Cao Niên
HongYen 30.05.2007 23:19:36 (permalink)
Thay Đổi Hình Dáng Tuổi Già
Việt Báo Thứ Sáu, 5/25/2007, 12:02:00 AM
BÁC SĨ NGUYỄN Ý-ĐỨC
 






Thay đổi cấu trúc bên ngoài của cơ thể đôi khi là những chỉ dấu báo hiệu sự sắp tới của tuổi già. Và thường thường con người sẽ có những ngỡ ngàng, những ưu tư trước các thay đổi đó.
 
1-Thay đổi về tóc
 
Với khoa học, lông và tóc giúp bảo vệ cho đầu khỏi bị tác dụng nguy hại của ánh nắng mặt trời, ngăn ngừa sự xâm nhập vật lạ vào mắt, mũi. Nhưng với con người, tóc là món đồ trang trí quý giá, một biểu tượng của cá tính. Do đó tóc được chăm sóc rất chu đáo. Khi tóc thay đổi với tuổi già thì nhiều người thấy không vui, tìm đủ mọi cách để che đậy.
 
Về cấu tạo, tóc là một tập hợp những tế bào khô đã chết được đẩy lên khỏi da từ một túi nang ở chân tóc. Trong chân tóc có mạch máu, dây thần kinh, tuyến tiết chất nhờn. Trung bình trên đầu có hơn 100,000 sợi tóc và mỗi ngày có khoảng một trăm sợi rụng đi.
 
Tại chân tóc có những tế bào đặc biệt được sắp đặt để vào một tuổi nào đó tiết ra chất mầu melanin khiến cho tóc đen, bạch kim hoặc hung hung đỏ.
 
Cho tới nay chưa có giải thích thỏa đáng cho những thay đổi của tóc khi về già như thay đổi về số lượng, mầu sắc và phẩm chất của tóc. Mặc dù những thay đổi này không mang lại ảnh hưởng xấu cho sức khỏe nhưng con người lại rất quan tâm đến.
 
a-Tóc bạc
 
Về mầu sắc, sự kiện tóc bạc hay tóc hoa râm là những dấu hiệu khá sớm của tuổi về già.
 
Tóc bạc bắt đầu từ hai bên thái dương rồi lan lên đỉnh đầu. Mới đầu, nó còn có tính cách muối tiêu, trắng đen lẫn lộn, sau đó thì muối nhiều hơn tiêu.
 
Sở dĩ tóc thành trắng là vì loại tế bào sinh hắc tố (melanin) giảm đi, tóc trở thành không có mầu, ánh sáng phản chiếu lên khiến cho tóc như trắng.
 
Cho đến nay khoa học chưa chứng minh tại sao tế bào này giảm đi cũng như chưa tìm ra cách ngăn chặn được sự giảm này.
 
Đa số các nhà nghiên cứu cho tóc bạc vì gen di truyền hoặc vì sự hóa già. Cũng có ý kiến cho là vì thiếu sinh tố loại B, kém dinh dưỡng, do thời thiết, ô nhiễm hóa chất trong môi trường hoặc do căng thẳng tâm thần, buồn phiền quá mức.
Vì không ngăn ngừa, không chữa được nên con người tìm cách che đậy, thay đổi sự bạc trắng này bằng mỹ phẩm nhuộm tóc, mang tóc giả hoặc cấy tóc.
 
Giáo sư Kyonggeun Yoon và các nghiên cứu gia tại Đại học Y Khoa Jefferson, Pennsylvania, đã thành công trong việc chuyển đổi tóc từ trắng sang đen của chuột mắc bệnh bạch tạng bằng điều chỉnh gen di truyền. Kết quả nghiên cứu được công bố trong tạp chí Nature số tháng Giêng năm 2000. Mong rằng phương thức này sớm mang lại kết quả tốt đẹp để có thể áp dụng cho người già tóc bạch kim.
 
Tuy được coi là một dấu hiệu sớm của tuổi về già, nhưng sự bạc tóc chỉ xảy ra ở khoảng 65% người cao tuổi, còn 35% thì hoặc tóc không bạc hay chỉ bạc khi tuổi rất cao.
 
Nhiều trung niên, mới 25-30 tuổi tóc đã bạc.
 
Thành ra sự bạc tóc không phải là chỉ dấu của sự hóa già của các bộ phận trong cơ thể, cũng như không có ảnh hưởng gì tới sức khỏe hay tới tuổi thọ. Nhiều người hãnh diện có mái tóc bạch kim, tự cho là người từng trải, có kinh nghiệm và đáng tin cậy.
 
Thánh kinh có ghi “Tóc bạc là vương miện của sự vinh quang”
Còn huyền thoại Ngũ Tử Tư, sau một đêm trầm suy, sáng dậy tóc đã bạc trắng cũng vẫn chỉ là huyền thọai, không có giải thích khoa học.
 
b-Rụng tóc
 
 Rụng tóc là một hiện tượng bình thường xẩy ra ngay từ khi còn trẻ. Nhưng với tuổi cao, tóc rụng nhiều hơn nhất là khi da đầu bị nhiễm trùng, hoặc do ảnh hưởng của một vài dược phẩm, chất phóng xạ trị liệu, vài loại thực phẩm.
Trung bình, mỗi ngày có khoảng 100 sợi tóc rụng. Lông nách và lông mu cũng chịu cùng số phận.
 
Ngoài ra, khi về già tóc khô, giòn, dễ rụng vì các tuyến nhờn kém họat động.
Ở nữ giới, lông tóc mọc ở cằm trên khi số lượng kích thích tố nữ giảm vào thời tắt kinh và gây ra nhiều ngượng ngùng cho quý bà. Ta có thể nhổ, cạo hoặc dùng các chất hóa học để làm mất những sợi lông vô duyên này.
 
Ngoài ra khi qúy bà dùng thuốc có nam kích thích tố, thì lông tóc cũng mọc ra ở mặt và thân thể, nhưng khi ngưng thuốc thì lông tóc ngưng mọc.
 
2- Thay đổi về da
 
Với một diện tích 17 thước vuông, da là bộ phận lớn nhất của cơ thể.
 
Về phương diện cấu tạo, da đã làm nhiều kiến trúc sư xây dựng ngạc nhiên, thán phục vì tính cách bền bỉ, đàn hồi và nhậy cảm của nó.
 
Da là đồng minh bảo vệ cơ thể chống ngoại vật xâm lăng như vi khuẩn, cát bụi, những phũ phàng của thời tiết nóng lạnh, thay đổi của thiên nhiên.
 
Nhưng da cũng tố giác tuổi già với nhiều thay đổi không đẹp như da nhăn nheo, khô cằn, mềm xệ hoặc những vết đồi mồi...
 
Về cấu tạo, da có ba lớp chính: biểu bì, bì và hạ bì với các chức năng khác nhau.
-Biểu bì là lớp ngoài cùng gồm tế bào tiết chất cứng gelatin để bảo vệ da; tế bào sắc tố làm cho da có mầu và chặn tia tử ngoại xâm nhập cơ thể. Biểu bì được liên tục thay thế và trong suốt cuộc đời 70 tuổi, ta mất đi tới 20 kí lô tế bào da.
-Bì là một mạng lưới tế bào với hai chất đạm elastin và collgen làm da được bền bỉ và co giãn. Bì còn có nhiều mạch máu, dây thần kinh, tuyến mồ hôi, tuyến nhờn và chân tóc.
 
-Hạ bì nằm dưới cùng, có nhiều tế bào mỡ, sợi thần kinh, mạch máu và được dùng như để gắn hai lớp bì và biểu bì vào cơ thể.
 
