Mạn đàm về trà lúc trà dư tửu hậu
marcel 20.03.2007 18:25:33 (permalink)
0
Nhân dịp bạn daltonlee đề cạp về nghệ thuật uống trà, tôi xin phép được mạn đàm đôi dòng về đề tài này. 
 

Ai trong chúng ta mà chưa uống trà? Vào bất cứ một hàng quán nào của Tàu hay của ta cũng được mời dùng trà trước khi mình gọi món ăn. Hay đi ăn trưa trong sở với mấy bạn người ngoại quốc chẳng hạn, thường thường thì họ hay gọi trà đá (Iced tea) rồi đổ cả một kí đường sau khi vắt chanh (lemon) vào ly trà. Khách tới nhà thì luôn được mời: Anh (hay chị) dùng tí trà nhé! Ủa, vậy chứ có gì lạ đâu mà thím viết bắt ta đọc cho mệt, viết cái gì cho là lạ chứ nói về một cái quá quen thuộc quá tầm thường quá dễ dàng thì nói làm chi?

Đó đó, hãy khoan, cứ từ từ nghe cái đã: có những chuyện mình đều làm mỗi ngày, mỗi đêm, không những vậy mà còn tham lam cứ muốn luôn luôn làm, tiếp tục làm mãi không muốn ngừng, đến nỗi thiên hạ đang có phong trào đi tầm sư học đạo, tìm bạn, tìm sách, tìm vở, thậm chí vào thư viện tra tra cứu cứu, vô Internet lục lục tìm tìm cốt để học lại cách làm chuyện đó, để cải thiện, để làm cho đúng, để làm cho hay, để làm cho nhuyễn. Nếu có anh bạn vong niên của tôi mà đọc đến đây chắc sẽ nói với tôi rằng: Này thím, đừng viết bậy viết bạ mấy bà cười cho chết, những "chuyện đó" - tôi cũng chưa biết là anh bạn định nói chuyện chi? - thì chỉ nên nói nhỏ cho nhau nghe mà thôi, chứ đừng nói công khai không hay . A`, (chàng đằng hắng giọng) nhưng mà thím có biết điều gì lạ, điều gì mới thì nhớ chỉ cho ta biết với nghe, vì ta biết thím hay lục lạo đọc sách đọc vở, nay lại thêm cái Internet nên rộng đường tham khảo và nhiều tài liệu hơn , vả lại dạo này thiên hạ cũng rất cởi mở chứ không còn "mặt trong muốn học, mặt ngoài làm ngơ", hay "em chả" với lại "em chả" như hồi còn ở Việt Nam."





Đây là mới dạo đầu để làm vui câu chuyện sắp nói về một đề mục rất là tầm thường: bàn về trà. Tôi không viết ra đây lịch sử của cây trà, cũng không viết về thành phần hóa học có tính cách bác học quá sức của tôi, cũng không nói về cách hái trà, trà hái một lá với búp hay hai lá ba lá, cũng không nói về ủ trà vì các bạn có thể tìm đọc được rõ ràng chi tiết hơn ở trong Internet hay trong các sách về Trà bằng tiếng Việt như: website www.vietkiem.com, hay www.quangio.com cũng được, bài viết rất hay bàn về Trà Tàu và Ấm Nghi Hưng của Nguyễn Duy Chính, hay sách Trà Kinh của Vũ thế Ngọc (in năm 1987). Tôi không dám nói tới mấy truyện của nhà văn Nguyễn Tuân viết về trà và ấm trà trong cuốn Vang Bóng Một Thời mà chắc là các bạn đã đọc lúc còn học tiểu học hoặc trung học, nhưng nếu chưa có dịp thì cũng nên đọc cho vui. Hay các bạn có muốn đọc nhiều về sách ngoại quốc th
ì cũng có rất nhiều tài liệu viết về trà có thể mượn ở các thư viện hay chịu khó đi đọc ké như tôi thường đọc trong những giờ lunch tại các tiệm sách như cuốn The Classic of Tea, bảng dịch ra Anh văn của "Trà Thần" Trung Hoa là Lục Vũ - Lu Yu - mà khi nào ai đụng tới trà là phải lôi ông này ra thì mới được, mới ra cái điều uyên bác (sic), The Book of Tea của Kakuzo Okakura, tay Nhật viết cuốn này đã được dịch ra tiếng Việt ( tôi không nhớ tên, mặc dù đã có đọc lâu rồi - ôi té ra mình đã bắt đầu quên rồi à!!!), hay cuốn The Importance of Living của Lin Yutang có một chương nói về trà cũng rất là độc đáo (Cuốn này Lin Yutang -- hay âm theo tiếng Hán là Lâm Ngữ Đường -- viết bằng Anh Văn hồi năm 1937 để cho người Mỹ hiểu về dân tộc Trung Hoa của Ông, rồi sau đó ông ta mới dịch ra Hoa Văn, và được rất nhiều người dịch ra các tiếng khác, trong số đó có học giả Nguyễn Hiến Lê đã dùng bảng Pháp văn để dịch ra tiếng Việt, vì theo ông viết trong lời tựa là ông không có bảng tiếng Anh -- bản dịch rất hay có tên là "Một nếp sống đẹp"-- , các bạn nếu chưa có dịp đọc thì nên đọc, tìm mua ở Barnes & Noble nếu muốn đọc nguyên bản tiếng Anh, nhưng lại mất phần thơ nguyên văn của Trung Quốc vì khi dịch thơ ra Anh văn thì mình đọc chẳng thấy hay nữa, mà phải đọc bằng Hán Việt mới đã, còn không thì đọc bản dịch của Ông NHLê cũng được.


Xin giới hạn nói về trà vào những loại do từ cây trà mà ra, chứ không nói tới những loại ta gọi chung là trà như Trà Khổ Qua, hay Mướp đắng hoặc là những Herbal Tea bày bán nhan nhản ngoài Siêu Thị của Ta, Tàu hay ngay cả supermarché Âu Châu.
 
Để cho các bạn dễ theo dõi bài viết này, tưởng cũng nên nói sơ qua các loại trà mà thiên hạ hay uống. Tùy theo cách ủ trà mà chia ra làm ba loại chính.
 


1/ Hồng trà hay Black Tea là loại đã được ủ hoàn toàn (có thể nói là 100% oxydation), đây là loại trà thường uống của người Anh, Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông hay Nga v.v. Trà Lipton mà quý bạn hay thấy bán đầy ngoài phố là thuộc loại này. Đây là loại trà thường phải uống chung với sữa tươi, hay với mật ong, hoặc với đường như dân Anh hay dùng trong buổi sáng hay buổi chiều gọi là afternoon tea time. Hoặc như dân Trung Đông lại thường bỏ thêm những gia vị khác như quế, hồi, gừng, v.v. vào trà. Đặc biệt là tuy ở xứ rất ư là nóng, dân Trung đông cũng không uống trà đá, mà chỉ uống trà nóng ngay cả trong buổi trưa nóng nảy lửa hay là tại hồi xưa họ không có nước đá để uống nên quen như vậy cho ra cái điều truyền thống dân tộc!. Khi uống trà, dân Anh hay ăn kèm với bánh ngọt hay petit four. Loại Hồng trà này người Tàu ở vùng cực Bắc như Bắc Kinh thường hay uống, nhưng họ không uống pha thêm gì hết, chỉ uống không như vậy mà thôi.

 
Hồi ở Saìgòn, thường vào các chiều thứ bảy hay chủ nhật, nhiều bạn thanh niên hay rủ nhau ngồi "chảy nước" (đợi đào mà đào chưa đến hay hổng thèm đến) tại các tiệm như Brodard hay Givral để nhấm nháp loại trà này, uống nóng, khuấy chung với chanh và đường, được bồi bàn mang đến trong các tách bằng sứ ra cái điều quý phái lắm, và bỗng cảm thấy là ngon lắm bởi vì ...vì ..vì ở nhà mình không có loại trà "ngon" này. (Thì cũng như ở VN, ta chê mít, chê ổi, chê xoài, chỉ thèm ăn lê, ăn táo, ăn nho mới đúng là thứ dân sang, nay sang đến Tây thì cũng chính những tay này lại đi tìm mua mấy trái mít, mấy trái ổi , mà một trái mít ngon nhiều khi phải trả hơn cả trăm đô ( mua ở Paris mang về Lausanne cả mấy trái cất tủ lạnh ăn dần, phải không MT? hehe...), trong khi đó thì nho, táo, lê bây giờ lại vừa ngon, vừa tươi vừa rẻ thì chê ỏng chê eo không ăn! Đòi ăn cho được mấy thứ kia kia!!
 
Sorry quý bạn. Xin nói tiếp về trà. À hãy nói về trà Ô Long.
 
2/ Trà Ô Long là loại dân ta và dân Tàu Đài Loan hay Quảng Đông hay uống. Loại này chỉ được ủ khoảng từ 20 cho đến 60% oxidation mà thôi. Các trà thường thấy bán ở các siêu thị như Thiết Quan Âm, hoặc Thiết La Hán hay là loại trà do người Tàu chế tại Lâm Đồng (Trà Tâm Châu) cũng là loại Ô Long.Tôi sẽ xin vào chi tiết một số trà loại này trong phần viết về mua trà gì và uống trà ở phần sau.
 
3/ Trà Xanh hay nói bằng tiếng Tàu là Thanh Trà. Loại này thì không có ủ gì hết, nghĩa là 0% oxidation. Danh tiếng nhất của loại thanh trà là Long Tĩnh (Dragon Well/Giếng Rồng).Trà ở Việt Nam có Trà Móc Câu cũng rất ư là độc đáo, như Trà Thái Nguyên bán ở phố Hàng Điếu cũng rất ư là ngon nếu pha cho đúng cách.
 
Chắc có bạn tưởng tôi quên không đề cập đến trà lài, trà ướp sen hay ướp soái? Tôi không nói đến các loại này, vì cũng như đang nói về phụ nữ mà lại tản mạn viết chung với các loại nước hoa các nàng xức thì viết bao nhiêu cho hết. Vả lại tôi quan niệm trà cũng như đàn bà, tự mỗi loại đã có mùi hương tự nhiên riêng rồi, nay mình bàn về trà thì không bàn về nước hoa mà người đời cứ bắt trà phải xức, phải gánh chịu, làm cho mùi hương tự nhiên của trà phải phôi pha nhường bước cho mấy mùi nồng nặc dễ ghét của mấy mụ hoa phát ra, như vàng thau lẫn lộn, cho dù là hoa gì đi chăng nữa !!
 
Muốn uống trà thì ngoài vật liệu chính là trà ra, ta cần phải để ý đến vật liệu chính thứ hai nữa, đó là nước. Ngày xưa mấy cụ Tàu rồi mấy cụ ta hay bàn nhiều về nước dùng để pha trà. Như là phải dùng nước suối ở trên núi từ nguồn, thứ đến là nước sông, mà cũng phải chọn thượng nguồn hay nơi không có nước chảy mạnh quá (e ... nước nó mệt!!), đối đế mới dùng nước giếng. Có người lại còn lấy sương đọng trên lá sen mới cho là ngon để pha trà. Ôi thì nghe là nghe vậy thôi, để đọc cho vui chứ uống trà mà nhiêu khê kiểu đó thì chắc mình chẳng có thì giờ hoặc đủ kiên nhẫn, đó là chưa nói đến không có phương tiện để uống trà.
 
Ủa, ủa bộ như vậy thì ta không thưởng thức được trà sao? Đừng nóng, hãy đọc tiếp phần sau đây, phần này là của riêng Em viết hầu mấy huynh tỷ mà không dính dáng gì đến các sách các vở kia, vì đây là kinh nghiệm mấy chục năm uống trà của Em. Đừng tưởng là Em năm nay mới... nhớn thì kinh nghiệm được bao nhiêu mà bày đặt chẳng kinh với nghiệm! hihi... Trí nhớ kéo tôi về thời điểm năm 1954, tôi đã được đi theo con đường trà rồi: Đã biết theo sư phụ (là thân phụ tôi) vào tận Chợ Lớn mua trà ở Vạn Dân Ký để biếu Ông ngoại tôi. Ngồi hầu trà cho Ba tôi và Ông ngoại nhiều ngày nhiều tháng vào trước rạng đông và cũng tại bản tính tò mò - hay thích đủ thứ -- tôi đã nếm mùi trà Tàu cũng như tiếp thu được cách nấu nước ra sao, tráng trà ra răng, pha trà khi nào thì ngon, nước thứ mấy thì chỉ nên dùng để súc miệng cho sạch, v.v. Rồi sau khi lớn lên cũng như được may mắn có nhiều phương tiện tại nước tạm dung này thì tôi có dịp đào sâu thêm vốn liếng sẵn có để thưởng thức trà.
 
Muốn chơi Tennis chẳng hạn, ít ra mình cũng phải sắm một cây vợt cho vừa tay, rồi sau đó thì sắm thêm giầy Tennis (chưa có tiền thì dùng giày nào cũng tạm được cả), áo Tennis, quần Tennis rồi thêm cái windbreaker màu trắng cho đẹp, diện cho đỏm đang một chút, rồi vài thứ như mũ như wrisband v.v.
 
Cũng vậy, khi bắt đầu uống trà thì mình nên sắm một bộ đồ uống trà cơ bản trước rồi sau đó sẽ phụ thêm cho đủ với thiên hạ chứ không thì thiên hạ nói ỏm tỏi nghe nhức nhối lắm.
 


Bình trà: Cái bình nào cũng pha trà được cả. Bình lớn, bình bé, bình bằng sứ, bình bằng đất nung hay bình cà phê cũng OK. Này, này thím, thím nói gì mà ba phải vậy? Dạ thưa anh, đó là nói theo kiểu nhà Phật, dùng phương tiện ẩn dụ ---tam thừa rồi nhất thừa (các Đại Đức NTT, Đại Đức TMC hay Cư Sĩ Tâm Nguyên Khương NTT chắc không trách cứ tôi còn mê muội nên không nói đúng danh từ Phật pháp nghe!) để cho các bạn chưa vào "trường" trà thì vào cái đã, vào xong trong "trường" thì sẽ tính chuyện khác. Nhưng nếu có thể mua một bình trà thì nên mua loại bằng đất nung thứ bằng đất sét Nghi Hưng (Yixing) màu gan gà, nên mua thứ làm ở Đài Loan và hỏi tiệm bán bình mua loại nhỏ vừa dùng cho "song ẩm" (Hai người uống: không lẽ uống một mình, mà không mời người bạn đời của mình share?), Ngoài ra còn có loại bình nhỏ nhất, tiếng Tàu gọi là bình "độc ẩm", còn bình lớn hơn nữa là bình "quần ẩm" dùng cho khoảng bốn hay năm người, quý bạn có mua thêm thì tốt thôi, vì có ngày sẽ dùng đến.

