Hát trống quân
vvn 25.04.2007 07:39:46 (permalink)
Hát trống quân



Hát trống quân là một lối hát giao duyên ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thường được tổ chức vào ban đêm, dưới trăng mùa thu, trong lúc có hội hè hoặc khi dân làng rảnh rỗi để phô diễn tài nghệ đối đáp và trao đổi tâm tình trai gái. Gọi là hát trống quân vì lối hát ấy phải cần đến một nhạc cụ gồm có một cái thùng trống và một sợi dây căng ngang lên trên, để khi dứt câu hát có tiếng trống đệm vào “Thình, thùng thình”.



Hát trống quân thời xưaHát trống quân xưa phổ biến rộng rãi khắp vùng. Người hát trống quân nổi tiếng là cụ Vũ Đình Xuyến ở Hiệp Cường - Kim Động.

Hội điểm hát trống quân lâu bền nhất là các làng thuộc huyện Ân Thi, Khoái Châu, Văn Giang: Trai làng Xuân Cầu với gái làng Khúc Lộng (Văn Giang); trai làng Tào xã Thúc Kháng (Hải Dương) với gái làng Đào Quạt xã Bãi Sậy huyện Ân Thi; hát trống quân xã Dạ Trạch (Khoái Châu).

Hàng năm, cứ vào dịp mùa thu, Tào Khê và Đào Xá lại mở hội hát trống quân từ chập tối tới quá nửa đêm và kéo dài hết tuần trăng. Ngày hội, dân hai bên bờ sông nườm nượp kéo về đình Đào Quạt, về đê Tào Khê để hát, “xui hát”, nghe hát. Nơi đây ngày xưa là quê của Bà chúa hát, là quê của cố thi sĩ Phạm Huy Thông. Diễn tiến của “canh” hát trống quân gồm có: hát gọi, hát đáp, hát chào, hát mời trầu, hát giao hẹn đến hát ướm, hát thách và cuối cùng là hát hoa, hát đối đáp…

Dưới đây là đoạn hát đối đáp của hội trống quân Đào - Tào.

Nam (Hỏi)          Những mong hiểu rộng biết dài
                  Hỏi thăm bên đó có ai chung tình?
Nữ (Đáp)          Xinh xinh cái nấm trúc xinh
                 Đệ nhất chung tình có Chử Đồng Tử - Tiên Dung.
Nữ (Hỏi)          Hai bờ chung một dòng sông
                Hào kiệt anh hùng bên ấy là ai?
Nam (Đáp)      Lời vàng như nắng ban mai
                Đệ nhất ai tài là Tiết chế Hưng Đạo Vương.

Cứ như vậy, hỏi và đáp về danh thắng, danh nhân của mỗi quê. Canh hát kết thúc bằng những câu hai bên hò hẹn tối mai lại hát tiếp.

Giống như dân ca quan họ, có thời trống quân được ưa thích như hát chèo. Hát trống quân cần được bảo tồn trong cuộc sống hôm nay.
#1
    vvn 25.04.2007 07:41:36 (permalink)
    Hát ả đào



    Hát ả đào (còn gọi ca trù) là nghệ thuật hát thơ, hát nói. Từ một thể loại có nguồn gốc dân gian, do được giới quan lại, nho sĩ và cả các vua chúa ưa thích, lại có mối quan hệ mật thiết với dòng ca nhạc cung đình, hát ả đào dần dần được bác học hóa. Sự hấp dẫn của hát ả đào là nghệ thuật ngôn từ trong các bài ca cùng sự biểu hiện tinh tế của các kỹ nữ trong sự phối hợp nhịp nhàng với ngón đàn, khổ phách.



    Sách “Hưng Yên tỉnh nhất thống chí”, mục đền thờ Đào Nương có ghi chuyện nàng Đào Thị Huệ dùng sắc đẹp và tiếng hát của mình để quyến rũ giặc Minh và giết chúng. Dân lập đền thờ Đào Nương.

    Thời phong kiến, Pháp thuộc, hát ca trù phát triển mạnh. Nhà thơ, tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, quê làng Phú Thị xã Mễ Sở huyện Văn Giang, một người tài hoa, cầm, kỳ, thi, hoạ rất mê hát ả đào và có những sáng tác nổi tiếng.

    Hiện nay, một số địa phương trong tỉnh vẫn duy trì nghệ thuật hát ả đào như xã Mễ Sở, xã Vĩnh Khúc huyện Văn Giang, xã Bình Minh, Dạ Trạch huyện Khoái Châu, thôn Trịnh Mỹ xã Ngô Quyền, thôn Đào Đặng xã Trung Nghĩa huyện Tiên Lữ.
    #2
      vvn 25.04.2007 07:43:00 (permalink)
      Hát chèo



      Đất chèo là đồng bằng Bắc Bộ. Khởi đầu chèo bằng hình thức trò nhại, trò diễn xướng dân gian từ thế kỷ XI, dần trở thành loại hình sân khấu tiêu biểu của người dân ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.

      Nghệ thuật chèo truyền thống là một trong những di sản lớn quý báu của nền văn hóa dân tộc. Trên lĩnh vực nghệ thuật chèo, Hưng Yên đã có nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ tài năng lỗi lạc như Nguyễn Đình Nghị (1886-1954) quê làng Thụy Lôi huyện Tiên Lữ, người đã kinh qua chèo sân đình, chèo văn minh và thành đạt ở “chèo cải lương”, đánh dấu bước phát triển mới trong lịch sử nghệ thuật chèo; Nghệ sĩ nhân dân Vũ Thị Định tức Hoa Tâm (1906-1986) quê xã Mai Động huyện Kim Động; Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Lan quê Phố Giác huyện Tiên Lữ.



      Hát chèo trong lễ hộiXưa kia phường chèo do một ông trùm cầm đầu đi diễn ở các thôn xã vào những dịp lễ, tết, hội hè. Ở Kim Động có cụ trùm Châu nổi tiếng cả vùng. Sân khấu chèo xưa kia là hai chiếc chiếu trải ở giữa, khán giả ngồi vây ba mặt nên gọi là chiếu chèo hay chèo sân đình.



      Một cảnh trong vở chèo
      "Quan Âm Thị Kính"
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2025 ASPPlayground.NET Forum Commercial Version 3.9