Triệu Tử Dương
Quang Khôi 01.06.2007 02:48:08 (permalink)
Tư tưởng Triệu Tử Dương dành cho Trung Quốc
 29 Tháng 5 2007 - Cập nhật 12h37 GMT


TBT Triệu Tử Dương tại Thiên An Môn 19.05.1989,
 đằng sau còn thấy ông Ôn Gia Bảo
 
Một cuốn sách ghi lại đàm thoại với nhà chính trị bị hạ bệ Triệu Tử Dương của Trung Quốc cho thấy nhiều cách nhìn mới về lãnh đạo Trung Quốc.
 
Cuốn 'Triệu Tử Dương khi bị giam tại gia' (Zhao Ziyang under house arrest (趙紫陽軟禁中的談話/) được nhà xuất bản Khai Phóng ở Hong Kong phát hành hôm 31.01.2007 bất chấp áp lực từ Bắc Kinh muốn họ ngưng ra sách.
Sách là bản ghi theo lời kể của ông Triệu Tử Dương cho Tôn Phượng Minh, nguyên bí thư ngành hàng không, người đã tìm cách gặp được ông Triệu nhiều lần khi bị giam lỏng từ 1989 đến lúc chết năm 2005.

Hiện nay các mạng tiếng Hoa trên thế giới và cả chương trình Quan thoại của đài châu Á Tự do (RFA) tại Mỹ đã giới thiệu những phần ông Triệu Tử Dương, cựu TBT Đảng Cộng sản Trung Quốc nói về các nhân vật cầm quyền khác.

Ông Hồ Cẩm Đào, đương kim Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng được đáng giá không hay.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, hiện sống tại Hà Nội cho BBC biết

-"Cuốn sách đáng giá về Hồ Cẩm Đào không cao, còn về Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân đều xấu'.

Đặc biệt, ông Dương Danh Dy nói 'Đánh giá về Lý Tiên Niệm thì rất là xấu'.
Còn các bình luận gia người Hoa trên thế giới đặc biệt quan tâm đến 'tam giác Đặng, Triệu và Hồ' trong thập niên 1980 mà họ cho là đã quyết định vận mệnh Trung Quốc những năm sau đó.

Tam giác này được mô tả trong các bản ghi chép tổng cộng 300 nghìn từ nói đến quan hệ giữa Đặng Tiểu Bình, Triệu Tử Dương và Hồ Diệu Bang.


 Hàng chục vạn quân đã được đưa vào đàn áp vụ Thiên An Môn
 
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy

Sách nói đến các cuộc tranh luận dữ dội trong nội bộ ĐCSTQ về các vấn đề lý thuyết của Chủ nghĩa Marx-Lenin, về Mao Trạch Đông, vấn đề Đài Loan, quan hệ Trung-Mỹ v.v. và nhiều chính sách khác.

Nổi tiếng là người theo đường lối Mở cửa, ông Triệu đã bị hạ bệ trong cuộc đấu tranh quyền lực dẫn đến vụ đàn áp Thiên An Môn 04.06.1989.
Theo ông Dương Danh Dy, những người quan tâm tình hình Trung Quốc sẽ nhờ cuốn sách này mà biết được tầm vóc của vụ đàn áp Thiên An Môn.
Sách nói chính quyền dưới sự chỉ đạo của các ông Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Lý Bằng đã đưa vào Bắc Kinh 'Hàng chục vạn quân' để tiêu diệt sinh viên biểu tình.

Các con số từ xưa đến nay chỉ nói tới vài chục nghìn quân mà thôi.

Tư tưởng Triệu Tử Dương
 
Ông Triệu Tử Dương (Triệu Tu Nghiệp) sinh năm 1919 ở Hà Nam trong một gia đình địa chủ giàu có, đã gia nhập hàng ngũ cộng sản từ năm 1932.
Từng ủng hộ Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, ông bị đả phá, bắt đội mũ lừa trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa khi làm Bí thư Quảng Đông và bị đày đi Nội Mông lao động cải tạo.

Nhưng cùng thời với Đặng Tiểu Bình, ông được phục hồi và lên làm Thủ tướng năm 1980 thay Hoa Quốc Phong, người tưởng đã là nhân vật kế vị Mao Trạch Đông.

