Công Giáo Việt Nam
Ngọc Lý 07.04.2007 11:52:40 (permalink)
.
 
Công Giáo Việt Nam
 
 
 
 
THẬP GIÁ VÀ THÁNH GIÁ
 
 
Trước khi Chúa Giêsu chịu khổ hình trên cây thập tự thì cây thập tự chỉ được gọi là cây THẬP GIÁ.
 
Sau khi Chúa Giêsu phục sinh từ cõi chết, lên trời vinh hiển thì cây THẬP GIÁ trở thành một báu vật của nhân loại và được gọi là THÁNH GIÁ bởi vì cây thập giá ấy đã được diễm phúc làm nơi cho Đấng Thánh của Israel, cho Thánh Tử Giêsu yên nghỉ.
 
Biểu tượng của cây thập giá đối với những người không có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô là một biểu tượng của sự chết, là sự ô nhục, điên rồ và ngu xuẩn (1 Cor. 1:23).
 
Thế nhưng! Đối với những người có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô thì cây thập giá biến thành cây THÁNH GIÁ và là biểu tượng của niềm tin.
 
Ai ai trong chúng mình cũng có, cũng mang, cũng phải vác THẬP GIÁ. “Ai muốn theo tôi, hãy tbỏ mình, vác thập giá hàng ngày mà theo Ta!” (Lc. 9:23).
 
Nhưng khổ một nỗi, ít có ai trong chúng mình vác THÁNH GIÁ lắm thưa bạn! Tại sao vậy?
 
Đơn giản lắm là bởi vì khi chúng mình gặp phải những đau khổ, những gánh nặng trong đời sống như vợ chồng bất hòa, người trong gia đình nghiện ngập bài bạc, xì ke ma tuý, con cái không vâng lời cha mẹ, bỏ nhà theo băng đảng, thất nghiệp, đau ốm, bịnh tật... thì chúng mình QUÊN MẤT CHÚA KITÔ. Chúng mình than thân trách phận, u uất, tuyệt vọng và vì thế chúng mình chỉ vác THẬP GIÁ mà thôi!
 
Bạn cứ ngẫm nghĩ thử mà xem, những lúc chúng mình đau khổ, phiền muộn, chán chường, thất vọng thì chúng mình ít khi nhớ đến Chúa lắm. Chúng mình quên béng mất người Thầy có nhiều kinh nghiệm về việc vác thập giá. Chúng mình quên mất Chúa Giêsu là người chuyên nghiệp vác thập giá.
 
Bạn thân mến, Chúa Giêsu chính là nguồn sức mạnh duy nhất có thể nâng đỡ và thêm sức cho chúng mình vác thập giá “Hỡi những ai gồng gánh nặng nề, tất cả hãy đến với tôi, tôi sẽ nâng đỡ, bổ sức cho!” (Mt. 11:28).
 
Nếu và chỉ khi nào bạn và tôi, chúng mình chạy đến với Chúa Giêsu, xin Ngài ngự trên, ngtrong và cùng vác THẬP GIÁ hàng ngày thì lúc đó bạn sẽ cảm nghiệm được sự thay hình đổi dạng của THẬP GIÁ thành THÁNH GIÁ. Tắt một lời, nếu bạn mang vác những gánh nặng, những trách nhiệm những lo toan hàng ngày một mình thì bạn đang vác và kéo lê thê những cây THẬP GIÁ. Còn nếu bạn và tôi biết chạy đến với Chúa Giêsu, xin Ngài đồng hành với chúng mình thì những cây THẬP GIÁ sẽ biến thành những cây THÁNH GIÁ bởi vì có Chúa ở với
chúng mình. Ngài chắc chắn sẽ nâng đỡ, sẽ vác phụ vì Ngài tốt bụng lắm, Ngài chưa từ chối ai điều gì cả, bạn thử xem nhé!
 
Một vài đề nghị nhỏ tôi muốn gửi đến bạn.
 
Khi bạn gặp đau khổ, buồn phiền, cô đơn và thất vọng, hãy thưa với Chúa Giêsu ngay lập tức, bất cứ bạn đang ở đâu, ở bất kỳ chỗ nào: “Lạy Chúa, xin nâng đỡ con, xin ban thêm sức cho con.”
 
Thường xuyên đến viếng Chúa Giêsu Thánh Thể, tham dự các giờ Chầu, những Thánh Lễ và rước lễ. Bạn phải thường xuyên liên lạc với người vác THẬP GIÁ chuyên nghiệp bởi vì “không có Thầy các con không làm được gì!” (Jn. 15:5).
 
Chúc bn thành công trong vic vác THÁNH GIÁ vói Chúa Kitô.
 


phamtinh@yahoo.com

 
 
Mùa Phục Sinh 2007
<bài viết được chỉnh sửa lúc 07.04.2007 12:01:07 bởi Ngọc Lý >
#1
    Ngọc Lý 08.04.2007 01:08:09 (permalink)
    .
     
    MẦU NHIỆM SỰ SỐNG
     

    Nhân loại tái sinh khi một Evà mới là Ðức Maria xuất hiện.  Qua những Mầu Nhiệm Mân Côi, Mẹ dẫn đưa tín hữu ngày càng đi sâu vào một sự sống huyền nhiệm mới, đó là Ðức Giêsu Kitô.  Càng thấu hiểu huyền nhiệm sư sống, họ càng tìm thấy giá trị và ý nghĩa đích thực của cuộc đời.  Hơn nữa, bước theo Mẹ, họ sẽ không bao giờ phải lo sợ, vì dưới danh hiệu “Thánh Mẫu Thiên Chúa (Theotokos), người tín hữu tìm được nơi trú ẩn nhờ biết cầu nguyện trong cơn nguy khốn.”[1]

    Trên trần gian, Mẹ rất lo lắng ơn cứu độ cho mỗi người.  Nhưng làm sao có thể được cứu độ, nếu không biết sự thật là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng giải thoát nhân loại ?  Thực tế, chỉ có Mẹ mới dạy chúng ta biết rõ sự thật về Chúa Kitô.  Bởi thế, không có Mẹ, làm sao chúng ta có thể hy vọng được cứu độ ?  Mẹ dạy chúng ta trong trường học tin yêu là Tràng Hạt Mân Côi. Vì đã hạ sinh, dưỡng dục Con Thiên Chúa làm người, nên Mẹ sẽ  chỉ vẽ cho chúng ta một con đường ngắn nhất và đúng nhất dẫn tới nguồn ân cứu độ là Ðức Giêsu Kitô. 

