Những ngày tháng qua
Thay đổi trang: << < 456 > >> | Trang 4 của 10 trang, bài viết từ 46 đến 60 trên tổng số 145 bài trong đề mục
Tung Son 25.01.2009 23:05:31 (permalink)
Đêm văn nghệ  Tết 2009



Tối qua nhà thờ Ki tô Vua tổ chức Tết con Trâu tại hội trường giáo xứ . Nhân dịp này cha xứ tỏ lời với bà con giáo xứ : " Hội trường giáo xứ đã trả xong món nợ rồi . " Thế là bà con vỗ tay quá xá .

Trong bài giảng cha xứ thêm thắt vài câu thơ cho mặn mà câu chuyện :
" Cô gái nhà ai tuổi tám tư
Vài dòng tâm sự viết thư kiếm chồng "

Được thể tiếp tục :

" Ba ngày xuân làm kiếp con người
Rồi trở về hóa kiếp thân trâu "

Một ông ngồi cạnh tôi , hỏi khẻ :
- Thơ này nghe quen quen quá chú  Cò nhỉ ?
- Dạ, hình như thơ con ếch .

- Không phải , thơ con trâu .

Kế tiếp trong buổi tối văn nghệ Tất niên , ngoài ca sĩ địa phương hát , đặc biệt có ca sĩ Huy Tâm và Diễm Liên tới giúp vui . Diễm Liên duyên dáng  trong chiếc áo dài xanh lục vừa dứt lời trong bài hát Mừng Xuân , một ông trong giáo xứ lơn tơn lên , cầm microphone tỏ ý muốn hát chung với Diễm Liên .  Cô ta cười tự nhiên , dáng dấp  một diễn viên điện ảnh trong phim Vượt Sóng :
- Dạ , bây giờ anh muốn em hát trước hay anh hát trước . Anh mắc cỡ à ! Thôi để em làm thử nhé .

Với tiếng hát truyền cảm , mạnh mẽ Diễm Liên ngân dài  .....

- Khi xưa ta bé ta chơi
Đôi ta chơi bắn súng nhau chơi

Ca sĩ cầm microphone , đưa mắt nhìn ông ta chờ đợi , vẫn không thấy ông ta cất tiếng ca  :
- Bắn đi anh , đàn ông có súng mà không chịu bắn gì hết  .....Bang bang  ....

Quả thật , chớ dại mà lên song ca với những ca sĩ thứ thiệt , họ ca với tất cả tâm tình , với tất cả con tim tấm lòng . Cứ  nhìn gân cổ họ mà xem , hát là phải hát cả người , cả bộ mặt cả điệu bộ . Mình ấm ớ sẽ ca lí nhí trong cổ họng , bị giọng của họ át hết . Cả vú lấp miệng em .

TS 24.1.2009
 
#46
    Tung Son 01.03.2009 19:06:12 (permalink)
    Vịnh Hạ Long

    Đường từ Hà Nội ra vịnh Hạ Long không xa lắm , khoảng 160 cây số về hướng đông bắc tỉnh Quảng Ninh . Quảng Ninh ghép bởi hai tỉnh Quảng Yên và Hải Ninh . Ở khu vực này gần sông gần biển , các địa danh thường gọi Hải Dương , Hải Ninh , Hải Phòng và may quá không nơi nào có tên Hãi Hùng . Xe chạy độ một chặng đường lại qua một cầu nhỏ , tôi đếm cũng ít vài chục cây cầu . Tôi ghi chép đầy đủ tên các cây cầu này , nhưng giờ đây tìm mãi vẫn không thấy cuốn sổ nhật ký đó .

    Tôi nhớ lại sau 1975 , thời kỳ bao cấp , dân chúng đi buôn gạo xách túi chừng vài kí gạo thôi , nhưng công an kinh tế tìm bắt , tịch thu . Gạo thời đó là hàng chiến lược , nôm na gọi dễ hiểu là đồ quốc cấm . Bởi thế mấy bà mấy cô miền Nam bị bắt lấy gạo mất vốn , mất cả chài lẫn lưới , ngồi trên xe đò về Tiền Giang Hậu Giang , bực tức xì xào : "Đường cũng bắt , gạo cũng bắt , chỉ có cái cầu không chịu bắc . " Người miền Nam bắc bắt phát âm như nhau . Dạo đó dân chúng vẫn qua lại bằng phà , chưa có cầu Mỹ Thuận như bây giờ .

    Qua huyện Đông Triều , Uông Bí nhà cửa san sát nhau , xe cộ không nhiều .Nơi đây tuy có mỏ than Quảng Ninh , nhưng nhà cửa đường xá chỉ bám ít bụi đen . Đến một ngã ba , một tại nạn nhỏ xảy ra . Một chiếc xe tải lật bánh , một bầy lợn năm sáu con , con nằm ngả nghiêng , con nằm ngửa thở dốc kêu eng éc . Góc kia một chiếc xe Honda chở một lồng chó nằm lăn lốc , mấy con chó nằm im thin thít , giương mắt nhìn sự đời . Vài ba chú công an trong sắc phục xanh thẫm cầm ba tong để chỉ đường xe cộ lưu thông .

    Xe ngừng lại tại một thi xã , ông trưởng đoàn nhảy xuống xe , bước vội nói với các cô gái ngồi bán bên cạnh các quầy trái cây , trên chất đầy quả dứa nhỏ nhắn vàng tươi . Tuy ở đây dân cư sinh sống bằng nghề than và gốm , nhưng các cô gái bán dứa da mặt trắng hồng . Họ đưa mắt nhìn ông trưởng đoàn , tỏ vẻ quen biết :
    - Anh Năm béo ơi ! Mua hộ em vài chục quả . Dứa nhà em to vừa thơm vừa ngọt bùi .

    Ông Năm cười tươi , nói đùa lại :
    - Không , khách họ muốn mua bưởi thôi .

    Lúc ngày đầu ông Năm tự giới thiệu tên , Năm Mập . Nhưng ra tới đây ông lại có biệt danh mới , anh Năm Béo . Nghe chữ mập không thấy mỡ màng như chữ Béo , beo béo âm thanh nghe vi vu lanh lảnh hơn . Nhìn trái dứa nhỏ nhắn ở Biểu Nghi , chỉ to bằng một phần ba hay một phần tư trái khóm ở Vĩnh Kim . Vĩnh Kim cách thành phố Mỹ Tho không xa , đi xe đò chừng nửa tiếng là tới , công ty khóm dứa nổi tiếng ở đây . Công nhân đa số là phụ nữ . Khi gọt khóm phải mang bao găng bằng nhựa plastic , kẻo bị a xít ăn mòn da . Dũng, bạn tôi học ngành Canh Nông ở Mỹ , trước 75 làm ở Sài Gòn , sau thuyên chuyển về đây làm việc . Hắn hay nói giỡn đùa với mấy bà mấy cô công nhân . Một hôm có các ông cán bộ lớn vào tham quan nhà máy khóm Vĩnh Kim . Sau khi đi khảo sát , các ông cán bộ tấm tắc khen ngợi loại khóm Vĩnh Kim , vừa to vừa bự đạt tiêu chuẩn chất lượng . Người bạn tôi hỏi khéo : "Các đồng chí thưởng thức khóm Vĩnh Kim có gì đặc biệt không ? Chỉ thơm ngon thôi à ? Ăn xong quí vị không thấy " dứa ngáy " à ? Các ông cán bộ hớn hở đáp : " Chúng tôi ăn chẳng thấy ngáy ngứa gì hết . " Đám công nhân các bà các cô che miệng cười khúc khích . Có lẽ các ông đó nên đi học bổ túc bồi dưỡng văn hóa Hồ Xuân Hương , nhất là phải coi lại kỹ bài Đá Bèo của Trạng Quỳnh .

    Mỗi người được một trái dứa đã gọt sẵn , cắn vào ngửi mùi thơm phức , ngọt không chua , không cần chấm muối ớt . Có lẽ chất chua a xít ascorbic của thơm dứa miền Biểu Nghi bị chất than hút hay trung hoà hết chăng . Hưng Yên có nhãn lồng , Bố Hạ có cam , nay Biểu Nghi có thêm quả dứa vàng ngọt lịm . Khóm và thơm ngoài Bắc đều gọi chung là dứa . Nhưng hai loại thơm khóm hơi khác nhau . Thơm là dứa ta , khóm là dứa tây , trái to nặng cân hơn . Bên Mỹ các chợ bày bán loại dứa Golden Pineapple da vàng tươi , không ngọt bằng dứa Biểu Nghi , giá bán đôi khi tới 4 Mỹ kim một trái . Quả dứa người Âu Châu gọi là Pine Cone vì hình dạng na ná như quả thông , sau này biến thành chữ Pineapple .

    Dứa ngọt ngày xưa anh nếm thử
    Đêm về ngay ngáy giấc mộng xanh
    Tình thơm em gởi anh ngày trước
    Ghi đậm trong tim quả khóm vàng

    Tới vịnh Hạ Long , tôi không cảm thấy như tới miền biển . Ở Vũng Tàu , Nha Trang , Cam Ranh , đảo Pattaya Thái Lan hay Gaveston , Mỹ . Gió mang theo vị mằn mặn , hơi âm ẩm của miền biển . Buổi chiều trên vịnh Hạ Long thật êm ả . Ánh nắng buổi chiều nhàn nhạt trên bãi biển mênh mông .

    Chúng tôi vào check-in ở khách sạn Ha Long Dream xong , gởi hành lý và nhận ra trong phòng khá nóng . Trời tháng bảy ngoài Bắc nóng bức , nhiệt độ trung bình 95 độ F , tức là vào 35 độ C . Chúng tôi phân trần với ông trưởng đoàn và được trả lời : " Máy điện khách sạn mới hư , đang kêu thợ tới sửa . " Nhìn khách sạn "Giấc Mơ Hạ Long " to đẹp hoành tráng bốn sao , không thua gì các hô ten sang trọng bên Thái , chỉ thiếu thợ tu bổ chăng ? . Từ tầng chót khách sạn , tôi phóng mắt nhìn toàn cảnh vịnh Hạ Long . Quần đảo lốm đốm nằm rải rác quanh biển , xa xa chiếc cầu mờ mờ ẩn hiện bên Bãi Cháy . Cạnh khách sạn đang ở , một vài hô ten đang thi công dở , bãi cát màu xám đen đục phù sa làm tôi liên tưởng đến bãi Trước Vũng Tàu . Cát biển như vầy chắc không thu hút hấp dẫn người xuống tắm .

    3.2.2009

    Vịnh Hạ Long (tiếp theo)

    Xe đưa chúng tôi qua đảo Tuần Châu bằng một con đường lộ mới làm , hai bên là nước biển xanh dương nhạt .

    Ông trưởng đoàn cất tiếng nói:
    - Quí khách biết không ? Con đường này do một doanh nhân , ổng tên là Đào Hồng Tuyền , ổng dám bỏ tiền ra xây dựng , để nối liền đảo Tuần Châu với đất liền . Xưa kia du khách muốn qua đây tham quan phải đi đò .

    Đoạn đường khá dài , gần hai cây số , chạy thẳng tắp một mạch . Đường mới xây , xe chạy thật êm không mấp mô gập ghềnh như một số khúc tuyến đường Hà Nội Quảng Ninh .

    Một bà khách lúc trước là người Việt gốc Hoa , bây giờ định cư tại bang Georgia , trở thành người Mỹ gốc Việt , nhưng nói tiếng Việt với âm người Tàu :
    - Tui nghe "lói " đảo Tuần Châu "lày " xưa nghèo lắm . Họ chủ yếu sinh sống bằng nghề bắt cá bắt tôm , phải "dzậy" không anh Lăm Béo ?
    - Dạ , đúng vậy quí khách . Doanh nhân tỉ phú này mua lại đất để đầu tư kinh doanh , quí khách biết rồi đó , ổng biến đảo này thành Đảo Ngọc , mới đây nơi này có tổ chức thi Hoa Hậu Hoàn Vũ đó .

    Biển xanh trùng trùng sóng vỗ hai mạn đường , làm tôi cảm tưởng như đang đi trên đoạn đường vượt biển cạn của ông Môi sen khi ổng dẫn dắt đoàn dân Do Thái lũ lượt băng ngang Hồng Hải để về miền đất hứa trong phim The Ten Commandments (Mười Điều Răn) hay Exodus gì đó .

    Giá như ông Đào Hồng Tuyền này được tu nghiệp mấy khóa bồi dưỡng bên Hollywood , chắc chắn thể nào du khách không đi qua đoạn đường nối liền đất liền qua đảo Tuần Châu bằng ô tô , mà sẽ đi bộ trong ống nhựa trong suốt , nằm dưới lòng biển . Tôm cá , những sinh vật dưới biển bơi thong dong bơi lội xung quanh . Kể ra ông Đào có tài , theo báo Le Figaro cho biết , ông ta từng là đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam , từng là anh hùng bộ đội trong sư đoàn 125 , chuyển vận bí mật hàng bao tấn đạn dược từ Bắc vào Nam trong cuộc chiến Việt Nam . Với hơn hai tỉ Mỹ kim , ông ta trở thành một trong những doanh nhân giàu có nhất Việt Nam . Vẫn theo báo Le Figaro , ông ta có dự án xây một thành phố Hà Nội mới , với nhiều toà chọc trời cao , nhiều sân gôn tân tiến , đường cao tốc chạy quanh , cũng như một nhà chọc trời tại Sài Gòn cao hơn tòa nhà Taipei 101 cao nhất thế giới . Nói cứ như thật .

    - Dạ quí khách mấy ngày nay được nghe đài hay các kênh "Về Tây Về Ta " Hà Nội đang có kế hoạch mở rộng , các vùng ven chung quanh như Hà Nam Hà Đông và Hà Tây sẽ trở thành Hà Nội mới . Nhất là các bà Hà Đông rất hồ hỡi phấn khởi , phải không bác Tuấn . Bác sinh sống nơi đó phải không bác ? Bác có cảm nghĩ tư duy nào mới lạ không ?

    Bác Tuấn ngồi hàng ghế trước tôi , dáng dong dỏng . Trong mấy ngày qua , chung đoàn đi tham quan Đà Nẵng , Huế tôi nghe giọng nói của bác Tuấn , đoán bác là người Bắc , nhưng không rõ là miền nào .
    - Vâng , tôi ở Hà Tây . Dân ở đây rất hồ hỡi trở thành dân " Hà Lội " . Đó là "liềm" mơ ước lâu lắm rồi . Tôi rất vui mừng với quyết định "lày" của nhà nước. Sự việc mở rộng địa giới Thủ đô là điều tất yếu, sẽ giúp những vùng đất xung quanh Thủ đô sẽ phát triển nhanh, bắt nhịp với sự phát triển kinh tế của Thủ đô "lói" riêng và đất nước "lói" chung".

    Hà Nội bao năm nay vẫn là một Trường An như họ vẫn tự hào , giờ đây đã có nhiều dân nhập cư tứ xứ về đây , giọng nói chuẩn hỏi ngã rồi đây sẽ còn là chuẩn cho cả nước hay không , điều đó không dám chắc . Cứ như Hà Nội thành " Hà Lội" , hoặc như tôi mà làm phát ngôn viên , người Hải Phòng , khoai lang thành khoai "nang " hết , hoặc như các cô trên kênh Về Ta Về Tây giọng hơi nằng nặng Nghệ An Hà Tĩnh Thanh Hóa thì chẳng biết âm nào là chuẩn cho cả nước .

    9/2/2009

    Vịnh Hạ Long (tiếp )

    Những con đường nhựa không có bảng chỉ dẫn , nhưng xe du lịch như đã quen đường , nó cứ thế quẹo trái quẹo phải . Giá như đưa cho tôi lái thế nào cũng đi lạc lối . Xe chạy rất êm , đưa chúng tôi qua các biệt thự xinh đẹp nằm ẩn khuất trong các rặng cây xanh . Một ông trong đoàn lên tiếng :
    - Anh Năm Béo ơi ! Tối nay bọn tui vô trong này ngủ đêm được không ?

    Anh Năm Béo cười mỉm chi :
    - Được chớ , loại cao cấp gần bờ biển mỗi đêm ngót nghét gần 200 đô . Tui nghe nói các đại gia ở Hà Nội ghé đây mới chịu nổi giá này , còn các bậc trung lưu chỉ dám cắn răng nghỉ ngơi một hai đêm thôi . Loại xoàng cũng bảy tám chục đô . Thế ông bà muốn loại nào để tui đặt phòng cho ? Khu resort du lịch Âu Lạc của vịnh Hạ Long này được coi như là đẹp nhất Đông Nam Á . Quí khách nhìn quanh mà xem , các mái nhà gạch đỏ được sản xuất từ làng Bát Tràng , cây kiểng cây che bóng mát từ các làng Nhật Tân, Quảng An, Phú Thượng, Vĩnh Tuy, Định Công , còn khách tới ở là ....

    Trong xe có tiếng nói vọng lên :
    - Khách Việt kiều .

    Anh Năm Mập với nụ cười toe toét :
    - Dạ không , toàn các bác đại gia Hà Nội vào nghỉ ngơi thôi ạ , mấy bác Việt kiều thì ra  khách sạn ngoài vịnh .

    Ông no. mỉm cười , quay sang nói bà vợ bên cạnh :
    - Sao em ? Đêm nay chúng mình kỷ niệm 50 năm thành hôn của chúng ta . Chúng mình ra đây tưởng nhớ lại những ngày mình mới quen nhau .

    Bà vợ ỏn ẻn :
    - Ờ được đấy mình , nhưng ông lại quên hàm răng giả ở khách sạn rồi . Ông lấy gì mà cắn tui ?
    Ông già chợt hỏi :
    - Anh Năm Béo ơi ! Trung tâm Âu Lạc có bán hàm răng giả không ?

    Tiếng ông trưởng đoàn từ đầu xe vọng lại :
    - Không , ở đây không có đồ giả , hàng thiệt không hà . Trong này tuy có cái siêu thị nhưng các cô tiếp thị mặt mày không được vui lắm , vì nhiều du khách tới đây thích sờ vào các mẫu mã hàng hóa . Các cô cau có gắt lên là đừng sờ vào hiện vật ; đã là đi du lịch tham quan thì khách muốn nhìn thấy tận mắt , sờ thấy mới có cảm quan thật sự . Thế là mất hứng họ la lên : " Lần sau ông không thèm ghé vào nữa . " Tui xin thưa với quí  khách là có ra ngoài phố vui chơi , xin cẩn thận .   Nơi đây tỉ lệ bệnh si đa (AIDS) khá cao .

    Ông già lẩm bẩm nói một mình :
    - Cha vô duyên .

    Anh Năm Béo cầm cái microphone cất to giọng :
    - Tui kể cho bà con nghe một chuyện vui . Số là tui quen với một cô đang học Sư phạm , một hôm buồn tình tui viết cho cô nàng :  "Người em mới quen . Anh viết cho em lá thư tình đầu tiên với những dòng chữ ngọt ngào . Tới đây hình như anh viết câu thứ ba rồi nhỉ . Em ơi ! Khi em đọc tới đây đã là câu thứ tư đầy ý nhị tình nồng , mà anh vẫn chưa bắt đầu câu chuyện bằng câu thứ năm . Nhưng anh nhớ quen em vào ngày thứ Sáu kiêng thịt . Tí nữa thì quên , anh định sang câu thứ bảy muốn tỏ đôi lời cùng em . Nhưng bây giờ má anh gọi anh xuống bếp vo gạo . Đợi anh một tí nhá .  Em ơi ! Giờ này không biết là câu thứ mấy nữa , đồng hồ đong đinh gõ tiếng thứ mười , chắc anh nghĩ là tới câu mười một . Anh chỉ sợ em không đủ bình tĩnh vô tư nên anh sẽ sang câu mười hai mới tỏ cùng em . Em ơi ! Em đừng giận anh nhá , xin em hãy kiên định đọc tiếp lá thư này . Bút sắp hết mực rồi nên anh ráng viết sang câu mười ba là thôi . Anh sợ rằng kéo thêm quá trình viết lách kẻo em giận mất . Nhưng mà em ơi ! anh muốn nói .. nói là .. là em hãy mau viết thư hồi âm ngay nhé . "

    Mọi người trên xe nở nụ cười tươi :
    - Vậy anh có gởi thư cho cô ta chăng ?
    - Có gửi chớ . Qua ngày sau cô ta bay Mỹ rồi .
    - Thế anh còn liên lạc với cô ta không ?
    - Lạc luôn rồi . Cô ta đã đi lấy chồng . Bởi vậy tui đang kiếm người viết lá thư thứ hai đây .

