Điệp viên O22
marcel 02.04.2007 15:24:41 (permalink)
31 mùa mưa ngâu của “điệp viên O22”
 




Chân dung ông Lạn tháng 7-2006

Ông già 72 tuổi đứng trước mái hiên ngôi nhà ngói năm gian cũ kỹ nhìn ra vuông sân gạch. Dáng ông bé nhỏ nhưng khuôn mặt cương nghị, quắc thước. Dưới ống tay áo xắn cao, cánh tay ông lộ ra, đen bầm. Người vợ già đứng cạnh ông. Không ai có thể tưởng tượng được đó lại là hai trong ba nhân vật chính của một cuốn tiểu thuyết tình báo vừa ra mắt: Điệp viên O22. Ông già chính là điệp viên O22 của 31 năm trước, chiến sĩ tình báo Nguyễn Ngọc Lạn.


Người chiến sĩ tình báo bất đắc dĩ
 
Thật ra, Nguyễn Ngọc Lạn không phải là chiến sĩ tình báo. 500 chiến sĩ đồng hương Hà Bắc cùng nhập ngũ với anh vào một ngày đầu năm 1964, vừa vặn quân số một trung đoàn. Họ vào Nam và chiến đấu ở miền Đông Nam bộ.

Anh cầm súng cho đến tận sau Mậu Thân, rồi đi học sĩ quan và được sung vào một đơn vị đặc công. Đầu năm 1971, đơn vị đặc công của anh đột nhập Sài Gòn. Trong trận đánh ấy, Lạn bị thương và kẹt lại trong thành phố.

Đơn vị tưởng anh đã hi sinh, báo tử về gia đình. Còn Lạn tình cờ trốn vào được một gia đình một mẹ một con ngay ở chân cầu Thị Nghè. Người mẹ già cưu mang anh, lo chạy chữa cho anh. Bà là một nhà tư sản, nhưng không thể ngờ được bà chính là một chiến sĩ tình báo cách mạng. O22 là bí danh của bà.

Qua nửa năm thử thách Lạn, quan sát anh từ nết ăn nết ở đến giọng nói, dáng đi, bà quyết định nói thật với anh và kết nạp anh vào mạng lưới biệt động thành mà bà phụ trách.

Dần dần, vì tuổi cao sức yếu, má Tám - tên bà - chuyển giao hết nhiệm vụ và cả bí danh O22 cho cậu con nuôi. Bà cũng lo cho anh một lý lịch giả là một trung úy cảnh sát tên Nguyễn Văn Tư, con trai một gia đình khá giả dưới Cà Mau, có thành tích chống cộng (tên này đã bị ta bắt và xử tử vì những tội ác của y).

Với vỏ bọc là trung úy cảnh sát, con nuôi của một gia đình tư sản Sài Gòn, chàng trai cày vùng trung du Tân Yên, Bắc Giang sau bảy năm chiến đấu trong rừng đột nhiên trở thành trung úy của Tổng nha Cảnh sát, một chàng sĩ quan hào hoa phong nhã.

Rất lâu rồi, trong ký ức của ông Lạn, khoảng thời gian đội lốt ấy chỉ còn là những ngày tháng xa xôi, nhòa nhạt.
Trong ngôi nhà đơn sơ mà những người biết về quá khứ của ông có thể đau đến thắt ruột khi bước vào, ông Lạn chỉ còn giữ được một bằng khen của hội nghị mừng công của Cục Tình báo được tổ chức cuối năm 1975.

Trong đó chứng nhận ông được khen thưởng vì thành tích tham gia trận đánh sứ quán Mỹ năm 1972.

Về trận đánh lừng danh mà sau này các nhà viết tiểu thuyết tình báo và các nhà làm phim về biệt động Sài Gòn đã khai thác, ông Lạn chỉ kể lại một cách hết sức giản dị: “Để phục vụ trận đánh ấy, tôi đã tập luyện trong suốt sáu tháng, chỉ với mỗi một động tác là đóng giả người Hoa bán bánh bao, đẩy xe bánh qua trước cửa tòa đại sứ Mỹ. Đêm nào cũng thế, công việc nhàm chán suốt sáu tháng liền. Hôm đánh thật, trong xe có bốn quả đạn H12 bó lại. Tôi đẩy xe qua đúng giữa cổng tòa đại sứ quán thì dừng lại, quay thẳng xe hướng vào cổng. Bấm nút điện gài sẵn trong xe. Cả xe cứ thế lao thẳng vào, tiếng nổ khủng khiếp vang lên, còn tôi chỉ chạy thẳng. Chiếc ôtô du lịch màu trắng trờ tới đón. Tôi lên xe và về thẳng... Tổng nha Cảnh sát, trong bộ đồ dân sự, như vừa ra phố dạo mát về”.
Chiến công to lớn nhất của ông cũng chỉ được ông tóm tắt ngắn ngủi thế, càng gặng hỏi thì càng lắc đầu: “Chỉ có thế thôi, không có gì ly kỳ nữa đâu...”.




Ông Nguyễn Ngọc Lạn tại Đại hội mừng công Cục Tình báo năm 1975

Và những mối tình
 
Từ khi ông vào thành và trở thành O22, đã có đến hai thiên kim tiểu thư đem lòng yêu chàng trai Bắc kỳ này, và một trong hai người đã trở thành người vợ thứ hai của ông. Liên, cô con gái má Tám, cũng là em nuôi của Lạn, đã đem lòng thầm yêu trộm nhớ ông anh.
Cô cũng chính là một giao liên trong đường dây của má Tám nên bà nhắc nhở con gái không được cản trở hoạt động cách mạng của ông anh.

