. E. Làm tự điển Từ đây, người làm tự điển, không thể theo phương pháp xưa nữa, tức không thể chỉ kể có hai loại ngữ nguyên là NÔM và HÁN VIỆT mà được nữa.
Chúng tôi không trình bày dài dòng mà chỉ đưa ra vài thí dụ là rõ ràng nhứt (Và xin trình theo ý niệm chớ không theo trật tự A, B, C).
THANG: Danh từ, do danh từ của dân Mã Lai đợt II, tức Lạc bộ Mã TANGGA mà ra. Danh từ nầy cũng được người Chàm biến thành THANG y hệt như ta về tự dạng, nhưng lại dùng để chỉ cái nhà vì vào cổ thời, họ và ta đều ở nhà sàn, muốn lên nhà, phải nhờ cái THANG. Danh từ nầy cũng được Nhựt Bổn biến thành TANA nhưng để chỉ CÁI KỆ, có nhiều bậc như cái THANG.
TẦNG: Danh từ, do danh từ Tangga nói trên. Dân Lạc bộ Mã chỉ có một danh từ là Tangga để chỉ ba món:
Cái Thang, Tầng Bậc và
Sàn Nhà. Dân ta cũng dùng danh từ đó, nhưng biến dạng để tránh cái khuyết điểm đồng âm làm rối loạn ngữ vựng.
SÀN: Danh từ, do danh từ Tangga, được biến dạng vì mục đích nói trên. Sự biến dạng nầy giống hệt lối biến dạng của đồng bào Thượng, họ phát âm là SÀNG, nhưng chỉ dùng với hai nghĩa, y như người Chàm là Thang và Nhà. Họ không gọi cái món mà ta kêu là SÀN NHÀ, bằng danh từ nào cả.
MÓNG: Danh từ riêng của Lạc bộ Trãi, tức của Mã Lai đợt I, có nghĩa là cái Thang, một số đồng bào Thượng còn giữ được, nhưng ta đã mất. Tuy nhiên, danh từ nầy vẫn còn nằm trong ca dao tục ngữ ta: “Móng đàng Đông, cầu vồng đàng Tây”. Hiện nhiều người Việt cũng gọi cái MÓNG là cái Thang để lên trời.
Hiện nay trong lãnh thổ Việt Nam, danh từ Thang thắng thế, và danh từ Móng được rất ít nhóm Thượng dùng, kể cả những nhóm Thượng Trãi 100% vẫn dùng danh từ SÀNG (có G).
CẲNG: Danh từ riêng của Lạc bộ Mã, gốc tổ không biết ra sao, nhưng được các dân tộc biến như thế nầy:
Phi Luật Tân: KAKI
Mã Lai Á: KAKI
Anh Đô Nê Xia: KAKI
Jêh: GAKI
Nhựt Bổn: ASHI
Rôglai: TACAI
Chàm: TCAY
Rađê: TCAY
Giarai: TCAY
Việt Nam: CẲNG
Hiện nay, danh từ riêng của Lạc bộ Trãi thắng thế trong lãnh thổ Việt Nam. Đó là danh từ CHƠN, được toàn thể đồng bào Thượng dùng, không kể Rađê và Giarai.
THANG: Danh từ vay mượn của ngoại chủng (Trung Hoa) vốn có nghĩa là Nước nóng, được chính người Tàu đồng hóa với loại thuốc nấu sắc trong nước nóng mà họ gọi là THANG DƯỢC. Dân ta vay mượn, nhưng có biến nghĩa:
THANG THUỐC: Gói thuốc
THUỐC THANG: Thuốc men. Điều trị, săn sóc con bịnh.
LANG THANG: Trạng từ riêng của Lạc bộ Mã, dưới hình thức LALANG và LA BANG. Người Việt miền Nam đã bắt chước người Phù Nam, thuở họ di cư vào Nam năm 1623 mà người Phù Nam còn tồn tại ở Đông Phố, thế nên dân miền Nam mới biến LA BANG thành LANG BANG mà không nói theo gốc Bắc, cũng không bắt chước Chàm vì Chàm chỉ nói LALANG mà không nói LABANG.
CỐC: Chén uống rượu làm bằng phalê hoặc thủy tinh. Danh từ nầy vay mượn của ngoại chủng (Ăng lê, nó vốn là CUP, xuất hiện từ thời chúa Trịnh mà các phái đoàn của công ty Đông Ấn Độ tặng vị chúa ấy nhiều món quà trong đó có cái CUP).
LY: Chén uống rượu làm bằng thủy tinh hoặc pha lê. Danh từ nầy là danh từ riêng của miền Nam, vay mượn của lưu vong nhà Minh trong đó có người Quảng Đông họ gọi món ấy là PỐ LÝ PÚI.
Ta nuốt mất PỐ và PÚI, chỉ chừa lại Lý biến thành LY. (Pố-lý-púi = Pha lê bôi = chén rượu làm bằng chất pha lê).
HÀNG: Danh từ, gốc Hoa: chỗ bầy bán. Thí dụ: Cửa hàng.
HÀNG: Danh từ, gốc Lạc bộ Mã là BARANG biến dạng ra: Vật để bán. Rất nhiều người lẫn lộn hai danh từ nầy cứ tưởng cả hai đều có gốc Hoa. Sự thật thì VẬT ĐỂ BÁN, Tàu gọi là HÓA chớ không bao giờ gọi là Hàng. HÀNG của họ chỉ có nghĩa là CỬA TIỆM không bao giờ có nghĩa là hóa phẩm. Ta ngộ nhận vì đã chót sáng tác danh từ HÀNG HÓA gồm một tiếng Mã Lai Barang biến dạng và một tiếng Tàu gọi là HÓA VẬT, HÓA PHẨM và Nam Dương gọi là BARANG.
Danh từ hàng hóa được sáng tác sai nguyên tắc là ghép một tiếng Lạc với một tiếng Tàu, khiến ta quên mất là HÀNG là của ta, ngỡ là của Tàu.
Đó là nguyên tắc của riêng ta, không ghép tiếng Lạc với tiếng Tàu, nhưng Nhựt Bổn thì xem lối ghép như thế là đúng nguyên tắc, và chính vì thế mà họ quên ngữ nguyên của rất nhiều danh từ của họ.
BÁC: Động từ gốc Hoa: Từ chối một lời xin, không nhận một kiến giải.
BẤT: Động từ riêng của miền Nam, dùng với cái nghĩa BÁC của miền Bắc, nhưng không phải là đọc sai từ Bác mà là do ngữ nguyên Phù Nam họ nói là Batal = Bác bỏ.
F. Sự cạnh tranh ráo riết giữa danh từ của hai thứ Mã Lai Như ta đã nói ở hai quốc gia Nhựt Bổn và Việt Nam, có hai thứ Mã Lai, bọn Austroasitiques (Lạc bộ Trãi) và bọn Austronésiens (Lạc bộ Mã).
Muốn biết danh từ nào của ai, khi có hai danh từ chỉ một vật thì không khó biết lắm vì Nam Dương là Lạc bộ Mã thuần túy, Đại Hàn là Lạc bộ Trãi thuần túy.
Nhưng Đại Hàn đã mất danh từ hơi nhiều, nhưng ta cũng còn phân biệt được như thường, các thứ danh từ, bằng vào danh từ của Thượng Việt.
Như vậy thì ở Nhựt và ở Việt có sự cạnh tranh, khi nào không hợp tác. Ta đã thấy cả ta và Nhựt đều dùng danh từ của Mã, lại vừa dùng danh từ của Trãi, nhưng không phải luôn luôn như vậy.
Mà tại sao lại không hợp tác để được phong phú mà lại cạnh tranh với nhau thì không thể biết được nếu bằng vào dân số.
Chúng tôi đã truy ra rằng người Mường là Lạc bộ Mã. Như thế thì ở V.N. Lạc bộ Mã rất kém về dân số, thế mà danh từ của họ cũng thắng được danh từ của ta như Chó, Cua, Ăn.
