Làm người là khó - Hồi ký Ðoàn Duy Thành -
silverbullet 21.05.2007 22:15:37 (permalink)

Làm người là khó ??!!


Nếu không khó thì ngày xưa cụ Trần Tế Xương đã chẳng mỉa mai:
 
Bắt chước ai ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết ở trong đời
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước
Sao được cho ra cái giống người

 
Thế nhưng đó là chuyện "ngày xửa ngày xưa". Của thời phong kiến! Ngày nay, đầu thế kỷ 21, sau bao nhiêu năm dưới "ánh sáng quang vinh" của Đảng, của Bác, ông Đoàn Duy Thành, nguyên chủ tịch thành phố Hải Phòng, Bí thư Thành ủy, bộ trưởng ngoại thương, phó thủ tướng lại buông ra một câu : "Làm người là khó". Tại sao?
 
Nếu theo đúng như nhà thơ Phùng Quán trong "Lời Mẹ Dặn" :
 
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét

 
Thì làm người chẳng có chi là khó cả. Khốn nạn thay, cả dân tộc Việt Nam bị mờ mắt, lạc tai bởi những "điệu ru phù phép" của đỉnh cao trí tuệ mà đứng đầu là "cha già" Hồ Chí Minh. Vì thế, yêu và ghét lẫn lộn, thật và gian mập mờ.
 
Nhà thơ Tố Hữu mở miệng "Người yêu người sống để yêu nhau" thì hơn 1 triệu người dân bị thủ tiêu thời cải cách ruộng đất, 5000 dân lành vô tội bị chôn sống tại Huế, hàng triệu người miền Nam bị đày ải trong các trại tập trung cải tạo. Bọn vượt biên phản động trở thành "Việt Kiều yêu nuớc". Được nâng cấp thành "khúc ruột ngàn dặm". Rồi được tâng lên "đại sứ kinh tế"! "Yêu tổ quốc" nhưng vẫn dâng đất, hiến biển cho Trung Quốc. Ông Hồ Chí Minh vô tư để bà Nguyễn Thị Năm bị hành hình nhưng vẫn vô tư hô hào "Chí công, vô tư". Vô tư có vợ. Vô tư lấy vợ người khác. Vô tư để vợ bị thủ tiêu. Đó là bản chất của ông Hồ Chí Minh, lãnh tụ cao quý nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Do đó, ngày nay, đảng viên và dân chúng vô tư tham nhũng, hối lộ, chụp giật, xì ke, ma túy, mại dâm... Vô tư lắc. Vô tư láo. Tất cả đều thực hiện đúng theo truyền thống, bản chất của "Cha già". Vì vậy mà ông phó thủ tướng đã vô tư la lên "Làm người là khó" nhưng vẫn chưa hiểu vì sao!!??
 
Làm người khó thật!!! Nhưng làm người cũng dễ lắm, thưa ông Đoàn Duy Thành. "Đừng vô tư kiểu Hồ, kiểu Đảng" sẽ trở thành "người" ngay.
 
Sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, nên nhớ: "Khi người cộng sản thành thật nhất là khi họ gian dối nhất. Lúc người cộng sản nói điều nhân nghĩa là lúc họ sắp thực hiện thủ đoạn bất nhân". Chúng tôi xin trích đăng hồi ký của ông Đoàn Duy Thành cũng như các bài viết khác về đề tài "Làm Người Là Khó". Có thể có những bài viết chống đối ông Thành (do cộng sản dàn dựng?). Chống hay bênh, các bài viết dưới đây giúp độc giả nhìn ra một phần nào bộ mặt thật của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
 
Nguyễn Tiến Đức 


·  Gửi Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng v/v ông Đoàn Duy Thành ra cuốn sách “Làm người là khó” (Văn Tạo - 04/01/2006)
·  Đảng Không Được Trừng Trị Tác Giả "Làm Người Là Khó"
(Lê Tiến - 07/12/2005)
·  Bài phát biểu tại cuộc họp chi bộ về cuốn hồi ký "Làm người là khó"
(Đoàn Duy Thành - 22/11/2005)
·  Thư yêu cầu không trù dập ông Đoàn Duy Thành
(Đặng Văn Việt - 15/11/2005)
·  Hồi ức Đoàn Duy Thành "Làm người là khó" Ghi lại dấu ấn lịch sử một giai đoạn cầm Quyền cực kỳ khó khăn và bê bối của Đảng
(Đặng Kiên - 17/09/2005)
·  Đoàn Duy Thành - Làm quan cách mạng khó có thể không ?
(Trần Thứ Dân - Mùa hè 2005)
·  Góp thêm tiếng nói trao đổi “Làm người là khó” của Tác giả Đoàn Duy Thành
(Vi Quốc Dân - 02/07/2005)
·  Vài dòng về Đoàn Duy Thành và… Z 30
(Huỳnh Việt Lang - 23/06/2005)
·  Đôi điều suy nghĩ về hồi ký của Đoàn Duy Thành
(Nguyễn Trọng Vĩnh - 06/2005)
·  Đọc hồi ký của Đoàn Duy Thành
(Bùi Tín - 06/2005)
·  Đọc Làm Ngư­ời Là Khó : Không ai thoát đ­ược lịch sử
(Bùi Ngoc Tấn - 05/2005)
·  Một vài cảm nghĩ sau khi đọc cuốn "Làm Người Là Khó" của tác giả Đoàn Duy Thành
(Phạm Văn Nghiên - 17/03/2005)
·  Kính gửi : Các vị thành viên Hội đồng Cố vấn VCCI
(Trần Công Lý - 09/05/2004)
·  Kính gửi bác Tô Duy
(Một số cán bộ, đảng viên trong và ngoài ngành thương mại - 17/04/2003)
·  Kết quả cuộc họp giải quyết vấn đề bị bắt, bị tù của đồng chí Đoàn Duy Thành, Do Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng triệu tập ngày 26 - 2 - 1993
(T/M Ban Bí thư : Đào Duy Tùng - 01/10/1993)
·  Kết luận : Vấn đề bị địch bắt, bị tù của đồng chí Đoàn Duy Thành Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải phòng
(T/M Ban Bí thư : Võ Chí Công - 01/10/1984)
·  Làm người là khó (Đoàn Duy Thành)

