Ba hồn bảy vía
Ba hồn chín vía
Ai đã đọc “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, hẳn không quên hình ảnh chị Dậu chạy ra ngõ hú gọi ba hồn bảy vía anh Dậu “về với vợ con” trong khi anh bị bọn cường hào ác bá đánh trói nằm bất tỉnh nhân sự ở trong nhà.
Trong nhân gian, khi tin tưởng vào việc bói toán, người xem bài yêu cầu người xin xem vận mệnh rút bảy là bài, nếu là nam, và 9 lá bài nếu là nữ, để tìm vận mệnh trong những lá bài đó . Điều này cũng bắt nguồn từ thuyết ba hồn bảy vía hay ba hồn chín vía trong nhân gian.
Vì theo quan niệm dân gian sống là có hồn vía ngự trong thể xác. Khi hồn vía ra đi, thể xác không còn hoạt động, gọi là chết. Và khi xưa, khi có thân nhân đau ốm hôn mê, hoặc bị tai nạn bất tỉnh … người ta thường trèo lên mái nhà hoặc chạy ra ngã ba, ngã bảy vừa đi vừa gọi hồn vía người thân với hy vọng có lạc đâu đó thì biết đường mà quay về trước khi xác lạnh.
Theo kinh sách của Lão Tử, hồn là cái linh, thuộc vào phần khí của con người, phách (vía) là cái linh, phụ và phần hình của con người. Hồn là phần khinh thanh (nhẹ), phách là phần trọng trọc (nặng) . Vì vậy, khi người ta chết, hồn bay về trời, còn phách thì tiêu xuống đất theo thể xác. Hồn thì tồn tại mãi mãi, phách và xác thì sẽ tiêu tan. Đàn ông và đàn bà đều có ba hồn phụ vào tam tiêu (tam tiêu : là ba miền trong con người thượng tiêu là phần trên dạ dày, trung tiêu là miền giữa dạ dày và hạ tiêu là miền trên bàng quan). Tuy nhiên, sự khác nhau giữa đàn ông và đàn bà là đàn ông có ba hồn bảy phách phụ vào thất khiếu, đàn bà có ba hồn chín phách phụ vào cửu khiếu. Thất khiếu gồm bảy lổ trên người: tai, mũi, họng, hậu môn, nữ thêm hai khiếu nữa là : sinh dục, thoát tiểu. (điều này không hẳn chính xác nhưng tạm hiểu là vậy) Quan niệm này được lưu truyền trong dân gian và qua thời gian người ta không để ý đến cái gốc của nó?