Tuyển tập những truyện hay cực ngắn
htdn 25.03.2007 22:18:38 (permalink)
Tú Anh
Vườn ngọc lan mùa đông
 
Năm cha đi, hình như tôi lên sáu tuổi. Tôi chạy theo níu lấy áo cha mà khóc tức tưởi. Cha khẽ khàng gờ tay tôi ra, bước đi lầm lũi. Khi ấy cha còn trẻ lắm. Mẹ cũng còn rất trẻ, cố siết tôi thật chặt trong đôi tay mảnh dẻ của người. Ngày hôm sau, tôi lại vui đùa, chạy nhảy bình thường, chỉ thi thoảng mơ thấy cha, giật mình dậy khóc ré lên rồi quên bẵng. Mẹ không khóc nhiều, làm việc liên miên suốt cả ngày, mắt mẹ rộng thênh thang và buồn hun hút.
Cứ mỗi mùa đông, mẹ lại cặm cụi bên các que đan len suốt cả buổi tối. Áo len của tôi nhiều lắm, toàn là những màu sắc sặc sỡ. Mẹ bảo" con mặc màu này, trông nhà mình ấm áp hơn". Ở trường, cô giáo vẫn gọi đùa tôi là Bướm. Tôi về kể, mẹ cười nhẹ nhàng:"Là Nắng, con thích không?". Tôi ngoan ngoãn gật đầu, vùi mặt vào chiếc áo len xanh lơ của mẹ. Từ ngày cha đi, mẹ chưa đan cho mình thêm chiếc áo nào. Tôi mở tủ ra kiếm tìm, những chiếc áo mẹ dành cho cha qua các mùa đông vẫn còn mới nguyên và lành lạnh vì chưa từng có hơi người. Lâu lâu, mẹ lấy chúng ra, thẫn thờ, mắt mẹ đã kéo vài vệt đuôi dài buồn bã.
Mẹ mang tôi về nhà nội rồi lặng lẽ bỏ đi. Một mùa đông, gió thổi vi vu qua vườn ngọc lân bên hông nhà nghe rờn rợn. Tôi phải ngủ một mình bên một mớ chăn gối ấm áo mà vẫn cảm giác buôn buốt lạnh. Tôi thôi cắt tóc ngắn ôm hai bờ má bầu bĩnh mà để tóc dài ngang vai, thích ngồi một mình ở vườn ngọc lan nhà nội. Cứ mỗi lần chải tóc cho tôi, nội bảo:"Mẹ con đẹp lắm. Người đẹp thường bạc phước". Tôi soi mặt mình trong chiếc gương con, gắng cười:"Con sẽ là người hạnh phúc. Con không giống mẹ, phải không?". Nội im lặng, nhíu đôi mày bạc, âu lo. Tôi đem ảnh mẹ ra ngắm nhìn, lòng quặn lên vì mình chẳng thừa hưởng một đường nét nào trên gương mặt mẹ.
Hoa ngọc lan trắng ngần và toả hương ngan ngát. Bạn bè đến chơi với tôi đông lắm, đơn giản vì mê vườn ngọc lan nhà nội. Tôi chỉ thích một mình ngồi giữa vườn hoa mà tưởng tượng, rồi có khi ngủ quên, dì Lan phải vực vào nhà, xoa dầu khắp người vì sợ tôi cảm lạnh. Tôi nhắm nghiền mắt, tận hưởng cảm giác ấm áo từ đôi bàn tay mềm mại của dì mà nhớ mẹ quay cuồng. Nghe đâu, mẹ đã có gia đình, sinh ra một bé gái, mắt tròn và long lanh như có nắng. Tôi khóc khi cứ đến mùa đông mẹ lại gởi áo lên về, những áo màu nền nã và dịu dàng. Người nhắn rằng:"Con gái lớn rồi, phải thế".Tôi trách âm thầm:"Mẹ đã có nắng rồi, nên đâu cần...", rồi tự mắng mình ích kỷ, ngồi tẩn mẩn đếm lại những chiếc áo len từ lúc bé thơ, giật mình vì những năm, những tháng đã đi qua nhanh quá.
Cha chẳng thấy về, dường như đã có gia đình mới. Cha không gởi áo lên cho tôi mà chỉ gởi những gì đảm bảo cho tôi sống đầy đủ và yên ả. Thi thoảng, tôi thử hình dung xem cha ra sao, nhưng ký ức mờ nhạt quá nên hình ảnh cha chẳng bao giờ hiện lên rõ rệt. Cha có viết thư, hỏi thăm về vườn ngọc lan nhà nội. Nội quét hoa rụng trắng xoá dưới gốc, lại hồi tưởng:"Mẹ con yêu ba con cũng vì vườn ngọc lan này. Hồi ấy, nó vẫn sang đây xin hoa về, chẳng biết để làm gì... Có lẽ là do duyên nợ". Tôi không ra ngồi hàng giờ ở vườn hoa nữa, nhưng đêm đêm vẫn nghe hương lạc vào tận chỗ nằm. Mùi hương cứ quấn quýt một nỗi nhớ nhung da diết. Nơi mẹ sống bây giờ, hẳn không có hoa ngọc lan. Nếu có, mẹ sẽ chẳng bình yên để tạo nên đốm nắng rất xinh của mẹ. Mẹ đang ấm áp, bao giờ cũng ấm áp, cho dù giữa mùa đông. Những ngày lạnh, tôi thường ăn rất vội bữa cơm chiều, sợ đối diện với vẻ cô độc già nua của nội, với nét lặng lờ trong dáng ngồi lơ đãng của dì Lan. Tôi mong hơi hướm của một người đàn ông trong gia đình. Tự hỏi sao  chừng ấy tuổi, dì Lan không đi lấy chồng, khi mà hương ngọc lan nhà nội nồng nàn, da diết. Tôi băn khoăn. Nội kể âm thầm:"Dì Lan là người yêu của ba con. Chẳng biết sao bọn nó..." Tôi gục mặt vào hai bàn tay, run rẩy. Cha vẫn đi biền biệt, không về.
Tôi xa căn nhà của nội vào thành phố học, nhắn mẹ thôi đan áo len cho mình. Thế nhưng, cứ đến mùa đông, mẹ vẫn gởi áo về cho cha, và dì Lan lại cẩn thận xếp vào ngăn tủ. Tự hỏi, có bao giờ cha quay về, đếm đủ tình yêu của những người ở lại dành cho cha không?
Cứ đến mùa đông, tôi lại trở về nhà nội, chỉ mong mang về một đốm nắng cho nhà ấm lên một chút, nhưng chẳng thể xua đi mùi ngọc lan lan toả bồn chồn....
#1
    htdn 25.03.2007 22:28:08 (permalink)
    Thuỳ Dương
    Mặt trái của phiên bản
     
