Cảnh BáoKhi Ăn Rau Sống
sunflower 13.04.2007 01:37:04 (permalink)
Không chỉ có các loại bào nang amip, trùng lông, trùng roi… các loại rau sống trên thị trường hiện nay còn chứa một lượng lớn các loại trứng, ấu trùng giun sán như: giun móc, giun đũa, giun đũa chó mèo, sán lá gan…
Ăn rau sống với nguồn rau không chọn lọc cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang tự nạp vào bụng mình những tác nhân gây bệnh nguy hiểm.
 

 
Đó là kết luận được rút ra từ đề tài nghiên cứu “Khảo sát ký sinh trùng trên rau sống bán tại các chợ trên địa bàn TP.HCM” do bộ môn Ký sinh trùng (KST) thuộc Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM (TTĐT-BDCBYT) thực hiện và báo cáo tại Hội nghị Ký sinh trùng - côn trùng - vi nấm toàn quốc lần thứ 34, tổ chức tại TP.HCM ngày 5-4-2007.


Ẩn họa từ rau

Theo nhóm nghiên cứu, bên cạnh những món ăn được chế biến từ thịt, trứng, cá… thì việc đưa thêm rau sống vào khẩu phần ăn hàng ngày là rất quan trọng để cung cấp cho cơ thể một lượng vitamin C, E, A, chất khoáng và một số yếu tố vi lượng, cũng như chất xơ cần thiết cho quá trình tiêu hóa.


Tuy nhiên, nếu rau sống không được đảm bảo vệ sinh (tưới phân bón tươi, sử dụng thuốc trừ sâu không đúng qui định…) thì lại là món ăn chứa vô số những tác nhân gây bệnh: vi khuẩn, trứng giun sán, ấu trùng giun sán và các loại bào nang amip, trùng lông, trùng roi…


Ít ai biết được đằng sau sự tươi ngon của mỗi lá rau là những ẩn họa khôn lường về các mầm bệnh. Để phục vụ cho việc tìm hiểu về tình trạng KST trên rau sống, từ đó giúp người dân có ý thức hơn về việc sử dụng rau an toàn, từ cuối năm 2006 đến tháng 2-2007, nhóm nghiên cứu đã thực hiện công trình trên 104 mẫu rau, chủ yếu là các loại rau có nhiều khả năng người dân ăn sống như: rau xà lách, xà lách xoong, rau đắng, rau má, rau muống, tần ô và rau gia vị (rau thơm) được lấy ngẫu nhiên từ 13 chợ trên địa bàn thành phố.


Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ nhiễm các loại KST trên rau là rất cao: 97,12% (101 mẫu) với các loại KST nhiễm chủ yếu gồm: bào nang amip (E.histolytica; E.coli) trứng giun đũa, giun móc, trứng giun đũa chó mèo và ấu trùng giun. Trong đó, ấu trùng giun được phát hiện trên rau sống chiếm tỉ lệ cao nhất (78,8%), kế đến là amip (E.histolytica: 65,4%; E.coli: 50%); trứng giun móc (25%); trứng giun đũa (23,1%) và giun đũa chó mèo (11,5%). Có 4 loại rau phát hiện nhiễm KST đến 100% là: rau xà lách xoong, rau đắng, rau tần ô và rau má; các loại rau còn lại có tỷ lệ nhiễm KST là 92,3%. Những chứng cứ về sự hiện diện của các loại KST trên đã phản ánh sự hiện diện của phân tươi trên rau sống.


Điều đáng báo động là những KST trên khó có thể được “tẩy sạch” khỏi rau. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ nhiễm KST vẫn còn đến 51,9% sau khi rửa bằng nước thường lần 3; và còn đến 82,6% sau khi rửa bằng nước rửa chuyên dụng. Riêng với máy sục ozon có thể giảm 50% tỷ lệ nhiễm.


Đặc biệt là các loại ấu trùng giun vẫn còn đeo bám trên rau đến 76,9% sau khi đã rửa bằng nước thường lần 3 và rửa bằng nước rửa chuyên dụng; trứng giun móc còn đến 30,77% sau khi rửa bằng nước Vegy. Đặc biệt các loại sán lá gan chỉ có thể bung khỏi rau khi rửa rau dưới vòi nước chảy mạnh.


Miếng ăn - mầm bệnh

Theo PGS-BS Trần Thị Hồng, Trưởng bộ môn KST của TTĐT-BDCBYT, tất cả KST trên đều là những mối nguy hại cho sức khỏe con người, gây các bệnh rối loạn tiêu hóa; viêm nhiễm đường tiêu hóa; giảm hấp thu các chất dinh dưỡng gây thiếu máu, thiếu vitamin A, B, C… Chúng làm người nhiễm bị suy nhược cơ thể. Nguy hiểm hơn là chúng còn gây tắc ruột, apxe gan, giun chui ống mật…

(Sưu tầm)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9