Trung thành với đường lối cải cách, kể cả cải cách chính trị dân chủ, ông đã mâu thuẫn với Đặng Tiểu Bình khi Trung Quốc đứng trước các thách thức lớn cùng sự sụp đổ của khối Đông Âu dù trước đó, hai người đồng ý về cởi mở kinh tế.

Lên thay Hồ Diệu Bang đầu năm 1987 làm TBT Đảng, Triệu Tử Dương đưa ra quan điểm Trung Quốc mới chỉ ở thời kỳ sơ khởi của CNXH và phải mất 100 năm mới đạt được mục tiêu.

Vì thế, ông đưa ra quan điểm chọn mô hình kinh tế phức hợp để thúc đẩy sản xuất và tách đảng ra khỏi nhà nước.




Dân nghèo Trung Quốc vẫn khóc ông Triệu mỗi năm vào ngày giỗ
Ông Triệu cũng cổ vũ cho tự do báo chí và tự do ngôn luận.


Ngày 19.05.1989, ông đã đến thăm sinh viên biểu tình đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn.

Ngày hôm sau, thủ tướng Lý Bằng tuyên bố thiết quân luật. Triệu bị bắt và giam tại gia cho đến lúc qua đời.

Hiện nay không chỉ quan điểm của Triệu Tử Dương mà những gì xảy ra với ông vẫn còn là điều cấm kỵ tại Trung Quốc.

Những người đấu tranh cho dân chủ bị bắt khi đến viếng ông tại nhà riêng vào những dịp giỗ chạp.

Đối với dân nghèo, ông trở thành biểu tượng của công lý và của cải cách kinh tế.

Năm 2006, các báo tiếng Hoa ở hải ngoại có đăng bài nói là phỏng vấn với con rể của ông.

Theo đó, gia đình ông Triệu đã gửi thư lên ban lãnh đạo Trung Quốc hiện nay đề nghị đánh giá lại vai trò của ông trong giai đoạn Thiên An Môn và sau này nhưng không nhận được hồi âm.

Ông Triệu cũng không được chôn cất tại nơi dành cho các lãnh đạo cộng sản Trung Quốc.

Tro xương của ông hiện vẫn đang được để trong nhà riêng.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2007/05/070529_trieutuduongsecrets.shtml
<bài viết được chỉnh sửa lúc 01.06.2007 02:50:40 bởi Quang Khôi >
#1
    Quang Khôi 07.06.2007 08:05:36 (permalink)
    Triệu Tử Dương, một thất bại đáng kính
    2005.01.19
    Nguyễn Xuân Nghĩa
     
    Sáng Thứ Hai hôm qua, nguyên Tổng bí thư Triệu Tử Dương của đảng Cộng sản Trung Quốc đã tạ thế. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về nhân vật này qua phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa trong mục chuyên đề hàng tuần.


    Bấm vào đây để nghe tiết mục này
    Tải xuống để nghe

     
    Ông Triệu Tử Dương, nguyên Tổng bí thư của đảng Cộng sản Trung Quốc. Photo AFP.
     
     
    Hỏi: Ông là người từng theo dõi từ nhiều năm nay việc cải cách kinh tế ở Trung Quốc, và đã viết cuốn biên khảo với tựa đề “Việt Nam trong trật tự Trung Quốc”, xin ông cho biết sơ lược về nhân vật Triệu Tử Dương vừa tạ thế ngày hôm qua.
     
    Đáp: Ông ta là một Tổng bí thư ngắn ngủi nhất trong tầng lớp lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Hoa, trong có vài năm từ 1987 đến 1989, và đã thất bại trong tiến trình cải cách tại Hoa Lục, nhưng là một người thất bại đáng kính trọng.
     