    Chính Mẹ cũng là một mẫu gương sáng chói nhất cho chúng ta biết hồng ân Thiên Chúa là gì và hoạt động ra sao dưới quyền lực Thánh Linh.   Trong ngày Truyền Tin và Hiện Xuống, Mẹ đã xuất sắc trong thiên chức làm Mẹ khi chiêm niệm được ý nghĩa việc Thần Khí phủ bóng và hiện xuống.  Nhờ vậy, Mẹ đã nêu gương cho Giáo hội (chúng ta) trong việc sinh dưỡng ơn Chúa Kitô trong thế giới.[2] 

    Bước theo Mẹ trong Mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta sẽ cảm nghiệm và sống lại tất cả vẻ đẹp của lịch sử cứu độ.

     
    SỰ SỐNG,
    MỘT HUYỀN NHIỆM
     

    Sự sống là một huyền nhiệm phát xuất từ Thiên Chúa. Muốn khám phá sự sống, không những phải hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa, nhưng còn phải dõi theo bước chân Mẹ Maria qua các mầu nhiệm Mân côi. Chỉ có Mẹ mới giúp chúng ta thấy và trân quý tất cả vẻ đẹp huyền nhiệm trong công cuộc tạo dựng và cứu độ. Vì thế, ĐGH Gioan Phaolô II mới dám sống với tâm tình phó thác: “Mọi sự của con là của Mẹ.”

    Mẹ đề cao những giá trị của Sự Sống Thiên Chúa. Mẹ hết sức quý trọng sự sống con người cũng như vạn vật. Sự sống đó bắt đầu từ khi Thiên Chúa tạo dựng để chiếu tỏa vinh quang ra vũ trụ. Càng suy gẫm, Mẹ càng thấy sự sống kỳ diệu, nhất là sự sống con người được Thiên Chúa chăm lo đặc biệt. Nếu không, Thiên Chúa đã không chọn một dân riêng để ban lời hứa và lề luật. Hơn nữa, Người còn sai các ngôn sứ đến chuẩn bị cho dân của Người đón nhận ơn cứu độ. Nếu sự sống không có giá trị, tại sao Thiên Chúa phải lo bảo vệ và phát triển như thế?

    Trong mầu nhiệm cứu độ, Thiên Chúa dành lại sự sống cho con người. Đó cũng là cơ hội con người cộng tác với Thiên Chúa để dành lại sự sống cho chính mình. Sự sống có một giá trị khôn sánh và vô cùng cao cả. Chỉ Thiên Chúa mới có thể tạo dựng và giành lại sự sống cho con người. Sự sống vừa là một hồng ân vĩ đại nhất vừa là một thách đố lớn nhất đối với con người.

    Hơn lúc nào, ngày nay cuộc khủng hoảng về sự sống đang đe dọa nhân loại. Các phong trào phá thai, đồng tính luyến ái, nhân bản con người, ly dị, xâm phạm nhân quyền v.v. là những tệ nạn đang làm nhức nhối và đục khoét lương tâm con người. Cần phải có những nỗ lực lớn lao mới có thể giành lại sự sống và những giá trị sự sống cho con người. Suy niệm theo MẦU NHIỆM SỰ SỐNG là góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh cho sự sống.

    Mầu nhiệm Mận Côi là con đường dẫn Kitô hữu đi sâu vào tình yêu Thiên Chúa. Qua những nẻo đường huyền nhiệm đó, Thiên Chúa sẽ mạc khải Mẹ Maria như người cộng tác chính yếu với Chúa Giêsu trong chương trình cứu chuộc nhân loại. Đồng thời qua đó Chúa cũng cho con người những phương tiện hữu hiệu để đạt được cứu rỗi cho chính mình và cho đồng loại. Chính vì thế, khi ban hành Ba Mệnh Lệnh Fatima, Mẹ Maria muốn mọi người lần hạt Mân côi để cứu vãn nền hòa bình thế giới.

    Khi nghe tin Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lập thêm một mầu nhiệm vào Kinh Mân Côi truyền thống, nhiều người tưởng đó là MẦU NHIỆM SỰ SỐNG, một chủ đề đã ảnh hưởng sâu đậm và chi phối suốt đời ngài. Thực tế, ngài đã công bố MẨU NHIỆN SỰ SÁNG. Mầu Nhiệm Sự Sáng thật là quan trọng và cần thiết cho những người muốn chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa qua các mầu nhiệm cứu độ được th hin trong thi gian Chúa Giêsu truyn đạo. Hơn nữa, mầu nhiệm đó kết thúc bằng sự kiện Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể như cao điểm của tất cả các mầu nhiệm. Thật là tuyệt vời !

    Như thế, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có công làm phong phú Mầu Nhiệm Mân Côi truyền thống. Thế nhưng, tất cả các mầu nhiệm đó đều nằm trong bối cảnh Tân Ước. Phải chăng mầu nhiệm cứu độ chỉ giới hạn trong Tân Ước ?  Thưa không. Thiết tưởng có trở về nguồn Cựu ước, mới khám phá được tất cả chiều kích tình yêu Thiên Chúa trong công cuộc tạo dựng và cứu độ.  
     