Chắc có bạn sẽ hỏi vậy chứ nhiều người cùng uống thì dùng bình nào? Thật ra thì khi nào uống trà, ta chỉ uống hoặc một mình, hai người hay đông nhất là chung với bốn năm người mà thôi. Rượu thì cho đông người, chứ trà thì chỉ giới hạn mà thôi. Ngoài ra còn một chữ "ngưu ẩm" nữa thì ta không nên mắc phải như câu "trà Tàu một ngụm v.v.."
 
Chén: Chén uống trà thì nên dùng chén càng nhỏ càng hay, sẽ nói lý do sau, và cần có men trắng ở trong hầu có thể thưởng thức màu trà (đẹp lắm ôi những màu trà).
 


Nước: Hãy mua nước trong bình hay trong chai, chứ đừng dùng nước từ trong ống nước ở nhà. Cũng không cần mua nước suối làm gì cho đắt.

 
Trà: Bạn đang uống trà loại nào, hay đang có trong nhà trà gì thì cứ uống loại đó cái đã, vì mua nhiều thứ một lúc thì lỡ bị "ai đó" cằn nhằn lại mất vui, mà đã không vui thì uống cái gì cũng chẳng ngon cả. Nhớ là cách pha trà và nấu nước là quan trọng lắm lắm.
 
Tuy nhiên nếu quý bạn chưa có trà nào sẵn hết thì tôi xin đưa ra một vài loại để quý bạn mua.
Bạn thích trà xanh của Việt Nam thì có loại trà móc câu như là Trà Thái Nguyên, Bắc Thái hay trà của Tàu như Long Tỉnh tìm mua trong các tiệm bán trà chứ không mua ở tại Siêu thị. Trà Long Tinh hay Lung Ching thứ của Trung Hoa loại tốt khá đắt nhưng rất đáng đồng tiền bát gạo.




Trà Ô Long thì ở Việt Nam có nhiều hãng lấy trà ở Blao để chế như hiệu trà Tâm Châu cũng khá ngon mà lại quá rẻ nếu đem đô la hay euro về mua. Còn của Tàu thì có nhiều, nhưng nếu quý bạn thích leo thang lần lần lên thì nên theo một hãng trà đứng đắn, nghĩa là tiêu chuẩn của Hãng luôn luôn như nhau, không phải lúc ngon, lúc dở. Có Hãng Ten Ren (Thiên Nhân), ở đâu cũng có, và họ cũng có để bán tại các siêu thị nữa. Nếu quý bạn thử loại có pha tí sâm Hoa Kỳ chung với trà thì có thể bắt đầu với loại King Serie 103. Uống cho hết gần môt hộp 103 ( một hộp 300 gram) thì nên mua thứ cùng serie này, mắc hơn là số 913. Rồi leo thêm số 313 và cuối cùng trong serie này là 403. King Serie này cho ta nước trà màu hơi ửng xanh. Còn một loại tương tự nhưng cho màu trà màu hồng thẫm thì bắt đầu là 109, rồi 919, 319, và 409. Sau khi uống vài thứ đó thì quý bạn sẽ biết là mình thích thứ nào rồi.

 
Tôi biết rất nhiều người VN uống mấy loại này và rất thích. Tuy nhiên tôi thì lại mong quý bạn đừng ngừng tại serie này mà thử vào trà không pha với sâm, cũng của hãng Ten Ren này: Trà Thiên Lũ, Thiên Vũ và Thiên Lê.
 
Ngoài ra còn có những trà như Thiết Quan Âm bán đầy các chợ. Xin đề nghị là khi mua trà quý bạn nên mua trà đắt tiền một chút, vì một hộp trà mình uống cả tháng mới hết, nên đừng thấy một hộp trà mấy chục rồi chê đắt, hãy nhớ là một tô phở cũng đã 5 hay 6 đồng rồi.
 
Còn trà Lipton hay loại Hồng trà khác của Mỹ, Pháp hay của Anh thì quý bạn lựa thứ đắt nhất mà mua. Tôi ít thích loại này nên không biết phải trình bày ra sao. Theo nguyên tắc thì tôi thấy lấy trà bỏ vào trong bao giấy gọi là tea bag thì tuy có tiện cho những người quá bận như đa số dân Pháp, không biết quý bạn nghĩ sao chứ uống như vậy có khác nào lấy giấy ngâm chung với trà? thấy nó sao sao a!. Riêng Hồng trà của Tàu thì có nhiều loại bán trong các tiệm của Trung Cộng ở các phố Tàu. Bạn cứ hỏi họ, sẽ mua được thứ vừa ý.
 


Còn môt loại trà gọi là bạch trà có nhiều lông măng cũng uống là lạ, nhưng đó là những loại mà sau khi đã thích thì tự tìm lấy như một hobby. Tôi ghét phải viết về trà xanh của Nhật bản vì không viết ra e có bạn trách là thiếu sót. Tôi có một anh bạn rất mê Nhật Bản, chắc kiếp trước anh là con cháu của Thái Dương Thần Nữ, cái gì của Nhật anh ta đều thích: đồ ăn sashimi, sushi, v.v (à à, mấy món này tôi cũng mê ăn huống hồ là anh ta , mà lạ ghê đi, tôi chưa thấy có món ăn nào mà tôi chê hè!!), trong nhà toàn dùng đồ Nhật như mặc aó quần trong nhà bằng Kinomo chẳng hạn, nghĩa là mê Nhật vô cùng, nhưng sau chuyến du lịch một tháng, được mời thưởng thức ceremony trà đạo, anh ta nói với tôi là " Thiệt là dở, chịu không nổi". Trà Nhật chỉ là một loại trà xanh nghiền nát ra và khuấy với nước, do các thiền sư Nhật sang học ở Tàu hồi thế kỷ trước rồi về nước cứ như vậy mà dùng, lúc đó bên Tàu cũng có trà xanh khuấy như vậy. Rồi có Thiền Sư hiệu Rikyu lập thành những quy tắc và kiểu cách để trở thành Trà Đạo. Ai muốn tìm tòi về Rikyu thì có thể mượn cuốn DVD Rikyu để xem cho biết từ nguyên thủy của Trà Đạo tại các tiệm cho thuê DVD Video. Nhưng xin báo là uống trà bột Nhật Bản DỞ chịu không nổi.

 
Cách pha trà : Trước hết, xin quý bạn tập nấu nước sôi. Các bạn đừng cười và cho là tôi lẩm cẩm. Phải chú ý khi nấu nước, đừng để quá sôi, gọi là nước bị chai đi, cũng đừng lấy nước chưa sôi mà pha trà. Hãy chịu khó lắng nghe tiếng nước reo: khi nước bắt đầu reo cho đến lúc sôi thì nên nhìn vào bình nấu nước để rút kinh nghiệm, từ lúc nước sủi bọt lăn tăng như là mắt cá nhỏ cho đến khi bọt nước sôi lên bằng những con mắt cua là vừa, đừng để quá thành sôi ục ục thì không còn ngon khi pha trà, bạn phải thử nhiều lần mới biết rõ tại sao cũng cùng một thứ trà mà lúc ngon lúc không.
 
Còn một điều khá khó mà nói cho được là phải dùng bao nhiêu trà khi pha? Điều này tùy theo từng loại trà. Điều tệ hại nhất là trà pha quá lạt vì bỏ ít trà quá, vì nếu lỡ bỏ hơi nhiều trà quá cho một lần pha thì ta còn có thể đổ thêm nước vào tách trà để uống cũng tàm tạm. À, vậy thì để cho chắc ăn tôi sẽ bỏ nhiều trà chăng? Cũng uổng mất đi mùi hương trà vì khi bỏ thêm nước vào là đã làm mất cơ hội thưởng thức hương Em!!. Vậy thì các bạn hãy tự tìm cho mỗi loại trà một lượng riêng cho mỗi lần pha.
 
Nước đã có sắp sôi, trà đã có đúng lượng optimum rồi, chén và bình đã rửa sạch, mời bạn bắt đầu. Hãy cho xin nước sôi để đổ vào bình. Thong thả ngồi nhìn khói bốc lên từ làn nước. Bạn quên nhìn làn khói đó phải không ? Nhìn đi. Từ tốn rót nước sôi đó từ bình vào các chén nhỏ. Cho dù là độc ẩm bạn nên rót cho ba chén nhỏ. Để làm ấm chén trà. Hãy đổ nước sôi vào quá ¾ bình. Lấy phần trà định uống bỏ vào bình. Nếu là trà Tàu Đài Loan mà thuộc loại ngon thì tôi ráng uống ngay nước đầu này (Hà tiện mau giàu). Nhớ là đừng bỏ trà vào ấm trước nhé, bạn chế nước sôi vào trên đó thì một số lá trà sẽ bị cháy cho ta màu vàng úa thay vì có lá màu xanh. Bạn sẽ tự kiểm điều này. Còn nếu là trà không dùng máy sấy mà lại phơi ngoài hiên như trà VN thì bạn nên đổ nước đó ra, gọi là rửa trà, bạn sẽ thấy màu dơ của bụi. Kinh nghiệm sẽ chỉ cho bạn là phải rửa trà mấy lần mới sạch mới ngon tùy từng loại trà. Sau lần đầu này thì bạn nên đổ nước vào bình cho gần đầy rồi đậy nắp lại, xong mới đổ thêm lên trên nắp bình một ít nước để lấp kín cái lỗ thông hơi trên nắp bình trà hầu giữ được hương trà. Bạn nên có một cái phễu để lọc các cặn trà, nếu không thì trà có bụi nhìn trong chén mất sướng. (mua phễu lọc trà tại tiệm bán bình trà, loại rất nhỏ mới lược được).
 
Bạn hãy rót trà ra một bình khác để sau đó chia ra cho các chén - tôi không nói là cần hai bình cho giai đoạn này trong đoạn trên vì không nhất thiết phải có --- hay ngay vào trong chén (ngày xưa các cụ nói là rót ra chén tống rồi chia ra các chén quân). Mời bạn xơi. Bạn sẽ lần lượt tự tìm cho mình nhiệt độ nào vừa nóng cho từng loại nhé!. Hãy đừng quên là hương trà tản mát rất nhanh thành thử thưởng thức được hương Em phải chịu tìm. Không kiếm tìm thì sẽ không tìm thấy, nhiều khi kiếm còn không ra nữa là đàng khác. Một khi bắt được Em rồi thì mê lắm phải không Mai?. Một ghi chú là trà Tàu thứ ngon mới có được hương Em, chứ thứ thường thường thì chỉ được có vị, và có sắc mà thôi. Nhiều bạn quen uống trà thật đậm chát mới đã thì xin hãy cứ enjoy, nhưng mà thêm một chút hương nữa thì có phải mê tơi không? Trà thường có thể pha từ ba đến bảy lần. Khi nào thấy hết hương là đã xem như gần hết nếu muốn uống thêm thì nên pha bình khác. Đừng hà tiện với Em, tội nghiệp trà Em, anh ơi!!
 
À, rứa uống trà lúc nào thì thú vị nhất? Uống khi nào mình thấy sảng khoái trong người, hay nhất là lúc trời chưa sáng hay đang bình minh, hoặc lúc "trà dư tử hậu" xong, chỉ còn vài ba người bạn còn nán lại, thong thả là những lúc nên đem trà ngon ra để cùng thưởng thức. Trong cuốn The Importance of Living, bạn sẽ đọc được có nhiều lý do để uống trà mà tôi không muốn chép ra đây sợ làm bạn mất dịp đọc nguyên bản, uổng đi.
 
 




M.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.03.2007 18:33:44 bởi marcel >
#1
    nhinhi 20.03.2007 23:34:30 (permalink)
    0
    Góp với anh Marcel một bài viết về văn hóa trà VN mà nhinhi đã được đọc qua . Anh Marcel có một ngày vui nhé.
     

    Vẻ đẹp văn hóa trà Việt Nam
    (Hồng Phúc)
     
     
    Ở Việt Nam, luôn tồn tại một nền văn hóa trà thanh lịch và tỏa hương. Rất tiết độ, người Việt không uống trà nhiều, uống đặc và liên tục vì quan niệm trà là một triết học về sự tế nhị, thanh tao, sự suy ngẫm và. đầu óc tỉnh táo, là sự giao hoà với thiên nhiên, sự ứng xử với thời gian, sự tiếp cận đầy nhân tính với không gian, với môi trường và con nguời... Việt Nam luôn tồn tại một nền văn hoá trà thanh lịch và tỏa hương.
     
    Trà phong của người Việt
     
    Với nhiều dân tộc trên thế giới, từ lâu trà (gọi chệch đi là chè) đã trở thành một thứ đồ uống hết sức thông dụng. Người Nga, Anh, Pháp hay Hà Lan đều say mê trà theo cách riêng của mình. Ðặc biệt, với người dân châu á, uống trà được nâng thành thứ nghệ thuật thưởng thức sành điệu mang đậm chất thơ và màu sắc tôn giáo. Nổi bật có Nhật Bản, Trung Hoa và Việt Nam. Nhật Bản có trà đạo, Trung Hoa và Việt Nam không có trà đạo vì muốn giữ trà ở vị trí nghệ thuật và quan niệm rằng nghệ thuật phải phi công thức. Trung Hoa có “Trà Kinh” , hàng nghìn trang sách và hàng vạn tư liệu nói về nghệ thuật uống trà đã được trưng bày thành bảo tàng trà. Việt Nam có cách uống trà riêng, có thể gọi là trà phong (phong cách uống trà).
     
