Hà Nội
Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 25 bài trong đề mục
Asin 10.08.2004 08:33:29 (permalink)
Diện tích: 921km2
Dân số: 2931.400. người (năm 2002)
Các quận huyện
Quận: quận Hoàn Kiếm, quận Ba Ðình, quận Ðống Ða, quận Hai Bà Trưng, quận Tây Hồ, quận Thanh Xuân, quận Cầu Giấy, quận Long Biên, quận Hoàng Mai;
Huyện: huyện Ðông Anh, huyện Sóc Sơn, huyện Thanh Trì, huyện Từ Liêm, huyện Gia Lâm;
Dân tộc: Việt (Kinh), Hoa...
Hà Nội là thủ đô của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam


Các điểm du lịch tại Hà Nội !

1.
Nhà thờ lớn Hà Nội


Vị trí: Quận Hoàn Kiếm, gần hồ Hoàn Kiếm
Ðặc điểm: Đây là công trình kiến trúc mô phỏng theo nhà thờ Đức Bà ở Paris Pháp

Ðược xây dựng trên khu đất vốn là nền của tòa tháp Báo Thiên nổi tiếng của kinh thành Thăng Long thời Lý (thế kỷ XI - XII).

Nhà thờ lớn Hà Nội (còn có tên là Nhà thờ Xanh Giô - dép) khánh thành vào lễ Giáng sinh năm 1886, sau hai năm xây dựng theo thiết kế mô phỏng kiểu kiến trúc nhà thờ Ðức Bà ở Paris của Pháp.[image]http://www.vietnamtourism.com/Tourists/v_tourist/viewanh.asp?fileid=295[/image]

Ðây là nơi tiến hành các lễ trọng của Công giáo và thường tổ chức lễ rước Thánh Quan Thầy của giáo phận Hà Nội là Giu - se vào ngày 19/3 hàng năm.


2.
Chùa Một Cột


Vị trí: Phố Chùa Một Cột, quận Ba Đình
Ðặc điểm: Kiến trúc độc đáo, được tạo dáng như một bông sen cách điệu từ dưới nước vươn lên
[image]http://www.vietnamtourism.com/Tourists/v_tourist/viewanh.asp?fileid=269[/image]

Chùa một cột có tên chữ là Diên Hựu (phúc lành dài lâu) được xây dựng vào năm 1049 thời vua Lý Thái Tông. Tương truyền khi ấy cua Lý Thái Tông đã cao tuổi mà chưa có con trai nên nhà vua thường đến cửa chùa để cầu tự. Một đêm ông chiêm bao thấy Đức Phật Quan Âm hiện lên đại hoa sen ở một hồ nước hình vuông phía tây thành Thăng Long, tay bế đứa con trai trao cho nhà vua. Ít lâu sau hoàng hậu sinh con trai. Nhà vua cho dựng chùa Một Cột có dáng dấp như đã thấy trong giấc mơ để thờ Phật Quan Âm.
Các sách chính sử thì lại gi rằng:
Chùa Một Cột (chùa Diện Hữu) là một quần thể kiến trúc có xuất xứ từ một giấc mơ không lành: Sư Thiền Tuệ khuyên vua Lý Thái Tổ làm chùa với một ý tưởng kiến trúc đặc biệt. Là một Quốc tự, liên quan tới vua sáng lập triều Lý, được xây dựng gần khu vực Tử Cấm thành, hàng tháng cứ rằm, mồng một vua đến đặt lễ cầu phúc. Chùa được xây lần thứ I năm 1049: "Mùa đông tháng 10 dựng chùa Diện Hữu. Trước đây vua chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên toà sen, dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy vua nói với bề tôi, có người cho là điềm không lành.
Có nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa đất, làm toà sen của phật Quan Âm như đã thấy ở trong mộng. Cho các nhà sư lượn xung quanh tụng kinh cầu nhà vua sống lâu. Vì thế gọi là chùa Diện Hữu (phúc lành dài lâu). Năm 1070 mùa xuân tháng giêng năm Thần Võ thứ 2 vua viết chữ Phật dài 1 trượng 6 thước khắc vào phiến đá.
Lần xây dựng thứ II vào năm 1105, vua tu bổ chùa Diện Hựu: "Mùa thu tháng 9 làm hai ngọn tháp chỏm trắng ở chùa Diện Hữu... bấy giờ vua chữa lại chùa đẹp hơn chùa cũ, đào hồ Liên Hoa Ðài gọi là hồ Linh Chiểu. Ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chung quanh, ngoài hành lang lại đào hồ". Bích trì đều bắc cầu vồng để đi qua. Trước sân chùa xây Bảo Tháp. Trước khi vào chùa còn có một phương đình bằng đá xanh cao 8 trượng (khoảng 26m) trước cổng chùa. Chùa là một cụm kiến trúc bề thế, có ý tưởng độc đáo và thẩm mỹ đẹp đã bị chiến tranh tàn phá, trở thành um tùm rậm rạp thời giặc Minh .
Thông qua nhiều tài liệu cổ cho biết chiếc cột thần kỳ cao tới 20m, trong đó có bia Sùng Diện Linh ở chùa Long Ðọi Nam Hà do Binh bộ thượng thư Nguyễn Công Bật viết đã mô tả và ghi chép tỷ mỷ việc xây tiếp chùa Một Cột: "Mở cửa chùa Diện Hữu tại vườn tây. Dấu vế theo quy mô thủa trước, lo toan Thánh ý ngày nay. Ðảo hồ thơm Linh Chiểu, giữa hồ trồi lên cột đá. Trên cột đá có một cánh hoa sen ngàn cánh xoè ra. Trên hoa dựng ngôi đền đỏ sẫm. Trong đền đặt pho tượng sắc vàng, ngoài hồ có hành lang bao bọc. Ngoài hành lang lại có hồ Bích Trì, bắc cầu cong đi lại, ở sân trước hai cầu bên tả hữu xây bảo tháp lưu ly...".
Như vậy cụm kiến trúc chùa Diên Hựu là một công trình kiến trúc sáng tạo kết hợp không gian kiến trúc có nhịp điệu cao thấp gồm điêu khắc đá, hội hoạ, chạm vẽ hành lang, mặt nước là biểu tượng văn hoá, nghệ thuật cao, tính dân tộc đậm nét. Chùa đã bị huỷ hoại, xây dựng lại nhỏ hơn so với nguyên mẫu, mà chỉ như một tiểu cảnh nhắc lại ở đây một thời đã có với cụm kiến trúc độc đáo của Việt Nam. Năm 1954 giặc Pháp và tay sai trước khi rút khỏi Hà Nội cho nổ mìn phá đổ. Khi chính quyền ta tiếp quản đã được xây lại, hoàn thành vào ngày 29-5-1958 nhưng quy mô cũng chưa đúng với nguyên mẫu thuở ban đầu. Hiện nay chùa Một Cột được khách thập phương trong và ngoài nước tới cầu nguyện và tham quan
#1
    Asin 03.09.2004 10:07:41 (permalink)
    3. Chùa Trần Quốc

