NHỚ CHÙA KHẢI TƯỜNG . Tạp văn của Bủi Thuỵ Đào Nguyên
rongxanhag 02.04.2007 06:29:31 (permalink)


Nhớ chùa Khải Tường
 
 

 
Chùa Khải Tường được xây dựng vào thế kỷ XVIII, nằm trên gò đất cao thuộc trung tâm Bến Nghé xưa. Chùa thuộc ấp Tân Lộc, huyện Bình Dương, thành Gia Định (Góc đường Lê Quí Đôn-Võ Văn Tần,Tp HCM ngày nay).
 
Năm 1791, Hoàng tử Đảm (vua Minh Mạng) ra đời nơi hậu liêu chùa khi chúa Nguyễn Ánh về đây tị nạn binh Tây Sơn. Năm 1804, Cao Hoàng (Nguyễn Ánh) nhớ chuyện cũ. Để tạ ơn đức Phật đã che chở cho ông những tháng năm bôn tẩu, nên từ Huế, vua gửi vào dâng cúng chùa một tượng Phật Thích Ca lớn, cao 2,5m bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng (nay đang được trưng bày trong Viện bảo tàng lịch sử, bên trong Thảo cầm viên T.p HCM) . Năm 1832, Minh Mạng cho trùng tu chùa, kỷ niệm nơi sinh ra ông, vàng son tráng lệ một thời. Năm 1858, thực dân Pháp đánh phá cửa Hàn (Đà Nẵng). Năm sau lại vào tấn công Gia Định, giặc chia quân đóng rải rác tại Trường Thi, đền Hiển Trung và các chùa: Khải Tường, Kiểng Phước, Cây Mai v.v..

Riêng chùa Khải Tường, viên quan ba Pháp tên Barbé nhận nhiệm vụ dẫn quân vào chiếm giữ.Y cho đem tượng Phật ra sân, cưỡng bức các sư phải rời chùa. Khi ấy, quan Kinh lược Nguyễn Tri Phương được triều đình cử vào Nam lập chiến tuyến Kỳ Hòa chống Pháp, và đêm 6-12-1860, binh ta phục kích giết chết tên quan ba này. Năm 1867, chùa bị giặc Pháp tháo gỡ, tượng Phật phải dời đi nhiều nơi, sau cùng được đem trưng bày tại nơi đã nói trên .Còn tấm biển “Quốc ân Khải Tường tự” được gìn giữ tại chùa Từ Ân (số 23 đường Tân Hóa, Q.6, TP. Hồ Chí Minh).
Theo Lê Nguyễn trong Sách Xã Hội VN thời Pháp thuộc :Chùa Khải Tường nằm ngay vị trí nhà Bảo tàng chứng tích chiến tranh, đường Võ Văn Tần, Tp HCM.
Nói thêm, trước thiệt hại này,quân Pháp rất căm tức nên chúng ra tay cướp tấm bia đá do vua Tự Đức cho chở từ Huế về Gò Công để dựng ở mộ ông ngoại mình là Phạm Đăng Hưng, làm bia mộ Barbé ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (cũ).Mãi cho đến trung tuần tháng 7 năm 1998, tấm bia mới được dựng lên đúng địa chỉ, tính ra tấm bia đá mang hai tên người chết một Pháp một Việt này đã luân lạc đúng 140 năm ! 

Và tên tuổi của chùa Khải Tường cùng tên quan ba Pháp còn được loan truyền qua câu chuyện dưới đây:
 
Thời bấy giờ, ở Gia Định có một người con gái xinh đẹp, không rõ họ tên, chỉ nghe người làng thường gọi là cô Hai. Nhà cô làm nghề nông cũng vào hạng đủ ăn. Trong đám trai làng cô đặt nhiều tình cảm vào Trí. Trí, tên một chàng trai nhà nghèo học hành dang dở. Vì vậy lòng anh chỉ dám ước mơ hình bóng của cô…

Năm thực dân Pháp vào đánh Gia Định, quân nhà Nguyễn từ Biên Hòa kéo vào kháng cự. Trong đó có một viên Lãnh binh lớn tuổi tên Sắc. Nhìn thấy sắc đẹp cô gái, hắn dạm cưới với một số tiền khá to và cha mẹ cô đã bằng lòng. Cô gái đành phải quên niềm riêng, rồi cô cũng như bao người dân yêu nước thưở ấy mang lòng căm thù giặc, nên vừa làm bổn phận người vợ vừa hết lòng giúp đỡ quân ta bằng cách thu gom lúa gạo cho đại đồn Phú Thọ.
 
