la boi
-
Số bài
:
125
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 02.05.2007
|
RE: Hạnh phúc
-
26.10.2007 00:17:45
Di chúc. Ông bố mất, để lại cái gia tài – tương đối kết xù trong cái nhìn của mọi người: nhà lầu 2 tầng, một cửa hàng bán vật liệu xây dựng đang khấm khá, một miếng đất lớn ở Thủ Đức… và một đàn con của hai ba dòng vợ. Khi sống, ông thương con theo kiểu lạ lùng. Những đứa đã khôn lớn, nhận thức được chút xíu về cuộc đời, những đứa có ý phấn đấu tự lập, những đứa hay cải lại lời ông vì cho là nghịch lý, sai trái đạo lý … thường là những đứa con bị ông ghét bỏ và đánh đập nhiều hơn hết. Ông nuông chìu những đứa bé yếu đuối, hư hỏng, hổn láo, cắp vặt, hay dối dang. Ông đối xử với vợ cũng ngược đời. Bà vợ lớn thất học, sống với ông khi còn hai bàn tay trắng. Bà đội mưa dãi nắng, gồng gánh nước mắm đi bán dạo từ sáng tinh mơ cho đến tối khuya. Bà chăm chút tảo tần gầy dựng cùng ông cho đến khi họ có một cơ ngơi khá vững: một hãng cơ khí có hơn trăm công nhân giúp việc. Thói đời, thừa tiền sinh tật. Ông bắt đầu lăng nhăng vợ bé, vợ mọn. Làm ăn nên thì bao nhiêu tiền đổ ra sắm nhà cửa, tài sản cho các bà vợ bé. Bà lớn thì cả đời cũng chỉ có chiếc áo bà ba trắng, cái quần lãnh đen. Con rơi, con rớt đếm có gần hai chục đứa. Ông lại có thói vũ phu. Thích hành hạ vợ. Hễ về nhà thì tiếng nặng, tiếng quát, thậm chí đánh đập các bà vợ như một con vật. Bà lớn nhẫn nhục ở với ông cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay, bà vẫn yêu ông, và cũng hận ông. Các bà nhỏ, người bỏ ông để lập lại cuộc đời. Người vẫn bám lấy ông vì cái tài sản kết xù. Người thì chân trong, chân ngoài – vẫn ở với ông, nhưng lại vẫn cứ ăn chả bên ngoài. Các con ông, lớn lên, đứa nào cũng hận ông, con bà lớn cũng như con bà nhỏ. Đứa bỏ nhà lập nghiệp phương xa. Đứa vào lính để quên hận. Đứa hóa điên dại vì uất ức. Đứa bám ông nịnh bợ để có tiền xài. Đứa miệt mài học để lo cho bản thân và trở nên ích kỷ. Các con ông lòng tứ táng, chẳng đứa nào thương đứa nào. Không biết ông có nhìn ra cảnh đấu đá của các bà vợ, của các dòng con khi ông mất hay không? Chỉ biết, khi nhắm mắt, ông để lại cái di chúc với những lời nói lững lơ. Tài sản chẳng thuộc về ai trong cái di chúc đó. Đám con bà lớn, chẳng đứa nào nhìn của, chỉ kéo về thăm ông trước khi mất, rồi lại biến mất trong dòng đời. Đám tang ông, những đứa lạ hoắc lạ quơ bổng xuất hiện, về chịu tang, khóc lóc gọi ông là cha. Ông chết thì mặc ông. Cuộc tương tàn, tranh giành diễn ra như bao câu chuyện trên đời thường này. Kiện tụng, cải nhau xa xả, bao thủ đoạn đều được tung ra. Ông được chôn, nhưng mộ chưa xây. Họ còn chờ xem ai là người bỏ tiền ra xây. Ai cũng muốn cái mộ của ông nó phải bự, phải sang, phải đáng giá hàng tỉ đồng, nhưng chẳng ai muốn bỏ một đồng xu nhỏ. Họ còn đang liếc mắt vào cái tài sản khó nuốt kia. Có lẽ đến chết, ông vẫn thích thử lòng người. Ông chơi trò ú tim. Cái tài sản đó, mồ hôi nước mắt cả đời của ông đó. Đứa nào khôn ngoan, gian hùng như ông thì sẽ có được. Luật mạnh yếu – thắng thua, chúng nó phải hiểu, phải thấu thì mới đứng vững trong cái xã hội vốn dĩ đã nát bươm về đạo lý rồi. Ông không truyền cho chúng nó cái đẹp, cái hay. Ông chỉ truyền cho nó cái gian giảo, điêu ngoa của người đời. Ông nghĩ, có té, có đau, có mất mát thì chúng nó mới khôn. Hiền lành, ngu ngơ thì sẽ bị cái gọng kềm kẹp chết, thế thì nó phải học giương móng vuốt để tự vệ đi thôi. Các con, gọi bố nó là “Tào Tháo thời đại!”