*******

Làm người là khó

Hồi ký Ðoàn Duy Thành

Chương 1: Thời niên thiếu


Tôi sinh ngày 15-9-1929 ở thôn Tường Vu, xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Giống như bao làng quê thuần nông của đồng bằng Bắc bộ, làng tôi có lũy tre xanh bao bọc, nổi lên tựa một hòn đảo nhỏ giữa biển lúa mênh mông. Làng tôi không lớn, nhưng tất cả, tất cả đều gắn bó với tôi rất thân thiết và sâu sắc trong thời thơ ấu và niên thiếu. Tôi thuộc từng nét mặt người, từng mái nhà, xóm ngõ, từng gốc cây, bờ ao, giếng nước... Sau này dù đi khắp nơi, mảnh đất chôn rau cắt rốn vẫn luôn hiện lên rõ nét trong tâm trí tôi với một nỗi nhớ da diết, cháy bỏng. Có một cây gạo cổ thụ cao vút, vượt khỏi những vồng tre giữa làng, mỗi độ xuân về nó đơm đầy hoa đỏ, rực rỡ giữa trời xanh. Cây gạo ấy đã như một biểu tượng của làng tôi. Những khi đi xa về gần, cứ chợt thấy bóng dáng cây gạo từ xa, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến. Kia, làng tôi kia rồi...Dưới lũy tre xanh, con đường làng hình thành tự nhiên từ những lối mòn ngoằn ngoèo, uốn lượn Khi trời mưa, đường trơn như đổ mỡ, lầy lội, bùn đất ngập ngang mắt cá chân. Một ngôi chùa nhỏ mái ngói rêu phong nằm cạnh đầu làng. Kỳ tuần rằm lễ tiết nào, mẹ tôi cũng đưa tôi lên chùa lễ Phật. Nhờ năng đi lễ mà từ bé tí tôi đã thuộc hết từng cầu đối chữ nho ở đó.

Dân làng tôi quanh năm đầu tắt mặt tối, chân lấm tay bùn nhưng vẫn thiếu đói, rau cháo đắp đổi. Trừ một vài nhà thuộc diện địa chủ, phú nông, có nhà ngói cây mít, còn hầu hết đều mái tranh vách đất, dột nát, tồi tàn. Tuy thế trong cái cộng đồng nhỏ bé dường như yên bình này, hàng ngày, hàng giờ vẫn diễn ra bao nhiêu chuyện, bao buồn vui theo dòng đời của một xã hội thu nhỏ, mà tôi sẽ kể sau.

Làng Tường Vu nối liền với làng Lai Khê, có đường quốc lộ số 5, có đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đi qua, có cầu và ga Lai Khê. Kế tiếp là làng Thanh Liên, có trường tiểu học Pháp-việt (Ecole Primaire) mở từ những năm 1924, trước cả trường của huyện 4 năm.

Ba làng chúng tôi hợp thành một xã, ngày nay gọi là xã Cộng Hòa. Do vị trí địa lý thuận lợi như thế nên quê tôi dù nghèo vẫn phảng phát chút văn minh đô thị, văn minh công nghiệp, cũng như sự nhậy cảm chính trị với tình hình thời cuộc, tạo điều kiện cho dân làng sớm tiếp cận các phong trào cách mạng trong từng thời kỳ lịch sử đất nước. Trường tiểu học nơi tôi vỡ lòng có 2 cấp.

Mỗi cấp học trong 3 năm. Học xong 6 năm, nếu thi đỗ và đủ 16 tuổi sẽ được bổ nhiệm làm hương sư ở các làng khác, trình độ gọi vắn tắt là đã có bằng “Séc”[1] sau này ta dịch là “bằng sơ học bổ túc”, qui sang hệ giáo dục của ta tương đương lớp 4. Tuy nhiên sức học thực tế của những người có bằng “Séc” khá hơn lớp 4 hiện nay rất nhiều vì được học kỹ, học sâu, cả toán lẫn Pháp văn. Toán đã học đại số, ngoại ngữ thì những học sinh giỏi có thể giao tiếp, viết văn bằng tiếng Pháp được.