    Trước mặt chúng tôi là một bãi biển nước trong xanh . Bãi cát vàng (chắc mới lấy cát nơi khác lấp đổ về ) . Dọc bờ biển vài em bé nô đùa bốc cát xây lâu đài trên cát . Xa xa các hòn đảo nằm trong vịnh Hạ Long thấp thoáng . Phong cảnh rất đẹp , không thua một resort nào trên thế giới , trước mặt là cảnh thiên nhiên biển , cát , gió quyện xuôi dạt vào các nhà nghỉ cao cấp trong sâu . Nơi đây có các chương trình phục vụ giải trí lành mạnh , như cá heo hải cẩu nhào lộn giỡn sóng , hay làm xiếc với cá sấu . Nhưng các thứ này không có trong chương trình tham quan , nên sau khi ra ngoài bờ biển hóng gió và không được tắm biển , chúng tôi quầy quả ra trở về khách sạn dùng cơm chiều để chuẩn bị đi thăm cầu Bãi Cháy và coi chương trình nhạc nước .

    2/28/2009
    #47
      Tung Son 28.03.2009 18:39:37 (permalink)
      Cầu Bãi Cháy

      Cơm tối xong chúng tôi lên xe đi tham quan cầu Bãi Cháy .Trong suốt thời gian qua tôi từng nghe người dân Hà Nội trầm trồ khen ngợi cây cầu này ngoài vẻ đẹp tân kỳ còn là một cây cầu văng có nhịp dài nhất thế giới . Xe ngừng lại lại địa điểm gần cầu Bãi Cháy . Gió biển nhè nhẹ thổi tới từ bầu trời tối đen . Nơi đây không có một bóng đèn nào . Không xa lắm , cầu Bãi Cháy lung linh dưới ánh đèn màu nhìn khá xinh , nằm vắt ngang vịnh Hạ Long , nối liền đất liền và Hòn Gai . Ông trưởng đoàn cười : " Mời quí khách xuống chụp hình kỷ niệm với cây cầu đẹp nhất Việt Nam . "

      Bác Tuấn , chung đoàn với chúng tôi cười khen :
      - Và là cây cầu văng dài nhất thế giới . Các bác xem , điểm ưu việt của thiết kế "lày" là ở chỗ khách tham quan đứng trên cầu không bị hạn chế tầm nhìn sang hai bên . Các bác có thể thư giãn thoải mái phóng tầm mắt ngắm nhìn tổng thể mặt vịnh Hạ Long , hưởng thụ cái cảm giác chơi vơi giữa trời mây và nước\

      Bà nhà tôi lẩm bẩm :
      - Tối thế thấy cái gì mà tận hưởng trời và nước . Ai lạng quạng rớt xuống biển thăm ông bà ngay .

      Một bà trong đoàn nghe vậy , nói : " Chị nói đúng đó , dân gọi đó là cây cầu tử thần mà , đã có mấy vụ rồi , rớt xuống là chơi vơi chới với liền hà !

      Bác Tuấn thong thả tiếp tục :
      - Và không những thế, khoảng cách tĩnh không của cầu Bãi Cháy sẽ là 445 mét, vượt 55 mét so với kỷ lục thế giới là loại cầu kết cấu một mặt phẳng dây đã tồn tại mấy chục năm naỵ

      Một cậu thanh niên trong đoàn thắc mắc hỏi lại :
      - Sao cháu nghe nói là cây cầu văng dài nhất thế giới là cầu Tatara dài 900 mét , và cây cầu Stone Cutter đang xây ở Hồng Kông còn dài hơn .

      Bác Tuấn phản biện :
      - Cậu đừng nghe báo chí ngoại quốc nói bậy nói bạ . Thông tin nhà nước chỉ đạo rành rành như thế đó . Cầu này thi công chừng 40 tháng , độ an toàn cao ....

      Cậu thanh niên xen vào :
      - Và đã xảy nhiều tai nạn giao thông .

      Lần này bác Tuấn dân Hà Tây gật đầu :
      - Tại vì tài xế lái xe ẩu thả , không chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông thôi . Mấy bác biết không , các bác lãnh đạo nhà ta ban đầu nhất quyết dành lấy việc vẽ thiết kế xây cây cầu này , nhưng nhà thầu chính của Nhật không chịu ...

      Cậu thanh niên gật đầu :
      - Chắc vì "hợp long " hai đoạn cầu không ăn khớp với nhau phải không bác Tuấn ?

      Anh Năm Mập lên tiếng : " Thôi mời quí khách lên xe , để còn kịp thăm cây cầu văng có nhịp dài nhất thế giới . "

      Xe chạy tới đầu cầu Bãi Cháy qua ngã ba Yết Kiêu để tiến lên cầu . Tới đây xe dừng lại , bác tài ra hiệu với anh Năm Béo , xì xào chuyện gì đó .

      Anh Năm Béo trấn an :
      - Xin quí khách bình tĩnh , không có chuyện chi xảy ra đâu . Chỉ vì trời hơi tối nên bác tài vào lộn và đi ngược chiều . Bây giờ bác tài đang de xe lại , quí khách cứ bình tĩnh ngồi xuống .

      Phía trên đầu xe du lịch , các loại xe khác từ bên Hòn Gai đổ tràn về đành phải dừng lại , chờ đợi . Đoạn đường này có khúc ngoặt gắt , coi bộ bác tài điều khiển de xe lại khá vất vả . Khoảng chừng mươi mười lăm phút , xe ra được đoạn đi ngược đường này , và bác tài tìm đường vòng khác để tiếp tục tham quan cây cầu Bãi Cháy .

      Đối với tôi , cây cầu này do người Nhật xây cất thi công bằng chính tiền vốn OPA của họ , nhà thầu do họ chỉ định , các kỹ sư thiết kế đều là người Nhật . Loại cầu này người Nhật hay xây dựng tại chính nước Nhật mà tôi đã từng đi qua . Nó có ưu điểm là giá thành rẻ , bảo trì nhanh chóng , nếu thay dây cáp treo cũng mau lẹ nhưng có vài khuyết điểm như trọng lực phân tán không đều , tạo ra nhiều giao động bất ổn , đương nhiên sẽ không an toàn nếu như gặp những cơn địa chấn hoặc dông bão từ biển Đông thổi vào . Nó từng bị nhiều nhà khoa học chỉ trích về độ bền vững và sự an toàn .

      27.3.2009

      h***://tungson-tungson.blogspot.com/
      #48
        Tung Son 25.04.2009 18:40:23 (permalink)
        Buổi trình diễn " Tài Năng Trẻ "

        Sáng nay vào nét dactrung , tôi gặp một đường truyền (link) vào You Tube , dẫn đến một màn trình diễn hát solo của cô bé Charice Pempengco ca bài I Will Always Love You . Cô bé tuy còn nhỏ tuổi nhưng giọng hát chững chạc , rất chuyên nghiệp . Tôi không khỏi liên tưởng đến con bé Linda nhà tôi . Tối qua nó nằng nặc nài nỉ cả nhà tôi phải đi coi buổi trình diễn "Talent Show " , trong đó có một màn hát ca của nó tại trường tiểu học Springdale mà cháu đang theo học .

        Khi tôi vừa đi làm về , bà nhà tôi đang chiên xào củ đậu . Không như mọi khi cá chiên thịt kho bay sực mùi nước mắm nồng nặc lên .
        - Ủa ! Hôm nay hông ăn cái gì à ?
        - Không ! Đồ ăn trong tủ lạnh còn nhiều lắm . Hôm nay tui làm món bò bía . Vả lại hôm nay còn đi coi buổi " Talent Show " của con Linda . Chiều nay tui làm về sớm , định ra bưu điện lãnh thùng hàng gì đó của cô Thy thứ ba nhà này . Nhân viên bưu điện cầm tờ giấy , ngó qua liền cười mỉm : " Bà ơi ! Bà phải ra bên nhà FedEx lãnh hàng mới được . Giấy báo này là của họ . "

        Ngoài hệ thống bưu điện , United Parcel Service (UPS) ra , ở Mỹ còn có FedEx cũng nhận chuyên chở những bưu kiện văn thư trong và ngoài nước .

        - FedEx nằm gần đâu đó gần xa lộ 121 và đường Riverside , bà không biết à ?
        - Không , lúc trước ông đi lãnh hàng mà . Tui theo lời chỉ dẫn của ông nội bưu điện đi lòng vòng mãi vẫn không kiếm được địa chỉ của cái FedEx . May quá lúc đi qua cây xăng Shell đầu đường gặp ngay cái xe chở hàng FedEx đổ xăng ở đó . Tui chìa tấm giấy chọ họ xem . Ông lái xe FedEx bèn chỉ tui đi đến đó . Có lẽ thấy mặt tui sáng sủa quá nên ông ta nói : " Thôi bà lái xe theo tui về chỗ FedEx . " Tưởng FedEx nằm đâu xa xôi , nó nằm ở góc hẽm . Khi tới nơi ông FedEx biểu tôi giao cho ổng xem tờ giấy lãnh hàng . Ông ta xem xong , chắc lưỡi : " Tui nghĩ thùng quà của bà còn nằm trong xe của tui , để tui vào trong xe tìm thử xem . " Không đầy hai phút , ông ta đưa cho tui gói hàng của con Thy bé bằng nắm tay . Thiệt là lộn xộn , biết vậy đưa ngay cho mình lúc còn ở cây xăng . Bắt mình chạy lòng vòng mãi .

        Tôi cười thông cảm nỗi buồn lăng xăng của bà vợ mình :
        - Tui có đọc một mẩu chuyện vui về một cô bé tiểu học đi xe buýt . Hàng ngày cô bé đừng chờ tại nhà chờ xe buýt đưa rước tới trường . Hôm đó cô bé ra trễ xe buýt . Mẹ cô bé phải chở cô bé đi học . Trên xe cô bé ra hiệu mẹ cô bé quẹo phải , quẹo trái quanh co chừng đâu nửa giờ . Bà mẹ trông thấy trường học , thốt lên : " Trường học này gần nhà mình mà con , xe đi chừng một phút là tới . Sao con lại chỉ mẹ đi lung tung thế ? Cô bé lắc đầu : " Xe buýt đi sao , con chỉ mẹ vậy . "

        Hai vợ chồng chúng tôi tới trường tiểu học Springdale nằm ở góc phố nhỏ . Dọc đường khoảng chục cái xe đậu dưới cái bảng cấm " No Parking Any Time " .

        Bà nhà tôi bấm miệng nói :
        - Chắc không sao đâu , giờ này hơn 6 giờ rồi , "pu lít " đi ngủ rồi .

        Vào trong trường , vài bà giáo ngồi sau cai bàn thu tiền . Họ hỏi chúng tôi : "Ông bà đi hai người à ? Năm mươi xu ."

        Bà nhà tôi móc ra bốn đồng 25 xu , nói : " Chúng tôi còn hai người nữa , tôi trả trước cho họ . "

        Hội trường của trường tiểu học khá nhỏ nhắn , có thể chứa khoảng hơn trăm người . Đa số khách tới xem "Talent Show " đều là bố mẹ học sinh và phần lớn đều là người Mễ . Mở đầu chương trình là một cô bé có nét Á châu , tôi không rõ là người Việt hay Lào , vì cô bé hát bằng tiếng Anh . Màn thứ hai là múa uốn người của ba cậu bé người Mỹ . Tôi khều nhà tôi : " Cái này phải để người da đen múa mới hay , người họ dẻo lại hay múa nên trông hay lắm . " Màn tiếp là con bé Linda nhà tôi . Song ca với bạn học của nó , trong bản The Climb gì đó . Hai đứa nó trong bộ áo hồng với áo gi lê đen . Tôi nghe qua , thì thầm biểu nhà tôi : " Hèn gì mấy tuần qua , nó vô trong phòng í a bản nhạc này . Tui tưởng nó tập ca hát để thi tuyển tài năng trẻ của Paris By Night hay Asia gì đó , ai dè là "Talent Show" tại trường tiểu học này . "

        Bà nhà tôi gật đầu : "Đã vậy còn phải trả tiền , đi làm về mệt gần chết , vô đây nghe tụi nó í a . " Lát nữa về đòi tiền nó lại .

        Coi xong màn trình diễn của con bé Linda nhà tôi , tôi vội vã ra xe đi chơi bóng chuyền với mấy cậu thanh niên trong nhà thờ . Bà nhà tôi ở lại , tí về ra về cùng với hai mẹ con cô em tôi cũng đi coi "Talent Show" có con Linda hát .

        Về nhà trời gần 8 giờ tối , chúng tôi quay quần quanh cái bàn ăn . Cô em tôi khen : " Linda hôm nay hát hay quá ! "
        Tôi sực nhớ ra là lúc tôi bỏ đi , hai mẹ con cô em tôi mới tới .

        Bà nhà tôi lên tiếng : " Ông bỏ đi sớm quá , không coi màn biễu diễn nhảy múa của mấy bà giáo Linda . Họ múa hay lắm ! "
        - Phải mấy bả là dân da màu ?
        - Màu thì không có , nhưng họ đen lắm . Với lại thêm hai con bé da đen mới sáu bảy ra nhảy điệu "Rap" trông xinh lắm .

        Trên bàn bày biện đĩa đậu xào , lạp xưởng , trứng chiên thái mỏng , tôm khô và rau xà lách tươi xanh . Lúc nãy tôi trông thấy trên bàn có một ổ bánh mì thịt , tôi lấy bỏ những miếng thịt dăm bông , giò thủ , giò luạ ra ngoài và còn lại vài miếng dưa leo , đồ chua . Tôi bèn hỏi cô em tôi :
        - Bánh mì cô mua ở đâu mà ngon vậy , bên trong toàn là thịt ?

        Loan , cô em thứ năm của tôi năm nay gần năm mươi , mới bị đụng xe tưởng chết , tươi cười :
        - Em mua ở tiệm Tú Hải .
        - Hèn chi mà ổ bánh mì nhiều thịt thà hơn mọi khi bà nhà tui mua ở tiệm Saigon Tài Pây .
        - Anh ăn có ngon không ?
        - Không , tôi moi ra lấy hết thịt cho hai con chó Bô Ba , Tô Phu nhà tôi xơi hết rồi .

        Bà nhà tôi đon đả mời :
        - Tui còn con gà ác mới hầm với bia , cô mới bị đụng xe nên ăn để da thịt phèo phổi mau lành .

        Con Linda nhà tôi trông thấy con gà ác nằm gọn trên dĩa , màu da gà ác màu tái đen , hỏi khéo :
        - Má má , hình như má lượm con chim chết này ở ngoài vườn rồi má mang vào nấu hả  ?

        Tung Son 24.4.2009
        #49
          Tung Son 17.05.2009 20:37:18 (permalink)
          Vịnh Hạ Long (tiếp)

          Bốn giờ sáng tôi chợt thức dậy , bước ra ngoài ban công ngó ra nhìn . Vịnh Hạ Long nằm ngủ yên ắng trong ánh đèn lập lòe tít mãi xa . Bà nhà tôi ọ ẹ :"Ông làm cái gì mà thức sớm thế. Ngủ không được rồi phá giấc ngủ người khác không hà !

          Tôi nhớ lại một câu chuyện nói về hai cha con trong một ngôi làng . Người con làm làm cách nào đi nữa cũng không làm cho người cha vui lòng . Một đêm người con mãi chơi game trong máy vi tính đến quá nửa đêm . Không thấy thằng con đi ngủ ,ông bố gắt : " Giờ này không chịu đi ngủ , chắc mày đợi thật khuya rồi lén đi ăn trộm chắc ? . Ngưòi con lẵng lặng không nói gì , rồi chùm mền ngủ . Qua đêm sau hắn cố đi ngủ sớm . Người cha gọi giật lại : " Mày đi ngủ chi sớm thế ! Định thức dậy sớm lén đi ăn trộm à ? ".

          Tôi lần mò xuống đại sảnh khách sạn . Một cô lễ tân ngồi gật gù , nhác trông thấy tôi , cô chẳng buồn chào .

          Tôi lững thững vào thang máy đáp tầng cuối khạch sạn . Mở cửa hông , một làn gió mát tràn vào . Ngoài xa vịnh Hạ Long lấp lánh ánh đèn điện . Cầu Bãi Cháy lung linh mãi xa mờ .

          ooooOOOOoooo

          Trong bữa ăn sáng buffet , chúng tôi vào ngồi dùng điểm tâm . Các món thức ăn tại các khách sạn đều giống gần như nhau , trứng chiên ốp la , thịt nguội , bánh mì con cua , bánh ngọt , cơm chiên , mì xào v.v... Ngồi cạnh tôi là một ông chừng ba mươi tuổi và qua lời giới thiệu được biết ông ta là bác sĩ ung thư .
          Ông ta hỏi tôi đến vịnh Hạ Long mấy lần rồi .
          - Lần đầu .

          Ông ta mặt dàu dàu nói : Tôi tới đây mấy lần rồi . Lúc trước vịnh này sạch sẽ lắm . Tí nữa mấy ông cứ ra mà xem . Rác rến đầy bến . Khách sạn thì cho xây dựng lung tung cả lên . Một cái vịnh đáng được liệt vào hàng kỳ quan thế giới mà không biết giữ gìn . Tôi không biết mấy ông lớn trên cao nghĩ sao .

          Tôi nghĩ bụng , ông ta này chắc cũng là con ông cháu cha đây . Tôi e dè hỏi thêm :
          - Thế bác sĩ có dự định gì về ngành chuyên môn của mình chăng ?

          Ông bác sĩ nở nụ cười :
          - Tháng 10 tới tôi qua Mỹ bồi dưỡng nghiệp vụ do một trường y khoa bên Mỹ bảo trợ , cấp cho tôi một học bổng toàn phần . Học trình là hai năm . Mình không phải đồng nào hết , nhưng với một điều kiện là phải tốt nghiệp , bỏ dở dang là phải hoàn lại tiền .
          - Một năm là bao nhiêu vậy bác sĩ ?
          - Khoảng 40 ngàn Mỹ kim. Hai năm là 80 ngàn.
          - Thế nhà nước có yêu cầu gì không?
          - Có chứ. Học xong thì về làm cho nhà nước. Trưởng khoa mổ xẻ. Ông nào bà nào vô là tôi mổ ráo . Đằng nào bị bệnh ung thư thường thường cũng chết.

          Cùng chung bàn với tôi có một cậu thanh niên trẻ , hỏi ra là kỹ sư công chánh . Tôi ướm lời hỏi cậu ta :
          - Dạo này thành phố Hà Nội cũng như thành phố HCM kẹt xe quá . Theo cậu thì làm các nào giải quyết được vấn nạn này ?

          Cậu ta gãi đầu , rồi đáp :
          - Chuyện đó rất dễ Thứ nhất đưa dân đi khai khẩn đất hoang , hai là khai thác quặng mỏ bô xít ở Tây Nguyên ....

          Nói tới đây cậu ta đưa mắt e dè nhìn xung quanh.

          Tôi gật đầu :
          - Ngày xưa đã làm thử rồi , đưa dân lên miền kinh tế mới , muỗi cắn quá dân chịu không nỗi mới bò về thành phố .

          Cậu ta cười thoải mái :
          - Gớm ! Tại nhân dân chưa được khai thông tư tưởng , học tập tốt lời của Bác dạy .

          Nói đây đến đây cậu ta giơ tay đập cái chát vào cánh tay :
          - M. nó , khách sạn bốn sao đẹp thế này mà lại có muỗi !

          ooooOOOOoooo

          Khi chúng tôi đến bến cảng Vịnh Hạ Long , trời đã sáng hẵn . Trong bến vài cô bé nhanh nhẩu ôm cắp giỏ hàng chào mời đoàn du khách mua quà.

