ta cắt cổ, khổ thân!
Hiếu vô  nhà vệ sinh lấy cái lưỡi lam, ấn lên cổ tay trái. Cô nhắm mắt lại:
- Ba  má ơi hãy tha thứ cho đứa con gái lớn đầu mà còn quá đỗi ngờ nghệch. Con đã nhắm mắt trao lầm tình yêu cho tên Sở Khanh đểu cáng để giờ đây không còn mặt mũi nào nhìn mặt người thân. Tội của con lớn lắm có tắm mấy sông cũng không sao rửa sạch, chỉ có cái chết mới có thể gột được những  lỗi lầm con đã gây ra. Con chết nhưng linh hồn con sẽ lẩn quẩn bên ba má, phù hộ mọi người tai qua nạn khỏi, sống yên ổn với tuổi già. Thảo em ơi, chị không thể nào về với em được nữa. Tự đáy lòng chị cầu chúc em gặp nhiều điều may mắn. Nếu có yêu một người nào đó, em phải hết sức tỉnh táo, đừng bước lên dấu chưn  của chị mà khổ cả đời. Nhành, Huệ, Ngân, Trang ơi, chị phải đi thôi, vĩnh biệt các em, chúc các em mọi việc tốt lành, hạnh phúc, chị không thể đợi đến ngày vui các em được nữa. Có lẽ các em sẽ buồn trách chị nhiều lắm, nhưng các em hãy hiểu và thông cảm cho chị, một khi cuộc sống không còn chút ý nghĩa thì sống để làm gì cho thêm khổ.
Hiếu bỗng nhớ đến Tưởng. Cho đến bây giờ, cô vẫn không hiểu tai sao anh lại nở đối xử quá tàn nhẫn với cô như vậy. Cô yêu Tưởng bằng cả trái tim yêu tha thiết. Và đã dâng hiến tất cả cho anh. Vì anh,  mà cô không hề mảy may toan tính, cô như con thiêu thân  cứ nhắm mắt lao đại vô quầng sáng ngọn đèn và chết thảm!  Những ngày tháng ngắn ngủi bên anh, cô đã hạnh phúc biết dường nào. Nhờ anh mà cô hiểu được ý nghĩa đích thực của tình yêu. Chính anh đã mở lối thoát tâm hồn từ lâu bị nhốt kín trong chiếc lồng chật hẹp , bay vút lên không gian bao la vô tận, chính anh đã lôi cô thoát khỏi vũng bùn mê say tội lỗi mà từ bấy lâu cô đã ngộ nhận là thiên đường hạnh phúc, và cũng chính anh đã xô đẩy cô đến tận cùng nỗi đau thê thảm nhứt. Anh quả là một nghệ sĩ thiên tài! Đóng kịch khéo đến nỗi em phải khóc thét lên vì sung sướng, cảm động. Chưa bao giờ em nhận thấy sự dối trá trong mỗi cử chỉ, lời nói, và trong mỗi ánh mắt thiết tha trìu mến mà anh dành cho em. Đứng trước anh, em bỗng hóa đần độn đến nỗi không nhận ra âm mưu mà anh đã sắp bày từ trước. Phải chăng vì căm ghét đàn bà mà anh trở nên tàn ác? Đàn bà trên thế gian này nhiều lắm, tại sao phải cứ là em. Có phải vì em là đứa con gái dễ dãi, đang khát tình như người đi giữa sa mạc thèm khát từng giọt nước nhỏ nhoi để anh dễ dàng lợi dụng? Tưởng ơi, anh là một tên súc sinh, vô lại! Em căm thù anh cho đến chết. Chết rồi, em nguyện thành hồn ma báo oán anh suốt đời. Anh sẽ không bao giờ có được giây phút nào yên ổn, em thề là như vậy.
Hiếu nín thở rạch một đường thật mạnh. Chiếc lưỡi lam rớt xuống đất. Và  máu tuôn ra như xối. Cô ngồi phịch xuống , đôi mắt vô hồn nhìn theo từng dòng máu nóng thi nhau chảy tràn lên nền xi măng trơn ướt. Trước mặt cô là bức màn đen chao đảo, cơ thể lạnh dần, lạnh dần...và lịm đi.
 
Cơn đau bụng quặn thắt dựng Nhành dậy. Lúc đầu, Nhành tính nằm yên chịu trận vì không thắng nổi cơn buồn ngủ. Dạo này Nhành ngủ rất ít, mỗi đêm chỉ vài tiếng đồng hồ. Muốn tranh thủ ngủ ngày nhưng không được vì tiếng ồn và thời tiết nóng nực. Đã vậy, cô còn bị thêm chứng bịnh mất ngủ hành hạ, nên giấc ngủ đối với Nhành là vô cùng quý báu. Nhành nằm im một lúc thì bụng lại cuộn lên, ruột sôi ùng ục. Chịu không thấu, đành phải ngồi dậy, ôm bụng chạy một mạch xuống nhà vệ sinh. Cảnh tưởng thương tâm đập vô mắt khiến Nhành muốn xỉu tại trận:
- Trời ơi! Chị Hiếu! – Nhành la lên kinh hoàng:- Ngân ơi, Ngân! Xuống đây mau lên.
 Hiếu ngồi gục đầu vô tường thân thể lạnh ngắt. Máu rơi từng giọt từ vết cắt ở cổ tay. Ngân tỏ vẻ bình tĩnh hơn,  kiếm miếng vải cột lại ở cổ tay không cho máu chảy ra nữa. Nhành giựt mình bừng tĩnh, móc điện thoại  bấm lia lịa gọi xe cứu cấp.
 
 
CHƯƠNG 99

Mãi đến chiều hai mươi chín tết, Huệ mới thất thỉu về nhà với bộ dạng từ  dưới đáy mồ ngoi lên: khắp người bị xây xát , áo quần rách nát, ướt sũng, nồng nặc mùi cá chết, đầu tóc thì  rối bù còn dính mấy cọng rơm. Trong nhà không có người, Huệ mở cửa và nằm vật ra giữa nhà bất động như cái xác không hồn. Những chuyện vừa xảy ra trong hai mươi bốn giờ đồng hồ bỗng hiện ra trước mắt...
 
