Giới thiệu sách y học
Asin 08.08.2004 07:59:56 (permalink)
Nỗi đau còn dài
Đọc sách: “Chất độc Da cam, Dioxin và Hệ quả” của tác giả Nguyễn Văn Tuấn
Hơn hai mươi năm qua, người ta nói nhiều về Chất độc màu Da cam (CĐDC)/dioxin và tác hại của nó trên con người ở Việt Nam, câu chuyện đó vẫn chưa lắng xuống mà gần đây lại nổi cộm lên.


Cũng đã trên hai mươi năm, Việt Nam đã thành lập Uỷ ban 10-80 chuyên nghiên cứu về tác hại của CĐDC lên cơ thể con người. Vài năm trước đây, một cuộc hội thảo có tầm vóc quốc tế về CĐDC được tổ chức ở Hà nội quy tụ hàng trăm khoa học gia trên thế giới. Đầu năm nay có ba nạn nhân của Chất độc màu da Cam ở Việt Nam đầu tiên phát đơn kiện các công ty sản xuất hoá chất Mỹ; tháng 3/2004, ông Len Aldis - Tổng thư ký Hội hữu nghị Anh - Việt đã kêu gọi những người có lòng nhân ái trên thế giới ký tên ủng hộ các nạn nhân CĐDC/dioxin Viet Nam; mới đây tại TP.HCM, Hội Nạn nhân CĐDC/ dioxin VN đã tổ chức hội nghị “Nối vòng tay lớn - Ủng hộ các nạn nhân CĐDC/dioxin VN”.

Làm nhiều như thế, nói nhiều như thế, kêu gọi được nhiều như thế mà mãi cho đến nay phía chính phủ Mỹ vẫn không đá động gì đến chuyện bồi thường hay ít ra cũng hỗ trợ cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi CĐDC. Lý do tại sao? Tại sao các cựu chiến binh Mỹ tham gia trong cuộc chiến Việt Nam trong thời gian có rải CĐDC mà mắc một số bệnh theo quy định thì được bồi thường, trong khi những người dân lành Việt Nam là những nạn nhân vô tội phải hứng chịu lấy nỗi đau “không biết tỏ cùng ai”? Cuốn sách “Chất độc Da cam, Dioxin và Hệ quả” của tác giả Nguyễn Văn Tuấn được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành trong trung tuần tháng Bảy vừa qua có lẽ là một phần nào giải đáp được câu hỏi đầy oan khiên đó. Đây có lẽ là lần đầu tiên một cuốn sách viết bằng tiếng Việt được hệ thống hoá tương đối đầy đủ, được hiểu và diễn dịch qua lăng kính của một nhà khoa học về “hành trình” của Chất độc màu Da cam.

Hân hạnh là một trong những người đầu tiên đọc được tác phẩm đầu tay của tác giả từ khi còn là bản thảo, tôi cũng thật bất ngờ và ngạc nhiên khi nghe tác giả thố lộ với tôi rằng ông đã ấp ủ vấn đề về CĐDC hơn thập niên nay. Tôi biết tác giả là một người “ngoại đạo” trong lĩnh vực môi trường và độc chất. Nhưng tác giả lại sở đắc một “vũ khí” quý hiếm để có thể tiếp cận vấn đề: là một chuyên viên nghiên cứu y khoa cao cấp của một trong những Viện nghiên cứu Y khoa hàng đầu của Úc và thế giới, được đào tạo chính quy về nghiên cứu Dịch tễ học, Thống kê sinh học và Dịch tễ học về Di truyền. Trong lĩnh vực của mình, tác giả là một người có tên tuổi trên trường quốc tế. Chính vì thế mà tác giả đã có thể “đơn thương độc mã”, âm thầm thu thập các tài liệu, chứng cứ để rồi tổng hợp, diễn dịch và lý giải số liệu. Tuy nhiên tác giả là ai, không quan trọng; ông giữ chức vụ gì cũng không liên can, điều quan trọng là tác giả đã viết gì và nói gì.

Cuốn sách được chia làm ba phần như tác giả trình bày, phần I mô tả về hoá chất dioxin, và lịch sử sử dụng hoá chất này trong cuộc chiến Việt Nam; phần II trình bày những nghiên cứu về ảnh hưởng của dioxin lên con người như ảnh hưởng của dioxin lên tỷ lệ giới tính, dị tật bẩm sinh, các bệnh như tiểu đường, ung thư, hệ miễn dịch; phần cuối là bàn về vấn đề tiếp cận bằng chứng khoa học và đề xuất hướng nghiên cứu trong thời gian hiện nay, đã 30 năm sau cuộc chiến. Nội dung cuốn sách được trình bày theo một logic nhân-quả: cái gì, tại sao, thế nào, hệ quả, phải làm gì? Cho nên dù có quá nhiều thuật ngữ chuyên ngành lạ tai nhưng thông tin vẫn chuyển tải được đến người đọc một cách có hệ thống và kết dính. Dù rằng nội dung của cả cuốn sách không phải dành cho tất cả mọi đối tượng, thế nhưng với một lương năng bình dân, người đọc cũng có thể tìm được đâu đó trong mỗi chương, mỗi phần một thông tin hữu ích và cần biết. Với bạn đọc có chuyên môn sẽ có thể tìm thấy đó là một dạng tiêu chuẩn của một bài viết nghiên cứu khoa học để tham khảo.

