Hạnh
DongSaBang 01.04.2007 10:00:10 (permalink)
Hạnh
 

 [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/26316/AE50D0A0E41E4A0AABE7D93A24AE00B0.jpg[/image]
 
 
Mới vừa tám giờ sáng, ngoài đường xe cộ mỗi lúc một đông. Những tà áo mới màu sắc sực sỡ nay được dịp tung bay trên khắp nẽo đường xó hẻm. Tiếng cười đùa của đoàn người hoà lẩn trong tiếng máy xe tạo nên một thứ âm thanh thật vui và nhộn nhịp. Xa xa bên kia đường, một đoàn người đang đi bỗng dừng lại trước một căn nhà bên mặt lộ, họ nói với nhau ríu rít. Tiếng máy xe vẫn nổ đều, một lát sau năm ba người gia nhập và đoàn người lại rồ xe phóng chạy. Trong giây lát tiếng cười, nói, đã tan biến, chỉ còn lại trên mặt đường những cụm khói bay lẩn lộn trong gió bụi.

Hôm nay đã là mùng Hai Tết.

Uống xong ngụm cà phê cuối cùng, tôi quay qua nói: “Thôi mình đi Long.”

Mấy hôm nay tôi thường đến cái quán bên lề đường nầy để ăn sáng. Cái quán rất tầm thường và nhỏ bé với năm ba cái bàn ăn, được điều khiển bởi một cặp vợ chồng trẻ.
 
Có lẽ không còn chỗ nào đi, hay đối với tôi cái quán nào cũng thế thôi. Lâu lắm rồi tôi không được ăn tại những quán ăn bình dân mà ngày xưa tôi thường lui tới. Một tô hủ tiếu thịt, một vài con tôm và cái bánh phồng tôm, tôi thấy ngon tuyệt vời. Cho nên mỗi buổi sáng thức dậy, tôi thấy nhớ mùi thơm tô hủ tiếu, rồi bò qua đó ngâm nga cả giờ mới xong.
 
Tôi đốt điếu thuốc và gọi:
 
"Một ly cà phê đá, thật đậm nghe cô."
 
Nhìn ra đường xe mỗi lúc một đông thêm. Sài Gòn bây giờ thay đổi nhiều quá! Xe cộ, nhà cửa, dân cư cái gì cũng tăng vọt lên. Con đường nầy ngày xưa chỉ có vài ba căn nhà lầu, còn lại là nhừng căn nhà lá lụp xụp dọc theo đường, tối tăm và nghèo nàn. Trên con đường chỉ có vài ba ngọn đèn lưa thưa. Chiều về, khi mặt trời vắng bóng là khu phố nầy cũng bắt đầu đi vào giấc ngủ.
 
Bây giờ... đến nửa đêm mà xe cam nhong vẩn còn chạy đầy đường và mấy người tài xế bấm còi inh ỏi điếc cả tai.

Ra khỏi quán ăn, tôi và Long chen lấn đoàn xe để băng qua đường về nhà.

Gần nửa buổi sáng trôi qua. Mặt trời đã lên cao và ánh nắng cũng sắp đổ lên thành phố nầy.
 
Căn nhà tôi đang ở, một nửa trên được đóng la phông còn nửa đưới vẫn để trống đến tận mái tôln. Nên vào mùa nóng căn nhà như một cái lò hấp, nhất là vào lúc trưa trời, ánh nắng hun hút hét xuống từ mái tôln, và trời không một chút gió thoảng, tôi cảm thấy mệt mõi, không còn hứng thú để làm gì hết. Nhiều lúc cơn nóng làm tôi mệt nhoài người và chỉ biết nằm lăn ra ngủ trưa, chuyện mà mấy lâu nay tôi không còn làm nữa.
 
Nghĩ đến cái nóng, nắng sẽ đến, rồi nó sẽ làm cho tôi mệt nhoài, rồi tôi lại đi ngủ, rồi một ngày nữa lại qua đi... Tôi quay qua hỏi:

- Long, hôm nay mi có đi đâu không?
 