          Các du thuyền sơn màu đỏ đậm , sống thuyền được sơn thếp vàng , trạm trổ hình con rồng giương nanh với trảo . Nước biển hơi dao động , làm con thuyền chòng chành khiến tôi liên tưởng đên những ngày vượt biên bằng con thuyền chở củi mong manh . Du thuyền bề ngang rộng sáu , hay bảy thước tây , dài khoảng 15 thước . Trên khoang thuyền sắp đặt khoảng cái bàn dài . Mỗi bàn có thể cho tám người ăn . Đoàn chúng tôi khoảng 30 du khách vừa vặn cho một du thuyền . Chiếc thuyền này nếu như ngày xưa ( khoảng năm 1980) có thể chứa khoảng 200 mạng . Giờ đây với 30 người tha hồ thừa chỗ . Thuyền tách ra khỏi bến , chậm dần tiến cửa biển . Bầu trời trong xanh , rải rác vài bóng mây nhàn nhạt trắng xóa . Biển nước trong xanh , có lẽ vịnh Hạ Long nước không sâu lắm , vì càng ra xa nước biển sẽ trở nên màu xanh đen . Tháng bảy trời đứng gió , mới hơn 10 giờ dù ở trên khoang thuyền khoáng đãng chúng tôi hơi cảm thấy nóng nực. Mồ hôi rườm rượm trên trán . Thuyền băng ngang vài đảo nhỏ , trên có cây cỏ mọc xanh um . Thuỷ triều đang xuống lộ ra các chân đảo , khuyết hẳn vào trong do sự bào mòn của sóng biển . Nhìn các hòn đảo lớn nhỏ đủ hình dạng nằm chênh vênh trên sóng biển , du khách có cảm tưởng như lạc vào một thiên đường nơi hạ giới . Nhạc sĩ Lê Thương, sinh ở Hà Nội , hay xuống Hải Phòng và từng ra vịnh Hạ Long để rồi ngẫu hứng sáng tác bản Thu Trên Đảo Kinh Châu và ba bản Hòn Vọng Phu . Với lời ca đầy ý nhị của ông làm ta không khỏi bùi ngùi cảm động :

          "Nhiều đồi rủ nhau kéo thành đảo ra tới tận khơi ngàn...
          Xem chàng về hay chưa, về hay chưa ? "

          Chúng kéo nhau rủ nhau tới đây thì còn được . Rủ nhau ra tới khơi ngàn lập thành Trường Sa Hoàng Sa rồi lạc mất thành quận Tam Sa của người bạn láng giềng khồng lồ .

          Anh trưởng đoàn hôm nay ngồi thừ trong một góc bàn , mắt hơi đỏ . Không biết vì nhớ người yêu hay mất ngủ nên đôi mắt hơi đỏ gay . Tôi hỏi anh " Cái đảo kia tên là gì vậy ? Anh Năm ! .

          Anh trưởng đoàn mắt nhắm mắt mở :

          - Hòn Phu Thê.
          - Còn hòn kia ?
          - Hòn Trống Mái .
          - Còn cái hòn tuốt đằng kia ?
          - À ! Hòn Gà Chọi !

          Không biết hòn Gà Chọi có thật hay không , nhưng trong số vài ngàn đảo lớn bé thế nào cũng có hòn na ná như con gà chọi . Nếu du khách cứ tiện miệng hỏi thêm , tôi đoán thể nào cũng có thêm hàng trăm hòn có tên mới .

          16.5.09
          #50
            Tung Son 22.06.2009 19:17:37 (permalink)
            Vịnh Hạ Long (tiếp)

            Đường lên động Thiên Cung đầy ắp người . Động này cách mặt biển chừng đâu 25 thước . Du khách từ từ leo lên bước từng bực theo dốc đá , chầm chậm tiến lên cao . Vách núi cheo leo, hai bên tán lá rừng che phủ rậm rạp um tùm, không khí mát dễ chịu , không nóng hầm hập như có lần chúng tôi leo lên đỉnh nhà thờ Chánh Toà Phê rô ở thành phố La mã . Du khách có đủ hạng người từ Việt kiều , khách nước ngoài , da trắng da vàng nhưng không thấy khách da đen có mặt nơi đây . Phần lớn là các em học sinh được bảo trợ đi tham quan , mặt mày hớn hở vui tươi , chuyện trò lanh lợi như mấy con sáo sậu .

            Từ chân đảo leo được cửa vào Động Thiên Cung mất gần một giờ . Chen chúc từng bước với vài ngàn người . Quả thật , như sách xưa đã nói ai muốn vào Nước Trời phải qua được khung cửa hẹp . Chen vai sát cánh với chục tỉ người qua khung cửa hẹp . Chắc khó khăn lắm với muôn ngàn gian nan vất vả .
            Qua khung cửa hẹp , một lòng động mở toang với chiều cao trên trăm thước . Trong động từng khối thạch nhũ rũ xuống từ vòm cao . Từ ở hốc núi chúng tạo thành hàng ngàn hình trạng muôn vẽ . Dưới ánh đèn lung linh xanh đỏ tím vàng đặt dấu dưới các hốc đá . So với động thạch nhũ ở thành phố San Antonio bên Mỹ thì hang Thiên Cung rộng rãi to lớn hơn . Khoang chính có thể chứa cả ngàn người .

            Tôi lần mò tới một hốc đá , xem thử loại đèn màu này là ai chế tạo . Các ngọn đèn huỳnh quang in rõ những hàng chữ : " Made in China " . Tôi không biết rồi đây ông bạn láng giềng lại nhân cơ hội này , tuyên bố với thế giới rằng vịnh Hạ Long này là của Trung quốc vĩ đại , không tin các ngài cứ tới mà xem . Chữ rõ rành rành , không thể chối cãi được nhé :" Cái lày là của ngộ mà ! Made in China "

            Trong số du khách cả ngàn người này co rất nhiều đoàn du lịch theo tour . Mỗi góc đá lại được một cô hay một anh hướng dẫn giới thiệu từng hình ảnh trong động : " Bà con nhìn cái hình tuốt trên góc trái . Đó là nàng Mây cùng vua Rồng đang tình tự . Bên cạnh là con mãng xà ghen tị chờ họ đang say đắm trong tình yêu để nuốt vào bụng . Cạnh đó là Nam Tào Bắc Đẩu đang ngồi xơi thịt cầy với ông Lã Đồng Tân ."

            Tất cả những hình ảnh đó như mơ như thực vừa được hoá đá nơi nàỵ . Chúng tạo nên một bức tranh đơn điệu hoành tráng đủ mọi dạng thể theo ý thích từng người . Trong đó nổi bật từng nhân vật trong truyện cổ tích xưa, khắc chạm trổ mềm mại ung dung với từng chi tiết bày biện chi tiết tỉ mỉ qua năm tháng trôi qua .

            Một bà du khách trầm trồ khen ngợi , chỉ lên một hình tượng nằm góc phía tây :" Anh Năm Béo ơi ! Hình kia là ông Bill Clinton tóc hung vàng đang ngồi ôm bà nào vậy ? "

            Anh trưởng đoàn sụyt một tiếng : " Chị Hai ơi ! Nói nhỏ tiếng một tí . Ông Clinton không có tới đây , ổng chỉ ghé Hà Nội ăn phở thôi , còn ôm bà nào thì tui hổng biết. "

            Một vài giọt nước thỉnh thoảng theo vách đá rỉ rả xuống . Con bé út nhà tôi chợt hỏi :
            - Nước này uống được không bố ?
            - Được chớ , nó còn sạch sẽ hơn nước vòi ở nhiều thành phố nữa . Nó đã được lọc qua bao nhiêu lớp khoáng thạch mới rỏ từng giọt xuống đây . Con khát nước à ! Có cần bố múc nước cho con nhé ! .
            - Không cần đâu bố . Con uống nước chai tốt hơn .

            Chúng tôi quanh quẩn ngắm nghé trên động Thiên Cung khoảng một giờ . Ông trưởng đoàn phất cờ ra hiệu : " Bà con ơi ! Ai muốn qua tham quan động Đầu Gấu thì theo tui . "

            Nghe vậy tôi lắc đầu nói với bà nhà tôi : " Thôi , tui xuống dưới bến đợi bà và mấy đứa con . Động Đầu Gấu đầu cọp chắc cũng như động Thiên Cung này thôi . Mấy cái hang động này nếu có bày tiên nữ nhảy múa thì mới có thể hấp dẫn du khách được . Chớ nhìn mãi mấy tượng thạch nhũ hoài rồi tưởng tượng ra ông kia bà nọ cũng chán .

            Đường lên trời coi bộ mỏi đầu gối vất vả , nhưng khi bước xuống núi tôi cảm thấy dễ chịu thư giãn thư gián vô cùng . Giờ này gần buổi trưa , ánh nắng chan hòa khắp hòn đảo .

            ooooOOOOoooo

            Buổi trưa ánh nắng chan hoà khắp toàn vịnh Hạ Long . Mặt biển lung linh ánh bạc . Con thuyền du lịch một lần nữa đưa chúng tôi chen qua những hòn đảo đủ hình dạng mọc chơ vơ trên biển trời xanh mênh mông .

            "Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
            Con thuyền xuôi mái nước song song.."

            Đó là hai câu trong bài thơ Tràng Giang của Huy Cận khéo tả cảnh sóng nước xanh xanh trên mặt nước.

            Không bao lâu thuyền chúng tôi cặp ngang với vài chiếc du thuyền khác giữa biển trời . Chính giữa là một chiếc phà bu quanh bởi các du khách với những ơi ới gọi nhau .

            Một bác thuyền chài gọi bông bổng :
            - Bu mày ơi ! Vớt con cá nằm góc kia cho quan khách này.

            Lâu lắm rồi tôi nghe lại câu " Bu mày ơi " để gọi vợ mình. Tiếng này là tiếng đặc thù của các người dân miền Bắc , có thể là do chữ bú mớm đọc trại ra mà thành . Khi mới lấy nhau chúng tôi hay gọi với nhau là mình ơi mình à , đến khi được đứa con trai đầu lòng và đặt tên là Uy. Từ đó tôi hay gọi nhà tôi là "Má thằng Uy ơi ! Về nhà tôi cần bà gấp .... ". Một hôm con bé út nhà tôi thắc mắc , hỏi má nó : " Má à ! Tại sao bố cứ gọi má là " Má thằng Uy " mà không gọi là "má Linda" , chúng con cũng là con của bố má vậy? Tôi phải cắt nghĩa mãi cho nó , rồi chúng nó cười với nhau.

            Hầm chứa cá được bao bọc bởi hàng lưới ni lông đen thẩm , vài chú cá bơi lẳng lặng phía dưới và chúng nó dãy đành đạch khi bác thuyền chài vớt bỏ lên sàn thuyền.

            Tôi hỏi bác ta :
            " Cá này là bống mú hả bác ? Còn chú cá kia? Cá nụ hả ? Bao nhiêu một kí vậy bác ?

            Bác ta thản nhiên trả lời :
            " Ba trăm nghìn ! "

            Một con cá bống mú xanh xen lẫn vài đốm đen , mập ú y chang như loại cá striper bass sọc dưa mà tôi thường đi câu bên các hồ ở Mỹ. Tính ra một con cá như vậy hơn một trăm Mỹ kim. Thấy nhà tôi chần chừ không biết có nên quyết định mua hay không , tôi nói vào :
            " Mua đi bà , hai ông bà người Tàu cũng muốn ăn chung con cá với mình. Thì cứ coi như mình đi câu cá bị phạt tiền vậy mà. "

            Vào năm 1990 giá tiền phạt cho mỗi con cá bị vi phạm luật câu , như câu cá nhỏ hơn kích thước hay quá số lượng ấn định là 110 đô . Bây giờ nghe đâu lên giá là 150 đô . Đã bị phạt tiền mà cá còn bị cảnh sát tịch thu không được xơi .

            Bác thuyền chài hớn hở gạ hỏi thêm :
            - Bà mua thêm cua ghẹ chúng em nhé ! Vừa mập mạp vừa ngon bổ !

            Hỏi ra giá cả mấy con ghẹ xanh màu loang lổ không rẻ lắm , bà nhà tôi lắc đầu :
            - Bên Mỹ ghẹ thiếu cha gì ! Nhiều khi khuyến mãi "on sale" có một đô rưỡi một cân thôi.

            Trời đã quá trưa , tôi xách con cá quay trở về thuyền cùng với các nhóm khác. Ai nấy trả giá tới trả lui cũng bằng ấy tiền. Anh Năm Mập khẽ dặn dò chúng tôi : " Các bác cứ đưa cho chị vợ ông chủ thuyền đằng sau kìa , muốn ăn kiểu nào , chiên xào hấp nướng cứ biểu họ , và nhớ cho họ tiền típ. "

            Anh Năm Mập đã khéo lo xa . Những chuyện vặt vẽo đó ai mà không biết. Còn vẽ đường cho hươu chạy .

            Bàn bên kia có mấy cháu nhỏ bày ra chơi bầu cua cá cọp. Một bé trai lớn tiếng : " Tao đặt bên này , a ! Trúng rồi ! Ba con ghẹ !

            Tôi bỗng nghe mẹ chúng nó nhỏ nhẹ bảo : " Mấy đứa lần sau phải nói là ba con cua . Nói vậy người ta cười cho. "

            Khoảng đâu chừng một giờ , bà đầu bếp của du thuyền khệ nệ mang từng tô từng dĩa cá còn bốc khói nghi ngút. Cá bống mú chưng tương , canh chua cá bống mú , bống mú chiên giòn.

            Giống cá này bên Mỹ thường hay bán trong các chợ Việt , giá đến 6 hay 7 Mỹ kim một cân Anh , nghĩa là khoảng 12 hay 13 Mỹ kim một kí , nhưng cá thường là cá đông đá , thịt nhợt nhạt tai tái làm sao ngon bằng cá con sống nhăn đem làm thịt ngay.

            Hai ông bà người Tàu cùng với gia đình tôi năm người dù bụng đói meo cũng không thể nào xơi hết được con cá bống mú năm kí lô. Các dĩa cá đủ món nằm chênh vênh trên bàn. Tôi mời ông bà người Tàu : " Cô chú ăn hết đi , kẻo phí của trời. "

            Họ nhìn nhau rồi lại mời chúng tôi ăn tiếp. Tôi nhìn mấy dĩa cá rồi ngán ngẩm lắc đầu :
            - No quá rồi , ăn thêm nữa chắc bội thực.

            Khoảng năm 2000 tôi cùng ba người bạn qua Bắc kinh và Thiên Tân huấn luyện cách chế tạo lắp ráp một loại board điện tử cho các loại điện thoại di động. Khi từ biệt họ đãi chúng tôi tại một nhà hàng khá sang. Trong các món ăn ngoài món gà Hải Nam , tôm sọc rằn luộc chấm muối chanh có một món cá hấp ăn rất ngon miệng. Hỏi họ thì được biết là cá " grouper " , cá này được nuôi trong bồn nước đặt trong nhà hàng. Tôi nhìn xem cá mú này to lắm cũng chỉ hai kí là to nhất. Một con cá như vậy cho bàn tiệc mười hai người , mỗi người chừng hai gắp là hết sạch sành sanh. Bây giờ con cá mú to vậy , ngon vậy mà gắp mãi cũng chưa hết . Bởi vậy khi xưa Trạng Quỳnh để cho vua Lê thật đói bụng rồi cho thưởng thức món " Đại Phong " , là xơi tương hột . Khi đói quá , ăn cái gì mà chả ngon.

            Ngày xưa ở Sài Gòn mẹ tôi cứ hay nức nở khen các loại cá miền Bắc : " Ngon nhất là Chim , Thu , Nụ , Đé  , ấy con cá rô cá lóc trong này sao ngon bằng. "

            Cá chim , cá thu tôi có ăn thử rồi. Nhất là loại cá thu loại chừng chục kí trở lại , thịt mềm ngon ngọt vô cùng. Cá nụ , cá đé tôi chưa từng ăn , nên không biết nó ngon dở thế nào. Nhưng bà nhà tôi khen cá đé đem chiên dòn , còn thơm hơn cá chim nữa. Một ông bạn tôi gốc miền Trung , cũng là dân đánh cá miền biển , nghe tôi khen mấy loại cá ngon miền Bắc , bĩu môi chê : " Sao ngon ngọt bằng cá nhám quê tôi , nấu với măng chua thì ngon nhất hạng trên đời. " Còn anh Nam bạn tôi quê ở Mỹ Tho thường hay tấm tắc khen : " Mấy giống cá đó sao bằng cá quê tôi , cá trèn kết. Đem phơi khô một nắng rồi đem chiên dòn , ngồi lai rai với vài miếng xoài tượng , nhứt trên đời. "

            Ngồi bâng khuâng trên khoang thuyền , nghe sóng vỗ rì rào bên mạn thuyền , lòng tôi nghĩ đến mai này không biết người dân Việt  có còn nhớ còn được ăn đến những loài cá biển được nổi tiếng qua từng thời gian. Và xin gởi đến các bạn bài thơ Bài Ca Ngư Phủ của Trần Mộng Tú .

            Bài Ca Ngư Phủ

            Cá ơi!
            Thôi giã từ nhau nhé
            những chiếc vẩy hồng vẩy bạc của ta ơi
            cái đuôi em ngúc ngoắc ngoài khơi
            xa xôi lắm ta không còn với tới
            em lặn xuống thật sâu
            em sẽ bơi về đâu
            tầu ta bồng bềnh tìm em trên sóng
            chưa thấy em ta đã chết cùng tầu
            chưa thấy em xác ta đã trôi theo rong trên biển
            hay thân ta bị bắt giam trên một vùng đất không quen

            Cá ơi!
            Thôi giã từ nhau nhé
            những chiếc vẩy hồng vẩy bạc của ta ơi
            em bơi về phía Nam hay tạt về phía Bắc
            làm thế nào ta tìm lại được nhau
            Ta gọi tên em bằng ngôn ngữ nước nào!

            Ta đứng trên bờ bối rối
            Hồng ơi, Chim, Thu, Nụ, Đé ơi!
            ở quê ta những tên đó có tự lâu rồi
            các em chính là một phần đời sống Việt

            Rong rêu ơi!
            có nhớ bao lần theo cá về cùng lưới
            em mang cả đại dương vào khoang thuyền này
            ta nhặt mầu xanh trên những ngón tay gầy
            thấy đời ta với rong rêu là một

            Ta đi trên bờ hát bài ca ngư phủ
            Trường Sa ơi nước chẩy về đâu!
            Hoàng Sa ơi có nhớ những thân tầu
            đã nhuộm trắng những vệt loang của muối
            Ông cha ta đã bao đời tiếp nối
            giữ từng giọt nước thiêng liêng

            Hoàng Sa ơi !
            Trường Sa ơi!
            Đảo của ta ơi!
            Có ai đó nhầm tên em với tên phụ nữ
            nên bán em đi không cần giấy thông hành.
            (Trần Mộng Tú )

              TS 21 tháng 6 năm 2009
            #51
              Tung Son 02.08.2009 19:42:44 (permalink)
              Chợ Đồng Xuân

              Lần trước chúng tôi không đủ thì giờ nên không được đi xem đền Ngọc Sơn ở hồ Hoàn Kiếm .  Buổi chiều tháng bảy trời êm ả , gió nhè nhẹ làm sóng hơi gợn lăn tăn trên mặt hồ . Khách tham quan chắc đâu chừng vài chục người . Chính giữa là một lồng kính chứa xác vỏ rùa . Mu rùa khá to , dài gần cả thước . Một ông cụ đứng bên cạnh chỉ trỏ   :

              - Con rùa này sống hơn 500 năm rồi .

              Thấy làm lạ vì gặp được nhà thông thái bác học xứ Bắc , tôi ngạc nhiên hỏi :
              - Thế ông làm cách cách nào biết nó sống hơn 500 năm ?

              Ông ta trố mắt nhìn tôi :
              " Thì  thì người ta bảo thế . Ông không trông thấy cái mu rùa có khắc chữ "Lê Lợi Hoàn Kiếm bằng chữ Quốc Ngữ à ? Thời Hậu Lê đến nay cũng hơn năm trăm năm phải không ?

              Có một lần gia đình tôi đi câu cá thỉnh thoáng câu được một vài chú rùa với mu rùa hơi vàng ửng . Nó chỉ to bằng hai bàn tay của tôi . Bà nhà tôi chép miệng :" Lại câu được một ông Thần Kim qui , thả đi ông ! "

              Tôi cười và tháo gỡ lưỡi câu ra khỏi miệng nó :" Đi đi thần . Lần sau mà bắt gặp ngài là thành lẫu Kim qui ngay . "

              Bên ngoài cổng là một thanh niên ngồi  thổi sáo , mắt bị mù . Tôi không biết ông ta có phải là Trương Chi năm xưa không , nhưng tiếng sáo cậu ta nghe sao buồn bã quá , gợi nhớ lại Mị nương của cậu đi lấy chồng xứ lạ .

              Bên kia đường cạnh cây đa cổ thụ to tướng , một cổng chào với các chữ vàng đỏ nhấp nháy : " Chuẩn bị đón chào 1000 năm đất Thăng Long . " , và có hàng chữ đếm ngược báo còn bao ngày  nữa sẽ tới ngày mở hội . Chắc ngày ấy Hà Nội sẽ tưng bừng ăn mừng rất lớn . May mà chúng tôi tới thăm Hà Nội vào giờ này , chứ không vào ngày lễ Hội lớn , đông người kẹt xe chẳng đi được đến đâu .