    MẦU NHIỆM SỰ SỐNG :
    MỘT ĐỀ NGHỊ

    MẦU NHIỆM SỰ SỐNG rất gần gũi và nằm trong tầm nhìn của Đức Cố Gioan Phaolô II. Giả sử, sau khi lập Mầu Nhiệm Sự Sáng, Người công bố thêm MẦU NHIỆM SỰ SỐNG, chắc không thiếu người hưởng ứng. Tuy thế, lúc này cũng chưa muộn. Vậy chúng tôi xin đề nghị với Giáo hội một mầu nhiệm mới :
     
    MẦU NHIỆM SỰ SỐNG

    Cũng như các mầu nhiệm khác trong chuỗi Mân Côi, MẦU NHIỆM SỰ SỐNG xoay quanh một tâm điểm duy nhất là Chúa Giêsu Kitô. MẦU NHIỆM SỰ SỐNG cũng trải qua năm (5) chặng đường sau đây : 

    Chục Thứ nhất: Thiên Chúa tạo thành vạn vật nhờ Ngôi Lời.  Ta hãy xin cho được góp phần xây  dựng nền văn hóa sự sống.
     
    Chục Thứ hai: Sau khi nguyên tổ sa ngã, Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Thế. Ta hãy xin cho được cộng tác vào công cuộc xây dựng nền văn minh tình thương.
     
    Chục Thứ ba: Tổ phụ Abraham hiến tế Isaac cho Thiên Chúa và nhận lại con mình như biểu tượng Chúa Kitô phục sinh.  Ta hãy xin cho được sống lại với Người.
     
    Chục Thứ tư:
    Thiên Chúa sai Môsê đưa dân Chúa về Đất Hứa. Ta hãy xin cho được  tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Ðộ duy  nhất của toàn thể nhân loại.
     
    Chục Thứ năm:  Thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa. Ta hãy xin cho được ơn sám hối để sống và sống dồi dào.
      
    MẦU NHIỆM SỰ SỐNG :  
    SUY NIỆM

    Chục Thứ nhất: Thiên Chúa tạo thành vạn vật nhờ Ngôi Lời.  Ta hãy xin cho được góp phần xây  dựng nền văn hóa sự sống.

    Mầu nhiệm này phóng tầm nhìn con người tới sự sống là chính Thiên Chúa.  Thời điểm huyền diệu nhất là khi Người bắt đầu mạc khải chính mình qua việc tạo dựng sự sống trong vũ trụ, mà chóp đỉnh là con người. Vinh dự cao cả nhất của con người là được mời gọi cộng tác vào công trình tạo dựng đó. Nhờ quyền năng Thiên Chúa, con người có thể tiếp tục “tạo dựng” sự sống trên mặt đất này. Vinh dự đó đang bị chà đạp vì những nỗ lực hủy diệt của phong trào phá thai.
    Hơn lúc nào, con người phải tìm về nguồn sống là chính Thiên Chúa mới có thể khám phá giá trị sự sống. Từ đó, mới có thể tôn trọng sự sống đích thực. Sự sống ấy là một hồng ân Thiên Chúa. Đó là nền tảng cho quyền làm người. Vì đánh mất niềm tin nơi Thiên Chúa, con người không còn tôn trọng sự sống. Bởi vậy, chúng ta cần cầu xin cho chính mình và mọi người biết tôn trọng sự sống từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội.

    Chục Thứ hai: Sau khi nguyên tổ sa ngã, Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Thế. Ta hãy xin cho được cộng tác vào công cuộc xây dựng nền văn minh tình thương.

    Thiên Chúa đầy lòng thương xót đã thực hiện tất cả lời hứa. Người mạc khải tất cả tình yêu mãnh liệt cho đối tượng tình yêu là con người. Tình yêu Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi và sự chết. Theo thánh Augustinô, tội hồng phúc Ađam đã khiến Con Thiên Chúa xuống thế hòa giải con người với Thiên Chúa. Đúng hơn, tình yêu Thiên Chúa đã phá hủy hoàn toàn bức tường ngăn cách con người với Thiên Chúa do tội Ađam xây nên. Con người phải cố gắng nhận ra tình yêu Thiên Chúa như một hồng ân vô cùng cao cả và cần thiết cho cuộc sống hôm nay.
    Nhờ Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, chúng ta được chia sẻ sự sống sung mãn với Người. Người nhận chúng ta làm con trong gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta không bao giờ có quyền thấtvọng, dù cuộc sống này đầy thử thách và có lúc phải chấm dứt. Niềm hy vọng của chúng ta dựa trên một nền tảng vững chắc là chính lời hứa của Thiên Chúa.

    Chục Thứ ba: Tổ phụ Abraham hiến tế Isaac cho Thiên Chúa và nhận lại con mình như biểu tượng Chúa Kitô phục sinh.  Ta hãy xin cho được sống lại với Người.

    Giao ước đó là nền tảng cho sự sống còn của nhân loại. Nếu Thiên Chúa không giữ giao ước với Abraham, không thể có một dòng dõi đông như sao trên trời và như cát ngoài bãi biển. Bởi vậy, Giao Ước với Abraham là một bằng chứng Thiên Chúa yêu thương nhân loại và sẵn sàng làm cho mặt đất phong nhiêu sự sống.
    Giao ước với Tổ phụ Abraham cũng là nguồn phát sinh nền văn minh nhân loại. Một nền văn minh không xây dựng trên tình thương chỉ dẫn đến hố diệt vong. Tương quan giữa con người phải là tương quan huynh đệ, bắt nguồn từ giao ước với Thiên Chúa. Bởi vậy, muốn củng cố tương quan nhân loại hôm nay, chúng ta cần ôn lại nội dung và giá trị giao ước Thiên Chúa đã ký kết với tổ phụ Abraham.
    Chục Thứ tư: Thiên Chúa sai Môsê đưa dân Chúa về Đất Hứa. Ta hãy xin cho được  tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Ðộ duy  nhất của toàn thể nhân loại.
     
    Suốt bốn mươi năm trên sa mạc, Môsê đã hướng dẫn dân Chúa về Đất Hứa, nơi chảy sữa và mật.  Nhờ bàn tay Môsê, Thiên Chúa đã giải phóng dân Chúa. Dân Chúa đã thoát ách nô lệ và vào miền đất tự do, thoát ngục tử thần vào miền đất sống.  Thực tế, Môsê đã không vào được Đất Hứa.  

