Mùa Cầm Trâu
DongSaBang 01.04.2007 10:17:07 (permalink)
Mùa Cầm Trâu

[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/26316/DB1D877EC5AB4263859C9AC1D09F1D5C.jpg[/image]

 

            Tiết trời mùa Ðông thường có những cơn mưa phùn. Hôm nay cũng vậy, cơn gió bấc đang thổi về mang theo những hạt mưa thật nhỏ, nhỏ như những sợi chỉ, mưa nghiêng nghiêng uốn mình theo chiều gió, chạy lăn tăn trên khắp cánh đồng. Hạt mưa làm ướt áo, và cơn gió se lạnh của mùa Ðông thỉnh thoảng lại thổi rào làm đôi môi bật thành tiếng. Mùa Ðông đã về. Và một buổi chiều gió Ðông, những bước chân nặng nề của bầy trâu đang giẫm đều trên bờ đê để trở về tổ ấm, gởi lại sau lưng những tiếng chim kêu, vượn hú cho núi rừng. Ðàn trâu đã ra khỏi chân núi Vàng, đi ngang qua Cấm Ông Thi, cũng là lúc mặt trời vừa lặn khỏi núi. Xa xa những căn nhà trong xóm đang thở khói cơm chiều qua nóc maí nhà tranh.
 
Hôm nay hai đứa lừa trâu cho ăn trong hóc Bà Mỹ.
 
Từ sáng sớm, khi tiếng gà gáy đã ngưng, và ánh mặt trời bắt đầu le lói trên đĩnh núi là anh em nó đã mở cổng lừa bầy trâu đi. Ra tới đầu ngõ mỗi đứa trèo lên lưng một con trâu. Vì nhỏ bé quá nó không tài nào tự trèo lên lưng trâu được, nên, nó đạp chân lên đầu và ôm lấy cổ con trâu, thế là con vật biết ý ngước đầu hất nó lên, vậy là nó chễm chệ ngồi trên lưng trâu.
 
Từ đây hai anh em nó cho trâu ra đường Cái Quan. Lên tới đầu làng nó cho trâu lội dưới đường mương Cái Cát để vào hóc Bà Mỹ. Trâu lội sột soạt dưới nước, nhiều lúc đánh đui lên làm ướt áo, nó bực bội lắm; Nó thích cho trâu đi trên bờ đê nhiều hơn, nhưng vì chân trâu to, thân hình nặng nề, dể làm sạt bờ đê nên ai cũng bắt nó đi dưới đường mương! Ði hết đường mương Cái Cát là đến chân núi Vàng, nó tạt bầy trâu vào nhập bọn với những bầy trâu khác đang lội ăn trong Ðầm.
 
Người dân làng nó gọi khu nước đồng lầy nầy là cái Ðầm, trong Ðầm người ta cũng cấy lúa, nhưng lúc nầy Ðầm lúa đã gặt xong chỉ còn lại nước sâu lai láng, và trâu ăn những đọt lúa rợ mọc lên từ gốc rạ. Ðầm nước sâu không thua kém gì đồng Sa Băng, trâu tha hồ ăn và trầm mình tắm mát. Bên cạnh bờ Ðầm là Cấm Ông Thi, một cái đồi nhỏ, tròn tròn chừng 1500 mẫu đất, chứa đầy những cây cổ thụ như một khu rùng già, nên nhìn vào rất rậm rạp và huyền bí. Nhất là những lúc chiều về, khi mặt trời vừa lặn thì Cấm Ông Thi càng trở nên huyền bí hơn, bao nhiêu tiếng cuội của cầm thú, côn trùng vang dội từ cánh rừng cũng đã làm lòng người run sợ đến nỗi da gà.
 
Nó chưa bao giờ một mình dám đi sâu vào Cấm Ông Thi. Hôm nay nó đi dọc theo bờ Cấm, tình cờ phát hiện một con sáo Nghệ đang na mồi về tổ. Nó mê có một con sáo Nghệ nuôi chơi. Nó thấy có người nuôi sáo Nghệ và cho ăn ớt để tập nói. Nghĩ tới con sáo Nghệ biết nói nó lần mò theo con sáo mẹ tìm đến ổ. Nó len lỏi chun vào Cấm Ông Thi và đã tìm ra ổ sáo, nhưng nghiệt thay, con sáo Nghệ làm ổ trong một cái bộng cây tuốt trên cao. Nó trèo lên bắt ổ sáo. Khi đến nơi nó thò tay vào bộng cây, nhưng sao thấy tay nó đụng một vật gì lạnh buốt, và những con sáo con cũng không còn con nào nữa. Nó rờ lại một lần thì ra đó là con rắn đang nằm trong bộng cây, đã thủ tiêu mấy con sáo con, và nằm chờ con sáo mẹ. Nó hoảng hốt, lật đật tuột xuống và té xuống gốc cây, thân mình trầy trụi và bị một khúc cây nhỏ đâm vào càm của nó. Nó lật đật chạy ra bìa rừng:
 
“Con bà nó, con rắn nầy chơi ác thiệt.”
 