Ở Nhựt thì không thể biết số lượng của hai thứ Lạc, chỉ thấy rằng có kẻ thắng trận và kẻ chịu thuần phục. Tuy nhiên, thường khi danh từ của bọn thuần phục là bọn Trãi cũng toàn thắng, như Mẹ, Anh, Chị, Chó, Chim.
Bọn Trãi nói TÔ là Chim nó có mặt ở Nhựt và ở Trung Mỹ, chớ không có mặt ở Việt Nam, nhưng chính ở Nhựt, danh từ TÔ thắng danh từ Bùrông của bọn Mã.
Bọn Trãi nói chim, có mặt từ Đại Hàn tới Cao Nguyên Việt Nam (xin xem lại biểu đối chiếu về danh từ Chim).
Thế thì nói SÊ, hay nói TÔ, cũng cứ là nói theo bọn Trãi, tức phe Thiên Hoàng đại bại về danh tức Chim.
Ta có thể tưởng tượng ra sự cạnh tranh ráo riết giữa hai phe nhóm, nhưng ta rất tư lự về phương pháp cạnh tranh. Làm thế nào mà phe thiểu số (ở Việt Nam) và phe bại trận (ở Nhựt Bổn) lại cạnh tranh thắng lợi với phe cầm quyền?
Qua nhiều Chương, chúng tôi đã phỏng đoán vai trò văn hóa của bọn tới sau ở V.N. và bọn cũ, ở Nhựt Bổn.
Ta cứ nhìn vào người Mường ngày nay rồi so sánh họ với ta, và không chịu tin rằng cách đây 2500, ta kém họ. Ta quên mất rằng cách đây 2500 năm, ta đã tiếp xúc với đủ các thứ người, vì các cuộc xâm lăng, nhứt là bốn cuộc xâm lăng lớn (Thục Vương Tử, Lộ Bác Đức, Mã Viện, Pháp), còn người Mường thì thủ phận khách trọ và ở ẩn, ngay sau cuộc xâm lăng đầu (Thục Vương Tử).
Bị xâm lăng, tuy có đau đớn, nhưng đồng thời, ta cũng có thọ lãnh cái gì ở ngoài mà ta không có, hoặc thọ lãnh một sự kích thích để mà tiến lân.
Như vậy, trước năm 500 T.K. hẳn là ta phải kém hơn người Mường ngày nay. Tuy ta đã lập quốc, nhưng vua Hùng trơ trọi, không như bọn Lạc bộ Mã, họ đã hùng cường tại Hoa Nam và được sử Tàu nói đến. Nước U Việt của Câu Tiễn được đếm xỉa tới, không kém gì các nước thuần túy Trung Hoa thuở đó.
Bọn Mã đã có danh từ riêng để chỉ ĐỒ SỨ thì biết họ có văn minh hay không, còn ta thì chưa chắc đã biết chế tạo đồ sứ vào thuở ấy.
Kỹ nghệ ghép của U Việt cũng được sử Tàu ca ngợi (Kiếm Mạc Da) thì đủ biết họ có giỏi hay không.
Ở Nhựt thì khác, chính bọn Mã thắng trận ở Nhựt. Mã thì đã giỏi, như đã thấy, nhưng dầu sao, họ cũng kém Tàu, bằng không, họ đâu có phải bỏ nước để di cư.
Mà bọn Trãi ở Nhựt thì lại tiếp đón hằng triệu người Tàu từ nhiều trăm năm rồi (127 huyện Hoa Bắc).
Thành thử ở Phúc Kiến, Trãi lại tài hơn Mã về công kỹ nghệ, cố nhiên, chớ về quân sự thì họ bại trận, như đã thấy.
Không thể biết tình hình dân số ở Nhựt được phân bố ra sao, ta cũng quan niệm dầu rằng danh từ của bọn Trãi mà thắng thế ở Nhựt, cũng cứ nhờ văn hóa của bọn Trãi đã cao.
Học với hàng triệu người Tàu trong vòng ba trăm năm, hẳn là phải khá lắm, thế nên bọn thắng trận hóa ra phải học với quân bại trận, vì bọn bại có những cái mà bọn thắng chưa có. Những món như là Tansu, Tant - subo đều là của Tàu đưa tới do trung gian của bọn thua là bọn Trãi.
Nhưng nếu bị cật vấn về chi tiết thì khó lòng mà trả lời cho trôi. Tại sao ở Nhựt, danh từ Chó của Trãi đã thắng, còn ở V.N. danh từ Chó của Trãi thua, chẳng những thua ở lưu vực Hồng Hà, mà khắp Cao Nguyên đều thua? Tại sao ANH của Trãi lại toàn thắng ở Nhựt và ở Việt Nam?
Tại sao Nhựt lại phong phú hóa bằng cách dùng Cập (của Trãi) và Đôi (của Mã, nhưng ở các trường hợp khác, họ không làm như thế mà chỉ lấy của Trãi hoặc của Mã không mà thôi, thí dụ họ có CẲNG mà không có CHƠN như ta?
Qua 5000 năm lịch sử, nhưng danh từ Trãi ở Nhựt và ở Việt đi riêng, tiến hóa khác nhau. Ta chưa biết Sa-nada rụng đuôi thành Sán hay Sán mọc đuôi thành Sa-nada nhưng cú pháp thì đã khác nhau. Ta nói Sâu sán, Nhựt nói Sán sâu. Ta lại bỏ Sâu, Nhựt còn giữ. Văn phạm cũng khác, ta nói
Có Sán, Nhựt nói
Sán là có. Nhưng ai đúng gốc tổ ? Hình như là Nhựt. Ta nói quá giống Tàu: Tôi có sán (Ngô hữu sán trùng). Nhựt nói khác Tàu rất xa: Tôi chi Chân điền trùng hữu.
Vậy cú pháp của ta còn là cú pháp Mã Lai (Sâu Sán còn cú pháp của Nhựt là cú pháp Tàu, còn văn phạm của Nhựt còn giữ được tính cách Mã Lai).
Trong cuộc tiếp xúc lớn lao và lâu dài với Tàu, ta cứu vãn được cú pháp, Nhựt cứu vãn được văn phạm. Xin đừng quá tin rằng văn phạm hiện nay của ta là của tổ tiên ta.
Nhưng trái lại ta cứu vãn được nhiều danh từ hơn Nhựt, nhứt là trước thời Lê Trịnh mà cả ở Bắc Việt cũng nói Bông, Trái chớ không nói hoa, quả.
Như thế, ta với Nhựt, ai mạnh cá tánh hơn ai? Không nên kết luận mà nên giải thích. Ta bị mặc cảm bị trị nên ta cố chống lại, thành thử ta cứu vãn được nhiều hơn. Trái lại Nhựt không bị trị nên tự do để sự thán phục thu hút họ, và họ không ngại mà vay mượn, cả ở những trường hợp không cần thiết, ta tiếp tục nói DÃY NÚI, họ, họ dám nói RENPOO một cách cố tình, tự động, vì họ không sợ mất mát bởi không lâm nguy. Sự thọ nạn, đôi khi lại có lợi hơn sống tự do.
Ta không nên mặc cảm, hoặc tự khinh vì đã vay mượn “quá nhiều” của Trung Hoa. Nhựt còn vay mượn nhiều hơn ta nữa. Vả lại không có dân tộc nào thoát hết và chính Trung Hoa cũng đã vay mượn của man di hơi nhiều. Thí dụ:
Mã Lai Trung Hoa Nana (Dứa, Thơm) Ba La
Mí Ba La mật
Chuối Tiêu (đọc là Chéo)
Dừa Da (đọc là Ya)
Tàng (Đường) Đường (đọc là Thải)
Pinnang (Cau) Tân Lang (đọc là Pấn lạng)
Trầu Phù (đọc là Pu)
Việt (Rìu) Việt
Nõ Nỗ
Đó là chỉ có hai thứ man di, U Việt và Văn Lang, nhưng quanh nước Tàu, có hàng trăm thứ man di, và ai biết được cho nổi, số lượng danh từ mà họ đã mượn, vả lại có ai chứng minh được rằng cây CHANH là ta vay mượn của Tàu, hay Tàu vay mượn của ta chăng?
