Mưu cầu tự do - Walter Lippmann - Cao Hùng Lynh dịch
Ngọc Lý 03.04.2007 10:35:23 (permalink)
.

Walter Lippmann

Mưu cầu tự do

Cao Hùng Lynh dịch


Walter Lippmann
(1889-1974)

Không thể dễ dàng xếp Walter Lippmann vào loại những nhân vật chính trị xã hội thông thường. Ông là người theo phái cấp tiến hay là phái bảo thủ? Cả hai danh xưng này đều được dùng ở nước Mỹ ngày nay theo một ý nghĩa tán dương cũng như là chỉ trích. Thực ra, cấp tiến hay bảo thủ thường đứng tách rời nhau về phương diện tâm lý hơn là phương diện ý thức hệ, và Lippmann đã minh họa đã cho thấy rằng đôi khi chúng tiến đến bên nhau thật gần. Tác phẩm đầu tay của ông, A Preface to Politics (1913) (Giới thiệu về Chính trị học), được những thanh niên cấp tiến cách đây một thế hệ chào đón khắp nơi; cuốn sách gần đây hơn của ông, The Good Society (Xã hội Lương thiện), thường được trích dẫn như là một cứ liệu biện hộ có giá trị nhất cho nền kinh tế tự do của chúng ta. Trong những năm gần đây, thật khó mà gán một tên gọi nào đó cho quan điểm của Lippmann. Một số nhà phê bình lên án ông đã bán mình cho những cuộc làm ăn lớn; một số khác coi ông là một trong các nhân vật cấp tiến quan trọng nhất của thế hệ này. Tuy nhiên, những người khác ủng hộ ông vì họ tin ông là người bênh vực chủ nghĩa tư bản đầy uy thế.

Trong các hoạt động chính trị, Lippmann là nhân vật quen thuộc của quốc gia này suốt gần bốn mươi năm qua. Sinh năm 1889 tại thành phố New York, ông là đứa con duy nhất của một nhà sản xuất giàu có, được hưởng mọi đặc quyền của nền giáo dục tư thục tại đại học Harvard, và đã thăm viếng nhiều quốc gia Âu châu. Tuy nhiên, bài viết đầu tiên của ông với tư cách là một ký giả là một bài điều tra về tham nhũng trong chính trị và các doanh vụ lớn. Vài năm sau, ông giữ một vai trò tích cực trong việc sáng lập tờ New Republic, một tờ báo mang quan điểm cấp tiến hàng đầu của nước Mỹ; sau đó, ông được tờ New York Herald Tribune thuê viết các bài bình luận cấp tiến để cân bằng với quan điểm bảo thủ của tờ báo này. Ông là nhân vật được người Mỹ biết đến nhiều nhất qua chuyên mục “Today and Tomorrow” được đăng trên nhiều tờ báo, một chuyên mục có nhiều bình luận sâu sắc về đời sống chính trị đương đại trên nhiều tờ báo lớn của cả nước trong nhiều năm. Ngoài ra, ông còn trình bày các quan điểm của mình qua mười bảy cuốn sách có nhiều ảnh hưởng viết về chính trị, luân lý, kinh tế và sinh hoạt xã hội.

Bên cạnh nghề ký giả, Lippmann đã có một số kinh nghiệm thực tế trong chính phủ: khi Đệ Nhất Thế Chiến bùng nổ, ông là trợ lý ngoại trưởng trong một thời gian ngắn để giúp chuẩn bị các dữ kiện cuộc Hòa đàm Paris nhằm kết thúc chiến tranh. Thời Đệ Nhị Thế Chiến, ông là một bằng hữu trung thành của Anh quốc và là người cổ súy cho sự hợp tác chặt chẽ hơn của người Mỹ trong các mục tiêu chiến tranh của người Anh. The Good Society (1937) – trích đoạn có nhan đề “The Pursue of Liberty” của chúng ta được lấy từ tác phẩm này – được khai triển từ các vấn đề nảy sinh do mối xung đột của nền dân chủ với chủ nghĩa phát-xít và chủ nghĩa cộng sản vào những năm 1930.

Rõ ràng là John Stuart Mill, người bênh vực Tự Do của thế kỷ mười chín, không đề xướng một triết lý về dân chủ cho thế kỷ hai mươi. Mặc dầu các lập luận của Mill về các lý tưởng dân chủ rất hùng hồn, nhưng mục đích của ông là nhằm cho chúng ta thấy lợi ích của sự tự do, chứ không phải những điều tai hại của một nhà nước toàn trị. Các lập luận bênh vực cho một xã hội lương thiện được quan niệm theo những cách thức mang tính dân chủ, chứ không phải cộng sản, là gì? Đây là vấn đề mà Lippmann trình bày trong trích đoạn dưới đây.


1. Sự khẳng định con người

Trong quá trình phát triển của tự do, chúng ta đã (…) chứng kiến những cuộc khởi đầu như thế này: sự giải phóng của người Anh – hãy để nhân loại sang một bên – đã không thành tựu vào năm 1859, khi Mill viết tiểu luận On Liberty (Luận về Tự Do). Trong hoàn cảnh tốt nhất, nền tảng của sự phát triển tự do đã được thiết lập tại một vài quốc gia. Nhưng sự phát triển ấy lại không có đích đến rõ ràng. Lúc nào cũng còn những đặc quyền, đặc miễn cần phải loại bỏ; lúc nào cũng còn những thủ đoạn hung bạo, ngụy trá, mưu mô mà con người đã dùng để hành hạ chính mình và đồng loại cần phải cản ngăn. Lý tưởng về một xã hội trong đó mọi người đều thoát khỏi mọi áp bức độc đoán vẫn còn là một mục tiêu xa vời. Cứ bước lên một bậc thang mới, thì nhiều bậc thang cao hơn hiện ra trước mắt.

Nếu chúng ta nghiên cứu cẩn thận tiến trình giải phóng con người, thì thấy rằng tiến trình này hầu như nằm ở hàng loạt các hoạt động giới hạn việc thực thi quyền lực mà con người áp đặt lên nhau. Quyền tự do của nhân loại được thiết lập bởi các luật lệ và tập quán, những thứ lúc nào cũng tìm cách hạn chế các hành động áp bức, các đặc quyền truyền thống, các quyền lợi vĩnh viễn và tất cả những lối hành xử có tính chất cướp đoạt, hung bạo và gian trá.