    Hỏi: Xin được hỏi ngay là vì sao thất bại mà vẫn đáng kính?
    Đáp: Theo quan niệm Đông phương, chúng ta không đem chuyện thành bại mà luận anh hùng. Sau bảy năm làm Thủ tướng, rồi Tổng bí thư, Triệu Tử Dương mất chức và bị quản thúc tại gia trong suốt 15 năm qua từ vụ thảm sát Thiên an môn mà báo chí ở cả Việt Nam và Trung Quốc - đều khỏa lấp sự thật để gọi là “sự biến Thiên an môn”, nên rõ ràng là thất bại. Nhưng ông vẫn là nhân vận đáng kính và cần được dân Trung Quốc và cả Việt Nam biết rõ hơn, vì Việt Nam hiện theo con đường tương tự như quốc gia láng giềng này và gặp vấn đề như họ nhưng ít có người đáng kính như vậy trong tầng lớp lãnh đạo.
    Hỏi: Vậy thì mời ông khởi sự từ đầu, với lai lịch của nguyên Tổng bí thư Triệu Tử Dương...
    Ông Triệu Tử Dương sinh ra vào tháng 10 năm 1919, con nhà điền chủ tỉnh Hà Nam. Có lẽ, ông giàu lý tưởng nên sớm hoạt động trong Liên đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc từ năm 1932 để chống sự thống trị của Nhật Bản, năm 19 tuổi thì vào đảng. Vì là địa chủ, thân phụ ông bị đấu tố đến chết mà Triệu Tử Dương vẫn thành thật tin vào đảng và đến lúc chết vẫn còn là đảng viên Cộng sản.
     
    Lý tưởng con người nhiều khi có những lý lẽ mà ta khó hiểu nổi. Ông thuộc loại đảng viên lý tưởng và trung kiên đã đạt một số thành tích nhờ quan điểm thực tiễn khi hành động. Thành tích của ông là làm Bí thư Quảng Đông năm 1965 khi mới 46 tuổi, một bí thư trẻ nhất ở cấp tỉnh. Sau đó, ông còn điều khiển việc cải cách tại Tứ Xuyên – tôi xin dùng chữ cải cách chứ không phải cải tạo - khiến nông phẩm tỉnh này tăng 25% và công nghiệp nhẹ tăng 85% sau năm 1973.
     
    Giữa hai thành tích ấy là việc đang làm Bí thư Quảng Đông thì ông bị Hồng vệ binh của cuộc Đại Văn cách giam giữ vì đủ mọi tội, cho đội mũ tai lừa đi diễn hành ngay tại Thủ phủ Quảng Châu. Cuộc Cách mạng Văn hoá Vô sản Vĩ đại ấy là một đòn chính trị điên rồ của Mao Trạch Đông, dùng đám đông xuẩn động tấn công ngược vào đảng nhằm củng cố quyền lực cá nhân.
    Và Triệu Tử Dương là một trong hàng trăm triệu nạn nhân. May là ông không mất mạng hay chết đói như Lưu Thiếu Kỳ, cho nên còn có dịp phục vụ đảng tại Nội Mông rồi Tứ Xuyên, rồi được Đặng Tiểu Bình để ý và cất nhắc.
     
    Hỏi: Kể từ đấy, Triệu Tử Dương bắt đầu lên chức, nhưng sau đó lại bị hạ bệ. Ông vui lòng tường trình tiếp đọan này cùng thính giả của chúng tôi.
     
    Đáp: Triệu Tử Dương được Đặng Tiểu Bình đưa lên làm Thủ tướng trong bảy năm, từ 1980 đến 1987 và sau đó làm Tổng bí thư. Đặng Tiểu Bình là người có viễn kiến nên biết cái sai của Mao Trạch Đông, và là người có bản lãnh nên thoát hiểm ba lần để trở nên người thiết kế việc cải cách tại Trung Quốc.
     
    Nhưng viễn kiến và bản lãnh là một chuyện, khả năng nhìn ra và áp dụng biện pháp cải cách cụ thể thì có lẽ đó là công lao của Triệu Tử Dương. Có điều, cả hai - và phải nói rộng ra là cả tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc lẫn nhiều xứ độc tài khác - không hiểu là sau một thay đổi lớn thì xã hội đặt ra nhiều thách thức mới mà lãnh đạo không xử lý nổi.
     
