Hạnh phúc
Thay đổi trang: << < 456 > >> | Trang 6 của 11 trang, bài viết từ 76 đến 90 trên tổng số 153 bài trong đề mục
la boi 18.10.2007 21:00:40 (permalink)
Cái mành sáo cuốn cao treo ở mái hiên nhà từ thưở nào, đến nay vẫn còn treo lơ lững ở ngoài hiên. Hiếm khi thấy nó được thả xuống. Trong khối cuộn tròn ấy, tôi thường thấy những chú chim sẻ đến làm tổ trong đó. Sáng nào nó cũng tíu tít bay vô, tíu tít bay ra. Lâu lâu lại thấy vài cọng rơm lòi ra từ kẻ hở nhỏ.
 
Một hôm, do tính nghịch ngợm, tôi trèo lên mái hiên nhà cao nhất, với tay kéo cái mành sáo xem cái tổ chim nó như thế nào? Xem có bao nhiêu con chim con trong đó mà sáng nào cũng nghe thấy tiếng kêu ríu rít của bầy chim. Đã từng có ai đó dùng câu “óc trắng chim sẻ” để mắng một người ngu đần. Tôi không biết thật sự con chim sẻ có là loại không biết nghĩ, suy hay không. Chỉ biết nó đã khôn ngoan làm tổ tuốt sâu giữa cuộn sáo chứ không phải là hời hợt ở đầu cuộn.
 
Giựt được nút tréo sợi dây cuộn mành, tôi kéo cái soạt. Tấm mành buông thả xuống. Tổ chim sẻ rớt ra, không có chim con, cũng không có trứng chim. Chỉ là những cọng rơm  khô. Tôi thất vọng khi không tìm được những gì mình muốn. Đôi chim sẻ mẹ, sẻ cha đậu ở đàng xa trên những sợi dây kẽm của sân thượng kêu xối xả. Tiếng kêu đinh tai nhức óc, không phải những tiếng ríu rít mà tôi nghe hàng ngày. Đó là tiếng kêu thống khổ của kẻ mất đi tổ ấm. Vừa thất vọng, vừa hối hận, tôi cuộn lại tấm mành, vừa lẩm bẩm xin lỗi, mong rằng nó sẽ trở về làm tổ lại. Bầy chim vẫn đậu ở hàng rào kẽm gai kêu mãi cho tới trưa rồi bay đi.
 
Bẵng đi một thời gian, tôi lại thấy con chim sẻ bay trở về máng sáo, nó đi đi lại lại nhiều lần mang theo những cọng rơm nhỏ. Lần này nó về làm tổ lại, nhưng tuốt bên hông trái tấm mành, nơi tôi chẳng thể với tới được.
 
Đôi khi khó mà tha thứ hay quên đi lỗi lầm, cho dù điều đó chỉ do một sự vô ý nào đó. Để có thể giúp mình thoát khỏi những giận dỗi, oán trách, chỉ trích khắt khe về những điều đã làm tổn thương mình, cách hay nhất vẫn là tìm sự bình an cho chính tâm hồn mình trước đã.
 
Tôi nghĩ rằng chú chim sẻ ấy đã học được điều bí mật này khi quyết định trở về xây lại tổ cho nó.
 
 
Lá bối.
#76
    la boi 19.10.2007 20:17:12 (permalink)
    Trong đêm đen tối và tĩnh lặng,
    Tôi nhìn được những ngôi sao sáng lấp lánh
    Trong cơn tuyệt vọng khốn cùng,
    Tôi cố tìm một hy vọng mỏng manh nhất
    Khi nỗi buồn giăng phủ hồn mình,
    Tôi tìm về nguồn yêu thương
    Trong cô đơn hoảng sợ giăng bẩy
    Chút can đảm làm tâm yên
    Với những nghi ngờ và thử thách
    Chân tình trao tặng tay người
    Thế nhé, một ngày mới của tôi.
     
     
    Lá bối.
     
     
     
    #77
      la boi 20.10.2007 21:45:13 (permalink)
      Biết tôi vừa từ bệnh viện về, cô em lấy hẹn đến thăm. Phải dặn dò mãi là tôi không ăn được và không được mua quà đem tới, nhưng cô em vốn thích quà cáp vẫn ôm hộp bánh biscuit  đến với lý do “đó là bánh em làm”.
       