Phần Trí, để khuây nỗi đau riêng, anh hăng hái gia nhập vào lực lượng nghĩa quân.Vì việc chung, thỉnh thoảng cô và Trí vẫn đối mặt nhau. Viên Lãnh binh Sắc, tính tình vốn hà khắc không biết thương lính yêu dân. Một lần thua trận y bị quan trên khiển trách, sẵn mang tâm trạng buồn bực, nên khi nghe quân mật báo việc Trí thường thân mật với vợ mình, y lồng lộn ghen tức.Thế là hắn cho người giả danh cô gái mời Trí tới nhà bàn công việc gắp khi nàng Hai đang tắm trong căn nhà vắng vẻ. Do dàn xếp tình huống từ trước nên tên chồng nhanh chóng rời nơi ẩn nấp bước ra tri hô, ghép tội lăng loàn và cho lính đóng bè thả trôi sông cả hai người…

Một hai hôm sau viên quan ba Barbé, đóng binh ở chùa Khải Tường đã nói ở phần trên, đang đi săn. Bất ngờ y gặp một bè chuối trôi trên đó có một người đàn ông và một người đàn bà. Tất cả đều trần truồng, bị buộc nằm sát vào nhau. Theo dòng, hai con sấu lớn hung hãn, quẫy đuôi bám riết đuổi theo bè. Hắn nổ súng, sấu sợ hãi lặn mất.Khi bè được vớt lên, người con trai(Trí) bị sấu cắn cụt mất một chân, đã chết.Phần người con gái (nàng Hai) còn thoi thóp thở.  Sau khi được chăm sóc thuốc thang, ăn uống đầy đủ, nhan sắc cô gái ngày càng hấp dẫn trong đôi mắt viên sĩ quan này.Nàng giả vờ như yêu hắn, dùng lời ngon ngọt để xin về nhà và hứa sẽ cùng cha mẹ vào ở luôn trong bót đồn…
 
Gặp nàng Hai về, tên Lãnh binh càng cảm thấy nhục nhã, xốn mắt. Nhưng hắn không dám ra tay đánh đập vì sau lần xử tội đó, cô đã không còn là vợ hắn nữa.Dù vậy, sẵn lòng hiểm ác hắn cho bắt cô gái rồi cáo buộc tội thông đồng, mãi dâm với giặc. Sắc cho lột truồng cô gái giam dưới hố sâu, cho ăn xương cá và cơm hẩm.May sao Trương Định đi tuần ngang, thấy bọn lính soi đuốc nhìn xuống hố, cười ầm ĩ. Quản Định lệnh cho đem cô gái lên và nghe biết hết mọi chuyện ngang trái này…
 
Nơi chùa Khải Tường, Barbé thẫn thờ uống rượu chờ đợi cô gái. Hôm đó, trời vừa sụp tối, bọn lính canh chạy vào báo tin có một bà lão và cô gái khi nọ xin vào gặp quan lớn. Hắn mừng rỡ phóng ngựa một mình ra đón. Còn cách cô gái chừng mười thước, quân Việt mai phục hai bên đường ào ào ra. Ngựa bị giáo dài đâm ngã quỵ, nó hất Barbé té xuống và một ánh gươm loáng lên, đầu viên quan ba Pháp lìa khỏi cổ...
Hơn hai tháng sau, viện binh của Pháp từ Thượng Hải kéo đến Sài Gòn rầm rộ. Sau vài trận ác liệt, chiến lũy Kỳ Hòa bị hạ.
 
Sau những ngày mịt mù khói lửa ấy, không ai tìm thấy cô gái nơi đâu, chẳng biết sống hay đã chết... Nhưng trong dân gian còn truyền tụng mãi hình ảnh người thiếu phụ bị thả bè trôi sông và rồi đã góp công giết giặc...

Chú Tư Ấn, làm nghề giăng câu ở Ba Bần, nói: chuyện “Nàng Hai Bến Nghé” người ta đã soạn thành tuồng cải lương rồi, nhưng chú cũng xin góp thơ:

“Chuyện trăm năm cũ
Phật cũng thăng trầm (*)
Riêng lòng son đó
Ra ngoài sắc, không…
 
BÙI THỤY ĐÀO NGUYÊN 

- Tài liệu tham khảo: “Gia Định xưa” của Sơn Nam.

(*) Ý nói tượng Phật.

<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.08.2007 04:28:22 bởi rongxanhag >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9