RE: Những ngày tháng qua
24.11.2010 19:39:02
(
permalink)
Đứng trên tỉnh lộ đón xe trở về Sài Gòn không bao lâu tôi đã thấy bóng dáng một chiếc xe khách trờ tới . Xe lèo tèo vài người hành khách . Tôi bước xuống cuối xe định ngồi cạnh một bao giỏ to tướng thì bỗng nghe một tiếng trong trẻo của một bà nào đó :
- Chú Hai , chú Hai coi chừng dập trứng !
Nghe vậy tôi giật mình , ngó dáo dác xung quanh , lòng nghĩ thầm có thể mình ngồi lên một giỏ đựng trứng của bà ta chăng ! Nhưng nhìn mãi chỉ thấy vài giỏ đựng trái cây xung quanh tôi .
- Trứng ở đâu mà dập vậy chị Hai ?
Bà ta cười ỏn ẻn , đáp :
- Chú ngồi lên giỏ trái cây sầu riêng của tôi đó , nó có nhiều gai nhọn lắm đó , tui sợ dập trứng của chú .
Biết chị ta đang chọc ghẹo tôi , tôi mỉm cười không nói , dịch người ngồi lên hàng ghế trên . Ngồi cạnh là một bà tuổi sồn sồn đang chăm chú đọc sách . Tôi liếc sang nhìn , đó là một cuốn sách nhằng nhịt toàn chữ Anh , bèn hỏi nhỏ :
- Chị Hai giỏi há , đọc được sách truyện tiếng Anh ?
Bà ta ngó lên nhìn tôi , nhướn mắt ra :
- Cái này không phải truyện mà là sách giáo khoa dạy tiếng Anh ?
- Chị là giáo sư ?
- Hông , em chỉ là giáo viên .
- Chị dạy lớp mấy ?
- Mười hai .
Tôi nghĩ thầm , giáo viên dạy lớp 12 ít nhất phải tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm , rồi nói đùa với bà ta :
- Dzậy hả chị , tui đang định tìm người dạy bổ túc dzăng hóa , Anh ngữ sơ cấp .
Bà ta hớn hở ngước mắt lên , rồi nhìn tôi ra vẻ dò hỏi :
- Chú định đi công cán ở nước ngoài hả ?
- Hông , học chơi thôi .
- Tui nghĩ chú nói giỡn .
- Thiệt mà , xưa tui có người bạn tên là Bàng đi công cán ở nước ngoài , làm việc ở Nữu Ước . Hắn mê câu cá bắt ốc bắt sò như tui . Một hôm hắn cùng một bác tài xế qua miệt Long Beach mò sò bắt cua thế nào đó bị cảnh sát tới hỏi bằng câu cá . Tiếng Anh tiếng u ấm a ấm ớ , trả lời sao đó bị cảnh sát lôi về bóp phạt . Bởi vậy nếu tui có qua bển , nói tiếng Anh bằng động từ TU QUƠ , biết đâu họ thông cảm cho dzìa .
- Nếu mà chú muốn học bổ túc thiệt , tui lấy giá phải chăng .
Vừa nói bà ta lục lọi trong bóp giỏ lôi ra một miếng danh thiếp nho nhỏ .
- Em tên là Bùi thị Loan , trong đó có số điện thoại của em .
- Ừ, tui cũng có đứa em tên là Lon , bạn bè nó hay gọi nó là nhỏ Gáo không hà !
- Em hông hiểu lắm . Tên Loan đẹp dzậy , sao biến thành Gáo ?
Tôi bèn cắt nghĩa cho bà ta . Thuở xa xưa có một bà tên là Loan , bà này thích bói toán rồi nhờ thầy bói đoán cho một quẻ . Thày không biết chữ , nghe bà ta xưng tên là Loan , âm thì nghe na ná như là Lon , bèn vẽ hình một cái gáo để lát nữa tiện bề cúng kiến . Sau chừng nửa giờ thày quên tên Loan của bà ta , ngó vào tờ giấy vẽ hình rồi âm a : "Địa linh linh , địa linh linh cầu giời phù hộ cho bà .... bà Lê thị ... thị Gáo . "
Bà Loan hình như lơ đãng không chú tâm đến những lời lý giải vớ vẩn đó của tôi .