      Những chiếc bánh tròn tròn nho nhỏ được xếp vào trong một đĩa lớn, những chiếc bánh bể và vụn bánh được để sang một bên. Ngồi ăn bánh, uống cà-phê; tôi có thói quen ăn bánh, uống cà-phê hơn là uống trà. Vị ngọt của bánh vừa thấm vào miệng, hớp một ngụm cà-phê đăng đắng sẽ làm giả tan vị ngọt, hai mùi vị ấy quyện vào nhau tạo nên một cảm giác ngọt-đắng thật lạ mà tôi rất thích. Tôi để ý thấy cô em chẳng hề nhón chiếc bánh nguyên nào mà cứ tì tì bóc những vụn bánh bỏ vào miệng. Tưởng em nhường phần bánh ngon cho chị, tôi ép em ăn những chiếc bánh trong đĩa lớn. Em cười bảo: “Chị ơi, bóc cả một nắm bánh vụn bỏ vào miệng, ăn với cái miệng đầy ắp như vầy mới ngon và thích thú. Đằng nào khi ăn chị cũng phải bẻ chiếc bánh ra mà.”
       
      Khi chỉ còn một mình, di di những vụn bánh vỡ, tôi chợt nghĩ, con người ta sao cũng giống như những chiếc bánh vụn. Thật ra, tự thâm tâm, con người ta thật mỏng giòn, dễ bị thất vọng, luôn có những mất mát, đau khổ và cô đơn. Hỏi có ai trên thế gian này hoàn toàn cương cường không hề yếu đuối không nhỉ? Vậy sao không thoải mái tận hưởng phút giây ngắn ngủi bên chiếc bánh – ly cà-phê sau khi đã làm xong bổn phận của mình.
       
       
      Lá bối.
       
      #78
        tigon_buon 22.10.2007 14:15:47 (permalink)
           yêu và được yêu đối với bạn ko phải là hạnh  phúc sao? đã có biết bao nhiêu người mong được yêu đấy có ai dám nói yêu đơn phương là hạnh phúc chưa.vậy thì tại sao bao nhiêu nhà DANH NHÂN các THI SĨ lại tốn nhiều bút mực chĩ để nói lên trong tình yêu '' yêu và được yêu là điều hạnh phúc '' ko lẽ họ đã noi sai à.cho và nhận là điều hạnh phúc vậy yêu và được yêu khác nhau sao.khác nhau chỗ nào.mình hơi thắt mắc bạn có thể nói cho mình  hiểu ko
        #79
          la boi 22.10.2007 21:54:13 (permalink)
          Tình yêu trọn vẹn vì cả hai cùng yêu nhau. Tôi cũng nghĩ như bạn, họ thật hạnh phúc phải không?
           
          Yêu một người nhưng chẳng được đáp trả hay vì chẳng để đối tượng biết được tình yêu của mình, điều đó là hạnh phúc hay bất hạnh? Tôi không biết. Điều ấy chỉ có thể do chính người đang yêu đó cảm nhận được chính cảm xúc của họ.
           
          Này Tigon_buon, có phải bạn thích hoa ti-gôn? Mình thấy hoa này xinh lắm chứ, nó có hình dạng như trái tim mỏng manh, nó rực màu hồng yêu đời. Khi nhìn hoa ti-gôn, mình có cảm tưởng đó là một trái tim đang yêu và nó đẹp như tình yêu. Khi nhà thơ TTKH ví von nó như hình trái tim vỡ, đó là cảm nhận của bà ấy như thế vì tâm tư bà đau khổ vì tình yêu. Còn đối với mình, cánh hoa ti-gôn thật như hình trái tim tròn đầy tình yêu và nhựa sống. Bạn thấy đó, như bạn, bạn gọi là tigôn_buồn, còn mình, mình gọi là hạnh_phúc.
           