Sự hóa già mang đến nhiều thay đổi không đẹp lắm cho hình dáng con người ở cả ba lớp da.
 
Biểu bì hư hao nhiều hơn là tái tạo, mô mới kém tổ chức khiến cho biểu bì mỏng manh. Tế bào mầu, chất elastin và collagen giảm, tuyến mồ hôi và tuyến nhờn teo, giảm hoạt động. Những thay đổi đó đưa tới các hậu quả sau đây:
 
a-Da nhăn.
Sự xuất hiện của lớp da nhăn đầu tiên trên cơ thể làm nhiều người hoảng hốt, vì với da nhăn làm ta như già đi. Da nhăn nheo vì chất collagen giảm, chất elastin tăng, da mất tính đàn hồi.
Chúng ta có thể đo sự mềm dịu đàn tính của da bằng cách kẹp lớp da giữa hai ngón tay trong ít giây, rồi thả ngón tay, tính xem mất mấy giây để lớp nhăn trở lại bằng phẳng. Thường thì một hai giây, nhưng ở người trên 60 tuổi, thì phải mất vài chục giây.
Da nhăn nheo, không có nghĩa là những cơ quan cốt yếu trong cơ thể cũng suy mòn. Người trẻ tuổi mà da không được chăm sóc thì cũng vẫn nhăn như thường.
 
b.- Da khô
Ở người cao tuổi, sự bài tiết mồ hôi giảm vì những tuyến mồ hôi, tuyến nhờn giảm hoặc kém hiệu năng. Do đó da trở nên khô, ngứa, nhất là về mùa lạnh.
 
c- Thay đổi khả năng điều hoà thân nhiệt
 Dưới lớp bì và biểu bì là một lớp mô mỏng chứa nhiều chất mỡ để chống sự thất thoát nhiệt độ cơ thể.
 
Ở người cao tuổi, lớp mỡ này mất đi, nhất là ở mu bàn tay, mặt và gan bàn chân. Các cảm giác ngoài da cũng kém, nhất là cảm giác đau. Vì thế người cao tuổi hay bị phỏng ở bàn chân.
 
 Số lượng những mạch máu nhỏ dưới da của người cao tuổi cũng ít hơn, cho nên người gìa chịu đựng độ lạnh kém người trẻ. Khi nhiệt độ giảm dưới mức an toàn, người già có thể bị lạnh cóng.
 
d- Chậm lành vết thương
Xúc giác giảm cộng thêm sự suy yếu của hệ thống miễn dịch kéo dài độ nhạy cảm của da khi tiếp xúc với hoá chất kích thích. Người già hay bị tổn thương nơi da. Khả năng lành da cũng rất chậm vì giảm máu nuôi dưỡng da.
Nhìn chung, những thay đổi theo tuổi già của da xuất hiện rõ nhất ở trên mặt. Vầng trán nhăn nheo với vết rạn chân chim ở đuôi con mắt; da mặt mỏng; xương mặt nhô; mạch máu lộ trên da; mí mắt xệ, quầng mắt đen; vành tai to chẩy xuống; cằm nhiều mỡ.
 
3- Thay đổi về chiều cao
Với tuổi đời chồng chất, con người như co lại, và dáng điệu ngay thẳng hiên ngang lúc trai tráng không còn nữa.
 
Trung bình khi về già, đàn ông thấp đi khoảng 2 phân, đàn bà 1,5 phân. Đây là do ảnh hưởng của một số yếu tố như sự giảm nước trong cơ thể, các bắp thịt yếu, thay đổi vóc dáng, xương sống hao mòn và biến dạng.
 
Riêng ở nữ giới, nguyên nhân chính của co ngắn chiều cao vẫn là bệnh loãng xương (osteoporosis).
 
4- Thay đổi về sức nặng, dung lượng nước của cơ thể
 
 Kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu đều xác nhận là, sức nặng của cơ thể tăng lên ở tuổi trung niên rồi giảm xuống lúc tuổi già. Đồng thời, tế bào mỡ tăng và thay thế vào chỗ những tế bào thịt bị tiêu hao vì ta không sử dụng đến chúng. Tế bào mỡ xuất hiện nhiều nhất ở vùng bụng và hông.
 
 Ở tuổi thanh niên, 60% sức nặng của cơ thể là nước. Khi về già chỉ còn có 51%.
 Nữ giới cũng vậy: từ 51% lúc trẻ xuống 46% lúc về già. Nguyên do là số lượng tế bào chứa nhiều nước mất đi hoặc teo đi.
 
5- Một số những thay đổi khác
 
 Nhận xét chung cho thấy, về già vòng ngực tăng lên, sống mũi và dái tai dài ra một chút.
 
 Trên xương đầu thì những khớp nối của xương dính liền lại, xương sọ dày lên.
Móng tay, móng chân mọc chậm, đổi mầu và có những lằn gợn gồ ghề.
 
Kết luận
 
Trên đây là những thay đổi bình thường xẩy ra trong tiến trình lão hoá.
 
Ngày nay khoa học đã chứng minh là ta có thể làm những thay đổi này chậm lại bằng cách sống theo quy luật thiên nhiên, dinh dưỡng hợp lý, tránh lạm dụng những chất có hại cho cơ thể, vận động xương thịt đều đặn cho khí huyết lưu thông, gân cốt thư dãn.
 
Cũng như giữ cảnh lòng luôn luôn an lạc, như lời người xưa: “Lạc giả trường thọ, ưu giả dị yểu”.
 
Texas-Hoa Kỳ


 BÁC SĨ NGUYỄN Ý-ĐỨC
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=117&nid=108299
#1
    HongYen 20.01.2008 06:38:42 (permalink)




    Sô-cô-la với phụ nữ lớn tuổi
    Cập nhật cách đây 5 giờ 35 phút
     
    T.Q





    Sô-cô-la có thể gây yếu và loãng xương ở phụ nữ lớn tuổi. Theo Hãng tin Reuters, các nhà khoa học thuộc ĐH Tây Úc đã tiến hành một cuộc nghiên cứu về tác động của sô-cô-la đối với xương trên 1.001 phụ nữ tuổi từ 70 đến 85.
     



    Kết quả cho thấy những người dùng sô-cô-la mỗi ngày có mật độ xương thấp hơn 3,1% so với người ăn sô-cô-la ít hơn một lần mỗi tuần, và làm cho xương ở gót chân và xương ống chân yếu đi. Theo các nhà khoa học Úc, tác động trên có thể xuất phát từ việc sô-cô-la có chứa chất oxalate, vốn cản trở việc hấp thụ can-xi, và chất đường, đẩy nhanh sự bài tiết can-xi. 
    T.Q
    http://www2.thanhnien.com.vn/Suckhoe/2008/1/20/223318.tno
    #2
      HongYen 21.01.2008 02:44:31 (permalink)










      var dtSubjectDate = new Date('Jan 16 2008 17:41:59');




      Thứ tư, 16/1/2008, 17:41 GMT+7




      Trời rét, nhiều cụ già đổ bệnh

       






      Các bệnh nhân đang điều trị tại Viện Lão khoa. Ảnh: T.N.
      Hai ngày qua, do thời tiết chuyển sang rét đậm khiến số bệnh nhân đi khám vì cao huyết áp, đột quỵ và viêm phổi tăng. Các bác sĩ cho biết thói quen tập thể dục quá sớm đã khiến nhiều cụ già nhiễm lạnh.
       
      Sáng 15/1, sau khi ra công viên tập thể dục về, cụ Long, 73 tuổi (Thanh Xuân, Hà Nội) thấy nhức đầu, chóng mặt và rất mệt. Gia đình gọi một bác sĩ gần nhà đến khám, thấy huyết áp tăng vọt. Bác sĩ cho biết nguyên nhân là trời quá lạnh trong khi cụ mặc không đủ ấm khi ra công viên.
       