- Nếu như anh Hai chịu khó học ghi danh vô chương trình tuyển sinh của nhóm chúng tui , đảm bảo với anh Hai là một năm sẽ có văn bằng cử nhân , hai năm có tiến sĩ .
- Sao thằng con tui nó phải học bốn năm mới ra được kỹ sư tin học rồi mất thêm hai năm mới được cái bằng phó tiến sĩ . Kỳ này mà tui được cái bằng tiến sĩ thì mấy thằng bạn nối khố tui phải lé mắt ra mà xem .
28/6/2010
Vừa lúc ấy chiếc xe khách thình lình lắc mình đỗ vào một bên vệ đường , khiến hành khách chúng tôi bổ nhào về đằng trước . Một đám bọn trẻ hai mươi bốn , hai mươi lăm lao nhao chen chúc leo lên xe . Đứa nào đứa nấy mặt mày lem nhem những sình là sình , đất bùn đen xám còn vương vải trên những khuôn mặt còn non trẻ và trên cả áo quần . Có thể nói toàn thể con người từ đầu đến chân đầy một màu xám đen , mầu của đất sình . Tay đứa nào cũng khệ nệ khiêng một thùng can nhựa hai mươi lít , trong chứa những chất đen đen , bên ngoài cũng đầy vết sình đen . Chúng ào ào bước vô tìm chỗ ngồi ở những băng ghế phía sau . Một số hành khách sợ lem dính vào quần áo họ vội vàng chen lên hàng ghế đầu xe .
Tuy những khuôn mặt như những cô bé lọ lem Cinderella , nhưng tôi vẫn nhận ra nguồn sinh lực trẻ trung của chúng , với nét mặt hớn hở vui tươi . Tuổi chúng nó chắc cũng ngang ngang tầm cỡ con tôi . Nhìn xuống thùng can nhựa đầy vết sình đen , tôi không hiểu rõ chúng đựng những thứ gì . Chúng đi buôn chăng , buôn gạo buôn muối buôn đường . Chắc là không rồi ! Hay là chúng nó đi buôn đất . Đất đây có một nghĩa đen thực sự , không như đi buôn dân bán đất như của một số người độc quyền yêu nước , mà họ bán luôn một phần đất của quê hương này . Tôi quay xuống dưới , nhìn sang một cô gái . Cô ta ngồi trên lòng một chàng trai trẻ . Có lẽ xe không còn đủ chỗ ngồi , nên họ ngồi chồng lên nhau chăng ? Tôi đoán hai đứa trẻ này có lẽ là đôi tình nhân hay là cặp vợ chồng , vì theo cử chỉ điệu bộ thân thiết âu yếm với nhau , không có vẻ gì là thẹn thùng mắc cỡ .
Nghe tôi hỏi vật gì chứa đựng trong thùng can nhựa , cô gái với mái tóc sình đen , ánh mắt đầy vẻ tinh nghịch , nói rõ to :
- Con ...
Tôi nghe ba tiếng đó , âm thanh gọn gàng, chắc nịch , làm da mặt tôi hơi nóng bừng lên . Tôi không nghĩ những lời nói đó bình dân nhưng đầy sự thô tục mà phát ra từ miệng một cô bé xinh xắn như vậy . Giá như mà nó là u ... u thì còn có vẻ nhẹ nhàng thanh tao hơn chăng , những tiếng mà mẹ hay gọi những cậu con bé bỏng , cu Tí ơi ! cu Tèo ơi ! Đằng này lại là âm vận " ặc ặc " vừa cộc lộc dung tục . Nhưng tôi lại không cảm thấy có một nét tục tĩu nào , có lẽ là những chữ thường dùng của bọn trẻ miền Nam này chăng . Khác rất nhiều so với cách dùng từ chửi bậy của một số trẻ con ngoài Bắc . Nghe xong rồi phật ý bỏ đi liền .