              Buổi tối chúng tôi đi tham quan chợ đêm Đồng Xuân . Nguyên một dãy phố Hàng Đào , Hàng Ngang , Hàng " dọc " .... đèn đuốc sáng trưng . Trên con phố hàng quán bày bán chủ yếu là quần áo đủ loại , từ quần áo phụ nữ áo trong áo ngoài ,hàng mỹ ký vòng khoen , nhẫn , dây chuyền mạ kim loại sáng bóng , nhưng không hề bày bán áo tứ thân tứ thiếc có lẽ ít khách mua chăng . Khung cảnh cũng từa tựa bên Bắc Kinh , hiếm có chỗ bày bán mấy chiếc áo xường xám xẻ dọc tới háng .  Người đi xem khá đông đúc , có chỗ phải chen chúc dò dẫm đi . Tôi cẩn thận mang ít tiền bạc thôi , có mất thì chỉ chút ít thôi . Tôi nghe phong phanh là có một số du khách bị móc túi , lên Ban Quản Lý Chợ Đồng Xuân khiếu nại và được trả lời :" Chúng tôi chỉ quản lý các gian hàng cửa hiệu buôn bán trong này thôi . Còn cái việc trộm cắp chúng tôi biết chúng nó là ai đâu mà bắt . "  Không thấy bóng dáng người ăn xin đứng lang thang hay ngồi bệt xuống đất lạy ông lạy bà . Duy nhất chỉ có hai đứa bé một trai một gái chừng năm sáu tuổi nằm trên một mái hiên một cửa hàng đã đóng cửa , bên trên treo một băng rôn chữ vàng  :

              Vì lợi ích mười năm trồng cây
              Vì lợi ích trăm năm trồng người

              Chúng nằm chèo khoeo , mặt mũi áo quần bẩn thỉu . Nhìn hai cảnh tượng ấy có vẻ mỉa mai quá . Bên cạnh là một cái nón cũ mèm . Khách qua đường thương tình , có người thảy vào cho vài ngàn đồng . Tôi đứng ở góc xa quan sát chúng . Được một chốc hai đứa trẻ đó vơ ít tiền thu được và chạy vọt đi . Chắc chúng đi kiếm một cái quán nhỏ nào để mua thức ăn tối chăng . Tôi cũng không hiểu là có rất nhiều người dân xứ Bắc Trung Nam , người nghèo rất nhiều , bị mất ruộng đất cũng khá do sự xây cất các sân gôn , các nhà máy hay khu chế xuất . Họ không được đền bù  thỏa đáng . Dân nghèo không có tiền trợ cấp hay lương thực hàng tháng . Họ sống ở đâu , lang thang nơi nào . Quả thật chúng tôi không biết .

              Sáng thứ bảy ngoài đường phố Hà Nội mưa lất phất bay . Giờ này mới chừng sáu rưỡi sáng , trời hơi ửng sáng . Tôi bước ra ngoài khách sạn , tính tản bộ lòng vòng quanh xem dân tình sống làm sao . Cách đó không xa một cái quán ven đường bày biện vài chiếc ghế đẩu . Xung quanh một vài ông ngồi kéo điếu thuốc lào rọt rọt , bên cạnh là bát nước chè xanh còn nghi ngút hơi khói . Tôi đi lòng vòng khắp mấy con phố không thấy dáng một quán cà phê ven đường . Ngay cả đến hàng bún măng bún mộc bún riêu bánh cuốn cũng chưa mở . Thành phố Thiên Tân , Bắc Kinh cũng vậy , sáng sớm mọi sinh hoạt có vẻ trễ nải hơn . Càng đi về các vĩ tuyến cao , con người càng làm biếng , thức dậy trễ hơn chăng .

              Một hai ngày trước , sáng nào cũng xuống nhà hàng khách sạn ăn sáng , tôi gặp vài nhân viên nhà bếp đang sửa soạn thức ăn . Nghe tiếng phở Hà Nội có tiếng từ lâu , tôi nói cô nhà bếp cho một chén phở tái . Tôi gọi là chén chớ không phải là tô vì cái chén nhỏ hơn cái tô nhiều . Nước phở trong vắt nhàn nhạt đậm đà toàn hương vị bột ngọt . Phở ngon nhất là nước lèo (nước dùng ) , những thứ khác chỉ là phụ thôi . Không có rau thơm , ngò gai húng quế . Vài cọng giá cũng không thể nào kéo lại sự thèm thuồng của hương vị phở . Cách đây hơn 20 năm bà nhà tôi có dịp ra Hải Phòng kêu tô phở tái chín . Phở cũng không rau rợ gì , bên cạnh là một chén mì chính để khách tự nhiên thêm thắt cho khẩu vị mình . Ngày hôm nay tôi không thể nào ăn hết chén phở nhỏ . Tôi không biết nhà văn Nguyễn Tuân hay Vũ Bằng miêu tả các tô phở sao ngon lành quá , không bút mực nào kể xiết . Có lẽ phải nhịn thật đói ba bốn bữa chăng .

              Sáng khoảng 7 giờ từ trong khách sạn nhìn ra ngoài , tôi nhìn thấy một xe công an  đang hốt vài cái ghế , thúng quang gánh của một bà cụ lên xe . Bà cụ nhìn theo có vẻ tiếc nuối , ngẩn ngơ không biết lấy tiền đâu mà sống qua ngày . Cạnh đây là một bác  đang ngồi rút căm xe cho một khách qua đường . Khách là một bà sồn sồn, nhìn dáng có lẽ là công nhân một xí nghiệp nào đó .

              - Bác chỉnh hộ em cái phanh xe . Em phanh phanh mãi mà nó không chịu dừng lại .
              - Chị làm cách nào mà phanh xe ?
              - Thì em phanh phanh như thế này .
              - Không đúng , chị phải nhảy xuống xe dùng dép mà phanh lại , phanh xe mới lâu hư .

              Bây giờ Hà Nội cũng như Sài Gòn đầy xe gắn máy mô tô nhưng vẫn có khá nhiều xe đạp . Tôi không biết có còn cảnh một người lái , một người được đèo đằng sau phải đẩy xe cho có đà rồi nhảy phóc lên băng sau xe . Y như biễu diễn trò xiếc vậy .

              Bà nhà tôi rủ tôi đi xem chợ Long Biên bán trái cây hoa quả . Chúng tôi hỏi thăm đường . Băng qua phố Nguyễn Hữu Huân và băng qua đường là khu chợ Long Biên . Vì trời mưa nên đường vào chợ lầy lội , tạo nên một lớp sình khá dày . Dù tôi đi thật chậm , nhỉnh mũi dép Nhật lên cao , nhưng đất  sình đen vẫn bắn lên cả quần áo . Muà này họ bày bán đủ loại trái cây , ngoài các loại hoa quả ưa chuộng như măng cụt , cam sành , cam Bố Hạ , nhãn Hưng Yên còn có những đặc sản từ miền Nam đưa lên như chôm chôm , xoài cóc và có cả những giỏ cần xé đầy loại xoài Thái xinh xắn . Chợ Long Biên bán sỉ và lẻ cho khách hàng và con buôn . 

              Vừa lúc ấy chúng tôi gặp hai ông bà người Tàu , tiện thể chúng tôi rủ qua chợ Đồng Xuân . Trời vẫn còn mưa lai rai nên chúng tôi đón tắc xi qua chợ Đồng Xuân . Xe đi chưa đầy hai phút đã tới chợ . Ngôi chợ khá sạch sẽ , tươm tất như chợ Bến Thành , Sài Gòn , nhưng không đông khách bằng . Khi ra tới ngoài này , chúng tôi được dặn dò phải khéo lịch sự khi mua hàng , kẻo bị mắng vốn vào mặt .  Tôi lẽo đẽo theo bà nhà tôi qua hàng chạp phô . Thấy vợ chồng tôi bà chủ sạp hớn hở chào mời :

              - Ông cần thứ gì ? Nấm đông cô hả . Hàng của em tốt nhất chợ đấy . Mua nhiều em tính rẻ cho .

              Một bà bên sạp khác nhoẻn miệng cười tươi :
              - Hay là mua bưởi của em nhé  ! Vừa to vừa ngọt .

              Nhìn mặt bà chủ sạp khá xinh xắn , tôi mường tượng đến năm xưa ông Trạng Quỳnh mua chim  bồ câu ở một góc chợ Đồng Xuân, tôi ngài ngại không dám đáp lại  .

              Giá cả trong chợ Đồng Xuân tương đối rẻ hơn các chợ trong Sài Gòn , như chợ Phú Nhuận , Bà Chiểu hày chợ Bến Thành , Kim Biên . Hầu hết các sạp đều bày bán các hàng đồ khô ,  các loai đậu đen , đỏ xanh vàng . Hàng bún miến được bọc trong các bao bì ni lông . Đặc biệt họ trưng bày một loại bún gói trong bọc màu xanh rêu nhàn nhạt , có vẻ mông mốc .
              - Bún chi mà lạ vậy bà chủ ?

              Bà chủ quán tươi cười :
              - Không phải bún đâu bác . Đó là rau tiến vua . Rau này ngày xưa chỉ dành riêng làm gỏi cho vua chúa ăn thôi .  Bác mua vài kí về làm quà .
              - Sao chị lại biết mua về làm quà biếu ?
              - Ui chua chao ơi , nhìn mặt bác là biết ngay .

              Vịnh Hạ Long (tiếp)

              May quá tôi không làm điệp viên . Trong truyện hồi kí Thép Đen của nhà văn Đặng Chí Bình , tác giả là một điệp viên được gài ra ngoài Bắc hoạt động . Lúc đó ông ta chừng lối hai mươi mấy tuổi . Ra tới Hồ Gươm Hà Nội , địa điểm để trao đổi tài liệu , ông ta tới đây được hai ba ngày bị công an theo dõi và bắt đi tra khảo và bị tù đày suốt mấy chục năm . Ông ta ấm ức , thắc mắc là không hiểu sao ông ta huấn luyện kỹ lưỡng như vậy , không hề bị có cử chỉ nào khả nghi mà bị công an mật vụ theo dõi và tóm cổ ngay .

              Theo tôi , ông ta không sống trong thời kỳ cộng sản cầm quyền  lúc bấy giờ . Mọi người dân đều bị kiểm tra hộ khẩu kỹ lưỡng  , nhất là các nhà trọ nhà nghỉ đều có tổ trưởng dân phố hay công an khu vực để ý . Lơ mơ như  tôi vừa đặt chân tới Đồng Xuân , các bà ngoài chợ thấy mặt còn biết , huống chi là các anh công an đầy chuyên môn nghiệp vụ . 

              Anh Năm Béo vui vẻ giao cho chúng tôi vài hộp bánh cốm con con . Tôi không thích đồ ăn ngọt nhưng khi mở hộp bánh ra , hương thơm của bánh cốm màu xanh nhạt tỏa ra thơm ngát tạo cho tôi một cảm giác thèm thuồng .
              - Ngon không quí khách . Cốm này là do tiệm Nguyên Ninh sản xuất , nổi tiếng ở Hà Thành .

              Khi xưa nghe qua bài hát Paris có gì lạ không em . Thơ Nguyên Sa , Ngô Thụy Miên phổ nhạc , trong đoạn kết bài có câu :

              Paris có gì lạ không em?
              Mai anh về mắt vẫn lánh đen
              Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
              Chả biết tay ai làm lá sen?...

              Ngô Thụy Miên hơn tôi chừng vài tuổi , cũng là người Hải Phòng có lẽ không biết đến hương cốm ngoài Bắc . Nhưng tác giả bài thơ , Nguyên Sa có lẽ đã từng sống tại làng Vòng , Hà Nội , chắc có lẽ đã nhiều kỹ niệm êm đềm thời bé bỏng .

              Bánh cốm có hương vị thơm nhè nhẹ , cốm được xay nhuyễn ẩn bên trong là lớp đậu xanh nhân vàng tươi . Khách ăn xong chỉ muốn dùng thêm . 

              Mấy cái bánh cốm mà anh Năm Béo phân phát cho chúng tôi chỉ là của hương hoa thôi , nên chúng tôi theo anh trưởng đoàn dạo phố để mua về làm quà cho thân nhân . Nguyên một dãy phố nào tiệm Uyên Ninh , Nguyên Tinh , Nguyên Hinh , Uyên Linh cũng đề những hàng chữ " Chuyên bán hàng Cốm chính hiệu , thơm ngon " . Nói thật nếu không được anh Năm Béo dặn trước thì có lẽ khi bước tới tới nơi này cũng không biết tiệm nào là chánh gốc . Làm ăn ngoài này có vẻ cạnh tranh quyết liệt , và thương hiệu cũng na ná như nhau . Quí bạn nhớ khi ra ngoài đó , nhớ cửa hàng Nguyên Ninh mà vào .

              Hà Nội có lẽ là nơi chốn chứa đầy kỹ niệm tốt đẹp của nhiều người dân xứ Bắc , nhất là chính là người dân sinh đẻ tại đây và di cư sang nơi khác . Những đền đài của cha ông từ thuở dựng nước  , những công lao to lớn của vua Hùng , Hai Bà Trưng ,  Nhà Lý , nhà Lê , nhà Nguyễn đều không được coi trọng . Bây giờ họ chỉ chú trọng cái lăng của một người mà quên đi cơ nghiệp của bao tiền nhân .

              Người Âu Mỹ có những nghiên cứu giả thiết về Thượng Đế và họ thường muốn kéo Thượng Đế xuống ngang tầm với loài người . Họ cho là Thượng Đế chỉ là những sinh vật ngoài địa cầu (ET) ,họ có một nền văn minh cao hơn loài người . Vị thần tối cao họ ví von như là thần Ra của người Ai Cập ngồi trên chiếc phi thuyền động cơ nổ rền rã  . Nhưng người Á Đông lại có quan niệm ngược lại , muốn nâng con người lên cao , ngang tầm với Thượng Đế . Những ảnh tượng của các lãnh tụ Trung Quốc , Việt Nam đầy rẫy khắp mọi nơi và bây giờ trong các chùa chiền , họ ngồi vắt vẻo dưới các bàn thờ Phật Tổ và được người dân thắp nhang cúng vái nghiêm trang biết chừng nào .
              Thật buồn thay !

              Tôi đi ngang Hà Nội vào những ngày nắng nóng , không thấy mưa sa , màu cờ đỏ vẫn còn bay đó. Người dân vẫn lầm lũi sống chật vật qua ngày tháng . Những mặt hiệu có vẻ sơn mới nhưng vẫn các khẩu hiệu băng rôn giăng mắc đầy đường phố : " Đảng Cộng Sản quang vinh " , "Hãy học tập tốt tư tưởng Bác " v.v ... Những hình ảnh , bích chương  ,treo đầy dẫy ở các góc phố góc đường mà bất cứ nước cộng sản nào cũng có . Thiên đường xã hội chủ nghĩa là thế đó .

              TS ngày 26/7/09

              Chú thích :
              Tôi không đủ từ để diễn đạt được cái hay cái đẹp của Cốm Làng Vòng . Xin mời các bạn hãy vào đọc bài tùy bút Cốm Vòng Hà Nội của Băng Sơn .

              http://vanhoc.datviet.com/chitiet.asp?ID=50295&TheLoai=22

              oooooOOOOOooooo

              Từ Hà Nội về tới Sài Gòn , tôi vừa bước chân vào nhà cô em tôi , gặp cháu Vinh con út của cô em , nó nhanh nhẩu mách :
              - Bác An biết không ? Bác Huê mới gây lộn với má cháu .

              Tôi có khoảng tám đứa em . Hai đứa kế tôi đã đi bán muối . Còn lại là những đứa nhỏ bé  tuổi từ 40 đến 50 . Cô Huê , thứ năm tuy nhỏ người nhưng cả chợ đều sợ , không phải vì cô ta giỏi võ gì nhưng sợ bị ăn vạ , cô ta hay chửi đông đổng ra rả ngoài chợ . Mỗi lần cô em tôi la lối ngoài chợ , mấy cái loa giăng mắc đầu cột điện phải nhường nhịn vài phần . Ban quản lý chợ bực bội lắm mà không biết phải làm sao .

              Hai chị em sống nhờ vào sạp phở do bà già tôi để lại ngoài chợ . Lúc trước bán  phở gà , nhưng từ khi có dịch cúm gia cầm bao nhiêu gà vịt thiêu sạch nên gà vịt hiếm hoi mắc mỏ nên đổi qua phở bò . Từ việc trên cao bay xuống đất , gà trở nên bò thì có vẻ dễ dàng hơn là  trâu bò muốn thành chim phượng .

              Một hôm nọ tôi hỏi cô em út út tôi :
              - Sao cô không bán phở gà lại , chớ bây giờ trong chợ có vài quán bán phở bò , làm sao cạnh tranh lại họ ? Nhất là cái bà bán bún bò sát cái sạp bên cô bán một tô bảy ngàn , còn cô tô phở mười ba ngàn .

              Cô em út tôi thở dài :
              - Có lần em mua gà về bán lại , đang bán ngon lành , bỗng dưng nghe tiếng loa oang oang  đầu  chợ : " Bà con coi chừng dịch cúm gà cúm dzịt , hiện nay các tỉnh phía Nam đang lây lan ... "  . Hỏi anh , khách nào mà dám ngồi xuống ăn phở gà của em nữa .

              Vâng cái gì chứ cái ống loa to tổ chảng của ban quản lý chợ nó lớn miệng lắm , ang ảng suốt ngày . Không có cái mồm nhân dân nào bằng nó .

              Thế mà không hiểu làm sao cô thứ năm nhà tôi lại gây lộn với cô út nhà tôi .
              - Anh coi , buôn bán bây giờ ế ẩm , chỉ hơi tí gắt gỏng với khách . Người ta xin ít rau rau thơm , chỉ đưa toàn là gọng cho khách . Hờn nguýt người này  gắt người kia mất cả khách làm sao em bán nổi .

              - Cô trả công cho cô Huê bao nhiêu một ngày ?
              - Bảy chục ngàn , còn bao cà phê ăn sáng ăn trưa , chưa kể chỉ hay ăn lặt vặt ngoài chợ .

              Tôi tính ra một tháng 30 ngày , bảy lần ba hai mươi mốt , vị chi là hai triệu mốt . So với lương công nhân may dệt chỉ vào khoảng một triệu rưỡi đến một triệu tám .  Nếu như tiện tặn thì với số tiền công như vậy gia đình cô Huê em tôi bốn người cũng đủ sống . Chồng cô ta là một người gốc Hoa , sinh sống hằng ngày bằng cách chạy xe ôm và chở hàng mướn cho các bà buôn bán ngoài chợ .

              Tôi cất tiếng gọi đứa bé út nhà cô Thu .

              - Vinh à ! Gọi cô Huê giùm bác .

              Nó le te chạy một lát . Một lúc sau đã thấy dáng cô Huê từ ngoài chợ bước vào nhà . Nước mắt cô em tôi ràn rụa . Vừa trông thấy mặt tôi , cô ta ấm ức tức tưởi :
              - Anh xem con Thu nó nghỉ bán luôn . Em lấy gì mà sinh sống ?

              Tôi chép miệng , an ủi :
              - Bây giờ không có việc làm , cô ra xin cái cơ quan nhà nước nào đó như là Cơ quan an sinh xã hội  trợ giúp khẩn cấp cho .

              Tiếng cô ta càng nức nở càng nghẹn ngào hơn .  Tôi biết nói vậy là hơi quá đáng. Tôi biết cái xã hội hiện nay làm gì có chương trình phụ cấp xã hội cho người nghèo , tàn tật , thất nghiệp như các nước Bắc Mỹ hay Âu châu . Như gia đình bà chị vợ tôi qua định cư ở Phần Lan , ngoài vấn đề chính phủ trợ cấp tiền mướn một căn chung cư hai phòng (1) , tiền điện , tiền nước tháng cả ngàn đồng Euro , gia đình chỉ còn được hưởng phụ cấp thực phẩm và chương trình y tế miễn phí .

              Làm theo sức hưởng theo nhu cầu . Mai mốt ta xây dựng một nước Việt Nam giàu gấp mười lần bây giờ v.v...

              Những lời giảng huấn trong những buổi học tập chính trị bồi dưỡng từ sau những năm 1975 vẫn còn canh cánh bên lòng . Nếu mà nói công bằng , mấy nước ở Bắc Âu mới thật là các nước theo xã hội chủ nghĩa .