      Giống cụ Long, nhiều người cao tuổi khác cũng đã phải gặp bác sĩ vì đợt rét đang diễn ra ở Bắc Bộ. Tiến sĩ Đỗ Thị Khánh Hỷ, Phó viện trưởng Viện Lão khoa, cho biết trời lạnh khiến người già rất dễ bị tăng huyết áp dẫn đến đột quỵ (tai biến mạch máu não) và viêm phổi. Số người đến khám vì các bệnh này tại viện có dấu hiệu tăng trong 2 ngày nay.
       
      Do sức đề kháng kém nên khi gặp lạnh đột ngột, cơ thể người già khó lấy lại được trạng thái cân bằng, dễ nhiễm khuẩn đường hô hấp. Viêm phổi ở người già thường nặng và điều trị khó hơn; mặt khác lại dễ bị bỏ qua, chỉ đến khi nặng mới được phát hiện. Nguyên do là triệu chứng viêm phổi ở các cụ thường không rõ ràng, nhiều cụ chỉ hơi ho, mệt mỏi, không sốt hoặc sốt nhẹ.
       
      Giá rét cũng khiến các mạch máu co lại đột ngột, dẫn đến tăng huyết áp và nặng hơn tai biến mạch máu não (biểu hiện là nói ngọng hay cấm khẩu, méo mồm, nặng thì liệt nửa người, hôn mê).
       
      Không nên đi tập thể dục quá sớm
      Để phòng các tai biến sức khỏe do trời lạnh, người cao tuổi nên chú ý giữ ấm trong những ngày này, nhất là những người cao huyết áp. Đặc biệt chú ý giữ kín đầu, cổ, ngực và bàn chân ngay cả khi ở trong nhà để tránh trúng gió khi mở cửa.
       
      Không nhất thiết phải tắm hằng ngày, tắm và gội không nên tiến hành một lúc. Phòng tắm phải kín và được sưởi ẩm trước khi vào, tắm dần từng phần cơ thể chứ không nên dội nước ào lên người. Sau đó, phải mặc ấm ngay.
      Nên cẩn thận khi dậy đi vệ sinh vào ban đêm. Đang nằm trong chăn ấm, khi dậy cần quàng khăn, khoác áo ngay. Không nên ngồi dậy một cách đột ngột.
       
      Hiện nhiều cụ già có thói quen ra công viên, đường phố tập thể dục từ lúc 4-5 giờ sáng. Theo tiến sĩ Khánh Hỷ, điều này rất không nên vì lúc này trời còn rất lạnh. Nên chờ ít nhất là 6h sáng, mặc quần áo ấm, có khăn, mũ, tất... đầy đủ. Nhiều cụ quan niệm điều này không cần thiết vì tập luyện sẽ làm người nóng lên. Nhưng thực ra khi người chưa kịp nóng thì các cụ đã có thể nhiễm lạnh. Những hôm trời quá rét, những người già yếu nên tập ở nhà.
       
      Ngoài ra, trong những ngày rét, người cao tuổi càng phải lưu ý ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng với bệnh tật, đặc biệt uống đủ nước để quá trình chuyển hóa, trao đổi chất không bị ngưng trệ. Người già thường bị giảm cảm giác khát nên nhiều khi cơ thể đã thiếu nước nghiêm trọng mà vẫn không có nhu cầu uống. Do đó, cần tập thói quen uống nước "theo chương trình định sẵn" mà không chờ đến lúc khát.
       
      Khi thấy có các biểu hiện ho, mệt, nên đi khám để phát hiện sớm viêm phổi. Những người cao huyết áp cần uống thuốc đều đặn, khi thấy có biểu hiện khác lạ như nói khó, mất vận động, mất thị lực thoáng qua... thì gọi bác sĩ ngay vì đó là dấu hiệu đột quỵ.
      Hải Hà
      http://vnexpress.net/Vietnam/Doi-song/2008/01/3B9FE72A/
      #3
        HongYen 13.02.2008 08:29:53 (permalink)



        Công nghệ có thể giúp gì cho giới cao niên?


        11/02/2008








        Máy tính chỉ cần dùng tay điều khiển
        Thế hệ đông đảo ra đời sau thế chiến thứ hai hiện đang bước vào tuổi cao niên, trong số này những người lớn tuổi tuổi nhất hiện vào khoảng 65 và rất nhiều người thuộc thế hệ này đang nghĩ đến chuyện về hưu. Nhiều người đang phải chăm sóc cho cha mẹ già và biết rất rõ điều gì đang chờ đợi họ trong tương lai Trưởng thành trong thời kỳ bùng nổ công nghệ cao, họ đang tìm kiếm những đột phá trong ngành này để giúp đỡ cho họ trong những năm tháng của tuổi già.
         
        Tuần qua, những chuyên gia về vấn đề chăm sóc cho người lớn tuổi đã đem một số những kỹ thuật mới đến trụ sở quốc hội Hoa Kỳ với hy vọng được quốc hội hỗ trợ. Lan Phương với Lá thư Mỹ Quốc tuần này mời quí vị theo dõi câu chuyện sau đây:
         
        Nếu như kỹ thuật có thể giúp cho một bệnh nhân bị chứng lú lẫn của tuổi già không phải nhập viện dưỡng lão thêm một vài năm thì sẽ giảm bớt được rất nhiều chi phí, mà còn duy trì được lối sống thoải mái ở tại nhà cho họ. Điều này có lợi về mọi mặt.
         
        Bà Kathy Bekkenist là một trong 5 người đã ra điều trần trước quốc hội để cổ võ cho một tổ chức mới được thành lập chuyên lượng giá và triển khai những công nghệ dành cho giới người cao niên và những người chăm sóc cho họ.
         
        Bà Bakkenist là một phó giám đốc cao cấp của tổ chức Ecumen, một trong số những tổ chức bất vụ lợi lớn nhất của Hoa Kỳ chuyên cung ứng nơi trú ngụ cho người lớn tuổi. Bà cho biết tổ chức của bà đã thí nghiệm những công nghệ tối tân tại nhiều căn hộ của khách hàng.
         
        Bà Bakkenist nói: "Chúng tôi tìm kiếm những công nghệ để thí nghiệm những gì mà chúng tôi tin là giá cả phải chăng và sẽ dễ dàng sử dụng được, và mục đích tối hậu là để cải thiện cách sinh hoạt với những hiệu quả lớn lao hơn."
         
        Lấy thí dụ, nhiều đơn vị cư trú của tổ chức Ecumen có những máy tính chỉ cần dùng bàn tay điều khiển để ghi những thông tin như thuốc men, huyết áp và các hoạt động thường ngày. Một số các căn hộ được trang bị với hệ thống theo dõi bằng những bộ cảm ứng chỉ nhỏ bằng thỏi son đặt quanh nơi cư trú của mỗi cá nhân để giúp khám phá những rắc rối về sức khỏe.
        Bà Bakkenist nói: "Khách hàng sẽ quyết định xem họ muốn đặt những bộ cảm ứng đó ở đâu, có thể là tủ lạnh, buồng tắm, trong bếp. Những dụng cụ này phát hiện được hơi nóng và sự di chuyển của người trong nhà, vì thế chúng thiết lập được một mô thức căn bản của lề lối sinh hoạt bình thường của người trong căn hộ. Bất cứ sự thay đổi nào ra khỏi mô thức bình thường đó cũng được phân tích và rồi gửi tới màn ảnh máy vi tính. Và khách hàng là người quyết định xem ai là người được phép tiếp cận những thông tin này."
         