Cha mẹ tôi sinh cả thảy 10 lần, nhưng 6 người bị chết ngay từ nhỏ, còn lại hai trai, hai gái. Về kinh tế, gia đình tôi thuộc diện trung lưu. Xưa ông nội tôi dạy học ở nhà ông ngoại, dạy 2 con trai của gia đình ngoại học chữ Hán. Ông bà ngoại tôi cảm kích gả mẹ tôi cho con giai thầy đồ tức là bố tôi.

Ông bà ngoại còn cho bố mẹ tôi 3 mẫu ruộng (mỗi mẫu là 3.600 m2) làm vốn. Khi tôi còn nhỏ, gia đình có điều kiện cho tôi đi học cùng với người anh ruột, hơn tôi 3 tuổi, nhưng cùng học một lớp. Sau 3 năm học, hai anh em tôi đều đỗ lấy bằng “Sơ học yếu lược”. Thi chuyển cấp hai anh em cũng được lên. Nhưng mới học nửa học kỳ, gia đình tôi gặp tai biến: Bố tôi thua bạc, bị gia đình Trưởng Cơ (Cơ Ký), một thương gia kiêm địa chủ ở thành phố Hải Dương lừa, chiếm mất 3 mẫu ruộng. Kinh tế bị sa sút, bố mẹ tôi buộc phải chuyển chúng tôi về học Hán tự (chữ Nho) để giúp thêm gia đình cày cấy, chăn nuôi, khắc phục hoàn cảnh khó khăn.

Hàng ngày, buổi sáng chúng tôi học chữ Nho, chiều giúp đỡ gia đình chăn trâu, nuôi lợn, nấu cơm, tát nước và học cày bừa, cấy gặt. Ngày còn theo học tại trường, tôi học khá, lại chăm chỉ, lễ phép, quý mến bè bạn, học bạ luôn được phê: “hạnh kiểm tốt và rất tốt; thông minh và rất thông minh[2], bởi vậy các thầy giáo đều tiếc cho tôi.

Các thầy khuyên tôi mượn sách vở của người cậu họ và cháu họ để tiếp tục học thêm. Một vài tuần thầy giáo Nhất (thầy Phong - hiệu trưởng), và thầy giáo Nhì (Nguyễn Đình Tụng) cho phép tôi đến nhà để kèm cặp. Đặc biệt thầy giáo Tụng rất yêu quý tôi. Chính thầy giúp đỡ tôi giải 565 bài tính đố trong tập toán luyện thi sơ học yếu lược mà thầy là tác giả. Sách đã xuất bản vào cuối những năm 30 - 40 của thế kỷ 20, một cuốn sách được hầu hết thầy trò những lớp sơ đẳng năm thứ 3 các trường ưa chuộng, nhất là các tỉnh phía Bắc.