           
           
          Lá bối.
          #80
            la boi 24.10.2007 02:43:53 (permalink)
            Rốt cuộc rồi cũng rời khỏi nhà. Những bước chân nhẹ hẩng, cảm giác như mình đang say sóng. Hai hàng cây đã rụng hết lá, còn trơ cành. Hướng về phía nhà thờ, hy vọng tìm được vài nhánh thu nơi đó. Vô ích. Trời trở lạnh, có lẽ sẽ vào đông sớm. Tôi hơi tiếc, tiếc mùa thu qua mau mà mình không có dịp ngắm cảnh đẹp như mọi năm.
             
            Một cơn gió nhẹ chợt thổi. Một mùi hương cỏ lá thoang thoảng. A, không ngắm thì ta ngửi. Hương thu cũng làm ta ngây ngất ấy chứ. Mỉm cười, một cảm giác vui nhộn trong lòng. Nét khô khốc của những cành lá trơ không còn trở nên ảm đạm. Nó bổng mang một nét huyền diệu lạ kỳ.
             
            Một chiếc xe chở những quả bí đỏ chạy ngang qua. Phải rồi, mùa thu nơi đây đang là mùa gặt hái. Mọi người đang cố thu dọn mùa hoa quả cuối cùng để chuẩn bị tiết đông đến. Còn chục ngày nữa lại đến lễ hóa trang, mọi người đang hớn hở chuẩn bị cho những lễ hội mới, những sinh hoạt của xã hội rồi sẽ nhộn nhịp chảy nhịp theo thời gian. Ngày nối ngày sẽ đem chúng ta vào đông, rồi sẽ lại sang xuân.
             
            Điều ấy quả hợp với câu nói: "sự chết là khởi đầu của sự sống mới".
             
             
            Lá bối.
             



             
            #81
              la boi 24.10.2007 20:48:00 (permalink)
              Người bạn nửa hài lòng, nửa buồn buồn bảo tuy sống một mình, cô đơn nhưng bù lại được tự do thoải mái, không bị ràng buộc bởi ai cả dù đôi khi rất thèm được tâm sự, thèm lời yêu thương, thèm có sự chăm sóc ân cần của một ai đó. Bạn bào bạn còn trẻ, bạn có thể chống chọi nỗi cô đơn mà vẫn không bận tâm mấy về nỗi đơn côi của mình. Chẳng thể diễn tả được nỗi cô đơn của bạn bằng từ ngữ nào cho chính xác.  
               
              Ông mất, bà vẫn lạnh lùng như thế nào. Chẳng thấy bà khóc. Sau buổi tan chợ, đóng cửa hàng, về tới nhà chỉ thấy bà lui cui lau chùi, dọn dẹp nhà cửa, bếp núc, lẩn quẩn cả ngày. Dường như bà không biết mệt, hay bà muốn làm để quên nổi cô đơn? Bà yêu các cháu nhưng chẳng hề để lộ tình cảm, dù chỉ là một cái vuốt đầu, một cái thơm má với chúng. Bà cho ăn, bà cho mặc, bà dạy dỗ, bà chăm sóc nhưng chúng chẳng tìm được một câu nói “bà thương các cháu lắm!”. Chẳng biết hai tiếng “cô đơn” có ý nghĩa gì đối với bà không?
               
              Đôi vợ chồng họ sống với nhau, không con chẳng cái. Họ như đôi bạn thì đúng hơn. Mỗi khi có họp mặt gia đình, bên chồng hay bên vợ, thì mạnh ai về nhà nấy. Hiếm khi thấy họ có đôi hiện diện ở một bửa tiệc nào. Bừng sáng, họ đã rời nhà, chiều về bên bàn cơm, đối mặt thường là những câu chuyện xãy ra trong hãng. Hôm nào phiền não hay mệt mõi quá thì họ chỉ còn là hai con người lặng lẽ và cơm. Thế rồi họ rút vào thế giới riêng của mỗi người bên bàn viết của mình. Đôi khi họ cũng cười, cũng đùa, cũng nâng đở nhau những lúc hoạn nạn, ốm đau. Nhưng lời âu yếm yêu thương, chẳng hề thấy họ thốt lên kể từ ngày cưới nhau. Họ có cô đơn không? Không ai biết.
               