        Cụ Honor Hacker, 82 tuổi, một giáo chức hồi hưu hiện sống trong một căn hộ của tổ chức Ecumen tại Minnesota, đã đến thủ đô để trình bày trước quốc hội về hệ thống theo dõi, được đặt tên là sự Chăm Sóc Thầm Lặng, giúp phát hiện những lúc cụ bị ngộp thở trong giấc ngủ.
        Cụ Hacker nói: "Tôi rất thích khi biết là Quiet Care cung ứng thêm mức độ an toàn, nhưng nó không làm mất sự riêng tư của tôi."
         






        Cụ Hacker, 82 tuổi, sử dụng chương trình tập dượt trí não Dakim PowerCụ Hacker cho biết cụ rất hài lòng khi là một trong những người đầu tiên được thích ứng với công nghệ mới loại này. Cụ đặc biệt thích thú chương trình Dakim Power, một chương trình huấn luyện khả năng nhận thức dựa vào máy vi tính..Chương trình này có mục đích tập dượt các hoạt động trí não cho người lớn tuổi.
         
        Cụ Hacker nói: "Nó giúp tôi sinh động hơn. Bỏ bẵng đi mấy ngày không dùng đến nó tôi rất vui khi trở lại để xem mình đã biết được những gì, cái gì mình không biết, và làm sao để thăng tiến sự hoạt động của trí não của mình."
         
        Chương trình này sử dụng những phim ảnh, hình chụp, âm nhạc và kể chuyện, vừa để giải trí vừa để tập dượt trí não.
        Lấy ví dụ như chương trình có tên là 'Famous People, Little Known Facts', xin tạm dịch là 'Những người nổi tiếng, Những Sự Kiện Ít Được Biết về Họ'.
         
        Sau khi đưa ra hình ảnh của những người nổi tiếng kèm theo những dữ kiện ít được biết tới về họ, chương trình này yêu cầu người xem trả lời các câu hỏi bằng cách chạm tay vào câu trả lời trên màn ảnh vi tính mà họ cho là đúng.
         
        Chương trình Dakim Power đã được đem sử dụng tại những nơi cư trú dành cho những người lớn tuổi cần được phụ giúp trong sinh hoạt hằng ngày, hầu giúp giảm bớt nhu cầu trị liệu từ những chuyên viên với từng người một, trong việc cải thiện khả năng nhận biết của họ. Một phiên bản của chương trình này được dùng cho người sống tại nhà riêng sẽ được phát hành trong nay mai. một trong những mục tiêu tối hậu của việc sử dụng các kỹ thuật mới trong việc chăm sóc cho người lớn tuổi là giúp cho họ được sống ở nhà riêng thay vì phải vào viện dưỡng lão hay các khu cư trú tập thể khi về già.
         
        Đó cũng chính là mục đích của hệ thống GrandCare, một hệ thống đặt căn cứ vào Internet mà bà Gaytha Hillman nói là chồng bà đã triển khai:
         
        Bà Hillman nói: "Chúng tôi gắn một hệ thống này tại tư gia của người cao niên sống độc lập. Hệ thống có một màn ảnh máy vi tính thông tin về những lời nhắn do những người thân thăm hỏi, những ảnh chụp, những ngày giờ hẹn bác sỹ hay đi dự lễ sinh nhật, tin tức hàng đầu, những thứ vụn vặt, lỉnh kỉnh, tất cả những gì liên quan đến những khía cạnh đời sống xã hội. Chúng tôi cũng đặt những bộ cảm ứng ở khắp nhà chỉ để theo dõi sự an toàn cho người lớn tuổi qua máy điện toán và thấy được hoạt động được ghi lại từ các bộ cảm ứng, để, thí dụ, bảo đảm là bà nội đang đi lại trong nhà một cách bình thường, không té ngã, và rằng nhiệt độ trong nhà đủ ấm, hay để bảo đảm rằng bà nội không mở cửa đi ra khỏi nhà vào lúc nửa đêm, tức là giúp người chăm sóc cho người già ghi nhận sinh hoạt của người cao niên xem có bình thường hay không, chứ không ghi nhận những chi tiết tọc mạch khác."
         
        Nhiều chương trình và sản phẩm được đem ra trình bày trước quốc hội kể cả Dakim Power và hệ thống GrandCare System của Hillman được triển khai để đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân, giúp chăm sóc cho cha mẹ già. Bà Kathy Bakkenist cho biết bà hy vọng quốc hội sẽ tin tưởng và sẽ trợ giúp cho những doanh nhân phát minh ra những chương trình hoặc các hệ thống như vậy.
         
        Trong 20 năm tới, 76 triệu người Mỹ sẽ đi vào tuổi già. Nhiều người sẽ sống lâu đến trăm tuổi hay hơn. Những công nghệ được đem trình bày trước các nhà làm luật tại quốc hội liên bang Hoa Kỳ có thể sẽ giúp cho những năm cuối đời của người cao niên và gia đình họ được hưởng một cuộc sống thoải mái, dễ chịu hơn.

        http://www.voanews.com/vietnamese/2008-02-11-voa14.cfm
        #4
          HongYen 13.02.2008 09:59:24 (permalink)







          Thứ hai, 11/2/2008, 11:00 GMT+7




          Tránh cơn đau tuổi già
           
          Nhiều người cao tuổi chấp nhận những cơn đau nhức như một phần tất yếu của tuổi già. Nhưng các bác sĩ cho biết tuổi già và sự đau yếu không nhất thiết phải đi đôi với nhau.





          Người già nên tập thể dục. Ảnh: Hoàng Hà.
          Điều quan trọng là phải đi khám để biết được nguyên nhân của cơn đau và tìm ra cách điều trị tốt nhất.
           
          Các bác sĩ cũng đưa ra những lời khuyên sau:
           
          - Cố gắng tập thể dục đều đặn.
          - Tìm kiếm sự hỗ trợ từ người khác để xử lý cơn đau.
          - Làm giảm cơn đau bằng các biện pháp thư giãn như massage, ngồi thiền.
          - Đánh giá mức độ cơn đau trên thang điểm 10 và thông báo cho bác sĩ, sau đó tiếp tục ghi lại những lần bị đau.
          - Nói cho bác sĩ biết về những biện pháp khống chế cơn đau, bao gồm các loại thuốc hay thảo dược.
          - Chú ý những gì khiến cơn đau giảm và những gì khiến cơn đau tăng.
           
          M.T. (theo Heathday)

           
          http://www.vnexpress.net/Vietnam/Doi-song/2008/02/3B9FF234/
          #5
            HongYen 16.06.2008 09:08:11 (permalink)
            Thứ sáu, 13/6/2008, 09:46 GMT+7
            4 chú ý khi vận động ở tuổi 40
             






            Ở tuổi 40, các cử động nên nhẹ nhàng, tránh các tai biến. Ảnh: Hoàng Hà.

            Từ độ tuổi này, sức mạnh cơ bắp chuyển sang trạng thái ổn định. Tất cả các tư thế vận động không quen thuộc đều có thể tạo ra các tai biến khôn lường. Dưới đây là những lưu ý quan trọng nhất.
             
            Không cử động mạnh và đột ngột
            Ở độ tuổi 40, dù bạn có chơi thể thao thì cũng chỉ giữ được sức mạnh dẻo dai ở những nhóm cơ được vận động thường xuyên. Các nhóm cơ bắp không vận động sẽ bắt đầu quá trình lão hóa.
             