    Mẹ tôi là một hoạ sĩ. Hồi còn bé, khi nhìn tôi, mẹ thường bảo lớn lên tôi sẽ đẹp trai như bố. Tôi không biết điều đó có đáng để tự hào không, ít nhất là trước mẹ tôi. Trong họ,  ngoài làng ai cũng biết bố tôi hào hoa và có sức quyết rũ phụ nữ. Tôi nghe bà nội nói rằng, khi bố tôi mất có đến ba người phụ nữ đến xin để tang và được mẹ tôi bằng lòng. Đến bây giờ họ vẫn hay đến thăm và đối xử ân cần với mẹ tôi. Bà nội khen tôi là một phụ nữ nề nếp, đôn hậu và kín kẽ.
    Lớn lên tôi được nhiều bạn gái theo đuổi. Nhưng tính tôi cả thèm, chóng chán. Tôi có nhiều cuộc chinh phục và nhiều cuộc chia tay. Mẹ không can thiệp sâu vào đời tư của tôi. Chỉ có đôi mắt mẹ là lặng buồn mỗi khi tôi mang về nhà một cô gái mới.
    Từ khu bố mất, niềm vui của mẹ là ngắm và sửa bức chân dung của bố do mẹ vẽ. Tôi ngạc nhiên vì càng ngày bức chân dung của bố mẹ vẽ càng thật hơn, đẹp hơn.
    Tối nay sau khi tiễn ra khỏi cửa - đúng hơn là "rũ" ra khỏi cửa - một cô gái mà tôi đã chán ngấy, tôi quay trở vào nhà. Mẹ đang ngồi trên salon ngắm chân dung của bố. Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống tấm thảm dưới chân mẹ, hỏi nhỏ:
    - Con giống bố con... có phải không mẹ?
    Mẹ tôi trầm ngâm rồi vuốt nhẹ tóc tôi:
    - Ừ, con rất giống bố. Nhưng, bố con khác con ở chỗ... bố con rất yêu quý phụ nữ và biết ơn họ, bố con cũng được họ yêu quý hết lòng. Còn con, mẹ e rằng... con chỉ nhận lấy sự thất vọng của họ thôi. Con đã giống bố con ngày trẻ như một phiên bản. Mà con biết đấy, phiên bản nào cũng có hai mặt, con là mặt trái của phiên bản ấy.
     