Ở Hoa Bắc, địa bàn chánh của Tàu, Chanh có mọc được hay không mà họ có danh từ đó chớ ?
Có ai chứng minh được rằng QUẾ là ta vay mượn của Tàu hay Tàu vay của ta, chỉ biết là ở bên Tàu không có QUẾ, còn QUẾ NGỰ của Việt Nam thì tốt nhứt thế giới.
Vậy những danh từ trình ra trên đây, không phải muốn nói rằng Trung Hoa chỉ vay của ta có bấy nhiêu đó thôi. Và cứ thấy danh từ nào của ta và Hoa giống nhau, nhưng lại không có nghĩa gì cả trong Trung Hoa ngữ thì có thể nói được rằng họ vay của ta. Như Ba La Mật chẳng hạn.
Ba La Mật của Phật giáo là do họ phiên âm Paraga của Phạn. Nhưng Ba La Mật là trái mít, lại không dính líu gì với Ba La Mật Phật giáo hết và chỉ diễn tả ý niệm sau đây: “Loại trái có gai như trái Ba La (nana) và tên là MẬT (đọc theo Quan Thoại là MÍA, tức đọc sai MÍT chút ít”.
Hiện nay, Trung Hoa đã bỏ danh từ Chanh, mà nói theo Quan Thoại là Nỉng Múng. Đó là tiếng Anh lemon. Họ bỏ Chanh vì Chanh, thật ra không phải là danh từ của họ, mặc dầu trong các tự điển Trung Hoa có Chanh hẳn hoi.
Từ bao lâu nay, nhiều học giả nói Mất của V.N. do MỘT của Trung Hoa mà ra. Nhưng thật ra thì đó là động từ Mã Lai MATI mà cái bọn nói Mati thì được tiền sử học cho biết rằng không có chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, lúc di cư đi Nam Dương.
Chúng tôi trình ra trong quyển sử rằng các dân tộc sau đây đều gọi hoa lài giống Trung Hoa: toàn thể các đảo Mã Lai, Thái, Cao Miên, Việt Nam. Nhưng trong Hoa ngữ thì Mạt lị hoa là gì? Có phải là tiếng phiên âm hay không?
Nếu bị mặc cảm thì Pháp cũng sẽ bị mặc cảm y như ta khi ta cân ngữ căn Hy La của họ với ngữ căn Trung Hoa mà ta dùng. Hễ cứ không có là phải mượn, điều đó không sao cả, miễn là có cái tối thiểu của một nền văn minh là đủ rồi. Ta có danh từ NHÀ, danh từ VẢI, động từ THỜ, danh từ Giường, Chiếu tức khi tiếp xúc với Tàu ta không còn sống lộ thiên, không còn nằm trên đất, không ở lỗ, không thiếu đời sống tinh thần với THƯƠNG, GHÉT, BUỒN, VUI, HÁT, XANG, THỜ. (Toàn thể đồng bào Thượng và Nam Việt đều có động từ Xang có nghĩa là VŨ, nhưng Bắc Việt hình như đã đánh mất rồi. Miền Nam thường nói Ca Xang, nhưng lại hiểu lầm rằng Ca Xướng. Nhưng họ nói Xang qua, Xang lại, để mắng các thiếu nữ chỉ đi tới đi lui mà không làm việc, là nói đúng theo đồng bào Thượng: Xang = Vũ.)
Ảnh hưởng ngoại lai đã xáo trộn lớn lao như thế nên khoa ngôn ngữ tỉ hiệu ở xứ ta không thể thực hiện như ở Âu châu được, ở bên ấy, họ đối chiếu cả cú pháp nữa, nhưng cứ được, vì không có ngoại nhân đưa ảnh hưởng vào ngôn ngữ Ấn Âu quá lớn lao đến làm đảo lộn văn phạm của họ.
Sự thoáng thấy của ông L. Auronssean, qua một đoạn trong
Sử ký của Tư Mã Thiên đã bị tiền sử học xô ngã.
Nhưng tưởng không có tiền sử học, ta cũng biết được sử học, ta cũng biết được sự thật: hiện nay người Tàu Hoa Nam, tức người Hoa gốc Việt, còn nói tiếng Nam Dương, mỗi tỉnh tuy chỉ giữ được có vài trăm danh từ nhưng đó lại là danh từ căn bản của một dân tộc.
Thế thì Việt là Lạc bộ Mã, còn ta là Lạc bộ Trãi, nên không nói giống Nam Dương như người Tàu Hoa Nam, hay nói cho đúng, chỉ giống phần nào thôi, vì cả hai thứ đều là Mã Lai hết. Nhưng hễ Mã thì phải giống Mã nhiều hơn mà Hoa Nam lại giống Nam Dương nhiều hơn.
Có ai dè rằng hiện ở Triết Giang, Tô Châu, người Trung Hoa không nói NGÃ, NGÔ, DƯ, gì hết, mà nói A LẠP để chỉ TÔI hay không.
Lạp chỉ là lối viết ra bằng chữ Tàu để diễn lu bù Phonène của ngoại quốc (Á rạp = A lạp, Chanh Ra = Chân Lạp) thì khó lòng biết Lạp là gì. Nhưng Lạp cũng có thể là LAK và ALẠP giống DALAK của Chàm vô cùng, và cũng cứ nằm trong khu vực AKU (Xin xem lại biển đối chiếu TÔI ở Chương I).
Bao nhiêu danh từ Tàu mà người Hoa Nam đưa vào Nông Nại Đại Phố, xem ra có đến 80% danh từ Nam Dương.
Sử học cứ chê ngôn ngữ tỉ hiệu vì sử học trễ đò, không biết ngữ học đã tiến đến đâu.
Và xét lại thì người Tàu cổ thời quá giỏi. Họ biết rằng Vua của nước Văn Lang là Vua của dân Lạc Địch đa số, còn Việt bộ Mã chỉ thiểu số, nên gọi ông là Lạc Vương mà không là Việt Vương.
Gọi dân, họ gọi là Lạc Việt vì họ biết đó là Mã Lai hỗn hợp. Sự kiện đặt Lạc trước Việt cũng cho thấy rõ là họ biết sự thật: Lạc Địch đa số, Việt bộ Mã thiểu số.
Người Tàu ưa nói bí hiểm, không bao giờ nói huỵch toẹt cái biết của họ ra. Nhưng khi ta phanh phui mọi việc, ta thấy họ biết quá nhiều sự thật, qua vài ba danh từ mà ta ngỡ họ đã dùng một cách phất phơ, không có ý thức gì hết.
Nhưng nhờ đâu mà họ biết? Nhờ vào thời Triệu Đà, họ còn biết ngôn ngữ Lạc Địch và ngôn ngữ của Việt bộ Mã.
Cho tới năm nay (1972) mà người Triết Giang, Tô Châu, Phúc Kiến cứ còn tiếp tục nói tiếng Nam Dương thì dưới thời Triệu Đà, dân ở đó hẳn còn nói tiếng Mã Lai rặc ròng.
Ngôn ngữ Lạc Địch cũng chưa chết, vì dân nước Tề dùng cái ngôn ngữ đó, mà dưới thời Triệu Đà, nước Tề bị sáp nhập vào với đại khối Trung Hoa chưa lâu.
Nên nhớ, Tần Thỉ Hoàng đánh nước Tề và nước Yên sau rốt hết. Ở Tề và Yên, dân chúng toàn là Lạc Địch, mặc dầu cấp lãnh đạo là Tàu. Mà từ năm Tần Thỉ Hoàng hạ Yên, Tề, đến thời của Triệu Đà, mới có 15 năm trải qua thôi, làm sao mà Yên Tề lại quên ngôn ngữ Lạc Địch được.
Vậy họ còn biết Lạc Địch và Việt là hai thứ, hai nhưng vẫn một, nên họ có phân biệt, nhưng cứ xem như là một: Lạc + Việt = Lạc Việt.