Nhưng dẫu sự tự do hầu như, trên thực tế, đạt được nhờ vào những giới hạn và phủ nhận, nhưng các ranh giới này đã được áp đặt lên quyền lực độc đoán bởi những người tự do, bởi những người thà chết chứ không bao giờ chịu quy phục thứ quyền lực ấy. Hiện nay, người ta chưa liều lĩnh với sản nghiệp và sinh mạng của mình, đơn giản là bởi vì làm như vậy thật phi lý, khi mà những bậc vua chúa và các chủ nhân ông của họ có quá nhiều quyền lực: cuộc mưu tìm tự do chưa nhận được khích lệ từ một nhà mô phạm, một lý thuyết gia, một niềm đam mê có tính ý thức hệ. Con người đã từng có những cuộc nổi loạn để chống lại quyền lực độc đoán, bởi vì họ va chạm với nó trong công việc và trong sự thể hiện khả năng của mình. Cho nên, trong khi các phương tiện mang lại tự do chủ yếu hiện diện trong hàng loạt các hành vi phủ nhận được phát động nhằm chống lại kẻ có quyền lực, thì cuộc mưu cầu tự do lại là một sự khẳng quyết trọng đại được truyền cảm hứng từ những nguồn sinh lực mạnh mẽ của con người.

Một khi đã nhận thức được đặc tính của các nguồn sinh lực này, chúng ta không thể không nhìn nhận rằng chúng có tính chất vô tận và khó cưỡng lại. Do các nguồn sinh lực này mà con người sẽ, bởi vì họ phải, mưu tìm hạnh phúc, không phải bằng cách tòng phục quyền uy thiêng thánh, mà bằng cách thiết lập sự tự do cho chính mình. Chúng ta phải khẳng định những nguồn sinh lực này một lần nữa, khi chúng ta kêu gọi con người chống lại và vượt qua sự phản ứng mạnh mẽ của thời đại chúng ta.


2. Sự khao khát tự do

Khi triệu Galileo đến, các quan tòa của tòa án dị giáo bảo ông không được phép nói rằng trái đất quay xung quanh mặt trời. Galileo đã quan sát bầu trời bằng kính thiên văn: ông quả quyết chứng cứ ấy bảo đảm cho kết luận của ông là đúng sự thật. Nhưng các quan tòa không nhìn bằng kính thiên văn. Họ biết mọi thứ liên quan đến thiên văn học bằng cách đọc kinh thánh. Họ dùng một dụng cụ khác để chống lại kính thiên văn của Galileo: dụng cụ tra khảo. Và bằng dụng cụ tra khảo, cái có thể gây nên những đớn đau cho thể xác của nhà thiên văn học này, họ đảm nhận việc cứu chuộc nhà thiên văn thoát khỏi căn bệnh khoa học của ông. Họ đã ngăn cấm sự khám phá về bầu trời bằng cách sử dụng vũ lực.

Nhưng dụng cụ tra khảo không phải là dụng cụ để khám phá bầu trời. Trại tập trung không phải là nơi để thảo luận chính trị. Kết án thiêu sống một con người không phải là cách thức mặc khải tôn giáo. Đội hành quyết không phải là ủy ban quan sát và phân tích tình hình kinh tế. Kiểm duyệt không phải là sự chứng thực và tranh luận. Đối với các vấn đề thiết yếu này, sự hành xử quyền lực không là gì cả ngoại việc là hành động can thiệp xuẩn động, là hành vi bất xứng mang tính chất hung tàn giống như việc tấn công vào một bầy lừa hoang. Điều mà Galileo cần là sự phê bình của các nhà thiên văn học khác; điều mà ông chịu đựng là sự can thiệp của bọn dốt nát có quyền lực. Galileo không có tự do để được là một nhà thiên văn học, bởi vì những kẻ ngu dốt này cứ dùng sự kinh hoàng của ngục thất, của nhục hình, của cọc trói tử tội để xét đoán sự thật; Galileo buộc phải giành lại thiên văn học của ông từ tay của những kẻ chưa bao giờ học hỏi về nó.

Cái hành động đã đưa đời sống nhân loại tiến về phía trước được minh họa bằng sự thôi thúc khám phá bầu trời của Galileo. Các thế lực trì hãm con người, ghìm chặt họ trong u mê tăm tối, được thể hiện rõ qua hình ảnh các quan tòa của tòa án dị giáo cứ nhất mực cho rằng sức mạnh, chứ không phải chứng cứ, mới là cái quyết định mặt trời có phải là trung tâm của thái dương hệ hay không. Do đó, chúng ta có thể nghĩ các khả năng sáng tạo và thích ứng của con người như là sự tranh đấu nhằm giải phóng họ thoát khỏi sự tù túng và lầm lạc, sự bóc lột và bưng bít, sự ký sinh và ngu muội, và sự cấm đoán của các thế lực hung hãn, tham tàn, giáo điều và độc đoán. Con người phải trồng cây, nhưng việc đơm hoa kết trái diễn ra trong muôn vàn gian khó, mà cỏ dại cứ mọc tràn lan để lấn chèn mầm sống. Nhổ cỏ đi - dọn cho quang dăm miền đất nhỏ để hoa quả đâm chồi - là nhiệm vụ của việc giải phóng con người. Phương pháp của việc đó là chống lại sự chuyên quyền và độc đoán. Nhưng mục tiêu của nó là nhằm giải thoát tinh thần nhân loại để cho tinh thần ấy có thể thăng hoa.

Vì thế, chủ nghĩa tự do, về mặt bản chất là một sự thách thức cho mọi thế lực độc đoán, cho tất cả những kẻ nào chỉ thích dùng dụng cụ khảo tra hơn là dùng kính thiên văn, tự thân chưa phải là một nguyên lý trọng yếu của một đời sống lương hảo. Nguyên lý trọng yếu ấy hiện diện trong lòng ham hiểu biết và tài năng của Galileo; khi cổ võ và bênh vực cho lòng ham hiểu biết và tài năng, chủ nghĩa tự do trở thành nguyên lý có tính cách bảo vệ của đời sống lương hảo. Nó đặt cược những ước vọng của nó vào tinh thần nhân loại, cái đã được giải thoát và gột rửa khỏi mọi sự độc đoán. Nó không nói về những gì mà một tinh thần như thế có thể, hoặc sẽ, hoặc phải làm bằng chính sinh mệnh con người. Vì con người chưa bao giờ biết, dù chỉ đôi chút, về sự tự do như thế. Và họ không hy vọng có thể mường tượng ra cái mà họ chưa bao giờ biết. Nhưng họ đã hiểu về tự do đủ để nhận ra rằng quyền lực độc đoán mà con người áp đặt lên kẻ khác chỉ là một thứ quyền lực ký sinh, thối nát, cỗi cằn và tha hóa.

