Cần tìm đọc truyện : "The father of all things"
Cao Nguyên 27.04.2007 22:22:30 (permalink)
"Những người con của cuộc chiến" 



TTO - Chiến tranh đã kết thúc hơn 30 năm, đủ thời gian để một thế hệ trưởng thành. Con cái của nhiều cựu binh Mỹ hiểu rằng cuộc chiến không chỉ là quá khứ đau buồn của cha mẹ mà còn là một di sản tác động nhiều đến họ. 
Một người trong số đó đã viết lại nỗi dằn vặt của gia đình mình trong quyển sách The father of all things (John Bissell ). Được sự đồng ý của tác giả, Tuổi Trẻ trích đăng tâm sự "những người con của cuộc chiến". 
Nhập ngũ sau khi tốt nghiệp trung học vì không tìm được việc, John Bissell được quân đội Mỹ huấn luyện thành lính thủy quân lục chiến. Năm 1965, chàng trai trẻ đến Việt Nam với giấc mơ “khai sáng” mà các cấp chỉ huy luôn nói. Ông phấn đấu thành đại đội trưởng và tham gia nhiều trận đánh tại dọc duyên hải miền Trung. Ông đã giết nhiều người, từng bị thương và chứng kiến nhiều đồng đội bị giết.

John Bissell trở về Mỹ năm 1967. Ông nhận ra giấc mơ kia chỉ là giấc mơ nhưng cuộc chiến hoàn toàn là sự thật và vẫn âm thầm tiếp diễn trong gia đình ông, ngay cả khi nó đã kết thúc khi quân đội Mỹ rút về nước. Hơn 30 năm sau, ông cùng con trai - Tom Bissell - nay là một nhà báo, trở lại Việt Nam. Người con đã viết về cuộc đời cha mình và về một di sản cha anh mang về từ cuộc chiến mà không ai muốn có.
Gia đình tan vỡ
Bố mẹ tôi kết hôn năm 1967, khi ấy mẹ mới tròn 19 tuổi, còn bố 25 tuổi, vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở Việt Nam. Mẹ quyết định kết hôn với bố vì theo lời bà kể “bố lúc nào cũng tếu”.
Khi trở về Mỹ, John Bissell được nhận vào một công ty vận tải-xăng dầu của quân đội. Công việc vô cùng nhàm chán cùng với những vết thương lòng khiến ông phải tìm đến rượu để tạm quên. Khi một đại tá cùng đơn vị giới thiệu con gái cho John, cuộc đời của ông lóe sáng nhưng mau chóng chìm vào bóng tối vì những ám ảnh về cuộc chiến xóa đi những ngày hạnh phúc.






Bố mẹ của Tom Bissell tươi cười trong một bức hình cũ. Hình ảnh hạnh phúc này không tồn tại được lâu khi những cảnh từ cuộc chiến trở lại xâm chiếm người bố. Ảnh: T.B.Càng ít quan tâm đến Việt Nam, bố càng thấy bức xúc muốn quên đi tất cả những việc khác. Cứ 1-2 giờ sáng là bố thức dậy, bỏ nhà ra quán như người mộng du để uống và đánh nhau. Một lần bố "thất trận", vừa về vừa cười hềnh hệch, mặt bầm tím, môi rỉ máu, răng lợi nhuốm máu. Mẹ không chịu băng bó vết thương giúp bố, bà nhất định không dung túng bạo lực.
Thật ra mẹ của Tom sinh ra và lớn lên trong một gia đình quân nhân. Bà hiểu cuộc sống với một người lính là như thế nào, nhưng bà đã không chịu đựng được. Chồng bà đúng là John Bissell đấy nhưng bà không biết khi nào ông là người chồng, người cha bởi trong tâm tưởng ông vẫn là một đại đội trưởng đang cố gắng cứu những đồng đội đã chết vì quyết định của mình. Sau 10 năm, cuộc hôn nhân đã vô phương cứu chữa.
Tôi thật may mắn. Năm bố mẹ ly dị, tôi chỉ mới ba tuổi. Sau vụ đó, họ sống ở hai nơi cách nhau chỉ vài dãy nhà. Tôi và anh trai nay ở nhà bố, mai ở nhà mẹ. Ký ức rõ ràng nhất của tôi về sự giao tiếp của bố mẹ là khi bố chịu rét đứng ngoài nhà bố dượng, chờ chúng tôi giày mũ chỉnh tề hoặc ăn xong bữa sáng, rồi đưa chúng tôi đi nhà thờ. Mẹ không cho bố vào nhà, thậm chí không thèm ra mở cửa hoặc nói với ông một câu.
“Bố đến đấy!”, bà lạnh lùng nói khi có tiếng chuông cửa. Mỗi buổi sáng khi tôi mở cửa, nét mặt của bố lúc nào cũng vậy, đó là tập hợp của nhiều cung bậc: bối rối, đau đớn, chịu đựng, giận dữ… Ông vẫn mỉm cười khi gặp chúng tôi và chẳng bao giờ phàn nàn một lời vì phải chờ bên ngoài. Đến năm tôi 12-13 tuổi, mẹ mới cho bố vào nhà.
Không phải là John không yêu vợ mình. Mãi sau này, khi Tom đã lớn, mẹ anh mới cho anh xem một bức thư của bố anh gửi năm 1975 khi mối quan hệ giữa hai người đã rạn nứt quá mức hàn gắn. Bức thư tràn đầy tình yêu, được John gửi vợ sau một lần cãi nhau kịch liệt.


