Vườn Hoa Mai Xuân Thưởng
Ngọc Lý 28.04.2007 07:25:20 (permalink)
.
VƯỜN HOA MAI XUÂN THƯỞNG
 VÀ NHỮNG NGƯỜI DÂN ĐI KIỆN

 
Trong hình là cảnh hơn 150 nông dân tỉnh Hà Tây kéo về Hà Nội biểu tình ngày 16 Tháng Giêng, 2007 để chống giải tỏa đền bù bất công. (Hình: Frank Zeller/AFP/Getty Images)
 
 
 
 
 


Trung Dũng




Vườn hoa này không lớn nhưng có vị trí đẹp vào  loại bậc nhất ở Hà Nội. Vườn liền kề với hồ Hồ Tây, hồ Trúc Bạch.  Những thuở yên bình, tao  nhân mặc khách thường lui tới nơi đây và họ đã để lại cho hậu thế  bao áng văn thơ bất hủ. Khi xưa vùng này có  nhiều đền chùa, miếu mạo.  Nhưng qua những biến cố lịch sử, nay chỉ còn lại một vài công trình, danh thắng nổi tiếng như chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, đền Quán thánh…cổ kính.

Theo các bô lão thì vùng  phía bắc kinh thành Thăng long này có thời cũng là vùng đất dữ, luôn có tiếng kêu oan trái, tiếng thét hận thù, có sự đền ân báo oán.

Các cụ còn nói ở nơi này những thời vận mạt, là nơi tích tụ của khí uất lòng dân, nơi đất trời chao đảo. Nhà vua khi ấy đã phải cho dựng một cái nhà chòi, ở chính giữa chòi treo một cái trống lớn. Dân chúng khắp nơi trong nước, ai có oan ức thì tìm đến đây, sau khi đánh ba tiếng trống thì  có lính  ra, đưa vào trình bẩm nỗi oan với quan trong thành.

Nghe nói thổ thần ở đây rất linh thiêng, không có ai  dám cả gan dựng chuyện, điêu toa, vì đã có kẻ chỉ mới đánh trống xong đã sa xẩm mặt mày, thổ huyết và lăn ra chết tươi. Các quan trong thành khi “tiếp” dân oan thường phải rất cẩn trọng, nếu xử thiên lệch, bênh kẻ giàu có, quyền thế mà xử hại dân lành là  tự rước tai hoạ khủng khiếp vào  thân mà không chỉ ở một đời mình.

Chuyện lưu truyền, dẫn chứng thì nhiều. Người đời còn nhớ những việc ấy nên đã lập một ngôi miếu nhỏ thờ thần ngay sau nhà chòi. Miếu tuy không có người trông nom nhưng luôn sạch sẽ, tôn nghiêm. Vì người dân lặn lội từ xa đến kinh đô kêu oan, thường trước khi đánh trống họ đều qua bên miếu dọn dẹp, thắp hương khấn thần linh trong những hàng nước mắt uất hận, khổ đau … Sau khi được phân xử, hoá giải  những nỗi oan ức, họ đều quay lại lễ tạ với tất cả tấm lòng thành kính vô biên.

Vườn này bấy lâu nay  không được yên bình vì phía tây là phố nhỏ Mai Xuân Thưởng, có nơi tiếp dân của Trung ương đảng và Chính Phủ. Người dân thường gọi là vườn Mai Xuân Thưởng.

*
*    *

Đi qua vườn hoa, tôi thấy một cảnh tượng thật lạ lùng: Vườn hoa đầy người, trông như những gia đình của nạn nhân sau thảm hoạ động đất hay sóng thần mà chưa được cứu trợ. Họ  nhếch nhác, nằm ngồi la liệt trên những tấm ny lon  trải trên nền vườn và quá mệt mỏi sau cuộc hành trình mấy ngàn cây số tàu xe, lại đang sống vạ vật trong cảnh màn trời chiếu đất đã nhiều ngày. Đó đây những túi lớn túi nhỏ, những bếp lửa nấu ăn, những quần trong, áo ngoài phơi nơi nơi ngay cả trên hàng rào sắt của nơi tiếp dân.

Tôi rẽ vào ngồi chồm hỗm cùng mấy người khách qua đường, uống chén nước của một cụ già để hỏi xem đã có  chuyện gì ở đây. Được biết họ là bà con ở tỉnh Tây ninh ra kiện về việc đất đai.

Khi được hỏi: Sao bà con không đi kêu với chính quyền địa phương mà ra tận ngoài này cho vất vả?