    Vị trí: Bên bờ hồ Tây, đường Thanh Niên, quận Tây Hồ
    Ðặc điểm: Là ngôi chùa cổ nhất của Việt Nam có kiến trúc khá rộng và đẹp, có vườn tháp lớn, là chốn tổ của phái thiền Thiền Tào Động.
    Khởi dựng từ thế kỷ VI, đời Lý Nam Ðế, chùa có tên là Khai Quốc (mở nước) và năm ở phía ngoài đê Yên Phụ. Năm 1615 bãi sông bị lở sát vào chùa nên đã rời vào trong đê và nằm bên sóng nước Hồ Tây, chùa đổi tên nhiều lần: An Quốc, Trấn Quốc, Trấn Bắc... Chùa có qui mô bề thế bao gồm ba nếp nhà tiền đường, thiên hướng, thượng điện nối liền thành hình chữ công (I), 2 dãy hành lang, gác chuông, nhà tổ và nhà bia. trong chùa hiện còn 14 tấm bia đá mô tả đầy đủ các quá trình tu tạo chùa. Đặc biệt chùa còn có vườn tháp lớn và rất nhiều tháp. Chùa Trấn Quốc với qui mô kiến trúc khá rộng, phong cảnh đẹp, một ngôi chùa nổi tiếng, kết hợp được vẻ đẹp cổ kính của công trình kiến trúc với vẻ đẹp thanh nhã của một thắng cảnh ven Hồ Tây hiện đang là điểm du lịch hấp đẫn du khách

    [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/upfiles/80/7EBC7DF179184F878665D1875C04C88E.gif[/image]
    Attached Image(s)
    #2
      Asin 03.09.2004 10:08:22 (permalink)
      4. Chùa Kim Liên

      Vị trí: Chùa ở làng Nghi Tàm, phường Quảng An, quận Tây Hồ
      Ðặc điểm: Chùa được xây dựng từ thế kỷ 13 kiến trúc độc đáo. Chùa thờ Tây Sơn, thờ Phật và công chúa Tư Hoa

