liêu trai chí dị- Bồ Tùng Linh
Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 24 bài trong đề mục
Hoàng Dung 21.04.2007 03:25:41 (permalink)
nguồn vantuyen.net
 
LIÊM SỈ CỦA KẺ LÀM QUAN
(truyện TAM TRIỀU NGUYÊN LÃO)

Tiếu mạ do tha tiếu mạ gia
Lão nhân trường lạc tín kham khoa
Ðường khai hoạ cẩm tiêu doanh thiếp
Thử thị tam triều tể tướng gia


Triều Minh, có viên quan họ Chu, tên Chính Khang làm quan trải ba đời vua, được phong đến chức tể tướng. Có lần Chính Khang được nhà vua sai cầm quân đi dẹp giặc. Thấy khí thế của giặc mạnh quá, Chính Khang đầu hàng, chịu để giặc bắt. Triều đình phải giảng hòa với giặc để giặc thả cho Chính Khang ra về. Khi về, Chính Khang lại được nhà vua cho phục chức nên bị dân chúng đương thời khinh khi.

Khi về quê hưu trí, Chính Khang thuê thợ xây cất một gia miếu. Trước ngày khánh thành miếu, Chính Khang sai gia nhân ra ngủ đêm ở miếu để trông coi, đề phòng kẻ phá hoại.

Sáng sau, đúng vào ngày khánh thành, gia nhân hớt hải chạy về báo tin có kẻ lẻn vào miếu lúc nào chẳng rõ, treo một bức hoành ngang trên tường với một đôi câu đối dọc theo hai cột. Chính Khang lấy làm lạ, vội dẫn con cháu tới miếu coi. Tới nơi, mọi người đều thấy trên bức hoành có đề bốn chữ Tam Triều Nguyên Lão và trên đôi câu đối có đề mười bốn chữ Nhất Nhị Tam Tứ Ngũ Lục Thất và Hiếu Ðễ Trung Tín Lễ Nghĩa Liêm. Ai cũng hiểu ý nghĩa của bốn chữ trên bức hoành là Ông Già Làm Quan, Trải Ba Ðời Vua song chẳng ai hiểu ý nghĩa của mười bốn chữ trên đôi câu đối là gì.

Câu chuyện lan khắp vùng. Dân chúng đua nhau giải thích song rút cục cũng chẳng có ai giải thích được thỏa đáng.

Ít lâu sau, có một danh sĩ trong vùng giải thích như sau:"Ðúng ra đôi câu đối ấy phải có mười sáu chữ là Nhất Nhị Tam Tứ Ngũ Lục Thất Bát và Hiếu Ðễ Trung Tín Lễ Nghĩa Liêm Sỉ. Người viết cắt bớt chữ Bát ở vế đầu và chữ Sỉ ở vế sau là có ý nói Chính Khang mất chữ Bát và không có chữ Sỉ. Trong Hán tự, mất chữ Bát gọi là Vong Bát, không có chữ Sỉ gọi là Vô Sỉ. Cả hai cặp chữ Vong Bát và Vô Sỉ đều có cùng một nghĩa là vô liêm sỉ" Ai cũng chịu lời cắt nghĩa của danh sĩ ấy là thỏa đáng.

Kẻ sĩ đời sau bình luận việc tể tướng Chu Chính Khang được triều đình sai cầm quân đi dẹp giặc mà lại đầu hàng giặc là một việc làm thiếu liêm sỉ của kẻ làm quan.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.04.2007 03:32:33 bởi Hoàng Dung >
#1
    Hoàng Dung 21.04.2007 03:31:02 (permalink)
    LỘC SỐ
    (truyện LỘC SỐ)

    Do lai lộc mệnh phú sinh sơ
    Mệnh tận thiên giao lộc hữu dư
    Lưu dữ lai sinh ưng diệc đắc
    Hà duyên nhất định vị tiêu trừ



    Ở kinh đô có viên quan quyền cao chức trọng, họ Chử, tên Bội Hành, vừa độ lục tuần, có vợ họ Vệ.

    Bội Hành thường ỷ quyền thế, xử ức dân lành, đòi tiền hối lộ, làm nhiều điều độc ác. Vệ thị thấy thế thì sợ lắm. Một hôm, Vệ thị khuyên chồng:"Phu quân nên ăn ở cho có nhân đức để được hưởng tuổi thọ lâu dài" Bội Hành cười, nói:"Nhân đức hay độc ác thì có ăn nhằm chi với tuổi thọ?" rồi chẳng nghe lời vợ khuyên.

    Thời ấy, ở chợ kinh đô có thày tướng họ Tưởng, tên Thái Toàn, nổi tiếng về nghề coi diện tướng. Ðặc biệt, Thái Toàn có thể coi diện tướng của từng người mà tính được số gạo và số miến mà người ấy còn được hưởng cho tới lúc chết, gọi là lộc số.

    Nghe tiếng Thái Toàn, Bội Hành liền sai lính ra chợ gọi Thái Toàn vào dinh để tính lộc số cho mình. Lính dẫn Thái Toàn vào. Bội Hành hỏi:"Lộc số của ta còn bao nhiêu?" Ngắm nhìn diện tướng Bội Hành hồi lâu, Thái Toàn đáp:"Lộc số của đại quan còn hai mươi thạch gạo và hai mươi thạch miến!" Nghe thấy thế, Bội Hành mừng lắm, bèn ban thưởng cho Thái Toàn, rồi sai lính dẫn Thái Toàn trở ra chợ.

    Bội Hành vào phòng thuật chuyện lại cho vợ nghe rồi hỏi:"Mỗi năm ta ăn hết chừng bao nhiêu gạo, bao nhiêu miến?" Vệ thị đáp:"Trung bình thì mỗi năm, mỗi người chỉ ăn hết một thạch gạo và một thạch miến thôi!" Bội Hành cười, nói:"Nếu thế thì ta còn sống được hai mươi năm nữa. Năm nay ta đã sáu mươi. Nếu thày tướng đoán trúng thì ta còn thọ được tới tám mươi mới chết. Như vậy cũng đủ rồi!"

    Tin vào lời đoán của thày tướng, Bội Hành vẫn tiếp tục làm nhiều điều độc ác.

    Ðầu năm sau, Bội Hành sáu mươi mốt.

    Vào ngày mồng bốn Tết, đột nhiên Bội Hành bị bệnh tiêu khát, ăn nhiều, uống lắm, ăn bao nhiêu cũng còn thấy đói, ăn cả ngày lẫn đêm. Vệ thị tính ra mỗi ngày chồng mình phải ăn hết hai mươi phần ăn bình thường. Chưa đầy một năm, Bội Hành đã ăn hết hai mươi thạch gạo và hai mươi thạch miến.

    Cuối năm ấy, quả nhiên Bội Hành lăn ra chết.
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.04.2007 03:34:15 bởi Hoàng Dung >
    #2
      Hoàng Dung 21.04.2007 03:35:33 (permalink)
      QUAN TRUNG THỪA ÐIỀU TRA TRỘM
      (truyện VU TRUNG THỪA)

      Thùy tòng cụ thất đạo trang liêm
      Hoả sách kinh truyền pháp lệnh nghiêm
      Sưu đắc chung y tần xuất nhập
      Cá trung cơ trí diệc thao kiềm

      Ðời Khang Hy, tỉnh Sơn Ðông có quan trung thừa (tuần phủ) họ Vu, tên Thành Long, thường đi tuần du các huyện để điều tra giùm các quan tể những vụ án khó xử.
      Một hôm, Vu công tới huyện Cao Bưu, tỉnh Giang Tô. Quan tể Cao Bưu làm l đón tiếp rất trọng thể. Sau khi vào huyện đường, Vu công hỏi: "Trong huyện của quan tể có vụ án nào khó xử chăng?" Quan tể đáp: "Bẩm đại quan, có vụ mất trộm áo cưới của con gái phú ông họ Vệ" Hỏi:" Nội vụ ra sao?" Ðáp: "Bẩm đại quan, nguyên bản huyện có phú ông họ Vệ gả chồng cho con gái. Cô dâu có rất nhiều quần áo mới, xếp đầy một rương. Ðêm trước ngày vu quy, cô dâu bị trộm tới nhà, đào tường vào phòng, cậy rương vơ vét hết quần áo đem đi. Sáng ra, Vệ ông đem việc mất trộm lên huyện đường trình báo. Tiểu chức đã cho điều tra để tìm thủ phạm song chưa có kết quả" Nói: "Ðể bản chức thử cho điều tra xem sao"
      Vu công bèn ra lệnh cho lính đóng hết các cổng phụ chung quanh huyện thành, chỉ để mở một cổng chính rồi cho niêm yết thông cáo như sau: "Huyện dân phải về nhà ngay, đóng kín cửa mà ở trong nhà để chờ lính tới khám xét. Sau hai ngày mới được đi lại như thường. Lệnh giới nghiêm bắt đầu được thi hành từ tối nay" Nghe có lệnh giới nghiêm khám nhà, huyện dân đều về đóng chặt cửa mà ở trong nhà.
      Vu công lại ra lệnh cho lính canh bắt giữ những kẻ có đem theo quần áo phụ nữ cũng như những kẻ ra vào cổng huyện tới hai lần.
      Chiều ấy, có hai kẻ đi chân tay không, ra vào cổng huyện tới hai lần. Lính bắt giữ, giải vào trình. Vừa nhìn thấy chúng, Vu công đã chỉ mặt, nói: "Hai tên này chính là hai tên trộm quần áo đây!" Chúng vội quỳ xuống đất, lạy Vu công, thưa: "Bẩm đại quan, bọn tiểu nhân bị kết tội oan" Vu công nói: "Ðể rồi xem tụi bay có bị oan hay không?" Vu công liền sai lính lột quần áo chúng ra thì thấy mỗi kẻ đều mặc lót trong mình một bộ quần áo phụ nữ mới. Vu công bèn cho gọi Vệ thị lên coi. Vệ thị nhận đúng là quần áo của mình. Hai tên trộm hết đường chối cãi, đành phải nhận tội để khỏi bị tra tấn. Vu công bèn trao lại vụ án cho quan tể.
      Nguyên hai tên trộm nghe có lệnh giới nghiêm khám nhà thì kinh hãi quá nên bàn nhau tìm cách chuyển hết quần áo ăn trộm được ra ngoài huyện thành. Thấy lính canh khám xét kỹ, chúng mới nghĩ ra cách mặc lót quần áo ăn trộm được vào người, rồi chân tay không mà ra vào cổng huyện nhiều lần để khỏi bị khám xét.
      Dân chúng Cao Bưu cứ truyền tụng mãi về vụ án này.
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.04.2007 03:36:57 bởi Hoàng Dung >
      #3
        Hoàng Dung 21.04.2007 03:40:23 (permalink)
        QUAN TỂ ÐIỀU TRA CƯỚP
        (truyện VU TRUNG THỪA NHỊ)
        Chiết ngục vô quan duyệt lịch thâm
        Chỉ tu đương cục khẳng lưu tâm
        Tống nghênh thiếu phụ giai nam tử
        Hà huống tần tham thủ nhập khâm