Mặc dầu chủ nghĩa tự do thường bị đồng nhất hóa với sự thờ ơ, sự thiếu hoạt động và sự khuất phục, nhưng hiện nay có chứng cớ cho thấy rằng đây là một sự nhầm lẫn. Một học thuyết được đưa ra để đối chọi với mọi hình thức độc đoán thì phải thể hiện được tính cương quyết chống lại sự độc đoán, tính cương quyết ngăn chặn, triệt hạ, nghiền nát nó bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào mà nó xuất hiện. Chứ nó không thể, chẳng hạn, như thế này: vào thế kỷ mười bảy, ngay cả nhà vua cũng phải có địa vị thấp hơn Thượng đế và pháp luật, nhưng vào thế kỷ mười chín thì các chủ sở hữu tài sản lại được coi là cao hơn hai thứ ấy, và đối với thế kỷ mười tám thì phe đa số, đám đông hoặc các nhà độc tài lại có vị trí tương tự như chủ sở hữu tài sản của thế kỷ mười chín. Đối với chủ nghĩa tự do, mọi quyền lực độc đoán đều xấu xa. Nó không quan tâm đến việc danh nghĩa, kỳ vọng hoặc sự hứa hẹn của quyền lực độc đoán có là gì đi nữa. Quyền lực độc đoán phải bị ngăn chặn và chịu sự kiểm soát.

Do đó, chủ nghĩa tự do không phải là chủ nghĩa ẩn dật và đi kèm với một chính quyền bất lực. Cái đó chỉ là sự tha hóa của chủ nghĩa tự do. Trong các giai đoạn cường thịnh của nó, chủ nghĩa tự do luôn luôn có nghĩa là sự chống lại áp bức và lòng quyết tâm kiềm chế thói hung tàn và tham bạo. Bởi thế, chủ nghĩa tự do không phải là một học thuyết về sự không can thiệp theo kiểu “khôn sống mống chết.” Nó không đòi hủy bỏ luật pháp, giải tán cảnh sát, cơ quan lập pháp và tòa án. Trái lại, những người theo chủ nghĩa tự do năng động luôn luôn đề cập đến sự phát triển luật pháp, đến sự phân định rạch ròi về quyền và nghĩa vụ, đến sự thiết lập hiến pháp, đến việc đặt mọi sức mạnh áp chế vào sự kiểm soát của những cơ quan quyền lực được thành lập một cách chính đáng, đến đủ kiểu tiêu diệt hoặc giới hạn khả năng cá nhân trong cộng đồng. Bởi vì người theo chủ nghĩa tự do, khi được phân biệt với kẻ vô chính phủ, cho rằng buông lỏng không phải là biểu hiện tự do của một xã hội không có áp bức, sự buông lỏng chỉ mở đường cho một cuộc cạnh tranh mà trong đó kẻ ác sẽ bóc lột người khác. Người theo chủ nghĩa tự do quả quyết rằng triển vọng về một xã hội không có áp bức chỉ có thể thực hiện được khi luật pháp đủ sức mạnh để kìm hãm kẻ gây hấn trong cũng như ngoài nước.

Nhưng theo quan điểm của phái tự do, phần thưởng cho việc kìm hãm kẻ gây hấn là mọi khả năng sáng tạo, khi đó, sẽ bắt đầu có đất để dụng võ. Giả sử rằng Galileo đã có thể nghiên cứu bầu trời mà không bao giờ phải đắn đo xem có bị trừng phạt vì các kết luận mà mình đưa ra hay không; giả sử rằng ông chỉ cần bàn cãi với các nhà thần học và tranh luận với các nhà thiên văn học khác; giả sử rằng đối thủ và những người phê phán ông không thể nào đe dọa ông bằng lao thất và dụng cụ khảo tra, hoặc thậm chí bằng sự tẩy chay và than phiền của đám đông; giả sử rằng các mối tương giao giữa ông với những người cùng thời không bị cản trở bởi bất cứ quyền lực bất xứng và độc đoán nào, và rằng ông cảm thấy nếu mình sai, thì hình phạt duy nhất mà ông phải gánh chịu sẽ là biết rằng mình đã sai; giả sử rằng những kẻ phản đối ông chỉ có thể xét đoán việc làm của ông thông qua những lập luận phi vật chất của truyền thống, của kinh nghiệm, của sự quan sát và của phép biện chứng; thì chẳng phải rằng một cộng đồng như thế, mọi khả năng của Galileo có lẽ đã được phát huy hay sao? Chẳng phải rằng những người khác có lẽ đã được khích lệ trong việc bộc lộ mọi khả năng của họ hay sao? Chẳng phải rằng cái sinh lực vô biên mà người ta dành cho việc áp đặt một tín điều nào đó có lẽ đã được dùng trong công cuộc tìm kiếm cho nhân loại một ngành vũ trụ học chân thực nhất hay sao?

Bản chất của vấn đề là sự độc đoán là một hành động can thiệp phiền toái trong sinh hoạt sáng tạo của nhân loại. Nó có thể chỉ là một sự khó chịu giống như tiếng vo ve của con ruồi đang bay quanh mũi của một kẻ suy tư; hoặc nó có thể là điều tệ hại, một sự náo động chẳng hạn, cái làm ngưng trệ công việc của ông ta bằng cách đem tiếng vỗ tay cuồng nhiệt trong một rạp hát đến sát bên tai ông ta. Chỉ có thể đánh giá đúng đắn về khả năng thực sự của tự do, nếu như chúng ta nghĩ về những người đang làm việc, đang nghiên cứu, đang hợp tác với nhau, nhưng lại bị cản trở bởi kẻ mạnh, kẻ bóc lột, kẻ gian hùng - bởi những kẻ không làm gì cả, ngoài việc chiếm đoạt công việc của người khác; nhưng kẻ không sản xuất gì cả, ngoài việc phá hoại; những kẻ không phát minh ra điều gì cả, ngoài việc áp đặt những định kiến; những kẻ không sáng tạo ra điều gì cả, ngoài việc đàn áp những người sáng tạo. Cuộc mưu cầu tự do là sự khẳng định của những người mang lại điều tốt cho cuộc sống.

Khi một Galileo bị đàn áp bởi một quan tòa có nhiều quyền lực, nhưng lại dốt nát, thì thiên tài khoa học của ông sẽ bị hạ thấp bởi các chính sách ngu đần của những kẻ nắm giữ quyền lực. Chỉ bằng cách đưa ông thoát khỏi sự lệ thuộc vào quyền hành thì khả năng ưu trội của ông trong cương vị của một nhà tư tưởng và nhà quan sát thiên văn mới có thể được phát huy. Ở thời đại của chúng ta, có nhiều chính phủ áp đặt một nền văn hóa “chính thống” bằng các hành động lưu đày, cấm đoán, bằng lưỡi rìu, bằng đội hành quyết, bằng đổ dầu của cây thầu dầu vào cổ họng nạn nhân [1] , bằng sự giam cầm trong các trại tập trung: họ đang dùng sức mạnh độc đoán để làm suy yếu giới học giả và nghệ sĩ - và trên thực tế, làm suy yếu toàn bộ dân chúng - để áp đặt lên bề dày văn hóa của các chính trị gia hàng đầu. Ý kiến của những kẻ kém khả năng được đưa ra một cách khiên cưỡng, thông qua sự can thiệp độc đoán của công an, nhằm chế ngự ý kiến của những người có tài năng đặc biệt và đã khẳng định được mình bằng sự cần lao.