Mà Lạc chỉ là phiên âm sai lầm của Lai mà thôi.
Tin giờ chót: Cứ theo tin Mỹ thì Hà Nội đã tìm được thêm vài nhóm Thượng, nhưng Hà Nội và Mỹ lại gọi là Austroasiatiques. Đã bảo chưa ai biết phân biệt Austroasiatiques và Austronésieus hết thì phát giác của Hà Nội, chưa cho ta biết chắc những dân Thượng đó là Lạc Địch hay là Việt. Nếu họ là Lạc Địch thì con số 36 bộ lạc mà vua Hùng đã thống nhứt, của chúng tôi, ở một Chương trước, sẽ sai.
Người tìm ra các nhóm Thượng đó là ông Vương Hoàng Tuyên, nhưng không rõ ông V.H. Tuyên đã học các ngôn ngữ ở dưới nầy chưa, để mà đối chiếu đầy đủ, để biết chắc họ là Việt hay Lạc Địch. Ở dưới nầy có những nhóm Xi Tiêng, Mnong Gar, Churu mà người miền Bắc thiếu phương tiện nghiên cứu.
G. Tù, Sào là tiếng Tàu? Người bạn Trung Hoa của chúng tôi, đọc bản thảo của chúng tôi, cho rằng chúng tôi sai về chữ Tàu ở hai nơi:
I) Chữ Tù là tiếng Tàu, chớ không phải là tiếng Việt. Nhưng, như đã nói, khoa ngữ học đã khám phá ra có một số danh từ tình cờ giống nhau giữa các ngôn ngữ xa xôi với nhau. Tôi biết Tàu có TÙ, nhưng không xem đó là vay mượn của Tàu.
Nhờ sự trùng hợp tình cờ đó mà người Do Thái đã chủ trương từ nhiều trăm năm nay rằng tất cả nhơn loại đều đồng gốc, GỐC DO THÁI, và quả họ đã tìm được vài danh từ Trung Hoa, Mã Lai, Ấn Âu, trùng hợp với danh từ của họ. Thế nên thuyết ấy đã bị xô ngã từ ngày người ta khám phá được sự kiện trùng hợp ngẫu nhiên.
II) Về chữ Sào thì đặc biệt hơn, vì có vài sự kiện khác xen vào.
Cái chữ mà Trung Hoa dùng để kí hiệu ý niệm Cây Sào, miền Trung và miền Nam đọc là TIÊU, chớ không phải Sao hay Sào gì hết. Trung Hoa và Bắc Việt có đọc là Sao hay không? Chúng tôi không biết. Nhưng đã có tiền lệ là Trung Nam Bắc thường đọc không giống nhau.
Thí dụ cái chữ Tàu mà Trung Hoa dùng để kí hiệu ý niệm “Trà” vào cổ thời thì Bắc đọc là Dánh, Trung và Nam đọc là Mính.
Ngay ở Nam cũng có hai lối đọc cho độc một chữ Tàu. Thí dụ chữ Phủ (Phủ định, Phủ quyết). Cũng cứ cái chữ đó mà đúng trước danh từ VẬN thì bị đọc là Bỉ Vận mà không là Phủ Vận.
Tại sao đọc lung tung thế? Vì tự điển Tàu dạy đọc, bằng cách nói lái hai chữ, mà hai chữ có thể cho phép nói lái hai cách khác nhau ở một số trường hợp… Vả lại nói lái ở đây, cũng chỉ là nói lái bằng giọng Quan Thoại, chớ nói lái bằng giọng ta, thì nó sẽ đưa đi quá xa.
Tất cả Đông Nam Á đều có tĩnh từ XA, dưới hình thức nầy hay hình thức nọ, nhưng luôn luôn có âm XA, NGA, NA, trong đó thì XA của ta trùng hợp với XA của Tàu chỉ là sự ngẫu nhiên.
Nhưng sự kiện sau đây đáng được chú ý.
Người Nhựt kí hiệu cho danh từ chỉ ý niệm Cây Sào của họ, không phải bằng chữ Hán TIÊU, mà bằng chữ CAN khác hẳn ta là kẻ kí hiệu bằng chữ Tiêu.
CAN và TIÊU đều là CÂY GẬY, tức đều chỉ được ý niệm Cây Sào. Nhưng trong tình thế đó thì Sao của Nhựt và Sào của Việt, đồng gốc Tàu, hay đồng gốc Mã Lai?
Chúng tôi thấy trong tự điển Trung Hoa có danh từ CHANH mà khắp Đ.N.A đều có. Vậy Chanh là tiếng Tàu chăng? Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng thấy họ đã bỏ Chanh mà dùng danh từ LEMON của Anh. Nếu Chanh là danh từ của họ, hẳn họ đã không bỏ.
Lắm khi vì tình cờ, họ sáng tác giống hệt ta, và không theo dõi, cứ tưởng là ta học của họ. Thí dụ danh từ Serviette de toilette của Pháp, Bắc Việt sáng tác là Khăn Mặt, Khăn Bông, nhưng Nam Việt sáng tác là Khăn Lông. Ấy người Tàu sáng tác là Mao Cân. Đó là sự tình cờ, chớ người Tàu không có học người Việt miền Nam, mà người Việt miền Nam cũng không học của họ bao giờ.
Họ đã phiên âm Cát Rồng (Sa long) để chỉ cái Sarong của Mã Lai. Nhưng người Việt miền Nam sáng tác XÀ LỎN để chỉ cái QUẦN ĐÙI mà hoàn toàn không phải bắt chước Sa long.
Nếu cứ cho rằng cái gì cũng của Tàu, thì ta chẳng có ngôn ngữ nữa. Đa số bạn hữu của chúng tôi đều nói rằmg THEN CỬA của ta là do SAN của Tàu. Nhưng chúng tôi đã làm một bản danh sách đối chiếu về khoa kiến trúc thì thấy rằng ta chỉ học của Tàu có một danh từ Ngói = Ngỏa.
Chuyên = Gạch
Truyền = Kèo
Chuẩn = Mộng
Táo đột = Ống khói nhà bếp
Sa trù = Nhà bếp
Đõa = Nện đất
Để tử = Nền móng
Ám câu = Ống cống
Vân vân và vân vân. Còn những Lương, những Đống của Tàu, những Vì Kèo, những Con Đấu của ta có là đồng gốc hay không thì ai cũng đã biết rồi.
Đồ xưa là thế, đồ nay cũng khác biệt. Carreaúemaillé, Brique émaillée, Tàu sáng tác là Bạch-Từ-Chuyên = Gạch sứ trắng. Ta, ta nói gạch men. Men ở đây là men quí, loại trán chén, bát tốt, chớ không phải là men xoàng để trán gạch lót nền nhà. Bạch-Từ-Chuyên tức gạch men chỉ dùng ở kĩ nghệ, tức là kĩ nghệ điện, và để lót buồng vệ sinh, chớ không phải để lót nền nhà. Gạch lót nền nhà, Bắc Việt gọi là Gạch Hoa, Nam gọi là Gạch Bông, không phải là Bạch-Từ-Chuyên.
Có rất nhiều tiếng Việt gốc Hoa mà không ai biết, thí dụ Tô (tô phở), trong khi đó thì bao nhiêu tiếng Việt rặc ròng lại bị cho là gốc Hoa tuốt hết. Tìm ngữ nguyên rất khó.
Cái Lồng Chim, Trung Hoa gọi là LUNG, Nam Dương gọi là Kurông, mà tiền sử học cho biết người Nam Dương không có chịu ảnh hưởng Tàu khi rời Hoa Nam di cư đi Nam Dương thì Lồng do Kurông hay do Lung?
Muốn biết, xét một danh từ khác thì rõ.
Con Nhộng, Tàu gọi là Dõng, Nam Dương gọi là Ulatsarong. Thế thì còn biết ai cóp của ai?