    #2
      htdn 25.03.2007 22:43:48 (permalink)
      Đặng Anh Đào
      Chú bé bán báo
       
      - Báo mới đây!Báo mới đây! Ngàn lẻ một vụ li dị!Phỏng vấn con bệnh si đa đây!Cô dâu đã xử sự thế nào trong đêm tân hôn?...
      Chú bé hoa chiếc loa, gào lên bài học thuộc lòng. Xe buýt sắp chuyển bánh. Một hành khách lưỡng lự, rồi quyết tâm móc tiền, chìa ra cho chú bé. Tức thì mấy người ngồi quanh như bị lây, cũng móc túi lấy tiền mua báo. Một bà béo rút khăn chấm nước mắt:"Ôi! ở đây người ta viết nẫu cả ruột!Lấy nhau rồi bỏ nhau, đứa bé đi bụi đời!". Ông đeo kính ngỏng cổ cò, giơ ngón tay, đặng hắng, giọng nghiêm khắc:"năm 94 là năm gia đình!Quốc tế bảo vệ gia đình!".
      Chú bé lần đầu tiên nhìn vào tờ báo. Xưa nay nó đi bán báo nhưng không bao giờ xem báo. Nó đọc thuộc lòng những tít giật gân mà chẳng để ý xem mình đang nói gì. Một khách ngồi ở cuối xe đưa trả lại tờ Model 94"Này! bán cho tao tờ báo giống của bà kia cơ!". Chú nhìn chồng báo: đang còn một tờ, cái tờ báo đã làm bà béo thút thít. Nhưng nó ngẩng đầu:"Cháu hết số ấy rồi!".
      Nó tụt xuống xe, lao tới cái nhà ấy, quên cả bán báo. Nắng trút lửa, rồi cơn giông ập xuống. Sao hôm nay ông ấy về muộn thế? Nó đói, nó lo báo ướt, lo không bán nốt được chỗ báo còn lại. Trước đây bốn năm, khi bỏ mẹ con nó, ông ấy nói với nó:"Bố không muốn cướp nốt con của mẹ. Mẹ chỉ còn con làm chỗ dựa..."Giờ thì đúng như vậy. Mẹ nó ốm, nó đi bán báo. Hai mẹ con sống trong một gian phòng mỏng manh ọp ẹp, như làm bằng giấy báo.
      Đến quá trưa, ông ấy mới về, đỡ thằng con nhỏ từ trên xe bước xuống. Ông nhìn thằng bé bán báo sụp chiếc mũ cói gần kín mặt đang chìa tờ báo. Ông có đọc thứ này bao giờ? Nhưng thằng con nhỏ đã cầm lấy một tờ... Họ đã bước vào, thằng bé bán báo vẫn nhìn trân trân vào ngôi nhà. Chợt cánh cửa sổ mở tung. Ông ấy và đứa bé thò đầu ra cửa sổ. Một cánh thuyền bằng tờ giấy báo- tờ báo viết về"Ngàn lẻ một vụ li dị" - từ từ trôi ra, cùng tiếng cười giòn tan trong mưa rơi. Có tiếng đàn bà dịu dàng"Ồ! Anh đóng cửa lại đi! Mưa tạt ướt hết nó rồi!".
      Chiếc thuyền dúm dó, lềnh bềnh trôi ra cống. Thằng bé bán báo lấy mũ cuộn chặt mấy tờ báo còn lại, chạy ra giữa trời, giọng rao khản đặc:
      - Báo đây! Báo mới đây! Ngàn lẻ một vụ li dị!...
      #3
        htdn 25.03.2007 22:50:25 (permalink)
        Ngô Vinh
        Phong bì rỗng
         
