THÀNH NGỮ - TỤC NGỮ VẦN A
Huyền Băng 01.04.2007 14:57:02 (permalink)
Một số giải thích về thành ngữ - Tục ngữ trích trong "Kể chuyện Thành ngữ Tục ngữ" do Nhà xuất bản văn hóa Sài Gòn xuất bản.
-----------------------------------------------------------------

 
Ăn ốc nói mò
 
Mới nghe qua dường như có thể giải thích thành ngữ ăn ốc nói mò nhờ vào quan hệ nhân quả: "ăn ốc thì nói mò" hay "Vì ăn ốc nên nói mò", tương tợ như hiểu các tổ hợp từ ăn ốc lạnh bụng, uống rượu nhức đầu, hút thuốc khàn giọng... song, cái ý nói mò (tức nói đoán chừng, hú hoạ, không chắc trúng, vì không có đủ căn cứ để nói) câu ăn ốc nói mò lại chẳng có mối liên hệ nào với việc ăn ốc cả. Nói cách khác, ở đây giữa ăn ốc và nói mò không có quan hệ nhân quả. Vậy thì , ăn ốc nói mò kết hợp với nhau theo quan hệ gì? và thành ngữ ăn ốc nói mò đã xuất hiện như thế nào?
 
Có người cho ăn ốc nói mò có xuất xứ ở  việc uống rượu ăn ốc ở các quán đầu làng. Rượu vào lời ra. Người quá chén thường nói năng lung tung, hết chuyện này sang chuyện khác, đúng ,sai, hay, dở , tục, thanh, không để ý tới. Cách giải thích này xem ra có một ít lý lẽ, song chưa thể yên tâm được. Nói mò trong ăn ốc nói mò không phải nói lung tung, chuyện này sang chuyện nó như người say rượu, mà là nói hú họa, đoán chừng về một điều cụ thể, vốn xác thực nhưng không biết hoặc chưa biết chắc chỗ đúng của điều cần nói là đâu.
 
Cũng có người nghĩ tới quan hệ điều kiện giả định giữa việc ăn ốc và việc mò ốc: "Muốn ăn ốc phải mò ốc" để cắt nghĩa xuất xứ của ăn ốc nói mò. Nhưng tại sao ý "muốn ăn ốc phải mò ốc" lại liên hội được với ý "nói mò, nói hú hoạ, nói không có chứng cứ" câu ăn ốc nói mò đã nêu trên.
 
Chúng ta thử tìm hiểu nguyên lai của thành ngữ này theo một hướng khác. Như đã biêt, trong tiếng Việt có một từ mò là động từ (mò ốc, mò cua...) và một từ mò là trạng từ (nói mò, đoán mò.. ) Mò trong ăn ốc nói mò chính là từ mò trạng từ, chỉ cách thức hành động. Như vậy, giả định có quan hệ điều kiện giữa ăn ốc và mò ốc nêu trên là không có lý. Điều cần làm ở đây là, vậy thì (nói ) mò đã đi vào ăn ốc nói mò bằng con đường nào?
 
Trong lời ăn tiếng nói của dân gian, bên cạnh ăn ốc nói mò chúng ta còn gặp các cách nói ăn măng nói mọc, ăn cỏ nói bay. ăn măng nói mọc dùng chỉ sự bịa đặt, dựng chuyện, vu khống, ăn cò nói bay nói về thói chối bay, chối phắt, coi như không có, không biết điều đó có xảy ra thật. Ở hai cách nói này, gánh nặng ý rơi vào các vế sau, (nói mọc, nói bay), giống như cách nói ăn ốc nói mò. Và, vế đầu (ăn mặng, ăn cò) dường như chỉ giữ chức năng cấu tạo hình thái chứ không mang chức năng hiểu ý. Đây là một loại cấu trúc độc đáo, rất hiếm thấy trong thành ngữ tiếng Việt. Có thể hình dung cơ chế tạo lập kiểu cấu trúc như sau:
 
1. Có một "từ" A biểu thị một hiện thực. Ví dụ "mọc" trong thành ngữ ăn cò nói bay.. ăn măng nói mọc biểu thị tính hay vu khống, dựng chuyện ở một loại người nào đó.   
 