    Phong cách uống trà của nguời Việt không hề bị ảnh hưởng theo Trung Hoa hay Nhật Bản như quan niệm của nhiều người. Nghệ thuật uống trà biểu hiện phong phú những khía cạnh văn hóa ứng xử của người Việt Nam. Trong gia đình truyền thống, người dưới pha trà cho người trên, phụ nữ pha trà cho đàn ông. Người ta có thể uống trà một cách im lặng khi sự im lặng chứa chất nhiều điều, người ta có thể xét đoán tâm lý của người đối diện lúc dùng trà và khi đã trở thành một cái thú thì không thể quên nó. Trà đồng nghĩa với sự sảng khoái, tỉnh táo, tĩnh tâm để mưu điều thiện, tránh điều ác.
     
    Trà trong lịch sử văn hoá Việt Nam
     
    Toàn thế giới có 40 nước trồng trà và kho dữ liệu trà của Trung Quốc đã khiến người ta cho rằng đó là quê hương của cây trà. Nhưng các tư liệu cổ và những kết quả nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học nước ngoài cùng Hiệp hội Chè Việt Nam đã chỉ ra rằng trà không xuất xứ từ Trung Hoa (không thấy cây trà thiên nhiên hay cây trà hoang ở châu thổ sông Hoàng Hà). Quê hương của cây trà ở tận phương Nam. Mặc dù người Trung Hoa đã biết đến trà từ đời Chu nhưng mãi đến thời kỳ nhà Tùy, cây trà mới từ phương Nam (Nam Chiểu xưa) và Việt Nam (Nam Việt xưa) nhập vào Trung Quốc. Ðến đất Trung Hoa, trà được chăm sóc tinh vi và sau nhiều năm tháng, trà được đưa lên hàng nghệ thuật.
     
    Thứ nữa, theo tài liệu khảo cứu của Uỷ ban Khoa học Xã hội thì người ta đã tìm thấy dấu tích của lá và cây chè hóa thạch ở đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ). Xa hơn nữa, họ còn nghi ngờ cây chè có từ thời kỳ đồ đá Sơn Vi (văn hóa Hòa Bình). Cho đến nay, ở vùng Suối Giàng (Văn Chấn-Nghĩa Lộ-Yên Bái), trên độ cao 1,000 met so với mặt biển, có một vùng chè hoang khoảng 40,000 cây chè dại, trong đó có một cây chè cổ thụ lớn nhất, ba người ôm không xuể.
     
    Như vậy, có thể nói Việt Nam chính là một trong những chiếc nôi cổ nhất của cây chè thế giới. Ngay từ thế kỷ XVIII, Phạm Ðình Hồ đã viết về uống trà từ trước đó hàng nghìn năm. Nguyễn Tuân có tùy bút về trà, Thạch Lam viết về trà xanh, Cao Bá Quát chê người uống trà ướp hương. Ca dao thì nói:
     
    " Làm trai biết đánh tổ tôm,
    uống trà mạn hảo xem nôm Thuý Kiều... "

     
    Chàng trai xưa còn tự hào:

    " Anh đây hay tửu hay tăm,
    hay nước trà đặc hay nằm ngủ trưa..."

     
    Trà là cái thú của người lịch lãm, trong đó trà mạn (thứ tốt là trà mạn hảo) mà trước thường quen gọi là trà Tàu là thứ trà quý nhất.
     
    Trà có nhiều loại. Người nông thôn trồng mấy gốc trà bởi có thú ra vườn tuốt mấy nắm lá, hãm một nồi to, ăn khoai luộc, hút thuốc lào... Sang hơn có trà ' ' mật vịt' ' (trà xanh pha đặc như mật con vịt). Trà hạt là nụ trà phơi khô, ủ vào tích có hoa cúc chi hoặc mấy lát gừng cho ấm giọng. Xoàng là trà bồm, lá già, tận dụng khi đốn đau cây trà .để chờ lứa trà búp mới mùa xuân. Trà bánh còn 'xoàng' hơn nữa, giống như một thời có loại chè ba hào hoặc nói vui "chín hào ba" (chín hào ba gói), nước vàng vàng mà không hương không vị. Người Nghệ An, Hà Tĩnh có tục mời nhau uống chè tươi, chè xanh vì họ coi trọng tình làng nghĩa xóm. Mùa hè nóng, đi làm đồng về, thứ quý nhất là bát chè xanh đặc pha chút đường. Trà mạn xưa cũng là trà lá già, sau ướp sen thành trà mạn sen là thứ quý. Thời bao cấp, trà loại hai đã là quý. Tết mới được phân phối mỗi gia đình một gói, trà loại một đã là mừng lắm, đó là Thanh Hương, Thanh Tâm, gói 50 gram.
     
    Hai loại trà ngon nhất Việt Nam là trà Thái Nguyên và Trà tuyết Suối Giàng bởi do đặc điểm vùng tiểu khí hậu, trà trồng ở nơi ấy có tỷ lệ đường, caffein nhiều hơn và tỷ lệ tananh (chất chát) ít hơn so với trà trồng ở các tỉnh khác.
     
    Không chỉ là thứ đồ uống thơm ngon, trà còn là một loại dược thảo rất tốt. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra trong lá chè có chứa 20% tananh có tác dụng sát khuẩn mạnh, một lượng lớn caffêin, hợp chất thơm, tinh dầu cùng một số loại vitamin... Hai công dụng lớn nhất của lá chè là làm tăng tuần hoàn máu, tăng cường chức năng hoạt động của thận và giúp tế bào AND tái tạo, giảm bớt các đột biến gen có thể dẫn đến ung thư, chữa bệnh sâu răng, kích thích hệ thần kinh trung ương giúp cho tinh thần sảng khoái. Caffein trong trà giúp cho lợi niệu, dễ tiêu hóa, chữa chứng xơ vữa động mạch, loại trừ chất độc trong cơ thể, lưu thông khí huyết. Dân gian Việt Nam và Trung Quốc còn lưu truyền vô vàn cách chữa bệnh bằng chè. Người xưa có thơ rằng:
     
    Bán dạ tam bôi tửu
    Bình minh sổ trản trà
    Mỗi nhật cứ như thử
    Lương y bất đáo gia

     
    (Mai sớm một tuần trà
    Canh khuya dăm chén rượu
    Mỗi ngày được như thế
    Thầy thuốc xa nhà ta)

     
    Nhưng có lẽ trà quan trọng và nổi tiếng hơn chính vì ở nhiều nước, việc uống trà đã trở thành nét đẹp truyền thống văn hóa, tiêu biểu là Văn hóa Thiền. Nét đẹp nhất của văn hóa Thiền tông là thế giới thuần khiết, thanh tịnh, tao nhã và êm dịu.
     
    Nói đến nghệ thuật thưởng trà Việt Nam là người ta lại nhắc đến thú uống trà của người Hà Nội bởi vẻ thanh lịch, trang nhã, sự cầu kỳ trong ẩm thực của người Hà Nội đã nâng tính thẩm mỹ của chén trà lên một trình độ rất cao.
     
    Hà nội trà xưa
     
    Xuất phát từ nông thôn nhưng chính người Hà Nội mới có công gìn giữ và đưa văn hoá uống trà Việt Nam lên bậc những nét văn hoá đẹp nhất của người Việt.
     
    Sử sách ghi lại, hình thức uống trà khởi nguồn từ các chùa chiền, tức gắn liền đạo Phật của người Việt, nó được gọi là Thiền trà. Các nhà sư thường uống trà và tụng kinh thay cơm sáng hay những lúc chiều tà, đó là những thời khắc đời sống trần tục đang bủa vây tứ phía, trà giúp người ta tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục và để xua đi cảm giác cô độc. Hiện nay, ngôi chùa duy nhất còn tiến hành nghi lễ Thiền trà định kỳ là chùa Văn Trì (Từ Liêm) - Hà Nội.
     
    Sau đó, trà nhanh chóng được ưa chuộng trong đời sống cung đình như là một bằng chứng của sự giàu sang quyền quý để phân biệt đẳng cấp với bậc thứ dân trong xã hội phong kiến. Trà khô là thứ phải đổi từ Trung Hoa về, rất đắt và hiếm.
     
    Trà chinh phục tầng lớp trung lưu, phần lớn là giới nho sỹ. Tương truyền Bích Câu Quán là nơi đầu tiên mà các học trò theo học ở Văn miếu thường uống trà, họp bàn văn chương.
     
    Trước năm 1945, các hãng trà lớn ở Hà Nội rất giàu như Chính Thái, Ninh Thái, Phú Xuân, Phú Thái buôn và chế biến trà bán khắp Ðông Dương. Trà ngon đựng trong chai thuỷ tinh, lọ sứ, hộp thiếc khoảng một lạng, ngoài còn có giấy bạc, giấy bóng kính. Sêu tết, đồ mừng, quà tặng phải có thứ quà đó. Tầng lớp sỹ phu, giàu có, trí thức, nhà nho có thói quen uống trà cầu kỳ. Dùng xong người nhà cất bao bì ấy đi, có những hàng rong đi mua lại, chỉ mấy cái chai chè. đã đổi được chai mới. Ðó là phát tích của một nghề mới, nghề chè chai lông vịt.
     
    Ngược lên xa nữa là thú uống trà Tàu đầy vẻ cao sang của nhà quan cách, đã thành nghệ thuật cầu kỳ. Bao giờ cũng phải đủ than hoa, hoả lò, cấp thiêu (siêu đồng), ấm gấn, chén tống chén quân, khay chạm khảm... có cả đầy tớ chuyên đun nước và hầu trà. Mỗi sáng sớm, trước khi làm việc, dùng một tuần trà cho sảng khoái tinh thần là một nghi thức bất thành văn trong lối sống nhiều nhà nho Hà Thành tự lúc nào.
     
    Ở thế kỷ XVIII, Phạm Ðình Hồ đã tả lại trong "Vũ trung tuỳ bút" : Các nhà quý tộc, các bậc công hầu, các con em nhà quý thích đều đua chuộng xa xỉ, có khi mua một cái ấm chén, phí tổn đến vài mươi lạng bạc. Thường có nhiều người qua chơi các hiệu chè, thăm dò các phố buôn, vác tiền hết quan ấy đến chục khác để mua chuốc lấy chè ngon. Lúc ngồi rỗi, pha chè uống với nhau, lại đánh cuộc xem chè. đầu xuân năm nay sớm hay muộn, giá chè năm nay cao hay hạ. Kẻ thì tra thanh hương, người thì thích hậu vị, kén hiệu trỏ tên mà mua cho được chè ngon để bày khay chén ra nếm thử. Thậm chí có kẻ đặt tiền sẵn để mua cho được hiệu chè Chính sơn, gửi tàu buôn để đặt cho được kiểu ấm chén mới lạ, cách hiếu thượng đến thế là cùng cực" . Song cái thú vị của uống trà theo Phạm Ðình Hồ là ở chỗ "cái tinh nó sạch sẽ, cái hương nó thơm tho. Buổi sớm gió mát, buổi chiều trăng trong, với bạn rượu nàng thơ cùng làm chủ khách mà ung dung pha ấm chè ra thưởng thức thì có thể tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục, ấy người xưa ưa chuộng chè là vì vậy."
     
    Theo thời gian, lớp nhà nho quan lại ấy mất dần đi, trà cũng được pha loãng ra. Thú uống trà giản dị hơn. Uống kiểu bình dân cần gọn nhẹ, nhanh và xuề xòa gọi là cách uống trà tạp.
     
    Ðến năm 1945, do chiến tranh và những biến động lịch sử, thú uống trà của người Hà Nội dù vẫn duy trì nhưng chỉ ở số ít những người khán giả và có học thức. Qua những thời kỳ loạn lạc, thú uống trà thanh tao của người Hà Nội vẫn tích tụ âm thầm để giai đoạn sau đó, trà lại ' ' trở về' ' nhờ hàng loạt những cửa hàng vừa bán chè khô vừa là quán trà thơm ngon nổi tiếng: Hàng Cô Dầu ở chợ Ðồng Xuân, quán Nghệ sỹ ở Ðinh Tiên Hoàng, quán Thăng Long ở Hàng Gai, quán Dương Phi ở Cầu Gỗ, quán Bạch Ngọc sau đền Bà Kiệu...
     
    Hà Nội cũng chính là nơi xuất phát của cách uống trà ướp hương hoa. Các loại hoa để ướp trà cũng phải là thứ hoa quý, thanh tao như hoa ngâu, hoa sói, hoa sen, hoa nhài, hoa cúc... Ðặc biệt, thứ trà ướp hương sen là thứ trà rất quý chỉ dùng để tiếp khách tri âm hoặc làm quà biếu. Mỗi cân trà mạn ngon ướp từ 100-1200 bông sen Tây Hồ và phải là thứ sen chưa bóc cánh đượm hương nhất. Trà sen loại đặc biệt giá lúc nào cũng ở mức 2-3 chỉ vàng một cân. ở Hà Nội hiện còn khoảng 30 gia đình làm loại trà này.
     
    Lễ nghi trong chén trà ngon
     
    Uống trà là một thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, người ta phải để vào đấy nhiều công phu, những công phu đó đã trở nên lễ nghi. Trong ấm trà pha ngon, người ta nhận thấy có một mùi thơ và một vị triết lý.
     
    Theo các bậc lão nông đã hàng chục năm sao chế trà: Trà ngon cũng như bạn hiền, chỉ có thể may mắn gặp được chứ không thể cầu mà có được. Bởi các yếu tố như thời khí nặng nhẹ, mưa nắng mạnh yếu, độ ẩm, bàn tay người chăm sóc, thậm chí hướng gió cũng ảnh hưởng đến chất lượng trà thành phẩm.
     
    Trà ngon, nước phải trong xanh, ngửi như có hương cốm non, dư vị đọng mãi trong cổ. Thứ được nước, tức là pha nhiều lần nước vẫn còn màu thì kém hơn. Có những người đã trộn hạt cau khô, búp ổi...vào trà để bán. Còn thứ nước trà uống theo kiểu phương Tây, cho đường, sữa... vào uống thì chỉ đáp ứng được những ý thích nhất thời.
     