        Ðời Khang Hy, tỉnh Sơn Ðông có quan trung thừa họ Vu, tên Thành Long.
        Khi còn làm quan tể huyện Chuy Xuyên, một hôm Vu công dẫn tám thuộc hạ cưỡi ngựa sang huyện Tân Thành kế cận để thăm người bạn họ Khang đang làm quan tể tại đó. Khang công mời bạn cùng đám thuộc hạ vào khách xá tạm trú.
        Một sáng, Vu công dẫn đám thuộc hạ cưỡi ngựa ra ngoài thành du ngoạn. Nhác thấy ở phía trước mặt có hai hán tử to lớn khiêng một chiếc cáng cùng bốn hán tử khác đi hộ tống ở hai bên, Vu công bèn dẫn đám thuộc hạ phóng ngựa tới gần để coi. Thấy trên cáng có một nữ bệnh nhân nằm nghiêng, tóc cài trâm phượng, thân đắp chăn lớn, còn bốn kẻ hộ tống thì cầm ghì bốn góc chăn, tựa hồ như sợ gió lọt vào mình bệnh nhân, Vu công sinh nghi. Ðể ý nhìn thì thấy thỉnh thoảng bốn kẻ hộ tống lại thò tay vào chăn như để tìm kiếm vật gì rồi cứ đi được một quãng, cả bọn lại dừng chân để đổi phiên khiêng.
        Vu công dẫn đám thuộc hạ phóng ngựa vượt xa lên phía trước, sai hai người xuống ngựa, ngồi nghỉ ở bên đường để thám thính. Sau đó, Vu công dẫn đám thuộc hạ phóng ngựa đi xa thêm chừng ba dặm, sai hai người nữa xuống ngựa, bí mật theo rình xem bọn hán tử khiêng cáng tới đâu. Rồi Vu công dẫn đám thuộc hạ còn lại ra về.
        Lát sau, khi bọn hán tử khiêng cáng tới, hai thuộc hạ thám thính chạy ra làm quen, hỏi:"Bệnh nhân nằm trên cáng là ai thế?" Một hán tử đáp:"Thị là em gái mỗ. Thị về thăm nhà rồi đột nhiên bị bạo bệnh khiến mỗ phải nhờ nhóm bằng hữu đây khiêng trả về nhà chồng" Cả bọn lại tiếp tục khiêng cáng đi. Hai thuộc hạ có nhiệm vụ theo rình thấy cả bọn khiêng cáng tới một căn nhà ở xóm Thanh Bình, rồi thấy hai hán tử khác từ trong nhà bước ra, đón cả bọn vào nhà. Bọn thuộc hạ quay về khách xá trình Vu công mọi chuyện. Vu công hỏi:"Các ngươi có thấy ai ở trong nhà chạy ra săn sóc bệnh nhân không?" Cả bọn cùng đáp:"Bẩm đại quan, không!"
        Vu công vội đi tìm Khang công. Gặp bạn, Vu công hỏi:"Ðêm qua, trong huyện của tôn huynh có vụ cướp của giết người nào không?" Khang công đáp:"Ðệ chẳng thấy ai báo cáo chi cả!" Vu công bèn trở về khách xá, mật sai thuộc hạ đi nghe ngóng tin tức ở trong huyện. Lát sau, thuộc hạ về báo:"Bẩm đại quan, trong huyện có tin đồn đêm qua có một bọn cướp xông vào nhà phú ông họ Phùng, lấy que sắt nung đỏ dí vào người Phùng ông để khảo của, làm Phùng ông bị chết bỏng. Bọn chúng đã vơ vét hết vàng bạc trong nhà tải đi" Vu công bèn sai thuộc hạ tìm tới nhà Phùng ông, gọi một thân nhân vào khách xá để hỏi chuyện. Con trai Phùng ông là Phùng Khải xin theo vào.
        Thời bấy giờ, triều đình ra nghiêm lệnh xử tử các kẻ cướp của giết người nên khi bọn cướp đã nghi ngờ ai đi báo quan thì chúng sẽ tìm cách sát hại để diệt khẩu. Do đó, gia đình nạn nhân dù có biết rõ danh tánh bọn cướp cũng phải làm ngơ, chẳng dám đi cáo giác vì sợ bị bọn chúng sát hại.
        Phùng Khải tới. Vu công hỏi:"Có phải đêm qua phụ thân khổ chủ bị cướp vào nhà sát hại không?" Phùng Khải chối:"Bẩm đại quan, không. Ðêm qua tự nhiên gia phụ bị bạo bệnh mà mất, chứ nhà tiểu nhân có bị cướp bóc chi đâu?" Vu công cười, nói:"Ta đã bắt được cả bọn cướp ấy giùm quan tể ở đây rồi, khổ chủ chẳng còn phải sợ bọn chúng trả thù nữa!" Lúc đó Phùng Khải mới rập đầu lạy Vu công, nói:"Bẩm đại quan, quả thực đêm qua gia phụ bị cướp xông vào nhà sát hại. Tiểu nhân cúi xin đại quan rửa hận cho!" Vu công vỗ về an ủi:"Cứ về nhà, im lặng mà chờ coi ta rửa hận cho!" Rồi tin Phùng Khải ra cửa.
        Phùng Khải về rồi, Vu công tức tốc đi tìm Khang công, nói:"Ðêm qua trong huyện của tôn huynh có xảy ra một vụ cướp của giết người. Ðệ đã điều tra được manh mối và biết rõ chỗ ở của tám tên cướp. Xin tôn huynh hãy ra lệnh cho quân sĩ tới vây bắt chúng ngay kẻo chúng trốn mất!" Rồi nói rõ căn nhà ở xóm Thanh Bình cho Khang công hay.
        Khang công vội làm theo lời bạn khuyên. Quân sĩ của huyện kéo ập tới căn nhà, bắt trói đủ tám tên, tịch thu tang vật, giải về huyện đường. Khang công liền ra lệnh dùng cực hình tra tấn. Cả bọn cùng nhận tội. Khang công bèn sai lính giải bọn chúng vào công đường, hỏi: "Bệnh nhân nằm trên cáng là ai?" Tên đầu sỏ đáp:"Bẩm đại quan, thị là một kỹ nữ" Hỏi:"Sao lại có kỹ nữ trong bọn chúng bay?" Ðáp:"Vì tối qua bọn tiểu nhân tới kỹ viện mua vui rồi rủ thị theo tới nhà Phùng ông. Bọn tiểu nhân cướp được vàng để trên cáng, bảo thị giả làm người bệnh, nằm ôm đống vàng để bọn tiểu nhân khiêng về sào huyệt" Hỏi:"Chúng bay chia chác với nhau như thế nào?" Ðáp:"Bọn tiểu nhân chia đều làm chín phần, mỗi người một phần" Khang công bèn cho lính đi bắt kỹ nữ. Thấy bọn cướp đã nhận tội cả, kỹ nữ cũng nhận tội ngay để khỏi bị tra tấn. Khang công bèn chiếu theo nghiêm lệnh triều đình, xử tử cả chín tên. Khang công lại cho gọi Phùng Khải tới, trả lại tất cả số vàng của Phùng ông mà quân sĩ đã tịch thu được. Sau vụ bắt cướp này, dân chúng huyện Tân Thành rất khâm phục tài điều tra của Vu công. Có vị bô lão trong huyện tới xin yết kiến, hỏi:"Tại sao đại quan lại biết rằng bọn khiêng cáng là một bọn cướp?" Vu công cười, đáp:"Vì ba lý do sau: Thứ nhất là một phụ nữ thì đâu có nặng gì mà lại có tới ba cặp hán tử thay phiên nhau khiêng? Thứ nhì là bệnh nhân nằm trên cáng là phụ nữ thì tại sao thỉnh thoảng bốn tên đi hộ tống lại cứ thò tay vào chăn để làm gì? Thứ ba là bệnh nhân bị bệnh nặng đến độ phải có hai tên khiêng và bốn tên hộ tống thì khi về tới nhà, thân nhân phải ùa ra săn sóc chứ đâu lại hững hờ như thế? Bất cứ ai tinh ý và chịu khó suy nghĩ một chút thì cũng có thể đoán ngay rằng chúng là một bọn cướp!".
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.04.2007 03:41:28 bởi Hoàng Dung >
        #4
          Hoàng Dung 21.04.2007 03:44:42 (permalink)
          THUỐC CƯỜNG DƯƠNG
          (truyện DƯỢC TĂNG)
          Phòng trung đan dược diệc kỳ tai
          Bộ lý bàn san chuyển khả ai
          Ngã hữu cuồng nhân cung nhất hước
          Bất như thả tác tự nhân lai
           
          Huyện Tế Ninh, tỉnh Sơn Ðông, có thanh niên họ Quản, tên Dưỡng, thường đi tắm sông chung với bạn bè. Vì dương vật ngắn, nhỏ, thường bị bạn bè chế diễu nên Quản Dưỡng bực tức lắm.
          Một hôm trời nắng, Quản Dưỡng lên núi chơi. Qua cổng sơn tự, Quản Dưỡng thấy một thiền sư đang ngồi trên chiếu, cởi áo cà sa, soi nắng bắt rận, cạnh một đòn gánh với hai quả bầu, trông tựa đồ nghề của kẻ bán thuốc dạo. Quản Dưỡng liền tới gần, hỏi đùa xấc xược: "Bán thuốc đấy ư? Có bán thuốc cường dương không?" Nói xong mới chột dạ, nghĩ chắc thế nào thiền sư cũng nổi giận. Thế nhưng chỉ thấy thiền sư mỉm cười, đáp:"Có! Thuốc cường dương của bần tăng mạnh lắm. Liệt dương mà nuốt thì cường dương ngay. Dương vật ngắn, nhỏ, mà nuốt thì lớn, dài ngay. Công hiệu nội trong nửa giờ, chẳng cần phải chờ lâu như các thuốc khác. Chỉ cho làm phước chứ không bán! Thí chủ cần thuốc ấy phải không?" Nghe thấy thế, Quản Dưỡng mừng lắm, vội gật đầu, nói:"Vậy thì hoà thượng hãy cho một viên đi!" Thiền sư liền ngưng bắt rận, mở bầu lấy túi, mở túi lấy thuốc, nhỏ bằng hạt gạo, đưa cho mà nói:"Nuốt ngay đi!" Quản Dưỡng liền nuốt. Nửa giờ sau, thò tay vào quần thì thấy quả nhiên dương vật đã lớn, dài gấp ba. Tuy mừng lắm song vẫn chưa thực hài lòng nên chưa chịu đi, cứ đứng lại nói ba hoa với thiền sư để chờ dịp xin thêm vài viên nữa.
          Lát sau, thiền sư bỏ áo cà sa xuống chiếu, vào chùa đi tiểu. Chờ cho thiền sư đi khuất, Quản Dưỡng vội mở bầu lục lọi, lấy trộm được ba viên, bỏ vào miệng nuốt chửng. Nửa giờ sau, thấy trong người bứt rứt, da thịt muốn nứt, gân cốt muốn co. Rồi đột nhiên, cổ rụt lại, bụng phình ra, dương vật cứ lớn dài thêm. Quản Dưỡng kinh hoàng tột độ, chẳng biết phải làm thế nào.
          Lát sau, thiền sư từ trong chùa đi ra. Thấy cảnh tượng ấy, thiền sư kinh hãi, chạy tới hỏi:"Vừa lấy trộm thuốc để nuốt thêm phải không?" Quản Dưỡng gật đầu. Thiền sư vội mở bầu kia, lấy thuốc khác, đưa cho, nói: "Nuốt ngay đi!" Liền nuốt. Nửa giờ sau, thấy dễ chịu, dương vật thôi chẳng lớn dài thêm nữa, song cổ đã rụt, bụng đã phình, dương vật đã dài quá độ, trông tựa người ba chân. Thiền sư lắc đầu, thở dài, nói:"Thuốc sau chỉ có thể làm ngưng được biến đổi trong người chứ chẳng thể chữa được hiệu quả của thuốc trước!" Ðành chịu cổ rụt, bụng phình, dương vật dài, thất thểu bước về nhà.
          Cha mẹ trông thấy, hỏi nguyên do. Quản Dưỡng quyết tâm giấu, chẳng chịu nói. Từ đó, trở thành phế nhân, chẳng sao xin được việc làm.
          Năm sau, cha mẹ cùng qua đời. Mấy tháng sau, tiêu hết chút di sản của cha mẹ, Quản Dưỡng vẫn chưa xin được việc làm nên phải ra chợ ngồi ăn xin. Ai đi qua cũng nhìn thấy dương vật Quản Dưỡng quá lớn, quá dài, lộ cả ra ngoài quần.
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.04.2007 04:52:20 bởi Hoàng Dung >
          #5
            Hoàng Dung 21.04.2007 03:47:23 (permalink)
            GIẾT SÓI, BÁO THÙ CHA
            (truyện VU GIANG)
            Phụ cừu hà cảm phiến thời vong
            Cánh sát sơn trung bạch tị lang
            Tự hữu hiếu tâm thông mộng ngữ
            Bàng nhân hưu nhận mãng nhi lang
             
