Chào các bạn
Đài Tưởng Niệm Victor Emmanuel
Đài Tưởng Niệm Victor Emmanuel , tiếng Ý là Altare della Patria (Altar of the Fatherland) là đền tưởng niệm Victor Emmanuel , vua đầu tiên thống nhất nước Ý . Nằm ngay trung tâm La Mã , chiếm một vùng đất giữa quảng trường Piazza Venezia và ngọn đồi Capitoline Hill . Đài này được thiết kế bởi ông Giuseppe Sacconi năm 1895 . Khánh thành năm 1911 và hoàn tất 1925 .
Đài được xây bằng đá cẩm thạch trắng , với những bậc thang tuyệt hảo , và những trụ cột Corinthian , bồn nước , một bức tượng Victor Emmanuel cỡi ngựa và hai tượng nữ thần Victoria cưỡi trên bờ quadrigas . Đền ngang 135 mét , cao 70 mét . Trong đây có nấm mộ tưởng niệm Chiến Sĩ Vô danh bên cạnh một ngọn lửa không bao giờ tắt .
Cô dâu bên đền Vua
Chúng tôi canh đồng hồ để bốn giờ tập họp tại quảng trường Tây ban nha . Vừa quẹo sang từ ga điện ngầm trông nhìn lên trên đã thấy lố nhố kẻ đứng người ngồi trên các bục thang đá . Xung quanh là các dãy nhà cũ kỹ , dưới có bán cà phê . Nơi đây có lẽ là nơi dừng chân của du khách từ xứ ngoài trước khi tìm được chỗ trọ qua đêm tại thành phố La Mã .
Gần tiệm cà phê một anh chàng người Trung Đông đứng chào bán những hạt màu đen đen , tôi bước lại gần hỏi mua . Thì ra đó là hạt dẻ , chestnut được nướng trên than hồng , bóc vỏ ra ngửi mùi thơm phức , nhân ăn bùi ngọt . Năm Euro chỉ được chừng mười hạt dẻ .
Một anh chàng da trắng tay cầm đàn ghi ta tửng từng tưng vài điệu nhạc và xoè nón xin tiền . Cạnh bậc thang đá hai anh em có lẽ người Trung Á , người anh chơi đàn phong cầm , đứa em cầm cái xắc chập choè (tamborine) vừa gõ vào người vừa uốn éo theo điệu nhạc vui tươi Hungarian Dance , và cuối cùng cậu em cầm nón đi xin tiền ủng hộ .
TS 9.3.07
Giác đấu trường Coleseum
Khoảng sáu giờ chúng tôi ghé thăm Giác đấu trường Coleseum và hỏi xem giá vé vào cửa bao nhiêu .
Ông bán vé nhe răng cười :
- Người lớn 11 tiền Euro , con nít 5 Euro . Cổng đóng lúc 7 giờ .
Cư ngó đồng hồ và nói :
- Vậy chỉ coi được 15 phút , ý kiến mọi người ra sao ?
Chúng tôi lắc đầu .
- Thôi ra ngoài đi ngắm vòng vòng cũng được .
Giác đấu trường hình bầu dục , trục dài nhất 188 mét , trục ngắn 156 mét , cao 48 mét với sức chứa khoảng 75 ngàn khán giả . Khoảng 300 tấn mấu xích sắt nối kết các tảng đá khối bằng vôi . Vào thời Trung Cổ những sợi xích này được tháo ra để đúc kiếm , và do đó mặt tường loang lỗ khắp nơi .
Sàn cũng bằng dá vôi với bề dày 9 tấc , và 100000 mét khối đá travertine được dùng , trong đó 45000 mét khối cho các mặt tường .
Amphitheatrum Flavium , biệt danh là Giác đấu trường Coloseum được các hoàng đế La mã thuộc dòng họ Flavian ra lệnh xây cất vào năm 72 và thái tử Titus , con hoàng đế Vespasian , coi như là một món quà tặng cho công dân thành La Mã và được hoàn tất năm 80 . Trong ngày khánh thành có khoảng 100 trận đấu kinh hồn giữa các võ sĩ giác đấu .
Năm 2005 với gần 4 triệu du khách tới viếng chỗ này .
Giờ này vắng hẵn du khách . Bờ thành sừng sững in rõ trên nền trời trong xanh , lổ chổ những hõm sâu . Vài con chim bồ câu chúi đầu rỉa cánh trong hốc .