Nói xong cô ta lấy bàn tay đầy sình âu yếm xoa xoa lên đầu chàng trai trẻ ngồi cùng ghế với cô . Tôi hình dung ra một gã ăn mày dáng nho nhỏ , áo quần lam lũ , mặt mũi lem nhem bùn đất , một Hoàng Dung cùng sánh vai với gã Quách Tĩnh bên lầu Phượng Các trong truyện Anh Hùng Xạ Điêu . Quách Tĩnh đang vòng tay ôm eo , mang đang mơ màng gật đầu ngủ . Có lẽ sau những ngày lao động vất vả chăng ?
Tôi thắc mắc hỏi tiếp :
- Các cháu tìm được mấy con vật này ở đâu vậy ?
Cô gái lọ lem đó nhanh nhẩu đáp :
- Thì ở chỗ tụi cháu lên xe đó bác .
Cô bé nói chuyện huề vốn , đúng thì đúng thật . Cái chỗ chúng tìm được đào được chắc hẵn là ở vòng vòng những khu gần đó . Nhưng là chỗ nào , ý tôi nghĩ là giá như mình muốn đi tìm đi mò mấy con đó thì tìm nơi mô .
Tìm em như thể tìm chim
Chim bay xứ Bắc anh tìm biển Nam
Giờ đây trôi nổi phương này
Chim bay lưu lạc tới ngay xứ này
Những cánh rừng tràm rừng đước rừng mắm chen chúc nhau , đua nhau mọc . Không có ai dẫn đường chỉ lối , biết đâu mà tìm .
Một cháu khác xen vô :
- Nói vậy chớ , từ đó vô trỏng còn khá xa . Phải lội bộ lội sình bùn mấy cây số nữa mới tới chỗ đào mấy con này .
- Cuốc xẻng đâu , hổng thấy các cháu mang theo người .
Cô bé cười , một nụ cười thật tươi :
- Tụi cháu dấu hết ở trỏng rồi . Khi vô trỏng chỉ cần mang theo cái thùng nhựa này thôi .
Nói xong cô bé thò bàn tay vào trong thùng nhựa , lôi ra một con vật nho nhỏ . Nó chỉ bé bằng ngón tay trỏ hay ngón tay cái tôi . Đen sì bám đầy bùn đất , nó ngo ngoe co dãn thun ra thun vô như con đĩa .
- Thế các cháu mang về ăn về nhậu à ?
Cô bé lắc đầu nói :
- Bán .
- Bán cho ai , chú chẳng khi nào chú thấy bày bán ngoài chợ cả .
- Giống này hổng dám bán ngoài chợ đâu chú , công an bắt thấy mẹ . Quốc cấm đó chú . Cái này giao cho mối lái , họ đón tụi cháu rồi về giao cho các nhà hàng .
- Một kí chừng bao nhiêu hả cháu ?
Cô bé chép miệng , ngập ngừng một chút :
- Chừng trăm ngàn . Nhưng vất vả lắm chú ơi ! Tụi con lội sình lội bùn đến mấy cây số , nhiều lúc nước mặn nước lợ ngập qua cổ họng , rồi lặn hụp trồi lên trồi xuống bao phen , mò mẫm đào mò mãi . Một thùng như vậy may mắn cũng một ngày , có khi hai ngày . Chỗ này không có phải lội qua chỗ khác . Mương này không có lại bơi qua mương kia . Công an thỉnh thoảng nổ súng vây bắt tụi con . Tụi con phải bỏ hết đồ nghề , thùng thiết bỏ chạy lấy thân . Chạy thoát ra ngoài bìa rừng cũng hổng dễ , công an cũng ra ngoài rình rập để bắt .
Tôi tò mò hỏi thêm :
- Cái con này ăn ra làm sao , các cháu ăn qua bao giờ chưa ?
Bọn trẻ trong xe có đứa gật đầu .
- Con này dễ làm lắm chú . Trước tiên rửa sạch chúng nó rồi đem ngâm với nước vôi vài giờ . Chặt bỏ cái phần da này rồi lộn ngược nó rửa sạch , bóp với muối dấm .
Cứ như theo cách chúng chỉ dẫn thì phương pháp này giống như tẩy rửa bộ đồ lòng của heo gà .
