Văn học đương đại Trung Quốc là rác? Wolfgang Kubin
Ngọc Lý 14.06.2007 05:25:57 (permalink)
Bài này đáng lẽ nằm trong phần Bình luận Văn Học,
nhưng chúng ta không có, xin để tạm vào phần này vậy.
Chị Ly có ý kiến khác xin tự tiện dời chỗ.
Cảm ơn nhiều. Ngọc Lý
 
Văn học đương đại Trung Quốc là rác?
Thứ tư, 6/6/2007, 17:18 GMT+7
 


(VieTimes) - Gần đây, trên các trang web lớn của Trung Quốc tới tấp đăng tải dòng tin: “Giáo sư Hán học người Đức gọi văn học đương đại Trung Quốc là rác rưởi”, đã thu hút sự chú ý của vô số học giả, bạn đọc và giới truyền thông, và ngay lập tức có một trận mưa bão những bài đáp trả.





Giáo sư Wolfgang Kubin
 
Điều này chắc tác giả của nó - giáo sư Hán học Đại học Bonn, Đức, Wolfgang Kubin – cũng không thể ngờ đến. Kubin là một trong những nhà Hán học nổi tiếng nhất nước Đức, và đặc biệt có uy tín trong lĩnh vực giới thiệu và nghiên cứu văn học hiện đại và đương đại Trung Quốc. Ông có rất nhiều bạn bè ở Trung Quốc, những người thân quen với ông đều nói “lão Cố” là một đại sư Hán học cẩn trọng, uyên bác và nghiêm túc. Vậy liệu ông có thể nói những lời gây “sốc” như báo chí đưa tin hay không? Sau đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn giáo sư do Tiếng nói nước Đức thực hiện.

Xin chào giáo sư Kubin. Gần đây, tại Bắc Kinh đã diễn ra Đại hội Hội nhà văn Trung Quốc và nhà văn Thiết Ngưng đã được bầu làm chủ tịch hội.Đây là vị chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc thứ ba, sau Mao Thuẫn và Ba Kim. Nghe nói khi ấy ông cũng đang ở Trung Quốc. Ông nghĩ thế nào về sự kiện này?
  

- Khi đó đúng là tôi ở Trung Quốc. Tôi không rõ lắm về chuyện này, có thể nói rằng, tất cả những nhà văn Trung Quốc mà tôi quen biết đều không coi trọng Hội Nhà văn. Đối với những nhà Hán học như chúng tôi, Hội Nhà văn có Chủ tịch mới không phải là vấn đề đáng quan tâm. 

Nói như vậy có nghĩa là, chủ tịch mới của Hội Nhà văn không cần thiết phải nổi tiếng nhất giống như Mao Thuẫn hay Ba Kim, hay nói cách khác không phải là người có thanh vọng cao nhất, phải vậy không?

Theo tôi, Hội Nhà văn không hề có chút hữu dụng hoặc điểm tốt nào. Ở Trung Quốc đại lục, bạn có thể hỏi mọi nhà văn, sẽ không có ai chủ động nhắc đến Hội Nhà văn. Không ai cả, một người cũng không. Nếu là một nhà văn Trung Quốc chân chính, chắc chắn không cần vào Hội Nhà văn. Nếu như có ai đó sau khi trở thành thành viên của hội này, mới trở thành một nhà văn vĩ đại, thì chắc chắn anh ta có vấn đề. Thông thường mà nói, một nhà văn hay không thể duy trì được bất cứ mối quan hệ nào với Hội Nhà văn.

Nghe nói gần đây ông có viết một báo cáo về những vấn đề tồn tại của văn học Trung Quốc thế kỷ XXI. Ông có thể cho biết tóm tắt nội dung báo cáo của ông hay không? Hay nói cách khác, mấy năm nay, văn học Trung Quốc đang tồn tại những vấn đề gì?  