Thầy Tụng tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau khi miền Bắc giải phóng, thầy về làm kế toán trưởng Trường Sư phạm miền núi, rồi được cử về làm cán bộ cải tạo công thương nghiệp ở thành phố Hải Phòng và được phân công về đơn vị tôi phụ trách. Thầy trò gặp nhau tay bắt mặt mừng, nhưng “Thầy vẫn là thầy, trò vẫn là trò”, tuy chức vụ nay đã khác xưa. Tôi lúc nào cũng giữ lễ độ như khi còn là đứa trò nhỏ, vẫn xưng “con” với thầy. Nhiều lần thầy bảo tôi: “Nay trò là thủ trưởng, thầy là cán bộ dưới quyền, xưng hô như vậy thầy thấy ngượng”. Tôi phải giải thích mãi. Nhiều ngày chủ nhật thầy không về ngôi nhà 222 Hàng Bột, Hà Nội, thầy lại nhà tôi ăn bữa cơm “rau mắm”, chia sẻ với chúng tôi hoàn cảnh kinh tế khó khăn lúc đó. Thầy trò lại được một dịp hàn huyên vui vẻ, ôn chuyện cũ. Cho đến năm 1982 thầy qua đời. Lúc đó tôi là Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, tôi lên viếng Thầy với bao xúc động. Cả nhà, cụ bà và các em đều khóc. Ngày hôm đó thật là ngày đau buồn! Do xuất thân từ gia đình nhà nho nông dân yêu nước, nay lại trở về học chữ thánh hiền nhờ bác tôi và cha tôi dạy, được giáo dục theo “cửa Khổng, sân Trình” nên tôi thấm nhuần rất nhanh đạo đức Nho giáo. Để tôi có thêm ý thức về truyền thống gia đình, hai ông chú ruột con cụ nội tôi là cụ Đốc Khảm thường hay kể lại chuyện cụ tham gia phong trào Bãi Sậy, do chủ soái Nguyễn Thiện Thuật chỉ huy. Phó tướng thứ nhất kiêm Tham mưu trưởng là cụ Cử Đức. Chính cụ Cử từng ngồi dạy học ở nhà tôi 9 năm. Bên ngoài là dạy học, bên trong là chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Nhưng cuộc khởi nghĩa thất bại, các cơ sở ở Hưng yên bị phá gần hết, các cụ đều chuyển về nhà tôi ở Kim Thành với một số cơ sở ở Thanh Hà, ở Tứ Kỳ, cùng thuộc tỉnh Hải Dương. Mỗi khi có động, các cụ vượt sông Tường Vu, tức sông Rạng, sang Thanh Hà rồi đi Tứ Kỳ, tới một xã đảo trên sông Thái Bình ẩn náu. Nghe cha tôi kể lại, trước khi cụ Tán Thuật - Nguyễn Thiện Thuật - tránh nạn sang Trung Quốc, cụ đã lưu lại nhà tôi hơn một tháng. Trong thời kỳ cụ ở đây, sự canh gác vô cùng cẩn mật. Ông nội tôi vừa là nghĩa quân Bãi Sậy, vừa là học trò cụ Cử Đức, có trách nhiệm bảo vệ, cắt người canh gác từ đường số 5 và chung quanh nhà tôi. Đường số 5 nếu vạch thẳng vào nhà tôi như con đường ngày nay chỉ có 400m, nhưng trước đây do dân cư không có quy hoạch, đường sá xấu, nên đi vào nhà tôi phải mất cây số rưỡi. Sáng nào cụ Tán và cụ Cử cũng dậy rất sớm. Không có đồng hồ, các cụ dùng 3 nén hương đen, đốt hết là dậy, xem xét, nghe ngóng hiện tượng chim kêu, hót... để phán đoán tình hình. Có một buổi sớm tinh mơ, thấy con chim lợn kêu éc éc ba tiếng rồi bay đi, các cụ liền cho chuyển địa điểm ngay. Thuyền các cụ sang Thanh Hà thì khoảng tám, chín giờ hôm đó lính Tây cùng Tri huyện Kim Thành kéo đến khám nhà tôi. Chúng lục soát nhưng không bắt được tang vật. Bọn lính lấy cắp mất một ít đồ đạc vải vóc rồi bỏ đi.

Sau khi cụ Tán Thuật đã lánh nạn sang Trung quốc, cụ Cử Đức đã ổn định chỗ ở, cụ nội tôi - cụ Đốc Khảm, lên Huyện kiện về việc lính đến khám nhà ăn cắp tài sản. Quan Tri huyện hồi đó cùng đỗ cử nhân đồng khoa với cụ cử Đức (tôi quên tên ông ta) nên rất nể cụ đốc Khảm, đã đền bù chức “Phó tổng” cho một người con trai cụ Đốc. Quan điểm của các cụ tôi lại là học hành thành tài chỉ đi dạy học, làm thuốc cứu dân độ thế, chứ không làm bất cứ chức sắc gì để hợp tác với Pháp làm hại dân mình. Nhưng chức Phó tổng lúc đó cũng to, bỏ thì có người tiếc, nên các cụ bàn cứ để người cháu ngoại cụ Đốc, ông Nguyễn Văn Quốc, nhận chức đó, tạo thế hợp pháp che chở cho những người yêu nước và không được hà hiếp nhân dân.

Tôi học chữ nho gần 4 năm, học miệt mài. Cha tôi dạy: “Học phải như thiết như tha, như trác như ma, như nang huỳnh, như ánh tuyết” (có nghĩa học phải như mài, như dũa, như cắt, như cưa sắt, không có đèn dùng ánh sáng đom đóm, ánh trăng, ánh tuyết mà làm đèn học). Tôi thức khuya dạy sớm, nằm quỳ viết, hệt các nho sinh, sĩ tử ngày xưa. Nhờ dùi mài kinh sử, chẳng bao lâu tôi đã học hết Tứ thư, sang Ngũ kinh. Đặc biệt Kinh thi và Kinh Xuân thu (dạy cách trị quốc của phong kiến Trung Quốc) tôi phải nhập tâm rất kỹ. Do nỗi ấm ức vì không có điều kiện theo học quốc ngữ tại trường nên tôi dồn hết khát khao vào việc đèn sách tại nhà. Bởi vậy sự tiến bộ của tôi khiến mọi người ngạc nhiên. Nhưng cha tôi không mấy khi khen con trước mặt. Tôi chỉ nghe lỏm được một lần bác tôi, người cùng dạy dỗ tôi, nửa đùa nửa thật nói nhỏ với cha tôi:

- Tôi và chú đèn sách có dễ hơn hai chục năm, học qua các cụ Cử, cụ Tú, kể cả cụ Thủ Khoa Huân... nhưng xem ra ta sắp hết chữ dạy thằng bé. Đúng thế. Tôi thực sự lấy làm lạ thằng bé này![3]

Nghe vậy, cha tôi gạt đi. Người càng tỏ ra nghiêm khắc rèn cặp tôi hơn trước. Tôi còn nhớ có lần sau khi học xong hai quyển thuộc bộ sách Mạnh Tử, bác và cha tôi bắt tập làm câu đối. Bác tôi ra vế:

“Sự Tề hồ? sự Sở hồ? Đằng Văn chi vấn thậm nan” (thờ vua nước Tề hay thờ vua nước Sở, vua Đằng Văn Công hỏi rất khó trả lời).