- Cách nấu nướng như thế nào ?
- Ai thì cháu không biết , tụi cháu cứ luộc lên xong chấm nước mắm chanh ớt . Khi ăn nó sừng sực dòn dòn , ngọt còn hơn mực nang tuổi còn chưa lớn .
- Còn như nhà hàng họ sửa soạn ra sao ?
- Nhà hàng thì họ bày ra nhiều trò lắm chú , như là Long Tu Quá Hải , Kiến Long Tại Điền .
Cũng là mấy ông khách Việt kiều , các bác đại gia đỏ có tiền có bạc rủng rỉnh về Việt Nam ăn chơi hưởng thụ . Từ nhà hàng này qua nhà hàng khác , từ quán karaoke đến các vũ trường sang trọng . Tôi đã từng nghe , xem qua các cuốn DVD chiếu những đêm Sài Gòn ăn chơi không thiếu gì các món ăn vật lạ mà nếu như bà Từ Hi Thái hậu sống lại cũng bật ngữa . Dơi ba món , máu rắn , mật gấu pha rượu whisky , thằn lằn núi , rắn hổ Taipan , rắn mamba Phi châu , rồi dần dần đến những con côn trùng ếch nhái bọ hung, nhện bò cạp như ở Thái Lan , tạo ra những nhu cầu bất cập , những cái không cần thiết cho đời sống . Có một lần chúng tôi ngồi trên xe tắc xi khi đi xuống chợ Bến Thành mua sắm . Mấy đứa con chỉ trỏ vào các cửa hàng ăn sang trọng gần dinh Độc Lập cũ , các quán ăn nhậu thật sang trọng . Chúng nó nhận xét :
- Bố nói là người dân Việt Nam nghèo đói lắm mà , bố nhìn vào các cửa hàng ăn uống xem . Nghèo khổ gì đâu bố !
Lúc đó thật tình tôi không biết trả lời ra sao . Chúng tôi đã đi qua từ Đà Nẵng ,Huế , Hội An , Hà Nội , Ninh Bình, Quảnh Ninh , Hạ Long , Sài Gòn với những vẻ hào nhoáng bề ngoài , của một số các bin đinh nhà hàng sang trọng của Sài Gòn Hà Nội . Chúng tôi được xem qua những cảnh đẹp như kẻ cưỡi ngựa xem hoa làm sao đánh giá đúng mức được . Chúng nó không có dịp đi xa ra khỏi ngoại thành ra ngoài miệt An Phú Đông , miệt Bình Thới , Bình Triệu có những dãy nhà lụp xụp nhà mái lá tranh dột nát , có những mái lều ủ dột chỉ được bao phủ bằng những tấm ni lông rách nát .
Trước khi đến bến phà Bình Khánh bọn trẻ một lần nữa ào ào xô lấn chen ra khỏi xe . Chúng đứng dáo dác như thể đang tìm ai . Những đứa con trai con gái khuôn mặt đầy những vết sình với quần áo lem nhem bẩn thỉu . Tôi liên tưởng đến những phích to lớn treo đầy các ngả tư ngả năm trên thành phố Việt Nam , những bảng vẽ to lớn tô đậm những hàng chữ Lao Động Là Vinh Quang . Nhưng nếu chúng nó không lội sình lội bùn , lang thang chắc chắc là chúng sẽ chết đói . Phải chăng đó là hình ảnh tương lai của dân tộc Việt Nam ?
Dọc theo bến đò Bình Khánh tôi trông thấy chừng đâu bảy tám bà cụ hoặc những cô gái trạc chừng 12 ,13 tuổi ngồi sau những gánh hàng bán dừa nước . Mắt họ lơ đãng nhìn theo dòng người qua lại . Chợt một bà già với khuôn mặt nhăn nhúm , miệng móm hẵn trông thấy tôi bèn mời mọc :
- Cậu Hai ! Mua ít dừa ăn giải khát đi cậu .
Tôi rất ngại ngùng khi phải dùng các loại nước giải khát hay sinh tố bán dọc các lề đường khu xóm . Nước lã được pha chế ắt hẵn là từ vòi nước phông tên hay từ một nguồn nước không rõ lai lịch . Ở Việt Nam được khuyến cáo không nên uống nếu chưa được đun sôi .