. Các bà vợ, gọi ông là “Thằng khốn nạn!”. Người đời, chả biết họ gắn biệt hiệu gì cho ông! Ngày tuyên bố kết quả cuộc phân chia tài sản. Đúng như ông dự đoán, kẻ mạnh thì được, đứa dại thì tay trắng ráng chịu. Người ta đến khuân vác đồ đạc, dành thứ này, nạnh hẹ thứ kia. Có kẻ đóng vai đạo đức giả, lấy phần người này đem cho người kia, làm cái điều mà thiên hạ hay gọi “của người, phúc ta”. Đám con bà lớn, lấy gì không lấy, chỉ lẳng lặng góp nhặt những thứ mà người khác nhìn vào cũng phải phì cười và cho là chúng ngu. Cái đờn mandolin cũ từ đời tám kiếp nào, khi sống cũng chẳng thấy ông rờ tới, chúng lại lấy. Những vật dụng để trong bàn thờ, của người chị quá cố, chúng lại nhặt. Những tấm hình trắng đen bạt nhếch, thời chúng còn bé thò lò mũi xanh, chúng lại ôm. Những cái cỏn con trên bàn làm việc của ông: cây bút mực loại phải chấm mực mới viết được, cái bật lửa hình con lạc đà cũ rích từ thời thập niên 60, mấy cuốn sổ tay hàng năm của ông giấy đã vàng úa rơi rụng… những cái lỉnh kỉnh vô giá đó thì chúng lượm hết. Các con bà bé, đứa được nhà, đứa được hãng, đứa được đất. Chúng hoan hỉ với chiến lợi phẩm, chúng vui mừng vì sự công bằng mà chúng có được. Nhiều năm trôi qua, bây giờ thì ông cũng đã yên mồ, yên mã. Ngày giỗ ông, nơi nghĩa trang chỉ thấy bóng dáng đứa con gái bà lớn; đứa con mà khi còn sống, ông ghét nó thậm tệ, ông đánh nó như đánh chó, ông từ không nhìn mặt nó là con, trong di chúc của ông cũng chẳng có tên nó; lại là đứa đang ngồi đốt vàng mã, thắp nhang và cung kính khấn ông. Trên mộ đầy ắp bánh trái xếp cúng, lọ hoa được cắm bó hoa lay-ơn, loại hoa mà ông thích. Thằng con trai lớn của bà ba, bà tư gì đó, từ hải ngoại về, cũng viếng thăm mộ bố với cô vợ mới cưới. Cái đám cưới của nó, có tới ba trăm người dự tiệc. Ai cũng khen cô gái lấy phải anh chồng xộp, chuột sa hủ nếp. Ở mộ ông, thằng con bày đồ cúng, lơ thơ vài nhánh bông vạn thọ cắm vào bình, cái dĩa trái cây có ba quả hồng nhỏ xíu bằng ba ngón tay chụm lại. Má nó, nó, vợ nó, đứng cắm nhang, xá xá mấy cái. Chưa hết nửa cây nhang tàn, má nó nói: “Đi về con, má có hẹn đi coi vải với cô bảy, lẹ lên con, hông có trễ.” Đứa con gái, lẩm bẩm khấn ông: “Ba, con biết con làm ba buồn khi còn sống. Con chỉ tiếc không làm ba vui khi đó. Khi ba mất, ba chẳng để lại gì cho con, con không giận ba. Con cám ơn ba đã dạy con, con nhớ hoài lời ba dạy. Ba biết ba dạy con điều gì không? Ba còn nhớ lời ba viết trong cuốn sổ tay không? Ba viết: Của ông bà như của hương hoa Của cha mẹ là của ngoài sân Của làm ra là của trong nhà Của thiên hạ, nó có chân nó chạy.” Cô gái ngồi chờ cho nhang tàn, cô thu dọn đồ vô giỏ, chùi chùi lại cái hình của ông. Cô lẩm bẩm nói gì đó với ông trước khi lặng lẽ đạp xe về. Khi cô ra khỏi nghĩa trang, trời bắt đầu đổ mưa. Vài hạt. Đôi hạt nặng rơi. Cơn mưa bất ngờ lớn hạt rồi ầm ầm trút xuống như thác đổ. Cô gái lau những hạt mưa quất vô mặt. Cô thấy mặn mặn ở môi. Nước mắt cô rơi hay những hạt mưa rơi. Lá bối.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 26.10.2007 19:50:01 bởi la boi >
|