            Huyện Chuy, tỉnh Sơn Ðông, có cặp vợ chồng nhà nông họ Vu, có một trai tên Giang, 16 tuổi. Trong nhà, Vu ông có cất giấu một chùy sắt để đề phòng trộm cướp.
            Một đêm, Vu ông ra đồng ngủ coi lúa. Nửa đêm, bị sói tới cắn chết, ăn thịt. Sáng sau, thấy người làng tới báo tin, Vu bà lăn ra gào khóc. Vu Giang vội chạy ra đồng tìm xác cha song chỉ thấy còn lại có đôi giày. Vu Giang đau khổ lắm, rất căm thù sói.
            Tối ấy, Vu bà mệt quá, ngủ thiếp đi. Vu Giang bèn lấy chăn đắp cho mẹ, rồi lén lấy chùy sắt của cha, ôm chạy ra đồng. Tới đúng chỗ cha thường nằm, Vu Giang ngả lưng giả vờ ngủ, mong sói đêm qua lại tới để mình có dịp báo thù. Lát sau, quả nhiên có một sói bước tới, đi vòng quanh người, đánh hơi. Vu Giang nằm bất động. Sói lấy đuôi quét thử lên trán để thăm dò. Vu Giang vẫn nằm bất động. Sói lại lấy lưỡi liếm thử vào đùi. Vu Giang vẫn nằm bất động. Sói mừng lắm, nhảy bổ vào người, nhe răng toan cắn thì bị Vu Giang vùng dậy, vung chùy bổ trúng sọ, óc phọt ra ngoài. Sói lăn ra chết. Vu Giang bèn kéo xác ra bỏ giữa cánh đồng rồi lại trở về nằm ở chỗ cũ. Lát sau, một sói khác cũng tới đánh hơi như sói trước. Vu Giang lại giết được sói, kéo xác ra đặt nằm song song với xác sói trước, rồi lại trở về nằm ở chỗ cũ. Lần này, chẳng thấy sói nào tới nữa. Quá nửa đêm, Vu Giang mệt quá, ngủ thiếp đi. Chợt mộng thấy cha về, nói:"Con giết được hai sói để báo thù cho cha thì cha cũng đã hả giận rồi. Thế nhưng, sói ăn thịt cha chẳng phải là hai sói này. Nó là một sói khác, có cái mũi trắng!" Tỉnh giấc, Vu Giang lấy làm lạ, cứ cố nằm chờ sói mũi trắng song chờ tới sáng cũng chẳng thấy sói nào. Toan kéo hai xác sói về nhà song lại e mẹ bị kinh hãi nên đổi ý, kéo tới giếng hoang gần đó mà ném xuống, rồi ôm chùy về nhà.
            Liền bốn tối sau đó, Vu Giang đều ôm chùy ra đồng giả vờ ngủ song chẳng đêm nào thấy sói tới.
            Tối thứ năm, vừa ôm chùy ra đồng giả vờ ngủ, bỗng thấy một sói tới ngoạm chân mình kéo đi, Vu Giang cứ nằm ôm chùy, mặc cho sói kéo. Bị gai đâm, đá chọc, đau thấu tâm can, Vu Giang vẫn cắn răng chịu đựng, giả vờ như chết. Sói kéo Vu Giang tới chỗ đất bằng phẳng, nhả ra rồi bước vòng quanh người để thăm dò. Thấy Vu Giang nằm bất động, đột nhiên sói nhe răng nhảy vào, toan cắn cổ ăn thịt. Nhanh như cắt, Vu Giang vụt đứng dậy, vung chùy bổ trúng sọ sói rồi tiếp tục bổ túi bụi cho óc sói phọt ra ngoài. Chân sói dãy giựt hồi lâu rồi duỗi thẳng. Lật xác sói ra coi, Vu Giang thấy sói có cái mũi trắng. Mừng quá, Vu Giang vội vác xác sói về nhà, thuật chuyện cha về báo mộng và chuyện mình giết được ba sói cho mẹ nghe. Vu bà ôm đầu con mà khóc.
            Chờ mẹ dịu cơn đau khổ, Vu Giang mới dắt mẹ ra giếng ngoài đồng, chỉ cho mẹ coi hai xác sói mình đã ném xuống từ năm hôm trước. Hai mẹ con thấy hai xác sói vẫn còn nguyên dưới giếng, song thịt đã rữa, ruồi nhặng đang bâu kín.
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.04.2007 03:48:23 bởi Hoàng Dung >
            #6
              Hoàng Dung 21.04.2007 03:59:04 (permalink)
              THẦN MIẾU
              (truyện ƯNG HỔ THẦN)
              Thần danh ưng hổ cánh hà do
              Năng sử thâu nhi phản tự đầu
              Tam bách thanh tiền nguyên tế sự
              Chỉ lân đạo sĩ khổ phần tu
               
              Núi Thái Sơn, tỉnh Sơn Ðông, có ngôi miếu cổ, tên Ðông Nhạc Miếu, quay mặt về hướng nam. Phía trong cổng, ở hai bên lối đi có bày hai pho tượng đồng xanh, cao hơn trượng, mặt mày dữ tợn, ai trông thấy cũng phải kinh hãi. Từ ngoài cổng vào miếu, người ta thấy pho tượng bên phải có một chim ưng đậu trên cánh tay gọi là pho Ưng Thần, pho tượng bên trái có một hổ nằm phục dưới chân gọi là pho Hổ Thần.
              Trong miếu có đạo sĩ họ Nhậm cư ngụ. Hàng ngày, vào lúc gà gáy sáng, đạo sĩ trở dậy đi tắm rồi lên điện thờ thắp hương, ngồi xuống tấm thảm trước điện, nhắm mắt tụng niệm.
              Trong thôn Thái Hằng ở chân núi có thanh niên vô lại, họ Viên, tên Thiệt, có thói trộm cắp. Biết thói quen của đạo sĩ, Viên Thiệt rắp tâm lên miếu ăn trộm. Một đêm, Viên Thiệt trèo núi, lẻn vào miếu, nấp ở hành lang chờ sáng. Vào lúc gà gáy, đạo sĩ trở dậy đi tắm rồi lên điện thờ. Chờ cho đạo sĩ đi khuất, Viên Thiệt lẻn vào phòng lục lọi. Tìm mãi chẳng thấy vật chi đáng giá, Viên Thiệt thất vọng quay ra. Ði ngang qua giường ngủ của đạo sĩ, tình cờ Viên Thiệt đưa tay lật chiếc chiếu lên coi thì thấy đầy giường tiền vàng, óng ánh chóa mắt, ước lượng cũng phải tới ba trăm đồng. Viên Thiệt mừng quá, vội vơ vét hết tiền cho vào chiếc túi đem theo, giắt vào lưng, đạp cửa chạy ra ngoài, co cẳng chạy thục mạng qua hai pho tượng, qua cổng rồi xuống núi. Viên Thiệt rắp tâm chạy xuống chân núi để lên núi Thiên Phật đối diện. Gần tới chân núi, ngoái cổ nhìn lại, chợt thấy một hán tử cao lớn, lực lưỡng, đang xăm xăm từ trên núi chạy xuống, dường như có ý đuổi theo mình, Viên Thiệt kinh hãi quá, ra sức chạy nhanh. Tới chân núi, quay đầu nhìn lại, chợt thấy hán tử, mặt mũi xanh lè, có chim ưng đậu trên cánh tay, đã ở ngay sau lưng mình. Nhận ra là Ưng Thần trong cổng miếu, Viên Thiệt kinh hãi quá, co rúm người lại, chẳng nhấc nổi chân, ngã quỵ xuống đất, vừa nằm vừa run. Ưng Thần quát:"Ăn trộm của miếu, chạy đâu cho thoát?" Viên Thiệt chắp tay lạy:"Xin thần tha mạng! Xin thần tha mạng!" Ưng Thần cúi xuống xách cổ Viên Thiệt lên, nhẹ nhàng như người xách cổ mèo vậy. Rồi chạy băng băng lên núi, đem vào phòng ngủ của đạo sĩ, thả xuống đất, bắt quỳ. Lấy một chiếc khay ở trong phòng, đặt lên đầu Viên Thiệt, bắt phải giơ hai tay lên mà giữ. Lấy túi tiền lận ở lưng Viên Thiệt, dốc loảng xoảng đầy khay, nói:"Quỳ yên ở đây, không được nhúc nhích!" rồi dời khỏi phòng. Viên Thiệt sợ quá, cứ quỳ yên như thế.
              Lát sau, đạo sĩ tụng niệm xong, trở về phòng. Thấy có người đang quỳ ở trong phòng, hai tay cứ giữ chặt lấy chiếc khay ở trên đầu, đạo sĩ giật mình kinh ngạc, hỏi: "Cư sĩ là ai? Sao lại vào đây mà quỳ?" Viên Thiệt run rẩy thuật lại câu chuyện. Ðạo sĩ bèn lấy khay tiền cất đi rồi nói:"Bỏ thói trộm cắp đi! Tìm nghề lương thiện mà sinh nhai! Thôi, về đi!" Viên Thiệt vội lóp ngóp đứng dậy, chạy ra cổng. Thấy hai pho tượng vẫn còn đứng nguyên ở chỗ cũ, Viên Thiệt kinh hãi quá, chạy thục mạng xuống núi.
              Từ đó, Viên Thiệt bỏ hẳn thói trộm cắp.
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.04.2007 04:00:17 bởi Hoàng Dung >
              #7
                Hoàng Dung 21.04.2007 04:04:11 (permalink)
                ÐỊNH SỐ
                (truyện KHỐ QUAN)
                Dịch truyện huy hoàng sứ tiết trì
                Quỹ di thiên hữu khố quan tri
                Liêu tây quân xướng do thùy bát
                Tích vị đương niên nhất vấn chi
                 