Những mảnh dừa nước trắng phau phau nằm sấp ngửa trong cái châu nhôm trắng nham nhám . Nước đá cục lểnh mểnh bồng bềnh trên mặt chậu . Tôi ngần ngừ .
- Mua đi cậu , dừa này già mới vừa bóc xong , thơm phức nè cậu .
Những lời đó có lẽ đủ sức thuyết phục tôi . Có gì đâu , nếu chẳng may đau bụng thì tôi đã có sẵn mấy viên Imodium ở nhà .
- Vậy thì cụ lấy cho cháu ... một bịch à không ... năm bịch . Cụ cột dây thun cho chắc nhé . Cháu mang về nhà mới ăn .
Cụ già với hàm răng móm mém tươi cười nhanh nhẩu bọc lại năm bịch dừa nước trao cho tôi :
- Lần sau cậu ghé qua đây nhớ sang hàng dừa nước của tui nhé .
Qua phà đón xe về Sài Gòn và về Phú Nhuận cũng hơn một tiếng , trời cũng vừa nhá nhem . Ánh đèn điện bên đường vừa bật sáng .
Bữa cơm tối đó , cả gia đình cô em tôi quây quần bên chiếc bàn gỗ nho nhỏ trong phòng khách . Một đĩa thịt cốt lết chiên , vài con cá bống kèo kho tộ màu nâu vàng và một tô canh có những chiếc lá ngả sang màu vàng uá . Tôi nhìn tô canh không có vẻ quen thuộc lắm , lá không giống như lá chanh , cũng không giống như lá ngót .
Cô em tôi tươi cười bảo :
- Ăn đi anh , canh này chắc anh chưa bao giờ xơi phải không . Canh chua lá giang đó anh .
Tôi nếm thử , mùi vị chua , chua nhè nhẹ , không gay gắt như dứa nhưng không thơm bằng . Nó lại nham nhám không mềm dịu như bông so đũa .
Tôn chồng cô em tôi xen vào :
- Mấy cái lá này trên vùng kinh tế mới mọc hoang dại um tùm , tụi em bứt lá ra thử , nó có mủ trắng . Hoa thì mọc từng chùm , có chỗ màu hồng có nơi thì hồng lạt . Người ta biểu lá giang có tính dược cao , chữa được nhiều bệnh . Nhưng hổng nên dùng thường xuyên , dễ bị lủng ruột . Nhứt là hổng nên nấu bằng nồi nhôm vì nó ra nhiều ten lắm . Muốn an toàn thì phải mua nồi i nóc xi đáp mới được .
Tôi nghĩ chỉ có quê hương Việt Nam mới có những ngọn rau ngọn cỏ đặc dị thơm ngon như vậy , được nhặt nhạnh từ những cánh rừng , những bờ kinh bờ ruộng những loài hoa cỏ không tên tuổi , rồi được dân gian đem về thử nghiệm ăn thử .
Tôi ậm ừ rồi hỏi tiếp :
- Trên vùng kinh tế mới , dân nghèo thấy mẹ lấy chi mà nấu .
Tôn cười buồn :
- Thì hổng ăn canh chua , xơi khoai mì mãi mãi mà anh .
Tôi nhớ đến những ngày tháng tị nạn tại đảo Kuku mỗi đầu người cứ năm ngày được phân phát một bịch thực phẩm , trong đó có một kí gạo , hai lon đồ hộp . Đồ hộp chỉ gồm có hai ba loại duy nhất , không paté thì lòng dạ bò hoặc móng heo hầm nhừ . Ăn đâu chừng một tuần lễ , bọn chúng tôi không thân nhân , không tiền trợ cấp, xót xa lòng dạ , bèn rủ nhau đi ra bìa rừng nhặt nhạnh vài cọng cỏ trai , rau sam , rau mồng gà . Cỏ trai mùi vị nhàn nhạt như cỏ , rau sam toàn là những cọng già dai nhanh nhách , rau mồng gà vị lại đăng đắng . May mắn là không có mạng nào đi theo ông bà ông vải .