    Môsê chỉ là hình ảnh tiên trưng về Chúa Giêsu. Chúa Giêsu mới là vị lãnh đạo đích thực và duy nhất của Dân Chúa. Người dẫn đầu một đàn em nhân loại đông đảo, vượt qua sa mạc trần gian và vào tận Nhà Cha trên trời. Cuộc vượt qua Biển Đỏ và sa mạc trần gian sẽ không thể hoàn thành nếu không có vị lãnh đạo tối cao là Chúa Giêsu. Chỉ Người mới đủ quyền năng để hiện diện và cứu giúp kịp thời những người đang chiến đấu để vào miền Đất Hứa là Thiên đường.  Tin tưởng mãnh liệt Chúa Giêsu là Đường dẫn về Nhà Cha, chúng ta mạnh dạn tiến bước . . .

    Chục Thứ năm:  Thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa. Ta hãy xin cho được ơn sám hối để sống và sống dồi dào.

    Gioan Tẩy Giả là ngôn sứ cuối cùng loan báo và chỉ cho dân Chúa biết Đấng Cứu Thế. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, đã vượt qua mọi giới hạn để đến với con người và trở thành trung tâm điểm của toàn thể vũ trụ và nhân loại. Tội lỗi đã lẻn vào trần gian và đem theo cái chết. Người đến giải thoát muôn dân khỏi tội lỗi và đem lại sự sống cho toàn thể nhân loại. Bởi thế, Gioan đã kêu gọi mọi người sám hối để được ơn tha thứ và cứu độ. Cũng như Gioan Tẩy Giả, Kitô hữu có bổn phận loan báo cho muôn dân biết Chúa Giêsu là sự sống đích thực của toàn thể nhân loại. Sứ mệnh loan báo Tin Mừng thuộc về toàn thể dân Chúa. Lời Chúa sẽ đến với mọi người qua những chứng từ sống. Chứng từ rõ ràng và mạnh mẽ nhất chỉ xuất hiện trong tình yêu. Bởi vậy, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, Kitô hữu có sẵn những phương tiện và cơ hội thi hành sứ mệnh ngôn sứ theo lệnh Chúa.[3] 

      
    CHƯƠNG TRÌNH
    ĐỌC KINH MÂN CÔI

    Đề nghị thiết lập MẦU NHIỆM SỰ SỐNG, không nhằm tạo thêm phiền toái cho hình thức đạo đức, nhưng chỉ muốn cống hiến một cơ hội để nhìn vào bức tranh toàn diện của mầu nhiệm cứu độ. Có thể có than phiền rằng bốn mầu nhiệm Mân Côi đã quá dài rồi, thêm MẦU NHIỆM SỰ SỐNG nữa làm chi. Thực ra, có lẽ đối với nhiều người, dù chỉ một Mầu nhiệm cũng quá dài. Còn những ai sẵn sàng lắng nghe và thực hành Mệnh Lệnh Fatima, bao nhiêu cũng không đủ để cứu vãn nền hòa bình thế giới và sự sống còn của nhân loại. Vả lại, không ai bó buộc phải đọc một lúc cả năm mầu nhiệm ấy. 

    Hơn nữa, thiết tưởng thâu tóm toàn thể lịch sử cứu độ trong năm mầu nhiệm đâu phải là quá dài. Mỗi một mầu nhiệm đều có những nét đặc biệt diễn tả tình yêu Thiên Chúa trải dài suốt lch s cu độ. Thiếu một mầu nhiệm nào, Kitô hữu sẽ cảm thấy việc cầu nguyện và suy gẫm không trọn vẹn. Càng đi sâu vào từng mầu nhiệm, chúng ta sẽ  càng khám phá được tất cả chiều kích lớn lao của công cuộc cứu độ. Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan khi phác họa và thực hiện công trình tạo dựng và cứu độ. Bởi thế, có đề nghị hàng trăm mầu nhiệm cũng không đủ để khám phá và chiêm ngưỡng những nét tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa.
    Vậy, chúng tôi xin đề nghị một lịch trình suy niệm năm mầu nhiệm Mân Côi như sau:


    Nếu mỗi ngày bạn đọc năm chục (50) kinh hay một Mầu Nhiệm:


    -   Thứ Hai:        Sự Sống.
    -   Thứ Ba:         Mùa Vui.
    -   Thứ Tư:         Sự Sáng.
    -   Thứ Năm:      Mùa Mừng.
    -   Thứ Sáu:       Mùa Thương
    -   Thứ Bảy:       Mùa Vui.
    -   Chúa Nhật:  Mùa Mừng.

    Nếu mỗi ngày bạn đọc một tràng trăm rưởi (150) kinh hay cả ba Mầu Nhiệm:    

    -   Thứ Hai:  Sự Sống, Mùa Vui, Sự Sáng.
    -   Thứ Ba:  Sự Sống, Mùa Thương, Sự Sáng.
    -   Thứ Tư:  Sự Sống, Mùa Mừng, Sự Sáng.
    -   Thứ Năm: Sự Sống, Mùa Vui, Sự Sáng.
    -   Thứ Sáu: Sự Sống, Mùa Thương, Sự Sáng.
    -   Thứ Bảy: Sự Sống, Mùa Mừng, Sự Sáng.
    -   Chúa Nhật: Sự Sống, Mùa Mừng, Sự Sáng.

    Như thế, mỗi ngày đều ngắm hai mầu nhiệm Sự Sống và Sự Sáng, kèm ở giữa là một mầu nhiệm Mùa Vui, Thương hay Mừng. Nếu mỗi ngày đều lần hạt trọn một tràng trăm rưởi, chúng ta có thể phục hồi được lịch trình cũ của Kinh Mân Côi truyền thống. Ngày nào chúng ta cũng suy gẫm Mầu Nhiệm Sự Sống và Sự Sáng để cầu nguyện cho Phong Trào Phò Sự Sống và cho mọi người biết quý trọng sự sống theo đúng chiều hướng Thiên Chúa và Giáo hội.