            Các tư thế vận động không quen thuộc nhưng lại được thực hiện mạnh và đột ngột sẽ gây ra tổn thương cơ, như chuột rút, rách cơ, đứt dây chằng…, có thể xảy ra ngay cả ở các vận động viên thể thao, và ở những nhóm cơ đã vận động quen thuộc nhưng lại không được khởi động kỹ.
            Do đó, nguyên tắc an toàn chung khi vận động ở lứa tuổi này là tránh tất cả các cử động mạnh và đột ngột. Cần tránh tất cả các loại té ngã trong nhà hoặc khi tham gia giao thông, hiện tượng gãy xương và tổn thương cơ bắp rất dễ xảy ra. Đặc biệt chú ý là những người lao động trí óc, làm việc trong các văn phòng, ít vận động và tập thể dục, do đó quá trình lão hóa thần kinh và suy giảm sức mạnh cơ bắp càng diễn ra nhanh chóng hơn. Mọi tư thế vận động bất thường đều có thể gây ra chấn thương cho cơ thể.
             
            Chú ý những vật dụng khổ rộng hoặc nặng từ 10 kg trở lên
            Khi đến lứa tuổi 40, bạn không nên chủ quan khi nhấc, khuân vác các vật dụng có khổ (chu vi) rộng hoặc nặng từ 10 kg trở lên. Hãy nhờ người khác giúp sức khi cần thiết. Cần giữ cột sống luôn thẳng khi nhấc mọi vật dụng trong nhà. Những tổn thương cột sống hoặc xương - cơ ở lứa tuổi này rất khó hồi phục, có thể để lại những di chứng suốt đời.  
             
            Tránh leo trèo
            Sự chủ quan của nam giới khi leo trèo, té ngã ở độ tuổi này có thể gây ra tai biến não, liệt bộ phận hoặc tàn phế suốt đời. Do những tổn thương trong vận động ở giai đoạn này rất đa dạng, chúng có thể gây ra chấn thương liên hoàn toàn bộ hệ thần kinh cơ.Nếu có thể hãy tránh mọi việc leo trèo từ độ tuổi này. Hãy gọi thợ hoặc nhờ người khác giúp sức mỗi khi bạn leo thang, lên mái nhà, sửa chữa các thiết bị hoặc vận dụng trên cao… Cần lưu ý tránh tất cả các vận động bất thường hoặc chấn động đột ngột cho cơ thể.
             
            Chú ý cả trong tình dục
            Các chuyên gia đã kết luận, sex buổi sáng tốt hơn tập thể dục bình thường. Theo đó, sex huy động toàn bộ hệ thống thần kinh – cơ bắp và hệ hô hấp vận động gần tối đa. Do đó, sex cũng cần được “khởi động” đối với cả 2 người. Nhất là những người không sinh hoạt tình dục quá lâu (tù nhân, vợ mất đã lâu…), nếu quan hệ quá sức rất dễ gây nên đột quỵ, “thượng mã phong”, tai biến khó lường hoặc thậm chí chết người.Kể cả những quý ông có đời sống tình dục thường xuyên cũng cần chú ý đối với những kiểu (tư thế) mới. Sự hưng phấn và vận động quá mức trong khi giao hợp, với những tư thế lạ, có thể dẫn đến các tổn thương cột sống hoặc tai biến mạnh máu não.
            Bên cạnh việc chú ý đến các vận động bất thường, để bảo vệ hệ thần kinh cơ, lứa tuổi này cần thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, chú ý các loại thực phẩm tăng cường sức mạnh cơ bắp (chất đạm, vitamin C, canxi, sắt…). Tránh tối đa nhóm thực phẩm làm cản trở quá trình cung cấp máu và chất dinh dưỡng cho cơ bắp khi cơ thể vận động, nhất là cholesterol (có nhiều trong đồ lòng hoặc mỡ động vật) và thuốc lá.
             
            Lê Huỳnh - Bộ môn Giáo dục kỹ năng sống
            Trung tâm đào tạo HLV võ thuật Việt Nam
             
            http://vnexpress.net/GL/Doi-song/2008/06/3BA034E9/
             
            #6
              Như Ý P 24.06.2008 11:28:57 (permalink)
              Lợi ích của thú vui trồng vườn đối với người lớn tuổi
               




              23/06/2008

              Lợi ích của thú vui trồng vườn đối với người lớn tuổi (2.99 MB) - Tải xuống (MP3)
              Lợi ích của thú vui trồng vườn đối với người lớn tuổi (2.99 MB) - Nghe trực tiếp trên mạng  (MP3)


              Vào mùa hè, tiết trời nóng ấm, đi ngang qua những khu gia cư của người dân tại Hoa Kỳ người ta thấy cây cỏ trong vườn xanh um, đủ loại hoa khoe sắc nơi vườn trước và một số gia đình còn trồng rau ở vườn sau. Trồng vườn là một thú vui của rất nhiều người. Đối với những ai sống trong các chung cư ở những thành phố lớn thì có muốn trồng vườn cũng khó. Để cung ứng phương tiện cho các cư dân có một mảnh đất trồng cây cảnh hay rau cỏ, rất nhiều thành phố dành ra một số đất công cho cư dân đến đây thể hiện thú vui tao nhã mà có khi còn rất thực tế nữa.

              Lá Thư Mỹ Quốc hôm nay mời quí thính giả theo dõi bài viết của Lan Phương qua câu chuyện với ông Morris Klein, một khoa học gia làm việc tại phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos hiện đã hồi hưu và sinh sống tại thủ đô Washington và cụ Tân Lưu, một người trước đây từng dùng mảnh đất công được cấp phát vào mục đích rất thực dụng.

              Khoa học gia Morris Klein năm nay 69 tuổi, về hưu từ mấy năm nay, rất thích vườn tược. Sống trong một căn chung cư nơi thủ đô Washington, không có đất riêng để trồng vườn, ông Klein mô tả điều kiện sống của ông  

              Ông Klein nói: "Vườn cộng đồng là một phúc lợi tuyệt vời cho người dân. Tôi sống trong một căn nhà hộp diêm, tức là căn chung cư, và trước đây khi còn làm việc, hằng ngày tôi vẫn phải ngồi trước một cái hộp gọi là cái máy vi tính. Giờ đây thì tôi sống gần vườn tược và cứ thế mà trồng trọt. Làm sao mà có được đất để trồng? Quí vị cứ việc ghi tên vào danh sách chờ đợi. Mỗi khu đất có một nhân viên coi sóc, theo dõi. Nếu ai được cấp đất mà không chịu chăm sóc cho cẩn thận, không chịu nhổ cỏ dại, không giữ cho thửa đất được gọn gàng, đẹp mắt, thì họ sẽ chất vấn quí vị và lấy lại thửa đất đó đem cấp cho người khác. Đó là lối mà cộng đồng quản trị những khu đất công. Thường thì phải mất 2, 3 năm chờ đợi người ta mới được cấp đất."

              Khu đất mà ông Klein trồng nằm ngay bên kia đường, xế cửa viện bảo tàng hàng không và không gian ở thủ đô, và đây chỉ là một khoảnh đất mà ông được cấp. Ông được thêm 3 khoảnh đất nữa ở gần một nhà thờ trong thủ đô. Cộng tất cả ông được chừng 45 mét vuông. Những thửa đất này gần nhà, mỗi sáng ông đi bộ đến nơi chăm sóc vườn rau và cây cảnh. Theo đuổi thú trồng vườn từ 30 năm nay, ông Klein nêu lên những lợi ích của việc chăm sóc vườn tược  

              Ông Klein nói: "Ồ, thật là tuyệt. Nếu gặp một ngày đầy áp lực công việc ở sở làm thì trồng vườn giúp người ta khỏi phải trả tiền cho bác sỹ tâm thần. Tôi thích ngắm cây cỏ đâm chồi nảy lộc, mọc lên, rồi thành những cây rau trái. Hầu hết những thứ tôi trồng là rau nhưng tôi cũng giúp trồng hoa cho vườn bách thảo nữa. Khi làm vườn, tôi cảm thấy thư thái, yên bình. Tôi rất thích ngắm muôn hồng ngàn tía nở rộ, thật là dẹp, và nếu chúng ta có thể tô điểm cho cuộc đời dẹp thêm lên thì đấy là tất cả ý nghĩa của việc trồng vườn."