Cô em tôi nhìn chăm chăm vào tôi rồi hỏi :
- Canh lá giang ăn được không anh , em nấu với râu tôm cho nó mặn mà . Sao nó chua à . Không , anh tự nhiên mà ăn . Dưới bếp còn cả nguyên nồi canh lá giang để dành cho anh .
Cơm nước xong , tôi lôi ra mấy bịch dừa nước ra mời cả nhà cô em tôi :
- Dừa nước này tui mới mua ở Nhà Bè , còn tươi nguyên .
Cô em tôi mở bịch nước dừa ra , đưa vô mũi ngửi :
- Mèn đét ui ! Có mùi chua , chắc là họ nạo dừa từ ngày hôm qua .
Tôi cũng xé một bịch khác ra , rồi ngửi :
- Ừ ! Vậy mà mấy bà ngoài đó rối rít mời : " Dừa tươi đây , dừa tươi đây ."
Cô em tôi chợt lên tiếng :
- Anh Hai còn ở đây mấy ngày nữa , muốn ăn uống gì thì cứ biểu tụi em , hay là mai em mua hột vịt lộn dzìa ăn .
- Ủa ! Ở chợ này hổng bán hột gà lộn à !
Cô em tôi nhíu mắt ngạc nhiên :
- Có gà lộn à !
- Có chớ , bên Mỹ họ bán đầy ở ngoài các chợ Việt Nam , bảy tám chục xen (cent) một trứng . Mấy người bạn anh đôi khi ra ngoài hồ lượm được cả hột ngỗng lộn nữa , mời mấy người bạn Mỹ về nhà nhậu . Có khi họ làm cả tiết canh ngỗng mời họ nhậu . Tụi Mỹ nhí nhắng hỏi :" Cái giống gì vậy ? Tụi bạn anh trả lời : " Vietnamese Pizza " .
- Pizza sao nó hổng giống như pizza của Ý , mềm nhũn à !
- Mềm nhũn nhưng mặn mà lắm .
Đến khi họ biết là Vietnamese pizza chế biến từ tiết con ngỗng , chu chao ui , tụi nó chạy vô phòng vệ sinh thiệt lẹ .
Cô em tôi chợt lên tiếng hỏi :
- Anh Hai có ăn qua bột chiên bao giờ chưa .
Tôi lắc đầu , lòng chưa hề nghĩa đến cái món bột nào dùng để chiên . Bột nào mà chẳng chiên được , từ bột gạo , bột mì , bột mìn tinh , bột sắn . Cứ rán cứ chiên lên là xơi được tất . Thật ra tôi không thích ăn những món nào chiên hay rán . vì những thứ này đầy những dầu mỡ .
Từ nhà cô em tôi ra đến đầu chợ chừng mươi phút .Ban đêm trên đầu chợ mấy chục năm qua vẫn có bày biện vài hàng quán bán đêm . Xe bán sâm bổ lượng của ông già người Tàu . Xe sinh tố của bà Năm Mập , một sập bán ốc nghêu sò ốc hến và cạnh đó là một xe đẩy hai bánh của chú Tư Bánh Ít .
Tôi thảng thốt kêu lên :
- Mèn đét ơi ! Tưởng bột chiên là giống gì . Món này ngày xưa thỉnh thoảng tôi ghé qua ngang rạp hát Kinh Thành gần chợ Tân Định xơi hoài . Nhưng món này ăn chừng một dĩa thôi , qua đến đĩa thứ hai xơi hông nỗi .
Cô em tôi mỉm cười :
- Anh Hai xơi hổng nổi chớ con Dung nó ăn đến ba dĩa lận .
- Dung nào vậy ?