        Nhận thư của dì Lan ở Mỹ gửi về, tôi mừng khắp khởi, hồi hộp mở phong bì. Lạ thật, bên trong chả có gì. Dấu bưu điện hai nước còn nguyên, mép dán không suy suyển. Tôi đi ra, đi vào, nghĩ ngợi lan man
        Cô em tôi ở phòng bên nghe có thư, chạy vội sang:
        - "Thư trước chị Lan gửi cho em nói thư này sẽ viết cho anh và em đầy đủ hơn. Anh cho em xem thư với".
        Tôi đưa cho cô chiếc phong bì rỗng.
        -"Thôi, đừng đùa nữa anh", em tôi nói.
        -"Thật đấy, chỉ có thế". Tôi bực mình, xẵng giọng.
        Cô không giấu vẻ nghi ngờ, hậm hực bỏ về phòng mình. Chú em rể nhìn tôi, vẻ khang khác. Mấy ngày liền, câu nói, tiếng cười vắng lặng. Hai buồng liền kề mà như phố xa cách.
                                               *
        Tháng sau, chị Lan về, mọi sự được giải toả. Anh em tôi nhìn nhau, ngượng ngập.
        #4
          htdn 26.03.2007 22:24:30 (permalink)
          Truyện nầy trong thư viện đã có rồi.
           
          http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nqnmn3n31n343tq83a3q3m3237nvn

          Mời bạn đọc kỹ Thông báo box Truyện trước khi đăng bài.
          Xin cảm ơn.