              Chăm sóc vườn tược còn có lợi cho sức khỏe thể chất, nhất là những người lớn tuổi.

              Ông Klein giải thích thêm: "Trồng vườn khiến tôi phải ở ngoài trời, được hưởng nhiều ánh nắng mặt trời. Người ta nói nếu không có đủ ánh nắng mặt trời thì sẽ không có đủ vitamin D bồi bổ cho xương, xương cốt sẽ bị xốp, dễ gãy. Trồng vườn là một thú vui tuyệt vời, đối với người lớn tuổi, nó còn là một cách vận động thân thể thật nhẹ nhàng. Một vài người mà tôi quen biết xuất thân từ nông trại. Họ đã canh tác, trồng trọt, gần gũi với đất đai. Bây giờ về hưu ra sống ở thành thị, họ nhớ ruộng vườn, nên được thửa đất trồng trọt tí chút giúp cho họ khuây khỏa rất nhiều."

              Vì thích thưởng thức mùi vị của rau quả tươi nên ông Klein tự tay trồng cà chua, bầu bí, rau diếp, đậu ve và những loại rau thơm, chung quanh là hoa, trên các thửa đất mà thành phố cấp cho ông. Đến mùa cây đơm bông, kết trái trong khu vườn ở ngay giữa thành phố và không có hàng rào quây chung quanh, thỉnh thoảng khách qua lại thích mắt cũng hái đi mất của ông một ít những rau đậu mà ông trồng. Tuy nhiên, họ cũng để lại khá nhiều cho ông đem về. Ông còn mang những sản phẩm của khu vườn tặng cho hàng xóm vì thường thì ông và bà vợ không ăn hết. Khoa học gia Klein đã hồi hưu nói rằng chia sẻ với người lạ hay người quen cũng thế thôi.

              Trong khi đó tại thành phố Rosemead, bang California,một người gốc Việt, cụ Tân Lưu, năm nay gần 90 tuổi, cho biết cụ mới trả lại mảnh đất cộng đồng cấp cho cụ 2 năm nay vì lớn tuổi quá, không thể ngày ngày đi xe buýt đến khoảnh vườn để chăm bón được nữa. Là mẫu người điển hình cho phụ nữ Việt Nam, với tính đảm đang,bương chải và cần kiệm, cụ đã dùng mảnh đất đó cho mục tiêu rất thực dụng là kiếm tiền phụ giúp con cháu chi tiêu trong gia đình trong suốt 5 năm liền, bắt đầu vào lúc cụ đã ngoài 80.

              Cụ Lưu nói: "Mảnh đất họ cho mình thì họ bảo mình giồng hoa, giồng bông, giồng cái gì để chơi, nhưng mà (tôi) giồng toàn những thứ rau để ăn sống không thôi, như tía tô, kinh giới, rau húng, rồi rau răm. Rồi mối nó đến nó mua của mình. Thí dụ như một tuần lễ cắt hai ngày hay ba ngày, thì ngày nào cắt, mối nó đến nó lấy. Mùa đông thì tuần lễ được chừng dăm trăm, mùa hè được chừng 200 (đôla)."

              Không biết vì năng hoạt động hay vì nhờ bận rộn chăm sóc thửa vườn đó mà cho đến bây giờ cụ Tân vẫn còn đủ sức khỏe tiếp tục nấu nướng, thu vén nhà cửa, chăm lo cho đại gia đình sống quây quần trong căn nhà mà cụ mua từ 20 năm nay, mặc dù giờ đây tuổi hạc đã gần 90.

              Quí vị vừa theo dõi cùng Lan Phương trong câu chuyện về lợi ích của thú trồng vườn và những mảnh đất nhỏ của cộng đồng được cấp phát cho những người thích chăm bón vườn tược tại Hoa Kỳ.

              http://www.voanews.com/vietnamese/2008-06-23-voa9.cfm
               
              #7
                HongYen 10.09.2008 15:12:26 (permalink)
                Tập Luyện Óc Người Già
                Bác sĩ Trần Mạnh Ngô
                 
                Trải qua nhiều năm, khoa học vẫn chưa hiểu rõ óc người già như thế nào. Việc trở ngại đầu tiên là bởi loài người có đời sống tương đối còn ngắn ngủi, nên các chuyên gia chưa đủ thời gian để nghiên cứu óc già biến chuyển ra sao. Chỉ khoảng một thế kỷ trước đây, năm 1900, người Mỹ có tuổi thọ 47. Ngày nay, tuổi thọ người Mỹ đã tăng cao hơn, lên tới 75.

                Óc con người chỉ cân nặng 3 pounds, nhưng óc là bộ phận quan trong bậc nhất của cơ thể. Óc điều khiển tim đập đều đặn, giúp hơi thở điều hòa, và bảo tồn trí nhớ cho mỗi người trong chúng ta.

                Mỗi khối óc chứa hơn trăm tỉ tế bào não, có nhiệm vụ phát điện từ hệ thần kinh ra ngoài và từ ngoài vào trong não. Tế bào thần kinh đưa tín hiệu tới hàng ngàn tế bào khác, vận tốc lên tới 200 dặm một giờ, liên hệ rất nhiều điện tín qua lại và tùy thuôc nhiều hóa chất trong não.

                Gần đây, chúng ta hiểu rõ bệnh lãng quên Alzheimer một phần nào cũng là bởi tế bào thần kinh hết hoạt động khi già nua. Nếu không vì bệnh tật thì tế bào thần kinh vẫn còn khỏe mạnh cho tới lúc chết.

                Chúng ta hiểu rõ vài ba điều căn bản khác của não như sau: 1) Ở tuổi từ 20 tới 90, cân lượng não sẽ càng ngày càng giảm, mất đi khoảng 5 tới 10%; 2) Những vết lõm xung quanh não càng ngày càng mở rộng ra; 3) Tích tụ đây đó những tế bào não chết đi, hợp lại thành từng mảng; và 4) Bệnh lãng quên khi về già không phải do tế bào não bị hư hại và bị chết đi như trước đây nhầm tưởng. Khi về già, những phản ứng tương tác hóa học trong não đã thuyên giảm. Thí dụ bệnh Alzheimer liên hệ hiện tượng viêm não khi về già đã sinh ra những tảng amyloid. Amyloid giết chết tế bào não, giảm trí nhớ.

                Não già liên hệ hóa chất dopamine cũng thuyên giảm trong não. Khi giảm dopamine, sẽ giảm trí nhớ. Những khám phá quan trọng hơn gần đây cho biết lối sống ảnh hưởng tới não người già, như ăn uống quá kiêng khem có thể giảm tốc độ óc già. Ngược lại, tiểu đường sẽ làm óc bệnh nhân già hơn khi so sánh với người bình thường.