..Hoạt ném mẫu thuốc hút dở xuống đất, lấy gót giày chà đi xát lại cho nó nát
bét, lại lấy điếu khác đặt lên môi rít liên tục. Huệ ngồi cách Hoạt vừa vặn  một gang
tay mà hóa ra xa xôi diệu vợi. Đôi mắt cô đẫm lệ ướt nhòe ngọn đèn cao áp.
Hoạt nói  giận dữ:
- Đến giờ phút này cô còn dùng thứ nước mắt cá sấu ấy để huyễn hoặc tôi nữa sao? – Giọng Hoạt trở nên cay độc, chua chát:- Đừng hoang phí nước mắt một cách vô tội vạ như thế, hãy dành cho những đám tang! Người ta có tiền trả cho cô, còn tôi không một xu dính túi!
Huệ van vỉ:
- Xin anh hãy nghe em giải thích em..em..
Huệ không biết nói như thế nào nữa vì mọi chuyện đã ràng ràng trước mắt.
- Sao không nói nữa? Cứng miệng rồi phải không? Cô đừng nói là đã làm tất cả chỉ vì tôi. Ừ, có đấy! Nhờ cô, mà tôi được nở mặt nở mày với đám bạn bè. Chúng nó khen cô khóc cứ như nghệ sĩ cải lương! Cô mà đi thi giải Triển vọng Trần Hữu Trang có khi  giựt giải nhứt!
Hoạt phun nước bọt phèo phèo tỏ vẻ kinh tởm:
- Thì ra từ bấy lâu nay tôi luôn bị cô phỉnh phờ lừa dối bằng thứ nước mắt cá sấu! Vậy mà tôi đã dại dột cả tin rằng đấy là tình cảm chân thành, duy nhứt mà  em dành cho tôi. Mỗi khi em ngả vào vai tôi khóc sướt mướt là trong lòng tôi lại vấy lên niềm hân hoan, vui sướng vô bờ bến, niềm vui rất trẻ con. Tôi nghĩ, khi tình yêu không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ thì những giọt nước mắt đã thay lời muốn nói. Một người đàn bà vì mình mà rớt nước mắt chứng tỏ cô ta đã lo lắng yêu thương mình biết dường nào! Tôi nâng niu, quý trọng từng giọt nước mắt của em biết bao. Những giọt nước mắt nóng bỏng ấy đã khiến trái tim lì lợm của tôi nát tan từng mảnh vụn. Tôi sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn cũng vì lẽ đó. Có lẽ tôi phải cám ơn em mới phải!
Hoạt đứng dậy ngửa mặt nhìn lên trời thở hắt một cái thiệt mạnh như muốn ném đi những bực dọc vào không trung:
- Nghĩ lại mới thấy mình đúng là gã khờ! Sao hồi ấy tôi lại thích làm cho em khóc đến vậy. Em đẹp lắm, đẹp nhứt là lúc em khóc. Lần đầu tiên nhìn thấy những giọt nước long lanh như những viên ngọc bích lăn tròn trên đôi má, tôi đã sung sướng đến phát điên, lúc ấy em đẹp mê hồn, đẹp hơn tất cả những gì tôi đã nhìn thấy, tôi thỏa thuê, mãn nguyện, cứ đinh ninh  đấy là món quà quý báu nhứt mà Thượng Đế dành tặng cho riêng tôi. Nhưng, trời ơi! Tôi nào có thể ngờ em dùng nước mắt để bán buôn, đổi chác! Tất cả những gì tôi tôn thờ, quý trọng bỗng chốc hóa thành trò lố lăng!  Em đã đưa tôi lên đến tận cõi thiên đường và cũng chính em đã xô tôi xuống tận cùng địa ngục!
Huệ ngồi co rúm trên ghế đá, lưỡi tê cứng lại không sao thốt được nên lời. Vả lại, cô không biết giải thích như thế nào để Hoạt hiểu, mọi lý lẽ điều không có sức thuyết phục. Hoạt là người như thế nào, cô hiểu hơn ai hết. Nếu Huệ nói, cô làm tất cả là vì anh, vì hạnh phúc của cả hai, chắc chắn anh sẽ phỉ nhổ vào mặt cô.
- Em còn nhớ chúng ta đã từng hứa với nhau những gì?
Huệ im lặng, gục đầu như con chiên gục đầu sám hối. Đức Chúa cao cả sẵn sàng tha thứ tội tình cho những con chiên biết ăn năn hối lỗi  cho dù người đó phạm
phải tội lỗi tày trời, còn Hoạt thì không cho cô lấy một cơ hội.
Hoạt vẫn chì chiết:
- Chúng ta đã từng hứa sẽ luôn là những công dân đàng hoàng, lương thiện cho dù số phận có bạc đãi chúng ta như thế nào đi chăng nữa thì chúng ta phải vươn lên  vượt qua phần số [/link] mà tạo hóa đã sắp đặt sẵn. Anh yêu em cũng vì lẽ đó. Vậy mà..
Huệ vừa nói vừa thổn thức:
- Anh Hoạt ơi. Em đã trật rồi, em không biết nói như thế nào để anh hiểu mà chỉ van xin anh cho em một cơ hội để làm lại từ đầu. Một lần thôi anh.  Em hứa sẽ không bao giờ tái phạm.
Hoạt nói lạnh lùng:
- Tiếc rằng tôi không có cái quyền đó.
Huệ thảng thốt:
- Tại sao vậy hả anh? Chẳng lẽ, khi người ta lỡ sa chưn xuống bùn thì cứ phải chặt mất đôi chưn? Tình yêu cần sự tha thứ,  độ lượng. Em khẩn cầu anh.
Hoạt thở phì phì:
- Em nói đúng, tình yêu rất cần sự cảm thông, tha thứ. Và tình yêu cũng không thể nào tồn tại khi không còn niềm tin và lòng tôn trọng. Nói thật, anh bây giờ không còn mảy may tin vào em, cả sự tôn trọng cũng không còn. Vậy thì làm sao chúng ta có thể gắn bó với nhau, hả em?
- Anh đã từng nói lỗi lầm có thể tha thứ miễn sao người đó biết phục thiện. Bây giờ em sẵn sàng phục thiện gấp một ngàn lần, sao anh nỡ ngoảnh mặt lại với em. Em chẳng còn ai trên đời này ngoài anh, anh là người duy nhứt có thể cứu rỗi đời em, đem đến cho em cuộc sống có ý nghĩa đích thực. Em chẳng cần Chúa cao cả , em chẳng cần Phật nhân từ, em chỉ cần anh, một mình anh thôi. Nếu anh bỏ rơi em, tất cả mọi thứ trên đời này sẽ trở nên vô nghĩa…
Im lặng cho cơn xúc động tạm lắng dịu, Huệ nói tiếp:
- Em chưa bao giờ cầu xin  anh bất cứ điều gì. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần sau chót, em xin anh hãy đoái hoài đến những lời van xin của một người biết ăn năn sám hối. Em nguyện làm con chó trung thành nhứt của anh!
Hoạt khinh bỉ ra mặt,  vung mạnh cánh tay tỏ ý không muốn nghe:
- Em đừng nói nữa. Tất cả đã kết thúc tại đây!
Huệ nghẹn ngào:
- Nói vậy có nghĩa là anh không tha thứ cho em? Anh cố chấp đến thế sao hở anh Hoạt?
Hoạt nói:
- Em  nghĩ  về anh như  thế nào đó là quyền của em. Cố chấp. Nhẫn tâm hay gì gì cũng được. – Hoạt nhìn thẳng vào mặt Huệ nói rõ từng tiếng:- Chúng ta hãy chia tay!
Huệ choáng váng như vừa bị cái tát, nói như người ngủ mê:
- Sao lại chia tay hở anh? Chẳng lẽ chỉ vì một chuyện này mà anh nỡ vứt bỏ cả quãng thời gian dài chúng ta yêu nhau? Em biết anh đang buồn, đang giận, anh có thể nguyền rủa, trừng phạt như thế nào em cũng cam chịu. Chỉ xin anh đừng thốt lên những lời đau lòng đến thế. Em đã ký thác toàn bộ tình yêu, số phận cho anh mất rồi. Đừng bỏ rơi em!
Hoạt nói bằng giọng cay độc:
- Tôi nào có ra gì  để nhận những thứ em gởi gắm. Hãy tìm một người nào đó xứng đáng hơn để trao thân gởi phận. Trời ơi! Tại sao em lại làm như vậy, nhân cách, sĩ diện cả lòng tự trọng  của em để đâu mất rồi!
Huệ khóc như mưa, mái tóc rũ xuống che kín hết gương mặt.
Hoạt mím môi nói một cách dứt khoát :
- Cô lại tiếp tục diễn tuồng cũ nữa rồi! Nước mắt đẻ ra tiền
đừng phí phạm như vậy. Từ nay chúng ta sẽ là hai người xa lạ. Vĩnh biệt em!
Hoạt nhanh chưn bước lại chỗ để xe. Huệ chạy theo. Chiếc mô tô gầm lên và lao vút đi như một viên đạn. Huệ ngả sóng soài trên nền đất, cánh tay hướng về phía trước vẫy vẫy một cách tuyệt vọng:
- Anh Hoạt ơi, hãy quay lại với em! Anh Hoạt!..
 
