Múa tay trong bị Bạn đã bao giờ vui như "mở cờ trong bụng" chưa? Chắc cũng đã đôi lần trong đời. Đó là niềm vui bộc bạch, lộ ra, biểu hiện tự nhiên như nụ cười tiếng hát thường ngày, ai cũng nhận ra được. Nhưng, cũng có những ý nghĩ, những niềm vui mà ta chỉ có thể vui theo kiểu "múa tay trong bị" mà thôi, Vì sao vậy?
Múa tay trong bị là một lối nói khá độc đáo của dân gian. Múa tay là động tác thường biểu thị sự vui vẻ, hân hoan, phấn khởi như trong câu "khua chân múa tay". Có điều là, thông thường khi múa tay người ta đưa tay cao ra phía trước mà khua. Đằng này lại khua "trong bị". Có ý kiến rằng, đây là lối thể hiện niềm vui của những người ăn xin, khi được nhiều của bố thí, rất vui sướng. Thói quen con người khi vui là múa tay. Nhưng người ăn xin thì bao giờ cũng phải giữ cho được cái vẻ mặt buồn rầu, khổ sở chứ cứ tươi hơn hớn ra thì chẳng còn ai động lòng thương mà cho cái gì nữa. Vì thế, cái tính của người ăn xin là ở chỗ: khi xin được nhiều tiền thì tất nhiên phải vui sướng, nhưng họ không "hoa chân múa tay" như người đời mà lại "múa tay" và chỉ múa "trong bị" một mình mình biết, một mình mình hay.
Từ niềm vui đáng thương của người hành khất, thành ngữ trên được dùng với ý nghĩa biểu thị sự khoái trá, niềm vui sướng ngấm ngầm của con người, cái niềm vui phải giấu đi không cho ai biết. Niềm vui ngấm ngầm được giấu kín một cách có chủ đích ấy ở người ăn xin đã được người đời đón lấy dùng vào việc chỉ trích những người chuyên tìm kiếm lợi lộc cho mình bằng con đường ám muội. Nhưng họ biết cách giấu kín, không cho người ngoài biết, chỉ vui sướng một mình hoặc với những người đồng loã.