- Không.
 
- Ðược, vậy bửa nay đi chơi với tớ nhé.
 
- Nhưng mầy muốn đi đâu?
 
- Cứ đi, ra đường rồi sẽ tính.
 
Như muốn chạy trốn sức nóng, tôi thúc Long đi. Xe nổ máy tôi đưa ra đường, Long ngồi sau xe, tôi chỉ về phía trước:
 
- Con đường nầy sẽ về đâu Long?
 
- Sẽ về tới Cần Giờ.

Có lần tôi nhìn lên bản đồ vùng phụ cận Sài Gòn và có thấy một nơi tên là Cần Giờ, nhưng lâu quá rồi, bây giờ tôi cũng không còn nhớ rõ Cần Giờ thật sự ở đâu. Nhưng ở đâu cũng được "mình cứ đi hết con đường nầy bửa nay chơi, ở nhà cũng không có gì làm."

- Ði khoảng bao lâu sẽ tới đó?
 
- Chừng vài tiếng thôi. Long đáp.
 
- Ðược, bây giờ còn sớm chán, mình đi.

Tôi đang làm việc ngoài đó. Mới vừa đổi việc làm nên tôi hăng say lắm. Mỗi buổi sáng tôi thức dậy sớm hơn mọi ngày, uống ly cà phê xong tôi choàng chiếc áo lạnh và phóng xe đi làm ngay.
 
Mùa Ðông năm nay trời lạnh hơn mọi năm nhiều. Mỗi chiều đi làm về, gió lạnh, tôi thun cổ lại và đút tay trong chiếc áo lạnh cho đở gía buốt, nhưng gió vẫn thổi và mang theo cái lạnh đầu muà, làm đôi môi tôi tím lại và hai hàm răng nhịp nhịp thành tiếng, khô khan. Cái lạnh dai dẳn, khó chịu, làm tôi nhớ lại và thèm thuồng cái không khí ấm áp của Sài Gòn ngày nào.
 
Mới đây mà mau quá, đã một năm trôi qua rồi. Năm ngoái tôi có trở vô Sài Gòn để thăm mấy người anh và bà chị, bây giờ phép cũng không còn bao nhiêu và công việc bận rộn nên tôi còn đi đâu được nữa!

Nhưng cú điện thoại đêm hôm đó đã thay đổi tất cả.

Tôi gọi vô Sài Gòn để thăm, Long nói là Hạnh đang nằm ở phòng cấp cứu.
 
Một nỗi lo thoáng hiện trong tôi, tôi cố gắng lấy lại bình tỉnh và khẳng định rằng Hạnh sẽ không sao đâu, một căn bịnh như vậy mà sao không thể chửa được? Tôi vẫn tin chắc là Hạnh không sao đâu, vì năm ngoái tôi còn chở Hạnh đi Thủ Ðức ăn nem kia mà.
 
Rồi phân vân, suy nghĩ, tại sao phải vào cấp cứu? Tôi hoang mang nghĩ về Hạnh. Một người hiền lành, chất phác nhưng suốt đời lận đận, nhọc nhằn cho tình yêu và hạnh phúc gia đình, để rồi phải lâm bịnh.
 
Cuối cùng tôi phải dùng giờ phép của năm tới để vào thăm Hạnh.
 
Ði trong vội vã. Tôi về cùng me. Tôi trở lại căn nhà xưa, căn nhà mà ngày đó tôi cùng Hạnh có những lần miệt mài ngồi cạo từng cái sườn xe, và vá từng chiếc xe đạp. Chiều về tôi xin Hạnh vài ba chục đi uống cà phê, mua năm ba điếu thuốc lẽ. Tôi nhớ có lần Hạnh sửa xong chiếc xe gắn máy, người khách đến hỏi bao nhiêu thì Hạnh chỉ vò vò đầu xong đáp: “Trả bao nhiêu cũng được”. Thiệt, hiền hết biết!
 