    Trà
     
    Muốn có chén trà ngon phải có trà khô ngon. Người Việt Nam ngày nay chủ yếu uống trà xanh sao chế bằng phương pháp thủ công, thường gọi là trà mộc. Trà móc câu là trà chỉ được hái đọt non nhất nên sau khi sao quăn lại giống như hình móc câu. Song, người sành trà lại bảo phải gọi là "trà mốc cau" mới đúng vì trà tròn cánh, trôi tay, có mốc trắng như mốc cây cau. Còn trà sao suốt là phương pháp sao trà bằng nhiệt, tách nước bằng tay với ngọn lửa liên tục, đều đặn trên chảo gang. Những thứ trà thơm ngon đều được gọi chung là chè Thái nhưng thực ra, trà bán ở thị trường hiện nay có từ rất nhiều nguồn.
     
    Trà ướp hoa là hội tụ đỉnh cao của cái tinh tế, phong cách tao nhã, thanh lịch và sành điệu của người Tràng An. Trong đó, hoa sen là thứ hoa thông dụng nhất mà cũng quý nhất, ướp trà ngon nhất. Ðiều này được nhà sư Hạnh Châu ở chùa Vân Trì lý giải “bởi quan niệm về hoa sen trong đạo Phật của người Á Ðông. Hoa sen vốn dĩ là thứ hoa rất thanh cao mọc lên từ bùn lầy, điều đó tương tự như chữ Danh mà người quân tử rất coi trọng vậy” . Hương hoa sen là những gì tinh tuý của trời đất tụ lại. Vì vậy, trà ướp sen là vật phẩm quý giá, xưa kia chỉ dành cho những hàng vương tôn công tử và những gia đình quyền quý.
     
    Còn theo Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) thì "Cây sen hoa mọc từ dưới bùn đen mà không ô nhiễm mùi bùn, được khí thơm trong của trời đất nên củ sen, hoa sen, tua, lá... đều là những vị thuốc hay" .
     
    Nghệ nhân Trường Xuân (Hiên trà quán - đường 180 Yên phụ) tiết lộ: “Muốn có trà ngon, chỉ hái những búp trà loại một tôm hai lá” và phải hái nhanh, nhẹ nhàng, không để búp bị nhàu nát. Loại trà ngon là sau khi sao phải còn lại một lượng nước nhất định từ 5-7%. Trà hái xong không ướp hương ngay mà phải để trong chum đất, trên ủ lá chuối, để từ 2-3 năm nhằm làm giảm độ chát và để cánh trà phồng lên hút được nhiều hương. Một cân trà ướp hương sen cần có 800-1000 bông sen, mà phải đúng loại sen ở đầm Ðồng Trị, Thuỷ Sứ, làng Quảng Bá, Hồ Tây (sen ở đây to và thơm hơn sen những nơi khác). Có lẽ do Hồ Tây được xem là chốn địa linh chăng?
     
    Hoa sen phải hái trước lúc bình minh. Bông sen còn đẫm sương được tách lấy phần hạt gạo rồi rải đều, cứ một lớp trà một lớp gạo sen. Sau cùng phủ một lớp giấy bản. Ướp như vậy liên tục 5-6 lần, mỗi lần ướp xong lại sấy khô rồi mới ướp tiếp. Công phu là thế nên một ấm trà sen có thể uống hàng chục tuần trà. Nước trong rồi, hương sen còn ngan ngát.
     
    Cụ Nguyễn Tuân ca ngợi kiểu ướp hương trà bằng cách bỏ trà mạn vào bông sen mới nở, buộc lại. Thực ra, cách chơi ngông đó của Cụ Nguyễn vừa rất cầu kỳ vừa không để trà được lâu (hay bị mốc) và hay bị mất hương, chỉ có thể dùng cho lượng trà rất ít và phải uống ngay.
     
    Trà ướp cũng có cái ngon đặc biệt của nó nhưng các “chân trà nhân” thì bao giờ cũng chuộng trà đơn thuần hơn. Ðể bảo quản trà, trước hết phải để nơi khô ráo và thoáng mát. Còn theo các cụ sành trà, trà mạn phải để trong bình gốm hay sứ, mà phải là bình tối màu, sao cho hạn chế tối thiểu ánh sáng vào vì chính ánh sáng là thủ phạm làm giảm hương vị trà.
     
    Trà cụ
     
    Trà cụ hay công cụ để pha trà cũng rất cầu kỳ. Tương truyền từ thời xưa, đã là dân nghiền trà phải có hai ấm đồng, bên trong có đủ năm kim hỏa thì nước mới mau sôi, hai ấm thay nhau giữ nước sôi trên lò đốt bằng than hoa hoặc than tàu. ấm pha trà phải là ấm đất được làm từ thứ đất sét đỏ như chu sa, vừa nhỏ xinh cho đủ một tuần trà. “Thứ nhất Thế Ðức gan gà, thứ nhì Lưu Bội thứ ba Mạnh Thần” .
     
    Mua được thứ ấm ưng ý cũng là cả một nghệ thuật. Thả úp ấm vào chậu nước thấy nổi đều, cân nhau là được. ấm mua về không thể dùng ngay bởi còn vương hơi đất và lửa, phải đun sôi qua nước tinh khiết nhiều lần.
     
    Trà cụ cũng biến chuyển qua các thời đại, nói chung là đẹp hơn, thanh hơn lúc đầu. “ấm đất Nghi Hưng, chén Sứ Cảnh Giới” là châm ngôn của trà giới. Sở dĩ có điều đó là vì Cảnh Ðức trấn ở tỉnh Giang Nam được xem là kinh đô làm đồ gốm của cả Thế giới suốt nghìn năm qua. Trấn bắt đầu hoạt động từ thời Nam - Bắc triều, tiếp tục phát triển thành nơi chính thức cung cấp đồ gốm cho vương phủ suốt các thời đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Chính nơi đây đã cung cấp cho nhân loại những món đồ sứ tuyệt mỹ với năm loại men danh tiếng và sản xuất loại chén trà Cảnh Ðức với men Thanh từ màu xanh trời sau mưa (thiên thanh vũ hậu). ấm đất Nghi Hưng ở Tô Châu nổi tiếng vì hai lẽ: Một là nơi đây có loại đất sét đặc biệt, khi còn tuơi có màu vàng nghệ Thạch Hoàng, khi nung nóng có màu cam hồng, đặc sắc không đâu có. Hai nữa là ấm được các tượng nhân nặn bằng tay. Mỗi ấm là một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt. Thân ấm lại được các nghệ nhân khắc những bài thơ nổi tiếng và .đôi khi, được các đại bút gia đề thơ hay chép tặng... ấm do nhà Cung Xuân thời Minh và nhà Trần Ðạo Chi thời Thanh sản xuất và được các chân trà nhân quý như những tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ.
     
    Pha trà
     
    Có trong tay loại trà ngon mà không biết cách pha cho đúng cũng phí ấm trà. Ông Trường Xuân, chủ Hiên Trà nói: Muốn có ấm trà ngon, chỉ cần chế biến trong 7 phút nhưng không học thì cả đời cũng không làm được.
     
    Cách pha trà tuy mất thời gian nhưng lại rất quan trọng. Trà sư Lục Vũ, người Trung Hoa đời Ðường (được phong làm thánh trà với tác phẩm Trà Kinh) đã tôn lửa là “trà sư” gọi nước là “trà hữu” . Trà muốn được thật ngon phải đúng lửa, đúng nước... Cũng thể như người ta vậy, muốn thành quân tử phải có thầy hay bạn tốt.
     
    Còn vua Tống Huy Tông trong Ðại quan trà luận có phân loại nước rất rõ ràng: “Sơn thuỷ thượng, giang thuỷ trung, tĩnh thuỷ hạ” . Tức là nước pha trà ngon nhất là nước đầu nguồn suối, nhì là nước sông và thứ ba là nước giếng khơi. Còn người Hà Nội do địa thế không gần nguồn suối mà thuộc hạ lưu sông nên thường pha trà bằng nước giếng khơi hay bằng nước mưa. Mưa được khoảng 10 phút (khi đã hết bụi bẩn trong không gian), người ta mang bàn ra giữa sân gạch, lấy chậu sành to để lên trên bàn (hay trên nóc nhà ngói) hứng nước mưa, cất đi để dành. Tột bực có cụ Nguyễn Tuân với cách hứng nước sương trên lá sen buổi sớm.
     
    Thưởng trà
     
    Cách uống trà liên quan chặt chẽ tới nếp sống của các vị thiền sư, phù hợp nguyên tắc luôn tỉnh thức và quan sát của môn phái Thiền Minh sát Vipassana. Bằng cách ngắm hoa hoặc thanh tịnh nơi trà thất, họ thanh tịnh nhãn căn; khi lắng nghe tiếng nước sôi trong ấm đồng, họ thanh tịnh nhĩ căn; khi nhấm nháp từng ngụm trà nhỏ từ chén trà thơm tho, họ thanh tịnh khẩu vị và thiệt căn; khi tiếp xúc với những trà cụ trong sự tĩnh giác, họ thanh tịnh được xúc giác và thân căn; khi thâm tâm và lục căn thanh tịnh, họ thoát khỏi mọi ràng buộc của phiền muộn và tâm hồn trở nên thanh thản. Có lẽ đó chính là nghệ thuật thưởng thức trà giàu ý nghĩa nhất mà con người có thể có được.
     
    Thời đại ngày nay, dù vui hay buồn khách cũng không thể từ chối một chén trà do chủ nhân dâng mời bằng hai tay. Dâng trà là một ứng xử văn hóa phổ quát biểu hiện sự lễ độ, lòng mến khách. Uống trà cũng là một ứng xử văn hóa, uống từng ngụm nhỏ để cảm nhận hết cái thơm ngọt của trà, cái hơi ấm thoát ra từ hai bàn tay nâng chén trà hoặc ủ nóng bàn tay trong mùa đông lạnh giá. Ðộng thái uống trà khiến người ta tĩnh tâm, như ăn có nhai, làm có nghĩ.
     
    Các chân trà nhân Hà Nội ngàn xưa và ngày nay vẫn rất chú ý đến nghệ thuật thưởng thức trà với nhiều loại trà cụ cần thiết, để làm sao cho người uống cũng có thể cảm nhận và thể nghiệm về trà giống như các thiền sư.
     
    Dùng thìa gỗ múc trà cho vào ấm được gọi là Ngọc diệp hồi cung. Ðể có được chén trà ngon thì bình trà và tách uống trà phải được làm ấm lên bằng nước sôi. Ðiều này có dụng ý là giữ cho nước trong bình pha luôn luôn có độ nóng cao nhất. Trà khô bỏ vào bình loại đất nung nhỏ cao cỡ 1/3 bình. Trà cụ dùng để xúc trà, lấy bã trà đều bằng tre khô hoặc gỗ thơm. Khi châm nước lần một gọi là Cao sơn trường thuỷ, dùng vòi nước sôi mắt cua giội từ trên cao xuống nhằm tạo ra một lực làm tan bụi bẩn trong trà. Người ta châm một ít nước sôi vào bình trà rồi chắt ngay ra, đổ đi nước đầu này để loại hết bụi bẩn trong trà và trà khô trong bình kịp thấm không nổi lềnh bềnh nữa. Trà nước hai là lần đổ nước thứ hai vào ấm hạ sơn nhập thuỷ, đổ nước cao tràn miệng bình để khi đậy nắp lại, bọt bẩn trào ra hết, rồi dội nước sôi lên nắp, cũng nhằm giữ nhiệt độ cao nhất cho ấm trà. Nước hai chính là nước trà chuẩn nhất được tạo ra trong vòng 60-90 giây này thực sự tạo ra mùi vị thơm tho tuyệt diệu từ các cánh trà.
     
    Khi dùng trà, phải rót sao cho các chén trà đều có nồng độ như nhau bằng cách kê khít các miệng chén lại và đưa vòi ấm quay vòng đều các chén. Cách phổ biến trong truyền thống là rót ra chén Tướng (thường gọi chệch đi là chén Tống) rồi chia đều ra các chén quân. Cách này ngày nay ít dùng vì phần làm nguội trà, phần hơi mất thời gian.
     
    Dâng chén trà theo đúng cách là ngón giữa phải đỡ lấy đáy chén, ngón trỏ và ngón cái đỡ miệng chén gọi là Tam long giá ngọc, người dâng trà và người nhận trà đều phải cung kính cúi đầu. Trước khi uống đưa chén sang tay trái, mắt nhìn theo, sau đó đưa sang phải (du sơn lâm thuỷ). Cầm chén uống trà phải quay lòng bàn tay vào trong, dâng chén lên sát mũi để thưởng thức hương trà trước, sau đó tay che miệng hớp một hớp nhỏ - Tay áo các quan lại phong kiến thường rất rộng cũng một phần vì lẽ dùng che miệng khi uống trà là vậy - Che miệng khi ăn, uống, cười, nói trong chèo, tuồng, trong đời sống người Việt xưa chính là một hành vi văn hoá. Người uống cũng phải chậm rãi mím miệng nuốt khẽ cho hương trà thoát ra đằng mũi và đồng thời đọng trong cổ họng, nuốt nước bọt tiếp lần một, lần hai, lần ba để cảm nhận.
     
    Hội trà
     
    Ngoài các cách uống trà từ đơn giản đến cầu kỳ trong các gia đình, người Việt xưa có các hình thức hội trà. Ðó là uống trà thưởng hoa xuân, uống trà thưởng hoa quý và uống trà ngũ hương. Hội trà là hình thức tụ họp cùng thưởng trà khi có trà ngon hay dịp đặc biệt, thường là của những người sành trà hay người cao tuổi.
     
    Thưởng trà đầu xuân là thói quen của riêng các bậc tao nhân chốn kinh thành xưa kia. Trước Tết, đích thân các cụ đi chọn mua hoa đào, cúc, mai trắng, thủy tiên ở tận vườn (Quảng Bá, Nghi Tàm, Ngọc Hà) và tự chuẩn bị loại trà ngon nhất. Sáng mồng một, con cháu dành riêng cho cụ những giây phút đầu tiên để tịnh tâm và ngắm hoa thưởng trà, sau đó mới là cả đại gia đình cùng ngồi quanh bàn trà chúc thọ cụ và nghe lời dặn dò.
    Uống trà thưởng hoa quý như hoa quỳnh, hoa trà cũng là cái thú của nhiều người ở nông thôn Việt Nam và Hà Thành. Ðó cũng là hình thức hội trà quanh chậu hoa quý vào tối hoa mãn khai của những người cao tuổi, đàm đạo thế sự và dặn dò lớp con cháu.
     
