TRUYỆN KỂ CON RỒNG phan vịnh
thaisan 26.03.2007 19:33:20 (permalink)
TRUYỆN KỂ CON RỒNG

Phan-Vinh


Phần I.-

TÌM LONG ĐIỂM HUYỆT NGÀY XƯA
 
Truyền thuyết dân gian thời xa xưa. Những ngày tôi còn thơ ấu mùa hè nghỉ học ở nhà đi làm mục đồng chăn trâu cùng với một cụ già trong làng,lão Lai, ông cụ là người có học Hán Nôm, thuộc vào hạng trí thức văn hoá thời ấy.
Ông cụ thấy tôi là học trò được thầy đồ dạy dỗ lễ phép, nên ông rất thương mến, những ngày cho trâu ra đồng chăn thả hai ông cháu tôi vẫn quanh quẩn bên nhau, tôi rất thích ông cụ kể chuyện đời xưa, những chuyện  văn học lịch sử địa lý của Tàu của Ta, truyện Tàu thì có các nhân vật anh hùng như : Việt-Vương Câu-Tiễn, Kinh-Kha, Nhiếp-Chánh, Trương-Lương, Lưu-Bang, Hàn-Tín, rồi đến Lưu-Bị, Quan-Công vv…
Nhưng hồi ấy tôi mê nhất là truyện Tây-Du-Ký.
Còn truyện Ta thì Lạc-Long-Quân, qua sáu đời vua Hùng, rồi tới Thánh Gióng dẹp giặc Ân, tới Trưng-Trắc, Trưng-Nhị, tới các vị vua chúa đời xưa Đinh-Bộ-Lĩnh , Lê-Lợi, Quang-Trung .v.v…

Ngày nào tôi cũng năn nỉ ông cụ kể chuyện cho tôi nghe, từ chuyện Tàu đến chuyện Ta,  tôi càng nghe ông kể càng thích thú.
Những chuyện Việt-Nam tôi thích nhất là Đinh-Bộ-Lĩnh, nhỏ cũng đi chăn trâu như ông cháu tôi, bẻ bông lau làm cờ tập trận, sau lớn lên chiêu mộ binh sĩ đánh trận dẹp  được mười hai sứ quân, thống nhất  đất nước, xưng Vua là Đinh-Tiên-Hoàng-Đế.
Tôi nghe ông cụ kể dứt câu, tôi thích quá, ước gì  ông cháu mình làm được như ông Đinh-Bộ-Lĩnh ngày xưa ông hỉ:

-Ông nói lại không được mô cháu ơi. Ông ấy là con của trời sai xuống trần gian mới được như rứa.
Ông cụ nói tiếp:

-Ông cũng có nghe mấy cụ già đời ông cố ông cha kể lại cho  ông nghe như thế nầy…,  để ông kể lại cho cháu nghe.
Tôi thích quá xúi:

-Ông kể tiếp cho cháu nghe đi ông.
Ông lại kể :

-Ngày xưa các ông thầy Địa-lý thường hay đi tìm long điểm huyệt, nếu chôn hài cốt của cha mẹ nằm trúng hàm  con rồng thì được phát làm vua hay làm quan to trong triều đình, nếu không được làm vua quan cũng được giàu sang suốt đời sung sướng, ông nói tiếp:
-Ngày xưa có mấy ông thầy địa lý ở bên Tàu hay sang nước mình tìm long điểm huỵêt. Ở ngòai Bắc có mấy con sông lớn lắm, không biết  là sông Hồng-Hà hay Thái-Bình gì đó? Ông Đinh-Bộ-Lĩnh thả trâu chăn trên bờ sông đến trưa trời nắng nóng, trâu của ông xuống sông để đằm cho mát, ông cũng lội xuống sông tắm rửa bơi lặn, gặp một con rồng khổng lồ đang nằm dưới dòng sông, làm bạn với ông rất là dễ thương, nên thường ngày trời nóng, trâu xuống sông đằm ông cũng xuống tắm lặn xuống cỡi con rồng chơi cả tiếng đồng hồ mới lên bờ cỡi trâu về nhà.
Hàng ngày có một ông thầy địa lý người Tàu biết dòng sông nầy có một con rồng đang nằm dưới đáy sông, ông ấy ngày nào cũng đến ngồi trên bờ sông theo dõi tình hình thấy cậu mục đồng bơi lặn xuống sông cả tiếng đồng hồ mới lên, ông ta nghi kỵ chắc có chuỵện bí ẩn gì đây, nên ngày nào ông ấy cũng lân la dò xét.