Tôi thắc mắc hỏi cô cháu vợ Huyên . học về ngành kiến trúc .
- Theo cháu thì tại sao bờ thành lại lổ chổ như vậy ?
Huyên cười đùa , dí dỏm trả lời :
- Ờ cái này cháu nghĩ rằng họ xây như vậy để cho chim trú ngụ qua mùa đông .
Cháu Cư chồng Huyên vui vẻ nói :
- Cháu nghĩ ngày xưa các tảng gạch được nối với nhau bằng những sợi dây xích , lâu ngày hơn 2000 ngàn năm sét rỉ rụng hết rồi .
- Chú nghe nói ở La mã có khoảng 300 ngàn con mèo , riêng nơi đây giác đấu trường có độ 200 con . Nãy giờ mình chẳng thấy chúng đâu !
- Cháu nghĩ đến tối đêm chúng mới mò ra , chuyên môn đi bắt chim bồ câu .
Cư dân thành La Mã rất quí trọng giống mèo . Có khoảng 300000 con sống rải rác tòan thành phố , trong nhà 180000 con , và số còn lại 120000 sống lang thang ngoài đường phố . Theo thống kê có khoảng 4000 đàn mèo (colonies of cats) .
Giống mèo được coi như giống gia súc duy nhất có quyền hiện hữu ( omnipresent ) mọi ngả ngóc tại thành phố này . Cư dân coi chúng như là công dân khả kính và biểu tưọng của thành phố . Một đạo luật ban hành , nếu như có 5 con mèo trở lên quây quần với nhau thì được bảo vệ , cho chúng từ chỗ ăn chốn ngủ , được chăm sóc thuốc men và có cả một miêu viện .
Có ngưòi cho rằng từ thời Thế Chiến Thứ 2 , khi thành La Mã bị vây hãm , không có lương thực người ta xơi cả thịt mèo . Sau này để tưởng nhớ công ơn to tát đó , loài mèo được trả công một phần cũng vì chuyện đó , một phần cũng vì giống mèo tướng quí phái , sạch sẽ , hiền lành và nhất là khiến cho giống chuột chạy xa .
Tại thành phố La mã có vài ngàn người tình nguyện cho ăn ,chăm lo sức khỏe loài mèo , và thiến chúng ( sterilization) . Hầu hết là phái nữ , được gọi là gattare . Trong số những người đó lập ra một hội bảo vệ giống mèo , ARCA khoảng 1000 hội viên .
Gần cửa ra vào một chiếc xe bày bán vật dụng kỷ niệm linh tinh ,tôi nhìn xem nào là kềm cắt móng tay có khắc vài biểu tượng của cổ thành La mã , quạt giấy , vật kỷ niệm Giáo hoàng biệt viện v.v ...
Tôi hỏi thử giá vài món . Cậu thanh niên đứng bán tươi cười nói :
- Một cái 3 Ero , bốn cái 10 Euro .
Tôi mới cầm cái cắt móng tay , nhìn thoáng nước mạ xi trông cũng đẹp , không thấy dấu khắc làm ở đâu . thì nó rớt ra làm hai mảnh .
Cậu thanh niên trợn mắt , xòe ba ngón tay :
- Ba đồng Euro .
- Nông ( không )
Tôi cố gắng trình bày với cậu ta bằng tiếng Anh là tôi mới vừa đụng vào , nó hư là đâu phải lỗi tại tôi .
- No , no . Ông làm hư ông phải mua . Ba đồng Euro .
Thấy cậu con hơi to tiếng , ông bố đang lim dim hút thuốc chạy tới hất hàm hỏi cớ sao . Nhìn thấy bộ dạng vạm vỡ như võ sĩ giác đấu của ông bố , tôi hơi ngan ngán và nói cho êm chuyện :
- Được rồi tôi mua bốn cái , kể cả cái hư này 10 Euro ?
Hai cha con mặt mày tươi rói gật đầu :
- Ô kê , không sao hết .
Mặt trời sắp lặn xuống nhìn thoáng qua ngọn đồi cổng thành mờ nhạt . Vài cây thông cao nghều nghệu trên bầu trời xanh đẫm . Chúng tôi chuẩn bị kéo nhau đón xe buýt để trở về trạm xe điện ngầm và trở về nhà trọ .
Đường về La mã
Sáng Chủ Nhật tôi lò mò xuống phòng khách. Giờ này trong nhà trọ vắng bóng Trời hừng sáng những rặng thông vươn cao ngất mãi xa . Một bà sơ thuộc dòng tu Phát Diệm đang lãng vãng đâu đó . Tôi bắt chuyện làm quen và hỏi :
- Hôm qua các sơ đi tham quan nhiều chỗ không ?