    Nếu mỗi ngày bạn đọc một tràng hai trăm rưởi (250) kinh hay cả năm Mầu Nhiệm,

    Bạn chỉ mất chừng bảy mươi (70) phút mà thôi. Tuy mất giờ một chút, bạn có thể đi với Mẹ dọc theo suốt công trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa. Cả một công trình lớn lao như thế mà chỉ mất có bảy mươi phút, làm sao gọi là nhiều ? Trái lại, càng chiêm ngắm những kỳ công Thiên Chúa trong việc tạo dựng và cứu độ, càng thấy mình hạnh phúc vì được Thiên Chúa yêu thương. Sống trong tình yêu Chúa, chúng ta sẽ thấy cuộc sống vô cùng dồi dào và ý nghĩa. Nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta đủ sức lao mình vào biển tình yêu Thiên Chúa và múc lấy những tinh hoa cao quý mà cống hiến cho đời.
     


    THAY LỜI KT


    Đây chỉ là một đề nghị. Nếu được đón nhận rộng rãi và được giáo quyền chuẩn y, MẦU NHIỆM SỰ SỐNG sẽ cống hiến một bức tranh toàn bích về mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. MẦU NHIỆM SỰ SỐNG hy vọng sẽ mở rộng tầm nhìn về mạc khải Thiên Chúa trong công cuộc tạo dựng và cứu chuộc nhân loại. Nhờ suy gẫm MẦU NHIỆM SỰ SỐNG, chúng ta sẽ thấy tất cả giá trị sự sống và tiến trình Thiên Chúa giải thoát nhân loại khỏi áp bức tử thần.

    Ngày nay, không có hành động nào chống lại Thiên Chúa bằng việc phá thai.  Đứng đầu trong việc phò sự sống phải là các Kitô hữu biết lắng nghe và chiêm ngắm những kỳ công lớn lao của Thiên Chúa trong công cuộc tạo dựng và cứu độ. MẦU NHIỆM SỰ SỐNG là một trong những phương tiện giúp họ thực thi những gì họ đang mơ ước.

    Lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con siêng năng lần hạt Mân Côi, nhất là MẦU NHIỆM SỰ SỐNG, để thực hiện những gì Mẹ đã dạy chúng con. Nhờ đó, chúng con có thể cùng Mẹ đem ơn cứu độ và hòa bình cho toàn thế giới.   

    Lm. Giuse Đỗ vân Lực, O.P.
    Lm.Marie Bảo Tịnh Trần Văn Bảo,Ocist            
     





    [1] Hiến Chế Tín Lý về Giáo hội, Lumen Gentium, số 66.
    [2] x. Encyclopedia of Cathlolic Doctirine, ed. Russell Shaw, Mary, Mother of the Church, F. M. Jelly, O.P.

    [3] x. Mc 16:15.
     
     
    http://www.conggiaovietnam.net/Suy%20Niem/maunhiemsusong.htm


     
     
     
    Mùa Phục Sinh 2007
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 08.04.2007 01:34:57 bởi Ngọc Lý >
    #2
      Ngọc Lý 12.10.2007 10:19:15 (permalink)
      Hồ sơ báo “Công Giáo và Dân Tộc” (I) 
      Nguyễn Văn Lục


      Ai là “Tứ Nhân bang” cuả Thiên Chúa Giáo VN? – Vai trò của Trần Bá Cường, Vương Đình Bích, Phan Khắc Từ và Huỳnh Công Minh trong đảng Cộng Sản Việt Nam .

      Linh Mục Chân Tín từ trong nước đã gửi một thư phản đối Hiệp Hội Báo Chí Thiên Chúa Giáo Thế Giới (International Catholic Union of the Press, UCIP) đã tặng huy chương vàng cho báo “Công Giáo và Dân Tộc” và được anh Nguyễn Hữu Tấn Đức phổ biến ra hải ngoại.




      Ngày 21/09/2001, Báo CGvDT được hiệp hội UCIP tặng thưởng Huy chương Vàng vì “gương mẫu bảo vệ thông tin, vì nâng cao ý thức công dân, vì bảo vệ những quyền căn bản của mọi người, vì nhiều sáng kiến phục vụ chân lý và vì thăng tiến các giá trị”
      Nguồn: dcv.org.vn







      Sự tò mò của tôi là tìm hiểu xem Tây nó biết gì về báo chí Việt Nam. Họ có biết đọc chữ Việt đâu để đánh giá được một tờ báo. Vậy ai là người đã đứng đằng sau để cung cấp dữ kiện cho Hiệp Hội Báo Chí Thiên Chúa Giáo Thế Giới đi đến quyết định trao giải cho Công Giáo và Dân Tộc. Có thể lại ông Nguyễn Đình Thi, chủ tiệm sách ở Paris, cha đẻ ra tờ Công Giáo và Dân Tộc ở Paris vào năm 1969. (Chúng tôi ngờ rằng tờ Công Giáo và Dân Tộc đã thuổng lại một chủ đề Công Giáo và Dân Tộc của tạp chí Đất Nước, số 8, tháng 12, 1968), để rồi từ đó ông Trương Bá Cần tức Trần Bá Cường làm khai sinh lại cho tờ báo ở Sài Gòn sau giải phóng với số tiền cấp dưỡng của ông Thi cho tờ báo là 100.000 FF vào năm 1975. Với Nguyễn Đình Thi, những hoạt động trong bóng tối là chuyện không lạ. Chúng tôi xin trích dẫn ở đây lá thư của cấp lãnh đạo Cộng sản ở Quảng Ngãi viết cho một Linh mục để lôi kéo theo Cộng sản, trong đó nêu tên Nguyễn Đình Thi như một mẫu người đi theo họ.

      Trong cuộc chiến này đã có nhiều Linh mục như Linh mục Nguyễn Đình Thi v.v... và những người Thiên Chúa Giáo yêu hòa bình đã thấy rõ bọn Mỹ Thiệu, đã hưởng ứng và góp phần vào nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước. Bọn đế quốc và một số tay sai phản động đội lốt tôn giáo tuyên truyền nói xấu cách mạng, nói cách mạng là diệt đạo, thực tế điều này đã chứng minh qua lời phát biểu của Linh mục Nguyễn Đình Thi, đại diện cho những người Thiên Chúa Giáo yêu nước đã họp tại Pháp... Ký tên Hoàng Nguyên, thư đề ngày 15/05/1972.