...Anh Hoạt ơi, đừng bỏ em! – Huệ thốt lên trong nấc nghẹn giữa bốn bề tối tăm, tự nhiên nước mắt cứ tuôn ra như xối. Huệ đã khóc cho biết bao nhiêu người bằng thứ nước mắt vô cảm, vô hồn để đổi lấy những thứ cô cần và giờ đây cô dành trọn suối nước mắt khởi nguồn từ nỗi đau xé lòng cho chính phận của mình.
 
&
&&
 
Gần tám giờ tối Nhành về nhà lấy đồ đạc để vô bịnh viện thăm nuôi Hiếu. Hiếu đã được cứu sống, tuy nhiên tình trạng sức khỏe không được khả quan cho lắm, bác sĩ nói cần phải truyền máu, điều trị vài ngày. Tỉnh lại, Hiếu cứ trách mọi người tại sao không để cô chết quách cho rảnh nợ. Nhành nói:
- Nợ cơm nợ áo, nợ tiền nợ bạc  có thể “ xù “ không  phải trả. Nhưng thiếu nợ đời thì không thể nào chạy trốn được, bà có xuống âm ty địa phủ,  nó cũng chạy theo mà đòi cho bằng được mới thôi!
Thấy cửa không khóa biết là có Huệ bên trong. Bởi vì sáng nay Ngân đã về quê cùng với Tuấn. Thấy Ngân  tỏ vẻ băn khoăn, Nhành vội trấn an:
- Cứ về đi. Chị Hiếu có tao canh chừng rồi. Nhớ đừng đem chuyện đau lòng này kể cho mọi người mất vui mấy ngày tết nhứt. Chừng nào lên trên đây, nhớ mang theo mấy đòn bánh tét, mức gừng, mức bí .. đặng tao hưởng xái chút mùi tết. Chúc thượng lộ bình an!
Ngân nói:
- Chị Hiếu đã gởi thơ báo tết này sẽ về quê, rủi ai có hỏi, em biết trả lời sao?
- Thì lựa đại một lý do nào đó. Thông minh như mày còn hỏi tao những chuyện đó sao. Mày  để ông bà già dưới quê khăn đùm, cơm nắm lên đây là tao róc thịt mày như Na Tra, nghe chưa.
- Em không quen nói dối, mỗi lần làm chuyện đó là em không nhịn được cười, dễ bị mọi người nghi ngờ lắm.
- Thì cười cho đã, trước khi gặp ông bà già. Có chuyện đó làm không xong mà đòi làm bà giám đốc!
Ngân bật cười, bước vội ra chiếc Toyota delux màu trắng sữa đang đậu phía ngoài cổng. Trước khi cho xe lao đi, Tuấn bóp kèn “ tin tin “ mấy cái có ý chào Nhành.
 
Nhành mở cửa bước vô. Đèn đuốc tối thui. Nhành vấp chưn vào vật mềm mềm nằm chình ình giữa nhà suýt té chúi nhủi :
- Con Huệ phải hôn? Sao lại nằm ngay đuổn ra như vậy, đèn đuốc cũng không thèm bật, hư hết chỗ nói!
Nhành càm ràm. Huệ vẫn nằm yên không nhúc nhích. Bực quá Nhành tiếp tục ca cẩm:
- Nói vậy, mà vẫn nằm  một đống, lỗ tai để ở đâu vậy hả?
Nhành sờ soạng trong bóng tối, lần tìm cái công tắc đèn. Ánh sáng vàng vọt soi rõ thân hình bạc nhược,  xanh xao của Huệ. Nhành giựt mình kinh hoảng:
- Mày sao vậy, hả Huệ? Bị bịnh hả?
Nhành cúi xuống đặt tay lên trán Huệ. Huệ mắt nhìn thao láo lên trần nhà. Rỗng tuếch. Vô hồn. Nhiệt độ bình thường, không có dấu hiệu sốt. Nhành chun mũi mấy cái, la lên:
- Trời đất! Sao mà hôi quá vậy? Bộ mày từ dưới ống cống chun lên hả? Không bịnh hoạn gì sao nằm ẹp  ra như con gián vậy? Đi tắm đi! Trời ơi, trong nhà xảy ra biết bao nhiêu là chuyện bắt sẩu mình. Bây giờ tới phiên mày.
Huệ vẫn giữ nguyên tư thế ban đầu. Thoạt nhìn dễ gây lầm tưởng là cái xác chết, mà đúng là cái xác chết thật.
- Có chuyện gì kể tao nghe thử! Chị Hiếu đang dở sống, dở chết trong nhà thương, bây giờ mày lại như vầy chắc tao điên luôn quá! Ủa, chiếc xe đâu rồi? Bộ bị cướp hả? Nói đi, tao sốt ruột quá!
 