Bà sơ này chừng khoảng hăm lăm hăm sáu tuổi , cười vui vẻ :
- Chúng cháu đi xem nhiều nơi lắm .
- Ai hướng dẫn các sơ mà sao biết nhiều chỗ quá vậy . Hôm qua tụi tui chỉ đi coi có vài chỗ thôi .
Bà sơ chỉ vào một bà sơ trẻ đang làm luận án Tiến sĩ :
- Đó sơ bề ngang đó . Sơ Trần nhanh nhẹn lắm ,ở đây lâu nên biết rất nhiều nơi .
- Tiếc thiệt , giá như có bà sơ này chắc chúng tôi được coi nhiều nơi .
Sơ cười tươi :
- Không được đâu ông !
- Sao thế ?
- Tôi xem chừng ông và các em còn bé xíu không thể nào đi nhanh như chúng tôi đâu . Thoắt bên này thoắt bên kia , các sơ đi nhanh lắm .
Tôi đành cười trừ . Lâu ngày không đi bộ , không vận động , đi chừng vài giờ là há miệng thở dốc .
- Sơ ở đây mấy ngày thấy thành phố có gì hay có gì lạ không ?
Bà sơ ngẫm nghĩ giây lát :
- Tôi thấy Là Mã có nhiều điểm mạnh cũng như có nhiều điểm yếu .
- Sơ nói rõ được không ?
- Điểm mạnh là thành phố có nhiều cảnh quan đẹp , nhiều tượng đài . Điểm yếu là hay bị mất cắp giấy tờ tiền bạc chẳng hạn .
Nghe vậy tôi vội vàng sờ vào cái bóp sau túi quần , nó vẫn còn nguyên và tôi yên chí hỏi tiếp :
- Thế các sơ có ai bị mất cái gì không ?
- Chúng cháu gửi hết giấy tờ nhờ các sơ ở đây trông hộ , nên chả việc gì mà lo .
Tôi thong thả ra góc vườn , nơi đây các sơ trồng vài luống rau đay , mồng tơi , bầu bí để cải thiện miếng ăn . Sống xa quê hương , nhất là tại thành phố cổ kính này những thứ rau hoa quả đều quí giá , đắt như vàng .
Chín giờ sáng "phái đoàn" mới tỉnh giấc . Chúng tôi rảo bộ tới quán cà phê mà ngày hôm qua đã ghé đến .
Dọc theo quảng trường Thánh Phê rô (Saint Peter's Square, hay là Saint Peter's Piazza (Piazza San Pietro) du khách lững thững tản bộ ngắm các tượng khắc trên các trụ đá tít trên cao . Trên thế giới có lẽ không nơi nào nhiều tranh ảnh tượng đài bằng nơi đây .
Chúng tôi ghé vào một tiệm bán tranh ảnh , vật lưu niệm về đạo Công giáo .
Con bé Linda nhà tôi hí hửng nói :
- Bố bố con mua cái quạt này nhé ! Bố không mua gì à ?
- Không , đi chơi bố không thích xách cái gì hết . Nội cái máy ảnh cũng đã thấy nặng .
Trong cửa hàng bày biện đủ mọi vật dụng thường bán , tràng hạt , kinh sách . Các bức tượng Mẹ Maria , Thánh Giu se , các Thánh chạm trổ rất khéo đầy nghệ thuật .
Cô cháu tôi thắc mắc hỏi :
- Sao chú không mua cây Thánh giá ở góc đằng kia . Cháu thấy chú khô khan lắm .
- Chú hả ? Bây giờ chú chưa muốn vác Thánh Giá theo chân Chúa cháu ơi . Nè quí vị coi chừng giấy tờ tiền bạc đó.
- Chú khỏi lo mấy bà sơ dặn rồi . Trong quảng trường Thánh Phê rô và trong Giáo đường kẻ trộm không lấy cắp đâu . Ra khỏi khu vực này thì coi chừng .