Nhưng sách Tàu lại cho ta biết rằng hồi cổ thời, họ gọi con tằm là CHƯƠNG và TÀM chỉ là danh từ Mân Việt mà họ cóp. Sự kiện cóp, thấy quá rõ trong tự dạng: Trùng + Dụng. Có khối con sâu dùng được, thí dụ con
Đông trùng dạ thảo, sao con Nhộng lại là Trùng Dụng? Đó là tự dạng phiên âm. Tiếng Nam Dương: Ulát = Trùng.
Sarong không phải là Dụng, nhưng nó mang nghĩa không đẹp, nên Trung Hoa thay chữ Dụng vào đó, Sarong chỉ là quần áo. Ulat sarong = Con trùng mặc quần áo, tức con trùng ở trong cái kén.
Khi mà người ta cóp Tàm thì người ta cũng cóp luôn Nhộng. Người ta cóp luôn Ngài, vì con Ngài Nam Dương gọi là SƠRANGA mà chữ Hán là NGA. Nga viết là Trùng + Đẹp. Sự thật thì con Nga không có đẹp. Nga chỉ là danh từ phiên âm.
H. Nhựt và Khả Tu Nhựt đã biết rằng phân nửa dân Nhựt là người Nam Dương. Họ biết trước chúng tôi nữa.
Nhưng cái phân nửa khác là Lạc Địch thì họ biết sau chúng tôi, tuy sau, nhưng cũng đã năm mười năm rồi, và cứ theo tiết lộ của giáo sư đại học Nghiêm Thẩm thì họ đã định lên Cao Nguyên để tìm bà con.
Chúng tôi tin rằng họ tìm chưa được, vì họ với ta đều là Lạc Địch cả, thế mà họ không biết, không nằm tại Sài Gòn để nghiên cứu tiếng Việt, thì lên Cao Nguyên còn khó khăn hơn nhiều, giữa thời khói lửa nầy.
Nhưng nếu các Anata tìm chưa được, chúng tôi xin trình rõ về người Khả Tu cho các Anata để nghiên cứu.
Người Khả Tu ở trong Trường Sơn ngang tỉnh Quảng Ngãi về mặt vĩ tuyến.
Trong đại khối Mã Lai, danh từ CÁ của Khả Tu dài nhứt. Đó là KAĐOÓNG. Dài hạng nhì chính là Nhựt Bổn.
Toàn cõi Việt Nam đều nói:
Việt Nam: Cập
Thượng Việt: Kap
Nhưng riêng Khả Tu thì Kapu. Đó là một nhóm người có khuynh hướng mọc đuôi và quả các ông Nhựt cho đuôi mọc thêm, thành Kappuru.
Cái TRỨNG, Hán tự là ĐẢN, Quan Thoại đọc là TÁL. Nhựt Bổn vay mượn đọc là TAM. Thế là ổn. Nhưng tử âm M cuối, đã làm cho ông Nhựt nhức đầu, nên đọc TAM được vài trăm năm, ông ta mọc cái đuôi A, hóa ra là TAMA.
Tưởng thế là yên, vì đã hết tử âm cuối rồi. Nhưng nào có yên, vì còn cái khuynh hướng muôn năm của Khả Tu, vứt đi đâu.
Thế nên TAMA lại mọc đuôi thành TAMAG. Nhưng tử âm G cuối lại làm cho ông Nhựt nhức đầu, thế là TAMAG hóa thành TAMAGO. Từ đây tới năm 2010, danh từ Tamago của Nhựt sẽ là TAMAGON, rồi TAMAGONA rồi TAMAGONAN, rồi TAMAGONANU. (Tự điển Nhựt viết lầm là NOÃN. Noãn quả đúng là Trứng. Nhưng họ vay mượn ĐẢN chứ không phải Noãn.)
Ai không tin, cứ cố sống tới đó thì sẽ thấy. Tất cả các danh từ dài của Khả Tu và của Nhựt đều thành hình theo lối đó.
Đại khối Mã Lai nói LÁ, HALA, thế mà ông Khả Tu nói LAH LANG. Ông Nhựt đặc biệt chỉ nói HẠ, vì một lẽ nào chưa biết chớ đáng lý gì phải là LAHALANGANUISU.
Việt Nam và Thượng Việt nói Hô, Hố (cái hố) Khả Tu cho mọc đầu là Pahô. Việt Nam và Thượng Việt nói Bụi – Bui, Khả Tu cũng đa âm hóa cho được mới nghe là Ba – Ui.
Giữa Anh của Việt Nam và Anô của Khả Tu, đều có ba chữ. Nhưng Anô lại nhị âm chớ không độc âm như Anh. Mà Nhựt cũng nhị âm là Ani.
Tóm lại Lạc Địch Khả Tu có khuynh hướng đa âm hóa. Khuynh hướng đó đích thị là khuynh hướng của Nhựt Bổn.
Thế nên chúng tôi mới quả quyết rằng dưới thời Hùng Vương, ở Việt Nam thì bộ lạc Ađôuk lãnh đạo, còn ở Nhựt Bổn thì Lạc Khả Tu lãnh đạo.
Ta cứ tưởng tượng ra sự kiện sau đây. Khi rời Hoa Bắc để di cư, nhóm Khả Tu ghé lại Nhựt đông đảo, chỉ có một nhóm nhỏ là đi Đà Nẵng trong khi đó thì nhóm Ađôuk, cái nhóm có danh từ Sán (xơ mít) ghé lại Nhựt rất ít, còn đa số thì đi Việt Nam, vì danh từ của Khả Tu có mặt trong Nhựt ngữ nhiều hơn danh từ Mạ, hơn Bru, hơn Bacóh, hơn Việt Nam, tức ở Nhựt vẫn có đủ mặt các bộ lạc Lạc Địch của lãnh tụ Xy Vưu, nhưng Khả Tu là đa số.
Khả Tu hay Khả Lá Vàng gì cũng là danh xưng mà Lào đặt ra để gọi họ, còn họ tự xưng khác, bằng lu bù danh xưng. Khả có nghĩa là man di. Nhưng ngôn ngữ Khả Tu lại giàu nhứt trong các ngôn ngữ Cao Nguyên tức không có man di chút nào hết.
Tuy nhiên vì ở khít vách với kinh thành Indrapura, nên họ đã bị người Lâm Ấp nỗ lực đồng hóa và họ có dùng một số danh từ Chàm, tức danh từ Austronésiens, Lạc bộ Mã.
Thí dụ Cuống rún (rốn):
Rún thì họ nói như ta: Puun, tức nói theo Lạc Địch (Austroasiatique). Còn Cuống thì họ nói theo Austronésien là TALAI. Đó là Khả Tu ở quận Phù Hoa, còn Khả Tu ở quận An Điềm thì lại nói khác. Ngay chính trong cộng đồng Khả Tu ngày nay mà cũng có đến ba bốn bộ lạc nói khác nhau rồi.
Nhưng xin ông Nhựt coi chừng. VƯỜN thì Khả Tu nói là BƯƠN, còn chính ông, ông nói theo Cao Miên. Ông nó là SÔNÔ, còn Cao Miên nói là SUÔN.
Vậy bà con của ông đông đảo vô số kể trên Cao Nguyên mà kẻ gọi hướng Bắc y hệt như ông là người Khả Lá Vàng. Họ nói KITA. Nhưng khuyên ông đừng có đi tìm họ, vì họ ở Đèo Mụ Già, nơi đó là đất chiến lược của Việt Cộng, ông vào đó thì mệt cho ông lắm đấy nhé.
Ông đã biến nát danh từ của Nam Dương và của Thượng Việt khiến chúng tôi đọc lại giùm ông đến ngất ngư. Vậy ông có đi tìm bà con, chắc cũng nhọc xác lắm vì những danh từ còn nguyên vẹn như Ki, Kita rất hiếm vì Anô đã bị ông biến thành Ani, Anê, Sừng đã bị ông biến thành Tsuno, Sán (xơ mít) đã bị ông biến thành Sanadamushi rồi thì ông chẳng còn biết đường đâu mà mò nữa.
Tôi nói nữa, Sơ Đăng nói Nếo, ông nói Nao thì hơi phiền cho ông.