Bây giờ Hạnh đang nằm trị bịnh ở trong căn nhà đó. Tôi đẩy nhẹ cánh cửa sắt, Hạnh ngồi đó, giữa một căn nhà rộng, nóng bức, và thanh vắng. Nhìn bộ xương phơi bày trên thân hình của Hạnh, tôi chỉ nói được: "Anh Hạnh, em về thăm anh đây," bổng nhiên tôi thấy nóng ở đôi con mắt. Hạnh ngước mặt lên nhìn tôi, nói không được lời nào, nhưng trong ánh mắt của Hạnh, tôi thấy có niềm vui.

Thời gian ngắn ngủi của mấy ngày phép tôi dành lại cho Hạnh. Nhiều lúc tôi nói Hạnh gật gật hay lắc lắc cái đầu, Hạnh nói tôi cuối xuống kề sát bên tai để nghe. Rồi tôi chạy đi gặp BS, tôi hỏi bịnh tình của Hạnh, tôi đi mua thuốc, tôi mời y tá... Một thời gian ngắn tôi thấy Hạnh ăn được nhiều hơn, tiếng nói rõ hỏn và tự đi tắm một mình được. Tôi mừng quá. Tôi nói với Hạnh rằng: "Anh chịu toa thuốc nầy rồi đó, ráng đi, một thời gian năm ba tháng anh sẽ bình phục trở lại, và anh sẽ hết bịnh hẳn luôn đó".
 
Nhìn thấy sức khỏe của Hạnh dần dần hồi phục tôi thấy rất tự tin và đầy hy vọng. Tôi hứa với Hạnh là năm tới trở vô tôi sẽ mua cho anh một chiếc xe Dream, rồi hai anh em mình đi chơi. Như ngày xưa mình vẫn thường đi chơi khắp mọi nơi với nhau, từ con sông tới cánh đồng và biết bao nhiêu dãy núi. Cái tuổi thơ ấu ấy, tôi với Hạnh đã cùng nhau chia xẻ biết bao kỷ niệm buồn vui đào nương khoai, bắt cá, bắn chim. Nhưng thôi nhắc lại làm gì, mà nhắc đến bao giờ mới hết!

Hai tuần sau ngày tôi vào thăm, Hạnh đã khoẻ hơn trước nhiều. Cả nhà ai cũng nói kỳ nầy chắc Hạnh thoát nạn rồi. Lúc nào tôi vẫn tin như thế.
 
Tôi xa gia đình và xa Hạnh lâu lắm rồi.
 
Ở cái thời buổi đảo điên đó có ai biết được chuyện gì sẽ xãy ra. Có biết bao nhiêu lời đồn, hằng ngày bao nhiêu ngươì bị bắt, giết … chết. Tôi đã chấp nhận mọi gian nan nguy hiểm, bỏ lại tất cả, ngôi trường xưa, những người bạn học, gia đình và luôn cả Hạnh để đi tìm tự do, hay để thỏa mãn giấc mộng tang bồng của kẻ làm trai. Nhưng sự tự do nào cũng có một giá rất đắt. Và tôi súyt bị những cánh quạt khổng lồ của con thuyền, không bến, chém nát thành từng mảnh vụn. Nhưng rồi những cơn gió lốc cuộc đời cũng ngừng lại trên đĩnh bình yên. Và rồi miền đất hứa đã nuôi nấng, ấp ủ tôi những ngày tháng cô đơn, và đã mang lại cho tôi những gì tôi muốn đổi lấy. Bây giờ tôi đang chờ mảnh giấy I-130 để đền đắp những ngày cực nhọc của Hạnh, và để từ đây tôi sẽ ngồi nhấp lại với Hạnh những ly rượu tương phùng.