    Trà ngũ hương chỉ giới hạn cho năm người. Khay uống trà ngũ hương thửa năm chỗ trũng, để năm loại hoa đang độ đượm hương nhất: cúc, sói, nhài, sen, ngâu. úp chén kín hoa, bưng khay để lên nồi nước sôi cho hương hoa bắt đầu bám vào lòng chén. Pha trà mạn ngon và rót đều vào từng chén, mỗi người tham gia sẽ phải đoán hương trà trong chén của mình và cùng nhận xét. Sau mỗi chén trà, người chủ trà lại hoán vị hương để ai cũng được thưởng thức hết cái tinh tuý của năm loại hoa.
     
    Cách uống trà ngũ hương và uống trà ngắm hoa xuân chỉ người Hà Nội mới có. Nhưng uống trà ở nông thôn hay thành phố cũng tồn tại các hình thức chung là quần ẩm - ba người trở nên cùng uống, đối ẩm - hai người uống với nhau và độc ẩm - một người.
    Nhà văn Nguyễn Tuân sinh thời có nói: Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí mới có thể cùng nhau ngồi bên một ấm trà. Vậy người bạn tri kỷ cùng ta uống trà hẳn phải là người bạn hiền, chỉ cần đưa mắt là hiểu lòng nhau, lấy gì mà mua cho được ở cõi đời còn đầy ô nhiễm và phiền muộn này? Có duyên phận lắm mới được cùng nhau hạnh ngộ với người tri kỷ bên một chén trà quý là vậy.
     
    Văn hóa trà nay
     
    Ngày nay, mời uống trà là biểu hiện đầu tiên đã trở thành quy luật của lòng hiếu khách, tôn trọng khách trong mọi gia đình người Việt. Kỵ nhất là tiếp khách bằng những chiếc tách hay chén còn ngấn nước trà cũ thành vòng nâu vì người trước uống xong úp xuống luôn. Cũng ngại khi chủ nhân ghé miệng vào vòi ấm thổi phù phù vì vòi tắc hoặc ấm trà đãi khách đã nhạt. Chén trà tiếp khách là thể hiện những tình cảm tổi thiểu nhất nên không thể tuỳ tiện, coi thường dù không nhất nhất phải là loại trà thượng hảo hạng.
     
    Những năm gần đây, Hà Nội có hàng nghìn quán trà trên các vỉa hè, chưa kể những người bán dạo chỉ với cái ấm và cái làn xách tay. Hà Nội đang có nhiều cách uống trà. Phố Hàng Ðiếu thành ra phố bán mứt sen và trà khô, người ta gọi chung là trà Thái (trà Tân Cương), chỉ có một xã Tân Cương nhỏ bé mà sản lượng trà lớn đến thế? Ngày nay, với 500 đồng là có thể mua được một ấm trà sen đóng trong túi nilon, nhưng là hương sen nhân tạo. Không cẩn thận, bạn sẽ mua phải trà lẫn bã đã phơi khô, búp ổi hay hạt cau khô...
     
    Cách đây ba năm, Hà Nội và các thành phố khác khởi đầu với hàng loạt biển vàng của trà Lipton, kế tiếp là biển xanh của Dimah, và gần đây là những đèn lồng đỏ của trà Ðài Loan và Trung Quốc... Sự thành công của những nhãn mác trà ngoại đó cho thấy, từ lâu lắm rồi, người ta vẫn mong chờ một điều gì đó có thể làm cân bằng cuộc sống hiện đại cuồn cuộn chảy; hoặc giả người ta vẫn thấy rất thú vị khi được lặp lại một thú ăn chơi mang tính chất quý tộc hoài cổ chốn kinh kỳ xa xưa. Nam thanh nữ tú có yêu trà Việt Nam đến mấy cũng không thể ngồi lê ở các quán cóc mà uống trà, họ cần có những không gian lịch sự để trò chuyện và cảm thấy được tôn trọng... Nhưng trong những nơi đó chỉ có thứ trà vừa chua vừa ngọt, ít hương kém vị, vừa uống vào đã tuột hết mùi vị làm sao so được với trà mạn, trà sen, trà hoa nhài, hoa sói... thứ trà mà người xưa thường ví đi tám dặm đường còn ngọt trong cổ.
     
    Sẽ có người thở dài: Tìm đâu ra hương trà Việt Nam?
     
    Cách đây năm năm, tại một ngõ nhỏ nhà B6 - Thanh Xuân Bắc - Hà Nội xuất hiện một quán trà của ông giáo Lư. Quán chỉ gồm những chiếc ghế con trên vỉa hè, thứ bày bán cũng chỉ là vài chiếc kẹo lạc, kẹo vừng... Nhưng thứ hấp dẫn khách chính là những loại trà ngon mà chính ông giáo Lư đã tự tay sao ướp: trà nhài, trà cửu cúc, trà mộc, trà ngũ hương, trà sen.
     
    Sở dĩ làm được như vậy bởi cụ Lư là người hầu trà cho ông cụ thân sinh từ khi còn nhỏ. Cụ thân sinh ông vốn là người nghiện nặng trà và cả đời chỉ uống duy nhất thức uống đó. Mấy chục năm chỉ đun cành thông khô nấu nước pha trà, hương trà đã ngấm vào máu ông. Cái ngõ nhỏ của cụ Lư từ 7h sáng đến 11h trưa là nơi là nơi các cụ hưu đàm đạo chuyện thế sự, trao đổi về trà. Từ 18h đến 23h hàng ngày là nơi thanh niên, sinh viên uống trà, cùng nghe cụ Lư nói chuyện về trà và giải những câu đố vừa học vừa chơi cả đời ông giáo Lư cóp nhặt. Rất nhiều người đến đây chỉ để hỏi chuyện về trà và nói chuyện cùng cụ già 72 tuổi nhưng còn rất minh mẫn này. Giữa thời đại kim tiền này, một địa chỉ văn hoá như thế được duy trì thật đáng trân trọng.
     
    Sau tết Nguyên đán vừa rồi, Hà Nội lại có thêm một địa chỉ văn hóa trà vô cùng đặc sắc là Hiên Trà Trường Xuân-180 Yên Phụ. Người chủ của Hiên trà là nghệ nhân Trường Xuân, 72 tuổi. Sinh trưởng trong một dòng họ năm đời làm nghề ướp hương trà nổi tiếng ở Hà Nội. Không ít người còn nhớ hương vị của Ðinh Dược trà nổi tiếng ở cửa hàng Diệu Xuân của gia đình ông. Mục đích cuối cùng của cả đời ông là khôi phục và tôn vinh văn hoá trà Việt Nam. Ông đã dành toàn bộ cuộc đời này cho việc đi suốt các hành lang chè của Việt Nam, nghiên cứu về trà đạo Nhật Bản, Trung Quốc và văn hoá thưởng trà của người Việt.
     
    Hiên Trà hội tụ các sản vật trà thơm ngon nổi tiếng từ Tân Cương, La Bằng, Quan Chu (Thái Nguyên) đến Mộc Châu (Sơn La), Nậm Ty, Lũng Phìn (Hà Giang). Từ các loại trà ướp hương hoa (sen, nhài, cúc, ngâu, sói... ) đến các loại trà bổ dưỡng như mật ong tâm sen trà, mật ong nhân sâm trà, mật ong đại tảo liên nhục trà... Không chỉ dừng lại ở việc thưởng trà, Hiên trà Trường Xuân còn là nơi dạy dỗ, hướng dẫn, trao đổi, đàm đạo về trà và nghệ thuật pha trà... Ðây cũng dần trở thành một nơi diễn ra các sinh hoạt văn hoá nghệ thuật như triển lãm ảnh, tranh nghệ thuật, triển lãm thư pháp, trưng bày sách và các tiêu bản về trà, các cuộc nói chuyện về trà...
     
    Ðổ vốn liếng của cả cuộc đời vào Hiên Trà, nhiều người cho rằng đó là một cách kinh doanh khá mạo hiểm. Nhưng Hiên Trà đang ngày càng được nhiều bạn trẻ tìm đến bởi 27 loại trà Việt Nam rất đậm đà, khung cảnh rất đẹp và bất kỳ lúc nào họ cũng có thể được hai bố con chủ nhân trực tiếp hướng dẫn và giảng giải mọi khía cạnh liên quan đến văn hoá trà.
     
    Ngày Hiên trà ra mắt, ông Trường Xuân rớm lệ: “Tôi chấp nhận những rủi ro trong kinh doanh bởi mục đích chính của tôi là khôi phục một nền văn hoá trà mà bấy lâu chúng ta sao nhãng... Tôi tin là ngày càng có thêm nhiều người Việt Nam yêu trà Việt Nam” .
    Ai níu hương trà phôi pha?
     
    Một chuyên gia nước ngoài nhận xét, ở Việt Nam, ngoài lúa gạo và cà phê thì chẳng có sản phẩm nào lợi thế hơn trà khô. Trong khi gạo và cà phê. đang trở thành mặt hàng nông sản có tiếng trên thế giới, còn chè thì chưa.
     
    Nếu như vào đầu thập kỷ 90, cả nước chỉ tập trung vào một đầu mối xuất khẩu chè duy nhất là Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vina Tea) thì sau 10 năm, Việt Nam có 124 đầu mối xuất khẩu chè thuộc rất nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau. Nhờ vậy, cây chè Việt Nam đã thâm nhập 43 nước thay vì 25 nước như trước đây, đưa nước ta thành một trong 10 nước xuất khẩu chè hàng đầu thế giới. Ðến nay, diện tích cây chè cả nước đạt 90 nghìn ha, sản lượng đạt 327 nghìn tấn/năm. Ðặc biệt, năng suất đã đạt 1 tấn khô/1 ha, xấp xỉ năng suất trà bình quân thế giới.
     
    Tuy nhiên, vẫn còn một nghịch lý là nước ta có nền văn hoá trà lâu đời vào bậc nhất nhân loại nhưng về mặt văn hoá tư liệu thì chưa có những công trình nghiên cứu, sưu tầm có bề dày lịch sử liên tục và phong phú như ở Trung quốc, Ðài Loan, Nhật Bản... Ðó là lý do trà Việt Nam rất khó khăn để cạnh tranh chỗ đứng trên thị trường trà thế giới, khẳng định nền văn hoá trà phi vật thể vô giá của chúng ta.
     
    Ðáng buồn, sản lượng tiêu thụ trà hàng năm của Việt Nam chỉ là 0,3 kg/người/năm, đứng sau rất nhiều nước không sản xuất trà. Với Hà Nội, mỗi ngày tiêu thụ bao nhiêu tạ trà, có bao nhiêu ẩm khách đến với trà như một sinh hoạt hàng ngày và là một hành động văn hoá hàng ngày?
     
    Những “bảo tàng sống” về trà Việt Nam như cụ Lư, nghệ nhân Trường Xuân liệu có còn mấy ai biết tới, mấy ai có nhiệt huyết kế tục? Trà quý và người quý trà dần hiếm, đều rất dễ phôi phai. Các cụ già bảo tôi: Xem một người uống trà biết ngay người ấy thanh lịch đến mức nào khiến tôi không biết giấu đi đâu chén trà mới... một hớp đã nhìn thấy đáy của mình. Lớp trẻ chúng tôi bây giờ chỉ thích uống rượu bia, thích coca, uống trà ngoại, trà đá hơn trà thái Nguyên, trà Hà Giang...
     
    Người ta có thể cãi nhau, đánh nhau vì rượu chứ có ai đánh nhau vì trà bởi uống trà làm người ta tĩnh tâm, hướng thiện, như ăn có nhai, làm có nghĩ. Có bao giờ lớp trẻ Việt Nam quay lại cái thời yêu nhau thế này: Tặng người ngàn dặm cách xa, cười dâng chỉ một âu trà thế thôi... Cả một nền văn hoá ẩm thuỷ độc đáo đang bị người đời lãng quên dần dưới lớp bụi thời gian ngày càng dầy mãi.
     
    Có tìm hiểu về trà mới hay những người Việt Nam, nhất là người Hà Nội tâm huyết với cây trà còn nhiều lắm, nhưng con số ít ỏi quán trà thực sự Việt Nam ở cái thành phố vừa được phong danh hiệu vì hoà bình này vẫn còn đang bé nhỏ đến mức tủi phận. Ðến bao giờ thì số đông lớp trẻ của chúng ta thảng thốt nhận ra rằng: Nhanh lên để một nền văn hoá trà đậm đà hương sắc tự ngàn năm không kịp vụt cánh bay đi!?
     
     
    Hồng Phúc

    #2
      nhinhi 20.03.2007 23:43:07 (permalink)
      0
      Cách uống trà
      Phạm Đình Hồ (1768 - 1839)

       

      Ta sinh trưởng đương lúc thịnh thời đời Cảnh Hưng, trong nước vô sự, các nhà quý tộc, các bậc công hầu, các con em nhà quý thích đều đua chuộng xa xỉ, có khi mua một bộ ấm chén, phí tổn đến vài mươi lạng bạc. Thường có nhiều người đến chơi các hiệu bàn trà, thăm dò các phố buôn, vác tiền hết quan mấy chục khác để mua lấy trà ngon. Lúc ngồi rỗi, pha trà uống với nhau, lại đánh cuộc xem trà đầu xuân năm nay sớm hay muộn, giá trà năm nay cao hay hạ. Kẻ thì ưa thanh hương, người thì thích hậu vị, kén hiệu trỏ tên, mua cho được trà ngon, bay khay chén ra nếm thử. Thậm chí có kẻ đặt tiền sẵn mua cho được hiệu trà Chính Sơn, gửi tàu buôn đặt cho được kiểu ấm chén mới lạ, cách hiếu thượng đến thế là cùng cực. Song cái thú uống trà tàu có phải chỗ đó đâu! Trà tàu thú vị ở chỗ tính nó sạch sẽ, hương nó thơm tho, buổi sớm gió mát, buổi chiều trăng trong, với bạn rượu làng thơ cùng làm chủ khách mà ung dung pha ấm trà tàu ra thưởng thức thì có thể tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục. ấy, người xưa ưa chuộng trà tàu là vì vậỵ Từ các đời gần đây trở xuống, thưởng thức trà tàu càng ngày càng tinh, vị trà nào khác, cách chế trà nào ngon, đều phân biệt kỹ lắm. Lò, siêu, ấm, chén lại chế ra nhiều kiểu thích dụng. Song chế ra nhiều thứ trà, kẻ thức giả cũng cho làm phiền lắm. Còn như nếm trà ở trong đám ruồi nhặng, bày ấm chén ở cửa chợ bụi lầm, lúc ồn ào đinh óc, vơ vẩn rộng lòng, thì dẫu ấm cổ đẹp đẽ, trà ngon ngát lừng, ta chẳng biết uống trà như thế có thú vị không? Giá có gặp ông tiên trà, thì cũng cho lời nói ta làm phải .
       