      Nguyên xưa kia là chùa Ðống Long dựng từ thời nhà Trần (1225 - 1413) trên nền nhà cũ, nơi công chúa Từ Hoa, con gái vua Lý Thần Tông ra đời. Về sau, chỗ này lập trại trồng dâu nuôi tằm nên gọi là làng Nghi Tàm.
      Năm Dương Hòa thứ 5 (1639), chùa được tu sửa lại, gọi là chùa Ðại Bi. Năm Lê Cảnh Hưng thứ 32 (1771), chùa được trùng tu và đổi tên là Kim Liên.
      Năm 1792 chùa được đại trùng tu. Kiến trúc chùa Kim Liên theo kiểu chữ tam với ba bộ mái cao thấp khác nhau, liên kết với nhau bằng tường gạch để trần, có trổ cửa sổ tròn lồng chữ nhà Phật. Nổi bật nhất trong quần thể kiến trúc là tam quan và những bức chạm nổi tinh xảo. Chùa Kim Liên được đánh giá là một trong những ngôi chùa đẹp nhất ở Hà Nội vẫn con gữi lại những nét kiến trúc độc đáo
      #3
        Asin 03.09.2004 10:09:32 (permalink)
        5. Chùa Quán Sứ

        Vị trí: 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Ðạo, quận Hoàn Kiếm
        Ðặc điểm: Là trụ sở Trung ương hội Phật giáo Việt Nam
        Chùa Quán Sứ được xây dựng vào thế kỷ XV nằm trên địa phận thôn An Tập, phường Cổ Vũ, tổng Tiền Nghiêm (sau đổi là tổng Vĩnh Xương), huyện Thọ Xương; ngày nay là phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội. Nguyên xưa ở phường này chưa có chùa, chỉ có mấy gian nhà tranh ở phía Nam, dân làng dùng làm chỗ tế thần cầu yên gọi là xóm An Tập. Theo sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí, vào thời vua Lê Thế Tông, các nước Chiêm Thành, Ai Lao thường cử sứ giả sang triều cống nước ta. Nhà vua cho dựng một tòa nhà gọi là Quán Sứ để tiếp đón các sứ thần đến Thăng Long. Vì sứ thần các nước này đều sùng đạo Phật nên lại dựng thêm một ngôi chùa cũng nằm trong khuôn viên Quán Sứ để họ có điều kiện hành lễ. Thời gian đã xóa đi dấu tích khu nhà Quán Sứ nhưng ngôi chùa thì vẫn tồn tại.

        Năm 1934, Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập, chùa Quán Sứ được chọn làm trụ sở. Năm 1942 chùa đã được xây dựng lại theo bản thiết kế của hai kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn và Nguyễn Xuân Tùng do chính Tổ Vĩnh Nghiêm duyệt. Nghệ thuật kiến trúc và trang trí kết hợp tất cả tinh hoa các đại già lam miền Bắc. Chùa Quán Sứ có lẽ là một trong rất ít ngôi chùa ở nước ta mà tên chùa cũng như nhiều câu đối đều được viết bằng chữ quốc ngữ. Phải chăng vì ngôi chùa được xây dựng lại vào giữa thế kỷ XX và vì chùa đã trở thành trụ sở trung tâm của Tổng hội Phật giáo Bắc Việt, nay là của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngôi Quốc tự chung của các thiện nam tín nữ trên đất Việt.


        Tam quan chùa kiểu ba tầng mái, chính giữa là lầu chuông. Đi qua một sân gạch nhỏ, bước lên 11 bậc thềm là tới chính điện, hình vuông, có hành lang bao quanh . Điện Phật được bài trí trang nghiêm, các pho tượng đều khá lớn và thếp vàng lộng lẫy. Phía trong cùng, thờ ba vị Tam Thế Phật trên bậc cao nhất. Bậc kế tiếp thờ tượng Phật A-di-đà ở giữa, hai bên có tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Bậc dưới đó, ở giữa thờ Phật Thích-ca, hai bên là A-nan-đà và Ca-diếp. Bậc thấp nhất, ở ngoài cùng có tòa Cửu Long đứng giữa tượng Quan Âm và Địa Tạng. Gian bên phải chánh điện thờ Lý Quốc Sư (tức Thiền sư Minh Không) với hai thị giả, gian bên trái thờ tượng Đức Ông và tượng Châu Sương, Quan Bình.
        Các nhà chính và nhà phụ chùa Quán Sứ đều rộng rãi. Nơi đây từng là trụ sở báo Đuốc Tuệ . Hiện nay chùa có giảng đường, thư viện, là nơi đặt văn phòng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và văn phòng tổ chức Phật giáo Châu Á vì hòa bình (ở Việt Nam).

        [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/upfiles/80/F18325EDB4174E9288AE62DBFF9775CC.gif[/image]
        Attached Image(s)
        #4
          Asin 03.09.2004 10:10:41 (permalink)
          6. Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh

          Vị trí: Quận Ba Đình
          Ðặc điểm: Nơi yên nghỉ vĩnh hằng của lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam
          Lăng được chính thức khởi công ngày 2 tháng 9 năm 1973, tại vị trí của lễ đài cũ giữa quảng trường Ba Ðình, nơi Bác Hồ đã từng chủ tọa các cuộc mít tinh lớn.