Từ đó nó mang cái thẹo dưới càm. Và cũng từ đó nó không còn mê nuôi sáo Nghệ nữa.

Nó dẫn đứa em trai ra ngồi ngoài bìa Cấm Ông Thi. Trời bắt đầu nỗi cơn giông và những hạt mưa càng lúc càng to hơn. Mưa rơi róc rách trên những ngọn cây của cánh rừng già, và mang theo hơi lạnh. Hột mưa mỗi lúc một to. Cơn mưa đã làm cho cảnh núi rừng trở nên ủ rũ, bao nhiêu linh động của chim chóc, thú rừng, trâu bò, và ngay cả những con người tay chân làm việc quần quật cũng đều dừng lại để nhìn những hạt mưa rơi.
 
"Gió lạnh quá anh ơi."
 
"Ờ, anh cũng thấy lạnh rồi, em chun vô cái áo tơi kia đi."
 
Nó theo anh Ðô con bác Quới và mấy người lớn hơn đi lượm củi khô trong Cấm đem ra đốt sưởi ấm.
 
Trời mùa Ðông hay mưa bất thình lình. Những người đi trong đồng thường mang theo con duối ngún lửa liên hồi, để khi cần lửa đốt cây khô sưởi ấm. Lửa đã nỗi lên rồi và than lửa đỏ hồng. Nó thấy người ta đi lượm trái dẽ nướng ăn ngon lắm, thế là anh em nó cũng theo lượm trái dẽ để nướng ăn.
 
Lần đầu tiên nó ăn dẽ nướng, trái dẽ có võ cứng, nó không biết phải ăn làm sao, nó hỏi:

- Làm sao ăn trái dẽ anh Ðô?
 
- Ðưa đây anh chỉ cho cách ăn.

Nó đưa hết những trái dẽ vừa nướng và ngồi xem anh Ðô chỉ nó cách ăn, vậy là bao nhiêu dẽ nó nướng chả ngồi chả đập võ ra ăn ráo trọi, xong rồi chả nói:

- Ăn như vậy đó!
 
- Dẽ của tui đâu hết rồi?
 
- Thì tao phải ăn mới chỉ cho mầy được chứ!

Nó tức cái mình, bao nhiêu trái dẽ nó lượm trong bìa Cấm bị mấy ông nầy bắt nạt ăn hết rồi.
 
Nó dẫn đứa em ra Ðầm. Bầy trâu lúc nầy đang ăn ở gò Hầm, nó lừa trâu lên dốc Mồng Công cho ăn. Ở đây cánh đồi triền dốc, đứng trên đốc Mồng Công nhìn thẳng lên là đường lên đĩnh núi Vàng.
 
Nó đã từng giẫm chân trên vùng núi nầy, và nó cũng đã từng lặn lội trong biết bao nhiêu cái hóc ở đây, nhưng chưa bao giờ nó được đặt chân lên đĩnh núi Vàng. Ðừng nói chi đến việc đặt chân trên đó, chỉ nhìn lên đĩnh núi Vàng là đã có cảm giác rùng mình rồi. Nhưng nó ước mơ được đặt chân lên đó, dù chỉ một lần.
 
Người trong làng nó muốn lên đĩnh núi Vàng có hai lối: một là đi vào hóc Bà Mỹ rồi tẻ qua tay mặt lên hướng Hố Sâu, hai là từ gò Hầm đi lên bằng dốc Mồng Cồng. Dốc Mồng Công triền hơn, nhưng ít cây rậm rạp, ngược lại Hố Sâu vì có nước róc rách quanh năm nên cây cối um tùm chắn lối đi khó hơn. Trước khi lên đĩnh núi Vàng, người ta phải qua Gành Vườn. Gành Vườn là một khu đất hơi bằng phẳng, chạy dọc theo chiều ngang của núi. Nơi đây có những khu rừng rậm, có những vách đá vao vút và có những hang động đầy huyền bí, nhưng cũng là nơi có nhiều cây cỏ xanh um cho trâu ăn, và khu đất bằng phẳng để trâu ngủ.
 