    Khi đó, người thì muốn nghiến răng xông tới, người thì e ngại nên giật lùi. Triệu Tử Dương muốn đi tới, đa số lãnh đạo khác, kể cả Đặng Tiểu Bình thì lại muốn hãm đà. Quan điểm thủ cựu cuối cùng đã thắng vì một tai nạn là vụ biểu tình tại Thiên an môn. Triệu Tử Dương bị bay chức và giam lỏng từ đó.
    Hỏi: Ông nói đến vụ thảm sát mà báo chí các xứ cộng sản gọi là “sự kiện Thiên an môn”, nhờ ông vui lòng thuật lại biến cố này, là biến cố đã đánh một dấu chấm hết trong sự nghiệp chính trị của ông Triệu Tử Dương.
     
    Đáp: Tháng Tư năm 1989, khi Hồ Diệu Bang tạ thế, dân chúng đã nhân tang lễ ông ta, tổ chức nhiều vụ xuống đường biểu tình. Chính thức là để tỏ lòng thương tiếc một người thuộc xu hướng cải cách, thực tế là để phản đối nạn lạm phát và tham nhũng. Vào thời điểm ấy, Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên xô là Mikhail Gorbachev lại thăm viếng Bắc Kinh sau nhiều năm gián đoạn trong quan hệ giữa Liên xô và Trung Quốc.
     
    Đây là biến cố quốc tế nên đông đảo truyền thông thế giới có mặt để tường thuật. Các cuộc biểu tình kéo dài khiến lãnh đạo Bắc Kinh lúng túng. Vì muốn thách thức Gorbachev tiến hành cải cách nên họ không dám ngăn chặn biểu tình, trong khi nhiều đảng viên cao cấp lại tỏ vẻ ủng hộ, thậm chí yểm trợ dân biểu tình.
     
    Cho tới khi sự thể xảy ra quá tầm kiểm soát của chính quyền thì họ chỉ còn giải pháp là tắt đèn nổ súng. Triệu Tử Dương muốn can cả hai, là chính quyền và dân biểu tình, mà không nổi. Ông xuất hiện lần cuối, giữa đám biểu tình vào ngày 19 tháng Năm 1989, với nước mắt lưng tròng và tay cầm loa để nói là mình đến quá trễ.
     
    Hơn 10 ngày sau, quân đội tiến vào Thủ đô Bắc Kinh, yêu cầu báo chí rút lui và rạng ngày bốn tháng Sáu, đám biểu tình bị giải tán, hàng ngàn người bị tàn sát ngay tại quảng trường Thiên an môn. Con số chính thức là bao nhiêu thì Bắc Kinh không nói và không ai biết được. Con số bán chính thức từ bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là 2.600 người.
     
    Hỏi: Và sau đó thì ông họ Triệu bị cách chức như thế nào thưa ông ạ?
    Đáp: Ngày 23 tháng Sáu năm đó, Triệu Tử Dương được Giang Trạch Dân thay thế và từ đó bị quản thúc tại gia. Ông ta may hơn các lãnh tụ thất sủng thời trước là không bị thủ tiêu, đấu tố hay vào tù. Lần cuối người ta nghe nói đến ông ta là cách đây tám năm.
     
    Khi sức khoẻ sa sút thì Triệu Tử Dương được Giang Trạch Dân lệnh cho Trung ương đảng chăm sóc tử tế vì sợ ông ta mất ngay trước Đại hội đảng thì dân chúng sẽ lại biểu tình tưởng niệm, như đã biểu tình tưởng niệm Chu Ân Lai hay Hồ Diệu Bang, rồi biến biểu tình thành xuống đường chống đối.
    Cũng vì vậy mà khi Tân Hoa Xã xác nhận rất ngắn ngủi và lạnh lùng hôm qua, rằng “đồng chí Triệu Tử Dương đã tạ thế” thì an ninh lập tức được tăng cường tại Thiên an môn. Còn thân nhân người quá cố chỉ có thể cho biết là có nhiều “quan chức lãnh đạo” đã tới phúng viếng, mà không nói rõ là những ai. Trong các xã hội độc tài, người chết nhiều khi lại được việc hơn người sống. Vấn đề là được việc cho ai.
     
    Hỏi: Như vậy, ông dự đoán là trong mấy ngày tới, tang lễ của ông Triệu Tử Dương có thể biến thành động loạn hay chăng?
     