          Lăng được khánh thành vào ngày 29 tháng 8 năm 1975. Lăng gồm 3 lớp với chiều cao 21,6 mét, lớp dưới tạo dáng bậc thềm tam cấp, lớp giữa là kết cấu trung tâm của Lăng gồm phòng thi hài và những hành lang, những cầu thang lên xuống. Quanh bốn mặt là những hàng cột vuông bằng đá hoa cương, lớp trên cùng là mái Lăng hình tam cấp.

          Ở mặt chính có dòng chữ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh" bằng đá hồng màu mận chín.

          Trong Lăng là thi hài Bác đặt trong hòm kính được ghép bằng đá đen huyền lấp lánh muôn ngàn hạt sáng. Qua lớp kính trong suốt, Bác Hồ yên nghỉ trong bộ quần áo ka ki bạc màu, dưới chân Bác vẫn là đôi dép cao su giản dị của người. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi an nghỉ vĩnh hằng của người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

          [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/upfiles/80/300CBC19219D411D8FB47E7FB3D87F20.gif[/image]
          Attached Image(s)
          #5
            Asin 03.09.2004 10:11:32 (permalink)
            7. Đền Quán Thánh

            Vị trí: Quận Ba Đình gần hồ Tây phía đông bắc thành phố
            Ðặc điểm: Đây là một di tích lịch sử văn hoá được xây dựng từ thế kỷ 11

            Di tích lịch sử - văn hoá quan trọng, thuộc đất phường Quan Thánh, quận Ba Ðình, thành phố Hà Nội.
            Ðược tạo dựng từ đời vua Lý Thái Tổ (1010 - 1028) để thờ thánh Huyền Thiên Trấn Võ - vị thần trấn giữ phương Bắc. Vì thế, còn có tên là Ðền Trấn Võ, Quan Thánh Trấn Võ, hay "Quán Thánh".

            Tọa lạc bên Hồ Tây trong một khuôn viên đẹp đẽ và rộng lớn, trang nghiêm gần ngay cửa Bắc kinh thành, đây là di tích của một trong bốn "Thăng Long tứ trấn" ngày xưa.

            Các bộ phận kiến trúc hiện thấy, là kết quả của lần trùng tu lớn, hồi thế kỷ 19, bao gồm: tam quan, sân, ba lớp nhà tiền đế, trung đế, hậu cung. ở đây có pho tượng bằng đồng đen, cao gần 4 mét, nặng gần 4 tấn, đúc năm 1677 để thể hiện lòng ngưỡng mộ của nhân dân với thánh Huyền Thiên Trấn Võ.

            [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/upfiles/80/EB641BEB7FCC43208E15C732C3062A9C.gif[/image]
            Attached Image(s)
            #6
              Asin 03.09.2004 10:12:39 (permalink)
              8. Thành Cổ Loa và đền thờ An Dương Vương

              Vị trí: Thuộc huyện Đông Anh
              Ðặc điểm: Là một trong những thành cổ nhất Việt Nam

              Ðây là toà thành cổ vào bậc nhất Việt Nam được vua Thục An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc (tên nước Việt Nam thời đó). Nay thuộc huyện Ðông Anh, ngoại thành Hà Nội.

              Thành được xây dựng kiểu vòng ốc (nên gọi là Loa thành) tương truyền có tới 9 vòng, dưới thành ngoài là hào sâu ngập nước thuyền bè đi lại được. Ngày nay ở cổ Loa còn lại 3 vòng thành đất: Thành Ngoài (8km), Thành Giữa (hình đa giác, chu vi 6,5km) và Thành Trong (hình chữ nhật, chu vi 1,6km). Thân thành ngày nay còn có chiều cao trung bình từ 4-5m, có chỗ còn cao tới 12m, chân thành rộng tới 20-30m. Các cửa của 3 vòng thành cũng đoợc bố trí rất khéo; không hề nằm cùng trên một trục thẳng mà lệch chéo đi rất nhiều. Do đó đường nối hai cửa thành ở cùng một hướng đều là một đường quanh co, lại có ụ phòng ngự ở hai bên nên gây rất nhiều trở ngại cho quân địch khi tiến đánh thành.

              Từ trung tâm thành phố, đi 18 km đến xã Cổ Loa thuộc huyện Ðông Anh, bạn sẽ tìm thấy vết tích còn lại của ba vòng thành xưa bằng đất và nơi các nhà khảo cổ tìm được hàng vạn mũi tên đồng, lưỡi cày, rìu sắt, xương thú vật...

              Qua cổng làng, cũng là cổng Thành trong là tới đình làng Cổ Loa. Theo truyền thuyết thì đó là nền cũ của điện ngự triều, nơi bá quan triều hội ngày xưa nên trong đình còn tấm hoành phi "Ngự triều di quy".