Và nếu ông Đại Hàn đi tìm bà con như ông lại còn chết một cửa nữa, vì ông Đại Hàn còn biến dữ dội hơn ông nhiều bực.
Ông Đại Hàn nói Na = Tôi: Muốn biết Na, phải biết Any của dân Mạ, Ni của Maya Trung Mỹ, tức phải đi từ Biên Hòa sang Mễ Tây Cơ.
Thảo nào mà danh từ nào của ông, ông cũng chua chữ Tàu vào đó hết. Thế thì dễ ăn hơn là đi tìm xa xôi, tốn tiền xe pháo. Từ đây ông nên viết ARI bằng Hiragana mà đừng viết chữ NGHỊ vào tự điển nữa, bởi vì Ari là của tổ tiên ông là Khả Tu chớ không phải của Tàu đâu.
Nhưng văn phạm của Khả Tu không khác văn phạm Việt Nam bao nhiêu, trong khi đó thì động từ Nhựt Bổn nằm ở đuôi một câu. Âu Mỹ rất quan tâm đến động từ và họ sắp loại ngôn ngữ Hàn và Nhựt vào ngôn ngữ An Tai chính vì vị trí của động từ Nhựt Bổn, tức Nhựt và Hàn đã lấy văn phạm An Tai, chớ không phải là văn phạm Mã Lai Hoa Bắc như chúng tôi đã nhận xét ở một Chương trước.
Khả Tu nói: Ku inuk kap anô inuk. Tôi chó cắn anh chó.
Nghĩa là chó của tôi cắn nhau với chó của anh.
Nhựt nói:
(Wat) Aku (Shi) nô inu wa watashi nô ani nô inu ga kamiau teiru.
Nghĩa là: Tôi CHI chó và tôi CHI anh CHI chó… đích thị cắn nhau.
Câu văn Nhựt trên đây không bảo đảm là đúng, vì chúng tôi viết theo sách dạy, không kỹ bằng có thầy. Nhưng chắc 100% là động từ
Cắn của Khả Tu nằm giữa, y hệt như của ta, còn động từ
Cắn nhau của Nhựt thì nằm ở cuối câu luôn luôn.
Cú pháp Khả Tu và cú pháp Nhựt giống hệt nhau.
Tôi chó (Khả Tu). Tôi CHI chó (Nhựt), Chó anh (Khả Tu), Chó CHI anh (Nhựt). Nhựt văn minh, thấy rằng
Tôi chó không ổn, nên thêm tiếng đệm NÔ có giá trị như CHI của Tàu.
Nhơn chi sơ, chớ không là
Nhơn sơ. Sự thêm thắt Nô của Nhựt là sáng tác của chủ đất cũ là bọn Trãi, dưới ảnh hưởng Phù Tô, chớ không phải của bọn từ Nam Dương lên, vì bọn sau tuyệt đối không biết Inu là gì. Cú pháp Nhựt đã thành hình trước khi bọn Mã đến nơi.
Còn thì danh từ giữa Nhựt và Khả Tu phần lớn giống nhau hết thảy.
Khả Tu Nhựt Ku = Wat Tô (Aku) shi = Tôi
Inuk = Chó Inú = Chó
Káp = Cắn Kamiau = Cắn nhau
Anô = Anh Ani = Anh
Vả lại cả hai đều giống ta, nhứt là Kamiau của Nhựt giống
cắn nhau của ta hơn là giống Kap của Khả Tu. Anô, Ani của họ với Anh của ta cũng chỉ là một. Còn Watakushi và Ku thì đồng gốc với TÔI (xem lại Chương I)
Chỉ có Chó là Lạc Địch, Nhựt với Lạc Địch và Khả Tu giống nhau. Lạc Địch Đại Hàn và Lạc Địch Việt Nam thì nói Cầy.
Chó, chỉ là danh từ của Việt, tức của Austronésien, tức của Lạc bộ Mã, tức của Mã Lai Hoa Nam, tức của Mã Lai đợt II, tức của Nam Dương, nó đã thắng thế khó hiểu ở xứ sở ta, mặc dầu kẻ phổ biến danh từ
chó chỉ là một nhóm thiểu số: người Mường, hồi năm 500 trước Chúa Giáng Sinh.
Phụ chú Ở V.N có ba bộ lạc Khả Tu, tất cả là một, tuyệt đối không có tiếp xúc với V.N. Khả Tu Phù Hoa và Khả Tu An Điềm có tiếp xúc với ta và đã học với ta những danh từ như đồng, thùng, xe. Trong vòng 10 năm nay họ có làm địa phương quan và có học thêm : Pháo, Gác, Phép, Phạt, Mỹ v.v.
I. Nhựt, Hàn và Việt Nam Tại sao, đều là Lạc Địch với nhau mà Đại Hàn, Nhựt Bổn lại không có những danh từ mà Việt Nam có?
Thí dụ: Bobo thì Thượng Việt gọi là Bokobo, Việt Nam gọi là Bobo, còn Nhựt thì phải mượn Ý DĨ của Tàu và đọc là BIKI?
À, ở đây thì sự quên đầu quên đuôi của ông Nhựt thấy rõ bông ra. Ổng dịch chữ BIKI ra Pháp ngữ là SORGHO. Thế thì đó là BOBO không còn chối cãi được. Vậy mà chua chữ Hán, ông ta lại chua chữ THỮ thành KÊ.
Người Nhựt rất giỏi, rất cẩn thận, thế mà làm tự điển, họ lại bê bối đến thế.
Biki là Kê hay là Ý Dĩ. Nếu là Kê thì tại sao lại dịch ra tiếng Pháp là Sorgho. Bằng như là Ý Dĩ, tại sao chua chữ Hán là Thử?
Ông Đại Hàn khá hơn. Ông cũng mượn tiếng Tàu, nhưng lại mượn Thục Thử chớ không mượn Ý Dĩ và ông đọc là SuSu. Như vậy là đúng. Nhưng khi dịch ra tiếng Pháp, ông cũng cứ dịch là Millet, tức KÊ. Có cái là ông không chua chữ Hán nên không biết ông sai hay đúng về chữ Hán. THỤC THỮ đúng là MILLET DES INDES, đúng là BOBO, là Ý DĨ.
Tóm lại, ông Nhựt sai về chữ Hán, ông Đại Hàn sai về chữ Pháp.
THỬ gọn lỏn, chỉ có nghĩa là KÊ. Phải là THỤC THỬ hoặc CAO LƯƠNG mới là Ý DĨ, chớ Lương gọn lỏn cũng là Kê chớ không là Ý Dĩ.
Trong danh từ Ngũ Cốc của Hạ, Thương, Chu, có Thử, nhưng Mã Viện lại chưa ra đời, chưa có ai mang giống Bobo về Tàu cả, tức Thử không phải là Bobo.
Ông Châu Văn Cán, nhà trí thức Trung Hoa ở Chợ Lớn, rất tinh thông Việt ngữ, định nghĩa ngũ cốc:
Đạo = Nếp
Mạch = Lúa mì
Tắc = Bắp
Thử = Kê
Thúc = Các thứ đậu
Trung Hoa cổ thời không biết Gạo, không biết Bobo, không biết Đậu nành, mặc dù Thúc là các thứ đậu. Đậu nành chỉ xuất hiện sau khi Tư Mã Thác diệt nước Thục, vì đậu nành được trồng ở nước Thục mà không được trồng ở Hoa Bắc.
Bobo cũng có mặt ở Thục (Thục Thữ) nhưng đó là Bobo xấu, nên Tàu không lấy giống Thục Thử trong biến cố Tư Mã Thác, đợi mấy trăm năm sau mới lấy giống Bobo Giao Chỉ.
Và họ cũng sáng tác Ý Dĩ mà bỏ Thục Thử, có lẽ vì hai thứ Bobo ấy có khác nhau ở chỗ nào đó.
Thục Thử đồng nghĩa với Cao lương, chắc nhỏ hột gần như là Lương tức Kê, còn Cao lương thì lớn hột hơn Lương gọn lỏn.