    Đáp: Không ai biết trước được mọi việc, nhưng tôi nghĩ là khó vì Trung Quốc có mọi cái nhân của động loạn nên lãnh đạo rất sợ cái duyên, rất sợ những cơ hội bất ngờ. Vì vậy, họ sẽ kiểm soát an ninh nghiêm ngặt để tang lễ Triệu Tử Dương không dẫn tới biểu tình. Vả lại, con cái của Triệu Tử Dương ngày nay cũng đang ăn nên làm ra và không muốn có phiền nhiễu từ phiá chính quyền.
     
    Tuy nhiên, ta chưa biết được phản ứng hay khả năng tổ chức của những người khát khao dân chủ nên sự thể sẽ ra sao thì mình chưa đoán trước được. Dù sao thì các nhân vật thay thế Triệu Tử Dương như Giang Trạch Dân và cả Lý Bằng đều về hưu; và lớp lãnh đạo mới như Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hay Thủ tướng Ôn Gia Bảo đều đã nếm mùi cực đoan của Cách mạng Văn hóa, nên đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ phải có lúc bạch hoá vụ này và quy ra trách nhiệm rõ ràng về vụ Thiên an môn.
    Hỏi: Kiểm điểm lại, ông nghĩ sao về nhân vật Triệu Tử Dương này?
    Đáp: Ông ta có thể đã thua Đặng Tiểu Bình trong trận đấu trí và thậm chí đấu tranh chính trị nên mất chức và bị giam lỏng, trong khi các nhân vật bảo thủ hơn, như Giang Trạch Dân hay Lý Bằng, đã thắng thế.
     
    Nếu nghĩ tới quyền lợi riêng, Triệu Tử Dương đã không đem ấn tín Tổng bí thư vào nhà ngục mà có thể đã trở thành một đầu mối kinh doanh đáng kể. Ông ta đáng kính trọng vì sự dũng cảm ấy, nhất là khi chủ trương một nền kinh tế tự do hơn, một chánh sách đối ngoại cởi mở và văn minh hơn với thế giới bên ngoài. Nhưng ông đã thất bại trên chính trường và vì vậy thất bại trong sự chuyển hướng Trung Quốc.
     
    Một sự mỉa mai đáng chú ý là cùng ngày loan tin Triệu Tử Dương tạ thế, Bắc Kinh cũng loan báo việc Trung ương đảng Cộng sản hạ quyết tâm diệt trừ tham nhũng, như một yêu cầu sinh tử. Độc tài và tham nhũng vốn nuôi dưỡng nhau trong thế cộng sinh nên cuối cùng thì quan điểm của Triệu Tử Dương vẫn thắng thế.
     
    Sau thành tích của ông tại Tứ Xuyên, dân chúng Trung Quốc đã loan truyền một thành ngữ mới là “yêu chi lương - triệu Tử Dương”, muốn có lương thực thì mời Tử Dương. Dân chúng đủ ăn thì nhớ ơn ông ta, các đảng viên dư thừa thì lại sợ là ông ta thành công thì mình mất bổng lộc.
     
    Hỏi: Câu hỏi cuối, thưa ông, một người như Triệu Tử Dương có hy vọng thành công tại Việt Nam hay không?
     
    Đáp: Tôi e rằng khó. Thứ nhất về trình độ tư duy và hiểu biết thì lãnh đạo Hà Nội còn phải học hỏi và vẫn còn đang học hỏi lãnh đạo Bắc Kinh. Người ta có thể thấy điều ấy khi kiểm điểm tiến trình cải cách của hai nước. Thứ hai, về phương thức đối phó với những dị biệt trong đảng thì đảng Cộng sản Trung Quốc đã nếm mùi Đại văn cách của Mao nên tương đối cư xử với nhau ít tệ hơn.
     
    Vì vậy, đấu tranh quyền lực không có phong thái kỳ dị hay kỳ cục như những gì người ta đang thấy tại Việt Nam. Nói chung, kẻ thất thế tương đối không đến nỗi đói rách bần cùng nên còn có thể buông bỏ quyền lực thay vì phải bám chặt vào ấn tín nhà nước để làm giàu.
     