              Đôi tình nhân, không biết dùng từ có đúng không, và có thật họ là đôi tình nhân hay không. Chỉ biết họ thường gặp và đi đôi với nhau. Những cuối tuần họ thường hẹn hò để gặp nhau. Hoặc ở sân vận động để cùng hoạt động thể thao. Hoặc ở một buổi họp mặt sinh hoạt văn nghệ. Hoặc ở một quán ăn bình dân bên đường. Hoặc sóng đôi trong một rạp chiếu bóng nào đó. Và cả trên mạng, họ có mặt thường xuyên trên những diễn đàn để đàm luận thi văn. Họ đúng là một đôi vì cả hai dường như đều ngang tài nhau. Sự vuốt ve chìu chuộng khó thấy được nơi họ. Không hề thấy lời tỏ tình nồng nàn trong thơ văn của họ. Giọng điệu của họ thường có hơi hướm của sự dỗi hờn, trách móc. Họ có yêu nhau? Hay họ chỉ là những người cô đơn tìm đến nhau? Không biết được.
               
               
               Lá bối.
              #82
                la boi 26.10.2007 00:17:45 (permalink)
                Di chúc.
                 
                 
                Ông bố mất, để lại cái gia tài – tương đối kết xù trong cái nhìn của mọi người: nhà lầu 2 tầng, một cửa hàng bán vật liệu xây dựng đang khấm khá, một miếng đất lớn ở Thủ Đức… và một đàn con của hai ba dòng vợ.
                 
                Khi sống, ông thương con theo kiểu lạ lùng. Những đứa đã khôn lớn, nhận thức được chút xíu về cuộc đời, những đứa có ý phấn đấu tự lập, những đứa hay cải lại lời ông vì cho là nghịch lý, sai trái đạo lý … thường là những đứa con bị ông ghét bỏ và đánh đập nhiều hơn hết. Ông nuông chìu những đứa bé yếu đuối, hư hỏng, hổn láo, cắp vặt, hay dối dang.
                 
                Ông đối xử với vợ cũng ngược đời. Bà vợ lớn thất học, sống với ông khi còn hai bàn tay trắng. Bà đội mưa dãi nắng, gồng gánh nước mắm đi bán dạo từ sáng tinh mơ cho đến tối khuya. Bà chăm chút tảo tần gầy dựng cùng ông cho đến khi họ có một cơ ngơi khá vững: một hãng cơ khí có hơn trăm công nhân giúp việc. Thói đời, thừa tiền sinh tật. Ông bắt đầu lăng nhăng vợ bé, vợ mọn. Làm ăn nên thì bao nhiêu tiền đổ ra sắm nhà cửa, tài sản cho các bà vợ bé. Bà lớn thì cả đời cũng chỉ có chiếc áo bà ba trắng, cái quần lãnh đen. Con rơi, con rớt đếm có gần hai chục đứa.
                 
                Ông lại có thói vũ phu. Thích hành hạ vợ.  Hễ về nhà thì tiếng nặng, tiếng quát, thậm chí đánh đập các bà vợ như một con vật. Bà lớn nhẫn nhục ở với ông cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay, bà vẫn yêu ông, và cũng hận ông. Các bà nhỏ, người bỏ ông để lập lại cuộc đời. Người vẫn bám lấy ông vì cái tài sản kết xù. Người thì chân trong, chân ngoài – vẫn ở với ông, nhưng lại vẫn cứ ăn chả bên ngoài. Các con ông, lớn lên, đứa nào cũng hận ông, con bà lớn cũng như con bà nhỏ. Đứa bỏ nhà lập nghiệp phương xa. Đứa vào lính để quên hận. Đứa hóa điên dại vì uất ức. Đứa bám ông nịnh bợ để có tiền xài. Đứa miệt mài học để lo cho bản thân và trở nên ích kỷ. Các con ông lòng tứ táng, chẳng đứa nào thương đứa nào.
                 
                Không biết ông có nhìn ra cảnh đấu đá của các bà vợ, của các dòng con khi ông mất hay không? Chỉ biết, khi nhắm mắt, ông để lại cái di chúc với những lời nói lững lơ. Tài sản chẳng thuộc về ai trong cái di chúc đó. Đám con bà lớn, chẳng đứa nào nhìn của, chỉ kéo về thăm ông trước khi mất, rồi lại biến mất trong dòng đời. Đám tang ông, những đứa lạ hoắc lạ quơ bổng xuất hiện, về chịu tang, khóc lóc gọi ông là cha.
                 