              Cạnh đình là Am Bà Chúa tức là miếu thờ công chúa Mỵ Châu, nằm nép dưới gốc đa già cổ thụ. Miếu am bé bỏng như cuộc đời ngắn ngủi của nàng công chúa đáng thương "trái tim lầm chỗ để lên đầu". Trong am có một tảng đá hình người cụt đầu. Ai cũng bảo đó là tượng Mỵ Châu.

              Qua am Mỵ Châu tới đền Thượng, tức đền An Dương Vương, tương truyền là dựng trên nền nội cung ngày trước. Ðền này mới làm lại hồi đầu thế kỷ XX, có đôi rồng đá ở bậc tam cấp cửa đền là di vật đời Trần hoặc Lê sơ. Trong đền có tượng An Dương Vương bằng đồng mới đúc cùng dịp làm lại đền. Trước đền là Giếng Ngọc, tương truyền là nơi Trọng Thuỷ tự tử vì hối hận. Nước giếng này mà đem rửa ngọc trai thì ngọc sáng bội phần

              [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/upfiles/80/82FE711EBCD64FE3B99DD5261B86FD7E.gif[/image]
              Attached Image(s)
              #7
                Asin 03.09.2004 10:14:25 (permalink)
                9. Hội làng Lương Quy

                Thời gian: 5 - 6/2 âm lịch.

                Địa điểm: Thôn Lương Qui, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

                Đối tương suy tôn: Ông Thống, ông Qui, ông Giang.

                Đặc điểm: Thi bổ cau têm trầu, chạy thẻ, kéo nước, xay thóc giã gạo, bắt và thịt gà, thổi cơm thi nhắc lại sự tích rèn luyện các quân sĩ của ba vị tướng.
                #8
                  Asin 03.09.2004 10:15:22 (permalink)
                  10. Lễ hội Cổ Loa

                  Hội Cổ Loa: 6-15 tháng giêng âm lịch tại huyện Ðông Anh, Hà Nội. Cổ Loa là di tích lịch sử nổi tiếng nằm trên địa phận huyện Ðông Anh cách trung tâm Hà Nội khoảng 17 km về phía Tây Bắc, là một vùng thành trì lớn, một dấu tích vật chất về kiến trúc quân sự và thành cổ cách đây hơn 2 thiên niên kỷ. Ðây là thủ đô thứ hai của Việt Nam, sau Phong Châu (tỉnh Phú Thọ hiện nay - là thủ đô thời các vua Hùng).


                  Tuy phải làm chứng cho một câu chuyện buồn về sự mất cảnh giác để nước rơi vào tay giặc, song trải qua thời gian, thành Cổ Loa vẫn luôn mãi là niềm tự hào của người Việt Nam về lịch sử chống ngoại xâm. Hàng năm cứ đến ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch, nhân dân Cổ Loa và khách du lịch trên khắp mọi miền Tổ quốc lại về dâng hương tưởng niệm vua An Dương Vương và tổ chức trọng thể lễ hội đền Cổ Loa với các cuộc thi và trò chơi dân gian.

                  Làng Cổ Loa gồm 12 xóm nhưng hội Cổ Loa là của chung một cụm tám làng (ngày trước gọi là Bát Xã) gồm: Ðài Bi, Sàn Dã, Cầu Cả, Mạch Tràng, Văn Thượng, Thư Cưu, Cổ Loa, Xép. Cả 8 làng này đều thờ Thục Phán nên đều tham gia tổ chức hội. Hội bắt đầu từ sáng sớm ngày 6 tháng Giêng âm lịch.

                  Ngay từ sáng sớm hôm đó, các chức sắc của 8 làng đến nhà ông tiên chỉ của làng Văn Thượng, là làng có đặc quyền soạn thảo văn tế, để rước văn tế. Tại đây có một cái giá văn dán sẵn bài tế. Tiên chỉ và các chức sắc áo mũ nghiêm chỉnh đến trước giá văn làm lễ rồi đám rước văn gồm có phường bát âm đi đầu, đến các chức sắc và 8 ông tiên chỉ 8 làng cùng các dân đinh khiêng giá văn tế, kiệu long đình, cờ lọng đi ra đền An Dương Vương tức đền Thượng. Sân đền được bài trí cờ quạt rực rỡ cho cuộc tế thần.

                  Ngoài cửa đền, có ngựa hồng, ngựa bạch (bằng gỗ) đứng chầu. Hai bên đường đi vào đền có các giá gỗ cắm cờ quạt và lộ bộ bát bửu (các đồ thờ cúng làm theo kiểu dáng tám loại vũ khí). Kiệu của tám xã xếp theo thứ tự qui định. Trước đền đặt một hương án lớn, trên để hộp kính đựng đôi hia vàng và các đồ thờ. Trước hương án lớn là một hương án nhỏ hơn trên bày những khí giới của vua Thục như cung, kiếm, tên, nỏ. Tiếp đó trải một hàng chiếu cạp điều để làm chỗ tế thần.