..Nửa đêm hôm qua, Huệ phóng xe khùng điên trên khắp ngỏ đường. Mấy lần suýt đâm vô xe tải. Thiệt tình, Huệ muốn kết liễu đời mình nhưng Thần Chết chỉ lướt ngang qua người cô. Mấy bác tài bị một phen lên ruột, miệng không ngớt văng tục. Đến khu vực chợ cá, Huệ đâm thẳng vô cột điện. Cái cột điện bằng bê tông cốt thép không suy suyển gì. Nhưng cô thì bị bắn vào mấy thùng đựng cá tanh ngòm.  Còn chiếc Wave alpha thì bị bẹp dúm, vè trước bị bể nát, phuộc trước bị cong vênh lên. Sắt thép còn  vậy mà người không từ chết đến bị thương  thì đúng là có phép lạ. Mấy anh dân phòng xúm lại,  kêu xích lô chở đống sắt vụn về phường, hẹn Huệ mang giấy tờ lên lãnh vào sáng hôm sau. Huệ không còn nhớ chính xác ở chỗ nào. Rời khỏi chợ cá Huệ cứ cắm đầu đi mải miết chẳng cần biết đâu là phương hướng. Không hiểu sao cuối cùng cô cũng lê tấm thân tàn tạ về tới nhà, cứ như có Bà dắt!
 
- Hoạt đã làm gì mày phải hôn? – Nhành hỏi.
Trên đời, chỉ có Hoạt mới có thể làm cho Huệ ra nông nỗi như vầy thôi.
Nhành cảm thấy đói vì cả ngày hôm nay chỉ gặm có mỗi ổ bánh mỳ “ không người lái “ từ sáng sớm, định về nhà tranh thủ làm tô mỳ ăn liền dằn bụng, thấy tình bi đát như vầy tự nhiên thấy no ngang, không muốn ăn nữa. Nhành nghĩ thầm, chắc là giữa Huệ và Hoạt có chuyện gì nghiêm trọng lắm nên trông Huệ mới thê thảm  như vầy đây. Lại thêm một kẻ khổ vì tình! Tình yêu là cái cóc khô gì mà khiến người ta khổ sở quá vậy?. Nhành suy tính mông lung, không biết xử trí như thế nào cho hợp lẽ. Hiếu đang nằm trong nhà thương, Huệ thì cũng chẳng khá hơn là mấy, cô đắn đo không biết nên vô bệnh viện hay ở lại nhà, bởi vì cả hai đều cần sự có mặt của cô. Cuối cùng Nhành quyết định ở lại, vì dù sao Hiếu cũng đã có mấy nhân viên y tế theo dõi, chăm sóc. Còn Huệ thì chẳng có ai. Nhành bấm điện thoại gọi vô nhà thương, đề nghị y tá không nên rời mắt khỏi Hiếu. Hiếu đã thoát chết nhưng ai dám bảo đảm cô sẽ từ bỏ ý định chết thêm lần nữa. Cô y tá trực trấn an Nhành, không nên lo lắng thái quá, mọi việc không đến nỗi nghiêm trọng đến vậy. Thường thì, những người vừa thoát khỏi lưỡi hái tử thần đều có chung tâm trạng là rất sợ chết! Để Nhành yên tâm, họ hứa sẽ cử người túc trực bên giường bệnh, sẵn sàng can thiệp trường hợp xấu có thể xảy ra.
Giá như có thêm một người đỡ đần thì hay biết mấy, Nhành nghĩ thầm rồi đi rửa mặt qua loa. Nghĩ lại thấy mà buồn, nhà có năm người thì hai đang nằm viện,
một người đang chán đời, nằm ngay đuổn  giữa nhà, chắc cũng đang toan tính đến cái chết. Tại sao hễ cứ có chuyện gì là người ta lại nghĩ đến chết chóc mà không chịu động não tìm phương cách tốt đẹp hơn, vẹn toàn hơn?
Nhành ngồi xuống cạnh Huệ, lấy khăn thấm nước lau khắp người. Huệ không mảy may phản ứng, mặc cho Nhành muốn làm gì thì làm cứ như là con ma nơ canh  ở mấy hiệu thời trang không hơn.
- Ngồi dậy cho tao thay đồ. Hôi rình!
Huệ không cục cựa. Nhành nhấc đầu Huệ đặt lên bắp vế, lần cởi từng chiếc nút áo. Khi chiếc nút cuối cùng được tháo ra, Nhành mới phát hiện cả vùng ngực Huệ bị bầm tím và phía dưới rún cũng vậy. Có lẽ Huệ đã bị va đập vào đâu đó một cú quá mạng  nên vết thương mới trầm trọng như vầy, không hiểu có bị tụ máu bên trong không, chắc phải đưa đi bệnh viện , để lâu e không tốt.
- Bị đụng xe phải hôn? Sưng vù lên như vầy chắc là nguy hiểm lắm. Mày nằm ở đây để tao kêu xích lô.
Huệ buông một tiếng cộc lốc:
- Kệ!
- Sao lại kệ? Bị bịnh thì phải chạy chữa chớ, mày quá dễ ngươi!
- Em muốn chết!
Nhành ném cái áo rách  vô xó nhà. Nó  kêu “ cộp “ một cái. Cô thò tay vào túi áo lôi ra cái di động bị bể nát.
- Hở ra là đòi chết, mày với bà Hiếu đúng là cùng một giuộc với nhau!
Huệ mấp máy đôi môi trắng bợt như muốn nói điều gì đó, nhưng lại im lặng. Nhành ấy chai dầu nóng xát đổ vào lòng bàn tay, nói:
- Ráng chịu nghen.
Huệ im lặng để Nhành xoa dầu nóng lên khắp người, gương mặt cô hoàn toàn không có chút cảm xúc đau đớn. Nhành tìm cách bắt chuyện:
- Hai đứa bây cứ như chó với mèo, gây gổ chí chóe đó rồi làm lành đó cứ như là đóng kịch, có gì nghiêm trọng đâu mà mày làm thấy ghê quá! Tao bảo đảm với mày nay mai,  Hoạt cũng tới năn nỉ ỉ ôi cho mà coi, lúc ấy mày tha hồ mà làm reo!
Nhành đóng nút chai dầu nóng:
- Xức dầu cho đỡ thôi, mày phải đi bệnh viện chụp X quang, siêu âm mới biết thương tích như thế nào, phải giữ sức khỏe để còn hờn còn giận chớ!
Coi bộ  giữa hai người đã xảy ra chuyện không nhỏ. Nhành đang còn đoán già, đoán non là chuyện gì,  thì chuông điện thoại réo lên cắt đứt suy nghĩ.
- A lô! Anh Linh đó hả? Ngay bây giờ à? Không được. Em bận lắm, anh uống một mình đi. Sao? Buồn hả? Buồn gì anh? Nghe giọng kéo nhựa chắc anh đã nốc cả chục chai rồi cũng nên. Em đã nói rồi, không thể tới được. Thôi, chúc anh vui vẻ.
Nhành tắt máy. Láp dáp một mình:
- Đúng là Lưu Linh! Chẵng biết việc gì khác ngoài chuyện nhậu! Cứ như là không có anh ta mấy nhà máy sản xuất bia sẽ đóng cửa không bằng!
Nhành cố tìm những câu khôi hài để chọc cười, nhưng Huệ làm như không nghe thấy, mắt mở trừng nhìn lên trần nhà. Ở trển chỉ có mấy miếng ván  thấm nước mưa  cong tớn có gì lạ đâu mà ngó hoài.
Huệ đột ngột ngồi dậy, bước xiêu vẹo lên trên gác. Huệ chưn trước, Nhành chưn sau sát gót. Tức mình, Huệ nói:
- Em đâu phải tội nhân mà chị cứ theo tò tò! Em mà có ý định tử tử thì mười người như chị cản cũng không được. Lúc này đây, em muốn được yên tĩnh. Chị đừng quấy rầy có được hôn.
Nhành xẳng giọng:
- Bộ mày tưởng tao khoái làm cái chuyện này lắm hả?  Tại sao người ta cứ thích làm khổ mình đến vậy?
Huệ đi nằm. Nhành đâm lo. Nói dại, rủi nó có ý chết thiệt thì không biết tính sao, chuyện chị Hiếu còn sờ sờ trước mắt.
Nhành vô nhà tắm lấy mấy cái lưỡi lam vứt vô sọt rác, chưa thật yên tâm, cô giấu luôn mấy con dao làm bếp. Xong xuôi, Nhành thò đầu lên gác xem động tĩnh ra sao. Huệ nằm ngửa, mắt vẫn mở thao láo vô hồn. Nhành ngáp vặt mấy cái, cơn buồn ngủ ập đến , cô đối phó bằng cách vục mặt vô chậu nước. 
 