Liên gạt nước mắt, giới thiệu anh cho cô bạn thân của mình - Thu Cúc, con gái một của ngài Philippe và bà Ngọc Châu, chủ đồn điền cao su Dầu Tiếng, một trong những nhà tư sản giàu có nhất Sài Gòn.

Tổ chức yêu cầu Nguyễn Ngọc Lạn gia nhập gia đình ông Philippe để thuận lợi hơn cho hoạt động cách mạng. Cô Thu Cúc mới 20 tuổi, rất đẹp. Trước bàn thờ Chúa, lần thứ hai trong đời con chiên ngoan đạo Nguyễn Ngọc Lạn làm lễ thành hôn.

Anh ứa nước mắt thương người vợ Nguyễn Thị Thất và đứa con trai chưa hề biết mặt ở làng Am, xã An Dương, huyện Tân Yên, Hà Bắc, và thầm xin tha thứ.

Nhưng rồi thời gian gắn bó, hai con trai Nguyễn Ngọc Trung (1973) và Nguyễn Ngọc Hiếu (1975) ra đời đã khiến Nguyễn Ngọc Lạn từ trách nhiệm với công việc trở thành một người chồng thật sự. Trong khi đó, dù nhận được giấy báo tử của chồng, bà Thất vẫn một mực ở vậy nuôi con.
 
31 mùa mưa ngâu
 
Đại thắng mùa xuân 1975. Trong niềm vui vô bờ bến của dân tộc, người chiến sĩ tình báo Nguyễn Ngọc Lạn - Nguyễn Văn Tư phải đối mặt với một sự thật: phải thú nhận với người vợ thứ hai về sự “đội lốt” của mình, và phải thú nhận với người vợ thứ nhất về sự “phản bội” của mình. Cuối năm 1975, sau đại hội mừng công của Cục Tình báo, anh được về phép ra Bắc.

Trở lại ngôi nhà tranh nằm chơ vơ nơi rìa làng, trên một ngọn đồi thưa thớt cây, nhìn người cha già yếu, người vợ lam lũ, gầy đen, tàn úa và đứa con 11 tuổi mới nhìn thấy mặt cha lần đầu, Lạn hiểu là mình không có quyền ra đi lần nữa.

Rồi điều khủng khiếp nhất đã xảy ra: đứa con đầu tiên của anh sau chiến tranh được sinh ra không bình thường; những trận bom hóa học mà anh và đồng đội phải chịu suốt mấy năm trong rừng Lộc Ninh đã khiến cô con gái vừa ra đời của anh chỉ biết ăn và khóc mà không biết cười, chân tay không cử động được.

Những năm ấy làng quê miền Bắc như lả đi vì đói. Nguyễn Ngọc Lạn không thể trở lại Sài Gòn nữa, ở nhà “cứu đói, xóa nghèo” cho vợ con. Và anh ở lại làng Am từ năm ấy, bỏ lại Sài Gòn với tương lai sáng sủa của một sĩ quan công an, bỏ lại người vợ trẻ đẹp cùng hai đứa con trai và tòa biệt thự lộng lẫy.

Từ đấy, người chiến sĩ tình báo Nguyễn Ngọc Lạn trở thành ông nông dân đích thực: đi buôn trâu, buôn bò, đào ao thả cá, trồng sắn, trồng ngô.

Đứa con gái thứ hai ra đời cũng không được làm người, cùng với chị gái của nó, chúng rủ nhau đi hết vào năm 1983 với những di chứng của chất độc da cam. Còn ông Lạn thì cứ yếu dần, tay chân đen kịt lại như than, hễ cứ xuống nước thì trắng nhợt như da rắn bị lột.

Trong khi đó thì mẹ con Thu Cúc ở Sài Gòn mòn mỏi chờ ông vào. Thời hậu chiến có ngàn thứ khó khăn, đường xa xôi, thư từ thất lạc. Họ đợi mãi, đợi mãi, cho đến một ngày đầu năm 1985 thì Thu Cúc ra đi. Và họ bặt tin từ đấy.
Ông Lạn giờ đã 72 tuổi. 31 năm rồi, người cũ đã đi hết, má Tám đã mất. Út Liên thì đã hi sinh trước ngày giải phóng.

Đồng đội ông ra đi cũng gần hết, trung đoàn 500 người ngày nào chỉ có hơn 50 người trở về, 18 người trong số đó đã chết chỉ vì một căn bệnh duy nhất: ung thư, 2/3 trong số 50 người đồng đội cũng như ông Lạn: con cái sinh ra đều bị nhiễm chất độc da cam, bất thành nhân dạng.

31 năm qua ông sống không hề có chế độ gì: không lương hưu, không phụ cấp thương binh, trợ cấp chất độc da cam thì lĩnh được năm năm, mỗi năm 88.000 đồng nay vừa bị cắt, lý do: không đủ triệu chứng bệnh (bác sĩ phán như thế mà chưa hề sờ vào ông lần nào).

Giấy tờ ông đã làm mất từ lâu, đi xin lại chứng thương có ba người bạn đồng đội là sĩ quan cấp tá chứng nhận, trong đó có cả anh hùng Vy Văn Vinh, nhưng Sở LĐ-TB & XH vẫn không đồng ý...


Thu Hà (báo Tuổi Trẻ)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9