                  Khi đám rước tới, long đình được đặt trước hai hương án. Cuộc tế thần được tiến hành trong nền nhạc của phường bát âm. Tiên chỉ làng Văn Thượng là chủ tế. Sau cuộc tế, đến lượt dân làng vào làm lễ. Cuộc lễ kéo dài đến gần trưa mới xong.

                  Sau đó chuyển sang cuộc rước thần. Ði đầu cũng là cờ quạt rồi đến long đình cùng các lộ bộ bát bửu. Tiếp theo là phường bát âm và các quan viên đội mũ tế áo thụng, đai hia, tay bưng các vũ khí của nhà vua. Liền sau đó là chức sắc và trai đinh xóm Chùa thuộc làng Cổ Loa khiêng long đình trên có bài vị của nhà vua. Rồi đến chức sắc và dân của các làng khác, mỗi làng rước kiệu của mình, với cờ quạt, phường bát âm riêng. Toàn bộ đám rước rất dài, lại đi rất chậm, đàn sáo tưng bừng. Ðường đi bắt đầu từ đền Thượng vòng quanh giếng Ngọc rồi theo đường chân thành Nội tới đình Ngự Triều. Ði sau mỗi kiệu có 4 trai đinh mỗi người cầm một cây cờ đại, vừa đi vừa múa. Tới ngã tư ở cửa điếm làng Cổ Loa kiệu làng nào quay về làng ấy. Riêng kiệu của làng Cổ Loa thì quay vào đình Ngự Triều, được đặt trước sân đình và dân Cổ Loa lại làm lễ thần lần nữa. Ðến lúc này là tối mịt, hết ngày lễ hội chính nhưng đó chỉ mới là phần lễ.

                  Còn phần hội thì kéo dài tới rằm tháng giêng bằng nhiều trò vui. Tối ở đình làng có đốt pháo hoa, hát ca trù, hát tuồng. Ban ngày, các cụ ông chơi bài, đánh cờ. Các cụ bà đi lễ đình lễ chùa. Thanh thiếu niên nam nữ có trò chơi: đánh đu, đấu vật, kéo co, leo dây, bắn cung nỏ, cờ người, thổi cơm thi, chọi gà, đánh đáo mẹt...

                  Trong những ngày hội Cổ Loa, nhân dân quanh vùng cùng khách thập phương đến xem thật đông, coi đây là dịp vui xuân có ý nghĩa.

                  [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/upfiles/80/CFF6BD7B68BC43F2B9764BE3EE88183F.gif[/image]
                  Attached Image(s)
                  #9
                    Asin 03.09.2004 10:15:54 (permalink)
                    11. Hội làng Hải Bối

                    Thời gian: 4 - 6/1 âm lịch.

                    Địa điểm: Xã Hải Bối, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

                    Đối tượng suy tôn: Triệu Nguyên, Triệu Chính, Triệu Lệnh.

                    Đặc điểm: Cờ người, leo cột mỡ, tuồng, hát trống quân, hát giao duyên nam nữ: hai bên hát với nhau qua một sợi chỉ dài, nối với ống bơ được bịt bằng da ếch, gọi là “hát ống”.
                    #10
                      Asin 03.09.2004 10:16:58 (permalink)
                      12. Hội làng Ruộng

                      Thời gian: 6 - 16/1 và 12/8 âm lịch.

                      Địa điểm: Thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

                      Đối tượng suy tôn: Thành hoàng làng là Nội Hầu (tướng thời vua An Dương Vương) và phu nhân ả Nương, 2 người con: Đống Công, Vực Công.

                      Đặc điểm: Đua thuyền nữ (thuyền gỗ hình thoi, mũi thuyền đầu rồng, đầu hạc), múa rối nước.

                      13. Hội đình Thượng Lão

                      Thời gian: 7/1 âm lịch.

                      Địa điểm: Thôn Lực Canh, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

                      Đối tượng suy tôn: An Dương Vương, Cao Sơn.

                      Đặc điểm: Ca trù, đấu vật, cờ người, thả diều.
                      #11
                        Asin 03.09.2004 10:20:16 (permalink)
                        14. Hội cướp cầu Viên Nội

                        Thời gian: 8/1 âm lịch.

                        Địa điểm: Thôn Viên Nội, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

                        Đối tượng suy tôn: Đại tướng quân Đống Vĩnh, Đại tướng quân Chung Bảo.

                        Đặc điểm: Đám rước và tế “thần Cầu” với các trò chơi dùng “ông Móc” móc cầu và giành cầu.

                        15. Hội đền Sái (Hội rước vua sống)

                        Thời gian: 12/1 âm lịch.

                        Địa điểm: Làng Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

                        Đối tượng suy tôn: Huyền Thiên Trấn Vũ.