CHƯƠNG 100

Từ bệnh viện Phụ sản Quốc Tế trở về, bà Vân bắt gặp chồng đang in văn bản. Tờ giấy khổ A4 từ từ thò ra từ  chiếc máy in hiệu Canon Lúc đầu, bà định đi thẳng vào nhà tắm, nhưng thấy cử chỉ chồng có vẻ là lạ bèn dừng lại. Ông Khả dụi điếu thuốc hút dở vô cái gạt tàn, nét mặt lộ vẻ lúng túng. Bà Vân đưa tay đón lấy tờ giấy từ chiếc máy in rồi giơ lên ngắm nghía.
- Trời ơi!
Dòng chữ “ đơn xin ly hôn “ đập vào mắt khiến bà lảo đảo, mắt tối sầm lại không sao đọc tiếp được nữa. Ông Khả lật đật đỡ vợ ngồi xuống ghế. Hồi lâu, bà Vân trấn tĩnh lại, nhìn chồng bằng đôi mắt bàng hoàng pha lẫn tuyệt vọng:
- Sao lại như vậy hả anh?
Ông Khả day mặt nhìn ra cửa. Một cặp vợ chồng dự tiệc về khuya trên chiếc xe gắn máy láng coóng. Tiếp theo là tiếng guốc cao gót khua lộp cộp mỗi lúc xa dần..
- Hãy nói cho em biết, em có lỗi lầm gì mà anh nở đối xử với em như vậy?
Bà Vân hỏi dồn, gương mặt còn hiện rõ nổi kinh hoàng như người đang chuẩn bị bước xuống thập điện diêm la[link=http://diendan.vnthuquan.net/#_ftn1][1].
Gương mặt vuông ông Khả nhăn nhó một cách khổ sở, tay chân cử động một cách vô thức, thừa thải. Mùi hoa quỳnh bên hông nhà thoang thoảng một cách vô duyên không hợp với không khí đặc sệt , ngột ngạt xung quanh.
- Em hiểu rồi, có phải vì yên ắng quá nên anh muốn khuấy động một chút cho vui nhà vui cửa có đúng không? Nhưng đùa giỡn kiểu này, em bị đứng tim chết mất!
Hy vọng của bà Vân tắt ngấm. Trên gương mặt của chồng chẳng có chút gì là bỡn cợt cả.
Ông Khả nuốt nước miếng, thu hết can đảm nhìn vào mắt vợ:
- Em ạ! Đã đến lúc chúng ta phải chia tay. Anh rất đau lòng khi phải thốt ra những lời này. Nhưng em hãy hiểu cho anh, anh không thể nào làm khác được.
Thế là hết! Điều bà lo sợ nhất đã xảy ra. Chồng bà đã phản bội lại lời hứa, phản bội lại những gì mà từ bấy lâu hai người đã cất công vun đắp, phản bội lại những kỷ niệm đẹp, êm đềm một thuở ..
- Em van anh hãy nghĩ lại! – Bà Vân quỳ sụp dưới chân chồng, nghẹn ngào nói qua làn nước mắt:- Anh ơi, hạnh phúc mà chúng ta đã cố công vun đắp đã sắp đến ngày viên mãn thì tại sao anh lại nở phá bỏ cho đành đoạn. Anh có thể làm bất cứ điều gì anh muốn, em sẽ chiều lòng anh tất cả, chỉ xin anh đừng bỏ rơi em!
- Vân à, trước khi đưa ra quyết định đau lòng này, anh cũng rất khổ tâm. Anh biết làm như vầy là quá bất công, quá tàn nhẫn đối với em, giá như có được sự chọn lựa nào trọn vẹn cả đôi đường thì anh sẵn sàng đánh đổi tất cả. – Ông Khả thở dài:- Tiếc rằng, chọn lựa chỉ có một , lý trí anh ngả về em nhưng trái tìm thì rẽ sang hướng khác, anh biết phải làm sao đây?
- Hãy tỉnh trí lại đi anh. Mối tình anh đang theo đuổi là mối tình viễn vông, huyễn hoặc. Anh đang tự ru ngủ mình bằng những giấc mơ không có thật. Và anh thừa hiểu rằng, hạnh phúc không thể đến bằng những giấc mơ. Vì em, vì hạnh phúc của đôi ta,  em cầu xin anh hãy từ bỏ ý định đó.
Bà Vân lấy khăn chùi nước mắt, nắm tay chồng lắc mạnh mấy cái:
            - Không lẽ ngần ấy năm chung sống chẳng lưu giữ trong anh một chút kỷ niệm nào hay sao? Một lời nói chia tay nhẹ như gió thoảng mây bay nhưng với em nặng nề và đau đớn xiết bao. Từ khi về chung sống, em luôn làm tròn phận sự người vợ, em lo lắng, chăm sóc anh còn hơn bản thân mình, chưa bao giờ em làm điều gì khiến anh phật ý, em ra sức nâng niu, quý trọng những kỷ niệm êm đềm giữa hai ta, em làm tất cả để anh vui, để xua đi mặc cảm không được làm mẹ. Em tủi thân, đau đớn biết bao mà anh nào có biết.
           - Anh hiểu được nỗi khổ tâm của em, nhưng..
Bà Vân nói át đi:
- Nếu hiểu thì anh đâu nở đối xử với em như vậy!
Bà Vân ngồi kể lể cả buổi, từ hồi hai người bắt đầu yêu nhau cho đến khi có dấu hiệu  tan vỡ, thỉnh thoảng câu chuyện bị ngắt quãng bởi tiếng nấc nghẹ trong cổ họng. Dùng tình cảm không lay chuyển được chồng, bà bèn tỏ thái độ cứng cỏi:
- Em sẽ không bao giờ ký đơn ly dị cho dù có kề súng ngay màng tai mà bóp cò! Nếu anh không chịu thay đổi, em sẽ đem chuyện này tố giác, chúng ta đang đi trên một chiếc xuồng. Xuồng lật  cả hai cùng chết chìm!
- Có cần phải làm như vậy không hả em? Khi người ta không còn tình yêu nữa thì chỉ làm khổ nhau thêm mà thôi, tự do là cách tốt nhất cho cả hai.
- Không! Cho dù không giữ được phần hồn của anh, em cũng quyết nắm trọn phần xác!
Ông khả bực tức, vò nát tờ đơn rồi đi một mạch vào bên trong. Bà Vân ngước mặt nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường, bây giờ đã gần ba giờ sáng.
 
&
&&
 
Tối qua. Chờ cho Nhành đi khỏi, bà Trần liền xách chiếc giỏ đựng vô số thứ lỉnh kỉnh lách mình như cơn gió sau cánh cửa phòng số 4. Lúc này Hiếu đã đỡ nhiều rồi, tuy nhiên vẫn còn yếu lắm phải tiếp tục truyền máu và chích thuốc trợ lực. Hiếu nằm trong buồng hai người, sát ngay lối ra vô. Người còn lại là một ông già hom hem mắc bịnh suyễn, nhập viện vào lúc nửa đêm.
Nghe tiếng động, Hiếu cứ đinh ninh Nhành bỏ quên thứ gì đó nên quay trở lại. Dạo này Nhành có tật hay quên, đồ đạc cất một nơi lại tìm một chốn! Nhứt định là do ảnh hưởng của chứng lạm dụng chất cồn.
- Lại quên cái gì rồi phải hôn? Con nhỏ này  đúng là đồ..
- Đồ gì? – Tiếng cười sát bên tai, hơi thở quen thuộc xộc vô mũi khiến Hiếu rùng mình, đến chết, Hiếu cũng không thể nào quên nỗi cái mùi  này.
- Chị Trần!- Giọng Hiếu yếu ớt.
- Em còn nhận ra tôi sao? Vậy mà tôi cứ nghĩ em mãi vui vầy với duyên mới mà quên mất mụ đàn bà đáng ghét này rồi.
Hiếu lúng túng. Sự xuất hiện đột ngột của bà Trần khiến Hiếu khó xử. Người ta đã có lòng, cất công đến thăm dẫu không ưa vẫn phải tiếp.
- Sao chị biết em ở đây mà vô thăm?
Bà Trần vẫn giữ cử chỉ niềm nở, tươi tỉnh, nói bóng gió:
- Trái tim đưa đường chỉ lối tôi đến đây. Sự có mặt của tôi khiến Hiếu khó chịu lắm thì phải?
- Ồ không,  em chỉ hơi bất ngờ thôi. Chị ngồi xuống đi.       
Bà Trần ngồi xuống, hỏi vài câu thăm hỏi chiếu lệ. Hiếu trả lời nhát gừng. Hỏi tới đâu thì trả lời tới đó không nói gì thêm, câu chuyện vì thế trở nên nhạt nhẽo. Cuối cùng bà Trần nói:
- Chuyện của em, tôi biết hết trơn. Tôi đã cảnh báo trước mà em cứ bỏ ngoài tai để bây giờ mới xảy ra cớ sự. Thôi, quên đi, coi như năm xui tháng hạn. Dù sao tất cả đã ổn. Trước khi tới đây, tôi đã ghé qua chùa đốt mấy nén nhang cám ơn Trời Phật.
Chuyện cũ khơi lại càng thêm buồn lòng. Bà Trần nói tiếp:
- Bây giờ em đã sáng mắt ra chưa. Loại người như Tưởng, thoạt nhìn cũng đoán biết hắn ta là tên đểu giả. May mà sự việc chưa đến nỗi nào, chớ về ở chung với hắn coi như vứt cả một đời! Trong cái rủi vẫn còn cái may.
Hiếu lãng sang chuyện khác:
- Xí nghiệp đã nghỉ tết rồi phải hôn, chị?
- Ừ. Em đừng lo lắng đến chuyện khác , hãy yên tâm mà điều trị, mọi việc đã có tôi lo liệu. Khoản viện phí, thuốc thang, tôi đã thanh toán xong xuôi hết rồi.
- Chị đến thăm là em mừng rồi, những sự giúp đỡ khác em không dám nhận. Khi nào có tiền em sẽ gởi lại.
- Lại khách sáo! Tôi làm việc này như là bổn phận. Chị em mình mà còn nói lời ơn nghĩa nghe lạ hoắc! Trước đây em đâu có vậy, từ khi quên Tưởng em đã thay đổi rất nhiều. - Giọng bà Trần lộ vẻ không vui.
Bà trần ngó dáo dác rồi la lên:
- Ô, không có ai thăm nuôi sao?
Rồi không đợi Hiếu lên tiếng, bà Trần nói liền:
- Mấy ngày nghỉ tết chẳng có việc gì làm đỡ buồn, tôi sẽ chăm sóc em.
Hiếu mấp máy môi định lên tiếng thì bà Trần nhanh nhẩu cướp lời:
- Em đừng có mà từ chối đấy nhá, tôi không thích đâu. Lần trước tôi nằm viện chẳng phải  một tay em lo liệu là gì. Em hãy cho tôi cơ hội để đáp đền ơn nghĩa chớ.
Đuối lý Hiếu làm thinh. Trong thâm tâm cô không muốn rước thêm phiền phức nhưng không biết từ chối bằng cách nào. Đứng trước bà Trần bao giờ Hiếu cũng trở nên một đứa trẻ ngoan ngoản, yếu đuối.
 