- Tôi chỉ có thể đề cập đến một số vấn đề còn tồn tại của văn học Trung Quốc trong thế kỷ XX mà bản thân tôi cảm thấy. Ví dụ, nếu như lấy mốc 1949 để phân giới nhà văn Trung Quốc, thì chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, những nhà văn trước năm 1949 đều giỏi ngoại ngữ. Trương Ái Linh, Lâm Ngữ Đường, Hồ Thích... đều có thể viết văn bằng tiếng nước ngoài. Một số nhà văn giỏi nhiều ngoại ngữ, ví như Lỗ Tấn.

Sau 1949, về cơ bản, bạn không thể tìm được một nhà văn Trung Quốc nào thông thạo ngoại ngữ. Bởi vậy, anh ta không thể nhìn lại tác phẩm của mình từ một hệ thống ngôn ngữ khác. Ngoài ra, anh ta cũng không thể đọc được các tác phẩm ngoại văn. Anh ta chỉ có thể tiếp cận với những tác phẩm nước ngoài đã được dịch sang tiếng Trung. Bởi vậy, sự hiểu biết của nhà văn Trung Quốc về văn học nước ngoài cực kỳ kém, kém vô cùng.

Trước năm 1949, không ít các nhà văn cho rằng, học ngoại ngữ là cách để làm phong phú ngòi bút của mình. Nhưng nếu bạn hỏi một nhà văn Trung Quốc hiện nay vì sao không học ngoại ngữ, anh ta sẽ nói, ngoại ngữ chỉ có thể làm hỏng tiếng mẹ đẻ của tôi. Tại sao sau năm 1949, Trung Quốc lại không có một nhà văn vĩ đại nào, tại sao những nhà văn này chắc chắn không thể sánh được với các nhà văn trước năm 1949? Mấu chốt là ở đây, và đây thực sự là một vấn đề cực kỳ quan trọng. 
Theo ông thì đó là vấn đề duy nhất hay đó là vấn đề chủ yếu?

- Đó là vấn đề lớn nhất. Các nhà văn Trung Quốc khi ra nước ngoài phải hoàn toàn dựa vào những nhà Hán học chúng tôi, họ không thể nói được dù chỉ một câu tiếng nước ngoài. Hoàn toàn ỷ lại chúng tôi.
______________________

Wolfgang Kubin sinh năm 1945 tại thành phố Celle; giáo sư- chủ nhiệm khoa Hán học Đại học Bonn, chủ biên “Tạp chí Văn hóa Châu Á- Tạp chí phương hướng và tinh thần Trung Quốc- Miniama Sinica”. Trọng điểm nghiên cứu và phiên dịch của ông là văn học đương đại Trung Quốc. Tác phẩm và dịch phẩm chủ yếu: “Lịch sử văn học Trung Quốc thế kỷ 20” và 6 quyển tiểu thuyết tản văn tập của Lỗ Tấn...
_______________________

Ông có tìm hiểu về những tác phẩm mới xuất bản gần đây của Trung Quốc, ví dụ như “Lang đồ đằng” (Tôtem sói)?

- Đối với người Đức chúng tôi, “Lang đồ đằng” thuộc chủ nghĩa phát-xít. Cuốn sách này làm Trung Quốc bẽ mặt.

Còn một số tác phẩm của các tác giả khác, ví dụ như của các nhà văn nữ, như Miên Miên, Vệ Tuệ?

- Nực cười. Đó không phải văn học, đó là rác.

Vậy thì theo ông, ở Trung Quốc những năm gần đây có còn văn học tương đối đúng với ý nghĩa của nó?

- Về thơ thì vẫn còn. Trung Quốc có một số nhà thơ đáng nể. Ví dụ như Âu Dương Giang Hà, Tây Xuyên và Địch Vĩnh Minh... Vẫn còn nhiều người khác nữa. Điều này là chắc chắn.

Nhưng hiện nay Trung Quốc đang thảo luận vấn đề “phải chăng thơ ca đã chết?”. Ông thấy thế nào?