              Bây giờ nhìn xung quanh dân đen ở Việt Nam cơm bữa no bữa đói sống lây lắt qua ngày .  Trông chờ vào các cơ quan công quyền giúp đỡ . Tôi nghĩ chắc phải đến vài ngàn năm nữa . Theo các báo cáo Xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm mới tiến một bước . Từ Sài Gòn ra Hà Nội  một ngàn bảy trăm cây số . Cứ làm bài toán chia ra thì biết . Ông Cắt Mắt (Karl Max ) sống dậy cũng tủi hổ mà chun xuống đất mất : " Tao biết vậy chẳng thèm viết cuốn Tư Bản Luận làm chi cho mất thì giờ . Đi nhậu sướng hơn . "

              Tôi hỏi khéo cô Huê em tôi :
              - Chồng cô làm gì vậy cô ?
              - Dạ ảnh chạy xem ôm .
              - Khá không ?
              - Hông biết .
              - Sao vậy ?
              - Có nhiêu tiền thằng chả nướng hết vào số đề với sổ xố .
              - Nó có đưa cô đồng nào không ?
              - Hông , không có đồng bạc nào hết .
              - Thế thì hôm nay nghỉ bán , cô có ăn gì chưa ?


              Cô Huệ lắc đầu .
              - Thôi cô cầm lấy hai trăm ngàn về mua gạo nấu cơm .

              Cô em tôi hớn hở cầm ngay tiền ngoây ngoẩy bước đi ngay .

              Một chốc sau hai vợ chồng cô út tôi trở về nhà .  Chồng cô út , Tôn bực dọc nói ngay :
              - Em đã nói con vợ em rồi . Mặc kệ chỉ . Chứ buôn bán kiểu này chỉ có nước dẹp tiệm sớm .
              - Sao không giao cho cô Huê cái quán phở đó để cô ta sinh sống ?
              - Thôi đi anh . Giỏi lắm được vài ngày , khách chạy đi hết . Có lần nhà em trao cho cái sập phở đó cho chỉ để tập bán mà sinh sống . Được hơn một tuần , chỉ gây lộn với khách chợ . Khách xin thêm tí nước lèo , chỉ dùng dằng : " Không có thêm thắt gì hết ." Khách xin thêm ít bánh phở . Chỉ la lên : " Bánh dạo này mắc lắm . " .

              Chuyện xin xỏ thêm tại các hàng quán tại các chợ VN không phải hiếm hoi gì . Nhưng giá sinh hoạt mắc mỏ , thứ gì cũng lên giá . Hành lá , ngò gai , húng quế trước năm ngàn một bó . Giờ đây lên tới mười ngàn . Chẳng những vậy , ớt chanh bánh phở thứ nào cũng leo thang ,  nhất là thịt bò trở nên hiếm hoi , 240 ngàn một ký . Giá thịt bò còn đắt hơn cả bên Mỹ . Ở Việt Nam trong các chợ bán thịt bò , mười con đến chín là thịt trâu . Buôn bán quen biết lắm mới có thể phân biệt thịt nào là trâu thịt nào  là thịt bò . Mỡ thịt trâu trắng hơn , nên các bà hàng thịt thường dùng nghệ bôi vào để khách tưởng lầm đó là thịt bò . Cô em út tôi trái ngược lại với cô chị , buôn bán giao dịch với khách niềm nở lắm , khách xin thêm ít nước lèo . Dạ , có ngay . Tí giá , thêm hành trần . Được , có liền .

              Chú thích :
              1. Chung cư 2 phòng : Ở Bắc Mỹ nhà 2 phòng , có nghĩa là nhà có 2 phòng ngủ. Phòng khách , nhà bếp phòng ăn không tính vào. Nhà 3 phòng là nhà có 3 phòng ngủ cộng với 1 phòng khách , 1 nhà bếp , 1 ga ra.

              TS 2/8/09

              <bài viết được chỉnh sửa lúc 12.09.2009 19:53:09 bởi Tung Son >
              #52
                Tung Son 22.08.2009 09:49:43 (permalink)
                Sài Gòn những ngày nắng hạ (tt)

                - Giao cái quán phở này tụi em đâu có ngại . Nhà em có ở nhà chơi , em đi bán bún dù gì dẫu gì gia đình em cũng đủ sống mà .

                Tôi không biết người khác làm việc sinh sống có khổ cực không , chứ chú Tôn chồng cô út tôi nhàn hạ lắm . Sáng 6 giờ đi bỏ bún cho các mối ngoài các chợ lòng vòng ngoài Sài Gòn . Tám giờ đã thấy mặt chú trở về nhà , nhâm nhi ly cà phê đá . Khoảng 10 giờ đi thu tiền từ các mối lái . Trưa về nhà nghỉ ngơi . Hai ba giờ chiều có bữa xách cần đi câu , có bữa xách lồng mang chim cho nó đấu hót với nhau .

                Lúc đó cô em út dọn cơm tối lên . Như thường lệ chúng tôi hơn chục người ngồi bệt xuống nền gạch . Bên Mỹ chúng tôi ngồi ăn cơm quanh cái bàn gỗ , hoặc là mỗi người mỗi tô một góc sô pha , vừa ăn vừa nhìn ti vi .

                Con Linda nhà tôi thắc mắc :

                - Má à ! Con thấy hình như nhà Việt Nam ai cũng ngồi dưới đất xơi cơm .

                Câu nói của con gái út làm tôi sực nhớ lại . Gia đình mẹ tôi , bác chú dì tôi , mỗi lần dọn cơm đều quanh quẩn bên chiếc mâm thau . Bên nhà ông già vợ tôi không ngồi dưới đất , mà chễm chệ trên cái đi văng , và cũng trên cái giường gỗ ván đó ông cụ bố vợ lại nghỉ ngơi trên đó .  Mặc dù nhà có kê một cái bàn ăn trên có lót tấm kiếng trong vắt .

                Từ khi gia đình tôi ở tạm nhà cô em tôi đến nay , bữa ăn nào cũng có món thịt sườn hay cốt lết heo chiên . Không thì đùi gà ướp mắm tỏi chiên dòn . Đến khi bà nhà tôi bưng đĩa rau brocolli luộc , dưa leo xắt mỏng , các đứa con tôi thi nhau gắp rau và chấm nước mắm .

                Cô em út tôi ngạc nhiên :
                - Trời ơi ! Tưởng mấy cháu kén ăn như chị , nghĩ mãi không biết làm món gì cho các cháu ăn . Dè đâu tụi nó dễ ăn vậy . Ngày mai cô luộc rau muống , rau dền, cải bắp , cải ngọt nhé .

                Các con tôi quay lại nhìn má chúng nó mỉm cười . Tôi lên tiếng phản đối :
                - Tụi nó một tuần chỉ ăn một lần thôi . Tôi một tuần ba bốn lần cũng được , nhưng các cháu  tụi nó thì không . Cô mà luộc lên chỉ khổ thân tôi .

                Cô em tôi cười , thủng thẳng nói :
                - Con anh chị dễ ăn thiệt . Thằng Vinh , thằng Bình nhà em chẳng khi nào đụng đến mấy món đó . Chúng thích nhứt là mấy món chiên . Ăn quanh năm suốt tháng cũng được .

                Bên chỗ tôi ở bên Mỹ , ngoài các món ăn thuần túy Việt Nam mà má chúng nó nấu cho ăn , thỉnh thoảng ra tiệm Domino Pizza , hay Pizza Hut mua pizza ăn . Sợi mì Ý spaghetti  dài loẳng ngoẳng với sốt cà chua đỏ thắm . Đôi khi tôi mang về cơm gà chiên biryani của người Ấn hay Bangalesh . Thỉnh thoảng cả nhà rủ nhau đi ăn sushi Nhật hay sườn bò Đại Hàn . Đúng ra các con tôi thuộc loại dễ ăn , cứ ngon miệng là xơi .

                Cạnh góc tường nhà cô em tôi vắt vẻo một mảnh giấy , nhìn kỹ là giấy chứng nhận là Nhà Văn Hóa . Tôi thắc mắc hỏi và được trả lời :

                - Tụi em đâu có công lao gì đâu . Cái thằng Bình lớn nhà em vào đoàn Thanh Niên , hay xung phong ra ngoài phường hoăc ra ngoài Bờ Kè (con rach Nhiêu Lộc chảy ngay gần chợ Phú Nhuận) làm dọn rác rến nên được ban khen .

                - Vậy con cô Huệ có cháu Hùng đi bộ đội có được ban khen gì không ?

                - Được chớ , nhà có con em đi bộ đội , phường còn cho cho một cái bằng khen Nhà Văn Hoá to gấp đôi cái tờ giấy nhà em . Em vẫn hay biểu chỉ nhà chị là nhà " Dzăng Hóa ", sao chị không Dzăng hoá cứ gây gổ với khách hàng chợ vậy ? Lần trước chỉ gây sự um sùm ngoài chợ . Ban quản lý chợ gọi chỉ  lên viết tờ tự kiểm . Em phải năn nỉ mãi họ mới tha cho . Nếu không là họ không cho chỉ buôn bán ngoài chợ .

                Tôi cũng biết mấy cái bằng khen , nhà văn hoá hay con cháu liệt sĩ cách mạng chỉ là mấy mảnh giấy . Họ nhìn mãi mà không thể dùng nó vào việc chi . Không thể nào cầm nào đi cầm đi bán để đổi ra tiền  . Sau 75 cơ quan định chuẩn được nhà nước tiếp thu, và tôi được lưu dung ở lại làm việc với họ . Suốt sáu năm làm việc tôi chưa hề có được bằng ban khen nào , toàn là những tờ tự kiểm hay tự phê bình . Đại loại hứa là sẽ không ngủ trưa trong giờ làm việc , không đi la cà uống cà phê , hay là không được đóng cửa phòng ngồi luyện cờ tướng . Những việc đó kín đáo thế mà cũng có người soi mói ra được .

                TS 21.8.09

                #53
                  Tung Son 12.09.2009 19:51:09 (permalink)
                  Sài Gòn những ngày nắng hạ

                  Mấy anh em tôi đang ngồi bàn tán chuyện trò, bỗng nhác thấy một cậu trong quân phục màu xanh lá cây bước vào trong nhà . Chú Tôn giới thiệu :
                  - Thằng Hùng , con cô Huê đó .

                  Hồi năm 1995 tôi về thăm mẹ tôi , cháu Hùng ốm yếu nhỏ xíu hay chơi bắn bi ngoài đầu ngõ . Bây giờ trong quân phục xanh có lẽ chưa bao giờ được ủi thẳng li nếp và tôi nhìn mãi mới nhận ra nét mặt hơi giống mẹ cháu , cô Huê em tôi .

                  - Chào bác , bác ở Mỹ mới về .
                  - Ờ , bác ở Mỹ về đây ở cả tháng rồi , và bác chuẩn bị về Mỹ . Cháu vào bộ đội lâu chưa ?
                  - Dạ , cũng được một năm .
                  - Vậy đang đóng quân ở đâu ?
                  - Cháu chưa đóng quân vì đang huấn luyện quân sự . Hôm nay cháu về đây thăm bác . Ngày mai cháu đi tập bắn .

                  Sau 75 tôi từng tiếp xúc với vài anh bộ đội , nhưng đối với họ tôi có cái gì ngài ngại  không dám hỏi hay bẻ lại những luận điệu thường ngày của họ . Nay gặp người cháu vào bộ đội , tôi e dè ướm hỏi thử :

                  - Cháu vào bộ đội học những gì ?
                  - Thì hầu hết cháu học về chính trị , bồi dưỡng nghiệp vụ , giữ vững tư tưởng .
                  - Thế thì bộ đội cháu có cảm nghĩ gì đối với người Mỹ trong cuộc chiến vừa qua .
                  - Bác muốn nói đến đế quốc Mỹ đó chăng . Chúng cháu vẫn phải học để căm thù bọn chúng .

                  À ! Hơn ba mươi năm qua , lòng hận thù của họ vẫn chưa tiêu tan .

                  - Thế thì đối với bọn Trung Quốc bá quyền phương Bắc thì sao ?
                  - Dạ , phải nhớ đến Mười Sáu Chữ Vàng , Láng giềng hữu nghị , Hợp tác toàn diện ,Ổn định lâu dài , Hướng tới tương lai  .
                  - Vậy bác coi trong nét thấy họ nói là " Láng giềng khốn nạn , Cướp đất toàn diện, Lấn biển lâu dài , Thôn tính tương lai  .
                  - Bác đừng nghe họ nói bậy nè .

                  Đúng vậy công tác vận động tư tưởng phải được chỉ đạo từ Bộ Chính Trị Đảng , họ nói sao thì quân và dân nghe như vậy . Anh nào nghe được thì cứ gật đầu , không ưng thì coi gương mấy bác ủng hộ dân chủ  .

                  Cô em út tôi trông thấy nó , hỏi khéo :
                  - Sao mầy , mẹ mày  hổng làm chà bông cho mày ăn , sao bò về sớm thế ?

                  Tôi đưa mắt nhìn cô em út , ra dáng dò hỏi . Cô em tôi cười :
                  - Bộ đội này đói lắm anh .
                  - Uả ! Tui tưởng trong bộ đội  thức ăn phải có tiêu chuẩn , phải đầy bổ dưỡng để lính còn đi đánh giặc chớ . 
                  - Nó hả , ở nhà ăn sung sướng quen rồi . Sáng không ăn phở , bún bò thì cơm tấm cá lóc kho tiêu . Trong quân trường nó nhai làm gì nổi mấy thức ăn bộ đội .

                  Hùng là con lớn của cô Huệ em tôi . Cao thước sáu , cân nặng giỏi là 45 kí . Tôi cũng có một đứa cháu Nam , con cô Lan , là em gái thứ tư ,đang phục vụ trong Thủy quân Lục Chiến Mỹ, bây giờ họ gọi nôm na là Lính Thủy Đánh Bộ . Có lần gặp cháu trong dịp nghỉ phép hàng năm , cháu kể lại là người Việt Nam vào hàng ngũ lính Mỹ , thường nhỏ con và thiếu kí lô . Lúc vào quân đội chỉ có mấy chục kí , sau khi mỗi ngày phải ăn đủ tiêu chuẩn của quân đội , bữa ăn sáng  một ly sữa , hai lát bánh mì trét phô mai , hoặc thêm vài miếng bacon , thịt ba rọi hoặc là vài thìa trứng bắc .  Trưa tối ngoài hamburger , xúc xích , khoai tây chiên còn có nhiều thức ăn để chọn , cá hồi xốt bơ , mì spaghetti , pizza . Chừng đâu một năm sau cháu Nam cân nặng hơn 70 kí và hiện nay cháu đang phục vụ trên chiến trường Iraq .

                  - Cháu nghe nói anh Nam là lính đánh thuê cho Mỹ phải không bác ?

                  Nghe câu nói của cháu Hùng đầy những thành kiến , tôi không biết làm sao cắt nghĩa  giải thích cho suông đây .

                  - Giả sử cháu cùng gia đình cháu qua Mỹ định cư , thì coi như là thường trú nhân . Sau năm năm cháu có thể xin thi vào quốc tịch Mỹ . Cháu đến năm 18 tuổi , không thích tiếp tục đi học nữa , hoặc có thể đi kiếm việc làm , hoặc đăng ký vào quân đội Mỹ , hải quân không quân  , thủy quân lục chiến ...
                  - Thế vào hải quân có cần biết bơi không ?
                  - Không .
                  - Vậy thì thằng bạn cháu tào lao không à . Nó kể lại là hôm vô phỏng vấn , thằng nào biết bơi thì vào hải quân , thằng nào biết sửa nhà sửa cửa thì vô quân cụ , còn như nó nói hay bị cà lăm ...
                  - Thì vô toán phòng không .
                  - Sao bác hay quá vậy . Nó sau này biệt phái về Sư Đoàn Phòng Không Bảo Vệ Thủ Đô .
                  - Như cháu đi lính như vậy , gọi là đi nghĩa vụ quân sự , sau một năm rưỡi . Thế cháu có định đi học lại không ?
                  - Cháu cũng không biết . Như thằng Hùng bạn cháu phục viên ra ngoài , được cấp cho một mảnh giấy để xin học nghề điện tử . Nó cầm tờ đó vào các cơ quan hay trung tâm dạy nghề . Đâu đâu họ cũng biểu đầy chỗ rồi , sang năm hãy tới . Cháu thấy vậy không biết phải làm sao .
                  - Thế nhà nước trợ cấp được bao nhiêu ?
                  - Chừng hơn hai triệu .

                  Tôi tính ra có lẽ hơn 150 Mỹ kim . Với số tiến ít ỏi này không biết cháu Hùng có thể làm được gì . Như cháu Nam tôi hàng tháng lãnh được khoảng 1700 đô la . Sau 5 năm phục vụ quân ngũ , nếu đi vào đại học sẽ được đài thọ học phí sách vở chỗ ăn chốn nghỉ hoàn toàn miễn phí .

                  - Mai mốt cháu tính làm gì ?

                  Hùng ngần ngừ đôi chút , dửng dưng đáp :

                  - Có lẽ làm nghề "dân biểu " như ba cháu , hoặc là ra ngoài mấy cái quán cà  phê phụ việc .

                  Tôi nghe cô út kể lại , cháu Hùng thuở bé là cháu ngoan bác Hồ , nó mong mỏi được ra thăm lăng Bác với niềm ước mơ mãnh liệt sau mỗi lần ra thăm được tặng một ổ bánh mì không . Sáng nào nó cũng nghêu ngao hát " Đêm qua em mơ gặp bác Hồ.... ".  Giá mà như tôi sẽ hát hơi khác một tí.  May mà nó không ra thăm vì sẽ thất vọng vô bờ , vì bây giờ không còn bánh mì để biếu tặng nữa .

                  Thanh niên nam nữ Việt Nam từ thuở bé phải học tập theo gương Bác , lớn lên tí nữa vào trường lớp phải nghe theo thầy cô học triết lý Karl Max ,Lenin , tư tưởng bác Hồ . Ra khỏi trường trung học lại phải tập làm quen với súng . Và ra đời làm quen với chiếc xe ôm hay gánh hàng rong .

                  - Sao cháu không đi làm bảo vệ ?

                  Hùng chép miệng :
                  - Làm bảo vệ phải to con , biết vò vẻ võ nghệ . Nhỏ con như cháu biết vật nổi ai .

                  Tôi biết đám con cháu nhà tôi , không có ai làm chức cao quyền rộng trong xã hội hiện nay , không có đủ quyền lực và tiền tài để đưa con cháu ra nước ngoài du học hay tu nghiệp . Ra đời lại lận đận với hai bàn tay trắng tay đen , nối tiếp cuộc đời của cha mẹ để lại .

                  11/9/09
                  #54
                    Tung Son 25.09.2009 19:21:44 (permalink)
                    Tiệc cưới

                    Tôi rất là ngại ngùng mỗi lần đi dự tiệc cưới hỏi ở mấy nhà hàng ở quanh đây , Kowloong , Thanh Thanh . Mười lần như một , không súp măng cua cho đẩy bột năng thì thịt bò xào hành tỏi hắc lên tận mũi .

                    Thiệp mời 6 giờ chiều , nhưng tôi cứ đủng đỉnh mà tới vì dư biết người Việt Nam ta có thói quen hay đi trễ . Cho nên ở đây thường có câu : " Không ăn đậu không phải là người Mễ , không đi trễ không phải là người Việt Nam ."

                    Sáu giờ rưỡi tôi có mặt tại nhà hàng Thanh Thanh , gặp bác T. một nhân vật chính trong lễ cưới , bố chú rể .

                    - Bác thấy bác Voi đâu không ?
                    - Có , mới đây mà . Chắc chạy ngoài sân đậu xe hút thuốc .
                    - Vậy mà bác nói với tui là tới sớm quá , người ta biểu là bác ấy tham ăn .

                    Ai thì tôi không biết , chứ bác Voi nhà tôi thì tôi khá rành . Tham ăn như bác thì không , nhưng tham nói thì nhiều . Tôi cứ suy nghĩ mãi mới hiểu vì sao bác ấy lại vậy .

                    - Dạo này tui không thấy bác vào Đặc Trưng làm thơ làm thiếc .

                    Bác T. trong bộ áo com lê đen , áo sơ mi hồng xinh đẹp cười :
                    - Trong ấy đâu còn ai đâu , người quen đi đâu hết rồi . Bây giờ tôi mở một blogger , hằng ngày có cả mấy trăm người vào xem . Trong đó vui lắm ....