Tôi đối lại:

“Vi Tướng dã! vi Quân dã! Thứ dân diệc do bình dị?” (làm tướng, hay làm vua, người dân cũng coi là dễ)

Bác tôi khuyên son tất cả, lại khen niêm luật đủ. Nhưng bác chê tôi không trích được điển tích. Quan trọng nhất là khẩu khí tôi coi thường nhà vua, lời lẽ ấy ngày trước thi viết có thể bị chém đầu như bỡn. Tôi thấy ngại, xin thôi không tập làm câu đối nữa, chỉ tập viết, làm vài bài thơ hoặc bài phú ngắn đưa trình bác tôi xem cho vui. Các bạn đồng học với tôi hàng ngày đọc thật to những sách Bắc sử, Minh tâm chính văn... (cách học ngày xưa bắt buộc phải gào toáng lên như vậy) Tôi có cái thú lắng nghe những tiếng ê a của họ rồi thuộc lúc nào không nhớ. Đối với tôi cũng là một trò chơi thôi. Ai ngờ đến nay đã hơn 60 năm, tôi vẫn còn thuộc lòng hàng trang những bài học cũ, nhất là những bài mang tính triết lý cao mà mình tâm đắc.

Đương nhiên những thể loại thơ Đường luật như “Thất ngôn bát cú” hoặc “Tứ tuyệt” bằng chữ Hán, tôi có thể làm trong mươi mười lăm phút. Khi cảm xúc dào dạt thì thơ cũng thấy hay hay, khi bị bắt buộc thì ý tứ cũng đủ, nhưng thường thôi, gọi là có! Ông nội tôi, cụ Khóa Thản, đã mất sớm trước khi tôi ra đời. Nghe cha tôi kể lại, cụ học giỏi, nhưng đi thi Hương ba, bốn bận chỉ đỗ đến “Nhị trường” vì “Phú” cụ kém. Ai đỗ “Tam Trường” thì giỏi là Cử nhân, trung bình là Tú tài. Cụ Khóa Thản dạy học ở nhiều nơi trong tỉnh, trong huyện. Học trò cụ khá đông. Cùng với số học trò cụ Đốc Khảm, thân sinh của cụ, cộng lại môn đồ hai cha con cụ có tới hàng trăm người. Tôi là cháu chắt nội các cụ, được thơm lây, đi đến đâu đều được trọng vọng, quí mến. Ngoài ra tôi có hai ông chú ruột là cụ khóa Đôi và cụ Lý Xá. Cụ Lý Xá chỉ là con nuôi cụ Đốc tôi, gọi cụ bằng chú rể. Cụ Lý Xá học hành rất sáng dạ nên sau cũng dạy học và làm thuốc, làm thầy địa lý, xem số tử vi. Có bận hai cụ đem lá số của tôi ra chấm, tam tắc khen tôi có số làm quan to. Cha tôi nghe thấy gạt đi, ý không muốn nhắc tới chuyện đó.

Cha tôi là người hiền lành, ít nói, sống thì trên kính dưới nhường, không to tiếng với ai. Đối với con cái cha rất hiền từ, dạy bảo nhỏ nhẹ. Mỗi khi anh em tôi sai quấy, ông chỉ tỏ vẻ khó chịu trên nét mặt, “chặc, chặc...” vài tiếng. Tuy cha không nói gì thêm, nhưng chúng tôi đều rất sợ và kính nể, cố không để cha phật lòng. Anh chị em tôi bảo ban nhau chăm học, chăm làm cho bố mẹ vui lòng, chỉ mong gia đình hòa thuận, êm ấm. Có điều cha tôi thích chơi tổ tôm. Ông có thể đánh bài thông hai ba ngày liền. Nhưng ông đánh rất thấp, mười lần thua đến chín. Rút cục ông thua nhiều, mắc nợ, phải gán ruộng... Lần ấy ông phải viết giấy tạm gán (đoản mại) 3 mẫu ruộng, nhưng họ lừa ông, bảo viết giấy bán đứt (đoạn mại), ông cũng nghe theo. Do đó gia đình tôi bị nhà tư sản kiêm địa chủ ở Hải Dương là Trường Cơ chiếm đoạt mất 3 mẫu ruộng kể trên. Gia đình khánh kiệt. Mẹ tôi tiếc của, khóc lóc không nguôi. Bà quyết định lên tận Hải Dương vạch mặt đôi co với vợ chồng Trưởng Cơ. Nhưng bà yếu thế chẳng làm gì được họ.