                Ông chết thì mặc ông. Cuộc tương tàn, tranh giành diễn ra như bao câu chuyện trên đời thường này. Kiện tụng, cải nhau xa xả, bao thủ đoạn đều được tung ra. Ông được chôn, nhưng mộ chưa xây. Họ còn chờ xem ai là người bỏ tiền ra xây. Ai cũng muốn cái mộ của ông nó phải bự, phải sang, phải đáng giá hàng tỉ đồng, nhưng chẳng ai muốn bỏ một đồng xu nhỏ. Họ còn đang liếc mắt vào cái tài sản khó nuốt kia.
                 
                Có lẽ đến chết, ông vẫn thích thử lòng người. Ông chơi trò ú tim. Cái tài sản đó, mồ hôi nước mắt cả đời của ông đó. Đứa nào khôn ngoan, gian hùng như ông thì sẽ có được. Luật mạnh yếu – thắng thua, chúng nó phải hiểu, phải thấu thì mới đứng vững trong cái xã hội vốn dĩ đã nát bươm về đạo lý rồi. Ông không truyền cho chúng nó cái đẹp, cái hay. Ông chỉ truyền cho nó cái gian giảo, điêu ngoa của người đời. Ông nghĩ, có té, có đau, có mất mát thì chúng nó mới khôn. Hiền lành, ngu ngơ thì sẽ bị cái gọng kềm kẹp chết, thế thì nó phải học giương móng vuốt để tự vệ đi thôi. Các con, gọi bố nó là “Tào Tháo thời đại!”. Các bà vợ, gọi ông là “Thằng khốn nạn!”. Người đời, chả biết họ gắn biệt hiệu gì cho ông!
                 
                Ngày tuyên bố kết quả cuộc phân chia tài sản. Đúng như ông dự đoán, kẻ mạnh thì được, đứa dại thì tay trắng ráng chịu. Người ta đến khuân vác đồ đạc, dành thứ này, nạnh hẹ thứ kia. Có kẻ đóng vai đạo đức giả, lấy phần người này đem cho người kia, làm cái điều mà thiên hạ hay gọi “của người, phúc ta”. Đám con bà lớn, lấy gì không lấy, chỉ lẳng lặng góp nhặt những thứ mà người khác nhìn vào cũng phải phì cười và cho là chúng ngu. Cái đờn mandolin cũ từ đời tám kiếp nào, khi sống cũng chẳng thấy ông rờ tới, chúng lại lấy. Những vật dụng để trong bàn thờ, của người chị quá cố, chúng lại nhặt. Những tấm hình trắng đen bạt nhếch, thời chúng còn bé thò lò mũi xanh, chúng lại ôm. Những cái cỏn con trên bàn làm việc của ông: cây bút mực loại phải chấm mực mới viết được, cái bật lửa hình con lạc đà cũ rích từ thời thập niên 60, mấy cuốn sổ tay hàng năm của ông giấy đã vàng úa rơi rụng… những cái lỉnh kỉnh vô giá đó thì chúng lượm hết. Các con bà bé, đứa được nhà, đứa được hãng, đứa được đất. Chúng hoan hỉ với chiến lợi phẩm, chúng vui mừng vì sự công bằng mà chúng có được.
                 