2. Do nhu cầu diễn có tính hình ảnh, gây ấn tượng mạnh mẽ hơn, người ta đãtạo ra lối nói mới dựa trên khuông mẫu của cach nói đã có trước trong ngôn ngữ. Cách nói mới này được xây dựng theo nguyên tắc.
 
a) Tìm trong ngôn ngữ một từ (B) có quan hệ hợp lý với A, sao cho được một quan niệm khi kết hợp với A (theo trật tự AB hoặc BA) hợp với lý lẻ nhận thức người bản ngữ. Ví dụ: nếu A là mọc thì B phải là măng (trăng, răng...) vì nói măng mọc hay trăng mọc, răng mọc...) đều có thể quan niệm được. Còn nếu A là bay thì B phải là cò (bay chim, cò, lá...) vì nói chim bay (cò bay, lá bay ) đều hợp lý.
 
b) Tùy theo đặc tính phạm trù của điều được nói đến và của hiện thực do B biểu đạt tìm một hình thức (từ hoặc tổ hợp từ) có khả năng tương kết với AB (BA) theo luật này hay khác (chẳng hạn , đối với điệp) để tạo thành khuôn cách nói mới  Chẳng hạn, điều được nói tới trong ăn măng nói mọc (ăn ốc nói mò, ăn cò nói bay,...) có thể quy vào phạm trù ứng xử nói năng, do đó, các từ được chọn làm các yếu tố cấu trúc có thể là ăn nói, lời lẽ, nói năng.. Vì B là từ chỉ sự vật thuộc phạm trù cái ăn được, nên người nói đã chọn từ ăn nói trong số các từ trên tương kết với mặng mọc nhờ luật đối và điệp tạo thành ăn măng nói mọc giống như dân gian đã dùng cáctừ ong bướm và lả lơi để tạo ra thành ngữ bướm lả ong lơi hoặc dùng các từ đi về và mây gió để tạo ra đi mây về gió. Ăn cò nói bay và ăn ốc nói mò đều được tạo thành theo con đường nói trên.
#1
    Huyền Băng 01.04.2007 14:59:42 (permalink)
    Áo gấm đi đêm
     

    Gấm là thứ hàng dệt bằng tơ nhiều màu có hình hoa lá sặc sở. Thời trước, gấm là một trong những thứ vải quý hiếm, thường dùng để may áo. Vì vậy, áo gấm (áo may bằng vải gấm) được coi là biểu tượng của sự giàu sang, phú quý trong sự đối lập với áo rách biểu tượng của sự nghèo hèn. So sánh:
     
    “Chồng em áo rách em thương
    chồng người áo gấm xông hương mặc người”
    (ca dao)
     
    Hơn thế nữa, áo gấm còn biểu trưng cho sự thành đạt trong học hành , thì cử. những người học trò sau các kỳ thi hương, thi hội trở về quê (vinh quy bái tổ) đều mặc áo gấm để tỏ rõ sự thành đạt, công thành doanh toại của mình trước họ hàng làng nước. Nhân dân ta hay nói: áo gấm mặc về chính là nói về sự đỗ đạt trong thi cử, một mong ước chính đáng của những người lều chõng đi thi.
     
    “Cũng đừng áy náy lòng quê
    Bao giờ áo gấm mặc về mới thôi”
    (Phan Trần)
     
    Áo gấm chỉ mặc ban ngày mới được mọi người nhận thấy sự rực rỡ của nó. Đối với người giàu có, sự rực rỡ của áo gấm phô bày cho thiên hạ biết anh ta thuộc hạng người lắm tiền, nhiều của. Đối với các chàng học trò sau khi thi trở về, áo gấm, mách bảo cho mọi người về sự đỗ đạt của anh ta. Ấy thế mà mặc áo gấm ban đêm, đi trên đường làng thuở trứơc với khung cảnh tối tăm mù mịt như thế thì ai hay biết, ai phân biệt gấm vóc với các thứ vải khác được. Trong Hán sử (Trung quốc) có câu “Phú quý bất quy cố hương như cẩm y dạ hành” (giàu sang mà không trở về quê thì cũng mặc áo gấm đi đêm). Thành ngữ này được dùng trong tiếng Việt với hai nghĩa: (1) Của quý mà không dùng đúng lúc, đúng chỗ thì cũng hoài phí (giống như mặc chiếc áo gấm - loại áo may bằng vải gấm, biểu tượng cho sự giàu sang trứơc đây mà đi trong đêm thì ai nhìn thấy được, nên nó cũng giống như mọi áo may bằng vải thường khác mà thôi). (2) Lối khoe khoang phô trương sự giàu có một cách kịch cỡm, không phải lối, không tương hơp với hoàn cảnh hay chính con người đó.
     