Thử = Hoàng lương = Kê
Thục thử = Cao lương = Bobo
Cứ đọc sử nhà Hán thì rõ. Mã Viện diệt Hai Bà Trưng rồi thì trở về Lạc Dương nhiều xe Bobo của Giao Chỉ để gây giống. Vậy Hoa Bắc không có Bobo. Đại Hàn, Nhựt đồng khí hậu cũng không có. Không có Bobo, họ làm thế nào để có danh từ.
Nhiều trăm năm sau Mã Viện, Bobo của Tàu mới sang Đại Hàn và Nhựt nhưng dưới cái tên khác, do Mã Viện sáng tác. Đó là tên Ý Dĩ (Bi ki)
Dĩ nhiên là Đại Hàn và Nhựt cũng chẳng có Chuối, Dừa, Mít, Mía, Đường gì cả, vì khí hậu của họ không cho phép các thứ ấy xuất hiện, và họ phải học của Tàu cả. Tàu cũng không có, và đã học với Giao Chỉ, nhưng họ văn minh cao, nên không có, họ cũng cố làm cho có.
Họ không có Bưởi, nhưng họ cả hai danh từ chỉ Bưởi, đó là CHỈ (Bưởi đắng) và DƯU (Bưởi ngọt). Nhựt chỉ mới học của Việt dưới trào Nguyễn và nói ZABON và PONKAN vì ta gọi Bưởi là Bồng.
Trái lại Đại Hàn và Nhựt có TUYẾT mà ta không có, phải mượn của Tàu, vì xứ họ có tuyết.
Hai nhóm Lạc Địch đó sáng tác chớ không mượn của Tàu. Đại Hàn gọi Tuyết là NUN, Nhựt gọi là YUKI.
Tàu có một câu tục ngữ Thượng cổ:
Việt khuyển phệ tuyết. = Chó Việt sủa tuyết. Chó Việt, mấy ngàn năm mới thấy tuyết một lần, nên nó hoảng, sủa dữ dội khi tuyết rơi ở đất Việt. Đất Việt ở đây là Hồ Quảng chớ không phải Việt Nam đâu nhé.
Vậy ba đám Lạc Địch đó, không giống nhau 100%, chỉ vì thế.
Nhiều người băn khoăn tự hỏi tại sao Lạc Địch Nhựt lại giỏi hơn Lạc Địch Việt Nam, mặc dầu người Khả Tu ở Đà Nẵng, chẳng giỏi gì hơn các đồng bào Thượng khác. Ấy chỉ vì Lạc Địch Nhựt cứ còn nằm trong môi trường cũ của chủng tộc. Lạc Địch ở Himalaya, rồi sang Hoa Bắc, thì cũng cứ là các xứ lạnh. Đến Nhựt, vẫn còn lạnh, nhưng khí hậu Nhựt lại tốt hơn khí hậu của hai nơi cũ rất nhiều.
Trong khi đó thì Lạc Địch Khả Tu và Lạc Địch Việt Nam lại rủi ro khi gặp khí hậu nhiệt đới.
Tâm hồn và trí não kẻ uống rượu thưởng thức cảnh tuyết rơi, rất cảm thông với loại văn thơ:
Lác đác rừng phong hạt móc sa Vì cả hai đều có rừng phong. Ta rất bỡ ngỡ với những tuyết, những liễu, những phong mà người Tàu đưa tới. Ta ca ngợi phượng vĩ, soan đâu, dừa.
Dân ăn nước mắm khác hẳn dân ăn tương đậu nành mặc dầu đồng máu mủ với nhau. Ta, ta ăn Ô MAI ngào đường cho vui miệng và Nhựt ăn U MÊ ngâm muối với cơm, tuy Ô MAI và U MÊ là một thứ, đó là quả mơ, nhưng hai lối sử dụng quả mơ như vậy không giúp cho hai kẻ cảm nghĩ giống nhau.
(Tự điển
Khai trí Tiến đức định nghĩa ô là đen, đen vì phơi khô. Nhưng xem ra ô chỉ là biến thể của U. Ô mai = U mê, chớ không có nghĩa gì là đen cả. Tàu đọc là MỤI mà không có ô, u gì cả, vậy ô của ta và u của Nhựt không do tiếng Tàu mà ra.)
K. Vớ Miền Bắc gọi VỚ là BÍT TẤT. Ở một Chương trong sách nầy, chúng tôi thú nhận rằng VỚ của miền Nam, có ngữ nguyên bí. Nhưng đã tự hào là biết hết cả các ngữ nguyên miền Nam thì không có quyền bí về VỚ. Thế nên chúng tôi học đêm học ngày và khi sách nầy được sắp chữ xong thì chúng tôi đã thành công và phải năn nỉ nhà in cho thêm đoạn nầy vào.
Từ Đông Bắc Á, đến Đông Nam Á, dân tộc nào cũng sáng tác danh từ nầy cả chớ không có mượn của Tàu, trừ Đại Hàn.
Thái Lan: Thoong taow sun
Nam Dương: Sarong kaki
Đại Hàn: Yal mal (Dương Miệt)
Nhựt Bổn: Kutsushita
Việt (Bắc): Bít tất
Việt (Nam): Vớ
Nhưng thật ra thì Việt miền Nam không sáng tác, và đây là ngữ nguyên ly kỳ nhứt trong mấy vạn danh từ Việt Nam.
VỚ chỉ là tiếng Tàu, đọc theo giọng Quan Thoại: WOÁO.
Nhưng không phải là giản dị như thế đâu, nếu giản dị như vậy, chúng tôi đã không bí.
Trung Hoa có danh từ HÓA, có nghĩa là ĐÔI HIA (giày Bottes). Đó là danh từ đời nhà Thương, bằng vào tự dạng của nó. Hóa viết như BIẾN HÓA, nhưng với bộ CÁCH là da thuộc (Cuir).
Chúng tôi biết đó là danh từ đời Thương vì có chứng tích. Cách + Hóa, tức là biến hóa da thuộc thành một món đồ. Dưới đời nhà Thương, họ chỉ chế tạo một món đồ độc nhứt bằng da thuộc là cái yên ngựa. HÓA là món đồ thứ nhì. Đó là lần thứ nhì mà họ biến Hóa da thuộc thành một món đồ. Nhưng cái yên ngựa là món đồ thứ nhứt, không được gọi là Hóa, vì họ đã có yên ngựa bằng vải mà họ trót gọi là YÊN, AN, nên HÓA không được dùng cho yên ngựa. Vậy Hóa, được kể như món đồ thứ nhứt, biến hóa da thuộc thành vật dụng.
Nhưng mang Botte đau chơn, thế là họ chế tạo bít tất. Nhưng không biết gọi là gì, họ đồng hóa hai thứ: BÍT TẤT và HIA, gọi cả hai là WOÁO.
Hàng ngàn năm sau họ mới sáng tác danh từ MIỆT để chỉ BÍT TẤT, nhưng đã quen miệng gọi Bít tất là WOÁO rồi, nên họ cứ tiếp tục như thế cho đến ngày nay mà không dùng MIỆT trong câu chuyện.
Các man di quanh họ, bị chinh phục trễ, nên không mắc phải cái nạn quen miệng và tất cả đều nói MIỆT, chẳng hạn Quảng Đông phát âm là MẠCH.
Ta, ta cũng bị chinh phục trễ, nhưng ta học với lính Tàu gốc Hoa Bắc họ nói theo thói quen là WOÁO, ta biến thành VỚ, còn Quảng Đông, Phúc Kiến, học với thầy đời Tần, nên nói theo các thầy là MIỆT. Các thầy là trí thức, phải theo sát sự tiến hóa của ngôn ngữ, lính là dân chúng, giữ thói quen cũ.