      Gm Nguyễn Minh Nhật (1926-2007)
      Nguồn: catholic.org.tw







      Ngoài Nguyễn Đình Thi thì tất cả người Thiên Chúa Giáo trong Nam chắc là tay sai phản động đội lốt tôn giáo cả. Riêng người Thiên Chúa Giáo ở trong nước, có hay không có huy chương vàng này cho tờ “Công Giáo và Dân Tộc” cũng chẳng ăn thua gì đến họ. Từ lúc tờ báo mới xuất hiện tháng 7 năm 1975, dân Thiên Chúa Giáo đã gián tiếp tẩy chay. Chỉ thấy cái nhan đề tờ báo Công Giáo và Dân Tộc có cái mùi khó ngửi và có cái gì gian trá trong đó. Dân tộc ở chỗ nào? Công Giáo và Cộng sản thì đúng hơn. Người dân Saigon, chỉ sau một tuần lễ “giải phóng”, từ trẻ đến già, từ trong nhà ra ngoài đường, không ai bảo ai một cách kỳ lạ, dùng ngôn ngữ như một võ khí tự thân, hết biết nói lời nói thật thà, biết nói lời gian dối. Đảng nói vậy mà không phải vậy. Dân cũng nói dzậy mà không phải dzậy. Cho nên, lời phát biểu của Giám mục Nguyễn Minh Nhật, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trả lời cuộc phỏng vấn của tờ báo Eglises d'Asie vào năm 1990 cho rằng người Thiên Chúa Giáo hết tin tưởng vào Ủy Ban Đoàn Kết Thiên Chúa Giáo và tờ Công Giáo và Dân Tộc là rất đúng, chỉ quá trễ thôi...

      Cái điều đó phải nói ngay từ 1975 mới phải. Phải mất 15 năm mới nói được câu đó. Cái bén nhạy của người dân thường biết ai là bạn là thù. Cái không hèn nhát, cái trực tính của thường dân, có sao nói vậy cái thật thà bản chất thường đi trước những suy nghĩ, tính toán của người trí thức. Trong số khoảng 30 trí thức xếp hàng trong danh sách những người ít nhiều liên quan với tờ Công Giáo và Dân Tộc, phải đợi một thời gian dài ngắn khác nhau mới rủ nhau bỏ cuộc.

      Có trí thức Thiên Chúa Giáo có cái can đảm làm thơ ca tụng, hãnh diện vì con lên đường làm nghĩa vụ quân sự đánh Cam Bốt. Có trí thức viết: Hà Nội tôi thế đó. Lối chơi chữ trở thành tối tai hại, nhất là chữ VN, vì có thể chỉ thêm một dấu huyền vào chữ tôi có thể làm hại cả một đời người. Hà Nội tồi thế đó. Nay trở thành đối lập... Có cái trí thức suy nghĩ bằng dạ dầy, sau 1975 trở thành nhà nghiên cứu sử học, nghênh ngang chỉ cho cấp lãnh đạo Cộng sản, chỗ cụ Hồ đứng ở chỗ nào trên bến tầu trên đường đi tìm đường cứu nước. Xin ngả mũ chào nhà sử học... Trí thức như Linh mục Thanh Lãng đã phản đối việc Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận đổi về Sài Gòn, trước khi qua đời một tháng đã để lại chúc thư xin lỗi Tổng Giám mục Thuận, xin tha thứ. Sau Thanh Lãng đến lượt ai đây, gấp đi, kể ra cũng đã hơi trễ rồi.

      Trước khi đề cập đến tứ nhân bang, chúng tôi cũng xin nêu ra một trường hợp khá đặc biệt là ông Nguyễn Nghị, trong Ủy Ban Đoàn Kết Thiên Chúa Giáo. Ông này có viết một tập sách mỏng vào năm 1992, dầy độ 20 trang có tựa đề là Lịch Sử Đạo Công Giáo tại VN. Tài liệu này nịnh đảng rồi bôi xấu đạo Thiên Chúa đến độ ông Lý Chánh Trung, đại biểu quốc hội, là người được giao cho duyệt đã tức điên lên và phê: “Nên thêm vào tên sách Lịch Sử Những Tội Lỗi Của Đạo Công Giáo”. Ông Lý Chánh Trung ghi tiếp:

      “Bài này là một tài liệu chính trị chứ không phải một bài nghiên cứu sử học, nếu viết để đăng trên một tờ báo chính trị thì là quyền của tác giả và của tờ báo. Nhưng không được công bố như một cuốn sách về lịch sử VN, như vậy là tội cho lịch sử, cho Giáo Hội Công Giáo và cho cả nước VN.”

      Ông Nguyễn Nghị, còn có gian trá trí thức là liệt kê số sách tham khảo, số sách đọc khoảng 20 tài liệu, sách vở. Nhưng trong toàn bộ tài liệu, ông không ghi chú một tài liệu nào cả làm ông Lý Chánh Trung phải ghi chú: “Chỉ có một chú thích số 2 có ghi trong bài viết.”

      Một nhận xét rất nhẹ nhàng thôi, nhưng đủ cho thấy tư cách trí thức và tâm địa người viết ra sao.

      Trong cái đám trí thức đó, còn lại tứ nhân bang, đã làm mưa, làm gió trong suốt 26 năm, trong và ngoài, nhất là trong nội bộ Thiên Chúa Giáo trên một số quyết định cũng như thư chung của Tổng Giám mục Bình. Có thể nói một phần dè dặt, Tổng Giám mục Bình đã bị vây quanh khi họ nắm chức vụ trong Ủy Ban Đoàn Kết Thiên Chúa Giáo và trong tờ Công Giáo và Dân Tộc.




      Phan Khắc Từ, có thẻ đảng, Phó Chủ tịch UB Đoàn kết Công giáo VN — Nguồn: daosuduytue.com




      Nay xin được có đôi hàng về họ. Xin kể tên bốn người này: Trần Bá Cường, Vương Đình Bích, Phan Khắc Từ và Huỳnh Công Minh. Chúng tôi xin dùng lối tiếp cận họ với những đàn anh của họ theo Cộng Sản thời điểm 1945-1954, mặc dù hoàn cảnh xã hội chính trị có khác nhau, nhưng cách dấn thân của mỗi bên là điểm then chốt để phân biệt họ ai lý tưởng, ai gian dối.