                Nhiều năm trôi qua, bây giờ thì ông cũng đã yên mồ, yên mã. Ngày giỗ ông, nơi nghĩa trang chỉ thấy bóng dáng đứa con gái bà lớn; đứa con mà khi còn sống, ông ghét nó thậm tệ, ông đánh nó như đánh chó, ông từ không nhìn mặt nó là con, trong di chúc của ông cũng chẳng có tên nó; lại là đứa đang ngồi đốt vàng mã, thắp nhang và cung kính khấn ông. Trên mộ đầy ắp bánh trái xếp cúng, lọ hoa được cắm bó hoa lay-ơn, loại hoa mà ông thích. Thằng con trai lớn của bà ba, bà tư gì đó, từ hải ngoại về, cũng viếng thăm mộ bố với cô vợ mới cưới. Cái đám cưới của nó, có tới ba trăm người dự tiệc. Ai cũng khen cô gái lấy phải anh chồng xộp, chuột sa hủ nếp. Ở mộ ông, thằng con bày đồ cúng, lơ thơ vài nhánh bông vạn thọ cắm vào bình, cái dĩa trái cây có ba quả hồng nhỏ xíu bằng ba ngón tay chụm lại. Má nó, nó, vợ nó, đứng cắm nhang, xá xá mấy cái. Chưa hết nửa cây nhang tàn, má nó nói: “Đi về con, má có hẹn đi coi vải với cô bảy, lẹ lên con, hông có trễ.”
                 
                Đứa con gái, lẩm bẩm khấn ông: “Ba, con biết con làm ba buồn khi còn sống. Con chỉ tiếc không làm ba vui khi đó. Khi ba mất, ba chẳng để lại gì cho con, con không giận ba. Con cám ơn ba đã dạy con, con nhớ hoài lời ba dạy. Ba biết ba dạy con điều gì không? Ba còn nhớ lời ba viết trong cuốn sổ tay không? Ba viết:
                 
                                        Của ông bà như của hương hoa
                                        Của cha mẹ là của ngoài sân
                                        Của làm ra là của trong nhà
                                        Của thiên hạ, nó có chân nó chạy.”
                 
                Cô gái ngồi chờ cho nhang tàn, cô thu dọn đồ vô giỏ, chùi chùi lại cái hình của ông. Cô lẩm bẩm nói gì đó với ông trước khi lặng lẽ đạp xe về. Khi cô ra khỏi nghĩa trang, trời bắt đầu đổ mưa. Vài hạt. Đôi hạt nặng rơi. Cơn mưa bất ngờ lớn hạt rồi ầm ầm trút xuống như thác đổ. Cô gái lau những hạt mưa quất vô mặt. Cô thấy mặn mặn ở môi. Nước mắt cô rơi hay những hạt mưa rơi.
                 
                 

                Lá bối.
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.10.2007 19:50:01 bởi la boi >
                #83
                  la boi 26.10.2007 20:24:31 (permalink)
                  #84
                    la boi 27.10.2007 21:46:54 (permalink)
                    Nửa hồn thương đau.
                     
                     
                    Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa
                    Cho tôi về đường cũ nên thơ
                    Cho tôi gặp người xưa ước mơ
                    Hay chỉ là giấc mơ thôi
                    Nghe tình đang chết trong tôi
                    Cho lòng tiếc nuối xót thương suốt đời

                    Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau
                    Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau
                    Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào
                    Anh ở đâu? Em ở đâu?
                    Có chăng mưa sầu buồn đen mắt sâu

                    Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt
                    Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất
                    Và tiếng hát và nước mắt

                    Đôi khi em muốn tin
                    Đôi khi em muốn tin
                    Ôi những người ôi những người 
                    Khóc lẻ loi một mình.

                    Khóc... lẻ loi một mình.
                     
                     
                    Phạm Đình Chương
                    #85
                      la boi 29.10.2007 09:02:12 (permalink)
                      Thời đại điện tử này, chẳng cần phải trông ngóng từng ngày, từng tuần, hay cả tháng trời để có thể nhận được một lá thư bay từ nửa vòng trái đất mới đến tay mình. Chỉ cần không quá mười hay mười lăm phút là lá thư điện tử đã nằm trong hộp thư điện tử rồi. Những lá thư của thời đại mới, có nhiều chức năng khiến con người ta yêu thích hơn. Nó nhanh đến tay mình. Có khi còn có những tấm hình ảnh thật đẹp, có khi lại được nghe nhạc, tất tất cái gì cũng hiện đại.
                       