Loại chính sách ngu đần như thế đều xuất phát từ các đặc quyền. Kẻ đã xây cho mình một thành quách án ngữ trên xa lộ nhằm đòi một khoản lộ phí từ những người buôn bán đang dùng xa lộ ấy để đi đến chợ là những kẻ có được của cải bằng cách cướp đoạt của người khác. Hành vi cướp bóc của hắn ta đã lấy đi những khoản lợi tức mà lý ra đã được dùng để phát minh, đầu tư hoặc tiết kiệm. Nhưng với thành quách ấy, với đôi tay lăm le vũ khí ấy, hắn ta sẽ thấp kém hơn những người buôn bán mà hắn ta đã cướp đoạt; bởi vì hắn mạnh hơn, nhưng lại không được kiềm chế, cho nên hắn thâu đoạt được bằng hành vi cướp đường phần tài sản lớn hơn so với những người làm ra chúng bằng cách sản xuất. Từ đó, lý tưởng về quyền bình đẳng cho mọi người và sự tước bỏ các đặc quyền là những ý niệm không thể tách rời trong công cuộc mưu cầu tự do. Xã hội tự do là một xã hội mà trong đó mọi sự bất bình đẳng về điều kiện sống, phần tài sản được hưởng và địa vị xã hội của con người đều không được nảy sinh từ các nguyên nhân ngoại lai và giả tạo - tức là từ sự cưỡng buộc bằng sức mạnh thể chất, từ đặc quyền đặc lợi về luật pháp, hoặc từ những thủ đoạn gian trá và bất lương.

Đây không phải là sự “cào bằng” có tính chất võ lực nhằm áp đặt con người vào một khuôn khổ như nhau về đời sống. Chỉ có bạo chúa mới làm như thế. Người theo chủ nghĩa tự do không đòi hỏi rằng mọi người trong một cuộc đua đều phải chạy như nhau và cùng nhau đến đích; mà anh ta yêu cầu rằng họ có xuất phát điểm giống nhau và không ai được phép thúc chỏ để loại đối thủ ra khỏi đường đua. Khi đó, người chiến thắng sẽ là người giỏi nhất. Người chiến thắng sẽ không phải là kẻ khôn khéo trong việc kiếm được một sự thiên vị nào đó từ phía trọng tài, hoặc có được một lợi điểm không liên quan gì đến khả năng chạy đua của anh ta. Rõ ràng, ý niệm của phái tự do về sự bình đẳng không hề hứa hẹn sẽ làm cho mọi người trở thành ngang nhau về sự giàu có, phẩm giá, thông thái và thế lực. Trái lại, sự hứa hẹn của nó là khi mọi sự bất bình đẳng có tính chất ngoại lai được áp đặt bởi các đặc quyền đặc lợi suy giảm, thì sự tốt đẹp bên trong mới có được tiếng nói mạnh mẽ.

Tôi tin rằng đây là điểm sáng suốt trong quan niệm về xã hội của phái tự do. Tôi cũng nhận thức rất rõ mình chưa hiểu được điều ấy một cách trọn vẹn, đồng thời cũng không đủ khả năng diễn đạt nó một cách chính xác bằng ngôn từ. Tuy nhiên, tôi nghĩ chẳng có gì nhầm lẫn khi nói rằng một sự lãnh hội tuy chưa rõ ràng, nhưng có tính chất quan trọng như vậy lần hồi sẽ được sáng tỏ nhờ vào sự va chạm dài lâu với kinh nghiệm, và rằng nó chẳng phải là một ý niệm trừu tượng xuất hiện vào thế kỷ mười tám và được William Ewart Gladstone công bố với nhân loại; thực ra quan niệm đó xuất hiện từ rất lâu và bắt nguồn từ nhiều thế kỷ tranh đấu với mọi cách thức kiểm duyệt và đe dọa, với những đặc quyền và đặc lợi.

Qua những cuộc tranh đấu ấy, con người dần dần thức ngộ rằng họ cần phải giải thoát sự lao động sản xuất và sáng tạo, cũng như khả năng hòa hợp giữa người với người, ra khỏi những đòi hỏi quá quắt và sự can thiệp của các thế lực cướp bóc, hám lợi, ăn bám, gây hại, độc đoán và phi lý trong đời sống. Đây là “quan niệm giản đơn và rõ ràng về quyền tự do tự nhiên” mà những người theo phái tự do cổ điển nhìn nhận. Mặc dầu họ đã sai khi tin tưởng một cách ngây thơ rằng sự tự do tự nhiên ấy vốn đã chiếm ưu thế ngay từ giai đoạn đầu của cuộc đua, mặc dầu họ đánh giá rất thấp về chiều dài và độ phức tạp của cuộc tranh đấu ấy, nhưng sự hiểu biết của họ vẫn đúng và con tim của họ đã được đặt đúng chỗ.

Chúng ta không phải phủ nhận nhà tiên tri chỉ vì anh ta nói bằng những ngôn từ bí ẩn và các huyền thoại hoang đường. Những người theo phái tự do cổ điển đã đạt được một nhận thức sâu sắc và có giá trị lâu dài về sự khác biệt giữa cái có thực và cái giả tạo trong các vấn đề của con người. Họ đã đứng về phía Galileo, bởi vì chỉ khi bảo vệ Galileo, thì sự hiểu biết về thiên văn học mới được nâng cao. Họ biết rằng khám phá sự thật tức là làm tăng thêm các giá trị thật về sự tồn tại của con người. Họ chống lại các quan tòa của toà án dị giáo, bởi vì họ biết rằng thiên văn học không thể nào phát triển bằng cách tống giam nhà thiên văn, hoặc bằng cách buộc họ phải được cơ quan mật vụ và bộ trưởng bộ tuyên truyền cấp giấy phép.