Mà như thế thì danh từ Vớ là danh từ gốc miền Bắc, vì chỉ có dân Lạc Việt ở lưu vực Hồng Hà mới có tiếp xúc với lính của Mã Viện mà thôi. Người Việt ở miền Nam tuyệt đối không biết giọng Quan Thoại vì Hoa Kiều ở miền Nam không phải là người Hoa Bắc. Miền Nam chỉ biết Quan Thoại từ trên 10 năm nay thôi, vì thấy Hoa Kiều học thì họ học theo cho vui, chớ từ năm 1623 đến nay họ chỉ nghe nói đến Quan Thoại, mà không hề nghe ai phát âm hết.
VỚ là danh từ được lưu dân từ lưu vực Hồng Hà mang đi Bắc bố chính rồi từ Bắc bố chính mang vào Nam.
Sau cuộc di cư đi Bắc bố chính thì đất tổ sáng tác BÍT TẤT, nhưng lưu dân không hay biết, tiếp tục nói VỚ.
Người Trung Hoa cổ thời đồng hóa hai món đó cũng có lý do vì Bít tất của Tàu, luôn luôn lên khỏi gối, bởi HIA đã lên tới gối rồi. Bít tất là bít đầu gối lại.
Đại Hàn mượn tiếng Tàu là MIỆT, đọc là MAL, nhưng vẫn thêm tĩnh từ DƯƠNG (Âu châu) ở trước Mal, bởi Miệt cũng cao lên khỏi gối, mà họ thì chỉ dùng Miệt Âu châu, tức Miệt ngắn.
Nhưng có chứng tích rằng dưới các trào Thương, Chu, Tần, Trung Hoa chỉ món Hóa bằng chữ Cách, tức bằng cái bộ CÁCH ngày nay, mà không có chữ HÓA, chỉ mới được thêm sau đây thôi và biến thành ngữ căn.
Bằng chứng thấy rõ là Nhựt Bổn đã vay mượn chữ đó dưới đời nhà Tần, để chỉ giày, nhưng đọc là CÁCH (Kutsu) mà không đọc là Hóa. Có thế nào mà Nhưt đọc sai chăng? Không. Ta thấy họ không có đọc sai tiếng Tàu nào cả, hay nói cho đúng, không sai quá xa như ta đọc PÍN ra TÂN mà không ra BẾN. Họ đọc chỉ sai một chút xíu, y hệt như Quảng Đông, Phúc Kiến hay Việt Nam, nhưng HÓA mà đọc ra Kutsu thì khác quá xa.
Họ cũng có để kháng y hệt như Việt Nam. Thí dụ XỨA là cái LƯỠI, ta đọc là THIỆT vì Thiệt là danh từ của Lạc bộ Trãi, ta đọc như vậy với tinh thần để kháng. Nhựt cũng đọc là ZETSU. THIỆT của ta, PIET của Thượng Việt và ZETSU của Nhựt đồng gốc Lạc bộ Trãi.
Nhưng trường hợp Hóa bị đọc là Kutsu thì không phải là để kháng nữa vì chủng Mã Lai chưa có món CÁCH vào thời đó, để mà có danh từ Kutsu.
Hóa chỉ là danh từ đời Hán y hệt như Miệt, còn trước đó, họ chưa ghép Hóa vào, mà chỉ viết là CÁCH nên Nhựt mới đọc là Kutsu.
Ta đọc Hóa (Woáo) là HIA, mà cũng đọc là VỚ có lẽ vì có hai nguồn vay mượn. Bình dân phát âm HIA, vì họ chỉ thấy Woáo mà không có dùng nên không biết cái món bên trong, cũng có tên là Woáo.
Bọn Lạc tướng có hợp tác, biết dùng đồ Tàu, đều sáng tác hết. Đây là một sự lạ. Tuy nhiên họ sáng tác, nhưng vẫn mượn tiếng Tàu phần nào, chẳng hạn ta đã mượn TẤT của Tàu, còn Nhựt thì sáng tác là KUTSU SITA, tức cũng đã vay mượn CÁCH của Tàu.
Sita là trạng từ Mã Lai, ở đây được dùng y hệt như Pháp (Sous trong sous- vêtements) Sita là ở dưới, nhưng ở đây nó mang nghĩa bóng là ở trong. Kutsu sita được ghi ra tiếng Tàu là HÓA HẠ, nhưng có nghĩa là HÓA NỘI.
Tại sao vào đời Hán, Tàu lại thêm HÓA vào? Là vì họ đã chế tạo rất nhiều vật dụng bằng CÁCH và lấy CÁCH là cái BỘ để cho biết ngữ nguyên. Thế thì họ phải phân biệt các món bằng một chữ khác nữa ghép vào với chữ CÁCH, nhưng các chữ phép khác, có nghĩa rõ ràng minh bạch chớ không mơ hồ như HÓA là món thứ nhì kể như thứ nhứt rất cổ mà đáng lý gì họ nên ghép CÁCH với CƯỚC chẳng hạn.
HÀI là danh từ có sau, có vào thời mà người Tàu ý thức hơn trong việc tạo tự dạng, nên họ ghép CÁCH với KHUÊ. HÀI rất đẹp, không thô kịch như HÓA thì cần ghép với một chữ có nghĩa đẹp, ngọc KHUÊ chẳng hạn.
Chữ HÓA vắng bóng trong từ điển Đào Duy Anh, vì đó là một danh từ gần như là chuyên môn, bởi trước khi Pháp đến vua quan ta không có may HIA chăng, mà chỉ may HÀI thôi?
Ta không có ảnh về những nhân vật của thời ta bị chinh phục, mà chỉ có các bức họa. Họa sĩ có thể bịa theo những gì họ thấy ở sân khấu hát bội. Theo các bức họa đó thì vua quan ta có mang hia. Nhưng sự vắng bóng của danh từ Hóa trong tự điển Đào Duy Anh, lại bắt ta nghĩ khác.
Thế thì ta có những danh từ rất non tuổi như CỐC, LY, BÍT TẤT, nhưng vì không biết do đâu mà ra, nên ta cứ tưởng là cổ lắm, không dè CỐC chỉ mới có từ khi các phái đoàn Ăng lê ve vãn các chúa Trịnh và Nguyễn, LY chỉ mới có sau 1623, và Bít tất chỉ mới có sau khi dân Việt di cư vào Bắc Bố Chính.
Trái lại, nhiều danh từ vay mượn từ thời Mã Viện, như WOÁO bị đọc là VỚ thì lại bị tưởng là do Nam Kỳ mới sáng tác riêng về sau.
Nếu Hoa Bắc không quen miệng gọi BÍT TẤT là WOÓA mà gọi là MIỆT (Dĩ nhiên là đọc theo Hoa Bắc) thì không bao giờ ai truy ra ngữ nguyên của danh từ VỚ của miền Nam được cả.
Nhưng đọc sách, không thể biết sự thật, vì cả sách Hoa Bắc ngày nay cũng trỏ Bít tất bằng chữ Miệt chớ không phải chữ HÓA. Nhưng dân chúng ở Hoa Bắc thì cứ tiếp tục gọi BÍT TẤT là WOÁO, mặc dầu họ đã có danh từ Miệt từ trên hai ngàn năm rồi.
Sách tham khảo - E. Sapir, Le langage, Introduction à l’étude de la parole, Paris 1953.
- J. Vendryes, Le langage, Introduction linguistique à l’histoire, Paris 1923.
- M. Cohen, Le langage: structure et évolution, Paris 1950.
- E. Benveniste, Problèmes de linguistique générale, Paris 1966.
- M. Leroy, Les grands courants de la linguistique moderne, Bruxelles 1963.
- B. Mulmberg, Les nouvelles tendances de la linguistique, Paris 1968.
- A. Meillet & M. Cohen, Les langues du monde, Paris 1964.
- A. Meillet, Introduction à l’étude comparative des langues indo-européennes, Paris 1937
- A. Meillet, La méthode comparative en linguistique histotique, Olso 1925
- M. Swadesh, Lexico statistie dating of prehistorie ethnic contacts, Newyork 1965
Bình Nguyên Lộc.
. Nguồn Xưa xuất bản. Sài Gòn 1971. Bản điện tử do talawas thực hiện.