                Thêm những yếu tố khác nữa cũng ảnh hưởng tốt cho óc người già, thí dụ: 1) Vấn đề giáo dục tăng trưởng, sống trong những môi trường có đời sống tâm linh tốt, hoạt động và thể dục sẽ giúp sinh sản thêm tế bào não mới; 2) Tập thể dục ít nhất 45 phút mỗi lần, 3 lần mỗi tuần, sẽ giúp trí nhớ khá hơn khi về già. Tập thể dục giúp trí não sáng suốt hơn, giảm lãng quên hay bệnh Alzheimer. Trong một nghiên cứu khác cho thấy tập thể dục trong mội trường nhiều dưỡng khí còn giúp nẩy nở trọng khối não; 3) Nghỉ ngơi hay ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày sẽ chống được bệnh tật kinh niên, bảo vệ trí nhớ; 4) Bệnh cao huyết áp ảnh hưởng làm óc nhỏ lại và giảm trí nhớ. Dù uống thuốc để giảm cao máu nhưng óc vẫn bị teo và giảm trí nhớ như thường; 5) Cơ thể căng thẳng khiến kích thích tố cortisol ra nhiều, sẽ ảnh hưởng tế bào thần kinh khu hải mã (hippocampus) trong não, và 6) Di truyền ảnh hưởng tới não bộ người già.

                Trong một nghiên cứu gần đây cho 3,000 người già tập luyện não bằng cách suy nghĩ khác nhau như tập nhớ, tập nhìn những con số và tập trung nhìn bằng mắt. Kết quả cho thấy sau 5 năm, những người này có thể suy nghĩ nhanh nhẹn hơn. Tập luyện não còn giúp người già mau mắn hơn trong công việc hàng ngày, như hiểu biết cách uống thuốc rõ ràng hơn hay cách tính toán tiền nong ít nhầm lẫn hơn!
                Chúng ta hy vọng thêm những khảo cứu tương lai, như phương pháp gen (gene) trị liệu, cấy tế bào não phát sinh chất bạch đản đặc biệt, sẽ giúp tế bào não tăng trưởng.
                Hãy giữ gìn sức khỏe tốt và điều cần thiết là giúp óc hoạt động lâu dài!
                 
                Bs Trần Mạnh Ngô
                Xin tùy nghi sử dụng và phổ biến bài này.
                Xin ghi rõ nguồn Y Dược Ngày Nay, www.yduocngaynay.com

                 
                http://www.yduocngaynay.com/2_2TrMNgo_TapLuyenOcNguoiGia.htm
                #8
                  HongYen 01.12.2008 10:33:56 (permalink)
                  Tâm Bệnh Ở Người Cao Tuổi  BÁC SĨ NGUYỄN Ý-ĐỨC . Việt Báo Thứ Sáu, 10/24/2008, 12:02:00 AM
                   
                   






                  Trong xã hội Hoa Kỳ, nơi mà tuổi trẻ được coi trọng, tuổi cao đồng thời lại mang tâm bệnh có thể là cản trở để có nếp sống tốt lành và có ích hơn. Lý do là xã hội, cơ chế chính quyền và mỗi cá nhân đều vô tình hoặc cố ý có sự đối xử cách biệt và kỳ thị với người già mang thêm tâm bệnh. Cao tuổi là những người từ 60-65 tuổi trở lên.Tâm bệnh là những rối loạn về tâm trạng, hành vi, về sự suy nghĩ cũng như nhận thức của người bệnh.  Bệnh xảy ra ở bất cứ ai, không kể tuổi tác, giai tầng xã hội, giống tính và phái tính.  Di truyền dòng họ, khó khăn khi còn là bào thai, chấn thương tâm lý, mất thăng bằng hóa chất tại não bộ, bệnh của cơ thể…là những yếu tố có thể gây ra bệnh.  Người bệnh thường cảm thấy thay đổi đột nhiên trong hành vi, tâm trạng với lo âu, căng thẳng, xa lánh bạn bè thân nhân, không thích thú với các sinh hoạt thường lệ, rối loạn ăn uống ngủ nghỉ, có ý nghĩ tiêu cực như tự tử hoặc bạo hành với người khác.  Một số người có những hoang tưởng, ảo giác đối với sự việc và đối với mọi người ở chung quanh.
                   
                  Tâm bệnh là một trong nhiều bệnh hiện nay còn bị hiểu nhầm nhiều nhất.Kết quả nghiên cứu cho hay, số người cao tuổi bị tâm bệnh ngày một gia tăng đồng thời sự kỳ thị đối với họ cũng nhiều hơn. Theo một vài ước định, tới năm 2030 sẽ có khoảng 15 triệu người già mắc tâm bệnh tại Hoa Kỳ.  Như vậy, một phần tư số người cao tuổi sẽ mắc một loại bệnh tinh thần nào đó, kề cả sa sút trí tuệ. Một phần ba số người sa sút trí tuệ cũng có dấu hiệu rối loạn tinh thần và trầm cảm.  Người cao tuổi có thêm tâm bệnh thường không được chăm sóc, điều trị chu đáo cả về dược phẩm cững như tâm lý trị liệu.  Một trong nhiều lý do là những dịch vụ y tế mà người già cần đến, đều không được cung cấp đầy đủ.  Theo kết quả của một số nghiên cứu, chỉ có 3% người cao tuổi nhận được sự trị liệu tại Trung Tâm Ngoại chẩn Tâm bệnh và chỉ có 30% người cao tuổi sống trong cộng đồng nhận được sự chăm sóc tại Trung tâm Tâm bệnh.
                   
                  Ngoài sự không nhận được đầy đủ trị liệu, chăm sóc, người cao tuổi mang tâm bệnh còn gặp phải sự đối xử khác biệt và kỳ thị. Có ba loại đồi xử khác biệt và kỳ thị: tự bản thân người bệnh, từ công chúng và từ thể chế.
                  a. Tự bản thân người bệnh.Người già mang tâm bệnh rất sợ hãi đi tìm kiếm trị liệu hoặc nhận là mình mang tâm bệnh vì nhiều lý do. Họ e ngại là nếu tự nhận có tâm bệnh, họ sẽ mất bảo hiểm sức khỏe và sự chăm sóc, mất trợ cấp tài chánh, sẽ bị phụ thuộc, trở nên bối rối, tự xa lánh mọi người hoặc bị coi là bất khiển dụng. Họ cũng sợ bị đưa vào các nơi tập trung, xa xã hội, rồi bị rơi vào quên lãng.
                  b. Từ quần chúngCông chúng thường đồng hóa người cao tuổi mang tâm bệnh với sự lão suy. Người già vẫn bị coi như khờ dại, không chịu thay đổi, cứng đầu và đòi hỏi quá nhiều. Người già mang tâm bệnh lại còn bị xã hội cô lập nhiều hơn vì cho là bệnh không chữa trị được hoặc người bệnh không xứng đáng nhận sự điều trị.Một thì dụ: trầm cảm xẩy ra ở người cao tuổi được hiểu lầm như một hiện tượng tự nhiên của sự lão hóa. Do đó, trầm cảm bị cho là không trị được và không cần trị.c. Từ thể chế quốc giaNhững giả định về người già nhiều khi cũng đưa đến đối xử cách biệt đối với họ, nhất là trong các chính sách chung của chính phủ. Chẳng hạn như giới hạn việc lái xe hơi, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe tinh thần đối với người già mang tâm bệnh.Hậu quả của đối xử khác biệt và kỳ thị đối với người già mang tâm bệnh là:-Họ sẽ có nếp sống không thoải mái.-Mối liên hệ trong gia đình trở thành lỏng lẻo, xa cách.-Họ không đóng góp được gì cho xã hội.-Họ thiếu tin tưởng ở hệ thống chăm sóc sức khỏe của chính quyền.Trên bình diện xã hội, kỳ thị đưa tới các hậu quả như:-Công chúng sẽ không thấu hiểu sự khó khăn của người già mang tâm bệnh.-Có ít nhà chuyên môn để chăm sóc người già mang tâm bệnh.-Tự động phân cách người già mang tâm bệnh. -Không có chính sách quốc gia đối với người già mang tâm bệnh.Sự đối xử cách biệt và kỳ thị với người cao tuổi mang tâm bệnh vẫn còn tồn tại và cần phải loại bỏ. Theo ý kiến chung, loại bỏ thành kiến gặp một số trở ngại như là:-Người cao tuổi và gia đình của họ không hiểu rõ về tâm bệnh, cho tâm bệnh là chuyện đương nhiên ở người già, không cần chữa và cũng không chữa được; hoặc cho tâm bệnh là xấu nên dấu diếm; hoặc không biết nơi cung cấp điều trị, chăm sóc.- Chính quyền không quan tâm và dành ngân khoản để chăm sóc người già mang tâm bệnh- Các chuyên gia y tế có hành động đối xử khác biệt với người già mang tâm bệnh, coi nhẹ những khó khăn của họ- Các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế cho người già mang tâm bệnh không ý thức được hậu quả của tâm bệnh đối với người già, coi bệnh như là chuyện đương nhiên của tuối cao.Sau đây là một số đề nghị để loại bỏ sự đối xử khác biệt và kỳ thị với người cao tuổi.
                   