Vấn đề tối hậu của người ủng hộ chủ nghĩa tự do là tìm cách tổ chức thế giới để làm thỏa mãn các nhu cầu của con người thông qua việc nâng cao các giá trị thật được đưa ra bởi những người thực sự quan sát, lý giải, suy nghiệm, sáng tạo, tìm tòi, xây dựng. Đối với mục đích này, các đạo luật, hiến pháp, tuyên ngôn dân quyền, tòa án và triết thuyết xã hội phải là phương tiện thúc đẩy sự lao động sáng tạo tiến về phía trước mà không gặp phải sự can thiệp độc đoán nào.

Do đó, sự thách thức dành cho sự áp chế sẽ nảy sinh từ các khả năng sản xuất của con người. Trào lưu giải phóng con người sẽ là sự đứng lên của những người trồng trọt và cày cấy, tìm tòi và chế tạo, phát minh và xây dựng, khảo sát và thông hiểu; họ không thể làm việc và thu được thành quả khi vẫn còn khuất phục những kẻ bóc lột, đàn áp và kìm hãm công việc sản xuất của họ. Con người khi bị đặt trong tháp ngà có thể sẽ có thái độ bàng quan với sự áp chế và đi đến thỏa hiệp với nó; nhưng những ai kiếm sống bằng mồ hôi nước mắt của mình thì không thể nào dửng dưng trước sự áp chế; và điều tương tự cũng sẽ đến đối với những ai có tài năng thiên bẩm hoặc có lòng ham hiểu biết và muốn hiểu thế giới và số phận của mình trong thế giới ấy.

Những người giải phóng đã tìm được kẻ ủng hộ trong số hạng người nói trên – trong số những nô lệ có tinh thần phản kháng, những nông nô đang đòi lại ruộng cày và sự an bình, những nhà buôn bán đang thét gào chống lại các tên đầu lĩnh cướp bóc đầy thế lực và giàu có, những con người thấp kém đang chống lại các nhà độc quyền kinh doanh, những công nhân đang đòi hỏi sự thừa nhận, đòi hỏi một địa vị, đòi hỏi sự bình đẳng trong sự thương thảo với chủ nhân; trong số các nghệ sĩ, các nhà khoa học, các nhà giáo dục, các bậc phụ huynh đang chống lại chế độ cưỡng bách quân dịch đối với mọi người.

Sự thôi thúc sáng tạo cũng chính là sự thôi thúc được tự do. Khi sáng tạo, con người nhất thiết phải được tự do. Bởi vì khi con người làm việc và chu toàn công việc của họ bằng kỹ năng và sự sáng tạo, họ đã tự nâng mình lên để thoát khỏi hoàn cảnh sống sơ khai, mà trong đó họ sống một cuộc sống tự cung tự cấp nghèo nàn. Sự cải thiện kỹ năng, phát triển năng khiếu, tận dụng thời cơ đều xuất phát từ sự chuyên môn hóa lao động. Bởi vì khi làm những công việc mà họ có thể làm, họ sẽ thoát khỏi đời sống tự cung tự cấp và phải sống bằng cách trao đổi sản phẩm. Và thế là họ đặt chân vào nền kinh tế của sự phân công lao động.

Phân công lao động không phải là phát minh của các nhà kinh tế học, cũng chẳng phải của các nhà chế tạo máy móc và động cơ hơi nước. Sự phân công lao động trong nền kinh tế trao đổi sản phẩm hàm ngụ trong chính bản chất của lao động sản xuất. Các quan tòa của tòa án dị giáo chỉ dung tha cho mỗi Galileo thôi thì vẫn chưa đủ để ông có thể nghiên cứu về bầu trời; còn phải cần đến những người khác nữa, những người làm ra thực phẩm cho ông ăn, may áo quần cho ông mặc và mài những chiếc thấu kính cho ông quan sát bầu trời. Ông không chỉ phải được giải phóng khỏi sự áp chế của quyền hành độc đoán, mà còn phải thoát khỏi những công việc lao nhọc của một đời sống tự cung tự cấp. Và ông có thể trở thành một nhà thiên văn học, kẻ đã cương quyết chống lại quyền uy, bởi vì ông đã được giải thoát khỏi công việc lao nhọc ấy thông qua sự phân công lao động.

Thế nên, mối tương giao giữa tự do và cuộc cách mạng kỹ nghệ là mối tương giao có tính hữu cơ. Sự thôi thúc sáng tạo và sự thôi thúc tự do càng lúc càng tỏ ra mãnh liệt. Cả hai đều là nguyên nhân và hậu quả của nhau. Vì mong muốn làm việc, nên con người không ngừng tìm cách thoát khỏi sự can thiệp độc đoán; vì họ tự do, cho nên họ có thể làm việc thông qua sự phân công lao động, cái luôn luôn đòi hỏi sự tự do hành xử các quyền có tính chất bình đẳng và chắc chắn.

Đây là lý do tại sao tất cả mọi quan niệm tạo nên chứng cứ rõ ràng về tự do đều khởi nguồn từ các xã hội có một nền thương mại to lớn và phức tạp. Chúng đến với chúng ta từ xã hội Hy-La, từ các thành phố buôn bán của thời kỳ Phục hưng, từ Tây Âu, từ các nước Anh, Pháp, Hà-lan và Ý, từ các dân tộc thoạt đầu sống trong một nền kinh tế tự cung tự cấp và sau đó đã phải thiết lập một hệ thống thông luật nhằm bảo vệ các giao dịch thương mại của họ. Không phải ngẫu nhiên mà người Athen, sinh sống nhờ vào giao thương, chứ không phải người Sparta, sinh sống nhờ vào bóc lột và chiến tranh, mới là những kẻ có một cuộc sống tốt đẹp; hoặc không phải ngẫu nhiên mà người La-mã - những kẻ thực hiện việc buôn bán ở khắp mọi nơi trên thế giới - đã hiểu được sự cần thiết của luật pháp; hoặc không phải ngẫu nhiên mà quốc gia được cai trị bởi các chủ tiệm buôn [2] lại là quốc gia khai sinh ra nghị viện; hoặc không phải ngẫu nhiên mà các nhà buôn Yankee ở Boston là những kẻ khởi xướng cuộc Cách mạng Mỹ quốc và đòi bãi bỏ chế độ nô lệ. Với một dân tộc sinh sống trong một nền kinh tế chưa phân hóa, sơ khai và biệt lập, thì việc cần đến sự tự do có tính cách hiến định sẽ không tồn tại và hầu như không được nhận thức.