          __________________________

          Phan Thị Vàng Anh

          Chị em họ

          Cả họ xem Hà như một tấm gương sáng. Hà sạch sẽ , vô cùng lễ phép, năm nào cũng đi thi học sinh giỏi văn. Thuỳ - một chị họ của Hà nhận xét:"Thi giỏi văn, có gì là hay?". Dù thế, ba mẹ Thuỳ vẫn quyết định đổi trường cho nó. Thùy mắt ngấn nước, cãi:"Con không thích học chung với họ hàng!Con học ở đây quen rồi, ở đây có bạn nhiều!". Hai người lớn nghiêm nghị bảo:"Ở đâu cũng sẽ có bạn thôi!" và mọi chuyện coi như được khoá lại.
          Trong nhà, Thuỳ không có bạn, nói đúng ra, không ai rảnh mà làm bạn với Thuỳ. Chỉ có ngoại, nhưng ngoại lại ở xa.Ngoại nói:"Nó như con bụi đời con!". Ngày đầu từ trường mới về, Thuỳ đạp xe ngay đến nhà ngoại. Trên đường đất, mưa tuôn nhẹ nhàng, đều đều, tưởng như không bao giờ tạnh nổi.Thuỳ nằm dài trên phản gỗ, bảo:"Con Hà chán lắm ngoại ơi!". NGoại cười:"Đúng rồi!...Nó ngoan nhưng cứ rù rì, buồn lắm... Thế hai chị em có đi với nhau không?".
          Thuỳ cau có, dài giọng:"Không!...Ra chơi, nó đứng tựa lan can vài giây rồi vào lớp ngồi tiếp. Con hỏi :"đi chơi không?". Nó bảo ở dưới sân đông, mệt lắm. Thế là con phải ngồi lại vì con có quen ai đâu!". Thuỳ nhìn mưa len lỏi qua những tàn dừa, buồn rầu. Nó nhớ lớp xưa, trường xưa, nhớ đám bạn lắm mồm, nói suốt năm tiết vẫn không hết chuyện. NGoại bảo:"Con mệt thì ngủ đi!" Rồi an ủi:"Không sao đâu, con Hà hiền, ngoan lắm!". Thuỳ mơ màng ngủ, nó mơ thấy mình hỏi Hà sỗ sàng:"Có bệnh gì không mà sống lờ đờ như người ốm vậy?".Hà trả lời ngây ngô:"Không bệnh, nhưng sợ đông người". Trong mơ cũng có mưa, và gió ẩm ướt thổi quanh, mát rượi.
          Mẹ hỏi:"Sao không rủ em Hà đi học cho vui?". Thuỳ dắt xe lách qua khe cửa hẹp vanh, trả lời vội vàng:"Thôi, nó đi chậm như rùa, con lại thích đi học sớm!". Nó tự nhủ:"Dở quá,từ đầu năm tới giờ, chưa khi nào mình là người đầu tiên vào trường cả!". Luôn luôn có những kẻ đến sớm hơn Thuỳ, hoặc là một cái xe dựng cô độc trong bãi còn vắng tanh, hoặc một anh chàng đứng tựa lan can lớp học nhìn như quét khắp sân trường rộng lớn. Thuỳ tự an ủi:"Chắc chúng nó gần nhà!"rồi ung dung vào lớp.Trên bảng đen, bài giảng lớp học chiều qua xen lẫn những câu viết đùa chữ to, chằng chịt. Thuỳ cất cặp rồi một mình giở ghế lên sẵn cho tổ trực, nó nghĩ:"Mình thật khoẻ, mình phải làm thật nhanh trước khi có người khác giúp!". Xong việc, cũng là lúc tổ trực vác chổi vào, cả bọn xúc động hỏi:"Thuỳ làm đấy à!". Hầu như ngày nào cũng thế mà vẫn không hết bất ngờ, chỉ có Hà nhìn Thuỳ ái ngại, nó nói nhỏ:"Chị làm thế làm gì, việc tụi nó mà!". Thuỳ đáp cụt lủn"Rảnh thì làm!", nó muốn nói thêm:"Tao  cũng không thích mày, mày trốn quét lớp luôn", rồi lại thôi, nghĩ làm thế người ta sẽ cười hai chị em, đành lặng lẽ đi chơi chỗ khác.