    Riêng về những nhân vật gọi lả cải cách của Trung Quốc, họ đã dám có ý tưởng khác từ mấy chục năm trước và có lúc trả giá rất đắt cho quan điểm ấy. Chúng ta không thấy nhiều người lãnh đạo Việt Nam như vậy. Những người khác thì nay đang ngồi tù cả. May ra thì sau khi Trung Quốc có loạn – là điều có thể xảy ra từ năm nay – giới lãnh đạo Hà Nội, và nhất là người dân Việt Nam, sẽ có những phản ứng khác.
     
    http://www.rfa.org/vietnamese/binhluan/2005/01/19/economic_TrieuTuDuong/ 
     
    #2
      Quang Khôi 16.06.2007 22:45:22 (permalink)

      Tư tưởng Triệu Tử Dương dành cho Trung Quốc
       29 Tháng 5 2007 - Cập nhật 12h37 GMT
       
      Một cuốn sách ghi lại đàm thoại với nhà chính trị bị hạ bệ Triệu Tử Dương của Trung Quốc cho thấy nhiều cách nhìn với về lãnh đạo Trung Quốc.
       
      Cuốn 'Triệu Tử Dương khi bị giam tại gia' (Zhao Ziyang under house arrest (趙紫陽軟禁中的談話/) được nhà xuất bản Khai Phóng ở Hong Kong phát hành hôm 31.01.2007 bất chấp áp lực từ Bắc Kinh muốn họ ngưng ra sách.
      Sách là bản ghi theo lời kể của ông Triệu Tử Dương cho Tôn Phượng Minh, nguyên bí thư ngành hàng không, người đã tìm cách gặp được ông Triệu nhiều lần khi bị giam lỏng từ 1989 đến lúc chết năm 2005.
       
      Hiện nay các mạng tiếng Hoa trên thế giới và cả chương trình Quan thoại của đài châu Á Tự do (RFA) tại Mỹ đã giới thiệu những phần ông Triệu Tử Dương, cựu TBT Đảng Cộng sản Trung Quốc nói về các nhân vật cầm quyền khác.
       
      Ông Hồ Cẩm Đào, đương kim Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng được đáng giá không hay.
       
      Nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, hiện sống tại Hà Nội cho BBC biết
      -"Cuốn sách đáng giá về Hồ Cẩm Đào không cao, còn về Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân đều xấu'.
       
      Đặc biệt, ông Dương Danh Dy nói 'Đánh giá về Lý Tiên Niệm thì rất là xấu'.
      Còn các bình luận gia người Hoa trên thế giới đặc biệt quan tâm đến 'tam giác Đặng, Triệu và Hồ' trong thập niên 1980 mà họ cho là đã quyết định vận mệnh Trung Quốc những năm sau đó.
       
      Tam giác này được mô tả trong các bản ghi chép tổng cộng 300 nghìn từ nói đến quan hệ giữa Đặng Tiểu Bình, Triệu Tử Dương và Hồ Diệu Bang.

       






       Hàng chục vạn quân đã được đưa vào đàn áp vụ Thiên An Môn

      (Theo BBC)
       
       
       
      http://www.tinvietonline.com/print.php?sid=2007/5/131931
      #3
        Quang Khôi 16.06.2007 22:55:03 (permalink)
         
        Giới thiệu cuốn:
         “Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng”
         
        2007-05-29
        Dương Danh Dy




        (VNC) Ngày 31 tháng 1 năm 2007, Nhà xuất bản “Khai phóng” (Kai fang chu ban she), Hồng Kông đã phát hành cuốn Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng (趙紫陽軟禁中的談話/ triệu tử dương nhuyễn cấm trung đích đàm thoại/ Zhao Ziyang: captive conversations. ISBN: 9789627934219) đến ngày 28/3/2007 đã tái bản lần thứ tư.

        Tác giả, người ghi lại những câu chuyện này là Tôn Phượng Minh (宗鳳鳴/Zong Fengming), nguyên Bí thư Đảng ủy Học viện Hàng không Trung Quốc. Sau khi biết Triệu Tử Dương bị giam lỏng, ngày 10/7/1991 bằng cách nhận là thầy dạy khí công, lần đầu tiên Tôn Phượng Minh đã vào được nơi Triệu Tử Dương bị quản thúc; để rồi từ đó, trước sau ông đã tới thăm Triệu hơn 100 lần mà lần cuối cùng là ngày 24/10/2004, trước ngày Triệu Tử Dương mất không lâu. Trong hơn 100 lần tiếp xúc ấy, Tôn Phượng Minh đã ghi lại những điều mà Triệu Tử Dương đã trò chuyện với mình thành 81 đầu đề câu chuyện (có một số lần trò chuyện, chưa rõ vì sao Tôn Phượng Minh không đưa vào cuốn sách này).