Họ bảo: Khổ lắm các ông ơi, chúng tôi đã kêu cầu ở khắp các nơi rồi mà đâu có ăn nhằm gì! Lên cấp trên trình, họ nhận đơn và hứa hẹn, nhưng sau đó lại chuyển đơn xuống cấp dưới và thêm dòng chữ “đề nghị… xem xét giải  quyết”. Cấp dưới gọi chúng tôi đến và bảo: Đã giải quyết theo đúng chính sách rồi, nếu rỗi  xin quý vị  cứ lên cấp trên  mà trình lại…

Được hỏi: Họ đã làm đúng chính sách rồi, sao bà con  lại còn khiếu kiện?

- Chính sách  gì mà người dân chịu không thấu, sống không nổi. Mấy  ông  quyền chức thì giàu thêm, người dân thì không có đất mà sống. Cực lắm. Hồi chiến tranh, chúng tôi là vùng giải phóng, gia đình nào chẳng có người theo  cách mạng?  Giặc  đến  thì  đánh, giặc tràn vào  thì  nuôi giấu  cán  bộ.  Có bà má sau giải phóng bị đối xử tê bạc, tức quá  chỉ vào mặt “cán bộ” địa phương mà rằng: Khi xưa Mỹ nó vô, tao đã đào hầm, đưa cơm nuôi bọn bay. Bây giờ mà nó đến, tụi bay xuống hầm thì tao “cho” mỗi đứa một nồi nước sôi cho biết mặt!

Được hỏi: Sao bà con không nhờ các báo kêu hộ?

- Chúng tôi đã gửi thư kêu tới các báo khắp lượt rồi, họ có đến tận nơi hỏi  han nhưng chẳng thấy báo nào đăng cả. Báo là của “ông” đảng, họ phải bênh nhau chứ, ai lại đi kêu cho mình. Dân thì làm gì có báo mà tranh đấu.

Được hỏi: Bà con đi bao nhiêu người mà đông thế, sao không cử đại diện thôi?

- Cực lắm các  ông ơi, chúng tôi đâu có giàu có gì mà ra  bắc để chơi. Nhiều nơi có oan, họ cử đại diện ra ngoài này, chờ đợi chầu trực mưa nắng ngoài vườn hoa. Ban ngày thì bị công an đuổi, không đi thì bị  tống lên xe tải chở đi xa rồi đổ xuống, biết đường nào mà về. Tối thì côn đồ ra hành hung, cướp giật, có người còn nhận được mặt tên côn đồ ban ngày nó mặc quần áo công an. Đi kêu công an thì các ổng  chỉ ầm ừ, cười thầm. Làm gì có ai bảo vệ chúng tôi, nên phải đi đông  mà lo cho nhau.

Lại hỏi: Thế bà con đi bao nhiêu người?

- Cũng đến 300. Nhà nào tức, cũng muốn kéo đi, nhưng phải có người ở nhà lo cho con cái, bố mẹ. Thế mà có người già cũng theo đi kiện, mang  cả trẻ con đi. Có ai sẵn tiền đâu. Phải vay mượn quanh quéo cả tiền triệu. Uất thì đi, về rồi phải  liệu đi làm mướn mà trả nợ. Chúng tôi phải đi xe đò mất 2,3 ngày đêm, lếch thếch mới đến được đây, chờ đợi cả tuần lễ rồi mà chưa  làm được việc, chẳng biết đến bao giờ. Hết tiền, nhiều người tính chuyện phải thuê nhà trọ, đi làm mướn gì đó  quanh đây để chờ giải quyết.

Lại hỏi: Chờ lâu thế, có lúc nào bà con vào thăm lăng, viếng bác Hồ không?

- Chưa. Lăng cụ Hồ ngay đây thôi, nhưng còn lòng dạ nào mà vào viếng. Ăn mặc nhếch nhác thế này thì ai cho vào? Có hôm,  tụi tôi  ra xem lễ chào cờ ở quảng trường Ba Đình từ 6 giờ sáng. Cũng thiêng liêng thật đấy, nhưng cái thời ấy nó qua rồi. “Thề phanh thây uống máu quân thù”, hào  hùng  lắm, tôi vẫn còn nhớ lời bài quốc ca hồi nhỏ vẫn hát. Khi đánh ngoại xâm thì vì cụ Hồ đoàn kết được đồng bào mình nên đuổi được nó. Hồi ấy Cụ có đả động gì đến Chủ nghĩa xã hội đâu, mà có nói đến thì chưa chắc người ta đã  theo. Rồi tự nhiên mình lại thành nước cộng sản, bọn tôi đâu biết từ lúc nào. Nhưng cộng sản gì mà chẳng có  công bằng. Có tiền, có chức là sướng, chỉ dân  là khổ. Thế là thế nào hả các ông? Ngoại xâm thì ta đã đuổi đi rồi, “nội xâm” thì bao giờ  đuổi được nó?

Ông lại hỏi về cụ Hồ à? Ở nơi tui họ cũng bảo  “học tập theo gương bác Hồ”. Ôi dào, đảng viên  họ có làm theo  đâu mà mình phải  “học”!