          Giỗ ông, tất cả đổ về vườn của bà. Thuỳ ngủ lại trước đó một đêm, giết gà, làm vịt. Xong việc, nó lấy xe chạy lăng quăng. Trên những con đường quê sau mùa mưa thơm nồng hoa đêm, vài đứa trẻ con đi dạo dạo, dựa nhau hát vọng cổ ngân nga. Thuỳ nghĩ:"Tụi này vui thật!". Buổi sáng, các dì, các cậu khen:"Thuỳ thật là chăm". Mẹ bảo:"Ui!Lười học lắm!". Thuỳ ngồi rửa rau, kêu to uất ức:"Con lười học hồi nào!". Mẹ nghiêm mặt, ý bảo:"Hỗn!Không được cãi người lớn".Thuỳ im bặt. Nó nghe tiếng Hà nhỏ nhẹ:"Con chào ngoại, con mới tới!Con chào... Em chào...". Mọi người lại khen với nhau:"Người lớn ghê!". Hà đứng xa xa, hỏi:"Chị Thuỳ có cần gì không, em phụ?". Thuỳ bảo:"Không, Xong hết rồi". Hà lên nhà trên, các dì chú lại khen Hà giỏi, nghe đâu lại mới đi thi gì đó cho trường. Thuỳ đổ chậu nước, nó nghĩ:"Không ai biết rõ nó bằng mình. Nếu mình kể ra nó ích kỷ, nó không có bạn chơi, mọi người sẽ nói là mình ganh nó giỏi". Rồi Thuỳ buồn bã nghĩ, mà sao mình không giỏi nhỉ? Hồi bé thầy vẫn khen mà? hay tại mình lớn ham chơi?Nãy mẹ nói mình lười chắc cũng đúng...Nước trào ra khỏi chậu, ngoại giục:"Rửa kìa Thuỳ!Con nghĩ gì vậy?". "Con không nghĩ gì cả!". Rồi nó thả vào chậu nước đầy những nắm rau xanh ngắt.
          Như cả họ đã dự đoán, cuối cùng Hà cũng lên truyền hình. Cả nhà chăm chú ngồi xem cảnh Hà ngồi đọc bài đêm khuya, bên cái đèn còn mới tinh. Hà cầm chổi dịu dàng quét lớp... đến cảnh Hà giúp mẹ làm cơm, rửa chén... Thuỳ muốn kêu lên:"ơ, mọi ngày dì Tư có để nó làm gì đâu!" nhưng kìm được, sợ mọi người lại bảo mình ganh. Nó chỉ hét lên bực tức khi thấy nhỏ Sương đứng cười bẽn lẽn bên Hà, kiểu bạn thân, cùng tiến:"Con này vẫn hay nói xấu con Hà, thế mà cũng vác mặt lên đây được!". Mẹ bảo:"Còn hơn mày không bao giờ được lên đâu!".
          Thuỳ nghĩ, có cho lên, khéo mình cũng xin thôi. Nếu chị phóng viên hỏi:"Hằng ngày em làm gì?"Chẳng lẽ lại tả, em hùng hục đi học sớm để bưng ghế, kéo bàn, em hay đạp xe lăng quăng ngoài đường. Rồi còn bạn thân, biết chọn đứa nào, bỏ đứa nào, cả một lũ lau nhau, ai mà cho lên ti-vi hết được, rồi kéo lại giận nhau, lại bảo"Mày quên tao" mà từ xưa tới nay có khi nào Thuỳ quên ai được!
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.03.2007 22:51:10 bởi NuHiepDeThuong >
          #5
            htdn 28.03.2007 14:34:38 (permalink)
            Nguyễn Bản
            Sông Lấp
             