- Thơ ca làm sao có thể chết được? Nếu thơ ở Trung Quốc chết, thì cũng được, cứ để cho nó chết ở Trung Quốc đi, ở Đức, nó vẫn “sống”. Nếu như có một nhà thơ Trung Quốc đến Đức, chúng tôi sẽ giúp anh ta tổ chức hội thơ, đọc thơ, chắc chắn sẽ có 50, 100 người đến, chúng tôi khẳng định sẽ ra tập thơ cho họ. Nhà văn đương đại Trung Quốc xuất bản thi tập ở Đức rất nhiều. Thơ ca Trung Quốc ở Đức không thể chết được.

Thơ ca Trung Quốc hiện nay, so với thời kỳ những năm 80 của thế kỷ trước với Bắc Đảo, Dương Luyện thì sao, theo ông?

- Rất khó để so sánh, nhưng tôi thấy rằng bất luận là nhà thơ của những năm 80 hay 90 của thế kỷ trước đều không tồi, họ đều có tầm nhìn riêng, có ngôn ngữ riêng,... Cá nhân tôi cũng đặc biệt yêu thích thế hệ của Bắc Đảo. Nhưng tôi khá già rồi, vì thế, tôi cũng phải nghĩ tới những độc giả trẻ. Độc giả trẻ có lẽ thích đọc những đại biểu của thập niên 90. Ví dụ như Vương Gia Tân, Âu Dương Giang Hà, Địch Vĩnh Minh,...  

Hiện nay ở Trung Quốc, Hội Nhà văn đưa ra một kế hoạch, trong đó nói rằng phải dịch 100 tác phẩm Trung Quốc ra tiếng nướcngoài, để văn học Trung Quốc bước một bước dài ra với thế giới. Ông thấy kế hoạch này thế nào, có ý nghĩa không?

- Kế hoạch này có lẽ có ý nghĩa đối với nước Mỹ, với Đức thì không. Vì chúng tôi đã dịch hầu như tất cả các tác phẩm văn học Trung Quốc ra tiếng Đức rồi. Về cơ bản, nhà văn Trung Quốc, bất kể thời đại nào, tác giả nào cũng có bản dịch tác phẩm của mình ở Đức. Bởi vậy, chúng tôi không cần sự giúp đỡ này. Nhưng Mỹ thì khác, họ chắc chắn rất cần, vì họ dịch khá ít.




Cuốn "Lỗ Tấn" được dịch tại Đức

Hiện nay kinh tế Trung Quốc phát triển rất nhanh, nhiều người nói rằng, trong vòng 30-40 năm nữa, về kinh tế, Trung Quốc sẽ thay thế địa vị của Mỹ. Thế kỷ vừa qua, nước Mỹ phồn vinh, phát đạt và có ảnh hưởng lớn tới thế giới không chỉ riêng kinh tế, mà cả về văn nghệ, điện ảnh, âm nhạc đại chúng... rất nhiều phương diện khác nhau. Theo ông, liệu văn học Trung Quốc có thể phát triển nhanh chóng để phù hợp với địa vị kinh tế của họ không?

- Điều này thì chính người Trung Quốc phải xem lại mình, bởi vì, coi thường văn học Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc nhất không phải là người nước ngoài chúng tôi, mà chính là người Trung Quốc. Vấn đề nằm ở chính bản thân họ, người Trung Quốc về căn bản không dành cho văn học và văn hóa của mình một vị trí quan trọng.

Điều này nên lý giải thế nào?

- Tôi sẽ cho bạn một ví dụ rất đơn giản được chứ? Năm ngoái tôi có bài phát biểu ở Đức về lịch sử văn học Trung Quốc thế kỷ XX. Các trí thức Trung Quốc, bạn bè của tôi, trong đó có cả những nhà văn, khi biết tôi đang viết về văn học sử, tất thảy đều nói, anh đừng viết, chả có gì hay ho đâu, toàn rác rưởi cả.

Nói cách khác thì họ tự coi thường bản thân, hoặc giả, coi thường lẫn nhau?

- Đúng, bạn nói rất đúng, coi thường lẫn nhau.  