Đau khổ quá, khi trở về đến cầu Phú Lương bà định nhảy xuống sông Thái Bình tự vẫn. Lúc đó mẹ tôi đang mang thai em út tôi (cô Vinh, nay gần 70 tuổi). Nhìn xuống bụng, mẹ tôi thương con đứt ruột, đành gạt nước mắt trở về... Gia đình xúm vào khuyên can, an ủi mãi nên mẹ tôi mới từ bỏ ý định tự tử. Trong những năm vừa học Hán tự vừa tập làm nghề nông, từ cày bừa, cấy gặt, xay lúa giã gạo đến nghề mà nhiều người sợ mất vệ sinh không dám làm như gánh phân và rải phân “bắc” ra ruộng tôi đều làm cả. Năm 13 tuổi, tôi bàn với anh giai là Đoàn Hữu Hòe rằng phải thay đổi cách làm ăn mới mong khá được. Cau quá già cỗi, không ra quả phải phá bỏ. Ngoài đồng cấy một vụ lúa rồi trồng khoai lang nuôi lợn. Đan thuyền chở lúa không phải gánh, vừa nhẹ, vừa không mất tiền thuê. Tôi còn vận động anh rể đi cày cùng anh Hòe, thực sự làm ruộng, cấy thuê cho Trưởng Cơ. Hai em gái tôi cắt cỏ chăn trâu. Sau vài năm vất vả, kinh tế gia đình đã khá lên, nghĩa là đủ cơm ăn hai bữa sáng, trưa, tối nhịn. Những năm mất mùa, tháng ba ngày tám mới phải ăn bữa cơm bữa cháo. Tuy thế vẫn sướng hơn nhiều gia đình trong làng, họ chỉ ăn rau cháo, khoai lang, củ chuối... Có buổi tối bố mẹ tôi bắt học khuya, đói quá, anh em phải chia nhau đứa hái ngọn khoai, đứa sắp nồi nấu, nêm ít mắm muối, mỗi người một bát ăn cho ấm bụng rồi lại học. Sáng sớm đã phải dạy đọc bài cho bố tôi và bác tôi nghe, xong anh em chia nhau nấu cơm, nấu cám lợn... sau đó người đi học, người ra đồng, ai vào việc nấy. Cha tôi không làm chức sắc gì, nhưng vẫn được vì nể, bởi họ Đoàn cũng là họ lớn, cùng với họ Nguyễn chia nhau các ngôi thứ trong làng. Nếu hai họ không hòa thuận tất sinh ra mâu thuẫn, kiện cáo, đánh nhau, hằn thù liên miên, năm này qua năm khác... Chỉ đến Cách mạng tháng 8-1945 mới tạm chấm dứt hận thù giữa hai họ. Tôi là người góp phần quan trọng vào việc hòa giải từ ngày đó cho tới tận hôm nay... và mãi mãi mai sau... Về điều này có nhiều chuyện ly kỳ, thậm chí man rợ. Ông bác họ tôi làm Tiên chỉ (cụ Bá Xừ) cũng là thầy dạy chữ Nho cho tôi, ông kể: “Khi ông tranh nhau chức Lý trưởng cùng với người em con bà cô ruột là ông Bá Ngôi, do lòng căm ghét ông đã đi thuê một thích khách về giết em họ. Người thích khách ẩn ở nhà bố vợ ông Bá Xừ, nơi ông nội tôi ngồi dạy học. Do đó ông tôi phát hiện ra người thích khách. Ông tôi vội gọi ông Bá Xừ đến khuyên ngăn, giảng giải về đạo đức, nhân nghĩa ở đời. Rằng họ Đoàn chuyên làm điều thiện không làm điều ác, thất đức. Ông tôi là thầy dạy ông Bá Xừ nên lời khuyên can đó có kết quả. Ông Bá Xừ mới bỏ ý định giết ông Bá Ngôi. Tuy nhiên hai họ không hết kình địch nhau, vẫn tìm cách tiêu diệt nhau nếu có cơ hội”.

Lại năm 1940, chú họ tôi là Đoàn Hữu Lộng, vừa tham gia phong trào khởi nghĩa Bắc Sơn về nhà vào đêm 14-8 âm lịch, sáng hôm sau là ngày rằm tháng 8, ông đã bị tên Két-may, Chánh mật thám tỉnh Hải Dương cùng Tri huyện Kim Thành Phạm Gia Hệ đem một trung đội lính khố đỏ vừa Tây vừa ta về bao vây, bắt ông. Chúng còng tay ông, giải luôn lên tỉnh. Qua tin tức mật, được biết chính Chánh hội Hổ, con ông Bá Ngôi, báo cho viên cai trạm Bưu điện Lai Khê để y báo cho mật thám Hải Dương về bắt ông Lộng. Khi Cách tháng 8 thành công, ông Đoàn Hữu Bảy, em ruột ông Lộng, lúc này là cán bộ Việt Minh bị truy nã, dăm sáu năm không dám công khai về nhà. Ông Bảy có ý muốn trả thù ông Nguyễn Văn Hổ (Chánh hội Hổ). Tôi vội can ngăn. Trả thù sẽ khiến hận thù kéo dài mãi mãi, không bao giờ chấm dứt. May mà ông Bảy nghe lời tôi.