- Con cô Tư đó anh quên rồi sao ? Năm ngoái cô Loan có dắt con Dung về Việt Nam chơi . Tiện thể nó rủ một người bạn cùng phái học cùng lớp về chơi . Cô nhỏ đó Mỹ trắng , tóc vàng . Hôm tụi nó về đây chơi , cả chợ đều ngắm nhìn đều khen đẹp . Con bé đó mỗi tối thích ra đầu chợ ăn món bột chiên này lắm . Ăn xong hai đĩa tụi nó còn gọi mỗi đứa hai ly nước mía đầy vung . À , có chuyện này em kể cho anh nghe . Bữa đó ,em dắt hai đứa nó ra đây thì có một thằng cha nào ngồi nhậu , trên bàn còn vương vải mấy dĩa ốc . Trông thấy cô gái Mỹ xinh đẹp , hắn làm bộ, xì xô xì xào với cô gái Mỹ một hồi , mà không thấy cô gái Mỹ trả lời lấy một câu , hắn quay sang hỏi em : " Chị Út ơi ! Con nhỏ Mỹ bộ nó hổng biết tiếng Mỹ sao vậy ! Em hỏi nó bằng tiếng Mỹ thông dụng , nó cũng làm thinh , em dùng Anh ngữ cao cấp hơn một chút , nó cũng im luôn . Tóc vàng vàng chắc hổng phải Mỹ . Anh biết không , về nhà em mới hỏi con Trân bạn nó . Con Trân mới thông dịch như vầy : " Nó hiểu chớ , hắn ta nói tiếng Anh tiếng Mỹ cỡ nào mà nó chẳng hiểu . Có điều là ... hắn nói nham nhở quá . Đầu tiên nó khen cháu đẹp . Beautiful ! Kế đến nó hẹn , nó rủ đi xi nê , rồi nếu được nó hỏi tui có bằng lòng lấy hắn không ? "
Qua hôm sau em gặp hắn , biểu là nó không phải là người Mỹ mà là dân Tây . Hắn cười nhe răng rồi nói : "Để mai mốt em học tiếng Tây rồi tìm nó nói chuyện . " Rồi mãi đến khi hai đứa nó về Mỹ , bắt gặp hắn , tay hắn cầm cuốn sách dạy tiếng Pháp , miệng còn lẩm bẩm : " La tete là cái đầu , je t'aime là tui yêu em vô cùng .. je t'aime je t'aime . .
Lần này là lần thứ ba tôi trở về Việt Nam và khi ra phi trường Tân Sơn Nhất đi về Mỹ tôi nhất quyết không mang theo hành lý túi giỏ xách tay theo người . Dù nó to hay bé . Khi lần đầu tiên về Việt Nam thăm mẹ tôi bệnh nặng , hành lý quần áo cá nhân , quần đùi quần lót áo thun không về kịp nên tối đó tôi không có quần áo để thay . Ban đêm chợ búa đều đóng cửa . Đến lần thứ hai đã có kinh nghiệm đau thương , tôi luôn luôn kè kè bên mình một cái túi xách tay nho nhỏ , trong đó chỉ có một hai cái quần đùi áo thun , kem và bàn chải đánh răng . Đến khi ra phi trường trở về Mỹ , tôi đang lơ ngơ lơ ngớ trong phòng đợi , bỗng chợt thấy hai anh đầu đen bước tới . Sắc mặt nghiêm nghị , mắt nhìn thẳng vào tôi , gằn giọng ra lệnh :
- Ông kia ! Mở cái túi xách ra cho chúng tôi kiểm tra .
Tôi sửng sốt , tự hỏi nơi đây sao lại những người mặc thường phục ngang nhiên xét đồ xét đạc hành khách . Tôi e dè hỏi lại :
- Các ông là công an ?
Một trong hai người nặng giọng :
- Đúng vậy . Mở giỏ ra . Chúng tôi theo dõi ông từ khi ông vào đến đây . Trong đó có cái gì mà khiến ông phải khư khư ôm chặt nó vậy ?
Dù bực mình , nhưng tôi vẫn nhếch nụ cưòi lấy lòng :
- Giỏ có gì đâu .
Vừa nói tôi vừa mở banh cái túi giỏ ra . Bên trong chỉ vỏn vẹn hai cái quần đùi và lổng chổng cái bàn chải đánh răng .
