Giấc Mộng Nam Kha Thời Đường, bên Trung Quốc, tác giả Lý Công Tá đã viết Nam Kha kí, trong đó ông tường thuật lại rất tường tận giấc chiêm bao của mình. Theo giấc mộng, ông được lấy công chúa nước Hoà An và được nhà vua phong làm Nam Kha Thái thú. Lại nữa ở một dị bản khác lại có kể rằng, Thuần Vu Phân nằm mộng thấy mình đến nước Hoà An và được kết tóc xe tơ với công chúa. Ông cũng được phong làm Thái thú quận Nam Kha. Thế nhưng, sau khi đi đánh giặc và trở thành tướng bại trận, thêm vào đó, công chúa lại bị chết nữa, nhà vua đâm ra ngờ vực mà cho về nước. Giật mình tỉnh giấc, Thuần Vu Phân thấy mình nằm dưới gốc cây hoè, và cách đó không xa về phía Nam là một tổ kiến. Than ôi! giữa mộng mơ và thực tế sao mà cách biệt thế!
Mặc dù, hai dị bản có khác nhau, nhưng về cơ bản đều thống nhất ở chỗ họ đều đến nước Hoà An, được lấy công chúa làm vợ và đều trở thành Thái thú quận Nam Kha. Đó là giấc mơ đẹp nhưng không thực tế. Nhờ có tích này mà trong ngôn ngữ xuất hiện thành ngữ giấc mộng Nam Kha với nghĩa: "giấc mơ đẹp nhưng chỉ là giấc mơ hão huyền":
"Giấc Nam Kha khéo bất bình
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không".
(Truyện Kiều - Nguyễn Du )