                Thời ấy, huyện Châu Bình, tỉnh Sơn Ðông có quan tể họ Trương, tên Hoa Ðông.
                Một hôm, Trương công phụng chỉ nhà vua, dẫn một đoàn tùy tùng đi tế thần ở núi Nam Nhạc. Lượt đi, tới huyện Giang Hoài thì trời vừa tối, Trương công ra lệnh cho đoàn tùy tùng theo mình vào dịch trạm mà nghỉ. Trưởng đoàn thưa:"Dịch trạm này nổi tiếng là có nhiều ma, xin đại quan cho tìm nơi khác!" Trương công cười, nói: "Ta đâu có sợ gì ma! Cứ theo ta vào mà nghỉ!" Cả đoàn đành tuân lệnh.
                Nửa đêm, Trương công thức giấc, cứ thắc mắc về lời đồn dịch trạm có ma. Bèn phục sức chỉnh tề, đội mũ đeo kiếm rồi ra phòng chính, thắp đèn ngồi chờ, xem có chuyện gì lạ xảy ra không. Nửa giờ sau, đột nhiên thấy một hán tử, tóc hoa râm, mặc áo đen, thắt đai đen, mở cửa bước vào, chắp tay vái chào, Trương công bèn hỏi: "Nhà ngươi là ai? Nửa đêm tới đây có chuyện gì?" Hán tử đáp: "Tiểu chức được Thượng Ðế cử tới huyện này làm kẻ coi kho, giữ khoản tiền mà Thượng Ðế ấn định ban cho đại quan. Ðêm nay, thấy đại quan vào đây nghỉ nên tiểu chức tới xin trao nạp để còn đi lãnh trách vụ khác" Hỏi: "Thượng Ðế ấn định ban cho ta bao nhiêu?" Ðáp: "Tất cả là hai vạn ba ngàn năm trăm đồng vàng" Nói: "Bây giờ ta phải đi tế thần, chưa có thì giờ kiểm nhận. Vả lại, khoản tiền lớn quá, đem đi đem lại, tốn công vô ích. Vì thế, hãy chịu khó lưu lại đây thêm ít bữa mà giữ khoản tiền ấy cho ta. Hôm nào trở về, ta sẽ ghé vào đây thâu nhận" Hán tử vâng dạ rồi chắp tay vái chào mà lui. Trương công bèn vào phòng nằm ngủ lại.
                Sáng sau, Trương công dẫn đoàn tùy tùng tiếp tục lên đường tới Nam Nhạc. Sau lễ tế thần, dân chúng quanh vùng đua nhau đem tiền bạc tới biếu tặng Trương công. Trương công bèn ra lệnh cho đoàn tùy tùng thâu nhận.
                Lượt về, tới huyện Giang Hoài thì trời cũng vừa tối, Trương công lại ra lệnh cho đoàn tùy tùng theo mình vào dịch trạm mà nghỉ. Nửa đêm, lại phục sức chỉnh tề, đội mũ đeo kiếm ra phòng chính, thắp đèn ngồi chờ, xem hán tử áo đen có tới không. Nửa giờ sau, quả nhiên thấy hán tử mở cửa bước vào, chắp tay vái chào. Trương công nói: "Nay trên đường về, ta ghé vào đây thâu nhận khoản tiền của ta. Hãy đem tới đây mà trao nạp!" Hán tử đáp: "Thưa đại quan, tiểu chức đã đem đi Liêu Ninh, mua thực phẩm để phân phát cho quân lính trấn đóng ở đó hết rồi!" Vì tiếc của, Trương công nổi giận, đập bàn quát: "Sao lại dám tự tiện đem tiền bạc của ta đi mà tiêu xài?" Hán tử đáp: "Ðại quan há lại chẳng biết tiền bạc cũng như thọ mệnh mà Thượng Ðế đã ấn định ban cho mỗi người đều có định số cả rồi hay sao? Trong chuyến đi này, đại quan đã thâu hoạch được đủ định số rồi. Vì thế, Thượng Ðế đã sai tiểu chức đem khoản tiền đang giữ đi làm việc khác. Ðại quan đã thâu hoạch được đủ định số, còn muốn đòi chi thêm?" Nói xong, chắp tay vái chào rồi biến mất.
                Sáng sau, Trương công ra lệnh cho đoàn tùy tùng kiểm lại khoản tiền dân chúng quanh vùng Nam Nhạc đã biếu tặng. Kiểm xong, trưởng đoàn báo cáo: "Tất cả là hai vạn ba ngàn năm trăm đồng vàng" Nghe thấy thế, Trương công thở dài, than: "Thế mới biết quả là mọi việc lớn nhỏ ở đời đều đã có định số! Ta muốn tham lam cũng chẳng được nào!"
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.04.2007 04:06:46 bởi Hoàng Dung >
                #8
                  Hoàng Dung 21.04.2007 04:08:03 (permalink)
                  BÙA CỜ BẠC
                  (truyện ÐỔ PHÙ)
                   
                  Vị liu tham tâm bác cục khai
                  Thử trung thắng phụ bản nan sai
                  Linh phù thảng hứa tương truyền thụ
                  Nhất trịch hà phương bách vạn lai

                   
                  Huyện thành Chuy Xuyên, tỉnh Sơn Ðông, có ngôi miếu Thiên Tề và ngôi chùa Thiên Phật.
                  Trong miếu có đạo sĩ họ Hàn cư ngụ. Thấy đạo sĩ có nhiều ảo thuật, cư dân quanh vùng gọi đạo sĩ là tiên ông. Sinh thời, thân phụ đạo sĩ rất yêu quý con, cứ mỗi lần lên huyện lại tới miếu thăm con. Một hôm, Hàn ông cùng bào đệ lên huyện chơi, toan tới miếu thăm đạo sĩ thì gặp đạo sĩ ở dọc đường. Ðạo sĩ đưa chìa khoá cho cha, nói:"Xin thân phụ và thúc phụ cứ về miếu trước, lát nữa tiểu nhi sẽ về" Hai ông tới miếu, mở cổng vào thì thấy đạo sĩ đã ở trong miếu. Có rất nhiều chuyện về đạo sĩ đại loại giống như chuyện này.
                  Ðạo sĩ có người biểu đệ, họ Dương, tên Ðổ, rất ham mê cờ bạc. Một hôm, có một nhà sư thích đổ bác, tới chùa Thiên Phật, thách các con bạc trong vùng tới chùa đánh bạc với mình. Nghe tin, Dương Ðổ mừng lắm, vội vét hết tiền trong nhà đem lên chùa đánh bạc với nhà sư. Qua một đêm, thua nhẵn túi. Muốn gỡ lại tiền thua, Dương Ðổ về quê cầm cố hết ruộng nương, lấy tiền đem lên chùa. Qua một đêm, lại thua nhẵn túi.
                  Hết tiền, Dương Ðổ buồn rầu, lang thang tới miếu thăm đạo sĩ. Thấy người biểu đệ phờ phạc, đạo sĩ hỏi: "Sao phờ phạc thế?" Dương Ðổ thú thực, nói:"Vì thua bạc" Ðạo sĩ cười, nói:"Thói thường thì ai đánh bạc cũng phải thua. Tuy nhiên, nếu hứa chừa hẳn cờ bạc thì có thể giúp cho gỡ hòa" Nghe thấy thế, Dương Ðổ mừng lắm, nói: "Nếu quả được như vậy thì xin thề là sẽ chừa hẳn cờ bạc" Ðạo sĩ cười rồi lấy giấy vẽ một đạo bùa, lấy ra một ngàn đồng, đưa cho Dương Ðổ mà dặn: "Gỡ hòa rồi thì phải nghỉ đánh ngay, đem cả bùa lẫn tiền về đây mà trả! Nhớ kỹ là chớ có ham được!" Dương Ðổ mừng quá, vội đỡ lấy bùa và tiền mà đáp: "Xin vâng" Rồi giắt bùa vào thắt lưng, đem tiền trở lại chùa.
                  Tới nơi, Dương Ðổ thách nhà sư đánh nữa. Thấy Dương Ðổ chỉ có một ngàn đồng, nhà sư chán ngán, chẳng muốn đánh. Dương Ðổ nài nỉ, chỉ xin đánh một ván thôi. Nhà sư cười mà bằng lòng. Dương Ðổ lấy cả ngàn đồng, đặt một tiếng. Nhà sư gieo hai súc sắc trước, được 11 điểm. Dương Ðổ gieo sau, được 12 điểm. Nhà sư thua, đòi đánh nữa, đặt hai ngàn. Nhà sư lại thua, đòi đánh nữa, đặt bốn ngàn. Nhà sư lại thua, đòi đánh nữa, đặt tám ngàn. Nhà sư lại thua, đòi đánh nữa, đặt đều đều, mỗi tiếng mười ngàn. Dương Ðổ thắng liền mười ván. Trong khoảnh khắc đã gỡ lại được hết số vốn đã thua trong hai canh bạc trước. Nhớ lời đạo sĩ dặn, Dương Ðổ toan nghỉ đánh song lại nghĩ vận đang hên, dại chi chẳng đánh thêm mấy ván để kiếm chút lời. Vì thế, lại tiếp tục đánh. Nhưng từ đó, Dương Ðổ thua liền ba ván. Lấy làm lạ, Dương Ðổ thò tay vào thắt lưng tìm bùa. Thấy bùa đã biến mất, Dương Ðổ kinh hãi quá, liền đứng dậy, nhất định đòi nghỉ đánh. Nhà sư đành chịu.
                  Về miếu, Dương Ðổ đếm ra một ngàn đồng trả lại đạo sĩ. Kiểm chỗ còn dư thì thấy trước sau vẫn còn thua ba chục ngàn. Tính ra, nếu chẳng đánh ba ván sau cùng thì vừa vặn hòa. Ðạo sĩ hỏi: "Còn đạo bùa đâu? Trả lại đi!" Dương Ðổ ngượng quá, đáp: "Xin tha lỗi, chẳng biết đã đánh rơi mất ở đâu rồi!" Ðạo sĩ cười, nói: "Ðã bảo mà! Gỡ được hòa rồi thì phải nghỉ đánh ngay, chớ có ham được. Vì chẳng chịu nghe lời nên mới bị thua!" Dương Ðổ bèn cám ơn đạo sĩ rồi xin cáo biệt, đem tiền về quê, chuộc lại ruộng nương.