            Mão rẽ vào thăm con. Bé Lưu cũng ngả vào lòng bố. Nhưng nó vẫn gọi bằng chú, thói quen từ khi biết nói, mặc dầu tôi vẫn mắng nó, hôm nay vẫn mắng:
            - Bố đẻ của con, con phải gọi bằng bố!
            Con bé oà khóc, vùng chạy úp mặt vào cánh cửa. Tôi nao lòng.
            Nghe anh nói, tôi càng nao lòng. Người tôi nổi gai. Tôi cũng vẫn thế, không đổi được ư?Mối tình đầu tôi đã liệm và mai táng nó. Tôi đã đoạn tang. Cũng đã hết lòng căm giận. Có thật tôi đã nguội lanh rồi không?
            - Anh dỗ nó đi, em đi giặt.
            Thực ra tôi chạy trốn. Tôi chỉ kìm nổi nước mắt khi ra tới bờ sông.
            Con sông trôi bao kỷ niệm êm đềm, cũng là con sông mấy lần tôi định đâm đầu xuống, sau những lần nghỉ phép, vay phép, lếch thếch bế con xuống Hải Phòng, rồi lại lếch thếch bế con về, mỗi lần một cay đắng hơn.
            Tôi vẫn nghĩ lái xe mấy ai không bồ bịch,nhưng rồi sẽ chán, vì chẳng có ai có thể yêu. Mão bằng mình. Năm năm chờ đợi, lúc Mão còn tại ngũ ở Tây Nam, đi làm, dành được đồng nào, lại vào thăm cho đỡ nhớ nhung. Bố tôi chửi bảo Mãi mắt trắng, môi thâm, không tin được. Tôi lại thấy mắt đen, môi đỏ.
            - Con chỉ cần sống với anh ấy một ngày, cũng sướng một đời.
            Ô hay, cầu một ngày, được những hai năm, cho tới khi bé Lựu bập bẹ, còn khóc nỗi gì.
            Đoan lau nước mắt cho tôi. Đoan cũng lính biên giới, nhưng phía Bắc về, thợ điện cơ quan. Được, đã thế, đây cũng bồ bịch. Tôi nghĩ vậy, bất cần đời, đơn giản, vì Đoan trai tân, kém tôi hai tuổi, thiếu gì gái mười chín, đôi mươi. TRước đó, vẫn mày tao,"Đoàn, chữa cho tao cái cầu dao"."ăn kem, chị cho một cái"."Xì, chị tao á?"... và Đoan cười, hàm răng đều nhỏ, có lẽ đến già trông vẫn trẻ con. Ngờ đâu, Đoan yêu tôi thật, yêu bằng ánh mắt và tình yêu bé Lưu. Con bé suốt ngày quấn lấy Đoan. Dư luận ầm ĩ, trai tơ, gái nạ dòng, chồng bỏ rơi. Ông phó giám đốc, chú ruột Đoan, lộn ruột, tát vào mặt cháu ngay tại phòng tôi. Bé Lưu ôm chân Đoan nức nở.
            Tôi càng rối bời, khi mẹ chồng lên khuyên tôi nghĩ không lương mấy tháng, xuống Hải Phòng dọn hàng giải khát, nhà bà mặt đường, bên sông Lấp, gần nhau, mọi chuyện sẽ êm dần.
            Nhưng hai tháng, sáu mươi đêm, đêm nào cũng giống đêm nào, một hai giờ sáng. Mão mới về, hơi bia nồng nặc, dội nước ùm ùm, rồi vào nằm cạnh tôi, như con trâu mộng bên cái xác ve, quay mặt, ngáy liền một mạch tới sáng.
            Ôi giá một đêm, Mão thức giấc, nắm bàn tay tôi (bàn tay thôi), tôi sẽ oà khóc.
            - Tắm nữa đi, tắm bằng nước mắt của em cho tỉnh lại, cái đồ lú lẫn, cái đồ phụ bạc mắt trắng môi thâm.
            Mão nói toẹt ra đã yêu người khác.
            - Sự thể như thế, ở được với nhau thì ở.
            - Em không thể ở như thế được.
            - Vậy làm đơn đi, anh ký.
            Đơn viết bằng nước mắt, nước mắt nuốt vào, quánh đen thành mực, cần gì Mão ký.
            Đoan không giận tôi:
            - Thôi cứ thế cho hết nhe, có điều mấy tháng anh nhớ con bé quá.
            Đơn mình tôi ký, trở thành bên nguyên.
            Hai năm bướm hoa đã chán. Mão đến chỗ tôi nhiều lần, tha thiết chuộc lại lỗi lầm.
            - Nhưng thiếu bố Đoan, con bé buồn chết mất!
            - Con anh, chỉ anh mới là bố nó.
            - vậy anh thử xem, em sợ nay mới là bố thì hơi muộn.
            Và chiều nay, Mão thử. bé Lưu khóc. Mão rầu rĩ:
            - Thôi cứ để nó gọi anh bằng chú, còn hơn phải gọi bằng bố mà quay mặt đi sụt sùi thế kia.
            Tôi lại rơi nước mắt ở bờ sông.
            Tối, nằm bên Đoan, tôi hỏi:
            - Sông có linh hồn không anh?
            - Có chứ.
            - Khi nó bị lấp, hồn nó còn không?
            Trời ơi, sao mãi tôi vẫn chưa yêu Đoan bằng trước đây yêu Mão, mặc dù tôi đã cố rất nhiều.
            - Đừng giận em, nhé. Có phải em không muốn yêu anh gấp mấy thế đâu.
            Tôi đã cùng Đoan bơi trên dòng sông khác.
            Thế mà chiều nay nước mắt vẫn rơi. Có phải những giọt nước mắt cuối cùng của con sông xưa đã thành sông Lấp hay không?
            Hồn mày đấy ư, sông Lấp ơi!
            #6
              htdn 28.03.2007 22:09:53 (permalink)
              Lê Hồng Bảo
              Nước mắt muộn mằn
               