                  1-Hướng dẫn, khích lệ người cao tuổi mang tâm bệnh.Cần đặt trọng tâm vào việc nhận diện, tìm tới những người cao tuổi mang tâm bệnh để giúp họ có thêm hiểu biết về bệnh, về sự có thể chữa hết bệnh và có thể sống đời sống bình thường như mọi người. Khi có hiểu biết như vậy, họ sẽ không còn e ngại bị cô lập, coi thường.Để thực hiện việc hướng dẫn này, cần sự góp sức của nhiều người trong cộng đồng, đặc biệt là các tổ chức tranh đấu bảo vệ quyền lợi người cao tuổi mang tâm bệnh, cơ quan dân sự, các tổ chức tôn giáo.Cần phải cho mọi người nhận thức được rằng:
                  a. Tâm bệnh của người già có thể điều trị được và họ có thể sống đời sống khỏe mạnh, có ích như mọi người.
                  b. Người già với tâm bệnh cần phấn đấu một cách dũng cảm để vượt qua sự sợ hãi bệnh hoạn, sự tự cô lập và sự thiếu phương tiện sinh sống.
                  c. Người già với tâm bệnh phải tự giúp mình rồi vươn ra, giúp đỡ người khác. Giúp đỡ người khác sẽ tăng niềm vui cho mình, tăng niềm tự tin và tự trọng của mình.
                  d.Người già với tâm bệnh cần phải và được sống với gia đình mà không sợ bị cô lập, bỏ rơi trong viện tâm thần. Cần tận dụng tất cả các phương tiện khác nhau để đạt tới sự hướng dẫn này, như truyền thông đại chúng, cung cấp tài liệu hướng dẫn cho các tổ chức thường tiếp xúc với người cao tuổi, viết thư cho người cao tuổi...Cũng cần để ý tiếp xúc với các nhóm dân chúng có văn hóa, phong tục tập quán khác nhau, các nhóm thiểu số trong cộng đồng để có sự đối xử công bằng, không phân biệt kỳ thị.
                   
                  2 .Hướng dẫn quần chúng về tâm bệnh và sự hóa già Có ba đối tượng cần tập trung hướng dẫn: người tuổi cao, thân nhân của họ và quần chúng nói chung.a-Đối với người cao tuổi.  Kinh nghiệm cho hay, người tuổi cao thường ít tiếp nhận và tìm kiếm dịch vụ y tế, vì nhiều lý do.
                   
                  Chẳng hạn: -cho là mình già rồi, trước sau cũng chết, cần gì chữa trị.-kể bệnh ra người ta cho là mình bị “điên” thì xấu hổ lắm. - không biết có sẵn các dịch vụ điều trị.- vì trở ngại ngôn ngữ, “tiếng tây, tiếng u”, ù ù cạc cạc không hiểu.Cần phải nâng cao tinh thần họ, cho họ hay rằng: -một sức khỏe tinh thần hay thể chất tốt mang lại niềm vui cho tuổi già. -xã hội đã có sẵn các dịch vụ y tế hữu hiệu dành cho họ. -có sức khỏe tốt họ sẽ sống độc lập, không phụ thuộc vào ai và -không còn e ngại khi mang tâm bệnh mà bị đối xử khác biệt.
                   
                  Cần lưu ý rằng, một số người cao tuổi vẫn còn đóng góp trí tuệ, lao động cho xã hội. Khi mắc tâm bệnh, họ không bị kỳ thị trong việc làm, không bị xa thải. Trị liệu và bệnh tình của họ không được tiết lộ cho chủ nhân, nếu họ không đồng ý. Tại Hoa Kỳ, luật Americans with Disability Act đã được ban hành, áp dụng để bảo vệ nhân viên khi chẳng may bị bệnh tật mà vẫn còn khả năng và muốn tiếp tục công việc.
                  b - Đối với thân nhân, con cái người cao tuổiCần khích lệ con cái để ý nhiều hơn tới sức khỏe của cha mẹ, tìm kiếm các dịch vụ y tế xã hội cho cha mẹ ngõ hầu giúp cha mẹ an hưởng tuổi già với niềm vui gần con cháu.Thân nhân, con cái cần lằng nghe một cách thành thật các khó khăn của người bệnh và an ủi, hỗ trợ. Họ cũng cần có kế hoạch sẵn sàng để đối phó với trường hợp bệnh nhân trở nên trầm trọng. Giúp bệnh nhân ghi rõ các loại thuốc và cách dùng, tên địa chỉ điện thoại các sĩ đang điều trị cho bệnh nhân để khi cần, có sẵn. Đây là một việc làm với nhiều căng thẳng. Ngoài ra, thân nhân bạn bè có thể tìm kiếm hỗ trợ từ các tổ chức ngoài đời.
                  c- Đối với quần chúngHướng dẫn quần chúng:-duy trì sự khỏe mạnh về thể chất, linh lợi về tinh thần -sống tích cực trong tuổi già, và- gạt bỏ mọi ý nghĩ tiêu cực về sự hóa già. Nói chung, cần cho mọi người hay: -ai cũng đều xứng đáng sống lành mạnh. - một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể khỏe mạnh mang niềm vui cho tuổi già. - xã hội có sẵn các dịch vụ y tế cho mọi người. -khi có bệnh cần tìm kiếm giúp đỡ, chữa trị. - các bệnh đều chữa được.- không bao giờ quá già để sống lành mạnh...
                   
                  Các hướng dẫn cần ngắn gọn dễ hiểu.Cần sử dụng mọi phương tiện để đạt được mục tiêu mong muốn là người già mang tâm bệnh có thể điều trị và có thể sống bình thường như mọi người bình thường khác.
                   
                  Kết luận.  Các nhà chuyên môn đều có cùng nhận định là mọi cố gắng loại bỏ đối xử khác biệt và kỳ thị với người già mang tâm bệnh là công việc khó khăn và cần thời gian lâu dài, nhưng phải bắt tay vào việc ngay. Nếu trì hoãn, thì một thế hệ người cao tuổi khác sẽ rơi vào tình trạng không ý thức được nhu cầu của mình, không tiếp nhận, tìm kiếm được giúp đỡ và sẽ không sống đời sống có ích như họ mong muốn.
                   
                  Bác sĩ Nguyễn Ý- ĐứcTexas-Hoa Kỳ(Tài liệu tham khảo: Center for Mental Health Service- USA)www//nguyenyduc.com


                   BÁC SĨ NGUYỄN Ý-ĐỨC
                  http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=117&nid=136184
                   
                  #9
                    Chuyển nhanh đến:

                    Thống kê hiện tại

                    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                    Kiểu:
                    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9