Một ngày nọ ông tìm cách  làm quen với cậu bé chăn trâu nầy, ông mang quà bánh đến tặng  rồi chuyện trò dò hỏi. Hôm nào ông ấy cũng đến thật sớm ngồi trên bờ sông rình chờ cậu bé tắm xong bước lên bờ thì ông ta mò đến tặng quà và hỏi thăm cậu bé. Câu bé cũng vui vẻ nói chuyện , ông ấy hỏi cậu bé hôm nào cháu cũng lặn xuống sông làm gì mà lâu đến thế ?:
-Nói thật cho bác nghe rồi bác cho cháu thêm tiền nữa đấy. 
Cậu bé kể :

-Cháu lặn xuống chơi với bạn cháu vui ơi là vui, bạn cháu là một con rắn khổng lồ rất hiền hòa vui vẻ, nhanh nhẹn bữa nào cháu cũng giỡn với nó, cháu cỡi lên lưng rồi sờ mó râu ria mồm miệng nó hiền khô bác ạ.
Ông thầy địa lý bảo:

-Vậy thì cháu tả hình dáng con rắn ấy cho bác nghe xem nào ? 
Cậu bé cũng tả thật :

-Đầu nó to có nhiều sừng, lại có hai sợi râu dài, hai con mắt nó lồi, miệng rộng mình dài có vẩy, đuôi có nhiều vi, bốn chân có móng vuốt đại khái là như vậy đó bác ạ.
Ông ta chẳng còn nghi ngờ gì nữa đích thật là có con rồng nằm dưới dòng sông nầy rồi. Ông ta đi về nhà suy nghĩ tìm cách làm sao đưa được hài cốt của ông bố đến nằm trên hàm con rồng, để ông và con cháu sau này phát đạt làm vua quan giàu có, ông ta cũng hiểu rằng : - Để được hài cốt trên hàm thì được làm vua, trên lưng thì được làm quan, hay giàu có, ừ nếu ai đó không hiểu xui mà trúng nhằm cái đuôi thì tán gia bại sản. Nếu con rồng nầy mà nó nằm dưới lòng đất thì quá dễ đối với ông, chỉ về mang hài cốt đến đào đất lên để xuống ngay cái hàm là hay biết mấy. Ngặt vì một nỗi nó nằm yên giữa dòng sông thì thật là khó nghĩ cách thực hiện ý đồ, dưới nước thì làm sao mà để hài cốt lên hàm  được, nếu có để lên được nó sẽ trôi đi mất.
Đêm về ông không ngủ được, cứ nằm suy nghĩ mãi, cuối cùng ông cũng tìm được một cách:
-Chỉ có cho vào mồm để nó ngoạm càng tốt, nếu nuốt vào bụng thì cũng hay.
Ông ta quay trở lại dòng sông tìm cậu bé mục  đồng để thương lượng dụ dỗ.
Khi ông đến găp lại cậu bé trước hết ông ta tặng quà bánh, hai bác cháu tâm sự với nhau một lát rồi ông ấy hỏi cậu bé cháu chơi với bạn vui như thế mà có khi nào nó há mồm cho cháu thò tay vào được không ?
Cậu bé trả lời với ông, tưởng gì chớ cái đó thì dễ ợt, cháu còn đút cho nó ăn quà bánh của bác cho và ăn cơm của cháu nữa cơ. Ông vừa nghe cậu bé nói dứt câu,  trong bụng ông ta vô cùng phân khởi, ông ấy nói với cậu bé, bác có một gói quà để tặng cho bạn cháu, không hiểu bạn cậu có chịu nhận của bác không ? Cậu bé nói lại :
-Nếu bạn ấy không nhận cháu sẽ tìm cách thuyết phục chắc bạn ấy sẽ nhận ngay.
Ông ấy nói :
-Nhưng khốn nỗi nhận của bác, bạn ấy phải tiêu dùng, bằng cách ngoạm vào miệng càng tốt, nếu nuốt vào bụng cũng được, chứ nhận rồi bỏ đi thì không nên.
Cậu bé nói:

-Đương nhiên nhận thì phải  dùng chứ.
-Nếu được như lời cháu nói thì bác trọng thưởng cháu rất hậu. Cậu bé hỏi lại:

-Nếu cháu làm được như ý định của bác, bác tặng cháu món gì nào ? nói thật ra đi cho cháu biết mới đuợc.
Ông ấy trả lời:

-Bác sẽ tặng cháu một ngàn lạng vàng được chưa ? 
Cậu bé nói:

-Nếu đúng như lời hứa cháu sẽ giúp bác, bác thật là người giàu có và tốt bụng.
Cậu bé suy nghĩ bâng quơ một lát, rồi thưa lại với ông rằng:
-Bác cháu mình nói chuyện với nhau như vậy, nhưng bác thư thả cho cháu một vài hôm để cháu còn thuyết phục bạn cháu đã, bạn cháu có chịu hay không sẽ trả lời với bác một ngày gần đây.
Ông ấy dặn dò với cậu bé một lần nữa:

-Cháu ráng cố gắng giúp bác, bác thương cháu lắm.
Rồi hai bác cháu chia tay, ông ấy ra về rất phấn khởi,  ông tự cho mình là thông minh, nghĩ ra được một kế thật hay, trong lòng ông rất tràn đầy hy vọng, ý nghĩ của ông tiền nhiều thì làm cái gì mà không được.
Hai hôm sau ông  ấy trở lại tìm cậu bé hỏi:
-Việc bác nhờ cháu giúp đã đi đến đâu rồi ?
Cậu bé trả lời:

-Cháu đã thuyết phục bạn cháu rât vui vẻ và chấp nhận .
“ Chuyện giữa con rồng và cậu bé Đinh-Bộ-Lĩnh chỉ có trời mới biết”.

Cậu bé mục đồng bảo ông ấy bác cứ về mang gói quà của bác đến đây cháu  sẽ giao cho bạn cháu tiêu dùng được chưa?  Nhưng đầu óc ông ấy vẫn còn đa nghi  chưa tin lắm, nếu nhận rồi bỏ đi thì mất tong.
Cậu bé thông minh hiểu ý, nói với ông ấy rằng:

-Bác mang gói quà đến bác cháu mình cùng lặn xuống sông chứng kiến cháu trao cho bạn cháu ngoạm rồi bác cháu  mình mới bơi lên nhé. Nghe cậu mục đồng nói như vậy là chắc ăn rồi, trở về đào mã cha hốt hài cốt gói gắm kỹ lưỡng mang đến.
Hai bác cháu lặn xuống đưa cho con rồng ngoạm vào miệng rồi trở lên bờ trao đủ một ngàn lạng vàng cho cậu bé còn cám ơn rối rít, ông ấy ra về trong lòng phơi phới tràn đầy hy vong sự nghiệp của ông và con cháu sau nầy sẽ phát đạt rạng ngời.
Sau nầy ai đươc con rồng ngoạm hài cốt phát làm vua mới biết, cứ xem tiếp sẽ rõ.