      Mùa thu năm Mậu Ngọ (1798), ta dạy học ở thôn Khánh Vân, Tổng Hà Liễu, các học trò kinh thành cũng thường gửi quà về hỏi thăm, tuy cơm rau nước lã không được dư dụ cho lắm, nhưng trà tàu thì không lúc nào thiếu .
       
      Từ đời Khang Hy trở về sau, uống trà tàu mới đổi ra pha từng chén nhỏ, chứ không hãm ấm to nữa, vì uống trà, ấm chén cốt cho nhỏ, mỏng, khi pha mới nổi hương vị. Vòi ấm thẳng thì nước không đọng, mặt đĩa phẳng thì chén không nghiêng, rế lò dầy mà lỗ thưa thì than lửa không bốc nóng quá, lòng ấm siêu lồi lên và mỏng thì sức lửa dễ thấu, chóng sôị ấy, cái cách chế bàn trà uống nước, mới đầu còn thô, sau tinh dần mãi rạ Gần đây lại có chế ra thứ siêu đồng cũng khéo, nhưng khi kim khí bị hỏa khí nó hấp hơi, thường có mùi tanh đồng, không bằng dùng siêu đất, pha trà tốt hơn. Song các nhà quyền môn phú hộ khi uống trà lại lười không muốn pha lấy, thường thường họ giao cho tiểu đồng pha chế tất cả, dùng siêu đồng cho tiện và lâu hư, như thế không phải bàn làm chi nữa .
       
      Khoảng năm Cảnh Hưng, ở Tô Châu có chế ra một thứ hỏa lò và một thứ than tàu đem sang bên ta bán, đều là những đồ dùng của khách uống trà cần đến, người ta đua nhau muạ Song gần đây đã có người biết cách chế ra, cũng bắt chước luyện than mà hầm lửa, nắm đất mà nặn lò, so với kiểu của Trung Hoa chẳng khác gì, người ta cũng ưa chuộng.
       

      (Trích trong Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hồ)
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 20.03.2007 23:44:45 bởi nhinhi >
      #3
        marcel 21.03.2007 17:15:23 (permalink)
        0
        Cảm ơn NhiNhi đã bổ túc cho tiêu đề này được thêm phần phong phú. 
        #4
          vvn 23.03.2007 05:29:47 (permalink)
          0

          Trà Nhật chỉ là một loại trà xanh nghiền nát ra và khuấy với nước, do các thiền sư Nhật sang học ở Tàu hồi thế kỷ trước rồi về nước cứ như vậy mà dùng, lúc đó bên Tàu cũng có trà xanh khuấy như vậy. Rồi có Thiền Sư hiệu Rikyu lập thành những quy tắc và kiểu cách để trở thành Trà Đạo. Ai muốn tìm tòi về Rikyu thì có thể mượn cuốn DVD Rikyu để xem cho biết từ nguyên thủy của Trà Đạo tại các tiệm cho thuê DVD Video. Nhưng xin báo là uống trà bột Nhật Bản DỞ chịu không nổi.
          vvn cũng không khoái trà xanh của Nhật mấy.

          Cái lắc léo nằm ở chữ "trà".

          Nhiều người thích uống hồng trà thì chê trà xanh là tanh vì không ủ nên còn mùi lá.
          Nhiều người thích uống trà xanh thì lại chê trà huế là tanh vì nấu thẳng từ lá, không sao không ủ.
          Nhiều người chỉ thích trà sữa, trà lipton thì chê trà xanh trà vàng gì cũng không ngon.
          Nhiều người thích trà Tàu thì chê trà Nhật là dở không chịu nổi .

          Tuy nhiên cả mấy nhóm người trên hiếm ai chê sinh tố rau má là là tanh, hay sữa đậu nành là dở, thậm chí "wheatgrass" là không chịu nổi.

          Tại sao? Vì các món uống đó may mắn không bị gọi là "trà rau má" hay "trà sữa đậu nành".

          Cho nên nếu có mấy chục triệu người "nghiện" trà xanh Nhật, hay món sữa chua "hôi rình" của Mông Cổ, hay món "phó mát thối tai" của Thuỵ Sĩ thì chắc nó cũng ngon thiệt mà tại mình chưa biết thưởng thức thôi.

          Nếu đừng thèm gọi trà xanh Nhật là trà, và cũng chẳng bận tân đến trà đạo, trà điếc gì, may ra ta "cảm" được cái ngon của một loại thức uống từng vang bóng một thời dưới cái tên "Trà Vương Tiễn" gắn liền với các tên tuổi huyền thoại như trà thần Lục Vũ, Lô Đồng...
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 28.03.2007 13:20:44 bởi vvn >
          #5
            marcel 26.03.2007 06:34:22 (permalink)
            0
            Vấn đề khẩu vị mỗi người tôi không thảo luận ở đây, cảm phiền bạn nhé.

            Để tiếp tục với chủ đề mạn đàm về trà, xin được gửi tiếp lên đây một bài tản mạn về trà của Lý Lạc Long để các bạn tham khảo.


            Tản mạn về Trà & Trà Đạo



            Hầu như mọi dân tộc, mọi xứ sở trên trái đất đều biết uống trà. Theo ước tính, đây là loại nước uống phổ biến nhất sau "nước" và mỗi ngày thế giới tiêu thụ chắc không dưới một tỉ tách trà đủ các loại. Theo sách vở ghi lại thì tục uống trà của nhân loại bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo cuốn Trà kinh, của Lục Vũ viết năm 780 (Lục Vũ là một cuồng sĩ đất Hồng Tiệm đời Ðường, thường lang thang ngâm thơ rồi khóc. Ông để lại cho đời sách Trà Kinh gồm ba quyển bàn về trà, gốm trà, cách pha và uống trà, được người đời sau gọi là ông tiên trà, thờ làm ông tổ của trà đạo Trung Quốc) thì uống trà bắt đầu từ thời Thần Nông, truyền sang Chu Công nước Lỗ. Như vậy loài người biết uống trà vào khoảng năm 3300 - 3100 trước Công nguyên. Qua các thời đại Trung Quốc, tục uống trà và tác dụng của cây trà ngày được nâng cao và khai thác triệt để. Cách uống trà cũng theo những con đường buôn bán tơ lụa, đồ gốm và qua sự giao lưu của các thương gia tỏa ra khắp thế giới.

            Cuối thế kỷ 11 đầu thế kỷ 12, cùng với thiền, trà ở Trung Hoa tràn sang Nhật. Người Nhật tiếp thu cả hai thứ văn hoá vật chất và tôn giáo này, đem nó hoà quyện với văn hoá bản địa và nâng lên thành triết lý riêng của dân tộc Nhật gọi là Trà đạo. Theo truyền thuyết Nhật, vào khoảng thời gian này, có một vị cao tăng người Nhật là sư Eisai (1141-1215), sang Trung Hoa để tham vấn học đạo. Khi trở về nước, sư Eisai mang theo một số hạt trà về trồng trong sân chùa. Sau này chính Eisai này đã sáng tác ra cuốn "Phẩm Trà Dưỡng Sinh Ký" (Kissa Yojoki), nội dung ghi lại mọi chuyện liên quan tới thú uống trà. Những công dụng của trà về mặt y khoa và hương vị hấp dẫn đặc biệt của trà đã thu hút nhiều người dân Nhật đến với cái thú uống trà. Họ đã kết hợp thú uống trà với tính Thiền của Phật giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà, phát triển nghệ thuật này trở thành trà đạo. Trà đạo phát triển dựa trên triết lý xem uống trà như là một thú tiêu khiển thanh tao và nghi lễ của việc uống trà do các sư Thiền tông đặt ra để giữ cho họ thức tỉnh. Đến đời thiền sư Senno Rikyu (1521-1591) thì trà đạo ở Nhật thực sự trở thành một nghệ thuật gắn liền với đời sống thiền thông qua việc định nghĩa các yêu cầu của trà đạo như là sự hài hòa, tĩnh lặng, thanh khiết và trang trọng. Như Kakuzo Okakura đã viết trong cuốn "Quyển sách về Trà" xuất bản vào năm 1906: "Trà đạo là một giáo phái được sáng lập dựa trên lòng tôn thờ cái đẹp, cái đẹp giữa những thực tế nhớp nhúa trần ai. Trà đạo bao gồm những nghi lễ thiêng liêng thấm đượm chất tâm linh tôn giáo, biến việc uống trà trở thành một cuộc lễ. Bất cứ một thiền thất nào của môn phái Trà đạo đều có những trà thất. Tuy được xây dựng hết sức giản dị, tự nhiên nhưng được coi là nơi thiêng liêng nhất. Đó là những gian nhỏ được ghép bằng tre, gỗ, lợp tranh rất nguyên sơ. Trong nhà bài trí một vài bức thư pháp cổ, hoặc tranh thuỷ mạc. Một bếp đun nước, một lò hương thơm, một lọ hoa cắm chỉ một bông như mọc lên từ kẽ đá. Ngồi trong căn phòng lặng im nghe tiếng nước sôi nhè nhẹ như tiếng gió. Người ta cảm thấy như ngồi giữa một thảo am nơi sơn dã, chỉ có mây trắng và tiếng nhạc thiên nhiên làm bạn, lòng cảm thấy thanh thoát. Con người như vượt lên trên những giới hạn tương đối và một thoáng nhìn vào vĩnh cửu. Ấm trà được sắp lên toả hương thơm thanh cao, tinh khiết. Uống chén thứ nhất thấy lòng tĩnh lặng, tâm không còn dao động, tự soi được vào cõi tâm mình. Thiền nhân gọi đó là trạng thái vấn tuệ. Uống xong chén thứ hai thấy nơi ấn đường ấm nóng, tư duy thiền sắp được khai thông. Uống xong chén thứ ba cả hai trạng thái trên đều biến mất. Thân xác như hoà vào trời đất. Người ta nói đó là đạt tới thiền và là Trà đạo."

            Theo hai cuốn sách “The Empire of Tea: The Remarkable History of the Plant That Took Over the World” ( Đế Quốc Trà ) của Alan Macfarlane and Iris Macfarlane và “Tea: Addiction, Exploitation, and Empire” (Trà: Nghiện, Bóc Lột, và Đế quốc) của Roy Moxham mới xuất bản gần đây thì các tác giả người Anh này thuật lại thì các nhà buôn bán Tây phương để ý đến trà vào khoảng thế kỷ 17. Cuốn “Đế quốc trà” mở đầu với một hồi ký ngắn và cảm động của Iris về nhận thức văn hóa mà bà mang theo cùng chồng đến nông trại trồng trà Assam. Bà viết: "Tôi lớn lên với tất cả những mưu mẹo, những lời nói hoa mỹ : rằng ‘Bên ấy ở Ấn Độ’ có những người da ngăm thấp kém không thể cứu chữa, những người rất may mắn được chúng ta cai trị". Sau đó thì tác giả kể lại những tình trạng đối xử tàn bạo đối với những công nhân làm việc trong các nông trại trồng trà, những hồi tưởng buồn bã. Cuốn "Đế quốc trà" phân tích một cách dí dỏm sắc nước của trà và qua đó suy luận về vai trò của trà trong việc duy trì một hệ thống trật tự xã hội theo đẳng cấp ở Anh. Tác giả còn tìm cách trả lời một câu hỏi : Có phải quả thật trà đã thuần hóa người Anh? Có phải trà làm cho những người da trắng, thích ăn thịt đỏ và uống bia trở thành những người hiền lành hơn và dễ mến hơn? Không! Đó là câu trả lời. Những người Anh, chủ đồn điền trà, khinh miệt công nhân người bản xứ, họ cho đó là những cu-li (coolies). Họ đối xử tàn bạo đối với những phu người địa phương và gây cho cái chết cho hàng trăm ngàn người. Theo thống kê của Moxham, cho đến năm 1900, hơn 200 ngàn mẫu trà được khai khẩn và trồng trong rừng Assam, và nó làm mất đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người phu Ấn Độ nhưng chỉ vài mạng người Anh. Đó chỉ là một thảm nạn trồng trà ở vùng Assam; nhiều thảm nạn còn xảy ra ở Darjeeling, Tích Lan (Ceylon), và nhiều nơi khác. Quy trình sản xuất trà ở Ấn Độ được mô phỏng theo cách tổ chức sau cuộc Cách mạng kỹ nghệ: giờ làm việc dài, điều kiện làm việc cực xấu, và thiếu an toàn. Macfarlane viết: “Công nhân trở thành một phần của bộ máy sản xuất khổng lồ. Trong bộ máy đó họ là những con người làm việc không hồn. Cái giá nhân sinh mà con người phải trả cho những công việc nhàm chán và không cần đến trí óc, đó là chưa kể đến tình trạng công nhân phải đứng hết giờ này sang giờ khác để hái trà. Thật khó tưởng tượng nổi!”

            Trà, ngoài là thức uống và những công dụng tốt cho sức khỏe , cái ''lá cây thơm ngát" này đã là đề tài làm say mê nghệ nhân để sáng tạo ra những bình sứ thời xưa ở Việt Nam, Nhật Bản và Trung Hoa. Trà đã là chất xúc-tác khuyến khích các tay thực dân Âu châu ; là chất châm ngòi cuộc chiến tranh Nha phiến; là cảm hứng cho cho những nhà thiết kế thuyền bè vào thế kỷ 19th; và là một trong những nguồn cung cấp sinh lực cho cuộc Cách mạng kỹ nghệ .