        Khoảng hai năm sau ngày Triệu Tử Dương mất, qua nhiều cố gắng của một số lão chiến hữu và Nhà xuất bản, cuốn ghi chép dầy 420 trang chữ Trung Quốc cỡ nhỏ và 33 trang ảnh đã ra mắt tại Hồng Kông.

        Dưới đây là nội dung chính của cuốn sách và một số đầu đề câu chuyện:

        Nội dung chính

        Triệu Tử Dương (1919-2005), lãnh tụ chính trị nổi tiếng của Trung Quốc trong thập kỷ 80. Đã từng giữ chức Thủ tướng Quốc vụ Viện, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, lãnh đạo chính công cuộc “cải cách, mở cửa” của Trung Quốc trong giai đoạn này. Nhưng sau sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989, do phản đối việc trấn áp bằng vũ lực, Triệu bị bãi chức, quản thúc tới chết, trở thành nhân vật truyền kỳ kiểu Trương Học Lương [1]. Trong 16 năm giam lỏng nghiêm nhặt, may có Tôn Phượng Minh - một lão chiến hữu của Triệu có thể đến thăm, mật đàm hơn 100 lần với Triệu, ghi chép lại những phát biểu của Triệu về cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc và chân tướng những bất đồng về chính sách. Các câu chuyện bao gồm: Đặng Tiểu Bình buông rèm coi việc nước như thế nào, quan hệ giữa Triệu và Hồ Diệu Bang, nguyên nhân thực của việc Triệu bị mất chức, việc gửi thư cho Đại hội 15 Đảng Cộng sản Trung Quốc (1997), phân việc Trung Quốc đi theo “chủ nghĩa tư bản quyền quí”, những phê bình đối với Ban lãnh đạo cầm quyền Giang (Trạch Dân), Hồ (Cẩm Đào) sau sự kiện Thiên An Môn. Ngoài ra, còn có những bài phản tỉnh, phê phán về lý luận và lịch sử chuyên chính của Đảng Cộng sản, đề xuất chủ trương cải cách chính trị Trung Quốc về nhiều mặt như khởi mông tư tưởng, dân chủ nghị viện, liên bang, tự trị v.v... Cũng có những kiến giải độc đáo về quan hệ Trung Mỹ, diễn biến của Liên Xô và vấn đề Đài Loan, hiển thị tầm nhìn rộng rãi và tài năng hiếm có cũng như gánh nặng của thế hệ lãnh đạo Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương. Cuốn sách này trình bầy bi kịch Triệu Tử Dương bị biến mất trên vũ đài chính trị Trung Quốc, và cũng cung cấp những tư liệu giá trị cho việc nghiên cứu giai đoạn lịch sử này.

        Ngoài ra, qua các câu chuyện của Triệu Tử Dương còn có thể thấy khá rõ những bất đồng, những mâu thuẫn về lý luận, đường lối, về đánh giá tình hình, biện pháp thực hiện...; về những cuộc đấu tranh giành quyền lực, về tính cách... của nhiều nhà lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc (ngoài những người đã nêu tên trên còn có nhiều nhân vật như: Trần Vân, Lý Tiên Niệm, Dương Thượng Côn, Hồ Khởi Lập, Tống Bình, Lưu Hoa Thanh, Trì Hạo Điền, Trương Chấn, Đinh Quang Căn, Lý Thiết Ánh, Hứa Gia Đồn v.v…) mà nếu không phải là người trong cuộc như Triệu Tử Dương thì không thể nào biết được.

        Có thể đây là một cuốn sách ... [tiếp theo]

        http://www.vietmedia.com/news/?L=grabstory.html&Cat=TheGioi&ID=20535
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 16.06.2007 22:56:27 bởi Quang Khôi >
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9