3. Phác họa một xã hội mới

Những kẻ độc tài thời nay của chúng ta, dẫu thuộc tả phái hay hữu phái, đều không hiểu được sự thật này. Họ nhìn vào sự phức tạp ngổn ngang của các giao dịch thương mại mà nhân loại thực hiện theo một cách thức rằng phần lớn các giao dịch ấy vẫn không chịu sự chi phối của luật pháp, và do đó vẫn còn nhiều bất công và hỗn loạn; thế là họ phủ nhận sự chi phối của pháp luật và tự huyễn hoặc mình bằng quan niệm rằng họ có thể hoạch định nền kinh tế một cách có hệ thống, đồng thời có đủ khả năng điều hành nó. Nhưng điều ngược lại mới đúng. Kinh tế hiện đại có lẽ là một nền kinh tế ít có tính hệ thống nhất trong tất cả các nền kinh tế đã từng hiện diện. Nó có tính chất toàn cầu, không có hình dáng rõ rệt, mênh mông và phức tạp; hơn nữa, nhờ vào tiến bộ kỹ thuật, nó luôn luôn biến đổi. Vì lẽ đó, không thể quan niệm nó như một hệ thống, hoặc không thể thay thế nó bằng một hệ thống khác, và không thể điều hành nó như một đơn vị hành chánh.

Sự khát khao về những kế hoạch, những hệ thống và sự sắp đặt toàn khắp chính là sự khao khát của một triết lý thiếu chín chắn, cái triết lý chối bỏ thực tế; điều này không khác gì chuyện những kẻ đang thủ lợi muốn tạo ra sự giữ nguyên trạng nền kinh tế hiện đại bằng hệ thống luật pháp có tính cách bảo hộ và các kế hoạch độc quyền, hoặc không khác gì một nhà cách mạng đưa ra những bản thiết kế về một thế giới, mà trong đó việc hoạch định nhiều nền kinh tế quốc gia được điều hợp bởi một kẻ có thẩm quyền lên kế hoạch cho toàn bộ thế giới. Cả hai đều không thực tế hơn một kẻ nghiên cứu kiến trúc phong cảnh nhằm tạo ra một khoảng vườn có nguồn gốc từ rừng già Brazil.

Bởi vì quy mô xã hội càng lớn, các tiêu chuẩn sống càng cao và khác nhau, khả năng sáng tạo, kinh doanh và thích nghi của con người càng đa dạng, thì càng chắc chắn rằng trật tự xã hội không thể được sắp đặt bằng quyền lực hoặc được cai trị bằng mệnh lệnh hành chánh. Chúng ta hiện sống trong một nền văn minh phong phú cho đến nỗi tiêu chuẩn dễ hiểu duy nhất liên quan đến nó mà các nhà tư tưởng chính trị có thể nuôi dưỡng, mục tiêu khả thi duy nhất mà các chính khách có thể tự đề ra để cai trị nó, là dung hòa mọi xung đột có nguồn gốc từ sự đa dạng này. Họ không thể nuôi hy vọng xem nó như là một hệ thống. Lý do là vì nó không phải là một hệ thống. Họ không thể nuôi hy vọng hoạch địch và dẫn dắt nó. Lý do là vì nó không phải là một tổ chức. Họ không thể nuôi hy vọng phân phát công lý cho các cá nhân và hội đoàn có những mâu thuẫn về quyền lợi, hoặc giảm nhẹ tình trạng mãnh liệt của sự xung đột và tương tranh bằng cách làm cho công lý ngày càng có tính chất vô tư hơn.

Cần có nhiều đức tính mới có thể làm tốt điều này. Phải có một khát vọng công bằng cháy bỏng; phải có một khả năng ngày càng mạnh mẽ để mang lại sự công bằng; phải có một nhận thức sáng suốt và lòng cảm thông trong việc đánh giá các đòi hỏi riêng biệt của những quyền lợi bất đồng; phải có những chuẩn mực đạo lý để triệt tiêu việc mưu tìm đặc quyền và sự hành xử quyền lực độc đoán. Phải có giải pháp và lòng quả cảm để chống lại sự áp chế và độc tài. Phải có sự nhẫn nại, lòng tử tế và bao dung khi lắng nghe các yêu sách về quyền lợi, khi tranh luận, khi thương lượng và khi hòa giải.

Tất cả những điều này đều là các phẩm hạnh của con người; tuy rằng chúng rất cao cả, nhưng vẫn nằm trong phạm vi, như chúng ta đã biết, thuộc về bản chất con người và có thể vươn tới. Chúng thực sự tồn tại. Mọi người, ngoại trừ những kẻ đã hoàn toàn tha hóa, vốn có những phẩm hạnh này trong một mức độ nào đó. Chúng ta biết rằng các phẩm hạnh ấy hoàn toàn có thể được nâng cao. Một khi bàn về chúng, có nghĩa là chúng ta đang bàn về những những phẩm hạnh đã tác động đến hướng đi của lịch sử, về những phẩm hạnh mà một số người đã hành xử nhiều hơn một số người khác - không ai hành xử chúng hoàn toàn đầy đủ cả - nhưng vẫn có đủ người hành xử đủ tốt đã mang lại cho con người - ở chốn này hay chốn khác, ở thời đại này hay thời đại khác – các ý niệm về một Xã Hội Lương Thiện.

Nhưng các phẩm hạnh mà việc quản trị nền văn minh nói trên đòi hỏi lại có tính chất khó thực hiện; chúng là thuộc tính của những bậc thánh nhân, chứ không phải của con người bình thường. Đúng là đã từng có những bạo chúa biết thương người, và tại một thời điểm và một nơi chốn nào đó, họ cũng đã làm cho thần dân của mình hưởng được một đời sống tốt đẹp hơn cái đời sống mà các thần dân có thể đạt được khi không có sự cai trị của một nhân vật bảo vệ đầy quyền uy và kiên định. Và rõ ràng cũng hoàn toàn đúng nếu như một cộng đồng không có được sự tổ chức chặt chẽ cần thiết để có thể hưởng sự cai trị dân chủ, thì kẻ có quyền lực sẽ chọn ra một phương thức, trong nhiều phương thức, cai trị cộng đồng đó. Nhưng nếu một cộng đồng cần có một nhân vật bảo vệ như thế, nó buộc phải cam chịu việc sống một đời sống bị kiểm soát khắt khe và đơn giản, buộc phải không còn nghĩ đến tiêu chuẩn sống đa dạng và cao sang mà sự phân công lao động và kỹ nghệ hiện đại đã tạo ra. Bởi vì những tên bạo chúa không thể là người biết hoạch định, tổ chức, và dẫn dắt một nền kinh tế phức tạp.