            Gần đây ở Việt Nam có nhiều "trà quán" mở cửa theo nhu cầu của thị trường, tôi tình cờ đọc một số bài viết so sánh và tỏ ý ngưỡng mộ nghệ thuật uống trà của Nhật và Trung Hoa. Phải công nhận là các nước khác thành công hơn Việt Nam trong việc quảng bá truyền thống tốt đẹp của dân tộc họ. Trà đạo của Nhật nổi tiếng đã lâu, và Trung Hoa thì cũng vậy. Mặc dù theo truyền thuyết thì Việt Nam đã biết đến trà từ thời Ðông Hán và trà đạo Việt thành hình khoảng vào đời nhà Ðường. Sách Trà Kinh của Lục Vũ nhập đề rằng "trà là loài cây lớn ở phương nam". Chứng tích trà đạo Việt còn lưu lại trên những bình bát trà gốm Việt Dao từ thời Bắc thuộc, lên đến tột đỉnh thời Lý, Trần, thời Phật giáo thịnh nhất trong lịch sử VN. Trà đạo Việt là đạo mà không đạo, đạo vô môn quan: không cửa vào, không lối ra. Cũng như Việt Nam, lúc bấy giờ Phật giáo ở Nhật bén rễ vào giới thế quyền. Tăng sư là khách quý của các sứ quân và các phú hào. Họ học Phật rồi tiêm nhiễm luôn đạo thưởng trà. Uống trà nhằm luyện con người khu trừ những chướng ngại phiền não, để đạt chỗ rốt ráo của an bần lạc đạo, hòa đồng với Tự Nhiên, tức là Chân Như. Và uống trà, hành trà đạo phải có các trà khí mà ngành gốm Nhật bấy giờ rất phôi thai. Nên trà gốm từ Cao Ly, Trung Hoa, Ðại Việt đưa sang giá đắt, chỉ được xử dụng giới hạn trong hàng sứ quân và đại phú. Thay vì hấp thu nếp thanh bần, họ bèn mượn trà đạo làm trò trà dư tiêu khiển, đặt ra các quy tắc kiểu cách (Cha No Yu), muốn vào phải qua cổng Hữu Môn Quan. Trà đã đưa thiền vị đạm bạc vào trú ngụ chỗ đền các xa hoa. Trong khuôn viên cung đình nguy nga, các lãnh chúa sai dựng nên trà thất bắt chước lều cỏ bần hàn của ẩn sĩ để hành trà đạo. Còn bên nước Việt, đạo đã từ cung cấm ra đi, bỏ phú quý phù vân để phiêu bồng nơi cảnh thật của "rừng trúc lắm chim" (Trúc lâm đa túc điểu) như thơ ngài Huyền Quang. Các vua Lý, Trần bỏ kinh về núi, thực hiện hạnh tầm đạo, dẫm theo bước chân của đức Phật. Đây là chỗ khác biệt trong lịch sử thiền đạo Việt - Nhật .

            Thời đại chúng ta đang sống, kỹ thuật hiện đại cho phép mọi người tiếp xúc với môi trường bên ngoài, với các nền văn hoá khác nhau trên thế giới, tạo điều kiện cho việc học hỏi các điều mới lạ và bổ ích để mở mang kiến thức , để áp dụng cho lợi ích của bản thân và đất nước . Nhưng chúng ta phải biết gạn lọc và đừng quên gốc rễ của mình. Ngưỡng mộ , thích và trân trọng Trà đạo của Nhật Bản hay Trung Hoa thì cũng tốt, nhưng so sánh và chê bai nghệ thuật và phong cách uống trà hay trà Việt Nam là một điều không đúng và nhất là khi dựa vào chỉ mấy "trà quán" phục vụ nhu cầu nhất thời của thị trường. Cái áo Kimono của Nhật, áo sường - sám của Trung Hoa, cái áo dài của Việt Nam.... mỗi cái có những nét đẹp riêng. Ở đời không có gì là tuyệt đối hoàn hảo. Và người ta thường nói " có nằm trong chăn mới biết chăn có rận", và không có một quốc gia nào hoàn hảo hơn một quốc gia nào. Tách trà thơm ở Việt Nam đã từ lâu là quà đón khách, là tâm tình của chủ nhà với khách viếng thăm. Không thể nói là vì người VN không pha chế trà cầu kỳ như người Nhật hay người Trung hoa và vì vậy mà thịnh tình của chủ với khách suy giảm. Phần tôi thì với nghệ thuật uống trà theo Trà đạo của Nhật bản hay Trung hoa thì cũng rất ngưỡng mộ, và áo Kimono hay sường sám, cũng rất đẹp mắt... Nói cách khác là tôi chỉ "cỡi ngựa xem hoa" . Nhưng tách trà Việt nam tôi sẽ pha đãi khách và chiếc áo dài VN vẫn là đẹp nhất , gần gũi thân thương nhất. Lý do rất đơn giản : Vì tôi là người Việt Nam .

            Riêng về phong cách uống trà hay thiền đạo thì vô môn quan (Việt Nam) hay hữu môn quan (Nhật Bản) ... "tốt" hơn ? Tôi xin phép gởi đến các bạn câu truyện "Trà Đạo" dưới đây :
            "Khách đến viếng một trà thất, chủ nhân tiếp đón theo nghi phong trà đạo Nhật Bản, khách thì lại cứ rót uống tự nhiên không theo luật lệ nào cả. Chủ nhân liền thuyết trình về trà đạo, về cách pha trà và phong thái uống trà … v.v. Nghe xong khách nói:
            - À, thì ra trà đạo là vậy. Tôi lại tưởng đạo trà là khát thì uống thôi chứ.
            Rồi khách xuất khẩu ngâm:
            Xưa nay trà là đạo.
            Khát cứ việc uống thôi.
            Nghĩ thêm trà với đạo.
            Ðầu thượng trước đầu rồi!"
            Mời các bạn tách trà thơm (pha kiểu Việt Nam) và chúc tất cả một cuối tuần như ý .







            Lý Lạc Long
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.03.2007 06:35:29 bởi marcel >
            #6
              Ct.Ly 28.03.2007 06:49:15 (permalink)
              #7
                Ct.Ly 28.03.2007 06:51:30 (permalink)
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 28.03.2007 18:27:04 bởi Ct.Ly >
                #8
                  Ct.Ly 28.03.2007 06:55:26 (permalink)
                  #9
                    marcel 28.03.2007 17:52:00 (permalink)
                    0
                    Trong cái mớ hỗn độn về nghệ thuật uống trà, bài thông tin của Công-Tử làm mình biết thêm nhiều điều hay ho cho cái thú thanh cao này.
                    Cám ơn Ct.Ly 
                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 29.03.2007 18:08:49 bởi marcel >
                    #10
                      marcel 29.03.2007 17:20:43 (permalink)
                      0
                      Trà và sức khỏe
                       
                       
                      Trà nói chung, và Trà xanh (green tea) nói riêng,  không những là một thứ thức uống để giải khát, mà còn là một y-dược rất hũu ích để bảo vệ sức khỏe của con người. Điều nầy đã được các nhà khoa học nghiên cứu. Hóa tính chánh của nó là Theanine, polyphenols và flavonoids lại có thêm Quercetin, myrecetin và kaempferol, lại còn có các chất như: aluminum, fluoride,manganese và carotene, với nhiều sinh tố khác nữa như vitamin B2 (riboflavin), vitamin C và vitamin A vv
                       
                      Nhờ polyphenols (gọi tượng trưng là: EGCG) và flavonoids mà trà xanh được coi là một chất chống lại oxid hóa ( antioxidants) hữu hiệu nhất ( hữu hiệu gấp 100 lần vitamin C, gấp 25 lần vitamin E), cộng thêm các chất vừa kể trên, trà có chức năng ngăn chận, ức chế sự phát triển từ lúc gọi là manh nha tới lúc phát triển cho các lọai tumor ( bứơu) lành hay dữ, Sau đây do các nhà khoa học khám phá và công bố các công hiệu của trà xanh như sau:
                       
                      - Tính chất chống lại oxid hóa (Antioxidants)
                      - Ngăn ngừa các ung thư (Cancer prevention)
                      - Làm giảm cholesterol ( Cholesterol reduction)
                      - Làm giảm huyết áp (Blood pressure reduction)
                      - Làm giảm lượng đường trong máu cho 2 lại tiểu đường (Blood sugar reduction. Preventing two types of diabetes)
                      -  Làm thư giản mệt mỏi và căn thẳn (Relieve fatigue and stress)
                      - Giảm bớt rủi ro về đột qụi (Reducing the risk of stroke)
                      - Ngăn ngừa bịnh xốp xương (Preventing osteoporosis)
                      - Giảm bớt DNA bị hư hại (Reducing DNA damage)
                      - Làm chậm lại tuổi già (Delaying the signs of aging)
                      - Ngăn ngừa sự hiểm nguy do máu đóng cục (Preventing dangerous blood clotting).
                      -Ngăn ngừa sự suy thóai tim mạch (preventing cardiovascular disease)
                      - Ngăn ngừa hơi thở hôi (Preventing bad breath)
                      - Ngăn ngừa sâu răng. vv...
                       
                      o O o
                       
                      Trà xanh là thức uống bổ dưỡng.
                      Một thành phần trong trà xanh vốn được tin là chống ung thư cũng có thể bảo vệ bộ não khỏi Alzheimer - chứng bệnh cướp đi trí nhớ của con người
                      Bệnh Alzheimer là tình trạng rối loạn tiến triển gây mất trí nhớ, ảnh hưởng tới hàng triệu người trên toàn thế giới. Các nhà khoa học đến từ Đại học Nam Florida (Mỹ) đã thử tiêm một chất chống ôxy hóa từ trà xanh có tên là epigallocatechin-3-gallate (EGCG) vào một số chuột mắc bệnh Alzheimer. Quan sát cho thấy chất này làm giảm hoạt động sản xuất beta-amyloid, một protein chuyên tạo mảng bám trong não của bệnh nhân Alzheimer. Sau vài tháng tiếp nhận EGCG, hoạt động tạo mảng bám trong não ở chuột bệnh giảm 54%.
                      Việc uống trà xanh thông thường không có tác dụng chống mảng bám tương tự như trong nghiên cứu vì những thành phần khác trong trà xanh dường như khống chế tác dụng của EGCG, trưởng nhóm Jun Tan cho biết. Con người sẽ cần khoảng 1.500 tới 1.600 milligram EGCG mỗi ngày mới có hy vọng tác động tới bệnh Alzheimer. Nhóm nghiên cứu đang tìm cách bào chế viên bổ sung chứa EGCG hoặc một loại trà có hàm lượng EGCG cao.
                      Theo một số báo cáo trước đây thì EGCG còn có khả năng ngăn ngừa một số bệnh ung thư, đặc biệt có thể kìm hãm sự lây lan của virus HIV.

                       
                      o O o
                       

                      Uống trà xanh có thể giúp bạn sống khỏe, sống thọ nhưng uống không đúng cách lại có thể dẫn tới ung thư thực quản hay bệnh máu vón cục, gây tắc nghẽn thành mạch máu… Tăng tuổi thọ - Giảm bệnh tim và đột quỵ.
                       
                      Một nghiên cứu mới đây nhất của TS Shinichi Kuriyama, thuộc ĐH Tohoku ( Sendai , Nhật Bản) và các cộng sự cho thấy trà xanh có tác dụng tăng tuổi thọ, hạ thấp nguy cơ bị tử vong do các bệnh tim mạch. Và lợi ích của trà xanh đặc biệt rõ rệt ở phụ nữ.
                       
                      Những phụ nữ uống 5 hoặc 3 – 4 cốc trà xanh mỗi ngày có thể cắt giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch tới 31% so với những phụ nữ uống dưới 3 – 4 cốc trà xanh/ngày. Nam giới uống nhiều trà xanh cũng giảm được nguy cơ bị bệnh tim tới 22%.
                       
                      “Trà xanh có thể kéo dài tuổi thọ của bạn nhờ việc hạn chế bệnh tim và đột quỵ. Phát hiện của chúng tôi giải thích sự chênh lệch giữa tỉ lệ tử vong ở Nhật Bản với tỉ lệ tử vong ở Mỹ. Tỉ lệ tử vong vì bệnh tim và đột quỵ của người Nhật thấp hơn Hoa Kỳ 30%”.
                       
                      Nghiên cứu của Kuriyama dựa trên dữ liệu từ năm 1994 của hơn 40.000 người Nhật Bản ở độ tuổi 40 - 79. Gần 14% trong nhóm này đã tử vong trong suốt 11 năm nghiên cứu.
                       
                      Tại sao phụ nữ uống trà xanh lại tốt hơn nam giới?
                       
                      Kuriyama và các cộng sự lưu ý rằng sở dĩ có tình trạng trên là do nam giới thường hút thuốc nhiều hơn nữ giới. Chính các thành phần trong thuốc lá đã làm giảm khả năng hấp thu những hoạt chất có lợi cho sức khỏe từ trà xanh.
                       
                      Còn các nhà khoa học Hoa Kỳ  thì cho rằng một nguyên nhân khác là hormone giới tính estrogen. Những nghiên cứu về trà xanh cho thấy tác dụng đối với nữ cao hơn nam. Họ nhận thấy những thành phần hoạt tính trong trà xanh ảnh hưởng tới hàm lượng estrogen, hormone giới tính có tác dụng tăng cường bảo vệ tim.
                       
                      Trà xanh - Không có tác dụng chống ung thư
                       
                      Một phát hiện thú vị đối với chính TS Kuriyama và các cộng sự là họ không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy trà xanh có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi căn bệnh ung thư.
                       
                      Phát hiện này thực sự gây ngạc nhiên đối với các nhà nghiên cứu Nhật Bản bởi đã có những kết luận rất đáng tin cậy từ những thực nghiệm trên động vật và trong phòng thí nghiệm trên khắp thế giới cho thấy một số thành phần trong trà xanh có khả năng “chiến đấu” với các tế bào ác tính.
                       
                      Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng những phát hiện này chỉ là một phần nhỏ và đòi hỏi phải có những nghiên cứu sâu hơn nữa để có thể kết luận chính xác.
                       
