(url) Về 100 bài thơ hay thế kỷ
TTL 18.05.2007 05:47:32 (permalink)
"100 bài thơ hay của thế kỷ". Xin xem ở đây:
http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=255292&mpage=7&key
"30 bài thơ hay và 70 bài thơ dở nhất thế kỷ 20" (tác giả Trần Mạnh Hảo). Xin xem ở đây:
http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=266401 



**********
 
Lên tiếng về 100 bài thơ hay thế kỷ (1)
Nguyễn Văn Lục

Làm thơ là một sự phi thường,
Chế Lan Viên

Kể từ lúc tôi đọc bài phát biểu của nhà văn Lê Lựu, ngày 11/3/2007, Giám Đốc Trung tâm Văn Hóa Doanh Nhân tại lễ ra mắt trung tâm đến nay, thời gian đã gần một tháng. Đã có một số không ít người lên tiếng chỉ trích việc tuyển chọn này. Tôi viết sau hóa chậm. Nhưng:

Đi xa về hoá chậm
Biết bao là nhiêu khê

(Chế Lan Viên)




Chế Lan Viên (1920-1989)
Nguồn: wikimedia.org












Vâng, tôi đã thấy biết bao là nhiêu khê trong tập 100 bài thơ này. Phần tôi vẫn kiên nhẫn chờ đợi không lên tiếng, không viết bài. Chỉ vì lý do đơn giản là tôi chưa có quyển sách trong tay.

Nay thì tôi đã có tuyển tập đó từ Sài Gòn gửi qua, tôi có một số nhận xét sau đây:

Cảm tưởng chung chung là ông nhà thơ Lê Lựu nói quá lời. Huyênh hoang và khoác lác quá, thiếu trung thực, che giấu sự thực về cách tuyển chọn, việc làm thì nhiều khuất tất, thiếu trách nhiệm của người cầm bút, nếu không nói là thiếu lương thiện?

Tôi tự hỏi có cần ông phải lên tiếng xin lỗi như trường hợp cô nhà thơ Phan Huyền Thư không? Việc làm này dưới mắt một người Việt hải ngoại cho chúng tôi thấy thêm một lần nữa tính cách phỉnh gạt cũng giống như trong trường hợp việc vinh danh 17 Việt Kiều mới đây?

Sau bài viết L’odeur de la gloire, tôi vẫn hy vọng đến thất vọng là có một vị nào đó trong số 17 vị được vinh danh từ chối hoặc tự ý rút lui ra khỏi danh sách ấy. Không danh sách vẫn đủ 17 vị.

Tưởng rằng chỉ phải viết L’odeur de la gloire một lần thôi là đủ. Không chắc còn phải tiếp tục và đây là loạt bài thứ hai mang tinh thần Mùi danh vọng.

Thơ vốn cao quý. Bởi vì là một cuộc hành trình vào cõi bên trong. Đến nỗi người ta nói rằng cái gì giải thích được không còn là thi ca nữa. Vì thế, đừng đụng đến nó và như lời của Chế Lan Viên ở phần trích dẫn đầu bài coi việc làm thơ là việc phi thường.

Nhưng đọc 100 bài thơ thế kỷ 20, nỗi thất vọng của tôi chỉ thấy ở đó là một chợ thơ.

Trong lời nói đầu, chắc là ông Lê Lựu, đại diện cho Trung tâm Văn Hóa Doanh Nhân Việt Nam và NXB Giáo Dục (1) viết rằng

...Việc tuyển chọn thật công phu, nghiêm túc và có trách nhiệm trong hàng vạn bài thơ của hàng nghìn tác giả đã được công bố trên thi đàn Việt Nam trong suốt thế kỷ 20, qua sự sàng lọc, chọn lựa của hàng nghìn thí sinh, đồng thời là giám khảo chọn ra 100 bài thơ hay này. Một thế kỷ nghĩa là 100 năm chỉ chọn có 100 bài thơ hay(2)



Lê Lựu: “Gần 10.000 (tôi không nhớ con số chính xác) thư bình chọn đã gửi đến BTC...
Nguồn: (Tuổi Trẻ 7/3/2007)









Công phu, nghiêm túc và có trách nhiệm? Vậy mà một trong năm người trong ban chung khảo – Năm vị đó là nhà thơ Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa, Bằng Việt, gs Nguyễn Đăng Mạnh – lại không nghĩ như thế và đã lên tiếng không đồng ý.

Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên báo Nhân Dân, ngày 30/3/2007, ông Bằng Việt tiết lộ ông nhận được một chồng chừng 1000 bài thơ do dân chúng chọn lựa, ông nhận xét và trả lại, sau đó, ông nhận được danh sách 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20 với lời yêu cầu vội vàng: Đây là bản cuối cùng, đề nghị xem và cho ý kiến nhanh. Nhưng sau đó thì không thấy người bên phía ông Lựu đến lấy lại danh sách và ý kiến. Nhất là sau đó kết quả trong sách lại không đồng nhất với danh sách mà chúng tôi nhận được.

Nghĩa là tự ý sửa đổi thay thế bằng những bài thơ khác. Và ông kết luận chỉ chừng 50% là xứng đáng.

Nay thì đến những nhận xét riêng của cá nhân tôi.

Thứ nhất, trong 5 vị trong ban chung khảo thì có đến 4 vị được độc giả bình chọn có bài thơ hay thế kỷ. Hoặc ban chung khảo tự chọn chính mình. Trường hợp thi sĩ Nguyễn Hữu Thỉnh là rõ nhất. Trong giải thưởng của Hội nhà Văn, dù là hội trưởng, dù nằm trong ban tuyển chọn, ông vẫn tự chọn mình, tự diễn thuyết rồi tự vỗ tay, tự phát giải và phát cho chính mình. Xin nhắc lại có 4 nhà thơ, cả bốn đều có thơ trong 100 bài thơ thế kỷ 20. Có nhiều quá không nhỉ? Ai đã bình chọn quý ông? Có rơi vào tình trạng mà Tây Phương gọi là conflit d’intérêt, tự mình chọn mình? Chỉ lọt sổ có mình ông giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh vì một lý do dễ hiểu là ông không làm thơ. Đó là các nhà thơ Hữu Thỉnh với bài Nghe tiếng Quốc kêu. Nhà thơ Phạm Tiến Duật với bài Cô bộ đội ấy đã đi rồi. Nhà thơ Trần Đăng Khoa với bài Gửi bác Trần Nhuận Minh. Nhà thơ Bằng Việt với bài Bếp lửa. Đến như thế thì người ta có thể nói rằng, muốn chắc chắn được chọn có bài thơ hay nhất thể kỷ thì hãy ở trong ban chung khảo?

Để cho việc tuyển chọn trong sáng, tôi thiết nghĩ cả bốn ông nên từ chức, rút lui ra khỏi Ban Chung Khảo.

Nhận xét thứ hai là trong số 100 bài thơ hay nhất thế kỷ, tôi đếm được có đến 53 thi sĩ đã tạ thế. Kể là quá nhiều, như thể người chết dành chỗ người sống. Cẩn thận kẻo rơi vào một tình trạng nghĩa địa thơ mà tôi gọi là nền văn chương phúng điếu. Hễ chết là có hiếu hỉ, là có xí xóa, phải khen, phải vinh danh.

Trong 53 vị ấy, tôi có thể chắc chắn một điều là chỉ vì họ đã chết mà họ có tên trong 100 bài thơ hay thế kỷ 20. Chẳng hạn nhà thơ Yến Lan, bạn nhà thơ Chế Lan Viên. Hay Trần Mai Ninh, chết năm 1947. Tôi tự hỏi ai còn giữ được tập thơ Thơ văn Trần Mai Ninh để phổ biến, để mọi người biết mà bình chọn?