    Những điều phân tích, luận giải ở trên cũng cho thấy, đối lập với thành ngữ áo gấm đi đêm là thành ngữ áo gấm ban ngày. Cũng vậy, trái với gấm đêm (dạng rút gọn của áo gấm đi đêm) là gấm ngày (dạng rút gọn của áo gấm ban ngày):
     
    “Vẻ vang rực rỡ gấm ngày
    Ai ai chẳng muốn bạn bầy với tiên”
    (Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Thiện)
     
    Áo vải, cờ đào
     
    Áo vải cờ đào là hình ảnh biểu trưng cho Quang Trung Nguyễn Huệ, có nghĩa tương đương như tổ hợp từ “Anh hùng áo vải”. Thành ngữ “áo vải, cờ đào” bắt nguồn từ bài thơ khóc chồng của Ngọc Hân công chúa, bài “Ai tư vãn”.
     
    Ngọc Hân công chúa chính là Lê Ngọc Hân, sinh năm 1770, mất năm 1799. con gái thứ 21 của Lê Hiến Tông. Bà được học hành đến nơi đến chốn, giỏi văn thơ. Năm 1786, Bà kết duyên với Nguyễn Huệ, khi ông ra Bắc phò Lê, diệt Trịnh rồi bà theo chồng vào Phú Xuân. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung, Lê Ngọc Hân được phong là Bắc cung hoàng hậu. Năm 1792, Quang Trung mất, Lê Ngọc Hân khóc chồng bằng bài thơ Nôm “Ai tư vãn: và bài “Văn tế Quang Trung”, “ai tư vãn” là bài thơ nôm nỗi tiếng không chỉ vì nó phản ảnh được một cách sâu sắc nỗi đau của một goá phụ trẻ, mà còn là tư liệu quí để người đời hiểu được đời sống tình cản, sự nghiệp cứu nước, dựng nước của Quang Trung, người anh hùng dân tộc. Điều đó được Ngọc Hân gói lại trong hai câu:
     
    “Mà nay áo vải cơ đào
    Giúp dân dựng nước biết bao công trình”
    (Ai tư vãn)
     
    về sau này, hễ nói đến “áo vải, cờ đào”, hay “người anh hùng áo vải”, người Việt Nam ta ai cũng biết với lòng tự hào sâu sắc ; đó là Quang Trung - Nguyễn Huệ!
    #2
      Huyền Băng 01.04.2007 15:02:21 (permalink)
      Ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng
       

      Ngày trước ở nông thôn, tổng là đơn vị hành chính cấp cơ sở (theo cách nói bây giờ) bao gồm một số xã, nhiều tổng mới hợp thành một phủ (tương đương huyện bây giờ). Trong tổng, to nhất là chánh tổng rồi đến lý trưởng các làng xã và bé nhất là anh mõ làng, tức là người đàn ông cùng đinh, không có tấc đất cắm dùi, chuyên đi làm thuê và kiềm nghề làm mõ. Hể có việc gì của làng: ma chay, đình đám, cưới xin thuế má thì anh mõ có trách nhiệm phải đi gõ mõ báo tin cho cả làng, cả xã biết. Anh mõ phải làm nhiệm vụ ấy như một nghĩa vụ với làng mà không được trả công, không được hưởng một quyền lợi gì cả. Ngoài một công cụ thông tin là cái mõ, ngày xưa còn cái tù và tức là vỏ một con ốc biển hoặc một cái sừng trâu thông hai đầu dùng hơi thổi để báo tin tức, việc làng. Việc dùng tù và đi thổi khắp làng, khắp tổng mà chẳng được hưởng lợi lộc gì chính là cơ sở để xuất hiện thành ngữ ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng hay ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.
       
      Thành ngữ trên thường được dùng trong tiếng Việt để nói cái ý những người làm việc công, và không được hưởng tí quyền lợi gì.
       
      Dần dà, thành ngữ ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng hay ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng được mở rộng ý nghĩa ra. Tất cả những việc làm tốn công, vô ích vì không mang lại được hiệu quả gì đều có thể được ví bằng thành ngữ này.
       
      Gần nghĩa với thành ngữ này, trong tiếng Việt còn có thành ngữ ăn cơm nhà vác ngà voi.
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2025 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9