                      Những cảnh báo đối với trà xanh
                       
                      Ngoài những tác dụng đáng khích lệ trên và lời khẳng định của tất cả các công trình nghiên cứu rằng: trà xanh rất an toàn. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý 2 ngoại lệ dưới đây: 
                       
                      TS Tsung O. Cheng, ĐH Y George Washington cảnh báo rằng, trà xanh có chứa vitamin K, loại vitamin có khả năng tạo ra các cục máu đông, gây tắc nghẽn mạch máu. Vì vậy, những người đang dùng thuốc làm tan máu đông không nên uống nhiều trà xanh.
                       
                      Còn TS Kuriyama lại cảnh báo về thói quen thích uống nước trà xanh nóng: “Uống trà xanh nóng có liên quan với nguy cơ ung thư thực quản. Vì vậy không nên uống quá nhiều trà xanh và chỉ nên uống nước ở nhiệt độ thấp”.
                       
                      Vấn đề chốt lại
                       
                      Theo GS Alice H. Lichtenstein, Giám đốc dự án Dinh dưỡng cho người bị bệnh tim mạch, thuộc ĐH Tufts và TT Nghiên cứu dinh dưỡng theo lứa tuổi Hoa Kỳ,  thông điệp hàng đầu của những nghiên cứu về trà xanh là hãy uống trà xanh theo sở thích của bạn. Bởi vì để ngăn ngừa bệnh tim và đột quỵ, chúng ta cần phải có một chế độ ăn lành mạnh và rèn luyện thể lực hằng ngày.
                       
                      TS Kuriyama cho biết ông uống 3 cốc trà xanh mỗi ngày. Và qua nghiên cứu này, ông sẽ giới thiệu với bạn bè và người thân về những tác dụng mới nhất và tốt nhất của trà xanh ở thời điểm hiện nay.
                       
                      TS Cheng  khẳng định rằng trà xanh tốt hơn cả trà ô long hay trà đen bởi nó không làm người uống có cảm giác sôi bụng nhưng đó không phải là lý do chính khiến ông uống trà xanh. “Tôi uống 2 cốc trà xanh mỗi ngày bởi vì tôi thích nó”, TS Cheng giải thích.
                      #11
                        Ct.Ly 29.03.2007 17:56:03 (permalink)
                        #12
                          marcel 01.04.2007 20:23:21 (permalink)
                          0

                          Trích đoạn: Ct.Ly
                          ... Đây là những điều mà Ct.Ly biết mà thôi ah nhen, có gì xin anh Marcel đừng la....

                           
                          "Một trà một rượu một đàn bà
                          Cả ba thứ đó nó hại ta"
                           
                           
                          Trước giờ bài nào của Công-Tử đăng lên tôi đều tâm đắc cả và nhất đây lại là một bài chia sẻ kinh nghiệm về trà thì chẳng những không la mà còn tán thành hai tay lẫn hai chân... 
                           

                          Trích đoạn: Ct.Ly
                          ... Hiện bây giờ có một loại trà đen, cọng dài và to, người ta thường gọi là trà đắng, trị bá bệnh, nhưng hiện giờ nhiều người phát hiện ra là...mang bệnh nhiều hơn trước khi uống ( Tin này do chị Việt Dương nhân mang vào, em quên mất ở đâu, có gì mang vào sau nhé )....

                           
                          Nếu Ct.Ly có thông tin nào về loại trà này thì xin bái yết nhá. Loại trà này tôi chưa được biết. Còn các thứ trà thơm như trà hoa lài hoặc trà hoa sen mua trên thị trường thì cũng nên cẩn trọng vì họ hay dùng tinh dầu để ướp chứ không dùng hoa thiên nhiên.
                           
                          Còn nói về cách thức pha trà thì cầu kỳ lắm. Nhưng mỗi người mỗi cách, quan trọng là cảm thấy vừa ý và hợp khẩu vị là ok. Tôi có quen một ông bạn già, phong thái điềm tĩnh, không bao giờ bị xáo trộn bởi họat cảnh. Cứ độ hai ông bạn già họp mặt trà đạo là lại thấy lão ấy theo nghi thức lấy hai cái chén bỏ vào nồi nước sôi ùng ục. Rồi lão múc một ca nước sôi dội vào cái ấm, tráng trong tráng ngoài. Xong, đổ chè. Tay lão đổ rất thuần, chuẩn xác đến kinh người. Đổ xong, chế nước sôi, vớt chén, và thế là chúng tôi có một bình trà. Thêm mấy phong kẹo lạc, một gói thuốc đen không đầu lọc và ẩm trà đàm đạo.
                           
                          Rít một hơi thuốc đỏ nòng, nóng môi, rồi chiêu một ngụm trà. Ô hay, cái vị trà sao mà điêu luyện thế. Nó như một liều thuốc đắng ngắt chảy từ từ qua vòm miệng, rồi bất chợt ngọt mát nơi cổ họng. Mùi trà thơm thoang thoảng nơi cánh mũi. Khà một tiếng như đang uống rượu, tôi cùng anh bạn mới quen đều gật đầu xác nhận, uống trà bên đây vừa rẻ, mà hương vị lại chẳng khác gì trà xịn ở quê hương.
                          #13
                            marcel 01.04.2007 20:34:24 (permalink)
                            0
                            Nghi thức pha trà
                             
                             
                            Pha trà không những là một nghệ thuật, mà nó còn là một khâu quan trọng để khai thác được toàn bộ hương vị, cũng như tinh chất của trà.
                             
                            Pha một tách trà xanh tuyệt hảo không dễ dàng như bạn nghĩ. Nếu không cẩn thận, những chất polyphenol vốn có ích cho sức khỏe có thể quay ra phá hỏng hương vị, làm cho trà đắng chát và đầy bọt khí. Dùng nước nóng tốt hơn là nước sôi ùng ục trên bếp.
                             
                            - Kích thước lá trà: tốt nhất là chọn lá trà nhỏ, xoăn ít, vì nó giúp hãm trà nhanh hơn. Lá trà lớn, xoăn tít chặt mất nhiều thời gian để hãm hơn.
                             
                            - Trà lá rời và trà túi lọc: nên dùng trà lá rời hơn là trà túi lọc. Gói trà túi lọc nên được nhấn chìm, chứ đừng nổi lều bều trên mặt nước.
                             
                            - Thời gian hãm: độ 2-5 phút. Hàm lượng polyphenol trong trà tăng lên với thời gian hãm. Hãm trà nhanh chỉ cho bạn thứ nước trà nhiều caffeine, nhưng lại ích polyphenol.
                             
                            Tốt nhất là pha trà theo hướng dẫn của từng hãng sản xuất, nhưng dưới đây là nguyên tắc chung để pha trà ngon.
                             
                            - Dùng một túi trà, hay 2-4g trà (1-2 muỗng cà phê lá trà, tùy theo loại trà xanh bạn đang dùng) cho mỗi tách nước.
                            - Đun sôi một ấm nước lạnh.
                            - Tắt bếp, để nước "nghỉ" độ 3 phút.
                            - Đổ nước nóng lên trà lá hay túi lọc, hãm độ 3 phút.
                            - Đợi thêm 3 phút nữa cho trà nguội bớt.
                             
                            Muốn uống trà ngon thì phải biết cách pha trà, nhưng nếu pha xong rồi mà rót ra theo kiểu phàm phu tục tử thì cũng coi như là vất vào sọt rác tất.
                             
                            Tôi vốn quê mùa, không hiểu về trà đạo cao siêu, nhưng để ý thì thấy người Việt ta có cách rót trà rất hay, mang đậm màu sắc tình thương mến thương, kính khách của chúng ta. Bản thân tôi cũng rót như vậy, và hình như nó trở thành bản năng của mỗi con người.
                             
                            Chén trà đúng ra là thường không có quai, và người ta thường cầm bằng ba ngón, ngón cái và trỏ giữ miệng chén, ngón giữa đỡ trôn chén. Khi rót trà, người ta thường xếp chén liền sát nhau, thành hình tròn. Thoạt đầu thì cứ ngỡ đây là một cách xếp cho đẹp, dễ rót, nhưng thực ra nó ẩn chứa cái triết lý của người Việt là tình làng nghĩa xóm, gắn bó bên nhau. Hơn nữa hình tròn cũng là biểu hiện của sự viên mãn (tròn trịa) đầy đủ.
                             
                            Khi pha trà, nước đầu tiên được gọi là nước làm lông, và đổ đi không uống. Nước thứ hai mới bắt đầu rót uống. Trà ngấm, chủ nhà một tay nâng ấm, một tay giữ nắp ấm rồi bắt đầu rót.
                             
                            Về cách xếp chén, tráng ấm chén, làm lông trà là khá giống nhau, nhưng về cách rót thì có hai cách chính. Một là rót đều một vòng, mỗi chén một chút, tay đưa theo vòng chén, không nhấc ấm lên, sau đó lại lặp lại cho tới khi các chén đầy. Cách này gọi là Đi tuần, cách thứ hai cũng rót theo vòng, mỗi chén một chút cho tới khi đầy, nhưng khác ở chỗ, rót xong mỗi chén lại cao tay lên ngắt dòng trà và chuyển qua chén khác. Cách này gọi là Kê mổ thóc  Hai cách tuy khác nhau về thể hiện nhưng đều ẩn chứa một giá trị nhân văn sâu sắc, tinh thần chia ngọt xẻ bùi, tôn trọng, hiếu khách của người VN. Vì trà càng nước cuối càng đậm.
                             
                            Cũng có người đổ cả ấm trà ra một cái bình cho đều, sau đó mới rót. Âu cũng là sự thể hiện của miếng ngon chia đều vậy.
                             
                            #14
                              nhinhi 03.04.2007 00:28:11 (permalink)
                              0

                              Trích đoạn: Ct.Ly

                              Hiện bây giờ có một loại trà đen, cọng dài và to, người ta thường gọi là trà đắng, trị bá bệnh, nhưng hiện giờ nhiều người phát hiện ra là...mang bệnh nhiều hơn trước khi uống ( Tin này do chị Việt Dương nhân mang vào, em quên mất ở đâu, có gì mang vào sau nhé )

                              Nhưng trị đái đường thì có nhiều người nói trà xâm rất tốt, trị được sự mệt mỏi cơ thể, tinh thần , kén ăn, và cả đái đường nữa......

                              Trà ô long không rõ trị được bệnh gì, nhưng có khá nhiều người tìm trà này để dùng , và có vài loại trà có thể giúp ta được bớt mỡ để có 1 thân hình " tuyệt mỹ " , nhưng không rõ những người dùng rồi thấy kết quả ra sao???


                              Loại trà mà chị Ct.Ly nhắc đến có lẽ là loại trà đắng Khổ Đinh . Cách đây chừng hai năm ở trong và ngoài nước rộ lên phong trào uống trà Khổ Đinh để chữa bệnh tiểu đường, mất ngủ, trị huyết áp cao và cholesterol . Nhưng sau đó trên internet xuất hiện một bài viết trích dẫn những đoạn diễn giảng của giáo sư Trần Đại Sỹ tại đại hội Y khoa Âu châu ở Paris vào tháng mười năm 2005 thì phải về đề tài khả năng Y khoa Trung quốc và Việt Nam trong việc trị liệu bệnh tiểu đường .

                              Giáo sư Trần Đại Sỹ đã phê phán việc lạm dụng trà Khổ Đinh và nêu ra một số tác hại của việc dùng trà nhưng lại không dẫn chứng kết quả của một cuộc nghiên cứu khoa học nào trong vấn đề đó cả . Tuy nhiên bài diễn giảng cũng đã làm nhụt chí những người đang uống trà đắng với hy vọng chữa được bệnh tình của mình, vì thế sau đó việc khuyến khích uống trà Khổ Đinh đã dần dần tàn lụi .

                              Còn nói về trà và các loại dược thảo thiên nhiên chữa bệnh thì nhinhi nghĩ không có một loại nào chữa được bách bệnh cả . Theo nhinhi thì các loại hoa quả thảo dược như các vị thuốc bắc, thuốc nam được dùng như một nguồn cung cấp các chất bổ dưỡng để điều hòa cân bằng các yếu tố hoá học của cơ thể, giúp cho thân thể mình luôn khoẻ mạnh phòng chống được các bệnh tật mà thôi.

                              Bây giờ thì trở lại nói sơ qua về Trà đắng Khổ Đinh nha anh Marcel, chị Ct.Ly.

                              Trà đắng Khổ Đinh 苦丁茶 (hay còn gọi là Kuding Tea) là một loại trà đặc biệt mọc ở các vùng Giang Tô, Phúc Kiến, Quảng Tây thuộc Trung quốc và các tỉnh vùng thượng du Bắc Việt Nam. Trà đắng Khổ Đinh này vừa là trà uống vừa có tác dụng phòng và chữa bệnh . Uống trà Khổ Đinh khiến người ta dễ ngủ, hạ huyết áp, lợi tiểu, hạ cholesterol, giúp giảm cân, chống béo phì . Ngoài ra trà Khổ Đinh cũng được dùng khá rộng rãi trong việc phòng chống và chữa trị cảm lạnh cùng chứng nhức đầu đau cổ họng .

                              Theo một số kết quả nghiên cứu của Trung Quốc và Viện Dược liệu - Việt Nam, lá trà đắng có các thành phần sau:

                              - Nhóm chất Saponin: Có tác dụng tăng lực, tăng cường miễn dịch cho cơ thể, kích thích thần kinh, hạ huyết áp, lợi tiểu.
                              - Chất Flavonid: Có tác dụng tăng độ bền vững mạch máu, giảm nguy cơ tai biến mạch máu.
                              - Chất Carotenoid: là chất để điều trị các khối u lành và ác tính.

                              Gọi là trà Khổ Đinh vì trà này có vị đắng và sau khi sao thì lá trà cuộn lại giống như một cây đinh nhỏ . Khi pha chỉ cần bỏ vài ba lá trà vào cái ấm con rồi châm nước chỉ ở độ sôi nổi tăm mắt cá (khoảng 90 độ C). Nước trà có màu xanh trong vàng nhạt, khi uống vào có vị đắng ở đầu lưỡi nhưng sau đó khi xuống đến cổ sẽ giữ mãi một vị ngọt thanh nhẹ nhàng .
                              Loại trà này lúc trước ở VN nhinhi đã được uống qua vì người nhà có vườn làm trà ở Thái Nguyên, thật là một cảm giác khó quên.
                              <bài viết được chỉnh sửa lúc 03.04.2007 04:28:38 bởi nhinhi >
                              #15
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9