                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.04.2007 04:09:24 bởi Hoàng Dung >
                  #9
                    Hoàng Dung 21.04.2007 04:10:03 (permalink)
                    CHỒN ÐẦU THAI LÀM NGƯỜI
                    (truyện LƯU LƯỢNG THÁI)
                     
                    Mạn thuyết tiền thân dữ hậu thân
                    Nam sơn hữu khách cánh thông thần
                    Ngọc hồ thảng bất phân minh ngữ
                    Thùy thức giai nhi thị cố nhân


                     
                    Tiên sinh Hoài Lợi Nhân ở thủ phủ Tế Nam, tỉnh Sơn Ðông, thuật truyện:
                    Cuối triều Minh, huyện Nam Sơn, tỉnh Sơn Ðông, có văn nhân họ Lưu, tên Cảnh, làm nhà dưới chân núi Nam, cùng vợ và gia nhân cư ngụ.
                    Một hôm, có một lão khách tới gõ cổng, xin vào diện kiến. Gia nhân vào báo, Lưu ông bảo ra mời vào. Khách theo gia nhân vào nhà, chắp tay vái chào. Lưu ông chắp tay đáp lại. Khách tự giới thiệu:"Ngu mỗ họ Hồ, tên Lượng Thái!" Lưu ông hỏi:"Huynh ông tới tệ xá, có điều chi dạy bảo?" Khách đáp:"Ngu mỗ muốn tới chào tiên sinh để xin làm quen!" Hỏi:"Nhà huynh ông ở đâu?" Ðáp: "Cũng ở trong núi này! Ngoài gia đình tiên sinh và ngu mỗ, chẳng ai thèm vào núi này cư ngụ. Vì thế ngu mỗ muốn tới xin làm quen cho có bạn!" Lưu ông bèn mời khách ngồi đàm đạo. Thấy khách nói chuyện hoạt bát, cao nhã, Lưu ông thích lắm, sai gia nhân làm tiệc khoản đãi. Hai người yến ẩm, đàm đạo rất tương đắc. Ngà ngà say, khách đứng dậy xin cáo biệt. Lưu ông nói:"Ngày mai, nếu rảnh rỗi, xin mời huynh ông lại tới chơi!" Khách đáp: "Xin vâng!"
                    Hôm sau, quả nhiên khách lại tới. Lưu ông sai gia nhân làm tiệc, thịnh soạn hơn hôm trước. Trong lúc yến ẩm, Lưu ông nói:"Ðược kết giao với huynh ông, thực là một điều hân hạnh, song vẫn còn điều thắc mắc, chẳng biết huynh ông có giải cho chăng?" Khách hỏi:"Tiên sinh thắc mắc điều chi?" Lưu ông nói:"Dám hỏi huynh ông quý xá ở đâu!" Khách nói:"Ngu mỗ xin nói, song xin tiên sinh tin lời, chớ kinh hãi!" Lưu ông nói:"Xin cứ nói!" Khách nói:"Ngu mỗ tới đây, chủ ý là để xin làm quen chứ chẳng phải là để gieo họa! Chẳng giấu gì tiên sinh, tệ xá là cái hang trong núi, còn ngu mỗ là chồn già trong hang!" Nghe thấy thế, Lưu ông đã chẳng sợ hãi mà còn kính trọng khách hơn. Bèn đề nghị kết nghĩa anh em. Khách nhận lời. So tuổi, khách lớn hơn, làm anh. Từ đó, hai người giao du rất thân mật, coi nhau như ruột thịt, có điều gì cũng đem ra nói cho nhau nghe, chẳng giấu diếm.
                    Một hôm, Lưu ông than:"Tiểu đệ cũng đã nhiều tuổi rồi mà chưa có con nối dõi tông đường!" Khách nói: "Hiền đệ chớ lo. Ngu huynh sắp chết rồi. Ðể khi nào ngu huynh chết, ngu huynh sẽ đầu thai vào làm con cho hiền đệ!" Lưu ông kinh hãi, nói:"Sao đại ca lại nói gở thế?" Khách cười, đáp:"Già rồi thì phải chết chứ sao lại gọi là nói gở?" Lưu ông hỏi:"Nghe nói ai đã tu luyện thành tiên cũng trường sinh bất tử! Ðại ca đã tu luyện thành tiên, sao lại nói là sắp chết?" Khách lắc đầu, đáp:"Riêng điều này thì chẳng thể tiết lộ cho hiền đệ biết được, xin chớ hỏi nữa! Ngu huynh đã hết kiếp làm chồn, kiếp tới được đầu thai làm người. Song đầu thai làm con cho người khác, chẳng biết người ta có thích mình hay không, chi bằng đầu thai làm con cho hiền đệ, chắc hiền đệ sẽ chẳng ghét bỏ vì chúng ta là chỗ anh em kết nghĩa mà hiền đệ lại đang muốn có con!" Nói xong, đứng dậy xin cáo biệt.
                    Ðêm ấy Lưu ông nằm ngủ, mộng thấy khách tới nói:"Ðêm nay ngu huynh vào làm con cho hiền đệ đây!" Giật mình tỉnh giấc, Lưu ông thấy gia nhân chạy vào báo: "Phu nhân vừa sinh công tử" Lấy làm lạ, Lưu ông bèn đặt tên đứa bé là Lượng Thái. Từ đó, khách biệt tăm. chẳng lui tới nhà Lưu ông nữa.
                    Lượng Thái lớn lên, ăn nói hoạt bát, cao nhã, giống hệt khách. Học hành thông minh xuất chúng, năm mười tuổi đã nổi tiếng thần đồng. Năm Nhâm Thìn (1652), niên hiệu Thuận Trị thứ 9, thi hội, đậu tiến sĩ, được triều đình bổ làm quan, tức Lưu công. Lưu công nổi tiếng hào hiệp, hay giúp đỡ kẻ nghèo khó. Có rất nhiều kẻ chẳng kể thân sơ, tới nhờ vả, đều được giúp đỡ.
                    Khi về hưu, thấy dân làng tới cổng nhà, mở quán bán bánh quà, tương rượu, Lưu công cứ để mặc, chẳng ngăn cản. Ít lâu sau, bãi đất trước cổng nhà Lưu công trở thành một khu chợ mới.
                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.04.2007 04:26:13 bởi Hoàng Dung >
                    #10
                      Hoàng Dung 21.04.2007 04:17:18 (permalink)
                      GHEN VỚI NỮ THẦN
                      (truyện KIM CÔ PHU)
                       
                      Song song tố tượng sự hoang đường
                      Hồ quỷ bằng y tác tế hương
                      Liệt phách chân hồn không thụ điếm
                      Tiểu cô cư xứ bản vô lang
                       
                      Ðời vua Thần Tông triều Minh, huyện Thiệu Hưng, tỉnh Triết Giang, có thiếu nữ họ Mã, tên Thanh Mai, sanh năm bính tuất (1576).
                      Khi Thanh Mai tới tuổi cập kê, cha mẹ hứa gả cho nho sinh họ Hoa ở trong huyện. Sắp tới ngày cưới, Hoa sinh bị bệnh mà mất. Thanh Mai buồn lắm, quyết tâm ở vậy, chẳng chịu lấy chồng khác.
                      Năm bính ngọ (1606), Thanh Mai ba mươi tuổi, cũng bị bệnh mà mất. Hồn linh thiêng, thường hiện về báo mộng cho người trong họ biết nhiều việc sắp xảy ra nên họ quyên góp tiền bạc, xây cất một ngôi đền rồi đắp tượng mà thờ, gọi là đền Mai Cô.
                      Năm mươi năm sau.
                      Ở huyện Thượng Ngu, kế cận huyện Thiệu Hưng, có nho sinh họ Kim, ba mươi tuổi, có vợ họ Ngụy và hai con, một trai, một gái. Ngày 10 tháng 8 năm bính thân (1656), niên hiệu Thuận Trị thứ 13, Kim sinh lên đường tới tỉnh lỵ Triết Giang ứng thí. Dọc đường, tới huyện Thiệu Hưng, gặp lúc trời tối, sinh vào ngủ trọ trong quán Mai Hoa. Nửa đêm, nằm mộng thấy một tì nữ áo xanh mở cửa bước vào phòng, nói: "Mai Cô sai tiểu tì tới đây mời tú tài tới đền đàm đạo" Sinh bèn đi theo. Tới đền, thấy Thanh Mai đứng chờ ở hành lang, sinh vội chắp tay vái chào. Thanh Mai mỉm cười đáp lễ rồi hỏi: "Hiền lang còn nhớ thiếp không?" Sinh lắc đầu, đáp: "Thưa không" Thanh Mai nói: "Kiếp trước hiền lang họ Hoa, đã đính hôn với thiếp song vì hiền lang mất sớm nên chúng mình chưa nên duyên phu phụ. Vì cảm tấm lòng chiếu cố nên trong thâm tâm, thiếp vẫn mến mộ. Kiếp này, hiền lang họ Kim. Nếu hiền lang chẳng chê thiếp là người bỉ lậu thì thiếp xin được lấy thân mà báo đáp" Sinh kinh hãi quá, chẳng biết phải trả lời ra sao, chỉ thốt được hai tiếng: "Xin vâng" Thanh Mai nói: "Tạm thời, hiền lang cứ đi thi rồi về nhà mà chờ. Chừng nào thu xếp xong chỗ ở, thiếp sẽ xin báo để hiền lang biết" Sinh lại líu ríu vâng dạ. Thanh Mai bèn tiễn sinh ra khỏi cổng. Nằm mộng tới đây, sinh tỉnh giấc, cứ kinh hãi mãi, trằn trọc suốt đêm, chẳng sao ngủ lại được.
                      Ðêm ấy, có một thôn dân, cư ngụ cạnh đền, cũng nằm mộng thấy Thanh Mai hiện về, nói: "Từ nay, Kim sinh ở huyện Thượng Ngu, hiện trọ trong quán Mai Hoa, là lang quân của ta. Sáng mai, các ngươi phải tới quán, tìm gặp cho biết mặt rồi đắp một pho tượng, đặt cạnh pho tượng của ta trong đền mà thờ chung" Sáng ra, người ấy kể cho đồng hương nghe thì được biết trên mười người nữa trong làng cũng nằm mộng thấy như thế. Họ kinh hãi quá, bèn kéo nhau tới quán Mai Hoa để biết mặt Kim sinh rồi kéo nhau tới nhà trưởng tộc họ Mã trong làng, là Mã Thành, mà thuật chuyện. Họ nói: "Xin cho đắp tượng Kim sinh để thờ chung trong đền" Mã Thành phản đối, nói: "Làm như thế tức là làm điếm nhục tiết trinh của Mai Cô lúc sinh thời, mà cũng là làm điếm nhục cả dòng họ Mã chúng tôi nữa!" Người làng khuyên thế nào Mã Thành cũng chẳng nghe. Họ đành giải tán.
                      Tháng sau, cả nhà Mã Thành tự nhiên cùng bị bệnh. Một đêm, Mã Thành nằm mộng thấy Thanh Mai hiện về, nói:"Phải đắp tượng Kim sinh mà thờ chung với ta ngay!" Tỉnh giấc, Mã Thành kinh hãi quá, bèn mời mọi người trong họ tới nhà bàn bạc. Ai cũng khuyên nên đắp tượng Kim sinh, đặt ở bên trái tượng Thanh Mai mà thờ chung. Mã Thành đành theo lời.
                      Sinh lên đường tới Triết Giang ứng thí rồi trở về nhà, thuật chuyện giấc mộng cho vợ nghe. Nghe xong, Ngụy thị nổi cơn ghen, nói: "Thần gì mà lại đi cướp chồng của người khác?"
                      Một hôm, vào trung tuần tháng chín, sau bữa ăn trưa, tự nhiên sinh nói với vợ con: "Hôm nay Mai Cô tới rước ta đây!" Rồi đi tắm gội, mặc quần áo mới, đi giày mới, đội mũ mới, lên giường nằm mà chết. Ngụy thị đau khổ, tức giận Thanh Mai lắm.
                      Chôn cất cho chồng xong, Ngụy thị đi ngay sang huyện Thiệu Hưng, tới ngôi đền, lấy tay chỉ vào mặt pho tượng Thanh Mai mà thóa mạ. Rồi Ngụy thị bước lên tận bệ thờ, lấy tay tát vào mặt pho tượng bốn cái. Sau đó, Ngụy thị bỏ ra về.
                      Ngày nay, dân chúng huyện Thiệu Hưng không gọi ngôi đền ấy là đền Mai Cô nữa mà lại gọi là đền thờ vợ chàng Kim.
                      <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.04.2007 04:26:42 bởi Hoàng Dung >
                      #11
                        Hoàng Dung 21.04.2007 04:21:43 (permalink)
                        CHỒN CUỐI TRIỀU MINH
                        (truyện LINH QUAN)
                        Giao thiên cự điển thục năng can
                        Phiên hối tiềm tung đảm thượng hàn
                        Tất cánh thử hồ thái phân hiểu
                        Thừa dư bất tị tị linh quan
                         