Khi Cao Hành Kiện đoạt giải Nobel văn học, ở Trung Quốc có khá nhiều phản ứng tiêu cực. Có phải đây cũng chính là vấn đề này chăng? Theo ông, Trung Quốc còn có thể đoạt giải Nobel văn học nữa không?

- Giải Nobel văn học là thứ yếu. Ai viết không hay thì mới mong nhận giải. Nếu viết được, thì cả đời chẳng cần hy vọng (giải) gì. Vì vậy, giải Nobel văn học cũng chỉ là rác rưởi mà thôi.  

Nếu như được nói với các nhà văn Trung Quốc vài câu, ông sẽ nói gì?

- Trước tiên họ nên nắm vững tiếng mẹ đẻ của họ. Tiếng Trung của đại bộ phận nhà văn Trung Quốc là không giỏi. Ngoài ra, họ nên học và lựa chọn cho tốt phương pháp viết. Đây là vấn đề lớn của các nhà văn Trung Quốc. Nhưng, cũng có thể, vấn đề cơ bản nhất là trong ý thức của họ có vấn đề, tầm mắt của họ cũng có vấn đề, giống như họ đang bị mắc kẹt trong một căn phòng nhỏ, không dám mở mắt ra nhìn thế giới. Vì vậy cho tới giờ, Trung Quốc vẫn chưa có tiếng nói riêng của mình, nhìn từ góc độ văn học là không có. Nước Đức đi tới đâu cũng có nhà văn, họ đại diện cho nước Đức, đại diện cho người Đức để trò chuyện. Vì thế nước Đức của chúng tôi có tiếng nói riêng. Nhưng tiếng nói của Trung Quốc thì ở đâu? Không có. Không tồn tại. Gan của nhà văn Trung Quốc quá nhỏ, hầu như không có.



Wolfgang Kubin


Nói cách khác, người như Lỗ Tấn bây giờ là không có?

- Đúng vậy. Lỗ Tấn vốn có những đặc tính tiêu biểu. Bây giờ bạn nhìn hộ tôi xem có nhà văn Trung Quốc nào như thế không? Không có.

Tình trạng này có quan hệ gì với bối cảnh xã hội của Trung Quốc hiện nay không?Hay nói cách khác, liệu có hay không sự khống chế về ý thức?

- Cũng có thể. Nhưng không nên kêu rằng điều kiện khách quan không cho phép. Tôi nghĩ rằng nhà văn Trung Quốc không nên cứ nói điều kiện lịch sử không cho phép, nên tôi thế này, thế kia, tôi thấy nực cười. Bởi, nếu như anh ta là một nhà văn chân chính, anh ta không cần nghĩ đến tương lai anh sẽ vấp phải khó khăn gì, anh ta nên trò chuyện, nói bằng giọng riêng của mình như Lỗ Tấn và Lâm Ngữ Đường trước kia đã từng làm.  

Từ thế kỷ XX sang thế kỷ XXI, ông cho rằng những ai trong số các nhà văn Trung Quốc có thể coi là vĩ đại?

- Nói cái này bây giờ e rằng quá sớm. Bạn cần phải có một khoảng cách ít nhất 50 năm, mới có thể nhìn lại, để xem ai tương đối vĩ đại, nếu như thật sự có người như thế thật. Lỗ Tấn chắc chắn là một nhà văn vĩ đại. Trước năm 1949 còn có những người khác. Sau năm 1949 đến nay chắc chắn không có.

Bắc Đảo, Cao Hành Kiện cũng không phải? 

- Cao Hành Kiện? Nực cười! Bắc Đảo thì có thể suy nghĩ. Vì anh ta là người dũng cảm. Nhưng bạn đừng quên, anh ta mới 50 tuổi.

Nhuệ Anh (Dịch từ http://culture.people.com.cn


http://vietimes.com.vn/vn/vanhoa/702/index.viet
<bài viết được chỉnh sửa lúc 14.06.2007 05:27:56 bởi Ngọc Lý >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9