Sau khi Đinh-Bộ-Lĩnh nhận số vàng lặng lẻ mang về chôn cất kín đáo, ngày sau cũng cho trâu ra bờ sông chăn thả như mọi bữa, đến trưa nắng trâu xuống sông đằm, ông cũng lặn xuống chơi với bạn, con rồng chỉ gói quà cho ông mở ra xem thấy toàn là sọ xương người, ông đâm ra suy nghĩ việc nầy quan trọng lắm nên ông Tàu này mới thưởng cho mình số vàng nhiều như vậy.
Con rồng ra dấu cho Đinh-Bộ-Lĩnh hiểu ý về bốc hài cốt của thân nhân mang đến  rồng sẽ ngoạm ngay. Rồi từ đó bắt đầu phát đạt,  khi còn đi chăn trâu bẻ bông lau làm cờ tập trận với các bạn mục đồng, khi ông khôn lớn đem số vàng của ông Tàu thưởng ra chiêu binh mãi mã đi đánh trận tiêu diệt được mươi hai sứ quân, thống nhất đất nước. Tự xưng danh hiệu lên ngôi Đinh-Tiên-Hoàng Đế.
Sau khi đất nước được thống nhất, Đinh-Tiên-Hoàng thường hay mở tiệc chiêu đãi quan quân, vì nhậu quá say kể lại cặn kẻ đời tư của ông cho một vị quan cận thần nghe hết. Người đời xưa dạy rằng : “Thiên cơ bất khả lậu”. Tam dịch : Việc trời không nên thổ lộ cho ai biết. Bởi vậy ông không làm vua lâu dài được.
Chuyện xưa đến đây là chấm dứt.


xxx
 
Phần II.

TÌM LONG ĐIỂM HUYỆT NGÀY NAY
 
Dãy núi Trường-Sơn nằm dọc theo đất nước Việt-Nam từ Nam ra Bắc.
Có một đoạn nằm chính giữa dãy núi ở miền Trung trên những các địa danh sau đây là địa đầu ranh giới của Thừa-Thiên Huế,  Quảng-Nam Đà-Nẳng.
Tính từ phía Nam đi ra Bắc : đèo Hãi-Vân, Lăng-Cô, Lập-An, Phú-Gia, Thổ-Sơn, Trung kiền, Thuỷ-Tụ, Nước-Ngọt, Phước-Tượng, Cầu-hai, Đá-Bạc.
Đoạn núi nầy là một phong cảnh hữu tình, thượng sơn, hạ thuỷ, chạy dài trên đỉnh đèo Hải-Vân ra đến chóp núi Bạch-Mã chỗ thì nhô lên, nơi thì lõm xuống như hình một con rồng lượn thành chín khúc, là cửu đĩnh nằm trên vùng nầy do tạo hoá xây dựng lên một địa thế kỳ-quan từ ngàn xưa cho đến bây giờ, không thế hiểu được bao nhiêu thế kỷ mà nói.
Đoạn núi nầy đi dọc theo đường quốc lộ 1A nhìn lên cho kỹ, thì bất cứ con mắt thường ai ai cũng  nhìn thấy và công nhận như vậy.
Vì đất nước chúng ta từ xưa cho đến nay ít khi có hoà bình độc lập lâu dài.
Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây, ba mươi năm giặc Pháp, Mỹ và nội chiến, đến khi đất nước được hoàn toàn giải phóng độc lập thống nhất, nhưng còn một thời gian mười năm bao cấp.
Một con rồng khổng lồ vẫn nằm sâu dưới lòng đất của dãy Trường-Sơn im lìm bất động. Đến năm 1996 ông Bí-Thư Nguyễn-văn-Linh của Xã-Hội Chủ-Nghĩa Việt-Nam ra chính sách đổi mới mở cửa giao lưu và buôn bán với thế giới, con rồng nầy mới bắt đầu chuyển mình cựa quậy.
Các ông thày địa lý Tàu, Ta thời văn minh hiện đại dò tìm bằng vệ-tinh, ra-đa, máy rà điện tử, vi-tinh, các ông đã thừa hiểu. Nhưng không nắm bắt được thời cơ thuận lợi các ông ấy chẳng làm ăn gì được.
Năm 2000 nhà nước ta mới cho Nhật-Bản nhận thầu, khoan thủng núi Hải-Vân để xe cộ lưu thông khỏi leo đèo nguy hiểm. Năm 2006 đường hầm xe cộ đã lưu thông qua lại an toàn tốt đẹp .
Tôi từ Dồng-Nai về thăm quê nhà làng Phú-Già, đi vào Lăng-Cô thăm bà Dung là bác dâu của tôi, năm nay bà đã gần một trăm tuổi vẫn còn khoẻ mạnh và các anh chị con của bác tôi những người còn sinh sống tại đây. Vì tình nghĩa của người xưa, khi bác và ba tôi còn sống kết bạn rất thân với ông cụ tên Trân-văn-Thọ ở đây, nên ông xem tôi cũng như con cháu trong nhà ông vậy. Năm nào tôi có về thăm  bác cũng phải ghé nhà ông ấy để thăm. Ông cụ nầy năm nay đã chín mươi tuổi, có con cháu Việt kiều Mỹ, Nhật, sức khoẻ cụ vẫn còn tốt, da dẻ hồng hào, tinh thần minh mẫn, thấy tôi đến thăm ông rất vui vẻ niềm nở tiếp đón. Tôi lễ phép hỏi thăm sức khoẻ ông và các con cháu ông, ông cũng vui vẻ cho biết. Ông hỏi lại sức khoẻ toàn gia đinh tôi, tôi cũng cám  ơn ông và trả lời gia đình con cái của cháu vẫn mạnh khoẻ bình thường.