      Lấy ba người là ông Phạm Xuân Kỷ, Phạm Bá Trực, ông Võ Thành Trinh. Có muốn lấy thêm cũng khó có hơn. Họ theo từ đầu, theo Cộng sản từ khi trước 1945, lúc tương lai Cộng Sản còn mờ mịt, lúc phải hy sinh tất cả, ngay cả cái mạng sống của mình. Theo thời đó đồng nghĩa với từ bỏ đạo, không phải từ bỏ mà bị loại trừ ra khỏi hàng ngũ người Thiên Chúa Giáo, bị rút phép thông công, theo tinh thần thông tư của Hội Đồng Giám Mục năm 1951. Theo như thế là mất tất cả, được gì thì chưa biết. Phải hiểu cái não trạng người Thiên Chúa Giáo thời đó cho thấy sự chọn lựa của họ là can đảm, là dứt khoát, không có đường về. Đã hẳn từ đó phải có một niềm tin, một lý tưởng, trên cả lý tưởng đạo của họ. Sự dấn thân đó có ý nghĩa trọn vẹn, trong sáng không có điểm nghi ngờ. Sau 1954, ông Kỷ, ông Trinh đều có cơ hội chọn ra đi hay ở lại. Lại thêm một thử thách nữa, vì vẫn có thể xét lại, thay đổi. Từ năm 1954, họ giữ những chức vụ trong quốc hội và trong những tổ chức có cái tên rất dài, rất khó nhớ là “Ủy ban liên lạc toàn quốc những người VN yêu tổ quốc, yêu hòa bình”, viết tắt là “Uỷ Ban Liên Lạc Công Giáo Toàn Quốc”, nhưng không hề có áp đặt, ỷ quyền hành đời uy hiếp Giám mục, Linh mục. Có căng thẳng, có mâu thuẫn, nhưng không có áp đặt. Và dù có muốn cũng không được. Ở địa phận Hà Nội Tổng Giám mục Trịnh Như Khuê có cái may mắn hơn Tổng Giám mục Bình là quy tụ được một số Linh mục trí thức như Lm Chính Nguyễn Văn Vịnh, Lm Đinh Lưu Nhân, Lm Nguyễn Minh Thông, Phạm Hân Quynh, và Oánh. Họ đều là trí thức du học, có thể là bực thầy của đám tứ nhân bang. Nhưng họ lý tưởng, đạo hạnh, can đảm, hy sinh, tuân phục mặc dầu bị bách hại. Trong số bốn vị trên, Lm Vịnh chết trong tù ở trại Cổng Trời, Lm Thông 27 năm tù, hai lần lên Cổng Trời, được thả ra và chết sau đó vài năm. Lm Quynh, Oánh, đều bị quản thúc trên 20 năm.

      Cũng vì thế, sau biến cố 30 tháng 4, có sự khác biệt về thái độ giữa hai miền về ngày đó. Chỉ vài ngày sau Tổng Giám mục Bình đã gửi tâm thư vào ngày 05/05/1975, khuyên giáo dân phải hòa mình vào nhịp sống của toàn dân, phải nỗ lực vào việc hòa hợp, hòa giải dân tộc. Trong khi đó, tòa Giám Mục Hà Nội đợi đến hơn ba tháng sau 16/08/1975 mới đẻ được cái thông cáo của tòa Giám mục với những lời khuyên hoàn toàn đạo giáo, không nhắc nhở gì đến biến cố 30 tháng 4 và ký tên lại là người thay mặt Giám mục là Lm Trần Văn Mai. Hai bức thư, hai thái độ, hai cách ứng xử khác nhau. Cái giáo hội thầm lặng đó, với những vị trí thức vừa kể giúp chúng tôi nhìn rõ đám tứ nhân bang hơn, hiểu rõ vai trò của họ hơn.

      Họ cùng lắm được xếp vào loại trí thức khuynh tả, viết lách trong tờ Công Giáo và Dân Tộc ở Paris từ 1969-1975, hoặc tờ Đứng Dậy, hoặc trong Ủy Ban Thiên Chúa Giáo canh tân hòa giải. Trần Bá Cường, có thu thập được ít tài liệu miền Bắc, dựa vào đó viết ca tụng 25 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc. Đấy phải chăng là cái công đầu hiến dâng đảng. Lúc mà thời thế có vẻ đổi chiều thì có một số trí thức được Cộng sản móc nối để gia nhập một số tổ chức có mục đích khuynh đảo chế độ Sài Gòn. Cái ngọn gió đổi chiều vào những năm cuối cùng của VNCH trước khi sụp đổ, trí thức nhanh tay lẹ chân vơ chụp, tham gia vào các tổ chức trên có gì là lạ. Trong số đó, có một ông làm giáo sư dạy Sử đã tự hào: “Mình phải tham gia từ đầu chứ, để đến 30 tháng 4 thì quá muộn rồi.” Bây giờ thì không phải là quá muộn, mà quá lỡ làng rồi.

      Vốn liếng họ có vậy. Chừng đó thôi. Có nhiều người trước 1975, chống chính quyền, khuynh tả là cái mốt trí thức, như mốt thời trang vậy thôi. Đầu thì chống, nhưng bụng thì nhận đủ ân huệ của Sài Gòn. Theo như Nguyễn Hữu Tấn Đức, trong Tin Nhà, số 43, 2000, trong bài Prêtres et commissaires, những thành phần quạ đen, cấp tiến như họ được đảng nuôi dưỡng chăm sóc, tận tình “les favoriser matiériellement”, xin tạm dịch là vỗ béo, và cuối cùng les rassembler en une force de progrès étroitement controlés par nous (tập họp họ thành một lực lượng cấp tiến do chúng tôi kiểm soát chặt chẽ - DCV). Vậy bọn họ, chỉ là một thứ công cụ của nhà nước, bọn cung đình, bọn nâng bi nếu viết lách. Họ tự nhận được đảng nuôi dạy. Họ tự phô trương điều đó ra. Vương Đình Bích viết: “Đảng Cộng sản đã gây dựng bốn người chúng tôi làm đầu não mọi hoạt động của đảng trong giới Công Giáo”. Huỳnh Công Minh, khi được chọn làm đại biểu quốc hội đã tuyên xưng, phát thệ: “Phần tôi, tôi nguyện suốt đời phục vụ.” Họ trơ trẽn hơn ba vị đàn anh họ nhiều, họ thiếu phẩm cách, ngay cả dối trá trong mọi trường hợp cần thiết để đẹp lòng nhà nước. Bù lại, họ được quyền hành ngay trên các quyết định của tòa Giám mục trong đường lối, cũng như trong những phát biểu. Họ theo dõi hành vi, thái độ Giám mục đối với nhà nước như một thứ công an chìm. Đó là công việc mà Huỳnh Công Minh đã làm với tư cách Tổng đại diện từ hơn 20 năm nay.




      Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình (p) và Giáo Hoàng John Paul II (t)
      Nguồn: tinhthan.tripod.com





      Trong bài phỏng vấn Tổng Giám mục Bình của tờ La Vie bên Pháp, có đoạn ghi một vài câu hỏi liên quan đến việc bổ nhiệm Huỳnh Công Minh làm Phó Đại chủng viện Sài Gòn, Tổng Giám mục Bình tiết lộ cho biết việc bổ nhiệm đó đã bị Roma không tán thành. Thêm vai trò đó, Huỳnh Công Minh lại kiểm soát từng thái độ chính trị của chủng sinh và có được truyền chức hay không là tùy quyết định của ông này. Cũng vì vậy, trên 20 năm mà Sài Gòn chỉ có thêm 15 Linh mục, trong tổng số hiện có khoảng 350. Vậy thì cái số 15 đó bù khuyết được gì cho những tu sĩ đã về hưu hoặc chết. Cũng trong bài phỏng vấn, Tổng Giám mục cho biết, ít có liên lạc với cấp chính quyền Cộng sản trực tiếp, nhưng việc đó giao cho một số Linh mục trong Ủy Ban Đoàn Kết . Chừng đó dữ kiện cho thấy giáo phận nằm trong tay mấy người trong tứ nhân bang chi phối, giật dây. Người viết không đặt vấn đề ông Huỳnh Công Minh là người xấu hay người tốt, đạo đức hay không đạo đức. Nhưng việc ông vừa là ủy viên, cán bộ Cộng sản, vừa là Tổng đại diện là một điều khó chấp nhận. Khi thi hành trách nhiệm, ông sẽ rơi vào hoàn cảnh bối rối, hàm hồ, khó có quyết định đúng mức. Đó là mặt lý thuyết, mặt thực tiễn, ông là cánh tay của đảng nối dài, xen vào nội bộ giáo hội để chi phối, để kiểm soát, để bá cáo. Và trớ trêu thay, Sài Gòn, điểm mạnh và biểu tượng của người Thiên Chúa Giáo cả nước như tấm gương lại có hai giáo hội: Giáo Hội của địa phận Sài Gòn và “giáo hội Vườn Soài”. Có lẽ, đòi hỏi cấp thiết nhất hiện nay là yêu cầu nhà nước dẹp cái giáo hội vườn soài đi là vừa.

      Trước khi bàn về tờ Công Giáo và Dân Tộc về người Tổng biên tập tờ báo, xin nói rõ về chủ trương của Cộng sản. Ngay khi miền Nam sụp đổ, trước khi có chủ trương bắt sĩ quan đi học tập, trước khi đánh tư sản với 5 thành phần kinh tế, Cộng sản đã chủ trương ra lệnh đóng cửa toàn bộ các cơ sở văn hóa, nhà in, tiệm sách, nhà phát hành, đã ra lệnh phải quét sạch toàn bộ các ấn phẩm văn hóa ngụy. Theo Phan Cư Đệ, có 286 bài báo nhằm truy chụp, bôi bẩn, tố cáo các nhà văn, nhà báo miền Nam. Bên cạnh đó cho ra đời những sách báo là công cụ của nhà nước như tờ Sài Gòn Giải Phóng. Sau đó là Công Giáo và Dân Tộc. Đó là những loại báo bao cấp hiểu theo nghĩa nào cũng đúng. Vì vậy, từ bao nhiêu năm nay, Hội Đồng Giám mục VN chỉ xin nhà nước cho xuất bản như một bản tin liên lạc Thiên Chúa Giáo, nhưng vẫn chưa được. Cứ hứa cuội. Năm 1996 hứa cho và để Giám mục Lâm làm Tổng biên tập, nhưng không quên cài cụ Nguyễn Văn Sang làm phó. Cụ Sang làm phó thì đừng ra còn hơn bởi vì cụ nổi tiếng với cuốn sách Bước Đường Hành Hương, 2 tập, dày 710 trang. Xin trích dẫn một vài đoạn của cuốn sách:

      “Mấy năm gần đây, tôi được mời đi dự các cuộc mít tinh... tôi được vui mầng sung sướng nhìn xem, khiên ngắm các vị lãnh tụ của chúng ta cho thỏa lòng mong ước... Đầu tháng 8, 1979, tôi được cái vinh hạnh to lớn được thủ tướng Phạm Văn Đồng sẽ tiếp... Tôi vui mầng, nôn nóng đợi chờ từng giây từng phút cái vinh dự tốt đẹp đó”
      (Bước Đường Hành Hương, trg 114-115).

      Ôi chao, nghe sốt cả ruột. Xin nói rõ thêm là Hồng Y Trịnh Văn Căn cũng có một tập hồi ký xin phép in mà không được phép in.

      © DCVOnline

      http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=4004

      ______________________

      Đọc thêm về Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn trong tập Bút ký Tôi Phải Sống của Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ:

      http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=241913&mpage=1

       
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 12.10.2007 11:06:40 bởi Ngọc Lý >
      #3
        ngày mai 12.04.2009 22:36:17 (permalink)
        .




         
         
         
        Mùa Phục Sinh 2009
        .
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 12.04.2009 22:41:47 bởi ngày mai >
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9