Mỗi năm vào dịp Tết, người dân sống ở những làng mạc chung quanh núi Vàng thường đem trâu cầm trên Gành Vườn để ăn Tết. Năm nay cũng vậy, chỉ còn một tuần nữa là lần đầu tiên nó được theo cha lừa trâu cầm trên Gành Vườn. Nghĩ đến ngày đó nó thật vui, nó sẽ được khám phá những huyền bí của vùng rừng núi nầy, nơi mà nó hằng ngày đứng ngắm nhìn từ chân tới đĩnh với lòng rạo rực. Nó nghe những đứa trẻ lớn lên ở đây nói rằng sinh ra ở đây mà không bước chân lên đĩnh núi Vàng là chưa phải nam nhi. Người ta nói lên trên đó sẽ nhìn thấy tất cả, sẽ thấy Chu Me, Ðồng Ngỗ, Nghĩa Phú, Nghĩa Thuận và thấy luôn cái làng Long Phụng với những chiếc ghe chài dưới biển Ðông. Và sẽ thấy thị trấn Quảng Ngãi với hòn Ấn hòn Bút mập mờ dưới làng sương khói.

Trời vừa đứng bóng nó lừa bầy trâu dọc theo chân núi đi về hóc Bà Mỹ. Ở đây có cái đập lớn, vào mùa mưa nước đập dâng lên cao trông như một cái hồ. Nước hồ chảy vào con suối chạy ngoằn ngoèo giửa đồi núi trông như một con rồng, và con suối nầy cuối cùng đổ vào cánh đồng Sa Băng trước làng. Vào mùa mưa con suối có nhiều nước chảy róc rách, nhưng vào tháng bảy tháng Tám, trời hạn hán, nước khô queo và con suối lộ ra những sỏi và đá. Có một hôm nó đi bên cạnh những đám đậu phụng của Bà Mỹ, nhìn xuống suối nó thấy anh em thằng Nghề thằng Ngãi, và năm đứa khác ôm AK đi dưới suối, nó sợ tái mặt! Chỉ mấy tuần trước, mấy đứa đó cũng là bạn chăn trâu với nó. Nhưng đùng một cái bảy đứa đó nhảy núi, nên bây giờ gặp lại nó thấy có một khoảng cách thật xa và sợ muốn teo bu-ri. Chỉ vì cái ấn tượng trong đầu, cái ấn tượng ác ôn côn đồ.
 
Hai anh em nó trèo lên lưng trâu cho lội qua đập. Qua bên kia là một cánh đồi chạy dài với những đám cỏ được ngăn chia bởi những bờ rào bằng bụi cây. Trâu rúc vào ăn trên ngọn đồi bên cạnh. Giữa ngọn đồi có một cái rẫy rộng lớn, giữa rẫy có một cây xoaì và một cây dúi nằm sát bên nhau. Hằng ngày những đám mục đồng thường đến cây xoài, cây dúi nầy chơi. Với đầu óc và bàn tay khéo léo của đám con nít, cây dúi bây giờ giống như cái nhà lầu ba từng, rồi họ bức giây giang đan thành những cái võng trên cây xoài và câu dúi nầy. Những buổi trưa hè gió mát một đàn mục đồng trèo lên đó nằm đu đưa thật là thích thú. Hôm nay anh em nó cũng trèo lên cây dúi nhún cho đã đời rồi đánh một giấc ngủ trưa thật là thần tiên.

Khi nó thức dậy thì trời đã về chiều, nó lừa bầy trâu đi vòng qua mấy đám ruộng dưới hóc Xoá. Từ đó nó cho trâu băng qua Ðèo Mướp vào gò Ðồn dưới. Trâu vừa đi vừa ăn, khi đến gò Ðồn trên thì mặt trời sắp lặn, nó lừa ra đường Cái Cát để trở về.
 
Cái ngày nó ước mơ đã đến.
 
Hôm nay là ngày 23 Tết, ngày đưa ông Táo về trời. Từ ngày hôm qua trong lòng nó đã rạo rực, tối về nó không tài nào nhắm mắt ngũ được vì ngày mai nó được theo cha đưa trâu lên Gành Vườn.
 
Sáng hôm nay nó thức dậy thật sớm, lu bu dưới bếp phụ mẹ nó gói mấy gói cơm, rồi đi tìm đôi dép có đai ngày nào mẹ nó mua dưới chợ Vam để mang đi rừng. Nó lăng xăng líu xíu như gà mắc đẻ. Giờ khởi hành đã đến, nó mang hai gói cơm theo cha ra chuồng trâu. Trời vẫn còn chập choạng tối, bầy trâu đã ra đi.
 