Ông quay qua nói  chuyện đất nước phát triển. Ông hỏi tôi mi đi lâu rồi nay trở về thấy Lăng-Cô thế nao? Tôi trả lời thật hiện đại ông ạ, đường xá thì rộng rãi, nhà cửa thì thật đẹp. Ông cụ nói tiếp địa danh bây giờ cũng đổi mới là Thị Trấn Lộc-Hải chứ không phải xã Lộc-Hải nữa đâu. Tôi cứ dạ dạ ngồi im để nghe, ông nói tiếp nhờ chính sách đổi mới của ông Nguyễn-Văn-Linh mới có ngày hôm nay mi hiểu chưa ? Tôi cũng dạ dạ thưa ông cháu hiểu. Ông nói à bác quên, khách đến nhà không trà cũng rượu chứ, ông đứng dạy mở tủ lấy ra một chai rượu ngoại mở nắp rót vào hai ly thuỷ tinh   ông bảo cháu uống đi, rượu nầy ngoại chính hiệu, con tao nó gởi từ bên Mỹ về đó, tao nghe nó nói một chai tới mấy trăm dô-la lận. Tôi cũng dạ dạ rồi nói  cháu cũng biết uống rượu nhưng chỉ có uống rượu đế mà thôi ông ạ.
Ông bảo mi cầm ly lên bác cháu mình uống một cái để cháu thưởng thức mùi vị nghe chưa. Tôi cũng thủ lễ dạ dạ chấp với ông một hớp, để ly xuống ông nói tiếp :
- mi ở trong nớ có nghe việc kỹ sư nhà thầu khoán hầm Hải-Vân có một chuyện bí ẩn mi có biết không ? 
Tôi trả lời:
-dạ thưa ông cháu hàng ngày lo đi làm ăn ít có thời giờ xem báo nên chẳng rõ chuyện chi, chỉ có biết việc khoan hầm mà thôi. Ông nói chuyện này bí mật có ai dám đưa lên báo đâu mà biết. Tôi nói :
-Ông có biết được chuyện gì hay ông kể cho cháu nghe với! Ông cụ có rượu ngà ngà rồi ông cao hứng kể cho tôi nghe hết đầu duôi câu chuyện không còn dấu diếm điều gì.