              Thằng cu Điu lừng khừng bước ra khỏi bầu không khí mát lạnh của bệnh viện. Giọng sang sảng của vị bác sĩ như còn dội vào đầu nó chan chát:”Sáu trăm ngàn... làm thủ tục nhập viện...”.Những âm thanh rượt đuổi nhau thúc bách, dồn dập... khuôn mặt mẹ nó chợt hiện lên. Mỏng lét và nhợt nhạt. Mái tóc bù rối... đôi mắt lạc thần... và đôi môi run rẩy...
              Cảm giác mát lạnh không còn nữa... Nó thấy mình đang đối diện với cái nắng trưa bạc màu phố xá, cái oi nồng bức bối đời thường. Nó như trôi trong mơ giữa muôn ngàn cái thực. Tuổi thơ nó chưa tưng biết đến ông Bụt hay cô Tiên. Trong mơ nó thường mong gặp các anh chị trong nhóm Công tác xã hội. Nó thích kể lể với họ những điều mà nó không thể nói trong tương lai... Rằng mới đây nó đã lén hút thử một điếu bồ đà... Rằng thỉnh thoảng nó bắt gặp thằng Tâm bi - lắc còn làm vài “phi vụ” lẻ tẻ nhưng vẫn làm ngơ... Rằng nhiều lúc nó cũng muốn làm một “cú“ cuối cùng để có tiền chữa bệnh cho mẹ nó... Và sao lúc này chẳng thấy các anh chị ấy đâu kia?
              Nó nhớ lại lần đầu nó gặp anh Tiến trong hoàn cảnh thật... trớ trêu:Nó “xoáy” được một cái bóp rỗng tuếch tiền bạc nhưng chật căng giấy tờ. Chiều hôm đó, thằng Hải lé dẫn anh Tiến đến gặp nó để... xin lại. Hoá ra, anh không chỉ xin lại bóp giấy tờ mà còn “xin” nó trở về với người mẹ đau yếu của nó. Nó biết, mẹ nó vì lo buồn cho nó mà sinh bệnh. Nhưng không ai nói đến điều đó cả! Lần đầu tiên, nó được nghe những cụm từ:” ý chí phấn đấu”, “nỗ lực vượt khó”... Nó thấy mình chững chạc hẳn lên!Nó chỉ” được” gán cho cái lỗi... nhẹ hều:buông xuôi trong cuộc sống, phó mặc cho số phận... chả bù với mấy “mẹ” ngồi chợ, luôn miệng chửi rủa bọn nó là :”quân cướp cạn”,”lũ gian manh”... Dù sao thì, bên nặng bên nhẹ, nó cũng cảm thấy hài lòng là cuộc đời đã có lúc ... công bằng với nó!
              Từ ba tháng nay, nó đã biết đến cảm giác sung sướng, tự hào với những đồng tiền ít ỏi kiếm được từ việc bán báo, bán vé số... Nhưng bệnh tình của mẹ nó như miếng bọt biển đã hút sạch mọi khoản tiền ấy.
              Nó muốn nghẹt thở khi nhìn thấy tờ “100 đô” được nhét cẩu thả vào túi quần sau của một du khách. Ý thức của nó như đóng băng, tê cứng. Một giây... một phút... hay một giờ đã trôi qua? Khi hoàn hồn, nó thấy mình đang đứng trong một con hẻm vắng. Bàn tay phải lạnh toát của nó đang nắm chặt tờ bạc. Những ngón tay co quắp như cố bấu víu vào niềm hy vọng vô tri này. Không đắn đo, nó đi thẳng đến một tiệm vàng gần đó... Nó mặc kệ vẻ nghi hoặc trên khuôn mặt ông chủ tiệm. Nhưng khi nắm cọc tiền dày cộm trên tay, nó cảm thấy bủn rủn cả người... Cố hết sức, nó rảo bước về phía bệnh viện.
              Vừa bước vào hành lang, nó đã thấy anh Tiến, chị Hương và cả con Nhàn nữa... Con Nhàn mặc đẹp hơn thường ngày, nhưng mấy nhánh hoa trên tay nó có vẻ hững hờ. Chị Hương coi bộ không xách nổi chục cam và mấy lon sữa. Anh Tiến cứ hết đưa tay nọ đến tay kia lên sờ nắn cái phong bì lấp ló trên túi áo. Mọi người lúng túng như vừa phạm tội. Một thoáng hoang mang trên khuôn mặt họ khi nhìn thấy cọc tiền trên tay nó. Nó tưởng như mọi người đang giễu cợt nó. Bất cần!Nó đẩy mạnh cửa phòng cấp cứu. Hơi lạnh đột ngột tràn ra làm nó rùng mình. Cọc tiền vụt khỏi tay nó rớt xuống sàn nhà và bắn ra tung toé. Không thấy mẹ nó trong phòng!Một bàn tay nhỏ nhắn rụt rè kéo nó lại. Nó bỗng cảm thấy hụt hẫng và rơi... rơi mãi xuống một nơi mù mịt, không đáy. Giọng anh Tiến khàn đục và chùng xuống thật thấp như để bắt kịp nó:”Mẹ em được đưa vào nhà xác rồi... cách đây năm phút... muộn quá!”.Tai nó ù đặc. Nó không rõ anh Tiến nói cái gì”muộn”. Anh đến muộn? Mẹ nó được đưa vào bệnh viện muộn? Hay chính nó trở về muộn?
               
               
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.04.2007 21:15:25 bởi Ct.Ly >
              #7
                Chuyển nhanh đến:

                Thống kê hiện tại

                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                Kiểu:
                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9