Mới vừa đến đường Cái Cát nó thấy như một ngày hội, từng đàn, từng đàn bầy trâu trong làng đều có mặt. Bầy trâu của Bác Bang Tòng nhiều nhất, kế đến là bầy trâu cha nó, trâu ông Quản Lý Mân, ông Trí, ông Hội Viên Hầu, ông Hượu, trâu bác Quới, Bác Lào, ối thôi quá chừng là trâu. Nội bầy trâu trong làng nó cũng đếm trên trăm con rồi. Bầy trâu lớn bé nối đuôi nhau lội sột soạt trong đường mương Cái Cát, đứng xa xa trong như một đoàn quân diễn chinh!
 
Ðàn trâu rời khỏi làng mạc, khi đến dốc Mồng Công thì gia nhập với đàn trâu dưới Ðồng Xuân, Mễ Hưng, An Ba, … kéo lên qua ngã núi Ðuôi Chuột và đèo Mướp đi lên hố Sâu. Tiếng reo hò của người và trâu đã đánh thức rừng núi. Phía Tây núi Vàng là đàn trâu kéo đến từ Nghĩa Phú lội qua cánh rừng già, bắt qua núi Ngang để lên Gành Vườn. Phía Ðông thì có đàn trâu từ Chu Me, Ðồng Ngỗ. Từ ba bên bốn phía từng đàn trâu đổ về để tiến lên Gành Vườn. Người trong làng hôm nay nhìn lên núi Vàng sẽ thấy những đóm nho nhỏ, đen thùi lúc nhúc kéo nhau về Gành Vườn.
 
Ðường dốc Mồng Công dể đi, những con đường mòn nho nhỏ do người đi củi và thợ đốt than phát cây tạo ra lối đi. Bầy trâu vừa đi vừa bức những ngọn cỏ xanh non trên đường. Qua nửa dốc núi thì lối đi không còn rõ rệt nữa, trâu toả ra mọi hướng. Những con trâu lớn biết hôm nay nó sẽ trở về Gành Vườn, vì mỗi năm vào lúc nầy nó đều được về Gành Vườn, vậy là nó dẫn đầu đưa những con trâu khác kéo nhau hướng về một chỗ.

Không ai nói ai nhưng hôm nay trong lòng mọi người và bầy trâu đều hớn hở. Cảnh núi rừng trong những tháng ngày im lìm nay đã trổi dậy và đang chào đón những bước chân đến từ mọi nẽo đường.
 
Những cơn mưa rừng đầu mùa đã tưới lên cánh đồi cho cây cỏ xanh thêm, và đã làm thấm ướt tận gốc những đồi sim, rừng móc, để giờ đây cánh rừng đầy dẫy những trái cây căng tròn, chín mộng. Nó đi theo cha và tha hồ hái trái cây rừng nào là sim, ổi, chà là, mẩn khiển ăn cho thỏa thích. Thỉnh thoảng nó quay đầu lại nhìn xuống cánh đồng và ngôi làng trải mình bên bờ sông Vệ, nó thấy dường như nó đã trở thành một nam tử và lấy làm thích thú.
 
Núi rừng hôm nay thật là nhộn nhịp, những con trâu đen xám đang lúc nhúc, lúc ẩn lúc hiện tiến về Gành Vườn. Qua khỏi dốc Mồng Công con đường mòn bây giờ đã mất dấu đi. Cha nó trên tay cầm cái rựa, vừa đi vừa chặt những lùm cây um tùm để tạo lối đi. Có những lùm lau sậy, và đót được đan chằn chịt bởi những sợi giây tơ hồng, người ta phải chun luồng dưới lùm cây mà đi. Bây giờ nó mới biết đường lên Gành Vườn thật là gian nan.
 
Ra khỏi khu rừng rậm là một cánh đồi vươn dài ra với những đám cỏ gà xanh cao, len lỏi giửa rừng sim bát ngát. Nơi đây những người thợ đốt than đào đất làm lò đốt than, để lại những dấu vết màu đất đen thui với những cành cây cháy khô. Những tro bụi sau nhiều lần đốt than đã chồng chất lên nhau và làm cho đất đai ở đây thêm nhiều màu mở. Không biết từ đâu mà nơi đây có nhiều cải trời xanh tươi mọc trên những vùng đất tro tàn. Có lẽ những người thợi đốt than hay những người đi rừng có lần đã đem hột giống thả lên đây chăng. Và cũng từ những hố đốt than nầy, mọc lên những cây chuối rừng với những buồng chuối xum xê, muôn màu sắc - xanh - đỏ - vàng - tím.

Mặt trời đã lên cao. Nhìn ba bên bốn phía những bầy trâu từ mọi nơi lần lượt kéo về đến Gành Vườn. Tiếng người kêu gọi nhau ơi ới, gom hàng trăm con trâu lớn nhỏ về một khu đất trống rỗng.
 