Ông lại kể tiếp :
-tao có thằng cháu tên nó là Thông con của bác Thái anh tao, nó đi ra nước ngoài  trước ngày giải phóng miền Nam, hắn sang du học bên Nhật-Bản khi giải phóng hắn ở bên nớ luôn, hắn học giỏi lắm, tao nghe nó nói nó có bằng kỹ-sư hay tiến-sĩ gì đó ở bên Nhật-Bản lận. Hắn về Lăng-Cô thuê khách sạn ở để đi làm hầm Hải-Vân với nhà thầu. Khi hầm gần hoàn chỉnh, hắn đến nhà thăm tao lần chót để cáo từ về nước. 
Vì tao là chú ruột của nó, nó coi tao cũng như cha nó, nên nó mới kể cho tao nghe chuyện bí mật nầy. Hắn dặn tao không được kể lại cho ai nghe cả, tao biết mi thật thà tao coi mi như con cháu trong nhà, mới kể cho mi nghe chơi, mi đừng kể lại cho ai biết nghe chưa.
Tôi dạ dạ cháu không dám đâu. Ông kể tiếp:
- có một ông thầy địa-lý người Việt-Nam họ Nguyễn, nhưng cháu tao  chẳng nói tên cho tao biết. Ông ta tìm đến chỗ khách sạn  cháu tao ở để thương lượng nói thật với cháu tao,  ở giữa đường khoan hầm có long mạch, khi máy khoan đến đụng nhằm râu rồng sẽ nổi giận phun nước, khi nào thấy nước rồng phun ra thì cho ông ta để hài cốt thân nhân vào đó , rồng sẽ ngậm miệng nước hết chảy. Nếu được như nguyện vọng của ông ta, ông ấy sẽ tặng số tiền rât lớn, đôi bên đều có lợi.

Thăng cháu tao nó dè dặt không dám nhận lời. Sợ ông ta đưa chất nổ chậm đến để vào thì nguy hiểm ở tù như chơi. Ông thầy địa lý tìm cách năn nỉ và thuyết phục đủ điều, cháu tao mới nhận lời. Nhưng ra điều kiện phải cho mở ra khám xét, đem máy rà soát đúng sự thật chẳng có gì nghuy hiểm mới chấp nhận . Ông thầy địa lý bằng lòng. Sau khi thực hiện công việc của ông thầy địa lý suông sẽ, ông ấy phải chi trả cho kỹ sư một tài khoản rất lớn. Việc nầy bí mật hợp đồng với nhau không thổ lộ cho một ai biết cả.
Ông ấy về hốt hài cốt của thân nhân đến làm thủ tục kám xét xong gói lại kỹ luởng bỏ vào cái tráp bằng kim khí sơn màu đen rất đẹp khoá lại rồi giao chìa khoá cho kỹ sư giữ làm tin, còn ông ấy giữ cái tráp. Đến ngày khoan, đến long mạch chỗ con rồng nằm đụng vào râu nó, y như lời thầy địa lý dự báo nó phun nước xối xả rất khó thực hiện việc khoan hầm. Kỹ sư điện thoại bảo thầy địa lý cải trang thành ông công nhân xách tráp đi theo kỹ sư vào đến chỗ rồng nằm.
Ông thầy địa lý chỉ điểm cho máy móc đất lên để tráp xuống ngay hàm rồng tự nhiên nước tắt ngay, rồi lấp lại là xong việc. Hẹn tối về lại khách sạn đôi bên thanh toán sòng phẳng với nhau rất tốt đẹp và bao nhậu một chầu vui vẻ.
Nền hầm nầy rất dễ làm, bàn giao, nhiệm thu đúng thời gian hợp đồng, với nhà nước. Chất lượng rất đạt yêu cầu ngang tâm cỡ Quốc-Tế.
Ông chủ thầu nầy lời to. Tao được biết chắc chắn, ông ta gọi lại những công nhân hợp đồng có thời hạn làm hầm với ông chi trả thêm mỗi người năm  triệu “5.000.000$” VNĐ . Ông cụ cứ thao thao kể cho tôi nghe mê mệt hơn một giờ đồng hồ mới dứt lời. Tôi nói với ông :
-cháu xin cám ơn bác kể cho cháu nghe được câu chuyện quá hấp dẫn , đến đây tôi xin cáo từ ông cụ ra về, trong lòng phơi phới. Mừng thầm mình được ông cụ tặng món quà tinh thần khá hay.