Để làm được điều đó cần phải có một sự hiểu biết toàn diện về cuộc sống, về lao động và các mục tiêu của hàng trăm triệu con người, cần phải có khả năng tiên liệu hành vi của họ và có quyền lực tuyệt đối để kiểm soát các hành vi ấy. Không ai có thể sở đắc những loại năng lực như thế. Khi, về mặt lý thuyết, chúng ta không chủ tâm đòi hỏi các khả năng như thế, thì tức là chúng ta đang đặt các kỳ vọng của mình vào một khái niệm về bản chất con người, cái mà hoàn toàn không xác đáng trong bất cứ hoàn cảnh thực tế nào. Các nhà hoạch định thuộc phái chủ nghĩa tập thể không hề bàn luận về con người, mà về một chủng loài nào đó, một chủng loài chỉ có thể tồn tại trong các giấc mơ của họ. Họ đòi hỏi những phẩm chất về trí thông minh và đức hạnh hoàn toàn khác với những phẩm chất vốn có của con người, cho đến nỗi có thể nói rằng rằng thật là dễ dàng để hoạch định một xã hội mà trong đó con người sinh ra đã được trang bị đôi cánh để bay liệng như thiên thần, được nuôi dưỡng bằng mùi hương của những cơn gió mùa hạ, và có đủ mọi sự hiểu biết cần thiết.

Vì thế, khi mà triết lý tự do chủ nghĩa chủ trương cải cách luật pháp nhằm làm cho chúng thích ứng với nhu cầu và các chuẩn mực không ngừng biến đổi của một nền kinh tế năng động, khi mà nghị trình cải cách vẫn còn nhiều đổi thay và chưa được thi hành nhanh chóng, thì người ta không cần phải trông đợi chủ nghĩa tự do đưa ra một kế hoạch hài hòa về việc tái thiết xã hội. Xã hội lương thiện không hề có một kế hoạch kiến thiết nào cả. Không hề có bất cứ bản vẽ chi tiết nào cho nó. Không hề có một khuôn mẫu để mà đời sống con người theo đó mà định hình. Thực vậy, mong chờ một bản vẽ chi tiết cho cái khuôn mẫu ấy chính là một lối suy nghĩ mà người theo phái tự do luôn luôn phản đối.

Định ra một khuôn mẫu cá nhân cho một xã hội mới là một cách hành xử buồn cười và điên rồ; làm vậy chính là tưởng rằng mình có vai trò của Thượng đế và Caesar đối với nhân loại. Đưa ra một khuôn mẫu như thế đều đồng nghĩa với việc hoàn toàn thừa nhận rằng một kẻ có viễn kiến hoặc một người nào đó khác có thể tìm đến quyền lực, hoặc thuyết phục quần chúng trao quyền lực cho anh ta, nhằm mục đích định hình xã hội theo một khuôn mẫu; mọi khuôn mẫu chung đối với việc tái thiết xã hội đều chỉ là sự hợp lý hóa ý chí thống ngự. Vì lẽ đó, chúng đều là những bước đi khởi đầu đầy tính chủ quan để đưa đến sự cuồng tín và độc tài. Trong các xã hội không tưởng này, sự cầu toàn luôn là kẻ thù của cái tốt đẹp, và khát vọng của con tim thường hay phản bội các lợi ích của con người. Suy nghĩ về một khuôn mẫu mới cho một xã hội chính là dùng tiếng nói của quyền uy, là tiếp cận các vấn đề từ một tiền đề tiềm ẩn rằng chúng có thể được nhào đúc và điều khiển, và rằng các mối tương giao xã hội có thể được xây dựng theo một bản phác đồ tổng thể do một kiến trúc sư tối thượng thực hiện.

Kiến trúc sư tối thượng ấy thoạt đầu là một người có viễn kiến, kế đó sẽ trở thành một kẻ cuồng tín, để rồi cuối cùng thành một tên bạo chúa. Bởi vì không ai có thể là vị kiến trúc sư tối thượng của xã hội mà lại không dùng đến quyền lực chuyên chế tối thượng để thực thi bản phác đồ xã hội của mình. Do đó, nếu con người mưu tìm tự do từ sự thống trị độc đoán, thì họ không được phép nuôi dưỡng ý tưởng kỳ quặc về một tương lai mà trong đó họ đóng vai trò nhà độc tài của nền văn minh. Đó là thói quen tệ hại của một đầu óc tưởng tượng thiếu giáo dục. Từ ý tưởng kỳ quặc ấy đến sự cuồng tín chỉ cách nhau có một bước chân. Các nhà độc tài đích thực được đưa đến quyền lực nhờ những kẻ cuồng tín ngưỡng mộ họ chỉ có khả năng trong việc dùng sự tưởng tượng để biện minh cho lòng thèm khát quyền lực của họ.

Mặt khác, người văn minh và biết suy xét, những kẻ cũng muốn tận dụng mọi hoàn cảnh, nhưng không hề có tham vọng quyền lực, để phác họa lại dung mạo xã hội, thường không nhận sự trợ giúp nào từ những phác đồ kiến trúc này. Phác đồ, dẫu có là một kiệt tác như Republic của Plato, cũng không thể phù hợp với một hoàn cảnh cụ thể. Không một lý lẽ có trước nào có thể tiên liệu được các mô thức chính xác mà sẽ hòa hợp những lợi ích vô cùng đa dạng của con người. Sự hòa hợp ấy chỉ được thành tựu thông qua quá trình giải quyết các vấn đề chuyên biệt, và giải pháp sẽ xuất hiện sau khi các yêu sách quyền lợi và chứng cứ đã được thẩm tra và phán xét một cách công bằng. Do đó, trong kế hoạch vĩ đại của Plato, mỗi người đều được phân cho một địa vị và trách nhiệm riêng biệt; bất cứ phác đồ kiến trúc nào cũng nhất thiết phải dựa trên một giả định như vậy. Nhưng kế hoạch của Plato chỉ có tác dụng trong sự tưởng tượng của Plato, chứ không bao giờ có tác dụng trong xã hội thực tế. Không một kế hoạch nào như thế có thể có được điều ấy. Bời vì kế hoạch đó cho rằng con người rồi sẽ chấp nhận cái địa vị mà kẻ có viễn kiến giao phát cho anh ta. Làm ra các phác đồ như thế hoàn toàn không phải là phác thảo một xã hội dành cho con-người-thực-tế. Đó chính là tái tạo con người để cho họ ăn khớp với bản phác đồ. Bởi vì, trong đời sống thực, con người chỉ ưng thuận với địa vị của mình nếu như người ta thành công trong việc việc dung hòa các lợi ích trái ngược của họ; bằng không, họ không bao giờ “vừa khít” với bản phác đồ, trừ phi bị cho uống một liều dầu quả thầu dầu, bị tống vào trại tập trung hoặc bị đày đến vùng Siberia.