Chiếc xe vẫn chạy bong bong. Tôi và Long vừa đi, vừa nói chuyện, vừa ngắm cảnh. Hai bên Tỉnh Lộ 15, chạy dài từ cầu Tân Thuận đến Nhà Bè, bây giờ nhà cửa xây lên như mấm, chen chúc không còn một mảnh đất trống. Phía sau hàng nhà là những thửa ruộng, thỉnh thoảng có rừng dừa nước chen lẩn. Xa xa năm ba con trâu gặm cỏ trên bờ. Càng lúc tôi càng ra xa khỏi thành phố. Tôi thấy không khí bắt đầu thay đổi. Bỏ lại sau lưng tiếng ồn ào náo nhiệt của thành thị, tôi thấy người như nhẹ hẳn đi.

Tới mũi Nhà Bè rồi, con đường không còn lối đi nữa. Tôi dừng xe lại:

- Hết đường đi rồi hả Long?
 
- Còn, còn, Nhưng phải đi bằng phà.

Long vào quán nước bên cạnh cầu tàu, một lát sau mang ra cho tôi một trái dừa tươi.
 
Ðứng trên cầu tàu, đốt điếu thuốc, tôi nhìn ra thấy mũi Nhà Bè rộng thênh thang, nước đục ngầu và chảy mạnh. Nơi đây là hạ lưu của sông Sài Gòn và nhiều kinh rạch khác đổ lại. Tàu bè, xuồng con và những chiếc ghe bầu chở đầy hàng hoá, trông như muốn chìm lúc nào không biết. Cảnh người đi đi lại lại trên cầu tàu, đợi phà để qua sông, trông tấp nập như một ngày chợ phiên.
 
Cũng nơi nầy, cách đây khá lâu, tôi đã len lõi trên một chiếc tàu chạy ì ạch ngoài kia, nhưng khung cảnh không được vui tươi và nhộn nhịp như hôm nay mà đầy phập phòng, lo sợ...
 
Chiếc đò con đưa khách qua sông vừa đến, tôi và Long theo đoàn người xuống đò. Con đò nhỏ chứa đầy người và xe, rẽ sóng đưa chúng tôi qua bờ bên kia mũi Nhà Bè.

Long ngồi sau lưng, tôi chạy, và chạy mãi trên con đường đất đỏ. Thỉnh thoảng một vài chiếc xe đò qua mặt, hay chiếc xe gắn máy chạy ngược chiều cũng đủ làm bụi đường tung bay mù mịt. Xốn mắt quá, tôi chạy chậm lại, khi cơn bụi lắng dịu tôi lại rồ ga thêm lên. Con đường chạy xuyên qua quận lỵ Bình Chánh. Hai bên đường toàn là cây đước, loại cây sống dưới nước, thấp lòi còi. Không một bóng người. Một hồi lâu tôi cảm nhận được mùi gió biển mát rượi và dễ chịu hẳn đi. Tôi nói:
 
- Sắp đến biển rồi.
 
Tôi vẫn đèo Long sau lưng và chạy thêm, một chút nữa, rồi tôi dừng ở ngã ba đường.

- Rồi. Bây giờ đi đâu đây Long? Lên hay xuống?

Long nhìn qua nhìn lại xong chỉ tay về hướng đó.

- Ði lên, theo hướng đó đi lên. Long chỉ tay về hướng trái.
 
- Mi biết chỗ nào đi không đó, hay là cứ chỉ đại đi.
 
- Thì mầy cứ chạy đi, nếu lên đó không còn lối đi thì mình quay ngược lại.

Tôi nghĩ ông nầy cũng rùa rồi. Nhưng thôi cứ đi, đi chơi mà sợ ai.
 