Những con trâu nghé đực, ngứa sừng chọi nhau lỏang chỏang trong chốc lát rồi lại làm quen đùa giởn khắp khu rừng. Ðặt biệt là mỗi bầy trâu đến từ mỗi làng đều có những con trâu đực lớn cầm bầy. Nhìn con Ngỗng của ông Trí thân hình to lớn và cặp sừng khổng lồ, nó cũng thuộc về giống trâu mọi. Nhưng hôm nay những con trâu đến từ Nghiã Phú và Mễ Sơn thấy còn khiếp đảm hơn nhiều. Thân hình thon thon, to lớn, chân to, sừng cong, trông thấy biết ngay là những tay anh hùng đã từng làm long trời lở đất. Nhìn điệu đi của những con trâu nầy thấy mê! Con Rồng của cha nó cũng là tên anh chị trong bầy trâu ở làng, nhưng hôm nay nó cũng phải nhường lối cho những đám mày râu đến từ miền cao nguyên thượng du.
 
Những con trâu đực to lớn, ngoảnh mặt lên nhìn đàn trâu như để xem xét, và nhận diện những đấng mày râu trong ngày đại hội nầy. Thường thì những tay đàn anh nầy thích tranh tài nhau bằng những trận đổi lộn bể rừng bể núi. Nhưng hôm nay rất lạ, nó chỉ liếc nhìn nhau, và có chăng, cũng chỉ là những trận thử sức nhau lẻ tẻ, rồi cũng trở thành thân thiện sống bên nhau trong những ngày đại hội ngắn ngủi trên khu rừng hoang vu. Có lẽ, trong suy nghĩ nó cũng hiểu là nó còn có một bổn phận thiên liêng trong những ngày nầy là bảo vệ cho những con trâu cái, trâu con khỏi nanh móng của cọp beo.
 
Những chứng tích vẫn còn đó. Bên cạnh khu đồi trống nầy là những tảng đá khổng lồ, đứng sừng sững như những tấm vách, và cũng trong khu núi đá nầy là những hang động hoang vu. Nó theo đoàn người vào trong đó thì thấy biết bao nhiêu cặp sừng trâu, nằm lăn lóc trong hang đá âm u. Mỗi năm người ta đem trâu cầm trên đây, những con trâu xấu số đã bị cọp chụp mang vào những hang đá nầy, và cuối cùng là những chiếc sừng không linh hồn nằm lăn lóc bên bờ cây bụi cỏ.
 
Ban ngày trâu đi ăn chung nhau từng đám, khi có cọp beo xuất hiện, những con trâu lớn báo động gom trâu cái, trâu con lại một nơi trống vắng và những con trâu cầm bầy chống lại với cọp. Khi tối về thì những trâu cái trâu con nằm bên trong và vòng ngoài là những con trâu đực lớn nằm bảo vệ. Nhưng bầy trâu bốn năm trăm con cũng không tài nào chạy khỏi nanh móng của hung thần mảnh hổ sơn lâm.
 
Vạn vật trên đời nầy nếu có sinh thì đều có tử. Biết đâu trong những cặp sừng kia là cái chết anh dũng của những con trâu đã từng chiến đấu với cọp beo để bảo vệ cho những con trâu yếu đuối.
 
Những người chủ trâu tay bắt mặt mừng, đem đồ ăn hoa quả bày trên một tảng đá bằng phẳng. Họ làm lễ cúng núi, rồi đem đồ ăn ra cùng ăn uống, vui đùa. Ngoài kia vài con trâu nghé chạy nhảy cà tưng cà tưng.

Mặt trơi vừa đứng bóng và buổi tiệc cúng núi cũng đã đến giờ tàn. Những người chủ trâu hẹn nhau ngày trở lại lừa trâu về. Rồi ai về đường nấy, bầy trâu giao lại cho rừng núi. Ngày mai trở lại, chắc chắn cũng sẽ có những cặp sừng bỏ lại trong hang núi kia. Và cũng có những con trâu hoang đường rời đàn, từ bỏ cuộc sống gò bó trong cái chuồng nhỏ bé để chọn cuộc sống tự do của trâu rừng.

Nó theo cha và đoàn người đi xuống chân núi. Nhìn lại sau lưng những con trâu sửa soạn chào đón một mùa xuân trên cao. Xa xa bóng dáng mập mờ của một thành phố duyên hải.
 
*   *
*
==========================================================
Đồng Sa Băng



 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 01.04.2007 10:19:25 bởi DongSaBang >
Attached Image(s)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9