lá thắm chỉ hồng Khi nàng Kiều nói với chàng Kim:
"Dù khi lá thắm chỉ hồng
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha"
(Nguyễn Du-"Truyện Kiều")
Thì đấy cũng là cách nói ngược, rào đón một cách tế nhị cho đỡ mang tiếng là sỗ sàng của một cô gái con nhà gia giáo. Thực ra, mối tình chàng Kim đã được nàng chấp nhận. "Lòng mẹ cha" nào lại muốn trái với cái duyên cái số "lá thắm chỉ hồng" của con gái mình. Thành ngữ "lá thắm chỉ hồng" biểu thị cái duyên số, cái tiền định của vợ chồng. Nó cũng là lời nói hộ tình yêu cho những lứa đôi. Thành ngữ này được hình thành từ sự giao kết giữa hai câu chuyện tình thuở xưa.
Hàn Thị là cung nữ của vua Hy Tôn thời Đường (874-889). Suốt mười năm ròng nàng sống trong cảnh phòng không lạnh lẽo. Nhân một lần đi chơi, nàng lấy chiếc lá thắm đề bài thơ kể nỗi niềm riêng tư rồi thả trôi theo dòng nước. Một chàng thư sinh đi qua thấy chiếc lá có bài thơ, bèn vớt lên đọc. Chàng biết ngay đó là bài thơ của một nàng cung nữ, liền lấy chiếc lá khác đề thơ mình, chờ khi nước chảy vào cung mới thả lá xuống. Mấy năm sau, vua sa thải hàng ngàn cung nữ trong đó có Hàn Thị. Ra khỏi cung cấm, nàng được người anh họ gả cho chàng trai tử tế là Vu Hựu. Một ngày nọ Vu Hựu thấy chiếc lá có bài thơ mình trong hộp trang sức của vợ. Ngay lập tức, chàng lấy chiếc lá thắm có bài thơ của người cung nữ mà chàng cất giữ từ bấy lâu nay đưa cho Hàn Thị xem. Hai vợ chồng hết sức ngạc nhiên trước sự ngẫu nhiên hiếm có này. Anh trai họ của Hàn Thị tổ chức tiệc rượu, ép Hàn Thị làm thơ tạ lá thắm. Bài thơ được ứng tác rất nhanh:
Câu thơ tuyệt diệu theo dòng nước
Ôm hận mười năm ngỏ với ai
Nay được vui vầy loan sánh phượng
Khen thay lá thắm mối manh tài.
Lá thắm là thế. Cái duyên số chính là vậy.
Duyên số còn ràng buộc cả chàng Vi Cố thời Đường nữa. Đã muộn mằn lắm mà Vi Cố vẫn chưa lấy được vợ. Mãi đến một hôm, chàng quyết đi gặp một cô gái vừa được đưa mối. Dọc đường, chàng thấy một cụ già đeo cái túi bên người. Hỏi ra mới biết cụ là người chuyên xe duyên cho các đôi vợ chồng. Cụ già phán bảo chàng rằng, cái đám chàng đi đến chẳng nên duyên vợ chồng. Cái số của chàng là phải lấy một cô bé lúc này mới lên ba thường đi theo mẹ bán rau ở chợ, nhưng mãi đến năm nàng mười bảy tuổi mới cưới xin được. Cái túi bên người cụ đựng toàn những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân những người dù ghét bỏ đến đâu, xa cách đến mấy cũng vẫn phải lấy nhau. Chỉ ấy đã buộc chân chàng với cô bé kia. Về nhà, chàng thuê một người đi giết cô bé, nhưng sự chẳng thành. Mười bốn năm sau, chàng tập ấm và được quan trên tin cẩn gả con gái cho. Thành vợ thành chồng được 10 năm, chàng mới nhận ra vợ mình là cô bé mà chàng thuê người giết ở chợ để thách thức với số phận. Sau bao biến đổi, từ một cô con gái của người bán rau, nàng trở thành con nuôi của một viên quan trong triều. Kinh ngạc thay, vợ chàng không ai khác mà chính là nàng! Rõ là Vi Cố không thoát được tiền định, không thoát được sự buộc chân của sợi chỉ hồng trong túi cụ già hai mươi bốn năm về trước.
Xâu chuõi hai câu chuyện tình này, trong lời ăn tiếng nói của nhân dân ta hình thành thành ngữ "lá thắm chỉ hồng" nhằm biểu thị cái bất di bất dịch mà duyên số đưa lại trong tình yêu. Không một ai nằm ngoài sự xe duyên của ông Tơ bà Nguyệt, bất luận ở hoàn cảnh nào.