                    Tôi ngắt ngang :
                    - Phải blogger của bác là Mẹ Nấm hay Người Buôn Gió không ?

                    Bác T. cười :
                    - Được vậy là phước . Nhưng đa số là anh em ở bên Việt Nam , và mấy người đó cũng hay vào chơi trong blogger của tôi .

                    Tôi nghĩ bụng : " May bác ở bên này , chứ bác mà ở bên đó chắc công an mời bác lên làm việc rồi . "
                    - Vậy bác cho tui cái tên blogger của bác , để về nhà tui vô chơi .
                    - Dễ thôi , "Multiple đót com . "
                    - Multiple có phải là số đông phải không ?
                    - Ừ ! Bác đợi chút nhé . Tôi ra ngoài kia đón chào khách .

                    ooooOOOOoooo

                    Mãi hơn 7 giờ tối khách khứa vào khá đầy đủ . Trên bàn tiệc mười người phủ khăn voan trắng , trên có đặt một lọ bông tú cầu màu trắng nhạt pha lẫn sắc xanh . Tôi đang ngồi chung bàn với mấy người quen trong giáo xứ , nhác trông thấy bác Voi cùng hai người bạn kéo ghế ở một góc bàn chỗ it ai để ý nhất .

                    Bác Voi giới thiệu một cậu thanh niên còn khá trẻ , ăn mặc thường phục áo sơ mi trắng quần đen :

                    - Đây là cha xứ một giáo xứ Lạc Đạo ngoài Bắc , phải không cha ?

                    Ông ta cười :

                    - Không phải xứ Lạc Đạo đâu , mà là xứ nhỏ ở Bùi Chu thôi .

                    Có dạo tôi nghe một cha trên nhà dòng Đồng Công nói về xứ Lạc Đạo , tôi tưởng là ngài nói giỡn chơi , sau về nhà lục lạo trên nét mới biết xứ này có thật .

                    Giáo xứ Lạc Đạo thành lập vào năm 1968 , thuộc địa phận Nha Trang . Bây giờ thuộc Giáo Xứ Chính Toà , thuộc địa phận Phan Thiết .

                    - Thôi vậy chúng con mời cha vào bàn cùng với cha xứ nhà con , cái bàn tuốt trên kia kìa .

                    Tôi cứ chỉ cái bàn tiệc chính giữa đại sảnh nhưng vẫn không thấy các cha xứ , cha phó của nhà thờ ở đâu .

                    Cha Cẩn xứ Bùi Chu ngại ngùng :

                    - Để tôi ngồi chỗ này cũng được .

                    Khách cưới nghe nói có một khách là linh mục vội vàng mời mọc :

                    - Cha lên trên kia cùng dự tiệc với các cha khác .

                    Một ông ngồi chung bàn với chúng tôi e dè :

                    - Ngồi chung bàn với các cha các cụ khó mở miệng nói chuyện . Nói năng lúc nào cũng phải giữ ý giữ tứ .

                    Sau phần khai mạc , và giới thiệu thành phần hai bên đàng tai đàng gái , cha xứ lên làm phép bữa ăn :

                    - Kính thưa hai họ , hôm nay chúng ta chứng kiến thông gia của hai họ , và nhất là sự hiệp thông của hai bên sui gia . Một bác tên là Thức và một bên là bác Tỉnh . Vậy xin quí vị chúc mừng cho hai bác "Tỉnh Thức " để rồi chúng ta cầu nguyện Thiên Chúa chúc phúc cho bữa tiệc này .

                    Tỉnh thức là chữ được hay dùng trong Kinh Thánh . Chúa Giê Su hay nhắc nhở loài người chúng ta lúc nào cũng " Tỉnh Thức " để chờ ngày trở lại của Chúa lần thứ hai trong ngày Tận Thế . Ngày này sẽ đến rất bất ngờ như kẻ trộm lẻn vào trong nhà , không biết lúc nào sẽ xảy ra . Giáo phái Nhân Chứng Đức Jehovah có một tạp chí Awake xuất bản hàng tháng .

                    Đúng như tôi dự đoán món tráng miệng đầu tiên là súp măng cua đặc sệt bột năng , nhưng lần sau hình như họ có thái thêm măng tây , nhai nghe sừng sực . Các món ăn bây giờ càng chế biến thật hiện đại . Có lẽ sau này cho thêm măng cùng trúc . Món thứ hai là gỏi thập cẩm cà rốt củ cải trắng ngâm dấm trộn chung với thịt heo , thịt gà luộc .

                    Tôi quay sang hỏi bác Voi :

                    - Bác có bao giờ thử ăn gỏi Tiến Vua chưa ? Ngoài ngó sen ,bồn bồn , củ cải trắng còn trộn thêm rau Tiến Vua ,
                    - Chưa , ăn ra làm sao ?
                    - Rau Tiến Vua cọng dài như đậu đũa . Bên Việt Nam họ bán khô , về đây mình luộc sơ sơ rồi để ráo nước , cắt từng cọng nhỏ chừng ba bốn phân gì đó , rồi trộn thêm tôm sú bóc vỏ .

                    Vài người cùng bàn gật gật đầu : " Tôi cũng thử rồi , ăn cũng được . Ngon hơn cái dĩa gỏi này nhiều . "

                    Bác Voi biểu lộ vẻ đồng tình :
                    - Thế làm vua sướng thật .

                    oooOOOooo

                    Tiệc cưới

                    Người hầu bàn bưng một dĩa khác lên , món thịt bò lá lốt . Nhìn lá lốt bóng loáng gói trọn miếng thịt bò màu nâu sẫm , . Món này thì không có tôi . Khách chưa kịp ăn hết thì món Tôm hùm xào ớt xanh ớt đỏ (bell peper) được bưng lên :

                    Một ông ngồi chung bàn phê bình :
                    - Ăn món này thật phiền phức . Cầm tay thì sợ dính vào áo vét , mà không ăn thì tiếc .
                    - Vậy bác dùng đũa mà xơi .

                    Món tôm hùm , cua rang muối mà dùng đũa chắc đến đêm mới xong một cái càng . Cả nhà tôi không thích cái món cua tôm xào hành gừng , ăn có một miếng thôi mà phải mất cả chục tờ giấy lau . Bà nhà tôi cứ hay than thở : " Thà như họ đem đi luộc , chấm muôi tiêu chanh ăn còn ngon hơn . "

                    Tôm hùm (lobster) được các nhà hàng sử dụng nấu nướng là loại tôm hùm của tiểu bang Main , nên thường gọi là Main Lobster . Loại này có hai càng to , to hơn loại cua đá . Bên tiểu bang Cali có một loại khác , không có càng mà là hai cái râu dài , nên thường được gọi là tôm rồng . Tôm này không bán ở ngoài chợ . Chỉ có dân đi câu cá mới bắt mà về ăn thôi . Loại tôm này thuộc loại quí , tuyệt chủng nên cấm đánh bắt . Mỗi chú tôm nếu bị cảnh sát bắt tiền phạt có thể lên đến ngàn đô . Một người bà con của tôi hay đi câu tôm rồng này . Anh ta kể lại là muốn đi câu tôm cần có một dây cước loại chịu được sức kéo tensil strength khoảng 20 cân Anh (gần 10 kí ) , vài ba lưỡi câu ba ngạnh và nhớ xách theo một cân mực làm mồi . Khi ra đến bờ đá , mình giả bộ xách theo cần câu cá và dĩ nhiên là mang theo hai rổ . Một rổ chứa cá , còn rổ kia mình mang ra dấu kín vào mấy cái hốc đá . Người câu tôm cũng giả bộ ngồi ngóng trời mây , nhưng giữa hai đùi mình thả dây cước có móc mồi mực trắng xuống cái hang tối om phía dưới men sát mực nước biển đang vỗ miên man vào bờ . Khi nào thấy tôm ăn mồi , thì giựt thật mạnh cho lưỡi 3 móc ăn chặt vào mình tôm . Thế là người và tôm dành dật phần thắng về mình . Có nhiều khi con tôm rồng nặng đến vài kí , ra khỏi mặt hang nó vẫy vùng soành soạch . Nhớ mặc loại quần jean thật dày , để chi vậy , đó là khi tôm vừa dãy đành đạch là cho nó vào giữa hai đùi kẹp chặt lại . Khi nó vùng vẫy dữ dội khiến mấy người Mỹ dạo xung quanh đó để ý . Họ báo cảnh sát là bỏ bu . Và về sau này tôi điện thoại hỏi anh ta chừng nào đi câu tôm thì nhớ kêu tôi . Anh ta dấm dớ trả lời : " Sau mấy lần đó , con vợ em hổng cho em đi câu tôm nữa . Nó cằn nhằn là đi câu tôm hai cái đùi em nhức nhối cả tuần , chả mần ăn gì được nổi . Chuyện vợ chồng nó tôi không dám bàn thêm .

                    Trong ngành ẩm thực của Trung Hoa có lẽ bắt gặp món duy nhất có lẽ là gà luộc Hải Nam , còn trong các món ăn của người Việt thì không kể xiết , gà luộc , heo luộc , cầy tơ luộc ,tôm cua luộc . Kể đến rau thì nhiều lắm hầu hết rau nào cũng luộc được . Có lẽ xứ Tàu là nơi khá lạnh lẽo nên họ thường dùng dầu mỡ trong các món ăn không xào thì chiên quay .

                    Tôi không hiểu sao chớ thực đơn của người Việt rất nhiều món ăn rất ngon . Các tiệc cưới miền Bắc thì hầu như không thể thiếu món gà mái tơ luộc da vàng tươi đầy ắp trên dĩa men xứ Bát Tràng , miến gà xào lòng gà và đĩa giò lụa thơm phức . Nếu mà sang hơn có thể món heo quay . Dân dã bình dân hơn có thể chỉ bày biện vài dĩa cầy tơ với tô rựa mận . Trong Nam thì không thể thiếu món cà ri gà với khoai lang khoai môn hầm chung với xả nguyên cây .

                    Bên Mỹ ở những vùng tôi ở quanh đi quẩn lại chỉ dăm bảy tám món . Nhắm mắt cũng biết là món chi . Súp măng cua , Tôm lăn bột xay thành từng cục to bằng trái banh tennis . Thịt bò xào hành gừng , Tổ chim xào rau thập cẩm , tổ chim đan bằng những miếng khoai tây chiên đôi khi nhai mỏi cả miệng . Chim cút quay , chim này đông đá mang ra ướp ngũ vị hương dai như thịt chim đa đa một thời đi lấy chồng .

                    Một bà khách nhìn bác Voi , mời mọc :
                    - Bác ăn đi chớ , tui thấy bác chả ăn gì . Hay là bác chê đồ ăn này nấu dở

                    Bác Voi cười giả lả :
                    - Cám ơn chị , nãy ở nhà tôi xơi hai gói mì con cua rồi . Còn bác Cò , sao bác hổng xơi gì hết .

                    Tôi cười :
                    - Tui hả ,tui không giống như bác . Đợi ăn cưới xong mới về nhà xơi mì gói .

                    Nhân có một vài quan khách hát giúp vui , bác Voi chỉ tôi :
                    - Bác Cò lên làm vài bài . Dưới này tôi ủng hộ vỗ tay khen .
                    - Thôi mà bác Voi , tui nghe bác ca hay như Tuấn Ngọc , bác lên hát bản Riêng Một Góc Trời , rồi tui ở dưới cũng vỗ tay .

                    Vừa nhắc đến ca sĩ , bác vội móc cái điện thoại di động :
                    - Í chết , có cô ca sĩ Lan Mắt Nhung hát ở đây đây . Bác Cò có muốn gặp cô ta không ?

                    Tôi từ chối :
                    - Thôi thôi bác ơi ! Để cho cô ta yên thân . Mà hỏi thật bác , làm sao biết cô ta ở Mây Hồng . Đó là khiêu vũ trường cách nhà hàng Thanh Thanh có vài chục thước . Sao tui nghi bác quá , chắc hay trốn vợ xuống đây nhảy đầm lén quá .

                    Tui đề nghị với bác Voi là hai anh chị cùng tập dợt để thi khiêu vũ quốc tế do Paris by Night tổ chức Celebrity Dance .

                    - Bác thấy ca sĩ Thanh Tuyền nhảy Tango không , già như chỉ mà nhảy đẹp như vậy .
                    - Điệu tango dễ múa mà .
                    - Không dễ đâu bác Voi ơi , đó là một trong những điệu khiêu vũ khó nhất , phải làm mặt nghiêm như thế vầy , đá chân như thế kia , te như thế nọ ...
                    - Trông bác Cò diễn tả y như là đang vật Judo nội dung trăm kí . Thế có được giải gì không ?
                    - Có , được một cái cúp đồng .
                    - Vậy thôi à , tưởng là được vài trăm ngàn tiền thưởng mới bỏ công tập dượt .

                    Khi ấy bác Thức trai bác Thức gái cùng đàng gái , cô dâu chú rể bước tới để chào bàn . Tôi quay sang hỏi chú rể đang tươi cười , mặt đỏ gay có lẽ là rượu thấm tim hồng .
                    - Cháu là Âu văn Thiện phải không ?

                    Chú rể nhoẻn miệng cười :
                    - Dạ .
                    - Vậy cháu hình như có người anh hay người em gì đó có tên là Âu Dương Phong phải không ?

                    Chú rể mặt trở nên tư lự , đang nặn trí nhớ để nghĩ ngợi , chưa kịp trả lời thì mấy bà sồn sồn đã cười ngất .

                    Trong truyện Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung, Âu Dương Phong có biệt danh là Tây Độc ngang hàng với các đại cao thủ khác như Đông Tà Hoàng Dược Sư , Bắc Cái Hồng Thất Công và Nam Đế Đoàn Chính Hưng .

                    - Thế thì bác Cò nhất quyết không lên hát à ?
                    - Nói thật với bác , lúc trước thất nghiệp ở nhà ò è tập hát với cái Cool Edit của anh Triển Chiêu gởi cho . Tui hát to quá làm bà nhà tui ngủ không được , nên ra ngoài bàn ăn ngồi trên cái laptop ư ử hát . Hôm đó bà nhà tui mắc cái chứng chi , từ phòng ngủ bước ra hỏi con Linda : " Hình như mấy con chó Bô Ba , Tô Phù đang gầm gừ giành xương ăn phải không ? Đuổi chúng nó vào chuồng để má ngủ ! " Bác biết không , con bé Linda tuy nhỏ nhưng nói năng từ tốn lắm : " Không phải chó nó giành ăn uýnh lộn đâu . Đó là tiếng ư ử của bố đang tập hát tuốt đằng góc kia . "

                    Một bà ngồi cách tôi vài người cười , góp ý :
                    - Thế bác không giận à !
                    - Giận hả ? Vợ con của mình mà . Thế chị không nghe Chúa nói à : " Làm cha thì phải nghiêm minh , nhưng đừng dữ dằn với con cái kẻo chúng nó kinh sợ . " Tôi không muốn chúng nó nói mình "mean " . Đã vậy không hết , có lần trong bữa ăn chiều , cô con gái lớn rất tự nhiên thuật lại một câu chuyện thường ngày : " Một buổi sáng nọ , hình như là bảy tám giờ sáng thì phải , con đang ngủ bỗng nghe tiếng chó sủa ăng ẳng ngoài sân cỏ trước nhà . Hai con chó Chihuahua nhà mình thường ở sân cỏ sau , chúng nó ra sân trước chạy lung tung dễ bị mất trộm lắm . Con vén rèm cửa sổ ngó ra ngoài , tưởng là chó sủa khách đi đường , nào dè ... tiếng đó là tiếng của bố đang giả làm tiếng chó . Bố sủa như vầy nè ... ẳng ẳng . Con không hiểu tại sao bố làm thế , con nói vậy bố có giận con không ? Các vị biết là có nên giận hay không ?
                    - Chắc bác tức giận chúng nó lắm hả . Con tui thì tui đét vào mông .
                    - Tui hả , tui chỉ cười thôi và cắt nghĩa với nó là thường thường tôi ra sân cỏ trước để tưới cỏ . Bên nhà hàng xóm có con chó lông vàng , to cao như thế vầy , cứ mỗi lần gặp tôi là nó cứ sủa vang lên , nhưng nó khôn lắm , biết tôi cầm cái vòi xịt là trốn mất . Tôi đành phải giả ra tiếng chó sủa để dụ nó ra khỏi cái chuồng , theo cái kế " Điệu cẩu ly sơn " . Tôi cầm sẵn cái vòi xịt nước , hễ thấy nó là xịt ngay . Ở Mỹ quí bác biết rồi , dùng đá dùng cây mà ném nó thì có ngày cảnh sát mời về bót làm việc . Tội " hành hạ súc dzật . " nguồn: http://www.vandan.vn/  
                    #55
                      Tung Son 28.09.2009 02:53:03 (permalink)
                      Khám mắt

                      Chừng một tuần lễ nữa gia đình tôi sẽ bay về Mỹ , theo lịch trình là khoảng cuối tháng 7 . Một buổi tối anh em chúng tôi ngồi hàn huyên ngoài phòng khách . Tình cờ cô Thu em tôi nhắc đến bệnh áp suất cao của mắt cô , glucoma . Trong họ hàng nhà tôi chẳng có ai bị bệnh này , mà không hiểu sao chỉ có cô em út mắc chứng này . Mấy đứa con tôi giống hệt như tôi , đứa nào cũng đeo kiếng dày cộm . Bây giờ mắt tôi nhìn một vật nó cứ nhòa nhòa hẵn đi .

                      Cô em tôi đề nghị :
                      - Gần nhà mình ở trên đường Nguyễn Trọng Tuyển có ông thầy thuốc chữa hay lắm .

                      Tôi cứ nghĩ là một thầy lang nào đó đã từng khám tai cho tôi , và nói chắc cú như bắp là tai bị thế này thế nọ .

                      - Hay như thầy Hư Trúc ở Linh Thứu Sơn không ?

                      Cô em tôi mở to mắt nhìn tôi .
                      - Nói giỡn chơi với cô thôi . Hư Trúc là nhân vật hư cấu trong truyện Lục Mạch Thần Kiếm của Kim Dung . Thầy này học được cách chữa bệnh trên núi Thiên Sơn , rồi tự mổ mắt ráp mắt cho cô A Tử . Ổng tên là gì vậy ?
                      - Nguyễn Thành Nam . Bác sĩ tây y đàng hoàng a .

                      Tưởng là ai , chứ ông Nam này tôi có nghe vài người ở khu nhà tôi nhắc đến . Bà chủ tiệm cho mướn phim Hồng Kông khoe với tôi là mắt bả được bác sĩ Nam mổ , con mắt trái còn sáng hơn con mắt phải mổ tại Mỹ .

                      Ở Mỹ giá biểu để giẩi phẫu hai con mắt cận bị cườm khoảng chừng mười ngàn Mỹ kim . Dạo đó nếu trừ đi phần khấu trừ tôi phải trả thêm khoảng 3400 dô . Đến khi hãng cho laid off không còn bảo hiểm nữa nên không biết tính làm sao .

                      - Ở đây bên Việt Nam người ta mổ hà rằm . Ổng làm mau lắm , còn nhanh hơn gà đẻ trứng nữa .

                      Cô em tôi ví von sao hay vậy , chuyện giải phẫu mắt với chuyện gà đẻ khác nhau nhiều lắm . Con cháu tôi T. , bác sĩ mắt ở Mỹ khuyên tôi :" Chú đừng nên về bển mổ mắt vì mổ mắt không khéo dễ bị nhiễm trùng sau khi giải phẩu , có thể bị mù . Tốt nhất chú nên làm bên này . "

                      Tôi cũng biết nền y khoa tân tiến xứ này , càng có sự chăm sóc hiện đại bao nhiêu thì cái hầu bao của bệnh nhân càng vơi bớt đi . Có rất nhiều người Mỹ chưa qua khỏi cơn bệnh mà đã phải khai phá sản . Hổng biết là "chapter " 3 hay 7 hoặc 11 đây .

                      Tôi đưa mắt nhìn bà nhà tôi tỏ ý dò hỏi . Bà nhà tôi lo lắm . Miệng cứ lô bô là tôi chẳng làm việc gì nên hồn , nhưng nghe tôi tỏ ý đi mổ cườm mắt là bà nhà tôi khuyên can : " Thôi ông ơi ! Chẳng may mà ông bị lòa cả hai mắt như ông nội thằng Huy , thì khốn khổ (cho tui )! "

                      Vâng , trời sinh ra con người quí nhất đôi mắt . Ai thì tôi không biết , chứ coi gương ông cụ bố tôi thì biết .