Cuối năm 1946 giặc Pháp trở lại chiếm đóng quê tôi. Trong một cuộc diệt tề phản động, ta bao vây bí mật bắt tên trùm phản động đầu sỏ đến đánh bạc tại nhà Chánh hội Hổ. Lúc đó ông Hổ đang đánh bạc cùng tên này. Một người cháu họ ông Hổ giương súng định bắn luôn ông ta. Tôi vội ngăn lại nên ông Hổ thóat chết. Từ đó ông Hổ theo hẳn Cách mạng, ra vùng tự do. Ông được học tập ít lâu rồi trở về hoạt động vùng tạm chiếm, trở thành Đảng viên, làm đến Bí thư chi bộ. Khi ông Hổ bị địch bắt, bị tra tấn, ông không khai, không hợp tác với địch. Ông được nhân dân và Đảng viên quê tôi tín nhiệm, sống trọn đời, hơn 80 tuổi mới mất. Con cái ông sau này đều đi theo Cách mạng đến cùng và đời sống cũng khá giả. Sinh thời ông hay kể lại chuyện cũ, nói rằng rất biết ơn tôi.

Có thể nói sự tranh giành quyền lực gay gắt giữa bọn kỳ hào lý dịch ở nông thôn hồi ấy, cảnh chèn ép lẫn nhau đến mức tàn khốc đã gây ấn tượng rất sâu sắc trong thời niên thiếu của tôi. Đặc biệt là việc nhà tôi cấy ruộng “tô” cho địa chủ Trưởng Cơ. Sau mỗi vụ, bà Trưởng Cơ cùng gia nhân đến thu tô từng nhà. Đó thật sự là một ngày khủng khiếp... Họ kéo tới hàng chục người, do viên đồ tể Tuần Ca cầm đầu. Họ bước vào, thấy chưa kịp mở cửa buồng cho họ xúc thóc ra đong, viên tuần Ca xông tới đạp tung cửa buồng. Trông mặt mũi ông ta thật hung bạo... Cả nhà tôi cùng khóc. Riêng bố tôi, ông ngồi im ở một góc giường, nhắm mắt suy nghĩ. Còn mẹ tôi vừa khóc, vừa giằng co với họ, cãi nhau chuyện đong đầy, đong vơi (lúc đó đâu có cân để cân thóc).

Không những thế, tôi còn bị địa chủ Trưởng Cơ nghi cho viết lên kho thóc nhà y ở thôn Thanh Liên, chửi y và ông chánh tổng H. Ông H là thông gia với y, nên một buổi sáng, tôi đi đến trường tiểu học Thanh Liên, bị ông H cùng với người đầy tớ túm áo, bắt vào nhà tra hỏi. Tôi hoàn toàn không làm việc này, bị oan ức, tôi kêu khóc rất to. Ba thầy giáo: Thầy Phong, Thầy Tụng, thầy Phi cùng đến can thiệp, và nói: “Cháu là học trò có hạnh kiểm tốt, không bao giờ viết bậy như vậy”. Ông H. vừa tức vừa thẹn thùng, tha tôi ra. Khi tôi đến trường, thầy Hiệu trưởng tỏ thái độ bực tức, nói trước học sinh: “Đồ bắt nạt trẻ con...” rồi thầy vẫy tay bảo tôi vào học... Đến nay tôi còn nhớ như in nét mặt, thái độ của thầy Phong - thầy Hiệu trưởng lúc đó, với tấm lòng cảm kích. Về quan hệ họ tộc, ông H., vợ ông với cha tôi là con cô con cậu ruột. Vợ ông là cháu ngoại cụ Đốc. Gia đình ông còn phải đóng giỗ Tết với gia đình tôi. Bởi vậy hôm sau mẹ tôi ra tận nhà ông Chánh H. trách móc ông gay gắt. Đến những năm 1944-1945 phong trào cách mạng đang lên, ông H. biết là làng tôi có Việt Minh bí mật, và hai ông Đoàn Hữu Lộng, Đoàn Hữu Bảy đã xuất hiện về làng công khai, nên ông H, lo xa. Ông hay đến nhà tôi chơi. Khi ông ta qua rẻo ruộng gặp tôi đang tát nước, làm ruộng... mặc dù tôi mới 14,15 tuổi nhưng đã lớn, ông dừng lại nói chuyện với tôi, khen ruộng này, ruộng kia lúa tốt, khen tôi học thông minh, hay làm và thân mật xưng “bác” với tôi. Ông nói “Bác sẽ làm mối cho cháu lấy H.”. Đó là con gái ông Giáo Q. em ruột ông H. Cô H. cùng học với tôi một lớp, sau cũng đi hoạt động cách mạng tích cực. Cô đẹp gái, nết na, đúng bản chất con nhà giáo, thuỳ mị dễ thương. Nhưng không may mẹ cô bị tai nạn giao thông, do ta đánh mìn đường 5 tàu đổ, cô phải trông nom đàn em nhỏ, không tiếp tục tham gia cách mạng được lâu dài... Cô cũng không đi lấy chồng, nay vẫn sống độc thân ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau ngày thống nhất, cô H. ra Hà Nội, Hải Phòng thăm tôi mấy lần. Khi nhà tôi qua đời năm 1999, cô có viết cho tôi một lá thư dài, kể lại quãng đời của cô và lý do không đi lấy chồng. Còn giữa tôi và cô H. không có sự gặp gỡ hứa hẹn gì, nhưng trong lòng, theo ý riêng tôi thì hai người đều kính trọng nhau về phẩm chất và tình bạn học, bạn làm cách mạng.