&
&&
 
Tối nay vào lúc mười tám giờ bốn mươi lăm phút, trên kênh X – Đài truyền hình Thành phố  có phát một tin. Nội dung như sau: Cảm Tạ : Gia đình chúng tôi vô cùng cảm tạ các cán bộ Sở Y tế thành phố.., các giáo sư, bác sĩ và nhân viên, sinh viên  Trường đại học Y – Dược… cùng  bạn bè thân hữu đã đến tiễn đưa, cha, mẹ của chúng tôi là giáo sư – bác sĩ Lê Hữu Thành  và  bà  Quách Thị Thanh Mai về đến nơi an nghĩ cuối cùng…
Cái chết đột ngột của vợ chồng giáo sư – bác sĩ Lê Hữu Thành đã được cơ quan cảnh sát điều tra tìm rõ nguyên nhân,  sau khi giám định tử thi một cách chi tiết,  bị chết đuối vì trong phổi chứa rất nhiều nước biển làm nghẹn đường hô hấp. Vụ án coi như khép lại.
Vợ chồng giáo sư Lê Hữu Thành đi nghỉ mát ở Vũng Tàu. Mãi hai ngày sau Đội tìm kiếm người mất tích mới tìm ra hai thi thể  ôm chặt vào nhau bên ghềnh đá cách bãi Thùy Vân   gần hai mươi cây số ..Trên hai gương mặt đã thối rữa còn nguyên vẹn nụ cười mãn nguyện…
 
&
&&
 
Sáng ba mươi tết, bệnh viện bắt đầu “ xả trại “. Ngoại trừ những bệnh nhân nặng, những người nằm trong diện “ chăm sóc đặc biệt “ , những người phải được thường xuyên theo dõi, chích thuốc đúng theo lịch...còn lại thì được “ phóng thích “ về đón tết với gia đình. Việc chuẩn bị rất khẩn trương, vui vẻ. Người được về nhà thì vui mừng hớn hở, kẻ ở lại thì tặc lưỡi tiếc rẻ, tạo thành không khí vui buồn lẫn lộn.
Bệnh tình của Thật cũng đã thuyên giảm đáng kể, tuy nhiên chưn mặt  và tay trái vẫn phải băng bột thêm một thời gian nữa. Bác sĩ nói  có thể điều trị ở nhà, chờ đúng lịch thì tái khám. Được cho về, nhưng Thật không muốn, bởi vì anh chẳng biết phải về đâu, khi mà ở thành phố này anh chẳng có một chỗ để dung thân.
- Về nhà em! –  Thuần cười hớn hở. Đây là dịp để cô ả kiếm chác chút tình cảm thừa thãi.  Từ bữa đó đến rày, Thuần phế hết công việc mua bán ở chợ vải, túc trực bên giường bịnh chăm sóc Thật trong vai trò người vợ. Chu đáo. Đảm đang. Thật đường đường là một nam tử sức dài, vai rộng, nói năng ngạo nghễ  như anh hùng hảo hớn Lương Sơn Bạc,  bây giờ bỗng trở nên đồ “ phế thải “, anh cảm thấy tủi nhục, bất lực và thường hay quạu quọ bất cứ lúc nào. Sự có mặt của Thuần càng khiến anh tức tối:
- Cô cút đi cho rảnh mắt tôi!  Đồ đàn bà trơ tráo. Người ta đã không ưa mà cứ vác mặt tới!
- Được, anh đuổi thì tui đi! – Thuần nói tỉnh rụi, nét mặt không biến đổi, vô cảm như mấy bức phù điêu trong viện bảo tàng.
Thuần xách túi đi thủng thẳng đi ra cửa, thì ngoáy cổ lại nói:
- Đồ rởm đời! Thử coi không có con đàn bà trơ tráo này, anh sẽ xây xở ra sao!
Thuần đi. Thật thở phào nhẹ nhõm, coi như thoát được của nợ. Gần trưa, Thật bị chột bụng muốn “  đi cầu “ , ngó quanh quất không thấy ai, ngoài ông già nghễnh ngãng đang lên cơn sốt nằm như miếng giẻ rách trên chiếc giường lò xo. Ban đầu Thật cố nhịn nhưng không thể. Người ta có thể nhịn ăn, nhịn uống nhưng không thể nào nhịn “ chuyện đó “ một khi các chất bã đã dồn xuống hậu môn.
- Ôi, đau bụng quá! Làm ơn lấy giùm cái bô.
Thật xuất hãn mồ hôi hột. Nếu chậm thêm chút nữa chắc tòi ra quần mất. Mắt dán chặt về cái bô nhựa để ngay kẹt cửa, chỉ vài bước chưn là với tới. Vậy mà..Bất lực khiến anh ứa nước mắt.
- Nó ra rồi! làm ơn! Ối đau bụng quá!
Thật nhắm mắt  tuyệt vọng. Bất ngờ một tràng cười đắc thắng vang lên làm rung màn nhỉ. Một cánh tay đeo vàng nhứ nhứ cái bô màu đỏ trước mặt:
- Anh nói cần tui, thì tui đưa, bằng không thì cứ việc cho ra giường!
- Cô là đồ ác nhơn thất đức! – Thật rủa sả không ngớt, với tay chộp nhưng Thuần đã nhanh nhẹn rụt lại:
- Nói là anh yêu tui, cần tui! Anh hùng cũng có lúc cùng đường mạt vận như vầy đây! Há ..há..
Cực chẳng đã Thật phải răm rắp:
- Ờ, tôi yêu cô, tôi cần cô. Đưa bô đây, đồ quỷ dạ xoa!
Sau bận gặp phải cảnh dở khóc dở cười đó, Thật phải cay đắng thú nhận, sự có mặt của Thuần là vô cùng cần thiết. Thuần bề ngoài hay kích bác, trêu tức làm anh bao phen điên tiết, nhưng ả chăm sóc anh rất tận tình, chăm lo đến nơi đến chốn từng miếng ăn, giấc ngủ, từng viên thuốc  đến việc đổ bô mỗi ngày dăm cữ.
 