                      Cô em còn dẫn chứng ra vài người nữa khiến tôi yên tâm . Sáng 7 giờ tôi lội bộ tới phòng khám bệnh . Từ nhà cô em tôi tới đây chỉ chừng dăm bảy phút . Buổi sáng từng dòng người ngồi trên xe gắn máy , xe đạp ồ ạt tiến ra đường .

                      Sau khi tôi khai bệnh sơ sài với cô y tá và được cấp một cuốn sổ bệnh lý màu xanh dương . Qua cách ăn mặc sơ sài của tôi , có lẽ cô ta coi tôi như mọi người dân bình thường tới khám mắt . Bên Mỹ mà vô phòng khám của bất kỳ y sĩ bác sĩ nào , Tây cũng như Ta , đều ghi rõ ràng đầy đủ tên họ , địa chỉ , việc làm cũng như là số an sinh xã hội . Bên Việt Nam thì chưa , nếu mà có thì không biết lấy con số nào mà ghi , có lẽ bịa ra một con số đề nào chăng .

                      - Ông vô kia ngồi chờ bác sĩ Nam .

                      Phòng khám bệnh này ngày xưa có lẽ là một căn nhà bình dân ở thôi . Dù có sửa sang nó vẫn không thể nào giống như một phòng khám bên Mỹ . Nội nhìn cái tấm bảng quảng cáo to tổ chảng treo lửng lơ trên cửa tiệm thì biết . Mặt bằng cửa hiệu dài bao nhiêu thì tấm biển hiệu dài bấy nhiêu . Nhìn một khu phố giăng giăng những biển hiệu cửa tiệm , Mì Ký Hưng Long , Nhà may Long Hội , Cửa Hàng Việt Tiến , khách nước ngoài có lẽ phải hoa mắt lên . Nhưng về đây hơn một tháng cũng đã quen dần , không như bên Mỹ các văn phòng bác sĩ tấm biển treo bé con con chừng vài gang tay . Không phải các ông bà ấy không biết kéo cho to ra , nhưng vì luật lệ thành phố , city code không cho phép .

                      Cùng ngồi trong khám , tôi nhìn thấy chừng đâu chừng chục người , đàn ông đàn bà đủ cỡ. Một cậu khá trẻ , hỏi ra mới 41 tuổi đã bị cườm . Trước giờ tôi nghĩ chắc hơn 50 tuổi mới bị thôi , hoá ra bệnh mờ mắt chẳng tránh một ai . Hầu như người Việt Nam bị khá nhiều . Dân mình ít có ai chịu đeo kiếng râm hay là kính mát để ngăn cản tia cực tím của mặt trời . Khi xưa chúng tôi thường hay chơi banh ngoài trời , mắt hay thỉnh thoảng nhìn vào mặt trời chói chan . Người có mắt màu xanh lơ như người Âu Mỹ thì ít bị cườm mắt hơn người có mắt màu nâu . Khi các tia tử ngoại này rọi vào mắt , thủy tinh thể sẽ biến dạng , trở thành đục , nhìn sâu vào trong mắt hiện ra một làn mờ đục  . Nó trong đục như mây nên có tên là cataract , ta gọi là cườm vì nó màu trắng đục như cườm .

                      Bác sĩ Nam dáng dong dỏng cao , có lẽ hơi tôi một chục tuổi . Sau khi khám mắt tôi xong , bác sĩ Nam gật gật đầu :
                      - Ông bị cườm rồi . Ông cầm hồ sơ này tới bệnh viện Phú Nhuận làm thủ tục rồi tối mai tám giờ mổ mắt trái .

                      Bệnh nhân ngồi xếp hàng trong phòng trong chừng đâu vài người . Khi tôi đứng dậy là có người khác tiến vào ngồi trước mặt bác sĩ để khám mắt .

                      Đây mới đúng là có tính chuyên nghiệp của y học thời nay . Xưa kia Hư Trúc tiên sinh trong truyện Lục Mạch Thần Kiếm mổ luôn một lúc hai con mắt cho cô em A Tử . Mổ một con có bị trục trặc gì cũng còn con kia nhìn đỡ . Chơi cả hai mắt , nếu chẳng may bị gì thì thành Kha Trấn Ác mất .

                      Bệnh viện Phú Nhuận nằm ngay ngả ba Nguyễn Trọng Tuyển và đường Hoàng văn Thụ (đường Công Lý cũ ) . Xe gắn máy được gởi xe bên trong và tất nhiên phải trả tiền . Tôi bước vào , hỏi thăm nơi mổ mắt là chỗ nào .
                      <bài viết được chỉnh sửa lúc 28.09.2009 02:54:09 bởi Tung Son >
                      #56
                        Tung Son 02.10.2009 18:57:46 (permalink)
                        Tiệc cưới

                        Trên sân khấu ông M.C giới thiệu một bài ca do khách giới thiệu :
                        - Sau đây là bản Cốc Rượu Mừng do chị Chảnh Chọe trình bày . Xin quí vị cho ca sĩ một tràng vỗ tay .

                        Nhìn thấy gương mặt quan khách ngỡ ngàng , ông MC giải thích :
                        - Dạ thưa quí quan khách , theo tập tục cưới hỏi , người Việt chúng ta hay tránh những chữ xa cách , ly biệt , tách biệt , nên tui tạm thay Ly Rượu Mừng bằng Cốc Rượu Mừng . 

                        Đằng sau bàn của chúng tôi  bà con hai họ vẫn còn đang đi chào bàn . Chú rể trong hơi men rượu tình nồng :

                        - Mời mời ! cạn ly , cạn ly , hổng có cạn cốc kiếc gì ráo chọi . Dzô !

                        Này giờ tôi nhìn chai rượu Remi Martel vẫn còn nằm nguyên chai trên bàn , tôi ngạc nhiên hỏi bác Voi :
                        - Ủa , dạo này bác kiêng rượu bia rồi à .

                        Bác Voi tay cầm ly nước trà , nhỉnh mắt lên :
                        - Bác Cò hay nhỉ , bác có thấy tôi uống bia rượu bao giờ ?

                        Tôi ngạc nhiên , không nhẽ mình già rồi chăng , lẩm cẩm rồi sao . Năm kia có dạo anh em trên DT gặp mặt , bác ta còn mở chai Tequila vàng nghệ  mời anh em mà , hôm đó bác  còn  lẫy Kiều đi bán cháo ở chợ Đồng Xuân  . Tôi nhìn tách trà còn vương khói nghi ngút :
                        - Vậy thì mời bác cạn chung trà , trà này không đặc biệt , mà là đặc sắc phải không bác ?

                        Ngồi cách tôi hai ba người là vợ chồng người bạn mới quen trong xứ đạo .
                        - Chị Bảo Thái không dùng cơm chiên à ?

                        Chị ta lắc đầu :
                        - Tui no rồi , mà tui nói thiệt với anh , tui không thích  cái tên Bảo Thái này . Anh còn nhớ chuyện ông Trạng Quỳnh ngày xưa không nhỉ . Hồi bé mình đọc truyện , tưởng là chỉ có trong cổ tích dân gian , nào dè đến khi lấy chồng, gặp ông này đây . Tên gì lại không đặt , đặt ngay tên Bảo Thái .

                        Ông chồng nghe vợ phàn nàn , chỉ ngồi tủm tỉm cười .
                        - Đã vậy hết đâu , ảnh họ Mai . Khi qua Mỹ mình phải đổi họ thành Mai . Ông già bà già tui đặt tên tui là Nguyễn thị Đẹp , nên khi đổi họ thành ra Mai Đẹp . Nghe có bực không chớ , bây giờ không đẹp sao , phải mai mới đẹp .

                        Chị ta làm tôi nhớ đến một câu đố của người xưa , nói về mai .

                        Hôm nay mưa mai ướt
                        Ngày mai mưa mai ướt

                        Câu đố này tả cây mai , hôm nay nắng thì mai khô , mưa thì nó ướt . Chỉ có vậy thôi .

                        Khi mâm tráng miệng trên có cắt đầy những miếng trái cam vàng ửng là tôi biết tiệc đã đến giờ tan . Tôi vẫy tay chào vài vị khách còn ngồi lại trên bàn .

                        Bên ngoài nhà hàng Thanh  Thanh , bác Voi cùng người bạn bên Úc mới qua Mỹ chơi được vài tuần đang đứng hút thuốc lá .

                        - Xin lỗi anh bạn , trong đó nãy ồn quá không nghe rõ tên anh . Cho biết quí danh được không ?
                        - Dạ , tôi tên Hùng .
                        - Chào anh Hùng , anh thấy đời sống bên Mỹ này ra sao sau vài tuần ở đây ?

                        Ông Hùng ngẫm nghĩ một lát , rồi nói :
                        - Nói thật với anh , nước Mỹ có vẻ xô bồ quá .

                        Ông ta dùng chữ xô bồ , khiến tôi liên tưởng đến cuộc sống xa hoa đầy trụy lạc .

                        - Ý tôi muốn nói là nước Mỹ có vẻ lúc nào cũng bận bịu . Người ta cứ chạy theo công việc , làm sáng làm đêm .
                        - Còn bên bển , cuộc sống ra sao ?
                        - Nhàn lắm , hai vợ chồng tôi đến tuổi này "retire" rồi . Con cái cũng lớn nên chúng tôi không phải lo lắng , còn anh chị thì sao ?

                        Tôi thở dài :
                        - Đường còn khá dài , đứa bé út tui năm nay mới học lớp sáu . Còn phải hơn chục năm anh ạ .

                        Bác Voi xen vào :
                        - Bác Cò còn đỡ a . Tôi có người bạn tuổi gần bảy mươi còn tòm tem về Việt Nam lấy cô vợ chừng đâu hai mươi . Bảo lãnh sang đây , một hôm ổng bồng con cho nó bú , cô vợ đang nằm xem ti vi  , rồi cãi nhau với vợ gì đó xong không hiểu sao lại tát cho con vợ trẻ một cái . Chắc có lẽ tuổi già sức yếu bồng con , mỏi lưng mỏi gối nên đâm bực .
                        - Rồi sao nữa ?
                        - Thế là con vợ gọi ngay cảnh sát còng tay về bót , rồi "bail bond" hết mấy ngàn .
                        - Thế ông ta có thêm đứa con nào để tay bồng tay dắt không ?

                        Bác Voi chặc lưỡi :
                        - Chắc không rồi , lâu quá không thấy ổng gọi phôn . Tôi nghĩ chắc ổng ngủm củ tỏi rồi .

                        - Còn tiệc cưới ăn uống hôm nay anh Hùng thấy được không ?
                        - Tuyệt diệu , nhưng thấy bà con ăn uống không khí thế chút nào .Nhất là cái bà chị ngồi xeo xéo với tôi cứ thỉnh thoảng lại giơ bàn tay lên ngắm nghía . Tôi thấy bà ta có hai cái nhẫn hột xoàn to lắm , chắc phải đến hai ly một cái . Không biết có phải là đồ thật không ?

                        Tôi cười :
                        - Chắc có lẽ là đồ dỏm . Anh biết mà, bây giờ thiên hạ ra đường ai mà lại đeo thứ thiệt để chúng giựt cho à .

                        Tôi biết bà Bảo Thái , hai vợ chồng có cả mấy chung cư cho mướn , có cây xăng , tiền bạc chắc rủng rỉnh , nên tôi nghĩ nhẫn hột xoàn của bà ta có lẽ là thật .  Nếu không lại như câu chuyện Xâu Chuỗi Kim Cương của nhà văn Guy de Maupassant của Pháp . Bà là vợ một công chức bình thường người Pháp , đi ăn cưới nhuưng không có nữ trang đeo và chị ta chạy đi mượn một chuỗi đeo cổ bằng kim cương . Lúc ra về chị ta mới sực nhớ không biết chuỗi đó rớt ở đâu . Chị ta hốt hoảng đi tìm khắp nơi  mà không thấy . Để có tiền mua lại chuỗi hột xoàn na ná như thế , chị ta phải từ bỏ cuộc sống tương đối nhàn hạ của vợ một công chức thường . Sau mười năm làm việc vất vả , đủ mọi việc từ đi gánh nước mướn , giặt giũ quần áo cho kẻ khác . Cuối cùng một ngày  chị ta gặp lại người bạn ,  bà này không nhận ra chị ta . Đến khi chị ta tự xưng tên , và nói rõ nguyên nhân đã biến đổi cuộc đời chị thành một bà nhà quê . Bà bạn ôm chầm lấy chị ta , nức nở trong tiếng khóc : " Bạn ơi ! Xâu chuỗi đó chỉ là món hàng giả thôi , nó made in China , chị ơi ! "

                        Vừa lúc đó hai vợ chồng bạn bước ra ngoài , chị Bảo Thái nũng nịu với chồng :
                        - Anh à ! Anh có thấy cái nhẫn hột xoàn hai ly tám của em đâu không ?

                        Anh chồng cười mỉm chi , ôm lấy vai vợ :
                        - Có lẽ anh trở thành gã nhà quê quá !

                        2/10/09
                        #57
                          Tung Son 03.10.2009 18:10:44 (permalink)
                          Mổ mắt

                          Bệnh viện Phú Nhuận không có vẻ bề thế hoành tráng như bệnh viện Thống Nhất hay chợ Rẫy , nó có dáng dấp như một trung tâm y khoa nhỏ , như bên Mỹ nó tương đương với một clinic nào đó.  Bệnh viện không có mái che chính giữa . Bốn chung quanh là những phòng khám bệnh hoặc văn phòng hành chánh . Ban công lát gạch
                          ô vuông xam xám ,  trông có vẻ hơi bẩn . Mặc dù nhân công thường hay quét dọn hay lau chùi , nhưng vẫn không thể nào tẩy xóa hết từng vết dơ bụi bậm từ ngoài đường bay tràn vào . 

                          Tôi gặp một chị độ chừng bốn mươi tuổi trong bộ áo bà bà xanh dương nhạt .

                          - Chào chị , chị biết chỗ nào để đóng tiền mổ mắt không ?
                          - Bây giờ đã trưa rồi , chị Mai thu ngân sắp đi ăn  rồi . Thôi chú cứ ngồi ở đây khoảng đâu chừng một hai giờ để chờ chỉ trở lại nhé .

                          Tôi cám ơn , ngồi đại xuống một cái băng dài dành cho người bệnh , đợi một lát thấy chán tôi  tự nhủ : " Ngồi đợi chi vậy , thiên hạ đi ăn thì mình cũng đi ăn  . " Giờ ăn trưa đến , tôi cảm thấy đói bụng , bèn bước xuống lầu và tìm ra một nơi có bảng đề " căng tin " , trong có kê vài cái bàn .

                          - Chào bà chủ .

                          Bà chủ tiệm nở nụ cười , nói với giọng xứ Bắc :
                          - Không , em "nà" đầy tớ nhân dân thôi , đâu đến phiên em làm chủ . Thế anh muốn ăn món chi , ở đây có  phở , bún bò , cơm sườn ...
                          - Tui kiêng không ăn thịt , chị có cơm cá quả kho tiêu không ?
                          - Dạ không . Quả  không mà "nóc" cũng không , thế bác xơi cá hú nhé .
                          - Cá hú là cá tra phải không chị ?
                          - Không , cá tra nó ăn cái kia , còn cá hú thì không . Thế bác có muốn ăn không thì bảo ?
                          - Dạ , cho tui cá nào cũng được .

                          Ở góc tường treo một máy truyền hình , leo nhéo một giọng ca lanh lảnh : " ... đôi mắt như lửa soi, đốt thiêu quân thù này... (1)

                          Hình như cái cô ca sĩ trong ti vi đang ví von trêu ghẹo tôi . Mắt tôi đang mờ nhòe , nhìn cảnh vật cứ như nhòa đi mà cô ta cứ " mắt anh như lửa soi hay ngời sáng  " gì đó .

                          Trước phòng thu ngân tôi thấy vài người bệnh đã ngồi chờ sẵn đó . Cạnh tôi là hai ba phụ nữ nước da khá trắng trẻo . Khi tôi hỏi thăm mà cứ thấy bà này  không trả lời mà lại quay sang một chị khác . Bà này thông dịch hộ :
                          - Hai bà này người Campuchia , họ không biết nói tiếng Việt . Họ xuống đây đi mổ mắt cườm .
                          - Chắc hai bà này là Hoa kiều . Trên Nam Vang không có bác sĩ chuyên khoa về mổ mắt hả chị  ?

                          Chị ta quay sang hỏi hai bà kia , và dịch lại :
                          - Hồi xưa thì có , nhưng dạo sau này họ mổ bằng mã tấu không hà.

                          Đang tán dóc bỗng nghe có tiếng gọi tôi .  Tôi bước vào căn phòng thu ngân . Phòng này thật khiêm nhượng , có kích thước 2 x 3 mét vừa đủ cho hai ba người ngồi   .

                          - Chào chị Mai .
                          - Sao ông biết tên tui . Phải cái chị hộ lý mập mập như vầy nói với ông không ?

                          A thì ra cái chị hướng dẫn tôi đi tìm hồi nãy là hộ lý , tức là làm những công việc lặt vặt linh tinh trong cơ quan . Trước đây tôi cứ tưởng hộ lý như là một chị bí thư riêng nào đó của một thủ trưởng cao cấp nào đó .

                          - Ông đóng bốn trăm đô la .

                          Chị Mai cầm bốn tờ giấy xanh giơ lên cao soi tới soi lui , xem chừng có phải là tiền giả không .

                          Tôi cười :
                          - Tiền thiệt đấy , chỉ trừ khi nào mà chị thấy hình ảnh tôi trên tờ giấy đô la . Đó mới là tiền giả .

                          Tôi không hiểu sao có cái lệ đóng tiền bằng Mỹ kim mà không bằng tiền ông Hồ .  Bây giờ có tờ 500 ngàn cũng xinh đẹp ra phết , tính ra giá trị cũng bằng 30 đô Mỹ .  Tôi nghe đâu đây sẽ in ra tờ một triệu đồng . Không biết cầm vài tờ có thành triệu phú không .

                          Có lần một người Mỹ trong hãng cầm lấy hai ba tờ giấy bạc Việt Nam khoe với tôi .
                          - Andy , you xem tờ này là tiền Việt Nam phải không ? You xem nó bằng bao nhiêu đô Mỹ .
                          - Bằng bao nhiêu đô Mỹ à . Tờ năm ngàn này chỉ hơn 25 xu Mỹ chút ít .

                          Hắn trợn mắt không tin . Tôi bèn mở một trang mạng , chỉ cho hắn xem : " Đấy you xem , một đô bằng 16000 đồng Việt Nam , tin chưa . Tôi không hiểu tại sao bác Mao vĩ đại nặng non tạ , chỉ gấp đôi bác Hồ nhà mình mà tiền bác Mao lại có giá trị gấp hơn 2000 lần .  Trung Quốc cái gì cũng vĩ đại hơn chăng !

                          - Xong rồi , mai chú chú trở lại 7 giờ sáng để khám tổng quát .

                          Đi giải phẫu mắt có vướng mắc chi khám tay chân tim gan phèo phổi . Nghe vậy tôi chẳng buồn cãi lại . Họ làm việc ở bệnh viện lâu năm , đủ  chuyên nghiệp hơn tôi .

                          Sáng hôm sau tôi lại theo chị hộ lý đi qua một phòng khám khác để thử lượng đường trong máu . Tưởng hiện đại làm sao , chớ cái máy thử đường , bên Mỹ nhà tôi cũng có một cái . Máy nhỏ nhắn , nhỏ bằng phân nửa bàn tay tôi, máy này thường biếu không trong các tiệm bách hóa Walgreen , CVS , nhưng muốn xài thì phải cần có que  thử . Một hộp que thử chừng vài chục que , chừng đâu 50 đô . Công việc thử này giản đơn thôi . Dùng kim bấm lên đầu ngón tay , nặn ra chút máu , xong quẹt lên que thử . Thế là tự động máy đếm đo . Dưới 100 là được .

                          - Xong rồi chú qua bên nội khoa khám  .

                          Tôi đi ra  ngoài kiếm chị hộ ly . Tìm mãi mới thấy chị đang dọn dẹp một góc nào đó . Đi theo chị rồi lên lầu , té ra phòng khám nội khoa nằm kế bên phòng thu ngân .

                          Bác sĩ Phong dáng hơi thấp . Nhìn mặt ổng , tôi đoán chừng lối xấp xỉ 40 tuổi .