                        Cuối triều Minh, thủ phủ Tế Nam, tỉnh Sơn Ðông có đạo quán Chiêu Thiên. Năm Canh Thìn (1640), niên hiệu Sùng Trinh thứ 13, đạo trưởng đạo quán họ Khương, rất giỏi thuật thổ nạp.
                        Một hôm đầu năm, có một ông lão tới đạo quán xin gặp đạo trưởng, nói:"Bỉ nhân già rồi mà con cái thì bất hiếu, chẳng cho ở chung. Vì thế muốn tới đây xin đạo trưởng cho tạm trú một thời gian" Ðạo trưởng hỏi:"Quý danh là chi?" Ðáp:"Bỉ nhân họ Hồ, tên Khứ Tật" Ðạo trưởng thuận cho ở. Vì Khứ Tật cũng biết thuật thổ nạp nên hai người rất chóng thân nhau, rồi kết làm đạo hữu.
                        Ðầu năm Tân Tị (1641), vào dịp dân chúng sửa soạn lễ tế Trời Ðất, Khứ Tật bỏ đạo quán ra đi. Nửa tháng sau, khi tế lễ xong, Khứ Tật mới trở về. Ðạo trưởng lấy làm lạ, hỏi:"Cư sĩ đi đâu lâu thế?" Khứ Tật đáp:"Vì đạo trưởng vừa là ân nhân, vừa là đạo hữu nên bỉ nhân chẳng dám giấu. Thực ra, bỉ nhân chẳng phải là người mà là chồn. Hàng năm, cứ vào dịp dân chúng làm lễ tế Trời Ðất thì Thượng Ðế lại sai linh quan xuống trần tẩy uế nơi lập đàn tràng cũng như vùng phụ cận. Giống chồn bỉ nhân bị coi là giống xú uế nên phải lẩn tránh đi xa trên trăm dặm, kẻo bị linh quan bắt được thì sẽ bị đánh cho đến chết!" Ðạo trưởng nghe nói cũng chẳng quan tâm, vẫn để cho Khứ Tật cư trú. Hai năm tiếp theo cũng thế, cứ gần tới dịp tế lễ Trời Ðất là Khứ Tật lại bỏ đạo quán ra đi, nửa tháng sau mới về.
                        Ðầu năm Giáp Thân (1644), gần tới dịp tế lễ Trời Ðất, Khứ Tật lại bỏ đạo quán ra đi. Nửa tháng sau, chẳng thấy Khứ Tật về, đạo trưởng ngạc nhiên lắm. Ba tháng sau, vẫn chưa thấy Khứ Tật về, đạo trưởng cho là Khứ Tật đã tìm được nơi cư trú mới nên thầm trách Khứ Tật đã dời cư mà chẳng về nói với mình một lời.
                        Bốn tháng sau, một hôm bỗng thấy Khứ Tật về, đạo trưởng trách:"Cư sĩ đã tìm được nơi cư trú mới rồi phải không? Sao chẳng về nói với bần đạo một lời?" Khứ Tật lắc đầu, đáp:"Thưa chẳng phải thế! Khi dời đạo quán, bỉ nhân vẫn định tâm là nửa tháng sau sẽ về xin đạo trưởng tiếp tục cho cư trú. Song chẳng may lần này, bỉ nhân gặp phải một tai nạn suýt chết nên hôm nay mới về được"
                        Hỏi:"Tai nạn chi mà nguy hiểm thế?"
                        Ðáp:"Trong kỳ tế lễ vừa qua, bỉ nhân đã toan lẩn tránh đi xa như những kỳ trước, song vì lười biếng nên chỉ tìm cách tạm lẩn quanh vùng này. Khi tới khu rừng rậm cách đây hơn mười dặm về hướng tây, thấy trên bờ một suối nước trong, nằm khuất cuối nẻo rừng, có một chum vỡ, bỉ nhân bèn chui vào chum để tạm lẩn trong nửa tháng. Nào ngờ đúng vào ngày tế lễ, linh quan sục sạo tới cuối nẻo rừng, khám phá ra việc bỉ nhân lẩn tránh trong chum, liền cầm roi xông vào đánh. Kinh hãi quá, bỉ nhân vội bỏ chạy thục mạng!"
                        Hỏi:"Cư sĩ chạy tới đâu?"
                        Ðáp: "Thưa, tới tận bờ sông Hoàng Hà!"
                        Hỏi:"Linh quan có đuổi theo không?"
                        Ðáp:"Thưa có! Linh quan đuổi theo rất gấp. Khi ngoái cổ nhìn, thấy linh quan đã tới sát sau lưng, bỉ nhân quẫn quá, đành phải chui vào một cầu tiêu bên sông. Sợ mùi xú uế, linh quan chẳng dám vào, chỉ đứng chờ ở bên ngoài, song bỉ nhân quyết tâm nằm lỳ trong cầu tiêu, chẳng chịu ra. Lát sau, vì không chịu nổi mùi xú uế, linh quan đành bỏ đi!"
                        Hỏi:"Linh quan đi rồi, sao cư sĩ chẳng về đây ngay?"
                        Ðáp:"Vì bỉ nhân bị mùi xú uế trong cầu tiêu nhiễm vào thân thể nên chẳng dám về, phải chui vào hang đá gần sông tạm trú. Suốt bốn tháng qua, ngày nào bỉ nhân cũng phải nhảy xuống sông tắm gội song chẳng sao gột sạch được mùi xú uế. Sau hơn trăm ngày, mùi xú uế mới bắt đầu phai! Chỉ một ly nữa là bỉ nhân chẳng còn được nhìn thấy đạo trưởng!"
                        Hỏi:"Bây giờ cư sĩ lại về đây cư trú phải không?"
                        Ðáp:"Thưa không! Hôm nay bỉ nhân về đây để xin cám ơn đạo trưởng đã cho cư trú trong bốn năm qua và tiện thể xin đạo trưởng cho phép được dời khỏi đạo quán!"
                        Hỏi:"Cư sĩ định đi đâu?"
                        Ðáp: "Bỉ nhân định trở về hang cũ núi xưa"
                        Hỏi: "Cư sĩ có cần bần đạo giúp đỡ điều gì không?"
                        Ðáp:"Thưa không! Bỉ nhân chỉ muốn thưa với đạo trưởng một việc quan trọng!"
                        Hỏi:"Việc chi mà quan trọng thế?
                        " Ðáp:"Việc Trung quốc ta sắp bị biến loạn!"
                        Hỏi:"Sao cư sĩ biết?"
                        Ðáp:"Cơ trời chẳng thể tiết lậu, mong đạo trưởng hiểu cho!"
                        Hỏi:"Thế chốn này có việc chi không?"
                        Gật đầu, đáp:"Thưa có! Chốn này nguy hiểm lắm! Là hung địa chứ chẳng phải là phúc địa! Ðạo trưởng nên dời ngay đi nơi khác thì hơn!" Rồi xin cáo biệt. Ðạo trưởng nghe lời, bèn bỏ đạo quán mà đi, chẳng ai biết là đi đâu.
                        Mấy tháng sau, quả nhiên biến cố Giáp Thân (1644) xảy ra. Trung quốc bị biến loạn. Nhà Minh mất ngôi với nhà Thanh. Trong cơn binh lửa, đạo quán Chiêu Thiên bị san thành bình địa.
                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.04.2007 04:25:04 bởi Hoàng Dung >
                        #12
                          Hoàng Dung 21.04.2007 04:27:14 (permalink)
                          KHỎE NHƯ HỔ, NHANH NHƯ VƯỢN
                          (truyện BẢO TRỤ)
                          Tiệp tự viên nhu tấn tự hồng
                          Tì bà thuấn tức đạo thâm cung
                          Khả lân cụ thử hảo thân thủ
                          Ngộ lạc Ngô Phiên nghịch để trung
                           