                      Thế nhưng, tôi lại yêu những lá thư thuần túy viết trên giấy học trò hoặc trên những tờ giấy mỏng xanh. Những lá thư đã ngả màu, những tờ giấy mỏng đôi khi có những đường sờn rách ảo não. Mùi thơm của giấy, một mùi hương nhẹ như mùi của thời gian. Những phong thư vẫn còn những con mộc đỏ, tên thành phố, ngày-tháng-năm gởi đi. Màu mực viết thư, đôi khi là loại mực thấm, có khi chữ đã bị lấm lem và nhòa đi vì nước mắt người đọc. Nét chữ người viết, đọc sao mà thân quen.
                       
                      Thời gian đợi chờ những lá thư tay cũng thật là vàng ngọc. Một lá thư gởi đi. Một tuần trông ngóng trôi qua. Tuần lễ thứ hai. Tuần lễ thứ ba. Thậm chí, có khi phải tới sáu tháng sau mới nhận được thư hồi âm. Chao ôi, bàn tay run run cầm lá thư trong tay mà tim phập phòng. Những ưu tư, thắc mắc được giải đáp trên tờ thư. Nước mắt nhòe đi mà môi thì mĩm cười. Những lá thư chuyên chở tình cảm của người thân từ vạn dặm đến tay. Sao mà không mừng, sao mà không thương tâm, sao mà không tủi. Những cảm xúc cứ hỗn độn không phân định được.
                       
                      Những địa chỉ trên phong bì cũng thay đổi theo tháng năm, chỉ trừ tên người nhận là vẫn như thế. Những phong thư xanh, trắng, viền xanh đỏ. Những con tem muôn màu sắc với những hình ảnh khác nhau. Những con dấu thành phố cũng mờ nhạt màu đỏ sẩm theo thời gian.
                       
                      Những lá thư tay được cất kín, dấu kỷ trong một chiếc hộp nào đó. Thường là những chiếc hộp thiếc đựng bánh hay chocolat khi không còn bánh kẹo nữa. Có khi không hẵn chỉ là những lá thư mà thôi. Có khi còn có cả những món vật kỷ niệm nho nhỏ, những tấm hình từ thời ấu thơ, những cánh hoa dại được ép khô. Có khi lại là những bài thơ yêu thích nào đó được chép trên một mẩu giấy học trò, bằng mực tím, rồi vẻ vời hoa lá trên ấy, rồi được gấp lại, xếp trân trọng trong kho tàng quý báu là cái hộp thư đó.
                       
                      Chỉ có thế, đơn giản chỉ là những lá thư viết trên giấy học trò. Những lá thư với những tình cảm chứa chan được nâng niu, trân quý vô cùng. Ôi những lá thư tay!
                       
                       
                      Lá bối.
                      <bài viết được chỉnh sửa lúc 29.10.2007 09:12:12 bởi la boi >
                      #86
                        la boi 30.10.2007 01:50:33 (permalink)
                        Câu chuyện đọc đã lâu, khi ấy tôi vẫn chưa nhận thức được điều câu chuyện muốn nói. Nhưng hôm nay, chợt nhớ lại câu chuyện, tôi thấy dường như bài học từ câu chuyện đã là một phần đời trải nghiệm của mình. Câu chuyện như thế này….
                         
                        Nơi một công viên nọ, một chàng trai hãnh diện khoe với mọi người về bức hình trái tim trong trắng, hoàn hảo tuyệt đẹp của mình. Ai nấy đều trầm trồ khen ngợi không tiếc lời. Chàng trai sung sướng vì được mọi người tán thưởng.
                         
                        Một ông lão đứng xem gần đấy, bước đến cũng bắt chước chàng thanh niên, vẽ nên một bức tranh lạ. Nhưng bức tranh của ông sao mà xấu xí. Ngắm nhìn mãi người ta mới nhận ra được đó là hình một trái tim.
                         
                        Chàng thanh niên thắc mắc sao trái tim đó lại có nhiều màu sắc, hình thù quái dị? Ông lão mỉm cười hiền lành giải thích: trái tim ông không hoàn hảo bởi nó chứa đựng những trải nghiệm cuộc sống, nó trưởng thành theo thời gian. Trái tim của ông chứa những mảnh tình của cha mẹ là phần to tát; chứa những mẩu nhỏ có màu sắc tươi sáng, có những màu sậm tối, đó là những tình cảm của anh, chị, em, con cái, bạn bè, người quen, những người tình cờ gặp trên đường đời. Trái tim ông lão không tròn vẹn, vì nó còn có những chổ lồi lõm, thiếu hụt trông đến thương tâm. Những chổ khuyết và mất mát ấy ư? Đó là phần tôi trao đi mà không nhận lại được, chàng trai trẻ ạ. Trái tim muôn màu này, nó là kết tinh của những tình cảm mà tôi thu nhặt được trên hành trình sống của mình. Đó là sức sống, là niềm hy vọng, là nổi đau đớn khi bị mất mát, là niềm vui trọn vẹn khi được đủ đầy.
                         