Đối với ông Chánh H. Sau cách mạng tháng 8-1945, gia đình ông có nhiều người tham gia cách mạng và trưởng thành, tôi đối xử với ông đúng mực, không có hận thù gì để lại trong tôi. Kể cả con cái ông bà Trưởng Cơ khi cách mạng thành công, kháng chiến bùng nổ, chạy về làng tôi và sang huyện Thanh Hà tản cư, tôi đều thu nạp họ vào các đoàn thể quần chúng.

Từ những năm tôi mới 13-14 tuổi bố mẹ tôi đã ép lấy vợ. Bảo tôi lấy ai tôi cũng từ chối. Đến năm tôi 15-16 tuổi, gia đình đã đi hỏi vợ cho tôi tới 6,7 chỗ, nhưng tôi không ưng ai cả, cho là mình còn ít tuổi, còn ăn bám gia đình, chưa có khả năng tự lập để lấy vợ. Phong tục “tảo hôn” đã làm tôi rất phiền lòng. Anh Hòe lấy vợ từ năm 16 tuổi và đã có con. Trong làng vào độ tuổi tôi đều có gia đình cả, nên tôi cũng thấy lẻ loi, nhưng vẫn quyết tâm chưa lấy vợ. Có lần bị sức ép quá, tôi doạ nếu cứ tổ chức cưới, tôi sẽ tự tử. Từ đó cha mẹ tôi không dám ép nữa. Có ai nói tới việc này, cha mẹ tôi chỉ trả lời: “Tùy ý cháu...”

Trong những tháng năm như vậy, ông Đoàn Hữu Lộng đã mãn hạn tù, thường đến nhà tôi chơi, tuyên truyền về Cộng sản, về Việt Minh với cha tôi và anh em chúng tôi. Trong lúc suy nghĩ mông lung của tuổi đang lớn, tôi gặp rất nhiều xu hướng tư tưởng khác nhau của những người trong họ tác động. Ông anh Đoàn Hữu Xừ thì khuyên tôi cố gắng học hành để làm lý dịch. Sống ở làng, không có chân lý dịch dễ bị khinh rẻ. Rồi anh lấy việc ông Nguyễn Văn Hổ khi làm Chánh hội đã đến gọi cha tôi đi đắp đê vì không đủ thóc đóng cho làng. Chú họ cha tôi là cụ Lệ Tố (Đoàn Hữu Sóng) bảo cha tôi: “Lấy váy đàn bà mà mặc”. Cụ Lệ Tố đâu biết do lời nguyền từ thời cụ Tán, cụ Cử, cụ Đốc... “không hợp tác với thực dân Pháp”, nên tuy cha tôi là đại biểu họ Đoàn (gọi là tộc biểu) ông không chịu ra làm Chánh hội, mà ký cho ông Nguyễn Văn Hổ làm chức đó. Cụ Lệ Tố nói nặng lời như vậy, cha tôi chỉ lặng im, không nói lại gì cả. Lúc đó anh Đoàn Hữu Xừ thường tâm sự với tôi: “Làm Cách mạng mình không có tài, ra thành thị mình không có nghề, còn ở lại nông thôn thì phải làm chức lý dịch mới không bị chèn ép...”.

Đến năm 1944 cuối cùng anh Xừ cũng chạy được làm chức Phó lý. Sang năm 1945 Cách mạng tháng 8 bùng nổ, mọi chức sắc kỳ hào lý dịch làng Tường Vu đều bị xóa bỏ. Lúc đó anh Xừ nói với tôi:

- Tôi hơn chú hơn hai mươi tuổi, nhưng tôi dại hơn chú!

Đến năm 1987, anh ốm nặng, tôi đến thăm anh, anh Xừ lại nhắc:

- Khi ấy chú còn trẻ, nhưng chú thông minh và khôn hơn tôi nhiều!

Tôi chỉ cười trả lời anh:

- Anh theo thời, tôi gặp thời, chứ khôn thì chưa chắc ai đã khôn hơn ai.

Lúc đó tôi đang là Phó Thủ tướng. Anh vui vẻ bảo tôi:

- Không, chú thức thời, anh xu thời mới đúng!

Cả hai anh em cùng cười xoà. Ai ngờ tháng sau anh tôi qua đời. Anh thọ 80 tuổi.










[1] Certificat d'étude primaire complémentaire
[2] Bonne conduite et trèm bonne intelligente et trèm intelligente...
[3] Cụ Thủ Khoa Huân người Nam Hà, trùng tên với cụ Thủ Khoa Huân ở Nam Bộ, cụ có thời ngồi dạy học ở nhà tôi.

XEM TIẾP 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.05.2007 00:27:31 bởi silverbullet >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9