                          Cuối triều Minh, tổng binh của quân đội triều đình là tướng quân họ Ngô, tên Tam Quế, tên chữ Trường Bạch. Vua Trang Liệt sai Trường Bạch đem quân lên trấn giữ cửa quan Sơn Hải ở Vạn Lý Trường Thành, thuộc huyện Lâm Du, tỉnh Hà Bắc.
                          Năm Giáp Thân (1644), niên hiệu Sùng Trinh thứ 17, có tướng giặc họ Lý, tên Tự Thành ở tỉnh Thiểm Tây nổi lên chống lại triều đình. Tự Thành đem quân công hãm Bắc Kinh, ép vua thoái vị.
                          Nghe tin, Trường Bạch vội đem quân về cứu giá song khi về tới nơi thì vua đã thắt cổ tự ải. Thấy khí thế của giặc mạnh quá, Trường Bạch bèn sai thuộc hạ lên mở cửa quan Sơn Hải, rước quân của Ái Tân Giác La về Bắc Kinh giúp mình đánh giặc. Tự Thành thua chạy, phải tự sát.
                          Lợi dụng cơ hội vào được Bắc Kinh, Ái Tân Giác La liền diệt nhà Minh, lập nhà Thanh, lên ngôi hoàng đế, tức vua Thế Tổ. Ðặt niên hiệu là Thuận Trị, phong cho Trường Bạch tước Bình Tây Vương, sai trấn giữ vùng Vân Nam. Ít lâu sau, lại bãi tước của Trường Bạch. Trường Bạch bèn mưu phản, song chưa được bao lâu thì bị bệnh mà chết. Phản quân tan rã.
                          Sinh thời, Trường Bạch có một tùy tướng tên Bảo Trụ, khỏe như hổ, nhanh như vượn.
                          Một hôm, Bảo Trụ cho gọi thợ mộc tới tư thất xây cất lầu cao. Thợ vừa dựng xong sườn lầu, Bảo Trụ đã bám vào một góc, leo lên nóc lầu, chạy vùn vụt đủ bốn vòng, rồi nhún mình nhảy xuống đất, thân vẫn thẳng, chân không chùn.
                          Vua có một quý phi rất thiện nghề đàn hát. Quý phi có một cây đàn tì bà rất quý, phím làm bằng noãn ngọc. Vào mùa đông, khi tiết trời lạnh lẽo, quý phi đem đàn ra gảy thì tiếng đàn làm cho căn phòng ấm áp hẳn lên. Quý phi quý cây đàn ấy lắm, cất giấu thực kỹ, chẳng cho ai coi, trừ khi có chỉ dụ do chính tay vua viết.
                          Một hôm, vua triệu quần thần về kinh ban yến. Trường Bạch cũng được vời, dắt Bảo Trụ về theo. Tối ấy, trong tiệc, vua kể chuyện lạ về cây đàn của quý phi. Quần thần đều nôn nóng muốn được coi nên đồng thanh tâu: "Muôn tâu bệ hạ, xin bệ hạ truyền cho nội thị đi lấy cây đàn tới đây cho chúng thần được chiêm ngưỡng một lần!" Vua ngần ngại, chẳng muốn cho coi nên đáp:"Trẫm đã hứa với quý phi là chỉ viết dụ để lấy cây đàn vào ban ngày thôi. Bây giờ tối rồi, quý phi cất giấu kỹ lắm, chẳng ai tới lấy được đâu! Sáng mai lâm triều, trẫm sẽ viết dụ sai nội thị tới lấy đem vào triều cho các khanh coi!" Quần thần đều im lặng, chẳng ai dám năn nỉ chi thêm.
                          Lúc ấy, Bảo Trụ đang ngồi cạnh Trường Bạch, liền đứng dậy lên tiếng:"Muôn tâu bệ hạ, nếu bây giờ bệ hạ truyền mệnh cho hạ thần đi lấy cây đàn tới đây thì hạ thần nghĩ mình chẳng đến nỗi mang tội làm nhục mệnh vua!" Vua chẳng biết nói sao, bèn vẫy một tên nội thị thân tín tới gần, khẽ truyền:"Nhà ngươi hãy tới ngay phi cung, dặn quý phi bắt thị nữ phải canh phòng cẩn mật, không được để cho ai tới lấy cây đàn!" Nội thị phụng mệnh, chạy đi ngay.
                          Lát sau, vua mới quay qua nói với Bảo Trụ:"Nhà ngươi vừa nói có thể đi lấy được cây đàn của quý phi tới đây. Vậy bây giờ trẫm cho phép nhà ngươi đi lấy đó!" Bảo Trụ liền cúi đầu đáp:"Hạ thần xin phụng mệnh!" Rồi bỏ chạy ra ngoài, lần đường tới phi cung.
                          Tới nơi, thấy đèn đuốc bên trong thắp sáng chưng, cửa đóng then cài rất kỹ, Bảo Trụ chẳng sao lẻn vào được. Thấy ngoài hành lang có con vẹt đậu trên giá, Bảo Trụ chợt nghĩ ra một kế. Bèn bắt chước tiếng mèo gầm gừ rồi bắt chước tiếng vẹt khiếp hãi. Tiếng mèo gầm gừ càng gần thì tiếng vẹt khiếp hãi càng gấp. Quả nhiên trong phòng có tiếng nữ nhân truyền lệnh:"Duyên nô! Hãy ra mở cửa đem vẹt vào đây kẻo nó bị mèo vồ chết bây giờ!" Bảo Trụ vội đứng nép vào bức tường cạnh cửa.
                          Lát sau, cánh cửa hé mở rồi có một thị nữ cầm đèn lồng bước ra. Bảo Trụ liền nhanh chân lẻn vào. Thấy quý phi đang ngồi ôm chặt cây đàn trong lòng, Bảo Trụ liền xông tới giật lấy rồi đẩy cửa chạy ra ngoài. Quý phi hốt hoảng, hô hoán ầm ĩ:"Ðạo tặc! Ðạo tặc!" Lính tuần phòng nghe tiếng, hò nhau cầm đèn chạy tới. Thấy một hán tử từ phi cung chạy ra, kẹp cây đàn ở nách, chúng liền đuổi bắt. Thấy hán tử chạy nhanh quá, chúng bèn lấy cung tên mà bắn như mưa song hán tử chẳng bị trúng mũi nào.
                          Thấy ở dọc hàng rào có một dãy hòe cao, Bảo Trụ liền phóng mình nhảy lên một cây, leo lên ngọn, chuyền từ ngọn nọ sang ngọn kia nhanh như vượn. Xuyên hết dãy cây, lại nhảy xuống đất, chạy vụt qua mấy dãy cung thất, mấy ngôi nhà lầu, rồi về tới điện, nơi nhà vua và quần thần đang yến ẩm.
                          Bảo Trụ vào điện, tới trước mặt vua, quỳ xuống mà dâng cây đàn. Vua hết sức ngạc nhiên, truyền nội thị chuyển cây đàn cho quần thần coi khắp lượt rồi truyền đem trả lại quý phi.
                          Ai cũng khen Bảo Trụ là một viên tướng vừa khỏe lại vừa nhanh.
                          <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.04.2007 04:48:43 bởi Hoàng Dung >
                          #13
                            Hoàng Dung 21.04.2007 04:47:04 (permalink)
                            GÁI CHỒN
                            (truyện HỒ NỮ)

                            Chung tình hà ý lai bôn nữ
                            Thủ lễ thiên tri tị nhược ông
                            Ám hợp tú châm công ảo hóa
                            Chu toàn nan đắc loạn ly trung
                             
                            Huyện Cửu Giang tỉnh Giang Tây có thanh niên họ Y, tên Cổn, mồ côi mẹ, sống với cha là Y ông, một thày lang trong huyện.
                            Một đêm, Y Cổn đang nằm ngủ, bỗng giật mình tỉnh giấc. Thấy một cô gái đẩy cửa bước vào phòng, Y Cổn kinh hãi, lớn tiếng hỏi:"Nàng là ai?" Cô gái mỉm cười, đáp:"Là chồn!" Hỏi:"Họ tên nàng là gì?" Cười, đáp:"Cần gì phải biết họ tên! Cứ gọi bằng Hồ Nữ là được rồi!" Nói xong, leo lên giường, cởi bỏ áo quần, ôm chặt lấy Y Cổn mà hôn hít, ép phải giao hoan. Tuy biết là chồn song vì thấy cô gái đẹp quá, Y Cổn chẳng sao cưỡng lại được nên truy hoan cuồng loạn. Sáng ra, Hồ Nữ cáo biệt, hẹn tối tối sẽ trở lại. Quả nhiên, từ đó, tối nào Hồ Nữ cũng tới. Y Cổn giấu kín chuyện, chẳng dám thuật lại cho ai nghe.
                            Ít lâu sau, thấy thân xác con mình mỗi ngày một tiều tụy, Y ông lấy làm lạ, bèn tra hỏi. Y Cổn giấu bặt, nói rằng chính mình cũng chẳng biết tại sao. Y ông chẳng tin, cứ gặng hỏi mãi. Y Cổn đành thú thực. Y ông lo lắm, bèn thuê một thanh niên cường tráng trong làng, họ Cung, tên Ðạt, tới ngủ với con để cho Hồ Nữ sợ mà xa lánh. Thế nhưng, Hồ Nữ vẫn cứ tới, ép cả Y Cổn lẫn Cung Ðạt cùng giao hoan với mình. Thấy vậy, Y ông giận lắm, chẳng thuê Cung Ðạt nữa, tối nào cũng vào ngủ với con. Từ đó, Hồ Nữ lánh mặt.
                            Một hôm, Y ông bận việc, phải nhờ một thanh niên khác, họ Ninh, tên Hoạt, tới ngủ với con. Hồ Nữ lại tới, ép cả Y Cổn lẫn Ninh Hoạt cùng giao hoan với mình. Thấy thế, Y Cổn lấy làm lạ, hỏi:"Tại sao nàng chỉ sợ có một mình cha ta thôi? Người nào khác tới ngủ với ta, nàng cũng vẫn tới, còn cha ta vào thì nàng lại lánh mặt?" Hồ Nữ đáp:"Thực ra thì thiếp có sợ ai đâu vì người trần thế có ai làm gì được thiếp? Tuy nhiên, thiếp vẫn còn chút luân thường đạo lý, chẳng thể ép cả hai cha con cùng giao hoan với mình được!"
                            Sáng ra, Y Cổn thuật chuyện lại cho cha nghe. Từ đó, tối nào Y ông cũng vào ngủ với con. Cũng từ đó, Hồ Nữ biệt tăm.
                            Nửa năm sau, huyện Cửu Giang bị giặc nổi lên cướp phá. Thấy dân chúng trong làng rủ nhau đem thực phẩm chạy giặc, gia đình Y Cổn cũng đem thực phẩm chạy theo, rồi lạc nhau, mỗi người một ngả.
                            Y Cổn chạy thục mạng vào núi Côn Lôn, từ sáng tới tối mới dám chậm bước. Thấy mặt trời đã lặn mà bốn bề toàn là rừng núi hoang vu, chẳng có ai chạy cùng đường với mình, Y Cổn lo lắm. Chợt thấy thấp thoáng từ xa có bóng một cô gái chạy tới phía mình, Y Cổn mừng quá vì nghĩ rằng mình sắp có bạn để chia sẻ mối lo âu. Khi cô gái tới gần, Y Cổn mới nhận ra cô gái chính là Hồ Nữ. Tuy vẫn sợ Hồ Nữ lại ép mình giao hoan song trong hoàn cảnh ấy, gặp được người quen cũ, Y Cổn cũng mừng lắm. Bèn lên tiếng hỏi:"Nàng đi đâu mà tình cờ chúng ta lại gặp nhau ở chốn này?" Hồ Nữ đáp:"Ðâu có phải là tình cờ! Thiếp cố tình tới đây đó chứ!" Hỏi:"Nàng tới đây để làm chi?" Ðáp:"Biết chàng chạy giặc tới đây nên thiếp tới để giúp chàng dựng tạm một ngôi nhà mà ngủ qua đêm! Bây giờ tối rồi, chàng chẳng nên đi đâu nữa, cứ đứng ở đây mà chờ, để thiếp dựng nhà cho!" Nói xong, chạy ngược lên phía bắc. Tới một bãi cỏ mãng um tùm, Hồ Nữ dừng chân rồi ngồi thụp xuống.
                            Lát sau, Hồ Nữ đứng dậy chạy tới chỗ Y Cổn, nắm lấy tay, kéo xuôi xuống phía nam. Kéo được một quãng, Hồ Nữ lại dừng chân, nói:"Chạy tới đây đủ rồi! Ta quay trở lại thôi!" rồi lại nắm tay Y Cổn mà kéo ngược lên phía bắc.
                            Tới bãi cỏ mãng, Y Cổn sửng sốt vì chợt thấy một ngôi nhà mọc sừng sững giữa khu rừng cổ thụ. Nhìn kỹ, Y Cổn thấy ngôi nhà rất kỳ lạ. Ngôi nhà vuông vức, dựng trên bốn trụ sắt, nằm lọt trong khuôn viên một bức tường đồng, bốn bề kín mít, chẳng cổng ra vào. Thế nhưng, trên tường lại có những hốc lõm nhỏ, có thể tra chân vào để leo lên được. Y Cổn thắc mắc, hỏi:"Lúc nãy tuy nàng có nói là sẽ dựng tạm cho ta một ngôi nhà song ta có thấy nàng dựng lúc nào đâu mà bây giờ lại có ngôi nhà kỳ lạ này?" Hồ Nữ cười, đáp:"Thắc mắc làm chi cho thêm mệt sức? Có nhà thì hãy cứ vào mà ngủ cho qua đêm nay đi đã! Sáng mai rồi sẽ biết!" Nói xong, Hồ Nữ leo tường vào trong sân rồi bảo Y Cổn bắt chước mình mà leo vào. Y Cổn bèn leo vào theo. Thấy ngôi nhà chẳng giống những ngôi nhà bình thường, Y Cổn kinh hãi lắm. Thấy thế, Hồ Nữ cười, nói:"Có thiếp ở đây, chàng đừng có sợ!" Rồi nắm lấy tay Y Cổn mà dắt vào nhà.
                            Ðêm ấy, Hồ Nữ ngủ chung với Y Cổn, lại ép giao hoan. Xong xuôi, Hồ Nữ giả vờ đòi từ biệt. Y Cổn kinh hãi quá, cứ năn nỉ mãi, Hồ Nữ mới chịu ở lại. Quá nửa đêm, Y Cổn đang ngủ say, Hồ Nữ lại lay dậy, nói:"Vì bị cha chàng ghét bỏ nên thiếp đã quyết tâm đoạn tuyệt với chàng. Hôm nay, chẳng hiểu vì cớ gì mà thiếp lại thấy thương hại chàng, muốn tới đây giúp chàng dựng một ngôi nhà để ngủ, chẳng còn giữ nổi cái quyết tâm ấy nữa. Sáng mai thiếp đi, sẽ tặng lại cho chàng ngôi nhà này! Trong nhà có nhiều vàng bạc, chàng có thể lấy mà ăn tiêu suốt đời! Bây giờ chàng hãy giao hoan với thiếp một lần nữa đi đã!" Nghe thấy thế, Y Cổn mừng lắm, bèn lại giao hoan với Hồ Nữ. Rồi nằm lăn ra ngủ.
                            Sáng sau, khi tỉnh giấc, Y Cổn chẳng thấy Hồ Nữ đâu nữa. Bèn sục sạo tìm vàng bạc trong nhà, song chẳng thấy chi. Chán nản, Y Cổn leo tường ra ngoài.
                            Xuống tới đất, ngửng đầu nhìn lên, Y Cổn thấy tường, nhà, đều đã biến mất, chỉ còn lại một chiếc hộp gỗ, đặt trên bốn chiếc đinh sắt nhỏ cắm dưới đất, nằm lọt trong khuôn viên một bức tường tí hon, giữa bãi cỏ mãng.
                            <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.04.2007 04:48:15 bởi Hoàng Dung >
                            #14
                              Hoàng Dung 21.04.2007 04:56:18 (permalink)
                              HỒI SINH, KHỎI BỆNH TÊ LIỆT
                              (truyện THANG CÔNG)