- Sao thế?

- Cụ Hồ lúc sắp mất, muốn được hoả thiêu để về với đất trời, với dân, cụ bảo phải tiết kiệm, không được làm tang lớn vì dân  còn nghèo. Đảng có làm theo cụ đâu. Giờ xây cái lăng to thế kia, tốn kém bạc tỷ  của dân mỗi một ngày. Cụ lại còn phải trông thấy bọn tui thế  này thì thử hỏi làm sao cụ “yên nghỉ " được? Cụ bị  “động” (động mộ) rồi, thì dân cũng chẳng  “yên” đâu!

Lại  hỏi: Ra ngoài này, bà con thấy người miền bắc thế nào?

- Họ cũng  tốt,  hỏi chuyện và bảo ở quê họ nhiều nơi cũng vậy. Có người còn giúp tiền, giúp vật dụng, mỳ ăn liền…Thật buồn cười, có ông già nghe chúng tôi kể chuyện cảnh khổ, tức quá, ra ngã tư chửi toáng lên, chửi từ Chủ tịch nước chửi xuống. Mấy ông công an cũng chỉ đứng nhìn.

Nhưng sợ nhất vẫn là mấy ông cảnh sát. Chúng tôi nghèo, phải vất vưởng ra tận đây để kêu lên tận trung ương đảng, chính phủ. Chúng tôi có tội  gì mà họ nhìn chúng tôi gườm gườm như nhìn tội phạm?

Lại được hỏi: Còn một tháng nữa là bầu cử, bà con phải về bầu cử chứ?

- Ôi dào, quốc hội là của các ổng, mình bầu thì được cái gì!

- ???

- Cứ bảo quốc hội là cao nhất của cả nước, nói hươu, đâu có phải. “Ông” đảng chỉ huy tất. Ổng chỉ có hai triệu người. Có đức rộng tài cao gì đâu, có được ai bầu? tự đưa nhau vào cả thôi, mà lại nắm toàn quyền, trên cả quốc hội, trên cả 80 triệu dân. Không là  đảng  viên, dẫu có  tài thánh cũng  chẳng ngoi lên được. Có đảng là có quyền, có tiền. Nhiều ông đảng về hưu rồi, mỗi tháng còn được mấy triệu tiền lương hưu, bằng mấy người đi  làm vất vả. Thế thì ai chẳng muốn vào đảng, nhưng phải biết  luồn  lọt, ăn cánh.

Người ngay thẳng là không vào được. Ông có tin không? Chỗ các ông có thế không?

Đảng  chỉ  đạo giới thiệu rồi thúc dục người dân đi bàu cho có vẻ dân chủ, rồi lại kiểm phiếu. Thế thì quốc hội là của ổng rồi còn gì, họ nghe mấy ông lớn, chứ  đâu có nghe mình.

Nghe nói mấy người đấu tranh cho dân thì họ bịt mồm, đưa ra toà rồi bắt  đi tù. Nói làm sao được.

Lại hỏi: Đi  từ Nam Bộ ra ngoài này, bà con cũng thấy nước mình thay đổi nhiều đấy chứ?

- Ở  thành phố các ông thôi! Dân quê bọn tui còn khổ lắm. Hết chiến tranh mấy chục năm rồi mà có hơn được là mấy. Nghe mấy người ở thành phố (Sài Gòn ) về nói chuyện: Các nước quanh mình, có đảng cộng sản, có xã hội chủ nghĩa gì đâu mà họ vẫn độc lập mà lại còn sướng gấp mấy lần mình.

Lại hỏi: Bà con ra ngoài này có đi lễ  chùa không?

- Có chứ, chúng tôi tin trời phật, nhưng chỉ đến được mấy đền chùa ở quanh đây thôi (chỉ chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh),  chúa nhựt có người đi lễ nhà thờ kia (chỉ nhà thờ Cửa Bắc). Trời có mắt, thế nào các ngài cũng phù hộ cho chúng tôi.

Có người lại hỏi: Thế bà con có thắp hương khấn ông kia không (chỉ tượng lớn của Lý Tự Trọng gần đó)?

- Ông ấy là cộng sản, nếu còn sống chắc làm to lắm, giống như mấy ông lão thành cách mạng trong tui. Cộng sản có tin trời phật đâu mà mình khấn vái.

Chúng tôi chào bà con, chúc bà con sớm đạt được những mong muốn chính đáng của mình.  Rồi  tự  hỏi nhau: Xưa kia, có bao giờ dân kéo đến kiện đông như thế này không?  Và những  người có quyền chức vẫn thường nhận là “do dân, vì dân”, lại chỉ vì quyền lợi của mình mà làm những việc trái ngược lại với lòng dân thì đại hoạ sẽ đến với họ như thế nào đây?  


http://www.canh-en.de/index.php?id=123&tx_mininews_pi1
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9