                        Đặc điểm: Theo tích rùa vàng giúp vua An Dương Vương trừ yêu quái, xây xong thành ốc (Cổ Loa), lễ hội có diễn trò rước Vua sống do cụ già đóng vai vua, ngồi kiệu

                        16. Hội làng Quậy

                        Thời gian: 12/1 âm lịch.

                        Địa điểm: Xã Liên Hà, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

                        Đối tượng suy tôn: Thủy Hải, Đăng Giang, Khổng Chúng, Tam Giang và Đông Hải.

                        Đặc điểm: Hát giao duyên, chọi gà, đấu cờ người, bịt mắt bắt dê, bơi ao bắt vịt.

                        17. Lễ hội kén rể

                        Thời gian: 2/2 âm lịch.

                        Địa điểm: Làng Đường Yên, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

                        Đối tượng suy tôn: Nữ tướng Lê Thị Hoa thời Hai Bà Trưng.

                        Đặc điểm: Lễ hội độc đáo để chọn rể tài hiền cho nữ tướng Lê Hoa.

                        Theo truyền thuyết, nữ tướng Lê Thị Hoa từng tham gia đánh thắng giặc Nam Hán và được Hai Bà Trưng sắc phong “Nữ sử anh phong”. Bà trở về làng cùng nhân dân lập ấp, phát triển canh nông. Để tưởng nhớ công lao của bà, hàng năm vào ngày 2/2, dân làng Đường Yên lại tổ chức lễ hội kén rể với những nghi thức và trò chơi dân gian hết sức độc đáo để chọn rể tài hiền cho nữ tướng. Mở đầu là lễ vinh quy bái tổ của nữ tướng Lê Hoa. Sau phần lễ là màn trình diễn độc đáo của 2 chàng trai trong phần thi kén rể. Họ phải trổ tài kể vè, giới thiệu bản thân, cấy lúa, cày ruộng, câu ếch, bắt lợn, “chõng chó” (chọc cho chó sủa vang lên).
                        #12
                          Asin 03.09.2004 10:23:54 (permalink)
                          18. Hội làng Mạnh Tân

                          Thời gian: 10/11 âm lịch.

                          Địa điểm: Thôn Mạnh Tân, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

                          Đối tượng suy tôn: Đương Giang, Lý triều Quốc Mẫu.

                          Đặc điểm: Rước kiệu, tế lễ, vật cổ truyền.


                          19. Hội thả chim làng Dục Tú

                          Thời gian: Cuối xuân, sang hè.

                          Địa điểm: Xã Dục Tú, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

                          Đặc điểm: Thi thả chim câu.

                          Làng Dục Tú hàng năm vào mùa xuân mở hội thả chim. Trong ngày hội có tới hàng chục đàn chim của người làng và các tay chơi cả vùng về đây tranh giải. Người giật giải nhất được tặng lá cờ gấm đỏ thêu sáu chữ vàng: “nghĩa điểu quần anh đệ nhất”, người đó không chỉ nổi tiếng mà đàn chim nuôi sẽ đắt giá vô cùng. Để có được một đàn từ 8 - 10 con, người chơi phải lựa từ 30 - 40 con lấy những con thuần chủng, chăm sóc kỹ từ khi mới nở. Chủ chim phải là người say mê kiên trì và hội thi thả chim câu từ xưa đã là một thú chơi tao nhã

                          20. Hội làng Mạch Lũng

                          Thời gian: 10/2 âm lịch.

                          Địa điểm: Thôn Mạch Lũng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

                          Đối tượng suy tôn: Tam vị Minh Mổ đại vương và bà thân mẫu Xoa Nương.

                          Đặc điểm: Rước nước, rước kiệu, bơi trải.

                          21. Hội làng Cán Khê

                          Thời gian: 16/2 âm lịch.

                          Địa điểm: Xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

                          Đối tượng suy tôn: Phù Đổng Thiên Vương.

                          Đặc điểm: Rước lớn 16 đoàn được tổ chức công phu. 60 thanh niên và hơn 100 cụ tham gia đám rước.

                          22. Hội làng Vải (hội Tầm Xá)

                          Thời gian: 12/3 âm lịch và 3 năm 1 lần vào ngày 5/4 âm lịch.

                          Địa điểm: Xã Tầm Xá, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

                          Đối tượng suy tôn: Tản Viên, Cao Sơn, Quí Minh, Long Linh, Cẩm phu nhân.

                          Đặc điểm: Tế nhập tịch, tế chính tiệc, tế tống tịch, tế yên vị, tế tư văn, múa mặt nạ.


                          23. Hội làng Lê Xá

                          Thời gian: 15/3 âm lịch.

                          Địa điểm: Thôn Lê Xá, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

                          Đối tượng suy tôn: Đào Kỳ và Phương Dung (tướng của Hai Bà Trưng).

                          Đặc điểm: Lễ rước, lễ tế, thi đánh chạc (thi bện thừng), ca trù, hát quan họ, thi bắt vịt, chọi gà

                          24. Hội Lỗ Khê

                          Thời gian: 5-7/4 và 13-15/11 âm lịch.