Mặt tên công an dài hẵn ra , chưng hửng tưởng rằng phen này bắt được một tay trùm bạch phiến có tầm cỡ quốc tế . Hắn cố lấy tay lục lọi một hồi lâu , thật kỹ . Xem chừng không có gì họ xin lỗi , ngoay ngoắt bỏ đi .
Từ trên cánh máy bay của hãng Eva , Hàng Không Đài Loan , ngồi cạnh một cửa sổ kính , tôi ngó ra ngoài . Những dãy nhà tôn nhà gạch chập chùng phía dưới . Mái tôn xam xám lẫn lộn màu nâu sét rỉ từ từ trở thành nhỏ đi khi máy bay tiến lên cao độ . Dòng sông Sài Gòn vàng đục lững lờ uớn cong . Một đám mây trắng bay ngang che khuất tầm mắt tôi , nước mắt tôi như muốn muốn nhoè ra . Quê mẹ tôi đây , giờ đã xa hẵn rồi .
Khi ra khỏi máy bay American Airlines để vào phòng lấy hành lý , tôi nhìn đồng hồ biết rằng giờ này hơn bốn giờ sáng . Nơi đây tôi chợt thấy một ông đầu đen đang đứng chờ hành lý sắp sửa chạy vòng qua khung thép chuyên chở hành lý . Ông này tôi quá quen , ông là chủ một siêu thị khá nổi tiếng ở thành phố Arlington .
- Khỏe không anh Ba ?
Ông ta quay sang , gặp tôi nở nụ cưòi chào . Giọng ông ta lơ lớ nửa Tàu nửa Việt .
- Nị mới Việt Nam dề hả ?
- Ừ ! Còn ông ? Về VN lấy thêm bà vợ nhỏ nữa hả ?
- Ngộ hổng dám à , con vợ nị biết được uýnh thấy mụ nội .
- Thế ông về chơi chăng ?
Ông Ba lắc đầu .
- Dzìa mua đất .
À ! Lại có thêm một người nghe lời dụ dỗ ngon ngọt . Người về Việt Nam mua nhà mua đât có kẻ thành công có người thất bại . Bạn bè , người thân cháu chắt tôi thỉnh thoảng cũng gọi điện thoại rủ rê tôi hùn hạp mua nhà mua đất . Tôi cứ cười trừ . Làm ăn với Việt Cộng họ có nhiều thứ luật , cả một rừng luật thay đổi liên miên , nay thế này mốt thế nọ . Chẳng biết khi nào mà đón mà đỡ .
- Đất ở đâu vậy ? Phú Mỹ Hưng ?
Ông ta lắc đầu .
- Ở đó mắc bỏ mẹ , mua xa một chút giá rẻ hơn .
- Anh đứng tên đất ?
- Không , nhờ ông anh tui .
- Thế anh gặp bọn cán bộ , họ có vui vẻ tiếp chuyện không ?
Ông ta mặt tiu nghỉu , giọng trầm buồn :
- Mẹ kiếp , mấy chả mặt thì ngu như bò còn miệng thì hét ra lửa . Lần này tui về làm ăn với tụi nó một chuyến thôi , lần sau tui đếch thèm .
Tôi mường tượng ra những con người trong thời đại tiên tiến , mặt mũi trông không đến đỗi ngu si lắm , cái óc toàn tính chuyện nhảy vọt năm năm mười năm , những lỗ miệng phun ra lời gầm thét , chửi mắng như rồng rắn . Tôi tự nghĩ hoài , không biết đó là những con sinh vật nào trên trái đất này lại có thể tồn tại được trong mấy chục năm qua . Phải chăng là con rồng bảy đầu mười sừng trong sách cổ nói ư ?
Tôi xin mượn lời của một người bạn Hàn Lệ Nhân để kết thúc một chuyến về thăm quê hương :
Tôi là con chim lạc bầy từ muôn chim kiếp trước
Tôi là mây bay ngàn đời trên trời tha phương
Quê mẹ trong tôi chỉ là văn chương
Ai về quê hương nhặt giùm vài ba nhánh lúa
Ôm chặt trong tay bồi hồi nghe lòng say say
Quê mẹ tôi đây ! quê mẹ tôi đây !
Hoang Hac ngày 20 tháng 8 năm 2010