NHỚ AI MỘT CÕI ĐI VỀ
nguyenuthang 02.04.2007 00:49:32 (permalink)
         Năm nay, kỷ niệm 6 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở thành phố Hồ Chí Minh có một nét mới : đó là sự xuất hiện của nhiều ca sĩ hải ngoại quen thuộc với thế hệ U40 ,U50 về trước . Nghe trở lại những giọng ca vang bóng một thời này, tôi thấy lòng mình xao động . Nỗi nhớ thương về người nhạc sĩ thiên tài ,nặng tình với quê hương và con người Việt Nam bỗng chốc bồng bềnh nổi trôi trong tâm trí kéo tôi trở lại những ngày tháng đong đầy kỷ niệm thuở còn là sinh viên . Làm sao tôi quên được những ngày bỏ học ở giảng đường Văn khoa Sài Gòn kéo nhau ra tụ tập dưới gốc cây chỉ để được nghe chính giọng hát của Trịnh Công Sơn , người đã tạo nên hiện tượng đặc biệt trong âm nhạc Việt Nam suốt mấy năm đầu của thập niên 1970 khắp cả miền Nam , thầm kín ở miền Bắc và toả lan cả ở nước ngoài .Làm sao tôi quên được những buổi tối cố công đi sớm mà ra quán Văn ,chỉ có ghế gỗ, mái lá ,nền xi măng, thế mà vẫn khó tìm được một chỗ ngồi trong đám khách chen chúc đến trước mình tự hồi nào .Dù đứng ngoài rào lắng nghe nhưng tôi cảm nhận những bài tình ca cuả Trịnh Công Sơn vẫn có sức quyến rũ rất mãnh liệt.Nhiều bạn bè  đồng ý với tôi về điểm này.Họ bảo những bài hát Trịnh Công Sơn như có ma lực.Ai nghe cũng say mê ngay,dù chỉ một lần. Sau này, khi được gặng hỏi về nguyên nhân nào khiến anh sáng tác ra được những bài hát đi sâu vào lòng người như vậy ,Trịnh Công Sơn đã thổ lộ :”Mỗi  bài hát cuả tôi là một lời tỏ tình với cuộc sống .Những năm tháng đó , Trịnh Công Sơn trở thành người được mến mộ ,sủng ái vượt lên trên cả lớp nhạc sĩ thành danh trong thời tiền chiến. Anh được phong tặng danh hiệu “Kẻ du ca về tình yêu , quê hương và thân phận.” 
      Có thể hôm nay nghe nhạc anh ,một số người không còn thấy lôi cuốn ,thú vị bằng ngày xưa ,ngày mà  hình ảnh quê hương , thân phận con người Việt Nam được Trịnh Công Sơn phản ánh sát sao theo nhịp rơi của đạn bom ,chết chóc để rồi một số người đã gọi nhạc của anh là nhạc phản chiến :
                   "Đại bác đêm đêm dội về thành phố 
                    Người phu quét đừơng dừng chổi đứng nghe…
                    Hằng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng
                    Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn...”
       Sau ngày 30.4.75, có một thời gian dòng nhạc Trịnh Công Sơn chững lại và người ta cũng không thấy xuất hiện trên sân khấu hay các tụ đểm ca nhạc.Nhiều người hâm mộ nuối tiếc vì tưởng người nhạc sĩ tài năng đó sẽ vắng bóng mãi mãi. Nhưng họ đã lầm vì Trịnh Công Sơn sau đó đã xuất hiện trở lại với một sức sáng tác mới vẫn mạnh mẽ ,say mê như thuở nào.
Anh không chỉ viết những bài tình ca mà còn viết khá nhiều cho các em thiếu nhi.Lứa tuổi "ô mai" ,tuổi mới lớn ,vừa bước vào ngưỡng cửa trung học cũng không bị Trịnh Công Sơn bỏ quên .Anh dành cho các em những giai điệu thật trong sáng ,mộng mơ:
                    Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng
                    Trời làm cơn mưa xanh dưới những hàng me
                       Em và lá tung tăng như lòai chim đến...
      Dù nghe nhạc dòng nhạc nào ,trong tận cùng đáy lòng ,tôi vẫn tâm phục nhạc Trịnh Công Sơn có sức xoáy sâu vào lòng người,vào con tim cuả nhiều thế hệ.Sự thành công cuả Trịnh Công Sơn có lẽ  là ở điểm những người nghe tìm được “cái tôi “ cuả mình trong các bài hát cuả anh .Nghe nhạc của anh , nhiều người bảo :" Sao buồn quá ! Buồn nhưng mà thích." Cũng đúng thôi, vì nhạc hay thường buồn và có mấy ai dám phủ nhận cuộc đời này buồn nhiều hơn vui ? Thế nhưng nhạc Trịnh Công Sơn tuy buồn lại không dẫn người ta vào con đường bi lụy .Khi ai đó có “Cuộc đời gần như niềm tuyệt vọngthì anh lại cất tiếng khuyên  can :“ Tôi ơi, đừng tuyệt vọng”. Người ta nghe nhạc Trịnh Công Sơn không chỉ để thưởng thức nghệ thuật mà còn để sống lại quá khứ đong đầy kỷ niệm của mình .Nghe nhạc của anh , người ta tìm được những phút thư giãn quý báu giúp họ quên đi nỗi vất vả lo toan kiếm sống .
         Ngày 1.4.2001,Trịnh Công Sơn đã đi xa trong nỗi tiếc thương của đông
 đảo những người yêu nhạc : đủ mọi lứa tuổi ,đủ mọi thành phần trong xã hội, ở cả trong lẫn ngoài nước . Có thể không quá cường điệu ,khi nói rằng từ trước đến nay tại Việt nam ,chưa hề có một người nghệ sĩ nào khi mất đi đã để lại trong lòng mọi người những tình cảm yêu  thương ,trân trọng ,sâu đậm đến như vậy.Chỉ nhìn vào hình ảnh từng đòan người lũ luợt nối đuôi ,xếp hàng đông đảo chờ tới lượt mình để được đặt từng bông hoa , bó hoa ,vòng hoa thương tiếc và để được nhìn mặt Trịnh Công Sơn lần cuối ,cũng đã đủ minh chứng điều này .Tình cảm đó rất xứng đáng với một con người đã nên tạo nên được một hiện tượng hiếm có trong âm nhạc Việt Nam ở thế kỷ 20 : hiện tượng "nhạc Trịnh".
      Sáu năm trôi qua ,mỗi lần kỷ niệm ngày mất của Trịnh Công Sơn ,tôi lại
có dịp nghe những bài hát quen thuộc của anh và tìm lại chính mình ngày xưa với bao cảm hoài sâu lắng tận đáy lòng.Mỗi lần như thế ,tôi thường tự hỏi :Không biết đến bao giờ đất nước ta có lại được một Trịnh Công Sơn thứ hai ? Hay phải chăng, chỉ những người sống ở thế hệ sau họ mới có duyên được gặp lại Trịnh Công Sơn như lời anh nói lúc sinh thời :
                                 " Kiếp sau tôi vẫn là nghệ sĩ .”
 

 
 
 
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 03.04.2007 01:08:47 bởi nguyenuthang >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9