Từ đó, vấn đề đặt ra là 10 ngàn thí sinh bình chọn này lấy đâu ra tài liệu thơ văn của 100 tác giả đó để bình chọn? Chẳng hạn bài thơ Người đẹp của Lò Ngần Sủng, người dân tộc Dáy, Lào Cay không dễ gì được phổ biến rộng rãi đến tay bạn đọc thơ? Cũng vậy bài thơ Nhớ vợ của Cầm Vĩnh Út, Nhớ vợ, chắc chỉ có một bài, chẳng biết in ấn ở đâu, năm nào. Vậy thì làm thế nào, các độc giả có thể bình chọn bài thơ này?

Nêu ra hai trường hợp các nhà thơ người thiểu số này để chỉ cho rõ tính cách dấm dúi, cần có mặt cho đủ các nhà thơ đại diện các sắc tộc mà không qua sàng lọc, bình chọn của độc giả?

Trong số những người còn sống có thơ được tuyển chọn, tôi cũng nhận ra một điều đến ngạc nhiên là họ đều già, thuộc thế hệ các nhà thơ chống thực dân Pháp trước và một số ít trong thời gian chiến tranh chống Mỹ.

100 bài thơ hay này lộ ra một điều rất quan trọng:

Thiếu vắng những nhà thơ trẻ trên dưới 30 tuổi. Làm thơ thì phải già thơ mới chín mùi chăng?

Những người trẻ không có chỗ đứng nào trong sân chơi văn học? Hay độc giả quên họ? Hay họ không có cơ hội thi triển tài năng? Hay dấu hiệu về một sự lão hóa toàn diện trong văn học? Hay là do sự chèn ép của mấy củi mục mặc dầu đã hết thời?

Người trẻ nhất có lẽ là thần đồng thi sĩ Trần Đăng Khoa, sinh năm 1958, nghĩa là năm nay cũng 50 tuổi rồi. Một thần đồng xấp xỉ 50 tuổi? Thi sĩ nữ trẻ nhất về tay cô Đinh Thị Thu Vân, 1955, rồi đến cô Lâm Thị Mỹ Dạ, vợ ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, sinh năm 1949 và nữ thi sĩ Lê Thị Mây, cũng sinh năm 1949.

Sinh sau 1958, kể như không có một nhà thơ trẻ nào có trong danh sách 100 bài thơ thế kỷ 20. Điều đó muốn báo hiệu một điều gì ? Nó báo hiệu sự suy thoái và tàn mạt của thi ca như ở nước Mỹ chăng? Nền thi ca ở nước Mỹ kể như bị chôn vùi vào quá khứ? Chắc không phải vậy, phải tìm một lối lý giải khác.

Điều này có thể hiểu được rằng kể từ sau năm 1958, cả hai miền không còn có một nhà thơ nào đủ tầm vóc và được chọn lựa trong Những bài thơ hay thế kỷ? Điều này cho thấy một khoảng trống đáng ngại, một cái vide trong văn học, một sự đứt đoạn thế hệ?

Có lẽ nào sau, 1954, chúng ta không thể nào chọn lựa ra được các bài thơ hay thế kỷ?

Về điểm này, tôi không tin là quần chúng, người đọc thơ đã chọn như thế mà có sự sắp xếp riêng của ông Lê Lựu. Tôi đặt câu hỏi trực tiếp với ông Lê Lựu là có bao nhiêu phần trăm sự chọn lựa tùy thuộc vào độc giả và bao nhiêu phần trăm do chính ông tự chọn, tự quyết định? Chính vì vậy mà ông thi sĩ Bằng Việt chỉ đánh giá 50% là xứng đáng và yêu cầu nên làm lại với những tiêu chí rõ ràng.

Như vậy là không có tiêu chí rõ ràng trong việc bình chọn.

Nhận xét thứ ba là xét theo địa phương thì có đến 94 các bài thơ và nhà thơ sinh trưởng ở phía Bắc, hoặc theo phe Cộng Sản. Còn lại lèo tèo vài nhà thơ có thể sinh trưởng ở miền Bắc, nhưng lại sống ở miền Nam.

Và có thể xếp họ vào các nhà thơ miền Nam trước 1975.