                        Chàng trai trẻ suy tư lời ông lão. Thế rồi anh cắt lấy một phần tim trong trẽo của mình mà gắn vào tim ông lão. Ông già cũng gởi tặng lại anh một phần trái tim của ông. Giờ đây, trái tim chàng trai có một mảng màu khác. Trái tim của anh nó đã có một vết sẹo.
                         
                        Trái tim chàng trai đã không còn hoàn hảo nữa. Anh nhận ra vẻ đẹp của trái tim, nó đẹp vì biết chia xẻ, biết hòa nhập, biết yêu thương, biết sống, biết vị tha, và biết cho đi. Giờ đây chàng trai trẻ hiểu được trái tim anh cần biết đau, biết buồn, biết khóc để có thể cảm nhận nhiều hơn nữa. Anh không còn trốn tránh, không còn sợ làm trầy sướt, không  còn sợ trái tim bị tổn thương nữa.  
                         
                        Anh mỉm cười, bắt tay chào những người bạn đi qua đời mình, bằng lòng đi song hành với những người bạn tình cờ gặp phải. Chấp nhận hiện thực. Trái tim anh trở nên nhạy cảm hơn, sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn, yêu đời hơn.Trái tim anh cần được bào dũa để luôn tỏa sáng.
                         

                         
                         
                        Lá bối.
                        #87
                          Đông Nghi 30.10.2007 08:57:42 (permalink)
                          Bài viết hay.Cám ơn bạn.
                          Đông Nghi
                          #88
                            la boi 30.10.2007 19:19:28 (permalink)
                            Chào Đông Nghi, cám ơn bạn ghé chơi và có lời khen.
                             
                             
                            Anh là một người trầm lặng, ít nói và khó cởi mở với mọi người. Bạn đồng nghiệp "né" anh vì cái tính thẳng và nóng như Trương Phi ấy. Anh luôn sẳn sàng những câu nói lạnh lùng như tạt nước vào mặt kẻ khác, hay những cú đấm nếu bắt buộc phải có. Thời gian gần đây, anh vượt được những khó khăn, phiền muộn xãy đến do cái tính khó ưa ấy gây ra.
                             
                             Một lần anh tâm sự: "Cậu có biết làm sao mà mình có thể vượt thoát hết những phiền toái đó  không?". Tôi lắc đầu. Anh hãnh diện nheo mắt bảo: "Tôi chấm dứt những cuộc đấu khẩu, những cuộc vật lộn với người khác, mà bắt đầu đánh vật với chính mình". Và anh đã thắng.
                             
                            Và tôi, cũng đang bắt đầu bài học của anh. Tôi đang vật lộn với chính mình!
                             
                             
                            Lá bối.
                             
                             
                             
                             
                            #89
                              la boi 31.10.2007 23:21:42 (permalink)
                              Lá rời cành vì gió cuốn lá đi?
                              Cành trơ vì lá chẳng còn quyến luyến?
                              Cây ngơ ngác hỏi lá bay về đâu?
                               
                               
                              Mây trôi vì theo chân gió?
                              Gió chuyển mình cuộn mây về đâu?
                              Nắng soi ngày mới hay đốt cháy hồn nhau?
                              Mưa thấm hồn hay mưa lau giòng lệ?
                               
                               
                              Bốn mùa
                              Thời gian đi
                              Em chờ
                              Anh đợi.
                               
                               
                               
                              Lá bối. 
                               
                               

                              #90
                                Thay đổi trang: << < 456 > >> | Trang 6 của 11 trang, bài viết từ 76 đến 90 trên tổng số 153 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9