Qua cánh cung bao quanh quảng trường Thánh Phê rô chúng tôi thấy từng đoàn người xếp hàng vào Thánh Đường . Hai cánh cung được chống đỡ bằng những trụ đá khổng lồ . Chúng được xếp từng hàng bốn cái một theo cách kiến trúc Doric order . Nếu như bạn đứng vào tâm điểm (trục) của chúng , bạn sẽ trông thấy một thay vì bốn cột . Sân quảng trường được thiết kế do kiến trúc sư Bernini vào những năm 1660 làm sao có sức chứa một số lượng lớn người tới tham dự Thánh Lễ và có thể chiêm ngưỡng và nhận lãnh Ơn phúc lành do Đức Giáo Hoàng từ trên ban công cung điện ban phe'p .
Chính giữa quảng trường là trụ đài obelisk mô phỏng theo Ai cập , bằng đá hoa cương (granite) đỏ , cao 25,5 mét . Nó được dời về đây năm 1586 , và có lẽ là trụ obelisk duy nhất không bị đổ ngã trong thời kỳ La Mã ngự trị . Bình cầu mạ vàng tuốt luốt đỉnh cao có lẽ chứa đựng di cốt của Hoàng Đế Julius Caesar .
Chú thích :
1. Sơ bề ngang : các sơ cùng ngang vai , nói theo nhà văn Nhật Tiến .
2. Doric order : Một trong các kiểu cột đá và hoa văn mô phỏng theo kiến trúc Hi lạp .
Thánh Đường Phê rô
Chúng tôi theo đoàn du khách đông đảo chờ qua cổng an ninh . Có lẽ dạo này khủng bố nhiều nơi , nên mọi sự ra vô các dinh thự đều phòng bị nghiêm nhặt . Chúng tôi phải đợi hơn nửa giờ mới vào được cửa chính Thánh Đường Phê rô .
Mới bước vào trong tôi tưởng lạc vào một thế giới nào khác . Hai bên với những trụ đá cẩm thạch bóng loáng màu hồng nhạt , cao vút chống đỡ các vòm trên cao . Các bức tượng khắc tạc các Thánh to lớn chạm trổ tinh vi . Các bức tranh Thiên Thần được vẽ giương cánh bay trên các vòm Thánh Điện . Trong đây vài bóng đèn điện vàng mờ, nhưng với ánh sáng tự nhiên từ các lỗ tròn trên đỉnh cao tỏa sáng lung linh khiến cảnh vật trở nên huyền bí thiêng liêng . Nơi đây cho chụp hình nhưng không được dùng đèn chớp .
Nhà thờ Thánh Phê rô nổi tiếng thế giới , là một trong bốn Thánh đường chính của thành phố La mã (Nhà thờ Thánh Gioan Lateran , Nhà thờ Thánh Maria Maggiore , Nhà thờ Thánh Phao lồ ) . Với diện tích 2,3 mẫu và sức chứa 60000 người , Thánh đường Phê rô được coi như là nơi thờ phượng chính của giáo dân Công giáo , và theo lời giáo truyền nơi đây là chỗ chôn cất Thánh Phê rô , một trong mười hai vị tông đdồ theo chân Chúa , giám mục thành Antioch và sau là Giám mục thành La mã . Theo như cổ truyền , ngôi mộ Thánh Phê rô nằm dưới trướng và bàn thờ . Vì thế về sau này theo lệ này các vị Giáo Hoàng cũng được chôn cất nơi đây .
Đầu tiên là tượng điêu khắc Mẹ Sầu Bi ôm Chúa Giê su lả chết trong lòng do kiến trúc sư Michelangelo tạc vào năm 1499 tại miền bắc rặng núi Alps . Cao 1m74 ngang 1,95m . Tượng Đức Mẹ vẻ mặt trông còn non trẻ , mặt buồn bã nhìn xác con ngã gục đầu ra đằng sau . Tượng Chúa ngã người ra chết diễn tả nỗi đau đớn tột cùng , từng bắp thịt , từng mạch máu với những vết thương nhòa máu hồng . Nghệ sĩ tài danh Michelangelo lúc ấy mới 23 tuổi đã cho chúng ta một hình ảnh sống động tài tình lúc Chúa lịm chết trong lòng Mẹ .
Tượng Mẹ Sầu Bi trong Thánh Đường Phê rô
Sau khi tượng Pieta (Mẹ Sầu Bi) này bị một người dùng búa định phá hủy , tượng được dời vào sâu bên trong với tấm kính bảo vệ . Kế đến là tượng kỷ niệm nhớ thượng Hoàng hậu Christina Vương quốc Thụy điển , bà đã từ bỏ ngai vàng năm 1654 và nhập đạo Công giáo . Xa hơn nữa là tượng các Giáo Hoàng Pi ô XI và XII , cũng như bàn thờ Thánh Sebastian . Nhà nguyện Ơn Phước Lành (Blessed Sacrament) với các ngọn nến cháy lập loè .