                              Hồi đầu tỏa sự ký đương niên
                              Thiện ác phân minh tại nhãn tiền
                              Chỉ thử tính linh lưu nhất điểm
                              Từ hàng na đắc bất thùy liên
                               
                              Năm Tân Sửu (1661), niên hiệu Thuận Trị thứ 18, có nho sinh họ Thang, tên Sánh, thi đậu tiến sĩ, được bổ làm quan ở tỉnh Sơn Ðông.
                              Mười một năm sau.
                              Một hôm, Thang công bị bạo bệnh, lên cơn sốt dữ dội. Gia nhân đi mời thầy lang tới nhà chẩn mạch, hốt thuốc. Ba hôm sau, Thang công hết sốt song chân tay bên phải đã bị tê liệt.
                              Ba tháng sau. Một sáng, Thang công lại lên cơn sốt dữ dội, phải nằm liệt giường. Gia nhân vội chia nhau săn sóc, người ngồi cạnh nắn bóp, kẻ đi mời thày lang tới nhà chẩn mạch, hốt thuốc.
                              Thang công đang nằm miên man trên giường thì bỗng thấy một luồng nóng từ lòng bàn chân trái bốc dần lên trên. Luồng nóng tới đùi, thấy cẳng liệt, luồng nóng tới bụng, thấy đùi liệt, luồng nóng tới ngực, thấy bụng liệt. Thế rồi luồng nóng dừng lại ở ngực, chẳng bốc lên nữa. Lát sau, hình ảnh các việc làm trong quá khứ lần lượt hiện ra trong đầu. Thoạt tiên là hình ảnh các việc thiện hiện ra. Thang công cảm thấy người thoải mái dễ chịu, lòng thanh thản. Kế đó là hình ảnh các việc ác từ hồi còn nhỏ hiện ra, như trèo cây, phá tổ chim, giết chim non. Thang công cảm thấy máu nóng dồn lên tim như nước thủy triều, làm cho người khó chịu, lòng bứt rứt, hồi lâu mới nguôi. Sau cùng là hình ảnh các việc ác mới làm gần đây. Thang công cảm thấy luồng nóng lại từ ngực bốc lên, xuyên qua cổ, qua đầu, rồi cuốn mình ra đứng bơ vơ ở giữa đường. Gia nhân thấy chân tay trái của Thang công cũng đã bị tê liệt.
                              Tối ấy, Thang công mất. Sáng sau, gia nhân khâm liệm thi thể, quàn linh cữu giữa phòng khách.
                              Thang công còn đang bàng hoàng thì bỗng thấy ở cuối nẻo đường có một người khổng lồ tiến tới gần, cúi xuống bắt mình bỏ vào ống tay áo. Vào trong, thấy có nhiều người đứng chen chúc chật cứng, Thang công muốn thoát ra ngoài song chẳng biết phải làm thế nào. Chợt nhớ tới việc cầu xin nơi đức Phật, Thang công bèn nhắm mắt, chắp tay niệm Phật. Ðột nhiên, Thang công thấy mình thoát ra ngoài. Người khổng lồ thấy thế, lại cúi xuống bắt bỏ vào ống tay áo. Thang công lại niệm Phật rồi lại thoát ra. Người khổng lồ lại cúi xuống bắt lần nữa. Thang công lại niệm Phật rồi lại thoát ra. Thấy ba lần bắt, ba lần thoát, người khổng lồ bèn bỏ đi, chẳng bắt nữa.
                              Ðứng bơ vơ ở giữa đường, Thang công phân vân chẳng biết là mình phải đi đâu. Chợt thấy mình đang đứng trên con đường đông tây và nhớ tới câu tây phương cực lạc, Thang công bèn nhắm hướng tây mà đi.
                              Lát sau, thấy ở bên đường có một thiền sư ngồi nhắm mắt tham thiền, Thang công vội chạy tới hỏi:"Bạch hoà thượng! Xin hòa thượng cho biết đệ tử phải đi đâu?" Thiền sư mở mắt, đáp:"Thí chủ là người khoa bảng, phải tới miếu thờ thần Văn Xương với đức thánh Khổng" Lại hỏi:"Xin hòa thượng cho biết đường nào tới miếu?" Ðáp: "Ðường này, hướng tây, trăm dặm" rồi lại từ từ nhắm mắt tham thiền. Vừa lên đường, Thang công bỗng cảm thấy thân mình nhẹ nhàng, lướt nhanh như chim bay, lát sau đã tới miếu. Bước vào miếu, Thang công thấy đức thánh Khổng đang ngồi trên điện cao, quay mặt về hướng nam. Thang công bèn sụp lạy, hỏi:"Xin đức thánh cho biết đệ tử phải đi đâu?" Ðức thánh mở sổ ra coi rồi đáp: "Phải tới đền đức Ðế Quân" Lại hỏi:"Xin đức thánh cho biết đường nào tới đền?" Ðáp:"Ðường này, hướng tây, trăm dặm" Thang công lại lên đường. Lát sau, Thang công bước vào đền thì thấy bên trong nguy nga tựa như cung điện của các bậc vua chúa. Ngửng đầu nhìn lên, Thang công thấy một thần nhân ngồi trên điện cao, trông giống hình đức Ðế Quân mà thế nhân thường vẽ để thờ. Thang công bèn sụp lạy, hỏi:"Xin đức Ðế Quân cho biết đệ tử phải đi đâu?" Ðức Ðế Quân mở sổ ra coi rồi đáp: "Ðược trở về dương thế, song tứ chi đã bị tê liệt!" Hỏi: "Xin đức Ðế Quân cho biết có ai chữa được không?" Ðáp: "Chỉ có đức Bồ Tát chùa Trúc Lâm!" Lại hỏi:"Xin đức Ðế Quân cho biết đường nào tới chùa?" Ðáp:"Ðường này, hướng tây, ngàn dặm" Thang công lại lên đường. Tới khi mặt trời sắp lặn mới đến ngôi chùa ẩn hiện trong khu rừng trúc. Vào trong, Thang công thấy đức Bồ Tát ngồi trên điện cao, khuôn mặt đầy đặn, búi tóc trang nghiêm, bên phải có tiểu thần đứng hầu, bên trái có chậu dương liễu và bình nước trong. Thang công vội sụp lạy, cầu khấn:"Xin đức Bồ Tát mở lượng từ bi, cứu cho đệ tử khỏi bệnh tê liệt!" Ðức Bồ Tát nói:"Khó thay!" Thang công cứ rập đầu mà lạy. Ðức Bồ Tát còn đang trầm ngâm thì tiểu thần đứng cạnh chợt lên tiếng:"Bạch Ðức Bồ Tát, nếu Ðức Bồ Tát muốn thí đại pháp lực, cứu thí chủ này khỏi bệnh tê liệt thì xin Ðức Bồ Tát hãy bẻ liễu làm xương, nắm đất làm thịt mà đắp vào thân cho gã" Ðức Bồ Tát liền đưa tay bẻ một cành dương liễu, bốc một nắm đất, nhúng vào bình nước trong, rồi đắp vào thân Thang công. Thang công bèn phủ phục lạy tạ trước điện. Ðức Bồ Tát quay qua bảo tiểu thần:"Hãy dẫn thí chủ này về dương thế!" Tiểu thần đáp:"Xin tuân lệnh!"
                              Tối ấy, tiểu thần dẫn Thang công về tới nhà, dắt đến cạnh linh cữu, đẩy vào trong, rồi quay mình bỏ đi. Mở mắt nhìn, thấy mình đang nằm trong linh cữu, Thang công bèn đằng hắng ho lên ba tiếng. Nghe tiếng ho, gia nhân kinh hãi lắm song cũng bảo nhau đem đèn lên coi. Thấy Thang công mở mắt, thở phập phồng, chúng bèn xúm lại khiêng ra khỏi linh cữu, đặt lên giường. Lát sau, thấy chân tay mình tự nhiên cử động được, Thang công bèn ngồi nhỏm dậy, hỏi chúng:"Ta chết đã được bao lâu rồi?" Chúng đồng thanh đáp:"Thưa đã được bảy ngày!" Thang công bèn đứng dậy, đi tắm rửa sạch sẽ rồi ra ngồi thuật lại đầu đuôi câu chuyện cho chúng nghe.
                              <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.04.2007 05:00:39 bởi Hoàng Dung >
                              #15
                                Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 24 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9