Con đường đang trong giai đoạn sữa chữa, nào là đất, cát, sỏi, không thiếu cái chi. Xe tôi chạy một hồi lạc bánh vô đống cát, lạng quạng xém ngã. Nghề chạy xe Honda của tôi tính ra cũng được mươi ngày kinh nghiệm, nhưng Long vẫn tin và cho tôi làm "phi công" chính. Tôi chạy dọc theo bờ biển một hồi thì con đường bắt đầu đưa vào một khu phố nhỏ. Tôi hoàn toàn xa lạ.

- Ở đây là đâu đây Long?
 
- Chợ Cần Giờ.

Khu nầy đất hơi thấp nên con nước lớn lúc trước, sau khi rút đi, vẫn còn để lại một vài vũng trên mặt đường. Tôi xuống xe dắt bộ đi về hướng bãi cát.
 
Thị trấn Cần Giờ chỉ có bấy nhiêu đó, khoảng dưới một ngàn nóc gia, nằm rãi rác trên bờ Duyên Hải. Giữa thị trấn có một cái ngã ba đường. Những căn nhà nhỏ, thấp, xây bằng gạch và nằm sát bên nhau, dọc theo hai bên đường. Ði tới một chút nữa là chợ Cần Giờ.

Bờ biển Duyên Hải, một dãy cát nhỏ, ngắn, nằm đối diện Vũng Tàu . Màu nước biển đục ngầu và lúc nào cũng mang theo những ngọn sóng ì ầm đua nhau kéo vào bờ. Những ngọn sóng cứ thế làm việc như một cái máy, ôm gọn những đám lục bình, những cành cây khô, mang vô bờ, rồi lại kéo ra khơi. Như muốn gởi gấm lại bãi cát nầy một cái gì nhưng lại ngại ngùng, rồi ôm trọn những đám lục bình, những cành cây khô héo mang đi, đi thật xa, xa tít ngoài khơi trùng dương, bao la.

Tôi đi trên bãi biển, những bước chân nhỏ, chậm, in đều trên cát. Gió vẫn thổi rì rào qua rừng dương tạo nên những tiếng kêu vi vu như tiếng sáo chiều trên cánh đồng lộng gió. Bên cạnh rừng dương, những giây muống biển đan ngỗn ngan trên bãi cát, như tâm hồn cuả kẻ sầu bi. Gió thổi lùa từng đàn, từng đàn giây muống biển màu xanh rực, cuồn cuộn đùa giỡn như trêu cợt với những ngọn sóng lúc nào cũng lâm le muốn nhảy vọt lên bờ để mang ra khơi. Nhìn những cây lau đang cúi mình trước gió, tôi thấy lòng bâng khuâng với những cảm giác hoang mang khó tả.

Mấy ngày phép của tôi sắp hết rồi, bây giờ phải thu xếp hành lý trở về. Trước giờ ra đi, tôi kéo hai chiếc ghế lại với nhau, và đặt Hạnh ngồi cạnh song cửa sổ. Những tia nắng ban mai chiếu đều lên khuôn mặt gầy gò của Hạnh. Mái tóc dài và đen ngày nào nay đã muốn nhộm màu bạc trắng. Hạnh bây giờ ốm nhiều lắm. Hơi thở yếu ớt. Hạnh tâm sự với tôi thật nhiều về cuộc sống buồn vui của Hạnh trong những ngày “bao cấp”.

Chiếc xe vẫn nổ máy đều. Tôi giả từ Hạnh, xe chạy lên cầu Tân Thuận để về sân bay. Nhìn xuống kinh Tẻ, những đám lục bình đang vội vàng trôi sông, có lẽ giờ nầy biển Duyên Haỉ nước đã dâng cao lắm rồi. Không biết những con sóng kia có vô tình mang những cành cây khô ra khơi không? Hay có lẽ ngày mai khi tôi trở lại, cảnh vật nơi đây sẽ không còn như hôm nay?
 
*   *
*
=========================================================
Đồng Sa Băng


<bài viết được chỉnh sửa lúc 03.04.2007 23:06:33 bởi Ct.Ly >
Attached Image(s)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9