Muffin yêu dấu,
Đây không phải bài thơ, không thể là thơ. Anh muốn có em nhưng khi ngủ em mới đẹp làm sao. Muffin, tối nay em thật đẹp. Anh yêu em nhiều lắm, rất nhiều. Anh thật tình không biết mình sẽ làm nên trò trống gì, sẽ ra sao nếu không có em. Cám ơn em đã ở đây, với anh, bây giờ và mãi mãi. Gió ngoài trời đang thổi. Anh có thể nghe tiếng sóng vỗ bờ cát. Nó làm anh nhớ đến chúng ta. Bão tố vẫn nổi lên nhưng em luôn bình tĩnh và ổn định, hơn cả thiên nhiên, hơn cả chúng ta.
Em yêu, anh yêu em và cần có em. Đêm nay em ở trong căn hộ bình thản, em là vật đẹp nhất, yên bình nhất mà anh từng thấy. Anh đã sống, chết, khóc, cười, say khướt và ủ rũ bên em trong những năm qua. Anh muốn tiếp tục như thế trong hai nghìn năm nữa.

Bố muốn tiếp tục như thế trong hai nghìn năm nữa. Nhưng ý chí ấy đã bị những dòng suy nghĩ tối tăm len lỏi vào, làm cho vấy bẩn. Chúng luồn lách qua mảnh đất trọc đen kịt trong đầu bố và lấp đầy tim bố. “Mẹ kiếp! Cô ấy chẳng biết gì! Cô ấy không thể biết!”.