Đó là lý do tại sao bản văn tuyên xưng tự do này không hề chứa đựng dự án thiết lập một trật tự xã hội mới. Nó chỉ phác họa một lối sống, theo đó con người cố công dung hòa các quyền lợi của họ bằng cách hoàn thiện luật pháp. Không có một kế hoạch hứa hẹn xóa sạch các dị biệt về quyền lợi nào có thể được rút ra từ bản văn này; cũng như không hề tồn tại một phác đồ kiến thiết xã hội nào cho thấy mọi vấn đề của con người đã được giải quyết. Không hề có “bản vẽ” cho tương lai; trái lại, chỉ có niềm tin rằng tương lai chắc chắn phải có cái thể dạng mà khả năng con người - những khả năng này cần được thanh lọc khỏi sự độc đoán càng nhiều càng tốt - sẽ mang lại cho nó. So sánh với các kế hoạch tốt đẹp và hài hòa do những kẻ ủng hộ lý thuyết cộng sản, phát-xít hay tư bản đề xướng, dường như nó khiến người ta không hài lòng về phương diện tri thức; đồng thời tôi có thể mường tượng khá rõ ràng rằng nhiều người sẽ cảm nhận về xã hội tự do này như là Emma Darwin đã từng cảm nhận khi bà viết về tác phẩm Descent of Man [3] (Nguồn gốc con người) như sau: “Tôi nghĩ xã hội ấy rất là thú vị, nhưng tôi cũng nghĩ rằng tôi sẽ rất không thích nó khi một lần nữa Thượng đế lại bị đẩy ra xa.”

Mặc dầu đây có vẻ là một lý tưởng còn thiếu sót đối với những ai thích dùng quyền lực và những ai có nhu cầu dựa dẫm vào quyền lực, nhưng nó là một lý tưởng khả thi duy nhất về việc cai trị trong một xã hội lương thiện. Khi mà con người vẫn tùy thuộc vào nhau thông qua sự phân công lao động trong vô số các giao dịch phức tạp, thì các hoạt động của họ không thể bị hoạch định và dẫn dắt bởi các viên chức công quyền.

Do đó, quả thực là nhà nước tự do không thể được quan niệm như là một dạng “thiên đình” trần thế, cái có thể mang lại và xếp đặt nền văn minh. Đó mới là bản chất của vấn đề. Theo quan niệm của phái tự do, ý kiến cho rằng con người có thể dùng quyền lực để hoạch định và áp đặt một đời sống tốt đẹp lên một xã hội là một ý kiến ngu xuẩn, xấc xược và tự phụ. Ý kiến ấy chỉ có thể được nuôi dưỡng bởi những kẻ không nhận thức được tính đa dạng trong các mục đích của con người, bởi những kẻ không đánh giá đúng tiềm năng nỗ lực của con người, hoặc bởi những kẻ không biết kính trọng con người.

Nhà nước tự do phải được quan niệm như là người bảo vệ các quyền bình đẳng bằng cách mang lại công lý cho các cá nhân. Nó tìm cách chống lại sự độc đoán để bảo vệ con người. Lý tưởng của nó thể hiện mối tương giao huynh đệ giữa những con người bình đẳng và tự do. Chủ nghĩa tự do ký thác sự định hình vận mệnh nhân loại vào sự sáng tạo của mọi cá nhân, những người cảm thấy yên tâm về quyền lợi của mình và có trách nhiệm với người khác, những người cũng có các quyền lợi bình đẳng tương tự. Chủ nghĩa tự do không đưa ra bất cứ sự khích lệ nào cho những kẻ mơ tưởng về cái mô thức mà họ có thể tạo ra cho thế giới khi họ nắm giữ quyền lực tuyệt đối. Những tham vọng này đều đã được nhân loại chứng kiến: thành tích của tất cả những Caesar, từ Alexander cho đến Adoft đều quá rõ ràng. Thế giới đã đã biết đến nhiều xã hội, trong đó mỗi người đều có địa vị, trách nhiệm và số phận của riêng mình, và sử sách cho thấy rằng người ta chưa bao giờ hiểu biết hết mọi nhu cầu, chưa bao giờ đánh giá đúng mọi khả năng, chưa bao giờ mường tượng được mọi mục đích, chưa bao giờ định hình được mọi mối tương giao của con người.

Tuy nhiên, nếu như tham vọng của chủ nghĩa tự do tỏ ra bé nhỏ hơn tham vọng của quyền hành, thì triển vọng tốt đẹp mà nó hứa hẹn lại lớn hơn rất nhiều. Triển vọng ấy dựa trên sự phát triển các năng lực tiềm tàng của tất cả mọi người, những thứ được hình thành qua các giao dịch tự do giữa họ với người khác. Chủ nghĩa tự do chuyển giao số phận của nền văn minh, không phải cho một số ít chính trị gia, mà cho toàn bộ nhân tài của nhân loại. Đây là một cách nhìn có phạm vi rộng lớn hơn so với cách nhìn của những kẻ muốn mình là Caesar và muốn dựng mình thành những vị thánh sống của con người. Chủ nghĩa tự do là một ước vọng nảy nở trong trái tim nhân loại qua biết bao thời đại, những thời đại mà ở đó các khát vọng về văn minh, dẫu hình thành một cách chậm chạp và bị cản trở bởi muôn vàn hành động dã man, đã không ngừng tranh đấu để được tự do.

Bản tiếng Việt © 2007 talawas

_______________

[1]Ở nước Ý phát-xít thời Mussolini, dầu cây thầu dầu là một trong những công cụ khảo tra của lực lượng “sơ-mi đen”. Họ thường đổ loại dầu này vào họng của những người bất đồng chính kiến. Nạn nhân sẽ bị tiêu chảy, dẫn đến việc cơ thể bị mất nước và có thể tử vong.
[2]Nation of shopkeepers, chỉ nước Anh. Người ta cho rằng Napoléon đã dùng cụm từ này (L'Angleterre est une nation de boutiquiers) để chế nhạo nước Anh là một quốc gia không đủ sức giao chiến với nước Pháp. Tuy nhiên, cụm từ này đã xuất hiện trước đó trong tác phẩm Wealth of Nations (Quốc phú luận) (1776) của Adam Smith (ND).
[3]Tác phẩm của Charles Darwin (1809 – 1882), xuất bản năm 1871. (ND)


Nguồn: trích từ The Good Society, Walter Lippmann, Little, Brown & Co., Boston, 1937


http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9596&rb=0306


_______________


Đọc thêm:


http://en.wikipedia.org/wiki/Walter_Lippmann
http://xroads.virginia.edu/~Hyper/Lippman/cover.html
http://www.learner.org/channel/workshops/primarysources/coldwar/docs/lippman.html
http://thinkexist.com/quotes/walter_lippman/
http://www.bibliomania.com/2/1/65/112/frameset.html



<bài viết được chỉnh sửa lúc 03.04.2007 11:56:15 bởi Ngọc Lý >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9