Có thể nói đây là một khuôn mẫu (standard) về một tổng quan y học cho bất cứ một sinh viên Y khoa nào muốn dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học, nó còn là một tham khảo quan trọng cho các đồng nghiệp về cách thức tìm hiểu, tiếp cận, diễn dịch và xử lý thông tin khoa học. Những con số rối rắm, ẩn tàng, mờ ám như chính bí mật của chiến dịch sử dụng Chất độc màu Da cam, dưới con mắt nghề nghiệp của tác giả nó đã “cất tiếng”. Trên hết tất cả, tác giả đã đứng ngoài mọi định kiến chính trị, suy nghĩ cảm tính để phân tích và nhìn nhận vấn đề. Những nhận xét của tác giả khá bình tĩnh và công tâm. Cho nên dù kết luận đưa ra có thể không làm hài lòng những người lên án hay những ai không tán thành hệ quả của chất độc màu Da cam sử dụng trong chiến tranh Việt Nam tác động lên người dân Việt Nam, nhưng đó là những kết luận khá xác đáng và có đủ chứng cứ khoa học.

Thông tin trong sách được cập nhật khá đầy đủ và rất mới, điển hình ở chương III, tác giả tóm tắt lại một nghiên cứu mới nhất của nhóm khoa học gia đại học Colombia (Mỹ) trong việc tái đánh giá lại quy mô sử dụng hoá chất trong cuộc chiến Việt Nam. Lượng dioxin được tái đánh giá lại là được sử dụng cao gấp 4 lần so với các báo cáo trước đây (ước tính là 366kg so với 100 hoặc 167kg trước đây), và ước tính số người có khả năng bị ảnh hưởng lên đến 4,8 triệu người (so với ước tính trước đây của Việt Nam là 1 triệu). Một điểm quan trọng nữa là trong nghiên cứu này lần đầu tiên đưa ra một đầu mối về vùng địa dư bị ảnh hưởng ở cấp độ thôn xóm-một gợi ý hết sức quan trọng cho một thiết kế nghiên cứu dịch tễ học về mức độ ảnh hưởng của dioxin lên quần thể dân cư và môi trường. Điều trân quý hơn là tác giả còn “lặn lội” liên lạc với nhóm khoa học gia công bố đề tài này để xin thêm số liệu bổ sung (bảng 2 chương ba, phần I). Hơn thế nữa, chính tác giả cũng là một đồng tác giả trong một nghiên cứu Siêu Phân tích (meta-analysis) để đánh giá mối quan hệ giữa Dioxin và dị tật bẩm sinh (chương 5 phần II).

Không như một bi hài kịch, nội dung bao giờ cũng đạt đến cực điểm nhưng rồi phải có điểm “thoát”, ở đây gấp cuốn sách lại rồi mà lòng còn nghẹn lên một nỗi uất hận. Từ đầu đến cuối cuốn sách người đọc có thể hình dung được rằng: “kẻ cắp” vẫn sờ sờ ra đấy, tang chứng đấy, vật chứng đấy, nhưng vẫn chưa thể nào liên kết những sự kiện với nhau lại để bắt “kẻ cắp” phải nhận tội. Đó là sự lạnh lùng của khoa học. Đó là “luật chơi” của kẻ mạnh. Tác giả đã cố gắng đứng ngoài những đánh giá cảm tính, những bức xúc của một con người, nhưng qua từng đoạn, từng chương của cuốn sách, người đọc có thể dễ dàng nhận thấy trái tim tác giả đang rỉ máu, nước mắt và nỗi đau của tác giả gửi gắm vào từng dòng nhận xét từng lời tạm kết.

Thừa nhiệt tâm, đủ khả năng, đầy trách nhiệm nhưng tác giả lại thiếu thẩm quyền. Chương kết là một lời kêu gọi, một đề xuất hợp lý cho những người có thẩm quyền cần phải đặt chương trình hành động cụ thể, chậm nhưng còn hơn không bao giờ. Hàng ngày hàng giờ lương tâm của bạn bè khắp nơi trên thế giới cảm thông, cắn rứt, đau khổ và chia sẻ với từng số phận của người dân Việt Nam, những ngưòi phải thừa kế bất đắc dĩ một di sản nặng nề của Chất độc màu Da cam. Nhưng chúng ta không thể dùng lời nói, dùng hình ảnh, dùng nước mắt để thức tỉnh lương tâm của chính quyền Mỹ. Chúng ta phải chứng minh bằng số liệu khoa học thuyết phục để mong phần nào đem lại công lý cho hàng triệu người dân Việt nam đã và đang phải hứng chịu một sự bất công của chiến tranh qua từng thế hệ. Cuốn sách được cố gắng diễn đạt ở một văn phong ‘bán khoa bảng’ và được Việt hoá cao nên đọc khá trôi chảy và dễ hiểu. Một cuốn sách cần đọc và đáng phải đọc.

Bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên, Australia

[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/upfiles/80/AB2B9E2B0C9946869B8D333F6EEA488C.jpg[/image]
Attached Image(s)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9