Sau khi về đến Đồng-Nai, tôi vẫn e dè suy nghĩ mãi không dám thổ lộ với ai.
Sau một thời gian dài, tôi nghe tin ông cụ đã quy Phật. 
Nhận thấy câu chuyện hấp dẫn như thế nầy mà không viết thì quá uổng phí.
Tôi suy nghĩ mãi, việc nầy không phải  ai ai có tiền nhiều mà làm được đâu.
Chắc là cũng có Trời giúp cho ông thầy Địa-lý nầy mới làm được . Nên tôi quyết định viết truyện nầy.
Thời xưa ông bà ta đã rút kinh nghiệm làm việc gì đại sự phải nắm bắt thời cơ, có thiên thời, địa lợi, nhân hòa, việc mới thành công tốt đẹp cho cả đôi bên như vậy.

xxx

Phần III.-
 
CON RỒNG VIỆT-NAM ĐANG HỒI LỰC VÀ KHỞI SỰ

Nói lại chuyện con rồng nó nằm dọc theo dãy núi Trường-Sơn, cái đầu tại đèo Hải-Vân, đuôi ra tới núi Bạch-Mã, không biết bao nhiêu thế kỷ vẫn nằm im lặng như tờ.
Dân cư sống trong địa bàn rồng nằm thật nghèo nàn vất vả, đến cuối thế kỷ 20 lại chịu đựng hai cuộc chiến tranh Pháp, Mỹ điêu tàn tán gia bại sản, đến hôm nay cũng chưa được hồi phục phát triển bằng các nơi khác.
Nhưng tôi tin rằng:  Con rồng hôm nay đã ngoạm được thang thuốc bổ vào hàm, nó sẽ sung sức trổi dậy biến hoá cất cánh bay lên. Trong tương lai hải cảng nước sâu Chân-Mây của địa phận Huyện Phú-Lộc, tàu thuỷ hạng nặng của thế giới cập bến tấp nập, cơ sở bến bãi và các xí-nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng lên theo bản đồ quy hoạch của tỉnh Thừa-Thiên, thì dân chúng sống trên địa bàn nầy được đổi đời.
Công nghiệp hoá hiện đại hoá. Có công ăn việc làm thu nhập cao. Con em lớp tuổi trẻ hiện nay đang bỏ xứ đi nơi khác kiếm việc sinh sống sẽ quay trở về lại quê hương sống đoàn tụ với gia-đình làm ăn giàu có, phát triển tốt đẹp xóm làng văn minh, mới xứng đáng với cái địa danh do tổ tiên đặt  cho từ bao thế hệ nay, là Làng Phú-Gia, Xã Lộc-Tiến, Huyện Phú-Lộc, Tỉnh Thừa-Thiên.
Đây là nói riêng cho tỉnh Thừa-Thiên quê hương  tôi.
Nói chung tương lai nước Cộng-Hoà Xã-Hội Chủ-Nghĩa Việt-Nam nay đã được hội nhập thương mại thế giới,  sẽ văn minh hơn, giàu mạnh hơn, tốt đẹp hơn. Sánh vai ngang hàng với các cường quốc năm châu, bốn bể.
-Chúng ta cứ đặt niềm tin nền kinh-tế sẽ là chắc chắn như vậy.
Còn các vị lèo lái con Rồng của Xã-Hội Chủ-Nghĩa Việt-Nam tương lai cũng sẽ là những người thông minh sáng suốt, học rộng tài cao, văn võ song toàn, đạo đức chân chính, là ai chưa rõ được, mong rằng quý vị độc giả hãy đợi đấy…


HẾT

-Viết về quê hương.

“Viết xong bản thảo ngày 14-02-2007”
 
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 26.03.2007 21:45:07 bởi NuHiepDeThuong >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9