                          Vạch mắt tôi ra xem xét , bác sĩ Phong hỏi :
                          - Anh có bị cao máu ?
                          - Không
                          - Mỡ cao ? Không hả ? Đường cao ? Không hả ? Thế là tốt . Tối mai đúng 8 giờ lên đây , bác sĩ Nam mổ cho .
                          - Thế bác sĩ không giải phẫu à ?
                          - Không , tôi đang thực tập .

                          Bên cạnh tường là một bức tranh lập thể , tôi ngắm nghía mãi vẫn chưa đoán là vẽ cái chi .
                          - Bức tranh này à ! Quí lắm , có một bệnh nhân sau khi mổ mắt biếu tặng . Hôm đó cô Mai mang tấm tranh này vào , nói rằng có người tặng cho tôi  . 

                          Tôi không dám quyết đoán đó là hình gì , có thể là hình vẽ con mắt hay con sâu gì đó , sợ nói ra bác sĩ Phong giận , dám bỏ luôn ngành chuyên khoa mắt , nên tôi chỉ cười nói không biết .

                          Chú thích :
                          1. Bài ca Cùng anh tiến quân trên đường dài của Huy Du và Xuân Sách .

                          2/10/09
                          #58
                            Tung Son 10.10.2009 20:28:37 (permalink)
                            Mổ mắt (tt)

                            Trên con đường vào chợ Phú Nhuận để vào ngõ nhà cô em tôi , một bà đứng cạnh chiếc xe đạp trên có giỏ bắp luộc miệng rao ơi ới :
                            - Ngô ngô đây , nóng hổi . Mười ngàn bốn bắp .

                            Tôi ghé lại , nhìn vào trong cái giỏ .
                            - Bắp này có dẻo không chị ?

                            Bà bán bắp trong bộ quần áo bạc màu , đáp :
                            - Dạ, bắp này sao lại không dẻo . Bác mua thử cho cho chị nhà xơi .

                            Tôi chỉ vào hàm răng tôi :
                            - Chị à ! Hôm qua tui mua của chị mười ngàn đến những năm trái bắp . Về nhà tui mới cạp mới có mấy cái . Hai ba cái răng giả tui rớt ra và dính vào trái bắp dẻo của chị . Chị biết không , trái bắp của chị làm tui mất mấy triệu để làm lại .

                            Bà ta nhìn tôi chưng hửng , chối bai bải :
                            - Chắc bác lầm rồi . Hôm qua em đâu có bán chỗ này . Thôi bác không mua thì thôi , để cho em bán nốt mấy trái bắp ngô để còn về nấu cơm cho chồng .

                            Tôi nói đùa với bà ta thôi , chớ thật ra là sáng hôm kia lúc đi ngang qua chợ hàng cá tôi trông thấy một cậu đẩy xe bán bánh bao chỉ . Mua về chục cái để khoe với với bà nhà tôi . Cô em tôi nhìn thấy mấy cái bánh bao chỉ , cười tươi :
                            - Sao anh tìm ra hay vậy . Lâu quá rồi em mới gặp bánh bao chỉ . Em bận buôn bán suốt sáng nên ít khi nào gặp mua loại bánh bao này .

                            Bánh bao chỉ nhỏ nhắn trắng tinh như bánh dày, nhưng bên trong trộn nhân mứt dừa hay đậu xanh . Bánh thơm phức và ngọt dịu không như cái bánh donut bên Mỹ ngọt ngay . Bánh này mềm dịu nhưng tôi cảm thấy như đang cắn vào một vật cứng . Tôi lấy ra xem , nhìn vào mãi mới nhận ra đó là mấy cái răng giả dính theo . Tôi phân vân tự hỏi cái bánh bao chỉ dẻo quá dính chặt vào răng hay tại vì mấy cái răng làm khéo quá . Bên Mỹ này trồng vài cái răng như vậy , bảo hiểm y tế đã trả tôi nghĩ cũng vài ngàn đô la .
                            Tôi nhớ đến một câu chuyện vui trên mạng lưới , mà không ngờ lại xảy ra một trường hợp na ná đến cho tôi .

                            Vào một đêm ba mươi tối đen như mực , trời lại mưa lâm râm . Trên đường vắng xảy ra một tai nạn giao thông giữa hai chiếc xe hơi . Một ông lão chập choạng bước ra mắng mỏ xối xả vào một cậu thanh niên :
                            - Lái xe cái kiểu gì vậy , móp xe tui mà mà còn làm cái hàm răng giả tui hư hết trơn rồi .

                            Cậu kia rối rít xin lỗi ông cụ, nhưng ông cụ kia cứ mắng sa sả :
                            - Cậu biết không , không có răng tui lấy gì mà ăn .
                            - Thì cụ làm răng giả khác . Hãng bảo hiểm xe sẽ đền bù cho cụ .

                            Ông cụ gắt :
                            - Cậu không biết gì hết . Bây giờ mà hẹn bác sĩ cũng vài ngày , rồi khám , rồi đo đạc , thử tới thử lui cũng hết vài tuần . Trong thời gian đó tôi lấy chi ăn uống đây , ăn cháo hả ?

                            Cậu thanh niên trầm ngâm một lát , hớn hở nói :
                            - Cụ chờ cháu một chút .

                            Nói xong cậu chạy ra phía sau cái xe của cậu , mở cái nắp thùng xe và lôi ra một va li màu đen tuyền . Bên trong cái va li đó đầy ắp những bộ răng trắng vàng đủ cỡ .

                            Cậu ta bước tới nói với ông lão :
                            - Cụ ơi ! Cụ há miệng ra cho cháu thử . À ! Bộ này không vừa lắm , chắc bộ kia , cũng không vừa . Bộ này , được rồi cụ ạ , khít khao thật là vừa vặn . Cụ nhai tới nhai lui xem sao .

                            Ông lão gật đầu , giọng nói có vẻ hồ hỡi :
                            - Có lẽ được rồi cháu .Nhưng mà tui hỏi thiệt với cháu , nhìn mặt cháu thông minh sáng láng , cháu là nha sĩ học ở trường Trung Cấp Y Dược phải không ?

                            Cậu thanh niên bình thản đáp lại :
                            - Dạ thưa cụ , cháu chưa hề học ở đó bao giờ . Cháu chỉ là " mortician" thôi .

                            Tôi không biết ở Việt Nam có cái nghề này không . Ông/Bà mortician chuyên môn hoá trang và sửa soạn "make up" cho người chết . Người quá cố được trang điểm đẹp như vậy để họ hàng khách khứa vào phúng điếu bớt sợ sệt . Bạn muốn biết rõ về nghề này , xin vào trang wikipedia để coi thêm .

                            Trong góc bếp cô em út tô đang lui cui sửa soạn bữa cơm trưa . Bên cạnh bồn rửa chén là một chồng bát dĩa ngổn ngang trong đó . Thấy vậy tôi định xăn tay áo lên lăn vào giúp .

                            Cô Thu em tôi ngăn lại :
                            - Thôi để em , anh chị là khách mà . Mấy khi gia đình anh chị về Việt Nam . Em làm một mình được rồi .

                            Một khi cũng gần hết hầu bao , nói chi đến mấy khi . Gia đình tôi ở đây đã hơn tháng nên mọi sinh hoạt trong nhà tôi biết khá nhiều . Sau những bữa cơm trưa chiều cô em tôi lại vén tay áo rửa chén và dọn dẹp . Tôi nghĩ các bà mẹ Việt Nam thật giỏi chịu đựng , thương chồng thương con không muốn họ nhúng tay chân làm những công việc thường nhật đó . Đã vậy có vài gia đình , ông chồng về nhà trong dáng điệu say sưa , thượng cẳng tay hạ cẳng chân với vợ nhà mà chả có bà vợ nào dám hó hé . Luật pháp Việt Nam vẫn còn nhiều dễ dãi cho quí ông quá .

                            Gia đình cô em tôi bốn người cộng với chúng tôi và mấy đứa cháu có đến mười mấy người . Tất cả đều ngồi bệt xuống đất . Cô em tôi khệ nệ mang ra một tô lớn canh chua cá hổ . Bình thường thì cô em hay nấu canh chua cá bông lau , nhưng vì ngày hôm qua chú Tôn đi câu xách về mấy con cá hổ mà chú cứ nhất quyết gọi là cá phi Đài Loan .

                            Lúc chú Tôn mang cá về , tôi nhìn chúng nó to bằng hai bàn tay , mình dẹp , da trắng nhờn nhợt như cá chim . Hàm răng trắng nhọn và lởm chởm như răng cá mập . Tôi mang máng là hình như đã gặp ở đâu . Đúng rồi cá Piranha , giống cá ăn đủ loại sinh vật nếu lọt vào vùng nước sinh sống của chúng ở Nam Mỹ . Bên Việt Nam gọi là cá hổ , cá cọp gì đó . Không hiểu mấy ông chủ hồ cá ở Hạnh Thông Tây gọi là cá phi Đài Loan , chắc có lẽ gọi vậy cho oai .

                            Tôi định mang cá ra làm sạch , nhưng ngại làm dơ nhà dơ cửa , bèn xách ra hàng cá . Một chị hàng cá từng quen với chú em đi đời của tôi trông thấy tôi tươi cười :

                            - Anh mới đi câu về hả ?
                            - Không , mấy con này là của chú Tôn câu . Chị làm sạch mấy con cá này rồi tui trả tiền công cho chị .

                            Tôi không mặc cả giá cả với chị ta , Sau khi chị bán cá làm xong , chặt đầu mổ bụng cắt khúc , tôi trả cho chị 30 ngàn . Chị ta cám ơn rối rít . Về sau tôi mới biết sáng chị ta phụ việc bưng tô chén cho hàng bún hàng phở chỉ được trả có 30 ngàn một ngày .

                            Ngoài canh chua ra , cô em còn chiên thêm mấy khúc cá hổ nữa , nhìn sơ cũng khá bắt mắt , chúng vàng rực quyện với mùi mỡ hành thơm phức .

                            Ai nấy vừa ăn thử miếng cá đều lắc đầu :
                            - Eo ơi , cá gì ăn không ngon tí nào hết .

                            Thịt cá hổ vừa nhạt , lại lắm xương nhỏ . Thử miếng cá hổ chiên , nó cũng dở như nhau . Nhưng không sao , cô em tôi lúc nào cũng có thịt sườn chiên dành riêng cho hai đứa con trai cưng của cổ . Hèn gì tôi về chợ này hơn cả tháng , chả khi nào thấy họ bày bán loại cá này . Loại cá này có lẽ không thích hợp ngon miệng với loài người nhưng là thức ăn khoái khẩu của loài rái cá . Một chú rái cá một ngày có thể xơi tái vài chục con cá loại này .

                            Buổi chiều hôm đó tôi lại gặp chị bán cá , chị ta mặt sáng lên hỏi tôi :
                            - Hôm nay anh có đi câu không , nếu có để em làm cá cho .
                            - Không , nếu có chắc đi câu cá mập quá .

                            oooooOOOOooo

                            Chiều hôm sau hai vợ chồng tôi đáp xe lên bệnh viện Phú Nhuận . Dạo này cuối tháng Bảy mưa hay đổ bất chợt . Bầu trời xám đục , mưa lất phất bay . Chúng tôi lên lầu , hỏi thăm và được chỉ cho phòng mổ , nơi đây họ gọi là phòng tiểu giải phẫu . Bên ngoài mưa rớt xuống , rơi những hạt mưa bay hắt vào mặt chúng tôi . Nước mắt rơi hay mưa rơi đây . Bà nhà tôi nắm chặt lấy tay tôi . Tôi cũng biết chuyện này không phải lớn lao gì cho lắm , nhưng giả sử chuyện giải phẫu không thành công , thì tôi thành độc nhãn đại hiệp . Về Mỹ chắc khó có thể trở lại nghề điện tử được . Tôi chỉ biết úp mặt cầu nguyện thôi . Tôi nghĩ bụng mình còn nhát gan hơn cả vợ mình . Tôi từng đi biển , vượt sông nhưng lúc ra đi có đôi có cặp , không bằng người đàn bà vượt cạn mồ côi một mình . Tôi đã từng bình tĩnh đối diện với công an cửa khẩu Tây Ninh lúc vượt biên (chuyến này không thành công ) , từng đối mặt với lính Nam Dương trên giàn khoan , họ lăm le tay súng đòi đuổi chúng tôi , họ cấp lương thực nhưng không cho ở lại . )

                            Tối nay chỉ có hai người vào mổ mắt cườm . Chúng tôi được mặc một bộ áo màu xanh dương . Chân không được mang giày dép . Một cô y tá cho tôi uống vài viên trụ sinh . Trong phòng tiểu giải phẫu , tôi gặp lại bác sĩ Phong . Ông ta bảo tôi nằm xuống trên một chiếc băng ca , và tiêm thuốc tê vào mí mắt bên trái . Xong chúng tôi ngồi đợi bên ngoài đâu chừng mươi phút .

                            Tôi được dẫn vào nằm trên một giường giải phẫu . Hai ba ngọn đèn bạch quang sáng rực trên mắt tôi . Lúc này bác sĩ Nam và và bác sĩ phụ tá tới . Họ mang găng tay và bịt mũi miệng .

                            Tôi chỉ thấy mang máng họ đẩy một cái máy lên trên đầu , và nghe tiếng soẹt soẹt trên con mắt trái tôi . Vì đã chích thuốc tê nên tôi không cảm thấy đau .

                            Chừng đâu mười phút cuộc tiểu giải phẫu này xong . Sau khi dùng miếng băng tròn bịt mắt trái tôi lại , bác sĩ Nam dặn dò :
                            - Giải phẫu rất tốt đẹp , anh ngày mai tới khám .

                            Tôi cám ơn bác sĩ và các vị phụ tá và bước ra ngoài . Lúc này tôi không đeo kiếng , mắt phải tôi cận lên đến gần 10 độ . Bà nhà tôi bước tới dìu tôi xuống đường . Ngoài đường mưa còn rơi lất phất , đèn điện đã lên sáng lờ mờ .

                            3/10/09
                            #59
                              Tung Son 17.10.2009 18:12:58 (permalink)
                              Tái khám

                              Sáng hôm sau thấy tôi chuẩn bị đi tái khám , bà nhà tôi hỏi han :
                              - Ông có cần tui dắt đi không ?

                              Tôi thầm nghĩ giá như tôi đeo kính râm lại có người cầm tay dắt đi từ trong chợ ra đến đầu đường Phan Đình Phùng , chắc cũng được bố thí vài ngàn đồng .
                              - Không cần bà ơi ! Bà cứ tiếp tục ngủ đi . Tối qua tui thấy bà cứ trằn trọc hoài à .

                              Trong phòng khám , bác sĩ Nam sau khi xem xét kỹ lưỡng con mắt tôi :
                              - Mắt tốt lắm , chỉ đo đỏ thôi . Tôi kê toa cho ông mua thuốc về nhà rỏ nhé .
                              - Bác sĩ ơi ! Mắt tôi sao vẫn không thấy rõ lắm hả bác sĩ ?

                              - Tôi coi rồi , mắt trái của ông từ 12 độ bây giờ xuống còn 5 độ . Để vài ngày nữa mắt lành hẵn , tôi sẽ làm một cuộc giải phẩu nhỏ thôi . Bây giờ ông cứ yên tâm ra về . Mai sẽ có y sĩ tới tận nhà khám cho .

                              Lại mổ nữa , tôi ngán nhất là việc mổ đi mổ lại . Tôi bước ra ngoài phòng khám , lòng đầy phân vân . Thứ Sáu tuần sau cả gia đình tôi sẽ trở về Mỹ . Giá như hôm nay con mắt trái của tôi làm tốt thì thứ Ba tuần sau giải phẫu mắt phải kia . Nhưng giờ đây mọi chuyện đều không như ý muốn . Nếu để yên tình trạng này mà về Mỹ . Một mắt 5 độ còn con kia đến 12 độ . Lòng vẫn không biết quyết định ra sao , tôi về hỏi thăm ý kiến mọi người trong gia đình . Cô em tôi khuyên :
                              - Được dịp làm luôn đi anh . Cho chị và các cháu về trước . Anh cứ ở đây yên tâm dưỡng bệnh .

                              Thế là tôi đi xe ôm lên đại lộ Nguyễn Huệ vào văn phòng máy bay Eva đổi lại chuyến bay của tôi về Mỹ .

                              Nhân tiện tôi ghé vào nhà sách ở đường Nguyễn Huệ mua vài cuốn sách Cờ tướng thuận pháo nghịch pháo của Quách Trung Bí .

                              Nhà sách Fahasa rất khang trang . Sách đủ loại được bày biện trên các kệ sách . Dĩ nhiên những hàng đầu trưng bày sách về triết học Mác Lê Nin hay văn thơ Cách Mạng . Các cô nhân viên trong áo dài màu hồng nhạt xinh xắn đứng rảnh rang nhìn khách ra vào . Thấy tôi cứ mày mò các hàng sách trên kệ , một cô tiến đến gần , niềm nở :
                              - Chú muốn kiếm sách nào hả chú ? Sách cờ tướng hả chú , chú vào góc kia . Tha hồ chú lựa nhé .

                              Cuốn sách cờ tướng loại bìa cứng giá đến 100 ngàn , còn loại bìa thường chừng vài chục ngàn . Sách đề giá bao nhiêu , ra tính tiền trả bấy nhiêu . Không tính thuế phụ trội 8 % như thành phố tôi đang ở . Tùy nơi có thể hơn hoặc kém một chút . Nhưng ở Mỹ trong tiệm sách , có vài loại sách còn lại dăm ba cuốn và được bán on sale , có khi đến 75 % . Nhưng bên Việt Nam tôi chưa thấy sách bán khuyến mãi bao giờ .

                              Vừa khệ nệ khiêng sách vào nhà , bà nhà tôi la hoảng lên :
                              - Mắt mũi ông như vậy , mà còn đọc sách chi nổi .

                              Tôi chối bai bải :
                              - Không , tui sẽ nhờ cháu Vinh đọc sách giùm , rồi tui nhẩm cho thuộc , giống như mình chơi cờ mù vậy .

                              Bà nhà tôi giận dỗi : " Ông muốn làm gì thì làm .

                              Tôi quay sang cô em tôi :
                              - Này cô Thu , cháu Vinh đâu rồi , à nó đây rồi , hai bác cháu mình lên lầu .

                              Đến chiều hôm đó trên sân thượng nhà , văng vẳng tiếng nói :
                              - Bác đi trước nhé , Pháo 2 bình 5 .
                              - Cháu tiếp đây , Pháo 8 bình 5 .

                              Chừng đâu nửa tiếng cháu Vinh lên tiếng :

                              - Thôi mình đổi qua chơi cờ khác đi bác . Chơi cờ úp .
                              - Úp là sao .

                              Cháu Vinh giảng giải :
                              - Cờ như bây giờ là cờ mở , mỗi bên mười sáu quân xếp theo đúng vị trí thứ tự . Năm anh chốt thì đứng canh bên bờ sông , sau đó là hai thằng đại pháo và cuối cùng là hàng chiến sĩ xe ngựa . Tướng thì núp trong cung . Còn cờ úp , trừ anh tướng ra , tất cả quân cờ đều úp xuống . Khi vào khai cuộc , hai người chơi đều xoa quân cờ của bên đối thủ , úp quân cờ xuống cũng theo vị trí xe pháo mã . Nhưng hoàn toàn không biết con đó là quân cờ gì . Thoạt tiên như cháu đi tiên , mà cháu nắm con cờ nằm ở vị trí con pháo 2 . mở ra thí dụ là con mã , thì nó phải bước đi theo chân mã , nếu nó là con tượng thì nó sẽ đi hình chéo , có thể băng qua sông chiếu bắt tướng . Có nghĩa là bất cứ con cờ nào đều có thể qua sông để chiếu bí tướng .
                              - Thế con tướng có chạy qua sông để chém đầu tướng địch như ông Quan Công " Qua năm ải chém sáu tướng " thời nhà Hán không ?
                              - Cháu hổng biết ổng , nhưng cờ úp thì tướng không qua sông , chỉ lòng vòng trong cung thôi . Cờ chơi cũng vui lắm , bác thử nhé .
                              - Bác mắt mũi thế nào có biết con nào đâu nằm đâu mà đi . Thôi mình chơi cờ mù đi .
                              - Hổng được bác ơi ! Má cháu cấm chơi cờ mù ,
                              - Sao vậy ?
                              - Má cháu biểu "Kiêng."

                              16/10/09
                              #60
                                Thay đổi trang: << < 456 > >> | Trang 4 của 10 trang, bài viết từ 46 đến 60 trên tổng số 145 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9