Mẹ của tác giả Tom Bissell và người anh trai Johno lúc bé. Ảnh: T.B.Bố ấm ức trên sự giận dữ của mình, trên nỗi khát khao muốn được thấu hiểu của một người bình thường. Bố thở dốc và chờ cho bóng tối qua đi, nhưng bóng tối chưa tan, mẹ đã bước ra khỏi phòng, tay lôi theo Johno (anh trai của Tom), cả hai bỗng cùng òa khóc. Căn phòng chìm vào bóng tối, ánh sáng duy nhất là những tia sáng xanh lóe lên từ màn hình tivi. Bóng tối chồng lên bóng tối. Bố ngồi đấy với con chó Guenella khi cuối cùng bản tin cũng đến giờ phát sóng: “Ở Sài Gòn, bây giờ là buổi sáng”.
Điều gì đã chấm dứt cuộc hôn nhân của bố mẹ tôi? Cả hai chẳng ai chịu nhớ sự kiện chính xác nào đẩy họ đến bước đường cùng, khiến họ không thể cứu vãn hạnh phúc gia đình, và vấn đề mãi treo lơ lửng ở đó.
Cuộc chiến chưa chấm dứt
Hồi còn bé tôi sợ nhất là những đêm cha tôi say rượu, lẻn vào phòng, đánh thức tôi dậy, rồi giải thích cho đứa con trai mười tuổi tại sao ông không thể ra quyết định nào khác ngoài những quyết định luôn dày vò ông, những quyết định đã khiến những người bạn thân của ông phải bỏ mạng. Lần nào cũng mất cả tiếng đồng hồ.
Những đêm khác, ông lại trìu mến ôn lại kỷ niệm với những người phụ nữ ông từng theo đuổi ở Việt Nam. Số người ấy nhiều lạ thường đến nỗi làm tôi tưởng tượng mình là một người con châu Á. Cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt với ông và bây giờ nó tiếp tục sống trong tôi.
Từ nhỏ, hai bố con Tom vẫn rất yêu thương nhau. Mãi đến trước khi vào đại học, Tom vẫn thích ôm hôn bố trước khi đi ngủ; anh kể chuyện này khiến đám bạn phổ thông ai cũng ngạc nhiên. Nhưng mối quan hệ đó là yêu - ghét lẫn lộn. Hai cha con đã nhiều lần làm nhau đau khổ không chỉ về thể xác mà còn cả tâm hồn nữa.
Người ta thường hỏi tôi: bố cậu làm gì? Tôi vẫn luôn trả lời rằng “Ông là lính thủy quân lục chiến.” Thường thì người kia chau mày tỏ vẻ thông cảm. Nhưng thật ra bố con tôi rất hòa hợp, tuy không phải lúc nào cũng vậy. Lúc trước, chúng tôi vẫn đánh nhau luôn, không phải là cãi nhau mà là đánh nhau. Có lần sau khi chơi kéo búa bao với bố, tôi thua nên theo luật bị vặn tay rất đau, tôi gọi điện báo cảnh sát là bị bố đánh. Lần khác, tôi đổ thuốc nhuận trường vào cà phê ông uống.
Cha tôi là lính thủy quân lục chiến. Ông có thể nhẫn tâm. Thời trung học, sau lần dẫn đám bạn về nhà quậy tưng làm vỡ đồ đạc và mất mấy món quà Giáng sinh, tôi tìm ông để xin lỗi và nói tôi vẫn rất yêu ông. “Không,” cha tôi nói, không nhìn mặt tôi vì mải quét mớ kiếng vỡ, “anh đâu có yêu gì tôi”.
Một lần khác năm 10-11 tuổi, tôi hỏi ông cảm giác bị thương là như thế nào. Ông nhìn tôi, nắm lấy bắp tay tôi rồi bấu chặt đến mức mắt tôi nhòa nước. Tôi phản pháo bằng câu hỏi: ba đã từng giết ai chưa. Tôi lạnh lùng nhìn chăm chăm, xoáy sâu vào cái cảm giác mà thời gian không thể xóa đi trong ông. Ông quay mặt chỗ khác.






John Bissell, bố của tác giả quyển sách The father of all things, hồi tham chiến tại Việt Nam. Ảnh: T.B. Tom kể có lúc anh nghĩ hai cha con toàn nói với nhau chuyện Việt Nam, nhưng cũng có lúc như thể chưa bao giờ nhắc đến nó. Nhưng những lần nói chuyện đó không làm anh hiểu bố hơn mà ngược lại Tom nói anh hiểu bố ngày càng ít đi.

Có lẽ vì cha tôi là lính nên tôi mới gia nhập Peace Corps sau khi tốt nghiệp đại học. Đến giờ tôi vẫn không chịu nổi cái cảm xúc khi đọc những bức thư ông gửi trong thời gian đó.
Chúng âu yếm. Chúng tàn nhẫn. Chúng là những bức thư của một người bố với tình yêu con cháy bỏng, với một quá khứ đau đớn đến mức làm ông thỉnh thoảng quên rằng đau khổ là sự bất hạnh chứ không phải là một nhu cầu của con người.
Tôi đã chọn nghề viết và rất quan tâm đến những nơi con người đang chịu đau khổ. Nhưng mãi gần đây tôi mới ngộ ra rằng đó có thể là cách giúp tôi ước lượng những gì cha tôi phải trải qua.
Tom đến Việt Nam cũng vì lý do ấy. 
THANH TRÚC - MINH HUY
(Dịch từ The father of all things)
 
ST. Tuổi trẻ
 

[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/28048/AA5135F6E4704F8DA54FE317EDC8881D.jpg[/image]
 
Bìa sách The father of all things - Ảnh: T.B.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 27.04.2007 22:32:21 bởi Cao Nguyên >
Attached Image(s)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9