Tôi muốn nhân dịp này nhắc tới anh Trần Hoài Thư đã có công sưu tập thành một cuốn sách dày 856 trang, bao gồm 263 nhà thơ miền Nam với nhan đề: Thơ miền Nam trong thời chiến và được Đặng Tiến giới thiệu:

Những ai như tôi, nghĩ rằng thơ cần cho đời sống, là thành phần của đời sống, sẽ cùng tôi biểu dương công trình của ban sưu tầm và biên tâp…

Có bao nhiêu nhà thơ miền Nam trong số 263 nhà thơ miền Nam trong tuyển tập của Trần Hoài Thư được bình chọn trong 100 bài thơ hay thế kỷ 20?

Hỏi là để trả lời, tôi vẫn nghĩ rẵng, còn cần nhiều cố gắng và thiện chí nữa để mảng văn học miền Nam 1954-1975 phải được nhìn nhận và có vị trí xứng đáng của nó … Cho đến nay thì mảng văn học ấy vẫn chưa có trong mắt chính quyền miền Bắc và như các anh Trần Hoài Thư, Đặng Tiến mong muốn, nó sẽ không phải là một thứ nghĩa trang – văn học của miền Nam .. Vì thế, những cố gắng của nhà thơ Phan Hoài Thư, giới thiệu Thanh Tâm Tuyền trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ V thật đáng khích lệ.



Phạm Thiên Thư, làm thơ tình năm 24 tuổi, “Vết chim bay”, khi đã đi tu (hoàn tục sau 10 năm ở chùa).
Nguồn: thotre.com










Con số nhà thơ miền Nam có mặt thật ít ỏi. Nhưng phải ghi nhận đây là một thiện chí và cố gắng phi thường rồi. Trong tập thơ, 100 bài thơ Việt Nam 1945-1975, xuất bản năm 1976, nghĩa là sau ngày giải phóng, tôi ghi nhận là không có bất cứ một nhà thơ nào của VNCH có tên trong danh sách.

Nay thì ít ra, ta có được Bùi Giáng, Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa, Phạm Thiên Thư, Đinh Hùng, Á Nam Trần Tuấn Khải.

Nhưng ở đây câu hỏi lại đặt ra một lần nữa với ông Lê Lựu, sự có mặt của các nhà thơ miền Nam trong danh sách 100 bài thơ, phải chăng là do chính ông chọn lựa hay do độc giả bình chọn? Tôi thật nghi ngờ những bàn tay phù thủy dơ dáy mó vào? Những độc gỉả bình chọn 100 bài thơ hay lấy đâu ra thơ của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải để bình chọn bài Gánh nước đêm? Nếu quả thực có sự bình chọn, giới trẻ miền Nam, giới sinh viên, mười người hết chín biết Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa hơn là cụ Á Nam Trần Tuấn Khải? Sự có mặt của cụ với bài thơ khá là ngô nghê đẩy tới sự nghi ngờ sắp xếp dàn dựng lố bịch của ông Lê Lựu đến tận cùng của sự khôi hài đen. Không ai diễu dở như thế.

Ngay cả những thi sĩ như Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa thì trên 30 năm rồi, sau cuộc tịch thu và đốt sách vào 1975, còn bao nhiêu tài liệu để cho độc giả bình chọn họ? Còn những ai có được tập thơ Nguyên Sa? Càng khó khăn hơn nữa tập thơ Những năm sáu mươi của ông? Chúng tôi có được tập này in Ronéo do nhà xuất bản Nam Sơn in và nay anh Trịnh Viết Đức, cựu chủ nhà in Nam Sơn, in lại ít cuốn để chia nhau làm kỷ niệm. Thật không dễ có được.

(Còn tiếp)

Trích DCVOnline









(1): NXB Giáo Dục – thương hiệu uy tín nhất được “độc quyền” in sách giáo khoa tại Việt Nam.
(2): Trích dẫn Lời nói đầu 100 Bài thơ hay hay thế kỷ 20, trang 6
<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.05.2007 00:58:29 bởi TTL >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9