- Thôi. Cám ơn cô, tôi không muốn mắc nợ.
- Nợ nần gì, ông xã! Chẳng qua tui sợ con tui mồ côi mồ cút. Thiệt ra tui cũng chẳng tốt lành gì đâu!
Mỗi lần nghe hai tiếng “ ông xã “ là Thật tức muốn lộn ruột. Đã vậy ả còn bô bô khắp cả bịnh viện. Từ ông bác sĩ trưởng khoa chí đến chị lao công đều đinh ninh anh là chồng của Thuần. Chối, chẳng ai thèm tin. Thậm chí có người còn nói Thuần tuy xấu người nhưng đẹp nết, xứng đáng được bình chọn là người vợ đảm đang cấp thành phố! Đến nước này, Thật đành cứng họng, nuốt cục tức vô trong.  Cái chưn băng bột ngứa quá chịu không nỗi, nhưng không biết làm cách nào để bớt ngứa.
- Đã nói là không muốn làm phiền mà. Sao cô cứ lải nhải. Điếc tai!
- Không muốn phiền thì cũng đã phiền rồi! Mấy bữa rày ai lo cho anh từ chuyện thuốc thang, ăn uống đến giặt giũ, thậm chí  việc đổ bô cũng mình tui lo liệu. Không có tui anh sẽ xoay xở ra sao với cái tay, cái chưn bị xi cà que? Vậy mà hễ cứ mở miệng ra là  không phiền đến các người! Không phiền đến các người! Đúng là thứ đàn ông bạc bẽo, vô ơn!
- Được rồi. Coi như tôi nợ cô. Nợ nần bao nhiêu cô cứ ghi vào sổ khi nào khỏe, đi làm có tiền tui sẽ trả sòng phẳng không thiếu một xu.
- À, lại đi làm đĩ đực nữa hả? Bị như vầy mà vẫn chưa chịu chừa sao? Mặt anh mà làm thái giám coi ngộ lắm.
Thật tức đến sùi bọt mép. Sao mà ả nhiều chuyện quá không biết.
Thuần đi làm thủ tục. Một tiếng sau, Thật đã có mặt ở nhà Thuần bằng xe cứu thương của bịnh viện. Mấy nhà bên cạnh hiếu kỳ chạy ra coi. Thuần bế thốc Thật đặt lên xe lăn gọn ơ như một lực sĩ khuân vác một vật nhẹ rồi day mặt sang hồ hởi phân bua với mọi người:
- Ông xã của tui đó. Thấy có đẹp trai giống tài tử xi nê hôn?
Thật không biết giấu cái mặt dày vô đâu. Một người đứng tuổi thắc mắc:
- Ủa, cô  “ sắm “ chồng hồi nào vậy? Trông cũng ra dáng lắm! Sao không thấy cưới xin gì ráo trọi?
- Lâu rồi! Ở trước, lấy sau! Nếu ảnh không bị tai nạn giao thông thì tụi tui đã có cái đám cưới đàng hoàng rồi. Thôi, chào mấy người, tui phải vô tắm cho ảnh đây.
Thuần hãnh diện ra mặt. Ngúng nguẩy đẩy xe lăn trước những cặp mắt thán phục của mọi người. Bực mình, Thật nói như quát:
- Sao cô dám đặt điều như vậy, hả?
- Không vậy thì tui biết giải thích như thế nào về chuyện đưa người đàn ông lạ về nhà mình hả? Vả lại cái bụng của tui cứ lùm lùm như vầy ai cũng nhìn thấy, anh phải cho tui cơ hội để giải thích chớ.
Bực mình! Tiện tay, Thật vơ lấy chiếc cốc thủy tinh gần đó ném mạnh xuống nền gạch granit bóng láng. Thuần chẳng hề nao núng, hay sợ hãi mà đưa tiếp cho Thật thêm mấy chiếc cốc nữa:
- Anh đập đi! Nếu thấy hả giận. Còn không thì hãy biết chấp nhận và phục tùng tui ít ra là trong lúc này. Khi nào bình phục hẳn anh có thể tùng xẻo tui  làm món nướng.
Thật rít lên một tiếng lớn, cầm cái cốc giơ qua khỏi đầu. Thuần nói:
- Đập đi! - Kèm theo là nụ cười khiêu khích.
Thật  buông tay xuống, thở dài một cách bất lực. Thuần bế thốc Thật đi thẳng vào nhà tắm. Từ bên trong vọng ra tiếng giãy giụa, tiếng giội nước ào ào, tiếng chửi bới của Thật hòa lẫn những tràng cười khanh khách của cô chủ sạp vải Soái Kình Lâm.
 
 



[1] Truyền thuyết: Mười đền vua dưới Âm phủ để xử án các hồn ma, mỗi điện có một vua là: Tần Quản vương, Sở Giang vương, Tống Đế vương, Ngũ Quang vương, Diêm La vương, Biện Thành vương, Đô Thị vương và Chiêu Luân vương. 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 24.03.2007 09:11:55 bởi hoaidiephaphuong >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9