Quanh quẩn trong cung Thánh một hồi lâu , ngắm hình này sang hình khác , tôi chợt thấy một bức tượng tạc một ông Thánh như tượng đồng đen bóng nhoáng ngồi vắt vẻo trên cao . Du khách đi qua ngang lẩm bẩm chấp tay cầu nguyện và với tay rờ vào chân ông Thánh . Tôi phân vân sao lại có tượng ông Thánh đen thui ngồi chỗ này , chắc là Thánh Mạc Tin da đen chăng ( Saint Martin ) . Bàn chân ông đã nhẵn thín , mấy ngón chân đã mòn , và mất đi . Nếu cứ mỗi ngày có vài ngàn người dù chỉ chạm nhẹ vào bàn chân ông , vài năm nữa ông Thánh chắc còn một chân thôi .
Thánh Phê rô với sự chiêm ngưỡng của du khách
Dọc theo đường hông bên trái là bàn thờ Chúa Biến Hình (Altar of Transfiguration) . Đi ngược ra ngoài lối vào tượng DGH Leo XI và Innocent VIII và kế tiếp Nhà nguyện Đức Mẹ Nguyên Nhiễm Vô Tội . Kế tiếp các tượng GH Pio 10 và Innocent VIII , Gioan 23 , Benedict 15 .
Bên trong vòm một hàng chữ La tinh cao 2 mét : Ngươi là Phê rô , và trên đá này ta sẽ xây Giáo Hội của ta ... v.v
Một cái trướng (baldachin) cao ngất nghểu trong đền thờ chính , với chiều cao 30 thước , chống đỡ bằng bốn cái trụ đồng bóng nhoáng . Kiến trúc này do ông Bernini xây cất từ năm 1624 đến 1632 . Có lẽ nó được dựng để trám chỗ trống dười mái vòm khổng lồ (cupola) , và khung đồng thiếc có lẽ lấy từ đền Pantheon .
Trướng thờ phượng khổng lồ dàn dựng dướng vòm chính nhà thờ
Bên cạnh là một cái ghế mà người ta cho là di vật của Thánh Phê rô để lại . Một đứa bé với mái tóc hung mỏi chân định ngồi vào ghế . Một ông nhân viên an ninh giơ tay chận lại , và nói :
- Đây là ghế của Phê rô .
Đứa bé mặt hơi nhăn lại :
- Dạ , cháu biết . Cháu nãy giờ đi dạo trong này mỏi giò quá . Khi nào ổng về cháu trả ghế cho ổng .
Tôi ra ngoài cửa nhà thờ ngồi chờ . Vừa ngồi chưa được một phút , một ông nhân viên an ninh nhã nhặn mời tôi đứng dậy . Trong chỗ trang nghiêm thờ phượng không được ngồi nghỉ chân hay dựa lưng . Lúc đó tôi chợt thấy nhóm chúng tôi . Cháu Cư hỏi thăm :
- Chú có đi coi bên trong chưa ? Chú có thấy ông Thánh Phê rô ngồi góc đằng kia không . Chú vào mà rờ , thế nào chú cũng vào cổng Thiên đàng .
À ! Thì ra đó là tượng Thánh Phê rô . Biết tại sao bà con lại thích tới lân la làm quen , hi vọng Thánh nhắc nhớ đến mình vào ngày Tận thế chăng ?
Tượng Thánh Phê rô này được điêu khắc do ông Arnolfo di Cambio vào cuối thế kỷ 13 , và bàn chân bị soi mòn vì bị du khách chạm hoặc kính cẩn hôn qua nhiều năm tháng .
Bà nhà tôi lên tiếng :
- Nãy giờ ông đi vậy ? Hôm nay Chủ nhật ông có vào xem lễ chăng ?
- Có chớ bà . Tui đứng sau lưng bà có mấy bước .
Thánh đường rộng thênh thang . Thánh lễ được cử hành trong chánh điện , có chừng vài trăm giáo dân dự lễ . Du khách cứ tha thẩn nhẩn nha thưởng thức các tác phẩm đầy nghệ thuật của dân gian Ý .
Nhìn từ cửa chính vào
Chú thích : Tác giả đã dùng một số dữ liệu về Nhà thờ Thánh Phê rô trong Wikipedia .
TS 18.5.07