                          Địa điểm: Xã Liên Hà, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

                          Đối tượng suy tôn: Vợ chồng ông Đinh Dự và bà Mãn Hoa Đường (dạy nghề hát ả đào).

                          Đặc điểm: Giỗ tổ nghề ca trù có tế lễ và múa hát.

                          25. Hội bơi làng Võng La

                          Thời gian: 20/7 và 10/10 âm lịch.

                          Địa điểm: Thôn Võng La, xã Võng La, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

                          Đối tượng suy tôn: Tam vị Đại vương: Cung Mạc, Linh Khôn và Minh Chiêu, có công giúp vua Hùng thứ 18 đánh giặc.

                          Đặc điểm: Thi bơi trải
                          #13
                            Asin 03.09.2004 10:30:13 (permalink)
                            26. Bảo tàng Cách mạng

                            Vị trí: Phố Tông Đản, quận Hoàn Kiếm
                            Ðặc điểm: Giới thiệu về cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp, Phát xít Nhật, Đế quốc Mỹ (từ giữa thế kỷ 19 đến 1975). Giới thiệu công cuộc xây dựng và bảo vệ nước XHCN Việt Nam.
                            Bảo tàng Cách mạng được thành lập tháng 1/1959 có 29 phòng trưng bày hơn 4 vạn hiện vật.
                            Tại đây, giới thiệu tổng hợp về đất nước và con người Việt Nam từ giữa thế kỷ 20 tới nay. Hệ thống trưng bày chia làm 3 phần chính:
                            - Cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam, từ 1858 - 1945 (phòng 1 đến 9)
                            - Ba mươi năm kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, từ năm 1945 đến 1975 (từ phòng 10 đến 24)
                            - Việt Nam xây dựng kinh tế từ 1976 đến nay. Cũng tại đây được trưng bày các bộ sưu tập về Kinh tế Việt Nam năm 1975 - 2000 (phòng số 26 và 27); Bộ sưu tầm tặng phẩm của nhân dân Việt Nam và Nhân dân thế giới tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam (phòng số 28 và 29)
                            Đặc biệt, Bảo tàng Cách mạng còn có một kho lưu trữ hàng trăm ngàn hiện vật, tư liệu quý khác về Cách mạng Việt Nam từ năm 1858 đến nay mà chưa có điều kiện trưng bày.

                            [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/upfiles/80/688CDC3F5ABE4B08B8DFC6E1078FD2A2.gif[/image]
                            Attached Image(s)
                            #14
                              Asin 03.09.2004 10:31:13 (permalink)
                              28. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

                              Vị trí: Ðường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, phía tây Hà Nội
                              Ðặc điểm: Lưu giữ các hiện vật, tài liệu phản ánh mọi mặt đời sống, sinh hoạt, phong tục tập quán của 54 dân tộc anh em trên khắp cả nước.
                              Bảo tàng nằm trên một khu đất rộng 3 ha thuộc quận Cầu Giấy, phía tây Hà Nội. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được khai trương vào cuối năm 1997. Ngay từ khi ra đời, nơi đây đã thực sự thu hút sự quan tâm của nhiều khách du lịch và các nhà nghiên cứu văn hoá, dân tộc học trong nước và quốc tế.
                              Bảo tàng Dân tộc học lưu giữ 10.000 hiện vật, 15.000 ảnh đen trắng, hàng trăm băng video, băng cát-sét phản ánh mọi mặt đời sống, sinh hoạt, phong tục, tập quán của 54 dân tộc trên khắp đất nước Việt Nam.
                              Hiện vật trưng bày được săp xếp, bố trí một cách khoa học, dễ hiểu, dễ cảm thụ. Khu trưng bày thường xuyên trong nhà có diện tích 2500m2 (bao gồm 2 tầng) được chia làm 9 phần:
                              - Giới thiệu chung
                              - Giới thiệu dân tộc Việt (Kinh)
                              - Các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày, Thái và Ka dai
                              - Các dân tộc nhóm ngôn ngữ H' Mông, Pao, Tạng, Sán Dìu, Ngái.
                              - Các dân tộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khme
                              - Các dân tộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo
                              - Các dân tộc Chăm, Hoa, Khme
                              - Giao lưu, hội nhập giữa các dân tộc
                              Phần trưng bày ngoài trời đang hoàn thiện với nhiều loại hình kiến trúc dân gian của các dân tộc Việt Nam, như Tày, Dao, H'Mông, Gia Lai... Trong khuôn viên rợp bóng cây xanh.
                              Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là một địa chỉ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước

                              [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/upfiles/80/83943E71548C4EDDBC3E8DB5A6327E61.gif[/image]
                              Attached Image(s)
                              #15
                                Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 25 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9